Chẳng biết bao lâu thời gian, chẳng biết bao dài lộ trình rồi, Quan Sơn Nguyệt chỉ hiểu là chàng khó chịu hết sức, thời gian lâu và lộ trình dài càng làm cho chàng khó chịu đựng trong bao lâu nữa?
Dù lâu bao nhiêu cũng chẳng quá ba ngày, đã chỉ là ba ngày, chàng cũng không chịu nổi. Nếu đi như thế này nhiều ngày nữa, chắc là chàng phải chết vì bực. Cái khổ cho chàng hầu như cùng cực là Ngọc Phương không chọn những con đường lớn mà đi, nàng chọn những con đường mòn nhỏ, để trách sự dòm ngó của khách lữ hành, nàng lại không đi theo một chiều hướng duy nhất, khi rẽ Đông, khi quẹo Tây, lao vòng qua Bắc và trở về Nam. Có lúc nàng vượt núi cao, có lúc qua sông rộng, khi đi xuyên qua rừng, khi lướt qua những cánh đồng bao la bát ngát.
Đường dù khó, thân pháp của nàng nhanh nhẹ, bộ pháp vững vàng, nàng đi nhứ bước trên nhung lụa, êm ái ung dung, không hề lộ vẻ khó khăn vất vả.
Quan Sơn Nguyệt phải phục nàng, càng phục nàng chàng càng sợ chủ nhân Vạn Ma Sơn Trang, bởi một nữ tỳ mà có bản lĩnh phi thường như vậy thì chủ nhân ghê gớm đến mức độ nào nữa? Một con người, chưa đầy hai mươi tuổi, có được một bản lĩnh cao cường như thế đó, họa chăng nàng luyện võ ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ mới đạt đến mức thành tựu cao với. Chàng dù sao cũng là tay có hạng chứ, thế mà nàng chỉ vươn tay là chàng bị áp đảo ngay!
Trong khi chàng đang miên man nghiền ngẫm với bao nhiêu ý niệm trong đầu, thì thái dương cũng chuyển dần về Tây, rút ngày ngắn lại. Không khí mất sáng dần dần, màn đêm sắp phủ xuống vạn vật, tính ra, cả hai đã trải qua hai tiếng đồng hồ rồi, và Ngọc Phương cũng đã vượt ít nhất là mấy trăm dặm đường.
Chừng như Ngọc Phương mệt mỏi, Quan Sơn Nguyệt nhận ra sự kiện đó qua hơi thở dập dồn của nàng. Ngực chàng áp lên lưng nàng, ngực áo ướt, chứng tỏ lưng nàng có rịn mồ hôi.
Cuối cùng, nàng rẽ bước vào một khu rừng, tìm chỗ bình thản dừng chân lại, đặt Quan Sơn Nguyệt xuống đất, sau đó thu nhặt những lá khô, làm nệm tạm, cho Quan Sơn Nguyệt nằm. Kế tiếp, nàng gom những cành khô chất đống lại, để đốt lửa đêm.
Sau cùng, vẫn với giọng lạnh, nàng hỏi:
– Ngươi muốn ăn gì không!
Không còn khí lực, hoàn toàn do người định đoạt số phận, chỉ vâng theo sự an bài của người ta, Quan Sơn Nguyệt cảm thấy tủi nhục vô cùng. Chàng «hừ» lạnh một tiếng đáp cộc lốc:
– Cái gì ta cũng chẳng thèm ăn!
Mãi đến bây giờ, nét cười thoáng hiện nơi gương mặt của Ngọc Phương.
Nàng hỏi lại:
– Ngươi giận à?
Quan Sơn Nguyệt cũng «hừ» một tiếng như trước, không hồi đáp.
Giận là cái chắc rồi, song giận thì để trong tâm, chứ nói ra làm sao cho tiện.
Ngọc Phương cười thành tiếng, tiếp:
– Ngươi xem được quá! Được ở chỗ có dõng khí, vượt qua một đoạn đường dài mà còn giận nổi, kể cũng có hạng đấy. Ngươi biết không, trước đây, ta từng cõng nhiều người người như ta cõng ngươi, những người đó sau khi ta đặt xuống đất mỗi lần dừng chân nghỉ, đều kinh khiếp đến độ tan biến thần hồn, làm gì họ còn giận nổi được như ngươi.
Quan Sơn Nguyệt động tính hiếu kỳ hỏi:
– Trước đây, ngươi cũng có cõng người như thế này?
