Thẩm Nguyên Thông tuy tinh thông võ nghệ nhưng vẫn chỉ là một thiếu niên tuổi vừa mười sáu, ngày thường ở nhà được ông và cha mẹ nuông chiều quen thói, nên không thể biết lòng người nham hiểm, đường đời gian truân, khuất khúc như thế nào, lần đầu tiên giã biệt gia đình để dấn bước vào giang hồ. Nguyên Thông cảm thấy mình như con chim lạc mẹ. Thiên hạ bao la, biết đi đâu mà tìm kiếm kẻ thù? Muốn hỏi, biết ai thật tâm chỉ đường dẫn lối. Chàng phiêu bạt chân mây cuối trời đã nửa năm mà vẫn chưa tìm được manh mối gì. Kết quả chưa đạt nhưng nửa năm phiêu lưu đã giúp Nguyên Thông càng ngày càng thêm khôn ngoan quả cảm và thấy xa hiểu rộng về chuyện đời.
Một hôm cảm thấy việc dò hỏi tung tích Nam Minh Nhất Kiếm La Cống Bắc quả thực là khó khăn, chàng bỗng nghĩ ra một phương pháp đặc biệt và oái ăm. Chàng liền mua một miếng vải trắng, vẽ một thanh kiếm như hình cái Ly Hỏa Lệnh của La Cống Bắc, nhưng lại vẽ thanh kiếm đó bị một que tre đánh gãy làm đôi! Rồi chàng cắt miếng vải như lá phướn, và vác lá phướn đó đi rêu rao khắp đô thị này đến thị trấn khác. Mưu kế của Nguyên Thông thật là khéo léo. Cây phướn với hình vẻ bao hàm sự nhục mạ một quái kiệt như La Cống Bắc được rêu rao không bao lâu, đã gây nên nhiều tiếng đồn to nhỏ khắp nơi.
Một bữa Nguyên Thông tay trái giơ cây phướn lên, vừa đi ra đến cửa lữ điếm đã thấy nhiều cặp mắt chăm chú nhìn mình với vẻ vừa lo ngại vừa kinh ngạc. Chàng đi không đầy một trăm trượng đã có một đại hán vạm vỡ tuổi chừng ba mươi, bước mau đến vỗ vai chàng. Đại hán cười gượng gạo hỏi:
– Chú con cầm cây phướn đi rêu rao như vậy là có ý gì?
Hình như chỉ chờ cơ hội này. Nguyên Thông làm bộ kiêu ngạo dùng một giọng rất khó nghe để trả lời:
– Anh là ai mà dám hỏi tôi như vậy?
Đại hán vạm vỡ kia có lẽ không phải là người quen to tiếng giữa đường, nên nghe Nguyên Thông hỏi như vậy cứ đứng ngẩn người ra không biết trả lời sao cho phải. Nguyên Thông đã định tâm hỏi dò bằng cách khích bác và gây sự, lại nữa lửa hận thù cha đang bốc lên rừng rực, chàng bỏ hết cả lễ phép, trợn mắt và dùng một lối nói khiêu khích ra mặt:
– Anh kia, anh hãy vái lạy tiểu hiệp ba lạy rồi tiểu hiệp sẽ cho biết nguyên do. Hỏi khơi khơi, ai mà thèm nói chuyện.
Dù là bụt đất mà gặp kẻ ít tuổi nói năng như vậy cũng không sao nhịn được. Quả nhiên, người nọ trợn tròn đôi mắt hổ lên, đôi ngươi tia ra hai luồng ánh sáng đồng thời giơ bàn tay to như hộ pháp lên một cách tức giận.
Nguyên Thông thấy vậy cười nhạt một tiếng. Lạ thật, đại hán kia đang hùng hổ như thế thấy chàng cười, bỗng mất hết oai phong đi thẳng.
