Trương Vân Trúc cách Quan Sơn Nguyệt xa xa, lúc đó lão điểm một nụ cười, lão từ từ bước tới.
Những người trước mặt lão đều tự động tạt ra hai bên, nhường lối.
Sau cùng, lão đến trung tâm lư bằng.
Lão rời chỗ cũ, bước đến chỗ mới, đương nhiên con gái lão cũng bước theo luôn. Nàng cũng cười tươi như cha, vẻ cười của nàng có điệm niềm cao hứng, chừng như nàng rất thích thú trước mọi diễn biến trong đêm nay, tại đây.
Khổng Văn Thông nhìn chăm chăm vào Trương Vân Trúc. Khi Trương Vân Trúc đến gần, Khổng Văn Thông đằng hắng mấy tiếng, cố gượng cười để che giấu sự khẩn trương đang dấy động trong lòng, sắp hiện lộ ra mặt.
– Không ngờ trong một ngọn núi hoang vu lại có dị nhân ẩn cư! Không được biết sớm bậc dị nhân hạ cố quang lâm đến tệ cốc, thật tại hạ có lỗi vô cùng, thất lễ tiếp nghinh! Mong cầu các hạ thứ cho vậy.
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
– Cốc chủ khiêm tốn quá chừng! Tại hạ bất quá là một kẻ vô danh sống miền hoang dã, xa xôi tận quan tái lạnh lùng, nào có xứng đáng được Cốc chủ lưu tâm chiêu đãi đâu? Hôm nay, được chấp nhận ào bàn tiệc, chuốc chén rượu mầng thọ Cốc chủ, kể ra là một vinh hạnh lớn lao cho tại hạ, còn dám đâu nhìn cao mà đòi hỏi những điều phi phận?
Lão ngừng lại một chút, đoạn trầm giọng tiếp:
– Ngày vui của Cốc chủ, tại hạ chẳng có chi xứng đáng để làm vật chúc thọ, bất quá tại hạ nơi cô tịch, tại hạ có trồng được loại mai, đào đã đến thời kỳ kết trái, tại hạ hái luôn mấy quả đào mang đến đây, biếu Cốc chủ gọi là tỏ chút lòng thành. Mong Cốc chủ đừng hiềm vật mọn mà thu nhận cho, tại hạ hết sức cảm kích!
Lão quay sang thiếu nữ, bảo:
– Thanh nhi! Dâng đào và mai, chúc thọ Cốc chủ đi con!
Thiếu nữ nghiêng vai, hạ chiếc bao xuống, mở bao ra, trong đó có mấy quả đào cùng một số quả mai, mai xanh, đào hồng, trông xinh đẹp vô cùng. Nàng cầm một quả đào, bước tới trước mặt Khổng Văn Thông, mỉm cười, thốt:
– Xin Cốc chủ hưởng đào!
Trước ánh mắt của mọi người đang đổ dồn về lão, Khổng Văn Thông bắt buộc phải đưa tay tiếp nhận. Lão lại còn gượng điểm một nụ cười, thốt:
– Đa tạ! Đa tạ! Tại hạ thật không xứng đáng …
Trương Vân Trúc cười hì hì:
– Tại hạ trồng loại đào nầy ngay trên đỉnh Thiên Sơn, về giá trị của nó, tại hạ chẳng dám đề cao, song ăn nó vào, Cốc chủ sẽ thấy mát người vô cùng, gia dĩ mùi của nó thơm, vị của nó ngọt, khác hẳn những đào thường. Giả như Cốc chủ không hiềm vật mọn, xin ăn ngay cho. Ăn để biết mùi vị của nó có đúng như như tại hạ nói hay không!
Khổng Văn Thông cầm quả đào nơi tay nhìn mãi. Lão không thấy quả đào có điểm chi quái dị khả nghi.
Lão quan sát quả đào là vì lão biết nó chẳng phải là một quả đào tầm thường như tất cả quả đào trên thế gian, hái từ cây xuống và chỉ việc há mồm ra mà cắn …
Bởi nghĩ như vậy, lão do dự.
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
– Cốc chủ cho rằng vật mầng rất hèn mọn phải không?
Khổng Văn Thông bối rối:
– Làm gì có việc đó?
Đoạn lão tiếp:
– Khổng mỗ được các hạ quý trọng như thế này là một vinh hạnh lớn lao, khi nào lại dám có ý nghĩ là lễ vật hèn mọn? Chính tại hạ đang suy nghĩ, chẳng biết làm cách nào để đáp tạ thạnh tình của các hạ cho vừa. Vì loại đào này, chẳng phải ai cũng có, nơi nào cũng có.
Rồi lão hỏi:
– Các hạ có thể cho tại hạ thư thả mấy phút giậy chứ?
Trương Vân Trúc cười nhẹ:
– Đương nhiên là phải vậy, bởi tùy theo Cốc chủ chứ! Chỉ vì từ lâu, tại hạ nghe thinh danh của Cốc chủ vang rền như sấm động bên tai. Hơn nữa, theo lời truyền thuyết trên giang hồ thì Cốc chủ có cái thuật tinh diệu luyện «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» …
Họ Trương dừng lại một chút, nói tiếp:
– Cho nên, trên quả đào, tại hạ có ghi một chút tâm tư và vì cái tâm tư đó, tại hạ muốn thỉnh giáo Cốc chủ. Nếu Cốc chủ từ chối nếm đào, thì thực là tại hạ phí công hết sức oan uổng!
