Anh Hùng Bắc Cương

Chương 16 - Tống Khu-Mật Viện

trước
tiếp

Tống Khu-mật viện – –

Mỹ-Linh đưa mắt cho Thiếu-Mai. Thiếu-Mai tính đốt ngón tay:

– Dư đại nhân há quên rằng: Khi thời chưa đến, vua Cao-tổ nhà Hán vẫn chỉ là đình trưởng. Phàn Khoái bán thịt chó. Hàn Tín đi câu. Lúc thời đến Cao-tổ muốn gì đều như ý. Phàn đánh đâu thắng đấy. Hàn Tín chỉ có ba nghìn quân bố thủy lập trận mà thắng nước Tề.

Dư Tĩnh hiểu ra:

– Ý tiểu thư muốn nói trước đây chúa tôi cũng như Khai-Quốc vương chưa chính vị. Vì vậy hai bên không hiểu nhau. Nay cả hai đều ứng lòng trời, ắt xung đột tự nhiên hết.

– Dư đại nhân kiến giải thực sâu sa. Sau này sự nghiệp đâu thua gì Gia-Cát Vũ-hầu. Cho nên con người ta không thể nào thoát ra cái lý về chữ mệnh của Nho-gia.

Dư Tĩnh lầu thông Bách-gia, Chư-tử, Tứ-thư, Ngũ-kinh. Y đâu lạ gì cái mà Nho-gia gọi là mệnh. Có điều mấy hôm nay, những lời của Thiếu-Mai làm cho thầy trò y như đi vào một thế giới mới lạ. Tuy đã tin lời Thiếu-Mai, nhưng y vẫn còn nghi ngờ:

– Nếu nói rằng lời Thiếu-Mai do Khu-mật viện Đại-Việt bầy ra, thực vô lý. Nàng đang trên đường từ Thăng-long về Thanh-hoá, thì bị bắt cóc, rồi vương gia bị trúng độc. Vô tình nàng bắt mạch rồi nói ra những bí ẩn về tướng mệnh. Đó là một điều đáng tin. Bọn Mỹ-Linh, Thiệu-Thái từ Thăng-long lên Bắc-biên, tuân lệnh vua Bà đi đón chân mệnh Thiên-tử đó là hai điều tin được. Trên biển mênh mông, bọn Sử Anh, Tào Minh đang chém giết nhau chí chết, chỉ vì chân dung chân mệnh Thiên-tử. Thình lình vương gia xuất hiện. Đó là ba điều đáng tin. Bây giờ mình thử lại con nhỏ Mỹ-Linh một lần nữa xem sao?

Nghĩ vậy y hỏi Mỹ-Linh:

– Công chúa vừa nói về chữ mệnh của Nho-gia. Thưa công chúa, chữ mệnh đó khởi từ đâu? Căn bản ra thế nào? Xin công chúa đừng tiếc công chỉ dạy.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

– Tên này muốn thử xem giữa ta với Thiếu-Mai có thực do Khu-mật viện bố trí không đây. Thiếu-Mai mượn tướng mệnh khích động được bọn chúng. Nếu bây giờ ta đem học thuyết thiên mệnh của Nho ra bàn. Mà cả hai cùng khít với nhau chúng mới tin. Xét cho kỹ, chỉ có hai tên Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính thực sự nắm vững hai thuyết này. Ta cần nịnh chúng mấy câu. Khi ăn bánh phỉnh, minh mẫn hai tên này bị mất đi, chúng mới tin ta.

Nàng đứng dậy rót rượu mời cử tọa một lượt. Tay bưng hai chung đến trước mặt Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính:

– Dư đại nhân! Vương đại nhân! Chung rượu này kính xin hai vị đại nhân nhận cho, để đánh dấu ngày hôm nay, chúng ta cùng được ngồi cạnh một đấng minh quân. Tiểu nữ sẽ lạm bàn về chữ mệnh của Nho-gia. Nếu có chỗ nào sai lạc, xin hai đại nhân bổ khuyết.

Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính bưng chung rượu uống cạn. Mỹ-Linh lại bưng một chung rượu đến trước Đông-Sơn lão nhân:

– Lão tiên sinh! Lão tiên sinh theo Lão. Trong Lão cũng bàn về lẽ thiên mệnh. Xin lão tiên sinh cạn chung này, rồi nghe tiểu nữ trình bầy cái dở ra. Tiên sinh dạy cho những lẽ huyền vi hơn.

Đông-Sơn lão nhân tiếp chung rượu uống cạn:

– Công chúa dạy quá lời.

Mỹ-Linh đứng dậy hướng vào Triệu Thành:

– Vương gia! Xét chung thì Nho, Mặc, Lão, Trang đều nói về thiên mệnh. Tiểu nữ xin trình bầy về Nho trước. Đầu tiên là Không-tử. Ngài ít bàn thẳng về mệnh trời. Nhưng xét kỹ, trong Luận-ngữ, cũng có đôi chỗ ngài nói tới:

“Ngô thập ngũ nhi chí ư học. Tam thập nhi lập. Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”.

Nghĩa là: Ta hồi mười lăm tuổi, chăm chú việc học. Ba chục tuổi biết vững chí. Bốn chục tuổi không còn nghi hoặc, biết lẽ phải trái. Năm chục tuổi biết mệnh trời.

Từ hôm theo Triệu Thành sang Đại-Việt. Bọn Dư, Vương tuy văn võ kiêm toàn, mà chưa một lần được trổ cái kho văn chương trong người, hầu tỏ cho Thành biết, chúng có thể giúp Thành trong đạo tu, tề, trị, bình, an định quốc gia. Bây giờ gặp Mỹ-Linh khui cái kho Nho-học ra, lại nói nhờ hai người bổ khuyết. Hai người sướng không thể tưởng tượng được. Mỗi câu Mỹ-Linh nói, hai người đều gật đầu.

