Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 2 - Sứ Đoàn Xiêm La

trước
tiếp

Sau hơn nửa tháng dùng đường thủy, sứ đoàn Đại-Việt tới mới Tương-dương. Bảo-Dân tỏ ra thông thạo đường lối. Y nói:

– Bây giờ chúng ta lên bộ đi bằng xe ngựa. Sau một ngày tới Tân-dã, nghỉ đêm tại đây, rồi ta lại đi Nam-dương. Nam-dương đối với Trung-nguyên là đất thiêng, vì đã sản xuất ra nhiều nhân tài, trong đó có Gia-cát Lượng, một vị tể tướng nức tiếng thời Tam-quốc.

Địa đanh Tương-dương, Tân-dã, Nam-dương đối với Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Mỹ-Linh thì rất quen thuộc. Vì cả ba đã đọc Bắc-sử thời Tam-quốc. Còn Thiệu-Thái, chàng chưa từng nghe đến bao giờ. Tuy vậy, chàng tự nhủ:

– Địa danh Trung-nguyên mình không thuộc là lẽ thường. Mình cũng chẳng cần thắc mắc.

Vì vậy chàng không hỏi han gì cả. Bảo-Dân cho thuyền đậu tại ngoài Phàn-thành. Y nói:

– Tương-dương là nơi phát xuất ra võ phái dương cương, đường đường chính chính từ đời Tần-Hán. Thời Đông-Hán có chín đại tướng danh tiếng nhất xuất thân phái này. Chín người được vua Quang-Vũ ban cho cái mỹ danh là Tương-dương cửu hùng. Họ từng giao chiến với các anh hùng thời vua Trưng.

Mỹ-Linh đã thuộc làu sử Lĩnh-Nam. Nàng hỏi:

– Có phải chín người đó là Sầm Bành, Mã Vũ, Cảnh Yểm, Tế Tuân, Tang Cung, Lưu Hân, Lưu Long, Đoàn Chí, Phùng Tuấn không?

– Đúng thế.

Khai-Quốc vương nhìn Bảo-Dân tủm tỉm cười:

– Tương-dương cửu hùng thực ra chỉ có tám người. Vì Mã Vũ đâu phải là người Hán, ông là người Việt mà. Ông có tên Chu Kim-Hựu, vốn thuộc phái Cửu-chân. Cũng như hiện nay, danh sĩ Trung-nguyên không ngớt ca tụng Tương-giang tam tuyệt. Có ai ngờ đâu họ lại là Côi-sơn tam anh của Đại-Việt.

Bảo-Dân giật bắn người lên. Vì cách đây hơn mười năm, ba đại đệ tử của Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An là Trần Phụ-Quốc, Trần Bảo-Dân, Trần Trung-Đạo võ công cực kỳ cao thâm, bản lĩnh không thua Đại-Việt ngũ long làm bao. Bấy giờ người người đều truyền tụng:

Trên trời có ngũ long.

Dưới đất có tam-anh.

Ngụ ý nói tài Côi-sơn tam anh chỉ dưới có Đại-Việt ngũ long mà thôi.

Ngoài võ công ra, Phụ-Quốc nổi danh bút mặc văn chương, cử bút thành thơ. Bảo-Dân nức tiếng âm nhạc. Đến nỗi phái Sài-sơn có hơn nghìn năm chuyên về nhạc, mà cũng phải tấm tắc khen tài. Trung-Đạo nổi danh về họa. Rồi giang hồ không hiểu sao ba người đều tuyệt tích. Họ có ngờ đâu sư phụ sai ba người sang Trung-nguyên lập hệ thống tế tác, phòng quân Tống sang đánh Đại-Việt.

Cả ba cùng hoạt động ở vùng Trường-giang, Tương-giang, rồi họ được danh sĩ Trung-nguyên tặng cho mỹ tự Tương-giang tam tuyệt. Không ai ngờ Tương-giang tam tuyệt với Côi-sơn tam anh lại là một. Bây giờ thình lình Khai-Quốc vương nói ra, làm Bảo-Dân kinh ngạc.

Mỹ-Linh biết Bảo-Dân bồi hồi trong lòng vì lời nói của chú mình. Nàng hỏi Kim-An một câu, để Bảo-Dân quên đi:

– Khấu sư thúc này. Trong Tương-dương cửu hùng thì Sầm Bành bị Bắc-bình vương Đào Kỳ giết. Tang Cung, Lưu Hân bị Thiên-ưng lục tướng bắt cho chim ưng ăn thịt. Đoàn Chí bị công chúa Gia-Hưng chém trên biển Đông. Cản Yểm bị giết tại điện Vị-ương. Rút cục chỉ còn Lưu Long, Phùng Tuấn, Tế Tuân không rõ sau ra sao?

– Tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng hầu hết những anh hùng thời Đông-Hán đều chết vì tướng của vua Bà. Đau nhất là Sầm Bành bị giết ở Dương-bình-quan.

Xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận, của Yên-tử cư-sĩ, do Nam-á Paris x.b.

Nàng hỏi chồng:

– Chúng ta có lên bờ dạo chơi không?

Bảo-Dân đưa mắt hỏi Khai-Quốc vương. Vương cười:

– Nên chứ. Ta là sứ đoàn Đại-Việt mà. Ta cứ đường đường chính chính dạo chơi. Bất quá quan quân Tống có hỏi, ta đưa thẻ bài ra, họ phải hộ tống ta về Biện-kinh là khác. Có điều ta không nên dụng võ.

Sáu người lên bờ. Lập tức đám trẻ con rước khách cho phu xe chào đón đon đả. Kim-An thuê hai xe ngựa. Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái đi một xe. Người đánh xe xưng tên là lão Cố. Mỹ-Linh với vợ chồng Bảo-Dân đi một xe. Người đánh xe tự xưng tên là lão Xa. Hai xe nối đuôi nhau vào thành. Hôm ấy trời lất phất mưa, gió thổi lạnh buốt, ngoài đường vắng bóng người đi.

Xe sang của Tây, mưa càng nặng hạt. Màn cả hai xe đều phải đóng kín. Xe đang đi, thình lình phải đứng lại. Phu xe nói vọng vào:

– Xin quý khách cảm phiền, vì phía trước có người tụ tập đông quá, xe đi không được.

Mỹ-Linh hỏi:

– Họ tụ tập làm gì vậy?

– Thưa, họ xem bảng văn. Bảng văn yết thị tầm nã tội phạm.

Tò mò Mỹ-Linh thò đầu ra ngoài nhìn. Bất giác nàng gật bắn người lên, vì bảng văn của quan kinh-lược sứ Kinh-châu yết thị cho ai bắt được năm tội phạm có hình dưới sẽ được thưởng trăm lượng vàng. Nhưng bảng văn không biết rõ tên tuổi tội phạm là gì. Trong hình năm tội phạm, một người giống hệt Bảo-Hòa. Một người giống hệt Thông-Mai. Phía dưới ba hình, Lê Văn, Tôn Đản, Tự Mai.

Khai-Quốc vương kinh ngạc, vương nói bằng tiếng Việt:

– Không hiểu sao năm người này để lộ chân tướng. Nay có lệnh truy nã thực khó mà hành động.

Thanh-Mai an ủi chồng:

– Dường như họ chỉ thấy người, mà không biết rõ lý lịch. Ta truyền tin bảo họ thay đổi y phục, hoá trang đi một chút ai mà biết được?

Khai-Quốc vương lắc đầu:

– Không cần, không nên làm thế. Anh thấy trong vụ này có điều gì bí ẩn. Vì bảng văn do Kinh-lược sứ truy tầm chứ không phải triều đình. Như vậy có nghĩa phạm trường xẩy ra trong thành Tương-dương. Nhưng Bảo-Hòa, Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn chưa từng đến đây.

