Chim ưng mang thư đi một lát thì trở về với thư của Lê Văn tường trình việc chiếm lại Vạn-hoa sơn trang. Hà Thiện-Lãm đưa cho Khai-Quốc vương. Vương cầm thư đọc cho mọi người nghe:
Kính trình anh cả là Khai-Quốc vương.
Em cùng với đoàn võ sĩ phái Tiêu-sơn lên đường buổi sáng, thì xế trưa tới Vạn-thảo sơn trang. Trong khi đi đường, bọn em cứ tưởng sẽ có trận đánh nhau khủng khiếp với bọn Hồng-thiết giáo. Không ngờ khi tới nơi thì đoàn Ưng-sơn đã đánh chiếm lại từ bao giờ. Họ để nhóm người của phái Tha-nôm giữ trang. Còn lại họ lên đường chiếm Vạn-hoa sơn trang.
Khi đánh chiếm Vạn-thảo sơn trang, Nhật-Hồ lão nhân sai tên Vũ Hào chỉ huy giáo chúng. Chiếm được trang rồi, y đuổi tất cả bệnh nhân ra, những bệnh nhân này đói khát, lê lết ăn mày, chết dần, chết mòn ở dọc đường. Chúng dành sơn trang để chữa đám giáo chúng bị thương. Tuy vậy chúng không giết một y sĩ nào cả.
Thái-tử An-Nan thuật lại rằng trước khi khởi sự trận đánh, Ưng-sơn nam hiệp hứa: Nếu giáo chúng nào đầu hàng thì được tha, còn kẻ nào chống đối, sẽ giết chết. Vì chúng chống đối, nên sau khi chiếm trang, Ưng-sơn nam hiệp sai giết sạch, tổng cộng hơn năm trăm đứa, mà gốc gác toàn xuất thân từ trộm cướp, đầu trâu mặt ngựa.
Tuy nhiên Ưng-sơn nữ hiệp khuyên không nên giết bọn bị thương. Vì vậy lúc em về, vẫn để các y sĩ trị thương cho họ. Trang hiện đã trở lại bình thường. Đội võ sĩ Tiêu-sơn nhận được thư của Minh-Không Bồ-tát bảo phải về chùa ngay. Em đã kính cẩn tiễn đưa họ lên đường sáng nay.
Được thư tiên cô nói anh Thông-Mai bị thương nặng, em đã cho chim ưng mang thư đi 711 y viện, để họ cùng tìm Thái sư-phụ với bố em. Nếu tin này đến tai Thái sư-phụ hay bố em, hẳn người sẽ trở về trị bệnh cho anh ấy ngay. Em vẫn trấn tại đây, không dám đi đâu xa cả. Còn anh, em nghĩ anh nên về Thăng-long ngay để ổn định mọi việc.
Khai-Quốc vương họp chư tướng để ban lệnh. Vương thấy thiếu hai sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt với đội võ sĩ phái Đông-a. Vương hỏi Thuận-Tông:
– Hai vị sư thúc đâu rồi?
Thuận-Tông đáp:
– Hai sư thúc cùng đội võ sĩ Đông-a giúp bọn em đuổi theo bọn Hồng-thiết giáo cửa Tây. Khi đuổi đến khu rừng Nhạn-sầu thì tiêu diệt hết không còn tên nào. Hai sư thúc lệnh cho em với Lãm đem quân về thành. Người nhờ em thưa với anh rằng người phải về chỉnh đốn lại các trang ấp vùng Thiên-trường. Sau khi chỉnh đốn xong, người sẽ về Thăng-long gặp anh hầu bàn kế sách sao cho dân giầu nước mạnh.
Khai-Quốc vương truyền xét công thăng thưởng cho chư quân. Vương truyền đạo Đằng-hải vào trấn Nghệ-an. Đạo Ngự-long, Bổng-nhật đóng lại Trường-yên đặt trực thuộc Lý Nhân-Nghĩa, để lùng bắt hết dư đảng Hồng-thiết giáo vùng Trường-yên, Cửu-chân. Vương với chư tướng khẩn lên đường về Thăng-long.
Vương truyền:
– Đạo Phong-châu, Thượng-oai do hạm đội Bạch-đằng chở thẳng lên vùng Thăng-long, rồi từ Thăng-long theo đường bộ về Bắc-biên.
Vương cùng với đám Bảo-Hòa, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh lên đường về Thăng-long bằng đường bộ.
Bỗng y sĩ điều trị cho Thông-Mai mặt tái nhợt chạy vào cung tay hành lễ với Khai-Quốc vương:
– Khải tấu vương gia.
Khai-Quốc vương giật mình:
– Việc gì đã xẩy ra?
– Thưa, thần xuống bếp sắc thuốc cho đại hiệp Thông-Mai uống. Khi thần bưng thuốc lên thì không thấy đại hiệp đâu cả.
Khai-Quốc vương cùng chư tướng chạy vào, thì thấy giường Thông-Mai nằm trống trơn. Cả bọc quần áo của chàng cũng biến mất.
Vương hỏi Bảo-Hòa:
– Cháu thử đoán xem, việc gì đã xẩy ra?
– Theo cháu nghĩ, có lẽ anh Thông-Mai tỉnh dậy, vì phẫn chí bởi những vết thương trên mặt, nên đã bỏ đi rồi.
Tôn Đản lắc đầu:
– Không thể như thế được. Nếu anh Thông-Mai tỉnh dậy, ắt sẽ gọi chúng ta, chứ có đâu bỏ đi?
Mỹ-Linh chỉ đôi guốc, cùng dầy của Thông-Mai:
– Nếu anh ấy đi đâu, thì phải đi dày dép, chứ đâu có đi chân không? Theo cháu nghĩ, một nhân vật nào đó mang anh ấy đi, nên mang cả hành lý của anh ấy theo. Có thể là lão tiên Phan Nam hay Hồng-Sơn đại phu đã đem anh ấy đi để trị bệnh.
Cẩm-Thi bàn:
– Không lẽ? Nếu hai đại-tôn sư đó đến đây, thì với thân phận lớn lao, hai vị đã xuất hiện gặp chúng ta, chứ có đâu âm thầm mang anh ấy đi như vậy? Còn người mang anh ấy là kẻ thù, thì chúng mang theo làm gì? Trong cũng như ngoài thành hiện quân sĩ đóng chật ních, kẻ nào mà có bản lĩnh vác anh ấy đi khiến cho không ai biết?
