Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 6 - Thọ Nạn

trước
tiếp

Thân thế cha con họ Mạc cũng thần bí không kém gì Y Tâm giáo chủ.

Lại nói về trận chiến trong rừng trúc. Lúc Lữ Toàn Long rời khỏi cuộc đấu được nửa giờ thì diễn biến đã lên đến hồi đỉnh điểm.

Đám người áo đen đông gấp ba lần đám người bạch đạo nên càng đánh càng chiếm ưu thế. Viên Minh đại sư đã trọng thương. Tăng nhân trẻ tuổi của Phật Quang Tự cũng đã chết.

Viên Thông phương trượng lúc đầu đấu với Trương Kiến Đức thì cầm đồng nhưng về sau Trương Kiến Đức được hai người áo đen giúp sức nên càng đánh càng rơi vào thế hạ phong.

Làm sao không rơi vào thế hạ phong khi hai người áo đen kia chính là Thôi Lãnh và Phong Thủ, hai cao thủ hắc đạo có tiếng, từ năm năm nay đã đầu nhập Nhất Phẩm Đường của Y Tâm Giáo.

Về võ công, Thôi Lãnh và Phong Thủ nếu liên kết thì trong nhất thời không thắng được Trương Kiến Đức nhưng nếu kéo dài trên ba trăm chiêu thì có thể chiếm ưu thế được vài phần. Cho nên khi ba người họ liên kết vây công thì thực lực đã tăng hơn hai lần. Do đó, Viên Thông đại sư rơi vào thế hạ phong thì cũng không có gì lạ.

Tuy nhiên, Phật Quang Tự vốn lừng danh võ lâm với thất thập nhị huyền công, dẫu chưa từng có tăng nhân nào có thể luyện thành tất cả các môn trên nhưng Viên Thông phương trượng ngoài Kim Sa Chưởng, Thiết Bố Sam, còn luyện thành cả Nhất Chỉ Thiền Công.

Công phu trên là loại âm công cực độc, chỉ được truyền dạy cho một số đệ tử Phật Quang Tự hội đủ ba đức tính: cần, nhẫn, thiện. Ngoài ra, tăng sinh cũng phải là người thông minh trong muôn người.

Tại sao lại chỉ truyền cho những người cần, nhẫn, thiện, minh?

Thứ nhất, Nhất Chỉ Thiền là loại công pháp luyện ngón tay cứng như dùi sắt. Ngoài ra cũng là phương pháp luyện nội lực lưu chuyển ra đầu ngón tay, cách không đả thương đối thủ, thường được dùng để đánh vào các huyệt đạo trên người đối thủ. Khi chỉ lực được phóng ra, chưa chạm vào người thì đối phương đã trọng thương, còn chạm vào tử huyệt chỉ có nước bỏ mạng.

Bởi vì là loại âm công cực độc cho nên chỉ truyền cho những người có thiện tâm, biết nhẫn nhục để tránh sử dụng vào những chuyện tà ác.

Thứ hai, Nhất Chỉ Thiền là loại công pháp bao hàm cả ngoại gia lẫn nội gia. Người muốn luyện thành đều phải thuộc loại sáng dạ mới có thể phối hợp nhuần nhuyễn cả ngạnh công và nội lực. Công phu này cũng tương đối giống với Long Vân chỉ công của Vô Địch Thần Môn nhưng cách lưu chuyển nội lực có khác nhau.

Có lẽ sự khác nhau còn nằm trong cả giáo lý tu Phật và luyện Đạo của hai bên. Nhưng mục đích đều cùng truy tầm lẽ vô vi thanh tĩnh của bản ngã.

Tương truyền chỉ có Đạt Ma tổ sư là người có thành tựu cao nhất trong Nhất Chỉ Thiền Công. Nghe nói rằng ngài là người duy nhất luyện thành Nhất Chỉ Thiền cả mười đầu ngón tay. Cho nên khi giao đấu, dẫu không dùng binh khí ngài vẫn có thể tay không đoạt binh khí của đối phương như thường. Còn Viên Thông đại sư hiện nay chỉ luyện được hai đầu ngón trỏ.

Tuy vậy đã là thành tựu hơn người, vì Phật Quang Tự bảy mươi năm trở lại đây chưa có ai luyện thành môn công phu này cả.

Nhờ vậy mà Viên Thông đại sư mới kéo dài được cuộc đấu tới bây giờ.

Ba người Trương Kiến Đức, Phong Thủ, Thôi Lãnh dùng chiến thuật vây công nên mỗi khi Trương Kiến Đức lùi thì hai người Phong Thủ, Thôi Lãnh lại tiến, nên khi Trương Kiến Đức dùng thiết trảo tấn công thì Viên Thông liền dùng tả thủ phát Kim Sa Chưởng để đáp trả. Tuy nhất thời mất phần tiện nghi nhưng công cực năm mươi năm của Viên Thông vẫn đủ để chịu đựng kình lực của Thập Tam Thiết Trảo.

Còn khi Phong Thủ, Thôi Lãnh tấn công thì lão liền phát Nhất Chỉ Thiền để tấn công vào huyệt đạo của đối phương, khiến đối phương phải phòng thủ từ xa. Phong Thủ, Thôi Lãnh lại sở trường cận chiến, sử dụng quyền cước nên khi Viên Thông hòa thượng dùng Nhất Chỉ Thiền thì chúng không thể nào nhập nội được cho nên dù đánh ngoài tám trăm chiêu mà Viên Thông vẫn cố gắng cầm đồng được với ba người họ. Tuy nhiên, hơi thở của lão cũng đã gấp gáp. Viên Thông biết mình chỉ cầm cự được ngoài trăm chiêu nữa thôi.

Đám người áo đen chỉ tập trung những cao thủ để vây công Viên Thông đại sư và Mộc Tinh Linh đạo nhân nên mấy người Viên Minh, Trần Hy, Hồng Nương Tử có phần dễ thở hơn.

Viên Minh đã bị trọng thương ở bả vai phải lúc đấu với Trương Kiến Đức nên lúc này lão phải dùng tay trái để cầm thiền trượng. Do đó, trượng pháp mất đi uy lực khá nhiều.

Tuy vậy, lão vẫn hạ sát được bốn tên áo đen, đổi lại ngực lão cũng bị một đao chém trúng.

Bên phía Trần Hy thì khá hơn. Có lẽ vì Vô Địch Thần Môn ở vương quốc Cao Miên ngăn sông cách đò, bọn người áo đen chưa từng chạm trán nên hơi xem thường lão.

