Ngày 1 tháng 7, tôi tham dự buổi thi viết đầu tiên của Công ty dịch thuật Cửu Thông. Công ty Cửu Thông chiếm hết tầng 11 và 12 của cao ốc Vĩnh Khang ở khu đông Bắc Kinh. Phía sau tòa cao ốc có một sân golf rất rộng, không khí mát mẻ, phong cảnh lại đẹp, rất ít xe cộ, là nơi làm việc lý tưởng theo cảm nhận của tôi. Hiển nhiên, không chỉ mình tôi có cách nhìn này, vì có hơn 50 người cùng tham gia thi viết với tôi. Nghe nói, có hơn 100 bộ hồ sơ gởi đến dự tuyển, vòng một là do phòng nhân sự xét sơ yếu lí lịch để sàng lọc hồ sơ, kết quả còn khoảng 50 người. Thật ra, họ chỉ cần hai người phiên dịch tiếng Anh, cạnh tranh quyết liệt cỡ nào, không nói cũng biết. Đề thi viết rất khó, làm xong ra ngoài, rất nhiều người vẫn than thở làm bài không kịp. Tôi cố gắng hết sức làm hết bài, nhưng không dám đảm bảo về mặt chất lượng. Lúc đi ra, có một sinh viên nữ Đại học Sư Phạm Bắc Kinh hỏi tôi:
“Câu “Sương bì lưu vũ tứ thập vi, đại sắc tham thiên lưỡng thiên xích[1]” cậu dịch như thế nào?”
[1] Trích bài Cổ Bách hành của thi nhân thời Đường là Đỗ Phủ (712-770), thông qua hình ảnh cây bách già trước miếu Lưu Bị, Khổng Minh để xót xa cho người tài hoa bị bỏ rơi. Tạm dịch: “Vỏ trắng gội mưa bốn mươi ôm, sắc xanh nhuộm trời hai ngàn thước.”
“The rimy bark, slippery with rain, is forty spans around. Anh kingfissh blue hues, high up into the sky, two thousand feet above” Tôi nói.
Cô nàng nhìn tôi, cười cười: “Sao lại dịch là kingfish blue? Không phải là blackness à?”
“Đại sắc không hẳn là màu đen. Thật ra đại sắc là màu xanh đen, hay chính là blueblack.”
“Vậy tại sao cậu không dịch thành blueblack, mà lại dịch là kingfish-blue.”
Tôi không trả lời, cười nhạt.
“Hiểu rồi,” cô nàng lại thở dài “Giấu nghề, đúng không? Ừm, tôi không dịch khác cậu là mấy, nhưng tôi không hoàn toàn tuân thủ theo trật tự từ của thơ gốc.”
“Thơ cổ hay ở chỗ đối từ, cho nên tôi cố gắng không thay đổi trật tự từ. Tôi thích dịch thẳng[2].”
[2] Dịch thẳng là chỉ người dịch chú trọng chuyền tải trật tự từ của bản gốc sang bản dịch, không ưu tiên sự lưu loát của bản dịch. Trái ngược lại với dịch thẳng, dịch ý chỉ người dịch chú trọng bản dịch, tức là chỉ chuyền tải hết ý của bản gốc chứ không chú trọng chuyền tải trật tự từ của bản gốc.
Chúng tôi cùng nhau đi qua một hành lang dài, bỗng nhiên cô ta nói nhỏ: “Cậu có thấy đề thi lần này rất lạ không? Phần đầu thì bắt chúng ta dịch đơn đăng ký dự thầu, phần sau lại bắt chúng ta dịch thơ cổ, khó muốn chết. Cũng đâu phải thi tiến sỹ, cần gì làm khổ dữ vậy?”
Tôi giơ tay lên: “Hoàn toàn đồng ý. Chắc người ra đề có bệnh thích hành hạ người khác, tôi chưa từng gặp đề nào nhức đầu dữ vậy.”
Vừa nói xong, tôi thấy cô ta len lén ra hiệu, cúi đầu ho khan một tiếng. Tôi quay đầu lại, thấy người thanh niên mặc đồ vest thẳng thớm, đeo cà vạt màu vàng đứng phía sau tôi. Anh ta cầm một tập hồ sơ, đang quan sát tôi bằng ánh mắt khó hiểu.
