Hậu Hoàn Châu Cát Cát

Chương 17 - Chương 17

trước
tiếp

Thấm thoát mà ngày chúc thọ vua Càn Long đã đến. Cả hoàng cung nhộn nhịp hẳn lên. Ngay từ sáng sớm, các vị đại thần, thân vương, hoàng tộc, sứ thần, a ca… Tuần tự đến chúc thọ nhà vua. Quà tặng quý hiếm được dịp trưng bày lên để tỏ lòng thành. Từ những chén dĩa cổ xưa tinh xảo, những bức tranh tuyệt tác. Ðồng hồ phương tây, châu ngọc như ý, đến các món thuốc quý như linh chi ngàn năm, kỳ hoa dị thảo đều được trưng bày. Nhưng thật ra, những thứ đó hầu như nhà vua đã thấy qua cả. Chuyện chúc tụng thì năm nào cũng vậy, lời chẳng có ý mới. Vì vậy sinh nhật đến mà nhà vua cũng chẳng thấy vui. Mãi đến khi đoàn hát mở màn, người mới thấy có cái gì đó mới mẻ cuốn hút.

Nhà vua ngồi cái ghế đầu ở giữa, thái hậu, hoàng hậu, lệnh phi và các cung phi khác lần lượt vào đúng vị trí của mình mà ngồi. Sau đó mới đến các a ca, cát cát, thân vương. Tịnh Nhi thì đương nhiên ngồi cạnh thái hậu.

Trên sân khấu đèn đuốc sáng choang, kết hoa đủ màu với một chữ thọ to tướng ở giữa.

Lúc đầu, vua ngồi xem có vẻ không hài lòng vì trong dãy ghế dành cho a ca và cát cát. Người chẳng nhìn thấy bóng dáng của Tử Vy, Tiểu Yến Tử, Vĩnh Kỳ, ngay cả Nhĩ Khang cũng vắng mặt, Không lẽ bữa nay là ngày chúc thọ vua mà họ chẳng quan tâm? Ngoài ra ở bên dãy ngồi của các cung phi, vua cũng không thấy Hàm Hương đâu cả.

Lúc đó, trên sân khấu đang biểu diễn màn “song sư hiếu thụy” (đội lân mừng thọ) màn này diễn ra khá linh động. Ðội lân diễn rất có hồn, hai con lân lúc nhảy cao, lúc phục dưới đất, hòa hợp nhịp nhàng, dáng vẻ hùng dũng, khiến mọi người nín thở theo dõi.

Thái hậu nói:

– Ta đã từng xem nhiều đoàn lân múa. Đây là lần đầu tiên ta được xem một màn múa đẹp, múa hay thế này, hay thật!

– Có khi để mừng thọ hoàng thượng nên họ mới khổ tâm tập luyện thế.

Thái hậu hỏi:

– Không biết ai nghĩ ra tiết mục này. Đầy hoa dạng lắm chứ?

Lệnh phi nghe khen rất vui không dằn lòng được nói:

– Bẩm lão phật gia, nghe nói là của Phước Luân và Nhĩ Khang sắp đặt đấy ạ.

– Thế à?

Thái hậu nói rồi liếc nhanh về phía Tịnh Nhi, tiếp:

– Cha con họ đúng là rường cột của hoàng thượng!

Hoàng hậu muốn lấy lòng thái hậu nói:

– Bẩm lão phật gia, Nhĩ Khang đứng là một nhân tài xuất chúng. Chỉ tiếc là hoàng thượng lại chỉ hôn cho một cát cát dân dã thật không tương xứng.

Tịnh Nhi tảng lờ nhìn lên sân khấu, như chẳng ai nghe thấy lời bình của hoàng hậu. Trong khi lệnh phi lại nói:

– Thần thiếp lại không nghĩ như vậy, Tử Vy cát cát là một cô gái hiền hậu, nhu mì, lại giỏi cầm kỳ thi họa, sao lại gọi là không xứng với Nhĩ Khang. Họ mới đúng là đôi trai tài gái sắc.

Trong khi thái hậu lại nói:

– Lời của hoàng hậu nói đúng đấy chứ? Bây giờ mà muốn tìm một nhân tài như Nhĩ Khang nào dễ? Lệnh phi, đấy là sự hãnh diện của dòng họ ngươi đấy chứ. Bên nhà cô quả là có rất nhiều người tài.

Hoàng hậu sa sầm nét mặt, Không ngờ điều mình muốn nói lại phản tác dụng. Lệnh phi lại được khen.

Lúc đó Tịnh Nhi chợt kéo vạt áo thái hậu nói:

– Lão phật gia hãy nhìn lên sân khấu xem kìa!

Mọi người nhìn lên, chỉ thấy hai con lân đang múa chợt nhiên dừng lại. Người lân phủ phục sát đất, còn hai chiếc đầu thì ngẩng lên cao như chào vua.

Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đấy. Một chiếc bóng màu ngũ sắc to từ trên hạ dần xuống. Hai con lân lại nhảy lên giành bóng, trống dục rôm rả, hai chú lân xoay tròn theo bóng.

Vua Càn Long mê mẩn ngắm nhìn, không ngớt khen ngợi tiếng vỗ tay bên dưới ào lên như sóng vỗ dồn dập.

