Chính Lan đi xuống hướng Nam, mục tiêu của chàng là Phong Nhân cốc ở Nam Nhạc Hành Sơn. Chàng khởi hành ngay vì muốn tránh mặt Thi Mạn, chứ không phải vì gấp gáp. Việc giải cứu tù nhân đòi hỏi một lực lượng hùng hậu và sự bố trí chu đáo. Chàng sẽ đến trước nhưng vẫn phải chờ các vị Chưởng môn và đệ tử của họ. Trong tay chàng đã có tín phù của Cái bang, để liên hệ với đám hóa tử đang giám sát bên ngoài Phong Nhân cốc.
Tám ngay sau, Chính Lan có mặt trong một tửu quán ở vùng ranh giời giữa Hồ Bắc và Hồ Nam. Có lẽ do địa thế ấy mà tiểu trấn này có tên là Nam Bắc trấn! Đại Đầu Cái hẹn với chàng rằng đúng trưa ngày rằm tháng năm sẽ có mặt. Còn đến bảy ngày nữa nên Chính Lan chẳng vội vàng, thong thả ăn uống.
Chính Lan có thói quen ăn xong mới uống vài chén rượu. Chàng chậm rãi nhấm nháp từng hớp nhỏ, ngắm nhìn đám mây trắng trôi nổi trên bầu trời mùa hạ xanh thăm thẳm. Hình bóng những người thân hiện về khiến lòng chàng quặn thắt. Trong lúc chàng giam mình dưới đáy vực, Hoàng Hoa Ma Nữ Tây Môn Tử Quỳnh, Kính Hồ Tiên Cơ Tiêu Uyển Như và Trại Tây Thi Du Mỹ Kỳ đã hạ sinh được ba nữ hài tử đến nay chúng đã tròn mười tháng tuổi!
Tội nghiệp cho chúng và Hạc nhi, còn thơ ấu mà đã phải chịu cảnh giam cầm khổ ải! Và cả năm người vợ đầu ấp tay gối kia nữa. Họ lấy chàng, chẳng hưởng được mấy ngày hạnh phúc đã phải vấn khăn tang! Chính Lan bỗng chán ngán cảnh oán thù chồng chất, tranh danh đoạt lợi của chốn võ lâm!
Chàng tự nhủ sau khi cứu được họ, sẽ đưa tất cả đi tìm một chốn non xanh nước biếc mà ẩn dật! Trang Tử từng nói: “Cố gắng làm điều thiện cũng gần như háo danh”. Vậy thì chàng còn lưu luyến giang hồ làm gì nữa?
Ai bảo rằng rượu có thể giải sầu. Càng uống, càng nghe lòng buồn da diết, Chính Lan bùi ngùi ngâm nga nho nhỏ:
Cổ lai vạn sự đông lưu thủy
Biệt quân khứ hề hà thời hoàn
Thả phóng bạch lộc thanh nhai gian
Tu hành tức kỵ phỏng danh san
An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quí
Sở ngã bất đắc khai tâm nhan!
Dịch thơ:
Xưa nay muôn việc xuôi nước chảy
Từ biệt người đi bao giờ về
Toan thả hươu trắng núi xanh khơi
Cần đi cứ cỡi dạo non chơi
Dễ đâu cúi đầu, gãy lưng thờ quyền quí
Khiến ta chẳng được mặt mày tươi!
Triết học Lão Trang luôn luôn bàng bạc trong thi văn Trung Hoa, và rõ nét nhất qua con người và thi phẩm của Trích Tiên Lý Bạch. Tư tưởng thoát tục, vô vi chính là chỗ ẩn náu cuối cùng của nhân sinh trong cuộc đời biến loạn, vô thường này!
Chính Lan rót thêm chén nữa, suy nghĩ về trường hợp của Vô Nhân kiếm khách Hách Thiết Xuyên. Sơn Đông Tử Phòng kể rằng: Trước đây lão và họ Hách ở chung trong thủy trại Hồng Trạch hồ, nhưng cách đây hai tháng, Thiết Xuyên đã bỏ đi đâu không rõ! Chính Lan kết giao với gã đã lâu, hiểu rõ cơ trí con người trầm lặng này. Chàng cho rằng Thiết Xuyên ly khai Bạch Liên giáo, để dễ bề tìm kiếm nơi giam giữ tù nhân! Chàng thở dài nghĩ đến Lôi Đao Hứa Hoa, uống cạn chung rượu, gọi tiểu nhị tính tiền.
