Chuyện Nhĩ Khang bị nhốt khiến cả Học Sĩ phủ bị chấn động, bà phước tấn sợ hãi hỏi chồng:
– Nhĩ Khang nó làm gì mà bị khép tội nặng như vậy? Ông không vào cung tìm hoàng thượng hay lệnh phi hỏi xem. Phải sớm mà can thiệp chứ, nếu để muộn e là không kịp. Gia đình chúng ta đã mấy đời phục vụ dưới trướng vua, chưa hề phạm một sơ sót gì. Rồi Nhĩ Khang từ năm mười bảy tuổi đã có mặt bên cạnh hoàng thượng. Tình cảm vua tôi hẳn đậm, sao lại chỉ vì một Hương phi mà bị kết tội nặng như thế?
Ông Phước Luân nhìn vợ nói:
– Nếu vậy hai vợ chồng mình cùng vào cung đi, hai người dù sao cũng hơn một, bà cũng phải chuẩn bị tinh thần kỹ càng nhé, vì nghe đâu hôm nay lệnh phi đã hết lời xin cho bọn chúng mà vẫn không tác dụng. Ngay Ngũ a ca Vĩnh Kỳ là con ruột mà cũng bị vua nhốt vào ngục tối, chuyện này nghiêm trọng chứ không thường đâu. Mà tôi nghĩ cũng bực, thấy Nhĩ Khang là đứa thông minh như vậy, sao lại để vướng họa vào thân chứ?
Bà phước tấn vừa khóc vừa nói với chồng:
– Từ ngày cái cô nàng Hoàn Châu cát cát, rồi Tử Vy cát cát vào cung, là chúng ta chẳng có lúc nào bình yên. Nhĩ Thái thì đến tận Tây Tạng, tôi đã có cảm giác là mình đã mất đi một đứa con, rồi bây giờ lại sắp mất thêm Nhĩ Khang… cuộc đời còn lại của tôi sẽ sống thế nào đây chứ? Ông hãy xin hoàng thượng, mất một Hương phi còn cả chục quý phi khác, trong khi bọn ta mất Nhĩ Khang là mất hết tất cả rồi!
– Em nói những điều đó làm chi, nó thật vô nghĩa, tại em không biết, hoàng thượng yêu quý Hương phi dường nào. Ông ấy mất Hương phi như con hổ lồng lộn lên, đã phái Bác Hằng, Ngạc Mẫn, Các Phong, những tay cao thủ trong cung dẫn theo mấy trăm lính ra ngoài thành lục soát tìm kiếm. Tất cả các cửa thành đều có người kiểm soát, vậy mà hoàng thượng đã không sai phái tôi, có phải là chẳng còn tin tôi nữa không?
– Tại sao vậy?
– Thì bởi vì ông ấy biết tôi là cha của Nhĩ Khang sợ là đồng lõa, biết đâu tôi đã biết trước chuyện nhưng cố tình không báo? Bây giờ mà tôi vào cung năn nỉ thì chưa chắc là có kết quả, biết là vậy nhưng mà…
Ông thở dài, lắc đầu nói:
– Thôi ta đi vào cung ngay đi!
Hai vợ chồng ông Phước Luân, phước tấn đi thẳng đến Diên Hỷ cung của lệnh phi, đã thấy vua Càn Long có mặt ở đấy, sắc mặt đầy vẻ giận dữ.
Vợ chồng ông Phước Luân vừa thấy vua vội vã quỳ xuống:
– Bẩm hoàng thượng, thần biết Nhĩ Khang lần này phạm tội tày trời, không thể khoan dung được, nhưng thần xin bệ hạ hãy nghĩ lại giùm, mấy đời nhà thần đã trung với vua, hiếu với nước, mà giảm tội cho Nhĩ Khang.
Bà phước tấn cũng dập đầu, vừa khóc vừa nói:
– Bẩm hoàng thượng xin người hãy hiểu cho tấm lòng người làm cha làm mẹ, trong đám trẻ phạm tội lần này, cũng có cả con cái ruột thịt của hoàng thượng, thần nghĩ có đau có hận cỡ nào, thì bọn chúng vẫn là ruột thịt của mình, nó bị đau đớn thì ta cũng đau chớ đâu an nhiên tự tại được. Trộm nghĩ, tấm lòng của hoàng thượng cũng chẳng khác chi của bọn thần, vậy xin hoàng thượng hãy suy xét lại mà tha thứ cho chúng.
Vua Càn Long trợn mắt:
– Các người còn dám đến đây xin xỏ nữa ư? Nhĩ Khang là ngự tiền thị vệ của trẫm là người đứng đầu đám thị vệ lo bảo vệ hoàng gia trong cung, vậy mà còn phạm pháp, làm cái chuyện hoang đường đến độ chẳng ai tin thì còn gì là phép nước? Nó lại rủ rê làm hư cả Vĩnh Kỳ và hai cô cát cát! Trẫm có lấy một trăm cái đầu của nó cũng chưa hả giận, các ngươi là mẹ là cha, lại không biết dạy dỗ con, để nó mặc sức tung hoàng như vậy, mà còn đến đây để xin tội cho nó nữa chứ?
Ông Phước Luân thấy vua giận như vậy, vội quỳ xuống sụp lạy.
– Tội thần đáng chết, đáng chết, thần đúng là không biết dạy con, nhưng xin hoàng thượng hãy nghĩ lại, thần chỉ có hai đứa con, nên làm sao có thể chịu nổi chuyện mất con? Nếu hoàng thượng cương quyết lấy đầu Nhĩ Khang thì xin hãy lấy đầu thần đi, thần sẵn sàng chết thay cho con mình mà không ân hận gì cả.
Vua Càn Long nói:
– Trẫm cũng đã nghĩ đến nhà Phước gia các ngươi có ba đời trung trinh với nước, cũng đã nghĩ đến mối quan hệ thân thuộc của ngươi với lệnh phi nên mới không khép tội các ngươi. Nếu ngươi mà còn nói nữa, thì ta sẽ tống hết vào ngục, bởi vì ta nghĩ ngươi chưa chắc là không liên hệ tới chuyện đó.
