Âu Dương Chính Lan

Chương 12 - Long Tuyền Nhất Xuất Tà Ma Khiếp - Đế Địa Âu Dương Diệt Hoạn Quan

trước
tiếp

Chợt từ trong nhà có một gã gia đinh trẻ tuổi đi ra, cao giọng hỏi :

– Nhị vị tìm ai vậy?

Chính Lan hòa nhã đáp :

– Dám hỏi Trương đại học sĩ có nhà không? Tại hạ có việc muốn cầu kiến.

Gã gia đinh cau mày hỏi lại :

– Danh tính nhị vị là gì, ở đâu đến?

Chính Lan biết ngay Trương Nguyên Khải có nhà, chàng vui vẻ bảo :

– Các hạ cứ vào bẩm rằng có người của Bố Chánh Sứ Ty Tích Giang đến bái kiến.

Gã gia đinh quay vào, lát sau trở ra, kính cẩn mời khách nhập trang.

Trương đại học sĩ đang ngồi cạnh bàn bát tiên. Thấy khách vào đến, đứng lên đón chào, mời họ an toạ.

Chính Lan thấy lão dung mạo đoan chính, râu ba chòm đen nhánh, đoán là người mình cần tìm. Chàng cung kính nói :

– Tại hạ được Hữu Bộ Chánh Sứ Tích Giang uỷ nhiệm mang Thiên Niên Hà Thủ Ô đến trao cho đại nhân, để dâng lên Hoàng thượng!

Chàng trao cho lão bản tấu chương và hộp vàng đựng kỳ trân. Trương đại học sĩ mở ra kiểm tra cẩn thận, gật gù hài lòng. Lão đem cho tên gia đinh đem vào trong cất rồi vui vẻ hỏi :

– Vì sao Lâm Bố Chánh phải nhờ các hạ, mà không giao cho khâm sứ?

Chính Lan mỉm cười :

– Có lẽ ông ta sợ rằng khâm sứ hớ hênh, không bảo toàn nối báu vật!

Trương Nguyên Khải lắc đầu cười nhạt :

– Họ Lâm đã trúng kế của Thiên tuế rồi! Viên Thái giám kia là em ruột họ Ngụy, được Thánh thượng giao trọng trách mang kỳ trân về. Điều này khiến Ngụy công công khó xử vì ông ta hoàn toàn không muốn nhánh Thiên Niên Hà Thủ Ô về đến Bắc Kinh, và cũng không thể để bào đệ mất đầu! Do vậy Ngụy công công đã bày mưu, bảo em mình khua chiêng gõ mõ, khiến Lâm Bố Chánh sợ hãi, nhờ cao thủ âm thầm áp tải bảo vật…

Không chờ lão nói hết câu Chính Lan vung chưởng giáng vào ngực lão ta.

Dường như lão đã đề phòng nên tung mình rời khỏi chỗ nhanh như chớp giật và bật cười khanh khách :

– Giỏi cho Hồng Nhất Điểm xem ra ngươi cũng thông tuệ đấy!

Thì ra Chính Lan có thính giác siêu tuyệt nên đã phát hiện ra tiếng chân nhiều người ở bên ngoài. Cộng với cách họ Trương gọi Ngụy Trung Hiền là Cửu Thiên tuế công công khiến chàng sinh lòng hoài nghi. Thứ hai, Trương đại học sĩ chẳng thể nào biết được âm mưu của Ngụy Trung Hiền và Khâm Sứ. Thứ ba, đối phương nói rất lâu mới đổi hơi, biểu hiện công lực thâm hậu chứ chẳng văn nhược như một Đại học sĩ.

Chính Lan đánh hụt một chưởng giận dữ gầm lên, rút kiếm lao đến tấn công tên giả mạo kia. Thi Mạn cũng vội múa tít Kim Xà đối phó với bọn thị vệ chúng đã ập vào đến tận trong nhà. Chính Lan nóng ruột vì kỳ trân bị đoạt mất, dồn hết công lực vào chiêu “Đại Giang Đông Khứ”, kiếm kình lớp lớp cuồn cuộn như sóng Trường Giang cuốn đến.

Lúc này, trên tay đối phương đã xuất hiện hai chiếc vòng thép đen tuyền, cạnh có răng cưa, đường kính độ hơn gang, lão múa tít Song hoàn, tạo lên màn hắc quang vô cùng kín đáo. Nhưng lão không biết rằng thanh kiếm trong tay Chính Lan lại là thần vật. Long Tuyền kiếm phá tan hắc quang và lướt vào cơ thể của lão. Kẻ xảo quyệt kia rú lên đau đớn, toàn thân đẫm máu, đầu rời khỏi cổ.

Chính Lan quay lại hợp sức cùng Thi Mạn. Chỉ vài chiêu đã giết tám tên, đẩy bật bọn thị vệ ra ngoài. Chàng buồn bã nói :

– Kỳ trân đã mất, ta biết ăn nói làm sao với Thánh thượng đây?

Thi Mạn cười mát :

– Y đạo của tướng công và thiếp thừa sức cứu Thiên tử, trước mắt phải thoát cho được khỏi chốn này.

Dứt lời, nàng rải liền hai trái Đảo Thiên thần đạn rồi kéo Chính Lan thoát ra. Tiếng nổ kinh thiên động địa kia đã khiến bọn thị vệ hồn phi phách tán. Chỉ vài tên bỏ mạng nhưng cả đám dạt ra ngay. Phu thê Chính Lan múa tít vũ khí, nương theo khói bụi phi nhanh ra ngoài. Khi bọn thị vệ hoàn hồn thì hai người đã biến mất.

Tên thủ lĩnh thị vệ giận dữ quát vang :

– Đuổi theo!

Bọn thị vệ ùn ùn chạy đi lấy ngựa, chia nhau tỏa ra, cố tìm cho được Hồng Nhất Điểm. Nhưng màn đêm đã buông, che chở cho phu thê Chính Lan về đến quán trọ an toàn.

Cả bọn xúm lại hỏi han. Chính Lan buồn bã kể lại việc Ngụy Trung Hiền biết rõ mối quan hệ giữa Lâm Bố Chánh và Trương đại học sĩ, cho người giả dạng họ Trương đoạt lấy kỳ trân và vây bắt chàng. Vô Nhân kiếm khách cau mày :

– Nếu tại hạ không lầm thì lão già sử dụng Song hoàn kia là một trong bốn đại ma đầu ở Ngũ Đài sơn. Võ công của anh em Phi Hoàn tứ lão rất lợi hại, mỗi người trong bọn đều có thể sánh với Tây Môn lão gia. Nhưng việc lão ta bị công tử giết bằng chỉ một chiêu khiến tại hạ phân vân.

