Nam Thiên Đại Hiệp

Chương 19 - Chương 19

trước
tiếp

Về lại Thăng Long, cửa nhà đã mất

Sau khi trị bệnh, Bảo Ngọc để lộ ý tình

Thấy quái nhân, ngồi yên nhưng đã tắt thở Thanh Ngân thương cảm vô cùng, qùy xuống vái lạy:

– Triệu Tiền bối! Bảy ngày cùng tiền bối, vãn bối đã học hỏi được rất nhiều. Tiền bối mới chính là người sư phụ của vãn bối. Vãn bối quyết không phụ lòng, sẽ truyền lại kỳ công của tiền bối cho Kiều Linh và quyết sẽ săn sóc nàng chu đáo.

Nhớ tâm nguyện nhờ mình mang tro tàn của ông ta chôn bên mộ vợ, Thanh Ngân chau mày suy nghĩ, chẳng muốn hỏa táng ông ta chút nào, lòng chỉ muốn tạm chôn rồi sau này cùng Kiều Linh hốt cốt. Nhưng suy đi nghĩ lại, thấy làm theo ý mình thì phụ lòng người chết, nên vội vã trở lại bến đò mua một chiếc hũ sành, rượu, đồ tống táng rồi trở lại đón cây, chất củi, làm lễ hỏa táng.

Nhìn ngọn lửa bùng cháy, Thanh Ngân cảm thấy ngậm ngùi, thương cảm cho cuộc đời đầy đau khổ của Triệu Cung, nhưng cũng nghĩ rằng linh hồn ông ta đang vui vẻ, được trở về với người yêu, giải thoát khỏi những khổ đau, dằn vặt từ thân xác đến tinh thần trong một thời gian dài dằng đặc.

Sau khi đem tro tàn quái nhân bỏ vào hũ, Thanh Ngân ra bờ sông tìm chiếc thuyền thuê bảy hôm trước. Không thấy đâu, Thanh Ngân đến gặp người chủ, thì được ông ta cho biết đã kiếm thuyền đem về bến và có người đã nhờ ông chăm sóc một con ngựa để trao lại cho mình.

Ông ta trịnh trọng giao cho Thanh Ngân một phong bì. Giở phong thư ra xem, Thanh Ngân thấy Bảo Ngọc viết mấy chữ: “ Dâm tặc! tặng nhà ngươi con bạch mã.”.

Biết Bảo Ngọc là gái Thanh Ngân không muốn có thêm nhiều ân tình, nhưng thấy nàng vẫn xưng hô với mình rất thân mật như hai người bạn trai, và nghĩ khi gặp nàng ở Thăng Long có thể trao ngựa lại nên cảm ơn người chủ thuyền, nhờ ông đưa người ngựa qua sông.

Vốn có nghi biểu văn nhã, vận nho phục màu trắng, cỡi ngựa trắng, dọc đường mọi người đều nghĩ Thanh Ngân là một công tử con nhà sang cả, một thứ công tử du phương thưởng ngoạn. Đôi người cũng ngạc nhiên là thứ công tử như Thanh Ngân ra ngoài sao không có mấy chú tiểu đồng theo sau hầu hạ như thường lệ.

Gần Thăng Long dân chúng sống trong cảnh thanh bình, nha lại không dám nhũng nhiễu, trộm cướp cũng không đám hoành hành công khai nên trên đường từ bến đò Thiên Đức đến Thăng Long không bị ai quấy rầy.

Thăng Long bấy giờ chia ra làm sáu mươi mốt phố phường, nhà Thanh Ngân chỉ là một căn phố nhỏ ở khu hàng kim, bán các loại đồ kim khí. Đến nhà, Thanh Ngân xuống ngựa, thì thấy đã bị niêm phong. Nhìn dấu niêm phong của nha môn, liên tưởng đến tin tức mà Bảo Ngọc cho biết, Thanh Ngân đoán họ đã truy lùng ra lý lịch của “dâm tặc” nên cũng không muốn làm mọi người chú ý, dắt ngựa lẫn đi nơi khác.

Không nhà để về, tiền bạc trong túi cũng không còn nhiều, lại phải dẫn theo con ngựa mà Bảo Ngọc tặng làm Thanh Ngân thêm khó xử chẳng biết phải làm sao. Lang thang một lúc nhìn cảnh cũ, quê xưa. Lòng bồi hồi tưởng nhớ đến thời thơ ấu và người cha quá cố, đôi khi trên đường cũng gặp người quen, nhưng không dám chào hỏi làm lòng Thanh Ngân quặn thắt và thấm thía những lời khuyên nhủ của Triệu Cung: con người không phải chỉ sống một mình, ta muốn yên thân nhưng người khác có để cho ta yên thân hay không lại là chuyện khác. Nhớ lại lời dặn của Bảo Ngọc phải tạm thời đổi tên là Lê Bảo Kính, Thanh Ngân cảm thấy thêm buồn phiền, thấy rõ khi những kẻ thù ẩn mặt là Vạn Trúc Sơn Trang hay Thủy Ma Cung hay ai đó chưa giết được mình, chưa hại được mình sẽ tiếp tục gây tội ác đối với những thiếu nữ vô tội và mình mang cái tên giả Lê Bảo Kính càng lâu thì những nạn nhân vô tội sẽ càng nhiều. Càng suy nghĩ, Thanh Ngân càng thấy rõ không thể không truy tầm thủ phạm. Thanh Ngân không muốn dính líu vào việc giang hồ, nhưng thấy rằng định mạng của mình hình như không thoát ra khỏi chuyện giang hồ.

