Thạch Kiếm

Chương 10 - Hoa Sơn Phái

trước
tiếp

Năm mươi năm trọn kiếp

Hư ảo là cuộc đời

Cơn mê, đừng luyến tiếc

Hiu hắt lá phong rơi …

Nhân sinh quan coi cuộc đời là phù du, tạm bợ do tướng Y Đằng thâu tóm trong bốn câu thơ ngắn như trên rất được phổ biến trong xã hội Nhật vào đầu thế kỷ mười bảy.

Tướng Y Đằng sau thất trận vì bị phản bội. Ông tự tử tại Kyoto năm bốn mươi tám tuổi.

Hai thập niên sau, vào khoảng , cuộc nội chiến giữa các sứ quân kết thúc.

Tôn Điền Tùng Cương chiến thắng, nắm hết quyền bính, thế lực chỉ thua có hoàng gia ở kinh đô mà thôi. Khắp nơi thái bình an lạc, chỗ nào cũng mở hội, đèn treo hoa kết như trong những thời cực thịnh ngày trước. Nhưng sau cái vỏ thanh bình ấy, chẳng ai thấy cuộc sống yên vui này được bền. Kinh nghiệm hơn một thế kỷ nội chiến đã làm dân chúng càng tin vào tính chất phù du của kiếp người và kích thích họ nhiều hơn trong những cuộc tìm vui thâu đêm suốt sáng.

Lãnh chúa Tôn Điền Tùng Cương tuy vẫn nắm quyền nhưng chức tước đã chính thức trao cho người con thứ ba tên Dã Hạc. Có tin đồn tân đầu lãnh Dã Hạc sẽ đi Kyoto bái kiến hoàng thượng, nhưng ai cũng biết chuyến đi này không phải chỉ có mục đích nghi lễ suông. Ở miền tây, Hòa Giả Nghị, người kế vị Y Đằng cũng là một lãnh chúa uy quyền rất lớn, trước đây từng là địch thủ của Tôn gia. Thân phụ Giả Nghị đã cố duy trì quyền đầu lãnh cho dòng họ Hòa, chờ con trai khôn lớn, nhưng thất bại. Họ Hòa hiện ở thành Osaka, bề ngoài chịu thần phục Tôn gia nhưng bề trong vẫn ngấm ngầm mưu phản.

Tôn Điền không phải là không biết. Ông rất quan tâm đến vùng Osaka, cho đó là một lãnh địa tập trung nhiều kẻ bất mãn chống đối ông. Một số người cũng biết vậy, khôn ngoan lui tới cả đôi bên, khi thì tư dinh Giả Nghị, lúc thì phủ Tôn gia để cầu lợi.

Có người nói gia đình họ Hòa tiền bạc như nước, lâu đài đầy rẫy, giá muốn thu dụng tất cả những tay kiếm sĩ giang hồ trong vùng cũng chẳng khó gì. Họ dự đoán tình hình mỗi người một phách, nhưng tựu trung cái tinh thần hưởng lạc không mấy ai không có.

– Đấy rồi các bác xem, chẳng chóng thì chầy, sẽ có đánh nhau ghê lắm !

– Ờ …chắc cũng chẳng lâu đâu !

– Còn hồ nghi gì nữa ! Đèn này cứ là sẽ dẹp hết !

– Các bác chỉ lo hão ! Còn sống ta chơi cho thỏa cái đã, rồi muốn ra sao thì ra !

Lợi dụng tâm lý ấy, thanh lâu trà thất mọc lên như nấm. Tối đến, thiên hạ đổ xô nhau đi mua vui giải trí, mọi chuyện đều gác sang bên.

Từ căn nhà đường Tân Hổ gần Cấm thành, một toán võ sĩ trung niên ồn ào bước ra, cũng không ngoài mục đích tầm hoa hưởng lạc, tiếng cười nói oang oang, binh khí chạm nhau rổn rảng. Đó là một trang trại khá lớn có tường gạch quét vôi trắng bao bọc.

Cổng ra vào đồ sộ, mái lợp ngói xanh kiên cố. Bên cổng, một tấm biển gỗ to dày nhưng đã cũ, loang lổ và nứt nẻ nhiều chỗ, khắc hàng chữ lớn nét mòn vì mưa nắng:

Võ Đường Hoa Sơn Kyoto. Ở dưới, hàng chữ nhỏ hơn đề tên trại chủ:

Hoa Sơn Khổ Bích.

Trông dáng điệu, toán võ sĩ có vẻ ham luyện kiếm và sở trường về môn này, vì ngoài hai thanh kiếm thép mang trên lưng, một số còn đeo thêm kiếm gỗ. Vài thanh niên trẻ tuổi hơn vác cả giáo dài.

Mặt họ dữ tợn, trông phát khiếp:

mắt đỏ au như lúc nào cũng sẵn sàng gây ẩu đả.

Họ đi nghênh ngang, vây quanh một người trẻ tuổi ăn mặc sang trọng.

– Đêm nay đại ca muốn đi chơi đâu đây ?

Một người hỏi. Người được gọi là đại ca trả lời dõng dạc:

– Đi đâu cũng được, miễn là đừng đến chỗ hôm qua.

– Sao vậy ? Các em thích đại ca lắm mà. Họ chỉ nhìn đại ca, đâu thèm để mắt gì đến tụi này !

– Đại ca nói phải. Sao ta không tìm đến nơi nào mới, không ai biết chúng ta là ai có hơn không ?

Họ cãi nhau om sòm, không ngoài chuyện uống rượu và tìm gái.

Sau cùng, cả bọn kéo nhau đến xóm bờ sông, nơi tập trung nhiều nhà mới dựng.