Tiếp đó một con lân chợt đứng thẳng người lên rồi từ trong miệng lân, một tấm lụa nhiễu hồng chạy dài xuống với dòng chữ “lão ngô lão dữ cấp nhân chi lão”. Rồi con lân kia đứng lên, cũng mảnh lụa đỏ với câu đối “ấn ngô ấn dữ cấp nhận chi ấn.” vua Càn Long còn đang kinh ngạc thì quả bóng nổ tan để khói màn tỏa ra. Rồi hai cô gái xuất hiện trong khói màu cầm một lá cờ dài, trên viết mấy chữ “trạch phủ bầu trời, ơn đầy thiên hạ”. Hai cô gái đó đứng bên hai chiếc đầu lân chẳng ai khác là Hàm Hương và Yến Tử.

Mọi người ồ lên ngạc nhiên, Vua Càn Long thì quá xúc động. Ngay lúc đó trống lại nổi lên, hai con lân lại tiếp tục tỉnh giấc vươn cao lên cho thấy người cầm đầu lân chẳng ai khác hơn là Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang.

Vua tròn mắt.

– Thì ra là bọn này!

Nhưng vua còn chưa hết ngạc nhiên thì tiếng trống ngừng, thay vào đó là tiếng đàn réo rắt. Ðám thái giám dẹp hết các vải lụa, rồi Kim Tỏa dẫn một hàng cung nữ đi ra. Tất cả đều mặc áo đỏ, lượn một vòng như cơn sóng đỏ. Tử Vy xuất hiện trên bục cao, tay khảy đàn. Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Hàm Hương, Tiểu Yến Tử đứng hai bên. Mọi người dựa trên tiếng đàn cùng hát.

Uy nghi Trung quốc, thiên hạ vĩ công.

Thiên hạ vui mừng, ca tụng Càn Long.

Trẻ có cơm ăn, già được chăm sóc.

Người góa không buồn, người người ngợi ca.

Ơn trời khắp chốn, lúa không sâu rầy.

Bốn biển một tâm, hướng về Càn Long.

Nhân từ quảng đại, ân uy đủ cả.

Hy sinh cho đời, chỉ có Càn Long.

Bài hát vừa dứt Tử Vy đứng dậy nắm tay Hàm Hương và Yến Tử, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang thì bước ở sau. Tất cả năm người, cũng quỳ trước vua, Tử Vy bẩm tấu:

– Bẩm Hoàng a ma, tất cả chúng con đều đội ơn người, ơn kia như biển, nói không đủ, kể không hết. Chúng con chỉ biết cùng chúc người vạn thọ vô cương

Kim Tỏa cùng đám cung nữ phủ phục phía sau, đồng loạt hô to:

– Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!

Vua Càn Long nhìn Tử Vy, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Yến Tử rồi Hàm Hương người vô cùng xúc động. Trong cuộc đời người đã được tặng biết bao lễ vật xem qua biết bao màn biểu diễn, nghe đầy tai lới chúc tụng. Nhưng chưa bao giờ người lại được những phút giây cảm động thế này. Ông sung sướng đến độ chẳng biết phải phản ứng ra sao, mãi một lúc sau mới lên tiếng.

– Trẫm thật không ngờ các ngươi lại bày ra được một tiết mục sống động thế này, khiếm trẫm vui vẻ quá. Các ngươi quả rất đáng yêu vì đã mang đến cho trẫm một niềm vui bất ngờ.

Rồi ông cười lớn, tiếp:

– Ha ha ha! Trong đời trẫm, lần đầu tiên nhận được một món quà “chúc thọ” quý giá thế này. Trẫm sẽ không bao giờ quên!

Các vương tôn đại thần vỗ tay tán thưởng, đồng hô to:

– Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Thái hậu có vẻ xúc động quá! Cảm động quá, nếu hoàng thượng chẳng rộng lượng hải hà, yêu quý họ thì họ làm sao dựng được cảnh hay thế này để báo đáp? Cách báo hiếu như vậy quả quý lắm thay!

Hoàng hậu thì lại thấy ganh tỵ, quay qua nhìn lệnh phi nói nữa:

– Ðừng có cảm động sớm như vậy. Hãy suy nghĩ kỹ rồi hãy nói, có biết ai giật dây ở phía sau không? Chắc chắn là Hương phi đó vậy thì không thể coi là báo hiếu được.

Tịnh Nhi thì nhìn Tử Vy xúc động quá:

– Không cần biết có ai giựt dây ở phía sau hay không nhưng màn hoạt cảnh này rõ là rất nhiều công sức, khiến người người cảm động.

Hoàng hậu nghe vậy nói:

– Đương nhiên là phải bỏ nhiều công sức, có điều ở đây bỏ ra hơi quá đáng đấy.

Thái hậu thì ngỡ ngàng nhìn bọn năm đứa trên sâu khấu mà thành kiến đã lung lay.

o O o

Tối hôm ấy ở ngự hoa viên, giăng hoa kết đèn, đèn đuốc sáng choang. Vua Càn Long cùng thái hậu và các phi tần, a ca, cát cát đều ra đấy xem đốt pháo bông.

Sau tiếng nổ bông pháo bay lên cao, tỏa sáng một góc trời với muôn hình đủ dạng. Mọi người vừa xem vừa vỗ tay tán thưởng. Lần đầu tiên, Hàm Hương mới được xem đốt pháo bông nên vô cùng thích thú.