Thi Mạn và Tố Bình lén nhìn nhau, mỉm cười đắc ý. Chính Lan bác ngay :

– Nếu vậy thì chắc là không phải Phi Hoàn tứ lão. Bản lãnh tại hạ chỉ cao hơn nhạc phụ một bậc.

Thực ra, với bản lãnh hiện tại, chàng cũng khó mà đả bại lão già kia một cách mau chóng được. Chẳng qua đối phương không ngờ chàng có đến hơn hoa giáp công lực và thanh thần kiếm Long Tuyền.

Nhị Ngốc ấp úng hỏi :

– Đại ca! Nay Thiên Niên Hà Thủ Ô đã mất, chúng ta còn ở lại đây làm gì nữa?

Chính Lan cười nhạt :

– Phen này ta đến kinh sư cốt là để giết lão cẩu Thái giám Ngụy Trung Hiền, dẫu chết cũng chẳng từ nan. Ba ngươi cứ trở về Trường An trước đi.

Ba gã Ngốc sợ hãi im lặng, chẳng dám mở miệng nữa. Thiết Xuyên gật gù :

– Quả là một ý tưởng tuyệt diệu. Nhưng trước hết phải vào hoàng cung xem bệnh tình Sùng Trinh thế nào cái đã.

Tây Môn Tố Bình trổ tài Gia Cát :

– Sáng mai, chúng ta cố gắng điều tra cho ra tư dinh của quan Thái y, bắt cóc lão và tướng công hóa trang thành lão mà vào cung. Mạn muội sẽ theo chàng để chuẩn bệnh cho Hoàng thượng.

Chính Lan lắc đầu :

– Ý của ta lại khác. Thiên tử lâm bệnh tất thái y phải túc trực trong cung, không được về nhà, làm sao bắt được lão? Đêm nay ta và Thi Mạn sẽ đột nhập Tử Cấm thành.

Thiết Xuyên mỉm cười :

– Hoàng cung rắc rối như mê trận, biết Thánh thượng nằm ở đâu mà tìm?

Chính Lan dịu giọng :

– Tiêu nhạc phụ từng làm Viên ngoại Lang bộ lễ vài năm, người đã chỉ dẫn rõ ràng từng đường đi nước bước. Long nhan bị bệnh tất phải nằm ở cung Càn Thanh, phía sau Tử Cấm thành.

Tố Bình lo lắng :

– Nếu vậy bọn thiếp cũng đi theo, lỡ tướng công gặp rắc rối còn có người tương trợ. Thị vệ trong cung đông như kiến cỏ, thiếp chẳng an tâm chút nào.

Chính Lan đồng ý :

– Thế cũng được! Chư vị cứ nép bên ngoài thành, khi nào nghe tiếng hú thì vào giải vây.

Đầu canh hai đêm ấy, bốn người nai nịt gọn gàng, toàn thân hắc y, đi bọc vòng ngoài để đến mạn tây thành. Hán Trung tam ngốc quá nặng nề, không vượt nổi bức tường thành cao ba trượng nên phải ở nhà.

Chưa vào đông mà tiết trời lạnh lẽo, vầng trăng rằm mờ nhạt, ẩn hiện sau lớp mây mù. Nửa canh giờ sau, bọn Chính Lan đã có mặt dưới chân Nguyệt đàn, rồi từ đó tiến vào thành.

Bắc Kinh có năm đàn để Thiên tử tế lễ, đó là Nhật, Nguyệt, Thiên, Địa, Thần Nông. Nhật đàn ở hướng Đông. Nguyệt đàn ở hướng Tây, Địa đàn ở hướng Bắc, còn Thiên đàn và Thần Nông đàn tọa lạc song song với nhau ở hướng Nam trong phạm vi ngoại thành và hai bên đường trục chính Bắc Nam.

Bốn người lần lượt vượt tường thành, tường hoàng thành, đến được phía sau Tử Cấm thành bên kia tường chính là Ngự Hoa viên.

Vườn Thượng Uyển này nằm ngang sau lưng tẩm cung, có diện tích độ hơn ngàn trượng vuông. Ở đây, rất nhiều đình, đài, lâu, các, kỳ hoa, dị thảo.

Ngoài những loại cây của miền Bắc Trung Hoa, còn tuỳ theo từng thời tiết từng mùa, trồng xen những bồn hoa, cây cảnh phương Nam, quan lại các địa phương đã gửi về những tảng đá quí, hình thù kỳ tú nên giả sơn của Ngự Hoa viên đặc sắc hơn bất cứ vườn cảnh nào.

Nhưng muốn vào được bên trong, trước hết phải vượt qua một hòa nước rộng đến mười sáu trượng, và bức tường sơn màu đỏ tía cao ba trượng. Hào nước này dài sáu dặm, bao bọc cả chu vi Tử Cấm thành.

Chính Lan ngần ngại hỏi Thi Mạn :

– Nương tử liệu có đủ hơi lặn một mạch sang bờ bên kia không?

Miêu nữ mỉm cười :

– Tướng công yên tâm! Thiếp ở cạnh bờ sông Tây Giang nên rất thông thạo thủy tính.

Chính Lan quay sang dặn dò Thiết Xuyên và Tố Bình. Nhưng Tiểu Linh Thố đã phụng phịu nói :

– Đã vào đến đây, lẽ nào tướng công không cho thiếp và Hách huynh theo với. Ở ngoài này chỉ thêm nóng ruột mà thôi.

Chính Lan mỉm cười chịu thua :

– Thôi được! Chúng ta cùng đi vậy.

Bốn người tụt xuống mép nước, lặn một hơi đến bụi lau lẻ loi ở bờ bên kia. Chỗ này còn cách chân tường thành đến bốn trượng. Trên mặt thành, bọn cấm quân qua lại tuần tra rất nghiêm chỉnh.

Bọn Chính Lan nhẫn nại ngâm mình dưới dòng nước lạnh buốt, chờ đợi cơ hội. Và khi vầng trăng bị đám mây đen che phủ, họ lao nhanh về phía chân tường.

Chính Lan vận khẩu quyết chữ Hấp, thi triển Bích Hổ công trườn lên.

Thân hình chàng dán sát vào mặt tường dựng đứng, thoăn thoắt bò đi như thằn lằn. Đến đầu tường, chàng bám chặt lấy mép, và ba người ở dưới lần lượt đu theo sợi dây chão cột ở thắt lưng Chính Lan mà lên. Họ không đủ công lực để thi thố Bích Hổ công.

Lát sau, cả bốn người đều đã bám được cánh bức tường, hồi hộp chờ đợi đám cấm quân cầm đuốc đi qua. May thay, chúng chỉ dương mắt nhìn xuống mặt hào nước nên không phát hiện ra có bốn thân hình đang treo lơ lửng dưới chân.