Dắt ngựa đi ngang qua một tửu lâu, nghe mùi thơm xào nấu của nhà bếp bay ra, Thanh Ngân mới thấy đói bụng, nhớ đã lâu chưa ăn một bữa cơm nào, bèn cột ngựa vào quán. Con bạch mã đang ngoan ngoản, khi cột để vào quán bỗng hí lên liên tục. Thanh Ngân nghĩ nó cũng đói bụng như mình, bảo tiểu nhị đem rơm và nước cho ngựa, nhưng nó vẫn dậm chân và hí lên liên tục như đòi hỏi điều gì. Không hiểu vì sao con ngựa giở chứng như vậy, Thanh Ngân tháo giây và vuốt ve nó:

– Ngươi muốn đưa ta đi gặp Bảo Ngọc ca phải không? Nếu phải, ta lên yên ngươi cứ đưa ta đi đâu thì đi tùy ý ngươi vậy.

Vừa vuốt ve vỗ về con ngựa, Thanh Ngân gọi tiểu nhị tính tiền rơm, nước. Tiểu nhị không tính tiền, Thanh Ngân cho gã một ít bạc cắc, rồi nhảy lên yên nhưng con ngựa chẳng chịu cất bước, mà càng dậm chân, càng hí hé thêm. Tiểu nhị vốn có kinh nghiệm, nhìn con ngựa to lớn, lông trắng như tuyết của Thanh Ngân vội nói:

– Con ngựa công tử là một con ngựa qúi, tiểu nhân thấy có nhiều vị hào khách cho ngựa ăn thóc và uống rượu, con ngựa của công tử có lẽ thuộc loại ngựa đã được nuôi dưỡng bằng cách này. Có lẽ nó đang đòi rượu.

Thanh Ngân hiểu biết nhiều, nhưng chưa bao giờ nghiên cứu về ngựa, nghe vậy lấy làm ngạc nhiên, bảo tiểu nhị:

– Nếu vậy, đem ra vài vò rượu ra thử xem.

Tiểu nhị vội vã chạy vào trong, rồi cùng với một tiểu nhị khác mang ra hai bầu rượu lớn và một chiếc thùng cây đổ rượu vào trong đó, lập tức con bạch mã hết hí hé, hết dậm chân dậm cẳng cúi đầu xuống uống, uống một lúc ngửa mặt lên trời nhe răng, gật đầu có vẻ rất thích thú. Biết con ngựa chỉ đòi uống rượu và ăn thóc, Thanh Ngân càng lo âu cho túi tiền của mình, cho gánh nặng phải mang theo nhưng thấy chuyện lạ cũng thích thú, bảo tiểu nhị:

– Cho nó ăn uống no say dùm ta.

Vào tửu lâu, Thanh Ngân kêu một bình rượu nhỏ và vài thức nhắm ngồi lai rai. Tửu quán thuộc loại bình dân, khách cũng không đông nên Thanh Ngân có thể nhàn hạ ngồi giết thời gian trôi qua khi chưa biết mình phải đi đâu, làm gì. Uống cạn bình rượu, Thanh Ngân định đứng lên trả tiền, đi tìm khách điếm tạm trú qua đêm, thì một lão già vận quần áo thương buôn bước vào quán. Lão mặc áo thương buôn nhưng Thanh Ngân vẫn nhìn được ngay lão chính là Đinh Nhất Hạt. Lão thấy Thanh Ngân tiến đến ngồi xuống và nói nhỏ:

– Cung chủ chúng tôi đã chờ Lê công tử mấy hôm nay, xin công tử theo tôi đến gặp người. Cung chủ có nhiều chuyện quan trọng cần nói với công tử.

Thanh Ngân:

– Được gặp lại Bảo Ngọc ca thật không gì bằng. Tôi cũng vừa ăn uống xong nếu Đinh.. thúc thúc không dùng gì thì chúng ta có thể đi ngay!

Đinh Nhất Hạt:

– Chúng ta ăn uống thêm một lúc rồi mới đi để tránh bớt sự chú ý nếu có.

Nói xong lão kêu thêm một bình rượu rồi nói oang oang chuyện buôn bán làm ăn với Thanh Ngân. Biết lão đang đóng trò, và cũng không rành chuyện buôn bán nên chỉ giả bộ chú ý nghe, khi gật đầu, khi cười lớn theo lời nói của lão mà thôi. Khi thấy trời đã tối hẳn lão bảo nhỏ Thanh Ngân:

– Cung chủ đang chờ công tử ở căn nhà màu nâu, cách Văn Miếu vài trăm thước, ám hiệu: “Mở cửa, tôi là bạn của Nguyễn Minh ở Hà Bắc”. Con ngựa xin công tử để cho lão phu mang đi nơi khác cho người săn sóc.

Nói nhỏ cho Thanh Ngân nghe xong lão oang oang:

– Cảm ơn Bảo Kính công tử đã mang con ngựa Hồ đến đây dùm ta. Thế nào ta cũng bán nó được bộn tiền. Công tử không bận rộn có thể ở đây uống thêm vài bình rượu Thăng Long nữa. Tôi phải về nhà kẻo quá trễ. Hẹn gặp lại công tử ngày mai.

Thanh Ngân vội dùng phép truyền âm:

– Vật dụng cột trên lưng ngựa có chiếc hũ sành đựng di thể một bậc tiền bối, vãn cần phải giữ lại.

Đinh Nhất Hạc cũng dùng phép truyền âm:

– Lão sẽ đem mọi thứ của công tử về sau. Công tử nhất định không phải lo lắng.

Lão nói lớn thêm mấy tiếng:

– Xin chào Bảo Kính công tử. Thứ lỗi cho lão đã không thù tạc với công tử lâu hơn nữa.

Nói xong lão đứng lên trả tiền, trả luôn tiền rượu thóc cho ngựa và ra tháo giây lên yên mất hút trong màn đêm.

Thanh Ngân thấy lão đã đi, Bảo Ngọc đã hẹn gặp mình ở một nơi thần bí, có lẽ xảy ra nhiều chuyện nên cũng đứng lên cho thêm tiểu nhị một ít bạc vụn, rồi rời quán. Đi thong thả một lúc, lựa chỗ hơi vắng khuất, Thanh Ngân giở khinh công thượng thặng, lẫn theo bóng cây phi thân đến Văn Miếu. Văn Miếu vốn là trường Quốc Tử Giám xưa kia, xây trên một cù lao lớn của Đại Hồ.

