Hạ Khánh Dương đã được đệ tử phi báo trước về kết quả trận đánh.
Nghe nói Vân Long đuổi chạy Ma Diện Tú Sĩ, lòng lão vô cùng cao hứng.
Lữ trưởng lão cũng vậy, nên xuống bếp ra tay diệu thủ. Khi bọn Vân Long bước vào Tiền gia trang đã nghe mùi thịt chó thơm lừng.
Đám cao thủ các phái vốn quen chay tịnh nên lẳng lặng bỏ vào hậu viện, không dám ở lại vì sợ ô nhiễm tấm thân tu hành.
Phi Hà cũng thích thú trước mùi quyến rũ ấy bèn hỏi :
– La lão ca, trong bếp nấu gì mà thơm quá vậy?
La trưởng lão gãi đầu đáp :
– À! Đó là thịt dê thôi, nhưng nhờ bàn tay thần kỳ của Lữ trưởng lão nên mới có mùi thơm khác thường như vậy.
Lão nói xong, đưa mắt ra hiệu cho mọi người rồi cười khỏa lấp :
– Hà muội! Hạ lão đại ca đang chờ, chúng ta mau vào trong!
Quả nhiên, Hạ Khánh Dương đang ngồi chờ một mình trước bàn tiệc.
Lão nóng nảy chỉ vào mấy thau nước để sát tường :
– Các ngươi cứ rửa tay tại đây rồi vào bàn ngay, ta sốt ruột lắm rồi!
Bọn Vân Long tuân lệnh. Phi Hà là gái đẹp nên vào trong thay áo rồi mới trở ra. Khi nàng lên đến đã thấy Lữ trưởng lão ngồi bên Bang chủ và trên bàn có thêm mấy dĩa thịt nướng, da vàng ươm trông rất gợn thèm.
Nàng không để ý trong mắt mọi người có chút gì bí ẩn. Ghế bên cạnh Vân Long vẫn còn trống. Nàng hiểu mọi người đã cố ý để lại cho riêng nàng.
Phi Hà e lệ ngồi xuống.
Thần Toán thư sinh ngồi cạnh, liền gắp ngay mấy miếng thịt thơm tho bỏ vào chén Phi Hà.
Hạ bang chủ nâng chén, tươi cười nói :
– Chung này chúc mừng Long đệ đã đánh bại lão Ma Diện đáng ghét.
Cả bàn đồng hô chúc mừng rồi cạn chén.
Họ Hạ lại cầm đũa thúc giục mọi người gắp thức ăn.
Phi Hà cũng nhỏ nhẹ gắp miếng thịt ăn thử, nàng thấy ngon miệng.
Nhưng La Thiên Hùng lại bắt nàng phải ăn thịt này chung với một loại rau và một miếng vàng nhạt giống như gừng. Nàng làm theo lời lão và thấy hương vị càng bội phần đậm đà.
Nàng liếc qua thấy Vân Long cũng rất ưa món này nên mạnh miệng ăn hết chén. Vân Long điềm nhiên gắp thêm cho nàng và bảo :
– Hà muội ăn đi rồi ráng mà cầu khẩn Lữ lão ca dạy cho cách nấu nướng. Sau này ta có thèm nàng sẽ nấu cho ta ăn.
Phi Hà ngoan ngoãn nghe lời ăn hết rồi gắp thêm, cố nắm lấy hương vị của món ăn. Bỗng nhiên nàng ngẩng đầu lên chớp đôi mắt thơ ngây hỏi :
– Long ca! Ở Bắc Kinh có loại dê này không vậy?
Hạ Khánh Dương không nén nổi nữa, ôm bụng bật cười hô hố, cái cười vốn hay lây, những người còn lại cũng cười theo.
Phi Hà ngơ ngác, thẹn thùng vì không biết mình thất thố ở chỗ nào.
Lữ trưởng lão thấy tội nghiệp bèn cười bảo :
– Đây là thịt chó chứ không phải thịt dê.
Phi Hà ở Nga Mi cũng đã quen chay tịnh, chỉ khi xuống núi nàng mới ăn mặn. Nhưng nghe đến thịt chó nàng không khỏi rùng mình, bao nhiêu thức ăn như muốn trào ra khỏi miệng.
Nhưng nàng thà chết chứ không bao giờ để Vân Long thất vọng. Chẳng lẽ chàng thích ăn mà nàng lại tỏ ra ghê tởm hay sao?
Phi Hà cố nén tất cả trở lại, mắt nàng đỏ hoe vì cảm giác nôn nao. Chợt có một bàn tay nóng ấm vỗ nhẹ liên tục vào lưng nàng và giọng Vân Long âu yếm rót vào tai.
– Cố lên Hà muội, đừng làm các lão ca mất vui. Sau này ai sẽ nấu cho ta ăn đây?
Những lời nói dịu dàng, ngọt ngào đó đã tiếp sức cho nàng. Phi Hà không còn cảm thấy khó chịu nữa, nàng cười thẹn thùng phân bua :
– Xin chư vị thứ lỗi, vì quá bất ngờ nên muội không chuẩn bị kịp, thực ra món này rất ngon.
Nói xong, nàng thản nhiên gắp một miếng bỏ vào miệng ăn ngon lành.
Thấy Vân Long gật đầu tỏ vẻ hài lòng, nàng phấn khởi và bắt đầu thực sự thấy ngon miệng.
Hạ Khánh Dương lắc đầu khâm phục :
– Hà muội quả là kỳ nữ tử.
Mọi người đều giơ ngón tay lên khen ngợi.
Độc Cô Thiên ngắm nhìn Phi Hà, chạnh lòng nhớ đến hiền thê.
Lữ trưởng lão rót đầy chén nâng lên mời mọi người uống cạn. Ông cười hỏi Vân Long :
– Long đệ, hôm trước ngươi có nói đến việc đi Miêu Cương, chẳng hay bao giờ sẽ khởi hành?
– Có lẽ đệ phải lên đường thật sớm, vì đại bại trận này Ma Diện bắt buộc phải cầu viện đến Thánh giáo. Nếu đệ đến trễ hơn sứ giả của lão, sẽ khó hòng lung lạc được Độc Thánh.
Chàng biết Phi Hà và Độc Cô Thiên đều muốn tháp tùng nên bảo với họ :
– Miêu Cương là nơi hiểm địa, đầy dẩy sơn lam, chướng khí và độc vật. Ta may mắn được uống Xích Long hoàn nên không e ngại. Vì vậy, ta sẽ đi một mình, hơn nữa lần này, với mục đích thương lượng, không cần phải đi nhiều người, nếu không thành ta cũng đủ sức thoát thân.
Hai người biết ý chàng đã quyết nên không dám nói gì.
Sáng hôm sau, Vân Long nhờ Thần Toán thư sinh gắn cho một hàng râu mép và hóa trang bộ lông lốm đốm của Phong nhi biến thành màu đen bóng.
Chụp chiếc nón rộng vành lên đầu, chàng từ giã mọi người, bắt đầu cuộc hành trình gian khổ vào đất địch. Phi Hà cố nuốt lệ, chờ chàng đi khuất rồi mới ôm mặt chạy vào nhà thổn thức.