Trần Hy tay trái dùng Long Vân chỉ công, tay phải dùng Yến Vũ kiếm pháp nên uy lực rất dữ dội. Thoáng chốc Trần Hy đạo trưởng đã hạ sát hơn mười người.

Hồng Nương Tử sử dụng mười hai đường tiên. Loại tiên của Hồng Nương Tử là loại nhuyễn tiên, tuy về cường lực không bằng với cửu tiết tiên kim loại của Nguyễn Đăng Bảo nhưng lại rất hữu hiệu trong trong việc đánh vào các huyệt đạo. Hồng Nương Tử lại là bậc thầy trong tiên pháp hiện nay nên ngọn tiên trong tay Hồng Nương Tử mỗi khi vũ lộng lên lại giống như thần long giỡn nguyệt, uy mãnh khôn cùng. Bộ pháp của cô ta lại nhanh lẹ hiếm thấy.

Ba tên đại hán râu ria xồm xoàm cầm đại đao vây Hồng Nương Tử lại, ánh mắt lộ vẻ dâm tà. Dưới ánh trăng lờ mờ, một thân ảnh đỏ rực lóa mắt phất phơ trước gió, đẹp đẽ vô cùng. Tay phải Hồng Nương Tử cầm nhuyễn tiên, đứng sừng sững như thần nữ. Đêm phương Nam gió lạnh, dung nhan diễm lệ của nàng khiến bất kỳ ai nhìn thấy đều phải sững sờ.

Ba tên cầm đao từ phía sau vừa bổ tới, nàng liền ngã người ra sau, hữu thủ phất một cái, ngọn tiên liền phóng ra phía sau cuộn lấy ba thanh đao. Ba thanh niên áo đen thấy thế thì vừa thẹn vừa kinh. Bị mất vũ khí, chúng liền tung song chưởng đánh tới. Hồng Nương Tử liền giật hữu thủ, ngọn nhuyễn tiên còn đang trên không liền quật lại, bắn ra ba thanh đao, cắm sâu vào yết hầu của chúng.

Chúng ngã gục xuống mà không kịp nhắm mắt. Dường như chúng không thể tin rằng mình bị giết bởi một người phụ nữ trông yếu đuối như vầy. Đám người áo đen đứng gần thấy vậy thì kinh hãi không kém. Nhưng bất chấp tính mạng, chúng vẫn chia bảy người vây đánh Hồng Nương Tử.

Giờ này, chúng đã biết bản lãnh nàng nên tên nào tên nấy đều ra những đòn hiểm độc. Hồng Nương Tử nhờ ngọn tiên dài nên đánh cho chúng tối mặt tối mũi không thể nào cận chiến được. Thoáng chốc, bốn tên đã ngã xuống. Thấy vậy bốn tên khác liền bổ sung vào.

Chúng thấy đánh với nàng không ăn, liền đổi chiến thuật xa luân chiến. Vì vậy mà Hồng Nương Tử bị cầm chân khá lâu.

Đột nhiên bên kia “ối chao” lên một tiếng, thì ra một người áo đen đã trúng một kiếm của Mộc Tinh Linh đạo trưởng ngay tim. Đám người bạch đạo thấy vậy thì phấn chấn hẳn lên, đánh ra chiêu nào chiêu nấy đều trầm hùng, kín kẽ.

Tuy vậy, nếu tiếp tục kéo dài trận đấu thì chắc chắn bọn người bạch đạo sẽ thua.

Tuy nhiên, lúc ấy có một biến cố xảy ra ngoài

dự liệu.

Từ ngoài rừng trúc phóng vào mười thớt ngựa. Đám người bạch đạo giật minh lo lắng vì nếu những kẻ mới đến là viện binh của bọn Trương Kiến Đức thì cục thế càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cờ hiệu Tứ Đại Kiếm Trang thì họ mới thở phào nhẹ nhõm. Người dẫn đầu là Trịnh Phích Tinh của Tích Kiếm Trang. Bốn người nữa là Đinh Công Chính, Phùng Phi Long, Lý Lâm Nhân, năm người còn lại là những trang đinh của Tích Kiếm Trang.

Đám người bạch đạo nhận ra Phùng Phi Long, Đinh Công Chính nên hai bên liền phối hợp tấn công đám người áo đen.

Sự xuất hiện của bọn người Tứ Đại Kiếm Trang khiến cục thế nghiêng hẳn về phe bạch đạo. Bọn áo đen bị đánh cho tử thương vô số.

Ba vị thủ lãnh cũng đã bị thương, lại thấy đám thủ hạ của mình chỉ còn hơn mười người nên liền ra lệnh rút lui.

Đám người bạch đạo cũng không truy đuổi, chỉ tập trung cứu chữa những người trọng thương phe mình.

Viên Thông đại sư chấp tay niệm Phật hiệu:

– A Di Đà Phật! Xin đạ tạ Phùng trang chủ cùng các vị anh hùng đã tương trợ kịp lúc.

Rồi lão hướng mắt về Trịnh Phích Tinh hỏi:

– Các hạ đây là…?

Phùng Phi Long nói:

– Đây chính là Trịnh Phích Tinh huynh đệ, tổng quản Tích Kiếm Trang. Nhưng có lẽ từ nay gọi là Tề Thiên Lang thì đúng hơn.

Phùng Phi Long thấy Viên Thông đại sư không hiểu liền giải thích qua loa:

– Trịnh Phích Tinh là Tề Thiên Lang của Tích Lịch Môn mười mấy năm trước. Tuy nhiên, chuyện này trong một lúc không thể nói rõ được, chúng ta hãy về Tích Kiếm Trang rồi nói sau cũng không muộn. Còn đây là Lý Lâm Nhân, con trai của Hướng trang chủ.

Tả Phi Long chỉ sang Lý Lâm Nhân.

Tề Thiên Lang nói với mọi người:

– Các vị hãy về Tích Kiếm Trang nghỉ ngơi. Hơn nữa trang chủ cũng muốn mời mọi người hội kiến.

Ai nấy đều gật đầu đồng ý.

Nhưng khi Tề Thiên Lang vừa xoay người thì gã đột nhiên nghe tiếng ngựa hí vang. Một con ngựa trong rừng trúc phóng về phía Tề Thiên Lang. Tề tổng quản nhận ra con ngựa.

– Ồ, Thiên Lý Truy!