Lời nói nhẹ nhàng, khoáng đạt như chẳng có ý chống đối, thử thách, song Khổng Văn Thông nghe rồi, cảm thấy khó chịu vô cùng. Lão biết rõ, trong quả đào, hẳn có một vấn đề nan giải. Rồi Trương Vân Trúc lại nói thế nữa! Thì cái vấn đề mà lão nghi hoặc đó như hình thành rõ rệt. Tuy nhiên, lão không thể không ăn đào. Lão cố tỏ ý ra mình có tánh cách đại phương, đáp:
– Như vậy thì tại hạ không thể từ chối rồi!
Quan Sơn Nguyệt «hừ» lạnh một tiếng:
– Khổng Cốc chủ không nên đáp ứng quá vội vàng như vậy! Đào đó, sản xuất từ đỉnh Thiên Sơn, có cái tên là Nhật Thiện Đào, bằng vào cái tên mà suy ra việc, muốn có đào ăn, phải lên tận cửa trời. Một loại đào như vậy, Cốc chủ ăn được sao?
Khổng Văn Thông biến sắc mặt, thốt qua căm phẫn:
– Dù ăn vào chết ngay ta cũng chẳng ngán, ta sợ gì trong đào có độc?
Đối với ai, lão giữ lễ độ dù là lễ độ khách sáo, song đối với Quan Sơn Nguyệt thì lão dùng giọng đối lập, giọng tử thù mà nói chuyện.
Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả:
– Lời nói đó, tỏ rõ một bản sắc anh hùng, đáng khen lắm! Vậy các hạ còn chờ gì mà chẳng ăn?
Khổng Văn Thông nhìn y với ánh mắt ngời niềm oán độc. Đoạn, y đưa quả đào kề miệng, trầm giọng hướng thẳng vào mặt Quan Sơn Nguyệt:
– Ta ăn đào đây tiểu tử, ta sẽ ăn luốn mấy quả kia!
Khổng Văn Kỷ biến sắc, vội ngăn:
– Đừng thử, đại ca! Sao đại ca lại kém sáng suốt thế?
Khổng Văn Thông do dự.
Trương Vân Trúc cười hì hì:
– Cốc chủ là người chuyên dùng độc, có tiếng là tay rành dùng độc, đã biết là quả đào trinh bạch lắm mà, quả đào chẳng ẩn chứa một cái gì mờ ám. Giả như Khổng nhị tiên sinh còn hoài nghi, xin kiểm điểm lại xem.
Khổng Văn Thông bật cười ha hả:
– Dù có độc, tại hạ sợ sao, Trương bằng hữu?
Lão bóp mạnh tay một chút. Đào vỡ ra, nước chảy ròng ròng theo kẽ tay lão.
Khổng Văn Thông lè lưỡi liếm nước đào, sau đó, lão vứt quả đào ra xa, ngẩng mặt nhìn trời, cười dài:
– Diệu cực! Diệu cực! Vừa ngọt, vừa mát …
Khổng Văn Kỷ hết sức khẩn trương, song đại ca của y đã ném đào rồi, y có ngăn chận cũng chẳng còn kịp nữa, đành im lặng chờ xem phản ứng.
Thời gian qua, nhanh hay chậm cũng qua, nhanh hay chậm là do người nhận xét qua ảnh hưởng của sự lòng.
Lâu lắm, Khổng Văn Thông vẫn chẳng việc gì.
Khổng Văn Kỷ thở phào.
Khổng Văn Thông đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi hướng về Trương Văn Trúc điểm một nụ cười, thốt:
– Ăn đào, chắc không cần ăn mai vội, phải chăng bằng hữu?
Lão cao giọng hơn một chút:
– Nhị đệ ơi! Người ta có thạnh tình đối với ngu huynh thì nhị đệ cũng phải nghĩ đến việc đáp lại thạnh tình đó chứ. Hãy rót gấp hai chén rượu, loại ngon nhất của Lạc Hồn Cốc mang đến đây, để ngu huynh dâng lại cho hai vị khách quý.
Lão căn dặn:
– Trương huynh và Trương cô nương đấy nhé, chứ như Quan Sơn Nguyệt bằng hữu thì khỏi cần, bởi vị thanh niên anh hùng đó đã uống từ trước rồi.
Khổng Văn Kỳ làm ngay theo lời đại ca dặn. Hắn trao hai chén rượu cho Khổng Văn Thông, thay vì mang thẳng tới cho cha con họ Trương.
Khổng Văn Thông ung dung thốt:
– Lạc Hồn Cốc không thành danh trên giang hồ với sự dụng độc, tuy nhiên, tại hạ cũng từng nghiên cứu qua môn luyện độc, có sáng chế ra loại «Lạc Hồn Lộ» kể cũng lắm công phu mới tạo thành, Trương bằng hữu đã là một thánh thủ trong y lâm, chắc nhìn qua cũng phân biệt được chất liệu chứ?
Trương Vân Trúc mỉm cười:
– Đối, dùng đào, đáp, dùng quỳnh tương, Khổng Cốc chủ dù sao cũng còn khách sáo quá!
Lão cao giọng hơn:
– Rượu, có độc hay không độc, chẳng thành vấn đề, Cốc chủ đã bày tỏ thạnh tình thì dù uống vào mà chết, tại hạ há tiếc sanh mạng mà không tuân lời Cốc chủ sao?
Lão bật cười lớn, tiếp:
– Trao đây, Cốc chủ, trao cho tại hạ có dịp chứng minh một niềm tin đối với Cốc chủ!
Lão tiếp chén rượu, đưa lên miệng, uốn một hơi cạn.
Đến lượt thiếu nữ.
Khổng Văn Thông mỉm cười:
– Cô nương có cho lão phu được hân hạnh kính dâng một chén rượu nhạt chăng?