Nét mặt Vương cương quyết hơn:

– Chúng ta đi sứ. Hai lần triều Tống cử người hộ vệ ta đều không làm tròn nhiệm vụ. Lần này chính hai lão Tôn, Lê quẳng ta tại núi Tam-sơn. Bây giờ Kinh-lược sứ Kinh-châu cáo thị truy tầm người của sứ đoàn. Như vậy tức y làm nhục quốc thể. Xưa nay sứ thần dù phạm tội gì, chỉ Hoàng-đế mới được phán xét. Có đâu kinh lược sứ vô phép? Thôi được bây giờ chiều rồi. Mai ta vào gặp kinh lược sứ chất vấn y cũng chưa muộn.

Xe đi khắp thành, chỗ nào cũng thấy niêm yết cáo thị tầm nã. Bảo-Dân truyền lệnh cho phu xe:

– Người đưa chúng ta đến một tửu lầu nào đi.

– Thưa khách quan, có một tửu lầu danh tiếng tên Hán-dương, nhưng lại ở về phía Tây-thành đến năm dậm. Nếu khách quan không chê xa, lão xin đưa đến.

– Được người dẫn chúng ta đến đó đi.

Xe ra khỏi thành, hướng về phía Tây. Thanh-Mai để ý thấy thỉnh thoảng trong xe có mùi u hương bốc lên ngào ngạt. Nàng dùng lăng không truyền ngữ hỏi Thiệu-Thái:

– Thiệu-Thái! Trên xe cháu có gì lạ không?

– Cháu thấy dưới nệm xe để một chiếc khăn ướt tẩm hương ngũ-hoa, thì biết chúng muốn hạ độc mình, nhưng còn e dè. Vì vậy chúng cho mình ngửi hương ngũ hoa trước. Sau đó mới phóng độc tố. Chất độc này hơi giống Di-hồn. Không lẽ bọn chúng thuộc phái Côn-lôn. Vì trước đây Đoàn Huy bị trúng thất trùng ngũ hoa rồi truyền sang mợ.

– Công lực Thiệu-Thái cao, vậy cháu hãy dùng lăng không nói cho Mỹ-Linh bên xe kia biết mà đề phòng. Nếu thấy vợ chồng nhị sư huynh ngủ gục, mình cũng vờ trúng độc xem tụi nó định làm gì.

– Cháu đã báo rồi. Ngặt một điều Kim-An không đủ công lực chống với độc tố, e bị hại.

– Không sao.

Thanh-Mai dùng lăng không truyền ngữ nói với chồng:

– Mình nên để yên, hay lột mặt nạ tên đánh xe này?

Nghe vương phi hỏi, Khai-Quốc vương tự chửi thầm:

– Mình đáng chết thực, vì đang mải lo nghĩ về nội loạn trong nước, mà thiếu thận trọng. May mà Thanh muội nhận ra cái khác lạ của gã đánh xe.

Vốn thận trọng vương trả lời:

– Cứ chờ xem y định dở trò ma trò quỉ gì. Em thấy y có hành vi nào khác lạ không?

– Nhiều lắm. Thứ nhất, phía Tây thành Tương-dương không có tửu lầu Hán-dương. Y nói cách thành năm dặm, mà nãy đến giờ đã quá mười dặm rồi. Điểm nghi ngờ thứ nhì là hơi thở của y dài, nhỏ như tơ liên miên bất tuyệt. Như vậy y có nội lực thâm hậu vô cùng. Anh có để ý thấy họ dùng ngũ-hoa hương tẩm vào khăn để dưới xe cho mình ngửi trước, rồi hạ độc sau không?

– Em nói anh mới biết.

Nàng dùng lăng không truyền ngữ hỏi Mỹ-Linh:

– Mỹ-Linh thấy gã đánh xe có gì khác lạ không?

– Y là một đại cao thủ, nội công thâm hậu vô cùng. Chú hai định sao?

– Bề gì chúng cũng chỉ có hai người. Nếu cần ta điểm huyệt kiềm chế chúng, đâu có khó.

Mỹ-Linh hỏi lão Xa:

– Ban nãy lão nói tửu lầu ở phía Tây thành năm dậm. Nãy giờ xe đi có tới mười dặm, mà sao chưa thấy?

Lão chỉ vào một rừng ven con sông nhỏ:

– Kìa! Tửu lầu Hán-dương kìa. Quan khách hãy nhìn xem có lớn không?

Mỹ-Linh nhìn lên, chẳng thấy gì cả, trong khi mùi hương ngào ngạt từ cổ tay lão bay ra. Biết lão phóng độc, nàng vội vận công chống trả.

Đến đây Kim-An gọi chồng:

– Anh ơi! Tại sao chân tay em lại vô lực thế này.

Bảo-Dân cũng cảm thấy chân tay tê dại. Biết bị trúng độc, nhưng nội lực y hùng hậu, nên thuốc chưa ngấm vào cơ thể. Y ra chiêu Cầm-long trảo chụp lão Xa. Lão Xa vọt mình lên cao tránh khỏi. Bảo-Dân đứng dậy, y đánh ngựợc lên chiêu Phong-ba hợp bích. Lão Xa đánh xuống mợt chưởng, nội lực hùng hậu vô cùng. Mỹ-Linh thấy công lực lão cao hơn bọn trưởng lão Lạc-long giáo nhiều. Trong chưởng có mùi hôi tanh khủng khiếp.

Mỹ-Linh than thầm:

– Thì ra hai lão này luyện Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Không biết lão thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc hay thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Một điều đáng lo là không rõ chúng có biết nói tiếng Việt không. Nhất định chúng không phải là người Hoa rồi, vì chúng nói tiếng Hoa hơi ngọng.

Trong khi Mỹ-Linh nghĩ thì chưởng Bảo-Dân với lão Xa đụng nhau, binh một tiếng người lão Xa bay bổng lên cao. Sau khi đánh hai chiêu, thuốc độc ngấm mau chóng, người Bảo-Dân rơi xuống xe. Lão Xa đáp xuống nhẹ nhàng. Lão cười nhạt nói với Mỹ-Linh bằng tiếng Việt:

– Công chúa điện hạ. Nghe nói nội công cùng kiếm pháp công chúa cao thâm vô cùng. Nên anh em lão phải thỉnh đại giá công chúa bằng thuốc ngũ-hương di-hồn nhuyễn cân. Làm như vậy thực là vô lễ. Mong công chúa đại xá.

Mỹ-Linh mỉm miệng cười:

– Tiên sinh khỏi cần đánh thuốc độc. Chú cháu tôi đi sứ, nên tuyệt đối không dùng võ công trên đất Tống. Tiên sinh ơi! Khi chúng tôi không xử dụng võ công thì tiên sinh đánh thuốc chi cho mệt? Hai vị Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ đã từng đùng thuốc nhuyễn cân với chúng tôi. Chúng tôi có chống lại đâu?

Lão Xa chỉ Bảo-Dân hỏi:

– Công chúa! Dưới tay cường tướng vô nhược binh. Công chúa làm cách nào mà thu phục được gã này. Công lực gã thực khó có ai đạt được ngang hàng.

Bảo-Dân bị trúng Chu-sa độc chưởng. Y đau đớn vô cùng, nhưng vốn can đảm, y nghiến răng chịu vận công chống độc, chứ nhất định không rên la.

Lão Xa nói một mình:

– Nội công của y là thứ tà môn giống như Thiếu-lâm. Nhưng hung dữ vô cùng. Chiêu Cầm-long trảo biến hóa thực kỳ diệu. Còn chiêu võ đánh ngược lên cao giống như Kim-cương ban nhược chưởng của Thiếu-lâm, mà sát thủ thực kinh người.

