Đấu thủ, không đồng tuổi tác, nhưng tài nghệ hầu như ngang nhau, nhỏ không kém lớn, lớn không hơn nhỏ, một lớn một nhỏ giao chuyền qua lại như hai thoi dệt, tay vung vung, kiếm chớp chớp, càng đánh càng hăng say, càng mãnh liệt, tưởng chừng họ có thể giết nhau qua một chiêu thức, dù cái lý do giết người không mảy mai quan trọng.
Người bên ngoài của song phương chăm chú nhìn vào cuộc đấu lộ vẻ kinh dị. Họ kinh dị vì bên nào cũng quá tin tưởng vào người của họ, họ cầm chắc là cuộc đấu khai diễn rồi thì chỉ trong một thoáng sau, người của họ phải thắng, và thắng gấp. Nhưng, tình thế lại diễn ra ngược với dự đoán của họ, họ không ngờ đối phương cũng lợi hại như họ.
Từng chiêu, từng chiêu qua, Linh Cô và Nhập Hoạch đã trao đổi nhau hơn ba mươi chiêu rồi.
Đến lúc đó Nguyệt Hoa Phu Nhân mới cất tiếng. Bà trách Nhập Hoạch:
– Nhập Hoạch ạ, già xem ra công phu của ngươi chừng như dưới mức tự hào của ngươi thường ngày đó! Đối với đứa bé con, mà ngươi phải chật vật như thế lại không làm gì nổi nó, thì nghĩa là sao chứ?
Tự nàng, hạ không nổi con bé, nàng đã nổi nóng lên rồi, bây giờ phu nhân vừa trách vừa mỉa, thì nàng càng tức uất hơn, bất giác phấn động oai khí, múa kiếm vụt vù, công lực gia tăng gấp bội. Nàng phát xuất một chiêu, thanh kiếm quét ra, có tiếng gió khác lạ, như tiếng hú, rồi kiếm khí phát sanh liền, tỏa rộng, mờ mờ như sa mù rơi xuống, vầng sa mù đó bao phủ quanh con bé.
Con bé «ạ» lên một tiếng nhỏ, chập hai thanh đoản kiếm làm một, từ bên trên chặt mạnh xuống, đến ngang ngực, nó quét ra ngoài.
Một tiếng chạm vang lên, chuyển động không gian quanh cục trường. Nhập Hoạch lùi lại ba bước, sững sờ, không nói được một tiếng nào.
Đôi đoản kiếm của con bé vuột khỏi tay, bay đi xa, nó đứng lặng người tại chỗ, đôi tay không, xem rất thừa.
Ai ai cũng thấy rõ là với chiêu kiếm đó, con bé thắng Nhập Hoạch, song kiếm pháp của nó chưa được thuần thục lắm, thành ra khi phát xuất, chiêu kiếm hơi chậm, mà cũng kém ảo diệu, chính cái chận đó giúp cơ hội cho Nhập Hoạch kịp thời bổ cứu khuyết điểm của nàng. Với lại, dù sao thì con bé cũng còn bé bỏng quá, công lực chưa được dồi dào, tài thì thừa mà sức lại kém, không thể tương trì với kẻ có căn cơ như Nhập Hoạch. Bởi thế, nó không nắm chắc nổi song kiếm, đành để song kiếm vuột tay, bay đi.
Tiếng gọi của song phương cùng vang lên một lượt:
– Nhập Hoạch! Trở lại đây!
– Linh Cô! Trở lại đây!
Đồng thời gian, Nguyệt Hoa Phu Nhân và nữ nhân trung niên cùng cất tiếng, triệu hồi người của họ. Đồng thời gian, cả hai cùng bước tới cục trường.
Thị Thơ nhảy xuống ngựa, giữ chung trong tay cương ngựa của y và của Nguyệt Hoa Phu Nhân, y có vẻ kinh ngạc vô cùng.
Phu nhân và nữ nhân kia cùng bước tới, nghịch chiều, khoảng cách giữa nhau thu hẹp còn độ một trượng, cả hai dừng chân, cùng nhìn nhau. Tuy phu nhân cao tuổi hơn nữ nhân, song thần thái của bà ung dung hơn nữ nhân nhiều.
Nữ nhân nghiêng mình hỏi:
– Dám xin phu nhân …
Nguyệt Hoa Phu Nhân chận lời, bởi bà đã biết nữ nhân muốn hỏi gì:
– Già là Lê Thu Cúc!
Nữ nhân cúi đầu suy nghĩ. Từng phút giây trôi qua, một lúc lâu, nàng vẫn không nhớ được là cái tên Lê Thu Cúc có xuất hiện trên giang hồ hay không! Và, cái tên đó có liên quan đến một nhân vật nào hay không!
Đối với phu nhân, bất cứ một danh tự nào trên đời cũng không tạo nên ấn tượng rõ rệt nào nơi bà, cho nên bà không cần hỏi lai lịch của đối phương, bà chỉ đi ngay vào vấn đề:
– Các ngươi cố ý ngăn chận hành trình của già như thế nầy, thì đúng là muốn gây sự với già đó. Vậy, các ngươi muốn gì?
