Lại nói, sau khi nghe Quan lão hỏi, Chu Kỳ Xương ngẫm nghĩ một lúc rồi lại ngây người ra không trả lời. Bách Lý Hạc nói :
– Dù với bất cứ lý do gì, người bình thường cũng chẳng ai chịu cho kẻ lạ đụng chạm vào người phải không. Nếu như gặp phải kẻ tiểu nhân ngầm thi triển độc thủ thì có hối cũng chẳng kịp.
Chu Kỳ Xương liền gật đầu lia lịa :
– Đúng thế. Đúng thế.
Không chỉ riêng họ Chu nghĩ thế mà bất cứ người võ lâm nào cũng đều sẽ nghĩ như thế thôi. Bách Lý Hạc lại nói :
– Thế nhưng chúa công lại ưng chịu đấy. Khi đó chỉ có bọn lão phu ba người đi với chúa công. Thật ra thì bọn võ lâm tiểu bối đó còn chưa đáng để Quan lão ca xuất thủ. Nhưng chúa công lại nghĩ rằng nếu không cho bọn chúng lục soát thì rồi sau này bọn chúng sẽ cứ đi theo làm phiền mãi. Thế là chúa công đã ưng chịu.
Khi nghĩ đến chuyện đó, Quan lão lộ vẻ bực mình, hậm hực nói :
– Bọn chúng thật không biết điều. Hừ. Bọn chúng lục soát không chừa một chỗ nào, cả đến đôi giày hay mảnh vải buộc tóc của chúa công cũng không bỏ qua. Lão phu trông thấy mà không sao chịu được. Nếu như không có mặt chúa công ở đó thì lão phu đã cho hắn nếm thủ đoạn của lão phu rồi.
Chu Kỳ Xương tò mò hỏi :
– Sau đó thì sao.
Quan lão nói :
– Còn sao nữa. Bọn chúng không tìm thấy bảo vật nhưng lại phát hiện trong người chúa công có đến hơn chục vạn lượng ngân phiếu. Thế là sau đó bọn lão phu đã phải một phen lao nhọc để giải quyết bọn chúng.
Bách Lý Hạc trở lại vấn đề khi nãy, hỏi :
– Ý lão đệ thế nào. Lão đệ hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời.
Chu Kỳ Xương ngẫm nghĩ giây lát, mới nói :
– Tại hạ thuận theo phò tá chúa công. Nhưng xin có một điều kiện.
Quan lão liền xua tay nói :
– Nếu thế thì đừng theo nữa. Chúa công cũng không ép buộc ngươi. Ngươi đã không chân tâm thì còn theo chúa công làm chi.
Bách Lý Hạc cũng nói :
– Việc ra điều kiện với chúa công là một điều tối kỵ, có thể dẫn đến họa diệt thân đấy. Tuy chúa công không lấy làm phiền lòng, nhưng chư huynh đệ các lộ mà biết lão đệ đặt điều kiện với chúa công thì ắt bọn họ sẽ không bỏ qua. Sau này có thể lão đệ sẽ gặp nhiều phiền phức với bọn họ đấy.
Chu Kỳ Xương trầm ngâm suy tính một lúc lâu, rồi mới nói :
– Vậy, tại hạ nguyện ý theo phụng sự chúa công. Mong nhị vị tiếp dẫn cho.
Quan lão nói :
– Thế mới được chứ. Tốt lắm. Từ nay chúng ta không còn là người ngoài nữa. Để rồi lão phu sẽ trình chúa công gia phong cho. Tạm thời ngươi hãy phụ giúp Bách Lý huynh đệ giải quyết sự vụ ở Ngoại sự đàn. Được chứ.
Chu Kỳ Xương cung tay nói :
– Vâng ạ. Đa tạ lão tiền bối.
Vậy là Chu Kỳ Xương đã được nhận vào Văn Đức Cung, tùng sự ở Ngoại sự đàn. Ba người còn bàn bạc một hồi lâu nữa mới giải tán.
Sáng hôm sau, Giang Hoài Ngọc thượng triều. Quan lão và Bách Lý Hạc đưa Chu Kỳ Xương vào triều kiến. Nghe Bách Lý Hạc trình lại việc họ Chu nguyện ý theo phụng sự. Chàng hài lòng nói :
– Thế thì hay lắm. Vậy theo nhị vị tiên sinh thì nên bổ nhiệm Chu khanh gia vào chức danh nào.