– Ồ! Những chấm sáng đó làm sao tỏa ra rồi rơi xuống vậy? Đẹp tuyệt! Đẹp tuyệt!

Tiểu Yến Tử nhìn pháo hoa, vừa chỉ trỏ vừa hét:

– Xem kìa! Xem kìa! Lại thêm một cái! Một cái nữa.

– Đầy trời đấy, như những đóa hoa xòe ra.

Kim Tỏa nói, Tử Vy chợt nảy một ý nói với Tiểu Yến Tử:

– Ta ra một câu đối mấy người đối thử xem nhé! “Bay lên bay lên, bay dọc bay ngang, chớp chớp, tắt, tắt, bay xuống bay xuống. Đố là gì.”

Tiểu Yến Tử nói ngay:

– Ta đâu có ngu quá độ đâu? Ðấy chẳng qua là pháo hoa thôi.

Tử Vy cười.

– Sai rồi, đó là đom đóm đấy.

Tiểu Yến Tử ngẩn ra nhưng không phục nên nói:

– Tôi cũng có một câu đố các người lại đây.“Phía trên ở trên, phía dưới ở dưới, bên phải phía phải, bên trái phía trái, ở giữa chính giữa. Đố là gì.”

Vua Càn Long đứng cạnh đó nghe vậy cũng tham gia.

– Ðố vui ư? Trẫm cũng thích chơi trò này lắm.

Rồi hỏi Tiểu Yến Tử:

– Ðồ vật phải không?

Tiểu Yến Tử lắc đầu.

– Không cho biết đâu, đã nói đố mà?

Nhĩ Khang nói:

– Tiểu Yến Tử mà ra câu đố thì hẳn không có gì sâu xa lắm đâu!

Tiểu Yến Tử nói:

– Ðừng coi thường tôi nhé! Vậy thì cứ đoán đi!

Vĩnh Kỳ nghĩ ngợi:

– “Phía trên ở trên, phía dưới ở dưới, bên phải phía phải, bên trái phía trái.” Cái gì kỳ cục vậy ta?

Mọi người nghĩ tới nghĩ lui nghĩ mãi không ra, chỉ có Tịnh Nhi là cười nói:

– Có phải là món “gãi ngứa” không?

Tiểu Yến Tử ngạc nhiên.

– Tại sao chị biết vậy?

Tịnh Nhi cười.

– Có gì lạ đâu, chuyện đó mỗi ngày tôi phục vụ lão phật gia mà, nên đầy kinh nghiêm.

Mọi người suy nghĩ rồi cười ồ. Thái hậu cũng cười theo, nhìn Tịnh Nhi với cái nhìn trìu trìu mến.

Vua Càn Long cũng nổi hứng, nhìn Tiểu Yến Tử nói:

– Trẫm cũng có một câu đố này, coi thử ai giải được nhé. “Tiểu Yến Tử làm văn chương như đánh trống trên núi. Xa trăm dặm vẫn nghe.” đố là gì? Tượng thanh từ?

Tiểu Yến Tử nghe vua đọc, kêu lên:

– Hoàng a ma đem con ra làm câu đố ư? Vậy thì con phải giải mới được? Cái gì? Cái gì cà? Ta làm văn chương mà như trống đánh trên núi. Ðánh trống trên núi là gì cà?

Tử Vy cười nói:

– Trời ơi vậy mà không biết, thì đánh trống đấy, ngươi hãy tưởng tượng xem tiếng trống đánh trên núi nghe thế nào?

Nhĩ Khang cũng đã đoán ra được, cười nói:

– Tiếng trống mà đánh trên núi. Từ xa nghe có phải là “bất thông, bất thông” không?

Vua Càn Long thấy đã đoán đúng, cười lớn:

– Ðúng đấy! Đúng đấy!

Tiểu Yến Tử thì nhún vai.

– Được rồi, được rồi! mọi người đem tôi ra làm trò cười, dù gì tôi cũng là kho cười mà.

Rồi chợt nhớ ra điều gì, Tiểu Yến Tử nói:

– Tôi còn có một câu đố nữa nè. Các người hãy thử đoán xem “con gì có tám chân, hai cánh, lên trời thì biết bay, xuống nước biết bơi, còn trên bờ biết chạy?”

Mọi người nghe ngẩn ra, con gì kỳ cục quá? Người đoán thế này, người đoán thế kia. Vua Càn Long không kiên nhẫn, nói:

– Con gì lạ vậy, ta chịu thua, người nói ra xem nào?

Tiểu Yến Tử cười hà hà, nói:

– Con cũng chịu thua, không biết là con gì nữa.

Tử Vy đưa tay đấm Tiểu Yến Tử thùm thụp.

– Ngươi thật là tinh nghịch.

Mọi người vỡ lẽ ra cùng cười, thái hậu cũng cười. Ðiều này làm cho hoàng hậu, Dung ma ma tức giận kéo Thập Nhị a ca đứng qua một bên giả vờ như chỉ chăm chú xem pháo.

Thập Nhị a ca tên là Vĩnh cơ. Năm nay mới tròn chín tuổi, trẻ con nên rất thích xem đốt pháo bông. Trong khi lệnh phi lại có với vua ba người con, trong đó Lục cát cát tròn tám tuổi, Thất cát cát tròn sáu tuổi, cũng Tiểu a ca.

