Thành Kim Lăng …
Kim Lăng là một thành thị phồn hoa nhất nhì cõi Trung Nguyên.
Thành Kim Lăng còn có tên là Nam Kinh, hay Ứng Thiên phủ, nằm về phía nam ngạn Trường Giang, bên bờ sông Tần Hoài. Kim Lăng ngày xưa từng là kinh đô của một số triều đại như Đông Tấn, Nam Tề, Lương, Trần, … và mấy mươi năm nay cũng đang là kinh đô của Minh triều. Vì vậy mà đất Kim Lăng rất nổi tiếng về những công trình văn hóa cũng như các danh lam thắng tích. Số cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa miếu ở nơi đây còn nhiều hơn cả Bắc Kinh.
Đất Kim Lăng còn có một địa danh nổi tiếng hơn hẳn các địa danh khác. Một địa danh mà mỗi du khách khi đến Kim Lăng đều phải đặt chân đến đấy, dù chỉ một lần. Và cũng có không ít người đã đến nơi ấy rồi là mãi mãi không muốn dời chân. Đó là : trăng nước Tần Hoài.
“Trăng nước” ở đây không phải chỉ ánh trăng, dòng nước. Dù trăng nước nơi đây cũng đủ làm say đắm khách thi nhân.
Tần Hoài là một thị trường ăn chơi trác táng thuộc vào hàng nhất nhì khắp cả mười ba tỉnh Trung Nguyên.
Có trác táng là có mua vui. Khách mua vui nốc rượu vào để phát xuất những tràng cười như pháo. Khách bán vui nuốt lệ dằn lòng, cố nở hoa cười để làm vừa lòng khách, để giá bán được cao hơn.
Mặc cho nội tâm thế nào, dù đang vui hay buồn, dù đang sầu hay khổ, cakỹ đều phải tuân theo một quy lệ : cười.
Trong thành Kim Lăng tập trung rất nhiều đại phú gia, những nhà quan quyền thế lực, những bậc vương tôn công tử, những du khách đại gia nhiều tiền lắm của từ khắp nơi đổ về. Bọn họ có tiền muôn bạc vạn, nên việc vung vãi tiền tài để mua lấy tiếng cười cũng là chuyện bình thường. Bọn họ chẳng tiếc vung tiền ra để có được một đêm vui. Nhờ thế mà việc kinh doanh tiếng cười ở đây vô cùng phát triển, muôn hình vạn trạng, và sinh ý cực kỳ thịnh vượng.
Chỉ có một điều không giống như những nơi khác là ca kỹ Tần Hoài không hoạt động trong các thanh lâu kỹ viện, mà lại là trên những chiếc thuyền hoa neo đậu dọc bến nước Tần Hoài.
Trên tất cả những chiếc thuyền hoa đang neo đậu tại đấy, có bao nhiêu ca kỹ là có bấy nhiêu nàng cũng đều phải nở nụ cười, không tươi cũng phải cố gắng cho tươi, không phải lúc cười cũng phải cười, cười mà không cần khách nhìn nụ cười. Họ chỉ cười để cho nam nhân có dịp cười.
Và lúc này, khắp nơi trên bến Tần Hoài, nơi nào cũng vang lên những tiếng cười giòn giã, cùng với tiếng đàn ca hát xướng tạo nên một quang cảnh náo nhiệt tưng bừng. Giữa đêm khuya mà chiếc hoa thuyền nào cũng đều thắp đèn sáng rực, và cũng đều có tiếng nói cười vui vẻ.
Ánh hồng quang chiếu xuống mặt nước rực rỡ lung linh. Quang cảnh huyền ảo như chốn thần tiên.
Đột nhiên, như có quái sự xuất hiện, tiếng cười nói đang hồi vui vẻ bỗng lặng dần đi. Tình trạng này phát xuất dây chuyền, từ phía xa lan truyền dần đi, đến nơi nào là cảnh ồn ào náo nhiệt ở nơi ấy cũng tạm thời dừng lại. Cả khoảng sông chợt yên ắng như tờ, một chuyện mà trước nay chưa từng thấy xảy ra.
Rồi trước mặt mọi người chợt hiện ra một đoàn thuyền mui đen kỳ dị đang từ từ rẽ nước tiến tới. Đoàn thuyền tiến đến nơi đâu là tiếng cười nói ngưng ngay đến đó. Chẳng phải những người đi trên những chiếc quái thuyền kia hạch họe gì, vì thật ra bọn họ đi giữa dòng sông, cố ý tránh xa những chiếc hoa thuyền đang neo đậu bên bờ. Những cả đoàn thuyền trông bề ngoài rất quái dị kia lại có cái uy thế khiến cho người khác phải kiêng dè, không dám phạm đến để khỏi chuốc họa vào thân.