Đã được học thuật thủy thượng phiêu, Thanh Ngân không cần tới đường đê, đề khí lướt trên mặt nước như bóng ma trơi, và với cặp mắt của người có võ công thượng đỉnh, Thanh Ngân đã nhận ra căn nhà hẹn khi còn trên mặt hồ. Sau khi gõ cửa và nói ám hiệu, người đàn bà cung vệ mặc áo hồng ra mở cửa và không dấu mừng rỡ:

– Kính chào Lê công tử, chúng tôi trông chờ Lê công tử đã lâu. Mời công tử vào nhà.

Trong nhà ngoài người cung vệ áo hồng, còn có thêm bốn lão già râu tóc bạc phơ. Hai người trong bọn họ Thanh Ngân đã gặp. Bốn lão đang ngồi uống trà nhưng trông có vẻ bơ phờ và khi Thanh Ngân bước vào họ cùng đứng lên giới thiệu, chào hỏi tỏ vẻ kính trọng vô cùng:

– Chúng tôi tứ lão của Đại Lịch cung: Nùng Trí Bá, Nùng Trí Thông, Nùng Trí Minh và Nùng Trí Dũng tham kiến Lê Công tử.

Thấy họ quá trọng mình Thanh Ngân vội vàng cúi đầu:

– Kính chào tứ lão. Quí vị…hà… làm vãn bối tổn thọ đi mất. Xin qúy vị xem vãn bối như hàng con cháu. Mời qúy vị cứ tự nhiên cho. Bảo Ngọc ca không có ở đây sao?

Nùng Trí Bá, lão già cao gầy, nước da ngâm đen buồn bã:

– Cung chủ không thể đích thân tiếp kiến Lê công tử. Cung chủ vừa trúng độc vừa bị nội thương khá nặng. Bốn chúng tôi đã tận lực nhưng không thể giúp cung chủ trị lành thương thế và tống độc khí ra ngoài. Cung chủ hy vọng ở Lê công tử và vì thế mấy hôm nay chúng tôi đã đi tìm Lê công tử.

Nghe Bảo Ngọc bị thương nặng, Thanh Ngân nóng lòng:

– Vãn bối có giúp gì cho Bảo Ngọc ca không hay lại phải phụ lòng chư vị? Dù sao vãn bối sẽ cố hết sức mình và mong chư vị đưa Ngọc ca ra đây cho vãn bối xem thử.

Trí Bá đưa mắt cho người cung vệ áo hồng:

– Đoàn Ngọc Hồng! Ngươi đưa Lê công tử vào phòng cung chủ.

Ngọc Hồng cúi đầu:

– Xin mời công tử.

Phải vào phòng Bảo Ngọc, Thanh Ngân cảm thấy áy náy, nhưng không biết nàng bị thương nặng nhẹ ra sao nên đành miễn cưỡng theo chân bà ta.

Căn nhà có lẽ đã được Đại Lịch cung chuẩn bị làm căn cứ từ trước, phòng dành cho Bảo Ngọc xây sâu dưới lòng đất. Căn phòng rộng rãi, trang hoàng rất thanh lịch. Trên vách treo nhiều bức tranh cổ, nhiều loại đàn và thủ bút của nhiều danh nhân. Trên chiếc giường lớn Bảo Ngọc vận nữ trang mỏng manh, đang nằm thiêm thiếp, tóc mây óng ả xoả dài trên đôi gối trắng. Bốn góc gường, bốn tì nữ đứng phe phẩy quạt.

Thanh Ngân đến bên nàng vẫn không hay biết. Ngọc Hồng định đánh thức Bảo Ngọc dậy nhưng Thanh Ngân vội nói:

– Đoàn cô cô cứ để cho Bảo Ngọc ca ngủ. Cô cô giúp vãn bối xem da mặt, tay chân của Ngọc ca thế nào và xin cô cô cột một sợi chỉ vào cổ tay để vãn bối xem mạch lý.

Ngọc Hồng vâng lời, vém mái tóc dài che phủ để Thanh Ngân nhìn mặt Bảo Ngọc.

Thanh Ngân thấy da mặt nàng đỏ như hơ lửa, bờ môi thâm tím. Có người hầu quạt nhưng trên trán vẫn lấm tấm mồ hôi.

Xem mạch Thanh Ngân thấy nhịp tim đập loạn xạ như người đang cơn sốt. Hỏi Ngọc Hồng:

– Tình trạng của Ngọc ca từ lúc bị nội thương và bị độc đều như thế này?

– Thưa công tử không phải như vậy. Hai ngày đầu, cung chủ da xanh như chàm và lạnh phải đắp nhiều lớp chăn, nhưng khi dùng thuốc trị độc của bổn môn và tứ lão dùng công lực để giúp cung chủ thúc đẩy chất độc ra ngoài, thì bị tình trạng như vầy. Cách đây mấy hôm cung chủ có tỉnh táo đôi chút vào bảo đến khu phố hàng kim tìm công tử may ra với kiến văn quảng bác, công tử có thể giúp người, vì thế Đinh đại ca và vài anh em nữa đã cải trang đến đó chờ công tử mấy ngày nay.

Thanh Ngân hỏi:

– Ngọc ca đã kịch chiến với ai?

Ngọc Hồng:

– Cung chủ bị cao thủ đại nội bao vây và kịch chiến với Hoàng Liên Nhất Lão. Ông ta vốn võ công đã cao cường mà tài dùng độc cũng độc bá thiên hạ.

Nghe tên Hoàng Liên Nhất Lão, Thanh Ngân nhớ lại những lời chỉ bảo của Triệu Cung, phụ thân Kiều Linh về những độc vật

của Khô Cốt môn, và nghĩ đến triệu chứng của Bảo Ngọc khi trúng độc, Thanh Ngân buột miệng:

– Thiên tàm cổ độc! Ngọc ca trúng phải thiên tàm cổ độc đáng lẽ không thể sống quá ba ngày kia mà! Ngọc Hồng cô cô! những thứ giải dược gì mà Bảo Ngọc ca đã dùng, cô cô cho vãn bối xem thử được không?