Tôi nhai kẹo Chewing gum, nói với anh ta: “Chào cậu, cậu cũng tới dự thi hả?”
Anh ta lạnh lùng nói: ” Không phải.”
Sau đó, anh ta không để ý tới tôi, bước ngay vào thang máy, biến mất tăm.
Cô sinh viên lúc nãy nhìn theo bóng dáng anh ta, còn kêu “trời” một tiếng, lộ ra mặt háo sắc “Anh chàng đó, đẹp trai quá đi!”
Tôi cười cười.
Mặc dù thời gian tôi ở chung với Lịch Xuyên không lâu lắm, nhưng anh đã làm tôi miễn dịch với toàn bộ trai đẹp. Tôi yêu anh đến mê dại, thường xuyên nửa đêm bật đèn ngủ, lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt đang ngủ say của anh.
Hôm sau, công ty Cửu Thông gọi điện bảo tôi và 9 người khác phải tham dự dịch nói một chọi một. Khẩu ngữ vốn là thế mạnh của tôi, lúc ở chung với Lịch Xuyên, anh thường chỉ tôi biết tôi sai chỗ nào, khiến tôi ngày càng giỏi hơn. Hơn nữa, tôi có kinh nghiệm nhiều năm trò truyện với người ngoại quốc khi làm thêm ở quán cà phê.
Tuy điểm dịch viết của tôi không phải cao nhất, nhưng Cửu Thông rất hài lòng với phần thi dịch nói của tôi. Hai ngày sau, tôi và ba người cạnh tranh cuối cùng đến gặp Tổng giám đốc của Cửu Thông, Tiêu Quan.
Tuy tôi không biết tình hình của ngành phiên dịch, nhưng tôi đã từng nghe đến cái tên Tiêu Quan. Anh ta sinh trong gia đình học thuật, bố mẹ đều là giáo sư khoa Anh Ngữ Văn của Đại học Bắc Kinh. Bố anh ta tốt nghiệp Đại học Oxford, mẹ của anh ta là đàn chị của giáo sư Phùng Giới Lương. Tên của họ thường cùng nhau xuất hiện trên giáo trình dạy tiếng Anh. Lúc đầu, Tiêu Quan làm phiên dịch ở văn phòng đại diện của Thông Tấn Xã ở nước ngoài. Mấy năm sau anh ta mới thành lập công ty này. Nghe nói kinh doanh gặp thời, mới vài năm đã phất lên. Đương nhiên, ngoại trừ dịch thuật ra, nhờ sự giúp đỡ của chú mình – một doanh nhân nổi tiếng của Hồng Kông, anh ta còn lấn sân sang bất động sản và các ngành nghề đầu tư khác. Hiện nay, Cửu Thông có 27 chi nhánh trong cả nước, kết quả kinh doanh rất khả quan. Năm rồi còn được liệt vào một trong mười “Doanh nghiệp trẻ” phát đạt nhất thành phố Bắc Kinh.
Lần đầu tôi gặp Tiêu Quan, đã bực dọc trong lòng. Thì ra anh ta là người đã đứng sau lưng tôi, quan sát tôi hôm đó. Nhìn anh ta khoảng 28, 29 tuổi, đẹp trai, nho nhã, trầm tính, vẻ của người tri thức, không giống người làm kinh doanh. Giống như thầy Phùng đã nói, anh ta là người làm kinh doanh văn hoá.
“Cô là Tạ Tiểu Thu?” Anh ta trên ghế xoay lớn, nói: “Giáo sư Phùng có gọi điện thoại tiến cử cô hai lần.”
Điều này thì tôi hoàn toàn không biết. Trong một lần trò chuyện với thầy, tôi chỉ vô tình nói tôi có xin việc ở Cửu Thông. Quả nhiên thầy là người tốt, âm thầm giúp đỡ tôi.
