Hai ngày trôi qua. Không khí ở trong cung đình vẫn yên tĩnh.
Vua Càn Long vẫn tưởng nhớ ray rứt Hàm Hương nên chẳng thiết tha nghĩ ngợi đến bất cứ điều gì. Ông thường ngồi đó hồi tưởng đến những gì đã qua, điều mà Tử Vy và Yến Tử nói có vẻ huyền hoặc, huyền hoặc đến độ khó tin. Nhưng… Tử Vy là đứa hiền lành chân thật, ông không thể không tin, Yến Tử thì có thế nói dối chứ Tử Vy thì chưa bao giờ, mà quả chuyện như một truyền kỳ. Có điều sự thật thì vẫn sờ sờ đó, ông đã mất Hương phi! Càng nghĩ ngợi càng thấy buồn bã, nếu sớm biết thế này thì ngày trước ông đã không chấp nhận để Hương phi vào cung. Hai hôm nay ngày ngày ông cứ đến Bảo Nguyệt lầu, chẳng phải làm gì, chỉ ngồi đó suy nghĩ. Càng nghĩ càng buồn, đêm ngủ cũng không yên, phải lấy ra trải nỗi lòng lên giấy.
… Buồn vời vợi, đau vời vợi.
Trăng đã tàn, bài ca đã dứt.
Khỏi lớp xây thành,
Tim rỉ máu hận mãi không nguôi.
Một kiếp hương hồn nay hóa bướm…
(Cái bài thơ này khắc trên một chiếc mộ bia mà sau này người ta tìm thấy nó trong một nghĩa địa phía bắc Ðào Nhiên đình ở Bắc Kinh. Khu mộ sau Cách mạng bị bỏ phế, cỏ dại mọc đầy. Dân điạ phương gọi đây là “Hương Gia” còn bia mộ này do ai khắc thì không biết. Mãi đến năm 1930, hậu duệ của thợ khắc đó nổi tiếng triều Thanh Tào Phát đạt là Tào Hiến Thụy vì túng tiền mới mang tất cả di vật tích lũy của tổ tiên ra bán cho đại học Trung Pháp và thư viện Bắc Kinh. Trong số di vật kia, người ta mới phát hiện ra đồ án “Hương phi lăng công đồ thuyết” trong đó nói rõ là ngày nào tháng nào phụng chỉ thiết kế. Sau đó phụng mệnh thái hậu mà ngưng nên chưa thi công, còn địa chỉ lăng mộ thì đúng là địa chỉ của “Hương Gia”. Câu chuyện này để lại cho đời sau nhiều câu hỏi mà vẫn chưa giải thích được, riêng về Hương phi thì truyền thuyết nhiều lắm, Tóm lại những gì mà “sử không chép” thì coi như chỉ để mọi người đoán mò)
Bây giờ trở lại câu chuyện của chúng ta.
Vua Càn Long chẳng đá động gì đến chuyện Hương phi nữa. Thấu Phương Trai vẫn bình yên, mọi người chờ đợi, giờ hẳn Hàm Hương và Mông Đan đã đi rất xa… và Liễu Thanh, Liễu Hồng phải quay về Hội Tân Quán rồi.
Ðám Yến Tử nào biết rằng nội cung bề mặt yên lặng, nhưng sóng ngầm đã nổi lên, vì vậy Hội Tân Lầu đã gặp rắc rối.
o O o
Tối hôm ấy, không biết từ đâu mười mấy tay hán tử khỏe mạnh, thủ đoản đao, dẫn đầu là một tay cao thủ nhanh nhẹn. Ðó chẳng ai khác là Ba Lãng, thân tín của hoàng hậu, đã từng động thủ qua với Nhĩ Khang.
Tiêu Kiếm ngồi ở một góc quán uống rượu, anh chàng đã nửa tỉnh nửa say, đọc thơ:
Thư họa cầm kỳ thi tửu hoa,
Dương niên mọi thứ không rời ta.
Bây giờ mọi chuyện đều thay đổi
Tiêu kiếm giang sơn thi tửu trà.
Ba Lãng nói nhỏ với bọn thủ hạ.
– Hắn không phải là kẻ bọn ta muốn tìm, hắn chỉ là một con một sách!
Giữa lúc đó Liễu Thanh, Liễu Hồng tiễn Mông Đan vừa quay về, nét mệt mỏi còn hiện rõ trên mặt.
Ba Lãng và bọn thủ hạ lập tức tập trung ánh mắt về phía hai người.
Tiêu Kiếm thấy anh em Liễu Thanh định bước vào. Lật đật rót rượu, khệnh khạng bước tới, không ngờ vì quá say nên vừa bước tới Liễu Thanh đã làm rượu đổ hết lên áo Liễu Thanh, Liễu Thanh bực dọc nhăn mặt kêu lên:
– Ồ!
Nhưng chưa kịp nói gì thì đã nghe Tiêu Kiếm nói:
– Chạy nhanh, có mai phục trong quán đấy!
Liễu Hồng nghe Tiêu Kiếm nói, nhìn vào quán hiểu ngay, nói với anh:
– Chúng ta rút lui nhanh!
Thế là chưa kịp vào quán cả hai anh em đã quay người đi ra, bọn hán tử đang ở trong quán đứng dậy hét:
– Ðứng lại có phải hai vị là Liễu Thanh, Liễu Hồng không?
Liễu Thanh vừa thủ thế vừa hỏi:
– Ðúng rồi sao mà không đúng thì sao? Các ngươi định cản đường ta ư?
