Tam Hạ Nam Đường

Chương 22 - Đua Phép Báu, Kim Đính Thắng Dư Triệu Phá Binh Đường, Thái Tổ Lấy Huy Châu

trước
tiếp

Lưu Kim Đính lấy roi kim tiên quăng lên, cũng hóa ra muôn ngàn mà cự với bửu kiếm. Giây phút roi kim tiên đánh bửu kiếm sa xuống. Dư Triệu kinh hãi thâu gươm, sợ kim tiên đánh mình, liền thiềm thừ độn thổ. Lưu Kim Đính thấy binh Đường chạy vỡ, không nỡ đuổi theo, liền thâu binh trở lại. Lưu Kim Đính thắng trận vào thành tâu hết các việc, Tống Thái Tổ khen:

– Cháu đương bệnh mà vì vua ra trận, đuổi yêu đạo bại tẩu, thiệt đáng phong Nhất phẩm phu nhơn. Lưu Kim Đính tạ ơn, Cao Hoài Đức liền tâu:

– Phép binh thơ chẳng nên hươu giặc, phải thừa thắng mà phá dinh Đường thì lấy thành Huy Châu như nháy mắt.

Tống Thái Tổ bị vây đã lâu nên cũng rủn chí, muốn mau ban sư về viếng thăm Thái hậu nên y lời Cao Hoài Đức truyền lệnh cho binh tướng đồng hay. Còn Dư Triệu bại tẩu về dinh thì trời đã gần tối. Vua Nam Đường hỏi Dư Triệu thắng bại thế nào? Dư Triệu nói:

– Việc ấy rất dài, để vắng người sẽ thuật chuyện lại cho bệ hạ rõ.

Vua Nam Đường hồ nghi, song không lẽ hạch quá, bèn truyền dọn tiệc đãi đằng. Chẳng ngờ bên Tống đợi trời tối lén kéo binh qua, xuất kỳ bất ý cướp dinh, bên Đường đang ăn tiệc nên trở tay không kịp, người chưa mặc giáp, buông đũa chạy rần rần đạp nhau mà chết, bị binh Tống giết rất nhiều. Vua Nam Đường đang uống rượu với Dư Hồng, Dư Triệu, xảy nghe quân báo rằng binh Tống cướp trại thì vua Nam Đường kinh hãi hết say, buông chén rượu rớt xuống đất, còn Dư Hồng và Dư Triệu độn thổ trốn êm.

Vua Nam Đường cứ kêu cứu giá, nhờ có Huỳnh Phủ Huy cõng vua chạy trước, Tiết Lữ cản hậu đỡ thương, Tần Phụng, La Anh đồng hộ giá. Khi binh Tống vào dinh kiếm không đặng Dư Hồng, Dư Triệu, bèn giết binh Đường và tướng canh rất nhiều. Tướng giữ ải Thanh Lưu là Giao Phụng, đêm ấy nghe quân báo tin nên vội vàng ra thành tiếp giá. Bên Tống thừa thắng đuổi theo, đoạt khí giới và ngựa xe nhiều lắm. Bởi ải Thanh Lưu canh tuần nghiêm ngặt, nên Cao Hoài Đức liệu bề phá thành không nổi phải kéo binh trở lại. Còn vua Nam Đường ngự trong ải, xảy thấy hai vị Quân sư độn thổ chạy tới, vua Nam Đường không đẹp ý, liền phán:

– Bởi trẫm không biết cơ yếu mạnh, nên mới gây cừu với đại Tống. Còn các tướng võ cũng khoe tài, khuyên trẫm cự địch. Nào hay trận bại tướng vong, mỗi ngày tốn hao không biết bao nhiêu, nay đã hết trông cậy! Bình thường ai cũng khoe trung nghĩa, đến trận rồi ai cũng đều bỏ trẫm mà lánh ngại. Nếu không có Huỳnh Phủ Huy, Tiết lữ, Tần Phụng, La Anh liều mình cứu giá, thì trẫm đã bị giặc giết rồi, còn đâu mà gặp mặt nhị vị? Như vậy thì bề nào nước Nam Đường cũng phải mất nay mai, nên trẫm tính đầu Tống trước cho xong. Vậy xin hai vị về núi tu hành cho thành chánh quả, họa may ngày sau nước trẫm có nhờ phước đức cùng chăng?