Rời quán được vài dặm, thấy từ góc Đông nam mây đen vần vũ kéo đến, Chính Lan vội thúc ngựa phi mau, tìm chỗ trú ẩn. Thấy phía trước có tòa nhà lớn nằm mé tả đường quan đạo Chính Lan phi mau đến đấy và rẽ vào.
Tòa nhà này nằm chơ vơ nơi bìa rừng, cổng chính xiêu vẹo cỏ mọc đầy sân. Bốn bức tường xung quanh đã sụp đổ cả. Chỉ còn những cây cột là còn vững chắc, đỡ lấy giàn mái ngói đã dột nát. Thì ra đây là đại diện của một ngôi chùa bỏ hoang.
Chính Lan định bụng sẽ ngủ lại nơi này nếu mưa kéo dài đến tối! Từ ngày rời vực thẳm, trở lại nhân gian, chàng đã quen với cảnh gội gió dầm sương, ăn quán ngủ đình.
Chàng đi dạo một vòng phế tích phát hiện nhà bếp vẫn còn kín đáo, liền dẫn tuấn mã vào nơi đây! Chính Lan là người nhân hậu, luôn chăm sóc người bạn đường của mình.
Cơn mưa ập đến, theo gió bay vào đến tận giữa chùa, và nhỏ qua hàng trăm lỗ thủng trên mái ngói! Chính Lan ngao ngán quan sát, thấy chỉ có khoảng trống dưới bệ thờ là khô ráo. Chàng mừng rỡ vung chưởng thổi sạch cát bụi, chui vào đấy nghỉ ngơi. Tấm áo choàng Hắc Tằm Bảo Y có thể thay thế cả chiếu lẫn chăn, quả là vật vô cùng hữu dụng!
Đêm qua trời đẹp, đường bằng phẳng nên Chính Lan đi luôn đến sáng, giờ này chàng mệt mỏi chìm vào giấc ngủ!
Khoảng giữa canh một, Chính Lan giật mình thức giấc vì tiếng ngựa xe khua động trước sân, và cả tiếng người trò chuyện. Hình như có đoàn xa mã nào ghé vào đây trú ẩn, vì trời vẫn còn mưa như trút nước.
Lát sau, đám người kéo vào chùa, bật hỏa tập đốt đuốc, tìm chỗ không dột mà cắm. Chính Lan nhờ ánh đuốc ấy mà phát hiện mặt trước bệ thờ có vết nứt rộng bằng bề ngang một ngón tay. Chàng ngồi lên, thận trọng ghé mắt quan sát. Bọn mới đến có khoảng mười người, mặc y phục của các tiêu sư.
Chàng đặc biệt chú ý đến lão già to béo, mặt xanh, râu dài đến ngực. Hai chiếc khoen vàng lủng lẳng trên thùy châu tố cáo rằng lão là người dân tộc Di ở vùng Vân Quí!
Chính Lan cau mày suy nghĩ, và nhớ đến một nhân vật có tên Chiêu Thống pháp sư Hoàng Bỉnh Lân (Chiêu Thống là tên một vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam). Lão ta là thầy phù thủy cao cấp nhất của toàn thể người Di, dù họ sống ở Vân Nam hay Quí Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây!
Hoàng Bỉnh Lân cũng là đệ tử Độc môn nhưng chỉ chuyên tâm nghiên cứu một ngành duy nhất, đó là mê dược. Thuốc mê của lão không giết người nhưng lại rất khó đối phó, chỉ cần hít phải một lượng rất nhỏ cũng đủ bất tỉnh, dẫu có Tỵ Độc châu trong người cũng vô ích! Độc dược xuất phát từ nọc độc vật, còn mê dược lại điều chế từ thảo mộc!
Chiêu Thống pháp sư thường qua lại giữa các tỉnh vùng Tây nam để chữa bệnh cho người Di. Nhờ y thuật cao minh, lão được đồng bào xem như thánh lão. Chính Lan sinh trưởng ở Vân Nam, học nghệ tại Tứ Xuyên nên có nghe nhắc đến Hoàng Bỉnh Lân!