Tôi nhìn anh ta, biết ngay người ra đề thi dịch viết là anh ta. Trong lòng cũng âm thầm tính toán xem mình còn mấy phần hi vọng. Tôi nói “Tôi không muốn đi cửa sau.”
“Giáo sư Phùng khen cô lắm, nhưng thầy cũng nhắc tôi, nói tuy cô nhiều tài nhưng cũng lắm tật. Tuy thầy không kể rõ là tật gì, nhưng thầy có nói tôi gặp cô là khắc biết.”
Tôi biết nhà họ Tiêu và nhà họ Phùng khá thân thiết. Hai nhà họ đã dắt tay nhau sống sót qua cách mạng văn hoá. Từ nhỏ, Phùng Tĩnh Nhi đã gọi Tiêu Quan là anh hai.
“Tôi đâu có tật xấu gì.” Tôi nói “Tật xấu của tôi anh hoàn toàn có thể chấp nhận được.”
Anh ta đứng dậy khỏi bàn làm việc, đi tới cửa sổ, quan sát tôi, “Có ai nói cho cô biết là khi đi phỏng vấn nên ăn mặc thế nào không?”
Tôi đang mặc một bộ quần áo rất bình thường. Thật ra đây là bộ quần áo tốt nhất của tôi. Màu sắc hơi màu mè, nhưng rất hợp với chân váy dài bằng vải dạ, nhìn giống hệt nhà văn nữ Tam Mao[3].
[3] Tam Mao (1943-1991) là một nhà văn nữ, nhà biên kịch nổi tiếng của Đài Loan, đã từng được vinh danh là một trong những nhân vật văn hóa có sức ảnh hưởng nhất của Đài Loan.
Tôi cảm thấy, bộ đồ này hoàn toàn phù hợp với phong cách Bohemieng của tôi. Thật ra, những lần trước tôi đều mặc vest nghiêm chỉnh, chỉ có lần này, vì phải cạnh tranh với các sinh viên cao học của các trường nổi tiếng. Trong khi đó, kinh nghiệm và trình độ của tôi cũng không có gì xuất sắc hơn họ, nên tôi cố tình dùng hạ sách này, mong là cái lạ sẽ gây chú ý.
“Anh Vương bên phòng nhân sự có nói, công việc chính của vị trí này là dịch viết, hầu như chỉ làm việc trên máy tính, cơ bản là không cần giao tiếp với khách hàng. Hơn nữa,” tôi cắn môi “Tôi chỉ có một bộ vest, lần nào cũng mặc nó, ngày nào mọi người cũng thấy, chẳng lẽ không chán à?”
Có lẽ anh ta thấy lời giải thích của tôi khá hợp lý, nên không nói về đề tài này nữa.
“Còn nữa, tại sao lỗ tai cô bấm nhiều lỗ vậy? Tôi chỉ nhìn thôi mà cũng thấy phiền, chẳng lẽ cô đeo không thấy phiền à?”
Anh tuyển nhân viên hay chọn hoa hậu vậy? Câu nói này đã vọt lên cổ họng tôi, nhưng bị tôi nuốt xuống. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn: “Mấy năm nay số tôi xui, tai nạn liên miên, tôi có đi coi bói, thầy nói là do ngũ hành thiếu kim.”
Anh ta trầm mặc một lát. Tôi cứ tưởng, rốt cuộc anh ta cũng tha cho tôi rồi, không ngờ anh ta lại hỏi: “Ai nói cho cô biết, khi phỏng vấn có thể nhai kẹo cao su?”
“Tôi hồi hộp.”
“Cô mà hồi hộp?” Anh ta bình tĩnh nói: “Cô là người nộp bài thi viết đầu tiên, đúng không?”
Câu này chọc trúng chỗ đau của tôi. Hôm đó, trên đề thi viết rõ ràng thời gian thi là 120 phút, vừa đến giờ, tôi liền nộp bài, mặc dù biết bản dịch vẫn chưa hoàn thiện. Không ngờ những người còn lại nói chưa làm xong, nhất quyết không chịu nộp bài, kết quả là thời gian nộp bài được kéo dài thêm 10 phút nữa.
“Tôi chỉ nộp bài đúng giờ mà thôi.”