Nữ nhân không ai khác hơn là Lý Trại Hồng.Nàng chưa đáp câu hỏi của phu nhân, lại hỏi ngược lại:
– Vị đại thơ kia là chi của phu nhân? Kiếm pháp của vị đại thơ đó, có phải do phu nhân truyền thọ chăng?
Và nàng tự giới thiệu luôn cho tròn lễ:
– Tôi tên là Lý Trại Hồng!
Phu nhân điềm nhiên đáp:
– Nàng ấy là thị nữ của già. Chính già truyền kiếm pháp cho nàng.
Lý Trại Hồng thoáng biến sắc, lẩm nhẩm một lượt hai tiếng thị nữ, đoạn hỏi tiếp:
– Giữa phu nhân và Tạ Linh Vận, có liên quan như thế nào?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười lạnh:
– Già không quen với người mang tên đó. Mà già cũng không hề nghe nói đến cái tên đó.
Lý Trại Hồng lại biến sắc lượt nữa. Chừng như nàng không tin lắm, nên tiếp liền:
– Kiếm pháp của vị đại thơ đó, là «Tu La Thất Thức», trên đời nầy, chỉ có mỗi một mình hắn là biết sử dụng mà thôi. Phu nhân nói rằng, không quen, không biết Tạ Linh Vận, thì thật là phu nhân khinh người lắm đó!
Nguyệt Hoa Phu Nhân «hừ» một tiếng:
– Không quen biết thì phải nói là không quen biết, già lừa dối các ngươi làm gì? Ngươi đã đề cập đến người biết kiếm pháp đó, thì già nảy sanh cái ý muốn gặp một lần, cho biết con người đó như thế nào.
Lý Trại Hồng nghiến răng:
– Hắn là một ác nhân …
Nguyệt Hoa Phu Nhân chận lại:
– Già không cần biết người đó là tốt hay xấu, già muốn biết người đó là nữ hay nam!
Lý Trại Hồng chẳng hiểu thâm ý của phu nhân như thế nào, cứ sự thật mà đáp:
– Tôi đã gọi là hắn thì tự nhiên phải là nam nhân. Hiện tại, hắn đang ở tại Ngũ Đài Sơn, vùng đất Tấn, lập nên Thiên Ma Giáo, hắn tự xưng là Giáo chủ.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lộ vẻ thất vọng, lạnh lùng hỏi:
– Một gã nam nhân thúi tha, già không dư công đi tìm. Bây giờ, các ngươi hãy cho già biết lý do ngăn trở hành trình của già. Các ngươi làm thế, có dụng ý gì?
Lý Trại Hồng đưa tay chỉ con Minh Đà không chủ hỏi:
– Con vật đó, về tay phu nhân, thế còn chủ nhân của nó ở đâu?
Nguyệt Hoa Phu Nhân hỏi lại:
– Ngươi muốn biết sự đó, để làm gì?
Lý Trại Hồng đáp:
– Chúng tôi đang muốn gặp người. Thiên Ma Giáo đã gây thành thế lực quan trọng, ngoài Quan Sơn Nguyệt ra, chẳng còn ai ngăn chận sức bành trướng của giáo phái đó nổi …
Nguyệt Hoa Phu Nhân gật đầu, chừng như bà có phần nào hân hoan với sự nhận xét của Lý Trại Hồng. Tuy nhiên, bà không để lộ ý niềm đó ra ngoài, bà giữ vẻ điềm nhiên, hỏi:
– Quan Sơn Nguyệt có tài nghệ ra sao? Chắc gì hắn đảm đương nổi việc đó?
Lý Trại Hồng nghiêm sắc mặt:
– Chắc chứ, phu nhân! Minh Đà Lịnh Chủ có thinh danh chấn dội giang hồ, hào tâm rộng, hiệp khí cao, chuyên trừ ma, diệt tà, phàm ai có lòng lo nghĩ về chánh nghĩa cũng đều đặt hy vọng nơi Quan thiếu hiệp cả.
Dừng lại một chút, nàng tiếp nối với giọng khẩn thiết:
– Nếu phu nhân biết Quan thiếu hiệp ở đâu, xin nói ngay cho bọn tôi hiểu.
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở dài:
– Già không biết hiện nay hắn đã đi đến phương trời nào!
Lý Trại Hồng biến sắc rõ rệt:
– Phu nhân nói lạ! Minh Đà còn đó, mà từ bao lâu nay người không rời thú, bây giờ thú ở nơi tay phu nhân, phải biết người hạ lạc nơi nào chứ? Huống chi, chiếc Độc Cước Đồng Nhân kia, là vũ khí độc môn của Quan thiếu hiệp cũng ở trong tay phu nhân luôn! Phu nhân bảo rằng không biết Quan thiếu hiệp ở đâu, thì thật là khó tin quá! Trừ ra, chính phu nhân đã mưu hại Quan thiếu hiệp rồi!
Nguyệt Hoa Phu Nhân chưa kịp đáp, Nhập Hoạch đã cất tiếng:
– Các vị ăn nói hồ đồ quá chừng! Quan công tử là con của phu nhân tôi, khi nào mẹ lại giết con?
Lý Trại Hồng, Linh Cô và tất cả những người ở phía sau đều lộ vẻ kinh ngạc.
Dĩ nhiên, họ không tin nổi lời nói của Nhập Hoạch.
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở dài:
– Quan Sơn Nguyệt chính là con trai của già đó!