Hạ Khánh Dương đã vẽ sơ đồ đường sá nên chàng cũng đỡ bỡ ngỡ.
Chàng vượt sông Dương Tử đi suốt một ngày, đến chiều tối đã tới Phân đà Qúy Châu ở ngoại thành như bao Phân đà khác.
Thấy không có ai để ý, chàng cho ngựa đi thẳng vào cổng. Hai gã khất cái tay cầm gậy trúc nhảy ra cản lại :
– Sao các hạ đường đột cưỡi ngựa vào mà không thông báo?
Vân Long cười mát, xuống ngựa hỏi :
– Phân đà chủ Nghiêm Toàn có đây không?
Nói xong chàng đưa Hắc Trúc lệnh phù ra, hai tên đệ tử kinh hãi nhất tề sụp xuống thi lễ :
– Đệ tử Phân đà Qúy Châu ra mắt trưởng lão. Phân đà chủ đang an giá trong hậu xá.
Vân Long cau mày, nghĩ thầm tên này quả là tắc trách, mới xẩm tối đã say rượu ngủ vùi. Qúy Châu lại là căn cứ địa của Thánh giáo, sao gã lại có thể lơ là phòng vệ, an tâm ăn nhậu như vậy? Vân Long linh cảm ở đây có điều gì khác thường.
Chàng hỏi tiếp :
– Ngoài Nghiêm Toàn, ai là người chức phận cao nhất?
– Kính cáo trưởng lão, còn có Phân đà phó tên gọi Khưu Luân, hiện đang đọc sách trong sảnh đường.
Vân Long nghe nói y đang đọc sách không khỏi hài lòng, chàng bảo :
– Các ngươi âm thầm báo cho Khưu Luân biết ta đang ở tại khách điếm gàn đây nhất. Tối này, dắt theo năm đệ tử đến đó gặp ta. Nếu hai người hở ra cho Nghiêm Toàn biết thì đừng làm đệ tử Cái bang nữa.
Hai tiểu cái biết sự tình nghiêm trọng, thất kinh hồn vía sụp xuống gập đầu :
– Trưởng lão yên tâm, bọn đệ tử nào dám vi phạm bang quy.
Vân Long quay ngựa đi thẳng vào cổng thành, thấy bên đường có một khách điếm nhỏ, sạch sẽ, chàng liền ghé vào.
Chàng tắm rửa thay áo xong chợt nghe có tiếng gõ cửa và giọng người nói nhỏ :
– Đệ tử là Khưu Luân xin được bái kiến trưởng lão.
Chàng khêu tỏ ngọn đèn rồi ra mở cửa, Khưu Luân và năm tên khất cái bước vào. Vân Long xua tay không cho bọn họ hành lễ :
– Bất tất đa lễ, các ngươi cứ ngồi lên ghế. Ta có chuyện muốn hỏi.
Sáu người phụng ý cùng an tọa, đưa mắt nhìn chàng chờ đợi.
Vân Long chăm chú quan sát thấy Khưu Luân mặt mũi đoan chính, tuổi trạc ba mươi, trên người mặc chiếc áo thư sinh vá đầy miếng vá nhưng sạch sẽ. Năm tên còn lại tuổi đã trên dưới sáu mươi, mặt mũi khắc khổ nhưng không có nét gian xảo.
Chàng tin mình nhận xét người không lầm, nên lấy Hắc Trúc Lệnh phù ra đặt trên bàn :
– Các người đầu nhập Cái bang đã nhiều năm, chắc là nhớ rõ bang quy có hình phạt nào dành cho những kẻ phản bang và dối trá thượng cấp chứ? Nay ta chấp chưởng lệnh phù, thay mặt Bang chủ yêu cầu các người nói rõ nội tình của Phân đà Qúy Châu và hành vi của Nghiêm Toàn.
Khưu Luân nghiêm trang bước đến trước lệnh phù, quỳ xuống lạy ba lạy rồi đứng dậy vòng tay thưa :
– Bẩm trưởng lão, đệ tử chờ giây phút này đã lâu. Qúy Châu xa cách Tổng đà gần ba trăm dặm và lại là cứ địa của Thánh giáo nên ít khi Bang chủ và các trưởng lão đến thị sát. Nay có trưởng lão giá lâm, đệ tử xin cáo tường mọi lẽ.
Gã dừng lại lấy hơi rồi nói tiếp :
– Nửa năm nay, Phân đà chủ Nghiêm Toàn thay đổi cách sống, thích ăn ngon mặt đẹp, thường xuyên vào thành uống rượu, nô đùa với kỹ nữ. Bọn đệ tử đem bang quy ra khuyên can thì hắn bảo : Chấp Pháp trưởng lão là cậu ruột của ta, các ngươi đừng phí lời. Bọn đệ tử không biết y lấy đầu ra tiền để phung phí nên rất lo lắng trong lòng. Định mật báo Tổng đà, nhưng chưa kịp thực hiện thì tối nay đã được gặp trưởng lão.
Chàng biết chúng vị thân mà làm ngơ vì sợ hãi Pháp Cái nên chẳng mật báo về.
Vân Long nghiêm mặt hỏi năm tên đệ tử kia :
– Khưu Luân nói vậy có điểm nào sai không?
Bọn chúng đồng thanh xác nhận.
Chàng gật đầu bảo :
– Khưu Luân, ngươi viết ngay tờ cáo trạng rồi cùng ký tên vào. Sáng mai ta sẽ tới Phân đà.
Khưu Luân có biệt hiệu là Cùng Toan Cái nên tinh thông chữ nghĩa, lát sau đã thảo xong rồi cả bọn ký tên vào.
Họ cáo từ trở về Phân đà mà lòng thấp thỏm không yên.
Sáng hôm sau, chàng lên ngựa trở lại Phân đà, dù còn sớm nhưng vì lý do nào đó, đệ tử tụ tập khá đông.
Vân Long điềm nhiên bước vào. Khưu Luân cung kính ra tiếp đón.
Chàng lớn tiếng hỏi :
– Phân đà chủ Nghiêm Toàn đâu?
Khưu Luân chắp tay đáp :
– Bẩm trưởng lão, Phân đà chủ chưa tỉnh giấc.
Vân Long lạnh lùng bảo :
– Vào gọi hắn ra đây!
Chàng ngồi xuống bàn nhìn quanh thấy trụ sở Phân đà xơ xác, tường vôi nứt nẻ, mái dột cột xiêu.
Lát sau, Nghiêm Toàn bước ra, mắt hắn sưng mọng vì trác táng nên dù cố cười cũng chẳng thấy sáng sủa hơn. Hắn quỳ sụp xuống lạy và nói :
– Tiểu điệt Nghiêm Toàn xin ra mắt trưởng lão!
Chàng biết hắn xưng điệt nhi là muốn nhắc nhở chàng quan hệ giữa hắn và Hà Quyết.
Chàng lạnh lùng bảo :
– Ngươi đứng sang một bên, ta có chuyện muốn hỏi.