Ba Lãng lên tiếng:
– Liễu Thanh, Liễu Hồng, các ngươi đừng phản kháng, ta là người trong cung, được lệnh đưa các ngươi đến Hình Bộ hỏi chuyện, mau theo chúng ta đi, đừng chống đối mà thiệt thân đấy!
Liễu Hồng rút roi ra đánh nhanh về phía tay đại hán trước mặt. Còn Liễu Thanh thì dùng quyền, thế là chỉ trong một thoáng bàn ghế ly tách trong quán ngã lăn, khách đang ăn thấy vậy sợ quá ôm đầu bỏ chạy, Tiêu Kiếm đứng giữa quán la lớn:
– Mọi người chạy mau, cửa trước bị bọn chúng chận rồi, hãy chạy ra cửa sau, chạy càng nhanh càng tốt, bằng không bị trúng đao, e là khó sống.
Liễu Thanh, Liễu Hồng hiểu là lực lượng triều đình quá mạnh, chỉ hai người hẳn đánh không lại, nên cũng không ham đánh. Vừa đánh vừa rút, vừa đạp ngã bàn làm chướng ngại, Vậy mà Liễu Hồng vẫn bị đoạt roi, còn Liễu Thanh thì cũng bị trúng một chưởng loạng choạng suýt ngã.
Giữa cơn nguy cấp đó thì đột nhiên tất cả đèn đuốc trong phòng đồng loạt tắt, Một tay đại hán ngạc nhiên.
– Sao lạ vậy? Khi không rồi tối đen vậy.
Trong bóng tối tiếng của Ba Lãng ra lệnh.
– Hãy nhìn cho cẩn thận trước khi đánh, coi chừng người mình đánh trúng người mình đấy.
Và trong lúc đó bỗng nhiên các đại hán có cảm giác như bị ai đó đánh loạn đả vào mình, họ hét lên rồi đưa quyền ra đánh trả.
– Ai đã đánh tôi, ai đã đánh tôi!
Tiếng hét ồn lên, ở đầu này, rồi ở đầu kia, một khung cảnh vô cùng hỗn loạn.
Và nhờ có cái hỗn loạn đó, Liễu Thanh và Liễu Hồng đã nhanh chóng dùng đường bí mật thoát ra ngoài, hai người cắm đầu chạy thục mạng về hướng Hộ Thành môn, khi thấy chẳng có ai đuổi theo, mới đứng lại thở.
Đến lúc này họ mới nhớ lại Tiêu Kiếm, Liễu Hồng nói:
– Nguy quá, Tiêu Kiếm không biết võ công, lại không thoát được ra ngoài, nếu lọt vào tay bọn lính đó thì sao? Ta phải trở về cứu hắn.
Nhưng Liễu Thanh đã ngăn lại:
– Em không nên hồ đồ như vậy, chủ đích của quan binh là bắt anh em ta chứ không phải Tiêu Kiếm. Vì vậy hắn không gặp nguy hiểm đâu, những tay lính ban nãy người nào cũng võ công cao cường, em chẳng thấy ư? Ta nào phải địch thủ của họ, tốt nhất là không nên quay về đưa cổ và tròng.
Liễu Hồng hiểu ra, đứng yên.
– Nhưng tại sao quan binh họ đến quán bắt bọn mình, hay là đám Yến Tử đã bại lộ?
– Nếu bại lộ thì trên đường về quán, ta phải gặp lính tráng đầy đường, đằng này không có, vậy thì chắc việc chưa xảy ra.
– Vậy thì phục binh ở Hội Tân Quán là ai? Sao họ lại định bắt mình?
Liễu Thanh suy nghĩ:
– Cái đám đó có thể không phải là quan binh, vì nếu là quan binh sao không mặc binh phục, mà mặc thường phục? Ngang nhiên xông vào quán bắt người, chuyện lạ quá!
– Vâng!
– Tóm lại chân tướng của chúng ta ở Hội Tân Quán đã bại lộ. Tôi đã nói rồi mà, đám Yến Tử quá ỷ lại, mỗi lần đến Hội Tân Quán đều không chịu nhìn trước nhìn sau. Như vậy sớm muộn chuyện sẽ xảy ra thôi, cũng chẳng lạ, em không thấy là Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang tướng tá anh tú khác người. Còn Yến Tử, Tử Vy nhìn vào là người ta biết ngay không phải người dân? Sự xuất hiện của họ trong quán, ai lại không để ý? Có thể là một nguyên nhân khác chẳng dính líu đến chuyện Hàm Hương chăng? Chúng ta nên bình tĩnh, đừng để sự việc dọa mình mà hư việc.
Liễu Hồng không tin lời anh:
– Họ đã nói rõ ràng là muốn bắt hai anh em mình cơ mà? Trong khi bọn ta chỉ chí thú làm ăn, không hề vi phạm luật lệ. Vậy thì bắt là bắt làm sao? Em nghĩ hẳn là chuyện có liên quan đến Hàm Hương thôi… có điều, bây giờ mình đi đâu, phải làm sao bây giờ đây.
Liễu Thanh nghĩ ngợi:
– Hay là tạm thời mình đến ngôi nhà lá ở Ngân Hạnh Ba ẩn thân. Chờ thêm mấy hôm, anh sẽ đến Học Sĩ phủ tìm Nhĩ Khang, để biết rõ sự việc. Dù gì thì Hội Tân Quán coi như tiêu rồi, không thể quay lại đâu. Có điều mình cũng yên tâm khi thấy Hàm Hương và Mông Đan đã đến được chỗ an toàn.