Bách Lý Hạc nói :
– Trình chúa công. Chu lão đệ thông hiểu nhiều sự việc trong võ lâm, đã có danh hiệu là Vạn Bác Thư sinh. Vậy xin chúa công cho Chu lão đệ giữ chức Ngoại sự đàn Tổng văn án, phụ trách văn thư.
Giang Hoài Ngọc nói :
– Được. Cô gia chuẩn tấu.
Chu Kỳ Xương vội vái lạy tạ ân. Bách Lý Hạc lại nói :
– Trình chúa công. Theo như lời của Chu lão đệ thì Võ lâm Tứ đại hiền nhân cũng là những nhân vật khá, chúa công nên thu dụng.
Giang Hoài Ngọc hỏi :
– Võ lâm Tứ đại hiền nhân là những nhân vật thế nào.
Nghe chàng hỏi câu này, Chu Kỳ Xương mới thật sự tin rằng chàng không phải là người võ lâm. Bởi Võ lâm Tứ đại hiền nhân danh vọng rất cao, trừ một số ít người mới xuất đạo, người trong võ lâm ít ai không biết. Còn riêng Quan lão thì lại khác. Lão ẩn cư đã lâu, mà Võ lâm tứ đại hiền nhân thì chỉ mới nổi danh trong vòng hai chục năm trở lại đây, nên chuyện lão không biết cũng không phải là lạ. Lão đưa mắt nhìn họ Chu có ý bảo y lên tiếng. Y liền cung kính nói :
– Trình chúa công. Những việc hay dữ, thiện ác trên đời rất phức tạp. Bốn vị ấy là những nhân vật đã thoát ra ngoài vòng ân oán, không thèm tranh danh đoạt lợi. Chỉ vì mang võ công tuyệt thế mà được đồng đạo võ lâm tôn xưng là Võ lâm Tứ đại hiền nhân để tỏ lòng kính ngưỡng.
Quan lão hỏi :
– Nhưng bọn họ là những người nào.
Chu Kỳ Xương đáp :
– Bốn vị ấy là Trúc Thanh Sơn ở Lạc Dương, Vưu Tử Thanh ở Kim Lăng, Tần Sĩ Đình ở Hà Đông và Hứa Thi Đường ở Nam Xương.
Giang Hoài Ngọc nói :
– Bốn vị tiên sinh đó có khí phách hơn đời, không màng danh lợi, khác hẳn với người võ lâm, thật xứng với danh hiệu hiền nhân.
Quan lão nói :
– Nhưng bọn họ lại không đoái hoài đến đại thể, không phân biệt hành động phải quấy, gặp lúc võ lâm gặp kiếp nạn lớn lao mà chỉ biết tự mình vui thú lâm tuyền, lại còn lấy làm nhơn nhơn đắc ý, liệu có đáng mặt hiền giả hay không.
Bách Lý Hạc tiếp lời :
– Hư danh thường đưa con người đến chỗ lầm lạc. Nếu không có công phu nhẫn nại phi thường thì sao có thể gọi là Tứ đại hiền nhân được. Vấn đề vi diệu ở đây là bốn vị này không màng danh lợi, không gây thù oán, độ lượng quảng đại ít người bì kịp. Nhưng đi sâu vào vấn đề, hành động của bọn họ cũng không ngoài mục đích muốn duy trì lấy tiếng tốt Tứ đại hiền nhân.
Giang Hoài Ngọc nói :
– Tuy hành động của bọn họ có phần ích kỷ, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, dù sao cũng có mặt đáng để nêu gương. Nếu như ai ai cũng đều biết nghĩ như bọn họ thì võ lâm đâu rơi vào cảnh hỗn loạn.
Bách Lý Hạc nói :
– Nói là nói vậy thôi, chứ nếu chúa công nhận thấy có thể thu dụng được thì bọn lão phu sẽ có cách lo liệu.
Giang Hoài Ngọc nói :
– Nghe tiếng không chưa đủ. Cần phải xem tận mắt mới biết được bọn họ là người thế nào. Có lẽ tiên sinh nên chịu khó đi một chuyến. Mọi việc cô gia giao cho tiên sinh toàn quyền liệu lý.
Bách Lý Hạc cung kính nói :
– Cẩn tuân thượng ý.
Tưởng đâu đến đây thì việc đã xong, chàng sẽ truyền lệnh thoái triều, nào ngờ chàng lại nói tiếp :
– Nhân tiện, tiên sinh hãy cho truyền chỉ dụ của cô gia tuyên triệu Âm Sơn Tứ Quái ứng hầu.