Vân Long quay sang bảo Khưu Luân :
– Ngươi cho gọi tất cả đệ tử Phân đà ở ngoài sân vào đây!
Họ Khưu tuân lệnh, lát sau, đệ tử Cái bang vào đứng chật cả sảnh đường mà vẫn chưa hết, hình như bọn họ đã ẩn nấp đâu đó, chờ được gọi là có mặt ngay.
Nghiêm Toàn chưa bao giờ thấy đệ tử tập trung đông đến thế nên vô cùng sợ hãi.
Vân Long đưa cao Hắc Trúc Lệnh Phù, trầm giọng quát :
– Đệ tử Cái bang quỳ xuống!
Hơn hai trăm khất cái nhất tề quỳ mọp xuống.
Chàng chậm rãi nói tiếp :
– Ta thay mặt Bang chủ đi thị sát các Phân đà, tối qua nhận được cáo trạng của đệ tử Qúy Châu nên đến đây thẩm xét. Khưu Luân, hãy đọc cáo trạng lên cho mọi người cùng nghe.
Họ Khưu sang sảng đọc lớn, quần cái im lặng uống từng lời của gã.
Khưu Luân đọc xong, tiếng hoan hô nổi lên vang dội.
Vân Long ra hiệu cho họ im lặng rồi hỏi :
– Theo các ngươi thì tội này xử thế nào?
Quần cái đồng thanh thét lên :
– Chém!
Nghiêm Toàn xanh mặt nói lớn :
– Đệ tử sống xa hoa phạm bang quy, xin được về Hình đường trình diện chờ phán quyết. Tội này không đến nỗi phải chém.
Vân Long gật đầu rồi bảo Khưu Luân.
– Ngươi dắt mười người vào phòng riêng của Nghiêm Toàn lục soát.
Nghiêm Toàn chết điếng trong lòng, đảo mắt tìm cách thoát thân.
Lát sau, họ Khưu trở lại với một rương gỗ. Gã mở ra, dưới lớp quần áo là những thỏi bạc lấp lánh và mười tờ ngân phiếu ngàn lạng. Tổng cộng một vạn một ngàn hai trăm lạng có lẻ.
Quần cái ồ lên kinh ngạc. Ngay cả Bang chủ cũng không có được số tài sản riêng nhiều như thế.
Vân Long gằn giọng hỏi Nghiêm Toàn :
– Ngươi giải thích thế nào về số bạc này?
Hắn ủ rũ sụp xuống nói :
– Đệ tử đánh bạc ăn được trong đổ trường Qúy Châu.
Hắn nghĩ đổ trường Qúy Châu đã dẹp tiệm từ ngày Thánh giáo dấy lên nên không sợ bị chàng kiểm tra hư thực.
Khưu Luân cũng nói nhỏ cho chàng biết điều ấy.
Vân Long biết họ Nghiêm gian xảo nên thầm tìm cách lột chân tướng lão. Chàng xem lại mấy tờ ngân phiếu thấy tiêu chí của Đào Ký tiền trang, và trong đống bạc nén còn có lẫn những cục bạc năm phân. Cuối cùng, đằng sau một tờ ngân phiếu, mờ mờ có dấu bốn ngón tay nhưng ngón giữa ngắn hơn ba ngón còn lại.
Chàng đã biết nguồn gốc số bạc nên cơn giận dữ dâng trào. Vân Long quay lại bảo Nghiêm Toàn. Giọng chàng lạnh như băng tuyết :
– Tiểu Lý Đao, ngươi cũng đường đường là một hán tử giang hồ, ta muốn ngươi đem chí khí của một nam nhi ra thử với ta một ván bài. Nghĩa là, nếu ta nói đúng nguồn gốc số tài sản này thì ngươi phải thành thực công nhận. Còn nếu ta sai ta đồng ý cho ngươi tự mình đến trình diện với Hình đường. Ngươi thấy sao?
Nghiêm Toàn mừng thầm trong bụng, hắn đoán chắc Vân Long không thể nào biết được. Nếu thoát được trận này, hắn sẽ cao chạy xa bay. Đã có chủ ý trong lòng nên hắn vững bụng đứng lên đáp :
– Đệ tử xin tuân lệnh!
Quần cái hồi hộp mong đợi. Họ hoài nghi thắng lợi của trưởng lão vì chàng chỉ mới đến hôm qua.
Vân Long chiếu đôi mắt xanh biếc gằn từng tiếng :
– Số bạc này do…. Hồ Phú trao cho ngươi.
Quần cái ồ lên căm phẫn. Nghiêm Toàn giật mình nghe như sét đánh bên tai, hắn run rẩy cố vớt vát :
– Chứng cứ đâu?
Vân Long cười nhạt đổ rương bạc ra giữa sảnh, chàng chọn lấy những cục bạc năm phân đưa lên :
– Đây là bạc mà đệ tử Cái bang đã đóng góp cho Tổng đà, ở đổ trường không có loại bạc vụn này.
Các đệ tử Phân đà gật gù tán đồng.
– Thứ hai, những tờ ngân phiếu này đều mang tiêu chí Đào Ký tiền trang Lạc Dương. Nếu ngươi thắng ở Qúy Châu dứt khoát chúng phải là của Tiền trang Qúy Châu. Thứ ba, các ngươi xem đây….
Chàng liền đưa cao tờ ngân phiếu có dấu tay lên cao, gằn giọng hỏi tiếp :
– Tài Cái Hồ Phú còn gọi là Cửu Chỉ Cái vì hắn cụt một lóng ở ngón giữa bàn tay hữu. Trên lưng tờ ngân phiếu này là dấu bốn ngón tay của Hồ Phú.
Mọi người cảm thấy đã quá đủ, họ gầm lên như muốn xé xác Nghiêm Toàn ra trăm mảnh. Tiểu Lý Đao tuyệt vọng sụp xuống ôm chân Vân Long van lạy :
– Đệ tử xin nhận tội, mong trưởng lão nghĩ tình Hà trưởng lão mà tha tội chết.
Vân Long gật đầu :
– Pháp Cái là lão ca của ta, đương nhiên ta phải nghĩ đến. Ngươi cứ tỏ bày sự thật rồi ta sẽ xem xét.
Nghiêm Toàn mừng rỡ đứng lên khai báo :
– Một hôm, đệ tử đi ngang một quán rượu, mơ hồ nhận ra Hồ Phú đang ngồi trong góc nên bước vào xem thử. Vì đã gặp nhiều lần nên dù hắn có gắn thêm râu giả, đệ tử vẫn đoán chắc được. Hồ Phú biết không thể giấu nên lập tức nói nhỏ: “Trong xe ngựa sau nhà, có một hòm nhỏ đựng một vạn năm trăm ngàn lượng, cứ việc lấy rồi coi như không hề gặp ta”. Đệ tử bị mờ mắt trước lợi lớn nên lấy bạc rồi bỏ qua, không báo cho Tổng đà.
Vân Long hỏi thêm :
– Sau đó, ngươi biết hắn đi đâu không?
Nghiêm Toàn lắc đầu :
– Thưa không rõ, nhưng có lẽ vào Vân Nam.