Những năm trước đây xóm náy là một bãi hoang, cỏ dại cùng lau lách mọc đầy, cảnh tiêu điều hiu quạnh, chứng tích của một thời tương tàn còn để lại. Nhưng từ khi hòa bình vãn hồi, lác đác có người đến cư ngụ, rồi người nọ bảo người kia, xóm bờ sông bây giờ thành đông đúc. Giá đất tăng lên vòn vọt. Nhiều thanh lâu được mở ra, ngoài cửa treo rèm màu hồng hay hoàng yến, bên trong kỹ nữ ra vào tấp nập, nhất là về đêm. Thôn nữ từ các vùng xa mới vào nghề, mặt trát phấn trắng còn vụng, loang lổ, e thẹn nấp sau khung cửa vẫy gọi khách qua đường. Những thiếu phụ nghèo khó nhiều khi do chủ thanh lâu mua đi bán lại hàng loạt, ngồi túm tụm trong phòng, gảy đàn shamisen hát những bài hát huê tình hoặc thô tục rồi cười với nhau rúc rích.

Người được gọi là đại ca tên Hoa Sơn Sĩ Khánh, vóc dáng cao lớn, mặc bộ kimono màu vỏ già sẫm. Vừa bước chân đến xóm, Sĩ Khánh đã quay lại nói với một gã trung niên đồng bọn:

– Hồ Định ! Gọi người đi mua cho ta cái nón !

– Để che mặt phải không đại ca ? Ở xóm này, đại ca cần gì che mặt ?

– Không cần thì nói làm gì ? Đi ngay đi ! Ta không muốn thấy mọi người xầm xì chưởng môn phái Hoa Sơn đến giải trí ở khu này.

Hồ Định cười:

– Vậy chỉ tổ làm người ta chú ý. Ở đây nàng nào cũng biết ai đội nón rộng vành là con nhà phú quí. Đại ca lại đẹp trai, họ chẳng để yên đâu. Hà …hà …kìa, nàng đứng đằng kia khá đấy chứ !

Hồ Định vừa khéo đùa vừa khéo nịnh. Mọi người cười tủm tìm. Tuy nói thế nhưng hắn cũng sai gia nhân chạy đi mua nón và cả bọn đứng ở dưới mái hiên chờ. Nón mang về, Sĩ Khánh đội lên đầu, vành lớn che lấp nửa mặt. Sĩ Khánh thấy yên tâm và thoải mái hơn.

– Đại ca đội nón này được quá, đẹp trai nhất vùng đấy !

Rồi quay sang đồng bọn, Hồ Định đưa thêm một câu nịnh gián tiếp:

– Kia kìa, thấy không ! Các nàng đổ xô ra cửa nhìn đại ca đấy !

Thực ra Sĩ Khánh trông cũng rất có phong độ:

dáng người cao lớn, đi đứng hiên ngang, bên hông đeo song kiếm vỏ chạm trổ công phu, rõ ra con nhà quyền quý. Mặc dầu đội chiếc nón bình dân, hắn cũng không khỏi làm người ta chú ý.

– Ê ! Ê ! Anh chàng đẹp trai kia, mang nón gì kỳ vậy ?

– Vào đây cho chúng em xem mặt nào !

– Thẹn gì nữa ! Vào đây ! Vào đây !

Nghe những lời mời chào sỗ sàng, Sĩ Khánh lại càng làm ra vẻ kiêu kỳ, tuồng như không để ý. Nghe lời Hồ Định, đây là lần đầu tiên hắn đến xóm này, thấy được chú ý cũng nở mũi, nhưng lôi kéo quá, hắn hơi ngán. Là trưởng nam của Hoa Sơn Khổ Bích, từ nhỏ hắn chẳng phải quan tâm gì đến tiền bạc, nhưng cũng vì vậy mà không rõ đời sống xã hội bên ngoài. Đứng trước mặt phụ nữ, hắn cả thẹn mặc dầu bản tính kiêu căng.

Những lời xu nịnh của bộ hạ cùng với dáng điệu mời mọc của các ả giang hồ như liều độc dược dễ nuốt làm kích thích tính kiêu căng của hắn.

Một nàng đứng trước cổng nói lớn:

– Tưởng ai, té ra là đại ca đường Tân Hổ. Đại ca che mặt làm gì vậy ?

Sĩ Khánh quay sang vờ nói với Hồ Định, tuy trong lòng khoan khoái nhưng giả vờ bất mãn:

– Sao họ biết danh tính ta ?

– Dễ quá mà ! Nàng kia đáp. Ở đây ai cũng biết đệ tử phái Hoa Sơn thường mặc áo màu vỏ già, gọi là màu hoa sơn. Nhiều người mặc lắm !

– Nếu nhiều người mặc, sao nàng lại biết ta ?

– Vì không phải trên tay áo ai cũng có phù hiệu hình hoa thị !

Sĩ Khánh nhìn xuống tay áo:

– Hừ ! Bận sau phải cẩn thận hơn mới được !

Ngay lúc ấy, thình lình một bàn tay thò ra nắm chặt lấy áo hắn. Hồ Định kêu lên:

– Chà chà ! Đại ca che mặt nhưng quên che phù hiệu trên áo. Bây giờ thì mọi người đều biết cả rồi, ta phải vào đây thôi !

Sĩ Khánh lúng túng:

– Ừ thì vào ! Nhưng bảo nàng bỏ ta ra chứ !

Hồ Định hét to:

– Bỏ ra ! Đại ca nói sẽ vào, làm gì mà níu kéo thế ?

Cả bọn chui qua tấm rèm vào trong phòng. Cảnh nghèo nàn của căn phòng với vài cành hoa đã úa héo cắm lộn xộn trong một cái lọ rẻ tiền làm Sĩ Khánh phát chán. Nhưng hình như không để ý đến khung cảnh tồi tàn ấy, mọi người khác vẫn ồn ào cười nói:

– Mang rượu ra đây ! Có bánh trái gì thêm cành tốt !

Ưng Đằng, môn đệ ngang cấp với Hồ Định, cũng cất giọng khàn khàn truyền lệnh:

– Mang các em ra đây !

Mọi người phụ họa, bắt trước giọng Ưng Đằng:

– Mang các em ra đây, đừng để ông già đợi !

