Nhà vua nhìn mẹ nuôi, mẹ đẻ đang chiết chiêu đến độ một sống, một chết, mà lòng lo lắng:
– Bất cứ ai trong hai bà mẹ bị tổn thương, cũng là thảm họa cho triều đình? Làm sao bây giờ?
Nhà vua muốn hỏi Định-vương. Nhưng nghĩ lại:
– Thái-sư yêu thương ta vô cùng tận. Nhưng người yêu ta với yêu giòng họ Triệu không thể tách rời. Lưu hậu đã gây ra biết bao thảm họa cho hoàng tộc. Bây giờ bà lại muốn hại Thái-sư, hại cả ta. Ta mà hỏi Thái-sư, ắt người sẽ giải quyết vấn đề thực giản dị: Giết Lưu hậu. Điều này thực ta không muốn. Thôi ta đành nhờ nhị đệ vậy.
Nhà vua hỏi Tự-Mai:
– Nhị đệ, ta phải làm gì để vẹn toàn cho hai Thái- hậu.
Tự-Mai định trả lời, thì tiếng Thông-Mai rót vào tai:
– Thằng cà chớn, nghe đây. Tuyệt đối không ra tay, để Lưu hậu phải dùng Chu-sa ngũ độc chưởng cùng võ công Lĩnh-Nam. Như vậy triều thần mới thực sự tin rằng Lưu hậu là con Lê Lục-Vũ.
Tự-Mai tỉnh ngộ trả lời nhà vua:
– Hoàng huynh đừng lo. Đệ khắc có biện pháp đối phó. Trước hết ta phải trừ mấy tên đầu sỏ kia. Sau đó xin Lưu hậu ngừng tay, và để Lưu hậu nguyên địa vị cũ. Khi chân tay Lưu hậu mất hết, quyền hành không còn, ta chẳng lo gì nữa.
Nhìn trận đấu, Tự-Mai hiểu ý Thông-Mai:
– Xét ra nội công Nga-mi Lý hậu ngang với nội công Hoa-sơn của Lưu hậu. Nếu Lưu hậu muốn thắng Lý hậu, bà phải dùng võ công Đại-Việt hoặc Hồng-thiết công. Ta nên làm thế nào cho Lý phi chiếm được tiên cơ, để Lưu hậu lộ hình tích mới được. Hôm trước Lý hậu bị bại, mình đã bắn sỏi cứu bà. Bây giờ giữa chỗ đông thế này, mình sao có thể ra tay trợ thủ?
Quần thần triều Tống đã nghe truyền tụng rằng võ công của Lưu hậu cao thâm, nhưng chưa một ai kiến thức qua. Bây giờ nhìn tận mắt trận đấu của bà với Lý hậu, họ mới bật ngửa ra rằng:
– Hỡi ơi, từ trước đến nay ai cũng chỉ biết Lý thần phi xuất thân từ phái Nga-mi võ công cực cao mà thôi. Không ngờ Lưu hậu lại là một đại hành gia, võ công kinh thế hãi tục thế kia? Nhưng võ công của Lưu hậu là võ công Hoa-sơn chứ đâu có phải võ công Hồng-thiết với Đại-Việt?
Tự-Mai đến bên Thiệu-Thái, chàng hỏi nhỏ:
– Ông ỉn này. Hôm đại hội Thăng-long, từ mẹ em, cho đến Chu Vân-Nga đều dùng phương pháp nhắc lại những kỷ niệm tình cảm của bọn Lê Ba, Nguyễn Chí, khiến công lực chúng giảm. Vậy nếu như một phụ nữ luyện Hồng-thiết công…
Thiệu-Thái hiểu ý Tự-Mai, chàng nói:
– Đối với phụ nữ cũng thế. Chỉ cần nhắc nhở đến những tình cảm của người chồng với họ, hoặc làm cho họ nổi cơn ghen lên, là chân khí hỗn loạn ngay. Có phải em muốn nhiễu loạn Lưu hậu, để bà lộ chân tướng ra không?
– Đúng vậy.
Trong khi đó, Lưu, Lý hậu vẫn phát những chiêu sát thủ kinh người. Mỗi lần hai chưởng gặp nhau lại bật lên tiếng binh. Dần dà, sau mấy chục chiêu Lý phi có vẻ yếu thế. Cứ ba chiêu bà mới trả lại được một chiêu.
Tự-Mai hỏi nhà vua:
– Đại ca này! Hôm trước, trong tửu lầu Cô-tô, đại ca thấy bài từ của phụ hoàng đề trên bức tranh vẽ Khấu Kim-An. Đại ca nhận ra vì nét chữ hay vì đã thuộc lòng?
Nhà vua thấy giữa lúc sáu người đấu chưởng chí mạng, mà cậu em lại hỏi truyện cũ không ăn nhằm gì tới thực tại, thì hơi khựng lại, nhưng vẫn trả lời:
– Bài từ đó ta thuộc lòng. Nhưng nhị đệ chớ có nhắc tới, Lưu thái hậu sẽ nổi nóng ngay đấy. Trong cung, ai cũng thuộc, nhưng không dám đọc, vì sợ mẫu hậu lên ruột.
Tự-Mai đưa mắt nhìn Lê Văn. Lê Văn hiểu liền, chàng nói sẽ bằng tiếng Việt:
– Có phải anh muốn bảo em ngâm bài từ vua Chân-tông đề tặng Khấu-kim-An để làm giảm công lực Lưu hậu không?
– Đúng thế. Anh không thể ngâm, vì hiện giờ anh là phò mã mà nhắc lại truyện tình của phụ hoàng thì không ổn.
Lê Văn cốc vào đầu Tự-Mai:
– Anh thông minh thế, mà chỉ vì ái tình nó vật mờ người đi nên không nghĩ ra. Lưu hậu là người Việt, biết nói tiếng Việt. Anh cứ ngâm bài từ đó lên bằng âm Việt hay dịch ra tiếng Việt. Như vậy chỉ mình Lưu hậu nghe. Triều thần đâu hiểu gì mà trách anh được?
Tự-Mai năn nỉ:
– Văn đệ giúp ta đi. Muôn ngàn lần cảm ơn.
Lê Văn bật cười:
– Thôi, đã vậy để em làm công việc ấy cho.
Y hướng Lưu hậu nói lớn lên bằng tiếng Việt:
– Tâu Thái-hậu. Thái-hậu không thắng được Lý hậu ư? Xưa kia Lý hậu chẳng theo hầu lão nhân gia ư? Võ công lão nhân gia cao hơn Lý hậu biết bao, mà nay sao vô lực như này? Thái-hậu ơi! Lão nhân gia vốn người Việt, mà leo lên tột đỉnh danh vọng như vậy quá đủ rồi. Nay mọi sự đã bại lộ, lão nhân gia nên rút về hậu cung an dưỡng tuổi già chẳng thú lắm ru, hà cớ còn tranh dành làm gì?
Nghe Lê Văn nói, Lưu hậu nổi nóng:
– Thằng ranh con biết gì mà nói.
Vô tình bà dùng tiếng Việt. Triều thần đều gật đầu:
– Lời Khai-Quốc vương tố cáo, cũng như Sử-vạn Na-vượng khai quả không sai. Thì ra Lưu hậu là người Việt thực. Có điều không biết bà là con Nhật-Hồ lão nhân hay Lê Lục-Vũ?
Lê Văn tiếp:
– Nhớ xưa kia Tiên-hoàng sủng ái Thái-hậu biết bao. Nhưng vãn niên người lại say mê Khấu tiểu thư đến điên đảo thần hồn. Hôm tới Biện-kinh thần nghe nói khắp nơi truyền tụng rằng Tiên-hoàng làm bài từ đề trên bức tranh vẽ Khấu tiểu thư. Tò mò thần chép lại, rồi học thuộc. Nay xin dịch sang tiếng Việt để Thái-hậu chỉnh cho những chỗ khiếm khuyết.
Trọn đời Lưu hậu, được vua Chân-Tông sủng ái cùng cực. Chỉ duy một lần: Cuối đời, nhà vua định phế bà, lập Khấu Kim-An lên thay. Bà hận vô cùng. Cho nên mỗi khi ai nhắc đến truyện này, bà lại lên ruột. Không ngờ bây giờ Lê Văn nói lên giữa triều thần. Bà liếc nhìn y với tất cả căm hận.
Lê Văn đọc lớn:
Giai nhân như sương mờ,
Gót sen đi trong mơ,
Ánh mắt, nụ cười, trời nghiêng, đất lở.
Môi hồng, da tuyết, như vạn bài thơ.
Tự-Mai suýt bật thành tiếng cười, vì Lê Văn dịch tào lao, y chỉ giữ ba phần ý, còn bẩy phần bịa. Nhưng Lưu hậu nghe đến đây khí uất bốc lên đến cổ, bà chửi tục:
– Tiên sư cha thằng ôn vật, có câm đi không?
Lê Văn càng trêu già:
– Ngoài ra Tiên-đế còn làm một bài ca, thần xin dịch sang tiếng Việt, ca cho thái hậu nghe.