Ông Phước Luân vừa dập đầu vừa nói:
– Xin hoàng thượng minh xét! Quả thật hạ thần không biết gì cả, nếu biết đã đâu để chúng làm điều sằng bậy? Nếu hoàng thượng điều tra rõ được thần biết mà không báo, thì cứ chặt đầu thần?
Lệnh phi không dằn được cũng quỳ xuống xin.
– Hoàng thượng! Nhĩ Khang từ nào tới giờ là đứa được hoàng thượng tin yêu, lần này phạm tội, tuy nặng nhưng thần thiếp nghĩ hoàng thượng có thể để nó được lập công chuộc tội không ạ?
Bà phước tấn cũng dập đầu:
– Hoàng thượng, nếu có thể xin hoàng thượng để Nhĩ Khang về nhà cho mẹ con thiếp nói chuyện, biết đâu nhờ đó mà tìm được manh mối về tung tích của Hương phi?
Ông Phước Luân nói:
– Vâng, vâng, vâng, hoàng thượng cứ để thần bảo lãnh cho Nhĩ Khang, cha con thần sẽ đuổi theo bắt Hương phi về, để chuộc tội lỗi. Nếu không làm được điều đó, cả hai cha con thần đều chịu tội không muộn.
Vua Càn Long lạnh lùng.
– Ngươi chẳng cần nói nhiều, tính tình Nhĩ Khang thế nào, trẫm quá rõ. Nếu bây giờ mà có thể kề dao vào cổ nó, nó cũng không tiết lộ chuyện Hàm Hương hiện ở đâu đâu. Ngươi đừng có kiếm cách để cứu nó, những kẻ phạm tội này, Nhĩ Khang và hai cô cát cát kia, chết là phải rồi. Chẳng có điều gì có thể thương lượng được, ta chỉ có thể nể tình, cho phép ngươi vào ngục thăm hắn, còn muốn trẫm tha cho hắn ư? Chuyện đó không được.
Ông Phước Luân tái mặt, lệnh phi kéo tay vua nói:
– Bẩm hoàng thượng, xin người hãy nghĩ lại cho, Nhĩ Khang là rể tương lai của hoàng thượng mà?
Vua Càn Long khoác tay, giận dữ:
– Không được nói chuyện đó, rể mà như vậy, chẳng có lại tốt hơn!
Lệnh phi nghe vậy chẳng dám nói năng gì thêm nhìn ông Phước Luân.
– Thôi anh chị hãy đến Đại Lao khuyên nhủ Nhĩ Khang cứ thành thật khai báo chỗ trốn của Hương phi, hoặc bắt Hương phi trở về thì coi như đoái công chuộc tội.
Ðang nói đến đó thì bọn thị vệ chạy vào nói:
– Khải bẩm hoàng thượng, Ngũ a ca trong nhà giam đột nhiên ngã bệnh rồi ạ!
Vua Càn Long nghe vậy giật mình nhưng cố trấn tĩnh, lệnh phi kêu lên:
– Ngũ a ca từ nào đến giờ quen sống trong nhung lụa, làm sao có thể chịu nổi cuộc sống nơi lao tù, làm sao đây, làm sao đây?
o O o
Lúc đó ở nhà giam, Vĩnh Kỳ cũng ôm bụng lăn lộn, miệng rên ư ử.
– Ối đau quá, tôi chết mất, ối!
Nhĩ Khang ngồi bên cạnh ôm bạn, hỏi bọn thị vệ:
– Các ngươi có bẩm báo cho hoàng thượng biết chưa, tội nghiệp Ngũ a ca… gắng… gắng lên.
Giữa lúc đó thì quan cai ngục đưa ông Phước Luân, phước tấn và thái y cùng vào.
Nhĩ Khang vừa trông thấy cha mẹ vừa mừng vừa xấu hổ, vội bước tới quỳ xuống.
– Cha mẹ, làm sao cha mẹ đến đây được?
Rồi cúi mặt xuống tiếp.
– Nhi tử xin lỗi cha mẹ, thật là bất hiếu khi để mẹ cha phải đau lòng.
Bà phước tấn ôm Nhĩ Khang khóc òa.
– Nhĩ Khang bộ con định giết cả cha mẹ ư? Tại sao con lại làm cái chuyện tệ hại vậy? Đó là cái đại họa con biết không, để cha mẹ sống thêm nữa chứ?
Nhĩ Khang xấu hổ.
– Con xin lỗi cha mẹ, nhưng cái họa trên đã lỡ làm, giờ có hối hận đã muộn, con nghĩ tốt nhất bây giờ cha mẹ nên cho người bắn tin cho Nhĩ Thái hay đi. Nhĩ Thái dù gì cũng là phò mã Tây Tạng, có hắn can thiệp thì cha mẹ sẽ không bị liên lụy vì con và từ Vy nữa.
Vĩnh Kỳ nằm kế bên cứ ôm bụng lăn lộn.
– Ối da, ối da, đau quá!
Ông Phước Luân quay qua.
– Ngũ a ca, cậu làm sao thế?
Thái y và quan cai ngục bắt đầu khám bệnh cho Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang cũng quay sang phụ, thừa cơ thúc nhẹ vào người thái y một cái, thái y chợt hiểu ra, ông ta đã từng chữa bệnh cho Tử Vy, Tiểu Yến Tử nên rất có thiện cảm với bọn trẻ. Ngũ a ca và Vĩnh Kỳ dù gì cũng là a ca, ông nghĩ vua giận thì nhốt vào ngục, rồi hết giận sẽ thả ra, nên có giúp đỡ cho Vĩnh Kỳ dù gì cũng lợi hơn là hại. Vì vậy khám tới khám lui một lúc giả vờ hỏi Nhĩ Khang.
