Lần đầu ra uy, cứu nguy Tiên Tử
Khi vui cuộc rượu, trường giang lại thấy Tiêu Dao
Trên thuyền, Thanh Ngân kể lại mối tình của Triệu Cung và Tần Tiểu Mi cho Bảo Ngọc nghe, sau đó họ dời thuyền lên bộ, nhắm hướng mộ Tiểu Mi đi tìm để chôn tro tàn Triệu Cung. Sau khi chôn cất, Thanh Ngân cúi đầu vái lạy theo lễ sư đồ, và lấy một hòn đá to dùng thần công chẻ làm đôi, dùng chỉ lực khắc mấy chữ: “Triệu Cung phu phụ chi mộ” bên dưới đề Thanh Ngân kính lập. Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”
Bảo Ngọc nói:
– Mối tình của Triệu tiền bối và Tần tiền bối làm cho ta vô cùng cảm khái. Ta xin vái lạy ít lạy để tỏ lòng kính ngưỡng.
Bảo Ngọc khấu đầu trước mộ, rồi nắm tay Thanh Ngân an ủi:
– Người mất đã mất, Ngân đệ không phải buồn rầu. Ta thế nào cũng giúp Ngân đệ tìm cho ra tung tích Kiều Linh.
Thanh Ngân:
– Cảm ơn Bảo Ngọc ca.
Thanh Ngân nói dứt lời, thì tai thoáng nghe trong gió có tiếng binh khí chạm nhau, nói với Bảo Ngọc:
– Cách đây năm dặm có người quần đấu.
Bảo Ngọc phải định thần, cố gắng lắm mới nghe thấy, nói:
– Chúng ta cũng chẳng có việc gì gấp hay đến đó xem sao? Nếu gặp kẻ gian tà ỷ thế hiếp cô thì ra tay tiếp trợ, giúp người.
Thanh Ngân ngần ngừ.
Bảo Ngọc nghiêm nghị:
– Ngân đệ mang thân võ học, dù Ngân đệ không muốn đi nữa, thì tế khổn phò nguy cứu giúp người đời đó là bổn phận. Ngân đệ cứ dùn dằn không muốn dính vào chuyện giang hồ, nhưng định mệnh đã đưa Ngân đệ vào việc giang hồ, thì thái độ của Ngân đệ chỉ làm buồn lòng Thiên Hư Tử và Triệu lão tiền bối dưới suối vàng mà thôi.
Thanh Ngân im lặng một lúc, rồi nói:
– Ngọc ca nói đúng, thôi chúng ta đến đó xem sao.
Thanh Ngân đưa tay, Bảo Ngọc cười rạng rỡ, nắm lấy, như hai con chim giở thân ảnh nhắm hướng đấu trường chạy tới.
Với tốc độ của hai người, vài phút sau họ đã đến nơi, đó là vùng đất trống trong một cánh rừng cách bờ sông Nhị không xa. Bảo Ngọc và Thanh Ngân đưa mắt nhìn nhau, không hẹn họ cùng phi thân lên ngọn cây để nhìn những kẻ đang sống chết là ai. Thoáng nhìn cục trường, Thanh Ngân biến sắc, một lũ người áo đen gồm bảy tên đang vây lấy Mai Sơn Tiên Tử Lý Thùy Dung và đại đồ đệ của Phạm Minh là Phùng Đạt Thành.
Thùy Dung bị kiếm thương, máu nhuộn đỏ quần áo, đang chiến đấu trong tuyệt vọng, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ cho đệ tử. Bọn người áo đen hớn hở những tràng cười ngạo nghễ, có kẻ còn chớt nhã bằng những lời lẽ thô tục, bỉ ổi với bà. Thấy Thùy Dung gặp nạn, Thanh Ngân không dám chần chờ một giây, phi thân xuống ngay, không nói không rằng, xử dụng Lạc long canh điền, vung tay chống đỡ cho bà. Một chiêu nhẹ nhàng của Thanh Ngân phát ra, đẩy cả bọn người đang hân hoan chiến thắng mỗi tên bay mỗi ngã. Bị đánh bất ngờ, chúng chẳng hiểu là ai. Gượng dậy, nhìn thấy Thanh Ngân chỉ là một chàng thanh niên mặt mũi còn non choẹt, tức giận gầm thét:
– Oắt con! Ngươi là ai lại dám xen vào chuyện chúng ông?
Thanh Ngân thưa với Thùy Dung:
– Bá mẫu nghỉ ngơi điều thương để bọn này cho tiểu điệt.
Được Triệu Cung chỉ dẫn, đã biết ước lượng công lực địch thủ nên Thanh Ngân ra tay, xử dụng chiêu Lạc Long canh điền chỉ dùng năm thành công lực. Thấy bọn chúng ngông cuồng và không muốn giết người nên nghe chúng hô hét, Thanh Ngân nói với Thùy Dung xong, liền xử dụng mê tung bộ, thân pháp chớp động, bàn tay như qủy mị tát mỗi tên một tát nẩy lửa, rồi chắp tay sau lưng:
– Các ngươi cút đi cho khuất mắt ta.
Tên cao lớn trong bọn có lẽ là kẻ cầm đầu, đưa tay sờ má bị tát còn ê ẩm, đôi mắt sau làn vải đen mở to nói lên sự kinh dị, rồi vẫy tay cho đồng bọn:
– Chúng ta rút lui!
Chúng chưa kịp bước đi thì Bảo Ngọc đáp xuống đất nói lớn:
– Trước khi đi, tháo bỏ các tấm khăn che mặt để ta xem các ngươi là ai mới được.
Thanh Ngân không muốn làm khó dễ bọn chúng nên nhìn nàng gọi:
– Bảo Ngọc ca!
Bảo Ngọc xua tay:
– Bọn chúng lâu nay hoành hành, giết người vô số và võ công đều thuộc hàng cao thủ. Hôm nay phải tìm cho ra bọn chúng là ai để trừ hại cho giang hồ.
Thùy Dung cũng nói:
– Nhị vị thiếu hiệp có võ công phi thường, không nên để bọn ác nhân này trốn thoát.
Nghe Thùy Dung nói, Thanh Ngân vâng dạ:
– Bá mẫu đã dạy, điệt nhi sẽ lột mặt bọn chúng cho bá mẫu.
Tên thủ lãnh bọn áo đen hét:
– Nhóc con! Ngươi dám cả gan như vậy, thì chỉ có con đường chết mà thôi.
Bảo Ngọc cười thánh thót:
– Chúng ta chết hay các ngươi? Khôn hồn thì nói ngay cho ta biết các ngươi là ai!
Định tâm lột khăn che mặt của bọn áo đen, Bảo Ngọc vừa dứt tiếng, Thanh Ngân chớp động thân ảnh. Bọn áo đen thấy Thanh Ngân mất biến, vội vung kiếm lên chống đỡ, nhưng Thanh Ngân giống như một làn khói mỏng, một cái bóng vô hình. Cái bóng ấy vụt qua, mặt họ mát lạnh, những tấm khăn che đều bị lột.