Chợt Lý Thường-Kiệt hít hít hơi rồi nói:
– Con nghĩ là Di-Lặc tôn Phật đã mang sư thúc Thông-Mai đi thì đúng hơn. Vì lúc mới vào đây con ngửi thấy mùi trầm hương. Mùi này khác với mùi của tiên cô Bảo-Hòa.
Lời của Thường-Kiệt làm mọi người tỉnh ngộ, vì khi mới vào ai cũng thấy mùi trầm cả, nhưng mọi người cứ tưởng mùi ấy từ người Bảo-Hòa xông ra. Nay Thường-Kiệt nói họ mới chú ý phân biệt. Mọi người đưa mắt nhìn đại sư Huệ-Sinh như cùng thỉnh ý kiến. Đại sư khoan thai đáp:
– Có thể là Thái sư-thúc thực. Hành trạng của ngài thực khó mà lường được. Chúng sinh hàng ngày niệm kinh A-Di-Đà với hy vọng được gặp ngài. Đại-hiệp Thông-Mai đã gặp may. Có thể hành trạng tru diệt ma vương quỷ dữ của đại-hiệp Thông-Mai đã thấu đến tâm ngài, nên ngài đón đi cứu chữa cho chăng?
Ngài thấy Bảo-Hòa sụt sùi khóc, thì an ủi:
– Tiên cô chẳng nên buồn mà chi. Trên thế gian hàng ngày, có đến ức ức, triệu triệu người niệm kinh A-Di-Đà với hy vọng khi lâm chung được ngài mang về thế giới Tịnh-độ. Xét hành trạng của Thông-Mai, khi mẹ chết bỏ đi tu trong chùa Sơn-tĩnh, nơi ngài chịu giam để trả quả. Hiếu tâm của thiếu hiệp đã động đến ngài. Rồi trong đại hội Thăng-long, khi sang Trung-quốc, thiếu hiệp tru diệt biết bao nhiêu ma vương quỷ dữ, mới đây diệt đại ma đầu Nhật-Hồ vì vậy ngài đến độ cho. Hoặc ngài đem đi chữa bệnh cũng nên. Hà, trong chúng thế gian biết bao nhiêu người đi tu, chỉ mong đắc pháp hoặc thoát được lẽ sinh, lão, bệnh, tử về thế giới Tịnh-độ. Mà nay Thông-Mai bỗng chốc thành chính quả, thì thực đại phúc hiếm có.
Bảo-Hòa vẫn khóc:
– Đại sư an ủi cháu đấy thôi, chứ cháu nghĩ anh ấy mười phần chết may mới có một phần sống. Nhất định anh ấy phẫn chí vì những vết thương trên mặt. Nay anh ấy tỉnh dậy, bỏ đi cho mọi người khỏi thấy… Hoặc anh ấy bị kẻ gian bắt đi mất rồi. Cháu, cháu phải tìm cho ra vụ bí mật này.
Nói rồi nàng tung mình chạy ra ngoài, tới chân thành, nàng nhấp nhô mấy cái, đã vượt ra ngoài. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cùng đuổi theo:
– Bảo-Hòa! Bảo-Hòa nghe anh nói đã.
– Chị Bảo-Hòa! Đừng! Chờ em!
Nhưng khi hai người lên mặt thành, thì không thấy bóng dáng Bảo-Hòa đâu nữa.
Đoàn người ngựa của Khai-Quốc vương kéo cờ đại thắng lên đường về Thăng-long. Đi đầu là một viên Đô- thống, với mười ngựa, bên phải là lá cờ Phụ quốc thái úy, tả tướng quốc bên trái là lá cờ Khai-Quốc vương. Vương ngồi trên cỗ xe song mã đo Lý Thường-Kiệt điều khiển. Phía sau vương còn có Mỹ-Linh, Thường-Hiến. Rồi tới xe của công chúa Bảo-Trung trên có Kim-An, Cẩm-Thi, Tĩnh-Ninh.
Đoàn người ngựa còn cách Thăng-long mười dặm, thì đã thấy Vũ-Uy vương, Khai-Thiên vương ra đón. Khai-Quốc vương thấy bác với anh đi đón, vương vội hô chư tướng xuống xe hành lễ. Vương cung tay:
– Thực nhọc thúc phụ cùng huynh trưởng.
Bác, cháu, anh em cầm tay nhau, nghĩ lại việc vừa qua, cùng chảy nước mắt. Chợt một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay vương. Vương nhìn lại thì ra Nhật-Tông. Vương bế bổng cháu lên mà hôn. Nghĩ đến Liên-Phương gặp biết bao gian truân, khiến cho Nhật-Tông phải mồ côi. Vương trao Nhật-Tông cho Mỹ-Linh. Mỹ-Linh ôm chặt lấy em, rồi đặt nó lên ngồi cùng xe.
Ba vương cùng ngồi trên xe vào thành. Dân chúng kéo nhau ra đầy đường thắp hương đón Khai-Quốc vương bình giặc trở về. Khai-Quốc vương nói với Khai-Thiên vương:
– Khuất thân cầu hiền, dự mưu, ước kế, cùng xung phong hãm trận anh không bằng em. Nhưng an ủi trăm họ, tổ chức cai trị, muôn ngàn lần em không bằng anh. Trận giặc Thăng-long vừa qua như vậy, mà chỉ hơn hai tháng, anh đã làm cho trăm họ trở lại thanh bình như thủa nào, thực chỉ vua Trưng mới hơn được.
Vương tiếp:
– Thời Lĩnh-Nam, công chúa Thánh-Thiên chia tướng làm ba loại. Một là đại-tướng, ngồi trên yên ngựa mà an thiên hạ. Hai là đại-tướng vỗ an trăm họ, tổ chức cai trị khiến cho dân ấm no, hạnh phúc. Ba là tướng xung phong hãm trận. Cứ xét việc đem đạo Ngự-long vào trấn Hoàng-thành của anh thực vụng về quá đáng. Nếu việc đó ở tay em thì không đến nỗi. Nhưng sau cơn binh lửa, lòng người ly tán, trăm họ sợ hãi, thế mà chỉ hai tháng qua, anh thay phụ-hoàng cầm quyền, khiến cho đời sống phồn thịnh hơn xưa, quả thực anh có tài của vua Trưng của tể tướng Phương-Dung. Anh là tướng của thời bình.