Chàng rút hai cái phách trong bọc đánh vào nhau bắt nhịp, rồi cất tiếng hát theo điệu ca trù. Trong khi Bảo-Dân lấy tiêu ra hòa nhịp:
Gót tiên lãng đãng như sương,
Má hồng thu cả bốn phương hoa đào.
Người đâu tá? Hằng-Nga hay tiên tử?
Lạc thiên cung xuống Trung-thổ bấy lâu nay?
Tiếng thanh tao như oanh hót trên cây,
Dù Phi-Yến, dù Tây-Thi phải cúi đầu lùi bước.
Mỹ nhân khả tác kim cung tặng,
Hoa hậu thiên niên bất dị tầm.(1)
Nghìn năm sau, tiếng tài hoa, tiết liệt ai bằng?
Khắp kim cổ luận bàn về tài sắc.
Nếu Kim-An tiên nữ ngự tại cung Hàn trắc,
Thì Hằng-Nga không tử tự cũng khóc hu hu,
Huống chi Lưu hậu chuột chù?
Chú giải.
(1) Hai câu này nghĩa là: Người đẹp đáng làm cung điện bằng vàng cho ở. Hoa hậu đẹp như vậy, khó tìm ở nhân gian.
Sứ đoàn Đại-Việt, dù nghiêm trang như Khai-Quốc vương, dù chân thật như Thiệu-Thái, nghe Lê Văn ứng khẩu làm bài hát theo điệu Ả-Đào để ca tụng Khấu Kim-An, trêu Lưu hậu; đều không ngăn nổi tiếng cười. Vì điệu ca trù do Đào Hà-Thanh mới sáng chế ra gần đây, e rằng Lưu hậu chưa từng nghe qua, chưa từng biết, thế mà y dám bảo dịch từ bài thơ do vua Chân-tông sáng tác, thì còn trời đất nào nữa? Ý tứ trong bài ca-trù vừa ngỗ nghịch, vừa châm biếm. Tuy nhiên giọng ca Lê Văn rất tốt, ai nghe cũng cảm thấy hay. Nhưng mỗi chữ, mỗi lời đó lọt vào tai Lưu hậu như một mũi kiếm đâm trúng tim bà.
Tức quá chân tay Lưu hậu muốn run lên. Bà phóng một chưởng hướng đỉnh đầu Lê Văn như trời long đất lở. Lê Văn vội trầm người xuống tránh, tay chĩa lên một chỉ. Nếu Lưu hậu đánh xuống thì huyệt Thiếu-phủ của bà bị tổn thương. Bà vội biến chưởng thành cầm nã bẻ ngón tay Lê Văn. Yù vọt mình lên cao tránh khỏi.
Nhờ Lưu hậu tấn công Lê Văn, Lý hậu chiếm lại được thế công, bà đánh liền ba chưởng. Lưu hậu phải bỏ Lê Văn quay lại đỡ bình, bình, bình.
Lê Văn biết có kết qủa, chàng tiếp:
– Thái hậu ơi. Thần nghe Tiên-đế sai người dấu Khấu mỹ nhân một nơi, rồi đêm đêm người hội ngộ với nàng… Tình ý nồng nàn vô hạn.
Lưu hậu hét lên:
– Tên ôn con mất dạy, làm gì có truyện đó. Mi… mi mau im mồm đi ngay!
Đến đây chân khí trong người Lưu hậu hỗn loạn, chiêu số rời rạc, Lý hậu đánh liền ba chưởng như trời long đất lở. Bà bị bật lui tới chân cột. Cùng đường, bà phát chiêu Chu-sa ngũ độc chưởng. Bình một tiếng. Lý hậu bật lui liền ba bước. Mùi hôi tanh nồng nặc khắp điện.
Lý hậu vội vận phản Chu-sa độc công, rồi lùi một bước. Lưu hậu trong cơn ghen, quên mất việc dấu chân tướng. Bà đánh liền năm chiêu Chu-sa độc chưởng. Mùi hôi tanh bay khắp điện. Lý hậu thủy chung vừa đỡ vừa lui.
Lê Văn sợ Lý hậu bại, chàng tiếp:
– Hỡi ơi! Khi Tiên-đế sủng ái Khấu tiểu thư, thì Thái-hậu đã già lắm rồi, đó là lẽ thường, lão nhân gia chẳng nên giận dỗi làm gì! Thái-hậu ơi. Bây giờ ai cũng biết lão nhân gia là con gái của đại ma đầu Lê Lục-Vũ, nhũ danh Lê Hồng-Minh hay Kiều-Thu thì còn hy vọng gì nắm trọng quyền nữa.
Lưu hậu chửi:
– Đồ con nhà mất dậy.
Lê Văn càng trêu già:
– Tiên đế thực minh kiến, nên làm bài ca ví Thái-hậu như chuột chù. Chuột chù hôi thối nồng nặc, mà sao Tiên-đế lại ví như vậy kìa? À, chắc trước đây Thái-hậu luyện Chu-sa chưởng nên thánh thể có mùi giống chuột chù chăng? Ôi! nay thời của Thái-hậu hết rồi. Nào Thái-hậu, nào uy quyền, nào mưu chiếm Đại-Việt, nào biến Thiên-hạ thành một nước Hồng-thiết giáo nay thành mây khói. Lui về đi thôi Thái-hậu ơi.
Chàng ca vang cả điện lên:
Trường giáp qui lai hề,
Quyền dĩ khứ.
Trường giáp qui lai hề,
Thời dĩ tuyệt.(2)
Chú giải
(1) Tả-truyện chép: Mạnh Thường-Quân nuôi trong nhà ba nghìn tân khách. Tùy tài năng đức độ, tân khách được phân loại. Loại được ăn thịt, loại được ăn cá, loại chỉ được ăn rau. Một tân khách thuộc loại ăn rau, gõ vào bao kiếm ca:
Trường giáp qui lai hề,
Thực vô ngư.
Nghĩa là:
Gươm dài ơi,
Về đi thôi,
Ăn không cá.
Mạnh-Thường-Quân thay đổi bậc, cho ông ta ăn cá. Ông ta gõ gươm ca:
Trường giáp qui lai hề,
Thực vô nhục.
Nghĩa là:
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Ăn không thịt.
Mạnh Thường-Quân lại đổi cho ông ta ăn thịt. Ít lâu sau ông ta lại gõ kiếm ca:
Trường giáp qui lại hề,
Xuất vô xa.
Nghĩa là:
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Đi không xe.
Mạnh Thường-Quân nói với ông:
– Ông thực không biết điều. Ta đã thay đổi bậc cho ông hai lần rồi, mà ông chưa thỏa mãn ư?
Tân khách đó sự thực không tham ăn, y hát như vậy chỉ muốn được tiếp kiến riêng với Mạnh Thường-Quân. Bây giờ được đối diện rồi, ông bầy cho Mạnh Thường-Quân một kế an ninh lâu dài.
Lê Văn buột miệng hát nghêu, đổi đi một chút trêu Lưu hậu:
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Quyền đã mất.
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Thời đã tuyệt.
Rồi chàng cầm ống tiêu đưa lên miệng mà thổi.
Khí uất trong người Lưu hậu bốc lên, chân khí chạy nhộn nhạo, bà thở hồng hộc, chưởng phát không ra nữa. Bà chỉ vào Lê Văn miệng lắp bắp:
– Tiên nhân cha mày, mày động mồ động mả hay sao mà trêu bà. Bà…
Đến đó Lý hậu cười lớn:
– Thái hậu, người đánh tôi mấy chục chưởng. Bây giờ xin Thái-hậu nhận lại của tôi ba chưởng, gọi là có đi, có lại.
Nói rồi bà phát ra chiêu chưởng nhẹ như gió thoảng qua:
– Một này.
Lưu hậu cảm thấy tay nặng nề, bà từ từ đưa lên đỡ. Bộp một tiếng, bà rung động toàn người, rồi cảm thấy như con dao đâm vào ngực đau đớn vô tả. Lý phi cười nhạt:
– Chiêu thứ nhì đỡ này.
Lưu hậu nghiến răng đỡ, bình một tiếng, khắp người bà như muôn ngàn mũi dao đâm vào. Lý hậu không tha:
– Chiêu thứ ba này.
Lưu hậu cố gắng đỡ, người bà như đeo hàng trăm cân đá. Lý hậu cười nhạt:
– Thôi, thái hậu làm nhục tôi, chia rẽ tình mẫu tử bấy lâu, nay lĩnh hậu quả này thì đừng oán hờn chi cả.
Lưu hậu run lên bần bật:
– Ái, đau chết đi.
Người đàn bà bịt mặt đứng lược trận xẹt tới, phất tay một cái, Lưu hậu bật lùi ba bước, rồi mụ vòng tay lên đỡ chưởng của Lý phi. Bình một tiếng Lý phi cảm thấy như trời long đất lở. Bà bật lùi ba bước, khí huyết trào lên cổ, bà ọe một tiếng, khạc ra một búng máu.
Thuận-Tường la lớn:
– Trần đại ca, mau cứu mẫu hậu.