Cả đoàn thuyền cứ lặng lẽ tiến tới. Trên thuyền không hề phát ra một âm thanh nào, dù là rất nhỏ. Cảnh trạng này giống như là cả một đoàn thuyền không người. Và sau thuyền cũng chẳng thấy người chèo lái.
Đoàn thuyền vẫn tiến tới.
Qua khỏi đoạn sông náo nhiệt, đèn nến sáng trưng, là lại đến một đoạn sông vắng vẻ yên ắng. Nơi này không có thuyền hoa neo đậu, chẳng phải vì thiên nhiên không nên thơ hay phong cảnh chẳng hữu tình. Trái lại, nơi này cảnh sắc rất kỳ tú mỹ lệ, có thể nói là đoạn sông đẹp nhất của dòng Tần Hoài, chỉ là nằm hơi xa kinh thành, chỉ hợp ý khách tao nhân ưa ngâm thơ ngoạn cảnh, chứ khó thể thu hút khách làng chơi. Vả chăng, ở những nơi xa xôi vắng vẻ đôi khi lại gặp điều bất trắc.
Thường nơi đây chỉ xuất hiện thuyền hoa khi những bậc danh gia vọng tộc có nhã hứng, thuê hẳn một chiếc du thuyền để chiêu đãi thân hữu, xuôi theo dòng nước ngoạn cảnh hay đàm luận văn chương.
Và hiện nơi ấy đang hiện diện một đoàn thuyền chín chiếc, mà mới trông vẻ ngoài cũng đủ biết chủ nhân của nó không phải là một nhân vật tầm thường, nếu không phải là bậc vương hầu thì cũng là một đại thế gia giàu sang tột bậc.
Đoàn thuyền chín chiếc ấy đều rất mực lộng lẫy sang trọng, hơn hẳn những chiếc thuyền hoa đang neo đậu bên bến Tần Hoài.
Và lộng lẫy hơn cả, sang trọng hơn cả, to lớn đồ sộ hơn cả là chiếc lâu thuyền đang đậu giữa dòng sông. Lâu thuyền cao ngất, đồ sộ nguy nga, trông xa xa tựa như một tòa lâu đài nổi lừng lững giữa dòng. Vây quanh lâu thuyền, ở phía xa xa có tám chiếc thuyền dàn ra bảo vệ.
Lâu thuyền to lớn hùng vĩ, được đóng bằng gỗ quý bởi bàn tay người thợ tài hoa. Trên thân thuyền, khắp nơi đều được chạm rồng trổ phụng, khảm ngọc giát vàng, với những hình ảnh lưỡng long triều nhật, loan phụng hòa minh …, hình bát tiên quá hải, quần tiên thọ yến Bàn đào, cảnh đảo Bồng lai, Bát tuấn đồ, Thập lý ngư đồ …, cảnh phi cầm điểu thú, cảnh tùng bách hùng vĩ, cảnh sơn thủy hữu tình, … muôn hình vạn trạng vô cùng sinh động. Phải nói rằng, trên suốt dọc thân thuyền, mỗi một chỗ đều mang trên nó một bức tranh tuyệt tác, thiên hạ vô song.
Và trên thuyền, màn châu trướng ngọc tỏa chiếu lấp lánh sáng ngời, không cần dùng đến đèn nến mà tứ bề vẫn sáng rực hẳn lên. Lâu thuyền hai tầng nguy nga tráng lệ, ngay đến thuyền ngự của Hoàng đế cũng chưa chắc đã sánh bằng. Nếu không phải một đại phú gia phú xưng địch quốc thì làm sao sở hữu được nó.
Phụ tử Nghiêm Phi Long đều ngẩn ngơ ngắm nhìn. Và riêng Nghiêm Phi Long thì cứ mãi xuýt xoa thán phục.
Dòng Tần Hoài vốn đã có phong cảnh nên thơ hữu tình. Đi thuyền trên dòng Tần Hoài chẳng khác nào đang đi trên dãi ngân hà thơ mộng. Nhất là vào những đêm trời trong gió mát, có trăng có sao, như đêm nay chẳng hạn, sông nước Tần Hoài lại càng thêm lung linh huyền ảo.