Thiệu-Thái nói:
– Con nghĩ cậu cả có tài cai trị, vỗ an bách tính, mà không có đức cầu hiền tài, uy trấn an bờ cõi cùng đồi phó với phương Bắc của cậu hai thực nguy vô cùng. Ngược lại uy, đức của cậu hai mà thiếu tài cai trị của cậu cả thì dân không hạnh phúc. Do đó, trời mới sinh ra hai cậu để an định trăm họ Đại-Việt. Con nghĩ cậu cả, cậu hai, cậu nào làm vua cũng thế. Vấn đề quan trọng là hai cậu cùng hợp lại, thì nước mới yên, mà dân mới hạnh phúc.
Từ khi nghe người ta thuật chuyện Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đi sứ Tống làm những truyên ngoài sức tưởng tượng của vương. Khai-Thiên vương đã gạt bỏ hoàn toàn ác cảm đối với chàng. Vương đưa tay vỗ vai cháu:
– Nhưng cả ta với cậu hai chập lại cũng không bằng mạ mạ cháu. Làm vua Bắc-biên khó vô cùng.
Không thấy Thanh-Mai đâu, Thiệu-Thái hỏi:
– Thưa cậu, mợ hai…
– À, mợ về tới nơi, thì vội vào chầu ông ngoại. Con biết đó, trong tất cả con gái, con dâu, thì mợ hai hợp với ông nhất, nên trong lúc trận Trường-yên còn diễn ra, ông cứ hỏi thăm tin tức mợ hai hoài. Nghe tin mợ hai về, ông gọi vào chầu, để nghe mợ hai tâu trình về trận đánh. Ta… ta nhờ mợ hai trong khi tấu với ông, xin ông ân xá cho Dực-Thánh vương, Vũ-Đức vương và Đông-Chinh vương. Không biết kết quả ra sao.
Vương hỏi Mỹ-Linh:
– Con có biết rằng tội con nặng lắm không?
Mỹ-Linh kinh hãi:
– Thưa phụ vương, thực con không biết.
– Hừ! Con đã từng theo chú hai làm việc ở trấn Thanh-hóa, rồi dự trận Lộc-hà, đi sứ Trung-nguyên. Như vậy hẳn con biết rõ quân luật chứ?
Mỹ-Linh lạnh gáy:
– Dạ con biết.
– Khi trận đánh Yến-vĩ diễn ra, trong các tướng, thì con có chức tước lớn hơn hết. Thế mà Hồng-Phúc phạm các trọng tội không thể được ân xá là: Vi phạm lệnh, bảo trấn cửa Tây, lại mở cửa, đánh vào trong, khiến giặc có đường rút lui. Làm gian tế, cung cấp tin cho giặc. Giết tướng bên mình. Cả ba tội đều đáng giết cả nhà. Đáng lẽ con phải sai võ sĩ chặt đầu nó ngay để an lòng tướng sĩ, thì con lại vẫn cho nó cầm quân, đến nỗi hút nữa mặt trận Trường-yên tan.
Mỹ-Linh tự biết tội, nàng cúi đầu:
– Con xin chịu tội.
– Mai phi bị Ưng-sơn giết chết, ta thực thâm cảm vô cùng, bằng không chính ta phải chặt đầu thị. Bảo-Hòa xử tội Hồng-Phúc như vậy là nhẹ đấy. Ta đem thi thể mẹ con Đinh phi về quê an táng, chứ không cho táng ở khu lăng tẩm họ Lý. Còn mẹ con, đã có chỉ ân xá của ông thì vẫn được chôn cất theo lễ vương-phi như thường.
Nghe anh xử lý việc nhà, Khai-Quốc vương mới nhận thấy rằng mình quá hiền, câu nệ tiểu tiết, luôn xử sự bằng tình cảm. Xử sự bằng tình cảm, thì tuy dễ thu phục lòng người, nhưng việc gìn giữ luật lệ cùng điển chế, kỷ cương quốc gia thiếu nghiêm minh. Hình ảnh cũ hiện về: Việc giết mụ Ngô Bách-Vân, cùng bọn Phạm Trạch, Đàm An-Hòa, Hoàng Văn là do đám trẻ không chịu nổi lối xử sự ôn hòa của vương, chúng phải lấn quyền vương mà làm. Cho đến Đàm Can cũng do Lê Văn giết.
Vương tự nhủ:
– Vào thời mạt pháp này, mình khó có thể áp dụng đức từ-bi của nhà Phật vào việc trị nước. Phải dùng Nho mới được. Về phương diện thẳng tay với kẻ ác, mình thua Thông-Mai, Bảo-Hòa đã đành, mà thua cả Lê Văn nữa. Có lẽ mình phải hành sự theo Tự-Mai mới được.
Nghĩ vậy, trong tâm vương nảy ra ý không muốn làm vua.
Bỗng có ba kị mã chạy ngược chiều từ xa lại, phía sau một đội Thị-vệ đuổi theo. Ba kị mã cúi gập người xuống, tay ra roi. Dường như ba người đã nhìn thấy đội binh Khai-Quốc vương, nên họ phóng đại ngựa xuống một khu đồng. Mỹ-Linh tinh mắt, nàng kêu lên:
– Ba người chạy trước là Vũ-Đức vương, cùng hai tùy tòng là Vũ Ngọc-Phụng, Chu Tấn. Còn người đuổi theo là Lê Phụng-Hiểu với đội Thị-vệ.
Bảo-Dân, Tôn Đản, Kim-An, Cẩm-Thi vội phi ngựa lên chặn đầu ba người.
Hai ngựa của Chu Tấn, Vũ Ngọc-Phụng phi thẳng vào khu làng xóm, còn ngựa của Vũ-Đức vương thì bị khụyu gối, hất vương ngã lăn xuống đường. Lê Phụng-Hiểu đuổi tới, ông đưa một đao chặt Vũ-Đức vương làm hai khúc, rồi cắt lấy đầu.
Diễn biến xẩy ra đột ngột, vả từ chỗ Vũ-Đức vương đến xe của Khai-Quốc vương còn cách xa đến hơn ba dặm, dù vương có muốn can thiệp cũng không được.
Bảo-Dân chỉ đánh có ba chưởng, ông đã điểm huyệt bắt được Chu Tấn. Còn Vũ Ngọc-Phụng bị Tôn Đản dùng Lĩnh-Nam chỉ điểm ngã.
Tôn Đản hỏi Lê Phụng-Hiểu:
– Lê tướng quân, cái gì đã xẩy ra?
Lê Phụng-Hiểu chưa kịp trả lời, thì xe Khai-Quốc vương đã tới nơi. Lê quỳ gối phủ phục đầu xuống đất khóc:
– Tiểu tướng vô tài, xin vương gia chặt đầu cho đáng tội.