Dù Thông-Mai đã dặn, nhưng tiếng kêu cứu của Thuận-Tường làm Tự-Mai không tự chủ được, chàng lách mình đến ôm lấy Lý hậu nhảy lùi lại sau, tay vòng một chưởng đỡ chiêu thứ nhì của mụ bịt mặt. Bình một tiếng. Nó cảm thấy cánh tay tê chồn, tai phát ra tiếng kêu vo vo không ngừng.
Mụ bịt mặt không tha, tay mụ vòng lên cao, đánh xuống một chưởng mạnh kinh người. Tự-Mai nhận ra đó là chiêu Loa-thành nguyệt chiếu của phái Mê-linh. Thuận tay chàng phát chiêu Thanh-ngưu ư hà trong Phục-ngưu chưởng. Hai chưởng dương cương gặp nhau, phát ra tiếng kêu lớn. Áp lực làm mọi người muốn nghẹt thở.
Tự-Mai mượn đà, nhảy lùi lại liền ba bước. Vô tình chàng đứng trước Mỹ-Linh. Mỹ-Linh phát nhẹ một chiêu vào lưng Tự-Mai, rồi đỡ lấy Lý thái-hậu.
Tự-Mai được cha, chú luyện tập căn bản cực kỳ vững trãi. Lúc ở trong động Xuân-Đài, chàng với Khai-Quốc vương học được thần công Yên-lãng, nhưng vì không có mật ngữ, nên khi phát lực không mạnh. Đợi đến trận Tản-lĩnh, chàng được Đặng Đại-Khê truyền mật ngữ cho, công lực của chàng tiến vô cùng. Tiếp theo, chàng hút công lực của hai đại cao thủ phái Hoa-sơn, đến đây bản lĩnh chàng ngang với bọn trưởng lão Lạc-long giáo.
Vừa rồi chàng hút nội lực của Sử-vạn Na-vượng, Tào Lợi-Dụng. Đúng ra với công lực tổng hợp, nội công chàng không thua Đại-Việt ngũ long làm bao. Nhưng phàm khi hút nội lực, cần phải có mấy tháng để qui liễm hoà hợp nhau. Vì vậy hiện công lực của chàng chưa đến chỗ tối cao. Thế mà chưởng của người bịt mặt hùng hậu vô cùng. Do đó chàng bị lạc bại.
Người đàn bà bịt mặt lên tiếng:
– Tên ôn con, rõ ràng mi là đệ tử phái Đông-a, thế mà sao mi còn luyện cả nội lực Hoa-sơn, Tản-viên nữa?
Tự-Mai thấy người đó bác học vô cùng, chàng khâm phục chắp tay:
– Tiền bối nhận xét đúng. Tiểu bối có cơ duyên luyên Vô ngã tướng thiền công của công chúa Yên-lãng. Rồi sau đó được hai trong Hoa-sơn thất hùng ban cho ít nội lực. Tuy vậy tiểu bối không thể là đối thủ của tiền bối.
Người đó lạng mình chụp nhà vua. Tây-Sơn đạo sư quát lên một tiếng, chĩa thẳng ngón tay vào chưởng người kia. Người kia biến trảo thành cầm nã bẻ ngón tay lão. Lão biến chỉ thành quyền đập vào cườm tay mụ. Bộp một tiếng, cả hai cùng cảm thấy ê ẩm khắp cánh tay.
Tuy bị đau đớn, nhưng mụ vẫn không ngừng lại. Mụ biến chiêu thần tốc không thể tưởng tượng nổi. Tay bật lên cao, vòng qua vai Tây-Sơn đạo sư, vươn ra chụp nhà vua. Vô tình người mụ sát vào Tây-Sơn đạo sư. Ông vội đẩy một chưởng vào bụng mụ. Ai cũng tưởng mụ sẽ nhảy lùi lại tránh. Không ngờ người mụ di chuyển, vẫn sát vào Tây-Sơn đạo sư.
Thấy nguy hiểm, Tự-Mai vội ôm nhà vua nhảy lùi lại ba bước. Trong khi đó chưởng của Tây-Sơn đạo sư chạm vào ngực mụ. Ông kinh hoàng vội thu kình lực lại, nhưng chỉ được bẩy phần. Còn ba phần trúng ngực mụ đến bình một tiếng.
Lão xấu hổ, vội lên tiếng:
– Bần đạo vô ý, xin tạ lỗi.
Mụ nhảy lùi lại cười khành khạch:
– Người ta đồn Hoa-Sơn ngũ lão đạo cao đức trọng, nào ngờ cái căn bản nhỏ xíu Nam nữ thụ thụ bất tương thân cũng không biết giữ, giữa chốn triều cương thế này, mà người dám trêu ghẹo lão nương ư?
Mụ cười the thé:
– Cái tội trêu ghẹo lão nương, là do đạo sư tự tìm lấy cái chết, chứ lão nương không chủ tâm ác ý đâu.
Tây-Sơn lão nhân chưa hiểu rõ câu nói của mụ, thì mụ chỉ vào tay lão:
– Lão hãy nhìn tay mình thì rõ.
Tây-Sơn lão nhân đưa tay lên nhìn. Bàn tay lão tím ngắt. Lão quát lên:
– Thì ra bọn ngươi thuộc bang Nhật-Hồ.
Lão vung chưởng tấn công mụ. Nhưng chưởng chưa ra, mà tay lão đã
mất hết lực, lão nghiến răng ngồi vận công chống đau.
Trần Trung-Đạo quát lên thực lớn:
– Ngừng tay!
Sáu người cùng nhảy lui lại.
Chàng bước ra xá mụ già bịt mặt:
– Thì ra tiền bối là Bắc-sứ của Hồng-thiết giáo Đại-Việt đấy. Từ lâu võ lâm hằng nghe danh tiền bối như sấm nổ bên tai. Nhưng chưa ai biết dung nhan tiền bối ra sao. Xin tiền bối mở khăn ra cho mọi người được diện kiến.
Mụ cười the thé:
– Về võ công, mi bất quá là tên tiểu mao đầu. Khi lão nương thành danh trên chốn giang hồ, thì mi chưa ra đời. Còn về địa vị quan trường, bất quá mi là viên tướng nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu mà dám xung chàng với ta ư?
Trung-Đạo cười nhạt:
– Tiểu bối dùng lễ võ lâm, mà tiền bối không muốn hiển lộ dung nhan. Vậy tiểu bối xin làm nhiệm vụ của Điện tiền chỉ huy sứ. Mong tiền bối thứ lỗi.
Chàng khoằm khoằm phát chiêu ưng trảo chụp khăn bịt mặt của mụ. Chiêu số chậm chạp, nhưng kình lực mạnh vô cùng. Mụ cười nhạt, xỉa tay vào ngực chàng, nếu chàng không thu tay đỡ thì vỡ ngực ra mà chết. Ai cũng tưởng Trung-Đạo phải thu tay về nhảy lui lại. Nhưng tay chàng vẫn không đổi chiều. Cùi chỏ hơi co lại, đập vào cùi chỏ mụ. Chàng nghiến răng vận công. Bàn tay mụ đánh trúng ngực chàng đếp bộp một tiếng. Trong khi tay chàng chụp trúng chiếc khăn che mặt mụ. Xoạc một tiếng, chàng nhảy lui lại, hít hơi, điều tức.
Triều thần cùng bật lên tiếng ủa rồi ái chà đầy vẻ khủng khiếp. Còn Nong-Nụt thấy mụ, nàng hét lên, núp sau Lê Văn. Ai cũng nhận ra mụ là đạo cô đạo cao, đức trọng, thường ra vào cấm cung từ đời vua Thái-tông, được phong tước Ngọc-Chân huyền quân, phụ trách giảng dạy lễ nghi cho cung nga, công chúa. Lưu thái-hậu không mấy ưa mụ. Mụ chưa từng nói truyện với Lưu hậu bao giờ. Nào ngờ mụ lại là nữ đại ma đầu Nguyễn Thúy-Minh, hay Tăng Tuyết-Minh, vợ Lê Lục-Vũ tức nhiên là mẹ Lê Hồng-Minh tức Lưu hậu.
Họ đưa mắt nhìn người áo đen, áo trắng như muốn hỏi xem chúng là ai?
Lê Văn hỏi Nong-Nụt:
– Tại sao em lại sợ con mụ kia?
Nong-Nụt lấm lét nhìn mụ:
– Chính mụ là người tra khảo, đánh đập em ở Hoàng-thành. Cũng mụ ra lệnh bắt giam, tra khảo Khai-Thiên vương phi. Đại ca mau mau đuổi mụ đi.
Nói rồi nàng nắm lấy tay Lê Văn như cầu lấy sự che chở.
Định-vương hướng Khai-Quốc vương:
– Vương gia! Hôm trước anh em chúng ta đã thỏa thuận tại Khúc-giang rằng: Phàm dân Tống phạm tội trên đất Việt, thì Việt bắt trao Tống xử tội. Ngược lại dân Việt phạm tội trên đất Tống, tống trao cho Việt xử.
Vương chỉ vào Lưu thái-hậu cùng ba thích khách:
– Những người này, vốn là dân Việt. Họ phạm trọng tội với bản triều. Vương gia hiện diện tại đây, xin trao trả vương gia, để vương gia phát lạc.