Chờ ánh đuốc xa hẳn, bọn Chính Lan nhanh chóng vượt tường nhảy xuống bên trong. Chính Lan đi trước một bước êm ái hạ thân và đỡ lấy ba người kia. Trăng lại mờ đi, giúp họ an toàn vượt qua vườn hoa, tiến gần đến mặt sau Càn Thanh cung.

Chính Lan mừng rỡ nhận thấy một phòng ở mé hữu còn sáng đèn, và vọng ra tiếng ho khúc khắc. Không phải là hướng gió nên cánh cửa sổ tròn phía Bắc vẫn mở để phòng bệnh nhân được thông thoáng. Bốn người áp sát, ẩn mình sau bụi hoa mà nhìn vào.

Trên long sàng là một chàng trai tuổi độ mười tám, gương mặt anh tuấn nhưng xanh xao, nhợt nhạt. Ngồi ở mép giường là một mỹ nhân trẻ trung, đang bóp chân cho người bệnh. Đứng hầu là viên Thái giám già và quan Thái Y. Còn cuối phòng là bảy vị đại thần đang ngồi dật dựa trên ghế, mắt nhắm, mắt mở.

Chính Lan truyền âm bảo Thi Mạn :

– Làm sao đuổi được hết đám người kia đi?

Thi Mạn mỉm cười, hé miệng thổi đàn cổ trùng vào phòng và lâm râm niệm chú. Lát sau, trừ Sùng Trinh Hoàng đế, mười người kia đều nhất loạt hắt hơi loạn cả lên. Không phải một cái mà là hàng chục cái liên tiếp.

Sùng Trinh mở mắt bực bội phán :

– Các khanh hãy lui cả ra, đừng ở đây quấy nhiễu trẫm nữa. Ta không muốn nghe bất cứ tiếng động nào.

Thế là cả bọn vội rời phòng, hoàng hậu cũng vậy. Họ đi rất xa vì cơn hắt hơi xổ mũi vẫn tiếp tục hoành hành. Trong phòng chỉ còn lại một mình Thiên tử. Chính Lan và Thi Mạn lập tức lao qua khung cửa sổ vào trong.

Sùng Trinh kinh hãi nhưng vì nghĩ mình sắp chết vì bệnh hoạn, nên không sợ hãi nữa. Ông giương mắt nhìn hai người áo đen chờ đợi. Thi Mạn chạy ra gài chặt cửa chính, đứng trấn giữ, còn Chính Lan phục xuống nói :

– Khải tấu Thánh thượng! Thảo dân là người của quan Bố Chánh Sứ Ty Tích Giang Lâm Hưng, được lệnh mang Thiên Niên Hà Thủ Ô về đây dâng Thiên tử.

Sùng Trinh mừng rỡ, gượng ngồi lên rồi hỏi :

– Lâm Bố Chánh là bằng hữu thâm giao của Đại học sĩ Trương Nguyên Khải, sao tráng sĩ không giao kỳ trân cho Trương khanh đem vào cung?

Chính Lan buồn rầu đáp :

– Khải tấu Thánh thượng! Thảo dân theo lời Lâm Bố Chánh, đến tìm Trương đại học sĩ. Nhưng tiếc rằng họ Trương đã biến mất và trong nhà toàn là tay chân của Ngụy Trung Hiền. Lão đã cho người giả làm Trương học sĩ, đoạt lấy bảo vật rồi.

Sùng Trinh đau đớn nói :

– Lão cẩu tặc kia quả là ác độc, phen này mạng trẫm khó vẹn toàn.

Chính Lan nghiêm giọng :

– Muôn tâu! Thảo dân và chuyết thê đều tinh thông y đạo, dẫu không có Thiên Niên Hà Thủ Ô cũng sẽ tận lực chữa trị cho long nhan.

Sùng Trinh như người rơi xuống nước với được phao, phấn khởi đáp :

– Hay lắm! Các khanh vào được chốn này chắc đều là bậc kỳ nhân, dị sĩ. Trẫm xin phó thác sinh mạng cho hai khanh.

Chính Lan đứng lên, gọi Thi Mạn đến bên long sàng. Hai người thăm mạch, hỏi han bệnh nhân đủ điều. Sùng Trinh nhìn rõ gương mặt kiều diễm của Liễu Thi Mạn, thoáng giật mình. Ông không ngờ chốn giang hồ lại có một mỹ nhân như vậy. Thi Mạn cau mày bảo :

– Tướng công! Thiếp cho rằng Thánh thượng có triệu chứng trúng độc.

Nàng đến bên chiếc kỷ nhỏ cạnh giường, bưng chén thuốc chỉ còn ít cặn lên ngửi và nếm thử. Thi Mạn nở nụ cười đắc ý :

– Tướng công! Trong chén thuốc này chứa một chất độc có tên là Bế Tâm Hoa Tinh. Đối phương đã cho Thánh thượng uống mỗi ngày một lượng rất nhỏ, gây triệu chứng suy tim. Đủ trăm ngày thì tâm mạch bế tắc.

Sùng Trinh giận dữ thều thào :

– Không ngờ Từ thái y cũng là tay chân của Ngụy Trung Hiền.

Ông run rẩy hỏi lại :

– Thế hai khanh có giải được chất độc này không?

Thi Mạn mỉm cười :

– Với linh đan của dân phụ và Thái Chân khí công của chuyết phu thì chất độc kia cũng chẳng đáng gì.

Nàng lấy ra bảy viên thuốc màu xanh, trao cho bệnh nhân. Chính Lan vội rót nước. Sùng Trinh nhăn mặt, cố nuốt những viên thuốc đắng như hoàng liên kia. Thi Mạn bảo Chính Lan :

– Tướng công mau dùng chân khí trục hết chất độc ra.

Nàng bước đến khung cửa sổ phía sau vẫy Thiết Xuyên và Tố Bình. Hai người kia mau mắn lao vào, cùng Thi Mạn trấn giữ cửa trước. Sùng Trinh nhận ra Tố Bình xinh đẹp không thua gì Thi Mạn, hiếu kỳ hỏi Chính Lan :

– Họ là ai vậy?

Chàng cười đáp :

– Nam là bằng hữu, nữ là tiện nội!

Sùng Trinh vui vẻ nói :

– Sao khanh không hề khai danh tánh và giới thiệu họ với trẫm cho dễ xưng hô?