– Tình trạng này bắt đầu từ bao giờ vậy?
Nhĩ Khang đáp:
– Ðã hơn hai canh giờ!
Thái y giật mình.
– Ðã hơn hai canh giờ rồi ư? Vậy thì…
Ông ta quay qua nói với cai ngục.
– Mau mau mang cáng đến, ở trong ngục này hàn khí nhiều quá, a ca làm sao kham nổi?
– Vâng.
Cai ngục đáp, nhưng vẫn đứng yên đó, ông Phước Luân vội lên tiếng.
– Ta đang ở đằng hoàng thượng đến đây, hoàng thượng nghe nói Ngũ a ca bệnh nên có vẻ lo lắng lắm, các ngươi còn chờ gì mà chẳng đưa Ngũ a ca đến Cảnh Dương cung đi, lệnh phi đang ở đấy chờ đó, còn thái y ông có bổn phận chăm sóc cho Ngũ a ca đấy nhé?
– Vâng!
Thái y cung kính trả lời.
Cai ngục bấy giờ mới chịu đi lấy cáng lại, trong khi Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang lại ngoéo tay nhau, Nhĩ Khang kề tai Vĩnh Kỳ nói nhỏ:
– Ngũ a ca, ra ngoài được rồi, nhớ bảo trọng nhé… nếu sau này mà không còn cơ hội gặp lại, thì nhờ anh giúp tôi chăm sóc hộ cha mẹ già, Nhĩ Khang này sẽ mãi mãi nhớ ơn anh đó.
Rồi quỳ xuống lạy, bà phước tấn ngồi bên cạnh nghe vậy nước mắt lại rơi như mưa.
– Nhĩ Khang, con không được quyền nói vậy, không thể, mẹ không muốn chuyện đó xảy ra đâu con ạ.
Vĩnh Kỳ nhìn Nhĩ Khang, chỉ nói:
– Ồ, Nhĩ Khang, chúng ta tình như huynh đệ, yên tâm… khi đã từng cùng vào sinh ra tử rồi thì có gì phân biệt?
Bọn cai ngục đã mang cáng đến, đặt Vĩnh Kỳ lên, thái y còn dặn dò:
– Tụi bây nhớ đi chầm chậm nghe, không được sốc mạnh!
Khi Vĩnh Kỳ đã được mang đi rồi, quan cai ngục nói với vợ chồng ông Phước Luân.
– Phước đại nhân và đại công tử, cứ nói chuyện một cách tự nhiên, tôi có việc đi ra ngoài khoảng một tuần trà nữa quay lại.
Nói xong khóa cửa phòng giam lại cẩn thận rồi mới ra ngoài, bà phước tấn thấy giờ chẳng còn ai ngoài vợ chồng bà, và Nhĩ Khang nên nói:
– Nhĩ Khang, cơ hội duy nhất mà con có thể thoát khỏi nơi này, đấy là phải nói ra nơi ẩn náu của Hàm Hương, để cha con đi mang cô ấy trở về. Ðược vậy mọi chuyện mới ổn, con có thể được tha mà cha mẹ mới không phải tội. Nói đi con, đừng giữ kín chỉ hại thân thôi.
Nhĩ Khang nhìn cha mẹ thành thật nói:
– Con xin cha mẹ! Cha mẹ đừng bắt buộc con phải làm cái chuyện vô tình vô nghĩa thế, làm thế là bán đứng bạn bè. Tham sinh úy tử, nếu con mà muốn vậy thì đâu có chuyện này xảy ra?
Ông Phước Luân nhìn con trai, nói:
– Cha biết, tánh khí con quân tử từ nhỏ, nhưng mà, bây giờ thì không được vì việc làm đó lại liên can đến bốn mạng người. Con có thể không thiết đến sự sống chết của mình, nhưng còn sinh mệnh của Yến Tử và Tử Vy? Ban nãy cha đã gặp hoàng thượng, ông ấy rất cứng rắn, ngoài Ngũ a ca ra, các con chết là cái chắc!
Nhĩ Khang vẫn không nao núng:
– Chuyện đến nước này, con cũng đành bó tay, nếu con đem Hương phi ra đánh đuổi cuộc sống của cả bọn con, thì có nghĩa là tham sinh úy tử, không chỉ bản thân con mà cả Tử Vy cũng khinh thường con. Cô ấy thà chết chứ không muốn con làm như vậy đâu, Yến Tử cũng vậy. Chẳng lẽ một nam nhi như con, mà thua cả bọn họ?
Ông Phước Luân thấy Nhĩ Khang đã quyết, đành thở dài nói:
– Thôi được, nhưng nếu con mà có cơ hội thoát ra được khỏi nơi này, thì nhớ phải cao bay xa chạy đi, đừng có vì quyến luyến cha mẹ mà dùng dằng không quyết, nghe chưa?
Nhĩ Khang nghe cha nói cảm động vô cùng, ôi! Trên đời, chẳng có tình nào cao quý hơn tình cha con!
o O o
Tình hình ở phòng gian nan thế nào, phòng giam nữ chẳng hề biết.
Ba cô gái nằm co ro, Yến Tử ở không chẳng biết làm gì, hát nghêu ngao:
– Hôm qua cười ha ha, hôm nay khóc hu hu vì sắp đi chầu bu.
Tử Vy.
– Thơ hay lắm, đúng là thiên tài.
Yến Tử được khen, đắc ý.
– Chuyện làm thơ có gì khó khăn, tôi có thể làm một hơi mấy bài luôn, nầy nhé, bài tiếp theo đây.
Từ lúc vào Thấu Phương Trai
Cửa cung cửa ngục chẳng là hai
Mặc dù được gọi thiên thiên tuế
Đầu lúc nào cũng như muốn bay.
Tử Vy gật đầu.
– Hay lắm, hay lắm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng! “thị tử như quy” (xem cái chết như đi về nhà).