Nhưng từ khi có chiếc lâu thuyền kia xuất hiện, cảnh sắc Tần Hoài như được điểm thêm một nét chấm phá độc đáo trên bức tranh sơn thủy vốn đã được tạo hóa ban cho vẻ đẹp mỹ lệ kiêu sa.
Chẳng người nào biết chủ nhân của chiếc lâu thuyền kia là ai, nhưng chỉ một lần gặp chiếc lâu thuyền ấy thôi thì tất cũng có thể đoán được vị chủ nhân của nó hẳn phải là một bậc đại gia quý hiển vào hàng nhất đẳng trong thiên hạ.
Và bất cứ ai, nếu đã một lần nhìn thấy chiếc lâu thuyền ấy, hẳn sẽ nảy sinh ý niệm được một lần diễm phúc được đặt chân lên thuyền để cùng vui với gió trăng sông nước. Và với các bậc tao nhân mặc khác thì lại càng ao ước được một lần đứng trên khoang thuyền xuôi ngược trên sông mà nảy sinh tứ thơ ý nhạc, và ngâm nga mấy vần tuyệt tác. Nhưng, ý niệm đó vẫn chỉ mãi là ý niệm.
Mấy hôm nay, từ khi chiếc lâu thuyền xuất hiện ở đây, đã có nhiều thuyền hoa mon men đến gần mong có cơ hội làm quen với chủ nhân của lâu thuyền, nhưng ngay từ xa đã bị ngăn lại bởi tám chiếc thuyền hộ vệ xung quanh.
Mãi cho đến hôm nay mới có những chiếc thuyền đầu tiên tiến được đến gần đoàn thuyền hoa mỹ sang trọng kia. Đó là đoàn thuyền mui đen kỳ dị trông đầy vẻ thô kệt của Huyền Vũ Đàn.
Nhưng đoàn thuyền mui đen chỉ tiến đến gần khoảng trăm trượng là dừng lại, rồi lập tức dàn thành hai hàng ngay ngắn tề chỉnh. Riêng chiếc soái thuyền của Huyền Vũ Đàn chủ từ từ tiến ra phía trước đội hình, cách độ năm trượng. Rồi Huyền Vũ Đàn chủ vận khí, cất giọng nói lớn :
– Hạ chức Giang Đại Thành, chấp chưởng Huyền Vũ Đàn xin được triệu kiến.
Nói xong, y đứng nghiêm cẩn chắp tay chờ đợi. Lát sau, từ phía lâu thuyền có thanh âm trong trẻo truyền lại :
– Chúa công ban chỉ tuyên triệu Huyền Vũ Đàn chủ ứng hầu.
Huyền Vũ Đàn chủ cất cao giọng nói :
– Cẩn tuân thượng ý.
Rồi thuyền từ từ tiến tới, áp sát vào mạn lâu thuyền. Huyền Vũ Đàn chủ nhảy lên lâu thuyền trước tiên. Thiên Vô Giáo chủ cũng vội đỡ Nghiêm Phi Long nhảy lên theo. Trên lâu thuyền đã có hai nàng thiếu nữ vận hoàng y cung trang, dung nhan đều rất xinh đẹp, đang đứng nghiêm trang chờ đón ba người.
Ba người vừa đặt chân lên thuyền thì hai nàng hoàng y thiếu nữ đã nghiêng mình hướng vào Huyền Vũ Đàn chủ nói :
– Thỉnh đàn chủ đi theo bọn tiểu nữ.
Rồi hai nàng lại hướng làn thu ba nhìn Nghiêm Phi Long và Thiên Vô Giáo chủ, nhất là Nghiêm Phi Long. Một nàng lên tiếng hỏi :
– Còn nhị vị đây là …
Huyền Vũ Đàn chủ nói :
– Nhị vị đây là thân hữu của bản tòa, Thiên Vô Giáo chủ và Nghiêm thiếu hiệp. Nhị vị đây cũng muốn được kiến giá.
Ánh mắt hai nàng chợt sáng lên, nhìn chằm chằm vào Nghiêm Phi Long đến độ khiến chàng phải đỏ mặt ngượng ngùng. Đoạn một nàng hỏi :
– Phải chăng là vị thiếu hiệp mà Tứ đại thị vệ đã nhắc đến.
Huyền Vũ Đàn chủ gật đầu nói :
– Chính phải.
Hai nàng liền vòng tay nói :
– Bọn tiểu nữ đã từng được nghe nói nhiều về thiếu hiệp, nay mới được may mắn hội diện, thật vô cùng vinh hạnh.