Chu Kỳ Xương nghe nhắc đến Âm Sơn Tứ Quái mà giật mình. Y có ngoại hiệu là Vạn Bác Thư sinh nên rất biết Âm Sơn Tứ Quái là những nhân vật thế nào. Bách Lý Hạc cũng ngạc nhiên, nhưng lại theo hướng khác. Lão không hiểu chàng triệu Âm Sơn Tứ Quái đến để làm gì, nhưng cũng không hỏi lại, cung kính nói :
– Cẩn tuân thượng ý.
Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :
– Được rồi. Truyền thoái triều.
Trong gian tịnh thất của lâu thuyền, Quan lão và Bách Lý Hạc đang mật đàm, có Chu Kỳ Xương ngồi bên cạnh hầu tiếp. Y biết giữ ý, ngồi dịch ra phía sau một chút, bởi với thân phận và địa vị của y, y không thể và cũng không dám ngồi ngang hàng với Quan lão và Bách Lý Hạc.
Ba người bọn họ họp nhau ở đấy là để bàn bạc, phân công công việc cho Chu Kỳ Xương vì y mới nhận lĩnh trách vụ. Sau khi mọi việc xong xuôi, Bách Lý Hạc cho y lui ra ngoài nghỉ ngơi.
Trong phòng chỉ còn lại hai người …
Quan lão ngồi trầm tư, còn Bách Lý Hạc lặng lẽ nhấp một ngụm trà. Hai người họ ngồi yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Hồi lâu, Quan lão mới lên tiếng, phá vỡ bầu yên lặng :
– Huynh đệ nghĩ thử xem, có đoán biết nguyên nhân chúa công triệu kiến Âm Sơn Tứ Quái hay không.
Bách Lý Hạc trầm tư nói :
– Trong Âm Sơn Tứ Quái có lão Tư Thám. Chắc chúa công muốn sử dụng tài năng của lão để tra ra hạ lạc của Tổng đàn Thông Thiên Giáo.
Quan lão nói :
– Nếu thế thì chỉ cần triệu một mình lão Tư Thám là được. Cần gì phải triệu kiến cả bốn lão quái vật đó chứ.
Bách Lý Hạc lắc đầu nói :
– Vậy thì đệ chịu, không thể nghĩ ra được. Nhưng chắc là chúa công đã có chủ trương gì đó rồi.
Quan lão gật gù nói :
– Chắc chắn là thế.
Hai người lại ngồi yên, trầm ngâm nghĩ ngợi.
Không gian tĩnh mịch im lìm. Chỉ nghe có những tiếng sóng nước vỗ vào mạn thuyền bì bõm.
Vách phòng nơi phía mạn thuyền có hai khuôn cửa sổ nhỏ. Gió từ mặt sông thổi vào phòng mát dịu.
Đột nhiên, Quan lão bật đứng dậy, lướt đến sát bên một khuôn cửa sổ, giơ bàn tay phải ra ngoài chụp vào khoảng không mấy cái.
Thật lạ lùng. Có tiếng ục ục phía dưới mặt nước, rồi một thân người bị hút lên, dính chặt vào bàn tay của Quan lão. Đó là một hán tử áo đen, thân hình nhỏ bé, đôi mắt to linh lợi, miệng rộng răng thưa.
Quan lão khẽ hừ lạnh một tiếng, toan truyền âm ra phía ngoài bảo thị vệ bắt gian phi, thì Bách Lý Hạc đã ngăn lại, nói :
– Hiện chúa công đang nghỉ ngơi, lão ca không nên làm kinh động. Để đệ lên trên ấy điều động thị vệ.
Đoạn lão rảo bước đi ra. Lát sau, nghe thấy tiếng gọi của Bách Lý Hạc, Quan lão liền vẫy tay, hất bắn gã hán tử kia đi. Sau đó lão cũng rời tịnh thất, ra phía ngoài hội họp với Bách Lý Hạc.
Lại nói, ở bên ngoài, sau khi Quan lão hất bắn gã gian phi kia lên, Bách Lý Hạc đã giơ tay đón lấy, rồi quẳng gã xuống sàn thuyền. Bọn thị vệ liền xúm lại điểm huyệt gã, rồi xem xét khắp người, hy vọng qua những vật dụng gã mang theo bên người mà có thể tìm ra lai lịch của gã.