Trong lòng tôi cũng chán ghét bản thân mình. Đúng là điên rồi, tại sao câu nào cũng phải nhường nhịn anh ta?
“Được rồi.” Anh ta nhìn đồng hồ, nói: “Ngoại trừ những điều đó, cô còn tật xấu gì nữa?”
“Không có.”
“Cô cũng rõ,” anh ta ngừng một chút, nói “Bốn người cuối cùng, bằng cấp, trình độ không khác nhau là mấy. Đối với chúng tôi mà nói, chọn ai cũng như nhau. Đương nhiên chúng tôi sẽ chọn người dễ hoà đồng nhất.”
“Tôi rất hoà đồng.” Tôi nói “Tôi thề với anh, ngoại trừ quần áo hơi lạ ra, gặp ai tôi cũng thích hết.”
“Ừ” Anh ta gật đầu, thong thả đi về phía ghế của mình, ngồi xuống, viết mấy dòng lên hồ sơ của tôi. “Ngày mai cô đi làm luôn đi, gần đây công ty mới nhận vài hợp đồng, phòng tiếng Anh rất thiếu người. Cô có tên tiếng Anh không?”
“Không có.”
“Tất cả nhân viên phiên dịch trong công ty đều phải có tên tiếng Anh. Nhất là những ai trong tên có chữ X và Q.[4]”
Tên tôi là XXQ[5].
[4] Trong tiếng Trung, âm X và Q phát âm tương đối giống nhau, rất khó phân biệt.
[5] Tên của nhân vật là Tạ Tiểu Thu, phiên âm tiếng Trung là Xia Xiao Qiu.
“Hai chữ Tiểu Thu chắc người nước ngoài phát âm không khó lắm đâu?” Giọng nói của tôi hơi nhún nhường cầu xin.
“Không được.” Anh ta nói dứt khoát.
“Vậy nhờ anh chọn giúp một cái tên.”
“Annie, thế nào?”
“Cũng được.” Quá tầm thường, chi bằng kêu tôi là Annie Bảo Bối[6] luôn cho rồi.
[6] Annie Bảo Bối: nhà văn, nhà thơ nữ thế hệ 7x, là một trong những nhà văn ăn khách nhất Trung Quốc hiện nay.
Văn phòng của tôi ở phòng 1107 tầng 11, phòng tiếng Anh. Làm việc cùng phòng với tôi có một cô gái vào công ty cùng lúc với tôi tên Đường Ngọc Liên. Tuy phòng chỉ có hai người, vị trí ngồi cách cửa sổ, phòng được cách âm khá tốt, nhưng vách phòng làm bằng kính trong suốt. Cho nên, người ở trong làm gì, bên ngoài đều thấy hết.
Dáng người Đường Ngọc Liên nhỏ nhắn, gương mặt tuyệt đẹp. Tôi cảm thấy, cô nàng nhìn khá giống Y Năng Tịnh[7].
[7]Annie Yi (1969-): một diễn viên, ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan.
Tôi liền trêu: “Hi, cô có phải là em gái của Y Năng Tịnh không?”
Cô nàng cười, lộ ra hàm răng trắng bóc, trên mặt có hai lúm đồng tiền nho nhỏ: “Ghét Y Năng Tịnh chết đi được, ai cũng nói nhìn tôi giống cô ta. Lần nào đi hát karaoke cũng bắt tôi hát mấy bài của cô ta.”
“Cô đẹp hơn Y Năng Tịnh mà.” Tôi mở máy tính ra “Thật đó.”
“Chương trình đào tạo buổi sáng mệt quá. Tổng giám đốc Tiêu nói nhiều thật. Tôi muốn đi toilet từ đời nào, nhưng nhìn mặt anh ta nghiêm quá, làm tôi sợ không dám đi, mắc toilet muốn chết được.” Đường Ngọc Liên cứ than vãn liên hồi.
“Tôi cũng vậy, muốn đeo phone nghe nhạc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì lại không dám. Đúng rồi, trưởng phòng phòng tiếng Anh đẹp thật đó.”