Dư Triệu, Dư Hồng thấy vua Nam Đường nói mắc, nghẹn họng hồi lâu rồi đồng tâu:

– Bệ hạ nói chơi, chúng tôi hổ thẹn hơn là mắng nhiếc. Tuy nay bại trận mặc lòng, song cũng chưa nổi mất nước. Bởi chúng tôi vâng lệnh thầy, cấm sát sanh, nên chẳng hề giết một tướng bên Tống. Nay chúng nó làm thói tiểu nhơn, rình bữa ăn mà cướp trại, xuất kỳ bất ý, giết hơn trăm tướng và mười vạn tinh binh. Ấy là nó bất nhơn, chớ trách mình thất đức! Nay biến lắm thì phải quyền, chắc là khó cử sự sát sánh. Xin bệ hạ đừng than thở mà quân sĩ ngã lòng, anh em chúng tôi quyết dẹp yên giặc Tống. Tiết Lữ, Huỳnh Phủ Huy đồng tâu:

– Ban sơ mười ba tướng Tống bị Quân sư bất đặng lại tha, nay hai vị bằng lòng sát sanh thì lo chi không thắng trận! Vả lại trong nước ta binh còn hơn ba mươi muôn, tướng trận cũng đông lắm, xin bệ ha. đừng thấy bại một trận mà ngã lòng, lẽ nào giao mạng cho giặc? Nếu đầu hàng chắc là Thái Tổ không cho, dầu có là một chức nhỏ cũng không được nữa, mà còn hại đến thân.

Vua Nam Đường nghe nói có lý đổi giận làm vui. Còn Dư Hồng, Dư Triệu thấy vua không có ý đầu hàng thì sẵn sàng báo cừu cho đã giận. Dư Triệu nói với Dư Hồng:

– Tôi liều phạm tội sát sánh chỉ dùng phép năm chục ngày là mấy vạn binh Tống không còn một đứa. Dư Hồng nói:

– Xin sư đệ trổ tài cho sớm mà về núi tu luyện. Ta đến đây là vâng lệnh thầy, đâu phải tự chuyên mà lo. Tống Thái Tổ cướp trại xong, lấy được thành Huy Châu, ghi công lao cho các tướng, rồi phán:

– Trẫm mừng lấy được Huy Châu, và Lưu Kim Đính đã khỏi bệnh chỉ lo một nỗi lương thảo không còn được bao nhiêu. Chẳng biết làm sao viện lương đủ để dùng. Vậy thì trẫm sai Phùng Mậu trước về thăm mẹ, sau vận thêm ba chục hộc lương, như vậy mới an toàn.

Ngại Ngân Bình cũng xin theo Phùng Mậu về ra mắt mẹ chồng và thuận đường ghé thăm cha luôn thể. Tống Thái Tổ y tấu, phán:

– Như vậy là phải lẽ. Hễ con người biết trọng thảo với cha mẹ, thì làm tôi mới trung quân. Song đi đường phải cho cẩn thận.

Hai vợ chồng vâng chỉ ra đi. Cách ít lâu, đến ngày lễ vạn thọ của Tống Thái Tổ. Cao Hoài Đức và các quan đồng dâng rượu chúc mừng. Đêm ấy, Dư Triệu quyết làm hại binh tướng Tống nên lúc canh hai lấy cỏ ẩn thân bỏ vào túi, lén qua thành Huy Châu. Vì có cỏ ẩn thân, nên Dư Triệu vào dinh Tống mà không ai thấy. Coi lại quân tướng trong phòng lớp thì say quá ngủ vùi, người còn thức cũng gật gù không biết gì nữa. Dư Triệu biết chúa tôi đều bị men say, không ai còn tỉnh táo, nên thừa cơ hội làm phép lấy bốn cây cờ đen trong túi áo niệm chú thâu thổ địa và truyền rằng:

– Ngươi đem bốn cây cờ này cắm trên bốn cửa thành, ngày đêm canh giữ, không cho ai nhổ đi.

Thổ địa vâng lệnh làm y lời dặn. Dư Triệu lại đọc thần chú thấy ma quỷ hiện hình tới, liền trao phép cho các hồn và dặn:

– Đây là ôn hoàng sa, các ngươi đem bỏ xuống giếng và những nơi có nước, đợi thành công chúng bay sẽ được đầu thai vào chỗ tử tế.

Âm hồn vâng lệnh, lãnh ôn hoàng sa đem bỏ xuống các giếng nước và ao hồ xung quanh thành. Xong việc, Dư Triệu đằng vân về thuật chuyện cho Dư Hồng nghe. Dư Hồng mừng rỡ nói:

– Sư đệ có phép thần thông, lo chi quân Tống nữa. Để ta vào tâu lại với vua.