Lúc này, Chiêu Thống pháp sư đã yên vị ở một chỗ ít dột nhất. Lão bực bội than thở :
– Năm nay thời tiết thật quái lạ, mới đầu mùa đã mưa như thác lũ! Thật là khốn khổ cho thầy trò chúng ta! Từ đây đến Phong Nhân cốc còn đến ba trăm dặm, tha hồ dầm dãi nắng mưa! Nếu không có nghiêm lệnh của Giáo chủ, ta đã giết quách bọn Hỏa chân nhân cho xong nợ!
Chính Lan choáng váng, không ngờ trong cỗ xe tiêu kia lại là nhạc phụ của mình! Một gã bập bẽ nói :
– Sư phụ ở Vân Nam sung sướng còn hơn Thổ Vương, tội gì phải nhận lời mời của Bạch Liên giáo?
Gã nói tiếng Hán không rành, chứng tỏ cũng là người Di. Chính Lan cũng thắc mắc như vậy nên lắng tai nghe câu trả lời của pháp sư :
– Ngươi tưởng ta vì ngàn lượng vàng mà nhận lời hợp tác với Thái Sơn Phủ Quân hay sao? Bạch Liên giáo chủ nuôi dã tâm làm Hoàng đế, nhân lúc Minh triều suy yếu mà đoạt lấy cơ đồ. Lão đã hứa sẽ cắt cho ta bốn tỉnh Tây nam để thành lập vương quốc của người Miêu. Chính vì vậy ta mới giúp lão bắt Hỏa chân nhân và bốn cao thủ Hỏa giáo ở Chương Phàn!
Chính Lan đã hiểu ra cớ sự, thầm lo lắng cho Thiểm Điện Thần Kiếm Đỗ Vĩnh Huy! Gã đi đón Tây Môn Nhỉ, chẳng hiểu có gặp hay không mà chẳng được nhắc đến.
Ưu tư thứ hai của chàng là âm mưu phản loạn của Bạch Liên giáo. Nay quân Mãn Thanh đang uy hiếp biên thùy phía Bắc, nếu Bạch Liên giáo khởi sự, tình hình càng thêm nguy ngập! Chính Lan nghe cơn giận sôi lên, quyết giết cho được Thái Sơn Phủ Quân. Giờ đây, bao nhiêu tư tưởng cầu an, thoát tục đã hoàn toàn tan biến cả! Đạo gia chủ trương thanh tịnh vô vi nhưng chẳng phải là không làm gì cả! Đối với vận mệnh giang sơn và hạnh phúc của lê thứ, họ sẽ tận lực trong khả năng của mình! Lúc sinh thời, Trang Tử từng đem tài biện luận sắc bén của mình để ngăn chặn những cuộc chiến phi nghĩa của các vua chư hầu! Chính Lan không có tài biện thuyết mà chỉ có ba thước gươm thiêng!
Chàng gạt bỏ những ý niệm xa xôi, chú tâm suy nghĩ, cố tìm cách cứu cho được bọn Hỏa chân nhân. Chính Lan thân hoài tuyệt học nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, thận trọng. Chàng không biết rõ bản lĩnh của Chiêu Thống pháp sư, và chẳng chắc mình chống lại nổi mê dược của lão, liền quyết định dụ lão ra ngoài.
Cuối canh hai, cơn mưa dịu đi nhưng vẫn chưa tạnh, Chiêu Thống pháp sư và mười tên đệ tử ngồi dựa cột ngủ gà ngủ gật. Chính Lan nhẹ nhàng rời bỏ bệ thờ, đi lối sau, vòng ra sân trước. Chàng len lỏi đến cạnh tù xa, sờ nắn thử thùng xe. Hóa ra chúng được phủ đồng lá rất kiên cố ở bên ngoài lớp gỗ.
Chính vì vậy nên chẳng cần ai canh gác cả.
Lúc này tù xa đang ở tư thế quay ra ngoài, cửa sau hướng vào chùa để dễ kiểm soát. Nhờ thế, khi Chính Lan rút kiếm, thọc vào mông ngựa thì cặp tuấn mã đau đớn hí vang, kéo xe tù phóng nhanh. Chàng cũng lao theo nhưng ra đến cổng thì tung mình lên bám lấy vòm tam quan con sót lại. Chiêu Thống pháp sư và đám thủ hạ kinh hãi rời chùa. Hoàng Bỉnh Lân thét vang :
– Có kẻ cướp xe tù!