Chính Lan đành nói tên cả bọn. Hai khắc sau, chất độc đã bị luồng chân khí hùng mạnh của Chính Lan trục hết ra ngoài cơ thể. Y phục Sùng Trinh ướt đẫm và vô cùng hôi hám. Nhưng ông nghe toàn thân thư thái, hơi thở điều hoà, sức khỏe sung mãn, liền hoan hỷ phán :

– Ơn cứu tử, trẫm chẳng dám quên. Khanh muốn được phong vương, trẫm cũng sẵn sàng chuẩn tấu.

Chính Lan nghiêm giọng :

– Bọn thảo dân vì giang sơn và bách tính nên mới liều thân vào đây. Chỉ mong Thánh thượng sớm bình phục, chấn chỉnh triều cương, bảo vệ được sơn hà và tạo phúc cho lê thứ. Thánh thượng làm được như vậy là đã đến đáp được chút công lao của bọn thảo dân rồi.

Sùng Trinh cảm kích phán :

– Trẫm vô cùng mến mộ lòng trung quân ái quốc của chư khanh, nhưng Ngụy Trung Hiền nắm binh quyền trong tay, lại có rất nhiều cao thủ võ lâm dưới trướng, trẫm muốn tiêu diệt lão cũng khó.

Chính Lan mỉm cười :

– Bọn thảo dân sẽ bắt Ngụy Trung Hiền về cho Thánh thượng xử tội. Xin long nhan chuẩn bị lực lượng để trấn áp vây cánh của lão ta, nếu không sẽ chẳng kịp trở tay.

Sùng Trinh vui mừng khôn xiết, mở ngăn tủ long sàng, lấy ra mảnh ngọc bài, trao cho Chính Lan :

– Âu Dương hiền khanh hãy giữ kỹ Thiên tử ngọc bài này để điều động cấm quân của Ngũ Thành Binh Mã Ty, họ là lực lượng trung thành với quả nhân.

Chính Lan miễn cưỡng nhận lấy và cáo từ. Bỗng Thi Mạn cười khúc khích :

– Tướng công! Thiếp nghĩ đến đoạn đường trở ra mà ngán ngẩm. Bơi qua hào nước lẫn nữa chắc bọn thiếp chết cóng mất.

Sùng Trinh vội phán :

– Để trẫm bảo Trần công công đưa các khanh ra bằng cửa Thần Võ, hà tất phải khổ cực như vậy?

Chính Lan trầm giọng :

– Nếu Thánh thượng tin rằng bọn cấm quân giữ được bí mật thì chẳng sao.

Sùng Trinh cười mát :

– Họ đều là con cháu họ Chu, một lòng trung thành với trẫm.

Ông bước ra cửa, cao giọng gọi :

– Trần khanh!

Mười người lúc nãy chạy đến, thấy Thiên tử đã hoàn toàn khang kiện, họ sửng sốt không nói lên lời.

Sùng Trinh mỉm cười :

– Trẫm đã đỡ nhiều, các khanh đang cảm lạnh không nên vào phòng, chỉ mình Trần khanh là đủ rồi. Lát nữa trẫm sẽ gọi sau.

Chín người kia đã hết hắt hơi sổ mũi nhưng chẳng dám kháng chỉ, quay bước trở ra.

Lát sau, Trần công công xuất hiện ở cửa Thần Võ phía bắc Tử Cấm thành.

Lão ta cao giọng :

– Thánh thượng giáng chỉ. Truyền cho các ngươi phải nhắm mắt lại, khi nào ta cho phép mới được mở ra.

Trần công công chăm sóc Sùng Trinh từ thuở lọt lòng nên trở thành người thân tín nhất. Lời lão nói ra chính là kim ngôn của Thiên tử. Vì vậy hơn trăm tên cấm quân đều vội nhắm nghiền mắt lại, dù lòng vô cùng thắc mắc.

Nửa khắc sau, Trần công công mới nói :

– Thôi đủ rồi! Hãy mở mắt ra và quên chuyện này đi, nếu còn muốn sống.

* * * * *

Sáng hôm sau, bọn Chính Lan đi ngược trở lại hướng Nam, đem xe chở thuốc giấu trong rừng, rồi ra quan đạo chờ đợi. Đến trưa thì đoàn nhân mã của Phi Ưng tiêu cục đến nơi. Bảy người trở thành tiêu sư theo họ vào thành.

Cửa thành thường ngày chỉ có cấm quân, nhưng hôm nay lại thêm mấy chục tên Cẩm y thị vệ. Chúng giương đôi mắt cú vọ, quan sát từng lữ khách, thỉnh thoảng chặn lại tra xét. Nhưng chúng quá quen với Phi Ưng tiêu cục nên không hạch hỏi gì. Qua khỏi Thiên Đàn, bọn Chính Lan tách ra đi về mé tả.

Đây là khu vực sầm uất nhất Bắc Kinh, tập trung hầu hết những cơ sở kinh doanh đồ sộ. Đường đi lót đá bằng phẳng, rộng đến ba mươi bước chân, ngang dọc thẳng thớn như ô bàn cờ.

Dinh thự của Cửu Thiên tuế nằm ở đây chứ không phải trong cung, dù Ngụy Trung Hiền là Thái giám. Trong suốt sáu năm tại vị, Minh Quang Tôn đã giao hết chính sự cho họ Ngụy. Vì vậy uy quyền của lão ta chẳng thua gì Thiên tử. Ngụy Trung Hiền công khai sử dụng long xa và nghi trượng của Hoàng đế mà chẳng ai dám nói gì trừ các bậc trung thần trong Đảng Đông Lâm.

Họ Ngụy thích được nịnh hót. Một hôm có kẻ gọi lão là Ngụy Thiên tuế, lão rất hoan hỷ, trọng thưởng cho người ấy. Hoàng đế là Vạn Tuế, còn Trung Hiền là Cửu Thiên tuế, quả là hợp tình hợp cảnh. Từ đó, lão bắt mọi người phải xưng hô như thế.

Quang Tôn băng hà, Hy Tôn lên ngôi được một năm thì chết. Em Hy Tôn là Tư Tôn kế vị tức là Sùng Trinh. Biết tân vương muốn diệt trừ mình, Ngụy Trung Hiền không dám ở lại trong cung, ra ngoài cung mua cơ ngơi thật lộng lẫy và đồ sộ. Từ nơi này, lão điều khiển ba cơ quan mật vụ là ĐôngXưởng, Tây Xưởng và Nội Xưởng. Cao thủ của tam xưởng tuyển lựa từ hàng ngũ Cẩm y thị vệ và giới Hắc đạo võ lâm, bản lãnh rất cao cường.

Sùng Trinh yếu thế, nhất thời không làm gì được Ngụy Trung Hiền, nếu vọng động khó mà toàn mạng. Ngược lại họ Ngụy là Thái giám nên chẳng thể nào cướp ngôi vua. Trong lịch sử Trung Hoa, bọn hoạn quan nhiều lần lũng đoạn triều chính nhưng chưa có kẻ nào dám lên ngôi Hoàng đế. Thứ nhất là sẽ bị cả thiên hạ chống lại. Thứ hai, Thái giám không thể có con thì truyền ngôi cho ai?