Mặt bọn chúng hiện ra, Bảo Ngọc mà Thùy Dung cùng ngạc nhiên kêu lên:
– Lạ thiệt!
Với võ công của họ, Bảo Ngọc và Thùy Dung đều nghĩ họ là những cao thủ, ít nhất cũng nhận diện được một hai người thường qua lại giang hồ. Nhưng bọn chúng chỉ là những thanh niên trên hai mươi mấy tuổi mà thôi.
Bọn áo đen bị Thanh Ngân giựt khăn che mặt, lộ vẻ kinh khiếp nhưng cũng giận dữ tột cùng. Gân mặt chúng giựt liên hồi, tên đầu đàn lớn tuổi nhất, chỉ khoảng ba mươi nghiến răng quát:
– Liều chết!
Sau tiếng quát của hắn, bọn áo đen như bất chấp mạng sống, lăn xả vào Thanh Ngân, Bảo Ngọc, Thùy Dung vung kiếm tấn công thí mạng. Kiếm chiêu của chúng chỉ tấn công mà không phòng thủ. Thanh Ngân thấy vậy quát lớn:
– Các ngươi điên rồi sao. Chúng ta không cần lấy mạng các ngươi. Đi đi!
Thanh Ngân vừa hét vừa xử dụng Lạc long canh điền, Lạc Long điếu ngư, dùng chưởng kình đẩy mấy tên tấn công mình ra và Thanh Ngân phát hiện nội lực của chúng hình như tăng gấp đôi lúc trước.
Thấy vậy, Thanh Ngân lo sợ Thùy Dung đã bị thương khó chống đỡ nên để ý che chở cho bà, và nói với Bảo Ngọc:
– Ngọc ca cẩn thận! Bọn chúng hình như được tăng cường công lực rất nhiều.
Bảo Ngọc cũng la lớn:
– Chúng xử dụng dược lực thí mạng. Ngân đệ không nên nhân từ với chúng.
Nàng xử dụng nhất dương chỉ chống đỡ. Nhất dương chỉ là tuyệt học trấn quốc của Đại Lý uy lực khôn cùng, nhưng trước bọn người bất kể mạng sống và xử dụng dược lực phát huy hết tinh lực trong người, nhất tâm liều chết nàng cũng phải chật vật mới điểm ngã được một tên, nhưng hắn ngồi dậy ngay, tung kiếm nhào lăn vào nàng bất kể chết sống. Bảo Ngọc phải phi thân tránh né và điểm theo một chỉ xé gió, xuyên thủng ngực, hắn mới chịu nằm yên tắt thở. Thanh Ngân không muốn giết người, nên biến chưởng thành chỉ, mười ngón tay búng ra liên tiếp. Chỉ kình của Thanh Ngân bắn ra không tạo một âm thanh nào, bọn áo đen không biết đường tránh né, bị Thanh Ngân điểm vào những yếu huyệt tê bại, ngã lăn ra đất không cử động được. Thanh Ngân điểm ngã bốn tên, Bảo Ngọc giết được hai tên, định thu thập tên cuối cùng còn lại, thì thấy hắn đang vung kiếm tấn công mới nửa chừng thì ngã nhào., thân thể rung giật một lúc rồi tắt thở. Thấy tên cuối cùng như vậy, Thanh Ngân nhìn lại những tên mình điểm huyệt thấy chúng cũng đã chết cả. Sắc mặt bọn chúng sau khi chết đều bầm đen trông rất khó coi. Bảo Ngọc tức giận:
– Chủ nhân bọn này là ai? Hắn thật là ác độc.
Thanh Ngân trầm tư nhìn bàn tay mình, lẩm bẩm:
– Ta đã giết người! Ta đã giết người rồi sao?
Bảo Ngọc nghe Thanh Ngân lẩm bẩm như vậy, bước lại vỗ vai an ủi:
– Bọn chúng là những ác nhân nếu Ngân đệ có giết thì cũng chỉ trừ hại cho bách tính. Nhưng Ngân đệ thấy đó, chúng chết vì một loại cực độc mà chúng xử dụng chứ chẳng phải do Ngân đệ.
Thanh Ngân vẫn cảm thấy khó chịu:
– Tiểu đệ vẫn cảm thấy…
Lý Thùy Dung tự điểm huyệt cầm máu cho mình rồi cảm động cảm ơn Bảo Ngọc, Thanh Ngân:
– Cảm ơn hai thiếu hiệp đã cứu giúp kịp thời. Tôi là Lý Thùy Dung của Mai Sơn chẳng hay hai thiếu hiệp là ..
Bảo Ngọc vội vàng:
– Tại hạ là Nùng Bảo Ngọc của Đại Lịch cung tại Quảng Nguyên, xin bái kiến Mai Sơn Tiên Tử. Tại hạ nghe danh đã lâu nay mới gặp thật là hân hạnh.
Nàng liến thoắng chỉ Thanh Ngân:
– Còn hắn là…
Thanh Ngân vội vàng qùy xuống đất:
– Điệt nhi tham kiến bá mẫu.
Thùy Dung lách tránh lễ tham kiến của Thanh Ngân trố mắt ngạc nhiên:
– Thiếu hiệp là ai lại xưng hô như vậy?
Bảo Ngọc cười:
– Hắn là nghĩa tế tương lai của Tiên Tử. Tiên tử không nhận ra hắn hay sao?
Thùy Dung kêu lên:
– Thiếu hiệp là Ngân nhi? Tại sao như vậy được?
Thanh Ngân:
– Điệt nhi gặp nhiều kỳ duyên nên thay đổi như thế này. Điệt nhi sẽ thưa với bá mẫu sau. Bây giờ chúng ta tạm thời rồi khỏi nơi đây, diệt nhi phải trị thương cho bá mẫu và Phùng sư ca trước đã.
Phùng Đạt Thành bị thương khá nặng, khi được Bảo Ngọc và Thanh Ngân tiếp trợ, thì rời xa trận đấu, ngồi yên dưới đất, nghe vậy xen vào:
– Sư mẫu! Hắn không thể là Lê Thanh Ngân. Coi chừng ngụy kế.
Thùy Dung nhìn Thanh Ngân, thấy thay đổi không tưởng tượng được, nhưng nhìn kỹ thì đúng là khuôn mặt quen thuộc nên nói:
– Đã có cung chủ của Đại Lịch cung ở đây, ngươi không nên xen vào và vô lễ như vậy.
Bà cảm động:
– Thiếu hiệp đứng dậy, thiếu hiệp là ai cũng không cần đa lễ. Nếu thiếu hiệp lại là Ngân nhi, thì đúng Lê đại ca thật được an ủi dưới suối vàng.