Võ công của lão cao cường nhất nên nhanh chân hơn, ra đến cổng trước tiên. Chính Lan không bỏ lỡ cơ hội, bủa chưởng xuống đầu đối phương. Họ Hoàng là tay lão luyện, lúc nào cũng cảnh giác nên kịp thời cử song chưởng đón chiêu. Có điều, trong lúc bất ngờ lão chẳng thể nào dồn hết toàn lực được.
Trong khi ấy Chính Lan đã huy động đến mười hai thành công lực vào chiêu “Cuồng Lãng Trầm Chu”. Chưởng kình chạm nhau nổ lùng bùng, Chiêu Thống pháp sư văng ngược về phía sau. Lão trúng năm đòn cực mạnh vào ngực và bụng, xương cốt gẫy vụn, chết ngay tức khắc.
Mười gã hán tử người Di ra đến nơi, thấy sư phụ thảm tử sau chỉ một chiêu, kinh hãi bỏ chạy tán loạn. Chính Lan lướt đến, chụp cổ một tên, xách gã và xác Chiêu Thống pháp sư vào chùa. Chàng lạnh lùng hỏi :
– Thuốc giải mê dược đâu?
Hán tử run lên cầm cập :
– Bẩm Đại vương, ở trong người gia sư!
Chính Lan giật tung áo pháp sư, phát hiện hai túi da hươu lớn bằng bàn tay. Chàng lại hỏi :
– Túi nào là giải dược?
Gã người Di mau mắn đáp :
– Túi cột dây hồng là thuốc mê, còn túi cột dây trắng là giải dược!
Chính Lan bế khí, mở túi thứ nhất, bốc một ít bột mịn, màu bụi đất, búng vào mặt hắn ta. Hán tử gục ngã ngay, Chính Lan bỏ ít bột màu hồng trong túi dây trắng vào miệng gã, quả nhiên cứu được!
Hán tử nhìn chàng bằng cặp mắt khiếp sợ, van xin. Chính Lan hỏi thêm :
– Bọn ngươi xuất phát từ Tổng đàn Bạch Liên giáo phải không?
Gã ngơ ngác đáp :
– Không phải! Sư phụ nhận được thư của Bạch Liên giáo, liền đưa bọn ta đi Chương Phàn mai phục ngay!
Vẻ thành thực của gã hiện rõ trên gương mặt quê mùa. Chính Lan dịu giọng :
– Vì sao bọn ngươi thấy ta giết sư phụ mà lại bỏ chạy chứ không báo thù?
Hán tử ngượng ngùng đáp :
– Ông ta tuy là thầy nhưng lại thường bắt học trò phải đưa vợ đến hầu hạ, cho nên, ai cũng ấm ức trong lòng. Nay lão chết đi, người Di cũng chẳng hề nuối tiếc!
Chính Lan mỉm cười :
– Vậy thì ngươi hãy về với vợ mình đi, ta tha cho đó!
Gã mừng như sống lại, chạy thẳng một nước, dù trời tối đen và vẫn còn mưa nho nhỏ!
Chính Lan bỗng nhìn thấy mấy bọc hành lý để rải rác. Chàng đoán tay nải bằng gấm xanh kia là của Chiêu Thống pháp sư, liền mở ra xem. Ngoài y phục còn có phong thư và tờ ngân phiếu ngàn lượng vàng. Nhận ra dấu của Tiền trang Từ Châu, chàng lẩm bẩm :
– Chẳng lẽ Thái Sơn Phủ Quân đang ở nơi ấy? Nhưng Hán Trung tam ngốc đã lục soát hết Đào Hoa cung rồi mà?
Chính Lan cất vào người, định bụng sẽ đến Tiền trang Từ Châu hỏi xem đã bán tờ ngân phiếu này cho ai?
Chàng lật đống y phục, xem thử còn gì nữa không, thì phát hiện vài nén vàng và một tấm đồng bài nặng chịch, to hơn bàn tay. Không kịp xem kỹ.
Chính Lan nhét luôn vào bụng, mau chóng trở ra ngoài, rút tiểu kiếm chặt đứt ổ khóa, bồng từng tù nhân vào.