Nghiêm Phi Long ngượng ngùng chắp tay đáp lễ, ấp úng nói :
– Không dám. Nhị vị cô nương quá khách sáo rồi. Tại hạ …
Hai nàng đều nhoẻn miệng tươi cười, một nàng nói :
– Quả thật phong tư vượt hẳn lời đồn.
Rồi nàng lại quay sang Huyền Vũ Đàn chủ nói tiếp :
– Nhưng chúa công chỉ tuyên triệu một mình đàn chủ mà thôi.
Huyền Vũ Đàn chủ quay sang phụ tử Nghiêm Phi Long, nói :
– Nhị vị hãy chờ ở đây giây lát, để bản tòa vào trình với chúa công rồi sẽ đưa nhị vị vào kiến giá.
Thiên Vô Giáo chủ gật đầu nói :
– Xin đàn chủ cứ tự tiện.
Cung trang thiếu nữ mỉm cười nói :
– Mời đàn chủ.
Đoạn hai nàng quay bước đi vào khoang thuyền. Huyền Vũ Đàn chủ nghiêm cẩn theo sau. Bên ngoài giờ chỉ còn lại phụ tử Nghiêm Phi Long. Lão giáo chủ đưa mắt ngắm nhìn vẻ tráng lệ của chiếc lâu thuyền, khẽ chép miệng thầm khen.
Lát sau, hai nàng thiếu nữ kia lại bước trở ra, tiến đến trước Nghiêm Phi Long và Thiên Vô Giáo chủ tươi cười nói :
– Chúa công tuyên triệu. Mời nhị vị đi theo bọn tiểu nữ.
Thiên Vô Giáo chủ nói lời đa tạ rồi dìu đỡ Nghiêm Phi Long đi theo sau hai nàng tiến vào trong khoang thuyền.
Vừa bước qua tấm rèm châu, đặt chân vào bên trong khoang thuyền, cả hai người đều trợn tròn mắt kinh ngạc
Khoang thuyền rộng lớn như một tòa đại điện, khắp nơi thiếp vàng khảm ngọc rực rỡ chói ngời. Xung quanh dàn bày nghi trượng trang nghiêm tề chỉnh. Sâu tận trong cùng là một bệ ngọc được phủ rèm châu. Phía sau rèm thấp thoáng có bóng người ngồi, chắc đó chính là vị chúa công.
Ngay dưới bệ có hai người chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, phong thái đường bệ uy nghi.
Người đứng phía tả là một lão nhân đã quá tuổi cổ lai hy, cũng đã gần bát thập nhưng tướng mạo vẫn hãy còn phương phi khỏe mạnh. Lão nhân vận hoàng bào hoa lệ, đầu đội kim quan, lưng thắt đai ngọc, chân mang giày vàng, râu ba chòm bạc trắng, đầy vẻ quắc thước oai phong.
Đứng bên hữu là một lam y văn sĩ, đầu đội nho cân, tuổi đã quá ngũ tuần, râu năm chòm đen nhánh, mặt trắng như ngọc, mày kiếm mắt ưng, trông vừa uy vũ lại vừa tao nhã. Thiên Vô Giáo chủ nhận ra người này chính là Hoài Giang Tú Sĩ Bách Lý Hạc mà oai danh đã rất lừng lẫy từ hơn hai mươi năm trước. Cũng đã gần hai mươi năm không thấy lão xuất hiện trong võ lâm, ngờ đâu lão lại theo phụng sự Văn Đức Cung.
Còn hoàng bào lão nhân kia thì lão giáo chủ chưa từng gặp qua, nhưng cũng có thể đoán chừng hẳn lão chính là Sinh Tử Phán Quan Thiên Hữu, một nhân vật khét tiếng võ lâm độ bốn năm mươi năm về trước, mà bất kể giang hồ Hắc Bạch, hễ ai nghe thấy danh hiệu của lão cũng không khỏi run sợ kiêng dè.
Đứng dưới hai lão còn có bốn nhân vật đều vận cẩm bào hoa lệ, mà Nghiêm Phi Long nhận ra đó chính là những người đã cứu mạng chàng khi trước : Ngự tiền Hộ giá Tứ đại thị vệ. Bên cạnh họ còn có Huyền Vũ Đàn chủ đang đứng nghiêm trang, chắp tay đầy vẻ thành kính. Dưới nữa là các cung trang thiếu nữ hoa dung diễm lệ, phong thái yêu kiều, đều vận hoàng y đang nghiêm cẩn đứng hầu.