Chàng bảo Khưu Luân :
– Ngươi thảo tờ cung cho Nghiêm Toàn ký vào.
Vừa tàn nén nhang, Khưu Luân đã thảo xong rồi đưa cho Nghiêm Toàn ký :
Vân Long hướng về quần cái, cao giọng nói rằng :
– Các ngươi đã nghĩ sai cho Chấp Pháp trưởng lão rồi đấy. Hà lão ca là người thiết diện vô tư, một đời cúc cung, tận tụy vì sự nghiệp của Cái bang. Giả như Nghiêm Toàn có là con ruột của Pháp Cái thì hắn cũng không thoát chết. Vì vậy, để làm sáng tỏ thanh danh của Chấp Pháp trưởng lão và để môn hộ Cái bang được trong sạch, ta xử họ Nghiêm tội chết.
Toàn bộ đệ tử Phân đà gầm lên :
– Chết!
Bỗng từ trong tay áo họ Nghiêm bắn ra một vệt sáng, hướng vào hậu tâm Vân Long. Bản thân chàng cũng không ngờ hắn dám làm như vậy nên không chút đề phòng. Nhưng Vô Cực Kiếm đã ngân nhẹ báo nguy.
Trong sát na ấy, chàng thần tốc rút kiếm, ngọn tiểu đao bị chém gãy làm đôi và đầu Nghiêm Toàn cũng rời khỏi cổ. Chàng tra kiếm vào vỏ lúc nào chẳng ai thấy cả.
Mọi người thở phào, Vân Long thản nhiên bảo :
– Ta thấy mặt Bang chủ, cử Khưu Luân tạm quyền giữ chức Phân đà chủ Phân đà Qúy Châu. Sau này, hội đồng trưởng lão sẽ xem xét rồi có văn bản công nhận.
Cùng Toan Cái Khưu Luân quỳ xuống tạ ơn. Chàng bảo hắn :
– Ngươi lập tức phái hai đệ tử đem tờ cung về Tiền gia trang bên kia sông Dương Tử, Bang chủ hiện đang ở đó. Số bạc này dùng để sửa sang lại Phân đà và xây thêm một y xá để chăm sóc những đệ tử già yếu bệnh hoạn. Bản thân ta cũng tặng thêm năm ngàn lượng.
Quần cái vô cùng cảm kích, đồng quỳ xuống tạ ơn.
Vân Long từ giã đệ tử Phân đà, lên đường vào đất Miêu.
* * * * *
Miêu Cương là tên gọi của một vùng rừng thiêng nước độc, nằm giữa ranh giới ba tỉnh Qúy Châu, Quảng Tây và Vân Nam. Từ hàng trăn năm nay, đất Miêu vẫn do người Miêu tự cai trị lấy. Họ vẫn tiến cống triều đình hàng trăm năm nay nhưng không cần một vị quan lại người Hán nào cả. Tổng đốc Vân Qúy cũng chẳng bao giờ dám đến đấy kinh lý. Chỉ cần họ yên phận không làm loạn chống lại triều đình là đã quá đủ rồi.
Đất Miêu không phân chia quyền lực theo hệ thống châu, huyện. Mà chỉ có mười tám động chúa nắm quyền trị vì trong lãnh thổ của mình.
Thường gọi chung là Miêu Cương Thập Bát Động.
Tùy theo bài trí về thực lực, động chúa nào hơn hẳn sẽ được tôn làm Miêu chúa. Được toàn dân Miêu tôn thờ.
Vân Long đã được Thần Toán thư sinh chỉ giáo một số kiến văn như thế. Chàng cũng được biết Miêu Cương Độc Thánh Miêu Cửu như là Miêu chúa đương kim. Ông ta tuổi đã quá thất tuần, chuyên nghề sai khiến độc vật và dụng độc. Không hiểu gặp kỳ tích gì mà võ công lại cao thâm đến mức bình thủ với Ma Diện Tú Sĩ.
Chàng là người nghệ cao, mật lớn, dù biết nguy cơ giăng đầy vẫn thản nhiên giục ngựa vào đất Nam hoang. Thực ra, phong cảnh vùng này cũng rất xinh đẹp, cái đẹp hoang sơ, nguyên thủy. Khí hậu nóng ấm, nhiều mưa nên cây cối tốt tươi. Những khu rừng già rậm rạp, bãi cỏ xanh rờn.
Nếu không có làn chướng khí ẩn hiện và những đầm lầy độc vật thì đất Miêu cũng đáng để chiêm ngưỡng.
Vân Long không biết tiếng Miêu, chàng chỉ mong gặp được người biết tiếng Hán để hỏi thăm. Nhưng đã vào sâu hàng chục dặm mà vẫn không thấy bóng một ai, ngay cả giáo đồ Thánh giáo cũng không.
Hai bên đường là những hàng cổ thụ cao to, râm mát nên chàng lột nón ra và bật cười giật phăng bộ râu mép giả.
Trên đường thỉnh thoảng có độc xà bò ngang. Phong nhi không hề sợ hãi phóng qua luôn. Tiếng chim rừng ríu rít, tiếng vượn hú vang vang không đủ để xóa tan cảnh tĩnh mịch của rừng thiêng. Lát sau, trước mặt chàng là một ngã ba. Vân Long lưỡng lự rồi chọn đường mòn bên phải.
Đi được vài dặm, thấy đường càng lúc càng hẹp lại, chàng biết mình đã lầm. Nhưng nhìn xa xa thấy có làn khói trắng, chàng mừng rỡ thúc ngựa tiến lên, may ra gặp người để hỏi thăm.
Nhưng chỉ được nửa dặm thì con đường chấm dứt. Trước mặt chàng hiện ra một khoảng rừng thưa, bên trong có căn thảo xá nằm trên bãi cỏ xanh rì. Chung quanh là những bụi hoa rừng nhiều màu sắc. Giữa sân, một lò lửa đang hừng hực hun nóng chiếc nồi đồng đậy kín. Làn khói mà chàng thấy lúc nãy tỏa ra từ đây.
Vân Long không thấy ai nên xuống ngựa, dùng Vô Cực kiếm gạt những cành cây để bước vào. Chàng đi gần đến cạnh bãi cỏ chợt nghe bảo kiếm ngân nhẹ biết có nguy hiểm nên Vân Long rút kiếm nhanh như điện chớp. Chàng biết mình đã chém đứt một cái gì đó rất mềm mại, những giọt máu bắn đầy mặt. Vân Long thoáng nghe mùi tanh nồng rồi ngã xuống mê man bất tỉnh.
Phong nhi là linh vật, thấy chàng gục xuống liền bứt dây, tuôn qua gai góc, đến bên đưa chiếc mũi vào ngực chàng. Không thấy chủ nhân động đậy, nó ngửa cổ hí vang.
Trong thảo xá một thiếu nữ mặc Miêu trang nghe động chạy ra. Tóc nàng vẫn còn ướt đẫm, có lẽ vừa tắm xong. Da nàng trắng như bạch ngọc, khuôn mặt đầy những vết rỗ lỗ chỗ như đáy rỗ.