Bây giờ, bọn Lý Trại Hồng mới hết hoài nghi, thần sắc của nàng cũng biến đổi theo niềm tin tưởng, và trên gương mặt nàng, sự tôn kính bắt đầu hiển hiện.
Nàng nghiêng mình, vòng tay chào, đoạn tạ lỗi:
– Tiện nữ không biết sớm phu nhân là từ mẫu của Quan thiếu hiệp, thành ra có thất lễ với phu nhân. Tại vì Quan thiếu hiệp không hề đề cập …
Nguyệt Hoa Phu Nhân trầm buồn gương mặt, nói:
– Mẹ con già thất tán từ nhiều năm qua, mẹ mất tin con, con không biết mẹ, mãi đến nửa tháng trước đây, mẫu tử mới trùng phùng. Nhưng, thời gian sum họp không đầy hai khắc, rồi lại phân ly! Con trai già đã thất tung sau đó!
Lý Trại Hồng kêu lên:
– Thất tung?
Niềm kinh hãi hiện lộ nơi ánh mắt nàng.
Nguyệt Hoa Phu Nhân gật đầu:
– Già hy vọng con già thất tung, chứ nếu không thì chẳng khi nào già dung thứ được tiểu súc sanh!
Tiểu súc sanh!
Bà đề cập đến Lưu Ảo Phu với Lý Trại Hồng làm gì chứ? Nội tình của bà, hiện tại, chỉ có Nhập Hoạch và Thị Thơ biết mà thôi, bọn Lý Trại Hồng làm sao thấu đáo mà bà thở than với họ?
Lý Trại Hồng toan hỏi, Nhập Hoạch vội vã chận lại:
– Đừng hỏi, đại thơ! Sự tình dài dòng lắm, không ai có thể giải thích tận tường trong nhất thời được!
Nhưng, Lý Trại Hồng khẩn trương cực độ, gấp giọng thốt:
– Bọn chúng tôi cần gặp Quan thiếu hiệp ngay, bởi không có Quan thiếu hiệp thì cả bọn cầm như đếm từng ngày chờ chết vậy. Tạ Linh Vận đã tạo dựng nên Thiên Ma Giáo rồi, thế lực của hắn càng ngày càng lớn mạnh, nếu không kịp thời chế ngự hắn, thì trong tương lai gần đây, giang hồ sẽ thuộc về tà ma thống trị, chúng sẽ mặc tình thao túng …
Nguyệt Hoa Phu Nhân hơi chú ý về câu chuyện của nàng:
– Cô nương nói rằng kiếm pháp của họ Tạ nào đó, tương đồng với kiếm pháp của thị nữ kia?
Lý Trại Hồng gật đầu:
– Đúng vậy đó, phu nhân! Đành là cũng có một vài người biết «Tu La Thất Thức», song sử dụng được linh ảo kỳ diệu thì chỉ có một mình Tạ Linh Vận thôi.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lắc đầu, tỏ vẻ không tin:
– Chưa chắc như vậy đâu, cô nương! Già có nghe Quan Sơn Nguyệt nói đến một nữ nhân …
Lý Trại Hồng lắc đầu:
– Không thể có sự trái ngược đâu, phu nhân! Nhất định là trên đời nầy độc nhất chỉ có mỗi một mình Tạ Linh Vận là am tường kiếm pháp đó! Tạ Linh Vận là sư huynh của tôi, mà trong hàng sư huynh sư tỷ, sư muội của tôi, chẳng có một ai thành tựu như hắn. Chứ nếu một đồng môn của tôi luyện kiếm pháp đó đến mức nhập diệu như hắn, thì bọn tôi cần gì phải bôn ba vất vả tìm Quan công tử? Như tôi đã nói, chỉ có mỗi một mình Quan công tử là thừa sức đối phó với hắn thôi!
Nguyệt Hoa Phu Nhân trầm ngâm một chút:
– Già tin rằng con trai già không hề nói dối với mẹ! Tuy nhiên, các vị đã cho là như vậy, thì già cũng muốn đi theo các vị gặp họ Tạ nào đó, xem sao! Có thể là hắn cho già biết được tung tích của nữ nhân mà già đang có ý tìm!
Lý Trại Hồng mơ hồ vô cùng, nàng chẳng hiểu rõ rệt những gì Nguyệt Hoa Phu Nhân nói cả. Tiểu súc sanh nào? Rồi nữ nhân nào nữa? Nàng không biết phải đáp làm sao, trong khi nàng bối rối, Linh Cô bước tới một bước, hỏi:
– Nữ nhân nào, phu nhân muốn tìm?
Nguyệt Hoa Phu Nhân suy nghĩ mấy phút, đoạn trầm giọng đáp:
– Nữ nhân đó là ai, thực sự thì già cũng chưa hiểu rõ, sở dĩ già tìm người ấy là vì người ấy năm xưa đã dùng một kiếp pháp kỳ lạ, sát tử trượng phu của già.
Linh Cô lêu lên kinh hãi:
– Trời ơi! Nữ nhân đó đã sát tử phụ thân của Quan công tử?
Nguyệt Hoa Phu Nhân không đáp, chỉ trừng mắt hỏi lại:
– Tiểu cô nương biết nữ nhân đó?
Linh Cô khoát tay mấy lượt:
– Không! Không!