Ngẩn ngơ giây lát, Thiên Vô Giáo chủ vội dìu Nghiêm Phi Long tiến đến trước bệ ngọc, vòng tay vái dài, nói :
– Lão phu Lý Thuần Dương, giáo chủ Thiên Vô Giáo, cùng nghĩa tử Nghiêm Phi Long xin được bái kiến chúa công.
Từ phía sau bức rèm châu khẽ vang lên một thanh âm trong trẻo hiền hòa, lời nói dịu dàng từ ái :
– Nhị vị không cần phải quá đa lễ. Hãy mau bình thân đi.
Thiên Vô Giáo chủ nói :
– Đa tạ chúa công.
Lão giáo chủ vẫn tiếp tục dìu đỡ Nghiêm Phi Long để chàng khỏi phải hao tổn sức lực. Vì trong điện ai nấy đều đứng cả nên lão không dám nghĩ đến chuyện cho chàng ngồi xuống, dù rằng là ngồi ngay xuống sàn thuyền. Thấy lão lo lắng cho nghĩa tử của mình như thế, mọi người đều phát sinh hảo cảm. Đoạn lão lại nói :
– Vì Long nhi hiện đang bị trúng độc rất nặng, sức khỏe không được tốt, khó thể tròn lễ, mong chúa công lượng thứ cho.
Lão nói đến tình trạng sức khỏe của Nghiêm Phi Long như muốn ngầm nhắc nhở Huyền Vũ Đàn chủ rằng chàng đang bị trúng độc, cần phải điều trị sớm. Quả nhiên, đã nghe vị chúa công ngồi sau rèm nói :
– Việc của Nghiêm thiếu hiệp, cô gia đã nghe Huyền Vũ Đàn chủ trình báo. Vậy phải phiền Bách Lý tiên sinh xem thử tình trạng nội thể của Nghiêm thiếu hiệp thế nào để còn tìm phương điều trị.
Bách Lý Hạc ứng tiếng vâng dạ, rồi rảo bước tới bên Nghiêm Phi Long, cầm tay chàng chẩn mạch. Lão giữ tay chàng bắt mạch rất lâu. Sau đó, đôi mày lão khẽ cau lại, sắc diện lộ vẻ trầm tư. Rồi lão lại một lần nữa cầm tay chàng bắt mạch, và rồi lại ngẩn người trầm ngâm hồi lâu.
Thiên Vô Giáo chủ thấy thái độ của Bách Lý Hạc như vậy, đã lo lắng lại càng lo lắng hơn, vội hỏi :
– Bách Lý tiên sinh. Hiện trạng trúng độc của Long nhi chẳng hay còn có thể cứu chữa được không.
Tuy nghe lão hỏi thế, nhưng Bách Lý Hạc chỉ ậm ừ, như đang có điều chi nghĩ ngợi nên không lên tiếng đáp lại. Lão giáo chủ lại nói tiếp :
– Lão phu chỉ có Long nhi là người thân duy nhất. Cầu mong tiên sinh nghĩ cách cứu chữa cho Long nhi. Lão phu thật vô cùng biết ơn.
Huyền Vũ Đàn chủ cũng nói thêm vào :
– Hạ chức cũng đã nhận Nghiêm hiền điệt làm điệt tử. Cầu mong Bách Lý Tổng quản hãy tìm cách chữa trị cho Nghiêm hiền điệt được khỏi bệnh. Hạ chức xin vạn đội thâm ân.
Bách Lý Hạc không nói gì, chỉ im lặng trầm ngâm. Hồi lâu sau, lão mới hướng về bệ ngọc, chắp tay cung kính nói :
– Tình trạng nội thể của Nghiêm thiếu hiệp rất kỳ lạ. Trước giờ lão phu chưa từng thấy qua. Thỉnh chúa công xem thử.
Vị chúa công ngồi sau rèm nói :
– Tiên sinh đã không nhận biết được thì hẳn cô gia cũng thế thôi.
Bách Lý Hạc cung kính nói :
– Lão phu sao sánh được với chúa công.
Sau rèm im lặng một lúc lâu. Rồi tấm rèm châu được từ từ vén lên, hiện ra một chàng bạch y công tử đang ngồi trên ngai. Hai bên ngai có hai cung trang thiếu nữ đứng hầu. Hai thiếu nữ này đều rất mực xinh đẹp, hoa dung thanh tú, nhan sắc diễm lệ, khí độ cao khiết, hơn hẳn những cung trang thiếu nữ khác. Và hai nàng đang nhẹ nhàng đưa đôi bàn tay ngọc vén bức rèm châu.