Thiếu nữ do dự.
Trương Vân Trúc thoáng cau mày:
– Một mình tại hạ, chẳng đủ sao, Cốc chủ?
Khổng Văn Thông cười lạnh:
– Dưới tay tướng mạnh, chẳng bao giờ có quân sĩ bạc nhược, trong nhà một y sư, còn ai sợ bịnh chứ? Một chén rượu, phỏng có nghĩa gì? Trương bằng hữu không yên tâm được sao?
Trương Vân Trúc nhìn con gái, lắc đầu:
– Thanh nhi! Thế này thì con phải uống rồi đó! Uống đi con, nếu con không uống, người ta sẽ trách là cha đa sự! Người ta tưởng là bao nhiêu năm qua, cha ẩn tên dấu tuổi để hoạch định một mưu đồ gì, rồi đột nhiên xuất hiện, vừa xuất hiện là sanh sự ngay!
Thiếu nữ bắt buộc phải tiếp nhận chén rượu, tay nàng rung rung.
Quan Sơn Nguyệt hơi ngại ngại, nhìn Trương Vân Trúc, hỏi:
– Trương lão bá uống chén đó có cảm giác chi chăng?
Trương Vân Trúc thở dài:
– «Lạc Hồn Lộ» quả thật là một loại rượu quý! Lão phu mắt từng thấy ngàn thứ độc, lưỡi từng nếm ngàn thứ vị, nhưng phải công nhận trong «Lạc Hồn Lộ» có những chất liệu bình sanh lão phu chưa hề biết! Bây giờ thì dược tánh bắt đầu phát tác rồi và lão phu đang vận chuyển chân khí trong người, đo lường phản ứng của từng chất liệu một …
Lão ngừng lại một chút, lại thở dài, rồi tiếp:
– Muốn kiểm soát đủ bảy mươi ba huyệt đạo trọng yếu, phải mất một đoạn thời gian dài, lão phu chỉ sợ sau khi hoàn tất công việc kiểm soát đó thì lại muộn mất rồi …
Khổng Văn Thông bật cười ha hả:
– Quả thật Trương bằng hữu am tường y thuật một cách tinh vi đấy. Trong «Lạc Hồn Lộ» có mấy chất liệu hy hữu trên thế gian, với tài của Trương bằng hữu thì bất quá trong nửa khắc thời gian, bằng hữu sẽ hiện minh tất cả những chất liệu đó, nhưng tại hạ bảo chứng là sau khi hiện minh rõ rệt rồi, bằng hữu sẽ không còn năng lực phát thoại nữa …
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Nửa khắc thời gian!
Y cao giọng hơn:
– Dù sao, nửa khắc thời gian cũng đủ lắm rồi! Đủ cho chúng ta thanh toán mọi việc!
Khổng Văn Thông trố mắt:
– Các hạ nói thế là có ý tứ gì?
Quan Sơn Nguyệt không lưu ý đến lão, đưa tay đoạt lấy chén rượu nơi tay thiếu nữ, uống ngay.
Đoạn, y quăng chén rượu xuống đất. Chén vỡ tan, bật kêu một tiếng xoảng.
Rồi y ngẩng mặt nhìn Khổng Văn Thông, hỏi:
– Chén rượu của Trương cô nương, tại hạ thay thế uống cạn như vậy có thể kể như không ai còn nợ ai được chăng?
Khổng Văn Thông đắc ý vô cùng, bật cười vang:
– Trong bình, chỉ còn vừa đủ rượu rót đây hai chén, chính ta muốn thế.
Rượu đủ hai chén thì làm sao đãi ba người? Ta mời Trương cô nương uống, chẳng qua đó là một cái cớ thôi, mời Trương cô nương để cho kẻ khác bất bình ma uống thay, và người uống thay đương nhiên không phải là Trương bằng hữu rồi! Tiểu tử ơi, cái kế hoạch của ta như thế đó, ngươi đã khẳng khái uống rồi thì nên kiên nhẫn chờ xem sự thể sẽ diễn tiến như thế nào. Còn ta, ta cũng chờ xem ngươi sẽ lợi dụng nửa khắc thời gian đó để làm gì?
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
– Tại sao Cốc chủ biết là tại hạ sẽ uống thay chén rượu đó?
Khổng Văn Thông điềm nhiên:
– Rất đơn giản! Ngay từ phút giây ngươi lộ chân tướng, ta đã nghĩ đến cách đối phó ngươi. «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» ngươi không ngán thì ta phải dùng đến «Lạc Hồn Lộ». Nhưng làm cách nào cho ngươi uống rượu đây? Ta không ngần ngại ăn quả «Cửu Chuyển Đào». Ta biết, trong quả đào có một loại độc, ai trúng độc đó tất phải bị cứng tay cứng chân, có điều không chắc là làm chết người được hay không. Riêng đối với ta, trên thế gian này làm gì có loại độc làm chết ta nổi?
Ta ăn đào là để cho các ngươi phải đáp lễ, uống rượu của ta. Ta cố ý rót hai chén, tặng cha con họ Trương, lão Trương thì đương nhiên phải uống rồi, còn nàng con giá của lão có can gì trong vụ mà uống, song vẫn phải uống cho tròn lễ độ. Ngươi tự nhiên nổi máu anh hùng, phải vỗ ngực xưng tài, thay nàng mà uống.
Lão bật cười ha hả, tiếp:
– Ngươi phải uống, ta biết chắc như vậy. Bởi, ngươi đã thọ ơn cha con họ Trương, ngươi phải đảm đương việc khó cho nàng, có như thế ngươi mới là con người chứ! Có như thế, ngươi mới xứng đáng kết giao với họ chứ!