Người đó thật ra chẳng phải kẻ vô danh. Đó là một đệ tử ưu tú của phái Võ Đang, họ Trần tên Kỳ Tuấn, được liệt vào đệ tứ kiếm trong Võ Đang thất kiếm, Võ công của y cũng khá cao, nên đã được xem là một tay cừ khôi trong giới giang hồ trẻ tuổi. Nhưng người ấy là người chính phái hiểu biết lý lẽ, nên rất hòa nhã, đoan trang. Bởi vậy khi thấy Nguyên Thông có thái độ bướng bỉnh, tuy rất bực mình nhưng thấy Nguyên Thông nghi biểu không khác một Kim Đồng. Kỳ Tuấn suy nghĩ lại, không muốn đem uy danh của mình đã trấn động giang hồ bấy lâu nay để đàn áp một đứa bé. Chàng ta bỏ đi không phải vì sợ, mà chỉ vì lý lẽ.
Nhưng Nguyên Thông đã định tâm sinh sự nên khi nào chịu để yên cho người nọ lẳng lặng quay đi. Chàng liền quát lớn:
– Hỡi gả kia, làm lỡ việc của ta mà sao bỏ đi một cách dễ dàng như thế được!
Nói xong, Nguyên Thông phóng mình lên ngăn cản lối đi của Kỳ Tuấn.
Lúc ấy người đi đường thấy thân pháp của chàng nhanh như vậy, ai nấy đều khen ngợi trầm trồ.
Kỳ Tuấn không sao nhịn được, liền quát hỏi:
– Thằng nhỏ muốn chết phải không?
Nguyên Thông ung dung đáp, vẫn với vọng khiêu khích:
– Bất cứ ngươi hỏi hay không hỏi gì nữa, đều phải vái lạy ta một lạy, rồi đi thóat được!
Thấy chàng bướng bỉnh như vậy. Kỳ Tuấn giận lắm đã toan ra tay cảnh cáo. Nhưng lúc ấy, người hiếu kỳ đi tới càng lúc càng đông. Kỳ Tuấn sợ mất oai danh của mình, nên vội nói nhỏ:
Có chuyện gì chúng ta ra ngoài thành nói thì hơn. Ở đây đông người bất tiện.
Nguyên Thông đã có ý định khiêu khích nên chàng cười ha hả mà bảo:
Nếu ở chỗ không người, thì dù có người lạy ta một nghìn lạy cũng không ai hay biết gì hết.
Kỳ Tuấn tức muốn nổ lồng ngực ra được. Lúc này, y không còn nghĩ đến thanh danh của sư môn và địa vị của mình trên giang hồ nữa, liền giơ tay phải lên nhắm mặt Nguyên Thông, vừa đánh vừa quát bảo:
– Ta phải cho tiểu tử này một bài học mới được.
Y mới dùng hai phần nội lực thôi, và khi phát chưởng ra, lại thâu lại một thành, nhưng thủ pháp của phái Võ Đang vẫn khét tiếng thiên hạ, vừa nhanh, vừa mạnh, vừa đúng hết sức.
Nguyên Thông kêu “ủa” một tiếng rất khẻ và nghĩ thầm:
– Quả thiệt y có một chút võ công!
Lòng hiếu thắng của Nguyên Thông càng được kích thích, chàng liền cắm ngay cây phướn xuống đất, rồi quay tay lại, nhắm cổ tay Kỳ Tuấn mà nắm lấy.
Trong thấy thủ pháp của Nguyên Thông có vẻ tầm thường. Kỳ Tuấn liền trầm tay xuống để tránh nhưng anh ta lại không sao tránh thóat được năm ngón tay nhỏ nhắn của Nguyên Thông, anh ta cảm thấy trong người lạnh ngắt và thấy cổ tay tê tái sức lực bỗng biến mất hết.