Ngọc Hồng nghe bảo vội vàng đi lấy mấy viên giải dược, Thanh Ngân nếm thử phân tích chất thuốc, thấy đây chỉ là những loại giải dược thông thường, không thể làm ngưng tác hại của thiên tàm duy trì mạng sống cho Bảo Ngọc hay làm biến chứng thì lấy làm lạ vô cùng. Thanh Ngân chắp tay sau lưng đi tới đi lui, cau mày suy nghĩ. Nghĩ đến tình trạng nóng sốt của Bảo Ngọc, lẩm bẩm: Đây nhất định là tình trạng xung đột của chất độc và khả năng chống lại sự xâm nhập của độc trong mình nàng. Đó là chất thuốc gì? Nhớ lại di ngôn của sư phụ Thiên Hư Tử cho biết sau khi mình hưởng được viên nội đơn của địa long thì bách độc bất xâm và nhớ lại lời nói của Bảo Ngọc nàng có võ công cao cũng nhờ gặp được kỳ duyên bèn hỏi Ngọc Hồng:

– Ngọc Hồng cô cô! Cô cô có thể cho vãn bối biết trước đây Bảo Ngọc ca đã gặp kỳ duyên gì mà võ công đã tinh tiến vượt bực hay không?

Ngọc Hồng:

– Lúc nhỏ cung chủ thích đến các đèo núi quanh vùng để chơi đùa, một hôm ăn phải một thứ trái cây lạ, rồi ngã lăn ra chết, lão cung chủ vì yêu qúi cung chủ hết mực nên không nỡ chôn cất sớm, tình cờ Vô Ngã Thiền Sư của chùa Thiên Long bên Đại lý đến thăm. Thiền sư thấy cung chủ chết đã ba ngày mà

da dẻ vẫn tươi nhuận, ông ta bảo chúng tôi đưa đến nơi xảy ra tai nạn để xem cung chủ đã ăn phải thứ gì? Sau nửa ngày tìm kiếm ông ta mừng rỡ bảo cung chủ đã gặp kỳ duyên hiếm có là ăn được trái linh chi thảo. Thiền sư về cung dùng nội công đã thông kinh mạch cho cung chủ và cung chủ đã sống lại. Nhờ ăn trái linh chi thảo nội công tăng tiến bằng hai mươi năm luyện tập, cung chủ chẳng những học hết những võ công gia truyền mà còn luyện tập thêm được nhất dương chỉ của Vô Ngã Thiền Sư, một môn võ công trấn quốc của Đại Lý.

Thanh Ngân nghe qua kỳ duyên của Bảo Ngọc, như trút được gánh nặng:

– Hà! Nếu như vậy thì Bảo Ngọc sẽ chẳng bị nguy hiểm gì đâu, tôi sẽ dùng nội công của mình hỗ trợ thêm cho kháng lực có sẳn trong người nàng. Nhờ cô cô cho người đi mua dùm một số thuốc và một số vải may che phủ chung quanh chiếc giường. Số thuốc mua được cô cô cho người đem sắc rồi tẩm lên vải để khi thiên tàm bị tống ra khỏi thân thể Bảo Ngọc đáp trên đó, chúng ta đem đốt mới khỏi gây nguy hại cho người khác. Thanh Ngân ra toa hốt thuốc rồi, chỉ cách treo màn vải cho Ngọc Hồng rồi ra ngoài.

Khi lên phòng khách Đinh Nhất Hạc đã trở về, mang theo đủ hành trang và chiếc hủ sành. Thấy Thanh Ngân trở ra mọi người đều đứng lên. Những cặp mắt sáng quắc của họ nói lên nỗi quan tâm và chờ nghe một tin lành. Thanh Ngân hiểu nỗi quan tâm của họ nên vội nói:

– Quí tiền bối hãy an tâm, vãn bối có thể giúp cho Ngọc ca chẳng những bình phục mà còn tăng thêm công lực. Chẳng phải vãn bối tài giỏi gì nhưng đó là cơ duyên của Ngọc ca.

Nghe Thanh Ngân bảo thế, tứ lão và Nhất Hạc thở phào. Không hẹn họ cùng cúi đầu:

– Cứu sống được cung chủ, Đại Lịch cung từ trên xuống dưới đều đội ơn Lê công tử cho dù công tử khiến vào dầu sôi lửa bỏng chúng tôi quyết cũng chẳng từ nan.

Thanh Ngân vội nói:

– Qúy tiền bối dạy quá lời, Ngọc ca và vãn bối đã kết nghĩa đệ huynh. Bạn bè lo cho nhau là việc bình thường, qúy tiền bối.. càng khách sáo vãn bối càng áy náy.

Trí Thông, người thứ hai trong tứ lão cười ha hả:

– Được lắm! huynh đệ thì cũng như người trong một nhà, Lê công tử lo cho cung chủ là chuyện huynh đệ của nhau, chúng ta cũng không nên làm công tử cảm thấy như xa lạ. Nhất Hạc! sau khi cung chủ lành bệnh chúng ta phải say khước với Lê công tử một ngày đấy nhé.

Nhất Hạc vui sướng:

– Nhất Hạc sẽ nhớ lời thúc thúc dạy.

Nghe cách xưng hô của họ, Thanh Ngân đoán tứ lão vốn cùng vai vế với ông nội Bảo Ngọc. Trong cung họ phải tôn trọng địa vị cung chủ của Bảo Ngọc, nhưng nàng chỉ thuộc hàng cháu nên khi hai lão Trí Bá và Trí Thông ngầm thử võ công của mình đã kêu Bảo Ngọc một cách thân yêu là con nha đầu.