Nghe giọng điệu lão Xa, Mỹ-Linh nghĩ thầm:

– Tên này tin theo Hồng-thiết kinh, luận điệu giống Nhật-Hồ lão nhân đây. Tiên, Thánh, Thần, Phật đối với y đều thuộc ma quỷ hết. Dường như y không biết nhiều về võ công Đại-Việt. Y thấy võ công Đông-a giống võ công Tiêu-sơn. Trong khi võ công Thiếu-lâm cũng giống võ công Tiêu-sơn. Y nhận lầm võ công Đông-a với Thiếu-lâm là một.

Lão Xa không nói, không rằng, cho xe chạy vào khu đất hoang. Bên xe kia Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái cũng giả vờ ngồi bất động trên xe. Lão Cố cũng cho xe chạy theo xe lão Xa.

Lão Cố nhìn lão Xa cười ha hả:

– A ha, không ngờ chúng ta thành công dễ dàng thế nhỉ. Bọn này trúng Di-hồn nhuyễn cân ngũ hoa phấn, ít nhất mười ngày mới cử động được. Trong thời gian đó ta cho xe chạy thực mau, có thể tới Biện-kinh.

– Bây giờ ta cho cả sáu đứa này vào trong chiếc xe lớn, để lên đường. Có nên trói chúng lại không?

– Không nên, vì trói chúng, dọc đường quan quân khám xét, hỏi han lôi thôi lắm. Ta cứ đặt chúng ngồi bên nhau, rồi cho xe chạy thì hơn.

Thiệu-Thái hỏi lão Cố:

– Lão là ai? Tại sao lại đánh thuốc độc bọn ta?

– Bọn lão phu nói tên chắc thế tử cũng không biết đâu. Anh em lão phu có việc cần tới Khai-Quốc vương, nên phải nghênh đại giá bằng lối này, quả thực vô phép. Nhưng biết làm sao hơn?

Lão Cố hú một tiếng dài. Từ trong vườn, một chiếc song mã lớn, trên có một thiếu niên đánh xe chạy ra. Gã chắp hai tay lại để lên trán, rồi cúi đầu hành lễ với hai lão Cố, Xa:

– Đệ tử kính cẩn ra mắt nhị vị giáo chủ.

Nghe thiếu niên gọi hai lão bằng giáo chủ, cả sứ đoàn đều ngơ ngác tự hỏi:

– Rõ ràng hai lão này xử dụng Nhật-hồ độc chưởng, như vậy chúng thuộc Hồng-thiết giáo. Trung-quốc Hồng-thiết giáo hoạt động dưới danh nghĩa bang Nhật-hồ. Chỉ Đại-Việt mới có Hồng-thiết giáo, giáo chủ là Nhật-Hồ lão nhân. Vậy hai lão này là giáo chủ nào nữa?

Lão Cố hỏi thiếu niên:

– Người tên gì? Báo danh di.

– Đệ tử tên Bủa Khảm thuộc đạo Vạn-tượng.

– Người cho xe chạy vào thành mau, bằng không trời tối đến nơi rồi.

Thanh-Mai dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi Thiệu-Thái:

– Nhị sư ca bị trúng Chu-sa độc chưởng. Thiệu-Thái nghĩ xem để lâu có hại không?

– Công lực nhị thúc rất cao, nên dù bị trúng độc chưởng, mà hiện giờ chưa thấy phát tác. Cháu định giải độc cho nhị sư thúc, không biết có nên không?

– Khoan! Thiệu-Thái nói cho nhị sư ca biết trước. Bằng không khi được giải độc, người lại dùng võ thì hỏng bét.

Lão Cố cầm roi ngựa rung lên, roi quấn vào Mỹ-Linh. Lão giật roi một cái người nàng bay sang chiếc song mã, rơi xuống ghế êm ả, giống như đặt nàng ngồi vậy. Tiếp theo tới Thanh-Mai, Kim-An. Lão Xa dùng ưng trảo nhắc Khai-Quốc vương, Thiệu-Thái, Bảo-Dân bỏ sang xe lớn. Vô tình lão đặt Thiệu-Thái, Bảo-Dân cạnh nhau. Thiệu-Thái làm như người trúng độc, tay vô lực, chàng để lòng bàn tay lên đùi Bảo-Dân, rồi vận công chuyển sang người y .

Bảo-Dân kinh lịch giang hồ nhiều, y bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng đau đến toát mồ hôi lạnh. Song bản tính gan lỳ, y cắn răng vận công chịu đựng, chứ nhất định không rên la.

Thình lình y thấy Thiệu-Thái để tay lên đùi, rồi chân khí cuồn cuộn tràn vào người y. Chân khí chạy đến đâu, cái đau biến mất đến đó. Trong khi ấy tiếng Thanh-Mai nói như rót vào tai y :

– Sư huynh ơi! Thiệu-Thái giải độc cho sư huynh. Vậy sư huynh đừng chống lại. Sau khi hết đau đớn, sư huynh phải làm như mình vẫn còn bị độc tố hoành hành. Chúng ta cần im lặng, xem hai lão này định làm gì.

Khoảng nhai dập miếng trầu, bao nhiêu cái đau đớn trên người Bảo-Dân biến mất. Y giả vận công chống dau.

Lão Cố hỏi Khai-Quốc vương:

– Vương gia! Vương gia thử đoán xem lão phu là ai? Tại sao lão phu lại vô phép như thế này?

Khai-Quốc vương thản nhiên:

– Hai vị với cô gia vốn cùng tộc Việt với nhau. Tại sao lại phải cúi đầu làm đương sai cho Lưu hậu.

– Nhưng vương gia đã biết anh em lão phu là ai đâu?

Khai-Quốc vương cười nhạt tỏ vẻ dung thứ. Thanh-Mai cười khúc khích:

– Nhị vị giáo chủ thực không thông thế tục chút nào hết. Phu quân tôi vì đi sứ nên không thể dùng võ công. Chứ cái gọi là Nhật-hồ độc chưởng chúng tôi có coi ra gì?

Nàng nhìn lão Cố:

– Sử-Vạn vương gia, công lực đến như Nhật-Hồ, Lê Ba, Nhất-Trụ, mà chúng tôi còn trị được. Huống hồ vương gia chỉ là một Đông-phương sứ giả của y.

Lão Cố kinh hãi đến rụng rời chân tay. Thanh-Mai nhìn lão Xa:

– Khiếu tiên sinh. Đối với Đại-Việt, tiên sinh là Nam-phương sứ giả Hồng-thiết giáo, nay sao tiên sinh lại tự xưng là giáo chủ Hồng-thiết của sắc dân Khờ-me. Tôi nói thế có đúng không?

Đến lượt lão Xa kinh sợ. Chiếc roi ngựa trên tay lão suýt rơi xuống đất. Lão lắp bắp, giọng đã có đôi phần khách sáo:

– Bằng cách nào vương phi nhận ra anh em lão phu.

Thanh-Mai chỉ lão Cố nói với Mỹ-Linh:

– Vị này tên thực là Sử-Vạn Na-vượng con thứ ba tiên vương Lão-qua. Vương gia nức tiếng võ công đệ nhất trong nước. Vì không được truyền ngồi vua, vương gia bỏ sang Đại-Việt, mưu ngoại viện. Vương gia gặp Nhật-Hồ lão nhân, được lão nhân truyền Hồng-thiết thần công, rồi phong cho làm một trong ngũ sứ Hồng-thiết giáo, giao nhiệm vụ phát triển giáo chúng vùng Lão-qua. Sau khi giáo chúng Lão-qua có cơ sở, Nhật-Hồ lão nhân thưởng công cho vương gia bằng cách truyền Hồng-thiết tâm pháp để có thể giải vĩnh viễn Nhật-hồ độc chưởng. Từ đấy vương gia tách ra, thành lập Hồng-thiết giáo Lão-qua, tự phong làm giáo chủ, không phụ thuộc Nhật-Hồ lão nhân nữa. Gần đây, vương gia được Lưu thái hậu phong cho làm Kiểm hiệu thái phó, Tĩnh hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, Nam-phương tĩnh lự công thần, Lão-qua quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực-phong ngũ thiên hộ. Nhưng vương gia chưa vừa lòng, muốn được kiêm cả vùng Đại-lý.