Lát sau, Quan lão đi lên, đưa mắt nhìn gã gian phi, hừ lạnh nói :
– Tên này thật to gan. Dám đến đây do thám là hết muốn sống rồi. Huynh đệ có nhận biết lai lịch gã không.
Bách Lý Hạc lắc đầu nói :
– Đệ chưa kịp tra xét. Tên này đệ cũng chưa từng gặp qua.
Quan lão quay lại đám thị vệ, lạnh lùng nói :
– Tăng cường tuần tra canh gác, chú ý cả phía dưới mặt nước, không được để chuyện này lập lại lần nữa.
Bọn thị vệ đồng vâng dạ. Quan lão lại nói :
– Thôi được rồi. Hãy tiếp tục phận sự. Đồng thời truyền lệnh cho toàn thể các đội thị vệ phải tăng cường cảnh giác.
Cả bọn vâng dạ, chia nhau đi thi hành phận sự. Nơi ấy chỉ còn lại Quan lão, Bách Lý Hạc cùng với vài tên thị vệ. Quan lão lại bảo :
– Truyền gọi bọn Tang Lương đến đây.
Một tên trong bọn thị vệ vâng lệnh đi ngay. Trong khi ấy thì Bách Lý Hạc đang xem xét những món vật dụng lấy được từ trong người tên gian phi. Đó là mấy đỉnh bạc lẻ, một chiếc hỏa đồng chuyên dụng, một vài loại ám khí, cùng với vài thứ linh tinh khác. Đặc biệt đáng chú ý là hai chiếc mặt nạ da người cùng mấy thứ vật dụng chuyên để mở khóa và trèo tường khoét vách.
Quan lão đứng bên nhìn đống đồ vật, hỏi :
– Có thứ nào đáng chú ý không.
Ý lão không phải nói đến mấy thứ vật dụng của bọn đạo tặc kia, bởi nó có trong người một tên gian phi là chuyện chẳng có chi lạ. Lão muốn nói đến những thứ có thể cho biết lai lịch của tên kia. Bách Lý Hạc lắc đầu nói :
– Toàn mấy thứ linh tinh thôi. Chẳng có thứ gì đáng chú ý cả.
Quan lão liền cúi xuống xem xét thân thể của gã gian phi. Sau khi kiểm tra qua toàn thân kinh mạch của gã, lão cau mày nói :
– Gã này là môn hạ của Thiếu Lâm Tự.
Bách Lý Hạc nói :
– Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Thiếu Lâm Tự có rất nhiều tục gia đệ tử. Công phu truyền ra bên ngoài chẳng phải là ít. Ngay đến bọn sơn đông mãi võ cũng có lắm kẻ luyện võ công Thiếu Lâm.
Quan lão hỏi :
– Có cần cứu tỉnh gã để tra hỏi không.
Bách Lý Hạc nói :
– Đợi bọn Tang Lương ra đến đã.
Quan lão gật gù khen phải, cầm lấy mấy tấm mặt nạ da người lên xem xét, đoạn chép miệng nói :
– Trông cũng tinh xảo đấy. Có điều diện mạo xấu xí quá.
Quả thật, cả hai tấm mặt nạ đều là diện mạo của những đại hán trung niên, một thì khí sắc nhợt nhợt như người sắp chết, còn chiếc kia sắc mặt vàng khè như kẻ mắc bệnh kinh niên. Bách Lý Hạc cười nói :
– Thường thì dung mạo của những kẻ cải trang đều như vậy. Nếu diện mạo xinh đẹp sẽ khiến nhiều người chú ý, dễ bại lộ tung tích.
Lúc ấy, bốn huynh đệ bọn Tang Lương ra đến nơi, hướng vào nhị vị Tổng quản cung thân hành lễ :
– Bọn thuộc hạ xin bái kiến nhị vị Tổng quản.
Quan lão gật đầu, chỉ vào tên gian phi, hỏi :
– Các ngươi có nhận ra lai lịch tên này không.
Tang Lương nhìn qua tên kia một lượt, rồi chợt bước tới bên cạnh gã ta, cúi xuống vạch áo xem xét trước ngực gã. Phía ngực trái gần mé vai của gã có một vết sẹo nhỏ trông giống như vết kiếm thương, tuy đã lâu ngày nhưng vẫn còn thấy dấu vết mờ mờ. Tang Lương gật gù nói :
– Hồi bẩm nhị vị Tổng quản. Gã này là một tên đạo chích nổi danh, tên là Tề Hạo Luân, ngoại hiệu Tiểu Phi Hồ. Hai năm trước, gã giở trò với bọn thuộc hạ và bị tứ đệ đâm trúng một kiếm. Vết kiếm thương nay hãy còn.