Mỹ-Linh muốn cho Dư hoàn toàn cảm tình với mình. Nàng ngừng lại:

– Dư đại nhân, không biết câu trên ở thiên nào trong Luận-ngữ. Tiểu nữ quên mất rồi.

– Câu đó trong thiên Vi-chính.

Mỹ-Linh mỉm cười:

– Đa tạ đại nhân. Cứ như ý tứ mà suy, chữ thiên mệnh trong câu trên có nghĩa: Mệnh trời thuộc lẽ vô hình, linh diệu của tạo hoá. Con người có khi hiểu được, có khi không hiểu được. Theo nghiã đó thì mệnh trời gần như luật tự nhiên của hoá công. Song chúng ta vẫn hiểu được bằng tướng mệnh của Lê sư tỷ.

Nàng nhìn Địch Thanh:

– Cũng Luận-ngữ thiên Nghiêu-viết, Không-tử lại nói:

” Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã”.

Nghiã là : không biết mạng trời, không thể là người quân tử được.

Câu này, ngài định rõ mệnh trời chính là thiên ý chứ không phải định mệnh.

Dư Tĩnh hoàn toàn bị Mỹ-Linh chinh phục. Y nhắc nhở nàng:

– Thánh Khổng còn tin rằng trời làm chủ tể cả vũ trụ. Trời có ý chí rất mạnh khiến sự biến hoá trong thế gian hợp với lẽ điều hoà. Con người không thể, và không nên trái với ý chí đó. Công chúa cần nhắc rõ điều này hơn.

Mỹ-Linh xá Dư Tĩnh:

– Đa tạ đại nhân nhắc nhở. Chính vì lẽ như Dư đại nhân nói, nên thánh Khổng khuyên đệ tử phải sợ thiên mệnh, như trong thiên Quý-thị, Luận-ngữ nói:

” Người quân tử có ba điều sợ. Sợ trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời thánh nhân”.

Vương Duy-Chính nhắc lại nguyên văn:

– Quân tử hữu tam úy. Úy thiên mệnh. Úy đại nhân. Úy thánh nhân chi ngôn.

Mỹ-Linh hướng Duy-Chính gật đầu tỏ ý biết ơn. Nàng tiếp:

– Khổng-tử chỉ cho chúng ta biết một đường đi theo lý của trời toàn thiện. Ngài gắng hành động sao cho hợp với thiên lý, thiên đạo, hễ còn sức, còn hành đạo. Nên ngài bị người đương thời chê: biết rằng không thể làm được mà cứ làm. Khi trở về già ngài than trong thiên Hiến-vấn của sách Luận-ngữ:

Đạo ta sắp thi hành được ư? Do mệnh trời. Đạo ta sắp bị bỏ ư? Do mệnh trời.

Duy-Chính nhắc lại nguyên văn:

– Đạo chi tương hành dã dư? Mệnh dã. Đạo chi tương phế dã dư? Mệnh dã.

Mỹ-Linh hướng Duy-Chính mỉm cười tỏ ý biết ơn:

– Khi sắp mất, ngài buồn rằng đạo mình không được dùng, mà không oán trời, trách người, cứ thản nhiên mà đợi mệnh:

Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh.

Nàng chắp tay hướng Triệu Thành:

– Đối với vương gia, mệnh trời an bài rồi. Vương gia không thể nào tránh nổi.

Triệu Thành gật đầu:

– Đa tạ công chúa! Thế sau Khổng-tử. Mạnh-tử nói về mệnh có khác không?

– Mạnh á-thánh cho mệnh là những nguyên do nào đó, người nhân thế không rõ. Mà nguyên do đó ảnh hưởng bất ngờ tới hoạt động của ta, khiến ta tận lực, cũng không thành, lại cũng có người không làm mà thành. Vương gia hãy trở lại với Trung quốc sử. Hạng-Võ anh hùng biết bao! Gia-cát Vũ-hầu tài năng biết bao, nhưng cuối cùng đành ôm hận. Hán Cao-tổ tài không có, đức cũng không. Thế mà lại dành được thiên hạ.

Thiếu-Mai gật đầu:

– Ngay như vương gia. Vì có mệnh, nên mới được đại sư Minh-Thiên, đạo sư Đông-Sơn, Vương, Dư đại nhân theo về. Lại như Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, trước kia khư khư chống vương gia. Khi mệnh tới, hai người không hẹn, mà theo về vương gia dễ dàng. Rồi trên biển này, hai bang lớn nhất, đang chém giết nhau, gặp vương gia, lập tức thân thiện cùng ngồi đối ẩm.

Dư Tĩnh gật đầu:

– Đúng như Lê tiểu thư bàn. Bây giờ xin công chúa luận tiếp về chữ mệnh của Mạnh á-thánh.

– Trong sách Mạnh-tử, thiên Vạn-chương, người nói:

” Việc mình không có ý làm, mà thành, do ý trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, mệnh trời vậy”.

Địch Thanh ngơ ngác không hiểu. Dư Tĩnh đọc nguyên văn cho y nghe:

– Mạc chi vi, nhi vi giả, thiên dã. Mạc chi tri nhi chí giả, mệnh giã.

– Người cho rằng sống, chết, thành bại đều có trời. Cho nên ta phải thuận mệnh. Thuận mệnh theo Mạnh, không phải mặc cho sự việc xẩy ra sao thì xảy. Trái lại phải biết tránh cái nguy, phải làm tròn cái đạo của mình. Ngài nói:

” Thị cố tri mệnh giả, bất lập hồ nham tường chi hạ. Tận kì đạo nhi tử giả, chính mệnh dã”.