Bảo Ngọc:
– Để tôi đưa tiên tử rời xa chỗ này, Ngân đệ trị thương cho tiên tử rồi..hàn huyên sau.
Thùy Dung không khách sáo:
– Nghe danh Cung chủ là một kỳ nữ vang danh như cồn mấy năm nay, hân hạnh được biết cung chủ và cảm ơn cung chủ ra tay tiếp trợ. Tại hạ bị thương cũng không nhẹ nên xin phiền cung chủ.
Bảo Ngọc nói mấy lời khiêm nhượng rồi đỡ Thùy Dung một tay đưa đi. Thanh Ngân cũng lại đỡ Phùng Đạt Thành, nhưng qua khỏi chỗ đám người áo đen đang nằm chết, Thanh Ngân để Đạt Thành ngồi xuống nói với Bảo Ngọc:
– Ngọc ca chờ đệ trong giây lát.
Bảo Ngọc cùng Thùy Dung quay lại, thì thấy Thanh Ngân dùng chưởng đánh xuống mặt đất. Qua hai chưởng của Thanh Ngân, bụi đất tung mù, tạo thành một huyệt lớn, rồi Thanh Ngân nhanh nhẹn xách bảy tên áo đen bỏ xuống huyệt, dùng chưởng kình xô đất lấp lại. Chỉ tích tắc Thanh Ngân đã đào hố, chôn người, đắp mã. Thùy Dung nhìn Thanh Ngân làm không tưởng được trên đời có người võ công như vậy. Bảo Ngọc thở dài nói nhỏ với bà:
– Đúng là anh đồ gàn. Tiên tử chọn người rể có chút gàn bướng, nhưng nghi biểu, võ công và văn học của Thanh Ngân.
Thùy Dung vẫn chưa dám tin Thanh Ngân trước mắt là Thanh Ngân, nhưng nhìn hành động nhân từ, chứng kiến tài năng của Thanh Ngân trong lòng thầm cầu mong thanh niên trước mắt đúng là Lê Thanh Ngân, hôn phu Thùy Trang, con bà.
Trong lòng cầu mong như vậy nhưng bà thở dài:
– Tôi không dám tin nhà tôi có phước phần như vậy..
Thanh Ngân chôn xong bọn áo đen, mỉm cười với Bảo Ngọc và Thùy Dung: Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”
– Ngọc ca đưa bá mẫu ra bờ sông. Ở đó có lẽ thoải mái nhất cho chúng ta.
Thanh Ngân đỡ Phùng Đạt Thành dậy dìu đi. Đạt Thành cảm thấy có một luồng kình lực nhu hoà nâng mình lên đưa về phía trước dễ chịu vô cùng.
Ra bờ sông, Thanh Ngân nói:
– Nhờ Ngọc ca băng bó dùm những vết kiếm thương cho bá mẫu, rồi tiểu đệ sẽ xem mạch cho người sau.
Nhà võ ai cũng mang theo vật dụng trị thương, nên Bảo Ngọc và Thanh Ngân không mấy khó khăn, băng bó cầm máu cho Thùy Dung và Đạt Thành. Xem kinh mạch Đạt Thành, Thanh Ngân thấy hắn không bị nội thương nên nói:
– Phùng sư ca chỉ bị thương tích bên ngoài, về Thăng Long tiểu đệ rịt thuốc và cho toa vài bữa sẽ lành không cần phải lo ngại.
Đạt Thành hình như có ác cảm với Thanh Ngân nên chỉ cộc lốc:
– Đa tạ ơn ngươi.
Thanh Ngân không để ý đến thái độ Đạt Thành, đến bên Thùy Dung, xin phép bà cầm tay xem mạch, cau mày:
– Bá mẫu bị một chưởng chí dương đánh phải. Điệt nhi phải chữa ngay mới được.
Thanh Ngân xoay sang Bảo Ngọc:
– Ngọc ca lưu tâm giám thị cho đệ trong ít giờ.
Bảo Ngọc:
– Ngân đệ cứ yên lòng trị thương cho Tiên Tử.
Thùy Dung nhìn quanh lo âu:
– Vận công trị thương nếu bị ai quấy nhiễu, nguy hiểm vô cùng chi bằng tìm một quán trọ trước đã.
Bảo Ngọc như nhớ ra:
– Ngân đệ! Ta chạy đi lấy thuyền đem lại, đưa tiên tử lên thuyền trị thương là tốt nhất.
Thanh Ngân:
– Nếu vậy tiểu đệ xin phiền Ngọc ca.
Bảo Ngọc phi thân đi khỏi, Thùy Dung hỏi Thanh Ngân:
– Thiếu hiệp thật ra là ai?
Thanh Ngân biết bà vẫn không dám tin mình là Thanh Ngân bèn mỉm cười, kể lại một vài kỷ niệm ở Mai Sơn mà chỉ bà và mình biết như hôm ấy phụ thân giận dữ quở la vì đã từ chối không chịu bái Phạm Minh làm thầy, bà đi ngang qua, nghe được đã khuyên nhủ phụ thân mình như thế nào. Bà thường đích thân mang bánh cho mình, bánh bà làm ra sao, mỗi lần được bánh hay nói gì với bà, rồi đọc lại bức thư bà viết khi rời khỏi Mai Sơn. Trong gói tiền bạc bà cho có bao nhiêu vàng, bao nhiêu bạc. Thanh Ngân có tài kể truyện, mà kể ngay những lời đối đáp nhiều lúc giữa bà và mình, làm Thùy Dung cảm động nắm tay dơm dớm nước mắt:
– Con đúng là Thanh Ngân, khuôn mặt của con cũng không thay đổi lắm, nhưng thân hình, võ công..những cái đó không thể nào làm ta dám tin con là Thanh Ngân được.
Thanh Ngân qùy xuống đất:
– Sau khi trốn khỏi Mai Sơn, điệt nhi có gặp nhiều kỳ duyên, nhưng cũng có nhiều việc cảm thấy có tội với Phạm thúc, bá mẫu và Thùy Trang. Tiểu điệt mong bá mẫu rộng lòng tha thứ trước khi con kể cho bá mẫu nghe mấy tháng nay vì sao con như thế này.
Thùy Dung bao dung:
– Con cứ kể cho bá mẫu biết. Những tin đồn về con đưa đến Mai Sơn làm thúc thúc con và nhiều người giận dữ, nhưng bá mẫu và Đoàn phu nhân đều không tin như vậy.
Thanh Ngân cau mày:
– Cảm ơn bá mẫu và Đoàn bá mẫu đã thương tiểu điệt như vậy. Tiểu điệt cũng đang điều tra xem ai đã có lòng hại mình như vậy. Nhưng một điều bá mẫu thấy là họ đã không biết tiểu điệt thay đổi, không còn là một đứa bé mười bốn mười lăm như trước.