– Á à ! Ta đâu đã già mà các ngươi nói vậy ? Ta nhập môn lâu hơn các ngươi thật nhưng chưa già, tóc chưa sợi nào bạc !

– Ngươi nhuộm đi, ai biết !

– Tên nào nói vậy ? Đáng phạt chén rượu !

– Mệt quá ! Mang rượu lại đây ta uống.

Ưng Đằng tung chén rượu về phía người vừa nói. Người kia bắt lấy, ném ngược lại.

Tình hình có vẻ căng thẳng, Sĩ Khánh phải can thiệp:

– Ưng Đằng ! Hãy biểu diễn màn vũ xem còn trẻ không nào !

Ưng Đằng nén giận:

– Xin tuân lệnh !

Đứng lên đi vào góc phòng gần bếp, Ưng Đằng lấy tấm vải đỏ con hầu vẫn dùng đeo trước ngực để nấu ăn, quấn lên đầu, tiện tay ngắt cành hoa mận cài vào khăn, rồi vớ cây chổi dài, dậm chân đánh bịch xuống sàn mở đầu màn vũ.

Mọi người cười bò, la hét:

– Lão huynh đi bài vũ Du Tử Nghinh Xuân đấy. Hát theo đi, Hồ Định !

Hồ Định gật đầu, mời mọi người phụ họa. Đồng bọn cầm đũa gõ lên chén, có người còn dùng cả que gắp than đập vào thành hỏa lò đánh nhịp:

Qua dậu tre xanh Ý …a …là dậu tre xanh Cái giậu tre xanh …

Lá trúc buông mành, Tình tang kìa bóng ai áo trắng, Bóng ai áo trắng …ý …a …

Bên nhành liễu non …

Tiếng vỗ tay rào rào sau đoạn giáo đầu. Hồ Định vui vẻ cúi đầu chào. Kỹ nữ trong phòng bấm đàn samisen hát tiếp điệp khúc:

Cô em bữa trước, Hôm nay còn đâu.

Cô em hôm nay, Ngày mai chẳng thấy.

Ấy ai âu sầu, Thôi đừng mai mốt tìm lâu, Hãy yêu em nhỏ bên lầu hôm nay …

Một đệ tử ngồi ở góc phòng, tay cầm bát rượu lớn vừa đưa cho bạn vừa lè nhè:

– Sao không cạn hết đi, bằng hữu ?

– Đủ rồi !

– Đủ rồi ? Thế mà cũng gọi là kiếm sĩ ! Kiếm sĩ gì mà không uống hết bát rượu ?

– Cũng được. Nhưng nếu ta uống hết, ngươi cũng phải uống với ta.

– Được, thế là công bằng.

Họ đổi rượu cho nhau, người này bắt kẻ kia uống, rượu tràn cả ra ngoài mép chẳng khác gì đàn trâu bên máng nước. Một giờ sau, ai nấy mặt đỏ gay, người nôn mửa ra chiếu, người ngồi thừ nhìn quãng không, mắt hằn những tia máu. Một người bị rượu kích thích, hoa chân múa tay thách đố:

– Trong anh em đây, ngoài đại ca ra … hự …ai dám tự hào biết hết các chiêu thức…hự …của kiếm phái Hoa Sơn ?

Thanh niên ngồi gần đó, cạnh Sĩ Khánh, xem chừng còn tỉnh, cất tiếng dõng dạc:

– Ngươi chỉ khéo nịnh ! Kyoto này có nhiều kiếm phái mà Hoa Sơn chúng ta chỉ là một, có gì mà kiêu ngạo thế !

– Nhiều kiếm phái là những kiếm phái nào ?

– Như Võ Đằng Tôn Các ở Kurotani, Bạch Hạc ở Kitano; ấy là chưa kể Vạn Mai Kiếm ở Sài Hồ, mặc dầu phái này còn ẩn danh không thu đồ đệ.

– Những phái đó hơn gì Hoa Sơn ta ?

– Ta không luận hơn kém. Ta chỉ muốn nói chúng ta chẳng nên tự phụ coi môn phái mình là nhất.

Người kia khoan thai đứng dậy:

– Được lắm ! Ta muốn biết tài ngươi tới mức nào. Ngươi là đệ tử phái Hoa Sơn mà làm hạ giá bản môn, coi kiếm kỹ của sư tổ không ra gì, không biết ngươi là người thế nào?

– Ta không hạ giá ai cả, chỉ nêu lên những sự kiện. Sư tổ là bậc đệ nhất kiếm khách một thời, từng chỉ dẫn những chiêu kiếm trác tuyệt cho nhiều lãnh chúa, nhưng thời ấy đã qua rồi. Ngày nay số người trau dồi kiếm đạo không phải là hiếm, không những ở Kyoto này mà còn ở Edo, Hitachi, Echizen và khắp các tỉnh khác nữa. Sư tổ là bậc đại kiếm khách nhưng không phải vì thế mà chúng ta là đại kiếm khách cả. Đấy là sự thật, hà tất phải bàn cãi ?

– Đồ hèn nhát ! Ngươi là kiếm sĩ Hoa Sơn mà lại đi sợ những phái khác !

– Ai nói sợ ? Ta chỉ muốn cảnh cáo mọi người đừng quá tự mãn.

– Mày lấy quyền gì dạy dỗ chúng ta ?

Dứt lời, hắn thoi một quả đấm làm tên kia ngã lăn chiêng ra chiếu. Hồ Định và Ưng Đằng chạy vội đến can, đẩy hai tên ra, mắng:

– Thôi, không được đánh nhau ! Trước mặt đại ca, không được vô lễ !

Mọi người xúm vào dàn hòa, chuốc thêm rượu và lái câu chuyện sang hướng khác.