Nghĩa là: chẳng nên đứng dưới chân tường sắp đổ. Phải biết làm tròn cái đạo của mình.

Đến đó Mỹ-Linh nhìn Đông-Sơn lão nhân:

– Tóm lại Khổng, Mạnh đều tin có số mệnh, nhưng vẫn chú trọng về nhân sự. Trong khi đó Trang-tử kiến giải hơi khác một chút. Ông nói: Biết không thể nào làm khác được, đành coi như số mạng, chỉ bậc có đức mới hành sự như thế .

Nàng nhìn Đông-Sơn lão nhân:

– Đạo sư, không biết câu trên ở chương nào trong Nam-hoa kinh. Tiểu nữ quên mất rồi.

Đông-Sơn lão nhân nói:

– Câu đó nguyên văn như thế này: “Tri bất khả nại hà, nhi an chi nhược mệnh. Duy hữu đức giả an chi”, thuộc thiên “Đức-sung-phù”.

– Đa tạ đạo sư. Câu trên ý muốn nói: Biết không thể nào làm khác được hơn. Mình phải hiểu là đã gắng sức rồi, mà không thay đổi được tình thế. Phần khác, trong thiên Đại-tôn-sư, ông tin số mạng, khuyên người ta phải tuyệt đối theo số mạng:

Trang-tử nói: Tôi nghĩ không ra, vì đâu mà tôi tới nông nỗi này! Cha mẹ tôi đâu có muốn cho tôi nghèo như thế này! Trời chẳng riêng ai, đất chẳng riêng ai. Trời đâu có muốn bắt riêng tôi nghèo! Nghĩ mãi duyên cớ, mà không ra. Chẳng qua tôi tới nông nỗi này do mạng ư? ».

Đông-Sơn lão nhân gật đầu:

– Trang-tử hơi yếm thế đấy chứ. Nhưng dù yếm thế, ông cũng khẳng định mọi việc đều do mệnh. Mệnh đã an bài công chúa thắng bần đạo, nên hết kỳ duyên nọ, đến kỳ duyên kia đến với công chúa. Mệnh khiến vương gia sinh làm con thứ, nhưng anh hùng, tài trí, sau này thành đại minh quân. Mệnh đưa đẩy, nên bản triều mới nảy ra Lưu hậu chuyên quyền, vương gia phải đứng dậy làm việc vua Thuấn vua Vũ.

Mỹ-Linh tuyệt không ngờ Đông-Sơn lão nhân bị nàng đánh bại, mà lại thuận theo ý kiến của nàng với Thiếu-Mai.

Mỹ-Linh định luận về mệnh theo Lão, Mặc. Nhưng nhìn ra, thấy dường như Đông-Sơn lão nhân đang ngủ. Vì vậy nàng kết luận:

– Dù tướng mệnh, dù hoàn cảnh, vương gia đã được trời phú cho cai trị thiên hạ, làm lên sự nghiệp đâu đấy tỏ. Vương gia có chối cũng không được.

Triệu Thành nghe Mỹ-Linh, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính luận về mệnh rồi quyết đoán mệnh trời thuộc về y. Y không còn nghi hoặc nữa. Y hướng vào mọi người:

– Hôm nay muộn rồi. Ngày mai chúng ta bàn chuyện thực tế, sao để ta ngồi vào chính vị.

Trời về chiều. Đoàn Thông không thuộc phe đảng Dực-Thánh vương. Y nào biết những gì đã xẩy ra phía sau sân khấu quan trường. Suốt mấy hôm theo Dực-Thánh vương tiễn sứ đoàn về nước, chắp nhặt những mẩu đối thoại của sứ đoàn với mọi người, y lờ mờ đoán ra việc Dực-Thánh vương mưu đi với Tống cướp ngôi.

Bây giờ thình lình y thấy công chúa Bình-Dương, thế-tử Thiệu-Thái lại đáp thuyền đi cùng sứ đoàn. Y không hiểu gì cả. Y chỉ biết líu ríu dọn phòng cho nàng ở, cùng cắt hai thủy thủ già hầu hạ.

Đoàn Thông xuất thân là đệ tử của Trần Tự-An. Y được sư phụ tin tưởng, thương yêu vô bờ bến. Hôm hạm đội đậu ở Thăng-long, đúng lúc đại hội giỗ Bắc-bình vương. Bởi làm tới Đề-đốc. Y không được đi trong môn phái Đông-a. Vì vậy y lẫn vào dân chúng, để quan sát đại hội.

Trước kia y cứ lo sư phụ kình chống triều đình, thực khó khăn cho y muôn vàn. Trong đại hội y thấy rõ ràng phái Đông-a nghiêng hẳn về phía họ Lý. Hơn nữa, sư muội Thanh-Mai của y sắp làm Khai-Quốc vương phi. Tương lai sẽ làm Hoàng-hậu toàn thể tộc Việt. Y mừng khôn tả.

Cũng trong đại hội, y được thấy tận mắt võ công của Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cao thâm đến không tưởng được. Bây giờ cô công chúa đẹp như tiên nữ đang ở trước mặt y. Y khoan khoái trong lòng.

Y đứng ở cửa phòng, kính cẩn:

– Khải tấu công chúa điện hạ. Không biết công chúa điện hạ có cần chi nữa không?

Mỹ-Linh nhìn trước, nhìn sau không có ai. Nàng vận công, dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Đoàn Thông:

– Đề đốc về nghỉ đi. Nhớ cho người canh phòng thực cẩn thận quanh mình. Sẽ có người cho Đề-đốc biết hết mọi truyện.

Nàng lại lên tiếng nói lớn:

– Đa tạ Đề-đốc. Tôi cần yên giấc.

