Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Chương 34 - Tỏ Ý Từ Hôn, Liễu Hồng Bụng Xấu, Sinh Tài Thi Đối, Phùng Sĩ Mưu Gian.

trước
tiếp

Liễu Hồng trở vào nhà trong, mặt buồn dàu dàu. Phùng Thị thấy vậy mới hỏi: “Bữa nay có điều chi mà ông không vui như vậy?”. Liễu Hồng liền đem việc Nhan sinh tới đầu thân thuật lại. Phùng Thị giả bộ mừng rằng: “Như vậy là càng tốt sao ông lại buồn?”. Liễu Hồng hứ một cái mà rằng: “Tốt cái gì, nhà nó bây giờ nghèo, nó chưa thành đạt, lại tới đây ăn ở tới hai thầy trò, hao tổn quá chịu sao nổi. Sang năm nó thi không đậu rồi xin cưới Kim Thiền thời làm sao? Ý tôi muốn lập thế tuyệt hôn rồi đuổi phứt nó về huyện Võ Tấn cho rảnh. Một là mình khỏi hao tốn, hai là con mình khỏi khốn về sau”. Phùng Thị nghe nói mừng rỡ lắm nói tiếp rằng: “Ông tính như vậy được lắm, bây giờ muốn đuổi nó không khó gì, cứ bạc đãi nó và cấm cố nó tại thư trai không đầy mười ngày chắc nó buồn mà về”. Hai vợ chồng ngồi bàn luận trong phòng. Bà vú của Kim Thiền nghe được lật đật chạy vào buồng thêu nói rõ các việc cho Kim Thiền tiểu thư nghe và bảo rằng: “Như vậy tiểu thư phải tính thế nào mới được?”. Kim Thiền nói: “Bây giờ mẹ ruột tôi không còn, biết tính với ai đây?”. Bà vú nói: “Tôi nghe Viên ngoại bàn với phu nhân rằng lối mười bữa nữa sẽ đuổi Nhan công tử về. Vậy chẳng cứ tiểu thư với Nhan công tử là vợ chồng hay không, cứ lấy tình anh em mà đãi nhau thời trong năm ngày hoặc bảy ngày tiểu thư viết một bức thư hẹn với Nhan công tử tối lại cùng nhau hội ngộ, rồi đem việc ấy thuật lại cho công tử nghe. Và tiểu thư đem tiền bạc để dành dụm bao lâu giúp cho công tử đi kiếm chỗ ở học hành, sang năm may được tên đề bảng hổ sẽ tay đỡ đuốc hoa, chừng đó Viên ngoại không có lẽ gì từ chối. Tiểu thư nên tính như vậy mới xong”. Kim Thiền nói: “Không… việc ấy khó quá”. Bà vú nói: “Nếu sợ khó, còn biết tính làm sao nữa!”.

Bà vú và con Tú Hồng hết sức khuyên dỗ, rồi tiểu thư cũng phải chịu.

Lại nói tới Phùng Quân Hoành từ lúc nghe cô là Phùng Thị tính gả Kim Thiền cho mình, khoái chí lắm, nên thường hay lui tới, hễ gặp Viên ngoại thời cung cung kính kính, khi thì khoe tiền khoe của, lúc lại ra bộ văn chương. Ngày kia vừa tới cửa, thấy có một con ngựa bạch nhốt trong tàu, bèn hỏi gia đinh, mới biết Nhan công tử ở huyện Võ Tấn đã tới, lòng buồn rầu, đi thẳng vào trong thấy Liễu Hồng cũng đương cau màu chống tay trên ghế, bụng nghĩ rằng: “Nhan sinh có lẽ cùng khổ xấu xa lắm, nên Viên ngoại sinh buồn, vậy ta cũng nên vào xem thế nào”. Nghĩ rồi tỏ ý với Liễu Hồng rằng muốn vào ra mắt Nhan sinh, Liễu viên ngoại ưng thuận. Cả hai người dắt tay vào thư trai. Nhan sinh bước ra tiếp rước. Quân Hoành thấy Nhan sinh hình dung đẹp đẽ, ăn mặc sang trọng, nói năng lanh lợi, tự mình rất hổ, không thốt ra được một câu gì. Liễu Hồng thấy vậy nghĩ thầm rằng: “Nhan sinh thật người học giỏi, tướng mạo thật tốt, song ngại nỗi nhà nghèo. Nếu không, thật xứng với Kim Thiền biết chừng nào”. Nghĩ rồi nhìn lại Quân Hoành, thấy bộ tịch và cử chỉ của y mà phát buồn, lật đật kiếu ra, để Quân Hoành ngồi lại.