Quan Sơn Nguyệt trầm gương mặt:
– Khá! Khá lắm! Liệu việc như vậy kể ra Cốc chủ cũng thông minh đấy!
Nhưng, xin Cốc chủ đừng quên điều này và tại hạ cũng nói cho Cốc chủ nghe rồi.
Điều đó là Cốc chủ đã tặng tại hạ một chưởng, tại hạ tuyên bố sẽ đánh lại Cốc chủ một chưởng, quanh minh chánh đại mà đánh chứ không đánh lén như Cốc chủ đâu, trong nửa khắc thời gian chất độc trong rượu phát tác, vậy thì trước khi tại hạ bị chất độc làm hại, tại hạ phải thực hành lời tuyên bố đó.
Khổng Văn Thông cười lớn:
– Tiểu tử nói nghe oai quá! Dù sư phó ngươi là Độc Cô Minh cũng chẳng làm sao thắng nổi ta trong vòng nửa khắc thời gian. Ngươi sức lực bao nhiêu mà dám nói là đánh trả ta một chưởng trong vòng thời gian nửa khắc trước khi chết chứ? Cho ngươi biết, chẳng những ngươi không làm chi nổi ta mà cuối cùng rồi ngươi cũng phải ngã khi chất độc ngấm nhiều, chất độc sẽ hành hạ ngươi vô tưởng, ngươi sẽ van xin ta giết ngươi gấp, cho ngươi khỏi bị cơn đau đớn hoành hành, cho ngươi được chết sướng!
Quan Sơn Nguyệt bình tịnh như thường, từ từ đưa tay lên, từ từ thốt:
– Cốc chủ nói, muốn nói sao cứ nói, có quyền nói cái ý của mình, song sự tình diễn tiến không do Cốc chủ muốn thế nào được thế ấy đâu!
Đoạn y trầm giọng bảo:
– Chuẩn bị đi, Cốc chủ, mình thanh toán cho xong những gì đọng lại giữa nhau!
Khổng Văn Thông khinh thường, lão ung dung đứng lên.
Quan Sơn Nguyệt từ từ đưa tay ra, cái đích là phần ngực của Khổng Văn Thông.
Khổng Văn Thông vội vàng nghinh đón. Lão chờ cho bàn tay của Quan Sơn Nguyệt đến gần mới hoành tay nửa vòng, rồi từ bên trên chặt mạnh xuống.
Quan Sơn Nguyệt không nao núng, giữ nguyên chưởng thế đó.
Một bên bất động, một bên chặt xuống vừa mạnh, vừa nhanh, trong thoáng mắt, tay chạm nhau.
Chỉ thấy Quan Sơn Nguyệt đứng vững như thường, còn Khổng Văn Thông cảm thấy tay lão chặt xuống như chặt vào một chiếc côn sắt, đương nhiên côn sắt không hề gãy, bàn tay của lão trái lại bị bắn tung trở lên không.
Tay chặt xuống, bị bắn tung trở lên, như vậy là Khổng Văn Thông không hóa giải nổi chiêu chưởng của đối phương rồi. Chiêu chưởng không bị hóa giải, đương nhiên nó phải đi tới, đi nhanh.
«Bình!» Bàn tay của Quan Sơn Nguyệt gần như đồng thời với cái chặt của Khổng Văn Thông, chạm vào ngực lão.
Chẳng khác nào một quả cầu, Khổng Văn Thông bị vút lên cao, nốt cầu vồng, rơi xuống ngoài trượng xa. Tấu xảo làm sao, lão lại rơi đúng xuống chiếc bàn đựng đầy lễ vật chúc thọ. Bàn ngã nhào theo thân thể lão, lễ vật văng tứ tung.
Tân khách nhao nhao lên cùng đổ xô đến bao quanh nơi đó.
Khổng Văn Kỷ biến sắc, vọt mình tới, nâng Khổng Văn Thông lên.
Xương ngực của Khổng Văn Thông gãy vụn, lún vào thịt bày một lỗ trủng, máu từ nơi đó trào ra như suối chảy.
Khổng Văn Thông còn thoi thóp thở, giương tròn mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt trừng trừng.
Bàn tay của Quan Sơn Nguyệt nhuộm máu đỏ ngời. Y bật cười ha hả:
– Tại hạ không ngờ kết quả quá tàn khốc cho Cốc chủ như vậy! Thật lỗi vô cùng! Chắc Cốc chủ cũng lượng thứ cho tại hạ đã lỡ tay!
Máu từ ngực vọt ra, máu từ miệng trào ra, Khổng Văn Thông còn nói gì được thành lời?
Trương Vân Trúc cười lớn:
– Khổng Văn Thông! Ta khen ngươi đó, biết được lai lịch quả «Cửu Chuyển Đào», kể ra ngươi cũng sành dụng độc! Nhưng ngươi vẫn không hiểu nổi là ta đã cho ngấm vào quả đào nước cốt của thảo dược «An Tức Lan», nước cốt đó có hương vị như nước quả đào, ngươi ăn đào không thể phát giác ra nổi. «An Tức Lan» có cái công hiệu làm cho võ công của ngươi tán thất dần dần, rồi khi Quan Sơn Nguyệt hiền điệt xuất thủ, ngươi chẳng còn công lực tiếp nhận một chưởng!
Bất quá, kẻ trước, người sau, ta nhanh trí hơn, cho ngươi ăn đào trước, dù sau đó ta có uống «Lạc Hồn Lộ» của ngươi cũng chẳng hại gì. Trên con đường về âm cảnh, chúng ta rồi cũng sẽ gặp nhau, kẻ nào đi trước, cố mà chờ kẻ đi sau nhé!