Khai-Quốc vương nhảy xuống xe đỡ Lê dậy:
– Vũ-vệ đại tướng quân, việc gì vậy?
Trong khi Lê Phụng-Hiểu xụp lạy Khai-Quốc vương thì Mỹ-Linh đã đem thi thế, cùng đầu Vũ-Đức vương để lên một chiếc xe.
Lê Phụng-Hiểu khóc:
– Tiểu tướng theo hầu vương phi đưa Vũ-Đức vương về. Đúng luật thì vương bị bỏ vào trong tù xa giải đi. Nhưng vương phi tha cho vương cái nhục nhã đó, cho vương cỡi ngựa đi như thường. Chỉ hai tùy tùng của vương bị bỏ vào cũi mà thôi. Về tới Thăng-long, thần giao vương với hai tùy tùng cho Khu-mật viện giữ cùng với Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương. Còn vương phi vào tẩm cung triều kiến Hoàng-thượng. Hoàng-thượng nổi lôi đình truyền đem ba vương ra xử trảm, vợ con thì bị cách làm thứ dân, đuổi khỏi kinh thành.
Khai-Thiên vương gật đầu:
– Phụ hoàng thực minh kiến. Có như vậy mới làm gương cho bọn gian thần, tặc tử.
– Vương phi khóc lóc, khẩn thiết xin Hoàng-thượng ban chỉ ân xá hoàn toàn cho Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương, vì trót nghe lời xui dại của Nhật-Hồ. Còn Vũ-Đức vương tội quá nặng, chỉ xin được tha tội chết, rồi cách làm thứ dân. Hoàng-thượng còn lưỡng lự, thì vương phi đem chuyện phái Đông-a cùng chư vị đại hiệp tiếp cứu như thế nào tâu lên, làm cho long-tâm vui vẻ. Nhưng hoàng thượng vẫn chưa quyết định.
Lê khóc:
– Giữa lúc đó có biểu tâu về việc giết Nhật-Hồ lão nhân, quốc công An-Ngữ tuẫn quốc, đại hiệp Thông-Mai bị thương nặng chưa biết sống chết ra sao. Hoàng thượng xót xa không ít. Nhân đó vương phi lại phủ phục xuống tâu xin tha tội chết cho Vũ-Đức vương. Hoàng thượng mủi lòng, tuyên chỉ ân xá cho vương, nhưng vương phải đem vợ con rời khỏi vương phủ trong ngày.
Lê Phụng-Hiểu òa lên khóc lớn:
– Vương phi đem chỉ ân xá đến Khu-mật viện tuyên đọc. Hai vị Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương vội vào cung Long-thụy tạ ơn Hoàng-thượng. Trong chỉ Hoàng-thượng chỉ ân xá cho Vũ-Đức vương cùng gia quyến, chứ không nói ân xá cho hai tên Chu Tấn cùng Vũ Ngọc-Phụng. Nhưng Vũ-Đức vương khẩn thiết xin vương phi lấy lý hai tên này cũng là gia nhân của vương, mà ân xá cho chúng. Vương phi đồng ý.
Khai-Thiên vương chỉ vào thây Vũ-Đức vương:
– Rồi sau ra sao mà đến nông nỗi này?
– Trong lúc quan Đình-úy đem thị vệ đến để trục xuất những người trong vương phủ Vũ-Đức vương, thì vương với hai tên này đến phủ Khai-Quốc vương cảm tạ vương phi. Vương xuất một bình rượu, thân rót ra chung mời vương phi, với lời lẽ thống thiết : Đứa em trăm lần chết được chị cứu sống, thực là chị đẻ ra em một lần nữa. Từ nay quan sơn cách trở khó mà gặp nhau, xin chị uống với em một chung rượu từ biệt. Vương phi bùi ngùi uống liền ba chung. Không ngờ khi uống xong, thì vương phi lảo đảo ngã xuống.
Mọi người đều bật lên tiếng kêu kinh ngạc:
– Ủa!
– Ái chà!
_Trời ơi!
Lê Phụng-Hiểu tiếp:
– Thần chờ ở ngoài, nghe tiếng vú Hậu kêu thét lên, vội chạy vào, thì chỉ vừa kịp thấy hai tên này dáng xuống người vương phi hai chưởng. Thần hô Thị-vệ xông vào bắt, ba người đánh lui thần, rồi lấy ngựa bỏ chạy. Thần vội đem Thị-vệ đuổi theo.
Khai-Quốc vương lòng như lửa đốt. Vương vội thúc ngựa thực gấp. Vương vừa vào thành thì thái giám đã đón trước ngựa:
– Hoàng thượng tuyên triệu vương gia gấp.
– Có gì lạ không?
– Bệnh tình hoàng-thượng có mòi thuyên giảm, nhưng khi nghe tâu việc Vũ-Đức vương hại vương phi Khai-Quốc vương chưa biết sống chết thế nào, còn Vũ-Đức vương thì bị giết. Ngài ngất đi một lúc, Hoàng-Giang cư sĩ cứu chữa mãi ngài mới tỉnh.
Ba vương vào đến nơi, thì các hoàng hậu, quý phi, chư vương cùng mười hai công chúa, phò mã đều ngồi trước long sàng. Thuận-Thiên hoàng đế ngồi tựa mình vào vai Bảo-Hòa. Ngài vẫy tay ra hiệu miễn lễ cho ba vương. Ngài nói trong hơi thở yếu ớt:
– Bồ nhi đấy à! Con hay lắm, con về vừa kịp. Mọi việc tốt đẹp trước khi ta đi như vậy thì ta yên tâm.
Ngài hít một hơi chân khí, rồi tiếp:
– Tộc Việt ta từ khi lập quốc, trải hai nghìn năm yên ổn. Đến đời Thủy-Hoàng, y mới có dã tâm chiếm nước Âu-lạc, ta mất ba vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Vua An-Dương dựa vào dân, ỷ vào địa lợi mà giết Đồ Thư cùng năm mươi vạn quân Tần. Rồi sau đó lại mất hết về tay Triệu Đà, chỉ vì nhẹ dạ tin người. Đó là một thời. Đến vua Trưng, trăm vạn người như một, chúng ta kiến tạo lên một nước giầu mạnh, nhưng chẳng được bao lâu. Hán dùng số đông mà thắng ta. Đó là một thời. Chúng ta bị cai trị hơn nghìn năm, tưởng bị đồng hóa. Sau này vua Lý Nam-Đế, rồi vua Ngô, vua Đinh, vua Lê không đời nào được lấy hai ba đời vua. Với hai đời, không đủ để đặt nền móng vững vàng cho một nước hùng mạnh. Đó là một thời.