Vĩnh Kỳ lúc đó cũng vừa nghĩ ra một câu đố, nói:

– Tôi cũng có một câu đố đấy, “Cái gì mà đầu đội trời, chân chạm đất, nhét cứng càn khôn không cục cựa?”

Mọi người còn chưa đoán ra thì Tiểu Yến Tử nói:

– Khoan đã anh hãy cố đoán câu đố tôi trước rồi tôi mới giải đáp câu của anh “Cái gì mà đầu hướng tây, đuôi hướng đông, nhét cứng càn khôn không cục cựa?”

– Cái gì mà lợi hại vậy?

Vĩnh Kỳ suy nghĩ rồi lắc đâu.

– Tôi chịu thua, giải thích đi.

Tiểu Yến Tử cười nói:

– Ha ha! Vậy mà cũng không biết, đó là cái mà anh đố đấy. Tôi để nằm xuống, đầu hướng tây, đuôi hướng đông, chẳng phải là…

Vua Càn Long và mọi người nghe vậy cười ồ biết là Tiểu Yến Tử đố mẹo.

Vua Càn Long lắc đầu nói:

– Tiểu Yến Tử học thì dốt, mà mẹo vặt thì nhiều.

o O o

Pháo hoa vẫn tỏa sáng trên cao, mọi người ai nấy tiếp tục theo dõi, chợt nhiên Nhĩ Khang trông thấy một bóng người lúc ẩn lúc hiện sau hòn giả sơn. Nhĩ Khang cảnh giác la lớn:

– Ai đó?

Tất cả mọi người nghe vậy giật mình. Nhĩ Khang không chần chờ phóng ngay về phía hòn giả sơn. Trong bóng tối lờ mờ chàng phát hiện một người mặc áo đen đang co chân phóng chạy về phía hành lang cung đình. Khang hét:

– Ai đó! Ðứng lại!

Tiểu Yến Tử không chần chừ đuổi theo.

– Có thích khách! Ta không để ngươi thoát đâu.

Vĩnh Kỳ nghe vậy cũng phóng chân theo.

– Tiểu Yến Tử! Ở yên đó! Ðể anh đuổi hắn.

Chớp mắt Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ và Tiểu Yến Tử đã đuổi bén gót tên lạ mặt.

Thái hậu, vua Càn Long và các phi tần, a ca, cát cát thẩy đều xanh mặt. Dung ma ma vội lên tiếng:

– Người đâu! Người đâu! Hãy gắng bảo vệ hoàng thượng! gắng bảo vệ lão phật gia, và các a ca cát cát.

Và chỉ trong tíc tắc, các cao thủ trong đại nội cùng thị vệ đã chạy đến che kín vua.

Nhĩ Khang đuổi theo gần sát tay mặc áo đen. Tiểu Yến Tử và Vĩnh Kỳ bén gót theo sau.

– Kẻ địch thích khách kia, hãy đứng lại nghe! Dám vào tận cung phá rối à?

Tiểu Yến Tử nói, nhưng Vĩnh Kỳ đã khoát tay.

– Tiểu Yến Tử hãy về đi, chuyện này để anh và Nhĩ Khang cùng đám thị vệ, em ở đây làm vướng tay vướng chân thôi.

Nhưng Tiểu Yến Tử không dừng chân.

– Ai nói anh? Tôi phải bắt cho được tay thích khách này không để hắn thoát được!

Vĩnh Kỳ đành để Tiểu Yến Tử đuổi theo.

Ðám thị vệ cũng đã đến. Tay thích khách chạy quanh co cuối cùng chạy đến Thấu Phương Trai.

Lúc đó cửa Thấu Phương Trai mở lớn. Trong khi Tiểu Đặng, Tiểu Trác mãi lo xem pháo bông mà quên cả khép cửa lại. Thế là tên thích khách xông đến, chỉ một chưởng đã hạ cả hai, rồi xông vào nhà.

Nhĩ Khang đuổi theo. Cao Đạt, và Cao Viễn cũng từ trong nhà chạy ra. Nhĩ Khang ra lệnh.

– Cao Ðạt! Cao Viễn! Hãy mau đi bắt thích khách!

– Vâng!

Cao Ðạt, và Cao Viễn vội dẫn đám thị vệ xông vào nhà Tiểu Yến Tử và Vĩnh Kỳ cũng vừa đến. Tiểu Yến Tử nói:

– Dám chạy vào Thấu Phương Trai thì quả là to gan thật, phải bắt cho được tên này.

Tiểu Yến Tử và Vĩnh Kỳ xông vào, Nhĩ Khang cũng xem xét từng căn phòng một vẫn không trông thấy bóng tên thích khách đâu. Điều đó làm Nhĩ Khang lạ lùng vì với chàng Thấu Phương Trai là nơi khá quen thuộc. Chàng biết rõ từng ngõ ngách vậy mà tên thích khách đã chạy đâu?

Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ Tiểu Yến Tử, Trại Hoa, Trại Quảng, Cao Đạt, Cao Viễn cùng chia nhau lục soát vẫn không có kết quả.

Cao Đạt nói:

– Lạ thật! Thấy hắn chạy vào rõ ràng mà, sao lại mất tiêu?

Nhĩ Khang nói:

– Chúng ta đông người thế này mà chỉ một tay thích khách lại bắt không được, thật đáng xấu hổ.