Giả như ngươi có căm hận ta, thì mình sẽ lại đấu trí với nhau ở một thế giới khác vậy!
Khổng Văn Thông thu tàn lực, hét lên một tiếng lớn. Theo tiếng hét, máu từ miệng lão thoát ra thành vòi, vết thương nơi ngực bị động mạnh, máu lại trào như xối. Lão tắt thở luôn.
Khổng Văn Kỷ chớp đôi mắt ngời ánh lửa, đặt xác của Khổng Văn Thông xuống nền, chuẩn bị liều mạng với đối phương.
Quan Sơn Nguyệt khoát tay, quát to:
– Nếu ngươi vọng động, ta sẽ không dung tha ngươi! Ngươi phải biết chất độc trong «Lạc Hồn Lộ» chưa phát tác trước thời gian nửa khắc, trong thời gia đó, ta thừa sức hạ sát ngươi!
Trương Vân Trúc hướng sang Quan Sơn Nguyệt, thốt:
– Hiền điệt còn gì cần nói, hãy nói gấp đi, nói cho minh bạch, chúng ta chẳng còn bao nhiêu phút giây nữa đâu!
Quan Sơn Nguyệt gật đầu, day qua Chưởng môn nhân phái Chung Nam, từ từ cất tiếng:
– Lã tiến bối! Tại hạ có ý định đem việc này tuyên cáo trước đồng đạo vũ lâm trong thiên hạ, song sợ không còn kịp làm theo ý muốn. Do đó, tại hạ ghi chép những gì cần nói trên mảnh giấy dựng trong phong bì, trước khi đến đây.
Đồng thời, tại hạ cũng chỉ điểm cách giải trừ chất độc «Huỳnh Hà Thiên Tinh Sa» giúp các vị thoát nạn. Phong bì, tại hạ xin ký gởi lại Lã tiền bối, nhờ Lã tiền bối liệu lượng …
Y thò tay trong mình, lấy ra một phong bì, trao qua cho Lã Vô Úy.
Lã Vô Úy tiếp nhận liền.
Trương Vân Trúc, Quan Sơn Nguyệt và thiếu nữ cúi đầu chào biệt mọi người rồi hấp tấp rời khỏi lư bằng.
–––- oo –––- Lạc Hồn Cốc, một sơn cốc có tên đúng với sự thực, một sơn cốc mà ai vào lọt trong đó rồi đừng mong dẫn xác trở về.
Bao nhiêu người táng mạng tại đây như để xác định cái tên sơn cốc, và hôm nay, đến lượt Cốc chủ vĩnh viễn ra đi để xác định cái tên tàn khốc đó.
Bọn Quan Sơn Nguyệt đi rồi, quần hùng nhìn theo bóng họ, mơ màng. Ai ai cũng nặng niềm tư tưởng, trước một diễn biến hết sức bất thường. Bởi, có ai nghĩ đến cái kết quả bi đát của Khổng Văn Thông, mộng đời chưa thực hiện mà ngày mầng thọ là ngày giỗ kỵ!
Lã Vô Úy mở phong bì, lấy mảnh giấy ra đọc:
«Minh Đà Lệnh Chủ đời thứ hai Quan Sơn Nguyệt cẩn cáo trước đồng đạo võ lâm thiên hạ.
Năm xưa, tiên sư lần lượt đến từng môn, từng phái một của các vị, lấy lịnh phù, tín vật trong môn phái các vị. Sau đó, người đến sa mạc, sống cuộc đời quy ẩn, tuy nhiên, người hết sức ăn năn hối hận về những việc đã làm qua. Ăn năn, hối hận không phải tiên sư cho rằng mình có hành động bạo cường, thô mãng đối với các vị mà hối hận vì mình làm một việc hữu ích, trong các vị, chẳng ai hiểu cho cái ý sâu xa của người.
Giành quyền chấp chưởng môn phái của quý vị chăng?
Không. Tiên sư không nuôi cái tham vọng ấu trĩ đó, bởi chung quy rồi, tham vọng đó cũng sẽ đưa người đến chỗ tự diệt.
Thế thì, tại sao tiên sư làm thế?
Chẳng qua, người lo lắng cho vũ lâm Trung Nguyên, người nhận thấy các vị quá tự tôn, tự mãn, không lo tinh tiến để tự cường, các vị cho rằng mình là vô địch, rồi an nhàn hưởng thụ danh vọng, không mảy may nghiên cứu vũ thuật để cùng nhau tiến đến cảnh giới diệu huyền. Cho nê, tiên sư bắt buộc phải thu nhặt tất cả tín vật, lịnh phù để khích lệ các vị.
Bây giờ, các vị đã hiểu nổi khổ tâm của tiên sư rồi chứ?
Tuân theo di mạng của tiên sư, ba năm trước, trong đại hội sa mạc ngoài biên tái, tại hạ ấn chứng vũ công của các vị, giả như tại hạ bại, điều đó chẳng đáng làm cho tại hạ thẹn tức, trái lại, nếu tại hạ thắng thì đúng là một sự đau buồn, bởi vì từ bao nhiêu thời gian qua, các vị không tiến bộ chút nào, các vị đại diện vũ lâm Trung Nguyên, tài nghệ không vượt bậc là đáng lo ngại cho kiếp vận toàn thể.
Tại hạ cũng đã định, trong ngày đại hội, trao trả tín vật, lệnh phù cho các vị.
Ngờ đâu, đại hội chưa kết thúc, tại hạ lại bị lão gian hoạt hạ độc, thành ra nhiệt tình của tiên sư đối với các vị phải đình hoãn tỏ bày cùng các vị qua trung gian tại hạ, cho đến hôm nay.