Ngọc Phương gật đầu :
– Có chứ! Mỗi khi chủ nhân mời khách đến trang, đều dùng phương thức này. Ta cõng tất cả là bốn người rồi, nhưng kết cuộc chẳng một ai đến trang, tất cả đều bị ta giết dọc đường.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Tại sao ngươi giết họ?
Ngọc Phương cười nhẹ :
– Họ thấy ta có bản lĩnh vượt núi băng rừng, khiếp quá biến sắc như người chết. Cái thứ vô dụng như vậy, có xứng đáng gì cho chủ nhân phải thừa tiếp?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một lúc:
– Chắc là chủ nhân của ngươi có vũ công cao lắm?
Ngọc Phương đáp:
– Tự nhiên. So với ta, chủ nhân cao minh không biết gấp mấy trăm ngàn lần.
Thú thật với ngươi, ta không ức lượng nổi mức độ cao thâm của người. Bất quá ngươi có thể so tài với chủ nhân của ta.
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– So với ngươi, ta còn kém xa, làm gì có việc tương đương với chủ nhân ngươi được chứ?
Ngọc Phương mỉm cười:
– Đừng khách khí quá vậy. Thật ra, thuật khinh công của ta cũng có hạng, ta còn có công phu điểm huyệt linh diệu hơn ngươi. Nhưng, ngoài hai thứ công phu đó ra, về những môn khác thì ta dở tệ.
Quan Sơn Nguyệt tặc lưỡi:
– Biết rành hai môn đó cũng đủ lắm rồi. Ngươi đưa tay ra, là ta co rúm, dù ta có công phu cao, cũng chẳng còn thi thố được, thì có cũng như không, ích lợi gì đó mà ỷ trượng vào?
Ngọc Phương lắc đầu:
– Ngươi yên trí. Khi giao đấu với ngươi, chủ nhân sẽ không dở thủ pháp điểm nguyệt đâu. Bởi vì công phu đó, trên đời này chỉ mỗi một mình chủ nhân luyện đến độ siêu huyền nhập ác, đem một môn công vô địch thủ thắng trước mặt ngươi, thì vinh hạnh gì cho chủ nhân ta?
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc:
– Thế chủ nhân dùng môn công gì giao đấu với ta?
Ngọc Phương dài thích:
– Dùng cái sở trường của ngươi. Giả như ngươi chuyển dùng kiếm, thì người sẽ đánh kiếm. Vả lại, người cũng không bằng vào nội lực mà tranh thắng, chỉ luận thấp cao về chiêu thức thôi.
Quan Sơn Nguyệt cúi đầu trầm tư. Chàng tìm một phương pháp giao chiến với con người thần bí, quái dị đó.
Ngọc Phương mỉm cười, hỏi:
– Đừng vận dụng tâm tư trong lúc này làm gì. Cứ chờ khi nào cuộc trắc nghiệm can đảm thực hiện xong, ngươi sẽ có cơ hội tranh chấp với chủ nhân, lúc đó ngươi hãy suy nghĩ.
Quan Sơn Nguyệt lại một phen kinh ngạc:
– Ngươi nói cái gì là trắc nghiệm can đảm?
Ngọc Phương tiếp:
– Trong đời, chủ nhân không ghét gì hơn là bọn có lá gan bé bằng lá gan chuột. Cho nên, những nam nhân trong trang khi được sử dụng, giao phó thi hành công tác, đảm nhiệm một trách vụ gì, đều phải trải qua một cuộc trắc nghiệm tại Hắc Ngục Vong Hồn, xem họ có can đảm hay không …
Quan Sơn Nguyệt hoang mang:
– Hắc Ngục Vong Hồn là cái gì?
Ngọc Phương lắc đầu:
– Ta cũng không hiểu rõ, bất quá ta chỉ biết rằng, Hắc Ngục Vong Hồn được tạo lập với mục đích trắc nghiệm bọn nam nhân. Nơi đó, có ba cõi ảo ảnh cực kỷ khủng khiếp, cõi đầu đã khủng khiếp rồi, cõi kế lại còn khủng khiếp gấp trăm ngàn lần cõi trước, và kém trăm ngàn lần cõi sau.
Quan Sơn Nguyệt bắt đầu sanh hứng, lại hỏi:
– Khủng khiếp thế nào? Có làm chết người chăng?
