Tích Tố tỏ vẻ không vui đưa mắt nhình về phía có tiếng nói. Thì ra người đó là một thiếu phụ rất đẹp, tuổi ngoài ba mươi ở sau bình phong bước ra vẻ mặt lạnh lùng và hờn giận.
Kiếm Bình vội nghênh đón thiếu phụ và gọi người đó bằng chị.
Trong Cổ Hoài sơn trang, ngoài trang chủ Khổng Kiếm Bình ra lại còn có một người chị tên là Khổng Ngọc Châu, biệt hiệu là Ngọc Phiến Tiên Cơ và một người em gái tên là Khổng Ngọc Hoàn, biệt hiệu là Thái Hoà Tiên Tử.
Người đàn bà đẹp vừa nói kháy ấy chính là Ngọc Phiến Tiên Cơ Khổng Ngọc Châu, nàng ta tuy đẹp như hoa nở nhưng tính tình rất cương ngạnh, nàng thấy dùng Bích Hồng bảo kiếm, một trong bốn tứ đại danh kiếm của thiên hạ đổi lấy cây sáo ngọc tía mà Tích Tố lại không bằng lòng, mới lên tiếng nói như trên.
Ngọc Châu hỏi Tích Tố rằng:
– Cô nương nhận thấy Bích Hồng bảo kiếm có cái gì không bằng được cây sáo ngọc tía của cô nương.
Tích Tố cau mày lại tuy trong lòng không vui, nhưng nàng vẫn làm ra vẻ thản nhiên và cung kính đáp:
– Bích Hồng bảo kiếm là một võ khí rất quý báu trong võ lâm, cây sáo ngọc tía của tiểu bối so sánh làm sao được, nhưng vì sáo này của Đường lão tiền bối nên tiểu bối không thể thấy lợi mà quên ân nghĩa được.
Ngọc Châu cười nhạt hai tiếng rồi trả lời:
– Không dám thấy lợi vong nghĩa! Cô nương có biết trước khi cái sáo này vào tay Tỷ Diệm Thần Ma, chủ nhân của nó là ai không?
Tích Tố rất thuộc các điển cổ, thấy Ngọc Châu nói như vậy không nghĩ ngợi gì liền nói ngay:
– Bảy mươi năm trước Đường lão tiền bối xuống núi hành hiệp được cây sáo này ở trong tay của Thần Tiêu Kiếm Khách Cổ Động.
Ngọc Châu lại dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng và hỏi lại:
– Tỷ Diệm Thần Ma Đường Toại ra tay cướp cây sáo này bằng thủ đoạn thiếu quang minh lỗi lạc…
Tích Tố biết cây sáo này là do Đường Toại cướp của Thần Tiêu Kiếm Khách, cũng vì thế mà Thần Tiêu Kiếm Khách phải rút lui ra giang hồ nên nàng đỏ bừng hai má vội hỏi:
– Đó là chuyện dĩ vãng rồi, chúng ta không nên đem ra nói làm chi nữa.
Ngọc Châu với giọng càng khó nghe hơn hỏi tiếp:
– Cô nương có biết Thần Tiêu Kiếm Khách Cổ Động với Cổ Hoài sơn trang này có liên can gì không?
Tích Tố là người rất thông minh đoán chị em Ngọc Châu với Thần Tiêu Kiếm Khách có liên can đây. Nàng thấy lời ăn lẽ nói đã hơn được sáu bảy thành rồi, vì thế nàng lại phải cẩn thận thêm:
– Tiểu bối ngu xuẩn không biết rõ câu chuyện đó, mong tiền bối chỉ giúp cho.
– Thần Tiêu Kiếm Khách Cổ Động là ngoại tổ phụ của bổn trang.
Tích Tố nghe nói thất kinh kêu ủa một tiếng rồi nàng ngơ ngác nhìn thẳng vào Ngọc Châu, Ngọc Châu lại nói tiếp:
– Gia tổ mẫu là ái nữ của Thần Tiêu Kiếm Khách, bây giờ do hậu bối của ông ta đòi lại cây sáo ngọc của cô nương, như vậy cô nương có thể cự tuyệt được không?
