Bạch Ngọc Đường hỏi, Võ Mặc chưa kịp đáp, thời Giả thưa rằng. “Dạ, ở trong nhà ba gian kia, chúng tôi hầu đãi hết sức tử tế”. Ngọc Đường nói: “Nếu được như vậy ta sẽ trọng thưởng”. Nói rồi cùng Võ Mặc vào thăm Nhan sinh. Nhan sinh tuy không bị gông xiềng, nhưng trong vòng khốn khổ nên vẻ mặt rất tiều tụy, dơ dáy. Ngọc Đường thấy vậy thương lắm, hỏi rằng: “Vì sao nhân huynh lại ra nông nỗi này?”. Nhan sinh mỉm cười nói: “Hiền đệ vào đây mà hỏi việc ấy làm gì?”. Bạch Ngọc Đường thấy Nhan sinh không có vẻ lo buồn thời khen thầm là người anh hùng liền đáp: “Tiểu đệ nghe nhân huynh mang nỗi hàm oan, nên vào đây hỏi cho tường chân giả, với ai nhân huynh giấu giếm, đến như tiểu đệ thời còn giấu làm chi”. Nhan sinh bất đắc dĩ phải thuật rõ câu chuyện lại cho Bạch Ngọc Đường nghe và tỏ ý mình không muốn cho tiểu thư ra mặt mà bại hoại gia phong. Ngọc Đường nghe nói, hỏi rằng: “Nhân huynh làm như vậy thật là bụng tốt, song còn bác ở nhà chỉ có trông cậy ở nhân huynh, nếu nhân huynh vì chuyện nhỏ mà làm liều mình, thời lấy ai thế cho được đáp ơn trời biển”. Một câu nói ấy khiến cho Nhan sinh lòng đau như cắt, đổ lụy như mưa, khóc mà rằng: “Nếu rủi có bề gì, xin hiền đệ thế ta mà chu toàn cho gia mẫu”. Nói rồi bụm mặt khóc rống lên, Võ Mặc đứng một bên cũng khóc. Ngọc Đường nói: “Chuyện ấy xin Nhan huynh yên tâm, tôi còn một phương giải cứu hiện nghe Bao Thừa tướng, công minh đúng bậc, đoán án như thần, có thể kêu oan với người để giải niềm oan uổng”. Nhan sinh nói: “Hiền đệ lầm rồi, làm sao kêu oan cho được, vì ngu huynh đã cung nhận rồi mà”. Ngọc Đường nói: “Tuy vậy mà bẩm văn của huyện lên tới phủ Khai Phong, ắt không khỏi Bao Công nghi hoặc”. Nhan sinh nói: “Kinh Thi có câu: Thất phu bất khả đoạt chi, huống chi là ngu huynh, xin hiền đệ yên lòng”.
Ngọc Đường thấy nói không chuyển liền giả mượn Võ Mặc theo mình ít hôm, rồi ra ngoài lo lót với bọn cai ngục, cậy săn sóc Nhan sinh kỹ lưỡng. Bọn đó được bốn phong bạc của Ngọc Đường cho, thời chẳng quản khó nhọc. Ra khỏi ngục Võ Mặc hỏi Ngọc Đường rằng: “Tướng công đem tiểu nhân ra ngoài có điều chi sai khiến? Có phải sai lên phủ Khai Phong kêu oan hay không?”. Ngọc Đường khen rằng: “Em sáng trí lắm, vậy có dám đi không?”. Võ Mặc đáp: “Nếu không dám, tôi hỏi tướng công làm gì, ý ấy tôi tính đã lâu, ngặt không ai hầu tướng công tôi, nên đi chưa tiện”. Ngọc Đường khen lắm, liền dặn dò các việc, và cho ít nhiều tiền bạc để Võ Mặc lên đường.
Võ Mặc lanh lợi khôn ngoan nên đi đường vô sự. chỉ có một điều rất lạ, là tới đêm ấy tại phủ Khai Phong có xảy ra một chuyện kỳ quái. Nguyên Lý Tài và Bao Hưng hầu hạ Bao Công tại Ngọa phòng, nửa đêm bỗng nghe có tiếng động và tiếng Bao Công cựa mình, liền lật đật bưng đèn rọi xem sự thể. Bỗng thấy trên bàn có một bức thư và một lưỡi gươm găm chặt thư ấy xuống mặt bàn, kinh hoảng la lên. Bao Công tỉnh giấc, bảo đưa lên xem, trong thư chỉ có bốn chữ “Nhan Xuân Mẫn oan” mà thôi, Bao Công lấy làm lạ lắm trong bụng nghĩ ngợi mãi.