Nàng chỉ Khiếu Tam-Bản:

– Còn vị này tên Khiếu Tam-Bản, được phong Thái-tử thiếu bảo, Nam-hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Chân-lạp quận vương. Thực ấp vạn hộ, thực phong tam thiên hộ.

Nàng nói tiếp:

– Quốc vương triều Sà-phạt có ba con trai. Con đầu lòng tên Phủ-mỹ Na-vạn, do một hoàng hậu gốc Việt sinh ra. Khi mới lọt lòng Phủ-Mỹ Na-Vạn đã được phong làm Thái-tử. Na-Vạn tính tình hiền hậu, rất được lòng dân chúng. Khi phụ vương băng hà, ông lên nối ngôi làm vua. Con thứ tên Phủ-Vạn-Nặc Phụ-Mã, con một thứ phi người Chân-lạp sinh ra. Phủ-Vạn-Nặc, văn võ kiêm toàn, luôn tìm ngoại viện với Xiêm-la, Đại-Việt, Đại-lý, Trung-nguyên để cướp ngôi anh. Y lại khéo chiêu hiền nạp sĩ, nên dưới tay y có nhiều nhân tài. Khi anh y sắp băng hà, gọi y lại trao phó việc mai sau, mong y phò tá con côi. Phủ-Vạn là Phật-tử rất thuận thành. Do vậy y giao du với Nguyên-Hạnh. Nguyên-Hạnh khích y cướp ngôi cháu. Nhưng y sợ oai triều Lý, không dám ra tay. Nguyên-Hạnh khuyên y nên theo Tống. Khi được sắc phong của Tống, triều Lý sẽ không dám đem quân trừng phạt khi y cướp ngôi vua. Y được Triệu Thành tấu với triều đình phong cho chức tước. Nhưng âm mưu của y bị Khu-mật viện Đại-Việt khám phá ra. Trong đại hội Lộc-hà, Thuận-Thiên hoàng đế đem tất cả thư tín, cùng vàng bạc y cống Tống tặng lại y. Y kinh hoảng, bỏ Tống trở về với Đại-Việt.

Nàng cười giòn dã:

– Hoàng tử thứ ba tên Sử-vạn Na-vượng, do một cung nữ sắc dân Thái sinh ra. Vốn có sức khỏe, y sớm trở thành thiên tài võ học. Y nghĩ rằng: Lão-qua tuy nằm trong tộc Việt, nhưng toàn sắc dân người Thái. Sinh mẫu y là người Thái, vì vậy y mới xứng đáng lên ngôi vua. Y sang Đại-Việt tìm hậu thuẫn với Lê triều, y kết hôn với một thiếu nữ Việt. Nhưng triều Lê từ chối. Y đang thất vọng, thì gặp Nhật-Hồ lão nhân. Lão nhận y làm sư đệ, truyền Hồng-thiết kinh cho y, rồi phong y làm Đông-phương sứ giả.

Nàng chỉ Khiếu-tam-bản:

– Khiếu Tam-Bản trước đây đã sang Tống du học, văn hay, chữ tốt. Một cơ duyên may đến với y. Y gặp Nhật-Hồ lão nhân. Y được lão kết huynh đệ, truyền Hồng-thiết công cho. Y trở về Chân-lạp truyền bá Hồng-thiết giáo. Hồng-thiết giáo của y đi đến đâu giết người đến đó. Khắp xứ Chân-lạp chỗ nào cũng trở thành điêu tàn, tưởng như tuyệt diệt.

Nàng lắc đầu:

– Còn Sử-vạn, sau khi liên kết với Tam-Bản. Y trở về Lão-qua truyền giáo. Thế lực của y cực lớn. Đến nỗi quốc vương phải phong cho y tước vương, cho giữ chức Thái-phó, coi toàn bộ binh lực. Nhật-Hồ lão nhân khen ngợi, truyền Hồng-thiết tâm pháp cho y, hầu y có thể giải vĩnh viễn Nhật-Hồ độc chưởng cho giáo chúng. Được Hồng-thiết tâm pháp rồi, y bèn tách khỏi Hồng-thiết giáo Đại-Việt, lập ra Hồng-thiết giáo Lão-qua, do y làm giáo chủ.

… Trong khi đó Khiếu Tam-Bản cũng thành công ở Chân-lạp. Cũng được truyền Hồng-thiết tâm pháp. Tam-Bản thấy Sử-Vạn Na-Vượng tách khỏi Hồng-thiết giáo Đại-Việt lập Hồng-thiết giáo riêng. Y cũng bắt chước, tự xưng giáo chủ.

… Vì sắc dân Thái sống khắp Đại-lý, Lão-qua, Xiêm-la, nên Hồng-thiết giáo của Sử-Vạn Na-Vượng có tổ chức khắp ba nước. Nhân sau đại hội Lộc-hà, thấy anh hùng tộc Việt tôn Khai-Quốc vương làm minh chủ, trong việc thống nhất. Y xin Khiếu Tam-Bản giúp đỡ, tổ chức đại hội võ lâm Vạn-tượng, làm lễ giỗ công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa, mục đích nêu cao ngọn cờ thống nhất sắc dân Thái, để tôn y làm minh chủ. Nhưng trong đại hội, y bị võ phái Thiên-tượng của Đoàn Huy, võ phái Tha-nôm của Rát-ta-Na phá tan. Y bèn cùng Khiếu Tam-Bản lộn trở sang Tống tìm ngoại viện.

… Giữa lúc đó Lưu hậu bắt buộc phải phong chức tước cho Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc, sai trấn ở ngoài. Bà thiếu chân tay võ công cao ở trong để làm những truyện bí mật. Bà phong cho y với Khiếu Tam-Bản chức tước, rồi sai đi khống chế bá quan văn võ. Chỉ thời gian ngắn hai lão lập được biết bao công. Bà trao cho Sử-vạn Na-Vượng chức Trấn-quốc đại tướng quân, Tổng-lĩnh thị vệ. Còn Khiếu Tam-Bản được phong Hoài-hóa đại tướng quân, lĩnh chức Bắc-ban nội phẩm, phụ trách thị vệ Cấm-thành.

… Cách đây mấy ngày, tin tức từ Đàm-châu tâu về triều việc Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc bị một thế lực bí mật bắt mất mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Hai lão mất tích cùng sứ đoàn. Lưu hậu cho rằng việc này do Định-vương ra tay. Bà vội sai y lên đường tìm sứ đoàn, bằng mọi cách đem sứ đoàn về triều.

Sử-vạn tưởng võ lâm Hoa-Việt không ai biết y. Nào ngờ bây giờ y với Khiếu Tam-Bản bị Thanh-Mai nói đúng lý lịch. Dù trời mùa Đông, mồ hôi y cũng vã ra.

Thanh-Mai thấy y sợ, càng dọa già:

– Nhị vị giáo chủ. Rất đỗi hùng mạnh như Hồng-thiết giáo Đại-Việt, như bang Nhật-hồ Trung-quốc. Võ công cao như Nhật-Hồ lão nhân, như tả hữu sứ Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc. Bang trưởng Đặng Đại-Bằng cùng hai vị Phương Hổ, Phương Báo… nay đã thoát ra khỏi ma chướng, ma nghiệp. Nhị vị ơi! Buông dao mổ heo, lập tức thành Bồ-tát. Nhị vị giết người đã nhiều rồi mà nay còn đi vào đường tà, e rằng đại họa lâm đầu, bấy giờ có hối cũng không kịp nữa.