– Hội Tân Quán có sụp đổ thì cũng chẳng nhằm gì, điều anh quan tâm là sự an nguy của đám Yến Tử không biết bọn họ có qua ải an toàn không?
o O o
Ðúng ra đám Yến Tử đã qua ải an toàn, nhưng rồi chuyện đổ bể ở Hội Tân Lầu đã làm cho mọi sự việc đảo lộn.
Ngay hôm ấy thái hậu cho gọi vua Càn Long đến Từ Ninh cung. Vua vừa yên vị, đã thấy một đám thái giám mang cả đống mặt nạ, và gậy trừ tà ra bày trước mặt, nhìn thấy những thứ đó, vua hết sức ngạc nhiên.
– Mặt nạ? gậy trừ tà… tất cả những cái này là của Sa Mãn pháp sư cơ mà? Các người đã tìm được ở đâu vậy?
Thái hậu ngồi đấy, kế là hoàng hậu, sau lưng hai người là Dung ma ma và Quế ma ma, người nào cũng có vẻ nghiêm trọng.
Thái hậu nghe vua hỏi không trả lời chỉ quay qua hoàng hậu.
– Hoàng hậu! Mau trả lời cho hoàng thượng biết đi?
Hoàng hậu vội bước tới cúi người nói:
– Thần thiếp biết là có nói chưa chắc là hoàng thượng chịu nghe, nhưng không vì vậy mà thần thiếp không nói. Hương phi mất tích đã ba hôm, chuyện đó làm cả hoàng cung bàng hoàng, bàn tán xôn xao. Với thần thiếp thì sự việc này phải có điều gì khác lạ, bằng chứng là cả Thấu Phương Trai và Bảo Nguyệt lầu đều có chuyện nhờ Sa Mãn pháp sư trừ tà. Tối hôm qua đám thị vệ đã đến một nơi gọi là “Hội Tân Quán” và biết cái quán này là nơi hai cô cát cát và Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang mỗi lần xuất cung đều đến đấy hội họp.
Vua Càn Long nghe nói ngạc nhiên:
– Hội Tân Quán? Một tửu lầu? Có nghĩa là… Sa Mãn pháp sư lại ngụ trong khách sạn?
Hoàng hậu gật đầu:
– Đúng, điều đó chứng tỏ tay Pháp sư kia và Yến Tử đều là chỗ quen biết, còn đó là pháp sư giả hay thật thì chưa biết? Có điều chẳng hiểu sao Hương phi nương nương biến mất thì pháp sư cũng biến mất, sự việc đó có liên quan nhau không thì chẳng biết? Nhưng tối qua khi người của thần thiếp vừa đến nơi thì họ thấy bị động nên ra tay. Bọn họ đánh nhau với người của thần thiếp, võ nghệ bọn họ rất cao cường, ngay cả hai anh em chủ quán cũng biết võ, nhưng đã chạy thoát. Có điều cũng đã bắt giữ được một tên hầu bàn, một đầu bếp và một a đầu. Nghe bọn chúng nói lại thì ở Hội Tân Lầu từng trú ngụ mấy tay người Hồi. Tay nào cũng biết võ, trong đó có một tay được Yến Tử gọi là “sư phụ”.
– Người Hồi ư? Sư phụ ư?
Dung ma ma nói chen vào:
– Bẩm vạn tuế gia, mấy tay phạm nhân kia đang được nhốt ở nhà giam Ðại Giám, bọn nô tỳ nghĩ là chuyện này vì có liên quan đến thanh danh của các a ca cát cát nên không dám đưa sang Bộ Hình. Nếu cần Vạn tuế gia hãy đích thân đến đấy thẩm vấn họ xem?
Vua Càn Long bàng hoàng, chỉ lẩm bẩm:
– Sa Mãn pháp sư? Người Hồi?
Bất chợt vua nhớ lại lúc bọn pháp sư hành lễ, vua có mặt ở đấy, đôi mắt lạnh và sắc của bọn pháp sư, vua lờ mờ hiểu ra, nhưng vẫn nói:
– Không, không thể được, Tử Vy và Yến Tử chẳng lẽ lại là những đứa dối gạt ta ư?
o O o
Lúc đó Tử Vy và Yến Tử cũng đang bối rối không kém, khi nhận được tin của Nhĩ Khang đưa tới.
– Một tin rất xấu đây, sáng nay tôi và Vĩnh Kỳ đến Hội Tân Quán mới hay là tối hôm qua đã bị xâm nhập và đập phá!
Tử Vy giật mình.
– Cái gì? Còn Liễu Thanh và Liễu Hồng, bọn họ có hề hấn gì không?
– Nghe nói bọn họ đã về, hai bên đã đánh nhau một trận, bàn ghế đổ ngã chỏng gọng. Tiểu nhị và ông đầu bếp mất tích. Có người còn nghe nói là quan binh tuân chỉ triều đình xuống bắt Liễu Thanh và Liễu Hồng.
Yến Tử, Tử Vy, và Kim Tỏa thẩy đều tái mặt, Yến Tử nói:
– Tôi phải đi xem, tôi đến gặp lệnh phi nương nương để xin phép xuất cung.
Yến Tử nói và định đi ngay, nhưng Vĩnh Kỳ đã chận lại, Nhĩ Khang cũng nói:
– Cô đừng có hành động ngu vậy, tình hình đang khẩn trương thế này, cô còn không tỉnh táo? Khi mà quan binh họ đã biết chuyện ở Hội Tân Lầu, tức là họ đã biết chuyện chúng ta thường xuyên có mặt ở đấy rồi. Ðúng ra khi xuất cung ta nên cảnh giác một chút, đằng này lại quá hơ hỏng, coi như chuyện tự nhiên, chính sự tự nhiên đó hại chúng ta. Những người dám đến Hội Tân Quán còn ra mặt xưng danh thì chuyện này đã quá nghiêm trọng rồi.