Ngài ngừng lại nghỉ một lát rồi tiếp:
– Vua Trưng dựng triều Lĩnh-Nam bằng chiến công. Vua Ngô lên ngôi vua sau trận Bạch-đằng, vua Đinh có công dẹp sứ quân. Vua Lê lên ngôi vua sau chiến thắng Chi-lăng, Bạch-đằng. Còn ta, ta lên ngôi vua là nhờ ân đức của sư phụ Vạn-Hạnh. Cho nên khi ta lên nối ngôi trời, lấy vỗ về dân chúng, cùng tạo hạnh phúc cho họ, mà được lòng người. Gần đây Bồ nhi qui phục được nhân tâm tộc Việt. Trong lòng ta tự nhủ, sao kiến tạo lại một nước có cơ chế lâu dài, bằng không mất nước nữa thì e khó mà lấy lại được. Trong các con, thì Đức-Chính, Long-Bồ là có hùng tài, hùng tâm. Tiếc rằng Đức-Chính thì hay kiểu cách, không biết khuất thân cầu hiền. Nhưng có tài an bang tế thế. Long-Bồ thì có đủ, nhưng chí lại lớn quá, ta e gây thành vạ binh đao khó thoát khỏi. Vậy hai con nghĩ sao?
Khai-Quốc vương tâu:
– Con nghĩ nếu đòi lại cố thổ không được thì cũng thống nhất sáu vùng Đại-Việt, Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, như vậy ta mạnh, Bắc mới để ta yên. Nhưng sau cơn chính biến vừa rồi, hài nhi mới thấy rằng nếu hài nhi rời đất nước đi kết hợp anh hùng tám vùng tộc Việt, thì ngôi vua lại bị chính người trong nhà cướp lấy, rồi cốt nhục tương tàn. Còn như ngồi trên ngai cai trị, thì giỏi lắm thống nhất được Lão-qua, Chiêm-thành là may.
– Bồ nhi biết nghĩ như vậy là hay lắm. Nếu như hài nhi lên làm vua, thì trao việc trị dân cho anh con. Có như vậy con mới có thời giờ kết hợp anh hùng. Có điều cho đến bây giờ trong lòng ta vẫn không yên là: Bồ nhi tuổi đã đi vào ba mươi hơn, mà chưa có con, như vậy sau này khi Bồ nhi chết đi, lại lâm vào cảnh ấu quân trị vì, giống như vua Đinh, thì e sự nghiệp này lại không bền.
Khai-Quốc vương rập đầu xuống đất:
– Tâu phụ hoàng, hài nhi quả không có ý muốn làm vua, mà chí chỉ mong sao thỏa được ba điều. Một là tạo cho dân được sung sướng như thời vua Hùng, vua Trưng. Hai là bảo vệ được giang sơn của tổ tiên để lại. Ba là đòi cố thổ cùng thống nhất tộc Việt. Còn hài nhi làm vua hay bất cứ ai cũng được. Như xưa kia vua Trưng phán :Vua là một người ngồi trên cao nhất của những người phục thị trăm họ. Ai có tài, có đức đều có thể làm vua. Vì vậy nếu như anh hùng đồng ý tôn một người khác lên thay thế hài nhi, hài nhi sẽ có thời giờ qui tụ nhân tâm tộc Việt.
Vương chỉ vào các cháu:
– Hài nhi đã nuôi Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Nhật-Tông, Thường-Kiệt, Thường-Hiến làm con nuôi, vì vậy hài nhi có con hay không cũng vậy thôi. Con nuôi, con đẻ, hay người nào đó làm vua cũng được, miễn sao có lòng dạ từ bi, thương dân như phụ hoàng là được rồi. Trong tâm hài nhi, hài nhi muốn cho Mỹ-Linh hay Bảo-Hòa lên kế vị. Nhưng Bảo-Hòa là tiên nữ, không thích lăn mình trong cõi hồng trần, vậy chỉ còn Mỹ-Linh. Ngay bây giờ phụ hoàng có thể nhường ngôi cho Mỹ-Linh được rồi.
Thuận-Thiên hoàng đế nắm tay Mỹ-Linh:
– Ta cũng đã nghĩ đến điều này rồi. Nói về lòng dạ nhân từ, ta e chính ta cũng không bằng Mỹ-Linh. Nhưng hài nhi phải biết rằng hiện Nho-giáo đã có uy ngang với Phật-giáo. Nho giáo chủ trọng nam, khinh nữ, nên không thể nhường ngôi cho Mỹ-Linh…
Ngài nắm tay vua bà Bắc-biên:
– Mỹ-Linh cũng như ta, như con, không ai muốn làm vua cả. Làm vua chẳng qua là sao mưu hạnh phúc cho dân. Làm vua Đại-Việt tuy lớn hơn Chiêm, Lào, Xiêm, Chân, Bắc-biên, nhưng tương đối không khó. Khó là Bắc-biên, ngoài phải đối phó với Tống. Trong thì hòa giải, chỉnh đốn 207 khê động. Làm vua Bắc-biên phải có đức, có nhân, để thương yêu những sắc dân phức tạp như nhau. Làm vua Bắc-biên cần lòng kiên nhẫn để hòa giải xung đột giữa các khê động. Lại phải có uy, có tính cương nghị để đối phó với Tống. Ngoài con ra, thì chỉ Mỹ-Linh, Thiệu-Thái mới hội lĩnh đủ bằng ấy điều kiện… Sau này con phải trao Bắc-biên cho Thiệu-Thái, Mỹ-Linh.
Phò-mã Thân Thừa-Quý và vua bà Bắc-biên cung kính:
– Thần nhi xin tuân di chỉ của phụ hoàng.
Ngài vẫy tay gọi Nhật-Tông, Thường-Kiệt:
– Hai cháu lại đây.
Hai trẻ lại bên long sàng quỳ gối. Ngài xoa đầu hai cháu:
– Nhật-Tông sinh ra không may mắn, mẹ gặp bất hạnh. Nhưng cũng nhờ đó Nhật-Tông hiểu rõ những cái khổ của kẻ mồ côi. Thường-Kiệt theo cha mẹ chinh chiến, chí khí như người lớn, thực hợp ý ta. Cách đây mấy năm, trong buổi sơ giao tại Long-hoa đường, hai cháu đã nắm tay nhau như anh em. Bây giờ cả hai đều là con nuôi Khai-Quốc vương, tình như anh em ruột. Sau này việc lớn không thể nào không trao cho hai trẻ này. Nếu sau có vì người khác xen vào chia rẽ, hai cháu cứ nhớ đến buổi trăn trối hôm nay mà đừng xa nhau.