Cơn mưa đã tạnh hẳn, Chính Lan tập trung đuốc lại và xem xét. Chàng mừng rỡ khi thấy có cả Thiểm Điện Thần Kiếm Đỗ Vĩnh Huy. Bốn người kia là Hỏa chân nhân Tây Môn Nhỉ và ba lão già người Tây Vực, tuổi tác chắc nhỏ hơn Chân nhân. Mặt mũi họ lem luốc, y phục nhàu nát, hôi hám, nhưng trên người không có vết thương nào. Cả năm đều chẳng mang giầy và chỉ mặc áo mỏng, chứng tỏ họ bị bắt khi đang ngủ! Người Hỏa giáo không sợ độc nhưng chẳng chống nổi thuốc mê của Pháp sư.
Chính Lan lục tìm trong đống tay nải của bọn hán tử người Di, thấy có rượu và lương khô rất nhiều. Chàng bốc thuốc giải, nhét vào miệng từng người rồi để rượu vào! Thần diệu thay, chỉ nửa khắc sau họ đã trở mình, mở mắt. Chính Lan nghiêm giọng :
– Chư vị thử vận khí điều tức xem sao?
Năm người lặng lẽ nghe lời, ngồi lên tọa công. Gần canh giờ trôi qua, họ vươn vai đứng lên. Hỏa chân nhân thấy xác Chiêu Thống pháp sư kinh hãi hỏi :
– Các hạ là cao nhân phương nào lại giết được lão phù thủy này?
Chính Lan mỉm cười :
– Tại hạ nhờ đánh lén mà thành công chứ chẳng có tài cán gì cả!
Đỗ Vĩnh Huy đã nhận ra Báo Ứng Lang Quân. Gã mừng rỡ bước đến vái dài :
– Không ngờ cái mạng nhỏ này lại được Trọng huynh cứu sống lần nữa!
Quả đúng như vậy vì nếu tháng trước chàng không xuất hiện ở Vu Hồ thì gã cũng khó sống dưới tay Bạch Liên giáo! Vĩnh Huy hoan hỉ giới thiệu :
– Tây Môn lão gia! Đây chính là Báo Ứng Lang Quân Trọng Phú Lan, người đã chữa trị thương thế cho Âu Dương ngũ phu nhân!
Chân nhân vui vẻ vỗ vai Chính Lan :
– Bần đạo nghe họ Đỗ hết lời tán dương thiếu hiệp, lòng cũng muốn gặp.
Không ngờ trên đường về Vu Hồ lại bị Chiêu Thống pháp sư hạ thủ. Lúc tỉnh lại nhận ra Hoàng Bỉnh Lân, bần đạo mở lời thuyết phục lão. Mới nói được có vài câu đã bị lão búng Mê Hồn phấn vào xe, bất tỉnh luôn. Cuối cùng lại được thiếu hiếp giải cứu! Thật là trời cao có mắt!
Chân nhân chỉ ba lão già Tây Vực rồi giời thiệu :
– Họ là Hỏa giáo Tam hộ pháp, sư đệ của lão phu!
Chính Lan thấy râu tóc, da dẻ của họ cũng đỏ như Tây Môn Nhỉ, nhưng vẻ mặt ngơ ngáo, mắt láo liên tinh nghịch. Chàng mỉm cười tự nhủ :
– “Không hiểu ba lão này có giống Hán Trung tam ngốc hay không nhỉ?”
Tam vị Hộ pháp lúng túng xiết lại dải lưng quần. Một lão gượng cười :
– Bọn bần đạo nhịn đói đã lâu, nếu thiếu hiệp có gì ăn thì hay quá!
Chính Lan gật đầu, bước đến góc xa, xách những túi rượu và lương khô đến! Vĩnh Huy chạy đi gom những mảnh gỗ rải rác trong chùa, chất thành một đống, đút bốn bó đuốc vào. Tuy ẩm ướt nhưng đều đã mục nát, chỉ lát sau đống củi cháy bừng!
Chờ họ ăn no Chính Lan mới hỏi :
– Chân nhân và tam vị Hộ pháp có mang theo Đảo Thiên thần đạn hay không?