Kim Tỏa thắc mắc.
– Nghiêm trọng là sao? Anh em Liễu Thanh đã bị bắt, hay hoàng thượng đã thấy nghi ngờ chuyện Hàm Hương? Nhĩ Khang thiếu gia này, tại sao ta không cho người đi thăm dò xem thử sự việc đã đến đâu. Các vị là a ca, là ngự tiền thị vệ, tôi nghĩ chuyện đó hẳn không khó lắm với các vị.
Tử Vy lo lắng.
– Còn cái anh chàng Tiêu Kiếm nữa, hắn không biết võ công. Liễu Thanh, Liễu Hồng mà có thoát được thì hắn cũng không thoát, phải làm sao đây?
Đang lúc đó mọi người đang suy luận thì nghe thấy tiếng Trại Hoa, Trại Quảng ngoài đại sảnh hô lớn:
– Hoàng thượng có chỉ truyền Tử Vy cát cát, Hoàn Châu cát cát đến Từ Ninh cung để hỏi việc ngay!
Tử Vy, Yến Tử tái mặt, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ cùng nói:
– Chúng ta sẽ cùng đến đó!
Rồi quay qua Tiểu Đặng, Tiểu Trác dặn dò:
– Còn hai ngươi, hãy mau đi nhờ lệnh phi nương nương, để người đến ngay Từ Ninh cung!
Tiểu Đặng, Tiểu Trác cúi đầu.
– Vâng, chúng tôi biết.
Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang cùng đến Từ Ninh cung.
o O o
Ðến nơi là họ thấy trước mặt có đầy đủ, vua Càn Long, thái hậu, hoàng hậu, Dung ma ma người người đều có thái độ căng thẳng.
Vua Càn Long vừa nhìn thấy họ, là lớn tiếng nói ngay:
– Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa! Tất cả quỳ xuống đó!
Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa vội quỳ xuống trong khi Nhĩ Khang, và Vĩnh Kỳ đứng yên phía sau.
Vua lại hỏi giọng đầy phẫn nộ.
– Ta hỏi bọn người lần nữa, Hương phi nương nương đã đi đâu?
Yến Tử sợ quá, nhưng cố nói cứng:
– Hoàng a ma hỏi con đã mấy lần rồi, sao hỏi mãi vậy, nương nương đã hóa bướm bay đi rồi.
Vua Càn Long không nhìn Yến Tử, quay qua Tử Vy.
– Tử Vy, thế nào? Ngươi có cần thay đổi lời khai không? Ta biết ngươi là đứa thật thà, hiền lành, ta đã tin tưởng ngươi, thích ngươi, biết là ngươi trong bất cứ tình huống nào cũng không lừa dối trẫm. Trẫm muốn hỏi ngươi lại lần nữa, ngươi có dám chắc là tận mắt nhìn thấy Hương phi hóa bướm bay đi không?
Tử Vy vừa bối rối vừa đau khổ, không biết phải nói sao với vua, nhưng đã lỡ leo lưng cọp rồi nên cố cắn răng nói:
– Vâng, Hoàng a ma chính mắt con trông thấy chuyện đó!
– Vậy ư? Vậy thì ngươi phải thề độc một điều với trẫm, điều này trẫm đặt ra. Đấy là nếu ngươi mà nói dối trẫm, thì ngươi sẽ bị mất Nhĩ Khang, mất cả hạnh phúc của mình, thề đi!
Tử Vy nghe vua bắt thề như vậy tái mặt. Bởi vì đối với Tử Vy, cuộc sống bản thân có thể không cần thiết, nhưng mất Nhĩ Khang là không có gì đau khổ cho bằng.
Vua thấy thái độ chần chừ của Tử Vy, giục:
– Nói đi, hãy đem Nhĩ Khang ra mà thề đi! Nếu ngươi mà gian dối với trẫm thì Nhĩ Khang phải trả giá!
Không thể như vậy được, Tử Vy thầm nghĩ, tại sao Hoàng a ma lại bắt ta thề độc thế, có nghĩa là người không tin ta, sự việc bại lộ rồi ư? Tử Vy quỳ đó mà nét mặt thay đổi từ trắng biến thành xanh. Nhĩ Khang đứng đó lòng đau không kém, Yến Tử thì nhìn ra ngoài trời van vái.
– Trời cao có mắt, con và Tử Vy chẳng qua vì đồng tình với Hàm Hương và Mông Đan thôi. Tại sao lại bắt tụi con phải thề độc, nếu buộc phải thề thì xin ông trời hiểu cho, đừng để lời thề linh ứng!
Sau khi thương lượng với ông trời xong, Yến Tử đứng ra nói:
– Hoàng a ma! Tại sao lại làm khó dễ Tử Vy chi vậy? Người cũng biết Tử Vy coi trọng tình cảm của mình mà, bắt thề như vậy là khó quá. Thôi để con thề thế vậy, nếu bọn con mà nói dóc thì kiếp sau sẽ biến thành chim thành chuột thành cây thành đá chẳng ra thể thống gì cả.
Vua Càn Long quát:
– Im mồm!
Yến Tử sợ hãi, im ngay, Tử Vy biết nếu mình cứ yên lặng có nghĩa là đã công nhận mình nói dối, nên cắn răng nói:
– Bẩm Hoàng a ma! Thề thốt nào có nghĩa lý gì nếu Hoàng a ma đã nghi ngờ rồi thì con có thề thế nào người cũng chẳng tin.