Nguyệt Hoa Phu Nhân chỉnh nghiêm thần sắc:
– Già tin là tiểu cô nương biết!
Ánh mắt của bà nghiêm lạnh, biểu hiện một oai khí kinh người, Linh Cô lúng túng, thốt không rõ tiếng:
– Bà … bà đừng hỏi … tôi! Chẳng lẽ Quan công tử không nghĩ đến mối phụ thù?
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở dài:
– Già xin nói thật cho các vị hiểu! Quan Sơn Nguyệt là con của già thật đấy, song trượng phu của già lại chẳng phải là phụ thân của hắn. Các vị đã rõ là già có đến hai chồng rồi chứ? Khổ thay, hai chồng của già lại cừu hận với nhau! Một mối hận cừu nan giải! Nội tình rất phức tạp, già không thể trong nhất thời nói rõ cho các vị nghe được. Quan Sơn Nguyệt không chịu nói với già, là vì hắn thù hận trượng phu già, mối thù truyền tử đó mà! Thì, già làm sao bức bách hắn phải trợ giúp già báo thù cho kẻ thù của hắn?
Linh Cô thở phào, thốt:
– Phu nhân! Nếu sự tình đúng như vậy, thì tôi có thể giúp bà tìm nữ nhân đó. Bởi chính nữ nhân ấy cũng đang chờ dịp để giải quyết theo chiều hướng ý muốn của bà.
Nguyệt Hoa Phu Nhân kinh ngạc:
– Tiểu cô nương nói sao?
Linh Cô khẻ thở dài:
– Lão Lão bình sanh chỉ gây thương tổn cho một người duy nhất, và vì việc đó, Lão Lão áy náy mãi suốt thời gian dài, mấy năm gần đây, bà có nghiên cứu Phật môn tâm pháp, nên thức ngộ cái đạo lý của oan cừu quả báo. Nếu bà không giải quyết được sự tình ngày trước, thì bà không làm sao yên tâm tu Phật. Bà từng nói với tôi như vậy, và ủy thác tôi tìm hộ bà cái người năm xưa bị bà chặt đứt một cánh tay. Bà nghĩ rằng, người ấy là một tay kiếm thuật siêu phàm, chắc chắn là không cam tâm mai một tài ba để trở thành một kẻ vô danh. Ngờ đâu người ấy lại là …
Lý Trại Hồng chận lời:
– Linh Cô! Ngươi muốn nói đến sư nương …
Linh Cô gật đầu.
Nguyệt Hoa Phu Nhân nhìn nghiên qua Lý Trại Hồng, Lý Trại Hồng hấp tấp tiếp:
– Phu nhân! Bình sanh tôi chưa hề gặp mặt sư nương lần nào. Bất quá, tôi chỉ nghe Quan công tử cho biết là bà còn sống trên đời nầy vậy thôi! Do đó, khi phu nhân hỏi, tôi chẳng biết phải đáp làm sao!
Nguyệt Hoa Phu Nhân lại hướng qua Linh Cô:
– Thế là tiểu cô nương biết! Tại sao lúc già hỏi, tiểu cô nương không thừa nhận ngay?
Linh Cô bối rối:
– Thoạt nghe phu nhân hỏi, tôi thấy sự tình có liên quan đến Quan công tử nên không dám phúc đáp hấp tấp.
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở dài:
– Được rồi! Đã vậy, già không hỏi gì nhiều hơn, nhưng già muốn biết, bà ấy hiện nay ở đâu? Có thể là già sẽ không truy cứu đến việc đó nữa.
Linh Cô suy nghĩ một chút:
– Lão Lão không hề thay đổi cư sở, suốt trong mấy mươi năm qua, thì đến sớm cũng thế, đến muộn cũng thế, chẳng quan hệ gì, bởi đến lúc nào là gặp lúc ấy. Bây giờ, chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề của Tạ Linh Vận, chẳng hay phu nhân có thể tiếp trợ bọn tôi hay không?
Nguyệt Hoa Phu Nhân không khẳng khái lắm:
– Già không tưởng là mình nên can dự vào sự việc trên giang hồ.
Linh Cô vội chận:
– Người trong Thiên Ma Giáo, bất cứ ai, cũng có mối thâm cừu đối với Quan công tử, chúng xem Quan công tử là người tử đối đầu, và Quan công tử là mục tiêu thứ nhất của chúng đó. Phu nhân là mẹ của công tử, thì cái lý đương nhiên là phải làm cái gì cho con …
Nguyệt Hoa Phu Nhân «hừ» một tiếng:
– Tiểu cô nương định giáo huấn già?
Linh Cô chớp mắt:
– Tôi đâu dám vô lễ như vậy, phu nhân! Chẳng qua, trước khi sự tình về Thiên Ma Giáo chưa kết liễu, tôi không thể giúp phu nhân được gì cả. Phu nhân có thể chờ đến lúc đó chứ?
Nguyệt Hoa Phu Nhân nhìn nàng, chợt điểm nhẹ một nụ cười, hỏi:
– Tiểu cô nương cho rằng, già nhất định phải nhờ tiểu cô nương dẫn đường?