Con ngựa cũng nhận ra gã, hí vang rồi dụi đầu vào đầu con ngựa Tề Thiên Lang đang cưỡi.

Thì ra con Thiên Lý Truy của Lữ Toàn Long và con ngựa của Tề Thiên Lang cùng được nuôi dưỡng tại Tích Kiếm Trang từ nhỏ. Mười năm trước, Lữ Toàn Long cỡi Thiên Lý Truy rời khỏi Gia Định thành. Tuy đã lâu nhưng ngựa vốn là loài thông minh nên vẫn nhận ra bạn cũ.

Đinh Công Chính hỏi:

– Đây có phải là bảo mã của Lữ nhị gia?

Tề Thiên Lang:

– Chính là Thiên Lý Truy của nhị lão gia. Nhưng ngựa ở đây, còn nhị lão gia đâu rồi?

Mọi người tìm xung quanh một lát vẫn không phát hiện tung tích gì liền quyết định để lại ký hiệu rồi phóng về hướng Tích Kiếm Trang.

Đây là ký hiệu liên lạc của Tích Kiếm Trang. Nếu Lữ Toàn Long quay lại thì chàng sẽ biết.

Thiên Lý Truy là giống ngựa nhập từ Ả Rập, hiếm có trong thiên hạ. Lữ Toàn Long lại huấn luyện rất nghiêm khắc, chỉ một mình Lữ Toàn Long mới cưỡi được. Hơn nữa mỗi khi Lữ Toàn Long rời ngựa thì nó sẽ tìm chỗ kín mà ẩn mình. Khi chàng muốn gọi thì chỉ cần huýt sáo một tiếng, nó nghe tiếng gọi của chủ nhân mà xuất hiện. Nhưng vì nhận ra bạn cũ sau mười mấy năm xa cách nên mới dám xuất hiện.

Lúc mọi người về đến Tích Kiếm Trang đã là canh ba, vầng trăng lờ mờ ở góc trời phía tây.

Tích Kiếm Trang lúc này đèn lửa sáng choang, canh phòng nghiêm ngặt.

Trận chiến lúc chiều tại Tích Kiếm Trang cũng như trận chiến đêm nay trong rừng trúc tuy chưa thể được liệt vào những trận chiến khốc liệt mà giang hồ từng trải nhưng kẻ thù trong tối, ta ở ngoài sáng, thực lực của chúng vẫn là ẩn số nên dù thế nào cẩn thận một chút vẫn hơn.

Đám người bạch đạo hiện tại chỉ còn lại Viên Thông, Viên Minh, Trần Hy, Mộc Tinh Linh hai vị đạo trưởng và Hồng Nương Tử. Còn tất cả các đệ tử đều thảm tử. Tuy vậy, số người bên đối phương chết cũng không ít, cho nên cũng có thể nói mạng sống của những người ngã xuống đã được đổi lại xứng đáng.

Lữ Toàn Trung hội kiến nhanh cùng mấy vị anh hùng và giúp mọi người trị thương. Viên Thông đại sư cũng như những người khác hiện rất muốn gặp Nguyễn Đăng Bảo để hỏi về vụ thảm sát Võ Lâm Đệ Nhất Bảo năm xưa cũng như cuộc sống bao nhiêu năm nay của chàng. Tuy nhiên lúc này Nguyễn Đăng Bảo lại đột ngột thất tung. Mọi người chia nhau tìm khắp trong trang viện đã nửa giờ rồi mà vẫn không tìm thấy.

Sau một trận chiến khốc liệt, ai nấy cũng đều muốn nghỉ ngơi dưỡng sức nên tạm thời gác chuyện tìm chàng lại.

–––

Mọi người tìm Nguyễn Đăng Bảo không được bởi vì một giờ trước chàng đã rời khỏi Tích Kiếm Trang, phi thân về hướng thủy miếu.

Hôm qua khi nhập thành Gia Định, khó khăn lắm mới tìm được đến Tích Kiếm Trang. Buổi chiều lại đánh nhau một trận với bọn Trương Gia Tứ Tướng. Tới lúc này trời đã khuya, Nguyễn Đăng Bảo mới sực nhớ tới tiểu cô nương họ Lục.

“Bây giờ có lẽ nàng đói lắm” – Nguyễn Đăng Bảo thầm nghĩ.

Một cô gái như nàng làm sao có thể chịu đựng đói rét thiếu thốn, hơn nữa nhỡ gặp phải cường đạo thì làm thế nào. Tuy nàng là conn gái kẻ thù nhưng dù sao chàng vẫn là người có lương tâm nên không thể nào không lo lắng được. Chàng vội lấy một ít thức ăn từ nhà bếp Tích Kiếm Trang rồi phi thân về hướng nam, chừng hai giờ đã tới mé sông. Phía trước đã thấy tàng cây um tùm che khuất ngôi thủy miếu.

Đêm trường cô quạnh, bốn bề côn trùng kêu rỉ rả.

Khung cảnh càng tĩnh mịch càng khiến người ta dễ nảy sinh cảm xúc, nhưng là thứ cảm xúc thê lương.

Cuộc đời Nguyễn Đăng Bảo hai mươi mấy năm qua là những chuỗi ngày bi lệ. Chàng được thái quản gia cứu lấy, rồi hai người ẩn mình trong chốn thâm sơn cùng cốc thuộc trấn Hà Tiên. Nguyễn Đăng Bảo gọi người ấy là nghĩa phụ. Bao nhiêu năm qua, giữa hắn và nghĩa phụ tình thân như ruột thịt, đói lạnh có nhau. Thỉnh thoảng họ cũng chài lưới đánh bắt thủy sản, mang ra thôn làng đổi lấy ít thực phẩm và quần áo.

Bao nhiêu võ công của chàng đều do thái quản gia Lý Thanh Sơn truyền cho. Thái quản gia năm xưa lại được cha chàng là Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn truyền thụ một số chiêu thức trong Nguyễn gia chưởng. Vì vậy, tam sao thất bổn nhiều lần thành ra những gì chàng học được từ thái quản gia đều không phải là võ học chánh tông lừng danh của Võ Thánh.

Tuy nhiên, Nguyễn gia chưởng dù gì vẫn là võ công danh gia nên đối với bọn cao thủ hạng ba trên giang hồ chàng vẫn thừa sức đối phó.

Nguyễn Đăng Bảo bước vào trong thủy miếu. Bên trong là một màu tối đen như mực. Chàng lớn tiếng gọi:

– Lục cô nương!