Nguyên Thông bật cười, liền lôi và xoay một vòng thì toàn thân Kỳ Tuấn đã tựa như một cái chong chóng bị quăng đi ba trượng. Lúc Kỳ Tuấn đứng lại được thì hai chân bỗng mềm nhũn quỳ chân xuống không sao cưỡng lại được. Trong Kỳ Tuấn lúc ấy rõ là cử chỉ của một người đang quì lạy vậy.
Kỳ Tuấn vốn là người có công lực khá cao siêu ngờ đâu khi chạm trán với Nguyên Thông chàng không thể nào tự chủ được. Một người có danh vọng trên giang hồ như Kỳ Tuấn mà nay trước mặt đám đông người lại phải qùy lạy một thiếu niên vô danh thì còn gì nhục nhã cho bằng. Mà muốn chống lại thì không sao chống được. Nhưng ngay lúc ấy trong đám đông bỗng có một bóng người nhảy vào giơ song chưởng ra đánh luôn một thế, liền có một luồng mãnh khí vô hình đỡ ngay Kỳ Tuấn lên, nhờ vậy Kỳ Tuấn mới không bị qùy hẳn xuống.
Kỳ Tuấn đứng thẳng dậy được nhưng đã mất hết hồn vía vội lùi ngay lại phía sau một bước. Lúc này y mới biết Nguyên Thông tuy nhỏ tuổi mà cực kỳ lợi hại.
Trong khi đó, người vừa nhảy ra tay cứu Kỳ Tuấn, ngắm Nguyên Thông một hồi rồi cười ha hả.
Nguyên Thông mắt nhìn người vừa nhảy vào can thiệp, thấy người ấy có bộ mặt dài như mặt ngựa và vàng khè, đôi lông mày vừa trắng vừa dài hơn tấc thòng xuống hai bên gò má, mũi to và đỏ, cằm nhọn. Chàng liền sực nghĩ đến một lão quái nổi danh, cùng thời với ông nội mình. Nhưng lúc này, Nguyên Thông đã nổi khùng lên rồi, không cần dè dặt gì nữa. Chàng liền sầm nét mặt lại hỏi:
– Họ Lý kia, ngươi muốn can thiệp vào việc của tiểu hiệp phải không?
Ông già nọ có vẻ ngạc nhiên, nhưng lại cười ha hả và nói:
– Lão tưởng người đời quên Trường Mi Tiểu Sát Lý Tử Đông này rồi, ai dè bây giờ mi lại còn nhớ đến tên ta. Thôi thì ta không thèm để ý đến việc này nữa cho êm.
Nói xong ông ta định quay đi. Ngờ đâu Nguyên Thông như kẹo mạch nha vậy hể dính vào thì không làm sao rời ra được. Chàng cười nhạt một tiếng nói tiếp:
– Ông già không muốn để ý nữa cũng không được vì đã muộn rồi.
Lý Tử Đông xưa nay là một người rất kỳ lạ, bình sinh ông ta chỉ tha cho người chứ chưa hề nhờ vả một ai hết.
Lúc này thấy bộ mặt Nguyên Thông như vậy ông chỉ càng tức cười thêm. Liền chỉ Kỳ Tuấn mà nói:
– Tiểu tử đã biết lai lịch của lão rồi, chẳng lẽ mi lại không biết người này là môn hạ của ai?
Nguyên Thông đáp:
– Đầu óc của kẻ hậu sinh này không chứa những tên vô danh ấy.
Nghe lời nói và nhìn bộ tịch của Nguyên Thông như vậy. Lý Tử Đồng gật gù mà bảo:
– Chắc ngươi định tâm gây hấn gì đó thôi. Nhưng thế nào ngươi cũng sẽ được biết y là ai, khỏi cần gây hấn nữa.
Nguyên Thông dùng giọng mũi kêu “ừ” một tiếng rồi trả lời tiếp:
– Tiểu sinh khỏi cần biết y là ai, ai biểu y trêu người ta trước.