Yến Tử nghe chẳng hiểu, trợn mắt:
– Làm gì ngươi nói ta là “tử ô quy” (con rùa chết) ngươi mắng ta là con rùa à?
Tử Vy lắc đầu.
– Em làm sao mắng chị được? Làm thơ thì chị còn tạm được, nhưng nghe đến thành ngữ thì lại lộ mặt thật ra!
– Thành ngữ ư? Ngươi nói vậy thì ta sẽ cố mà học thành ngữ cho được.
Kim Tỏa cười.
– Bây giờ mới quyết định học, nhưng quyết định chỉ trong giây phút này thôi chớ lúc ra ngoài lại quên mất.
Yến Tử đưa tay lên thề.
– Nếu lần này mà còn được ra ngoài thì ta nhất định sẽ học đàng hoàng, quên tử nhất ngôn, bát ngựa nan truy.
Tử Vy ngồi ôm gối, thở ra.
– Tôi thích nhất là hai câu thành ngữ, đấy là “dũng giả bất cụ” (kẻ dũng không biết sợ) và “vô dục tắc cương” (người không có tham vọng thì lúc nào cũng cang cường)
Yến Tử nghĩ ngợi, lắc đầu.
– Nhưng mà, tôi đâu phải con người vĩ đại đó, tôi là kẻ sợ đau, sợ chết, sợ đói, sợ lạnh, sợ không có bạn bè, sợ cả rắn rít sâu bọ… cái gì cũng sợ mà cái gì cũng thèm. Thèm sống, thèm được vui đùa, được tự do, hưởng thụ, thèm được các bạn yêu… có cả Vĩnh Kỳ.
Ngay lúc đó có tiếng chân bước bên ngoài rầm rập, Kim Tỏa lo lắng…
– Có người đến, có người đến!
Tử Vy cũng run rẩy.
– Nửa đêm nửa hôm mà có người đến thì đó hẳn không phải chuyện lành, mọi người phải chú ý, có thế nào thì cũng giữ bí mật!
Quả thật, bọn cai ngục đến, chúng đang mở khóa cửa. Yến Tử chưa biết ất giáp gì, đã hét toáng lên.
– Bọn ngươi định đưa ta đi đâu? Nửa đêm nửa hôm đến đâu để đưa bọn ta đến gặp ông lớn nào? Khỏi thẩm tra gì cả, ta chẳng biết gì đâu!
Cai ngục không đoái hoài gì đến Yến Tử, nói với Tử Vy.
– Xin mời Tử Vy cát cát đi.
Tử Vy kinh ngạc.
– Chỉ một mình ta thôi ư?
– Vâng!
Yến Tử và Kim Tỏa giật mình, mấy lần trước Tử Vy đi một mình là có chuyện sống dở chết dở. Kim Tỏa nói:
– Không được, lần này phải để ta cùng đi, ta không cho tiểu thơ đi đâu hết!
Yến Tử cũng nói:
– Tử Vy là đứa có thể lực yếu nhất, vậy mà lần nào cũng bắt Tử Vy đi, đúng là mạnh hiếp yếu! Ta không cho đi!
Nhưng cai ngục đã đẩy mạnh hai người đi hai nơi.
– Tránh ra, chuyện đó đâu phải muốn thế nào cũng được đâu?
Kim Tỏa bị đẩy ngã, Yến Tử thì vùng lên, đánh trả lại.
– Có thể nào thì cũng chết, ta không sợ đâu, ta sẽ chiến đấu đến cùng.
Vừa nói đến Yến Tử vừa đánh vừa đá, tả xung hữu đột, cai ngục phải kêu lên.
– Bây đau, hãy vào phụ giúp ta xem!
Thế là nguyên đám thị vệ đứng bên ngoài xông vào.
Yến Tử thừa dịp phóng ra cửa định bỏ chạy, thị vệ rượt theo, thế là một trận đánh khác lại xảy ra. Tuy Yến Tử cố hết sức, nhưng làm sao đánh lại được số đông, thế là chỉ một lúc sau đã bị bắt trở lại.
Tử Vy thì bị bọn giữ ngục kéo đi.
o O o
Không như Yến Tử và Kim Tỏa nghĩ. Tử Vy không bị đưa đến một nơi đáng sợ nào khác, mà được đứa đến Ngự Thư phòng, lúc này ở đây chỉ còn một ngọn đèn nhỏ thấp không đủ sáng, vua Càn Long thì đang đi tới đi lui.
Bọn cai ngục đưa Tử Vy dến nơi, quỳ xuống tâu:
– Bẩm vạn tuế gia, Tử Vy cát cát đã được đưa đến.
Tử Vy vào thấy vua, quỳ xuống.
– Bẩm Hoàng a ma!
Vua Càn Long khoát tay với bọn lính.
– Các ngươi đi ra ngoài cả đi!
– Dạ!
Bọn lính rút lui nhanh chỉ còn lại vua Càn Long và Tử Vy, vua Càn Long đứng lại, nhìn chăm chú Tử Vy nói:
– Tử Vy giờ đây chỉ còn lại ta và ngươi, ta muốn nói chuyện với ngươi một chút, phải thành thật đấy!
– Dạ!
Tử Vy hồi hộp đáp, vua Càn Long gật gù.
– Thôi đứng dậy nói, không cần phải quỳ nữa.
– Cảm ơn Hoàng a ma.
Tử Vy rụt rè, lo lắng nhìn vua, vua Càn Long yên lặng rồi hỏi:
– Với câu chuyện về Hương phi, trẫm còn rất nhiều thắc mắc, muốn ngươi phải khai thật. Vậy chớ động cơ nào, nguyên nhân gì ngươi lại hành động như vậy? Và trong câu chuyện này ngươi đã đóng vai trò thế nào hãy thành thật khai báo hết, không được giấu bất cứ điều gì, dù chỉ một chữ!