Tây Môn Nhỉ buông đũa, thở dài :
– Bần đạo vì Bình nhi mà hai mươi năm rồi không trở lại Tây Vực, xao nhãng việc cúng tế sư tổ. Xét môn qui thì là kẻ có tội, nên bị Trưởng giáo sư huynh trách mắng thậm tệ. Bần đạo hết lời van xin, cuối cùng Chưởng giáo cho Tam vị Hộ pháp vào Trung Nguyên hỗ trợ, nhưng lại không ban cho hỏa khí! Nếu muốn chế tạo, phải mất nửa năm là ít!
Người thâm thấp là Tứ hộ pháp Bạch Tuân. Lão đã no nê nên hào khí can vân :
– Bốn huynh đệ ta liên thủ, lo gì không quét sạch Bạch Liên giáo? Thiên Hỏa Tứ Tượng trận uy lực thế nào chắc nhị sư huynh đã biết?
Thì ra Hỏa chân nhân là Nhị hộ pháp của Hỏa giáo! Tây Môn Nhỉ gật gù nhưng lại thở than :
– Nhưng biết đối phương nhốt tù nhân ở đâu mà tìm bây giờ?
Chính Lan chậm rãi nói :
– Tại hạ biết!
* * * * *
Đầu canh ba đêm rằm tháng năm, có một toán Hắc y nhân tiến về phía Phong Nhân cốc, trong dãy núi Hành Sơn. Nam Nhạc Hành Sơn là một trong những danh sơn của Trung Hoa. Nhưng đám Hắc y nhân này đến đây chẳng phải để thưởng thức cảnh trăng treo đầu núi. Họ tản ra, ẩn mình sau những bụi cây, giám sát cửa ra vào Phong Nhân cốc!
Và có một người nhanh nhẹn tiến vào đường độc đạo nhỏ hẹp và đầy hung hiểm kia. Gã núp mình sát vào vách đá, tung một nắm bột mịn rồi ve vẩy song thủ, tạo ra những trận gió nhẹ, đưa Mê Hồn phấn bay vào đến tận cuối đường.
Lát sau, gã nghe tiếng thân người ngã xuống nền đá, liền trở ra vẫy tay gọi đồng bọn. Năm bóng người lướt đến ngay. Ánh trăng rằm soi rõ dung mạo của họ. Đó là Chính Lan, Hỏa chân nhân, Thiểm Điện Thần Kiếm và ba lão già họ Bạch. Sáu người chạy vào đường cốc đạo, phát hiện mười tám thi thể nằm im như đã chết trong những ngách nhỏ hai bên vách! Bọn Hỏa chân nhân trụ lại để trấn giữ cửa cốc, chỉ mình Chính Lan đột nhập vào trong!
Trăng vàng chênh chếch đằng đông nên vùng đất dưới chân vách núi ấy không được soi sáng. Chính Lan men theo mé hữu mà đánh một vòng. Đường chàng đi chỉ toàn là cây cối, vì người trong cốc không dám làm nhà sát vách cốc, đề phòng đá trên vách lở ra, rơi xuống đầu. Nhờ vậy, Chính Lan có thể ung dung thám thính những căn nhà gỗ từ phía hậu.
Chàng không thấy một người cùi hủi nào, mà chỉ toàn bọn giáo đồ Bạch Liên giáo. Khi đến căn nhà gỗ đồ sộ ở cuối, nằm đối diện với cửa cốc, cách chân vách tám trượng, Chính Lan biết rằng đây là nơi cư trú của bọn thủ lãnh Phong Nhân cốc, liền êm thắm áp sát.
Trong nhà đèn vẫn sáng, và có bốn lão gìa áo vàng đang ngồi uống trà.
Tuổi tác họ độ hơn sáu mươi, dung mạo phảng phất giống nhau. Người nào cũng răng hô, mũi tẹt, trán thấp và ánh mắt vô cùng tà quái!
Lão có nốt ruồi trên sống mũi thở dài thườn thượt :
– Chán thật! Không hiểu đến bao giờ mới thoát khỏi kiếp canh tù này đây? Đã ba tháng rồi tiểu đệ không biết mùi nữ nhân là gì cả!