Chàng vừa gọi xong ba tiếng “Lục cô nương” thì bên trong thủy miếu bỗng nhiên đèn lửa sáng choang. Là ánh sáng của đuốc, được cầm trên tay của mười đại hán. Tên nào tên nấy đều cầm loan đao, dưới ánh đuốc hắt lên những tia sáng chói mắt.

Có mười đại hán khác cũng cầm đao, nhanh chóng chia ra hai hàng, vây Nguyễn Đăng Bảo lại. Nguyễn Đăng Bảo toát mồ hôi, chàng biết mình đã rơi vào mai phục.

Nguyễn Đăng Bảo quát:

– Lục cô nương đâu rồi?

Một người trong bọn họ nói:

– Công tử yêu tâm, tiểu thư đã về phủ. Lục đại hiệp cũng muốn mời công tử về Lục phủ nói chuyện.

Người nói là một hán tử khoảng ba mươi lăm, không cầm vũ khí.

Nguyễn Đăng Bảo yên tâm trong lòng vì bọn này đã là người của Lục phủ thì chuyện của Lục Linh Đan cũng không có gì đáng ngại. Nhưng khi nghe đến ba chữ “Lục đại hiệp”, chàng hừ lạnh:

– Phải gọi là Hắc Phiêu mới đúng chứ. Các ngươi không cần phải mời vì sớm muộn gì ta cũng sẽ tới giết hắn.

Người kia nói:

– Khẩu khí cũng lớn lắm. Công tử đã biết Lục lâu chủ chính là Hắc Phiêu. Vậy đêm nay chúng tôi phải mời bằng được công tử.

Nguyễn Đăng Bảo ngắt lời:

– Được, các ngươi lên hết đi!

Người kia phất tay, lập tức có ba tên vung đao nhảy bổ về Nguyễn Đăng Bảo. Chàng di chuyển xéo qua tay trái, nhằm gã tới trước, tay trái xuất ra một chưởng. Gã sử dụng đao chưa kịp biến chiêu, chưởng phong của Nguyễn Đăng Bảo đã quét vào ngực. Gã rú lên một tiếng, người đã bắn vào góc tường, hộc ra một ngụm máu, tắt thở liền.

Lúc này, đao của người thứ hai đã chém vào be sườn của chàng. Nguyễn Đăng Bảo liền nhảy lên một cái, hữu chưởng lật xuống chụp lấy sống đao của người kia làm điểm tựa, lộn một vòng qua bên kia. Gã đại hán thấy thân pháp của Nguyễn Đăng Bảo nhanh quá thì hơi chột dạ, liền lật lưỡi đao lại.

Gã định chém vào cánh tay phải của chàng.

Nhưng gã chỉ kịp dừng lại ở ý định bởi vì cổ tay đã bị tả thủ Nguyễn Đăng Bảo chụp trúng. Nguyễn Đăng Bảo vận nội công bóp mạnh, cổ tay của người sử dụng đao tức khắc vỡ nát. Gã hét lên một tiếng kinh hãi. Chàng bồi thêm một cước, gã đại hán liền bắn ra xa, không còn thốt thêm được tiếng nào nữa.

Người thứ ba đao đang đà chém xuống đầu Nguyễn Đăng Bảo thì thấy cảnh tượng của đồng bọn, lại nghe tiếng thét kinh hãi thì cảm thấy ớn lạnh, thế đao liền chậm lại.

Thừa cơ ấy, Nguyễn Đăng Bảo xuất luôn một tả chưởng vào lồng ngực người ấy. Kẻ sử dụng đao liền như diều đứt dây, văng ra xa. Xương lồng ngực của gã đã gãy nát dưới Nguyễn gia chưởng, cổ họng liền trào ra một dòng máu, chết nốt.

Chỉ trong một tích tắc mà chàng đã hạ sát ba người khiến đám đại hán còn lại kinh hãi, ngẩn người ra.

Gã thủ lãnh nói:

– Kể ra ngươi cũng có chút bản lãnh.

Rồi gã phất tay, lần này có hai người tiến lên. Hai gã này thấy cái chết của ba đồng bọn liền ra những thế đao hiểm hóc, chém vào những tử huyệt của Nguyễn Đăng Bảo. Nhưng võ công của chúng cũng không hơn gì ba tên kia nên nhanh chóng bị chàng hạ sát.

Gã thủ lãnh nói:

– Được, để ta lãnh giáo bản lãnh của công tử xem sao.

Gã vận kình lên đôi tay, chầm chậm tiến tới. Tuy chậm nhưng mỗi bước chân của gã đều ẩn chứa sát cơ. Rồi đột nhiên gã phóng người lên cao, tung ra song chưởng nhằm vào đầu của chàng. Âm kình từ song chưởng phát ra lạnh toát, cuồn cuộn như ba đào đổ về phía trước. Nguyễn Đăng Bảo biết người này là một cao thủ.

Chàng lùi lại ba bước nhưng kình phong của người kia vẫn quét tới như vũ bão, nghe rát cả da mặt.

Song chưởng của gã không giống lối chưởng pháp thường thấy trên giang hồ.

Tả chưởng quét qua phải, hữu chưởng quét qua trái, rất giống hai lưỡi kéo đang cắt. Nguyễn Đăng Bảo tiếp tục lui về phía sau. Song chưởng của người kia lúc này vẫn như lưỡi kéo ào ào cắt tới.

Nguyễn Đăng Bảo liền phóng người lên cao, như thiên mã hành không lướt tới, tả hữu đồng thời xuất ra song chưởng, nhằm song chưởng của người kia chặn lại. Mười hai thành công lực cuồng cuộn vận ra song chưởng.

Bình một tiếng, Nguyễn Đăng Bảo đã chặn được lưỡi kéo chưởng của người kia. Người kia hơi bất ngờ, tuy nhiên gã lại tiếp tục phát chưởng, lưỡi kéo chưởng tiếp tục cắt tới.

Nguyễn Đăng Bảo vung song chưởng, đánh ra một chiêu Lưỡng Long Tranh Châu, chưởng phong dệt thành một màng lưới chưởng ngăn lưỡi kéo của người kia lại. Song chưởng của người kia đang cắt tới, bỗng gặp màn lưới chưởng liền sững lại. Nguyễn Đăng Bảo tái mặt vì công lực của người kia cao hơn chàng một bậc. Người kia quát lớn, công lực tiếp tục ào ạt truyền ra song chưởng. Nguyễn Đăng Bảo rốt cục không đủ công lực, lưới chưởng lập tức bị chưởng phong của người kia cắt nát.