Rồi Thanh Ngân từ từ kể lại đã gặp bọn tứ nương của Vạn Trúc sơn trang nhìn lầm là công tử của Thư Hương Trang Viện bắt đi, gặp người của Thủy Cung đón bắt lại, cùng Thu Cúc tức Kiều Linh trốn chạy, phải chữa độc cho Kiều Linh như thế nào. Là con gái, bị mình ôn ấp, bồng cõng trong lúc bị thương nên nàng quyết chung tình với mình dù biết đã có hôn thê ra sao. Sau đó, bị Thiết Tháp bắt đi với Kiều Linh, Kiều Loan, rồi bị ném xuống vực sâu với Kiều Loan. Ở đáy vực gặp kỳ duyên, được nội đơn của địa long, lạy Thiên Hư Tử hai trăm năm trước làm sư phụ học võ nghệ nhất nhất kể lại. Nuốt được viên nội đơn của địa long và học võ của Thiên Hư Tử, Thanh Ngân thoát thai hoán cốt, trở nên cao lớn thành một thanh niên mà chỉ khi ra khỏi động mới biết. Dĩ nhiên chuyện ân ái với Kiều Loan, chỉ nói phải bế nàng, thoát khỏi bí động trong tình trạng loã lồ nên Kiều Loan đã coi như thất tiết với mình và cũng nhất dạ chung tình. Thanh Ngân xin bà và Thùy Trang tha thứ đã có thêm hai hồng nhan tri kỷ và phải có trách nhiệm với họ.
Thùy Dung thở dài, nhưng thông cảm:
– Như vậy thì con có gì đáng trách? Dù là mẹ của Thùy Trang nhưng ta thấy con biết trách nhiệm với Kiều Linh và Kiều Loan như vậy ta cũng vui lòng, và nhất định không ngăn trở con có trách nhiệm với hai cô gái ấy. Con đã được Thiên Hư Tử, tính quẻ biết trước và chọn làm đệ tử, con sẽ là kẻ chống đỡ giang hồ sau này. Những chuyện ở Thăng Long con không cần nói ta cũng tin là con bị người ám hại.
Thùy Dung nói đến đây, thì Bảo Ngọc đã đưa thuyền cập bờ, nói lớn:
– Tiên tử! Đêm hôm qua phía Tây Thành cũng có một vụ dâm án, người đàn bà khai báo với quan nha cũng đã tả Lê Thanh Ngân là một chú bé chỉ mười bốn lăm tuổi. Nhưng từ đêm hôm qua đến giờ Thanh Ngân và Bảo Ngọc không rời nhau nửa bước. Bảo Ngọc xin lỗi đã đem thuyền đến trễ vì tình cờ phải nghe và phải dò tin này ở bọn thuyền phu.
Thùy Dung:
– Có cung chủ đi với Thanh Ngân, thì hắn không thay đổi, vẫn còn thân hình của đứa trẻ mười bốn, mười lăm, ta vẫn nghi ngờ hắn, không tin hắn đi nữa cũng không dám không tin cung chủ.
Bảo Ngọc:
– Đa tạ Tiên tử đã có lời đề cao tiểu nữ. Mời Tiên Tử lên thuyền để kịp trị thương thế.
Thanh Ngân nâng Thùy Dung dậy, rồi kéo Đạt Thành đứng lên, hai tay nhẹ nhàng đưa hai người xuống thuyền. Nâng hai người với sức nặng trên trăm cân Thanh Ngân vẫn đáp xuống thuyền như lá rụng không làm chiếc thuyền dao động.
Để Đạt Thành ngồi bên ngoài, Thanh Ngân đỡ Thùy Dung vào trong khoan, Bảo Ngọc nói:
– Ngân đệ cứ yên tâm trị thương cho Tiên Tử. Ta đã học cách chèo thuyền của Ngân đệ trên sông Thiên Đức, thì trường giang với sóng cao gió cả cũng chẳng hề chi.
Thanh Ngân cảm tạ:
– Cảm ơn Bảo Ngọc ca.
Bảo Ngọc đẩy thuyền ra sông, thì trong khoan, Thanh Ngân cũng bắt đầu vận dụng công lực trị thương cho Thùy Dung. Độ hai giờ sau Thanh Ngân đã phục hồi công lực cho bà. Dù Nội công thâm hậu, nhưng một đêm một ngày phải trị thương cho Bảo Ngọc rồi Thùy Dung, Thanh Ngân cũng cảm thấy mệt mỏi.
Thùy Dung nhìn Thanh Ngân, thương yêu:
– Nếu không nhờ Ngân nhi nội công kiêm bị cương nhu, có về được Mai Sơn, thúc thúc con trị liệu cho ta đi nữa cũng phải mất ba tháng mới bình phục hẳn.
Thanh Ngân hỏi:
– Sao bá mẫu lại hạ sơn và bị bọn hắc y vây đánh? Hình như bá mẫu đã bị thương từ trước.
Thùy Dung thở dài:
– Sau khi con đi được vài tháng, thì Mai Sơn không biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Nếu không có tam sư thúc về kịp thì có lẽ Mai Sơn đã bị Vạn Trúc Sơn Trang và Thủy Ma Cung dẫm nát. Đầu tiên thì lão Nhất Ma Yết Kỳ đến đòi trả thù vì con đã giết chết Tam ma Hồ Bưu và móc mắt Nhị Ma. Nhất ma bị tam sư thúc đánh bại, nhưng đệ tử Mai Sơn cũng bị hy sinh nhiều người. Sau đó hai ngày thì Thiềm Mục lão nhân và bốn bà vợ lại đến khiêu chiến trả thù con hại chết con gái lão. Trận chiến cũng đã làm cho nhiều người bị thương, nếu không có Đoàn bá mẫu trị liệu thì nhiều người phải chết vì rắn độc. Sau khi đẩy lui bọn Thiềm Mục, tam sư thúc xuống núi tìm tung tích sư phụ ta và nhị sư thúc vẫn còn biệt tích, nên dù muốn đi tìm con để biết hư thực ra sao, ta không dám đi vì thực lực Mai Sơn đang bị phân tán, mỗi người đi mỗi ngã. Tuy nhiên, gần đây liên tiếp nghe con làm bao nhiêu chuyệm dâm ác ở Thăng Long, ta không thể làm ngơ được nữa phải xuống núi điều tra xem sao. Ta và Phùng nhi đi thuyền gần đến Thăng Long thì gặp bọn Thủy Ma cung, kịch chiến với chúng, Nhị ma dù bị mù nhưng công lực cao vô cùng, ta bị lão đánh phải một chưởng, chúng ta phóng lên bờ đào tẩu. Có lẽ vì mù nên Thiết Tháp không đuổi theo. Đêm hôm qua ta vận công trị thương cho mình, chưa thể bình phục được, đang định vào thành thì gặp bọn áo đen, phải đánh với chúng làm cho nội thương thêm trầm trọng. Nếu con không đến kịp thì..