Nhắc lại, bọn Chính Lan được Hách Thiết Xuyên hướng dẫn vào khu vực có phủ đệ của Ngụy Trung Hiền để quan sát tình hình. Họ Hách ở Sơn Tây gẫn với Bắc Kinh, thường lui tới nên khá thông thuộc đường lối. Nhưng Ngụy phủ nằm dựa góc phía Tây nam của nội thành, chiếm một vùng rộng đến vài chục mẫu, tường cao ba trượng, được canh gác nghiêm mật, thật khó mà vào được.

Vô Nhân kiếm khách thở dài nghĩ đến vấn đề khác :

– Phòng ốc, biệt viện hàng trăm gian thế kia, biết họ Ngụy ở đâu mà tìm?

Quả đúng vậy, có vào được cũng chỉ vô ích mà thôi. Bảy người vừa đi vừa quan sát chẳng dám dừng lại vị sợ bị nghi ngờ. Cả bọn tìm khách điếm hạng trung nghỉ ngơi, chờ đêm xuống.

Trong bữa cơm chiều Chính Lan nghiêm giọng :

– Ngụy phủ phòng vệ sum nghiêm, nhân thủ đông đảo, chúng ta có vào cũng chẳng ích gì. Đêm nay, chư vị ở ngoài, mình ta vào là đủ! Nếu ta thất bại mọi người hãy trở lại Nam Kinh dọn nhà đi nơi khác ẩn dật!

Thi Mạn biến sắc :

– Sao lúc trước tướng công đồng ý cho bọn thiếp cùng chung hoạn nạn?

Chính Lan mỉm cười :

– Trước đây, ta định chặn đường tấn công Ngụy Trung Hiền khi lão rời phủ đệ vào triều dự chầu sáng. Nhưng nay Sùng Trinh Hoàng đế cho biết họ Ngụy cáo ốm, đã lâu không vào cung nữa. Giết hổ tại hang chẳng dễ dàng gì. Một mình ta còn có cơ hội thoát thân hơn.

Tố Bình nháy Thi Mạn rồi thản nhiên nói :

– Tướng công dạy rất phải, bọn thiếp xin tuân mệnh.

Thiết Xuyên trầm giọng :

– Giết Ngụy Trung Hiền thì công tử khó mà thoát ra được. Chi bằng bắt sống lão làm mộc che thân thì tốt hơn.

Chính Lan biết gã lo lắng cho mình. Chàng cảm động đáp :

– Hay lắm! Tại hạ sẽ xách cổ Ngụy Trung Hiền chạy thẳng vào Tử Cấm thành, giao cho Thiên tử.

Bàn bạc một hồi lâu, cả bọn mới về phòng nghỉ ngơi. Theo thói quen, Chính Lan ngồi điều tức một lúc. Từ ngày rời miếu Thần Hổ đến nay, chàng không có dịp tọa công. Nay đã đến lúc sinh tử, chàng phải kiểm tra kinh mạch lần cuối để bước vào cuộc chiến. Dược lực của món Thất Xà Hà Thủ Ô hoàn toàn dung hoá, chân khí vô cùng sung mãn, cuồn cuộn từ đan điền tỏa đi khắp nơi.

Chính Lan thấy vậy, thử đưa nội lực đi theo đường lối khẩu quyết lớp thứ tám của Thái Chân tâm pháp. Chàng kinh ngạc nhận ra mình hoàn thành rất dễ dàng, liền luyện ngay sang lớp thứ chín. Hai khắc sau, quanh thân Chính Lan tỏa ra màn sương mỏng màu xanh biếc, và từ mũi chàng, hai luồng khí bắn ra dài hơn gang, rồi lại thu vào.

Thi Mạn, Tố Bình mừng rỡ ôm nhau nhưng chẳng dám gây tiếng động.

Lát sau, Chính Lan xả công, nghiêm giọng hỏi họ :

– Phải chăng hai nàng đã cho ta uống nhánh Thiên Niên Hà Thủ Ô?

Thiên tử khỏi bệnh, kỳ trân xem như bị Ngụy Trung Hiền đoạt mất, hai nàng chẳng cần phải giấu diếm nữa. Tố Bình mỉm cười đáp :

– Lúc ấy, tướng công thọ thương trầm trọng, bọn thiếp đành phải ngộ biến tùng quyền. Hoàng đế có chết cũng mặc kệ lão, bọn thiếp chỉ mong sao cứu được chàng thôi.

Chính Lan cảm động, bước đến ôm cả hai vào lòng và thắc mắc :

– Vậy ra nhánh kỳ trân bị cướp kia là giả hay sao?

Thi Mạn cười rúc rích :

– Thưa phải! Chỉ có hai miếng mỏng ở đầu là thực mà thôi.

Chính Lan nhớ lại lời Hách Thiết Xuyên, biết lão già sử dụng Song hoàn đã giả làm Trương học sĩ kia chính là một trong Phi Hoàn tứ lão ở Ngũ Đài sơn. Như vậy còn đến ba lão nữa và chàng khó mà địch nổi. Chàng từng nghe nói về tuyệt kỹ Phi Hoàn của bốn anh em nhà họ Lý đất Sơn Tây. Những chiếc vòng đen tuyền kia làm bằng Huyền Thiết rất cứng rắn, lại thêm hàng răng cưa sắc bén có thể chặt gãy cả đao kiếm thông thường. Nối với vòng thép là một sợi Thiết Luyện dài nửa trượng. Vì vậy, xa gần đều đánh được cả. Ai đã lọt vào vòng vây của Phi Hoàn trận thì khó mà thoát thân.

Cảm giác tử vong đè nặng không làm cho Chính Lan sợ hãi. Mà chỉ khiến chàng gần gũi với thê thiếp. Có thể đây là lần cuối cùng được kề cận họ. Chính Lan dìu hai mỹ nhân đến giường, nhìn họ với ánh mắt đắm đuối và có đôi chút xót xa. Thi Mạn và Tố Bình nào hiểu được ẩn tình, háo hức chìm vào hoan lạc.

* * * * *

Giữa canh ba, dưới ánh trăng cuối thu khi mờ khi tỏ, bảy bóng người tiến về phía Ngụy phủ. Tường cao nhưng không dày nên bọn quân canh chẳng thể đi lại trên đầu tường, nhưng cứ cách năm trượng lại có một địch lâu và chắc chắn bên trong tường có những toán tuần tra đi lại suốt đêm.