Một lúc sau không khí đã dịu, tiếng cười lại nổi lên trong khi anh chàng ưa chỉ trích lúc nãy còn ngồi phân bua với Ưng Đằng:

– Đấy lão huynh coi, chỉ vì sự an nguy của bản môn mà đệ nói chứ không có ý gì kia khác. Nếu không lưu tâm chấn chỉnh, lòng hợm hĩnh của mọi người sẽ làm phái Hoa Sơn ta rồi không còn đất đứng.

Một mình, Sĩ Khánh ngồi yên lặng, chán nản như chẳng buồn để ý gì đến chuyện vừa xảy ra. Hắn chưa say, nhưng rõ ràng là không thấy thoải mái trong khung cảnh náo nhiệt này. Hồ Định nhận thấy điều đó, ghé tai Sĩ Khánh nói nhỏ:

– Đại ca không được vui phải không ?

– Ừ. Ta tự hỏi không biết những huynh đệ kia có vui chăng ?

– Vui chứ ! Họ cho thế là vui !

– Ta không thấy thế ! Ta không hiểu sao họ có thể vui được !

– Hay chúng ta đi nơi khác yên tĩnh hơn. Đại ca nghĩ thế nào ?

Như được gãi đúng chỗ ngứa, Sĩ Khánh bằng lòng ngay:

– Ta muốn đến chỗ hôm qua.

– Vân Nghê quán ấy hả ?

– Ừ.

– Chỗ ấy được lắm. Đệ biết đại ca thích quán đó nhưng không tiện dẫn những tên thô lỗ kia tới. Để họ Ở đây tốt hơn, hợp với họ mà lại rẻ tiền.

– Vậy đi thôi. Ưng Đằng lo chuyện ở đây cũng được.

– Đại ca giả bộ đi tiểu, đợi tiểu đệ ngoài hiên, đệ ra ngay.

– Lúc sau, Sĩ Khánh khéo léo rút êm, mọi người không ai chú ý.

oo Trước một căn nhà tại xóm yên hoa ngoại thành Kyoto, một thiếu phụ đang bận treo lại chiếc đèn lồng gió mới thổi tắt. Nàng kiễng cao chân. Áng sáng ngọn đèn rung rinh in bóng những lọn tóc mới gội chưa kịp chải vẽ thành những vết đen lay động lên đôi cánh tay trần trắng muốt. Mùi hoa mận thơm ngọt dịu dàng vương trong gió thoảng từ ngoài vườn vào.

Vừa mới đi tới, Hồ Định đã nhanh nhảu:

– Ôkô ! Cần ta giúp không ?

– Đại ca đấy ư ? Thế thì còn gì bằng nữa !

– Vậy đợi ta chút.

Hồ Định bước nhanh vào vùng ánh sáng ngọn đèn. Ôkô biết là mình lầm:

nàng tưởng nghe tiếng nói của Sĩ Khánh. Hồ Định cầm đèn treo lên móc rồi hỏi:

– Thế này được chưa ?

– Được rồi. Cảm ơn lắm.

Nhưng Hồ Định nghiêng đầu nhìn và cho là chưa được. Hắn tháo ra treo lại đèn cho ngay ngắn hơn. Ôkô mỉm cười thấy có những người đàn ông ở nhà chưa chắc đã chịu giúp ai làm việc gì, nhưng đến nơi này lại tỏ ra rất dễ thương và ưa giúp đỡ. Nhiều khi họ tự tay rót rượu lấy, mang gối ra hay mở cửa hoặc vui vẻ làm nhiều việc linh tinh khác mà ở nhà họ không bao giờ chịu làm.

Treo đèn xong, Hồ Định cùng Sĩ Khánh bước vào phòng. Trong nhà thật yên tĩnh.

Sĩ Khánh buột miệng:

– Ở đây yên lặng quá nhỉ !

Hồ Định nói:

– Để đệ ra mở cửa.

Đứng trên hiên, Sĩ Khánh nhìn giòng sông Takase chảy êm đềm; xa hơn nữa, về phía nam, qua cây cầu nhỏ bắc ngang, khu Teramachi rải rác đền miếu bên kia một cánh đồng hoa dại nở rộ gợn sóng dưới ánh trăng.

Ngồi chờ một lát không thấy ai, Hồ Định bắt đầu sốt ruột:

– Hừ ! Sao thế này ? Các em đâu cả ? Hôm nay xem chừng vắng khách mà Ôkô cũng đi đâu mất, mãi chưa thấy mang trà ra.

Không dằn được nôn nóng, hắn đứng dậy xăm xăm vào nhà trong, suýt và phải A Kế Mỹ từ trong phòng bước tới. Chùm khánh nhỏ đeo bên hông nàng vang lên lanh canh, rồi tiếng kêu của cô bé:

– Cẩn thận ! Chú làm đổ trà bây giờ !

– Sao lâu vậy ? Đại ca đang đợi ngoài kia. Cô không mong đại ca à ?

– Đó ! Đó ! Chú làm đổ trà ra khay rồi ! Có đi lấy cái khăn để người ta lau đi không?

– À há ! Gớm hách nhỉ ! Ôkô đâu ?

– Đang trang điểm trong nhà.

– Chưa xong kia à ? Lâu thế !

– Trời ơi ! Cả ngày hôm nay bận tíu tít …

– Bận gì ? Hôm nay tiếp ai thế ?

– Tò mò vậy ? Đâu phải việc chú ! Tránh ra để người ta đi.

Hồ Định né người sang bên. A Kế Mỹ bưng khay trà vào phòng, chào Sĩ Khánh:

– Kính chào khách quan. Hân hạnh được khách quan quá bộ …

Sĩ Khánh vờ thản nhiên, không nhìn cô bé, hờ hững đáp:

– A Kế Mỹ đấy à. Cảm ơn chuyện hôm qua nhé !

Hắn có vẻ ngượng. A Kế Mỹ đặt khay lên bàn, cầm chiếc đĩa nhỏ chạm trổ tỉ mỉ trên để một chiếc ống điếu bằng sành:

– Xin mời khách quan dùng thuốc.

– Ta tưởng thuốc lá bị cấm.