Khai-Quốc vương hướng vào hai người mặc áo đen và trắng:
– Hai vị tiền bối. Mấy chục năm qua hai vị tung hoành trên suốt một giải Hoa-Nam, lan tới Biện-kinh, danh vang một thủa như vậy đủ rồi. Không còn mấy năm nữa hai vị đi vào tuổi tám mươi. Hai vị nên gác kiếm rửa tay quy ẩn chẳng thú vị lắm ư. Hà cớ còn len lỏi vào chốn bụi trần gây ra cảnh chém giết làm gì?
Vương chỉ vào đám sĩ tử:
– Thái-sư tổ chức Anh-hùng đại hội Biện-kinh vào tháng tám. Lưu thái hậu sợ Thái-sư nắm hết anh hùng thiên hạ, vội bầy ra việc tuyển phò mã, với ý nghĩ rằng anh hùng do Thái-sư nắm được sau này, bất qúa chỉ được phong những chức võ quan bình thường, lại không được tín nhiệm. Sao có thể so sánh bằng phò mã, bằng rể đông sàng của tể thần? Sáng kiến Lưu thái hậu thực cao minh không ai tưởng tượng nổi.
Vương ngừng lại rồi thở dài:
– Thế sao hai vị lại dùng phấn độc bắn vào hạ bộ định hại đám thiếu niên này, rồi định đổ cho Thiên-Thánh hoàng đế với Thái-sư để di họa cho hai vị rằng chủ ý muốn kình chống Lưu hậu, mà đánh thuốc độc? Hai vị, một là Tả-hộ-giáo, một là Hữu-hộ-giáo của Hồng-thiết giáo Đại-Việt, bây giờ lại muốn vu oan cho Hoàng-thượng, cho Thái-sư rằng hai người dùng dư đảng bang Nhật-hồ hại sĩ tử?
Nghe đến đây, mọi người mới biết hai lão áo đen, áo trắng là Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc tức Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn hóa danh. Bất giác triều thần Tống mặt nhìn mặt xấu hổ:
– Thì ra Lưu hậu là người của Hồng-thiết giáo Đại-Việt thực. Còn hai lão Tôn, Lê đúng là hai đại ma đầu Đào, Chu thực.
Lão già áo đen quát lên:
– Nói láo. Bịa đặt. Hai lão phu là con dân Hán, sinh trưởng ở vùng Quảng-Nam Đông-lộ, gia phả đời đời ghi, đâu liên quan gì tới bọn cẩu Việt các người. Người đừng nói láo. Chính tên Triệu Nguyên-Nghiễm ép Hoàng-thượng phóng độc hại thí sinh, hầu phá cuộc tuyển anh tài đất nước. Bây giờ mi nói ngược lại.
Thấp thoáng bóng trắng, mọi người thấy hoa mắt một cái, ánh thép lóe lên. Hai lão áo trắng, đen nhảy lùi lại, mặt tái mét, trong khi khăn che mặt rơi xuống. Mọi người đồng ồ lên: Hai lão chính thị Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ.
Lê Lục-Vũ chỉ bóng trắng:
– Mi… Mi… Mi đánh trộm ta ư? Mi là ai.
Bấy giờ y mới biết bóng trắng xẹt đến rút kiếm của y, rồi vung lên cắt khăn che mặt y với Tôn Đức-Khắc là công chúa Bình-Dương.
Mỹ-Linh chỉ vào mặt lão:
– Tả-hộ-pháp. Người tự chối bỏ tổ tiên mình thì tùy ý người. Nhưng người nhục mạ giòng giống Việt của ta thì không được đâu. Ta cảnh cáo cho người biết như vậy cũng đủ rồi. Lần sau ta sẽ cắt lưỡi người.
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
– Ta sơ ý bị đánh trộm. Con lỏi kia, người lại đây, ta đấu với nhau trăm chưởng.
Mỹ-Linh đứng giữa triều Tống, nàng mặc quần áo trắng, khăn vàng,
dây lưng vàng, phơi phới như Quan-thế-âm Bồ-tát, khiến ai cũng phải rung cảm trong niềm kính trọng:
– Thái độ uy nghiêm, mà ngôn từ rõ ra một vị công chúa cha mẹ dân, trong khi kiếm pháp thần thông. Thực không khác Phật-bà.
Nàng mỉm cười:
– Lê tả-sứ. Kiếm pháp mà ta học là Long-biên kiếm pháp của tộc Việt xưa, tuy chỉ mới được ba thành, nhưng cũng đủ dạy dỗ cho bọn vong quốc các người. Nào người hãy rút kiếm ra.
Đông-Sơn lão nhân vái Mỹ-Linh:
– Công chúa điện hạ. Xin công chúa ban cho bần đạo được đòi món nợ cũ với tên ma đầu này.
Lão hất hàm hỏi Lê Lục-Vũ:
– Tên họ Lê kia, người có nhớ ra bần đạo là ai không?
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
– Ta không cần biết đến bọn vô danh tiểu tốt như mi làm gì. Mi hãy nhìn tên sư đệ Tây-Sơn kia, y sắp chết rồi. Mi muốn chết với y thì tiến ra mà lĩnh Chu-sa ngũ độc chưởng.
Nguyên cách đây mấy chục năm, phái Hoa-Sơn đào tạo được mười ba đệ tử. Đứng đầu là Ngũ-hùng, rồi tới Thất-kiệt. Cả mười ba người danh trấn giang hồ. Võ lâm mệnh danh là Hoa-sơn thập tam thái bảo. Sau người đứng đầu Ngũ-hùng là Đặng Đại-Bằng phản sư môn, theo bang Nhật-Hồ. Trong một đêm y về tổng đàn ăn trộm bí lục võ công, chẳng may bị lộ. Y bị vây đánh, súyt mất mạng, thì giữa lúc đó bọn bang Nhật-hồ xuất hiện. Chúng dùng Chu-sa độc chưởng, khiến cho sư phụ bị thương, rồi đi đến mất mạng. Trong bọn đó có hai tên Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc.
Hoa-Sơn là võ phái phát tích ra Tống triều, vì vậy danh dự rất lớn. Nay chưởng môn bị đồ tử phản bội, rồi bị trúng Chu-sa độc chưởng đến mất mạng, thì còn nhục nhã gì bằng? Vì vậy người trong phái âm thầm ngậm hờn, không công bố ra ngoài.
Từ đấy Hoa-sơn ngũ hùng chỉ còn có bốn. Cả bốn người ngày đêm luyện võ, trả thù cho sư môn, vì vậy họ nổi tiếng, được đời tặng cho danh hiệu Hoa-sơn tứ lão. Hôm nay, ngay giữa triều nghi, kẻ thù xuất hiện, hỏi sao Hoa-sơn tứ lão ngồi im được?
Đông-Sơn lão nhân hướng vào Định-vương:
– Xin vương gia cho bần đạo mượn kiếm, để tru diệt ma đầu.
Định-vương vẫy tay, một thị vệ cung kính cúi đầu dâng kiếm cho Đông-Sơn lão nhân. Lão cầm kiếm vòng một vòng, rồi nói với Lê Lục-Vũ:
– Chu Bội-Sơn. Người hãy rút kiếm ra.
Lục-Vũ lạng người đến bên một thị vệ, y đã đoạt được kiếm. Y quát lên một tiếng, tay phóng chưởng tấn công. Sứ đoàn cùng bật lên tiếng:
– Võ công Khúc-giang.
Nhưng trong chưởng lại có mùi hôi tanh nồng nặc. Đông-Sơn lão nhân xỉa kiếm vào giữa chưởng của Lục-Vũ. Lục-Vũ không đỡ kiếm của ông, mà đưa kiếm vòng lên cao. Lối đánh của y giống như hai người cùng chết. Đông-Sơn lão nhân vòng kiếm thành quả cầu bạc, thế là hai người cùng lẫn trong làn kiếm quang.
Kiếm của Đông-Sơn lão nhân vừa mau, lại vừa tinh diệu. Trong khi kiếm của Lục-Vũ thì chậm chạp, thô kệch, nhưng hung hiểm lạ thường. Lý Thái-hậu hỏi Thanh-Mai:
– Vương phi, theo vương phi, cuộc đấu kết qủa sẽ ra sao?
– Tâu thái hậu, về công lực thì Lê cao hơn Đông-Sơn đạo sư. Về kiếm pháp, thì Đạo-sư hơn Lê. Hoa-Sơn kiếm pháp vừa dùng kiếm chiêu, vừa dùng kiếm khí. Trong khi Khúc-giang kiếm pháp thì dùng kiếm khí. Vì vậy khó có thể tiên đoán được.
Hai người đấu được trên hai trăm hiệp, thì Lưu hậu nghiến răng chịu đau, lên tiếng:
– Kết thúc đi chứ!
Lê Lục-Vũ cười nhạt một tiếng. Người y quay như cơn lốc. Một tay tung kiếm, một tay phóng chưởng. Đông-Sơn lão nhân cũng vội dùng tay trái đỡ chưởng của y. Ông thấy chưởng của y sao lại không có lực? Chưởng của ông trúng ngực y đến binh một tiếng. Một làn nước đục tung vào người ông. Ông kinh hãi, vội nhảy vọt lên cao tránh, nhưng cũng bị một tia trúng cổ.