Lời nói của nàng ta lý do rất cứng khiến Tích Tố không sao trả lời được.
Ngọc Châu thấy Tích Tố không trả lời được, nóng lòng nói tiếp:
– Nếu cô nương là người biết điều thì ngoan ngoãn trao trả cây sáo ngọc tía cho chúng ta. Bổn trang quyết không nuốt lời hứa vẫn trao bảo kiếm Bích Hồng cho cô nương.
Tuy Tích Tố tính rất hoà thuận, nhưng nàng không phải là người nhút nhát. Nàng đã có lòng định trao trả cây sáo ngọc cho Cổ Hoài sơn trang nhưng thấy đối phương có thái độ ngang ngạnh thì nàng làm sao chịu cho nổi. Đồng thời nàng lại nghĩ ra được một điều là vật báu của thiên hạ chỉ người có đức mới giữ được thôi. Tỷ Diệm Thần Ma giữ được cây sáo này hơn bảy mươi năm không phải là người vô duyên. Hơn nữa trước Thần Tiêu Kiếm Khách Cổ Động tất nhiên cây sáo này còn có chủ khác, vậy sao những hậu bối của chủ đó không lên tiếng như Ngọc Châu vừa rồi để cướp lại cây sáo này? Cứ thế mà suy tính sáo này của ai và ai nên giữ, quả thực là một nghi vấn?
Vì vậy nàng nhận thấy cái sáo này không nên trao trả cho Cổ Hoài sơn trang nữa. Lời nói của Ngọc Châu tuy có lý do thực, nhưng gần như có ý định uy hiếp người, nàng bèn lên tiếng:
– Sáo này ở trong tay Đường lão tiền bối hơn bảy mươi năm, người trong võ lâm ai ai cũng công nhận là vật của Đường lão tiền bối, tại sao lúc ấy trong quý trang không thấy ai ra mặt lấy lại cây sáo này của Đường lão tiền bối. Ngày hôm nay quý vị lại dẫn tiểu bối đến bảo trang nói như vậy, có phải quý vị cho tiểu bối mới bước chân vào giang hồ dễ hà hiếp phải không?
Lời nói của nàng rất nghiêm nghị và nặng như núi Thái Sơn.
Ngọc Châu khi nào chịu nhịn liền quát:
– Bổn trang lấy vật trao đổi, đã đối đãi bằng lễ trước rồi chứ không phải ỷ thế gì cả. Nếu cô nương không để lại cây sáo ngọc này thì đừng có hòng ra khỏi cửa trang một bước.
Tích Tố cũng rút sáo ra giận dữ đáp:
– Tiền bối là chủ nhân của cây sáo ngọc tía này, nếu giữ không nổi cây sáo này thì sẽ tự nhận là mình kém đức, quý trang có thủ đoạn gì thì cứ việc giở ra đi.
Kiếm Bình tuổi đã ngoài ba mươi mà chưa kết hôn thấy Tích Tố nổi giận trông càng đẹp, y đem lòng yêu mến nên không muốn làm to chuyện vội xen lời nói:
– Chị cả, cho phép tiểu đệ nói rõ nỗi khổ tâm của chúng ta cho La tiểu thư hay đã.
Ngọc Châu lườm Kiếm Bình một cái tỏ vẻ khinh thị đáp:
– Bích Hồng bảo kiếm là vật kỳ báu của thiên hạ mà còn không đổi lấy được một câu “ừ” của y thị. Hiền đệ đừng có tốn công hơi sức mà làm giảm mất danh tiếng của bà đi. bây giờ do hiền đệ ra tay trước đánh bại con nhãi này bắt trói lấy nó rồi hãy nói chuyện.