Nhật-Tông, Thường-Kiệt cùng cúi đầu:
– Các cháu nguyện ghi nhớ di chỉ.
Ngài chỉ Kim-Thành:
– Hai cháu ra gọi Tôn Đản, Cẩm-Thi, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Trần Anh, Tĩnh-Ninh, Lê Văn vào cho ta.
Lát sau, tất cả cùng vào quỳ trước long-sàng. Thuận-Thiên hoàng đế ra hiệu cho miễn lễ, ngài xoa đầu từng người một:
– Đám trẻ quanh Bồ nhi sau này tài trí e hơn ta với Đức-Chính, Long-Bồ, An-Quốc, Lĩnh-Nam Bảo-Hòa nhiều. Hôm nay ta truyền gả Bình-Dương cho Thiệu-Thái ; lại gả Kim-Thành cho Thuận-Tông, Trường-Ninh cho Thiện-Lãm; Tĩnh-Ninh cho Trần Anh; Cẩm-Thi cho Tôn Đản; sau này Bồ nhi phải sai sứ sang Xiêm cầu hôn công chúa An-Nan Tam-gia-la-sun Nong-Nụt cho Lê Văn. Trong tâm, ta thương yêu nhất Tự-Mai, nhưng tiếc rằng lúc này không biết Tự-Mai ở đâu?
Bỗng có tiếng nói vọng vào:
– Tên nhà quê Trần Tự-Mai ở Thiên-trường cùng Triệu Huệ-Nhu ở Hoa-sơn xin yết kiến Thuận-Thiên hoàng-đế.
Tiếng nói ở rất ra, nhưng khi đến tiếng cuối cùng thì hai người đã ở ngay trước cửa cung.
Thời bấy giờ tuy Thuận-Thiên hoàng đế làm vua, nhưng đối với Tống ngài chỉ là Thái sư, Nam-bình vương của một quận xa xôi. Trong khi Tự-Mai là Thái-tử thiếu bảo, Tả-kiêu vệ đại tướng quân, Ngô quốc quận vương, tổng trấn Nam thùy tuy có nhỏ hơn Thuận-Thiên hoàng-đế một bậc, nhưng lãnh thổ của Tự-Mai lớn gấp bốn lần Đại-Việt. Hơn nữa Tự-Mai còn là phò mã. Đúng lệ bang giao thời đó, khi Tự-Mai tới biên giới thì chính ngài phải thân lên đón. Nay vì ngài trọng bệnh, Khai-Thiên vương hiện có vai vế lớn nhất trong đám Thái-tử, công chúa hiện diện, vì vậy vương vội ra ngoài cung tay đón:
– Kính thỉnh công chúa Điện-hạ cùng Ngô-quốc quận vương.
Thuận-Thiên hoàng-đế vẫy tay gọi Tự-Mai, Huệ-Nhu cho ngồi bên long sàng. Long-tâm mở ra, mặt hớn hở:
– Công chúa cùng vương gia…
Huệ-Nhu nói tiếng Việt:
– Thưa sư bá, lấy lễ xưa kia Vạn-tín hầu Lý Thân, tuy thân làm nguyên soái, tước phong hầu của Tần Thủy-Hoàng , nhưng khi về Âu-lạc vẫn dùng lễ của một thần dân yết kiến vua An-Dương. Nay tuy trượng phu cháu tước phong Thái-tử thiếu bảo, Ngô-quốc quận vương, ngang với tước Kiểm-hiệu thái sư Nam-bình vương của sư bá, nhưng vẫn là thần dân Đại-Việt.
Tự-Mai thấy hồi đại hội Lộc-hà, Thuận-Thiên hoàng-đế là một người hùng vĩ, oai phong, từ ái, bây giờ ngài xanh xao, vàng vọt trông thực thảm thiết, bất giác vương rơi nước mắt, hai tay nắm lấy bàn tay ngài:
– Cháu xa Đại-Việt bấy lâu, thân tuy làm vua Ngô quốc, quyền khuynh thiên hạ, nhưng lòng vẫn tưởng cố quốc, tưởng từ con sông, từng bến đò, cả đến tiếng nói bình dân. Thưa bác, chị cháu là con dâu bác, cháu lại là em kết nghiõa của anh Long-Bồ, chị Mỹ-Linh. Dù cháu có làm gì chăng nữa, đối với dân Việt, cháu vẫn là thằng bé đùa nghịch phá phách năm xưa. Cháu về đây để thăm bác lần cuối.
Thuận-Thiên hoàng đế chỉ Tự-Mai nói với Khai-Thiên vương:
– Cháu Tự-Mai cho con một bài học. Nếu con có lối suy nghĩ của Tự-Mai thì con có thể làm vua Đại-Việt.
Khai-Thiên vương cung tay hướng Tự-Mai:
– Kể từ ngày Thanh-Mai hiện diện ở Long-hoa đường, thần nhi đã theo dõi, học được rất nhiều về phương cách hành sự của chư đệ tử phái Đông-a.
Đến đó thái-giám vào định tâu gì, nhưng bị chư vương đẩy lùi ra. Thuận-Thiên hoàng đế hỏi:
– Cho y vào, chắc có truyện gì khẩn hẳn.
Thái-giám quỳ gối:
– Đạo quân chiếm lại Vạn-hoa sơn trang đã tìm ra thi thể phò mã Đào Cam-Mộc cùng công chúa An-Quốc.
Thuận-Thiên hoàng đế nghe tâu dứt, ngài giật mạnh tay Khai-Quốc vương rồi niệm :
– Nam mô A-Di Đà-Phật.
Rồi miệng xùi bọt, mắt trợn ngược.
Hoàng-Giang cư sĩ bắt mạch, lắc đầu:
– Hoàng thượng băng hà rồi.
Khai-Quốc vương được thị vệ cùng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản, Bảo-Dân hộ vệ trở về vương phủ. Thấy vú Hậu, vương hỏi:
– Bệnh tình vương phi ra sao?
Vú Hậu khóc:
– Xin vương gia về ngay, bằng không e khó gặp lại vương phi.
Khai-Quốc vương cùng mọi người vào trong sảnh đường. Tự-Mai, Huệ-Nhu lách mình vào trước: Vương phi Thanh-Mai đặt nằm dài trên giường, người đắp một chiếc chăn lụa mầu vàng. Vương tiến đến cầm mạch vương phi, mạch nhảy rất yếu. Quan Thái-tử thái phó Dương Bình tay cầm kim đang châm lên người vương phi.