Vua Càn Long giận dữ.
– Nếu lương tâm ngay thẳng thì sợ gì có một lời thề? Hay là ngươi muốn ta lập lại lần nữa? Hương phi nương nương đâu?
Tử Vy cắn môi nói:
– Dạ con xin thề… Hương phi nương nương đã hóa bướm bay đi mất rồi.
Vua lại hỏi:
– Vậy thì… Tử Vy… cái tay Sa Mãn pháp sư đó là ai?
Không chỉ Tử Vy mà cả Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang đều giật mình, Tử Vy ấp úng:
– Dạ… dạ… Sa Mãn pháp sư là…
Vua không đợi Tử Vy dứt lời, quay qua Yến Tử.
– Còn Yến Tử? Sư phụ của ngươi là ai vậy?
Yến Tử nghe nói giật mình, tròn xoe hai mắt không nói được tiếng nào.
Vua Càn Long lại ra lệnh:
– Dung ma ma đâu! Mang hết vật chứng ra đây.
– Vâng!
Thế là Dung ma ma bước vào trong mang hết những chiếc mặt nạ và gậy trừ tà ra ném một đống trước mặt hai người.
Vua Càn Long nói tiếp:
– Mang cả con a đầu kia ra!
Dung ma ma lại đi vào trong, dẫn một đứa con gái mặt mày thanh tú, tay chân mang cùm nặng đi ra. Vừa trong thấy nó cả đám Yến Tử đã tái mặt, vì cô gái kia chẳng ai khác mà là Bảo a đầu.
Yến Tử không dằn được kêu lên:
– Bảo a đầu! Sao ngươi lại ở đây?
Bảo a đầu vừa nhìn thấy Yến Tử và Tử Vy là khóc thét lên:
– Chị Yến Tử, chị Tử Vy ơi, hãy cứu lấy em, em không thích ở trong ngục tối đâu. Ở đó vừa lạnh lại vừa tối mà lại chỉ có một mình em…
Dung ma ma lớn tiếng:
– Quỳ xuống, không được nói năng gì cả, ngươi biết đây là đâu không mà dám khóc lóc kể lể chứ?
Bảo a đầu vội vã quỳ xuống, vua Càn Long trừng mắt nhìn mọi người rồi nói:
– Có phải các ngươi đã sắp xếp chuyện này không? Nói hay là đợi ta mang con a đầu này ra chặt đầu rồi mới chịu nói.
Rồi quay sang đám thị vệ vua hét:
– Bây đâu!
Bấy giờ bao nhiêu nhuệ khí trong người Yến Tử đều xẹp cả, cô nàng bước tới ôm chầm lấy Bảo a đầu, khóc lớn:
– Hoàng a ma! Xin người hãy tha cho con Bảo a đầu này, nó là đứa mồ côi không cha không mẹ, sống với con nhiều năm nơi Viện Tế bần… nó chỉ là đứa làm công trong Hội Tân Quán! Nó còn nhỏ, cái gì cũng chưa biết… các người bắt nó về đây làm gì? Còn đóng gông nó nữa? Hãy mở ra, mở ra tha cho nó đi!
Tử Vy thì hoàn toàn băng hoại, biết không còn gì để giấu diếm nữa, thì quỳ xuống đập đầu nói:
– Bẩm Hoàng a ma, xin người hãy tử hình con đi, tất cả đều do con cả, từ chuyện Sa Mãn pháp sư, đến Hàm Hương nương nương hóa bướm. Bởi vì con thấy… Hương phi đến nước đường cùng, nếu không rời khỏi cung thì sớm muộn gì cũng chết. Con thông cảm với nương nương, không nhẫn tâm nhìn nương nương chết. Con tưởng là Hương phi nương nương trốn đi, là đã tích đức cho Hoàng a ma nên đã tự ý làm.
Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ thấy Tử Vy đã khai hết, biết là số mệnh đã an bày không làm sao thoát được, nên vội bước tới quỳ xuống:
– Bẩm hoàng thượng! Tất cả những sự việc này đều bắt đầu từ cái hôm “anh là gió, em là cát” chúng con không thể làm ngơ, thấy người chết mà không cứu. Vả lại họ yêu nhau thắm thiết như vậy, sẵn sàng sống chết có nhau, nên vì nghĩa ra tay. Trong chuyện này cũng có sự tiếp tay của bọn con, xin hoàng thượng hãy minh xét mà định tội.
Vĩnh Kỳ cũng nói:
– Bẩm Hoàng a ma, không có gì giấu giếm Hoàng a ma cả. Con thú thật, chính con là thủ phạm, vì con nghĩ rằng, việc làm đó không phải là một sự lừa dối Hoàng a ma, bọn con chẳng qua chỉ vì trọng cái tình. Hôm nọ trông thấy Hương phi nương nương bị bức tử sắp chết bọn con không đành lòng nên đã nhúng tay vào. Hoàng a ma, chuyện này xin người hãy dùng trái tim nhân từ của mình mà lượng xét, tha thứ cho bọn con.
Vua Càn Long thấy tất cả đều thú tội, đau đớn vô cùng.
– Các người còn dám cho rằng như vậy chẳng phải là bội phản? Là lừa dối ư? Thật là quá đáng! Các người đã cùng nhau bội phản lại trẫm. Thật không ngờ một con trai, một con gái, một rể, một dâu, các người đã thông đồng nhau làm cái chuyện che trời, che đất. Ái phi của trẫm, các người lại lén giúp cô ta đào thoát, các người còn coi trẫm ra thể thống gì nữa? Các người đâu có coi ta là cha các người đâu?