Thiếu nữ chạy nhanh đến bên tuấn mã, nhìn thấy nó đang dùng răng kéo áo, cố lay gọi xác một thiếu niên trong tay còn cầm bảo kiếm. Trên mặt chàng lốm đốm đầy những vết máu và có mùi tanh kỳ lạ phảng phất trong không khí. Thiếu nữ đưa mặt nhìn quanh, thấy trên một cành cây cao hơn đầu người một chút, có thân độc xà treo lủng lẳng, đầu rắn không còn.
Nàng chăm chú quan sát độc xà rồi lắc đầu thở dài định quay người bước đi. Nhưng Phong nhi đã đưa chiếc đầu to lớn ra cản lại. Nó hí nho nhỏ, đôi mặt to tròn như muốn khẩn cầu nàng giúp đỡ.
Thiếu nữ thấy thanh bảo kiếm phản chiếu ánh dương quang, nàng tò mò gỡ kiếm ra khỏi những ngón tay lỏng lẻo của thiếu niên. Nàng cũng là người học kiếm nên say mê ngắm nghía. Chợt đôi nhãn quang sắc bén của nàng phát hiện được gần chuôi kiếm có ba chữ nhỏ như đầu kim : Vô Cực Kiếm.
Thiếu nữ thảng thốt giật mình đứng lặng, rồi cắn răng nàng bế chàng trai lạ kia vào thảo xá. Phong nhi lặng lẽ đi theo.
Nàng đặt Vân Long xuống giường tre rồi trở ra, thấy Phong nhi đang đứng trước cửa, bồn chồn gõ hai vó xuống nền đất, nàng vuốt ve nó và nói :
– Ngươi là một con ngựa rất tốt, cứ yên tâm kiếm cỏ ăn, ta hứa sẽ cứu chủ nhân của ngươi sống lại.
Phong nhi có vẻ yên tâm, nó bước ra bãi cỏ bắt đầu ăn. Thiếu nữ mặt rỗ nhìn theo mỉm cười, rảo bước đến chỗ lúc nãy, cẩn thận gỡ độc xà mang vào. Nàng lấy hai viên thuốc nhỏ màu đen nhét vào lỗ mũi…. (thiếu trang)…. ngạc nhiên. Hình như dân Miêu đang đi dự một cuộc lễ hội nào đó, nơi họ đến cũng cùng hướng với chàng. Nếu tâm tư không quá sầu muộn, ắt chàng đã nhận ra họ rất chú ý đến miếng bạc có hoa văn mà Miêu Hoa Diện đã gắn trên trán Phong nhi để làm đẹp cho tuấn mã.
Thêm vài dặm nữa đã thấy một bãi cỏ thênh thang tập trung rất nhiều người, vòng ngoài có những dũng sĩ Miêu tộc cầm đao đứng gác. Chàng xuống ngựa lại gần đưa bái thiếp bảo với họ :
– Tại hạ muốn được bái kiến Miêu chúa, xin tráng sĩ mang thiếp này vào thông báo dùm.
Gã thấy chàng là người Hán nên định hạch sách nhưng chợt liếc thấy Phong nhi liền đổi thái độ, cung kính nói bằng tiếng Hán, dù trọ trẹ nhưng vẫn hiểu được :
– Không dám, xin công tử chờ một lát.
Hắn sốt sắng chạy như bay vào căn lều cuối bãi. Lát sau, một Miêu nhân tuổi trạc lục tuần, khuôn mặt sáng sủa ra đến. Lão nói tiếng Hán rất đúng giọng :
– Kính thỉnh Tiêu công tử vào trong dự hội, lát nữa cúng tế xong, Miêu chúa sẽ tiếp đãi công tử.
Chàng trao cương ngựa cho một tên dũng sĩ rồi theo lão già bước vào, cuối khoảng đất là một chiếc lều rất lớn, trong có bày mười tám chiếc bàn thấp, chiếc bàn ở sát vách lều dài và cao hơn.
Sau mỗi bàn là một người Miêu trang phục rất đẹp. Chàng phán đoán họ là các Động chủ. Bàn dài có lẽ là bàn Miêu chúa Độc Thánh. Lại có một Miêu nữ vô cùng diễm lệ. Trên đầu nàng có một vòng hoa rừng ôm lấy mái tóc dài buông xõa, càng làm tôn vẻ rạng rỡ của khuôn mặt đẹp.
Nàng dịu dàng nở nụ cười tươi, đứng dậy mời :
– Thỉnh công tử an tọa, gia phụ sắp tế xong sẽ ra ngay.
Chàng vòng tay cảm tạ mỹ nhân rồi ngồi xuống. Nữ nhân Miêu tộc vốn dạn dĩ hơn Hán tộc nên nàng gợi chuyện rất tự nhiên :
– Tiện nữ tên gọi Miêu Ngọc Yến, vì là con gái của Miêu chúa nên dân Miêu thường gọi là Thánh nữ. Nhưng chỉ xin Tiêu công tử gọi bằng hai tiếng Yến muội là đủ rồi.
Tiếng Hán của nàng rất lưu loát, nói năng đúng mẹo luật và quy củ. Lời nói tự nhiên mà không suồng sã. Chàng vội vòng tay nói :
– Tại hạ chỉ là kẻ áo vải ở Trung Nguyên, dám đâu mạo phạm đến Thánh nữ.
Cuộc tế lễ đã xong, Độc Thánh trở lại lều còn đám người Miêu thì nhảy múa, ca hát.
Thấy Miêu chúa bước vào, mọi người đều đứng dậy đón chào. Lão cười rồi đến bàn mình ngồi xuống giữa Vân Long và Thánh nữ. Chàng lặng lẽ quan sát thấy ông ta tuổi trạc thất tuần, người cao gầy, rắn chắc, mặt mũi đoan chính không có vẻ tà ác.
Độc Thánh nhìn chàng cười hỏi :
– Chẳng hay Tiêu công tử vào chốn thâm sơn cùng cốc này có mục đích gì?
Các Động chủ đưa mắt đợi chàng trả lời. Vân Long đứng dậy vòng tay nói :
– Kính chào Miêu chúa và các Động chủ tôn kính. Tại hạ vì sự tồn vong của võ lâm và sinh linh các tính Trung Nguyên, đến đây xin thương lượng với các vị một việc.
Độc Thánh gật đầu bảo :
– Công tử cứ nói thẳng ra, mười tám người chúng ta là đại diện của toàn thể Miêu nhân vùng Vân Quý.
Vân Long nói tiếp :
– Thiên Ma giáo đã ôm dã tâm thôn tính võ lâm Trung Nguyên rồi cướp ngôi Hoàng đế. Nếu để lão thực hiện ý đồ thì sẽ có biết bao sinh linh phải khóc than. Cảnh thanh bình của đất nước sẽ không còn. Tại hạ ngưỡng mong chư vị cắt đứt liên minh với Thiên Ma giáo để cảnh lầm than, tang tóc không còn phủ lên đầu những người Miêu hiền lành, chất phác.
Các Động chủ thì thầm bàn tán, Miêu chúa trầm ngâm rồi hỏi lại :
– Sao công tử biết Ma Diện Tú Sĩ định làm kẻ đại nghịch, soán đoạt ngôi vua?