Nhưng nhan sắc của hai nàng lại không khiến cho phụ tử Nghiêm Phi Long phải chú ý bằng phong thái của chàng bạch y công tử.
Chàng trông hãy còn rất trẻ, tuổi chỉ độ mười sáu, mười bảy, mày thanh mắt sáng, làn da trắng trẻo mịn màng, dung mạo thanh tú tuấn mỹ, phong thái nho nhã dễ mến. Chàng vận bộ y phục toàn trắng tinh khôi, tóc cột lụa trắng, chân mang đôi giày trắng, tay cầm bạch ngọc phiến. Sắc diện chàng luôn ẩn hiện một vẻ thân thiện gần gũi. Toàn thân chàng tuyền một màu trắng bạch, trông chàng xinh đẹp như cây ngọc giữa mùa xuân. Chàng chẳng phải ai khác, chính là Giang Hoài Ngọc.
Chàng quá anh tuấn, quá xinh đẹp, khiến Thiên Vô Giáo chủ cùng Nghiêm Phi Long đều tròn mắt nhìn chàng một cách chăm chú. Cả hai ngẩn người ngơ ngác như đã bị hớp mất hồn. Giang Hoài Ngọc thấy vậy liền hỏi :
– Sau nhị vị lại nhìn cô gia như thế. Chẳng lẽ cô gia trông có vẻ gì đó rất kỳ quái hay sao.
Đến lúc này thì cả hai người họ mới chợt bừng tỉnh lại. Thiên Vô Giáo chủ lộ vẻ ngượng ngùng, ấp úng nói :
– Không … không phải …
Tuy vậy, lão rất lấy làm ngạc nhiên về diện mạo cũng như phong thái của Giang Hoài Ngọc. Trông chàng khác hẳn so với sự tưởng tượng của lão trước đây. Chàng còn quá trẻ, lại quá nho nhã, quá hiền hậu, thiếu hẳn vẻ uy nghi đường bệ vốn phải có của một nhân vật lãnh đạo quần hùng. Thế mà phụng sự dưới trướng chàng lại có biết bao nhân vật uy danh lừng lẫy, thanh vọng hiển hách, cỡ như Sinh Tử Phán hay Hoài Giang Tú Sĩ. Lão không hiểu làm cách nào mà chàng có thể lãnh đạo được bọn họ. Lão có biết đâu rằng chính vẻ hiền lành nhân hậu đó đã đưa chàng đến địa vị của một bậc nhân quân mà người người đều mến phục.
Giang Hoài Ngọc từ từ đứng dậy, nhẹ nhàng cất bước đi xuống bệ ngọc, phong thái ung dung nho nhã. Chàng đến bên cạnh Nghiêm Phi Long, cầm tay xem mạch. Đoạn chàng quay sang Bách Lý Hạc, nói :
– Đây chẳng qua là do trúng phải hai loại độc chất xung khắc nhau, rồi lại bị hàn khí công tâm nên mới có hiện trạng này.
Bách Lý Hạc nói :
– Việc này cũng đáng để nghiên cứu lắm. Xin chúa công …
Giang Hoài Ngọc hơi thoáng ngẩn người, rồi khẽ gật đầu :
– Cô gia hiểu tiên sinh muốn nói gì rồi.
Bách Lý Hạc hỏi :
– Chẳng hay ý chúa công thế nào ạ.
Giang Hoài Ngọc nói :
– Việc này … Mà thôi. Nếu tiên sinh đã thấy là cần thiết thì cứ cho tiến hành.
Chàng tâm tư rất linh mẫn nên chỉ vừa nghe qua là đã hiểu ngay Bách Lý Hạc muốn nghiên cứu để chế ra một thứ độc chất mới dựa vào hiện trạng này. Được chàng chuẩn thuận, lão liền kính cẩn nói :
– Cẩn tuân thượng ý.
Giang Hoài Ngọc nói tiếp :
– Còn việc chữa trị cho Nghiêm thiếu hiệp, tiên sinh hãy đảm trách.
Bách Lý Hạc lại kính cẩn vòng tay nói :
– Cẩn tuân thượng ý.
Thiên Vô Giáo chủ cũng vội vòng tay nói :
– Lão phu xin cảm tạ ân đức chúa công.
Giang Hoài Ngọc lại quay bước trở về bệ ngọc, ngồi xuống ngai. Rồi tấm rèm châu lại được buông xuống như lúc trước.