Lúc ấy Kỳ Tuấn đã hoàn hồn, và cũng nghĩ ra Lý Tử Đông là ai nên chạy lại vái chào:
– Cảm tạ tiền bối, đã ra tay cứu giúp. Chỉ vì chú em này đã nhục mạ đến La tiền bối cho nên bắt buộc tiểu bối phải can thiệp vào.
Nguyên Thông nghe nói đến la lão (tức La Cống Bắc) khấp khởi mừng thầm, nhưng đứng yên chờ ông họ Lý đối đáp như thế nào.
Quả nhiên Tử Đông đã trợn ngược đôi lông mày dài lên, nói với Kỳ Tuấn rằng:
– Ngươi là đệ tử của phái Võ Đang, biết trọng cao danh của La Cống Bắc vậy là rất đúng.
Nguyên Thông đảo ngược đôi ngươi mấy vòng. Chàng đã xác định cứ theo dõi người phái Võ Đang này, thì thế nào cũng hỏi ra được tung tích của La Cống Bắc. Nghĩ như vậy thì lòng thương bị chết thảm lại rộn lên.
Tử Đông lại quay lại nói với Nguyên Thông:
– Nhỏ kia, có dụng tâm gì, mau nói cho lão già nghe thử?
Nguyên Thông nghiêm nét mặt đáp:
– Tôi chỉ cần biết La Cống Bắc hiện giờ đang ở nơi nào?
Tử Đông lại quay lại hỏi Kỳ Tuấn:
– Phái Võ Đang của ngươi chắc phải biết La Cống Bắc ở đâu chứ?
Kỳ Tuấn cung kính đáp:
– Từ khi La lão tiền bối quy ẩn đến giờ vẫn thường đi lại với Ti Hư Cửu, sư tổ của chúng tôi, mà hành tung của Cử sư tổ lại bất thường đi đây đi đó luôn luôn, tiểu bối cùng các môn đệ quả thực không biết tung tích của La lão tiền bối ở đâu hết.
Tử Đông lại hỏi Nguyên Thông:
– Ngươi kiếm lão già họ La làm chi?
Nguyên Thông hơi cau mày đáp:
– Ông là người vai về trong giang hồ, có nên vô duyên vô cớ mà vặn hỏi ta như thế không nhỉ?
Tử Đông thấy chàng ta hỏi như vậy không sao trả lời được liền gượng cười mà nói:
– Với ai, chứ với ngươi thì lão phu phải nhận mình là xui thực. Lão quyết không hỏi lai lịch của ngươi nữa, mà lão chỉ muốn giúp ngươi điều tra ra chỗ ở của lão già họ La thôi.
Kỳ Tuấn cũng đến gần nói Nguyên Thông:
– Tài ba của tiểu đệ không được tinh xảo, nhưng đến canh ba đem nay vẫn xin mời thiếu hiệp giá lâm đến Thể Hà Vọng Nguyệt Đình để được chỉ giáo.
Nói xong Kỳ Tuấn liền vái Tử Đông một lạy rồi cúi đầu chui vào đám đông mà đi mất.
Kỳ Tuấn đi khỏi, Nguyên Thông ngẩng mặt lên với vẻ ngây thơ nói với ông già Lý Tử Đông:
– Bây giờ tiểu bối mới xin gọi lão tiền bối là Lý gia gia để lão tiền bối nhức óc nghĩ ngợi một phen.
Tử Đông nghe chàng gọi mình như vậy, ngạc nhiên vô cùng, đứng ngẩn người ra nghĩ ngợi. Lúc nhìn lại thì hình bóng của Nguyên Thông đã biến đi mất dạng.
Thì ra Nguyên Thông đang nóng lòng với cuộc hẹn ước của Kỳ Tuấn. Chàng chỉ mong cảnh cáo phái Võ Đang một phen để khiêu khích La Cống Bắc phải ra mặt. Vì vậy, chàng mới vội vàng phóng bước đi luôn sau khi gọi Lý Tử Đông là Lý gia gia.