Thanh Ngân ân hận:
– Không ngờ vì con mà Mai Sơn xảy ra không biết bao nhiêu chuyện, gây bao phiền lụy. Con không biết phải nói sao với bá mẫu và Phạm thúc thúc.
Thùy Dung an ủi:
– Khi rời Mai Sơn con không biết võ công, hoàn toàn ở trong thế bị động, phải tìm đường sinh tồn, thì không ai có thể trách con.
Thanh Ngân ngập ngừng:
– Cảm ơn bá mẫu đã thông cảm điệt nhi. Đoàn bá mẫu và …Thùy Trang, Thùy Vân lúc này thế nào?
Thùy Dung thở dài:
– Đoàn bá mẫu thật tội nghiệp. Chính Tâm đã làm bà buồn khổ không ít. Hắn mê võ công quên cả thăm lom bà. Phạm thúc con thấy hắn như vậy tức giận, thu lại cuốn bí kíp của Lý sư thúc, nặng lời trách mắng. Hai hôm sau hắn trốn đi để thư lại nói rằng phải tìm người có võ công siêu phàm thụ giáo để trả thù cho thân phụ hắn. Những biến cố xảy ra ở Mai Sơn cũng làm cho Trang nhi và Vân nhi cố gắng học võ hơn. Nhưng những tin tức về con, ta và Đoàn bá mẫu không cho chúng biết nên chúng cũng yên lòng.
Thanh Ngân:
– Con đang định đi dò tìm tung tích của Kiều Linh, nhưng việc Mai Sơn như thế này con phải theo bá mẫu về lại ít hôm thỉnh tội với Phạm thúc và thăm Đoàn bá mẫu.
Thùy Dung:
– Gặp lại con nhất định Đoàn bá mẫu, Thúc thúc con, Trang nhi và Vân nhi hẳn vui mừng khôn xiết.
Rồi bà nói:
– Chúng ta ra ngoài cùng chuyện vãn với Nùng cung chủ. Để cung chủ chèo thuyền mãi, thật thất lễ.
Bảo Ngọc vui vẻ:
– Tiên tử và Ngân đệ cứ tự nhiên hàn huyên. Được chèo thuyền cho tiên tử, vãn bối lấy làm hân hạnh.
Thanh Ngân trong khoan bước ra cười với Bảo Ngọc:
– Xem ra Ngọc ca đã trở thành một người chèo thuyền lão luyện. Nhưng để tiểu đệ thay phiên cho Ngọc ca một lát.
Bảo Ngọc:
– Đêm hôm trị thương cho ta, hôm nay lại trị thương cho Tiên Tử, Ngân đệ nên nghỉ ngơi. Việc này có gì khó nhọc! Nhưng bây giờ chúng ta trở về hay đi đâu ta phải chờ nghe Ngân đệ ra lệnh.
Thùy Dung ngắm Bảo Ngọc mỉm cười:
– Cung chủ danh vang cõi Bắc, võ công tài mạo đều hơn người, Cung chủ thật làm rạng danh cho giới nhi nữ chúng ta.
Bảo Ngọc:
– Vãn bối nghe danh tiên tử đã lâu. Nếu không đã kết nghĩa đệ huynh cùng Ngân đệ.. là..thì Bảo Ngọc xin kết làm tỷ muội với tiên tử.. vì trông ra tiên tử như trẻ mãi với thời gian. Truyện “Nam Thiên Đại Hiệp ”
Thùy Dung vui vẻ:
– Cung chủ thật khéo nói. Gặp cung chủ mới lần đầu nhưng tưởng chừng như đã thân thiết lâu ngày. Cung chủ nam hạ hẳn có chủ đích, nhưng nếu có thì giờ xin mời ghé đến Mai Sơn một chuyến cho chúng tôi được hân hạnh tận tình chủ khách, kết tình giao hảo.
Bảo Ngọc:
– Vãn bối xuống Thăng Long có việc rất cần cho Đại Lịch cung, nhưng được kết giao với các danh môn đại phái, anh hùng thiên hạ cũng là ước nguyện nên khi thuận tiện nhất định sẽ đến Mai Sơn bái kiến.
Thanh Ngân:
– Đệ phải theo bá mẫu về lại Mai Sơn ít hôm, hay là Ngọc ca cùng đi với đệ?
Bảo Ngọc trầm ngâm, đôi mắt xa xăm:
– Có lẽ ta chưa có thể đi được vì còn nhiều việc chưa làm xong.
Thùy Dung:
– Nếu cung chủ có việc cần Thanh Ngân giúp đỡ, thì khi nào hắn về Mai Sơn cũng được. May mắn gặp hắn hôm nay, chúng tôi không còn gì phải lo âu cho hắn nữa.
Bảo Ngọc hững hờ:
– Công việc chúng tôi cũng không phải nhờ đến Ngân đệ.
Rồi nàng trốn tránh:
– Trời đã xế chiều, hẳn Tiên tử và Phùng tiểu ca cũng đói, chi bằng chúng ta đến một tửu lâu hàn huyên, thay vì nhìn sóng nước.
Nàng nhìn Thanh Ngân:
– Ngân đệ nghĩ sao?
Thanh Ngân kêu lên:
– Ngọc ca không nhắc tiểu đệ quên mất bá mẫu và Phùng đại ca đã trải qua một thời gian dài gặp cường địch. Nhất định chẳng có gì trong bụng.
Thùy Dung:
– Từ đêm hôm kia đến giờ chúng ta chưa có hạt cơm lót dạ thật, nhưng gặp Ngân nhi và Cung chủ mừng quá nên chẳng thấy đói chút nào.
Nhìn lên bờ Thanh Ngân thấy có một tửu lầu nguy nga rất gần, bảng hiệu tên là Vọng Giang Lâu, nói:
– Đàng kia là Vọng Giang Lâu. Ngọc ca! Chúng ta đến đó là hay nhất.
Thùy Dung nhìn theo tay chỉ, thấy tửu lâu nhưng không thể đọc tên bảng hiệu càng thêm ngưỡng mộ nhãn lực võ công của chàng rể tương lai.
Bảo Ngọc nheo mắt:
– Tuân lệnh Lê đại hiệp.
Nàng quẫy chèo đẩy thuyền đi, nhưng Thanh Ngân giành lấy:
– Tiểu đệ đã khỏe lắm rồi, để việc chèo chống này cho đệ.
Bảo Ngọc nói:
– Nếu Ngân đệ không muốn ta cực nhọc, thì Bảo Ngọc cũng không dám trái ý.