Tiểu Yến Tử nói:

– Tay thích khách này thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn chắc hẳn phải thuộc hàng cao thủ.

Vĩnh Kỳ thắc mắc:

– Lạ thật, Thấu Phương Trai này lại không có cửa hậu, chẳng lẽ tay thích khách đã tàng hình? Hay là thừa lúc bọn ta xông vào cửa chẳng để ý đã lẻn được ra ngoài?

Nhĩ Khang nói:

– Không thể được! Tôi đã xem xét rất kỹ, hắn mà thoát được chỉ có nước là tàng hình thôi.

Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang nhìn nhau lo lắng. Hôm nay là ngày sinh nhật của vua, kẻ nào lại to gan vậy định thích khách hoàng thượng ư? Mà tay này là ai vậy? Sao lại có võ công cao cường thế?

Bấy giờ vua Càn Long, thái hậu, lệnh phi, Hàm Hương, Tịnh Nhi, Tử Vy, Kim Tỏa và các cung nữ khác đã chạy đến.

Vua Càn Long hỏi:

– Sao? Đã bắt được tên thích khách kia chưa?

Nhĩ Khang bối rối nói:

– Khải bẩm hoàng thượng, thần đuổi hắn đến Thấu Phương Trai, thấy rõ là tên thích khách chui vào đây mà không hiểu sao lại biến mất vậy.

Thái hậu nhìn Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ.

– Các ngươi bảo hắn là thích khách, thế làm sao các ngươi biết hắn là thích khách? Hắn đã làm gì chưa chứ?

Nhĩ Khang nghe hỏi giật mình, phân vân.

– Vâng, sự việc lạ quá. Chỉ có một người, mà võ nghệ hắn không phải dở. Hắn đơn thân độc mã vào tận cung đình. Vậy có phải là quá táo bạo không? Nhưng mà… tại sao hắn lại chỉ đánh ngã Tiểu Ðặng, Tiểu Trác? Lại đánh rất nhẹ? Cái tay này hình như chỉ vào cung để dò la. Không may bị phát hiện, nên không chống trả mà chỉ bỏ chạy. Thật là…

Nhĩ Khang vừa nghĩ đến đó, chợt nghĩ ngay đến một người. Mông Đan! Hay là Mông Đan?

Vì nghĩ thế nên Khang quay qua nhìn Vĩnh Kỳ, Vĩnh Kỳ vừa thấy cái nhìn của Nhĩ Khang, chợt hiểu ra. Mông Đan! Và không hẹn Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ quay qua nhìn Hàm Hương. Cái nhìn làm Hàm Hương tái mặt, Hàm Hương lại nắm lấy tay Tử Vy. Như vậy mọi người đều cả quyết, đấy là Mông Đan.

Khang nghĩ, có lẽ vì Mông Đan không dằn được, nên đã trà trộn vào cung xem thực hư. Chẳng ngờ bị bại lộ tông tích nên đã chạy đến Thấu Phương Trai. Nhưng mà tại sao anh ta lại biết đây là Thấu Phương Trai chứ? Có lẽ trong lúc tán gẫu, mọi người vui miệng đã nói điều đó ra.

Ðám Nhĩ Khang đều căng thẳng, chỉ có Yến Tử là không biết gì nên hét lớn:

– Thế này thì hắn quả là xem thường bọn ta rồi? Coi hoàng cung này như chốn không người ư? Muốn đến thì đến muốn đi thì đi à?

Tử Vy kéo tay Hàm Hương đi đến gần Yến Tử lay nhẹ Yến Tử một cái. Yến Tử quay qua nhìn Vĩnh Kỳ, chợt bắt gặp ánh mắt của Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ giật mình, chẳng lẽ đấy là sư phụ Mông Đan ư?

Nhĩ Khang quay qua vua.

– Bẩm hoàng thượng, gã thích khách này chỉ có một người. Hắn chẳng làm gì được đâu, thần sẽ cho người đi thẩm xét tất cả hoàng cung, để mang lại sự an toàn cho mọi người. Giờ đây đêm đã khuya, xin mời hoàng thượng và lão phật gia hãy về nghỉ ngơi đi ạ.

Vĩnh Kỳ phụ họa.

– Dạ, đúng đấy. Hôm nay là ngày sinh nhật của Hoàng a ma đừng để kẻ trộm vặt phá rối mất vui. Chuyện an ninh trong nội cung, Hoàng a ma hãy để con và Nhĩ Khang lo cho.

Hoàng hậu quay qua thái hậu nói:

– Thần thiếp cảm thấy có cái gì không ổn, tại sao ở Thấu Phương Trai này, chỉ có đường vào không có đường ra, mà một tay thích khách vào lại biến mất. Không lẽ họ chạy vào chỗ Tử Vy và Tiểu Yến Tử ngủ. Nếu tay đó mà chui vào đó thì sao? Rất nguy hiểm cho cát cát, tốt nhát là nên xem xét cẩn thận. Coi chừng dưới gầm giường, trong tủ đứng, trần nhà… chỗ nào có thể núp được là phải soát cả.

Thái hậu gật đầu.

– Hoàng hậu nói phải đấy!

Vua Càn Long bèn ra lệnh.

– Trại Hoa, Trại Quảng, mau mau lục soát, không được bỏ qua một góc nào cả.

– Vâng!

Trại Hoa, Trại Quảng vội vã xông vào. Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Tiểu Yến Tử, Hàm Hương, Tử Vy cũng đi theo.