Bình, Nguyễn Đăng Bảo bị đẩy văng ra sau ba trượng.

Người kia lại phát chưởng đánh tới. Nguyễn Đăng Bảo liền biến chiêu sử ra một chiêu U Minh Giới Chưởng. Lúc này, song chưởng của người kia đã chạm vào song chưởng của chàng.

Bình một tiếng lớn, Nguyễn Đăng Bảo lại bị chưởng lực người kia đánh văng vào tường, lập tức thổ ra một ngụm máu tươi.

Đại hán thủ lãnh cười hắc hắc. Nếu chàng có thêm năm năm công lực nữa thì có lẽ đã hóa giải được thế chưởng của người kia.

Người áo đen nói:

– Nguyễn gia chưởng không hổ là danh chưởng. Tuy nhiên ngươi không phải là đối thủ của ta.

Nguyễn Đăng Bảo chỉ mới học được vài chiêu trong chưởng pháp Nguyễn gia, công lực lại không đủ, nào phải là đối thủ của hắn. Chàng đảo mắt một vòng, liền rút cây cửu tiết tiên, đánh vào hai người cầm đuốc gần đấy.

Hai người đó rú lên đau đớn, hai cây đuốc cũng rớt xuống đất, ngọn lửa tắt ngóm.

Tên thủ lĩnh quát lớn:

– Chặn hắn lại!

Đám thủ hạ như biết ý thủ lĩnh mình. Gã chưa nói hết câu, chúng đã chặn ngay cửa không cho chàng xông ra.

Nguyễn Đăng Bảo rút cây cửu tiết tiên vung lên, ngọn tiên xoáy thành một vòng tròn cuốn tới hai tên cầm đao ngay cửa. Người chàng lúc này cũng đang ở trên không, thế tiên vũ bão khôn cùng. Tên đại hán liền lật lại lưỡi đao, ngọn tiên trượt qua.

Gã đại hán thở phào vì gã biết nếu ngọn tiên của Nguyễn Đăng Bảo mà cuộn được cán đao thì gã đã bị đoạt mất binh khí. Nhưng gã thở phào như vậy thì hơi sớm quá, vì ngọn tiên vừa trượt qua thì Nguyễn Đăng Bảo đã sử dụng một chiêu Hồi Mã Tiên, cánh tay liền giật lại một cái. Chỉ thấy ngọn tiên cong lại, như một con mãng xà từ phía sau quay ngoắc lại.

Đốt tiên thứ chín như đầu mãng xà, đâm về mi tâm của đại hán. Gã đại hán giật nảy mình, nhưng không còn kịp nữa, liền rú lên một tiếng kinh hãi. Ngọn tiên đã cắm thẳng vào mi tâm gã. Ngọn tiên vừa được rút ra, máu đã trào ra ướt cả mặt, liền lảo đảo ngã xuống.

Gã đại hán này vừa ngã xuống thì đã có hai gã khác nhào lên. Chúng khua đao chém vào hạ bàn Nguyễn Đăng Bảo.

Chàng rút ngọn tiên khua thành một vòng tròn xuống đất nhưng hai tên này võ công cao hơn mấy tên kia nên đã dùng Địa Đường Thân Pháp tránh né ngọn tiên.

Đao phong phía sau ập tới, chàng thụp người lùi ra sau, một lưỡi đao liền trượt qua. Nguyễn Đăng Bảo tung ra một Hồi mã cước, trúng vào ngực một đại hán vừa lén tập kích. Tên kia đau quá, đao đã rớt khỏi tay.

Nguyễn Đăng Bảo không ham đánh nữa, lập tức phóng về phía cửa. Ngọn tiên trên tay chàng cũng quét tới. Bọn đại hán đã biết uy lực tiên pháp của chàng nên hơi úy kỵ, chưa kịp ra chiêu thì chàng đã lướt tới gần cửa.

Nhưng chưa tới cửa thì chàng đã cảm thấy một luồng sát khí lạnh toát từ đằng sau bổ tới.

Nguyễn Đăng Bảo liền giật ngọn tiên đánh vòng ra phía sau.

Choang lớn một tiếng, hổ khẩu chàng bị chấn lực, đau như thể nứt toác.

Thì ra từ phía sau, thủ lãnh bọn đại hán đã giật lấy một thanh đao phóng về phía Nguyễn Đăng Bảo. Chàng cản được một truy đao của đối phương thì thân pháp đã chậm lại.

Chàng toát mồ hôi hột, vì nếu không nhờ cửu tiết tiên làm từ thép cứng và đòn Hồi mã tiên ảo diệu thì đã ăn một đao của người kia.

Người thủ lãnh quát lớn:

– Lưới trận!

Sáu tên đại hán liền lôi ra sáu tấm lưới, cứ hai người cầm một tấm. Là loại lưới đan bằng sợi thép, lỗ nhỏ đến nỗi mũi kiếm đâm qua cũng không lọt. Năm tên đại hán còn lại cầm đuốc soi, còn gã thủ lãnh thì đã chặn ngay cửa.

Sáu tấm lưới chia thành hai vòng tròn, ngoài và trong mỗi vòng ba tấm.

Hai vòng tròn chạy ngược chiều nhau. Nếu đám người này không phải là những đại hán to khỏe thì không thể nào nhấc nổi tấm lưới nặng thế này.

Hai vòng tròn nhanh chóng khép lại. Nguyễn Đăng Bảo la hoảng “không hay” trong lòng. Ngọn tiên trên tay chàng lập tức vũ lộng, tiên chạm vào màn lưới, lực đạo rất mạnh khiến tia lửa bắn tung tóe.

Nhưng những sợi thép vừa cứng vừa dẻo dai. Hơn nữa lưới là một cấu trúc đặc trưng, lực tác động vào sẽ được chia đều nên dù cho đao kiếm chém vào cũng không đứt, huống hồ là ngọn cửu tiết tiên của chàng.

Đám đại hán phối hợp thuần thục lắm, hai vòng tròn lưới chạy ngược chiều nhau càng lúc càng nhanh khiến chàng hoa cả mắt. Nguyễn Đăng Bảo phi thân lên cao, định vượt vòng vây ra ngoài thì sáu gã đại hán vòng tròn bên trong cũng phóng lên cao. Rõ ràng là phương pháp dùng lưới này chúng rất thần thục. Nguyễn Đăng Bảo đá liên hoàn cước vào tấm lưới tính mượn chấn lực vượt qua, nhưng tấm lưới chỉ bị hóp lại, hấp thu cước lực của chàng khiến ý định không thành.