Thùy Dung thấy Bảo Ngọc trong lớp y phục nam trang nhưng mắt thanh, mày liễu, môi hồng má đỏ diễm lệ vô cùng, còn Thanh Ngân như cây ngọc trước gió, càng nhìn càng thấy như đôi kim đồng ngọc nữ, họ thân thiết với nhau vô cùng làm bà nghĩ đến hai cô gái mà Thanh Ngân đã đề cập đến là Kiều Loan và Kiều Linh, rồi nhìn Bảo Ngọc âm thầm dấu tiếng thở dài âu lo cho con gái mình.
Sự lo buồn của bà bị Bảo Ngọc cắt đứt khi trao mái chèo cho Thanh Ngân:
– Tiên tử! Tiên tử đã có nghĩ bọn áo đen là phe nhóm nào không?
Thùy Dung:
– Trước đây họ tấn công Mai Sơn một lần, gây ra cho bản sơn nhiều thiệt hại và phụ thân Thanh Ngân cũng đã bị họ giết. Chúng tôi vẫn cho là người của Trần Thủ Độ, nhưng nghĩ lại càng ngày tôi thấy suy luận này không đúng.
Bảo Ngọc:
– Tiểu nữ nghe nhiều bang phái bị tấn công, và họ cũng cho là người của triều đình.
Nhưng Bảo Ngọc cũng nghĩ như Tiên Tử. Nếu là Thủ Độ, lão có thể cử binh chinh phạt cần gì phải lập nên một nhóm người bí mật? Nhóm này không phải chỉ tấn công những thế lực mưu chống lại nhà Trần mà ngay cả những bang phái đứng ngoài tranh chấp Lý-Trần cũng bị họ tấn công?
Thùy Dung:
– Tôi đã nghĩ nát óc nhưng đến giờ vẫn không xác định được họ là ai.
Bảo Ngọc:
– Tôi nam hạ ngoài việc riêng của bổn cung, cũng nhằm để tâm điều tra việc này. Họ đang bành trướng, tác yêu tác quái dần dần từ Nam đến Bắc. Đại Lịch cung không thể không quan tâm đến họ. May mắn gặp được Tiên Tử, nếu Tiên Tử không nghi ngại, tiểu nữ mong từ Tiên Tử, từ chuyện của Mai Sơn mà rút dần manh mối.
Thanh Ngân hỏi Thùy Dung
– Bá mẫu! Khi bọn chúng tấn công Mai Sơn, điệt nhi vì không quan tâm đến chuyện giang hồ, hơn nữa phụ thân bị hại nên chẳng còn tâm trí nào, không hiểu chúng bị Phạm thúc thúc và bá mẫu đánh thua phải rút lui hay không?
Thùy Dung thở dài:
– Hôm đó nếu không nhờ Lưỡng Châu Nhất Kiếm Phạm tiền bối kịp thời cứu trợ, thì Mai Sơn đã bị loại khỏi giang hồ. Nhớ đến trận chiến hôm đó ta còn lo sợ.
Thanh Ngân:
– Tại sao ông Lưỡng Châu nhất kiếm gì đó lại đến can thiệp kịp thời, đúng lúc, bá mẫu có đặt ra nghi vấn gì không?
Thùy Dung:
– Ta cũng từng nêu ra điều này, nhưng thúc thúc ngươi cho rằng với võ công của Lưỡng Châu Nhất Kiếm, Bảo Hùng mà cũng chỉ là thuộc hạ của Phan Ma Lôi, thì ông ta không cần phải dở thủ đoạn với giang hồ.
Bảo Ngọc:
– Như tiên tử nói, võ công của Phan Ma Lôi là tuyệt đỉnh giang hồ hiện nay?
Thùy Dung trầm buồn:
– Ta không biết võ công của Phan Ma Lôi như thế nào, nhưng võ công của Lưỡng Châu Nhất Kiếm và Bảo Hùng, quân sư của họ, nói ra là phạm thượng, nhưng sự thật còn trên sư phụ và hai vị thúc thúc của ta rất nhiều.
Thùy Dung nói đến đây, thì Thanh Ngân đưa thuyền cập bến. Bảo Ngọc nói nhỏ với Thùy Dung:
– Chúng ta đừng lộ chân tướng võ công nơi chỗ trăm mắt.
Nói xong, nàng chậm rãi bước lên bờ, cố làm ra vẻ như người bình thường. Thùy Dung đưa mắt nhìn Phùng Đạt Thành, hắn định rán đứng lên thì Thanh Ngân nói:
– Phùng đại ca để tiểu đệ giúp một tay.
Khi Phùng Đạt Thành được Thanh Ngân dìu đi, hắn mới tỏ ra ân hận:
– Ta cứ tưởng Ngân đệ là người xấu nên đã… mong Ngân đệ đừng để tâm.
Thanh Ngân:
– Chúng ta như anh em một nhà, Phùng đại ca không trách giận tiểu đệ nữa là đệ thấy vui lắm rồi.
Vọng Giang Lâu, nằm ngoài thành, nhìn ra sông Nhị, còn gọi là sông Phú Lương. Tửu lâu xây sát mé sông, kiến trúc rộng rãi và hoa mỹ, là nơi văn nhân thi sĩ, anh hùng hào khách tới lui tấp nập. Tiếng đồn chủ nhân là người có văn tài, thời niên thiếu thích chu du đây đó đã sang nhà Tống ngắm cảnh Tây Hồ ở Hàn Châu, phỏng theo kiến trúc Vọng Nguyệt Lâu ở Tây Hồ mà xây cất nên Vọng Giang Lâu. Vừa uống rượu, vừa được ngắm sông nước trường giang, ghe buồm tới lui tấp nập hấp dẫn du khách đến đây đã đành, mà tiếng đồn cũng làm tăng sự tò mò, lôi kéo khách rủng rỉnh bạc tiền đến viếng. Nhìn thấy sự hoa mỹ và nhộn nhịp của Vọng Giang Lâu, Bảo Ngọc quay lại cười với Thanh Ngân:
– Ngân đệ là người ở Kinh Đô có khác! Nơi đây thật hợp ý ta để được đón mừng Tiên Tử.
Nàng tươi vui đưa tay mời Thùy Dung đi trước cho phải lễ, rồi tung tăng song bước với Thanh Ngân theo sau. Thùy Dung được tặng danh hiệu Mai Sơn Tiên Tử, đã nói lên dung nghi xinh đẹp. Trong bộ võ phục bó chẻn, mang trường kiếm lủng lẳng bên hông làm càng tăng vẻ khác thường. Bảo Ngọc trong y phục nam trang, dưới lốp một chàng công tử phong tư mỹ lệ sánh bước với Thanh Ngân, cả hai như Phan An, Tống Ngọc. Nhìn phong thái thì biết ngay họ là loại khách nào, bốn người mới bước chân vào tửu lâu, đã gây ngay sự chú ý và tiểu nhị đã đổ ra vồ vập:
– Nữ hiệp và nhị vị…tam vị thiếu hiệp giáng lâm tệ lâu thật là hân hạnh, hân hạnh. Trên lầu đã đông khách nhưng chúng tôi nhất định dành cho tứ vị một bàn rộng rãi, thoải mái.