Tử Vy gật đầu nói:
– Vâng, con sẽ kể hết tự sự cho Hoàng a ma, câu chuyện bất đầu từ cái hôm Hoàng a ma sai Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ cùng hộ tống Hương phi nương nương đi tiễn A Lý Hòa Trác về Tân Cương. Hôm đó Nhĩ Khang và Ngũ a ca đã đụng độ với đám võ sĩ Hồi giáo định cướp Hương phi và đưa đến câu chuyện “chàng là gió, thiếp là cát” mà Hoàng a ma đã biết rồi đó. Lúc hai người trở về cung cũng thuật lại cho con, và Yến Tử nghe chuyện trên. Thế là… tất cả chúng con bị câu chuyện tình kia cuốn hút, thấy tội nghiệp cho kẻ yêu nhau mà chẳng được gần nhau.
Tử Vy bắt đầu câu chuyện như vậy, rồi kể tiếp đến phần họ và Mông Đan quen nhau thế nào ở Hội Tân Quán, chuyện họ biết Mông Đan và Hàm Hương kéo nhau bỏ trốn cả bảy lần không thoát. Sự trung kiên của đôi tình nhân làm họ cảm động rồi đến màn liên lạc, làm chiếc cầu nối cho hai người, mượn chuyện trừ tà trong cung để Mông Đan giả pháp sư vào cung. Rồi Hàm Hương bị thái hậu bức tử, nghĩ rằng nếu không giúp Hàm Hương thoát ra khỏi cung thì sớm muộn gì Hàm Hương cũng chết, nên họ đã vì nghĩa quên thân, giúp Hàm Hương thoát ra ngoài. Trong toàn bộ câu chuyện Tử Vy không hề nói rõ tên của Mông Đan.
– Ðấy câu chuyện đơn giản thế và Hàm Hương đã được đưa ra khỏi cung thành như vậy.
Vua Càn Long nhìn Tử Vy vừa giận vừa ngạc nhiên:
– Có nghĩa là bọn ngươi đã hai lần mượn cớ trừ tà để đưa tên người Hồi đó giả làm Sa Mãn pháp sư để ngang nhiên vào cung gặp mặt Hương phi? Ðể họ tư tình với nhau? Quả thật to gan, dám qua mặt trẫm!
Tử Vy chỉ biết cúi đầu yên lặng, trong khi vua càng nghĩ càng tức.
– Hừ… tên người Hồi đó… hèn gì hắn dám coi thường cả ta… dám nhìn thẳng vào mặt ta!
Vua Càn Long nhớ lại cái ánh mắt trừng trừng của Mông Đan khi nhìn mình mà nổi nóng, ông vung nắm tay lên, trừng mắt nhìn Tử Vy:
– Tử Vy! Ngươi thật quá lắm! Ngươi làm vậy là đâu coi trẫm ra gì? Dám đùa cợt trước mặt trẫm coi trẫm như một kẻ khờ khạo, đó nào phải là thái độ tôn kính của một đứa con với một người cha!
Tử Vy thành thật nói:
– Bẩm Hoàng a ma, con thật có lỗi, nhưng khi đứng trước mặt Hương phi nương nương đau khổ. Hương phi bị án tử vật vã giữa cái chết và cái sống, bọn con chỉ thấy thương xót, đồng cảm và quên hết mọi thứ. Vạn vật như biến thành nhỏ nhoi trước tình cảm của con người, vì vậy lỡ quên cả tự ái của Hoàng a ma cũng như quên cả cái tai họa lớn lao đang chực chờ bản thân!
Vua Càn Long trừng mắt, nghiến răng:
– Vạn vật biến thành nhỏ nhoi! Hoàng cung và cả trẫm cũng chẳng ra gì trước hai con người vĩ đại vì tình đó phải không? Hừ, các ngươi chỉ thấy tình cảm của tên người Hồi kia đối với Hương phi, chứ nào biết đến tình cảm của trẫm dành cho Hương phi? Thật quá đáng!
Tử Vy vẫn bình tĩnh:
– Không phải là con không thấy nhưng Hoàng a ma, chuyện tình cảm cũng giống như bao nhiêu chuyện khác, có trước có sau. Nếu không có sự quan hệ giữa người và người nó sẽ rối loạn tất cả. Con nói như vậy là muốn nói đến một quan niệm đạo đức về tình cảm. Chẳng phải là từ lâu trên sách vở của nước ta đã lưu truyền câu “trung thần bất sự nhị chủ, liệt nữ bất sự nhị phu” ư? (trung thần không thờ hai chủ, liệt nữa không thể có một lúc hai chồng) cái tay người Hồi kia đã là bạn của Hương phi từ năm lên tám. Tình cảm của họ, chẳng phải là vượt hơn cả hoàng thượng ư?
Vua Càn Long vỗ bàn.
– Mi còn dám mang chuyện “quan niệm đạo đức về tình cảm” ra để biện hộ nữa ư? Rõ ràng là ngươi biết rất rõ tình cảm của ta dành cho Hương phi cơ mà. Vậy mà bọn ngươi bất chấp, lợi dụng tình cảm của trẫm dành cho các ngươi để hỏa mù, mang cả trai bên ngoài vào cung cho nó tư tình cùng quý phi cũa trẫm. Không những thế còn lừa dối đặt chuyện để đưa Hương phi chạy trốn ra khỏi cung đình. Ðã làm chuyện tày trời như vậy, mà còn dám đem cả lý luận đạo đức ra nói? Đạo đức của ngươi ở đâu chứ?
Tử Vy chỉ cúi đầu không dám nhìn lên, vua Càn Long càng nghĩ càng giận, nói tiếp:
– Sự sắp xếp của các ngươi cũng có vẻ hoàn chỉnh. Hôm đó… tối hôm đó ở đằng lệnh phi nương nương… các ngươi đã cố tình trì kéo, ép ta uống thật say… có phải để Hương phi trốn trót lọt không?