Tuy muộn, cũng còn hơn không. Và, nếu tại hạ không may mắn không gặp vị ẩn y là Trương Vân Trúc tiền bối tại Thiên Sơn thì tâm nguyện của tiên sư sẽ mãi mãi bất thành, và các vị truyền đời nối tiếp nhau mà oán hận Minh Đà Lệnh Chủ.
Giờ đây, dù đã chậm trễ ba năm, mọi việc kể như được trình minh bạch với các vị rồi, tại hạ nghe lòng thơ thới vô cùng.
Trước khi đến đây, tại hạ có nghĩ, trong tương lai, các vị cần phải đương đầu với Lạc Hồn Cốc chủ Khổng Văn Thông, mà lão hồ ly đó có loại độc «Hoàng Hà Thiên Tinh Sa» rất lợi hại, nên tại hạ đã yêu cầu Trương Vân Trúc tiền bối chỉ điểm phương pháp giải độc. Phương pháp đó, tại hạ cũng có ghi vào mảnh giấy, kèm theo lời biện minh.
Sở dĩ tại hạ thận trọng là vì vũ công của Khổng Văn Thông cũng cao cường lắm, vạn nhất tại hạ bị lão ta hạ sát rồi thì làm sao mách với các vị phương pháp trị độc?
Do đó, tại hạ ghi luôn vào mảnh giấy, phòng bất trắc.
Còn một điều này, các vị xin lưu ý. Anh em họ Khổng, dù sao thì cũng chẳng đáng sợ lắm. Người đáng sợ, chính là con gái của Khổng Văn Thông đang theo học với một vị dị nhân trong võ lâm. Bậc dị nhân đó, sánh với tiên sư còn giỏi hơn rất nhiều. Tuy có tài cao, song chẳng rõ vì duyên cớ gì, người phát thệ chẳng bao giờ xuất hiện trên giang hồ.
Bậc dị nhân không ra mặt, điều đó chẳng nói làm chi, chỉ như nàng con gái của Khổng Văn Thông, sau khi thành tài trở về Lạc Hồn Cốc, nối chí cha gây nên hoạn họa giang hồ thì thiết tưởng các vị không thể không quan tâm được.
Tại hạ sơ lược trình bày như thế, mong các vị liệu lượng, tìm cách ngăn chặn những gì chưa phát hiện, những gì còn có thể ngăn chặn, đừng để đến lúc khẩn cấp mới bắt tay vào việc, tại hạ e tai hại sẽ đến với các vị lớn lao không tưởng nổi …» Chưởng môn nhân phái Chung Nam lại đọc lớn lên cho mọi người nghe.
Tất cả đều trầm lặng suy tư.
Lúc đó, Khổng Văn Kỷ đã mang di thể của Khổng Văn Thông vào trong rồi.
Bọn người xu phụng Khổng Văn Thông cũng theo vào. Do đó, cánh họ Khổng chẳng một ai biết được sự tình Quan Sơn Nguyệt bày tỏ.
Tuy chẳng người nào có thể chứng minh một chi tiết có liên quan đến sự tình, song tất cả đều tin là Quan Sơn Nguyệt không bịa chuyện.
Không còn gì bắt buộc họ lưu lại nơi này, họ cùng chia tay nhau rồi Lạc Hồn Cốc. Trên con đường về quê quán, ai cũng nặng niềm ưu tư. Họ nghĩ đến cái họa trong tương lai, họ không khỏi lo sợ.
Dù sự việc, nếu có xảy ra vẫn còn xa, họ cũng thấy sợ ngay từ bây giờ. Và, những người có danh vọng lớn trong quần hùng tự cho mình có bổn phận bảo trì phong độ vũ lâm, họ càng suy tư trầm trọng trước viễn ảnh một biến cố phi thường, họ đã thấy nặng ngay từ bây giờ cái trách nhiệm đối với đồng đạo.
–––- oo –––- Trong bóng đêm, ba bóng người bước nhanh, chừng như họ có điều gì khẩn cấp lắm.
Tuy nền trời thiếu vắng trăng sao, song cũng có thể nhận ra ba người đó là ai.
Thực ra, nói là ba bóng người bước đi, bất quá chỉ có hai người và một trong hai người đó kèm một người khác, đang hôn mê.
Người hôn mê, là Quan Sơn Nguyệt, người kèm y gần như cõng y nơi lưng chính là Trương Thanh. Người thứ ba, hẳn là Trương Vân Trúc.
Họ ly khai Lạc Hồn Cốc từ lâu và hiện tại họ đã đi được một đoạn đường dài.
Trương Thanh cất giọng đầy oán trách gọi cha:
– Gia gia! Tại sao phải hành động như vậy chứ? Gia gia làm cho Quan đại ca khổ sở như thế này thật con chẳng hiểu nổi cái ý tứ của gia gia chút nào! Giả như Quan đại ca bất hạnh táng mạng đi rồi thì con hối hận biết bao nhiêu?
Trương Vân Trúc thở dài:
– Cha nào đoán được là hắn khẳng khái như thế? Thật đáng trách cho hắn, lúc nào cũng nóng nảy, đến cả những việc liên quan cả sanh mạng mà hắn cũng chẳng chịu đắn đo cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định! Phần cha, nếu cha không phòng bị trước thì khi nào lại uống chén rượu quỷ của lão hồ ly? Phần hắn thì … Hừ! Đáng trách hắn thật! Chính hắn làm khổ cha chứ cha nào làm khổ hắn?