Chàng mỉm cười nói :
– Chắc là Ma Diện không hề thố lộ ý định này cho chư vị biết. Nhưng trong ngày lễ khai đàn lập giáo, lão đã mặc long bào để ra mắt võ lâm.
Một Động chủ xác nhận :
– Công tử nói chẳng sai, một bằng hữu người Hán của ta cũng đã kể lại như vậy.
Độc Thánh tỏ vẻ băn khoăn :
– Nhưng số vàng năm vạn lượng đang trên đường chở tới đây. Hơn nữa, chúng ta lại đang rất cần vàng bạc để mua sắm nông cụ và lương thực cho Miêu tộc. Năm nay sâu bệnh phá hại mùa màng, không thu hoạch được bao nhiêu.
Vân Long nghiêm trang bảo :
– Nếu quả thật Miêu tộc vùng Vân Qúy đang bị nạn đói đe dọa, tại hạ xin kính tặng mười vạn lượng vàng để cứu tế.
Các chủ động lại xôn xao, họ có vẻ cao hứng, chỉ có Miêu Ngọc Yến luôn luôn dửng dưng. Nàng lặng lẽ đưa cặp mắt đẹp ngắm nhìn chàng.
Miêu Cương Độc Thánh tư lự rồi cao giọng bảo :
– Tiêu công tử quả là hào phóng. Nhưng vấn đề không phải chỉ có vậy. Người Hán có câu Quân vương nhất nặc thiên kim. Ta tuy không phải là vua nhưng cũng là chúa tể một vùng, nếu vì ham lợi mà lật lọng thì thiên hạ sẽ chê cười. Nhưng nếu chúng ta trở thành người nhà với nhau thì không còn ai dám dị nghị nữa.
Lão nói xong mỉm cười bí ẩn. Vân Long không hiểu nên hỏi lại :
– Tại hạ chưa hiểu ý Miêu chúa.
Độc Thánh chỉ Thánh nữ :
– Ta thấy công tử khí phách anh hùng nên muốn đem Ngọc Yến gả cho công tử. Nếu ngươi trở thành phò mã của Miêu tộc, thì chuyện liên minh với Ma Diện coi như không có.
Vân Long sửng sốt vì không ngờ lại có chuyện oái ăm này. Lòng chàng đang rầu rĩ về chuyện Miêu Hoa Diện bỏ đi nên không còn tâm trí đâu mà tán thưởng nhan sắc của Thánh nữ. Chàng tìm cách thoái thác :
– Tại hạ rất cảm kích lòng ưu ái của Miêu chúa. Nhưng rất tiếc, tại hạ đã có gia thất, mà lại có những bốn người.
Độc Thánh cười vang :
– Hay công tử chê con gái ta là người Miêu nên tìm cách chối từ?
Vân Long nghe trong tiếng cười có ý giận dữ. Chàng vội vòng tay thưa :
– Miêu tộc và Hán tộc đã cùng tồn tại trên mảnh đất Trung Hoa đã mấy ngàn năm. Vì phong tục, tập quán có khác nên phân biệt chứ thực ra tất cả đều là người Trung Quốc. Trong bốn người vợ của tại hạ cũng có một người thuộc dòng Miêu tộc.
Một Động chủ tỏ vẻ nghi ngờ bảo rằng :
– Ta e công tử nói không thật. Vì nếu một Miêu nữ nào lấy chồng người Hán đều phải công bố cho toàn dân Miêu được rõ. Chẳng hay Miêu nữ ấy là ai?
Vân Long đáp :
– Tại hạ và nàng mới gá nghĩa phu thê được mấy ngày nên có lẽ nàng chưa kịp thông báo theo đúng tập tục của người Miêu. Nàng tên là Miêu Hoa Diện vốn là một lang trung.
Miêu chúa cướp lời bảo :
– Có phải đó là một con bé mặt mũi xấu xí, rổ chằng rổ chịt không? Nếu công tử định đặt một nữ nhân dung nhan kỳ dị như vậy ngang hàng với Thánh nữ ta e không xứng. Hôn ước giữa nàng ta và công tử chưa được thông báo rộng rãi, có thể coi như không có.
Miêu Ngọc Yến chăm chú nhìn chàng như mong đợi câu trả lời. Vân Long khẳnh khái thưa rằng :
– Miêu Hoa Diện dù dung mạo bị tàn phá nhưng cốt cách thanh kỳ, lòng dạ nhân từ, trí tuệ tinh minh. Tại hạ thực lòng yêu thương nàng tha thiết, sao lại có thể bỏ được. Nếu Miêu chúa chấp nhận hôn ước giữa Miêu Hoa Diện và tại hạ, thì kẻ hèn này xin ngỏ lời cầu hôn Thánh nữ.
Miêu Ngọc Yến bỗng xen vào, nàng nghiêm nghị hỏi :
– Nếu phụ thân ta không đồng ý thì công tử sẽ tính sao?
Vân Long đáp ngay :
– Dù cuộc thương lượng này thất bại, tại hạ vẫn đại diện nhân dân Hán tộc ở Trung Nguyên, kính tặng mười vạn lượng vàng để giúp đỡ Miêu tộc vùng Vân Qúy qua cơn hoạn nạn. Còn việc xóa bỏ liên minh với Thiên Ma giáo tùy chư vị quyết định, không hề ràng buộc. Tại hạ chỉ xin phép được ở lại vài ngày để đến Vạn Xà đàm đón hiền thê rồi lập tức rời đất Miêu.
Độc Thánh vỗ bàn cười ha hả như vô cùng cao hứng. Lão đứng dậy, bước đến đặt hai tay lên vai chàng rồi khen :
– Công tử quả là người đại nhân, đại nghĩa lại rất mực chung tình. Ta rất mừng có được một phò mã như công tử. Ngươi khỏi phải đi Vạn Xà đàm, ta sẽ cho ngươi được kết hôn với cả Miêu Hoa Diện và Thánh nữ.
Các Động chủ cũng hoan hỉ tán dương. Vân Long nhìn ra sau lưng Độc Thánh thấy Ngọc Yến bỏ vào trong. Lát sau, Miêu Hoa Diện bước ra.
Chàng mừng rỡ chạy đến ôm chặt vào lòng, thủ thỉ bên tai :
– Nàng coi Vân Long này là người như thế nào mà lại nỡ bỏ đi? Bây giờ nàng đã tin rằng ta thực sự yêu nàng rồi chứ?
Nói xong, chàng chợt nhớ mình đang đứng trước biết bao nhiêu cặp mắt quan chiêu, bèn buông Miêu nữ ra, lùi lại. Chàng say đắm nhìn nàng và một tia sáng lóe lên trong tâm trí. Miêu Hoa Diện hôm nay mặt trang phục giống hệt như Ngọc Yến, trên đầu nàng cũng có vòng hoa rực rỡ.
Vân Long rú lên :
– Thì ra nàng chính là Miêu Ngọc Yến.