Tiếp đó là một màn căng thẳng. Các quân sĩ dùng kiếm đâm thẳng vào từng ngóc ngách trong nhà, vẫn không thấy. Bây giờ chỉ còn phòng riêng của Tử Vy, bọn thị vệ đi vào cũng dùng kiếm đâm đủ chỗ. Mỗi lần họ lia kiếm vào các góc kẹt là Tử Vy, Tiểu Yến Tử và Hàm Hương đều muốn thót tim.

Vua Càn Long cũng có vẻ rất quan tâm đến sự an nguy của hai cô cát cát.

Yến Tử đợi một lúc có vẻ không còn nhẫn nại nói:

– Thôi vậy là được rồi, phòng sạch sẽ chẳng có dấu vết gì là tên tội phạm trốn trong đó.

Nhưng bất chợt Cao Viễn nói:

– Mấy phòng kia đã khám rất kỹ, phòng này không thể khám sơ sài được, phải tìm lại một lần nữa xem.

Hoàng hậu, lệnh phi, vua Càn Long, thái hậu cùng đứng yên quan sát. Tử Vy nghe nói phòng mình là phòng cuối cùng, nên e là Mông Đan trốn trong đấy, nên đưa tay ngăn cản:

– Phòng này bài trí đơn giản, chỉ nhìn sơ là thấy ngay không có gì, làm sao có ai trốn được. Các người đừng làm quá mà đổ bể đồ đạc của ta.

Tiểu Yến Tử cũng nói:

– Ðúng đấy! Ðúng dấy! Ta có nuôi một con mèo, coi chừng các người đâm phải nó bây giờ.

Vua Càn Long cảm thấy thái độ của Yến Tử và Tử Vy có cái gì đó khác lạ, nên hạ lệnh:

– Các ngươi phải tìm cho thật kỹ. Sự an nguy của hai cát cát là trên hết đấy nhé.

Cao Viễn lục lạo khắp nơi lắc đầu.

– Khải bẩm hoàng thượng, chẳng có gì cả ạ.

Cao Viễn nói đến đó chợt nghĩ ra điều gì, bước tới bên giường, giở thật nhanh tấm chăn lên, một cái gì đó rơi ra. Ðám Yến Tử thẩy đều giật mình, vật rơi ra lại chăng phải là người mà là một con búp bê dài khoảng ba tất. Tử Vy, Yến Tử thấy không phải là Mông Đan thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng thái hậu lại nghi ngờ bảo:

– Cái đó là cái gì vậy? Dung ma ma, hãy mang đến cho ta xem nào?

Dung ma ma bước tới cầm con búp bê lên nói:

– Bẩm lão phật gia, một con búp bê ạ. Không ngờ hai cô cát cát lớn thế kia mà lại còn mê chơi búp bê.

Tử Vy ngạc nhiên nhìn Yến Tử hỏi:

– Con búp bê bằng vải ư? Có phải của ngươi không?

Yến Tử nhún vai.

– Giỡn chơi hoài. Tôi mà lại chơi búp bê à? Chắc của Kim Tỏa phải không?

Kim Tỏa lắc đầu.

– Ðẩu phải của nô tài!

Thái hậu nghi ngờ hơn bảo:

– Nào mang con búp bê đó đến cho ta xem.

Dung ma ma lập tức đưa sang, nhưng chợt rút tay lại, nói:

– Ủa kỳ quá! Tại sao lại có kim nữa nè.

Vua Càn Long, thái hậu, hoàng hậu, lệnh phi, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ cùng xúm vào xem. Chỉ thấy búp bê làm bằng vải gấm trắng loại tốt, trên người búp bê có viết mấy chữ “tân mão canh ngọ đinh, kỷ, bính thìn.” Còn khắp người búp bê lại găm kim đầy cả.

Thái hậu vừa cầm con búp bê lên đã tái mặt cắt không giọt máu.

Tử Vy thì không hiểu, hỏi:

– Hoàng a ma, có chuyện gì vậy? Con búp bê này từ đâu tới, nó có nghĩa gì thế?

Vua Càn Long không đáp, chỉ quay sang nhìn Tử Vy và Yến Tử với cái nhìn ngạc nhiên.

Thái hậu thì nhìn con búp bê với cái nhìn chầm chầm. Càng nhìn càng xanh mặt, như phát hiện ra điều gì đó. Bà nghĩ bà đã hiểu thì ra hai con người gọi là “cát cát dân dã” kia đã tìm mọi cách để trà trộn vào cung, chỉ với một mục đích đó là muốn giết vua Càn Long!

Bà đưa mắt giận dữ nhìn Yến Tử rồi Tử Vy xong ra lệnh:

– Trại Hoa, Trại Quảng, Cao Viễn, Cao Đạt đâu. Các ngươi lập tức đem tất cả những con người trong nhà này bất luận là chủ hay tớ, đều nhốt lại cho ta!

– Vâng!

Trại Hoa ứng lệnh ngay. Thế là bọn thị vệ xông tới, đem hết Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa, Minh Nguyệt, Thể Hà, Tiểu Ðặng, Tiểu Trác đều đưa đi.

Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ hoảng hốt, vội vã quỳ xuống, trước mặt vua.

– Bẩm Hoàng a ma. Sự việc này có nhiều điều mờ ám, xin Hoàng a ma minh xét.