Ngọc Hồng bận lo đo đạc để quyết định số vải phải mua, ra sau Thanh Ngân một chút, đến phòng khách cúi đầu trước tứ lão:

– Lê công tử đã viết toa mua thuốc và mua vải để trị thương cho cung chủ. Ngọc Hồng xin đi ra thành để mua.

Trí Bá:

– Công tác này nên để Nhất Hạc, Ngọc Minh không có đây ngươi cần ở lại để săn sóc cho cung chủ.

Nhất Hạc:

– Thúc thúc dạy chí phải. Hồng muội đưa toa thuốc cho ta.

Ngọc Hồng đưa toa và nói số vải phải mua cho Nhất Hạc. Ông ta vội vã đi ngay. Khi Nhất Hạc đã đi, Thanh Ngân ngồi uống trà, chuyện vãn với tứ lão. Họ cũng ngầm tìm hiểu tài năng của Thanh Ngân nên nói từ chuyện lịch sử đến văn học, võ thuật. Càng nói tứ lão càng khoan khoái, thích thú vô cùng. Hơn hai giờ sau Nhất Hạt trở về và Ngọc Hồng cho thị tỳ sắc thuốc, cắt vải may màn. Là những người giang hồ đêm khuya không làm họ quan tâm. Họ chỉ quan tâm cho Bảo Ngọc sớm lành nên họ cũng không hỏi Thanh Ngân có mệt mỏi, cần ngủ nghĩ để ngày mai mới trị bệnh cho Bảo Ngọc hay không. Khi thuốc và màn che đã chuẩn bị xong, Ngọc Hồng cho Thanh Ngân hay để vào trong để cứu chữa cho Bảo Ngọc.

Thanh Ngân vào phòng, Ngọc Hồng vén màn che, thấy Bảo Ngọc đã thay lại nam phục từ lúc nào, nhìn mình rán nở nụ cười héo hắt. Thanh Ngân mỉm cười chào nàng nhưng ngần ngừ một lúc rồi nói:

– Bảo Ngọc ca ăn mặc như thế này lại bất tiện cho việc trục cổ độc. Nó sẽ dính vào áo quần đi mất.. Ngọc ca có thể.. Hà..

Thanh Ngân bỏ lửng không dám đề nghị Bảo Ngọc phải bỏ bớt vải vóc trên mình càng nhiều càng tốt. Bảo Ngọc cau mày, hiểu ý ngay nên yếu ớt:

– Ý của Ngân đệ.. vậy thì Ngọc Hồng cô cô.. cô cô..

Ngọc Hồng:

– Chúng tôi đã không nghĩ đến điều này, vậy xin phiền Lê công tử chờ đợi trong giây lát.

Thanh Ngân ra ngoài một lát sau trở vào, nói với Ngọc Hồng:

– Cô cô và mọi người ra ngoài, sắc toa thuốc thứ hai của tại hạ chế vào một bình lớn và mang vào phòng một bồn tắm để Ngọc ca tắm và lau rửa trước khi tắm nước sạch. Khi Ngọc ca bình phục, tại hạ sẽ thu dọn những thứ đã nhiễm độc trong phòng đem ra ngoài đốt nên cô cô cũng đem vào phòng cho tại hạ hủ sành lớn để dồn mọi thứ vào đó.

Ngọc Hồng vâng dạ, cùng bọn tỳ nữ ra ngoài, Thanh Ngân vén màn che bước lên giường Bảo Ngọc. Biết nàng đang ăn mặc mỏng manh nên nhắm nghiền hai mắt. Dù nhắm chặt hai mắt, nhưng công lực thông huyền nên nghe hơi thở, Thanh Ngân dễ dàng định vị trí và tư thế của nàng, không phải rờ rẩm, mò mẫn mà hai tay nhẹ nhàng, chính xác ôm vai, đỡ Bảo Ngọc dậy, đặt ngồi đối diện với mình, áp tay nàng vào tay mình vận công truyền lực. Khi dẫn chân khí tiếp trợ cho nàng Thanh Ngân biết nội công Bảo Ngọc cũng thuộc nhất dương công mà Đoàn phu nhân trước đây đã truyền thụ cho mình lấy làm ngạc nhiên, nhưng hiểu ra ngay vì đây là công phu của họ Đoàn nước Đại Lý mà sư phụ của Bảo Ngọc là một cao tăng của chùa Thiên Long. Thanh Ngân đã được viên nội đơn của địa long, vô nhiễm với bách độc, Lạc long công lại tiến bộ hơn trước mấy thành sau bảy ngày ở với Triệu Cung nên chỉ trong vài giờ đã giúp Bảo Ngọc đẩy hết cổ độc ra ngoài. Khi thấy chân khí của mình đã điều hoà và mọi sự đau đớn cắn rứt trong da thịt tiêu tan hết, Bảo Ngọc mỉm cười, ôn nhu:

– Ngân đệ, hình như tỷ tỷ…đã bình phục. Ngân đệ dừng phí sức nữa.

Thanh Ngân:

– Tiểu đệ cũng biết cổ độc đã bị ép tống ra ngoài, nhưng Ngọc ca nên tiếp dẫn chân khí chu lưu một lần nữa cho mau phục hồi lại sức lực.

Giúp Bảo Ngọc điều dẫn chân khí thêm một lúc, Thanh Ngân nói:

– Ngọc ca đã bình phục có thể đi tắm rửa và mặc lại y phục. Những gì mà Ngọc ca đang mặc nên để lại trên giường này, tiểu đệ sẽ gói chung với bức màn vải chung quanh đem đốt mới không để cổ độc di hại cho người khác. Tiểu đệ sẽ ngồi trong này cho đến khi Ngọc ca đã lau thuốc, tắm rửa và mặc lại y phục.