Trương Thanh khóc. Giọng nói của nàng sền sệt, giọng nói phát ra đứt đoạn trong nghẹn ngào:
– Quan đại ca … lúc nào cũng sẵn lòng hào hiệp, chẳng phải riêng đối với chúng ta mà còn đối với tất cả mọi người … hôm nay Quan đại ca sợ con không kham chén rượu độc … nên …
Bỗng nàng ngưng khóc, trầm giọng hỏi:
– Không có cách gì giải độc sao gia gia?
Trương Vân Trúc lắc đầu:
– Cha chưa dám quả quyết, con ạ! Phải chờ đến khi nào mình về tới nhà, cha phân tích chất độc trong rượu, rồi mới tìm dược liêu khắc chế. Đến lúc đó, cha mới có thể đoán định là Quan đại ca của con được an toàn hay không an toàn.
Trương Thanh dậm chân:
– Nhưng Quan đại ca có chi trì được đến lúc mình về tới nhà chăng?
Trương Vân Trúc cười khổ:
– Thôi đi cô nương ơi! Tại sao cô nương càng lúc càng không tin tưởng nơi lão già này chứ? Cô nương lo sợ quýnh quáng lên rồi xem thường cả Gia gia của cô nương à?
Rồi lão dịu giọng tiếp:
– Con phải biết hiệu năng của «Băng Xạ Toàn Mạng Tán» của Gia gia như thế nào chứ? Đừng nói là trúng độc, giả như hắn có chết đi, gia gia cũng có thể làm cho hắn sống lại ít nhất trong bốn năm hôm!
Trương Thanh lại nghĩ đến lúc về nhà, giả như qua cuộc phân chất, gia gia nàng hoàn toàn bất lực thì Quan Sơn Nguyệt phải chết. Bất giác, nàng lại khóc, nàng ngưng khóc một lúc, bây giờ khóc trở lại, khóc bi thảm hơn. Nàng vừa khóc, vừa gào:
– Gia gia còn chờ phân chất thì có hy vọng gì cứu sống Quan đại ca đâu!
Thế nầy thì Quan đại ca phải chết! Bất quá «Băng Xạ Toàn Mạng Tán» của gia gia chỉ làm cho Quan đại ca chậm chết mấy ngày! Trời ơi! Gia gia ơi! Con cũng chết luôn!
Trương Vân Trúc khổ sở quá:
– Thì … thì cha cố gắng làm hết sức mình chứ cha có là thánh đâu mà dám bảo đảm với con như thế này, thế nọ? Con thấy không, ba năm trước, cha cũng tận tình cứu hắn, lúc đó, hắn và gia đình cha con ta chưa thân nhau kia mà, huống chi ngày nay, hắn cũng như người nhà, đương nhiên là cha phải áp dụng tất cả sở học để cứu hắn. Con đừng quên, phàm là người ai cũng có định số cả, số chưa chết thì dù cha không cứu nổi cũng có người đến kịp lúc mà cứu hắn. Số hắn chết, dù thánh có hiện về cũng phải khoanh tay nhìn tử thần rước hắn đi!
TrươngThanh gào lên:
– Con không biết! Gia gia phải làm sao cứu cho Quan đại ca sống lại! Nếu không, con cũng chết luôn!
Nàng đặt Quan Sơn Nguyệt xuống đất, rồi ngồi bên cạnh khóc mướt.
Trương Vân Trúc dậm chân:
– Khổ quá, thế nầy thì … thì … gia gia phải đưa hắn đến một người!
Trương Thanh hấp tấp thốt:
– Chứ sao? Gia gia thấy mình bất lực thì nên tìm đến người đó, không lẽ gia gia đành để cho Quan đại ca chết oan uổng như thế này? Mà tại sao gia gia quá hận người đó như vậy? Gia gia đã thừa nhận về y thuật người đó giỏi hơn gia gia rất nhiều kia mà!
Trương Vân Trúc thở dài:
– Phải! Y thuật của người đó rất cao minh, trên gia gia mấy bậc. Song gia gia đã phát nguyện, không hề cúi mình cầu lụy y.
Bỗng, lão tiếp nối với giọng cương quyết:
– Không được! Con ạ, con đừng nhắc đến con người đó nữa! Cha không bao giờ muốn gặp mặt người đó chứ đừng nói là mở miệng van cầu chữa trị cho Quan Sơn Nguyệt! Bỏ đi con, bỏ đi!
Trương Thanh nức nở:
– Được rồi, con không nhắc đến người đó nữa, nhưng gia gia phải làm sao cứu sống Quan đại ca của con!
Trương Vân Trúc gật đầu:
– Thì cha phải tận tâm lo liệu cho hắn chứ sao! Không bằng cách này cũng bằng cách khác!
Lão đặt tay lên trán Quan Sơn Nguyệt. Bất giác, lão biến sắc, kêu lên:
– Nguy! Hắn phát nóng lên rồi đây! Trong rượu, có mật cion rít đỏ, rất độc!
Khổng Văn Thông ác quá, dám dùng cả loại độc đó để hại người!
Tuy nhiên, lão phải phục tài Khổng Văn Thông, lão lẩm nhẩm:
– Họ Khổng quả là tay lợi hại thật. Mật con rít đỏ với chất «Hạc Đỉnh Hồng», cũng là loại độc, song đem hai loại đó hiệp với nhau thì độc tánh tiêu hóa mất trở thành vô hại. Thế mà lão ta có cách hiệp cả hai loại độc lại, song vẫn giữ độc tánh còn nguyên vẹn như thường.
Trương Thanh sợ hãi cuống cuồng, hấp tấp kêu lên:
– Gia gia! Lúc này chẳng phải là lúc gia gia luận y thuật. Gia gia hãy nghỉ đến việc cứu người, cứu gấp mới được gia gia ơi!