Kiếm Bình tuy là trang chủ của Cổ Hoài sơn trang nhưng thực ra lúc nào cũng phải sợ người chị. Y không dám trái lời chị nhưng không dám xúc phạm vào người mình yêu mến nên y khó xử hết sức, liền nhìn Tích Tố với tầm mắt khẩn khoản mong nàng nhận lời cho.
Tích Tố cũng biết ý nghĩ của Kiếm Bình nhưng nàng đã có Ngọc Thông rồi thì tất cả đàn ông trên thiên hạ lúc ấy nàng coi như cục đất mà thôi, đồng thời nàng đang tức giận Ngọc Châu và cũng muốn để cho đối phương nếm mùi những thế sáo mình mới học. Vì thế nàng dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng rồi trợn ngược đôi lông mày lên đáp:
– Cây sáo ngọc tía này bằng lòng lãnh giáo những thế võ cao siêu của hai vị.
Lời nói của nàng rõ ràng là thách thức hai chị em Ngọc Châu cùng đấu với mình một lúc. Kiếm Bình đã lãnh giáo qua khinh công của Tích Tố. Biết công lực của nàng rất cao siêu, còn Ngọc Châu chỉ có thấy nàng ngông cuồng nên nàng ta nổi giận nói:
– Nhị đệ, được La tiểu thư nể mặt như vậy, chúng ta không nên trái ý.
Nói xong, nàng xông lên đứng cạnh Tích Tố chừng ba thước.
Tích Tố vẫn đứng yên lấy thế đợi chờ, Kiếm Bình bất đắc dĩ đành phải rút cây sáo bạc đã làm cho mình nổi danh ra.
Ngọc Châu múa tít cái quạt trông rất oai phong.
Mọi người thấy trận đại chiến này khó mà tránh khỏi. Không ngờ lúc ấy ở sau bình phong lại có một thiếu nữ tuổi trạc đôi mươi chạy ra lớn tiếng nói:
– Anh chị cậy mình người nhiều hiếp ít mà đấu như vậy không sợ mất tiếng Cổ Hoài sơn trang hay sao?
Kiếm Bình thở nhẹ một tiếng thâu cây sáo bạc lại. Thật là một vật trị một vật, Ngọc Châu tính tuy nóng nảy nhưng lại nể người em là Ngọc Hoàn. Nàng đang giận dữ thấy Ngọc Hoàn ra đã tươi cười nói ngay:
– Em ra gặp dịp lắm, đây em xem.
Ba anh em họ Khổng, Ngọc Hoàn là người ít tuổi nhất nhưng võ công lại cao siêu hơn anh chị. Ngoài bà cụ đã tẩu hoả nhập ma của Cổ Hoài sơn trang này ra thì phải nói võ công của nàng cao siêu nhất nhà. Không những võ nghệ cao siêu tính tình lại hoà nhã, thủ đoạn đối xử của nàng cũng khéo lắm. Nàng vừa bước ra đã đi tới trước mặt Tích Tố với giọng rất hoà nhã mỉm cười nói rằng:
– Tiểu muội là Khổng Ngọc Hoàn, gia tổ mẫu muốn mời chị vào trong nhà nói chuyện.
Tích Tố vừa nổi giận vì bị bắt ép, bây giờ lại thấy Ngọc Hoàn ra ăn nói một cách lễ phép như thế nàng liền cười tươi nói:
– Tiểu bối xin vào chào lão thái thái.
Tích Tố là người rất khiêm hoà, lúc đầu tôn chị em Kiếm Bình là tiền bối bây giờ lại thấy Ngọc Hoàn chỉ lớn hơn mình hai ba tuổi nhưng nhất thời không sao gọi nàng ta ngang hàng với mình được.
Ngọc Hoàn thấy Tích Tố có phong độ cao cả như vậy, liền đưa mắt lườm chị và anh một cái rồi nũng nịu nói:
– Em không nện gọi chị là tiền bối như thế, chúng ta cứ việc gọi nhau là chị em thì hơn.
Tích Tố tủm tỉm cười đáp:
– Xin thứ lỗi tiểu muội đã thất lễ.