“Chị ấy là bạn gái “đương nhiệm” của Tiêu Quan đó. Cô phải thể hiện thật tốt, coi chừng người ta sẽ báo cáo với cấp trên đó.”
“Bạn gái “đương nhiệm”?” Tôi hỏi “Cô vừa tới, làm sao biết được?”
“Bạn của tôi làm việc bên phòng tiếng Pháp, thường hay buôn chuyện. Tiêu Quan còn trẻ, lại giàu có, tính tình phong lưu, đã có cả đống bạn gái rồi, đa phần là do tự động hiến thân. Ngay cả trưởng phòng Đào Tâm Như cũng vậy, nghe nói phải theo đuổi anh ta cực khổ lâm. Lúc trước Tổng giám đốc Tiêu bị đau bao tử phải nằm viện, tuy chị Đào không phải là người Quảng Đông nhưng ngày nào cũng hầm canh cho anh ta. Haiz, mong là đừng có hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình.”
“Hèn gì buổi trưa không thấy cô đâu, thì ra là đi tám chuyện.” Tôi cười “Tôi có cà phê Nestle nè, cô cũng uống một ly cho tỉnh táo đi.”
Người đi học ai cũng có thói quen ngủ trưa, nhưng nội quy Cửu Thông là, thời gian ăn trưa chỉ có một tiếng.
“Được rồi, chúng ta nhanh nhanh bắt tay vào làm việc đi.” Đường Ngọc Liên đưa một xấp tài liệu đang ôm trong lòng cho tôi. “Đây là phần của cậu. Phải nộp bản dịch đúng hạn đó, dịch không kịp sẽ bị phạt hợp đồng.”
Tôi liền đi pha hai ly cà phê.
Lúc về lại phòng, đã thấy Đường Ngọc Liên đang gõ chữ liên tục trên bàn phím. Tôi lấy một cuốn từ điển Webster vừa dày vừa nặng ở trong túi xách ra, hỏi cô nàng: “Cô không dùng từ điển à?”
“Tôi có từ điển Kim Sơn bản mới nhất rồi, máy tính của tôi có cài đầy đủ các phần mềm phiên dịch.”
Tôi định xin Đường Ngọc Liên copy cho tôi một bản. Nghĩ đi nghĩ lại, không nói thì hơn. Vừa mới biết nhau, chẳng thân thiết gì, tốt nhất là đừng tuỳ tiện nhờ người ta giúp đỡ. Cô ta chỉ một cái USB trên bàn, nói: “Nè, trong đó hết đó, cậu cài vào đi. Tin hay không tuỳ cậu, có ích lắm đó.”
“Cảm ơn.”
Cô ta có một cái laptop Sony loại nhỏ. Tôi không có laptop, từ trước tới giờ tôi đều sử dụng máy tính của trường hoặc đến tiệm internet. Tất cả bài luận của tôi đều viết tay. Đúng vậy, tôi vẫn dừng lại ở thời đại làm việc thủ công. Vừa vào công ty, tôi thấy ai cũng có một chiếc máy tính, trên bàn có một cái màn hình Dell 19 inches, đã mừng thầm trong lòng.
Tôi lấy tài liệu ra, bây giờ mới hiểu tại sao Tiêu Quan lại ra đề thi thơ cổ khiến người ta điên đầu.
Nhiệm vụ chính của tôi là phiên dịch sổ tay bán đấu giá của một số công ty bán đấu giá. Toàn bộ đều là tài liệu về đồ cổ Trung Quốc: có thư pháp, tranh vẽ, gốm sứ, con dấu, đồ dùng gia đình, đồ ngọc, đồ đồng… Mỗi món đồ có một bài giới thiệu tỉ mỉ về nguồn gốc, giá trị của nó. Đương nhiên, việc trong bài giới thiệu có trích dẫn nhiều đoạn văn cổ khó hiểu cũng là điều không thể tránh khỏi.
Tôi không kiềm ngẩng đầu hỏi: “Haiz, Ngọc Liên, cậu đang dịch gì vậy?”
Cô nàng đang bận rộn gõ chữ trước màn hình máy tính, cũng không ngẩng đầu lên: “Đơn xin đăng ký dự thầu công trình xây dựng. Cậu thì sao?”