Linh Cô cũng cười:
– Trừ tôi và Quan công tử, trên đời nầy chẳng một ai đưa được phu nhân đến cư sở của Lão Lão cả. Nếu phu nhân quyết tìm Quan công tử, nhờ công tử dẫn lộ, thì chẳng nói làm gì. Còn như không có công tử, thì cái chắc là phu nhân phải gọi đến tôi.
Nguyệt Hoa Phu Nhân suy nghĩ một chút, lại cười, tiếp hỏi:
– Tiểu quỷ giảo hoạt lắm đấy nhé! Xem ra, già chỉ còn có cách là đáp ứng các ngươi thôi! Nhưng, ngươi hãy suy nghĩ già có thể đối phó với họ Tạ hay không?
Bây giờ, phu nhân không gọi Linh Cô với mấy tiếng tiểu cô nương, mà lại dùng tiếng ngươi với nó, chẳng phải bà khinh khi nó, chỉ vì bà nhận thấy có thể thân mật với nó. Bởi, dù sao thì nó cũng có liên quan với Quan Sơn Nguyệt, gần nó, bà như nghe cái hơi hướm của đứa con trai bà.
Linh Cô đáp:
– Tạ Linh Vận không có gì sở trường ngoài «Tu La Thất Thức», mà trượng phu của phu nhân thì thất bại trước kiếm pháp đó. Bây giờ, phu nhân xuất ngoại báo thù, tìm ngay cái người sử dụng kiếm pháp đó, sát hại trượng phu của phu nhân năm xưa, thiết tưởng phu nhân cũng có nghiên cứu kỹ cách hóa giải kiếm pháp đó. Chứ nếu không thì, đi tìm thù như phu nhân, có khác nào đi nạp mạng đâu? Cho nên, tôi nghĩ là phu nhân không còn ngán «Tu La Thất Thức» nữa, và chắc chắn là phu nhân đánh bại Tạ Linh Vận.
Phu nhân phải chịu sự lý luận của Linh Cô rất xác đáng, bà không còn lời gì để bẻ lại lý luận đó của nó. Bà gật đầu, thốt:
– Được rồi, tiểu quỷ! Già sẽ đi cùng các ngươi đến Ngũ Đài Sơn.
Bà day lại bọn người nhà, tiếp:
– Thị Thơ, sự tình đã bắt đầu ra manh mối rồi đó, chúng ta chẳng cần phải đi hoang như nửa tháng vừa qua, hành trình của chúng ta trong tương lai phải theo một kế hoạch rõ rệt. Ngươi hãy đi tìm gấp bọn Tư Kỳ, Cầm Khiêu, bảo chúng theo ngươi, cùng hội họp với ta một chỗ. Ta cần dặn dò ngươi điều này, gặp Ảo Phu, các ngươi không nên xung đột với hắn, cứ bảo hắn đi thẳng đến Ngũ Đài Sơn, nơi đó hắn sẽ có dịp báo phục phụ cừu.
Thị Thơ «vâng» một tiếng, trao cương ngựa của phu nhân cho Nhập Hoạch giữ, rồi lên ngựa của y, quay đầu đi ngay.
Linh Cô động tính hiếu kỳ, hỏi:
– Phu nhân còn một người con nữa?
Nhập Hoạch vọt miệng hớt lời:
– Phải! Và cái việc Quan công tử thất tung, có liên quan đến hắn!
Nguyệt Hoa Phu Nhân khi nào để cho nàng nói nhiều hơn, quắc mắt nghiêm lạnh nhìn nàng. Thành thử Nhập Hoạch nín luôn.
Linh Cô càng lấy làm lạ, đoán lờ mờ là sự việc phức tạp như thế nào đó, nhưng người ta không muốn nói nữa thì còn hỏi làm gì, bởi có hỏi cũng chẳng ai đáp cho. Nó bước tới gần con ngựa, vỗ tay lên mình thú, cho thú hoạt động trở lại, nó dẫn đến trước mặt Nhập Hoạch, điểm một nụ cười, thốt:
– Đại thơ ơi, vừa rồi tôi hành động hơi vô lễ đấy, đại thơ đừng trách tôi nhé.
Ngựa quý của đại thơ, tôi xin trả lại cho đại thơ đây. Chứ, nó thuộc loại quý, ai nỡ nào đem nó giao cho đồ tể?
Nhập Hoạch không giận, nắm lấy tay nó, cười hì hì, đáp:
– Cái miệng của tiểu muội lợi hại lắm nhé! Mà kiếm pháp cũng khá nữa, như thế nầy thì ngu thơ phải kết giao với tiểu muội mới được!
Linh Cô cười nhẹ:
– Phải đó, đại thơ! Chúng ta phải thân cận với nhau, tôi đây cũng khâm phục kiếm pháp của đại thơ lắm chứ, trừ ba vị tiên tử của tôi và Quan công tử ra, không một người nào trên đời nầy hạ nổi đại thơ đâu, tôi dám chắc như vậy.
Nhập Hoạch thấy vui vẻ vô cùng, từ ngày rời Đại Ba Sơn đến nay, nàng mới thấy lòng cởi mở. Nàng hỏi:
– Ba vị tiên tử của tiểu muội là những ai?
Lý Trại Hồng gọi giật Linh Cô:
– Đừng nói nhảm nhé! Công việc gấp, không lo, chỉ lo đấu hót! Hãy chuẩn bị lên đường đi cho ta!