Thế rồi Ngọc Hoàn dẫn Tích Tố đi vào nhà trong. Ngọc Châu với Kiếm Bình hai người theo sau. Tích Tố rất đẹp đi chung vào bốn người thì sắc đẹp của chị em họ Khổng kém nàng xa. Kiếm Bình nhìn trộm nàng thở dài và hổ thẹn cúi đầu. Bốn người đi qua mấy cái sảnh nhỏ trang trí rất hoa lệ, vào tới một thạch thất.
Thạch thất ấy vừa tối om vừa cổ kính so sánh với những căn sảnh hoa lệ ở ngoài kia thì không ai dám tưởng nơi đây là chỗ ở của lão thái thái.
Ngọc Hoàn vừa vào tới nơi, thấy Tích Tố có vẻ ngơ ngác vội giải thích ngay:
– Gia tổ mẫu chỉ thích ở trong này thôi.
Thạch thất ấy không rộng lớn lắm, mỗi bề rộng chừng hai trượng và bày biện cũng giản dị hết sức, chỉ có một bàn và một ghế thôi nhưng quét dọn rất sạch sẽ. Giữa phòng có một cái thảm bồ đoàn, một bà lão đầu tóc bạc phơ đang ngồi ở trên đó. Tích Tố không đợi Khổng Hoàn ra hiệu đã tiến lên chào:
– Tiểu bối La Tích Tố bái kiến Cổ lão tiền bối.
Nói xong, nàng vội quỳ xuống vái lạy.
Lão thái thái Khổng Cổ Thị vội vận sáu thành chân lực đưa ra một luồng cương khí vô hình ngăn cản không cho Tích Tố quỳ xuống rồi khiêm tốn đáp:
– Lão bị tẩu hoả nhập ma bán thân tê liệt, cô nương miễn lễ cho.
Tích Tố cảm thấy Khổng lão thái thái bố trí chân khí thành một bức tường không để cho mình quỳ xuống vái lạy, liền mỉm cười đột nhiên vận mạnh chân lực phá tan bờ tường cương khí đó mà vái lạy được.
Khổng lão thái thái thấy vậy mặt lộ vẻ sợ hãi nói:
– Tiểu cô nương nội công thâm hậu thực.
Tích Tố nói:
– Tôn lão kính hiền, tiểu bối không dám thất lễ.
Khổng lão thái thái lại hỏi tiếp:
– Cô nương tự nhận xuất thân ở phái Võ Đang chẳng hay lời nói đó có thực không?
Tích Tố biết lão thái thái không tin mình là đệ tử của phái Võ Đang vì bà ta cho đệ tử đời thứ hai của phái Võ Đang làm gì có công lực thâm hậu như thế. Nàng mỉm cười đáp:
– Tiểu bối theo học sư môn chưa được hai năm, nên chưa lãnh thu được tâm pháp tối cao pháp môn.
Lời nói của nàng vô hình chung đã cho Khổng lão thái thái hay võ học của nàng không do phái Võ Đang chỉ bảo.
– Không biết lệnh tôn, lệnh đường xưng hô ra sao?
– Song thân của tiểu bối khuất núi từ sớm do tổ phụ nuôi nấng từ hồi còn nhỏ.
– Xin cô nương cho biết lịnh tổ xưng hô ra sao?
Tích Tố không muốn nhờ thanh thế của ông mình để doạ nạt đối phương nên nàng rất khiêm hoà không có vẻ gì tự đắc, từ từ đáp:
– Gia tổ phụ tên là Cống Bắc người ta gọi là Nam Minh Nhất Kiếm.
Bốn bà cháu nhà họ Khổng thấy nàng xưng danh người ông như vậy ai nấy đều giật mình kinh hãi.