Đúng luật ra, thì phải đợi Khai-Quốc vương về, Dương Bình mới có quyền lật y phục vương phi ra trị bệnh. Nhưng Dương Bình tùng quyền làm trước, bởi ông là đại đệ tử của Hồng-Sơn đại phu, trong khi vương phi chỉ là đệ tử thứ mười. Vì vậy ông dùng quyền anh em một nhà mà chữa trị cho vương phi Thanh-Mai.
Tự-Mai nắm lấy tay chị, nước mắt chảy dài:
– Chị Thanh! Tự đây, chị có nhận ra em không?
Vương phi Thanh-Mai hơi rung động chân tay, miệng mấp máy như định nói gì, nhưng nói không được.
Tự-Mai khóc:
– Chị Thanh! Chị đừng bỏ bọn em mà đi nghe. Em nhớ chị Thanh quá, em phải trốn làm vua về thăm chị Thanh. Chị Thanh tỉnh dậy đi.
Thanh-Mai từ từ mở mắt ra, vương phi nắm tay Tự-Mai:
– Tự đừng lo, đừng trách ai hết. Tự ơi, những gì chị bị ngày hôm nay là kết tinh của nghiệp quả muôn vàn kiếp trước mà thành. Thù, hận, oán, hờn, buồn, khóc cũng vô ích.
Nói rồi vương phi lại nhắm mắt thiêm thiếp.
Khai-Quốc vương liếc nhìn Tự-Mai, thấy trên mặt người em vợ đằng đằng sát khí, vương rùng mình:
– Không xong rồi! Cậu này thọ lĩnh tính cương quyết, thẳng tay với bọn ác của thân phụ, bây giờ võ công y cực cao, lại tổng lĩnh hàng triệu quân Tống ở Nam-thùy. Nếu mình không làm một cái gì, thì e toàn gia mấy trăm người của Vũ-Đức vương khó mà tránh khỏi tai ách.
Một người từ ngoài lách mình vào như trận gió thoảng, mọi người nhìn ra, thì là sư thái Tịnh-Huyền. Khai-Quốc vương cung tay:
– Thần nhi tham kiến cô mẫu.
Tự-Mai cũng cung tay:
– Đệ tử vấn an sư phụ.
Tịnh-Huyền nắm tay Tự-Mai:
– Mừng cho con. Bây giờ con làm vua một nước, không biết có còn nghe lời ta không?
Tự-Mai kính cẩn:
– Đệ tử lúc nào cũng tuân chỉ của sư phụ.
– Một mình con, mà con quy tụ được hết các môn, các phái, các bang hội thuộc tám vùng tộc Việt trong khoảng thời gian có hơn tháng, thực vua Trưng sống dậy cũng không hơn; con lại họp được cả bang Trường-giang, Hoàng-Đế, các cao thủ Hoa-sơn, Thiếu-lâm, thành lập đội Ưng-sơn cứu nước… Thực Bắc-bình vương Đào Kỳ có sống lại cũng phải khen. Tuy nhiên, hành động đa sát của con ta không vui lòng.
Tự-Mai quỳ gối sám hối:
– Đệ tử xin nhận lời trách phạt của sư phụ.
Lời nói của sư thái Tịnh-Huyền, rồi Tự-Mai tạ tội, làm mọi người bàng hoàng, bởi muôn ngàn lần họ không ngờ Ưng-sơn song hiệp lại là Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu. Mỹ-Linh nắm tay Tự-Mai:
– Tự-Mai quá lắm, hành động tàn nhẫn… thực vô…
Nàng định nói tiếp vô pháp vô thiên, nhưng nàng chợt nhớ rằng Tự-Mai không còn là cậu em nhỏ bé, mà là Ngô-quốc quận vương; một ông vua của vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Hồ-Nam, rộng lớn gấp ba Đại-Việt. Những hành động giết Đinh-phi, treo Hồng-Phúc, tàn sát bọn Hồng-thiết giáo khi chiếm lại Vạn-thảo, Vạn-hoa đều hợp với quốc pháp, đúng với phong cách của một ông vua trị dân.
Lê Văn với Tự-Mai như tay phải với tay trái. Lê Văn bẹo tai Tự-Mai:
– Hôm ở ngoài thành Tự-Mai vỗ vai, rồi hì em một tiếng, bỏ chạy, em hơi nghi. Nhưng sau Tự-Mai cho em gặp Nong-Nụt, thì ba hồn bẩy vía em lên mây hết. Nhưng, sao võ công Tự-Mai lại tiến mau chóng chư vậy?
Tự-Mai thở dài:
– Như Văn đệ biết, gốc võ công của anh là Đông-a, rất gần với Thiền. Hồi ở trong động Xuân-đài anh với anh cả, anh Đản học Vô-ngã tướng công của công chúa Yên-lãng, khiến công lực anh cao một bậc. Lại trên Tản-lĩnh, anh thu nội lực của đám Hoa-sơn, khi đến Biện-kinh lại thu của cha con Tào Lợi-Dụng, Sử-vạn Na-vương, Khiếu Tam Bản. Nhưng anh chưa hòa lẫn được với nhau. Trên đường đi trấn nhậm Nam-thùy, anh gặp bố với sư bá Hồng-Sơn. Hai ông cụ nghĩ ra được phương pháp hoà lẫn mọi luồng chân khí, rồi dạy anh. Vì vậy chỉ trong hai tháng luyện tập, anh thành công, nên nội lực mạnh gấp mấy lần. Anh lại dạy công chúa Huệ-Nhu võ công Đông-a. Nàng hợp được nội lực Đông-a với Hoa-sơn, nên công lực tiến đến chỗ tối cao. Nhờ võ công cao, hai chúng ta vào Hoàng-thành Thăng-long chỉ mình sư phụ biết; vào Cấm-thành Trường-yên chỉ mình anh cả với hai lão tiên Phan Nam, Quảng-Thiên là biết mà thôi.
Tạ Sơn từ ngoài vào, tay ông cầm một tờ giấy trình Khai-Quốc vương:
– Thưa vương gia.
– Có gì lạ không?
– Toàn bộ gia quyến Vũ-Đức vương gồm ba trăm mười tám người, trên đường rời Thăng-long về Thiên-đức, bị một người trùm vải nâu từ đầu đến chân xuất hiện giết sạch. Sát nhân giết luôn cả trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt.