Biết là nước độc, ông không đỡ kiếm của Lê, đưa thẳng kiếm vào cổ y với ý định cả hai cùng chết. Nhưng lực không còn, ông lảo đảo như người say rượu.
Mỹ-Linh đã từng chiết chiêu thắng Đông-Sơn lão nhân. Thế nhưng sau đó, gặp lại nàng, ông luôn dùng ngôn từ trân trọng có lợi cho Đại-Việt. Vì vậy nàng sinh cảm tình với ông. Nay thấy ông sắp nguy. Nàng vội quát lên một tiếng, xẹt tới đưa kiếm vào cổ Lê Lục-Vũ. Lục-Vũ kinh hãi, vội lộn về sau hai vòng. Nhưng Mỹ-Linh di chuyển thân mình, khiến kiếm như dính liền vào cổ y. Y lộn đến vòng thứ tám thì chạm phải bức tường. Lòng y nguội như tro tàn. Y chửi thề:
– Con bà nó! Ta thua mi vì mi đánh trộm. Ta không phục.
Khai-Quốc vương cười nhạt:
– Xin lỗi tiền bối, đứa cháu còn nhỏ tuổi có hơi nóng nảy. Nào bây giờ Lê, Tôn tiền bối có còn chối rằng mình không phải là Chu Bội-Sơn với Đào Tường-Phúc không?
Mặt Tôn Đức-Khắc vẫn lỳ lợm:
– Láo!
Quốc-vương lắc đầu:
– Trời ơi, địa vị hai tiền bối cao biết mấy, mà mình làm lại không dám nhận. Như vậy đâu có xứng dáng? Hai vị là con cháu di thần Ngô triều, ẩn thân ở Khúc-giang, một tay giúp họ Tiền dựng triều Ngô-Việt, danh vang một thủa. Hai vị đã được phong tới tước công mà! Ở đây có nhiều người từng đến nước Ngô-Việt tiếp nhận đầu hàng vào thời vua Thái-Tông, đã gặp hai vị. Mới đây Thái-hậu phong chức tước cho hai vị tới quốc công chứ có nhỏ đâu?
Vương chỉ vào đám sĩ tử:
– Tại sao các vị lại hại đám thí sinh nhỏ tuổi vô tội này?
Lê Lục-Vũ lắc đầu:
– Bịa đặt.
Khai-Quốc vương lắc đầu:
– Dầu sao hai vị cũng có vai vế trong võ lâm, hà cớ lại chối như vậy? Việc hạ độc các thiếu niên đã rõ đen trắng. Bên cạnh mỗi y quan đều có chậu nước, và một khăn lau, để sau khi khám bệnh một sĩ tử, thì rửa tay. Rửa xong lau tay. Đầu tiên Lê tiên sinh sai thái-giám Lê Tất bỏ thuốc giải vào các chậu nước, rồi tung phấn độc vào những chiếc khăn. Thế là trước khi khám bệnh, y quan rửa tay, thuốc giải ngấm vào, tiếp theo lau tay. Phấn độc vào tay, mà y quan vô sự. Khi y quan mó vào người sĩ tử, phấn độc dính vào người họ. Họ bị trúng độc.
Tất cả đám thiếu niên cùng mở to mắt ra kinh ngạc như muốn ăn tươi nuốt sống hai lão Lê, Tôn. Họ cùng thét lên:
– Mau cùng nhau giết hai tên ma đầu báo thù.
Rồi chia nhau vây kín xung quanh hai lão. Lưu hậu thấy chỉ mấy câu ngắn ngủi, Khai-Quốc vương biến đám sĩ tử thành kẻ thù của Tôn, Lê, mà không đụng chạm đến bà. Bà cũng sinh hoang mang. Bà đưa mắt nhìn hai lão:
– Có việc đó ư?
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
– Tên ôn con Lý Long-Bồ kia nói láo đấy. Thái-hậu đừng tin nó.
Định-vương lắc đầu:
– Hai người đừng chối vô ích. Cô gia đã thẩm vấn thái giám Lê Tất rồi. Hai người không chối được đâu. Nhất là những gì các người làm trên đường từ Khúc-giang về đây.
Tôn Đức-Khắc hỏi:
– Trên đường từ Khúc-giang về đây ư? Chúng thần chưa từng làm gì phạm pháp cả.
Khai-Quốc vương ung dung:
– Được, cô gia nói thực ra hết để hai vị khỏi chối. Hai vị được chỉ dụ Thái-hậu đến Khúc-giang cùng Dư Tĩnh đánh thuốc độc Định-vương cùng tùy tùng. Nhưng hai vị qúa khinh địch. Hai vị gia làm ẩn sĩ bái kiến cô gia. Hai vị quên mất tiện thê cùng Tự-Mai là con một bác học về võ công hiện đại. Chỉ liếc nhìn tướng đi, hơi thở, tiện thê cũng như Tự-Mai, đã nhận ra chân tướng võ công hai vị ngay.
Tôn Đức-Khắc hất hàm hỏi Tự-Mai:
– Bằng vào động tác gì huynh đệ nhận được chân tướng bọn ta?
Tự-Mai chau mày, chàng định biến hai lão thành trò cười cho thiên hạ. Nhưng chợt nhớ lại bây giờ mình đã thành đại thần, thành phò mã, thành nghĩa đệ của hoàng đế. Chàng khoan thai đáp:
– Nhị vị quốc công khảo sát kiến thức của cô-gia đấy ư? Để cô-gia nói cho nhị vị nghe. Khi nhị vị bước qua thanh gỗ làm cầu xuống thuyền. Tôn quốc công đi bằng đầu ngón chân. Thân thể Tôn quốc công đâu có nhẹ? Trong khi thanh ván rất mỏng. Thế mà mỗi bước đi của Tôn quốc công không làm cầu rung rinh. Như vậy võ công Tôn quốc công thuộc võ công Cửu-chân, luyện đến trình độ tuyệt cao, trên khắp Đại-Việt không ai sánh kịp. Khi quốc công bưng chung trà uống, lòng bàn tay đỏ lòm, thì rõ ràng quốc công luyện Chu-sa ngũ độc chưởng đến trình độ tối cao. Trong võ lâm Đại-Việt làm gì có người nào ngang tuổi với quốc công mà bản lĩnh Cửu-chân, Hồng-thiết cao như vậy ngoài Đào Tường-Phúc thuộc di thần Ngô-Việt, phản Ngô-Việt theo Hồng-thiết giáo?
Chàng chỉ Lê Lục-Vũ:
– Còn Lê quốc công. Khi quốc công dùng ngón tay gõ vào mạn thuyền xin yết kiến Khai-Quốc vương. Quốc công chỉ khẽ gõ, mà tiếng trầm vang đi rất xa. Đó là thủ pháp võ công Khúc-giang. Lòng bàn tay quốc công cũng đỏ lòm, rõ ràng quốc công luyện Chu-sa ngũ độc chưởng. Ngang tuổi với quốc công không có ai thuộc phái Khúc-giang, bản lĩnh cực cao mà theo Hồng-thiết giáo ngoài Chu Bội-Sơn. Cho nên sứ đoàn thản nhiên tiếp hai vị. Tưởng hai vị biết Cái sứ đoàn biết hai vị. Hóa ra hai vị không biết gì cả.
Chàng cười lớn:
– Nhưng lúc ấy sứ đoàn chỉ biết hai vị là cao nhân võ lâm Đại-Việt, đồng thời cũng là đại ma đầu của Hồng-thiết giáo mà không biết hai vị làm đại thần bản triều.
Hai lão Tôn, Lê nghe Tự-Mai nói, bất giác mồ hôi đầm đìa ra áo vì kinh hãi:
– Đáng chết. Quả thực hôm đó mình khinh thường sứ đoàn Đại-Việt toàn bọn con nít. Nào ngờ…
Tự-Mai dơ tay làm hiệu bắt chước cử chỉ của Hoàng-đế nói với Tào Lợi-Dụng hôm trước, mà chàng đã thấy:
– Hai vị khinh thường sứ đoàn, lại khinh thường của túi khôn Trung-nguyên là hoàng thúc, với Phạm Trọng-Yêm cùng sự kinh kịch của Minh-Thiên đại sư, Đông-Sơn đạo sư. Cho nên khi hai vị ngồi trên nóc điện bị khám phá ra. Dù hai vị đã hóa trang, nhưng hoàng thúc liếc qua cũng biết hai vị là Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc. Hai vị kinh ngạc ư? Hai đại hành gia ẩn thân trong hoàng cung, trong khi hoàng thúc là Thái-sư mà không biết thì còn ra cái gì nữa?