Lão râu bạc mỉm cười :
– Nếu Tứ đệ ngứa nghề thì ngày mai anh em ta rời cốc, đến Trường Sa vài ngày. Tù nhân bị nhốt kỹ trong thạch lao, cửa cốc lại phòng bị nghiêm mật, có gì phải lo lắng? Hơn nữa, có ai mà lại ngờ rằng họ ở trong chốn đáng sợ này?
Lão không râu nhăn nhó :
– Đại Ca! Sao chúng ta không trở lại Chữ gia trang mà phải đầu nhập Bạch Liên giáo làm gì cho khổ thân?
Thì ra lão râu bạc chính là Chữ Công Sinh, Trang chủ của cơ ngơi mà Chính Lan đã cứu Vô Nhân kiếm khách Hách Thiết Xuyên. Sau khi giết chết Phú Quí hội Hà Lăng, Chính Lan định tấn công Chữ gia trang, nhưng trinh sát báo về rằng không còn một bóng người. Ngờ đâu huynh đệ Chữ trang chủ lại qui phục Bạch Liên giáo và trấn giữ Phong Nhân cốc này!
Nhắc lại, lão râu bạc tức Chữ Công Sinh vui vẻ đáp lời người em :
– Tam đệ! Anh em chúng ta chưa kịp khởi nghiệp đã đụng phải gã Hồng Nhất Điểm. Nay Thái Sơn Phủ Quân hùng tâm vạn trượng, tài trí hơn người, trước sau gì cũng tạo dựng được cơ đồ. Lúc ấy, Chữ thị Tứ huynh đệ trở thành Khai Quốc Công Thần, vinh hiển biết bao? Ba em cố nhẫn nại một chút!
Lão quay sang bảo lão mặt đen :
– Nhị đệ ra sau kiểm tra lại thạch lao rồi hẵng ngủ. Hôm nay đến phiên ngươi đấy!
Chữ Nhị Gia gật đầu, đứng lên đi về phía sau. Chính Lan phấn khởi bám theo sát nút. Chàng thấy lão tiến về phía vách đá, hí hoáy mở một cánh cửu bằng gỗ đai sắt. Lão vào trong chỉ một chút rồi trở ra.
Chính Lan chờ lão đi khuất, lướt đến bên cánh cửa, dồn toàn lực vào tiểu kiếm, chặt đứt ổ khóa. Nỗi thương nhớ vợ con rộn rã trong lòng, chàng lướt vào như tia chớp, công lực dồn hết ra song thủ, sẵn sàng giết sạch những kẻ cản đường. Nhưng chẳng có tên ngục tốt nào cả, và trên ổ rơm cuối động có bốn người già đang nằm co quắc dưới ánh đèn dầu leo lét. Họ chính là các trưởng bối của chàng: Tây Thục Nhất Hùng Chu Điện Kiệt, Giang Tô đại hiệp Du Huỳnh và phu thê Tiêu trang chủ! Không thấy vợ con đâu, Chính Lan hơi thất vọng! Vậy là Bạch Liên giáo đã giam họ ở một nơi khác! Xem ra, cơ trí của Thái Sơn Phủ Quân quả là thâm hiểm, đáng mặt gian hùng!
Chính Lan trở ra ngoài, đứng trước cửa thạch lao hú vang dội cả sơn cốc.
Tiếng hú cao vút như muốn trút nỗi căm hờn lên tận trăng vàng.
Bốn lão già họ Chữ và gần trăm tên Bạch Liên giáo hồn phi phách tán, xách vũ khí chạy đến. Chính Lan đã đóng chặt cửa nhà tù, hiên ngang chờ đợi. Dưới ánh đuốc rực rỡ của đối phương, nhãn thần chàng bừng bừng sát khí. Chữ Công Sinh thấy chàng chỉ có một mình, lão hỏi ngay :
– Tiểu tử kia, ngươi là ai và vào đây bằng lối nào vậy?
Chính Lan lạnh lùng buông từng tiếng :
– Ta là Báo Ứng Lang Quân, kẻ đã giết Phi Hoàn Đại Lão và Đào Hoa cung chủ đây! Bọn ngươi mau dọn mình đền tội!
Anh em họ Chữ biến sắc, không hiểu thực hay hư! Họ gầm lên hung dữ, nhất loạt xông vào. Trên tay họ là những cặp búa Lưỡng Nguyệt phủ dài độ năm gang lưỡi mỏng và sắc như dao cạo!