Nhĩ Khang cũng nói:

– Bẩm hoàng thượng, Tử Vy và Yến Tử không thể làm sự việc này. Rõ ràng là họ không biết gì cả. Xin người cẩn thận coi chừng trúng kế. Chuyện xảy ra tối nay, rõ là có nhiều điều kỳ lạ. Lão phật gia và hoàng thượng cần phải xem rõ để không oan người.

Yến Tử bị Trại Hoa giữ chặt, giận quá hét:

– Hoàng a ma! Tại sao lại có chuyện thế này xảy ra vậy. Khi không rồi bắt giữ bọn con? Chúng con có làm điều gì sái quấy đâu?

Vua Càn Long thì quá bất ngờ đang bàng hoàng. Ông không ngờ là hai đứa con gái mà ông tin yêu nhất lại có ý muốn hại ông. Có thể như vậy được sao? Ban nãy chẳng phải là chúng đã lên sân khấu hát lời chúc thọ mình? Những lời chúc thọ vô cùng cảm động, vậy sao bây giờ lại xuất hiện vật gớm ghiếc kia? Thế này là thế nào? Ông cảm thấy vô cùng rối rắm, nên yên lặng.

Hoàng hậu thì ngẩng cao đầu, nói:

– Tôi đã biết sớm là sẽ có chuyện này mà, chúng nó hai đứa đều lý lịch bất minh, làm sao biết được tâm địa ra sao? Dám mang trò tà ma yêu thuật vào cả cung đình.

Rồi bà ta nhìn thẳng Tử Vy và Yến Tử.

– Hoàng thượng đã yêu quý hai người như vậy, lúc nào cũng che chở cho các ngươi, dành cho các ngươi nhiều đặc ân. Vậy mà ngươi lại không biết cảm ơn, còn định mưu hại hoàng thượng. Rõ là không có lương tâm thật đáng chê trách.

Thái hậu càng nghe càng giận, lớn tiếng:

– Tất cả hãy cho vào ngục. Trại Hoa này, nam nhốt theo nam, nữ nhốt theo nữ. Tạm thời vào đại lao để đợi hoàng thượng minh xét.

– Vâng! Tuân mệnh!

Thế là đám cao thủ giải Tử Vy, Yến Tử… đi ra ngoài. Yến Tử tức quá vùng vẫy, hét:

– Hoàng a ma! Sao người chẳng nói năng gì cả. Chẳng lẽ người cũng tin là chúng con định mưu hại người thật ư? Người đừng có nghĩ vậy, đừng… con không muốn vào tù đâu… Con không muốn…

Tử Vy hoàn toàn kinh ngạc, không phản ứng được gì cả, mặc ai muốn kéo đi đâu thì kéo.

Kim Tỏa khóc lóc:

– Tiểu thơ ơi tiểu thơ, thế này là thế nào đây? Tại sao chúng ta lại phải ngồi tù. Buổi sáng không phải chúng ta mới chúc thọc người sao? Bây giờ lại bị nhốt? Vô lý vậy?

Vĩnh Kỳ thì quỳ xuống trước mặt vua.

– Bẩm Hoàng a ma!

Hàm Hương cũng quỳ xuống.

– Bẩm hoàng thượng! Người không thấy sáng nay hai cô cát cát đã bày tỏ lòng thành với người thế nào ư? Sao bây giờ lại cho nhốt vào ngục thế.

Lệnh phi cũng quỳ xuống.

– Bẩm hoàng thượng! xin hãy minh xét rõ ràng rồi nhốt vào ngục cũng không muộn ạ.

Nhĩ Khang quỳ xuống.

– Bẩm hoàng thượng, đừng nên để bi kịch tái diễn, hãy ngăn bọn họ lại.

Nhưng thái hậu đã lên tiếng.

– Hoàng đế này, đừng để bọn chúng nói lời mê hoặc, bằng chứng đã rành rành vậy còn chối cãi gì?

Vua Càn Long lắc đầu, khoác tay.

– Thôi thì cứ nhốt chúng nó lại đi rồi tính sau.

Thế là Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa… bị lôi đi. Tiểu Yến Tử phẫn uất nói:

– Hoàng a ma ơi… Con không muốn vào tù đâu con không thích. Tại sao Hoàng a ma lại nhẫn tâm như vậy? Đã nhốt bọn con một lần trong Tông Nhân phủ rồi còn chưa đủ sao.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ chỉ biết đưa mắt nhìn theo. Bởi vì họ biết sự việc con búp bê kia có tính chất vô cùng nghiêm trọng chứ không phải tầm thường.

o O o

Tử Vy, Yếu Tử, Kim Tỏa, Minh Nguyệt, Thể Hà đều bị nhốt chung trong nhà lao đại nội. Gọi là nhà lao, chứ thật ra nó chẳng kiên cố đáng sợ gì cho lắm. Nó chỉ là nơi dùng để nhốt bọn nô tài khi phạm tội.

Bọn thị vệ đẩy cả năm vào phòng giam, không một chút nhân nhượng, khiến cả năm té nhào lên ổ rơm, rồi khóa cửa lại bỏ đi, Yến Tử vừa khóc vừa nói:

– Chúng ta có làm gì sai đâu nào? Con búp bê bằng vải kia là cái gì trò gì chứ? Mà tại sao họ lại tìm thấy nó trong phòng bọn ta? rồi tất cả chúng ta phải bị nhốt trong tù thế này?