Sử-vạn Na-vượng quay lại nói một tràng tiếng lạ với Khiếu Tam-Bản. Khiếu Tam-Bản cũng đáp lại bằng tiếng lạ. Hai người nhìn nhau cười khúc khích.

Thiệu-Thái nghe hai lão đối đáp, chàng nhận ra họ dùng tiếng Thái. Tại Bắc-biên có đến năm khê động Thái trắng, ba khê động Thái đen. Chàng được song thân cho học đủ thứ tiếng Thái, Mường, Mèo từ nhỏ, nên nay nghe hai lão nói lén với nhau, chàng hiểu liền.

Sử-Vạn Na-vượng:

– Con nhỏ này là vợ gã Lý Long-Bồ phải không?

Khiếu Tam-Bản:

– Đúng thế. Nay mai gã lên làm vua Đại-Việt đấy.

– Bỏ mẹ chúng mình rồi. Từ xưa đến giờ Chân-lạp, Lão-qua đều phải thần phục Đại-Việt. Chúng mình mưu làm vua, mà gây hấn với gã này, e không đất mà chôn. Gã như lửa cháy ở gần, trong khi Lưu hậu như nước lại ở xa. Làm sao bây giờ?

– Tôi nghĩ chúng ta nên đánh thuốc độc giết cả sứ đoàn, rồi đổ cho người của Định-vương Nguyên Nghiễm. Như vậy sau này ai lên làm vua Đại-Việt cũng được, còn hơn để gã Long-Bồ sống, chúng ta không thể yên với gã.

– Tạm thời ta cứ lên đường về Biện-kinh đã, rồi sẽ liệu.

Thiệu-Thái dùng Lăng-không truyền ngữ thuật những gì hai lão nói với nhau cho Khai-Quốc vương cùng Thanh-Mai nghe.

Xe đã vào trong thành. Lại gặp chỗ dân chúng tụ tập xem bảng văn tầm nã của Kinh-lược sứ làm xe bị nghẽn lối không đi được. Chợt Thanh-Mai thấy bảng văn như có gì khác với những bảng văn xem hồi trưa. Nàng đọc lên cho mọi người nghe:

Quan Kinh-lược sứ Kinh-châu,

cùng Tư-mã Tương-dương cáo tri cho dân chúng biết.

Hiện có hai tên đại đạo khét tiếng đang lẩn trốn trong vùng. Một đứa có tên Sử-vạn Na-vượng người xứ Lão-qua. Một đứa có tên Khiếu Tam-Bản người xứ Chân-lạp. Ai bắt hoặc giết được một tên, bản chức sẽ thưởng cho trăm lượng vàng.

Trên hai tấm vải lớn. Mỗi tấm vẽ hình một người theo hai thế. Một thế nhìn thẳng, một thế nhìn nghiêng. Tấm bên phải vẽ hình Sử-Vạn Na-vượng. Tấm bên trái vẽ hình Khiếu Tam-Bản. Nét vẽ sống động, trông giống như hai lão như bên ngoài.

Cả sứ đoàn đều kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau. Hai lão Khiếu, Sử tung mình khỏi xe đến sát dưới tấm bảng, đọc lại bảng văn.

Một người dân ra vẻ hiểu biết nói:

– Hai tên đại đạo này không vừa. Đêm qua chúng dám lọt vào dinh Kinh-lược sứ ăn trộm bảo vật của vua Xiêm cống Thiên-tử.

Một người hỏi:

– Sao cống bảo lại ở trong dinh Kinh-lược sứ?

– Có gì đâu mà lạ. Sứ thần Xiêm-la là Thái tử An-nan Tam-gia-la-sun cư trú tại dinh Kinh-lược sứ. Không ngờ trong đêm hai tên đại đạo này lẻn vào ăn cắp cống bảo.

Hai lão Sử-Vạn, Khiếu chưa đọc hết, dân chúng đã nhận ra mặt chúng giống hình cáo tri. Một người kêu:

– Hai tên đại đạo đây rồi.

Họ xúm vào bao vây hai lão. Một vài người có vũ khí, họ rút ra cầm tay. Hai lão kinh hãi, vội nhảy lên xe miệng hô:

– Chạy mau.

Gã đánh xe ra roi. Xe hướng cửa Bắc phóng đi như bay. Nhưng tới cửa Bắc, lại gặp đám dân chúng đang đứng xem bảng văn truy tầm hai lão. Gã đánh xe quát tháo, cho ngựa lao vào đám đông. Đám đông vội nhảy nhót tránh né. Cứ thế xe ra khỏi thành, gặp đến chín chỗ yết bảng tầm nã.

Sử-vạn Na-vượng hỏi Tam-Bản:

– Sư đệ! Rõ ràng chúng ta nhận chỉ dụ của Thái- hậu đi đón sứ đoàn, mà sao kinh lược sứ Kinh-châu lại cáo thị tầm nã rằng chúng ta là phường trộm cướp. Chúng ta phải vào thành hỏi cho ra lẽ.

– Nhưng Thái-hậu muốn chúng ta âm thầm làm việc, cấm xuất hiện. Thôi, chúng ta mau về Biện-kinh, rồi sẽ tính sau.

Sử-Vạn ra lệnh:

– Lên đường.

Xe đi đến khi trời tối thì tới một trấn nhỏ. Lão Khiếu hỏi gã đánh xe: Bủa Khảm. Trấn này tên gì vậy?

– Trình giáo chủ đó là huyện Tân-dã.

Nghe nói đến Tân-dã, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Thanh-Mai. Cả hai cùng gật đầu, vì địa danh Tân-dã rất nổi tiếng trong chiến tranh thời Tam-quốc.

Bủa Khảm tiếp:

– Trước đây Tân-dã là một thành nhỏ. Sau dân chúng đông quá, cư trú khắp xung quanh rộng ra tới mấy dậm. Từ khi Tống triều lập lên, huyện thành di chuyển đi xa hơn chỗ cũ.

– Người tìm cho ta một khách điếm.

– Tuân chỉ giáo chủ.

Bủa Khảm đánh xe vào trấn. Y gò cương cho ngựa dừng lại trước khách điếm Nghinh-phong. Một thiếu niên chạy ra đon đả chào, tay y đón dây cương. Quản lý cúi rạp người xuống chào, gọi phu khuân hành lý xuống.

Một chiếc xe song mã từ phía sau phóng tới như bay. Bị xe Bủa Khảm cản đường, hai con ngựa dựng đứng bốn vó lên, hí inh ỏi. Gã đánh xe chửi:

– Con bà tụi bay! Hết đất rồi hay sao mà tụi bay dừng ở giữa đường cản trở ông nội bay.

Y vung tay, cái roi ngựa đập vào đầu lão Khiếu. Lão Khiếu vòng ngón tay chỏ cuốn lấy chiếc roi ngựa rồi kéo mạnh. Gã đánh xe buông roi ra, miệng chửi:

– Tổ bà quân trộm cướp.

Lão Khiếu tung roi trả y. Gã đánh xe bắt lấy roi, miệng hô:

– Vắt!

Hai con ngựa sải bước, kéo xe đi. Gã đánh xe vung roi. Chiếc roi cuốn lấy gói hành lý của lão Sử-Vạn. Vù một tiếng, gói hành lý bay sang xe song mã. Chiếc xe vọt lên thực mau. Gã đánh xe quay lại méo miệng trêu lão Sử-vạn.

Lão Sử-vạn hô:

– Quân ăn cướp. Mau đuổi theo.