Khổng lão bà nghiêm nét mặt lườm chị em nhà họ Khổng một cái rồi kêu “hừ” một tiếng và trách bảo Kiếm Bình rằng:
– Bình nhi, không ngờ cháu tuổi đã ngoài ba mười rồi mà còn làm nên câu chuyện hồ đồ như thế này để cho bà thất vọng vô cùng.
Kiếm Bình bị bà mắng, cúi đầu không nói năng nửa lời. Khổng lão thái thái lại bảo Ngọc Châu rằng:
– Châu nhi, nếu La tiểu thư không phải là người nhân hậu thì khi nào để yên cho cháu và có lẽ vì cháu mà Cổ Hoài sơn trang này bị phá tan rồi cũng nên.
Ngọc Châu mặt đỏ bừng còn cãi bướng:
– La tiểu thư nhất định không chịu, cháu mới bất đắc dĩ phải ra tay.
Khổng lão thái thái càng tức giận thêm:
– Hừ! Bất đắc dĩ, thủ đoạn cầu khẩn người như thế mà còn bảo là bất đắc dĩ.
Tích Tố thấy Khổng lão thái thái dạy bảo cháu như vậy liền đỡ lời:
– Điều này chỉ trách tiểu bối quá ư ích kỷ, hai vị lệnh tôn không có lỗi gì hết. Không biết lão tiền bối muốn dùng cây sáo ngọc này làm chi. Xin cho biết rõ, nếu tiểu bối nhận thấy là cần thiết thì tiểu bối xin nhận lời ngay.
Khổng lão thái thái thở dài một tiếng rồi đáp:
– Cử chỉ của mấy đứa cháu lão thân tuy có trái với võ đức nhưng nguyên nhân…là do thấy lão thân tẩu hoả nhập ma mà nên.
Tích Tố thấy vậy lại hỏi tiếp:
– Nếu cây sáo này có thể làm cho lão tiền bối khôi phục được công lực thì tiểu bối rất vui lòng hiến cho lão tiền bối sử dụng. Nhưng hiện vì tiểu bối đang cần dùng đến cái sáo ngọc này để cứu vãn võ lâm, không biết lão tiền bối chờ đợi một thời gian có được không?
Khổng lão thái thái nghe nói mừng rỡ vô cùng vội đáp:
– Lão thân không cần cây sáo này, mà chỉ muốn lấy một vật ở trong cây sáo thôi.
Tích Tố là người khinh vật trượng nghĩa, không vì nghe thấy bà ta nói trong sáo có một vật khác mà hối hận, nàng nhanh nhảu rút cây sáo ngọc đưa ra cho Khổng lão thái thái và nói tiếp:
– Tiểu bối được cây sáo này không lâu, xin lão tiền bối tự lấy vật trong cây sáo ra đi.
– Khổng lão thái thái tay run run đỡ lấy cây sáo ngọc tía mắt ứa lệ nhoà chưa xem xét cây sáo đã vội nói trước:
– La tiểu thư khẳng khái như vậy khiến lão thân cảm động vô cùng và xin nói cho cô nương biết trước sự bí mật của nó bên trong.
Nói tới đó, bà ta ngừng giây lát, đưa mắt nhìn mọi người từng lượt, lại nói tiếp:
– Khi cây sáo này ở trong tay gia phụ, có dấu một bản bí quyết luyện công của bổn môn, bí quyết luyện công này có thể dùng để chữa khỏi tật tẩu hoả nhập ma và bán thân nhất toại của lão thân.
Tích Tố vừa cười vừa đỡ lời:
– Bí quyết ở trong sáo vốn dĩ là vật báu của lão tiền bối, xin mời lão tiền bối lấy ra ứng dụng đi.
Khổng lão thái thái rút cây châm ngọc ở trên đầu xuống, khều lỗ….ở dưới cùng của cây sáo moi ra được một tờ giấy dài chừng tấc rưỡi, rộng chừng hai ngón tay như cánh ve sầu, giống lụa mà không phải là lụa, giống giấy cũng không phải là giấy, trên có viết chằng chịt những chữ…….bổn bí quyết ấy dán ở trong sáo, đã hơn bảy mươi năm rồi và cũng đã qua tay hai chủ mà không ai biết được sự bí mật ở trong.