Bọn Chính Lan ẩn nấp sau bụi cây, cách chân tường mười trượng. Nghe tiếng chó sủa, Thi Mạn thì thầm :

– Tướng công phải rắc lên người nhiều Vô Hương phấn mới mong qua mặt được bọn lang khuyển kia.

Nàng rút gói bột phấn rải lên đầu cổ, y phục của Chính Lan.

Nãy giờ mai phục, bọn Chính Lan đã phát hiện qui luật canh phòng của bọn thị vệ địch lâu, cứ ba khắc đổi gác một lần.

Ánh trăng vừa khuất sau đám mây, trời đất vụt tối sầm, Chính Lan lao như tên bắn về phía chân tường. Trong khoảng khắc này, nhãn tuyến của bọn thị vệ mờ đi vì sự thay đổi ánh sáng đột ngột, chẳng thể nhận ra có người vượt bãi đất trống. Gia dĩ, khinh công của Chính Lan nhanh như thiểm điện, lướt đi tựa cánh dơi đêm, chỉ ba bước nhảy đã đến nơi.

Chàng lập tức dán mình vào mặt tường, bò lên địch lâu trên đầu. Sinh tử huyền quang được đả thông, công phu Bích Hổ công càng thêm lợi hại, Chính Lan mau chóng vượt độ cao ba trượng, một tay bám mép gạch, một tay xạ đạo “Huyết Tuyến Điểm Hồng” vào á huyệt gã thị vệ, rồi mới nhảy vào.

Chàng không giết mà điểm thêm một số huyệt đạo khiến thân thể gã cứng đơ như tượng gỗ, vẫn đứng hiên ngang. Vừa lúc toán tuần tra phía dưới đi ngang qua, thấy người trên địch lâu vẫn đứng gác nghiêm chỉnh, chẳng hề có chút hoài nghi.

Chờ chúng đi khỏi, Chính Lan nhảy xuống đất chứ không dùng cầu thang gỗ.

Cũng như bao nhiêu dinh cơ khác, phủ họ Ngụy chẳng thể thiếu vườn hoa chung quanh những kiến trúc. Nhờ vậy, Chính Lan có vật che chắn mà tiến vào. Trên đường đi, chàng gặp rất nhiều chó dữ nhưng chúng chỉ ngửi rồi bỏ đi. Loại Vô Hương phấn này là dược vật độc đáo của người Miêu dùng trong những cuộc săn bắt mãnh thú. Đến cọp beo còn không phát hiện được thì lũ chó có đáng gì?

Chính Lan vượt gần hết hoa viên thì thấy một dãy nhà dài. Có lẽ đây là nơi ở của bọn gia nhân, tỳ nữ. Chàng quyết định bắt một người để hỏi cho rõ chỗ ở của Ngụy Trung Hiền, nếu cứ lần mò mãi đến sáng cũng chẳng tìm ra.

Bỗng cánh cửa gỗ trước mặt hé mở và một ả tiểu tỳ thắt bím bước ra. Cô bé che miệng ngáp, liếc quanh rồi đi thẳng vào vườn hoa, cởi giải quần ngồi xuống. Té ra ả mắc tiểu mà làm biếng xuống bếp nên xả đại ở nơi này.

Tiểu tỳ trút xong bầu tâm sự, khoan khoái đứng lên, định trở lại phòng ngủ. Nào ngờ một bàn tay đã bịt chặt lấy miệng và hơi thép lạnh toát ra cần cổ.

Chính Lan lạnh lùng nói :

– Nếu nàng chịu khai ra ngọa phòng của Ngụy Trung Hiền, ta hứa sẽ không sát hại.

Ả tiểu tỳ mới mười lăm, mười sáu nên rất sợ chết, run rẩy khai liền.

Chính Lan hiểu rõ đường đi nước bước và điểm huyệt ngủ, giấu ả vào bụi hoa rậm nhất.

Chính Lan tiến về khu trung tâm, nơi có chín cây hoè cao ngất. Nhờ khinh công tuyệt thế và Vô Hương phấn, chàng qua mắt được bọn thị vệ tuần tra cùng đàn chó. Đến nơi, Chính Lan dừng lại quan sát tòa biệt viện kia. Chín cây hoè nằm cách nhau đều đặn phía trong bức tường vây thấp. Cổng vào bằng song thép rèn nhưng chẳng có ai canh giữ cả. Nếu không được ả nữ tỳ chỉ dẫn, chẳng bao giờ Chính Lan lại nghĩ rằng đây là nơi nghỉ ngơi của Ngụy Trung Hiền.

Bỗng từ trên tán cây rậm rạp vọng ra tiếng cú rúc rất thê lương. Chính Lan giật mình, dương cặp mắt tinh tường nhìn lên. Nhờ vậy, chàng phát hiện có hàng trăm con ác điểu, biểu hiện cho điều xấu kia, đang đậu im lìm trên chín cây hoè.

Chính Lan cau mày suy nghĩ, toát mồ hôi nhớ ra một đại ma đầu có tên là Miêu Ưng lão tổ, ẩn cư trên ngọn Quân Đô Sơn phía bắc Đế Đô. Đàn chim cú của lão Phương Kỳ Du vô cùng thông linh và lợi hại. Móng và lông của chúng được tẩm kỳ độc, chỉ sướt da là chết. Những cú đập cánh của chúng cũng tỏa ra độc khí làm mê man kẻ địch.

Chính Lan cân phân lợi hại, nghiến răng tung một trái Đảo Thiên thần đạn lên nóc tả tiểu viện. Một tiếng động kinh hồn làm chấn động cả đêm trăng. Mái nhà sụp xuống, lửa bốc lên ngùn ngụt nhưng chẳng hề có bóng người nào chạy ra. Vậy là đối phương đã dùng kế không thành, dụ chàng vào bẫy. Tuy nhiên, hỏa khí cũng đạt được kết quả là khiến đàn ác điểu sợ hãi, bay đi tán loạn. Chính Lan vừa ném xong thần đạn đã lướt nhanh về phía hữu, nhảy lên một cây cổ thụ cách đám cháy chừng tám trượng.

Lúc này, Ngụy phủ nào động như ong vỡ tổ, đèn đuốc sáng trưng, bọn thị vệ kéo đến đông như kiến. Chúng bủa ra khắp nơi, lùa đàn chó tìm kiếm hung thủ. Chính Lan kiên nhẫn nằm im trên tán cây rậm rạp, chờ Ngụy Trung Hiền lộ diện. Nhưng lão cẩu Thái giám kia chẳng hề ló mặt ra, chỉ có bốn lão già xuất hiện. Ba lão già áo xanh tay cầm cặp vòng thép chính là Phi Hoàn tam lão.