Đoàn Thông cúi rạp người xuống:

– Thần kính chúc Công-chúa ngon giấc.

Thuyền vẫn đi về phía Bắc.

Đỗ Lệ-Thanh trong lớp áo thủy thủ gõ cửa phòng Mỹ-Linh:

– Tiểu nhân được lệnh phục thị công chúa.

Mỹ-Linh nhỏ nhẹ:

– Người đưa ta lên khoang ngắm sao biển một lát. Ở trong phòng ngộp quá chịu không được.

Hai người lên khoang. Lệ-Thanh bắc ghế cho Mỹ-Linh ngồi. Bà chắp tay đứng sau như chờ lệnh. Mỹ-Linh dùng Lăng-không truyền ngữ nói với bà:

– Đỗ phu nhân. Có gì lạ không?

– Bọn Triệu Thành vẫn không tin Lê tiểu thư cùng thầy đồ Ngọc-Phách. Chúng đem hai bản dịch so từng câu, từng chữ một. Hôm trước chúng chú ý nhiều đến bộ Lĩnh-Nam vũ kinh cùng bộ Dụng-binh yếu chỉ. Bây giờ chúng lại chú ý đến kho tàng nhiều hơn.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

– Điều này không có gì lạ cả. Hôm trước Triệu Thành muốn nắm võ lâm nên cố tìm cho ra bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, hầu câu các gia, các phái Đại-Việt theo chúng. Còn chúng chú ý đến bộ Dụng-binh yếu chỉ, chẳng qua muốn đem quân đánh Đại-Việt. Bây giờ, Triệu Thành định làm vua, chia đôi thiên hạ với chú mình. Nên y muốn có kho tàng, hầu Tống thêm giầu, để thôn tính các nước khác.

– Phu nhân còn thấy gì nữa không?

– Đề đốc Đoàn Thông có tin được không?

– Được! Y là sư huynh của Thanh-Mai, Tự-Mai mà. Tôi sai đội Đam gặp y, tường trình cho y biết hết mọi truyện rồi. Phu nhân trao cho đội Đam mấy viên thuốc giải, để y bỏ vào thức ăn, trị bệnh cho Địch Thanh, Dư Tĩnh, Quách Quỳ, Đoàn Thông với hai thủy thủ.

– Tuân chỉ công chúa. Thuyền đang đi đâu đây?

– Ngày mai chúng ta rời thuyền, lên Quảng-Đông lộ, dùng đường bộ đi Biện-kinh.

– Như vậy chúng ta vào cửa biển Hổ-môn. Không biết thuyền sẽ theo sông nào trong ba con Tây-giang, Bắc-giang và Chu-giang?

– Chu-giang. Phu nhân biết rõ đường đất vùng này không?

– Tiểu nhân thuộc lầu đường đất vùng này. Song xa cách mấy chục năm, không biết cảnh trí có còn như cũ hay không?

Có tiếng chân người lại gần. Nội công Mỹ-Linh cực kỳ cao thâm. Nàng nhận ra người đi phải thuộc hàng nội công thượng thừa, vì bước chân như có, như không. Người đó lại gần. Mỹ-Linh liếc nhìn. Y chỉ là tên thủy thủ đầu bếp tên Triệu Tu, mà nàng đã gặp. Nàng than thầm:

– Trên con thuyền này thực lắm phe phái. Ngoài phe Tống, Dực-Thánh vương, phe mình. Không biết phe nào bố trí người làm đầu bếp, mà Đoàn Thông, đội Đam không biết tung tích? Khi mới gặp, trông lưng y, ta thấy quen quá, mà không nhận ra đã gặp y ở đâu.

Trong đêm tối, dường như viên thủy thủ không nhận ra Mỹ-Linh. Y đi thẳng ra phía mũi thuyền, rồi đứng tựa lưng vào cột buồm ngắm sao.

Mỹ-Linh bảo nhỏ Lệ-Thanh:

– Phu nhân phóng độc vào tên thủy thủ kia. Tôi có cách bắt y hiện rõ chân tướng.

Lệ-Thanh gật đầu. Bà thản nhiên đi về phía mũi thuyền. Khi qua viên thủy thủ đầu bếp, mụ sẽ rung động tay, một viên thuốc bắn ra, hóa thành bụi, chụp lên đầu y. Y vẫn ngắm cảnh, nào biết mình sắp đi đến Quỷ-môn quan.

Khoảng nhai dập miếng trầu, tên thủy thủ rùng mình một cái, bật lên tiếng ối. Y đưa tay gãi cổ, rồi mặt, rồi chân. Y vừa gãi, vừa nhảy nhót. Dường như không chịu được, y lại bật lên tiếng kêu nữa.

Tiếng kêu của y, làm viên thuyền trưởng Trịnh Sơn đang ngồi bên cạnh tài công chú ý. Y cầm dùi đánh vào cái mõ bên cạnh ba tiếng. Một đội thủy thủ gươm đao tuốt trần, đuốc đốt sáng chưng, lên trên sàn.

Đoàn Thông, đội Đam cũng đã xuất hiện. Tiếp theo bọn Triệu Thành. Đội Đam hỏi Triệu Tu:

– Người làm sao vậy?

Triệu Tu đau qúa, gập cong người lại. Mặt y đỏ như máu, dộp lên như bánh đa. Y rên hừ hừ:

– Không… rõ nữa.

Minh-Thiên đưa mắt nhìn Đoàn Thông:

– Đề đốc! Người này giữ chức vụ gì trên soái hạm này?

– Y họ Triệu tên Tu, giữ chức trưởng toán hoả đầu quân.