Bảo Ngọc nhìn xuống thấy mình chỉ che một lớp the mỏng đã lấy làm thẹn thùng, và nghe Thanh Ngân bảo phải cởi bỏ cả lớp the mỏng manh đó, tự nhiên toàn thân nổi da, run lên một cảm giác khó tả. Cánh tay nuột nà theo lời Thanh Ngân đưa lên tháo bỏ tấm the che, nhưng đôi mắt nhìn Thanh Ngân như ngây dại, chỉ muốn người trước mặt mở mắt và sà vào lòng.

Tiếng Thanh Ngân làm nàng rùng mình, xua đuổi cảm xúc:

– Ngọc ca! Tiểu đệ đang nhắm chặt hai mắt đấy!

Dù coi trời đất bằng vung, nhưng lúc này Bảo Ngọc như ngờ nghệch, phải đợi Thanh Ngân nhắc thêm lần nữa, mới vội vàng trút bỏ tấm the, nhắm mắt chui ra ngoài.

Mãi một lúc sau, Thanh Ngân mới nghe Bảo Ngọc lau rửa, xối nước. Thanh Ngân nghe cử động của nàng, lắc đầu xua những hình ảnh đang đổ dồn đến, nhưng rồi lại nhớ đến Kiều Linh. Nhớ lại cảnh cùng nàng tắm trong giòng suối hôm nào. Thanh Ngân thở dài và nghĩ ngày mai phải bắt đầu tìm cho ra tung tích của nàng.

Sau khi Bảo Ngọc đã tắm rửa theo lời chỉ dẫn của Thanh Ngân, và mặc lại quần áo nam trang hẳn hoi, Thanh Ngân bước ra ngoài, mỉm cười với Bảo Ngọc rồi cuộn lại tấm màn che cho vào hủ sành, những nước thuốc Bảo Ngọc tắm rửa cũng đổ vào đó. Chiếu gối trên giường cũng cuộn bỏ vào chiếc bồn tắm gỗ. Bảo Ngọc ngồi yên trên chiếc ghế gụ bên góc phòng nhìn Thanh Ngân làm việc, không buồn hỏi han giúp đỡ.

Nếu có ai nhìn nàng, hẳn thấy đôi mắt đẹp của nàng có khi thì nồng nàn say đắm, có khi e lệ thẹn thùng e ấp, có khi thoáng buồn dịu vợi xa xăm.

Phòng của Bảo Ngọc xây chìm dưới đất, nhưng vẫn có chỗ thông ra ngoài, nên khi Thanh Ngân thu dọn vừa xong thì cũng nghe tiếng gà gáy sáng. Một tay nâng chiếc hũ sành, một tay nhắc chiếc bồn tắm, Thanh Ngân nói với Bảo Ngọc:

– Trời đã gần sáng, Bảo Ngọc ca chịu phiền nhờ Ngọc Hồng cô cô sắp xếp lại giường ngủ để Ngọc ca ngơi nghỉ. Tiểu đệ mang những thứ này ra thành đốt bỏ để khỏi di hại cho người.

Bảo Ngọc:

– Ngươi đã cực nhọc suốt đêm, những thứ đó để cho người trong cung lo liệu là được rồi.

Thanh Ngân:

– Thân thể tiểu đệ bách độc bất xâm, tiếp xúc với trùng độc không sao, nhưng người khác nếu lỡ nhiễm trùng e rất khó trị. Bảo Ngọc ca nếu không có linh chi thảo hộ mạng, thì e tiểu đệ cũng bó tay.

Bảo Ngọc:

– Nếu vậy thì ta đi với ngươi cho có bạn. Ta thấy mình đã hoàn toàn bình phục.

Thanh Ngân lấy làm khó xử, muốn kiếm lời từ chối, khuyên Bảo Ngọc ở lại nhưng nhìn thấy sự tha thiết của nàng đành nói:

– Nếu Ngọc ca muốn ngắm cảnh mặt trời mọc thì tiểu đệ rất vui mừng được Ngọc ca bên cạnh. Nhưng nếu Ngọc ca cùng đi, thì phiền Ngọc ca mang dùm cho tiểu đệ tro tàn của Triệu lão tiền bối ra ngoài thành an táng cho ông ta luôn thể.

Bảo Ngọc:

– Triệu lão tiền bối là ai?

Thanh Ngân:

– Chuyện của Triệu lão tiền bối rất thương tâm, đến mộ của Triệu phu nhân tiểu đệ sẽ kể cho Ngọc ca nghe. Bây giờ chúng ta đi kẻo trời sáng dùng thuật phi hành bất tiện.

Thanh Ngân lên phòng khách, thì thấy mọi người trong cung đều có mặt, nét mặt của họ vui vẻ vô cùng và cùng khấu đầu:

– Chúc mừng cung chủ và cung hậu.

Thanh Ngân chưa hiểu họ nói gì, thì Bảo Ngọc hét:

– Các người chỉ vớ vẩn. Lê hiền đệ có ơn cứu mạng ta, nên tạ ơn người.

Nghe tiếng hét thanh thót nhưng oai nghi của Bảo Ngọc, từ mấy ông trưởng lão Nùng Trí đến tỳ nữ đều giật mình, hô như cái máy:

– Đa tạ Lê thiếu hiệp cứu mạng cung chủ.

Thanh Ngân vội cúi đầu:

– Bảo Ngọc ca nhờ thần dược hộ mệnh, tại hạ chỉ tốn thêm chút công phu kích thích dược tính còn tiềm ẩn trong người phát huy kỳ tích mà thôi. Xin qúy vị đừng làm cho tại hạ áy náy. Bảo Ngọc ca chẳng những bình phục mà nội lực hiện cũng tăng tiến hơn trước một phần. Quý vị nên mừng cho Ngọc ca.

Mọi người nghe vậy đều nói lên sự mừng rỡ của họ. Mấy lão già Nùng Trí và Nhất Hạc thì vuốt râu, còn Ngọc Hồng và tỳ nữ thì buột miệng:

– Chúc mừng cung chủ. Thật là trời thương Đại Lịch cung chúng ta.