Lão thứ tư cao gầy, mặc đạo bào trắng, trên vai đậu một con chim ưng lông đỏ pha vàng. Đôi mắt diều dữ tợn và chiếc mũi cong kia đã nói lên lai lịch của Miêu Ưng lão tổ Phương Du Kỳ. Tên đội trưởng thị vệ chạy lại báo cáo :

– Bẩm tứ vị lão gia, bọn tiểu nhân đã cho linh khuyển lục soát khắp nơi nhưng chẳng hề thấy giấu vết hung thủ.

Miêu Ưng lão tổ đảo mắt nhìn quanh, chợt chú ý đến cây cổ thụ cao vút kia. Lão cười nhạt, thì thầm với Hỏa Ưng. Con vật lao vút về phía tán cây nơi Chính Lan đang ẩn nấp.

Chàng đã thấy Hỏa Ưng bay về phía mình, liền lộn người xuống phía dưới tung chân quặp lấy cành cây, nhờ vậy qua mắt được linh điểu. Nó bay trở về đậu trên vai chủ nhân.

Miêu Ưng lão tổ thất vọng cao giọng bảo bọn thị vệ :

– Chắc đối phương đã kịp thoát ra ngoài, các ngươi phải tích cực tuần tra, không được lơ là.

Đám thị vệ dạ vang, tản ra. Lão tổ và Phi Hoàn tam lão quay gót đi về hướng Nam. Chính Lan lập tức bám theo, hy vọng họ sẽ dẫn chàng đến chỗ ẩn nấp của Ngụy Trung Hiền.

Quả đúng như vậy, nửa khắc sau bốn người kia rẽ vào một tòa tiểu viện.

Nơi này cũng giống hệt như hàng trăm kiến trúc khác, chẳng có gì đặc biệt cả.

Chính Lan thầm thán phục cơ trí của lão cẩu Thái giám kia. Hèn gì họ Ngụy không khuynh đảo cả triều đình?

Miêu Ưng lão tổ đẩy cửa bước vào. Chính Lan chờ đủ nửa khắc mới dám vào theo. Chàng rút thanh trủy thủ mỏng như lá lúa, đút vào khe cắt then. Vũ khí này không có tên nhưng vô cùng sắc bén, và đã là vật tuỳ thân mấy chục năm của Hoàng Hạc Tú Sĩ.

Then sắt đứt rồi, Chính Lan nhẹ nhàng lách vào trong. Chàng giật mình nhận ra tòa tiểu viện này hoàn toàn không có vách ngăn phòng, trống trơn chẳng một bóng người.

Chính Lan đoán ngay trong này phải có tầng ngầm. Chàng bò trên mặt sàn, nghiêng tai lắng nghe, đến góc trong cùng đột nhiên phát hiện có tiếng người trò truyện. Chính Lan đưa tay vuốt mặt sàn, tìm ra khe của nắp hầm.

Chàng cắm lưỡi trủy thủ vào khe, lê dần đi để tìm then cài. Cuối cùng, lưỡi trủy thủ dừng lại, Chính Lan dồn chân khí vào lưỡi thép. Cắt đứt then sắt một cách êm ái. Vuông cửa hầm bật lên, để lộ cầu thang đi xuống. Tiếng người trò truyện rõ mồn một. Chứng tỏ Ngụy Trung Hiền đang có mặt ở nơi này. Chính Lan mau chóng vượt mười ba bậc thang gỗ, ẩn vào chỗ tối. Cách cách chàng vài trượng là bọn Miêu Ưng lão tổ và một lão già béo phị, mắt híp.

Sùng Trinh Hoàng đế là người có tài họa đạo nên đã phác họa chân dung kẻ phản thần để Chính Lan nhận diện. Chàng biết mình chẳng thể nào địch lại bốn lão đại ma đầu kia, nhưng lòng đã xem nhẹ chuyện sống chết nên không chùn bước. Chính Lan chỉ tiếc một điều rằng chàng chỉ mang theo có một trái Đảo Thiên thần đạn và đã sử dụng rồi. Trái cuối cùng đang nằm trong tay Tây Môn Tố Bình.

Giờ đây, Chính Lan chỉ còn cách liều mình giết cho được Ngụy Trung Hiền chỉ bằng một chiêu, sau đó phó mặc cho số mệnh.

Chàng tưởng niệm lần cuối đến bóng hình người thân, dồn toàn lực vào thanh Long Tuyền kiếm, lao vút về phía chiếc bàn bát tiên. Bốn lão nhân đều là ma đầu thành danh, phản ứng cực kỳ thần tốc, lập tức vung chưởng chặn đường. Vì vậy, Chính Lan không đạt được nguyện vọng của mình, cố giết cho được Ngụy Trung Hiền, Miêu Ưng lão tổ nhanh tay đẩy ngã Cửu Thiên tuế nên lão thoát chết, chỉ mất cánh tay tả. Lão cẩu Thái giám kêu gào như heo bị thọc huyết.

Chính Lan phun vòi máu vào mặt Phương Kỳ Du, vung kiếm chém liền.

Bốn lão ma đầu vây chặt Chính Lan, quyết chẳng để chàng đến gần Cửu Thiên tuế.

Sáu chiếc vòng đen nhánh bay ra, tấn công thượng hạ, tả hữu của Chính Lan. Chàng múa tít bảo kiếm đánh bạt Phi Hoàn và đưa tả thủ đón chiêu chưởng của Lão tổ. Chưởng kình chạm nhau nổ lùng bùng, khóe miệng Chính Lan lại ứa máu. Chàng biết mình không đủ sức, đành bỏ ý định sát hại Ngụy Trung Hiền, toàn tâm đối phó với bốn lão ác ma.

Thanh Long Tuyền kiếm dệt quanh thân chàng, chặn đứng những đợt tấn công của phe đối phương. Phi Hoàn Đại Lão rít lên :

– Hồng Nhất Điểm! Mối thù của tứ đệ, đêm nay ngươi phải trả thôi.

Sáu chiếc vòng thép vây chặt Chính Lan tấn công tới tấp, chẳng cho chàng một cơ hội phản công. Lâm nguy bất loạn, Chính Lan giở pho Thái Chân kiếm pháp đối phó. Miêu Ưng lão tổ đã nhanh chóng lướt ra phía ngoại, chặn đứng đường thoái lui của đối phương. Lão liên tục giở pho Miêu Ưng thần thức, phối hợp chưởng trảo tập kích Chính Lan.

Xét về cán cân lực lượng thì chàng thua chắc, nhưng còn một yếu tố mà phe đối phương chẳng ngờ đến, đó là việc Chính Lan không sợ chết. Ngược lại, bốn lão ác ma đến với Ngụy Trung Hiền vì lợi lộc, nên chẳng bao giờ chịu bán mạng mình.