Dư Tĩnh lo lắng:

– Từ lúc lên chiến hạm này, chúng ta có tám người trúng độc, trong khi chưa tìm ra thủ phạm, thì tiếp theo đến đội Tu. Phải tìm cho ra thủ phạm.

Triệu Thành hướng vào Thiếu-Mai:

– Lê tiểu thư! Xin tiểu thư chẩn đoán xem gã này bị chứng bệnh gì vậy?

Khi vừa lên sàn thuyền, Thiếu-Mai đã thấy Mỹ-Linh dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

– Gã này làm gian tế, ẩn náu trên soái hạm, không biết y thuộc phe phái nào. Vậy trong khi chẩn mạch, chị thử tìm chân tướng y xem.

Lê Thiếu-Mai tiến lên quan sát sắc diện Triệu Tu, cầm mạch, rồi thở dài:

– Triệu-Tu bị trúng Chu-sa độc phấn. Độc chất gần giống các vị đây. Song không hề gì. Để tôi chẩn mạch lần nữa xem sao.

Vừa đụng vào tay y, nàng dồn chân khí sang. Lập tức chân khí y tự động phản kích. Nàng cảm thấy tay rung động mãnh liệt. Một kình lực cực kỳ hùng hậu đẩy bật tay nàng ra. Biết gặp kình địch, nàng vận khí đứng vững, rồi chụp tay y. Lần này hai kình lực gặp nhau. Tay hai người đều bật tung trở lại, kêu lên tiếng bộp.

Mọi người đều kinh hoảng. Thiếu-Mai bình tĩnh:

– Thầy đội Tu. Tôi chẩn mạch để trị bệnh cho thầy. Cớ sao thầy dùng nội công thượng thừa tấn công tôi?

Triệu Tu lách người lui lại, tay y phóng ra chiêu cầm long công chụp Thiếu-Mai. Thiếu-Mai lạng người tránh khỏi. Song móng tay Tu đã chạm vào áo khoác ngoài của nàng. Roạc một tiếng, áo bị rách.

Đoàn Thông quát:

– Triệu Tu! Không được dụng võ. Mi là ai? Xâm nhập chiến hạm này với mục đích gì?

Triệu Tu không trả lời, y phóng một chưởng hướng Thiếu-Mai. Chưởng phong của y có hơi nóng. Thiếu-Mai lùi một bước, nàng dùng một chiêu Thiên-vương chưởng. Binh một tiếng, nàng bật lui liền hai bước. Trong khi Triệu Tu cười nhạt:

– Lê tiểu thư! Thiên-vương chưởng quả thực danh bất hư truyền. Hồng-Sơn đại phu xứng danh hiệu Đại-Việt ngũ long. Tiểu thư chưa quá hai mươi, mà công lực đã tới ngần này, thực tài không đợi tuổi.

Triệu Tu chuyển thân dùng một thức Cầm-long công tấn công Triệu Thành. Thành kinh hoàng nhảy lùi hai bước. Không hiểu Tu làm cách nào, mà tay y như dài ra, y di chuyển thân hình, chụp trúng ngực Triệu Thành. Minh-Thiên, Dư Tĩnh đứng gần Triệu Thành. Một người dùng Ưng-trảo công, một người dùng Hổ-trảo công chụp vào hai bên Tu. Tu ôm Triệu Thành nhảy vọt lên cao. Ở trên cao, y đá gió một cái, cả hai rơi tòm xuống biển.

Đoàn Thông quát lên:

– Tu! Mi định làm gì đây? Mi là ai?

Triệu-Tu cười lớn:

– Đoàn đề đốc! Xin đề đốc đứng ngoài việc này cho. Tại hạ vốn người Tây-hạ họ Lý tên Cương. Quốc vương tệ quốc chỉ dụ cho tại hạ không được gây hấn với võ lâm Đại-Việt. Tại hạ muôn vàn lần không dám vô phép với phái Đông-a. Tại hạ muốn mượn Bình-Nam vương làm vật che thân, thoát khỏi soái thuyền này.

Triệu Tu để tay trên đầu Triệu Thành cười nhạt:

– Dực-Thánh vương! Vương hãy thả mủng xuống cùng với bốn thủy thủ chèo cho tại hạ vào bờ. Tới bờ, tại hạ sẽ buông tha Bình-Nam vương. Mục đích của tại hạ ẩn thân dưới thuyền, chẳng qua vì bộ Lĩnh-Nam vũ kinh với bộ Dụng binh yếu chỉ mà thôi. Trong túi Bình-Nam vương đây có hai thứ đó, đều bọc giấy dầu. Như vậy quá đủ.

Đoàn Thông cười nhạt một tiếng, chàng đã thay dầy. Người chàng vọt lên cao như cái pháo thăng thiên, rồi chúi đầu xuống biển, đúng ngay chỗ Triệu Tu với Triệu Thành. Còn ở trên cao, chàng xuất chiêu Kình-ngư quá hải đánh xuống đầu Triệu Tu. Tu kinh hoảng, vọt người lên như con cá.

Còn lơ lửng trên không, Đoàn Thông biến đổi thế chưởng, chàng đá gió một cái, người vọt theo Triệu Tu. Chàng rơi xuống ngay cạnh Tu với Thành.

Thấy Triệu Tu để tay lên đầu Triệu Thành, Minh-Thiên nói với Dực-Thánh vương:

– Xin vương gia truyền Đoàn đề đốc không nên bức Tu. E y hại chúa công của bần tăng.

Dực-Thánh vương nói vọng xuống:

– Đoàn đề đốc! Hãy để cho y đi.

Đoàn Thông vọt người một cái lên cao, chàng đá gió, người tà tà rơi xuống giữa chiến thuyền. Chàng ra lệnh cho thả cái mủng xuống, cùng với bốn thủy thủ.