Tử Vy không chối, gật đầu, vua Càn Long trừng mắt nhìn Tử Vy.
– Hay thật! Con cái hiếu thảo thật! Một đứa là Minh Châu cát cát! Một đứa là Hoàn Châu cát cát… có lẽ chuyện trẫm nhận mấy đứa là điều sai lầm ư?
Tử Vy nghe vậy bật khóc nói:
– Con xin lỗi Hoàng a ma… thật tình con cũng đâu muốn vậy, con cứ có mặc cảm phạm tội… mãi cho đến lúc lão phật gia bắt Hương phi phải uống thuốc độc chết, con mới thấy là phải làm vậy được. Làm để cứu người!
Vua Càn Long hét lớn:
– Bây giờ, ta hỏi thêm ngươi một câu nữa thôi! bọn ngươi đã mang giấu Hương phi ở đâu chứ?
Tử Vy cúi đầu không đáp, vua lại hét:
– Nói ngay!
Tử Vy ngước mắt nhìn lên.
– Xin lỗi! Nhưng con chẳng thể nói được, vì nếu có nói thì đó lại là lời nói dối mà con chẳng muốn nói dối thêm một lần thứ hai.
Rồi Tử Vy van xin:
– Hoàng a ma! Tại sao ngươi không thể khoan dung cho bọn họ? Người có một trái tim vĩ đại, có thể chấp nhận sự việc và tha thứ cho họ được mà? Nếu Hoàng a ma mà chịu như vậy thì mọi sự sẽ đều tốt đẹp Hoàng a ma sẽ là người vĩ đại nhất trên đời.
– Ngươi muốn ta tai ngơ mắt điếc? giả vờ như chẳng có chuyện gì ư? Các ngươi phải nhớ rằng Hàm Hương là thứ phi của trẫm, các ngươi đã ngang nhiên bắt đi, còn nói gì là mọi thứ tốt đẹp nữa? Tốt đẹp ở chỗ nào? Ngươi càng nói ta càng tức, muốn giết chết ngươi ngay.
Tử Vy biết vua hận mình như vậy, biết là có nói gì cũng vô ích, nên yên lặng chẳng nói gì nữa.
Vua Càn Long cứ như con hổ bị thương gầm gừ, đi tới đi lui trừng mắt nhìn Tử Vy, hét một lần nữa.
– Ta hỏi lại, Hương phi đi đâu? Tại sao không nói?
Tử Vy lại lắc đầu.
Vua Càn Long không dằn được giận, nên vung tay lên tát cho Tử Vy một cái như trời giáng, khiến Tử Vy ngã lăn ra đất, ông còn nói:
– Bữa nay, nếu trẫm không nghĩ đến chuyện Vũ Hà đã vì trẫm mà khổ nhọc mười tám năm, thì trẫm giết ngươi. Bởi vì người như ngươi chẳng xứng đáng là con của trẫm. Trẫm không muốn có một đứa con như ngươi.
Nói xong ông quay ra, quát:
– Người đâu! Hãy mang nó đi nhốt lại cho ta!
Tử Vy lại bị tống vào nhà lao.
o O o
Yến Tử và Kim Tỏa thấy Tử Vy về đứng dậy chạy đến.
– Sao? Sao? Mi có bị sao không Tử Vy? Kềm kẹp như hôm trước không?
Kim Tỏa nghe hỏi nắm lấy tay Tử Vy lên xem.
– Ồ, bàn tay còn nguyên, vậy là chưa bị gì cả, họ không kẹp tay nhưng có đánh không? Có dùng hình phạt gì khác không? Nói cho Kim Tỏa biết đi!
Tử Vy lắc đầu buồn bã.
– Chẳng ai dùng hình phạt cả, các bạn yên tâm có điều nó còn đau đớn hơn cả chuyện dùng hình phạt, Hoàng a ma… bây giờ không còn yêu quý chúng mình nữa, trái lại ông ấy như hận em thấu xương. Bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt để được nhìn cha, bây giờ không còn gì nữa, chỉ là công dã tràng.
Yến Tử nghe vậy, ôm Tử Vy khóc.
– Hoàng a ma không hiểu chúng ta. Thật ra điều mà bọn ta đã làm, đó là vì người. Nhưng người chẳng hiểu, bây giờ giữa ta và Hoàng a ma đã có khoảng cách. Thôi thì đành vậy, Tử Vy hãy cứ xem như mình đã mất cha, đừng có đau buồn nữa, với chị thì khách, chị lại ghét ông ấy vì đã cho bọn mình vào ngục.
Tử Vy lắc đầu nói:
– Hoàng a ma lần này giận chúng ta nhiều, chắc chắn là bọn mình sẽ không thoát được cái chết. Vì vậy tốt hơn mọi người nên đối diện với sự thật, đừng tránh né gì cả.
Yến Tử vẫn nuôi hy vọng.
– Sao bi quan thế? Biết đâu rồi có người sẽ đến cứu bọn mình? Giờ này chẳng biết Nhĩ Khang và anh Vĩnh Kỳ ở đâu? Họ có bị hành hạ gì không? Hai người đó giỏi, thông minh, biết đâu họ đã thoát được ra ngoài?
Yến Tử nghĩ cũng đứng, nhưng chỉ có Vĩnh Kỳ là thoát ra khỏi nhà lao nhờ giả bệnh.
o O o
Sau khi được đưa về Cảnh Dương cung, Vĩnh Kỳ phải tiếp tục đóng kịch thêm một buổi, nhưng Vĩnh Kỳ nằm đó mà chẳng thấy ai đến, vua không, thái hậu cũng không, chẳng ai thèm đếm xỉa đến chàng. Mãi đến khi trời sụp tối, lệnh phi mới tranh thủ tới, sau khi đuổi hết bọn thị vệ ra ngoài lệnh phi nói với Vĩnh Kỳ:
– Vĩnh Kỳ, hãy nghe ta nói nè. Ông Phước Luân và bà phước tấn đang chờ con ở Học Sĩ phủ, con phải nhanh chân đến đấy, sau đó mọi người ngồi lại tính xem có cách nào không? Có đi thì đi ngã Tây Hoa môn, đừng đi ngã Thần Võ, đi nhanh lên cho kịp.