Linh Cô lè lưỡi, nhăn nhó mặt, làm cái vẻ khỉ.
Lúc đó, mấy người cao niên trong bọn Lý Trại Hồng bước tới. Lý Trại Hồng giới thiệu từng người.
Những vị đó, là Nhàn Du Nhất Âu, Vạn Lý Vô Vân và Nhất Luân Minh Nguyệt.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lần thứ nhất nghe những danh hiệu quái dị vô cùng, cau mày hỏi:
– Tại sao các vị chọn những tiếng quái dị như thế, đặt thành danh hiệu?
Lý Trại Hồng giải thích hộ cho mấy người đó:
– Họ là những người được liệt tên trong Tiên Bảng, mà quy luật trong hội Long Hoa thì chỉ cho phép xưng hiệu chứ không được gọi tên, do đó chẳng một ai dùng tên của mình, và ai ai cũng chọn một ngoại hiệu, miễn sao cái hiệu đó nói lên chất tiên, chất thần là được.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lại cau mày:
– Già có nghe Sơn Nguyệt nói đến Tiên Bảng, Ma Bảng, Quỷ Bảng gì đó, song chẳng rõ sự thể như thế nào?
Lý Trại Hồng thở dài:
– Câu chuyện dài dòng lắm, phu nhân ạ! Phu nhân cứ lên ngựa đi, dọc đường tôi sẽ thuật từ từ cho phu nhân nghe.
Trước đó, người đi, người đuổi, đoàn người hai nhóm cùng về Nam. Giờ đây, hai nhóm hỗn hợp lại, đoàn người duy nhất bỏ dự định về Nam, chuyển hướng ngược lên vùng Bắc.
Dọc đường, Lý Trại Hồng kèm ngựa bên cạnh Nguyệt Hoa Phu Nhân, Linh Cô sóng vó với Nhập Hoạch, họ cùng phô bày tâm sự.
Đại khái, đầu đề câu chuyện vẫn xoay quanh Quan Sơn Nguyệt và Long Hoa Hội.
Họ thở dài, có lúc họ kêu lên kinh ngạc, có lúc họ cười tít vì cao hứng, niềm cảm khái rạt rào.
Và cuối cùng, ai ai cũng lo ngại cho số phận của Quan Sơn Nguyệt.
–––- oo –––- Qua khỏi đất Tần, họ vào vùng Tấn, Ngũ Đài Sơn nằm tại nơi giáp giới Tấn và Ký, họ đã đi độ tháng trường rồi, và còn một ngày nữa, là họ đến Ngũ Đài Sơn.
Thiên Ma Giáo, đúng như lời Lý Trại Hồng, bành trướng thế lực rất mạnh, rất mau, như ngọn lửa lan tràn, gặp cỏ khô bắt cháy nhanh. Cho nên, chẳng phải đợi đến tận Ngũ Đài Sơn mới gặp người trong giáo phái đó. Ngay trong những địa phương phụ cận, ngoài xa xa, cũng có tai mắt của Thiên Ma Giáo.
Dọc đường, bọn Nguyệt Hoa Phu Nhân, Lý Trại Hồng gặp nhất nhiều khách giang hồ ngẩng mặt, giương mắt nhìn họ đi qua, họ đã bị người ở đây chú ý đến rồi. Và như vậy, là hành tung của họ đã bị phát giác.
Phát giác, bất quá, bọn kia thấy họ là những người lạ, đến vùng này, chứ thực ra, đã chắc gì những người đó biết họ là ai?
Giả như, trong bọn tai và mắt của Thiên Ma Giáo đó, có những người ngày trước từng được liệt danh trong ba bảng Tiên, Quỷ và Ma, thì những người đó còn nhận ra bọn Lý Trại Hồng và con Minh Đà của Quan Sơn Nguyệt. Chứ như Nguyệt Hoa Phu Nhân và Nhập Hoạch, là những người hoàn toàn xa lạ đối với bọn Tạ Linh Vận, chúng làm sao hiểu cả hai là ai?
Đến đây rồi, đoàn người hết sức dè dặt, tuy nhiên họ vẫn không tránh khỏi phiền phức.
Một hôm, họ đến một sơn thôn, thuộc vùng Kỳ Sơn, nơi đây chẳng phải là thị trấn, họ không tìm được khách sạn, họ phải xin ngủ nhờ trong nhà dân cư. Bởi họ đông người, nên họ tìm một ngôi nhà khá rộng, đủ dung chứa toàn bọn.
Nhà tuy rộng, song chỉ có thể dành cho họ hai phòng thôi, họ phân nhau nam, nữ, chiếm hai gian phòng đó.
Đêm xuống, Nguyệt Hoa Phu Nhân, Lý Trại Hồng nhắm mắt dưỡng thần, Linh Cô ngồi xếp bằng tròn điều tức, chỉ có Nhập Hoạch là nằm dài, ngáy như sấm.
Vừa lúc đó, bỗng có tiếng vó ngựa vang lên bên ngoài, tiếng vó ngựa vọng đến thoạt đầu rất khẽ, chứng tỏ kỵ sĩ còn xa.
Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng cùng mở mắt.
Linh Cô có phản ứng rất nhanh, vụt đứng lên vọt ra ngoài. Phu nhân và Lý Trại Hồng cũng theo ra ngoài.