“Sổ tay bán đấu giá. Nhức đầu vô cùng.”
Đơn xin đăng ký dự thầu chính là tài liệu thường gặp ở đây. Trước khi vào công ty, tôi có hỏi thăm tin tức, lúc xin việc, còn cố công học một đống thuật ngữ xây dựng nữa.
“May mà tôi không được giao việc đó.” Đường Ngọc Liên nói: “Tôi không giỏi cổ văn lắm. Tiếng Trung còn không hiểu, sao dịch qua tiếng Anh được. Nghe nói, trước nay sổ tay bán đấu giá thường được đưa cho nhân viên dịch trước, sau đó được chuyển cho trưởng phòng kiểm tra, cuối cùng còn trình Tổng giám đốc Tiêu kiểm duyệt lần cuối. Có thể thấy được anh ta quan tâm tới mức nào. Riêng những tài liệu khác, đơn đăng ký dự thầu gì đó, chỉ cần trưởng phòng duyệt là được rồi.”
Tôi uống hết nửa ly cà phê, bắt tay vào dịch cuốn sổ thứ nhất. Tổng cộng có 10 món đồ cổ. Tranh của bát đại sơn nhân[8], tranh hoa cảnh của Tống Huy Tông…. Món đầu tiên chính là một con dấu làm bằng ngọc Thạch Điền của Vua Càn Long. Trên bốn phía mỗi con dấu đều có chữ khắc. Tôi dịch suốt cả buổi sáng, lật tung cả từ điển Từ Nguyên, từ điển Hán ngữ hiện đại, từ điển điển cố Trung Hoa, và từ điển Lâm Ngữ Đường online mới dịch xong món đồ cổ đầu tiên.
[8]Chu Nhiếp (1626-1705).
Trên hợp đồng quy định phải dịch xong trong vòng 15 ngày. Tôi phải nộp bản thảo trong vòng 10 ngày để thẩm duyệt.
Trong suốt 10 ngày đó, mỗi ngày tôi chỉ ngủ hơn 4 tiếng. Lo lắng tới mức không có thời gian để đi tắm. Sang ngày thứ 10, tôi nộp file word và bản in cho trưởng phòng Đào Tâm Như. Chị ta mất một ngày chỉnh sửa cho tôi, kêu tôi sau khi sửa xong thì nộp cho Tiêu Quan.
Đào Tâm Như không sửa nhiều lắm. Chị ta sửa một số từ làm cho bản dịch có vẻ văn vẻ hơn. Không hổ là trưởng phòng, đúng là có năng lực.
Tôi nộp bản đã chỉnh sửa cho Tiêu Quan. Một tiếng sau, anh ta gởi lại trang thứ nhất qua email, sửa rất nhiều về từ ngữ và câu cú.
Tiêu quan gọi điện nói: “Tôi chỉ sửa trang đầu tiên, tự cô nghiên cứu xem mình mắc lỗi gì, sau đó sửa phần còn lại đi. Xong rồi thì gởi lại cho tôi.”
Tôi nghiên cứu phong cách dịch của anh ta cả đêm, lại sửa phần còn lại hết cả ngày trời, sau đó tôi nộp cho anh ta bản thứ ba.
Không lâu sau anh ta gởi trả lại bản thứ ba, trang thứ hai tôi dịch anh ta sửa lại khá nhiều. Sau đó nói, phải theo cách này để sửa mấy chục trang còn lại.
Tôi vẫn sửa tới ngày cuối cùng mà hợp đồng quy định, sửa đi sửa lại tổng cộng 5 lần, anh ta mới duyệt bản dịch của tôi.
Hôm sau lúc ăn trưa tôi gặp anh ta, mặt tôi xanh mét.
“Bây giờ cô biết tiêu chuẩn của tôi là gì chưa?” Anh ta nói, nhàn nhã nhìn tôi.
“Tiêu chuẩn của anh là perfect[9].” Tôi không màu mè trả lời.
[9]Hoàn hảo.