Mấy tấm lưới phía sau liền chụp tới, khiến vòng tròn càng lúc càng nhỏ.

Nguyễn Đăng Bảo lại vung thanh cửu tiết tiên đánh vào mấy tấm lưới nhưng chúng vẫn không hề hấn gì. Hai vòng tròn lúc này đã chật đến mức không thể thi triển quyền cước gì được nữa.

Rốt cục chàng cũng đã bị sáu tấm lưới chụp lấy, cuộn tròn như một cái bồ cuốn. Lúc này nhìn gã không khác gì một con cá lớn bị mắc lưới.

Người thủ lãnh nói:

– Phiền công tử chịu khó một lát.

Nguyễn Đăng Bảo nói:

– Dùng thủ đoạn bỉ ổi như các ngươi ta không có gì để nói nữa.

Người thủ lãnh áo đen không quan tâm lời của Nguyễn Đăng Bảo, phất tay:

– Mang hắn đi!

Bọn thủ hạ bước tới, tính khiêng Nguyễn Đăng Bảo về Lục phủ thì đột nhiên nghe mấy tiếng “véo véo” rồi đèn lửa vụt tắt. Lại có mấy tiếng “phịch phịch” như tiếng người ngã xuống.

Lúc này, trong thủy miếu xuất hiện một giọng nói:

– Hượm đã!

Một cây đuốc được châm lên, cầm đuốc là một người áo đen chừng ba mươi tuổi, đứng lên cạnh là một người áo đen nữa nhưng già hơn, khoảng hơn sáu mươi tuổi. Gã thủ lĩnh đã phát hiện bọn thủ hạ của mình đều nằm mê man, cả Nguyễn Đăng Bảo cũng không còn biết gì. Thủ pháp ném ám khí điểm huyệt của hai người áo đen này thật quá cao siêu.

Nếu Nguyễn Đăng Bảo không bị ám phí phóng trúng huyệt đạo thì có lẽ chàng sẽ nhận ra thanh âm rất quen thuộc của người áo đen này.

Người áo đen trẻ tuổi nói:

– Có thể né được ám khí của ta, ngươi cũng có chút bản lãnh.

Thủ lãnh bọn đại hán không nhận ra được lai lịch đối phương, nói:

– Hừ, các ngươi là ai mà dám xía vào chuyện của Lục phủ?

Thanh âm của người áo đen lớn tuổi:

– Thủ pháp bắt người bằng lưới là của Thần Ngư Đường. Chưởng pháp mà ngươi sử dụng lúc nãy lại là Bát Phong Chưởng. Nếu ta đoán không lầm thì ngươi chính là Diệp Vô Tâm – đường chủ Thần Ngư Đường của Y Tâm Giáo.

Tên thủ lãnh nghe hai người áo đen nói toạc lai lịch của mình thì tái mặt.

Thì ra thủ lãnh của đám đại hán này chính là Diệp Vô Tâm, một trong những đường chủ của Y Tâm Giáo. Diệp Vô Tâm thành danh trên giang hồ với Bát Phong Chưởng uy mãnh, trong đó có tuyệt chiêu song chưởng lưỡi kéo mà lúc nãy Nguyễn Đăng Bảo đã giao thủ. Diệp Vô Tâm mười năm nay phụ trách Thần Ngư Đường, phụ trách lực lượng tấn công đường thủy của Y Tâm Giáo, thường gây ra những vụ cướp biển khét tiếng trên Đông Hải, khiến những thương thuyền của người Tây Dương đi ngang Đông Hải đều khiếp sợ.

Diệp Vô Tâm nói:

– Thật ra các ngươi là ai?

Người áo đen lớn tuổi nói:

– Việc làm của Thần Ngư Đường xưa nay đã không tốt, của Hắc Phiêu lại càng xấu xa hơn. Hôm nay ngươi đừng trách chúng ta độc ác.

Diệp Vô Tâm vừa nãy đã biết thủ pháp phóng ám khí của đối phương, nhưng gã cũng tự tin ở song chưởng lưỡi kéo của mình. Mười năm nay, không biết bao nhiêu người đã chết dưới quái chưởng ấy.

– Các ngươi muốn gì?

Người áo đen trẻ tuổi cười gằn:

– Muốn mượn cái mạng ngươi.

Diệp Vô Tâm nghe đến đây thì nổi giận:

– Ngươi tài năng bao nhiêu mà dám ngông cuồng đến vậy!

Người áo đen lớn tuổi nói với người trẻ tuổi:

– Ngươi hãy điểm ngã hắn, nhưng nhớ khi động thủ đừng để lại vết thương nào trên người.

Diệp Vô Tâm nghe đến đây thì nổi giận:

– Các ngươi xem thường ta quá!

Gã vừa dứt tiếng thì đã phóng người lên, nhằm người áo đen trẻ tuổi xuất ra Bát Phong Chưởng.

Chưởng lực của hắn rất mạnh bạo, người chưa tới chưởng phong đã quét rát mặt đối thủ, thật không hổ là truyền nhân của Bát Phong Lão Yêu.

Diệp Vô Tâm đánh một hữu chưởng vào huyệt Cự Khuyết của thanh niên áo đen. Chỉ thấy thanh niên áo đen múa tròn đôi chưởng. Chưởng phong của Diệp Vô Tâm đang ào ạt như sóng bể nhưng gặp song chưởng của người áo đen liền bị chặn lại.

Diệp Vô Tâm kinh ngạc, liền biến thế, tả chưởng đánh vào huyệt Thiên Đột trên cổ của đối phương. Tuy nhiên, người áo đen như biết trước chiêu thức của đối phương, hữu chưởng đã đánh xéo lên, kình phong rát rạt. Tả chưởng của Diệp Vô Tâm chạm vào hữu chưởng của người thanh niên áo đen liền cảm thấy đau nhức như muốn rụng rời tay chân. Diệp Vô Tâm hạ người xuống đất. Sau khi giao thủ hai chưởng, Diệp Vô Tâm biết đối phương võ công rất cao, nhuệ khí lúc nãy lập tức tiêu tan. Lúc này, gã đã không còn dám xem thường đối phương nữa.