Chính Lan khẳng khái đi vào tử địa, chính khí ngời ngời, làm tăng thêm sức mạnh. Chàng nghiến răng xuất chiêu “Hiểu Phong Tàn Nguyệt”, lao vào Phi Hoàn Nhị Lão Lý Kim Trì.

Hoàng Hạc Tú Sĩ danh lừng vũ nội chẳng phải vì công lực thông thần, mà trước tiên, nhờ kiếm pháp ảo diệu tuyệt luân. Chính Lan dồn hết công lực vào chiêu kiếm, quyết lấy mạng nhị lão để giảm bớt áp lực. Nếu không chàng khó mà duy trì được lâu hơn.

Nhị lão múa tít Song hoàn, cố chống chọi chiêu kiếm lăng lệ kia. Ba lão còn lại cũng vội tấn công tả hữu, hậu tâm để hỗ trợ.

Lý Kim Trì không đỡ nổi chiêu kiếm thần kỳ, ngực thủng năm lỗ, hồn về chín suối. Nhưng lưng Chính Lan cũng lãnh một chưởng của Miêu Ưng lão tổ và hai vết thương gây ra bởi Phi Hoàn.

Lớp cương khí Thái Chân đã bảo toàn được phủ tạng nhưng da thịt rách toang, đau đớn vô vàn. Chính Lan hít một hơi chân khí, lao vào người thứ ba trong Phi Hoàn tứ lão. Chàng xuất chiêu “Thúy Phong Như Thốc” bảo kiếm hóa thành ngàn mũi tên thổi vào cơ thể đối phương. Với hơn sáu mươi năm công lực, khí thế của kiếm chiêu tựa như cơn bão biển Đông. Tam lão Lý Tú Khanh rú lên thảm khốc, ôm ngực trái lăn ra. Tất nhiên Chính Lan cũng phải trả giá, lưng chàng trúng thêm một chưởng và hai vòng thép nữa.

Lúc này, máu miệng Chính Lan ứa ra không ngớt, chàng quay ngoắt lại, nhảy xổ vào Miêu Ưng lão tổ. Phương Kỳ Như nghe lạnh gáy, có cảm giác như mình đang đối phó với quỷ dữ. Lão dồn toàn lực vào song chưởng để đón chiêu kiếm mãnh liệt. Nhưng con người không biết sợ chết kia vẫn lao đến như cơn lốc. Chính Lan đã dùng đến chiêu “Tinh Hà Lộ Khởi”, thân ảnh hòa với kiếm quang, như cánh có giữa bầu trời, bay vào ngực họ Du. Miêu Ưng lão tổ liên tiếp vỗ ra những đạo chưởng kình hung hãn. Cố chặn đối phương lại. Lão thấy rõ Chính Lan trúng chưởng phun ra từng vòi máu, nhưng chàng vẫn kiên cường lướt tới. Kiếm ảnh trùng trùng như sao trời uy hiếp bốn phương tám hướng. Lão tổ hồn phi phách tán, phiêu thân đào tẩu. Nhưng mũi Long Tuyền kiếm đã kịp rạch một đường dài từ vai trái xuống sướn phải. Lão tổ hự lên, quay lưng chạy mất.

Còn lại Chính Lan với Phi Hoàn Đại Lão Lý Hiểu Lộ. Lão mỉm cười đanh ác, vì thấy đối phương toàn thân đẫm máu, lưng chàng nát bét vì thương tích, thân trước đẫm máu đào vì chưởng kình. Chính Lan lảo đảo, cơ hồ đứng không vững, trong khi đại lão vẫn còn nguyên vẹn. Lý Hiểu Lộ cười hăng hắc :

– Khá khen cho Âu Dương tiểu tử, một mình chống lại bốn tay đại cao thủ. Nhưng giờ đây sức mỏi hơi tàn, liệu ngươi còn sính cường được chăng?

Nói xong, lão múa tít Song hoàn xuất chiêu sát thủ quyết lấy mạng Chính Lan. Chàng mất máu quá nhiều, chân khí cạn kiệt, nhếch mép cười chấp nhận số mệnh. Trong lúc tối hậu, Chính Lan mơ hồ nhớ đến khẩu quyết của chiêu Nam Thiên nhị thức, vung kiếm đánh đại. Chàng điểm liền tám mươi mốt nhát vào màn hắc quang, nào ngờ đắc thủ. Đại lão trúng một kiếm vào ngực phải, rú lên đau đớn, quay lưng đào tẩu.

Chính Lan sững sờ, không ngờ chiêu “Lạc Nhật Lân Đầu” (Ánh chiều chiếu trên mái lầu) lại lợi hại vô song như vậy. Chàng hít một hơi chân khí điểm huyệt chỉ huyết, uống liền bảy viên linh đan, rồi ngất ngưởng bước về phía Ngụy Trung Hiền. Lão đã mê man bất tỉnh vì bị chặt cụt cả cánh tay tả.

Chính Lan nén đau, bồng lão rời mật thất, đi lên mặt đất.

Chàng ngờ ngàng nhận ra khắp Ngụy phủ đèn đuốc sáng trưng, tiếng ngựa hí vang trời. Nơi nơi xảy ra cuộc chiến giữa bọn thị vệ áo vàng và đám cấm quân.

Theo kế hoạch chàng đã bàn với Sùng Trinh hoàng đế, thì khi nào chàng bắt được, hoặc giết được Ngụy Trung Hiền thì quân của Ngũ Thành Binh Mã Ty mới tiến vào Ngụy phủ. Vậy mà tại sao họ lại khởi sự sớm hơn dự định?

Chính Lan sờ lại thắt lưng, phát giác không còn Thiên tử ngọc bài, sau cơn ái ân nồng nhiệt với hai ái thê, chàng đã không để ý đến vật ấy. Có lẽ Thi Mạn và Tố Bình đã dùng Ngọc Bài điều động quan quân khi thấy chàng đi quá lâu. Chính Lan thầm cảm kích,vì nếu họ không làm như vậy, chàng khó có thể thoát khỏi nơi này. Chính Lan dồn hết sức tàn. Loạng choạng ôm Ngụy Trung Hiền bước đi. Chỉ được vài mươi trượng, chàng kiệt lực khuỵ xuống.

Nhưng có một bóng người đã lao đến đỡ đần, đó là Liễu Thi Mạn. Nàng cố nén lo âu thét vang :

– Đã bắt được Ngụy Trung Hiền!

Dứt lời, nàng vực Chính Lan dậy, nức nở gọi :

– Tướng công! Tướng công!

Chính Lan mỉm cười chìm vào cơn mê!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.