Ngọc Phương cười mỉa:
– Đã nói là ảo ảnh, thì làm gì có việc gây chết cho người? Tuy nhiên nếu ngươi nhát quá, vào đó mà khiếp sợ cực độ, cũng dám chết lắm. Chết như vậy, là vì sợ, chứ đâu phải Hắc Ngực Vong Hồn giết người …
Quan Sơn Nguyệt cười vang:
– Nếu chẳng phải là cạm bẫy giết người, thì có gì đáng sợ đâu mà phải chết vì sợ?
Ngọc Phương nghiến răng, lời nói của Quan Sơn Nguyệt gây niềm bất mãn nơi nàng. Nàng trầm giọng, thốt:
– Ngươi đừng khinh thường, đến việc rồi ta chỉ sợ ngươi mất cả thần hồn, không còn tự chủ được nữa. Từ ngày chủ nhân thiết lập Hắc Ngục Vong Hồn đến nay chưa có một tay nào sang đến cõi thứ ba. Có kẻ giỏi lắm là đến cõi thứ hai, và phần đông xỉu ngay cõi thứ nhất.
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Ngươi chẳng đã nói rằng tất cả nam nhân trong trang đều phải trải qua cuộc trắc nghiệm như thế, nhưng trên thuyền, ta thấy ngoài Vương sư gia ra còn có mấy nam nhân nữa mà? Họ được chủ nhân sử dụng, tức nhiên là họ có qua cuộc trắc nghiệm. Họ phải lọt qua cõi thứ ba, chủ nhân mới hài lòng mà sử dụng họ chứ?
Ngọc Phương đáp:
– Dùng người là một lẽ, trắc nghiệm là một lẽ khác. Vương sư gia xỉu ngay tại cõi thứ hai, nhờ vậy mà y có một địa vị cao hơn bọn kia chỉ vào Hắc Ngục Vong Hồn là hôn mê ngay tại cõi thứ nhất. Tuy nhiên, Vương sư gia còn kém Trầm tiên sanh.
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Trầm tiên sanh là ai?
Ngọc Phương mỉm cười:
– Trầm tiên sanh là bằng hữu của chủ nhân, tiên sanh qua lọt hai cõi, song lại xỉu ở cõi thứ ba, chủ nhân khen ngợi là tay khá, nên dùng lễ đối đãi, xem như một bậc nhân tài.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Chủ nhân ngươi có ý tưởng kỳ quái thật! Tại sao lại nghĩ ra cách trắc nghiệm lạ lùng thế?
Ngọc Phương không đáp câu đó, cứ giải thích luôn cách tuyển dụng thủ hạ của trang chủ Vạn Ma Sơn Trang:
– Chủ nhân không giết ai cả, chỉ dùng bọn người xỉu tại cõi thứ nhất làm nô dịch, dùng bọn người xỉu tại cõi thứ hai làm quản sự, làm sư gia …
Quan Sơn Nguyệt chặn lời:
– Người lọt qua hai cõi, được đối xử như khách, giả như có người qua hết ba cõi thì sao? Chủ nhân ngươi dành thái độ nào cho họ?
Ngọc Phương nghiêm sắc mặt:
– Rất mực kính trọng.
Quan Sơn Nguyệt «ạ» lên một tiếng.
Ngọc Phương tiếp:
– Chủ nhân không tin rằng trên đời có người thông qua cả ba cõi. Tuy vậy người hằng ước mong một ngày nào đó, một nhân tài xuất hiện, vào Hắc Ngục Vong Hồn, như vào cảnh trí thanh lịch, không mảy may kinh tâm khiếp đảm. Chủ nhân từ lâu quá tịch mịch …
Quan Sơn Nguyệt bĩu môi:
– Sự tịch mịch của kẻ tài cao, không người đối địch? Con người ta không ai cam chịu cái tịch mịch, điều đó thì rất thường. Nhưng bày ra Hắc Ngục Vong Hồn, để trắc nghiệm tài năng và can đảm của kẻ khác, rồi lại xem như cừu địch những ai lọt qua đủ ba cõi. Như vậy là nghĩa gì?
Ngọc Phương giải thích:
– Tài học của chủ nhân cầm như thông thần, công lực cao thâm cùng cực, bình sanh tự ví mình như bậc thánh hiền, nên rất chịu cái câu:
«Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch». Bởi, có ai đáng mặt tri kỷ của hạng thánh hiền? Do đó, phàm gặp người tài cao, dù người đó là cừu địch, chủ nhân vẫn kính trọng. Ta nói cừu địch, là nói về phương diện so hơn kém tài năng, chứ không theo chủ trương tranh chấp quyền lợi.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Tôn kính mà đem cái địch ý đối xử với nhau à?