Độc Thánh và các Động chủ nhất loạt vỗ tay tán thưởng. Miêu Hoa Diện đưa tay lột bỏ lớp da mặt xấu xí, lộ ra dung nhan thiên kiều, bá mỵ của Thánh nữ.
Độc Thánh cười khà khà hỏi :
– Sao, bây giờ ngươi có chịu cưới con gái ta chưa?
Vân Long đỏ mặt, quỳ xuống lạy :
– Nhạc phụ đại nhân, tiểu tế xin ra mắt!
Như được thông báo, tiếng cồng chiêng ngoài kia đột nhiên vang lên ầm ỷ, đám dân Miêu vui mừng hét lên những câu khó hiểu. Thánh nữ biết chàng thắc mắc nên thỏ thẻ :
– Tướng công, họ đang chúc mừng chúng ta đấy!
Nàng thẹn thùng mặt đỏ bừng lên, Vân Long vỗ đầu tự trách :
– Ta còn ngốc hơn cả Tả Kiếm nữa, nàng đeo mặt nạ da người nên dù xấu hổ mặt cũng chẳng bao giờ đỏ đầu. Thế mà ta chẳng nhận ra.
Các Động chủ lần lượt đến chúc tụng. Cũng có người không biết tiếng Hán nên Miêu Ngọc Yến phải dịch lại cho chàng hiểu.
Miêu chúa nói :
– Bây giờ hai con hãy ra ngoài kẻo mọi người trông đợi. Nhân ngày hội này, ta sẽ tổ chức lễ cưới để Miêu tộc thêm phần vui vẻ.
Ông đi trước, dẫn tân nương và tân lang ra bãi trống trước lều. Các Động chủ cũng nối gót theo sau. Độc Thánh vận công tuyên bố, giọng ông sang sảng, át cả tiếng ồn ào của hàng ngàn người Miêu đang cười nói :
– Hôm nay là ngày hội lớn của Miêu tộc và cũng là ngày ta chọn được rể quý. Xin mời tất cả mọi người hãy ở lại để cùng ta vui say ba ngày nhân đám cưới của Thánh nữ.
Mùa màng đã thu hoạch xong, người Miêu đang rảnh rang không có gì làm nên vô cùng phấn khởi. Họ hoan hô nhiệt liệt và bắt đầu nhảy múa.
Hàng trăm người kéo nhau đi bắt trâu, bò, gà vịt để làm thịt. Những ché rượu to, trên miệng cắm những cần dài làm bằng thân sậy được khiêng ra để rãi rác khắp sân. Những chiếc chiếu hoa sặc sỡ đủ màu trải quanh ché rượu. Trên bãi cỏ bên ngoài, vũ hội vẫn tiếp tục, tiếng mõ, tiếng chiêng cồng hòa với tiếng hát tạo nên cảnh nhộn nhịp phi thường.
Mười tám chiếc bàn trong lều cũng đã được đưa ra. Bàn giữa là của Độc Thánh và cô dâu, chú rể. Thời tiết đang ở vào mùa mưa nên trời u ám, nhưng những tia nắng le lói trên cao báo hiệu một ngày khô ráo.
Trước dãy bàn của các thủ lĩnh vẫn còn một khoảnh đất trống, không trải chiếu. Vân Long hỏi thì Ngọc Yến nói rằng :
– Đó là nơi mà lát nữa tướng công phải trổ tài thần dũng. Vì toàn dân Miêu biết thiếp đã thề chỉ lấy người nào giỏi võ công hơn mình. Ờ đây, ngoài phụ thân ra, không ai có thể thắng được thiếp.
Độc Thánh bỗng quay sang hỏi chàng :
– Này hiền tế, võ công của ngươi so với Ma Diện Tú Sĩ thì thế nào?
Vân Long không dám nói dối nhạc phụ nên đáp :
– Bẩm nhạc phụ, tiểu tế mấy hôm trước có đấu với lão bên bờ sông Dương Tử, may mà thắng được nửa chiêu.
Đôc Thánh và các Động chủ kinh hãi :
– Không ngờ! Không ngờ! Chẳng hay lệnh sư là ai?
Chàng không tiện nhắc đến Huyền Hạc thượng nhân và Không Thiên Hương thần tăng nên cung kính đáp :
– Tiểu tế học nghệ của nhiều phái nhưng vị sư phụ cuối cùng là Vô Cực Tẩu.
Độc Thánh cười khà khà :
– Lý thú thật, quả nhiên sư phụ ta nói không sai. Vô Cực Tẩu còn tại thế. Phải chăng lệnh sư đã đi Đông Hải cách đây hơn một tháng?
Vân Long ngạc nhiên vì chuyện này ngoài chàng không ai biết cả. Ngọc Yến thấy vẻ ngơ ngác của lang quân nên giải thích :
– Sư tổ thiếp là Linh Xà Miêu Quân, tuổi tác hơn trăm, cũng đã đi Đông Hải vào thời gian ấy nên gia phụ đoán ra. Hơn nữa, trước khi đi sư tổ có nhắc đến Vô Cực Tẩu lão tiền bối.
Các Động chủ cũng tham gia, hỏi chàng về cục diện giang hồ và diễn biến trong thời gian qua. Chàng nhất nhất trình bày dã tâm cũng như hậu vận tất bại của Ma Diện.
Độc Thánh trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu nói :
– Hiền tế còn chưa biết một điều. Sư phụ của Ma Diện là Thiên Ma Yêu Lão vẫn còn sống và vô cùng lợi hại. Hai năm trước, lão yêu đến thăm sư phụ ta cố biểu diễn công phu Thiên Ma chỉ pháp, cách không bắn thủng vách đá hơn một tấc. Nếu lão nghe nói ngươi là đệ tử Vô Cực Tẩu, tất nhiên sẽ xuất hiện. Ngày xưa, lão yêu đã từng bị trọng thương dưới kiếm của lệnh sư. Trừ Linh Xà Miêu Quân và Vô Cực Tẩu, không ai có thể khống chế được Thiên Ma Yêu lão. Ta rất lo lắng cho hiền tế và võ lâm Trung Nguyên.
Vân Long nghe Độc Thánh nói không khỏi phiền não :
– Rất tiếc là hai vị ấy đã đi Đông hải, không biết khi nào sẽ trở lại. Bản thân tiểu tế thì công lực không đủ, khó mà đương cự nổi. Nhưng bậc trượng phu chỉ biết tận tâm, tận lực. Chuyện tử sinh phó mặc cho mệnh trời xoay chuyển.
Độc Thánh cười vang :
– Đại nghĩa diệt thân, hiền tế quả là nam tử trong thiên hạ. Ta sẽ giao đám độc vật linh thông của mình cho Ngọc Yến để giúp ngươi chống cự với lão yêu. Thiên Ma chỉ dù lợi hại cũng phải lúng túng trước độc kỹ của người Miêu.
Vân Long vui mừng vái tạ.
Thức ăn người Miêu không cầu kỳ nên nấu rất nhanh, chỉ đến trưa là yến tiệc đã sẵn sàng, mọi người đã ngồi vào chiếu, chờ lệnh của Miêu chúa là cầm đũa.