Bủa Khảm ra roi, chiếc xe tứ mã vọt lên như tên bắn. Nhưng chiếc xe song mã còn chạy mau hơn. Đuổi được một lát, chiếc xe song mã đã mất hút vào quãng đường xa xôi mờ mịt bóng chiều.

Giữa lúc đó từ phía xa, một con ngựa đang phi nước đại ngược chiều. Ngựa không có người cỡi.

Nhìn con ngựa phi, không người cỡi, cả Thanh-Mai lẫn Mỹ-Linh lại nhớ hồi mấy năm trước hai người bị bọn Triệu Anh bắt đem từ Thanh-hóa đến Vạn-thảo sơn trang, Lê Văn đã ẩn dưới bụng ngựa, rồi phi như bay. Ai cũng tưởng ngựa hoang. Triệu Huy sai Quách Quỳ bắt ngựa, bị Lê Văn đánh một cái bạt tai. Nay thấy việc cũ diễn lại, hai người nhìn nhau, mỉm cười. Vì biết việc này do Lê Văn bầy ra trêu hai lão già.

Khiếu Tam-Bản đứng lên càng xe quan sát. Y nói lớn:

– Ngựa hoang không người cỡi, không yên cương. Ta bắt lấy.

Y ra lệnh cho xe chạy chậm lại, rồi bước xuống đường đứng chờ. Khi con ngựa phi tới, y tung mình nhảy lên đáp xuống lưng ngựa. Con ngựa hí inh ỏi, cất cao vó trước. Thành ra Khiếu đáp hụt. Y rơi xuống đất.

Con ngựa hạ vó, đứng ngoan ngoãn giữa đường. Khiếu nhún chân định nhảy lên lần nữa, thì trên lưng đã có một thiếu niên ngồi kiết già từ bao giờ. Tay y cầm ông tiêu đang tấu một bản nhạc rất nhu hòa. Khiếu không hiểu bằng cách nào thiếu niên đã bắt được ngựa.

Mỹ-Linh chú ý thấy thiếu niên đó trông không giống Lê Văn chút nào. Còn Khiếu không biết từ đâu thiếu niên đó đã xuất hiện.

Nhưng Sử-Vạn Na-vượng lại nhìn rất rõ: Thiếu niên nấp đưới bụng ngựa, điều khiển cho nó chạy. Khi thấy Khiếu nhảy lên định bắt, thếu niên thúc chân vào bụng ngựa, khiến nó nhảy dựng vó trước, rồi y lộn lên lưng ngựa.

Thiếu niên chỉ mặt Khiếu Tam Bản:

– Giữa ban ngày ban mặt mà lão định ăn cắp ngựa ư?

Nghe tiếng thiếu niên, Mỹ-Linh nhận ra y chính là Lê Văn.

Khiếu Tam Bản quát:

– Tên ôn con kia, mi không được hỗn. Ta đường đường là khâm sai đi đón sứ đoàn. Ai thèm ăn cắp ngựa của mi.

– Khâm sai! Thế có gì làm bằng chứng không?

Khiếu Tam Bản định móc túi lấy thẻ bài ra, thì Sử-Vạn Na-vượng nói:

– Mi là tên ôn con, không có tư cách gì hỏi thẻ bài bọn ta.

– Dĩ nhiên tôi không có quyền hỏi hai lão. Chỉ nguyên việc ăn cắp ngựa cũng đủ biết hai lão không thể là khâm sai.

Khiếu Tam Bản nổi đóa, y dơ tay định tát Lê Văn, nó hô lớn:

– Noong chả.

Có tiếng đáp lại

– Khả.

Mỹ-Linh dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi sẽ Thiệu-Thái:

– Lê Văn nói tiếng gì vậy?

– Tiếng Thái. Noong chả là em ơi. Khả là ơi .

Chờ một lát, Lê Văn hô:

– Lêu ( Mau lên).

Từ trong vườn bên đường một thiếu nữ mặc quần áo mầu tím chạy ra. Lê-Văn chỉ vào lão Khiếu:

– Em coi, cái tên này định ăm cắp ngựa, rồi còn xưng là khâm sai nghĩ có chướng không?

Nó tự chỉ tay vào thái dương, rồi nói trống không:

– Pạt sạt. (Đồ khùng)

Bỗng thiếu nữ áo tím kêu lên:

– Ối! Hai lão này là đạo tặc, có bảng văn của quan nha niêm yết. Ai bắt hoặc giết một lão sẽ được thưởng vàng trăm lượng. Chính hai lão cướp của, đoạt xe của em tháng trước.

Thiếu nữ áo tím nói tiếng Hoa bằng giọng rất ngọt ngào nũng nịu. Lê Văn chỉ lên xe:

– Hai lão đạo tặc kia, bọn lão chở những ai trên xe thế?

Lão Khiếu định lý luận, lão Sử-Vạn vẫy tay:

– Chúng ta đi thôi, chẳng nên lý luận với bọn con nít này làm chi.

Có tiếng lộp bộp vó ngựa. Từ phía sau một đoàn thiết kị khoảng hơn trăm người được chỉ huy bởi một viên tướng đi tới. Đoàn thiết kị chia làm hai. Toán đi trước gồm năm người dẹp đường. Toán sau gần trăm người. Giữa hai toán có hai kị mã gồm một nam một nữ. Nam mặc bộ quần áo mầu vàng coi rất lạ. Nữ mặc áo xanh. Quãng đường này hơi hẹp, lại vướng chiếc xe tứ mã, cùng con ngựa của Lê Văn cho nên toán kị mã ùn lại. Mấy thiết kị đi đầu hô lớn:

– Tránh đường.

Lê Văn thúc chân vào bụng ngựa. Con ngựa dựng hai vó trước lên, nó đứng bằng hai chân sau, đầu gật bốn cái như làm lễ.

Cả toán thiết kị cùng đôi nam nữ đều kinh ngạc. Nữ nói:

– Anh trông kìa! Tại sao có người giỏi thuật kị mã đến thế kia?

Cặp nam nữ thấy thiếu nữ áo tím, cùng bật lên hỏi một tràng tiếng Thái. Thiệu-Thái dịch lại cho cậu nghe:

– Em đấy ư? Em có sao không?

– Không!

Nàng chỉ vào Lê Văn:

– Anh kia đã cứu em thoát.

Chiếc xe tứ mã vẫn đậu giữa đường.

Viên kị binh mắng:

– Hai lão già chết bằm kia! Mi có tránh đường ra không?

Nói dứt lời y vung roi quất vào mặt Sử-Vạn. Sử-Vạn bắt lấy roi, giật mạnh, rồi bẻ vụn ra ném xuống đất. Y giật mạnh quá, khiến viên kị binh suýt ngã ngựa. Viên kị binh nổi giận rút đao ra bổ một nhát vào đầu Sử-Vạn. Sử-Vạn kẹp hai ngón tay vào sống đao. Viên kị binh cố sức giật đao ra, mà đao cứng như đinh đóng cột. Sử-Vạn rung tay một cái, mấy tiếng lách cách vang lên. Đao gẫy làm năm sáu mảnh. Thuận tay y phẩy sẽ hai cái. Những mảnh vụn hướng thiếu nữ áo tím. Kình lực kêu lên vo vo.

Mọi người la hoảng.

Lê Văn thúc chân vào bụng ngựa. Con ngựa chồm lên nhảy vào người Sử-vạn. Trong khi nó phóng đến ôm lấy thiếu nữ lăn xuống đất, tay đẩy lên một chưởng. Những mảnh đao bị chưởng lực của nó đẩy bay ngược trở về người Sử-vạn. Sử-vạn vừa tránh thế chụp của con ngựa, thì bị những mảnh đao bay đến. Y kinh hãi vọt người lên cao, vừa kịp những mảnh đao bay qua chân y.