Kim Tỏa cũng vừa khóc vừa nói:

– Hoàng thượng chẳng phải là đã nhìn tiểu thơ là con rồi ư? Tại sao giận một tí là nhốt vào đề lao thế này? Tiểu thơ, hãy nói đi! Tôi thì tôi thấy sợ quá. Biết rồi có thêm một tên Lương đại nhân nào nữa không? Hắn đánh dữ ta sẽ chết mất.

Minh Nguyệt, Thể Hà mãi lúc đó vẫn còn sợ, ôm nhau mà khóc, Thể Hà nói:

– Liệu họ có chém đầu bọn mình không? Nhà tôi còn có cha già, không biết trước khi chết có còn được trông thấy mặt người không?

Minh Nguyệt nghe sợ quá.

– Họ sẽ chém đầu ta ư? Làm gì có chuyện đó? Đừng có dọa em.

Tử Vy lúc đó đã bình tâm lại. Nhìn bốn phía chỉ thấy vách tường cao, không gian u ám với mùi ẩm mốc. Phía trước là song sắt, bên ngoài là hành lang dài với mấy ngọn đuốc lập lòe trước gió. Những chiết bóng đầy đe dọa, khiến Tử Vy liên tưởng ngay đến những vong hồn bị bức tử oan. Tử Vy nghĩ ngợi một chút nói:

– Rõ là chúng ta bị họ bày kế hãm hại rồi. Hãy nghĩ xem, chuyện thích khách và con búp bê vải kia, họ đã chuẩn bị sẵn. Ðây là một màn kịch, thích khách thì tìm cách dẫn dụ hoàng thượng đến Thấu Phương Trai rồi sẵn dịp đó họ mang con búp bê vải kia ra, nhân chứng vật chứng đủ cả.

Kim Tỏa thắc mắc:

– Nhưng mà một con búp bê vải như vậy có nghĩa lý gì, mà khiến lão phật gia và hoàng thượng phải biến sắc như vậy?

Tử Vy buồn bã nói:

– Tại em không biết, chứ ngay từ thời Hán, người ta đã truyền tụng chuyện “ma thuật” có thể dùng hình nộm để hãm hại người. Người Trung quốc ta lại tin dị đoan nên vấn đề mới nghiêm trọng như vậy.

Yến Tử nghe không hiểu, vừa khóc vừa hỏi:

– Tà thuật gây họa thế nào? Có phải bọn mình lại gặp xui xẻo nữa không? Chắc bà hoàng hậu lại bày trò quỷ nữa chứ gì? Bà ta định giết bọn mình. Đúng không?

Tử Vy ôm lấy Yến Tử vỗ về:

– Ðừng khóc, Yến Tử! Bọn mình đã từng gặp bao nhiêu sóng to gió lớn, nhưng vẫn vượt qua được mà? Biết đâu lần này cũng thế? Ngũ a ca và Nhĩ Khang sẽ tìm cách cứu bọn mình ra khỏi đây thôi. Còn Hoàng a ma là người thông minh như vậy, bình tĩnh mà phân tích, hẳn cũng thấy ra đây là quỷ kế định diệt chúng mình thôi.

Kim Tỏa nghi ngờ.

– Liệu có được vậy không? Em thấy ông ấy giận xanh cả mặt trừng mắt nhìn Yến Tử mà phát sợ.

Yến Tử dụi mắt, rồi nhìn quanh, bực dọc nói:

– Tôi sớm biết là không nên làm bài thơ “bước vào một căn phòng, bốn bên đều là vách” rồi mà. Người ta nói làm thơ linh ứng lắm. Trách gì tôi cứ bị nhốt hết ngục này đến ngục khác. Nếu sớm biết vậy, tôi đã làm bài thơ là “bước vào một căn phòng, bốn bên đều là cửa” rồi. Nhảy cửa sổ dù gì cũng dễ hơn là đào tường. Bây giờ không có một cái cửa nào cả, làm sao đây?

Thể Hà mệt quá nói:

– Em thì bây giờ chỉ muốn được là “bước vào một căn phòng, trong có một chiếc giường” là tuyệt!

Minh Nguyệt lại nói:

– Tôi lại muốn “bước vào một căn phòng, trong có bà mẹ già.”

Tử Vy nói:

– Hay quá! Vậy thì mình cứ tưởng tượng đi. Trong phòng này có cả cửa sổ, cả giường nằm và cả mẹ nữa.

Yến Tử nói:

– Chỉ e là “bước vào một căn phòng, gặp một con chó sói” thì chết.

Kim Tỏa nói:

– Ồ! Ở trong phòng làm sao có chó sói được chứ?

Yến Tử vẫn nói:

– Sao lại không? Con người số đen như tôi, dễ dầu gì mà có được cái phòng vừa có cửa sổ, có giường nằm, lại có mẹ. Có chẳng chỉ toàn là gặp sói dữ.

Tử Vy nghe Yến Tử nói, mà không nhịn được cười. Thấy Vy cười, mọi người cười theo, tạm quên đi nỗi sợ hãi.

Và tối hôm ấy, năm chị em đã ôm nhau ngủ. Tuy là lại gặp nạn, nhưng có bạn đồng hành cũng đỡ cô đơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.