Lúc này, thanh niên áo đen đã phát chưởng tới, hữu chưởng của gã nhắm vào huyệt Nhơn Nghinh của đối phương. Diệp Vô Tâm hừ lạnh, hơi lách người qua. Tay trái của Diệp Vô Tâm đã đánh ra một chiêu Cương Đao Trảm Thạch nhằm hữu chưởng của thanh niên áo đen. Chính vì vậy mà huyệt Cưu Vĩ của hắn lộ ra. Thanh niên áo đen hô một tiếng “trúng”, tả thủ của liền biến thành chỉ điểm vào huyệt Cưu Vĩ của Diệp Vô Tâm.

Chỉ lực của thanh niên áo đen rất mạnh, hữu chưởng vừa rồi của hắn đánh vào huyệt Nhơn Nghinh xem ra chỉ là dụ địch. Diệp Vô Tâm lúc này mới hiểu ra ý đồ của thanh niên áo đen thì đã muộn. Huyệt Cưu Vĩ của hắn bị một luồng chỉ lực mạnh mẽ điểm vào khiến nội lực bị tản mát ra ngoài ồ ạt.

Thanh niên áo đen không dừng lại ở đó, tả thủ đã điểm về huyệt Trung Phủ của đối phương. Diệp Vô Tâm la hoảng trong lòng, gã biết nếu để hắn điểm trúng thì với thủ pháp điểm huyệt quái dị của người này, khí lực của mình sẽ bị tổn hao thêm không ít. Ý nghĩ còn đang ở trong đầu thì Diệp Vô Tâm đã cuộn người lăn mấy vòng ra xa.

Mười năm nay, Diệp Vô Tâm hống hách khắp vùng Đông Hải, đêm nay lại phải lăn tròn như con lợn dưới đất khiến hắn thẹn lắm. Nhưng gã biết thanh niên áo đen này võ công cao hơn hẳn mình nên chỉ đành nuốt hận. Diệp Vô Tâm liếc mắt về phía cửa.

Tuy nhiên, đứng sẵn ở đó là người áo đen lớn tuổi. Người áo đen lớn tuổi cười nói:

– Diệp đường chủ định tẩu thoát à?

Lão chưa dứt lời thì thanh niên áo đen cũng đã đánh tới, chưởng phong ào ạt. Diệp Vô Tâm dù sao vẫn là đường chủ của Thần Ngư Đường, kinh nghiệm ứng phó không dở, đã kịp cong người tránh luồng chưởng phong.

Thanh niên áo đen lại như đoán biết được chiêu thức của đối phương nên thế chưởng vừa quét tới, đã biến thành trảo chụp xuống.

Diệp Vô Tâm la hoảng trong lòng, lúc này hai tay của hắn đã chạm đất liền bật người ra như cánh cung, tung ra song phi cước. Song cước chạm vào song trảo của thanh niên áo đen “bùng” một tiếng lớn. Diệp đường chủ cảm thấy như chạm vào hai khối sắt, mũi bàn chân liền tê dại.

Gã nhịn đau, tung ra song chưởng lưỡi kéo thành danh của mình. Lúc này Diệp Vô Tâm đã phóng người tới, song chưởng lưỡi kéo cắt tới liên tục nhằm vào trung thân của thanh niên áo đen. Thanh niên áo đen chỉ cười nụ, liền di chuyển bộ pháp, trái ba bước, phải bảy bước, người lại thụp xuống, rồi tiến thêm ba bước nữa. Bộ pháp quái dị của thanh niên áo đen làm Diệp Vô Tâm hoa cả mắt.

Song chưởng lưỡi kéo của Diệp Vô Tâm đều bị bộ pháp của đối phương hóa giải, kình lực đều đánh vào khoảng không.

Lúc này, song chưởng lưỡi kéo của hắn đã hết đà, lực phát cũng đã tiêu tan. Thanh niên áo đen liền hô “trúng”.

Tả thủ lẫn hữu thủ của thanh niên áo đen lúc này nhằm mấy đại huyệt trên người của Diệp Vô Tâm điểm tới. Diệp Vô Tâm cũng phát hiện điều này nhưng đã quá muộn, vì đà chưởng đã đi hết, không thể nào biến chiêu kịp.

Diệp Vô Tâm chỉ kịp nghĩ “không xong” thì mấy đại huyệt trên người đã bị thanh niên áo đen điểm trúng. Khí lực trên người lập tức tuôn ra ào ạt khiến gã cảm thấy lạnh lẽo toàn thân, liền rớt phịch xuống đất, người mê man bất tỉnh.

Người áo đen lớn tuổi nói với giọng hài lòng:

– Chưa tới mười chiêu mà đã hạ được Diệp Vô Tâm. Võ công của con dạo này đã tăng tiến không ít.

Gã thanh niên áo đen:

– Cha đã quá khen. Tuy nhiên kẻ thù của chúng ta còn ghê gớm hơn hắn gấp trăm lần.

Người áo đen lớn tuổi chỉ “ừ” trong miệng rồi tiến lại Diệp Vô Tâm.

Thanh niên áo đen liền kéo mấy cái xác kia sắp thành một hàng dài. Thật ra chúng chưa chết, chỉ là bị điểm trúng những huyệt gây ngủ nên lúc này không biết gì, mặc cho người thanh niên di chuyển. Mấy cây đuốc cũng đã châm lên soi rõ từng khuôn mặt.

Lão già áo đen lấy trong người ra một tấm da dê được cuộn tròn rồi trải ra trên nền đất. Dưới ánh sáng của mấy ngọn đuốc, lộ ra bảy mươi hai cây kim dài chừng một tấc lấp lánh.

Thanh niên áo đen cầm một cây đuốc soi cận mặt một gã đại hán. Lão già áo đen liền dùng tả thủ điểm vào mấy đại huyệt trên thân gã đại hán. Đại hán vẫn không một chút phản ứng trước động tác trên.

Chờ một lát, lão già rút hai cây kim từ trong tấm da dê, rồi mỗi tay cầm một cây kim từ từ châm vào hai huyệt thái dương của tên đại hán. Hai cây kim dài gần một tấc được chầm chậm đưa vào trong đầu của hắn.

Thủ pháp của lão già vừa chậm rãi vừa khéo léo, đôi mắt của lão cũng hết sức tập trung vào khuôn mặt của tên đại hán như để chờ xem phản ứng.