Chẳng mấy lúc đã tới canh ba. Mặt trăng tà tà sau một mớp mây xám. Trên Vọng Nguyệt Đình ở núi Thể Hà tại Kim Lăng có bảy người tụ họp. Bảy người đó là Võ Đang thất kiếm. Từ khi họ ra đời đến nay tiếng tăm lừng lẫy, bảy người liên tay với nhau, ít có người địch nổi. Trong bọn có ba người đạo sĩ đội mão vàng là Thủ kiếm Ti Trần, Nhị kiếm Tĩnh Trần, Tam kiếm Diễn Trần. Cả ba đều từ ba mươi tuổi đến bốn mươi tuổi.
Hai đại hán ăn mặc võ phục là Tứ kiếm Kỳ Tuấn, Ngũ kiếm Lý Văn Khanh tuổi ngoài đôi mươi. Ngoài ra còn người thư sinh mặc áo xanh tuổi chừng hai mươi lăm hai mươi sáu là Lục kiếm Chung Do, người mặc áo lam tuổi chừng hai mươi bốn hai mươi lăm là Thất kiếm Hà Trạch Long, bảy người cùng là đệ tử của người chưởng môn phái Võ Đang. Người nào người nấy khí phách hiên ngang võ nghệ tinh thông, văn tài lão luyện. Tất cả đều là con nhà nề nếp nên cử chỉ thanh nhã luôn luôn giữ cử chỉ ôn hoà. Lúc này kẻ đối nguyệt ngâm nga, người tựa cành thông nghe nước chảy. Trông tựa như cảnh tượng trúc lâm thất hiền người ta thường thấy trong tranh.
Đang lúc bốn bề yên lặng như tờ, đột nhiên có một tiếng rú nhỏ mà chói lói từ xa rót vào tai bảy người. Họ đều rùng mình lo ngại và ngẩng mặt nhìn nhau. Ai nấy linh cảm đêm nay sẽ dữ nhiều lành ít. Tiếng rú đó chưa ngớt thì Nguyên Thông đã phi thân tới và đứng xuống mặt đất rồi.
Tối nay, khí thế của chàng khác hẳn hôm trước, vừa ra vẻ tuấn nhã lại vừa uy dũng, lưng đeo một vật thật dài bọc vải, tay trái cầm cây phướn trắng, chàng hất hàm hỏi Kỳ Tuấn:
– Các bạn ngươi đã đến đủ chưa?
Ti Trần Đạo Nhân nhã nhặn tiến lên đáp:
– Bảy anh em chúng tôi chờ tiểu hiệp đã lâu rồi.
Nguyên Thông tỏ vẻ kiêu ngạo không chào ai hỏi sang chuyện khác:
– Thân phận các người trong Võ Đang thế nào?
Thất kiếm Hà Trạch Long nghe hỏi như vậy tức điên ruột, lên tiếng đáp:
– Bảy anh em ta đây chỉ là Võ Đang Thất kiếm thôi.
Nói xong y giới thiệu từng người một cho Nguyên Thông biết.
Tiếng tăm của Võ Đang thất kiếm trên giang hồ không phải là nhỏ, nhưng Nguyên Thông có biết ai đâu nên nghe Trạch Long giới thiệu xong vẫn thản nhiên không coi họ vào đâu hết. Bảy anh em Thất kiếm thấy cử chỉ khinh miệt của đối phương lấy làm khó chịu.
Ti Trần đạo nhân cố nén giận ôn tồn nói:
– Tứ đệ tôi muốn mời tiểu hiệp đến hỏi cho biết tiểu hiệp đem cây phướn đi với mục đích gì?