Bảo Ngọc tươi cười đón nhận những lời chúc tụng, rồi nói:

– Ta và Ngân đệ có việc phải đi ngay kẻo trời sáng bất tiện. Mọi việc ở đây nhờ tứ vị hộ cung lo liệu dùm.

Thanh Ngân:

– Nhờ Đinh thúc thúc trao lại hủ sành đựng tro tàn Triệu lão tiền bối cho Ngọc ca để chúng tôi ra đi kẻo trễ.

Sau khi Bảo Ngọc nhận hủ tro tàn của Triệu Cung, nàng và Thanh Ngân cùng dở thuật khinh công ra bờ đại hồ, Bảo Ngọc phải dùng hai cành cây khô to làm chỗ dậm chân, nhưng Thanh Ngân thì phiêu hốt đạp nước mà đi như trên đất bằng. Nhìn thấy thân ảnh như vậy, Bảo Ngọc trố mắt, và biết trên giang hồ hiện nay không ai có trình độ này. Càng kính phục, con tim người con gái muốn vẫy vùng trời đất, mang ý thống lãnh giang hồ, đồ vương định bá, chợt chùng xuống, và chỉ còn mơ ước được cùng Thanh Ngân tay trong tay ngao du sơn thủy như cặp chim liền cánh.

Đã định tìm đến mộ Tần Tiểu Mi, bên kia sông Nhị, và cũng có ý định xem thử khinh công Bảo Ngọc nên Thanh Ngân vượt trường thành, theo hướng sông Tô Lịch, xử dụng thuật xúc địa thành thốn mới học của Triệu Cung phơi phới bước đi. Trông Thanh Ngân như người nhàn du phiá trước, nhưng Bảo Ngọc tận dụng tất cả khả năng vẫn cách mấy trượng không vượt theo kịp. Khinh công của Bảo Ngọc lúc bấy giờ so ra không thua Thi Kiếm Lý Trường Phong là bao, tốc độ của nàng vùn vụt mắt thường khó thấy bóng ảnh, nhưng cũng không thể nào bắt kịp để sánh vai song song với Thanh Ngân. Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”

Con gái bao giờ cũng là con gái, nhìn tấm lưng vô tình của Thanh Ngân nàng bực bội, hờn giận, không kìm được nước mắt, ngồi phệch xuống mặt đường:

– Hừ! Ta không thèm theo ngươi nữa… ngươi.. ngươi.. khi người thái quá.

Thanh Ngân vẫn theo dõi thân ảnh của Bảo Ngọc, định thử khinh công của mình mới học, không ngờ làm nàng giận dỗi nên vội quay lại. Thấy Bảo Ngọc phụng phịu, đôi mắt nàng đỏ hoe, vội vàng xin lỗi:

– Tiểu đệ chỉ muốn thử xem khinh công của Ngọc ca mà thôi.. Ngọc ca lại giận đệ thật sao?

Bảo Ngọc dặt hủ tro hài cốt xuống đất, dậm châm nói như hét:

– Ta là con gái, ta cấm ngươi cứ lải nhải Ngọc ca! Ngọc ca! mãi như thế. Hừ! Ngươi thật đáng ghét! Ngươi đi đâu thì đi đi.. Ta.. ta..

Giọng nàng trở nên thổn thức, bụm mặt chạy đi.. Thanh Ngân sửng sờ nhìn theo không hiểu phải làm như thế nào?

Trốn lánh Thanh Ngân trong tâm trạng hờn giận, Bảo Ngọc không vận dụng thân pháp và nội công, trước mắt Thanh Ngân, “chàng” Bảo Ngọc uy nghi bây giờ chỉ còn là một con người yếu đuối, xiêu quẹo trên mặt đê, mỏng manh trong màn sương sớm.

Thanh Ngân thở dài, để vật dụng xuống đất, rồi phi thân theo nàng, nắm lấy tay kéo lại:

– Đệ xin lỗi, tỷ tỷ đừng hờn giận nữa…

Đã từng bạo dạn nắm tay Thanh Ngân kéo chạy trên bờ sông Thiên Đức, nhưng lần này bị hắn nắm tay, Bảo Ngọc như mất hết sức lực, Thanh Ngân không dùng sức nhưng nàng vùng vằn mà cánh tay mềm mại của nàng cũng không rút ra khỏi bàn tay năm ngón.

Thanh Ngân lại nhỏ nhẹ:

– Tỷ tỷ! Thôi đừng giận nữa.

Đôi mắt ràn lệ của Bảo Ngọc ngước lên nhìn, rồi cả thân hình như không còn sức, ngã lên ngực Thanh Ngân nức nở:

– Ta cũng là một người con gái. Tại sao ta phải gặp Ngân đệ? Tại sao ta bị độc thương để…để…

Thanh Ngân dìu nàng ngồi xuống bờ cỏ bên mặt đê, để cho Bảo Ngọc khóc.

Thanh Ngân không biết phải nói sao. Mắt dõi theo ánh sao mai, một tay đỡ Bảo Ngọc, một tay nhẹ nhàng vuốt ve bờ vai run rẩy theo những tiếng nấc nghẹn của nàng trong một cử chỉ vỗ về an ủi. Thanh Ngân nói gì được, khi đã phải có trách nhiệm một lúc đến ba người con gái!

Khóc chán, Bảo Ngọc ngồi lại ngay ngắn, lau nước mắt, trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Người ta nói người con trai và người con gái quen nhau, mến nhau thì không thể còn là tình bạn thuần khiết nữa. Ngân đệ! Sau khi trị thương, ta biết ta không thể nào xem Ngân đệ như một người bạn được nữa. Ta biết ta cũng chỉ là một người con gái yếu đuối, với những cảm xúc rung động của một người con gái yếu đuối mà thôi. Ngân đệ đã có hôn thê, vận mệnh đã an bài. Ngày mai ta trở về Đại Lịch cung không xuống miền Nam nữa. Từ đây mong Ngân đệ bảo trọng. Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”

Thanh Ngân chua xót:

– Tiểu đệ cũng rất mến tỷ tỷ. Nhưng biết sao bây giờ.. đệ.. đành mong kiếp sau bồi đáp lại chân tình tỷ tỷ.