Khi họ ra đến bên ngoài, thì một bóng trắng lướt đi rất nhanh, như tên bắn, phía sau có một bóng đen đuổi theo.
Bóng trắng chính là Minh Đà, còn bóng đen chính là Linh Cô, nó chạy theo con Minh Đà, có lẽ là để bắt con vật lại.
Còn tiếng vó ngựa kia đâu? Hay là kỵ sĩ đã lẻn nơi nào?
Minh Đà là con vật rất thông linh, chẳng khi nào nó chạy hoang như vậy. Nó chạy đi, hẳn phải có duyên cớ gì. Và Linh Cô đuổi theo, hẳn là để bảo họ nó, mà cũng để truy nguyên cớ sự khiến nó chạy hoang.
Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi cả hai cùng chạy theo Linh Cô.
Đêm đó, không trăng, chỉ có ánh sao chiếu mờ mờ, cả hai vận dụng nhãn lực, nhìn hai bóng trắng đen phía trước làm mục tiêu mà đuổi, thật vất vả vô cùng.
Đường phía trước càng lúc càng lên cao, chừng như con đường dẫn lên đỉnh núi. Nhưng, khi họ đến một khúc quanh, thì hai bóng trắng đen phía trước mất hút.
Chỗ đó, chừng như là cuối đoạn đường, trước mặt có vách núi chắn ngang, họ tìm mãi chẳng thấy lối.
Bắt buộc, Nguyệt Hoa Phu Nhân phải dừng chân.
Lý Trại Hồng kinh hãi, thốt:
– Lạ thật! Chúng ta vượt qua một đoạn đường dài, lại chẳng gặp một bọn nào mai phục cả!
Nguyệt Hoa Phu Nhân không đáp, dùng mắt quan sát khắp nơi, luôn đến mặt đường, dùng tai nghe ngóng. Sau cùng, bà đưa tay chỉ một khe hở nơi vách núi, thốt:
– Già nghĩ, súc sanh đó đã chui qua khe hở kia mà đi!
Lý Trại Hồng trố mắt:
– Phu nhân nói sao? Minh Đà to lớn hơn con ngựa, mà khe hở đó rộng không quá một thước, làm sao nó chui qua lọt?
Nguyệt Hoa Phu Nhân nghiêm sắc mặt:
– Già không nói ngoa đâu! Trừ ra súc sanh mọc cánh bay qua đầu vách núi cao hơn trăm trượng nầy, còn thì hẳn là nó phải chui vào khe hở đó! Bởi, cái dấu móng của nó còn kia!
Ban chiều, có mưa sớm, Minh Đà chạy trên đất ướt, móng vấy bùn, nó để dấu lại từng nơi, và tại đây, một dấu móng của nó còn in ràng ràng trên mặt một phiến đá. Dấu chân đó, chứng tỏ Nguyệt Hoa Phu Nhân luận việc không sai.
Nhưng, dù đó là sự thật, Lý Trại Hồng cũng phải kinh ngạc như thường.
Nàng cau mày, lẩm nhẩm:
– Khe hở hẹp như vậy, làm sao Minh Đà chui lọt? Nó có thân vóc to lớn hơn một con ngựa kia mà? Vả lại, ngựa nhỏ đến đâu cũng không thể chui vào được. Kỳ thật!
Vừa lúc đó, một giọng nói âm trầm từ bên trong khe hở vọng ra:
– Trời đất rộng bao la, thiếu chi điều quái dị? Bởi các bị không thường thấy những điều kỳ quái, nên cứ tưởng chẳng bao giờ có việc kỳ quái!
Cả hai cùng giật mình, đảo mắt nhìn quanh quẩn, chẳng thấy một chỗ nào thuận tiện cho một người nấp, thì như vậy đúng là giọng nói phát ra từ khe hở, vọng đến tai họ.
Khe hở, chẳng phải là đường rạn nứt thẳng chiều, bên trong quanh co uốn lượn, đứng bên ngoài nhìn vào, không thể thấy xa.
Tuy nhiên, nếu họ nghiêng mình, thì cũng có thể lách vào. Song, làm sao họ dám mạo hiểm? Người bên trong, là thân hay thù? Giả như gặp thù, thù xuất thủ bất ngờ, thì họ làm sao day trở, chống trả?
Người trong vách không nghe họ đáp lời, lại tiếp:
– Một lạc đà, một tiểu nữ, bọn tại hạ đã tiếp đón và đưa vào trong cốc rồi, các vị không tin, cứ vào mà xem!
Lý Trại Hồng hấp tấp hỏi:
– Ngươi là ai?
Người trong vách cười lớn:
– Vào đây rồi, thì biết nhau ngay, song phương cùng nhận nhau, chẳng muộn chi đâu!
Lý Trại Hồng đưa mắt sang Nguyệt Hoa Phu Nhân như hỏi ý bà, có nên vào hay chăng?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười lạnh:
– Tự nhiên là phải vào rồi! Bất quá, bọn ta không cần do cái lối khe hở nầy đâu.
Người trong vách lại cười, thốt:
– Đây là lối duy nhất vào cốc, đừng mong có đường nào khác.