Khổng lão thái thái, tay cầm tờ bí quyết trong lòng cảm động đến ứa nước mắt ra, Tích Tố thấy bà cụ vui vẻ như vậy, liền chúc mừng:
– Cổ lão tiền bối, châu hoàn hợp phố thật đáng mừng. Tiểu bối chúc mừng lão tiền bối rồi đây ngọc thể sẽ khang an công lực luyện tới mức xuất thần nhập hoả.
Khổng lão thái thái bớt cảm xúc cười ha hả đáp:
– Sở dĩ lão thân được hưởng phúc tuổi già hoàn toàn do La tiểu thư ban cho, ân đức này không nói là dám báo đền. Nếu sau này La tiểu thư có cần gì đến Cổ Hoài sơn trang chúng tôi, dù có bảo chúng tôi nhẩy vào đống lửa, chúng tôi cũng không dám từ chối.
Cả nhà ai nấy đều vui vẻ vô cùng, Ngọc Châu cũng thay đổi thái độ, hết sức cung kính Tích Tố, nhưng nàng là người trực tính hễ nghĩ đến gì là nói ngay, nàng vội hỏi:
– Thưa bà, chúng ta đã lấy lại được luyện công bí quyết rồi, không biết đến bao giờ mới lành mạnh được.
Lão thái gượng cười đáp:
– Ít nhất cũng phải khổ luyện năm năm mới thoát khỏi bể khổ.
Năm năm không lấy gì làm lâu nhưng đối với tuổi tác của bà cụ thì thời gian ấy rất dài, nên anh em họ Khổng đều tỏ vẻ kém vui.
Tích Tố thấy vậy bỗng nghĩ đến Nguyên Thông công lực siêu phàm, y đạo siêu thần, may ra có thể chữa cho bà cụ khỏi được, nên nàng đề nghị một cách khéo léo:
– Bệnh tẩu hoả nhập ma của lão tiền bối không biết có cách nào chữa nhanh chóng hơn không ?
Khổng lão thái thái lắc đầu đáp:
– Tiểu tế Hồi Xuân Thủ Dương Thái khá giỏi về y lý, theo báo cáo thì tật của lão thần rất nặng, khắp thiên hạ chỉ có Hồi Thiên Tái Tạo hoàn mới chữa khỏi. Ngoài ra còn một người có công lực tuyệt mức đả thông kinh mạch cho nữa, mới khỏi một cách nhanh chóng được.
Tích tố nghe thấy Khổng lão thái thái nói mới hay bà ta chính là mẹ vợ của Dương Thái, nên nàng lại càng sốt sắng định cứu giúp cho bà ta. Nàng rất lấy làm thắc mắc, tại sao Dương Thái lại không cầu Bốc Kính Thành cứu chữa cho nên nàng hỏi tiếp:
– Nghe nói lệnh sư của Dương tiền bối Diệu Thủ Nhân Y Bốc lão tiền bối đã luyện thành Hồi Thiên Tái Tạo hoàn để tế thế, vậy sao Dương tiền bối không xin Bốc lão tiền bối giúp sức cho.
Khổng lão thái thái rầu rĩ thở dài đáp:
– Thật là tạo hoá trêu ngươi. Năm trước, chỉ vì tiểu tế lỡ gây nên mối hận suốt đời, tự nhận thấy không còn mặt mũi nào yết kiến lại sư phụ, nên y đã thề nặng suốt đời không ra bên ngoài trông thấy mặt trời.
Tích Tố đã biết rõ lỗi lầm của Dương Thái rồi, nhưng nàng không biết Dương Thái hiện giờ ở đâu liền hỏi:
– Hiện giờ không biết Dương tiền bối ở đâu, tiểu bối muốn đến báo tin mừng cho ông ta.