Bấy giờ nước Nam Đường tuy ruộng nương tốt, thuế vụ nhiều, song từ khi chiến tranh tới nay lương phần mỗi ngày cũng hao hụt lại them hai tên yêu đạo cầm binh tốn hao không kể xiết. Đang lo tính xảy thấy Dư Hồng, Dư Triệu vào tâu:

– Chúng tôi đã rải ôn hoàng sa xuống giếng và các ao hồ, hễ binh Tống uống nhằm nước độc ấy thì chỉ trong bốn mươi chín ngày lớn bụng mà chết. Vua Nam Đường lo việc thiếu lương, nên chỉ nghe qua mà không để ý đến. Dư Triệu nói:

– Tôi đã qua tới dinh Tống để dò xét thấy phép mầu rất linh nghiệm.

Lâu nay vua Nam Đường nghe Dư Hồng khoe khoang đã nhiều mà lần nào cũng chẳng thành công, nên nay nói chi cũng không tin. Bởi vậy vua Đường phán:

– Nếu đợi bốn mươi chín ngày thì binh tướng trẫm đã chết đói, còn ai mà thấy binh Tống sống thác ra sao? Dư Triệu thấy vua nghi ngờ, liền tâu:

– Nếu bệ hạ nôn nóng thì nội hai mươi ngày trở lại. Tôi sẽ dâng thủ cấp vua tôi nước Tống để bệ hạ xem.

Vua Nam Đường chỉ tin độ hai phần, ngồi gục đầu không nói. Trong lúc ấy bên dinh Tống uống nhằm nước độc, nên mấy mươi vạn binh Tống bụng quặn đau, sau đó ai nấy đều lớn bụng như có nghén, trừ ra Đào Tam Xuân, Dư phu nhân, Lưu Kim Đính, Úc Sanh Hương, Tiêu Dẫn Phụng vì có phép tiên nên không cùng một bệnh như nhau, song cũng ngây ngật khó chịu. Thấy binh tướng cùng một bệnh như nhau, năm người biết là trúng độc, nhưng không rõ Dư Triệu làm ra, mỗi ngày bệnh một thêm nặng, tất cả đều khoanh tay chờ chết.

Phùng Mậu mắc vận lương độn thổ đi hơn nửa tháng mới về. Thấy binh tướng trong thành Huy Châu đau bịnh mười hai ngày rồi vì Phùng Mậu đi vắng nên không dự lễ chúc thọ. Khi lương thực giải đến thì trời đã hoàng hôn, kêu mãi cửa thành vẫn không chịu mở, Phùng Mậu lấy làm lạ, dặn vợ coi sóc lương thực còn mình cởi quạ bay vào thành. Vào đến nơi, thấy Tống Thái Tổ và bá quan văn võ đều nằm ngủ như say, hỏi mãi không nói, người nào bụng cũng phình lên to tướng. Phùng Mậu kinh hãi ra mở cửa thành chuyển lương vào trong rồi thuật chuyện cho vợ nghe, không biết cách nào cứu giải Ngại Ngân Bình nói:

– Binh tướng đồng một bịnh như nhau, tôi chắc là bị trúng độc. Để tôi vào thành thăm mấy chị em coi thử?

Nói rồi Ngân Bình vào thành ra mắt và hỏi thăm năm vị phu nhơn. Lưu Kim Đính nói:

– Kể từ ngày chúc thọ sau đó binh tướng đều bị yếu đuối và lớn bụng, chắc là yêu đạo dùng thuốc độc để hại ba quân. Ba chị em ta mấy ngày nay vẫn nhắc hoài trông đợi vợ chồng nàng, xin nàng ra sức lo việc cứu chữa. Chẳng nên dùng nước ao, nước giếng trên bốn cửa thành.

Ngại Ngân Bình đem câu chuyện thuật với Phùng Mậu. Phùng Mậu bực tức ra cửa thành thấy trên chót cửa thành có cấm bốn cây cờ đen, có thổ địa canh giữ. Phùng Mậu hét lớn:

– Thổ tiên! Dám cắm cờ yêu mà hại chơn chúa, sao không sợ tội chết. Thổ địa nói:

– Tôi thật vô can? Tại Dư tiên sư có lệnh sai nên tôi phải giữ cho theo phép. Phùng Mậu nói:

– Hãy nhổ cờ cho mau!