Trương Vân Trúc suy nghĩ một chút:
– Giải trừ chất độc do mật con rít đỏ thì phải dùng máu con rắn xanh, nhưng phải là máu sống!
Trương Thanh trố mắt:
– Máu sống là máu gì?
Trương Vân Trúc đáp:
– Bắt con rắn xanh còn sống, cắt lấy máu chứ không được đập chết trước rồi lấy máu sau!
Lão thở ra, tiếp:
– Nhưng làm sao có loại rắn đó trong nhất thời?
Trương Thanh thốt gấp:
– Bây giờ đang đêm, mà loài rắn thì kiếm ăn lúc ban đêm, gia gia đi tìm đi, chắc chắn là tìm gặp mà, gia gia!
Nàng giục:
– Đi đi, Gia gia! Đi liền đi, Gia gia!
Trương Vân Trúc lại suy nghĩ một chút, rồi lấy trong mình ra một chiếc bình nhỏ, mở nút, trút ra một hoàn thuốc, nhét vào miệng Quan Sơn Nguyệt. Đoạn, lão hướng sang Trương Thanh, dặn nàng:
– Con ở đây canh chừng cho hắn nhé, cha vừa hắn uống một hoàn « Băng Xạ Toàn Mạng», cha đi tìm thanh xà đây!
Trương Thanh gật đầu.
Trương Vân Trúc không chậm trễ, đứng lên đi liền.
Tại vùng sơn dã rộng lớn, côn trùng, rắn rít rất nhiều, về đêm chúng rời hang, bò đi kiếm ăn, về đêm thì có nhiều hy vọng gặp chúng, nhưng phải cái bất lợi là đêm quá tối, rắn thì có nhiều mà làm sao trông thấy chúng?
Nếu đốt lửa đi tìm, chúng thấy lửa sẽ chui trốn mất. Cho nên, rắn thì có nhiều mà tìm được một con lại không phải là việc dễ. Huống chi, chẳng phải bắt bất cứ rắn gì cũng được mà cần có rắn xanh mới xong.
Trương Vân Trúc không nản lòng, men theo các khe đá, quanh theo các bụi cỏ, nương ánh sao mà tìm.
Mãi một lúc lâu, lão mới bắt được một con rắn xanh.
Lão mầng rỡ vô cùng, vội chạy trở lại chỗ cũ. Nhưng đến nơi, bất giác lão sững sờ vì Trương Thanh và Quan Sơn Nguyệt đã biến mất dạng.
Nơi chỗ Trương Thanh đặt Quan Sơn Nguyệt nằm xuống có một mảnh lụa, trên mảnh lụa có một viên sỏi.
Người nào đó, đặt mảnh lụa, lấy viên sỏi dằn lên sợ gió thổi bay mất đi.
Lụa, là chiếc áo của Trương Thanh đang mặc được cắt ra một mảnh. Trên mảnh lụa có mấy chữ. Chữ lại viết bằng máu.
Trương Vân Trúc chụp mảnh lụa, đọc liền:
«Gia gia, Sau khi gia gia đi rồi thì tình trạng của Quan đại ca biến đổi đáng sợ, con chẳng biết làm sao cứu giải cấp thời trong khi chờ đợi gia gia trở về mà con cũng chẳng dám bỏ chàng chạy đi tìm gia gia.
Nếu không cứu cấp kịp thời, kịp lúc thì Quan đại ca sẽ không tránh khỏi nguy hại tánh mạng.
Sở dĩ Quan đại ca ra thần hình như vậy cũng vì thay thế con uống chén rượu độc. Gia gia thấy đó, Quan đại ca không quản hiểm nguy, gánh vác cái việc khó cho con. Nhớ lại ba năm qua cùng sống chung bên nhau, con đã hiểu Quan đại ca rất nhiều và càng hiểu người, con càng mến, cuối cùng con cảm thấy yêu chàng. Ngày nay thì chàng là lẽ sống của con, mất chàng là con phải chết đó gia gia.
Chẳng phải con không tin nơi y thuật của gia gia, song con biết rõ chẳng thể nào gia gia chữa trị cho chàng lành mạnh hẳn được, mà dù gia gia làm được việc đó cũng phải qua một thời gian dài. Còn con thì … con nóng nảy, muốn sao cho chàng bình phục tức khắc. Cho nên, con không thể do dự trước một sự cấp bách và con ra đi, mang chàng cùng theo.
Con ra đi, đi đâu thì hẳn gia gia đã biết rồi. Con đường đến Côn Lôn Sơn, xa vạn dặm, dù phải vất vả, dù phải đuong đầu với mọi hiểm nguy, con vẫn cương quyết ra đi với một tấm lòng tin tưởng thiêng liêng phù hộ con, phù hộ chàng …
Nếu gia gia còn chút tình thương đối với con thì gia gia không nên đuổi theo con. Con nói thật, nếu con chẳng mang chàng đến tận Côn Lôn Sơn cầu xin người đó chữa trị cho chàng được thì con nguyện lấy cái chết để đáp tạ tình chàng.
Vậy, gia gia đừng bức con phải chết ngăn chận con đến gặp người mà gia gia không thuận nhãn.
Conmong gia gia bảo trọng trong thời gian con vắng mặt và tha thứ cho con.
Mình còn gặp nhau nữa, gia gia ơi và gặp lại trong ngày gần đây thì lo chi không sum họp ngày nào?» Đọc xong mảnh lụa, Trương Vân Trúc quăng nhanh con rắn ra xa, rồi thở dài …