Liễu Hồng ra rồi, Quân Hoành mới rón rén ngồi xuống giây lâu rồi cũng ra về. Về nhà, đứng trước tấm gương rọi hình nhắm vóc rồi than rằng: “Quân Hoành ôi! Mi cũng người, người ta cũng người, sao mà mi thế này mà người ta thế kia, mi thấy người không thốt ra được một câu chữ gì. Thật hổ nhục!”. Đêm ấy Quân Hoành thao thức tức tối ngủ không êm. Sáng bữa sau đánh liều giả bộ dạn dĩ, ăn cơm sớm, rồi đi vào thư phòng ra mắt Nhan Xuân Mẫn. Hai bên phân ngôi chủ khách xong mới chuyện trò. Xuân Mẫn hỏi: “Phùng huynh ở nhà học những gì?”. Quân Hoành đáp: “Ở nhà tôi có nuôi thầy, ông dạy thơ gì mà cứ năm chữ làm một câu, bốn câu làm một bài, lại còn vận còn vẹo gì nữa, ban đầu thật khó, sau rồi cũng quen. Có ngày nọ thầy bảo tôi làm thơ “Bầy ngỗng”, tôi chỉ làm có nửa chừng thôi”. Xuân Mẫn hỏi: “Có nhớ hay không, xin đọc cho tôi nghe?”. Quân Hoành đáp: “Nhớ lắm chứ, thơ như vầy: “Xa xa một bầy ngỗng. Thấy người lội xuống sông”. Xuân Mẫn nói: “Còn hai câu nữa, xin đọc luôn đi”. Quân Hoành đáp: “Tôi làm có nửa chừng thì thôi, làm sao có đủ bài”. Xuân Mẫn nói: “Xin lỗi Phùng huynh, để tôi tiếp theo chơi”. Quân Hoành đáp: “Được, vậy càng tốt lắm, nối đi”. Xuân Mẫn đọc: “Lông trắng chen nước biếc, Sóng xanh vỗ cẳng hồng”. Quân Hoành khen rằng: “Hay lắm, hay lắm! À, mà có một lúc khác ông ấy thấy trong vườn tôi có cây bòn bon, ông ấy cũng bảo tôi làm thơ, tôi cũng làm có nửa bài, để tôi đọc nghe thử: “Cây bòn bòn lớn a. Có hai nhánh sà sà! Được không?”. Xuân mẫn đáp: “Tôi cũng xin nối theo cho đủ bài, còn hay hay dở tôi đâu dám chê Phùng Huynh. Tôi xin nối: “Trái vàng chưa được đậu. Hoa ngọc đã đơm ra”.

Quân Hoành thấy thơ mình ăn Xuân Mẫn không nổi, nên không nói nữa, lại nói qua đối, rằng: “Tôi ưa làm đối lắm. Nhan huynh ra thử một câu cho tôi đối xem sao?”. Xuân Mẫn đáp rằng: “Vậy càng tốt, nhân nay là ngày trùng dương, gió thốc cây reo, xin cứ ấy ra đối. Đối rằng: “Cửu nhật trùng dương phong lạc diệp”.

Quân Hoành ngồi nghĩ trót ba giờ đồng hồ mới đối: “Bát ngoại trung thu nguyệt chiếu đài”. Đối rồi liếc thấy Nhan sinh cầm cái quạt có đề chữ, bèn mượn xem, xem rồi khen lắm, lại đưa cây quạt mình cầm trong tay ra nói với Nhan sinh rằng: “Cây quạt của tôi đây rất tốt, song chưa có đề thi, vậy cảm phiền Nhan huynh vui tay giúp cho ít chữ làm duyên”. Nhan sinh đáp: “Quạt này chẳng phải tôi đề, ấy là của bằng hữu, chẳng tin coi tên đề thời biết. Chữ tôi xấu lắm, e làm hư quạt báu của Phùng huynh chăng!”. Quân Hoành nói: “Nhan huynh đừng khiêm nhường quá, thế nào cũng xin giúp tôi. Bây giờ tôi xin để quạt này lại, và mượn quạt của Nhan huynh về, bao giờ đề xong sẽ đổi lại”. Nói rồi cáo từ ra về. Nhan sinh bất đắc dĩ phải chịu, lấy quạt cắm vào ống viết.

Quân Hoành về nhà nằm nghĩ tới Nhan Xuân Mẫn nói một mình rằng: “Gã ấy thật kỳ tài, nối thơ ta luôn hai bài rất hay mà không phải nhọc ý suy nghĩ, hễ mở miệng thời nên thơ, nếu y ở đây, Kim Thiền còn mong gì lọt tới tay ta. Vậy ta phải lập mưu hại nó mới xong”.

Ấy là:

Vì sắc ái, quyết lòng hại chúng,

Lập mưu cao, ngậm máu phun người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.