Nguyên Thông tay trái đang cầm cây phướn trắng liền giơ lên phất một cái, cau đôi mày lại lộ sát khí, lạnh lùng đáp:
– Tiểu gia giương phướn đánh giặc, không xúc phạm gì đến quí phái, chẳng lẽ các vị muốn lấy uy danh của Võ Đang mà can thiệp vào việc riên của tiểu gia chăng?
Nghe câu trả lời vô lễ, bốn người đạo sĩ cùng trợn ngược đôi lông mày và cất tiếng cười nhạt. Chỉ có ba đạo sĩ đã từng trải nhiều, tuy giận mà mặt chỉ biến sắc một chút lại bình tĩnh như thường.
Ti Trần đạo nhân nghiêm nét mặt đáp:
qúy Nam Minh Nhất Kiếm La lão tiền bối oai danh trấn thiên hạ từ ba mươi năm trước là người chính trực quang minh lỗi lạc, chưa hề làm một việc gì thất đức. Người cùng nổi danh với Bạch Phát Tiên Ông Thẩm lão tiền bối, được người trên giang hồ gọi là Võ Lâm Song Thánh. La lão tiền bối xuất thân tại Võ Đang, nói trắng ra ông ngang vai sư tổ của anh em tôi cho nên chúng tôi mới phải mạo muội thỉnh giáo tiểu hiệp xem tại sao tiểu hiệp làm như vậy?
Thì ra Nam Minh Nhất kiếm La Cống Bắc năm xưa là đệ tử của phái Võ Đang, nhờ có thể chất đặc biệt nên đã được một vị tiền bối kỳ hiệp yêu mến. Vị kỳ hiệp đ1o đã ba lần lên núi Võ Đang yêu cầu người Chưởng môn lúc ấy của phái Võ Đang nhường La Cống Bắc cho mình, để truyền võ công cho chàng. Người Chưởng môn phái Võ Đang cũng nhận thấy giữ La Cống Bắc ở lại sẽ làm cho chàng thiệt thòi nên cho phép Cống Bắc được đi học thêm võ ngoài. Sau khi học thành tài, Cống Bắc nhớ ơn sâu của người Chưởng môn phái Võ Đang, nên hết sức phù trợ. Đã có mấy lần phái Võ Đang gần sụp đổ đều được La Cống Bắc đến cứu viện.
La Cống Bắc tuy không còn là đệ tử của Võ Đang, nhưng tình nghĩa thâm hậu, nên các đệ tử Võ Đang đều coi vị tiền bối đó như là sư trưởng của mình.
Nguyên Thông đưa mắt quan sát bộ đứng của bảy người, thấy ai nấy đều có vẻ ung dung như tự tin vào tài nghệ của họ lắm, chàng khấp khởi mừng thầm, bụng bảo dạ phen này may ra mình được thử vài môn tuyệt kỹ. Liền nghiêm sắc mặt tiếp tục khiêu khích:
– Tiểu gia vốn có thói quen, trước khi nói chuyện với ai, cần biết xem kẻ ấy có tài cán gì đáng để nói chuyện không đã. Các người nếu thuộc loại môn đồ La Cống Bắc thì ta tưởng chưa đủ tư cách nói chuyện với tiểu gia.
Ti Trần đạo nhân là người thận trọng, nghe như vậy liền không dám khinh thường Nguyên Thông. Ông ta bình tỉnh đáp:
– Thôi được! Có bề nào cũng chẳng phải lỗi bọn ta.
Lão đạo sĩ nói dứt lời liền ra hiệu cho sáu người kia bố trí thành trận Thất tinh kiếm. Vì luyện tập tinh thông nên cử chỉ và động tác của Võ Đang Thất kiếm rất đều, mọi người đều đưa tay phải về phía sau rút thanh trường kiếm đang đeo trên lưng ra. Nhưng bọn họ chưa kịp rút kiếm khỏi bao đã nghe Nguyên Thông hét lớn:
– Đánh!