Khổng lão thái thái cũng kinh ngạc hỏi:
– Thế ra La tiểu thư quen biết tiểu tế đấy à ? Nhưng chắc y không chịu gặp tiểu thư đâu.
– Quý hồ lão tiền bối nói cho tiểu bối hay chỗ ở hiện giờ của Dương tiền bối ở đâu, là tiểu bối có cách khiến ông ta ra gặp tiểu bối và còn cam đoan ông ta sẽ chữa khỏi tật tê liệt của lão tiểu bối nữa.
Khổng lão thái thái hoài nghe vô cùng, ngẫm nghĩ giây lát mới đáp.
– Hiện giờ y ở trong vườn hoang của bổn trang.
Tích Tố cả mừng vội nói với hai chị em Ngọc Châu rằng:
– Chị nào dẫn em vào mời Dương tiền bối ra đây.
Chị em Ngọc Châu đều tỏ vẻ khó xử cùng đưa mắt nhìn Khổng lão thái thái. Khổng lão thái thái cũng không biết giải quyết thế nào cho phải nhưng Tích Tố vẫn nán lòng đợi chờ. Bỗng Tích Tố nghe thấy Nguyên Thông truyền thanh tới.
– Để tiểu huynh đi mời Dương sư bá cho. Tố hiền muội đừng làm cho Khổng lão thái thái khó xử nữa.
Tích Tố cũng nhếch mép dùng truyền âm nhập mật để trả lời:
– Tiểu muội không thích trồng cây, chỉ định cắm chơi cành liễu ngờ đâu lại thành rừng, khiến Nguyên đại ca sắp kiếm ra được sư…..
Khổng lão thái thái đã thấy Tích Tố đang dùng truyền công nhập mật nói chuyện trong lòng hoài nghi liền lên tiếng hỏi:
– Có phải La tiểu thư còn đi với người khác vào trong bổn trang phải không?
Tích Tố tỏ vẻ xin lỗi mà trả lời:
– Khi tiểu bối được Khổng đại ca mời tới đây, người đồng bọn của tiểu bối không yên tâm nên mới theo tới.
Khổng thái thái với ba người cháu nghe thấy nàng nói như vậy đều giật mình kinh hãi, nhất là bà cụ mặt đỏ bừng nói:
– Công lực của người đó cao siêu thực lão phụ không hề hay biết một tí gì hết.
Tích Tố lại nói tiếp:
– Nếu anh ấy không nói cho tiểu bối biết trước, tiểu bối cũng không biết anh ấy ở ngoài phòng này.
Khổng lão thái thái lại nói tiếp:
– Sao không mời bạn cô nương vào đây
Tích Tố đáp:
– Hiện giờ anh ấy đã đi mời Dương lão tiền bối rồi.
Khổng thái thái ngẩn người ra mặt tỏ vẻ không vui nói tiếp:
– Tuy La tiểu thư có đại ân với lão phụ, nhưng cũng không nên làm cho tiểu tế bực bội.
Tích Tố mỉm cười nói đáp
– Lão tiền bối đừng có trách cứ lầm tiểu bối, ngày hôm nay lão tiền bối gặp song hỷ lâm môn đấy.
Khổng lão thái thái không hiểu ý nghĩa lời nói ấy của nàng ta nên vẻ mặt vẫn còn hậm hực. Ngoài cửa phòng chợt có hai người đi vào. Người đi trước chính là Hồi xuân Thủ Dương Thái ái tế của Khổng thái thái, và người đi sau là một thiếu niên trông đẹp như tiên đồng giáng trần vậy.
Dương Thái vừa vào tới nơi rất cảm động gọi:
– Nhạc mẫu…..
Nguyên Thông cũng tiến lên vái chào:
– Tiểu bối Thẩm Nguyên Thông bái kiến lão thái thái:
Ba chữ Thẩm Nguyên Thông không khác gì sấm nổi lên trong đêm khuya khiến bốn bà cháu họ Khổng ngơ ngác, không dám tin người đó là Thẩm Nguyên Thông thực.