Hành hiệp, lăn lóc giang hồ đã lâu, Thùy Dung lấy một đỉnh bạc thưởng cho, tiểu nhị càng lăn xăn tiếp đón.
Họ đã có ngay một bàn rộng rãi trước mặt tiền, nhãn quan nhìn khắp mặt sông.
Bảo Ngọc thưởng thêm cho tiểu nhị một đỉnh bạc, ra lệnh:
– Mang ra vài món ăn nhẹ. Sau đó, rượu ngon nhất, món ăn bất kể sơn hào hay hải vị, những món nào ngon nhất ở tửu lâu này mang ra cho chúng ta.
Nàng nói với Thùy Dung:
– Mong bá mẫu để cho Bảo Ngọc được hân hạnh mời bá mẫu hôm nay.
Thùy Dung gặp được Thanh Ngân, thấy Thanh Ngân có thân võ học kinh người đã quá vui thích trong lòng, Bảo Ngọc là cung chủ của Đại Lịch cung, một thế lực võ lâm bao trùm biên giới, gọi bà rất thân tình là bá mẫu càng làm cho bà cảm động, cầm tay nàng:
– Được quen với cung chủ đã là một hân hạnh bất ngờ. Cung chủ đối đãi với ta như vậy càng làm cho ta cảm thấy…
Bảo Ngọc:
– Ngân đệ đã kết nghĩa kim bằng cùng vãn bối, thì bậc trưởng thượng của Ngân đệ, cũng là bậc trưởng thượng của mình. Bá mẫu không chê bỏ vãn bối rất lấy làm sung sướng.
Thùy Dung nghe nói, nghĩ đến con gái mình có chút lo âu, nhưng bà nghĩ đến cơ hội được liên kết với Đại Lịch Cung sau này, dẹp bỏ ngay lo lắng nhỏ nhen đó mà vui vẻ cười nói vui tươi với Bảo Ngọc ngay. Vốn là những trang nữ kiệt, và thông minh như nhau, càng chuyện vãn, luận đàm Thùy Dung càng mến Bảo Ngọc. Thanh Ngân chưa có kinh nghiệm và kiến thức giang hồ nên chỉ thỉnh thoảng mới nói góp một đôi lời. Đạt Thành thì trước mặt sư mẫu, giữ phận cung kính chẳng dám xen lời. Trong bữa ăn, những kẻ không nói thì ăn nhiều, uống nhiều, chẳng mấy chốc Thanh Ngân đã mặt đỏ như gấc. Thùy Dung thấy vậy nhắc nhẹ:
– Ngân nhi! Hình như con uống hơi nhiều.
Bảo Ngọc cười:
– Nam vô tửu như kỳ vô phong! Đã là người thân của Mai Sơn, của Kỳ Tửu Đinh lão gia, Ngân đệ phải tập cho tửu lượng càng ngày càng tiến bộ. Ta mời Ngân đệ một chung.
Nàng rót rượu. Thanh Ngân đã ngà ngà nên không chối từ, uống cạn hơi như người sành sỏi.
Tuy nhiên khi uống hết chung rượu, thì nghe Bảo Ngọc dùng phép truyền âm nhập mật nói:
– Ta là con gái tửu lượng không bao lăm nhưng có thể đóng vai một nam nhi đại trượng phu, tiếp chuyện trong bàn rượu với hào khách giang hồ mà không thất lễ, là nhờ thuật nhất dương chỉ có thể gom tụ hơi rượu trong đan điền đưa ra ngoài. Võ công của Ngân đệ bao trùm hết võ công trong thiên hạ thì việc này Ngân đệ có thể làm được. Ngân đệ thử xem sao.
Nói rồi nàng nheo mắt, và nói lớn:
– Nhờ Ngân đệ mà ta được làm quen, được uống rượu với bá mẫu, ta cảm ơn và mời Ngân Đệ thêm một chung nữa.
Thanh Ngân nghe Bảo Ngọc nhắc, ngầm vận Lạc long công, lấy khí công dẫn hơi rượu ra ngoài, thì thấy hiệu nghiệm ngay, cười lớn:
– Uống với Ngọc ca ngàn chung đệ vẫn có thể uống được. Cảm ơn Bảo Ngọc ca.
Nhờ Bảo Ngọc mách cho mánh khoé, mà sau này Thanh Ngân có thể hoà mình cùng hào khách giang hồ, kết bạn bốn phương, cùng họ rượu vào lời ra, nhưng lúc nào cũng tinh minh, thung dung, tự tại. Thanh Ngân thích thú phát hiện ra khả năng mới của công phu nội lực lấy làm thích thú, cùng Bảo Ngọc tiếp tục chén thù chén tạc, Thùy Dung thấy Thanh Ngân và Bảo Ngọc uống rượu như uống nước, mặt Thanh Ngân thì từ đỏ trở thành bình thường, nhưng Bảo Ngọc dần dần ửng đỏ, mỉm cười:
– Khi nào gặp lại sư phụ và hai vị sư thúc của ta, Ngân nhi và cung chủ có thể làm qúy vị ấy phải kính phục kẻ hậu sinh. Nhưng, Ngân nhi! Con còn trẻ, làm con ma rượu theo thiển ý của ta cũng không nên lắm.
Thanh Ngân nghe Thùy Dung quở trách, vội vàng đứng dậy:
– Xin bá mẫu tha lỗi! Điệt nhi và Bảo Ngọc ca không phải thích rượu đâu. Nhờ Ngọc ca chỉ bảo, con muốn thử xem cách dùng chân khí đưa rượu ra ngoài thân thể hiệu dụng như thế nào mà thôi.
Thanh Ngân cúi xuống nâng một bình rượu đã uống sạch để dưới sàn lên, bình rượu đầy trở lại. Thì ra, cùng Bảo Ngọc sau khi uống xong vận khí đẩy rượu ra ngoài, nhỏ vào chiếc bình không mà Thùy Dung và Đạt Thành không hay biết gì cả.
Thùy Dung nghe nói, lấy tay gõ nhẹ lên trán:
– Ta quên mất Cung chủ biết xử dụng nhất dương chỉ, là môn công phu duy nhất có khả năng như vậy, thì ra Ngân nhi cũng đã học được môn công phu tuyệt thế này.
Bảo Ngọc phụng phịu:
– Vãn bối chỉ có thể vận rượu ra một ngón duy nhất, trong khi hắn có thể rót ra trên mười đầu ngón tay một lúc, còn hiệu dụng hơn cả Lục Mạch Chỉ Thiền là môn võ công tối cao của Đại Lý đã thất truyền mấy trăm năm trước. Hà! Vãn bối mới chỉ cho hắn, thì hắn đã qua mặt và làm cho vãn bối không trục rượu ra kịp nên có thể phải say mất.