Quan lão hỏi :
– Tính hạnh của gã thế nào.
Tang Lương đáp :
– Hồi bẩm Tổng quản. Gã này không tốt không xấu. Gã là một tên đạo chích, nhưng đôi lúc gã cũng có hành vi hiệp nghĩa. Võ công chẳng đáng kể, nhưng khinh công thì cũng rất khá.
Quan lão gật gù, nhìn gã gian phi Tề Hạo Luân một hồi nữa, rồi bỗng giơ tay cách không điểm nhẹ một cái. Gã ta rùng mình một cái, rồi từ từ mở mắt ra. Nhưng huyệt đạo bị khống chế, gã vẫn nằm yên không nhích động gì được.
Quan lão vẫn đứng yên lặng, ánh mắt sắc lạnh nhìn gã ta chằm chằm khiến gã thấy lạnh người. Hồi lâu, Quan lão mới trầm giọng nói :
– Nếu không muốn nếm mùi đau khổ, tốt nhất là nên thành thật trả lời những câu hỏi của ta. Trước tiên, hãy khai báo danh tính.
Gã gian phi đảo tròng mắt một lượt, nói :
– Dạ, tiểu nhân là La Tuyên.
Quan lão khẽ hừ lạnh, nhẹ giơ tay cách không điểm tới một cái. Tức thì gã gian phi rú lên thảm thiết, sắc diện tái nhợt, mặt mày nhăn nhó, mồ hôi xuất ra đầm đìa, ra chiều vô cùng đau đớn khổ sở. Bách Lý Hạc thấy thế thì khẽ cau mày, muốn nói rồi lại thôi. Quan lão nhìn thấy liền hỏi :
– Tên này dám hồ ngôn loạn ngữ trước mặt lão phu, đáng chết vạn lần, huynh đệ cau mày là ý làm sao.
Bách Lý Hạc nói :
– Lão ca muốn xử trí gã ta thế nào cũng được, nhưng không nên làm kinh động đến chúa công.
Quan lão giật mình, lập tức giơ tay cách không điểm á huyệt gã ta, khiến gã không còn kêu thành tiếng được nữa, thanh âm chỉ nghe khục khục trong cổ họng. Sau đó lão mới cất giọng lạnh lùng hỏi :
– Tên gì. Nói thật.
Gã ta gắng gượng nói :
– Tiểu nhân thật sự tên là La Tuyên.
Quan lão lại hừ lạnh, điểm tới mấy cái nữa. Lần này thì gã ta càng đau khổ hơn trước, miệng sùi bọt mép, cơ nhục co rút lại, thảm trạng xem ra còn đáng sợ hơn cả Phân Cân Thác Cốt.
Giữa lúc ấy, mọi người nghe có tiếng thở dài, liền quay nhìn lại. Giang Hoài Ngọc đang đứng ở cửa khoang thuyền nhìn ra. Vậy là mối lo của Bách Lý Hạc đã thành sự thật. Quan lão vội hỏi :
– Chúa công sao không nghỉ ngơi, ra đây làm chi.
Giang Hoài Ngọc khẽ lắc đầu, nhìn gã gian phi đang nằm lăn trên sàn thuyền với dáng vẻ đau khổ, hỏi :
– Gã ta là ai thế.
Quan lão đáp :
– Trình chúa công. Gã là tên thích khách định âm mưu hành thích chúa công. May mà lão phu phát hiện kịp thời nên đã bắt được y. Nãy giờ lão phu đã hỏi mấy câu mà gã toàn trả lời quanh co, chẳng câu nào là sự thật cả.
Gã kia nghe Quan lão kết tội là thích khách, rất muốn biện giải, nhưng không sao lên tiếng được. Quan lão giải huyệt cho gã, nhưng vẫn để lại á huyệt không giải, rồi quay sang bọn Tang Lương, nói :
– Hãy đem giam gã lại, chờ hậu xét.
Bọn Tang Lương vâng dạ, tiến tới thộp cổ gã ta xách đi. Lúc này, gã mới nhận ra sự hiện diện của huynh đệ bọn Tang Lương, thầm than trong lòng, tự rủa thầm số mệnh sao xui xẻo, không nhận ra điều ấy sớm hơn.
Trong khi ấy, Quan lão và Bách Lý Hạc cùng đưa Giang Hoài Ngọc trở vào tẩm thất nghỉ ngơi.