Phép đánh búa đã thất truyền từ lâu, không ngờ anh em họ Chữ lại học được! Chính Lan thấy khí thế đối phương như thác lũ, bốc lên không trung xuất chiêu “Lãng Đả Quần Thạch”. Lưới chưởng nối nhau giáng xuống như sấm sét. Tuyệt kỹ “Nhất Hạc Xung Thiên” đã tạo thế thượng phong cho chàng. Lão già có nốt ruồi trên sống mũi, công lực kém nhất nên không giữ nổi vũ khí, và trúng hai chưởng vào vai hộc máu chết ngay. Hồn của lão chắc mau chóng lên đường đến thăm những kỹ viện ở Trường Sa cho thỏa chí!
Lúc này, bọn Hỏa chân nhân đã vào đến nơi, phóng tay chém giết.
Những đạo chưởng kình đỏ rực thiêu đốt da thịt bọn Bạch Liên giáo, khiến chúng đau đớn kêu khóc vang trời, xem ra, bản lĩnh ba lão Hộ pháp họ Bạch cũng chẳng kém gì Hỏa chân nhân! Chính Lan để bọn họ đối phó với anh em Chữ Công Sinh, còn chàng gọi Thiểm Điện Thần Kiếm và vài người nữa vào thạch lao, cõng tù nhân ra!
Cuối cùng, ba lão họ Chữ và đám giáo đồ Bạch Liên giáo đều bị giết sạch.
Bọn Chính Lan đưu bốn lão nhân về Vu Hồ tĩnh dưỡng. Liễu Thi Mạn cũng đã có mặt ở đây, khóc vùi khi gặp lại Hỏa chân nhân và các trưởng bối! Nàng nhìn Chính Lan bằng cặp mắt ai oán, nghi hoặc, nhưng không nói một lời, chàng cũng quay đi, bỏ về tòa nhà bát giác mà tránh mặt.
Chính Lan ngồi nhìn qua song cửa, ngắm mặt nước mênh mông của Vu Hồ, nhớ đến những người còn đang bị giam cầm. Chàng biết đã đến lúc mình phải thố lộ lai lịch với người thân. Bốn tù nhân kia vừa kiệt lực, vừa tuyệt vọng nên bệnh tình ngày càng xấu đi. Sự xuất hiện của chàng sẽ là liều thuốc hồi xuân đối với họ! Hơn nữa, chàng không còn chịu đựng nổi ánh mắt đau khổ của Thi Mạn nữa!
Chàng đang suy nghĩ miên man thì Hỏa chân nhân bước vào. Ông nhìn chàng chăm chú rồi run rẩy nói :
– Chính Lan, chẳng lẽ ngươi định để bọn ta chết cả rồi mới chịu lộ mặt hay sao?
Giọt lệ già nua hiếm hoi lăn trên gò mà nhăn nheo. Lão nhân cổ quái này đã yêu thương chàng như con ruột của mình! Chính Lan không kiềm nổi niềm xúc động, sụp xuống khóc gọi :
– Lão gia!
Hỏa chân nhân nghe bọn Thi Mạn và Sơn Đông Tử Phòng nêu lên những nghi vấn rằng Báo Ứng Lang Quân có thể là Âu Dương Chính Lan, liền ngẩn người suy nghĩ và linh cảm rằng họ nói đúng. Tính lão nóng như lửa nên tìm đến kiểm tra ngay. Lão biết chàng rất tôn kính, yêu thương mình, tất không dám giấu! Tuy nhiên, khi chàng thừa nhận lão mới hết thấp thỏm! Tây Môn Nhỉ vui mừng khôn xiết, đỡ chàng lên, xiết chặt vào lòng, hạ giọng thì thầm :
– Hài nhi! Ta vẫn không tin rằng ngươi lại vắn số như vậy? Nếu không vì bọn nữ nhân sinh đẻ, bệnh hoạn liên miên thì ta đã đến Vân Mộng sơn, lần xuống Vô Uyên Để tìm ngươi rồi!
Lão nói đến đây thì ở ngoài có tiếng nữ nhân bật khóc, và Liễu Thi Mạn bước vào! Chính Lan gỡ mặt nạ chạy đến ôm nàng. Cả hai khóc vùi, không nhận ra có nhiều người đã bước vào theo Thi Mạn!