Ngọc Phương gật đầu:
– Đúng vậy. Địch, là ngang nhau, bởi ngang nhau nên tôn kính, vì ngang nhau mà song phương đều muốn trên nhau, do đó có địch ý. Địch ý đưa nhau đến chỗ cao siêu, đi dần đến thập toàn chứ không tiêu diệt nhau. Cho nên, có sự kính trọng bậc đồng tài, trên tài, và đối với bọn thông thường thì dùng quyền thế mà sai khiến. Bước ra một tấc đường, là ngươi gặp vô số kẻ tầm thường, trái lại bậc tài năng thì đi khắp non sông, chưa chắc sẽ gặp được một tay. Như vậy, có phải bậc hiền tài là hy hữu chăng?
Không đồng quan niệm, Quan Sơn Nguyệt và Ngọc Phương tranh luận với nhau mãi, chàng thì cho rằng trang chủ ngông cuồng mới có ý tưởng quái đản, thiết lập Hắc Ngục Vong Hồn, nàng thì bảo là chàng cũng ngông cuồng không kém, dám tự phụ qua lọt đủ ba cõi trong ngục tối đó.
Ngông cuồng, nên không sợ, bởi kẻ điên còn biết sợ gì?
Quan Sơn Nguyệt cãi, không sợ là vì thừa can đảm, còn đủ lý trí để nhận định mọi khủng khiếp hiện ra, tìm cách giải trừ, đối phó, không hẳn là không sợ tại vì ngông cuồng.
Cuối cùng, họ chấm dứt cuộc cãi vả, ở chỗ bất đồng ý kiến, rồi Ngọc phương lấy trong tay áo ra một chiếc bọc, có đủ cơm khô, cá thịt khô, có cả một bao đậu.
Nàng bày số lượng đậu ra trên mặt đất, rồi chu miệng hú một tiếng dài.
Từ trên không trung, một con chim ưng xuất hiện, xuyên qua cành lá, bay xuống.
Nàng vẫy tay ra hiệu, chim ưng há mỏ gắp chiếc bao đậu, bay trở lên không.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Ngươi nuôi nó?
Ngọc Phương đáp:
– Chủ nhân nuôi đúng hơn. Dùng sai khiến trong những công việc vặt.
Nàng mời chàng ăn.
Chàng cứ ngồi yên. Vì bị điểm huyệt, chàng còn làm sao cử động được mà ăn uống?
Phát giác điều đó, Ngọc Phương đưa tay võ nhẹ nơi mình chàng, thốt:
– Cứ theo sự phân phó của chủ nhân thì ta phải đút cho ngươi ăn, nhưng ta nghĩ, làm vậy thì ngươi sẽ tủi thẹn, tạm thời ta nương tình một chút, cho ngươi được tự tiện.
Nửa thân trên thoải mái ngay sau khi nàng giải huyệt, Quan Sơn Nguyệt chỉ còn tê dại nửa thân dưới thôi. Tay cử động được song chân không nhúc nhích.
Chàng cau mày, hỏi:
– Tại hạ có trốn đi đâu? Tại sao chủ nhân dành thái độ đó đối với khách?
Chàng bắt đầu xưng tại hạ, lễ độ đã trở về với chàng, bởi chàng nghĩ rằng nói năng thô bạo với một nữ nhân, dù cho nữ nhân đó có là cừu nhân đi nữa thì cũng kém đẹp. Bất quá, trong thời gian qua, vì quá tức, uất mà chàng hằn học, lỗ mãng, bây giờ, cơn giận đã nguôi rồi, chàng thấy cần nhã nhặn với nữ nhân.
Phần chàng là thế, còn Ngọc Phương thì chàng không quan tâm lắm, mặc nàng muốn xưng hô làm sao, tùy sở thích của nàng.
Ngọc Phương mỉm cười, đáp:
– Đâu phải ta sợ ngươi trốn? Đó là ta không muốn để cho ngươi tiêu hao thể lực, giúp ngươi khi đến Vạn Ma Sơn Trang rồi, ngươi còn nguyên vẹn tinh thần để ứng phó với mọi thử thách.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng, không nói gì, cứ ăn, uống.