Vĩnh Kỳ nghĩ ngợi rồi lắc đầu:
– Không được đâu! Con giả bệnh để ra ngục là tính cách để cứu giúp bạn bè, chứ không phải chỉ một mình thoát thân. Vì vậy con rất cần gặp Hoàng a ma ngay, bây giờ chuyện sinh sát đều nằm trong tay Hoàng a ma cả, nếu ông ấy khoan dung thì tất cả vô sự, bằng trái lại họ sẽ chết là chắc. Vì vậy chỉ có nước đi gặp Hoàng a ma chứ ra ngoài nào có ích lợi gì?
Nói xong Vĩnh Kỳ đứng dậy, hỏi?
– Hoàng a ma hiện giờ ở đâu? Diên Hỷ cung ư?
Lệnh phi ngăn lại:
– Ðừng có đến đó vô ích thôi! Hiện giờ người vẫn còn đang thịnh nộ làm sao có thể nói chuyện tha thứ? Bọn con hành động chẳng suy nghĩ gì cả. Hãy nghĩ xem các con đã làm tổn thương người thế nào? Hoàng thượng vừa bị mất Hương phi, lại mất cả tình yêu con cái. Sự tổn thương to lớn đó đâu để một sớm một chiều nguôi ngoai, ta đang ở đấy, thấy hoàng thượng như con hổ dữ bị thương. Giờ đến đấy không được đâu, nguy hiểm lắm!
– Hoàng a ma sẽ không mất bọn con, nếu người chịu khó suy xét, xin nương nương đừng cản, để con đi giải thích, hối lỗi, con sẽ trình bày cho người biết rõ sự việc. Chỉ cần Hoàng a ma chịu ngồi nghe hết câu chuyện, con tin là người rồi sẽ cảm động, sẽ hiểu được, tại sao tụi con lại làm như vậy. Ðó là “chính nghĩa” không chừng biết chuyện Hoàng a ma sẽ không giết bọn con, mà ngược lại còn thấy hãnh diện vì bọn con nữa.
Lệnh phi lắc đầu.
– Con đừng có thơ ngây, bởi vì trước đó hoàng thượng đã cho gọi Tử Vy lên hỏi chuyện rồi, những điều cần nói thì có lẽ Tử Vy cũng đã nói, hoàng thượng chẳng những không “cảm động” mà người còn giận dữ. Ông ấy đã nói với ta cài lầm lẫn to lớn nhất trong đời ông ấy là đã nhận Tử Vy và Yến Tử làm con. Lúc nói hoàng thượng đã nghiến răng có vẻ như người tiếc là không giết quách hai đứa ngay cho rồi.
Vĩnh Kỳ nghe vậy giật mình, biết là lệnh phi không nói dối.
– Nếu như lời nương nương nói, thì con càng không nên xuất cung mà phải ở lại đây để cùng họ đồng cam cộng khổ.
Lệnh phi nghe vậy quýnh lên:
– Ðồng cam cộng khổ cái gì bây giờ thoát được đứa nào hay đứa nấy, cà hãy lánh mặt đi đợi bao giờ người nguôi ngoai cơn giận hãy trở về.
Rồi người nhìn quanh như dò xét, sau đó nói nhỏ với Vĩnh Kỳ.
– Giờ này ở trong cung còn có ta và Tịnh Nhi hãy yên tâm cứ đến tìm ngài Phước Luân đi, rồi bàn tính xem sao, ta ở trong cung, nếu thấy tình hình gay cấn quá thì sẽ cùng Tịnh Nhi cố mà giải thoát cho họ. Có điều ở ngoài cung phải có người tiếp ứng chứ ngươi hiểu ý ta nói không.
Vĩnh Kỳ nghe lệnh phi nói, chợt hiểu.
– Lệnh phi nương nương người quá tốt với bọn con, rồi trời sẽ đền lại quả tốt cho người, giờ thì con hiểu, có điều hiện nay bản thân con cũng đang có vấn đề.
Lệnh phi nói một cách tin tưởng.
– Hãy yên tâm, dù gì ngươi cũng là a ca cơ mà? Có giúp đỡ ngươi, ta không đến đỗi phải lo lắng, hoàng thượng có giận dữ cỡ nào, thì cũng không thể giết ngươi. Ðường con còn sáng sủa hơn đứa khác, hãy tạm thời thu thập một số vật dụng rồi rời khỏi đây, yên tâm và tin tưởng. Bởi vì Nhĩ Khang, Yến Tử Tử Vy đối với ta chúng chẳng khác gì con đẻ, ta sẽ không để bọn chúng bị mất mạng dễ dàng đâu.
Vĩnh Kỳ suy nghĩ rồi gật đầu nói:
– Thôi được, con ra ngoài và chờ, mong rằng mọi chuyện sẽ được sắp xếp suông sẻ. Nhưng có thế nào, con cũng phải để lại cho Hoàng a ma một bức thư, như vậy nương nương mới không bị liên lụy.
Thế là Vĩnh Kỳ viết để lại cho vua Càn Long một lá thư, rồi dưới sự yếm trợ của lệnh phi, trốn ra khỏi cung đi đến Học Sĩ phủ.
o O o
Ðến nơi đã thấy ông Phước Luân đứng sẵn đợi chàng, hai người vào đến thư phòng thì thấy Liễu Thanh và Liễu Hồng có mặt ở đấy, Vĩnh Kỳ ngạc nhiên.
– Liễu Thanh, Liễu Hồng hai ngươi sao lại có mặt ở đây?