Sự thực trước đây Định-vương, Minh-Thiên, Đông-Sơn đạo sư tưởng Lê, Tôn là hai cao thủ thuộc bang Nhật-Hồ gửi vào kiềm chế Lưu hậu. Cho tới khi Định-vương, Khai-Quốc vương kết thân, hợp tác ổn định Bắc-biên Đại-Việt. Khai-Quốc vương mới lộ Định-vương mới biết. Hôm nay nhân muốn hạ phe Lưu hậu xuống, Tự-Mai đề cao Định-vương lên, y nói như vậy.
Thấy hai lão kinh hãi, Tự-Mai tiếp:
– Hai vị quên rằng dù bản lĩnh độc công hai vị tài giỏi đến đâu chẳng qua cũng không bằng sư phụ hai vị là Nhật-Hồ lão nhân. Mà Nhật-Hồ lão nhân bị Thân đại ca đánh bại. Hôm ấy Thân đại ca hiện diện, nhưng hại vị không đề phòng. Cho nên Dư Tĩnh pha thuốc mê vào món gà nấu ngũ vị hương, Thân giáo chủ biết liền. Giáo chủ dùng Thiền-công tung ba viên thuốc giải tan thành bột rơi xuống món gà ngũ vị hương. Thành ra khi hai vị thấy Dư an phủ sứ làm không nên việc, mới giả làm lộ hình tích, rồi tung Di-hồn phấn, cùng Nhuyễn-cân tán một lần nữa.
Hai lão Tôn, Lê mặt nhìn mặt, kinh hãi:
– Đáng chết thực, tại sao mình không thấy cái sơ hở đó nhỉ?
– Chưa hết, khi các vị tung thuốc. Sứ đoàn truyền nhau vận Thiền-công hóa giải. Trong khi đó Thân giáo chủ giả rót rượu cho Khai-Quốc vương, trao thuốc giải cho Định-vương. Khai-Quốc vương khuyên Định-vương cùng sứ đoàn giả mê man, để biết sự thực.
Lê Lục-Vũ lắc đầu:
– Ta không tin.
Tự-Mai bèn thuật chi tiết cuộc đối thoại của hai lão Tôn, Lê cùng Dư Tĩnh, rồi chàng móc trong túi ra chiếc hộp nhỏ, trong hộp có tượng Quan-âm bằng ngọc xanh. Quần thần nhận ra ngay, đó là lệnh bài tuyệt mật của Lưu hậu. Ai cầm tượng đó, mà nói gì, truyền lệnh gì coi như lệnh của Lưu hậu. Chàng nói:
– Dư an phủ sứ thấy tượng này của hai vị đưa ra, lập tức líu ríu tuân theo.
Lục-Vũ hỏi:
– Huynh đệ bảo Thiệu-Thái luyện được bản lĩnh Hồng-thiết tối cao, sao y bị lão phu cầm từ suốt từ Khúc-giang đến hồ Động-đình mới thoát được.
Tâm tính Thiệu-Thái hiền hậu, dễ tha thứ. Từ hôm chàng được tôn làm giáo chủ Lạc-long giáo, vẫn có ý tìm ra tông tích Ngũ-sứ cùng Tả, Hữu hộ pháp để kéo họ về chính đạo. Trên đường từ Khúc-giang đi Trường-sa, chàng được Bảo-Hòa báo cho biết hai lão Tôn, Lê chính là Đào, Chu lĩnh Tả, Hữu hộ pháp. Nhưng chàng bị Khai-Quốc vương bắt phải giả ngây, giả dại trúng độc. Chàng bị hai lão khinh thị, uất ức chồng chất vừa mới nguôi, bây giờ hai lão hiện diện, đã không hành lễ với chàng, lại còn xỉ mạ người Việt, hỏi chàng chịu sao nổi?
Chàng bước ra chỉ hai lão:
– Hai vị phạm tội đại bất kính biết bao lần, bản nhân vì đại kế phải lờ đi. Bây giờ hai vị vô phép nữa, bản nhân dùng giáo quy đối với hai vị đấy.
Hai lão cười:
– Thực vô lý hết sức, khi chúng ta phải gọi một con lợn ụt ịt thế kia bằng giáo chủ. Nếu người có bản lĩnh thắng được hai chúng ta…
Thiệu-Thái điên tiết lên, chàng vỗ hai tay vào nhau, hất hàm:
– Hai người hãy vận công đi. Chúng ta đấu Hồng-thiết độc công.
Kể từ khi giáo chủ Xích-trà-Luyện lên làm giáo chủ, đã cho đại hội các trưởng lão, rồi ra luật như sau: Nếu một giáo chúng nào tự thấy bản lĩnh mình hơn giáo-chủ, tả hữu hộ giáo, ngũ sứ cùng trưởng lão, đều có thể thách giao đấu. Nếu thắng, sẽ đương nhiên thay thế vào chức vụ kẻ bại. Ngược lại, những chức sắc lãnh đạo, tự thấy võ công mình thấp kém, có thể xin rút lui. Giáo chủ sẽ cho tuyển người thay thế.
Từ ngày học Chu-sa độc chưởng, chưa bao giờ Thiệu-Thái xử dụng đến, vì nó quá bá đạo ác độc. Nay hai lão Tôn, Lê công khai thách thức, chàng mới xử dụng lần đầu. Tuy khi luyện, Đỗ Lệ-Thanh cho chàng hấp độc dược không nhiều. Nhưng sau đại hội Lộc-hà, chàng đã hút độc tố cứu hàng vạn giáo chúng. Rồi sau này chàng cứu cho bang chúng bang Trường-giang, Nhật-hồ lại hút thêm độc chất nữa. Thành ra khi chàng vừa vận công, lập tức độc tố chuyển động mạnh đến không tưởng tượng nổi.
Chàng hướng Lê Lục-Vũ phát chiêu Nhân-ngưu câu vong trong Mục-ngưu thiền chưởng, miệng hô:
– Chu hữu hộ giáo đỡ chưởng thứ nhất này.
Lê Lục-Vũ cũng vận Hồng-thiết công phát chiêu trong Khúc-giang chưởng. Hai đại cao thủ cùng vận hết mười thành công lực. Chưởng chưa ra hết mà mọi người đều cảm thấy nghẹt thở. Rầm một tiếng, chưởng phong khiến nhiều người bị đẩy bay ra xa, màn trướng trong điện đứt rơi xuống ào ào.
Lê Lục-Vũ chưa hề biết Mục-ngưu thiền chưởng. Lúc đầu y thấy phảng phất như Phục-ngưu thần chưởng. Sau khi hai chưởng giao nhau, y mới thấy trong một chiêu biến hóa, lại có kình lực âm nhu, dương cương lẫn hóa giải. Khi y nhận ra, thì đã trễ, người y bay bổng về sau, lưng y chạm vào tường đến bình một tiếng. Y nhăn nhó, đau đớn, chân tay như mất hết lực.
Mỹ-Linh sợ Thiệu-Thái giết chết hai tên Tôn, Lê, thì hỏng hết mật kế của Khai-Quốc vương. Nàng vẫy tay ra hiệu cho Thiệu-Thái lui lại, rồi cười trong như sương mai:
– Biểu huynh, truyện nội bộ Lạc-long giáo không nên đem ra làm phiền Tống triều.
Nàng nói với hai lão Tôn, Lê:
– Vừa rồi Lê hữu sứ đã lĩnh một chiêu của giáo chủ. Hồng-thiết giáo nay đổi thành Lạc-long giáo, nên giáo chủ chưa nỡ đẩy chất độc vào người hữu sứ. Bằng không…
Lê Lục-Vũ nghĩ thầm:
– Cô công chúa này nói đúng. Vừa rồi gã con lợn kia mà đẩy chất độc vào ta, e giờ này ta đã chết rồi.
Mỹ-Linh tiếp:
– Hai vị được đủ mọi nết: Võ công cao, kiến thức quảng bác. Nhưng hai vị mắc phải tật khinh địch, nên bị chú hai tôi cho mắc bẫy mà không biết.
Rồi nàng thuật chi tiết việc sứ đoàn giả trúng độc lên đỉnh Thiên-đài, theo giòng sông Tương vào Tương-đài, vượt hồ Động-đình đến Tam-sơn một lượt. Cuối cùng nàng kết luận:
– Chúng tôi giả trúng độc, nên mới được xem vở tuồng mười trưởng lão bang Nhật-hồ bị người ta bắt trước mặt hai vị, khiến hai vị hóa điên hóa khùng. Hỡi ơi, hai vị tài trí biết bao, nhưng nào ngờ bị trẻ con làm cho mê mê tỉnh tỉnh.
Lê Lục-Vũ hỏi Mỹ-Linh:
– Công chúa! Công chúa có thể cho hai lão phu biết kẻ nào đã làm anh em lão phu điên đầu từ Khúc-giang tới Trường-sa?
Mỹ-Linh mỉm cười:
– Tôi biết, nhưng không dám nói ra. Hai vị suy nghĩ kỹ, thì hiểu liền chứ có khó gì đâu?
Nghe Mỹ-Linh nói, Lê Lục-Vũ tỉnh ngộ:
– Tượng Phật bằng ngọc ta khám phá ra bị mất tại Tỷ-qui, mà nay ở trong tay tên Trần Tự-Mai, vậy ắt việc thổi tiêu dụ ta đuổi theo liên quan đến tên này.