– Vâng. Nhưng chẳng ai tuân, mọi người vẫn cứ dùng như thường. Vậy tốt, ta hút một điếu.

A Kế Mỹ mở nắp hộp xà cừ, dúm một chút thuốc, nhanh nhẹn nhồi vào ống điếu:

– Xin mời khách quan, để tiểu nữ châm lửa.

Sĩ Khánh không quen hút, vụng về rít một hơi ngắn rồi nhăn mặt ho sặc sụa:

– Đắng quá !

A Kế Mỹ quay đi che miệng.

– Hồ Định đâu ?

– Chắc ở trong phòng mẹ.

– Hắn mê Ôkô lắm. Có lẽ hắn trốn ta đến đây đã nhiều lần, phải không, A Kế Mỹ ?

A Kế Mỹ cười khúc khích không đáp.

– Cớ gì mà cười. Chắc mẹ nàng cũng yêu hắn lắm chứ gì ?

– Tiểu nữ không rõ.

– Hẳn rồi. Mà thế cũng tiện, đôi bên cùng vui vẻ cả:

mẹ nàng với Hồ Định, còn nàng với ta !

Làm vẻ tự nhiên, hắn đặt tay mình lên tay A Kế Mỹ để trên đùi. A Kế Mỹ cau mặt, hất tay hắn và nhích ra xa. Cử chỉ ấy càng khiến hắn cả gan hơn. Hắn giơ tay ra quàng ngang lưng cô bé, định kéo tấm thân mảnh dẻ ấy lại gần:

– Ấy chớ có chạy … Ta không làm hỗn nàng đâu !

A Kế Mỹ gỡ tay Sĩ Khánh:

– Khách quan bỏ ra để tiểu nữ còn đi lấy rượu.

– Ta không uống rượu !

– Nhưng nếu không mang rượu đến mẹ tiểu nữ mắng.

– Mẹ nàng đang ở trong phòng trò chuyện với Hồ Định, mắng gì !

Hắn ghé mặt lại gần A Kế Mỹ. Nàng quay phắt đi gọi lớn:

– Mẹ Ơi ! Mẹ !

Hắn buông tay. Nàng chạy vội vào nhà trong. Sĩ Khánh thất vọng. Hắn không vừa ý nhưng cũng không muốn nài ép cô bé. Ngồi một mình buồn, một lúc lâu chẳng có ai tiếp, hắn nói lớn:

“Ta về đây !” rồi đứng lên khật khưỡng ra hành lang.

– Đại ca đi đâu đấy ? Ở lại chứ đã về đấy à ?

Ôkô chạy ra, ôm Sĩ Khánh. Hắn thấy tóc và son phấn trên mặt nàng vẫn còn nguyên vẹn. Nàng rối rít gọi Hồ Định ra giữ Sĩ Khánh, lại ngọt ngào chuốc rượu còn Hồ Định vào trong nhà tìm A Kế Mỹ dẫn trở lại phòng. Thấy vẻ mặt khách sượng sùng, A Kế Mỹ nhoẻn miệng cười.

Ôkô liếc nhìn con gái, nói nhỏ:

– A Kế Mỹ, rót rượu mời đại ca đi !

– Dạ !

– Đại ca thấy đấy, nó còn dại lắm, chẳng khác gì con nít !

Hồ Định chen vào:

– Ấy thế mới dễ thương ! Cô ấy còn trẻ mà !

– Hăm mốt rồi đấy !

– Hăm mốt cơ à ! Ta không ngờ, trông chỉ độ mười sáu, mười bảy là cùng !

Đột nhiên nét mặt A Kế Mỹ trở nên rạng rỡ:

– Thật hả thúc thúc ? Tiểu nữ chỉ muốn cứ mười sáu mãi …

Nàng chắp hai tay lên ngực, nói khẽ:

– Vì năm mười sáu, tiểu nữ đã gặp một chuyện thật thần tiên.

– …

– Tiểu nữ không nói với ai nhưng chuyện đó xảy ra đẹp quá ! Bấy giờ là năm có cuộc chiến Sekigahara, ở tỉnh … Ở tỉnh nào thúc thúc biết không ?

Ôkô cắt ngang, giọng đe dọa:

– Cái con lắm mồm này ! Đừng nói nhảm nữa, vào phòng lấy cây đàn shamisen ra đây !

A Kế Mỹ cụt hứng, phụng phịu đứng dậy đi vào phòng mang cây đàn ra. Nàng đặt đàn ngồi xuống và bắt đầu dạo một khúc ngắn. Tiếng đàn vừa dứt, mắt xa vắng nhìn vào quãng không, nàng cất tiếng ca nho nhỏ như kể lể với chính lòng mình hơn là làm vui cho khách:

Mây che thì kệ mây che, Mắt em nhòa lệ chẳng hề thấy trăng …

Ngừng lại, nàng quay sang hỏi Hồ Định:

– Thúc thúc có hiểu không ?

– Không hiểu rõ. Hát tiếp đi.

Trong đêm vần vũ tối tăm, Tình anh là ngọn thần đăng soi đường …

Hồ Định nói bâng quơ:

– Còn trẻ lắm, mới hăm mốt mà !

Sĩ Khánh từ nãy đến giờ ngồi yên, hai tay ôm đầu, bấy giờ mới ngẩng lên:

– A Kế Mỹ, ta muốn mời nàng chén rượu.

Hắn đưa chén cho A Kế Mỹ, tự tay mang bình rượu đã hâm nóng rót vào. A Kế Mỹ bình tĩnh dốc một hơi cạn rồi trao chén cho Sĩ Khánh. Ngạc nhiên, hắn hỏi:

– Nàng uống đượu rượu à ?