“Cô có nền tảng cổ văn khá tốt, từng học khoa Ngữ Văn Trung à?”
“Ba tôi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Trung của Đại học Phúc Đán.”
“Nói như vậy, là gia đình học thuật?”
“Chưa đến mức đó, có chút xíu mà thôi.”
Anh ta nhìn mặt tôi chằm chằm cuối cùng thốt ra một câu có vẻ ôn hoà. “Cho cô nghỉ ngơi một ngày. Về nhà nghỉ ngơi một chút đi.”
“Không trừ tiền lương?”
“Còn có tiền thưởng nữa.” Anh ta còn rộng rãi vỗ vai tôi “Annie, Well-done[10].”
Tôi dịch sổ tay bán đấu giá suốt hai tháng trời, lần nào cũng sửa hết mấy bận, đến mức có cảm giác chính mình sắp phát điên. Khó nhất là dịch về gốm sứ, trong sổ tay thậm chí còn có một bài dài ngoằng giới thiệu quá trình làm gốm sứ đời Tống. Tôi không dám từ chối thẳng thừng, đành âm thầm than khổ. Mỗi lần gặp chỗ khó, tôi đều bực mình chạy xuống chỗ đổ rác để hút thuốc.
Ngoảnh đầu nhìn Ngọc Liên, nàng ta vẫn dịch đơn đăng ký dự thầu. Dịch hợp đồng xuôi chèo mát mái. Xe nhẹ đường cũ, vừa thanh vừa giỏi. Tay cô nàng gõ bàn phím liến thoắng, lách ca lách cách không ngừng.
Hai tháng trôi qua, tôi cũng đổi đời, chuyển qua dịch đơn xin dự thầu và hợp đồng. Loại tài liệu này dính dáng tới pháp luật, nên có yêu cầu cao về tính chính xác của bản dịch. Phải chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Tôi dịch thêm hai tháng nữa, đã khá quen thuộc với các thuật ngữ công trình xây dựng. Một ngày, đột nhiên Đào Tâm Như điện thoại gọi tôi sang văn phòng chị ta.
“Annie.” Chị ta mời tôi ngồi “Biểu hiện của em rất khá, hôm qua Tổng giám đốc Tiêu có đề nghị chuyển ký hợp đồng với em trước thời hạn. Từ giờ trở đi, em không nhận tiền lương thử việc nữa. Mà được hưởng phúc lợi của nhân viên chính thức.”
Tôi nói: “Cảm ơn trưởng phòng chiếu cố.”
Chị ta do dự một chút, nói tiếp: “Gần đây Tổng giám đốc Tiêu mới ký một hợp đồng lớn. Có một công ty cần thuê phiên dịch viên dài hạn của công ty mình, biên chế vẫn thuộc Cửu Thông, tiền lương do công ty đó phát. Họ cần người gấp nên đưa ra giá khá cao. Đương nhiên, họ cũng có yêu cầu khá cao đối với phiên dịch, thù lao cũng rất khả quan. Bên phía chúng ta, vốn cũng không muốn buông người ra, nên có đề nghị, một tuần năm ngày, ba ngày làm ở bên kia, hai ngày về lại Cửu Thông làm. Nhưng họ không đồng ý. Lí do là công việc có liên quan tới tài liệu kinh doang bí mật của họ, cho nên họ đề nghị chuyển kí hợp đồng dài hạn hai năm, đồng thời phiên dịch phải viết cam kết giữ bí mật.”
“Về mảng tiếng Anh, Tổng giám đốc Tiêu đề cử em.” Chị ta thản nhiên nói: “Chị cũng tiếc lắm, nhưng công ty không muốn mất danh tiếng. Em đồng ý đi không?”
“Dạ.”
“Tiền lương bên kia gấp 1,7 lần ở đây. Em được hưởng phúc lợi của nhân viên chính thức bên đó. Cơm trưa miễn phí, phụ cấp taxi, bảo hiểm y tế. Một năm có 10 ngày nghỉ có hưởng lương.”
Đối với một người trẻ mới vào nghề mà nói, phúc lợi của Cửu Thông đã rất tốt rồi. Nhưng điều kiện của bên kia còn tốt hơn rất nhiều.