Khi đã nghi Tự-Mai, lão đưa mắt nhìn sứ đoàn Đại-Việt, bất giác lão nhận ra Tự-Mai, Lê Văn, Tôn Đản, Thuận-Tông, Thiện-Lãm trong đám bầy kế bắt bọn trưởng lão bang Nhật-hồ. Bát giác lão rùng mình:
– Tên Lý Long-Bồ quả thực mưu trí trùm hoàn vũ. Y thấy ta khinh thường y. Y càng giả ngây, giả dại thêm. Vợ chồng y cùng sứ đoàn vờ bị trúng độc, trong khi đó y sai bọn trẻ con âm thầm thi hành qủy kế hại ta. Hỡi ôi, đáng lẽ ta phải biết ngay lúc đầu mới phải chứ? Quái thực, trong bọn chúng còn một phụ nữ tấu nhạc trên hồ Động-đình nữa, thị là ai?
Lưu thái-hậu, cũng như triều đình nghe cuộc đối đáp giữa sứ đoàn Đại-Việt với hai lão Tôn, Lê, mắt họ như sáng ra. Bây giờ họ mới hiểu thực lực trong bóng tối của Lưu hậu đáng kinh khiếp, mà sứ đoàn Đại-Việt lại vượt xa hơn.
Tôn Đức-Khắc hỏi Khai-Quốc vương:
– Tham dự vào việc bắt mười thị-vệ, chức tới Nhập-nội đô-tri đem đi mất có tất cả bẩy thủ phạm. Hiện diện tại dây sáu tên, đều thuộc sứ đoàn. Lão phu muốn biết mười thị vệ đó vương gia giam họ ở đâu, mau đem thả họ ra.
Khai-Quốc vương mỉm cười không trả lời.
Tào Lợi-Dụng hướng Khai-Quốc vương:
– Thế tử! Thế tử nói rằng trên đường sang Tống, sứ đoàn tuyệt đối không xử dụng võ công. Thế ra lời nói của Thế-tử là dối trá, là khi quân đấy!
Khai-Quốc vương biết Tào đang phân vân không biết nên về phe Lưu hậu hay nhà vua. Nay y hỏi câu đó, có nghĩa muốn nghiêng theo Lưu hậu. Vương nói với Tôn, Lê:
– Cô gia công nhận trong bẩy người bắt mười trưởng lão bang Nhật-hồ có sáu người hiện diện tại đây. Nhưng cô gia không hề ra lệnh cho họ. Từ đầu đến cuối cô gia đi cạnh hai vị, nếu cô gia ra lệnh, ắt hai vị đã thấy. Người ra lệnh cho họ hành sự là Định-vương.
Tôn Đức-Khắc cau mày:
– Hỡi ơi! Đường đường là đấng trừ quân, mà lại cúi đầu tuân lệnh một chức quan nhà Tống thì còn hy vọng gì ngửa mặt nhìn tộc Việt?
Tự-Mai quát lên:
– Tôn quốc công! Người chẳng là đại thần Tống triều đấy ư? Người là đại thần, mà sao nói năng vô pháp vô thiên như vậy?
– Phò mã bảo lão phu vô pháp, vô thiên. Vậy lão phu vô pháp, vô thiên ở chỗ nào?
Tự-Mai thấy lão Tôn không gọi mình là huynh đệ nữa, mà gọi là phò mã, như vậy lão tỏ ra trọng vọng mình rồi. Y nói:
– Chúng tôi là em kết nghĩa với Khai-Quốc vương. Khi Định-vương, Khai-Quốc vương kết bạn. Khai-Quốc vương truyền cho chúng tôi rằng: Trong khi ở Tống, phải nhất nhất tuân lệnh Định-vương. Vì vậy Định-vương sai chúng tôi bắt mười tên khâm phạm thuộc dư đảng bang Nhật-hồ, đương nhiên chúng tôi phải tuân theo. Sau khi bắt họ, chúng tôi nhờ Thân giáo chủ trị dứt Chu-sa độc cho họ. Họ đã cải tà quy chính, trở lại với bang Hoàng-Đế rồi.
Y nhìn nhà vua:
– Tâu hoàng huynh, xin hoàng huynh ban chỉ ân xá cho mười vị Nhập-nội đô tri về vụ họ nguyên thuộc dư đảng bang Nhật-hồ. Đệ sẽ cho họ xuất hiện, hầu triều đình biết sự thực .
Nhà vua gật đầu:
– Khi họ cải tà quy chánh theo bang Hoàng-Đế, thì tội cũng tan theo. Trẫm thuận ân xá cho họ.
Tự-Mai hô lớn:
– Các vị xuất hiện đi thôi!
Từ ngoài điện, mười thị vệ tiến vào. Họ quỳ gối hành đại lễ:
– Bọn thần kinh cẩn tạ ơn bệ hạ ân xá.
Họ đến trước Lưu hậu rập đầu liền bốn lần:
– Thái hậu. Đa tạ Thái-hậu trọng đãi anh em thần bấy lâu. Bây giờ đã đến lúc bọn thần tỉnh ngộ, xa lánh Hồng-thiết ma kinh, quỷ kinh hại người, đi chữa bệnh cho dân để xám hối. Thần xin Thái-hậu nhận ở đây mấy lậy, rồi từ giã.
Bây giờ Lưu hậu mới tỉnh ngộ. Bấy nhiêu chứng cớ, bà không cãi được nữa. Bà đưa mắt nhìn quần thần một lượt rồi nói với Định-vương:
– Thái-sư! Khi Tiên-đế tại thế đãi Thái-sư không bạc. Từ hồi ta thính chính, một lòng tôn kính, trọng vọng thái sư. Nay sao Thái-sư lại nỡ chia rẽ tình mẹ con ta? Thái-sư bầy ra vụ Lý phi là sinh mẫu hoàng nhi cùng Huệ-Nhu. Con ta đẻ đứt ruột ra, bây giờ Thái-sư bảo chúng là con Lý phi, thì còn trời đất nào nữa?
Bà run run hỏi nhà vua:
– Hoàng nhi! Ta có còn là Thái-hậu chăng? Hoàng nhi có dám truất phế ta chăng?
Nhà vua được Lưu hậu nuôi nấng dạy dỗ từ nhỏ. Hơn mười năm qua, tuy ông làm vua, mà thực quyền trong tay bà. Ông tuân phục bà đã quen, nay thấy bà hỏi, nhà vua đáp:
– Tâu mẫu-hậu! Muôn ngàn lần hoàng nhi không dám bất hiếu với mẫu-hậu.
– À! Như vậy ta vẫn là Thái-hậu. Hoàng nhi ngồi trên ngai vàng, uy quyền quán Thiên-hạ, mà để cho mẫu hậu đau đớn như thế này sao?
Nhà vua hướng Thiệu-Thái:
– Thân giáo chủ! Xin Thân giáo chủ mở lượng từ bi, trị đau đớn cho mẫu hậu. Trẫm nguyện báo đáp.
Thiệu-Thái tâu:
– Hoàng thượng ban chỉ, muôn ngàn lần thần không dám chối. Hồng-thiết thần công của thần chỉ có thể giải Chu-sa ngũ độc chưởng cũng như Nhật-hồ độc chưởng. Còn trường hợp của Lưu Thái-hậu. Lưu thái-hậu dùng độc chưởng đánh Lý thái-hậu, rồi bị Lý thái-hậu đẩy chất độc trở về. Muốn giải độc tố đó, phải do chính Lý thái-hậu hóa giải trước. Nội công Lý thái-hậu là nội công Nga-mi, nếu Lý thái-hậu không trị cho Lưu thái-hậu, Bệ-hạ có thể nhờ một cao thủ phái Nga-mi nào ra tay cũng được. Sau đó, thần sẽ dùng Hồng-thiết thần công đẩy hết độc tố Chu-sa trong người Lưu thái-hậu.
Định-vương tiếp lời Thiệu-Thái:
– Tâu Hoàng-thượng, Thân giáo-chủ tâu thực chứ không dám khi quân đâu.
Rồi vương thuật lại việc Nhật-Hồ, Đặng Trường, Đỗ Xích-Thập bị người của phái Đông-a dùng phản Nhật-hồ độc chưởng đẩy vào người như thế nào hôm đại hội Thăng-long cho nhà vua nghe. Nhà vua đưa mắt nhìn Lý thái-hậu. Mặt Lý thái-hậu lạnh như tiền, bà từ từ lắc đầu:
– Ta không trị cho con gái Nhật-Hồ ma đầu.
Lưu hậu đau qúa, người bà run lên bần bật, rồi không chịu nổi, bà hét lên be be như con dê bị chọc tiết. Nhìn cảnh của Lưu hậu, nhiều người cảm thấy thỏa mãn trong lòng:
– Con ma đầu này, bấy lâu sai thủ hạ dùng Chu-sa độc chưởng khống chế quần thần, mụ đâu biết cái đau đớn người ta phải chịu? Bây giờ mụ bị quả báo cho đáng kiếp.