Triệu Tu ôm Triệu-Thành vọt mình lọt vào mủng. Y nói vọng lên trên soái thuyền:

– Xin các vị bơi xa xa. Đợi khi tại hạ tới bờ, rồi hãy tiếp giá Bình-Nam vương cũng chưa muộn.

Sự việc xẩy ra, khiến Dực-Thánh vương lo nghĩ vô cùng. Vương được lệnh tiễn sứ đoàn về Trung-quốc, thế mà trên soái thuyền, có gian tế, bắt chánh sứ đi, tội này không nhỏ. Vương đưa mắt nhìn Đoàn Thông, nghĩ thầm:

– Ta cứ đổ lên đầu tên Đoàn-Thông này. Đợi trở về Thăng-long, ta dùng quân luật, chặt đầu y, với viên thuyền trưởng Trịnh Sơn về tội không quản thúc, bảo mật để gian tế xâm nhập binh đoàn.

Trong khi đó Mỹ-Linh, Thiếu-Mai nhìn nhau than thầm:

– Nguy tai! Mình cứ một điều nói Triệu-Thành là chân mệnh thiên tử, luôn có chư thần phò tá. Thế mà nay Thành bị bắt như thế kia, hỡi ôi bao nhiêu công lao đều đổ xuống sông hết sao?

Chợt động tâm tư, nàng bảo sẽ Đoàn Thông:

– Đề đốc ban lệnh hạ một cái mủng nữa ngay lập tức. Đừng cho ai biết chúng tôi theo tên Lý-Cương.

Mủng hạ xuống. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhảy xuống liền. Bốn thủy thủ chèo theo chiếc mủng trước. Mủng đi được một lúc, đã trông rõ bờ. Thiệu-Thái nhìn lên trời, thấy có đôi chim ưng của Khu-mật viện. Chàng huýt sáo mấy tiếng. Cặp chim ưng vỗ cánh bay theo chiếc mủng thứ nhất.

Mỹ-Linh hỏi:

– Anh sai chim ưng theo dõi Lý Cương đấy à?

– Đành vậy. Y vào bờ trước. Ta vào sau, dễ gì theo được y. Anh sai chim ưng theo chúng. Ta cứ lần dấu chim ưng, ắt tìm ra. Y có bay lên trời cũng không thoát.

Trăng thượng tuần chiếu xuống lờ mờ. Sóng biển rì rào, lẫn với tiếng chèo của bốn thủy thủ.

Lát sau, mủng tới bờ. Đây thuộc sườn một hòn núi hoang, vách núi lởm chởm, không có làng mạc. Chiếc mủng trước ghé vào một gành đá. Thiệu-Thái ngửa mặt lên trời thấy cặp chim ưng vẫn bay lượn trên khu rừng gần đó.

Đổ hết dốc núi, Mỹ-Linh nhìn thấy bóng hai người đi song song. Nàng chỉ cho Thiệu-Thái:

– Không biết hai người kia là ai?

Thiệu-Thái ngửa mặt nhìn đôi chim ưng, rồi nói:

– Chính tên Lý Cương với Triệu Thành.

– Anh có chắc không? Lý Cương bắt sống Triệu Thành. Tại sao hai người lại sóng đôi như cặp bạn thân thế kia? Chúng ta phải theo sát y mới được.

Xuống khỏi chân núi, phía trước hiện ra khu thành trì nhỏ, ánh đèn chiếu ra leo lét. Tới gần cổng thành, Lý Cương để tay vào miệng hú một tiếng. Lập tức trong thành có tiếng hú đáp lại. Lát sau, cửa thành mở, bên trong một người bước ra, lên tiếng:

– Có ai đi theo không?

– Có! Thái dương.

Người đó đến trước Triệu Thành, định quỳ gối hành lễ. Thành phất tay:

– Miễn. Mau đưa chúng ta vào thành. Người khẩn cho binh đội phục ngoài men rừng, thấy người lạ phải lên tiếng báo động, rồi vây bắt hết cho ta.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái men tới sát chân thành. Quan sát kỹ, Mỹ-Linh suýt bật thành tiếng cười, vì đây không phải thành, mà là một trại binh, xung quanh xây tường.

Mỹ-Linh ra hiệu. Thiệu-Thái với nàng vọt lên tường, rồi nhảy vào trong. Hai người núp vào sau một căn nhà nhỏ. Triệu Thành, Lý Cương vào trong căn nhà lớn, đèn đuốc sáng chưng. Hai người vọt mình lên mái nhà. Thiệu-Thái vận công, khẽ dùng ngón tay đục mái ngói hai lỗ. Chàng với Mỹ-Linh ghé mắt nhìn vào.

Triệu Thành, Lý Cương đã thay quần áo khác. Dưới ánh đèn, Mỹ-Linh nhìn rõ có tất cả mười người. Nàng suýt bật thành tiếng kêu. Vì mười người đó gồm có Triệu Thành, Lý Cương, Dương Bá (Nguyên-Hạnh), Cao Thạch-Phụng, Đinh Toàn, Nùng Dân Phú, hai nhà sư Trí-Nhật, Trí-Nguyệt cùng Hạnh-Chân, Hạnh-Như.

Mỹ-Linh than thầm:

– Bọn này mưu đồ gớm thực. Không biết bằng cách nào, chúng liên lạc được với nhau, dàn ra màn kịch kia?