Nguyên Thông giơ hai tay lên, mười ngón tay cùng búng ra một lúc sử dụng Vô Thanh chỉ (chỉ lực không có tiếng động) tuyệt kỹ của ông ngoại chàng truyền cho. Môn Vô Thanh chỉ lực này rất kỳ lạ, Võ Đang Thất kiếm chưa trông thấy ai sử dụng bao giờ và cũng chưa hề nghe thấy ai nói tới. Cả mấy tay cao thủ tuyệt mức của phái Võ Đang thấy Nguyên Thông sử dụng pho chỉ lực này cũng phải giật mình kinh hỏang. Nhưng chưa kịp xoay trở Võ Đang Thất kiếm bị chỉ lực của Nguyên Thông tấn công nhanh như chớp người nào người nấy đều bị kềm chế đứng đờ ra như bảy pho tượng.
Liền đó Nguyên Thông chạy quanh bảy người một vòng vung tay sang hai bên tước luôn khí giới của bảy kẻ địch. Võ Đang Nhất kiếm đã bị điểm trúng yếu huyệt đứng đờ như đá, thấy đối phương tước khí giới mà không sao chống lại được, nên người nào người nấy tức giận đến hai mắt đổ lửa, Nguyên Thông cười nhạt nói:
– Tài nghệ của các ngươi té ra chỉ có thế thôi ư?
Nói xong, chàng giơ thẳng hai tay khẻ rung một cái bảy thanh kiếm thén liền bị nội lực của chàng làm cho thanh nào thanh nấy gãy mũi và mũi kiếm nào cũng gãy đúng một tấc không hơn không kém. Thợ lò rèn dùng thước đo mà chặt cũng chỉ đến thế thôi. Chấn gãy bãy mũi kiếm xong, Nguyên Thng lại ném mạnh một cái bảy thanh trường kiếm đó hóa thành bảy đạo bạch quang nhắm bảy đạo sĩ phi tới.
Võ Đang Thất kiếm thấy địch thủ lao kiếm tới, muốn chống đỡ hay tránh né đều không được, đành nhắm mắt lại chờ chết.
Lúc ấy có người núp trong bóng tối trông thấy chỉ thở dài chịu bó tay chứ không sao nhảy ra cứu viện kịp.
Bỗng keng, keng, keng… mấy đạo bạch quang đều lướt qua tay phải của bảy đạo sĩ rồi chúc đầu xuống, cắm cả vào bao kiếm, như có người cầm cắm vào trong bao vậy.
Võ Đang Thất kiếm tuy chưa bị mất đầu nhưng thua một cách ê chề nhục nhã khiến họ còn đau đớn hơn là bị đâm chém.
Nguyên Thông liền đưa mười ngón tay ra giải huyệt cho Võ Đang Thất kiếm, rồi bảo:
– La Cống Bắc còn chui trong xó không chịu thò mặt ra thì đừng có trách thiếu gia thất lễ với phái Võ Đang của các người đấy!
Võ Đang Thất kiếm được đối phương giải huyệt chân tay cử động được như thường. Tuy trong lòng uất ức, nhưng biết sức mình không địch nổi đối phương không ai dám đòi tái chiến nữa. Ti Trần đạo nhân lên tiếng hỏi:
– Xin tiểu hiệp cho biết danh hiệu để anh em bần đạo tiện về chuyển báo?
Nguyên Thông chỉ tay vào lá phướn trắng ở trên cây trả lời rằng:
– Có lá phướn kia làm biểu hiện cho ta cũng đủ, các ngươi còn hỏi tên tuổi ta làm chi?
Võ Đang Thất kiếm đồng thanh rú lên một tiếng nghe rất bi đát, rồi bảy người cùng quay mình nhảy nhót mấy cái đã mất dạng.
Lúc ấy Nguyên Thông mới quay đầu lại, nhìn vào trong bóng tối lạnh lùng hỏi:
– Thế nào, ba người xem đã chán mắt chưa?