Thổ địa vâng lời nhổ cờ rồi đi mất. Xảy thấy cả lũ âm hồn đang coi giếng nước, kéo đến. Phùng Mậu hỏi:

– Chúng bay ở đó làm chi? Âm hồn nói:

– Chúng tôi vâng lệnh Dư tiên sư bỏ phép xuống giếng nước và ao hồ để hại binh Tống. Đợi thành công tiên sư sẽ lo cho chúng tôi được đầu thai làm con kẻ giàu sang. Phùng Mậu nạt:

– Âm hồn chớ nghe lời yêu đạo. Hễ hại mạng người ta thì phải đọa xuống âm ty, làm sao đầu thai được. Đừng nghe lời phỉnh phờ, hãy di tản cho mau.

Âm hồn nghe nói đều khóc lóc rồi đi mất hết. Phùng Mậu vào thuật chuyện cho vợ nghe, Ngại Ngân Bình nói:

– Thiếp có nghe Thánh mẫu dạy rằng: ôn hoàng sa là một thứ cát độc nếu bỏ vào giếng nước, ao hồ ai uống cũng bị lớn bụng mà chết. Trừ ra Huỳnh tôn sư mới biết phép cứu chữa mà thôi. Vậy chàng phải lên nhờ thầy xin thuốc cứu chữa. Phùng Mậu y lời, lên lưng quạ, xảy nghe gươm báu sau lưng kêu veo véo. Phùng Mậu liền nói:

– Ta phải ở nán lại đây, đêm nay có giặc hãm thành. Ngại Ngân Bình hỏi:

– Vì cớ gì mà chàng biết được? Phùng Mậu nói:

– Thầy ta có cho cây gươm Long A và dạy rằng: Gươm ấy rèn đã một trăm năm, phơi hốc nắng mưa nên đặt tên là Long A, biết việc xảy đến. Nếu nó reo thì có chém giặc, hoặc có kẻ cướp dinh. Bởi vậy đoán chắc yêu đạo đêm nay sẽ kéo binh đến thừa cơ hãm thành. Ngại Ngân Bình nghe nói than thầm:

– Như vậy chàng chẳng nên đi, phải ở lại thủ thành với thiếp.

Phùng Mậu y lời, chia nhau mai phục cửa thành phía Nam, và phía Đông, nhờ có một số binh mới giải lương về chưa bịnh hoạn, nên dùng sai khiến. Dư Triệu biết lúc này trong thành binh tướng đều to bụng nằm ngay, dầu dậy cũng không được, liền sai Trình Phi Hổ, Lâm Văn Báo dẫn ba ngàn binh xông vào thành. Trình Phi Hổ và Lâm Văn Báo lắc đầu nói:

– Bấy lâu nay chúng ta đánh ban ngày còn không lại Tống, bởi trong thành binh hùng tướng mạnh rất đông. Hôm nay Quân sư sai hai chúng tôi đi làm công việc nguy hiểm, thật chúng tôi không dám tuân hành. Dư Triệu cười nói:

– Hai vị tướng quân không biết rõ sự tình. Hiện nay trong thành đã bị thuốc độc không còn một người, nên ta mới sai hai ngươi vào thành chặt đầu chúng nó. Vả lại hôm trước ta có đi thám thính, thấy chúng nó nằm liệt cả lũ, chỉ còn đợi ta đến chặt đầu mà thôi. Trình Phi Hổ và Lâm Văn Báo vẫn lắc đầu nói:

– Hai tôi dẫu chết cũng chẳng tiếc chi chỉ sợ bên Tống cười Quân sư người nông cạn, không thấy được tài năng của kẻ khác: Dư Triệu thấy hai tướng không đi ý cũng không muốn ép, liền nói:

– Hai vị tướng quân nếu không tin ta thì ta xin đánh cuộc cho mà coi. Trình Phi Hổ và Lâm Văn Báo nói:

– Quân sư muốn đánh cuộc thế nào? Dư Triệu nói:

– Nếu hai người vào thành có một kẻ nào cản trở thì ta thua cuộc và bồi thường mấy trăm lạng bạc Vua Nam Đường nghe nói liền phán:

– Việc này chưa biết ai thắng, bề nào cũng kẻ được người thua, chi bằng cứ thử xem một trận.

Hai tướng nghe lời vua nói, viết tờ cam đoan đánh cuộc xong, đợi cho đến canh hai, Trình Phi Hổ và Lâm Văn Báo mỗi người dẫn ba ngàn binh, lặng lẽ ra đi. Lúc đến cửa thành trống trở canh ba, Trình Phi Hổ bàn với Lâm Văn Báo rằng:

– Quân sư dặn chúng ta lên thành một lượt. Nhưng nếu trúng kế thì biết ai tiếp cần chi bằng để ta nhảy lên trước xem thử thế nào. Nếu Quân sư nói không sai, ta sẽ mở cửa thành cho quân ào vào.