Liễu Thanh có vẻ xúc động mạnh, bước tới ôm lấy vai Vĩnh Kỳ nói:
– Tối nay bọn này đến là để tìm Nhĩ Khang, nhưng Phước đại nhân biết giao tình của tôi và anh nên giữ lại, nhờ vậy tôi mới biết chuyện đã đổ bể.
Bà phước tấn bước tới giục:
– Các ngươi nói gì thì nói nhanh đi, Học Sĩ phủ này giờ đây chẳng còn là chỗ an toàn nữa đâu, chỉ e là hoàng thượng lại nghĩ nơi đây là chỗ có thể truy tìm ra tung tích của Hương phi thì còn khổ nữa, lúc đó nhà này sẽ bị canh chừng, thì chẳng còn làm ăn gì được.
Ông Phước Luân trấn an.
– Hiện giờ thì chưa đâu, vì Nhĩ Khang còn bị nhốt trong ngục, có điều Ngũ a ca cũng không thể ở lại đây lâu được. Hoàng thượng mà phát hiện Ngũ a ca đã bỏ trốn thì nơi đầu tiên tìm đến sẽ là nơi đây, vì vậy các người hãy đến ngay khu Mạo Nhi ở đấy ta có lão Kha người thân tín của ta rất giúp được việc.
Rồi ông viết mấy chữ đưa cho Vĩnh Kỳ.
– Ðây là điạ chỉ, đến đó sẽ có người ra đón.
Liễu Hồng thắc mắc:
– Phước đại nhân nói gì con không rõ lắm.
Ông Phước Luân nhìn quanh rồi nói nhỏ:
– Lệnh phi nương nương đã hứa với ta rồi, vào một thời cơ thích hợp sẽ tìm cách cứu cả bốn đứa nó ra. Đến lúc đó ta cũng sẽ đưa tất cả đến Mạo Nhi, ở đấy bây giờ đã chuẩn bị đủ ngựa xe, lương thực hành lý… ta biết Liễu Thanh Liễu Hồng cũng biết võ công tất cả có thể bảo vệ nhau đến tận non cùng nước tận mà sinh sống.
Vĩnh Kỳ nhìn vợ chồng ông Phước Luân, cảm xúc:
– Phước đại nhân, Phước đại tấn, hai người chấp nhận để Nhĩ Khang ra đi ư?
– Không chấp nhận cũng không được, chẳng lẽ để nó ở lại đây để nhìn nó chết ư? Chuyện yêu nhau giữa Nhĩ Khang và Tử Vy các người cũng đã thấy. Ta là cha mẹ, hiểu con, biết con nên có đau chăng thì nỗi đau kia cũng chỉ để trong lòng, vì vậy nếu lần này mà bọn chúng vượt ngục thành công thì chỉ có nước là phải cao bay xa chạy. Ngũ a ca, cậu với Yến Tử cũng vậy, vì Yến Tử không phải là người ở trong cung đình, nếu để cô ấy ở lại trong thì sớm muộn gì cũng sẽ có chuyện nữa. Thôi thì các người hãy đi đi, đi thật xa, chân trời góc biển gì cũng được. Miễn sao tìm được hạnh phúc là tốt rồi!
Vĩnh Kỳ nghe ba mẹ của Nhĩ Khang nói mà lòng bồi hồi, chẳng biềt phải nói gì nữa.
Trong khi Liễu Thanh, Liễu Hồng lại thắc mắc.
– Thế cả bọn chúng tôi đi rồi, hai bác sẽ thế nào?
Ông Phước Luân nói:
– Tôi đã phái người sang Tây Tạng, bảo Nhĩ Thái và Trại Á quay về, tôi cũng nghĩ mình đã ba đời được tiếng là trung quân, ba đời tổ tiên làm quan dưới triều Mãn thì hoàng thượng dù có ghét bỏ thế nào cũng không ghép tội chết được. Vả lại trong triều đình hiện tôi cũng còn cái thế của tôi, Nhĩ Thái lại là phò mã xứ Tây Tạng… càc người cứ yên tâm đi. Hãy lo cho bản thân đừng lo gì cho ta cả, Nhĩ Khang ra đi cũng đúng. Nó đi như vậy ta yên tâm hơn là để nó ở lại trong triều, lúc nào cũng có cảm giác trái tim nó chạy lên cổ.
Liễu Thanh nghe vậy vòng tay bái ông Phước Luân.
– Bẩm Phước đại gia, phúc tấn, Liễu Thanh này xin hứa với hai vị là sẽ xả thân quên mình mà bảo vệ Ngũ a ca với Nhĩ Khang đại gia, để họ được tuyệt đối an toàn.
Liễu Hồng thì an ủi bà phước tấn:
– Bọn con đi lần này rồi cũng sẽ quay về thôi, lâu nhất là một năm, sớm hơn là vài tháng, bác cứ yên tâm đi, bao giờ chuyện Hương phi nguôi hẳn, hoàng thượng nghĩ lại, thì chúng con sẽ quay về ngay.
Vĩnh Kỳ nói:
– Con cũng tin như vậy, con mong là Hoàng a ma rồi sẽ nghĩ lại, bao giờ ông thấy việc bọn con làm đúng sẽ tha cho bọn con, và lúc đó chúng con sẽ quay về.
Bà phước tấn suy nghĩ gật đầu:
– Mong là như thế, nhưng chỉ e là hoàng thượng không chịu nghĩ lại, thì mới đáng ngại. Còn một điều đáng lo nữa là chẳng biết lệnh phi nương nương giải cứu họ kịp thời không? Nếu không giải cứu kịp thì… nguy lắm.
Ông Phước Luân nhìn vợ an ủi:
– Chúng ta cứ cố hết sức mình, bao giờ chẳng được mới vâng mệnh trời, bà đừng quên ở trong cung ta có thêm một hy vọng, đó là Tịnh Nhi!
Bà phước tấn như nhớ ra hy vọng lại lóe sáng.
– Vâng, còn Tịnh Nhi nữa.