Mọi việc diễn ra hết sức chậm rãi và cẩn thận. Cho đến khi cây kim đưa vào được hai phần ba thì người của tên đại hán hơi động đậy một chút rồi nằm im. Lúc này lão già mới thở phào:

– Thành công rồi!

Thanh niên áo đen cẩn thận quan sát và ghi nhớ từng động tác của lão già.

Lão lại tiếp tục đưa hai cây kim châm lút vào bên trong thái dương huyệt. Tại hai điểm thái dương huyệt bị hai cây kim đâm vào có chút máu rịn ra. Lão già liền lấy một miếng khăn lau sạch rồi lôi ra một lọ thuốc cao xoa vào hai điểm nói trên. Đây có lẽ là một loại thuốc sát trùng.

Hai cây kim hiện giờ đã nằm trong phần thịt, nếu giữ cho chúng không nhiễm trùng chừng bảy ngày thì lớp da sẽ liền lại, không ai còn nhận biết dấu vết gì.

Lão già áo đen lại tiếp tục làm như vậy với mười hai tên đại hán còn lại.

Tới người cuối cùng là Diệp Vô Tâm, lão già định châm hai cây kim vào Thái Dương huyệt thì đột nhiên ngừng lại. Lão già bỏ hai cây kim xuống tấm da dê rồi đột nhiên vỗ một chưởng vào huyệt Bách Hội của Diệp Vô Tâm.

Thanh niên áo đen thấy vậy thì hơi bất ngờ, chưa kịp nói gì thì đã thấy máu trào ra từ mắt mũi miệng của hắn. Rõ ràng là hắn đã bị tử thương dưới chưởng lực của lão già.

Thanh niên áo đen nói:

– Cha không định điều khiển hắn sao?

Lão già áo đen nói:

– Kẻ thù của chúng ta bản lĩnh cao cường, thế lực lại lớn, nếu hắn thường ra ngoài liên lạc với chúng ta thì sớm muộn cũng sẽ lộ. Chi bằng ta sẽ hóa trang thành hắn sẽ chắc chắn hơn.

Người trẻ tuổi cũng gật đầu đồng ý với ý kiến cha mình.

Nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất. Hơn nữa một người thân cận ngày đêm đột nhiên xuất kỳ bất ý ra tay ám toán thì rất dễ thành công.

Lão già lấy một cái túi trong người ra, bày ra rất nhiều đồ vật tinh xảo, trong đó có không ít dao kéo và dụng cụ chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ. Còn có một cái lọ lớn.

Lão già trải một tấm da dê lớn ra nền đất. Rồi lão mở cái lọ lớn ra, dốc ngược vào tấm da dê. Bên trong rớt ra một thứ bột mịn màu trắng nhạt.

Thanh niên áo đen lúc này đã mang vào một ít nước. Lão đổ một ít nước vào lớp bột rồi lấy tay trộn lại. Lão nhào thứ bột thấm nước được một lúc thì nó đã thành một chất dẻo quánh, có thể co giãn tùy ý.

Lão già gật đầu vừa ý rồi lấy thứ chất dẻo ấy bôi lên mặt mình. Lão bôi làm nhiều lớp, vừa bôi vừa soi mặt vào chiếc gương bằng đồng.

Thỉnh thoảng lão nhìn xuống khuôn mặt của Diệp Vô Tâm. Loại phấn lão đang sử dụng chỉ dùng được một lần, nó vốn là một thứ nhựa cây được phơi khô rồi nghiền thành bột mịn. Khi muốn dùng thì chỉ cần trộn với nước sẽ hóa thành một chất dẻo giống da người.

Loại chất dẻo này rất kì diệu, muốn nặn thành hình gì đều tùy ý người sử dụng. Sau nửa giờ sẽ khô lại, tuy khô nhưng có tính đàn hồi, có thể co giãn tùy ý. Lão già này chính là đang sử dụng nó để làm thành một lớp da giả trên mặt.

Sau khi thứ bột này được khô đi, thì dẫu có ngâm vào nước nó cũng không hề rã. Nhưng rất tiếc loại da giả làm từ thứ nhựa cây này không thể tái sử dụng, và hiện nay trong thiên hạ thứ nhựa cây này rất hiếm.

Lão già này là người duy nhất biết sử dụng nó trên giang hồ. Lão lại dùng một cây kim châm vào lớp da giả trên, từng lỗ nhỏ được xâm vào lớp da giả, có lẽ lão dùng nó để thông hơi và thoát mồ hôi từ da mặt.

Xong đâu đấy lão quay sang hỏi người trẻ tuổi:

– Con xem ta có giống hắn không?

Thanh âm của lão già lúc này cũng được nhái giống hệt như Diệp Vô Tâm. Có lẽ ngay cả người thân của Diệp Vô Tâm cũng không nhận ra chứ nói chi người ngoài.

Người trẻ tuổi nói:

– Không khác chút nào. Trình độ dịch dung và nhái giọng của cha quả là bậc nhất trên giang hồ.

Lão già cười mãn nguyện. Rồi lão đứng lên, lột bộ quần áo Diệp Vô Tâm mặc vào cho mình. Xong đâu đấy, lão đi lại một vòng. Cả cử chỉ lẫn thái độ lúc này cũng giống hệt Diệp Vô Tâm.

Người trẻ tuổi lúc này đã mang cái xác Diệp Vô Tâm ra sau thủy miếu đào một cái hố sâu chôn đi.

Nửa giờ sau, đám thủ hạ Diệp Vô Tâm cũng đã tỉnh dậy, như chưa từng bị đả thương. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ đôi mắt của chúng có phần thất thần, rất lạ.

Diệp Vô Tâm giả nhìn chúng nói:

– Từ nay các ngươi phải nhất nhất nghe theo lời ta sai khiến. Tất cả mọi việc đều phải báo cáo cho ta biết. Rõ chưa!

Đám đại hán gật đầu dạ ran.

Diệp Vô Tâm nói nhỏ với thanh niên áo đen điều gì đó. Chỉ thấy gã gật đầu rồi phi thân ra bên ngoài, nhanh chóng biến mất vào bóng đêm.

Diệp Vô Tâm chỉ về Nguyễn Đăng Bảo, lúc này Nguyễn Đăng Bảo vẫn còn mê man không hay biết gì:

– Mang hắn về!

Thoáng chốc, Diệp Vô Tâm cùng đám đại hán đã bước ra ngoài biến mất vào bóng đêm.

Ấy chính là:

Trong họa có phúc,

Trong phúc há chẳng có họa ư?

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.