Đến phiên Sĩ Khánh uống xong, hắn lại mời A Kế Mỹ chén nữa. Nàng vui vẻ nhận lời, nhưng hình như thấy chén quá nhỏ, với tay lên kệ lấy chiếc bát lớn. Trong nửa giờ sau đó, hai người thay phiên nhau uống rượu bằng bát. Tửu lượng A Kế Mỹ chẳng kém gì Sĩ Khánh khiến hắn ngạc nhiên quá đỗi. Một cô gái trông chỉ độ mười sáu, mười bảy, môi trinh non thế mà nốc rượu như nốc nước lã. Chẳng biết rồi rượu nó đi đâu trong cái thể nhỏ bé nhường kia ?

Ôkô can:

– Thôi, đại ca chẳng nên thi nữa. Không biết sao ? Con bé nó có tài uống rượu cả đêm cũng không say đâu. Để nó chơi đàn thôi.

Nghe nói thế, Sĩ Khánh sửng sốt:

– Vậy hả ? Thật không ngờ !

Nhưng hắn đã có vẻ lảo đảo ngồi không vững. Hồ Định chạy đến bên ân cần bảo:

– Đại ca say rồi, chẳng nên uống thêm nữa !

Sĩ Khánh khoát tay:

– Can gì ! Này Hồ Định, có lẽ đêm nay ta không về được. Ngủ lại đây thôi !

– Không sao. Tùy đại ca muốn ở bao lâu cũng được. Phải không, A Kế Mỹ ?

Hắn nheo mắt nhìn Ôkô, kéo nàng sang phòng bên, thì thầm:

– Đại ca đêm nay vui lắm, chắc muốn ngủ lại. Nếu A Kế Mỹ không bằng lòng thì phiền lắm đấy ! Dĩ nhiên mẹ phải có bổn phận phải lo cho con cái, vậy nàng tính bao nhiêu ?

Ôkô để tay lên má, suy nghĩ. Hồ Định giục:

– Định ngay đi !

Rồi ghé sát tai Ôkô, hắn thêm:

– Đám này khá lắm ! Chưởng môn phái Hoa Sơn, tiếng tăm lừng lẫy thuộc hạng danh gia thế phiệt, tiền bạc chẳng thiếu. Lại chưa vợ con. Bề gì cũng là một mối không phải dễ kiếm !

– Cũng được, nhưng …

– Không nhưng gì cả. Đồng ý nhá ! Đêm nay chúng ta ở lại !

– Trong phòng, ánh sáng lờ mờ, Hồ Định để tay lên vai Ôkô. Đúng lúc ấy một tiếng động mạnh ở phòng sau làm hai người giật mình.

– Gì vậy ? Nàng có khách đấy à ?

Ôkô gật đầu, yên lặng đưa đôi môi ướt nhẫy sát vào tai Hồ Định thì thầm:

– Chốc nữa !

Rồi lấy dáng điệu tự nhiên, cả hai đứng dậy, sánh vai nhau bước ra phòng ngoài.

Sĩ Khánh đã ngủ gục bên khay rượu.

Hồ Định vào phòng kế, ngả lưng trên chiếu. Hắn nằm ngước mặt nhìn trần, tay khẽ gõ nhịp, đợi lúc lâu không thấy Ôkô đến, mắt hắn dần dần nặng trĩu.

Hôm sau tỉnh dậy, trời đã gần trưa, Hồ Định cảm thấy buồn bực. Sĩ Khánh ngồi trong phòng trông ra ngoài hiên, đang uống rượu. Dáng điệu tươi cười, Ôkô và A Kế Mỹ dường như không để ý gì đến chuyện đêm qua. Cả hai đùa cợt với Sĩ Khánh, đòi Sĩ Khánh hứa một điều gì:

– Thế đại ca đưa bọn thiếp đi nhé !

– Ờ thì đi. Bảo làm ít món ăn nguội và nhớ mang theo bình rượu.

Thì ra hai mẹ con Ôkô muốn đi xem tuồng của gánh Okumi trên đường lưu diễn mới đến dựng rạp ở xóm bờ sông gần đường Tân Hổ. Gánh này không phải chỉ là một gánh tuồng cổ như những gánh khác, nhưng biết cách canh cải các tích cũ, đệm thêm nhạc và hát nên rất được sự hâm mộ của quần chúng. Gần đây, trên các nẻo đường đông đúc trong xóm, rất nhiều gánh hát mới được lập ra, đào kép thi đua nhau trổ tài lôi kéo khách mộ điệu. Gánh nào cũng cố tạo ra vài nét đặc thù, bài bản hay điệu múa riêng biệt. Nhiều nữ diên viên trước đây là gái giang hồ, nay vào nghề mới, thành nổi tiếng, được mời đến hát trong những rạp lớn tại kinh đô. Có nàng còn mang tên và cải nam trang, thủ những vai hiệp sĩ khá thành thạo.

Sĩ Khánh ngồi thừ người nhìn qua cửa sổ. Dưới chân cầu ven sông, lác đác vài phụ nữ giặt áo, đập vải kêu bồm bộp. Trên cầu, khách qua lại tấp nập.

Hắn quay hỏi Hồ Định:

– Qúa trưa rồi. Họ sửa soạn chưa xong à ?

Rượu ngà ngà, Sĩ Khánh chờ mãi đã chán, hết hứng muốn dẫn hai nàng đi coi hát.

Hồ Định vẫn còn buồn bực và thất vọng vì chuyện đêm trước, cau có:

– Đi chơi với họ thật bực mình. Đến phút chót còn thay áo, chải tóc. Mất thì giờ quá !

Sĩ Khánh nghĩ lan man đến võ đường ở nhà. Chắc giờ này môn đệ hắn đang tập luyện. Hắn mường tượng nghe tiếng gươm giáo chạm nhau, tiếng thét xung trận chói tai của võ sinh và cả đến những lời ngạc nhiên bất mãn của đàn em khi thấy hắn vắng mặt trong giờ giảng võ.

– Hồ Định, ta chẳng còn lòng nào muốn đi coi hát nữa. Hay về thôi !

– Thế đại ca bỏ lời hứa hả ?