Y chỉ mặt Lê Văn:

– Mi vô lễ với ta như vậy, thì đừng trách ta ác độc.

Y vung tay lên định phát chưởng. Thiếu nữ áo xanh quát lên:

– Khoan.

Nàng hỏi Lê Văn:

– Công tử! bọn này là ai vậy?

Lê Văn chỉ hai lão Khiếu, Sử:

– Hai vị thứ lỗi. Tôi đang đi thì bị hai tên đạo tặc này định cướp ngựa, vì vậy làm cản trở đường các vị.

Lão Khiếu nổi giận:

– Chúng ta đường đường là khâm sai của triều đình, mi cứ mồm năm miệng mười là đạo tặc. Mi liệu giữ mồm bằng không ta chặt đầu mi liền.

Thiếu nữ cất giọng nói một tràng tiếng Thái với hai kị mã. Nam kị mã hất hàm hỏi hai lão Khiếu, Sử-Vạn:

– Hai người phải chăng một tên là Sử-vạn Na-vượng. Một tên là Khiếu Tam Bản, khét tiếng đạo tặc vùng Kinh-Tương. Kinh lược sứ Kinh-châu đang niêm yết khắp nơi tìm bắt hai người?

Thiếu nữ chỉ vào xe:

– Chúng bắt những người này khảo của thì phải.

Viên tướng chỉ huy đội thiết kị vẫy tay một cái. Hai lão Sử-vạn, Khiếu bị bao vây vào giữa.

Lão Khiếu quát lên:

– Các người không được vô phép. Chúng ta là khâm sai triều đình sai đi đón sứ đoàn Đại-Việt. Các người nghe lời tên ôn con kia vô phép với ta sẽ bị chém đầu.

Viên tướng nghiêng mình chắp tay:

– Tiểu tướng Diêu Vạn, lĩnh chức Chiêu-thảo-sứ, chỉ huy đoàn thiết kị Kinh-châu. Tiểu tướng được lệnh hộ tống Thái-tử Xiêm-quốc cùng sứ đoàn lai kinh tiến cống. Nếu hai vị là khâm sai, xin cho biết danh tánh, chức tước cùng chiếu chỉ, lệnh bài. Nói rồi y trình lệnh bài ra. Sử-Vạn luống cuống ra mặt. Bởi lệnh bài, cũng như chiếu chỉ của Lưu hậu đều để trong bọc. Mà bọc bị tên phu xe ban nãy cướp đi mất rồi. Y trả lời:

– Chúng ta không có lệnh bài.

Đám thiết kị cùng bật cười. Một kị binh nói:

– Trình tướng quân, lệnh quan Kinh-lược sứ truy nã hai tên đạo tặc

Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản. Lệnh truy tầm có vẽ hình giống hệt hai lão này.

Diêu Vạn nói lớn:

– Khâm sai không có lệnh bài, chiếu chỉ, đó là một điều đáng nghi. Hai vị giống hệt hình hai tên đạo tặc, là hai điều đáng nghi ngờ. Thiếu niên kia tố giác hai vị bắt trộm ngựa là ba điều đáng nghi ngờ.

Y hỏi sứ đoàn:

– Thưa các vị. Các vị có biết hai lão này là ai không? Tại sao các vị lại đi cùng với hai lão.

Khấu Kim-An vốn thạo về quan trường cũng như uẩn khúc triều Tống. Nàng tìm cách gây nghi ngờ trong tâm Diêu Vạn:

– Thưa tướng quân, tiện thiếp xin trình để tướng quân rõ.

Nàng chỉ vào sứ đoàn:

– Vị này là trừ quân Đại-Việt, tước phong Khai-Quốc vương.

Diêu Vạn chắp tay:

– Tiểu tướng ở Tương-dương từng nghe danh vương gia như sét nổ ngang tai. Dường như võ lâm tộc Việt đồn rằng: Những ai chưa gặp Khai-Quốc vương đừng vội xưng anh hùng. Mới đây võ lâm Trung-nguyên không ngớt ca tụng vương gia dùng đức cảm hoá Trường-giang thất quỷ cùng bang Nhật-hồ Trung-quốc trở lại chính đạo. Không ngờ tiểu tướng được hội kiến vương gia tại đây.

Khai-Quốc vương đáp lễ:

– Diêu tướng quân chẳng nên đa lễ. Cô gia từng nghe người đời ca tụng Diêu tướng quân vốn xuất thân đệ tử Bắc-sơn lão nhân phái Hoa-sơn. Võ đạo cực cao. Hôm trước đây tôn sư cùng các vị cao thủ quý phái có viếng thăm Bắc-biên bên Đại-Việt. Võ lâm Đại-Việt nức nở khen võ công, võ đạo phái Hoa-sơn cao bậc nhất Trung-nguyên.

Tuổi Diêu Vạn còn trẻ, lại mới ra làm quan. Nhưng nhờ thế lực Đông-Sơn lão nhân, Dư Tĩnh, nên y mau chóng được thăng chiêu thảo sứ. Với thân phận nhỏ bé của y, lại ở quá xa Đại-Việt. Y tuyệt không ngờ Khai-Quốc vương cũng biết y. Nghe Quốc-vương khen mình, y hớn hở ra mặt.

Viên sứ Xiêm xuống ngựa thi lễ với Khai-Quốc vương:

– Tiểu đệ An-nan Tam-gia La-sun thái tử Xiêm, xin tham kiến vương huynh. Hôm trước sư phụ của tiểu đệ dự lễ giỗ Bắc-bình vương trở về không ngớt ca tụng công đức vương huynh. Cách nay hơn tháng, tiểu đệ qua Thăng-long triều kiến bá phụ, có tìm kiếm vương huynh mà không gặp. Hôm nay được diện kiến vương huynh ở đây, thực vạn hạnh.

Nói rồi y chỉ thiếu nữ áo xanh:

– Vợ của tiểu đệ.

Y lại chỉ thiếu nữ áo tím:

– Em gái của tiểu đệ, tên Nong-Nụt.

Khai-Quốc vương xuống xe đáp lễ:

– Thì ra Thái-tử là đệ tử của lão sư Rát-Ta-Na đấy. Chúng ta cùng là con Rồng cháu Tiên cả. Nay gặp nhau trên đất nước người, thực không gì quý hơn.

An-nan vẫy tay gọi thiếu nữ áo tím:

– Nong Nụt, mau ra mắt vương huynh đi.

Nong Nụt chạy lại. Hai tay nàng chắp để lên trán, rồi cúi đầu ba lần trước Khai-Quốc vương, nàng nói bằng tiếng Việt:

– Chào anh vương.

Dường như nàng chỉ biết có mấy tiếng đó. Tiếp theo nàng xổ ra một tràng tiếng Thái. Thiệu-Thái dịch:

– Tiểu muội công chúa Nong Nụt xin tham kiến vương huynh và tỷ tỷ.

Kim-An giới thiệu Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Cuối cùng nàng chỉ vào hai lão Sử-vạn, Khiếu:

– Vợ chồng chúng tôi làm nghề chở mướn trên sông Trường-giang, được vương gia mượn chở sứ đoàn. Khi sứ đoàn tới Tương-dương thì hai vị này xuất hiện dùng thuốc Di-hồn nhuyễn cân ngũ-hoa độc tấn công, rồi bắt bỏ lên xe mang đi.

Nàng ngừng lại, chỉ vào lão Khiếu:

– Vị tiên sinh đây có đại danh Khiếu Tam Bản, lĩnh chức Nam-phương sứ giả Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Hiện là giáo chủ Hồng-thiết giáo Chân-lạp.

Diêu Vạn hất hàm hỏi lão Khiếu:

– Có đúng thế không?

Mặt lão Khiếu cau có:

– Đúng thì đã sao?