Độc Thánh đứng lên, nâng cao chung rượu nói bằng tiếng Miêu :
– Người Miêu chúng ta không chuộng lễ nghi phiền phức. Các ngươi cứ tự nhiên ăn uống để chung vui cùng ta và chúc phúc cho cô dâu chú rể.
Nói là cầm đũa chứ thực ra họ dùng tay để bốc thức ăn. Ngọc Yến sợ chàng coi thường dân Miêu nên khẽ nói :
– Thói quen bao đời khó mà bỏ được ngay. Nhưng thiếp đã bắt họ phải rửa tay thật sạch trước khi ăn. Nhờ vậy những loại bệnh đường ruột đã giảm đi rất nhiều.
Vân Long âu yếm nói :
– Nàng quả là Thánh nữ của dân Miêu vậy.
Ngọc Yến thấy tia mắt chàng say đắm, thẹn thùng nhớ đến những lúc ân ái mặn nồng, mặt nàng đỏ như gấc chín. Nhan sắc nàng còn có phần mặn mà quyến rũ hơn ba người vợ Hán của Vân Long.
Hai người đang mơ màng bỗng giật mình vì câu hỏi của Độc Thánh :
– Theo tục lệ người Miêu, hiền tế phải tặng kỷ vật cho tân nương. Ngược lại, ta cũng phải tặng cho ngươi một báu vật.
Ngọc Yến lấy nhuyễn kiếm ra dâng lên cho Miêu chúa. Ông đón lấy, vận công khiến thanh kiếm vươn thẳng ra, tỏa ánh hào quang rực rỡ. Mọi người trầm trồ chiêm ngưỡng. Độc Thánh hài lòng bảo :
– Thần vật này hiếm có trên đời, Yến nhi quả là tốt phúc.
Ông nói xong, đưa tay lên đầu, gỡ sợi dây vàng quấn quanh búi tóc, nghiêm trang quấn vào búi tóc chàng và nói :
– Đây là con linh xà mà sư phụ ta đã để lại trước ngày vân du Đông Hải. Nó tên gọi là Kim Tuyến xà nhi, tuổi đã gần trăm năm, không sợ bảo kiếm chưởng phong, tính tình linh thông. Có nó trong người, không ai có thể ám toán được ngươi. Khi nhận lệnh lập tức bay ra tấn công. Ta mong rằng Xà nhi sẽ giúp ngươi một tay để chống quần ma.
Lão nói xong liền ghé tai truyền cho chàng một số ám hiệu quan trọng để điều khiển linh xà.
Vân Long được linh vật vô cùng mừng rỡ. Chàng võ công cao siêu nhưng qua một lần thoát chết bởi cú đớp âm thầm của dâm xà, nên hiểu rằng ám tiễn khó phòng. Chàng vái tạ Độc Thánh :
– Tiểu tế đội ơn nhạc phụ đã ban linh vật!
Lão cười bảo :
– Xà nhi rất thông minh, nó đã biết ngươi là chủ mới ắt một lòng tuân phục dù ngươi có nói bằng tiếng Hán nó cũng vẫn nghe được.
Xà nhi bèn rít lên như để chứng tỏ mình hiểu rõ. Thân nó vàng óng ánh không khác gì một sợi dây trang sức, khiến Vân Long càng thêm anh tuấn.
Hôn lễ kéo dài suốt ba ngày đêm, ai say cứ say, ai còn uống được cứ uống. Chàng không đếm được mình đã uống bao nhiêu chén, và cũng không nhớ rằng mình đã dùng thần công đập nát tảng đá to bằng cái trống lớn trước sự cổ vũ của dân Miêu.
Nửa đêm tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong vòng tay trắng muốt của Ngọc Yến, chàng mỉm cười xoay người qua vuốt ve nàng rồi cả hai chìm trong hoan lạc. Đến gần sáng chàng mới chịu rời xa thân hình tuyệt mỹ kia. Ngọc Yến thẹn thùng nói :
– Tướng công đã uống mật dâm xà, cũng may chàng có đến bốn vợ, nếu chỉ một mình thiếp e không kham nổi.
Vân Long cũng thấy tinh lực mình vẫn xung mãn không hề suy giảm nên hài lòng nói đùa :
– Cũng may ta được kỳ trân hỗ trợ, nếu không chắc chẳng cách nào sống nổi với bốn bà vợ như nàng.
Hai người cười nói, âu yếm một hồi rồi thiếp đi.
Trong ba ngày đó, Ngọc Yến đã kể hết cho Vân Long nghe lai lịch của nàng.
Độc Thánh hiếm muộn, đến tuổi ngủ tuần mới sinh được nàng nên vô cùng yêu quý. Sư phụ Độc Thánh là Linh Xà Miêu Quân cưng chiều nàng nhưng ngọc quý, đích thân truyền dạy võ công. Năm Ngọc Yến mười tám tuổi, có rất nhiều dũng sĩ người Miêu đến cầu hôn. Nhưng không người nào chịu được nàng ba chiêu Linh Xà kiếm pháp. Hơn nữa, Linh Xà Miêu Quân và Độc Thánh đều là những người tinh thông văn hóa Trung Nguyên, thường đem văn thơ, lễ nghĩa của người Hán ra dạy bảo, nên nàng cảm thấy xa lạ với những chàng trai Miêu thô mãng cục mịch. Đến khi nàng đã hai mươi tuổi mà chưa kén được lang quân, trong lòng không khỏi u sầu. Linh Xà Miêu Quân hiểu được nên một hôm trao cho nàng một cuốn sách, trong đó có tờ giấy ghi sáu chữ sau : Phùng Vô Cực, đắc lang quân. Nàng không hiểu hỏi lại thì ông lắc đầu không nói rõ, chỉ bảo rằng “Yến nhi đừng lo, trượng phu của ngươi sau này là đệ nhất nam tử của thế gian”. Từ đó, nàng không sầu muộn nữa, hóa trang thành xấu xí, chuyên tâm hái thuốc, luyện đan để cứu giúp dân Miêu. Lúc gặp chàng ngộ nạn, thấy Vô Cực kiếm biết rằng tơ duyên đã đến nên không ngần ngại hiến dâng. Nhưng trong lòng không khỏi áy náy vì chuyện thi ân cầu duyên nên bỏ đi thử xem lòng dạ chàng thế nào.
Vân Long nghe xong cười khà khà bảo :
– Thế mà ta lại thích Miêu Hoa Diệu hơn nàng đấy.
Ngọc Yến xấu hổ cắn nhẹ vào vai chàng.
Sáng ngày thứ tư, hai người lên đường trở lại Trung Nguyên. Đi theo họ là hai Miêu nữ trạc tuổi hai mươi, dung mạo dễ coi nhưng lại khá cao lớn.
Trên vai ngoài bọc hành trang, mỗi người còn mang theo một túi lớn đầy độc vật. Vân Long trao cho nhạc phụ mười tờ ngân phiếu một ngàn lạng vàng rồi lạy tạ cáo từ. Bốn người đều mặc Hán phục nhưng đi đến đâu cũng được dân Miêu nhận ra và cúi đầu chào.