Bảo Ngọc hất tung mái tóc ra đàng sau, nhìn Thanh Ngân:

– Ngân đệ thấy ta như thế nào?

Thanh Ngân chân tình:

– Tỷ tỷ đẹp lắm. Nếu đã không có hôn thê là Thùy Trang, và thệ ước với Kiều Linh, Kiều Loan. Được một người như tỷ tỷ để mắt xanh tới.. tiểu đệ…

Bảo Ngọc cau mày:

– Hừ! Ngoài hôn thê ngươi lại còn có hai người hồng nhan tri kỷ nữa! Ta mới nghe lần đầu. Hai người sau này đẹp lắm phải không? Ta so với họ thế nào?

Thanh Ngân vẫn thành thật:

– Về nhan sắc thì mỗi người mỗi vẻ. Tính tình thì Kiều Loan hơi dấm dẳn, Kiều Linh thì quá nhu mì. Bản tính khoáng đạt của tỷ tỷ có lẽ hợp với đệ nhất, nhưng chúng ta đã gặp nhau quá muộn đệ đâu dám …

Và thở dài:

– Tiểu đệ không muốn có nhiều hồng nhan tri kỷ..nhưng hình như định mạng đẩy đưa đến những hoàn cảnh mà đệ không thể nào không có trách nhiệm với họ..

Bảo Ngọc u buồn:

– Ta cũng không ngờ ta… Từ nay mong Ngân đệ bảo trọng.

Nàng đứng lên nhìn Thanh Ngân đau khổ, rồi không nói lời nào nữa, giở khinh công chạy như bay biến. Phút chốc mất dạng trong màn sương. Thanh Ngân đứng lên nhìn theo bóng nàng cho đến khi mất hẳn. Tự hỏi không hiểu mình đã vô tình, đã có lỗi với nàng hay không, nhưng thấy mình như hụt hẫng, như mất mát, thở dài, trông theo:

– Bảo Ngọc! Nàng tha thứ cho ta!

Thanh Ngân chậm rãi đi trở lại chỗ cũ, kẹp hủ tro tàn Triệu Cung vào nách, hai tay mang những thứ nhiễm cổ độc, xử dụng tuyệt đỉnh khinh công ra phạm vi ngoài thành, tìm chỗ rừng vắng, quơ một số cây khô, dùng tam muội chân hoả mồi lửa đốt.

Nhìn ngọn lửa, Thanh Ngân lại nhớ và lắc đầu xua đuổi hình ảnh của Bảo Ngọc, nhưng không thể nào xua tan được, ngậm ngùi, tự trách mình quá đa tình, đa cảm.

Thấy trời đã sáng, Thanh Ngân nghĩ mình không thể dùng khinh công được nữa, ôm hủ tro tàn Triệu Cung nhắm hướng sông Nhị Hà rảo bước. Mặt trời đang nhô lên, trên đường nhiều người đã gồng gánh rau trái nhập thành. Đến bờ sông, trời đã sáng hẳn, hàng quán lục tục mở cửa, Thanh Ngân cảm thấy đói bụng nên bước chân vào quán bên đường hình như đã mở cửa từ sớm. Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”

Bước vào quán, Thanh Ngân không tin ở mắt mình, trong quán đã có một chàng thanh niên mỹ mạo, với thức ăn còn bốc khói, và hai đôi chén đũa trên bàn đang ngồi chờ và nhìn mình mỉm cười. Nụ cười thật tươi, thật đẹp. Nụ cười như làm chung quanh rạng rỡ hẳn ra. Người thanh niên mỹ mạo đó là Bảo Ngọc. Và Bảo Ngọc thân tình như không có gì đã xảy ra:

– Ngân đệ! ca ca đang chờ Ngân đệ. Chúng ta dùng điểm tâm rồi thuê thuyền dạo mát, nhìn sóng trường giang. Ngân đệ thấy sao?

Thanh Ngân cảm động nhìn nàng:

– Tỷ tỷ..

Bảo Ngọc liến thoắng:

– Cái gì tỷ tỷ! Quên nó đi. Ta cùng Ngân đệ là nam nhi đại trượng phu đội trời đạp đất, tình nghĩa đệ huynh.. Hà hà.. Ngân đệ ngồi xuống với ta đi, anh em chúng ta cụng ly nào?

Thanh Ngân ngồi xuống chiếc ghế đối diện, đăm chiêu nhìn Bảo Ngọc:

– Tiểu đệ…

Bảo Ngọc nheo mắt:

– Hà! Hôm nay sao Ngân đệ ấp a ấp úng như con gái thế? Ngân đệ đang đói, để ta gắp thức ăn cho Ngân đệ.

Vừa nói, Bảo Ngọc gắp thức ăn vào chén cho Thanh Ngân, rồi cầm đũa:

– Mời Ngân đệ.

Thanh Ngân nghĩ Bảo Ngọc sau một phút xúc động trong đêm, sau khi chia tay đã nghĩ lại, xua đuổi mối tình nam nữ, chấp nhận tình bạn thuần khiết giữa nàng và mình nên nhìn nàng cảm động:

– Mời Ngọc ca! Tiểu đệ rất sung sướng được gặp lại và cùng Ngọc ca đối ẩm hôm nay.

Bảo Ngọc nheo mắt:

– Chúng ta đã kết nghĩa kim bằng, sanh tử chi giao, thì sao lại khách sáo?

Từ sự tự nhiên và khéo léo của Bảo Ngọc, mọi sự e dè, ngượng ngập phút chốc tiêu tan. Họ vui vẻ chuyện vãn, cười cười nói nói và Bảo Ngọc cũng tự nhiên nắm tay, dung dẻ với Thanh Ngân đi dọc bờ sông, tìm nơi thuê thuyền, vui đùa trên sông Nhị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.