Triệu Thành móc trong bọc ra gói giấy dầu. Y mở gói. Bên trong có hai cuộn giấy. Dương-Bá tiếp hai cuộn giấy trải ra bàn. Triệu Thành nói:

– Việc tìm kho tàng Tần-Hán và Âu-Việt cô gia hoàn toàn ủy thác cho các vị. Vì vậy mới phải bầy ra vở kịch này hầu che mắt bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính. Khi được Hoàng Văn nộp bản đồ. Cô-gia lập tức thức đêm, vẽ ra một bức giả, trao cho Dư Tĩnh giữ. Cho đến giờ này, y vẫn tưởng đó bản đồ thực. Y gọi Lưu hậu bằng dì. Thế mà y vờ theo cô gia, hầu dò thám động tĩnh. Y theo bản đồ giả của cô gia, hoạ lại, sai người đưa về cho Lưu hậu. Y tưởng cô gia ngu. Nào ngờ!

Y ngừng lại một lát, chỉ Lý Cương:

– Phạm tiên sinh phải giả xưng Lý Cương người Tây-hạ. Thế là tiếng đồn ra Bình-Nam vương lấy được bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng binh yếu chỉ, bản đồ kho vàng. Hiện đã bị Tây-hạ đoạt mất. Từ nay võ lâm thiên hạ thi nhau sang Tây-hạ quấy nhiễu.

Lý Cương chỉ vào bản đồ:

– Đây là ghềnh sông Khúc-giang. Đây, Thanh-vân sơn, đây, Cửu-liên sơn. Đây, Long-tiên có ngọn Tuyệt-phong, nơi cất kho tàng. Chúng ta đang ở Đẩu-môn. Muốn đến Long-tiên, nên dùng thuyền tới Khúc-giang, rồi đi bộ. Xin vương gia định liệu. Ta phải làm thế nào đến nơi trước giờ Tý ngày rằm tháng mười một. Năm nay là năm Đinh-Mão, cửa kho tàng mở một lần. Nếu không ai đào kho tàng, phải chờ sáu mươi năm nữa cửa mới mở lại .

Triệu Thành hỏi Lý Cương:

– Phạm tiên sinh! Tôi vẫn thắc mắc tại sao phải đúng giờ Tý, ngày rằm tháng mười một năm Đinh-Mão, cửa kho tàng mới mở một lần? Dường như đây chỉ là mật mã, mật hiệu, chứ không hẳn thế.

– Tuy không hẳn thế, ta vẫn cứ tới nơi xem cho rõ ngọn nguồn.

Triệu Thành hỏi:

– Mấy hôm nay có tin tức gì khác lạ không?

– Khải tấu vương gia, tai mắt Lạc-long giáo rất nhiều. Bọn thần trăm khôn, nghìn khéo mới lọt khỏi con mắt bọn chúng. Dường như đến bốn trưởng lão Lạc-long giáo đã hiện diện ở vùng này rồi. Có lẽ chúng còn chờ giáo chủ của chúng, rồi mới hành sự.

– Người mau cho ngựa lưu tinh truyền lệnh của ta, điều động ba hải đoàn đóng dọc sông từ cửa biển Hổ-môn lên tới Khúc-giang, kiểm soát chặt chẽ tất cả thuyền buôn. Thấy ai lạ mặt, cứ bắt giam hết. Trên bộ, người cho điều hai Lữ thiết-kị, đóng ở Cửu-liên sơn, Thanh-vân sơn.

Y cười lớn:

– Còn tên giáo chủ Lạc-long giáo, ta không sợ. Giờ này y đang ở trên soái thuyền ngoài khơi. Soái thuyền của Đại-Việt, không có binh phù của ta, chúng không thể cập bến, lên bộ. Hiện y theo về ta. Tuy vậy vẫn phải đề phòng y thấy của, tối mắt lại.

Y hỏi Dương-Bá:

– Với lực lượng chúng ta bằng này người có đủ chưa, hay phải viện thêm?

– Tấu vương gia, đây thuộc Tống. Ta có binh lực hùng mạnh, không cần cao thủ. Bọn chúng kéo đến bao nhiêu người. Ta bất chấp luật võ lâm, cho thiết kị bắt chặt đầu hết.

– Tình hình Nam-biên ra sao?

– Thân Thừa-Qúy cùng vợ điều động trọng binh uy hiếp tất cả các khê động Đại-Việt đã bỏ theo ta. Vì vậy trọn vẹn 207 khê động đều trở về với Đại-Việt?

Triệu Thành cau mặt:

– Lưu hậu chịu ngồi im sao? Bà ta không phản ứng gì à ?

Lý Cương lắc đầu:

– Thực kỳ lạ! Không hiểu sao gần như trọn vẹn biên thần Nam-phương đều thượng biểu về triều rằng các khê động tự trở lại với Đại-Việt. Một số biên thần từ trước đến nay kình chống Đại-Việt tự nhiên cùng gặp tại vạ.

– Tai vạ gì? Không lẽ Đại-Việt ra tay ?

Triệu Tu lắc đầu:

– Khó có thể đoán rằng việc này do Khu-mật-viện Đại-Việt. Những tai vạ đều giống nhau: bố mẹ, hoặc anh em ở quê quán tự nhiên lăn đùng ra chết. Vì vậy họ phải về quê chịu tang. Người không có bố mẹ, thì nhà cửa cháy rụi. Những người ở quá xa Nam-biên lại lâm bệnh nặng. Vì vậy chỉ còn những người nhu nhược hoặc thân Đại-Việt, cho nên họ buông xuôi cho Đại-Việt làm truyện đó. Hỡi ôi! Bao nhiêu công lao đe đọa, cùng dụ dỗ các khê động đều biến thành tro bụi cả.

– Không lẽ vụ này do Lý Long-Bồ. Tin tức về y ra sao?