Càng nói ông càng thấy giận dữ, ông ra lệnh:
– Người đâu, bọn bây mang hết chúng ra chém đầu cho ta, tội chúng chỉ có thể xử chết thôi!
– Vâng!
Ðám thị vệ xông vào, nhưng vì là cát cát và a ca nên cũng chưa dám mạnh tay lắm, vua Càn Long thấy vậy càng giận hơn.
– Còn chờ gì nữa? Đưa đi, ta bảo chém là chém.
– Vâng!
Bọn thị vệ vừa xông đến Nhĩ Khang đã đẩy mạnh chúng ra, nói lớn:
– Chúng bây chẳng cần lôi kéo gì cả, chuyện bị tội chết, bọn ta đều đã chấp nhận!
Rồi quay sang đám Tử Vy, Nhĩ Khang nói:
– Tử Vy, Yến Tử! Các người hãy can đảm lên, cái chết trông tựa thái sơn, nhẹ tựa hồng mao. Chúng ta vì tình vì nghĩa, vì chân lý cuộc đời mà chết, thì có gì đâu mà sợ? Chánh nghĩa chi là thủ đoạn, huyết khả lưu mà!
Yến Tử nghe vậy biết là cái đầu mình không vững nữa rồi, sợ quá kêu lên:
– Cái gì mà cái chết nhẹ tựa hồng mao? Tôi còn chưa muốn chết cơ mà?
Thái hậu thấy tình hình tệ hại quá, nói với vua:
– Hoàng đế! Chuyện án còn chưa làm rõ ràng, thì đừng chém ngay. Tốt nhất hãy nhốt bọn họ lại, đợi tới khi chúng khai báo đâu đó rõ ràng, truy tìm được Hàm Hương, lúc đó có chém cũng không muộn.
Lời của thái hậu vua thấy có lý, nên ra lệnh::
– Ðem hết bọn chúng nhốt vào Ðại Nội lao rồi tính sau!
– Dạ!
Yến Tử nghe vậy hoảng lên nói:
– Hoàng a ma! Người đã quên rồi ư? Lần trước khi Tử Vy bị nhục hình, chính người đã đích thân nói bất luận bọn con phạm phải tội gì, đều không nhốt bọn con vào tù nữa. Vậy mà bây giờ lại quên nữa rồi, người là hoàng đế mà không giữ chữ tín thì coi sao được, quân vô hý ngôn mà?
Vua Càn Long giận dữ hét:
– Lần này trẫm không giữ lời gì cả, cái đầu của ngươi lần này không còn nữa đâu, ngày mai kẻ đầu tiên bị chém sẽ là ngươi, còn những người khác thì sau đó.
Tử Vy muốn cứu mạng cho Yến Tử nói:
– Hoàng a ma, không thể chặt đầu Yến Tử được, gì người đã hứa với con là sẽ tha cho chị ấy mà?
Vua Càn Long nhìn Tử Vy càng giận dữ.
– Lúc trước ta hứa với ngươi là ta đã nghĩ, ngươi là đứa thật thà trung hiếu, chớ còn bây giờ ngươi chỉ là một đứa khoát lác lường gạt, làm việc bất chấp thủ đoạn, thì làm sao ta hứa được chứ?
Tử Vy nghe vua nói biết là tình nghĩa cha con đã không còn, chỉ còn biết tái mặt quỳ yên.
Ngay lúc đó lệnh phi chạy vào nói lớn:
– Xin hoàng thượng nương tay cho!
Không ngờ vua nói:
– Ta cấm không cho bất cứ ai nói giúp cho bọn người này, họ đã phạm tội tày trời, không thể tha thứ đuợc.
Lệnh phi vội quỳ xuống trước mặt vua:
– Bẩm hoàng thượng, người ta thường nói, cọp không ăn thịt con, Vĩnh Kỳ là con ruột của hoàng thượng, mẹ nó không may qua đời sớm, nó mồ côi mẹ từ nhỏ, cuộc đời buồn nhiều vui ít. Nhưng Vĩnh Kỳ là đứa ngoan, hiếu học, là một a ca ưu tú. Hoàng a ma chẳng lẽ người chẳng tiếc rẻ khi xuống tay, làm như vậy làm sao phải đạo với Du phi nơi thiên đàng?
Vua nghe nhắc đến Du phi, mẹ của Vĩnh Kỳ lòng cũng ray rứt, lệnh phi lại tiếp:
– Hoàng thượng xin hãy mở rộng lòng khoan dung cho những đứa trẻ này, chúng nó tuy xuẩn động nhưng chẳng hề ác tâm, nó hành động vì người một cách nhiên tình, chớ đâu ngờ như vậy là đã phạm phải tội tày trời đâu? Nếu chúng là đứa biết tính toán thiệt hơn, thì thay vì hành động ngu ngốc vậy, ở đó hưởng vinh hoa phú quý một cách ích kỷ có hơn không?
Hoàng hậu nghe vậy, vội vàng bước tới trước mặt lệnh phi lớn tiếng trách:
– Lệnh phi, ngươi không biết gì cả, cứ cả tin bọn chúng lại còn dám lên tiếng nói tốt cho họ, như vậy là cản trở sự phán đoán sáng suốt của hoàng thượng, biết không? Nếu chuyện chúng giúp Hương phi đào thoát không phải là đại tội, lừa dối hoàng thượng cũng không phải là đại tội thì sau này những chuyện tày trời khác làm sao kết tội? Chúng sẽ lộng hành và dám làm cả những chuyện khuynh đảo khác thì sao?