Không hiểu nàng có say chút nào không, nhưng đôi mắt ướt át nhìn Thanh Ngân:
– Nếu vãn bối say thật.. thì bắt hắn cõng vãn bối về nhà vậy.
Thùy Dung biết con gái Nùng rất thẳng thắn trong vấn đề tình yêu, dù Thanh Ngân gọi nàng là ca ca, nhưng là nữ giới với nhau, bà thấy rõ Bảo Ngọc đối với Thanh Ngân không phải chỉ là tình bạn thông thường nên trong lòng rất áy náy. Bà không hiểu phải làm sao để ngăn cản tình cảm của hai người không tiến xa hơn.
Thanh Ngân thấy Bảo Ngọc quá tự nhiên trước mặt Thùy Dung cũng cảm thấy nhột nhạt, không biết nói sao, tránh ánh mắt của nàng nhìn ra sông, chợt thấy một chiếc lầu thuyền to lớn, trang trí cực kỳ hoa lệ đang rẽ nước tiến đến Vọng Giang Lâu, vội đưa tay chỉ:
– Bá mẫu và Bảo Ngọc ca xem kìa! Chiếc thuyền đẹp quá.
Thùy Dung và Bảo Ngọc nhìn chiếc thuyền đang đến, thoáng biến sắc.
Thanh Ngân lấy làm kỳ dị hỏi:
– Bá mẫu và Bảo Ngọc biết chiếc thuyền đó của ai hay sao?
Thùy Dung không trả lời Thanh Ngân mà hỏi Bảo Ngọc:
– Cung chủ thấy chúng ta nên tránh mặt họ hay không? Ta chẳng muốn gặp đám yêu nữ ấy chút nào.
Bảo Ngọc nhíu mày rồi hỏi lại Thùy Dung:
– Tiên tử không muốn gây hiềm khích với họ phải không?
Thùy Dung:
– Mai Sơn vì việc Thanh Ngân đã gây hiềm khích với Thủy Ma Cung, Vạn Trúc Sơn Trang, nếu gặp bọn nữ yêu này thêm nữa thì thật là…
Bảo Ngọc:
– Vãn bối cũng chẳng muốn dính líu đến bọn yêu ma này, nhưng nếu vì họ mà chúng ta phải bỏ đi, danh dự của Mai Sơn và Đại Lịch Cung thế nào cũng tổn thương, chi bằng chúng ta cứ thung dung tự tại. Nếu chúng sinh chuyện thì cho chúng một bài học, trừ hại cho giang hồ.
Thùy Dung:
– Nếu không lánh trước, thì xung đột khó thể tránh khỏi vì ta đang vận võ phục và mang kiếm bên người, còn cung chủ và Thanh Ngân lại đúng là hai chàng thanh niên mỹ mạo mà bọn chúng không thể nào không để ý đến.
Bảo Ngọc cười:
– Nếu chúng giở trò, thì vãn bối sẽ chỉ Thanh Ngân, bảo hắn mới đúng là nam nhi mỹ mạo còn vãn bối chỉ gái giả trai mà thôi!
Tuy chọc ghẹo Thanh Ngân như vậy, nhưng nàng lấy trở lại vẻ nghiêm trang ngay, nói với Thùy Dung:
– Đáng tiếc là chúng ta gặp chúng, nhưng không thể vì thấy bọn chúng mà bỏ đi được. Vạn sự trên đời đã có sự sắp đặt của hoá công, ta không muốn rắc rối, nhưng rắc rối đã đến tìm mình, thì có muốn tránh cũng không tránh được. Tiên Tử thấy sao?
Vì những khó khăn của Mai Sơn hiện nay, Thùy Dung không muốn có thêm kẻ thù cho môn phái và công cuộc phục Lý của chồng nên muốn tránh những người trên chiếc lầu thuyền, nhưng Bảo Ngọc đã nói như vậy, với thân phận là vợ của chưởng môn Mai Sơn và cũng nổi danh trong giang hồ từ lâu, Thùy Dung đành miễn cưỡng:
– Cung chủ đã thấy như vậy, thôi thì chúng ta cứ lấy bất biến mà ứng vạn biến vậy.
Thùy Dung và Bảo Ngọc mãi trao đổi ý kiến với nhau, Thanh Ngân ngồi nghe đã biết chiếc thuyền đang sắp cập bến là những người đàn bà, con gái không hiền lương, nhưng chẳng hiểu là ai vội hỏi:
– Họ là ai mà bá mẫu và Ngọc ca lại quan tâm như vậy?
Thùy Dung:
– Con và cả Đạt Thành không rành chuyện giang hồ nên không biết được họ. Trên trăm năm nay, cả vùng duyên hải, có một lực lượng thần bí, đều là đàn bà con gái rất đẹp, võ công rất cao, rất kỳ bí, ở đâu có họ xuất hiện thì có một số thanh niên tuấn tú bị mất tích. Bọn họ nếu gặp nữ nhân con nhà võ thì cũng hay gây chuyện, làm nhục, cho rằng chỉ có bọn họ mới là nữ nhân xứng đáng cầm kiếm mà thôi. Căn cứ của họ không ai biết nơi đâu, có người cho rằng ở một hòn đảo to ngoài khơi. Thuyền của họ đi trên buồm có thêu hai chữ Tiêu Dao, có thể họ xưng mình là Tiêu Dao phái, hay là người ở một hòn đảo nào đó mà họ đặt tên là Tiêu Dao, nhưng do những hành động kỳ bí của họ nên giang hồ chỉ gọi họ là Đông hải ma nữ. Ngoài việc bắt thanh niên không hiểu để làm gì ra, họ không gây hấn với các võ phái, nhưng ai vì lòng hiệp nghĩa ra tay can thiệp hay có thù oán với họ thì bị họ trả thù rất tàn khốc.
Bảo Ngọc nheo mắt:
– Kỳ này Ngân đệ may mắn gặp bọn họ, dù võ công cao cường, nhưng ta khuyên Ngân đệ phải tìm cho ra tung tích bọn chúng ở đâu và bắt thanh niên tuấn tú để làm gì mới được.
Thanh Ngân biết Bảo Ngọc trêu mình nên trêu lại:
– Tiểu đệ đang là tên ‘dâm tặc’ nổi tiếng ở Thanh Long, nên nhất định kỳ này không phải để bọn chúng bắt mà sẽ tự nguyện đi theo chúng. Nếu chỗ chúng ở đúng là chốn Tiêu Dao, thì đệ sẽ tự nguyện ở đó suốt đời để tiêu dao ngày tháng.
Bảo Ngọc chỉ tay xuống sông:
– Ngân đệ thấy không? trên thuyền không biết bao nhiêu ‘Tiêu Dao tiên nữ’. Ta là gái mà mới nhìn bọn chúng cũng đã…mê mẩn.