Tôi đang định nói, Đào Tâm Như lại nói thêm “Đương nhiên, công ty cũng hy vọng nếu em có thời gian, thì có thể làm giúp công việc bên đây. Có thể sẽ có một số tài liệu quan trọng cần em phiên dịch. Nhưng chắc không nhiều lắm đâu, đương nhiên công ty sẽ trả tiền công gấp đôi. Nói sao đi nữa thì em vẫn là nhân viên của Cửu Thông. Hai năm sau, em không cần lo lắng công việc mới, em muốn về lại Cửu Thông lúc nào cũng được.”
Tôi nghĩ, tôi mới vào làm, dù có xuất sắc tới mức nào đi nữa, thì cũng đạt đến trình độ có thể đại diện cho công ty. Đây là công việc béo bở, đâu có cực khổ gì, ai cũng sẽ tranh giành. Tại sao người được cử đi, nhất định phải là tôi.
“Em đồng ý đi không?”
Tôi gật đầu: “Em đồng ý làm theo sắp xếp của công ty.”
Sau đó, tôi đột nhiên nhớ tới một vấn đề quan trọng mà tôi quên hỏi “Đúng rồi, là công ty nào vậy?”
“Một công ty Thiết kế kiến trúc của Thuỵ Sĩ, CGP Architects, phiên dịch viên tiếng Anh bên đó mới kết hôn, xuất ngoại diện F2, bây giờ đang tìm người thay thế. ”
Tôi không biết trên mặt tôi còn chút máu nào hay không, tôi muốn cười, lại yếu ớt cười không nổi: “CGP Architects?”
“Chắc là em có nghe, CGP đang cùng bốn công ty kiến trúc khác tranh thầu một công trình quy hoạch rất lớn ở quận C, thành phố Ôn Châu. Hạng mục đó bao gồm quy hoạch tổng thể ba khu resort, mười khu dân cư và năm khu biệt thự.”
“Tổng giám đốc CGP là người Thuỵ Sĩ à?” Rõ ràng biết Lịch Xuyên không còn làm ở CGP Trung Quốc, tôi vẫn muốn hỏi cho rõ ràng. Dù sao tôi cũng đã mất liên lạc với anh suốt 5 năm. Tuy thời gian trôi qua, nhưng vết thương vẫn chưa phai nhạt. Chỉ là tôi giấu kín nó nơi tận cùng đáy tim.
Lịch Xuyên là bong bóng, còn tôi là một con cá sống nơi đáy biển. Tôi nuốt bong bóng vào bụng, chẳng dám nhả ra, hễ nhả ra sẽ nổi lên trên mặt biển.
“Không phải,” trong mắt Đào Tâm Như hơi khó chịu. Cái bánh từ trên trời rơi xuống tay tôi, nhưng tôi lại chẳng vui vẻ: “Tổng giám đốc họ Giang, Giang Hạo Thiên.”
Cảm ơn trời đất.
“Cứ quyết định như vậy đi, lát nữa chị sẽ báo Tổng giám đốc biết, em cứ qua đây ký cam kết.” Bỗng nhiên chị nhìn tôi đầy ẩn ý, nói: “Nghe nói cuối tuần trước, tổng giám đốc mời em đi ăn tối ở Phú Quý Sơn Trang?”
“Dạ.”
“Tại sao?”
“Vì chuyện dịch bản sổ tay bán đấu giá thôi. Tổng giám đốc nói em dịch khá tốt, khởi đầu tốt, nhờ đó công ty bán đấu giá kia ký hợp đồng dài hạn với với Cửu Thông. Hy vọng sau này em tập trung tinh thần vào mảng này.”
Hôm đó, Tiêu Quan mời tôi đi ăn riêng với anh ta, uống vài ly rượu vào, có nói vài câu hơi khó nghe, tôi lại giả vờ câm điếc cho qua. Cho nên, không có chuyện Tiêu Quan “nhiệt tình giới thiệu” tôi sang CGP được.
“Ừ.” Chị ta nhìn đồng hồ, nói: “Em đi được rồi.”