Vua Càn Long gật đầu:
– Ðúng, không nói năng gì cả, cứ lôi đi nhốt tất cả cho chúng ta.
Bọn thị về đẩy hết năm người ra ngoài, Bảo a đầu khóc lớn:
– Chị Tử Vy, chị Yến Tử hãy cứu em.
Yến Tử nói lớn:
– Hoàng a ma! Người là nam tử đại trượng phu có giết thì giết cả năm đứa tôi, còn con a đầu kia nó còn nhỏ quá, giết nó đâu lợi lộc gì?
Thái hậu nghe Yến Tử nói vậy, muốn tỏ uy nên nói:
– Khoan đã!
Bọn thị vệ dừng lại, thái hậu nói với vua:
– Hoàng đế! Lệnh phi nói đúng, cọp dữ không ăn thịt con, Vĩnh Kỳ là máu mủ của hoàng gia, tha cho nó. Còn cái con tiểu a đầu kia, tuổi nhỏ không biết gì triều đại Thanh của ta cũng là nhân từ, không giết trẻ con, nên cũng tha cho nó, Tất cả những đứa còn lại thì đem đi, ngày mai sẽ định đoạt.
Vĩnh Kỳ ngẩng cao đầu, khẳng khái:
– Có chết thì cùng chết! Con chấp nhận được cùng ngồi tù với bọn họ, xin đừng để con ở ngoài.
Vua Càn Long giận dữ, chỉ vào mặt Vĩnh Kỳ:
– Nếu muốn vậy, thì ta cho vậy! Muốn chết ta cho chết, đưa cả nó đi.
Nhĩ Khang biết là đến nước này chỉ có chết, nhưng lại nghĩ còn nước còn tát, nên nói với thái hậu.
– Tử Vy cũng là dòng máu của hoàng gia, xin lão phật gia tha cho cô ấy!
Nhưng thái hậu lại lạnh lùng.
– Cái “huyết thống” của Tử Vy! Ta chưa chấp nhận! Hãy lôi nó đi!
Thế là đám thị vệ đưa cả năm người đi, Yến Tử vừa đi vừa hát:
– Huy hoàng trung hoa! Công lý thiên hạ! Khắp nơi đồng hát, ca ngợi Càn Long. Trẻ được nuôi dưỡng, già được ngủ yên, kẻ góa người côi, đều được chăm sóc.
Hát đến đó, Yến Tử quay đầu lại hỏi:
– Hoàng a ma, người có đúng là một Càn Long vĩ đại vậy không?
Câu hỏi của Yến Tử làm vua Càn Long ngỡ ngàng.
o O o
Thế là Yến Tử, Tử Vy, và Kim Tỏa lại được đưa vào nhà lao.
Lần này thì đã quen rồi, Yến Tử không còn sợ nữa, phủi phủi tay, Yến Tử nói:
– Chuyện vào nhà lao với bọn mình giờ đã thành cơm bữa rồi, chẳng có gì phải sợ nữa. Giống như kẻ đi xa lâu lâu mới về nhà một lần.
Rồi hạ thấp giọng, Yến Tử nói:
– Nào các ông bạn cũ? Các bạn ở đâu, hãy ra chào bọn này đi.
Kim Tỏa ngạc nhiên:
– Chị đang nói chuyện với ai mà gọi là ông bạn cũ vậy?
– Thì dán và chuột đó mà.
Kim Tỏa nghe vậy bật đứng dậy:
– Không được, em sợ dán và chuột lắm.
Yến Tử nói:
– Chết đến nơi rồi còn sợ nỗi gì?
– Chừng nào chết thì chết, còn sống thì em còn sợ.
Tử Vy nghe Kim Tỏa nói chợt hối hận:
– Kim Tỏa này, nếu sớm biết như vậy ta đã để ngươi ra Hội Tân Quán!
Kim Tỏa lắc đầu:
– Cũng vậy thôi, nếu ra đó thì cũng bị bắt về đây, tiểu thơ thấy đấy, cả Bảo a đầu còn bị bắt vào mà, còn Liễu Thanh, Liễu Hồng thế nào bọn mình còn chưa biết.
Tử Vy suy nghĩ:
– Theo tôi thì bọn họ đã thoát rồi!
– Tại sao?
– Vì nếu bắt được họ thì Bảo a đầu đâu bị bắt, nếu bắt được thì ban nãy hoàng thượng đã để họ trình diện trước mặt chúng mình rồi!
Yến Tử gật đầu, chợt hy vọng.
– Liễu Thanh, Liễu Hồng chạy thoát, vậy thì biết đâu rồi họ sẽ vào đây cứu được bọn mình?
Tử Vy lắc đầu, nói nhỏ:
– Yến Tử, lần này có lẽ bọn mình đã cùng đường rồi, lần trước ở Tôn Nhân phủ, Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ còn ở ngoài nên họ mới phá ngục được, chứ lần này cũng vào tù như bọn mình. E là không còn cơ hội.
Yến Tử nghe vậy trợn mắt.
– Có nghĩa là bọn mình lành ít mà dữ nhiều?
Tử Vy nói:
– Vâng, bọn mình chết là cái chắc, có điều tất cả phải cương quyết, vì ban nãy nghe lão phật gia nói phải điều tra để tìm cho được nơi trốn của Hàm Hương. Chúng mình phải đồng lòng, chắc chắn là có khai hay không khai thì cũng chết, vì vậy trước khi chết có bị đánh đập hành hạ thế nào phải cương quyết không khai nhé?