Nguyệt Hoa Phu Nhân nạt:
– Đừng nói nhảm! Dù các ngươi có tài thông thiên triệt địa đi nữa, cũng chẳng làm sao đưa một con lạc đà qua lọt khe hở nầy. Mà ta cũng không tin các ngươi là loài rắn, có thể vào ra nơi đây, mà cho là lối duy nhất!
Người trong vách nín lặng mấy phút, sau cùng nhẹ giọng hỏi:
– Tại sao bà lại cho rằng bọn nầy là rắn?
Nguyệt Hoa Phu Nhân lạnh lùng:
– Nơi đây, có mấy miếng da rắn lột, ta biết ngay cái lối nầy chỉ là con đường mòn của loài rắn thôi!
Người trong vách lại nín lặng thêm mấy phút nữa, đoạn nói:
– Bà nói, nửa trúng nửa sai. Trúng, là cái sơn cốc nầy, có tên là Thiên Xà Cốc, và có một lối thông khác, con lạc đà kia vào cốc do lối thông khác đó vậy.
Còn ta thì ta quả thật do cái lối nầy mà ra, vào. Da rắn đó, là da của ta lột, bỏ lại …
Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng cùng kinh hãi.
Lý Trại Hồng bán tín bán nghi, hỏi:
– Ngươi là rắn, hay là người? Nếu là người, sao lại lột da rắn?
Người trong vách cười nhẹ:
– Ta đã bảo, đừng hỏi gì cả. Cứ vào đi, vào rồi sẽ biết những gì muốn biết.
Nguyệt Hoa Phu Nhân trầm ngâm một chút:
– Vào chứ! Nhất định là bọn ta phải vào rồi. Và nhất định là phải do lối khác mà vào.
Người trong vách cười hì hì:
– Thế thì cứ đi tìm lối khác.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lập tức rảo chân quan sát quanh nơi đó một lúc sau, bổng bà rút thanh trường kiếm bên hông, đối chuẩn một bụi cỏ đâm vào.
Người trong vách cảnh cáo:
– Cẩn thận đấy nhé!
Nguyệt Hoa Phu Nhân không màng đến người trong vách, cứ đâm kiếm tới, rồi hoành tay quét ngang.
Một số cành lá rơi rụng.
Cành lá vừa rơi, một bóng xám từ trong bụi cỏ giây xuất hiện quấn quanh thanh kiếm của bà.
Nguyệt Hoa Phu Nhân dù nhanh tay, cũng không làm ao rút kiếm kịp thời.
Bà liền vung tay, vẩy thanh kiếm, nhưng bóng xám đó không hề bung ra.
Dưới ánh sao mờ mờ, phu nhân nhận ra, đó là một con rắn dài, màu xanh, chứ chẳng phải màu xám.
Rắn dài quá, quấn quanh kiếm đến bảy tám vòng, đầu nó hình tam giác, nó nhìn bà, phun hơi độc vụ …
Sợ rắn, là cái tánh của hầu hết nữ nhân, dù Nguyệt Hoa Phu Nhân có vũ công cao, vũ công chỉ để đối phó với người, chứ đâu để đối phó với rắn, vũ công đã thành vô ích, thì bà trở lại một nữ nhân thông thường.
Bà sợ, rú lên một tiếng, quăng luôn kiếm, lẩn rắn.
Rơi xuống đất rồi, con rắn tháo mình khỏi thanh kiếm, lại thổi vu vu, vọt tới phu nhân.
Lý Trại Hồng lướt tới, rút kiếm chém vào đầu rắn.
Rắn không sợ kiếm, nhưng nó hụp đầu xuống, tránh nhát kiếm đó. chừng như thân hình nó cứng rắn, trừ chiếc đầu thôi.
Lý Trại Hồng nhận ra nhược điểm của rắn, cứ vung kiếm chém vào đầu nó.
Con rắn lập tức uốn mình thành vòng tròn, dấu chiếc đầu trong những vòng tròn đó. Thành ra, những nhát kiếm của Lý Trại Hồng chém trúng mình nó, nhưng hụt đầu, mà trúng mình nó thì cũng chẳng gây thương tổn chi cho nó.
Lúc đó, Nguyệt Hoa Phu Nhân đã nhặt kiếm cầm tay, bà bước tới, gằn giọng:
– Nghiệt súc! Thử xem hai thanh kiếm có làm chi được ngươi chăng!
Bà thọc mũi kiếm nơi kẽ hở giữa hai khoanh mình rắn, ấn mũi kiếm xuống.
Dĩ nhiên, chính nơi đó, con rắn dấu chiếc đầu. Con vật cũng tinh khôn, nó càng rút đầu vào sâu hơn, rồi nó bật kêu khè khè.
Có lẽ tiếng khè khè đó là tiếng kêu cứu của nó, nên từ nơi vách núi, nhanh như chớp, hơn mười con rắn khác lao vút mình tới bao vây quanh hai nữ nhân.
Con nào cũng nhỏ, mình cũng dài, cũng xanh như con trước.
Trong trường hợp đó, Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng phải bỏ con rắn trước, tìm cách đối phó với các con rắn sau.
Nhưng, rắn bao vây rồi, cứ bò quanh quanh, chứ không tấn công.
Lạ lùng thay, Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng bổng cảm thấy đất dưới chân như sụp mất, cả hai chới với, bầy rắn cũng chới với, rồi người và rắn rơi tọt xuống.