Cách đây ít lâu, Lê Thiếu-Mai đã vào cung trị bệnh cho Lưu hậu. Bà tỏ ra biết trọng hiền tài, lưu giữ nàng ngủ lại trong đêm, truyện trò rất tương đắc. Nay thấy bà đau đớn, lương tâm thầy thuốc không nỡ, nàng móc trong bọc ra hai viên thuốc rồi tiến ra nói:
– Tâu thái hậu. Thần xin dâng Thái-hậu hai viên thuốc tạm trấn thống.
– Đa…đa… tạ… vương phi.
Thiếu-Mai vung tay, hai viên thuốc bay đến trên đầu Lưu hậu thì vỡ tan thanh bụi chụp xuống người bà. Bà rùng mình một cái, cơn đau biến mất. Tính cương cường trở lại, bà thở dài:
– Ta nghe hồi đại hội Thăng-long, Nhật-Hồ lão nhân cùng đám trưởng lão bị phái Đông-a dùng phản Chu-sa độc chưởng đẩy chất độc trở lại người. Hồng-Sơn đại phu đã dùng Ma-túy hoàn để trấn tĩnh cơn đau cho họ. Sau này người sửa chữa đi đôi chút, thêm vào hai vị Đào-nhân, Viễn-chí thành Đào-chí hoàn. Đào-chí hoàn mạnh hơn Ma-túy hoàn nhiều. Có đúng vậy không? Dường như hai viên mà vương phi vừa tung vào người ta, thì một viên là Đào-chí, một viên là Ma-túy thì phải.
– Tâu Thái-hậu đúng vậy.
Lưu thái-hậu bật ra tiếng khóc, nói với Định-vương:
– Dù ta là con của Nhật-Hồ lão nhân, thì ta vẫn là người Tiên-đế sủng ái. Ta là người Hán hay người Việt, chưa phải là vấn đề quan trọng. Việc trước mắt, ta hỏi Thái-sư: Khi Tiên-đế tại thế chẳng từng phong ta làm Hoàng-hậu đấy ư? Tiên-đế di chiếu lại ủy thác con côi cho Thái-sư, cùng ba vị quốc công là Đinh Vị, Phùng Thừa, Tào Lợi-Dụng. Trong chiếu chả tuyên rằng ta buông rèm thính chính đấy ư? Nay Phùng, Đinh không còn tại triều. Hiện diện chỉ có Thái-sư với Tào quốc công. Tại sao Thái-sư lại hại ta?
Định-vương chắp tay:
– Thần không hề hại Thái-hậu. Vì Thái-hậu muốn biến Trung-nguyên thành một Thiên hạ Hồng-thiết giáo, thần phải bảo vệ công nghiệp tổ tiên. Thái-hậu đang định vu vạ cho Lý thái-hậu, rồi ban chỉ giết chết. Thần không muốn Hoàng-thượng ký chiếu chỉ, thành người sát hại mẫu-thân, một tội đại bất hiếu, mà chưa một ông vua nào dám phạm. Hơn nữa trong bóng tối Lê Lục-Vũ, Đào Tường-Phúc đang có âm mưu sát hại Hoàng-thượng, nên bất đắc dĩ thần phải đem sự thực tâu với Hoàng-thượng.
Vương ung dung tiếp:
– Dù thần có nhu nhược, không làm việc này chăng nữa cũng không được. Vì đại sư Minh-Thiên, đạo sư Tây-Sơn, Đông-Sơn phiền trách, lại thêm các đại thần yêu cầu thần đứng ra đảm trách việc bảo vệ sự nghiệp của tổ tiên.
Lưu hậu nhìn quần thần một lượt, rồi nói lớn:
– Hơn mười năm qua, ta buông rèm thính chính, có gì qúa đáng chăng? Này Thái-sư, thời Tây-Hán, Lã thái-hậu cầm quyền, dâm đãng cùng cực, sát hại giòng họ Lưu, đổi niên hiệu, đổi triều đại. Đến thời Đông-Hán, Mã thái-hậu chứa gian nhân dâm ô kể sao cho siết. Gần đây đời Đường, Võ hậu ác chất như non, hại chồng, hại con, giết người trung lương, hại hoàng thân, đưa ngoại thích cầm quyền, cướp ngôi nhà Đường. Những điều này ắt Thái-sư biết chứ?
Bà nhìn quần thần một lượt, rồi tiếp:
– Ta buông rèm thính chính, mà kỷ cương bản triều không hề phạm tới. Lã, Mã, Võ hậu dùng ngoại thích, hại hoàng thân. Còn ta. Ta trọng dụng Thái-sư, kể từ khi bản triều lập lên, chưa một vị hoàng thân nào được phong chức tước lớn, trao trọng quyền bằng Thái-sư. Ta trọng Thái-sư vì Thái-sư là hoàng tử được vua Thái-tông sủng ái, rèn luyện thuật trị nước. Cũng vì Thái-sư là người Tiên-đế ủy thác con côi. Ta nhận biết ngay Thái-sư nhất tâm nhất trí phù trì cho hoàng nhi. Ta đâu có nghi ngờ, có đố kị Thái-sư? Về ngoại thích, ta không dùng một ai cả. Ta xuất thân nghèo khó, làm nô bộc cho Lưu Đình-Mỹ. Cho nên khi đắc thế, ta phong cho chủ cũ một chút chức quan nhỏ để đền đáp công ơn. Hỏi trong lịch đại Trung-thổ có một nữ lưu nào vượt hơn ta chăng?
Bà quay lại nhìn Yến Thù, Vương Khâm-Nhược:
– Hại vị đại học sĩ! Người làm việc gần ta nhất người biết đó. Ta trọng người, trọng Phạm Trọng-Yêm. Nhất là ta bỏ ra ngoài vấn đề Yến đại học sĩ là người Việt… Chỉ vì trọng văn tài ba vị. Ai cũng nói từ đời Đường đến nay, hơn ba trăm năm, chưa bao giờ học phong thịnh như vậy. Nhưng đâu có ai biết rằng chính ta trợ giúp, khuyến khích, ban nhiều quyền cho các vị, các vị mới thành công.
Bà nhìn Trương Sĩ-Tổn:
– Trong mười năm ngắn ngủi, ta làm cho quốc sản tăng gấp bội, mà không tăng thuế. Khắp bốn phương không có nạn binh đao, Man-di, Nhung-địch quy phục. Trong triều không gian thần. Ai cũng phải công nhận đó là mười năm thịnh trị hiếm có trong lịch đại Thiên-hạ. Bước cuối cùng ta định đánh chiếm Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, Xiêm-la, Đại-lý, rồi tiến lên chiếm Khất-đan, Tây-hạ, thống nhất thiên hạ nữa là đúng ước vọng của đức Thái-Tổ, Thái-Tông. Sau đó hợp với Tây-phương giáo chủ, dùng Hồng-thiết kinh ban bố hạnh phúc cho dân.
Nghe bà nói, quần thần đều kinh hãi về hùng tâm của bà. Nhưng có điều bà sau khi thống nhất, bà muốn bỏ Nho-học, cai trị thiên hạ bằng Hồng-thiết kinh, thì không ai chấp nhận cả.
Bà đi quanh điện, khi đến bên nhà vua, bà nhìn nhà vua:
– Này hoàng nhi. Việc hoàng nhi với Huệ-Nhu là con ta, hay con Lý phi chưa cần bàn đến. Hãy chỉ nên biết rằng hoàng nhi là giọt máu của Tiên-đế. Tiên đế có sáu hoàng tử. Ta là Hoàng-hậu. Hoàng nhi do ta sinh ra, mới được lên ngôi. Chứ nếu hoàng nhi do cung nữ Lý tu-nghi sinh ra, e bắc thang lên trời thì dễ, chứ việc nối ngôi vạn vạn lần không được. Có đúng thế không?
Nhà vua cúi đầu:
– Quả như mẫu hậu phán.
– Ta là Hoàng hậu, thì bất cứ người con nào của Tiên-đế sinh ra, ta vẫn có toàn quyền đem về nuôi, dạy kia mà? Giả như hoàng nhi do Lý phi sinh ra, mà ta cướp đem về nuôi là sự thực đi. Chỉ nguyên dưỡng dục cù lao chín chữ, cũng nặng hơn công sinh thành nhiều. Đấy là nói về lẽ chính đạo. Còn nói về tình riêng, công ta nuôi nấng dạy dỗ, phù trì hai mươi năm qua, ta có đáng làm mẹ hoàng nhi không?
Thình lình bà lạng người chụp nhà vua, rồi nhảy vèo đứng giữa Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc và Nguyền Thúy-Minh. Mọi người kêu thét lên, nhưng không kịp nữa.
Lý hậu, Lê Văn, Tôn Đản, Tự Mai cùng chụp Lưu hậu, thì bị Lê, Tôn, Nguyễn vung chưởng đẩy lui.
Định-vương phất tay, Nam, Bắc-Sơn đạo sư, Minh-Thiên đại sư rồi Trần Trung-Đạo, Trần Bảo-Dân vây bọn Lê Lục-Vũ vào giữa.
Lưu hậu cười nhạt. Bà để tay lên đầu nhà vua:
– Tất cả đứng im, bằng không ta nhả chưởng lực liền.