– Y mới cưới vợ. Vợ là con gái Trần Tự-An. Y suất lĩnh một sứ đoàn sang Biện-kinh. Khi tới biên giới, quan tuần biên cho ngựa báo về kinh. Triều đình ban chỉ tiếp đãi ân cần. Thần trình binh phù của vương gia, lệnh cho quan lại thù tạc y, để giám sát. Dường như y không đi tìm kho tàng thì phải.

– Như vậy càng hay. Ta chỉ sợ có hai người. Một là Lý Long-Bồ. Hai là Thân Thiệu-Thái. Nay cả hai đã bị cầm chân. Ta yên tâm đào kho tàng lên.

Triệu Thành im lặng một lúc, rồi y hắng rặng nói:

– Cô gia muốn nói với các vị mấy điều. Mong các vị cứ thành thực cho ý kiến. Dù ý kiến đó thế nào chăng nữa.

Dương-Bá kính cẩn:

– Thần xin chờ chỉ dụ của vương gia.

Triệu Thành ngồi ngay ngắn lại:

– Minh-Thiên đại sư, Đông-Sơn lão nhân, cùng Dư, Vương, Địch đều đồng ý giúp cô-gia kiến tạo sự nghiệp của Hán Vũ-Đế, Đường Thái-Tông. Cô-gia phân vân vô cùng.

Cả bọn ngơ ngác chờ đợi. Triệu Thành tiếp:

– Khi mệnh trời ban cho, mà không làm, thực không còn gì nguy hiểm bằng.

Rồi y tường thuật tất cả những gì bàn luận, cũng như đã gặp trên đường từ Thăng-long đến đây. Có điều y dấu không nói đến việc Lê Thiếu-Mai coi tướng cho y mà thôi.

Y hỏi Lý Cương:

– Sư đệ, trong thời gian người ẩn dưới soái hạm, người có dò la được những bí mật gì khác không?

– Bọn Đại-Việt rất khôn ngoan. Khi đệ nhờ Đàm Can giúp đỡ, đội tên Lý Cương dự tuyển vào thủy quân hồi tháng trước. Chúng không tin tưởng cho lắm. Vì vậy chúng cho đệ giữ chức trưởng bếp trên soái hạm. Viên thuyền trưởng Trịnh Sơn cho phép đệ chỉ được di chuyển trong vùng bếp, kho thực phẩm, sàn thuyền. Chúng còn dặn rằng, đáng lẽ đệ phải qua cuộc khảo xét lý lịch. Nhưng nhờ có Đàm Can bảo lĩnh, đệ được phong chức đội. Tuy vậy vẫn bị giám sát sáu tháng. Thành ra thời gian ở chiến hạm đệ không biết gì ngoài việc bếp núc. Tuy nhiên có một việc thần thấy hơi khác lạ.

– Việc gì?

– Khi ở dưới chiến hạm, vương gia truyền bắt giam ba người tên Thái Thân, Đỗ Linh, và Lý Lệ. Khi đội Đam gọi ba người lên làm bếp, động tác của họ dường như thuộc giới võ lâm, chứ không phải người thường.

Triệu Thành cười:

– Dù ta có nghi ngờ gì chúng chăng nữa, bây giờ chúng đã ở trong bụng cá tiêu ra phân từ lâu ?

– Nghĩa là?

– Cô gia sai Triệu Huy ném ba đứa xuống biển đã mấy hôm rồi.

– Còn việc thần bị phóng độc, độc chất cực kỳ lợi hại. Thú thực cho đến giờ phút này, thần cũng không biết ai phóng độc, và phóng bao giờ?

Dương-Bá hỏi:

— Thần rất quan tâm đến việc vương gia cùng nhiều người bị trúng phấn độc Hồng-thiết giáo Trung-quốc cùng Ngũ-hoa phấn. Hiện những người kia chưa khỏi, duy Vương-gia tự nhiên khỏi. Vậy phải đặt vấn đề: Ai phóng chất độc. Thần nghĩ người này tất liên quan tới Hồng-thiết giáo Trung-quốc.

Triệu Thành phất tay:

– Hãy bỏ qua truyện đó. Ban nãy Phạm đệ bị trúng độc, cô-gia đã dùng thuốc giải của Hoàng Văn cho uống, tạm thời cơn đau trấn tĩnh. Bây giờ các vị có ý kiến gì về điều cô-gia hỏi.

Đinh Toàn nói ngay:

– Vương gia! Tôi nghĩ đúng như vương gia nói: Thời đến đừng bỏ qua. Có điều bây giờ chúng ta phải làm gì trước, làm gì sau. Thời gian bao lâu Vương-gia sẽ lên ngôi cửu ngũ?

Nguyên-Nghiễm nói với Nguyên-Hạnh:

– Phiền tướng quân cùng các vị sang bên cạnh nghỉ. Ta cần bàn riêng với sư đệ ít chuyện.

Mọi người ra ngoài rồi, Lý Cương đóng cửa lại. Y nói:

– Hiện giờ binh quyền, cùng võ lâm trong tay Vương gia, việc Vương gia lên ngôi cửu ngũ dễ như trở bàn tay. Có điều bản triều, kể từ đức Thái-tổ chính vị, lấy Nho-học trị thiên hạ. Chưa bao giờ Nho thịnh như vậy. Khắp trong nước, chính pháp do triều đình, cùng bách quan. Nhưng thực tế dân chúng điều khiển bởi bọn sĩ phu ở hương thôn. Cho nên Vương-gia làm sao tỏ đức khắp nơi như vua Thuấn, vua Vũ khi xưa, mới khiến bọn Nho gia không chê trách vào đâu được. Bằng không họ sẽ phỉ báng, coi ta như họ Tào cướp ngôi nhà Hán. Họ Tư-mã cướp ngôi nhà Ngụy. Vì vậy đệ xin dâng ba khoản.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.