Sĩ Khánh thở dài. Hồ Định tiếp:

– Họ đang hớn hở vì chuyện đi coi hát, đại ca làm thế họ giận, bận sau đến ta đâu được tiếp đãi niềm nở nữa. Để đệ vào giục.

Tới cuối hành lang, liếc mắt nhìn vào phòng Ôkô, Hồ Định thấy quần áo vất bừa bãi nhưng không thấy bóng dáng hai mẹ con đâu. Ngạc nhiên, hắn chạy sang phòng kế.

Phòng kế cũng vắng lặng. “Không biết Ôkô đi đâu ?”. Hồ Định tự nhủ và sục sạo ra tận sau nhà tìm.

Đến một căn buồng nhỏ bẩn thỉu, hắn rón rén nhìn qua cửa sổ. Buồng tối om như hũ nút, mùi ẩm mốc của quần áo lâu ngày không giặt lẫn với mùi rượu xông ra nồng nặc.

Tò mò, Hồ Định lấy ta kéo nhẹ cánh cửa.

– Ai ?

Tiếng quát giận dữ từ trong buồng phát ra làm hắn giật nẩy mình nhảy lui.

Bóng một người đàn ông nằm ngửa trên mảnh chiếu rách trong cảnh tranh tối tranh sáng có một cái gì rờn rợn bí ẩn. Hắn lợm giọng. Người đàn ông quần áo bẩn thỉu, chân tay thô kệch, chiếc chuôi kiếm lộ bên hông. Trong cách phục sức, không ai không bảo là một tay kiếm giang hồ thường thấy lang bạt khắp nơi trong nước từ quê đến tỉnh.

Anh ta nằm trên chiếu, mắt dán lên trần nhà, chẳng thèm ngồi dậy hay tỏ ra có ý định gì muốn tiếp hắn.

– Xin lỗi. Hồ Định nói. Tôi không biết có khách trong phòng.

– Ta đâu phải khách.

Người nằm trong buồng sẵng giọng, mắt vấn nhìn lên trần.

Tiếng hắn khàn khàn, hơi rượu sặc sụa. Hồ Định chẳng biết là ai, nhưng thấy rõ hắn có ý đuổi mình.

– Vậy xin lỗi đã làm rộn.

Nói xong định quay gót. Người kia chống tay ngồi dậy:

– Khoan ! Đi thì đóng cửa lại !

Hồ Định bực mình về sự thô lỗ ấy. Hắn giơ tay khép cửa và lẩm bẩm câu gì không rõ.

Lúc sau Ôkô đến. Nàng mới băm tám nhưng rõ ra vẻ kẻ cả, lên giọng mắng người nằm trong phòng:

– Mãn Hà Chí ! Anh lại làm bậy gì rồi hả ?

A Kế Mỹ theo sau mẹ nói vọng vào:

– Sao thúc thúc không đi với mẹ ?

– Đi đâu ?

– Xem tuồng Okumi.

Miệng Mãn Hà Chí nhệch xuống, gã cười cay đắng:

– Thằng chồng nào lại muốn đi cùng với tình nhân của vợ mình bao giờ !

Ôkô như vừa bị cái tát. Nàng quắc mắt giận dữ:

– Anh nói cái gì ? Có phải anh muốn ám chỉ tôi với Hồ Định không ?

– Ai ám chỉ cái gì ?

– Thì anh vừa nói đó !

Mãn Hà Chí ngậm miệng quay mặt vào tường.

Mặt cho Ôkô tỏ vẻ khinh miệt, Mãn Hà Chí vẫn giữ yên lặng.

– Anh làm tôi lên ruột ! Chỉ được cái ghen hão ghen huyền. Thôi đi ! A Kế Mỹ !

Mặc thằng khùng ấy …

Mãn Hà Chí với tay nắm áo Ôkô:

– Mày bảo ai khùng ? Nói với chồng như thế hả ?

Ôkô giật áo ra, gay gắt:

– Ai cấm được tôi nói ? Nếu là chồng, anh phải biết bổn phận làm chồng chứ ! Ai nuôi anh cơm ăn, rượu uống ? Đồ ăn hại, vô tích sự !

– …

– Từ khi đến đây, anh kiếm được đồng xu nào ? Chỉ bám vào gấu áo tôi để rượu chè bê tha, anh còn than nỗi gì ?

– Ta đã nói sẽ đi làm. Làm phu khuân đá nàng không cho, bảo tiền công không đủ sống ! Nàng nói không ăn được thứ này, không mặc được thứ kia, không ở được nhà bé … Không cái nọ, không cái kia … trăm thứ không …Ta muốn kiếm một nghề lương thiện, nàng gạt đi, mở cái phòng trà khốn nạn này ! Nàng phải thôi ngay !- Hắn hét lên.- Thôi ngay !

Khắp người hắn nóng ran, tay chân run lẩy bẩy.

– Thôi cái gì ?

– Thôi mở phòng trà này !

– Thế lấy gì mà ăn ?

– Ta đi vác đá cũng đủ nuôi cả ba.

– Nếu anh muốn đi vác đá hay cưa gỗ thì cứ đi, muốn làm phu, thợ hay gì cũng được để đủ nuôi cái miệng anh. Anh là thằng nhà quê thì cứ ở nhà quê, sao lại bỏ làng mà đi. Tôi chẳng giữ anh làm quái gì !

Mãn Hà Chí cố giữ cho nước mắt khỏi trào ra. Hắn nuốt lệ cùng với những nỗi uất ức chua cay đang dâng lên bóp nghẹn cổ họng.

Ôkô và A Kế Mỹ bỏ đi từ bao giờ, hắn vẫn ngồi cắm mặt nhìn xuống đấ t. Nghĩ lại từ khi Ôkô cho hắn tá túc tại căn nhà nhỏ của nàng ở sườn núi Ibuki, hắn tự cho là có diễm phúc được một người thông cảm, yêu thương và săn sóc. Nhưng bây giờ … hắn không biết như thế có phải là may mắn không …Làm con chó trung thành của một góa phụ tính tình thất thường và dâm đãng hay để giặc bắt, đằng nào hơn ? Hắn còn phải là người nữa hay không ? Những ước ao của hắn xưa kia, giờ không còn gì nữa ! Hắn luôn bị chế giễu, khinh rẻ.