Kim-An chỉ vào Sử-vạn Na-vượng:

– Vị này đại danh Sử-vạn Na-vượng, lĩnh chức Đông-phương sứ giả Hồng-thiết giáo Đại-Việt, đương kim giáo chủ Hồng-thiết giáo Lão-qua.

Diêu Vạn hỏi:

– Tiểu tướng nghe Khai-Quốc vương phi, công chúa Bình-Dương, thế tử Thiệu-Thái võ công kinh nhân. Tại sao lại để cho hai tên đạo tặc này bắt như thế này?

Mỹ-Linh lên tiếng:

– Diêu chiêu thảo sứ hiểu cho. Chúng tôi đi sứ Đại-Tống. Uy danh Đại-Tống lớn biết chừng nào? Đại-Tống đã cử thiết kị hộ tống, đời nào chúng tôi dám xử dụng võ công trên đất Trung-nguyên. Nếu chúng tôi xử dụng võ công, như vậy còn đâu lễ nghi nữa? Tuy nhiên, nếu như Tống thiên tử cùng bách quan cần đến sức mọn, chúng tôi sẽ ra tay. Như trường hợp bang Nhật-hồ phạm giá Định-vương. Khi Định-vương truyền chỉ bắt giặc thì chúng tôi ra tay kiềm chế chúng liền.

Sử-vạn Na-vượng quát lên:

– Ta đường đường thụ phong tước tới quận vương. Văn tới thái bảo. Võ tới Tiết-độ sứ. Ta đang trên đường thi hành chỉ dụ của thái hậu. Không hiểu sao tên Kinh-lược sứ Kinh-châu lại yết bảng rằng chúng ta làm đạo tặc? Rồi đến cái tên Chiêu-thảo sứ kia hạch hỏi ta. Lại đây, lại đây! Mi có giỏi thì bắt ta đi!

Diêu Vạn hô thiết kị xông vào. Lão Khiêu, vung tay một cái, hai kị binh bay bổng lên cao, rơi xuống đất. Trong khi đó lão Sử-vạn nghĩ thầm:

– Ta bị mất thẻ bài, chỉ dụ của triều đình, ta không thể chứng minh thân phận. Bây giờ ta có chống cự với bọn kị binh này, chẳng khác lấy chén kiểu đụng chén đá. Ta có thắng cũng không làm hay hơn. Nhược bằng ta bại có khi bị giết.

Lão liếc nhìn sứ giả Xiêm-quốc:

– Bọn này hộ tống sứ Xiêm. Vậy ta ra tay kiềm chế tên sứ này, bắt chúng phải lui binh, mới mong giải quyết được cục bộ ở đây.

Nghĩ vậy lão tung mình lên cao. Chỉ nhấp nhô mấy cái lão đã tới trước An-nan. Tay lão ra chiêu cầm-long trảo chụp y. An-nan né đầu tránh khỏi rồi phát một chưởng đánh thẳng vào người lão. Chưởng của y cực kỳ trầm trọng.

Lê Văn la lớn lên tỏ vẻ vui mừng, vì An-nan xử dụng Thiên-vương chưởng của phái Sài-sơn. Lão Sử-Vạn biến trảo thành chưởng. Hai chưởng gặp nhau bùng một tiếng lớn. Lão Sử-Vạn bay bổng lên cao. Từ trên cao, lão đánh xuống một chưởng rất quái dị. Lê Văn la lên:

– Nhật-hồ độc chưởng.

An-nan thấy thế chưởng hung dữ, chàng lăn từ mình ngựa xuống đất, rồi nhảy lùi liền hai bước. Chưởng trúng con ngựa chàng đang cỡi. Binh một tiếng, con ngựa khốn nạn ngã lăn ra. Nó dẫy đành đạch, hí lên những tiếng thê thảm, rồi máu miệng tuôn ra ồng ộc.

An-nan chỉ vào mặt lão Sử-vạn Na-vượng:

– Lão là ai? Ta với lão không thù không oán, hà cớ gì lão ra tay ám toán ta?

Sử-vạn không nói không rằng, lão nhảy vèo đến chụp thiếu nữ áo xanh rồi tung mình khỏi đám thiết kị. Dường như nàng không biết võ công, nên y chụp dễ dàng. Y để tay lên đầu nàng hô lớn:

– Ngừng tay!

Mọi người đều lui lại. Lão Sử-vạn để tay lên đầu thiếu nữ áo xanh cười nhạt:

– Thái tử An-nan Tam-gia La-sun. Thiếu nữ xinh đẹp này phải chăng là vương phi? Mỗ muốn thương lượng với Thái-tử, hơn là hai bên đánh nhau.

An-nan cau mặt hỏi:

– Lão muốn gì?

– Giữa Chiêu-thảo sứ Diêu Vạn với mỗ vốn không thù không oán. Diêu nhận lệnh hộ tống sứ đoàn Xiêm. Mỗ nhận chỉ dụ hộ tống sứ đoàn Việt. Không ngờ Diêu can thiệp vào việc của mỗ, nên mỗ phải can thiệp vào việc của y.

Y ngừng lại, nhìn Khai-Quốc vương:

– Bây giờ xin Thái-tử ra lệnh cho Diêu cứ lo việc của hắn. Hai bên ngừng chiến. Chúng ta cùng đi Biện-kinh, có phải tốt đẹp không? Bằng y cãi lệnh Thái-tử, mỗ nhả chưởng lực, vương phi sẽ nát đời hoa. Thái-tử phải ôm mối hận cả đời, mà Diêu không làm tròn sứ mệnh quân vương, ắt bị toàn gia tru lục. Không biết Thái-tử nghĩ sao?

An-nan hỏi Diêu Vạn:

– Lão Sử-vạn Na-vượng nói vậy, Diêu tướng quân nghĩ sao?

Diêu Vạn chưa kịp trả lời, thì tiếng vó ngựa lộp cộp. Có con ngựa phi tới, một người đứng co chân trên lưng ngựa. Còn một chân chĩa về trước. Cổ chân y móc cái túi. Đúng là cái túi hành lý của Sử-vạn Na-vượng. Con ngựa tới gần đám đánh nhau thì ngừng chân, cất cao vó, quay đầu trở lại. Gã kị mã để tay lên mũi trêu Sử-vạn Na-vượng.

Tất cả những bực bội từ nãy đến giờ của Sử, Khiếu đều do bị mất hành lý, không còn thẻ bài, chỉ dụ chứng minh thân phận. Bây giờ thấy kẻ trộm trước mắt, lão Sử-vạn điên tiết lên:

– Tên ăn cắp kia, mau trả hành lý cho ta.

Gã ăn trộm cười, để tay lên tai làm bộ điếc:

– Lão nói sao? Lão muốn ăn cắp hành lý của sứ đoàn Xiêm ư?

Gã nói lớn:

– Hôm qua có hai tên vào nhà ta ăn trộm. Ta đánh đuổi chúng đi, chúng sợ đến té đái vãi phân ra, vì vậy chúng ném hành lý lại rồi chạy. Ta thấy hai tên này khuôn mặt hao hao hai lão.

Y hướng vào Diêu Vạn, tay chỉ Sử, Khiếu:

– Đại tướng quân! Quan Kinh-lược sứ Kinh-châu đã có lệnh truy tầm hai tên đại đạo này. Kính xin đại tướng quân bắt chúng mà lĩnh thưởng.

Khi rời Tương-dương, chính Diêu Vạn đã đọc lệnh truy tầm hai tên đạo tặc của Kinh-lược sứ. Hình hai tên giống hệt lão Sử-Vạn, Khiếu. Nghe gã kị mã nói, y phân vân, vì bỏ qua rất uổng, số vàng thưởng tới hai trăm lượng chứ đâu có ít?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.