Yến Tử suy nghĩ rồi gật đầu, Tử Vy nói:
– Em rất thích câu nói của Nhĩ Khang, đấy là “phải xem cái chết nặng tựa Thái sơn, nhẹ tựa hồng mao.”
Yến Tử gật đầu chợt nói:
– Không được!
– Sao vậy?
– Bọn ta mà chết hết rồi lấy ai chăm sóc con “Ðại láo phét”.
Kim Tỏa lắc đầu:
– Em chưa bị chặt đầu đã bị chị dọa chết khiếp đi rồi.
Yến Tử thấy vậy tội nghiệp nói:
– Tôi và Tử Vy vì chuyện nhận vua làm cha, chết là đáng tội, còn người, rõ là xui xẻo, khi không rồi đi theo chi cho vạ lây?
– Em cũng nghĩ vậy, nhưng rồi bị đánh, ở tù, bị dọa chặt đầu, riết rồi quen, đến độ nếu bắt ở không chợt thấy nhớ đấy.
Kim Tỏa nói rồi lấy chiếc áo khoác của mình khoác cho Tử Vy, nói:
– Tiểu thơ, thân cô yếu đuối dễ ngã bệnh, vì vậy khoác thêm chiếc áo này đi, em không biết còn chăm sóc cho tiểu thơ được mấy ngày, có điều sống được ngày nào, ta phải cố gắng sống cho ra sống ngày ấy.
Tử Vy cảm động nói:
– Vâng sống được ngày nào, cố gắng sống cho ra sống ngày ấy.
o O o
Ba cô gái ngồi ở phòng giam nữ thở dài thì hai anh em Vĩnh Kỳ Nhĩ Khang cũng nằm bên phòng giam nam thở ra. Nhĩ Khang bực dọc nói:
– Sao anh lại khờ vậy, lão phật gia đã muốn tha tội chết cho anh mà anh lại không chịu cứ cắm đầu vào chỗ chết. Anh thử nghĩ xem, có anh ở ngoài, bọn này còn có cơ hội thoát, còn có thể nhờ anh nói với Tịnh Nhi giúp. Anh ở ngoài còn có thể dò la được cả tin tức Liễu Thanh, Liễu Hồng rồi còn năn nỉ được hoàng thượng. Ðằng này anh để cả bọn bị tóm gọn vào như vậy, có ích lợi gì?
Vĩnh Kỳ nghe nói mới thấy hành động nông nổi nhất thời của mình là hạ sách. Ăn năn nói:
– Anh nói tôi mới thấy mình ngu thật, nhưng mà thử nghĩ xem lúc đó ai ai cũng bị tuyên án tử hình, thì tôi yên lặng có phải la tham sinh quý tử chăng?
Rồi Vĩnh Kỳ nhìn quanh, lần đầu tiên Kỳ bị nhốt vào tù, nên thấy cái gì cũng lạ, cũng đáng sợ cả, thở dài nói:
– Tôi cũng thấy mình rõ ngu thật, lúc mà đòi chết Hoàng a ma còn thấy không nỡ tha cho, lần này chọc giận ông ấy rồi làm sao khiến Hoàng a ma tôi đồng cảm được, thôi thì chấp nhận số mệnh vậy.
Nhĩ Khang thấy vậy nói với Vĩnh Kỳ:
– Hãy nghe này, anh là con của hoàng thượng, anh vẫn còn cơ hội, chẳng lẽ vua giết con được ư? Nếu thật ông ấy muốn thế thì lão phật gia cũng không cho, vì vậy nếu anh mà được ra ngoài, thì cơ hội vẫn còn, anh ra ngoài mới tính được cách cứu bọn còn lại trong tù.
– Cứu bằng cách nào chứ? Tôi nhận thấy lúc này Hoàng a ma rất thù bọn ta, thù nhất là Yến Tử, mà nếu ông ấy lấy đầu của Yến Tử, thì tôi làm sao mà sống được? Thà chết chung sướng hơn!
Nhĩ Khang nói:
– Tôi thì không sợ chặt đầu, bởi vì bọn tôi đứa nào cũng bị chặt đầu thì “bụp” một cái là không biết gì nữa, đâu còn khổ đau. Chỉ sợ là cứ bắt sống mà phải bị cực hình sống dở chết dở.
Nhĩ Khang nói mà liên tưởng đến hình ảnh Tử Vy bị kẹp mấy ngón tay lần trước mà đau khổ, tiếp:
– Ngũ a ca này, tôi thấy cần phải nghĩ cách để Ngũ a ca được ra nào, khi ra ngoài xong phải làm sao thuyết phục cho được hoàng thượng. Ít ra cũng để ông ấy không dùng hình để tra khảo mấy cô gái ấy. Cả ba đều yếu đuối chẳng chịu nổi cực hình đâu. Tiếc một điều là trước đó bọn mình chẳng có thời gian để dạy họ cách cung khai, tiếc thật.
Vĩnh Kỳ nói:
– Bọn họ thông minh, hẳn cũng có thể tùy nghi ứng biến cơ mà.
Nhĩ Khang lắc đầu nghi ngờ, nhất là Yến Tử cô nàng chẳng có trình độ lại ưa nói. Còn Tử Vy? chẳng biết nói dối, chỉ hỏi mấy câu là có thể thật thà khai báo ngay, riêng Kim Tỏa? càng không tin cậy hơn nữa.
Tình cảnh vô cùng bế tắc chẳng biết làm sao gỡ, nhưng Vĩnh Kỳ vẫn tự tin nói:
– Chúng ta nhất định phải tìm cách thoát ra, thoát được người nào hay người ấy.