Mãn Hà Chí đập tay xuống chiếu, giận run:

– Đồ đĩ rạc ! Đồ điếm thối tha !

Ngồi một mình, hắn để mặc nước mắt trào ra ướt đẫm má. “Ừ, tại sao ta lại không về làng ? Oa Tử còn đó chắc vẫn một lòng chờ đợi. Mẹ, cậu Ngô, chị ta và anh rể ta, ai cũng tha thiết đến ta, sao ta không về nhỉ ? Giờ này, chuông chùa Tiểu Sơn đã sắp đổ hồi rồi đấy !”.

Những hồi chuông chiêu mộ văng vẳng trong tâm tư đưa hắn trở về tuổi niên thiếu, sông Aida êm đềm cuộn khúc, hoa dại nở đầy hai bên bờ sông cùng với những loài chim khuyên, chim sao; chim chìa vôi ríu rít trên cành mận sau nhà …

Mãn Hà Chí đập hai tay lên đầu than vãn:

– Ta điên rồi ! Ta điên mất rồi !

Cơn say như biến mất, hắn vùng đứng dậy nói lớn với chính mình:

– Phải quyết đi hôm nay !

Thanh âm hắn vang dội trong căn nhà trống khiến hắn ngạc nhiên. Đột nhiên, Mãn Hà Chí nhận thức được mình đang tự do không ai cản giữ, không còn gì vương vấn.

Đồ đạc vỏn vẹn chỉ có một thanh gươm, hắn cúi xuống nhặt lên giắt vào thắt lưng, lẩm bẩm:

“Ít ra ta cũng vẫn con là người !”.

Như một ông tướng vững vàng tự tin trước khi lâm trận, Mãn Hà Chí định hiên ngang giơ cao vũ khí xông ra cửa chính, nhưng thói quen vẫn làm hắn xỏ chân vào đôi dép cũ rách, len lén theo cửa bếp ra ngoài.

Mới được vài bước, hắn khựng lại. Không phải vì trời bên ngoài đẹp quá, trong sáng quá hay ánh sáng làm hắn chói mắt, nhưng vì hắn không biết đi đâu. Đối với Mãn Hà Chí, thế giới bên ngoài chẳng khác gì mặt biển sóng cồn, hắn như người đang vùng vẫy để khỏi chết đuối, không biết bấu víu vào đâu. Ngoài Kyoto ra, hắn không còn biết nơi nào khác trừ làng hắn và Sekigahara, nơi xảy ra trận chiến độc nhất mà hắn tham dự. Trong khi đang phân vân, đột nhiên một ý nghĩ làm hắn hối hả trở lại:

“Tiền ! Mình quên mất, đi thì phải có tiền chứ !”.

Mãn Hà Chí chạy thẳng đến phòng Ôkô, lục lọi khắp chỗ, mở tủ, mở ngăn kéo, vất tung cả quần áo ra sàn, hy vọng tìm được thứ hắn muốn. Nhưng vô ích. Ôkô chẳng dại gì để tiền ở nhà cho hắn thấy. Thất vọng, Mãn Hà Chí ngồi bệt xuống sàn cạnh đống quần áo và vật dụng bừa bãi. Mùi nước hoa Ôkô ưa dùng thoang thoảng từ những món đồ lót đắt tiền bay lên quanh quẩn bên hắn. Giờ này chắc nàng đang chăm chú xem diễn tuồng ở rạp hát, làn da nhồi phấn trắng và khuôn mặt đỏm dáng của Ôkô như theo với mùi nước hoa phảng phất hiện lên trêu chọc Mãn Hà Chí. Hắn nhổ bọt, chửi thề một câu tục tằn rồi ngồi dựa lưng vào thành tường, thừ người ra buồn bã. Ý tưởng lộn xộn đến trong óc:

Oa Tử, gia đình hắn ở Miyamoto. Hắn thấy dại dột quá sức, nghe lời người đàn bà ấy viết thư dứt tình với Oa Tử. Chẳng biết vị hôn thê của hắn bây giờ nghĩ sao, có ruồng bỏ hắn không ? Hắn muốn gọi mẹ và những người thân khác. Cái gì ở làng hắn bây giờ cũng tươi cũng đẹp, cả đến đất trong làng, hắn cũng có cảm tưởng như ấm áp hơn và gợi nhớ hơn trước.

Suy nghĩ miên man, Mãn Hà Chí không để ý gì đến tiếng đập cửa dồn dập. Mãi khi có tiếng chân người bước vào, hắn mới giật mình quay ra.

– Xin các hạ thứ lỗi, tại hạ Ở võ đường Hoa Sơn muốn hỏi thăm sư huynh Sĩ Khánh.

Không biết vị đó có còn ở đây không ?

Mãn Hà Chí cau mặt càu nhàu:

– Làm sao ta biết được ?

– Tại hạ chắc vị đó còn ở đây. Tại hạ không dám tự tiện làm rộn, nhưng có chuyện khẩn cấp can hệ đến danh dự của bản phái. Xin các hạ làm ơn thông báo giúp !

– Cút đi ! Ta không biết ai là Sĩ Khánh cả !

Người kia ngạc nhiên định quay ra, nhưng nghĩ thế nào lại vớt vát:

– Xin các hạ nói với sư huynh của tại hạ, có một kiếm khách tự xưng là Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto đến võ đường khiêu khích. Anh em không ai địch nổi, hắn ngồi chờ sư huynh để tỷ kiếm. Vậy xin mời sư huynh về ngay cho.

Mãn Hà Chí mở to mắt, nhìn vào quãng không:

– Miyamoto ? Thạch Điền Đạt Lang ? Ai vậy ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.