Chẳng ngờ hai tướng đang bàn luận, Phùng Mậu ở trên thành nghe rất rõ, vì đêm vắng và thuận gió. Bấy giờ Trình Phi Hổ, xách búa nhảy lên trước, nhưng vừa đứng trên mặt thành thì bị Phùng Mậu đánh cho một thước, nhào xuống bể đầu. Còn lâm Văn Báo ngỡ là Trình Phi Hổ nhảy trượt chân bị té, nên chuẩn bị nhảy theo. Chẳng ngờ trên thành bắn xuống như mưa, quân sĩ chết phen nửa, làm cho Lâm Văn Báo kinh sợ thu quân, trở về.

Lúc này Dư Triệu đang ngồi xem sách, đinh ninh hai tướng sẽ đem các thủ cấp của vua tướng binh Đường về nạp, xảy thấy Lâm Văn Báo hớt hải chạy về. Vừa thấy mặt Dư Triệu, Lâm Văn Báo nổi giận hét to:

– Báo hại Trình lão tướng đã bị chết về tay Phùng Mậu rồi.

Dư Triệu nghe nói ngỡ là Lâm Văn Báo sợ chết bẩm lời nói gạt nên hỏi quân sĩ. Quân sĩ thuật lại làm cho Dư Triệu thất kinh nhào xuống đất chết giấc. Dư Hồng vừa tỉnh giấc, vội vào triều tâu rõ mọi việc. Vua Đường bỏ qua không nói, truyền chỉ truy tặng công lao Trình Phi Hổ và nuôi dưỡng vợ con.

Còn Dư Triệu thì hồ nghi, không biết tại sao rải ôn hoàng sa mà còn có kẻ không bệnh hoạn, lại còn thừa dịp gạt mình, làm cho hư danh xấu tiếng, hổ thẹn với văn võ bá quan. Từ nay về sau chưa dám nói sự việc chưa đến. Phùng Mậu thắng trận, vào nói với vợ:

– Nam Đường bị một trận kinh hãi, chắc là không dám tới nữa. Vậy phu nhân thủ thành, để ta đi xin thuốc giải độc. Nói rồi cỡi quạ bay đến động Huỳnh Hoa, vào lạy ra mắt thầy và thưa:

– Đệ tử đi vận lương về, thấy chúa tôi và binh tướng điều lớn bụng nằm dài, không ai ngồi dậy nổi. Xin thầy ra ơn giải cứu giùm mấy mươi vạn binh lính. Huỳnh Thạch Công nói:

– Ấy là Dư Triệu bỏ ôn hoàng sa xuống giếng nước, binh tướng uống phải nước độc mới sanh chứng ấy. Bệnh này có thể giải cứu được, nhưng làm sao có đủ thuốc mà uống cho mấy muôn người. Ngươi hãy qua Nam Hải, mượn cành dương liễu của Phật Quan Âm, đem về rửa nhành dương liễu ấy vào máng nước, rồi rẩy cho mọi người tức thì hết nhiễm độc.

Phùng Mậu tạ ơn thầy, bay qua Nam Hải, mượn cành dương liễu của Phật bà Quan Âm. Phùng Mậu lãnh nhành dương liễu lên lưng quạ bay đi. Khi về đến thành, Phụng Mậu làm y theo lời thầy dạy. Chỉ chốc lát mọi người đều ngồi đậy, và lành mạnh như xưa, chỉ trừ Thạch Thủ Tín, Sử Khuê, vì tuổi quá cao nên còn mệt mỏi, nên không dậy được. Sau đó từ trần. Tống Thái Tổ thấy hai người vì công trận mà bỏ mình nên thương tiếc truyền chỉ tẩm liệm chờ ban sư sẽ đem linh cữu về kinh chôn. Các tướng đã lành bệnh, lại tỏ ý trách Phùng Mậu rằng:

– Ngày trước bắt được Dư Hồng, bởi Phùng Mậu xin tha, nên ngày nay mới bị nó đầu độc.

Phùng Mậu nghe các tướng nói, tâu với vua Thái Tổ, rằng:

– Tôi chẳng phải thương gì Dư Hồng, song sợ thầy nó là Xích Mi lão tổ nghe giết đệ tử, nóng lòng xuống báo cừu, thì rất khó cho thiên tử. Tống Thái Tổ nói:

– Trẫm đã rộng dung tha thứ cho Dư Hồng một lần, mà nó không biết ăn năn, nếu các tướng bắt được hai yêu đạo ấy thì phải giết lập tức.