Sáng ngày Bao Công cũng cứ lệ đi chầu. Khi trở về, thấy một đứa nhỏ đón kiệu kêu oan, liền sai Vương Triều dắt nó về phủ, rồi lập tức thăng đường, hỏi rằng: “Nhỏ kia tên họ là gì, việc oan uổng thế nào mà dám đến đây đón kiệu?”. Võ Mặc bẩm: “Tiểu tử tên Võ Mặc người huyện Võ Tấn, theo chủ đi đầu thân tại huyện Tường Phù”. Bao Công hỏi: “Chủ mi tên chi?”. Võ Mặc đáp: “Họ Nhan tên Xuân Mẫn”. Bao Công nghe nói đến ba tiếng Nhan Xuân Mẫn thời trong bụng đã có chút mừng liền hỏi: “Chủ mi ở tại nhà ai?”. Võ Mặc đáp: “Tại Song Tinh Kiều nhà của Viên ngoại Liễu Hồng, người ấy là dượng của chủ tôi, nhân lúc trước có hứa gả con gái là Liễu Kim Thiền, nên nay chủ tôi tới đầu thân để ăn học chờ hội thi năm tới và cầu hôn. Ai dè cách ba năm trước cô của chủ tôi mất rồi. Viên ngoại nối duyên với họ Phùng, vì vậy tình nghĩa có hơi lạt, chủ tôi tới chẳng vui mừng tử tế, chỉ cho ở tại hoa viên, sau này lại vu cho chủ tôi bóp họng con hầu Tú Hồng chết. Thật là oan uổng hết sức, vì tôi biết chủ tôi đêm ấy không rời thư phòng một phút nào, thế mà sao quan huyện Tường Phù bắt tra, chủ tôi lại vui vẻ mà cung nhận, trong đó chắc là có duyên cớ gì bí mật, tiểu tử chẳng nệ búa rìu, tới đây xin lão gia cứu gỡ “. Bao Công nghe xong suy nghĩ một hồi rồi hỏi: “Tiểu thư còn có ai phục dịch nữa, hay là chỉ có một mình con Tú Hồng mà thôi?”. Võ Mặc đáp: “Tôi nghe như có một mình Tú Hồng và bà vú họ Điền mà thôi. Bà ấy tử tế lắm, thường tới vào châm nước, hay xoa đầu tôi mà rằng:. “Chủ tớ mi ở ngoài thư phòng buồn bã lắm, vậy phải lo ngừa điều bất trắc, tốt hơn là một vài ngày phải đi khỏi nơi này. Thật bà nói chưa được bao lâu mà oan khúc đã xảy đến”. Bao Công nghe Võ Mặc nói tới đó liền cho lui xuống, lập tức sai đòi Liễu Hồng, Điền Thị và giải Nhan Xuân Mẫn lên xử.
Khi Liễu Hồng tới, Bao Công liền cho ngồi hầu, hỏi rằng: “Nhan Xuân Mẫn là thế nào với mi?”. Liễu Hồng đáp: “Ấy là cháu, kêu nhà tôi bằng dượng”. Bao Công hỏi: “Y tới nhà mi có chuyện gì?”.
– Y tới ở đọc sách chờ khoa thi năm tới.
– Nghe nói mi có hứa gả con là Kim Thiền cho Xuân Mẫn phải không?
– Dạ! Quả có, đã hứa khi chúng nó còn bé.
– Vậy chớ Xuân Mẫn tới, mi để nó ở đâu?
– Tôi để nó ở lại nhà tôi.
– Còn con tớ Tú Hồng có phải là đứa hầu của con mi không?
– Dạ, thật là đứa hầu của con tôi.
– Tại sao mà Tú Hồng chết?
– Ấy là tại Nhan Xuân Mẫn bóp họng nó.
– Tú Hồng chết tại đâu, hồi nào, có chi làm bằng cớ?
– Dạ, Tú Hồng bị bóp cổ chết tại sau cửa ngách, lúc canh hai, có cái quạt ở bên thây đề tên Xuân Mẫn. Vì vậy tôi biết thật y giết.
Bao Công nghe xong cho lui xuống. Điền Thị tới, liền đòi lên hỏi: “Vì có nào Tú Hồng chết, bà có biết được hay không?”. Điền Thị liền khai rõ lúc nghe vợ chồng Liễu Hồng bàn bạc thế nào, cùng tiểu thư toan liệu làm sao, sai Tú Hồng cho của đến lúc được tin Xuân Mẫn bị bắt, Tiểu thư tự vẫn. Không giấu giếm tí gì. Bao Công nghe nói ngạc nhiên, bèn hỏi: “Tiểu thư tại sao mà chết?”. Điền Thị đáp: “Không hiểu ý tứ làm sao, song cách vài hôm thì sống lại”. Bao Công hỏi: “Tại sao mà tiểu thư sống được?”. Điền Thị liền khai rõ tình trạng lúc ấy và kể tới án Lư Tử nữa. Bao Công hỏi xong cho lui xuống, bụng lại nghĩ rằng: “Tên Nhan Xuân Mẫn được người cho tiền, mà còn giết liễu hoàn, gã ấy không cần hỏi tới cũng có lẽ biết được phẩm hạnh thế nào rồi”. Nghĩ như thế liền cho đòi Võ Mặc lên, vổ án hét lớn rằng: “Gã kia, mi sao khéo già mồm lẻo mép nói rằng chủ mi không bao giờ lìa khỏi thư phòng, thế nào lại có quạt bỏ gần bên thây người như vậy?”.
Đó thật là:
Chủ vô ý, mất thư gây họa,
Tớ hữu tình, nhớ quạt gỡ tai.