Sáng hôm sau, Lưu Kim Đính dẫn binh đến ải Thanh Lưu khiêu chiến. Dư Hồng Dư Triệu đồng nói:

– Nay nữ tướng khiêu chiến, chúng ta làm sao ngồi yên được, chúng tôi tu luyện đến ngàn năm, lẽ nào thua một đứa con gái.

Nói rồi dẫn một muôn binh ra trận, đồng thời bàn với nhau: Nếu phen này bị thua nữa thì về núi thỉnh thầy đến đây, thế nào nó cũng bị chết. Lưu Kim Đính thấy Dư Hồng, Dư Triệu dẫn binh ra, liên chỉ mặt hét lớn:

– Các ngươi là tướng bại trận, không biết hổ thẹn lại còn bỏ ôn hoàng sa xuống giếng nước, mưu hại quân binh nhà Tống. Hôm trước thầy các ngươi là Xích Mi lão tổ giận các ngươi không vâng lời, làm chuyện sát sinh, nên ông đã đến hòa giải với vua Tống, và nói ít bữa sẽ sai người bắt các ngươi về trị tội, chẳng cho các ngươi đầu thai. Ta nhắm không bao lâu nữa, các ngươi không còn được ra trận. Nay thầy ngươi đã hòa giải, nên ta không đánh với các ngươi làm chi, đợi ít ngày thầy các ngươi xuống bắt các ngươi về núi mà thôi.

Ấy là lời Lưu Kim Đính nói hù dọa Dư Hồng, để sau này lập kế bắt nó cho dễ. Dư Hồng nghe Kim Đính nói, nghĩ cũng hiệp lời Dư Triệu trước kia nên nghĩ thầm:

– Hôm trước Dư Triệu rải ôn hoàng sa, chuyện này không ai biết, sao Lưu Kim Đính lại rõ ngọn ngành, chắc là thầy mình đã xuống giải hòa và cứu chúng nó khỏi trúng độc.

Nghĩ như vậy lòng càng ngơ ngẩn như say như tỉnh. Thấy Lưu Kim Đính dẫn quân vào thành thì Dư Hồng cũng thâu quân vào ải tâu với vua Nam Đường:

– Kim Đính ra trận thấy tôi liền kéo binh về, tôi nhắm bên Tống gần hết lương, ít hôm nữa cũng tính ban sư, xin bệ hạ đừng lo làm chi Lưu Kim Đính không khó.

Vua Nam Đường nghe nói, không tin, vì Dư Hồng đã nhiều phen nói không thiệt. Dư Hồng từ giã vua Nam Đường vào sau ải về thuật chuyện lại với Dư Triệu. Dư Triệu giật mình, than thầm:

– Ta rõ biết tánh Dư Hồng, tánh Dư Hồng háo thắng, nên có ý khuyên can, kẻo uổng công tu luyện. Không ngờ mình cũng lại nóng giận xuống giúp Dư Hồng. Nay tới lui đều khó khăn. Chắc nay mai thầy ta cũng xuống không sai. Nếu ta bắt Dư Hồng vê trị tội, thì ta cũng mắc tội liên can, vì không có lệnh sai đi mà dám xuống trợ lực cho kẻ sai phạm.

Lời bàn: Mọi kế sách đối phó với địch thủ, đều tốt nhất là không cho địch thủ biết ý định của mình. Lưu Kim Đính muốn gạt Dư Hồng thì phải làm cho Dư Hồng không rõ ý định của mình. Đó là sự đối phó bằng trí năng. Muốn cho đối thủ tin lời nói của mình, chẳng phải chỉ bằng lời nói, mà phải nghiên cứu kỹ tình hình và tâm trạng của đối phương. Lưu Kim Đính gạt Dư Hồng là Xích Mi lão tổ sẽ xuống núi bắt Dư Hồng về trị tội, mà Dư Hồng nghĩ thật, chỉ vì tâm trạng Dư Hồng lúc này đang lo lắng về việc đã làm trái ý thầy, sát sanh hại mạng nhiều người. Tâm trạng ấy giúp cho mưu Lưu Kim Đính thành công, mà cũng có nghĩa là Dư Hồng đã thua trí Lưu Kim Đính.-oOo-

– Hết hồi 22:0 (156):


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.