Nghe Tạ Sơn thuật, tự nhiên da mặt Bảo-Hòa rung động mạnh, rồi thấp thoáng một cái nàng đã rời khỏi phủ Khai-Quốc.
Thấy Tạ Sơn trình bày chi tiết việc gia quyến Vũ-Đức bị giết, mọi người đưa mắt nhìn Ngô-quốc quận vương Tự-Mai. Vương lắc đầu tỏ ý phủ nhận rồi hỏi:
– Nhị ca! Thế có tung tích gì của sát nhân để lại phạm trường không?
– Thưa vương gia không! Sát nhân chỉ có một người, nhưng y ra tay cực kỳ tàn bạo. Dường như y muốn dấu tung tích, nên y dùng một thanh giới đao, chứ không dùng quyền chưởng. Mỗi chiêu y đưa ra, đám vệ sĩ phủ Vũ-Đức đều bị chém cả người lẫn vũ khí gãy làm đôi.
Thanh-Mai tỉnh lại, nàng bảo Tạ Sơn:
– Nhị ca, xin nhị ca hãy sai người thu nhặt thi thể gia quyến Vũ-Đức vương an táng cho ấm thân thể người đã chết. Việc em bị hại, thì sự đã rồi, dù có giết bao nhiêu người nữa cũng không làm cho em khỏi hết đau đớn này.
Khai-Quốc vương nắm chặt tay vương phi:
– Thanh muội! Bất cứ giá nào Thanh muội cũng không thể chết được.
– Nhưng em lại thấy cái chết gần kề rồi. Lần này e không thoát khỏi. Thôi thì sống chết là nghiệp quả. Em mong sẽ được thác sinh về thế giới Tịnh-độ.
– Đừng, Thanh muội đừng nghĩ thế.
– Khi mà tạng phủ nát ra, thì sống cũng thành người tàn tật mà thôi.
Khai-Quốc vương hỏi Dương-Bình::
– Đại sư huynh, bệnh tình Thanh-Mai ra sao?
– Thần chưa thể đáp sự thực được. Vương phi uống phải ba chung rượu độc, rồi bị đánh hai chưởng. Nội lực vương phi rất cao thâm, đúng ra hai chưởng này không thể làm vương phi bị thương nặng. Nhưng vương phi không vận công chống được, thành ra chỉ có chân khí tự động hộ thể. Bây giờ tạng phủ đều bị thương nặng.
Giữa lúc đó, thái giám vào khải:
– Thưa vương gia, triều thần, cùng anh hùng các nơi tụ tập ở điện Càn-nguyên để chờ vương gia ra cáo tang, cùng mời vương gia lên ngôi Cửu-ngũ.
Khai-Quốc vương vội đứng lên, nắm chặt bàn tay vương phi, rồi buông ra, hướng điện Càn-nguyên. Phía sau vương là Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Bảo-Dân, Kim-An, Tôn Đản, Cẩm-Thi. Vương kinh ngạc vô cùng, vì không thấy Tự-Mai với Huệ-Nhu đâu.
Điện Càn-nguyên đầy người. Vương đưa mắt nhìn, hiện diện đủ ba hoàng hậu, Đàm quý phi, chư vương, mười hai công chúa, mười hai phò mã. Hai vị tể tướng, lục bộ thượng thư. Về phía anh hùng võ lâm có đủ chưởng môn nhân các phái. Sáu phái nội địa: Tiêu-sơn, Đông-a, Tản-viên, Sài-sơn, Mê-linh, Tây-vu. Năm phái tộc Việt: Thiên-tượng, Trường-sa, Cửu-long, Vạn-tượng, Phật-thệ. Bốn bang: Hồng-hà, Đông-hải, Quảng-nguyên, Trường-giang. Vắng mặt chưởng môn phái Sài-sơn là Hồng-Sơn đại phu; chưởng môn phái Đông-a là Trần Tự-An; chưởng môn phái Tản-viên là Thân Bảo-Hòa.
Mọi người thấy vương vào, vội đứng dậy chào. Vương thăm hỏi từng vị một, mời tất cả an tọa. Vương cung kính hướng chư vị thân vương, đại thần cùng anh hùng võ lâm hành lễ rồi về chỗ ngồi.
Chưởng môn phái Tiêu-sơn là Minh-Không bồ tát chắp tay hướng ba hoàng hậu cùng chư vương:
– Bần tăng nghe tin Hoàng-thượng băng hà, vì vậy vội mời các vị anh hùng về để cùng triều thần trước là chịu tang, sau là bái yết tân-quân. Vậy xin chư vị Hoàng-hậu cho biết, Hoàng-thượng di chiếu cho vị Thái-tử nào lên kế vị.
Hoàng-hậu Tá-quốc đưa chiếu chỉ ra, truyền cho quan Hàn-lâm đại học sĩ đọc. Quan Hàn-lâm đại học sĩ cầm chiếu chỉ cung kính đọc:
Thừa thiên hưng vận, Thuận-Thiên hoàng đế chiếu rằng:
Đại-Việt ta gồm có trăm tộc, cùng giang sơn hoa gấm từ ba nghìn năm để lại. Đất nước này là công lao gìn giữ của anh hùng biết bao đời. Đất nước này không phải của một Lý Công-Uẩn, của một họ Lý. Vì vậy việc tôn một tự quân phải do anh hùng các nơi đồng tâm.
Nay trẫm vắn số, không thể tiếp tục việc mưu cầu hạnh phúc cho dân, nên đành phải về Tây-phương cực lạc chầu Phật-tổ. Vậy trẫm viết di chiếu sẵn, chép làm ba bản, trao cho ba Hoàng-hậu giữ. Sau khi trẫm băng hà, phải triệu hồi đủ mặt ba hoàng hậu, các thân vương, công chúa, phò mã, chưởng môn nhân các môn phái cùng bang trưởng võ lâm thuộc tộc Việt, để đọc di chiếu chỉ định người kế nghiệp. Bất cứ hoàng tử, thân vương nào chống đối, xin chư vị anh hùng xúm vào tru diệt cho.
Khâm thử.
Ba bà Hoàng-hậu cùng xuất ra ba cuốn trục, quan Hàn-lâm đại học sĩ cung kính tiếp lấy mở ra, so sánh, rồi nói:
– Ba bản cùng giống hệt nhau.
Rồi ông đặt ba tờ chiếu chỉ lên chiếc mâm vàng đưa qua cho các thân vương, đại thần, cùng chư vị võ lâm xem. Cuối cùng ông cầm lên đọc:
Thừa thiên hưng vận, Thuận-Thiên hoàng-đế chiếu rằng:
Trẫm có một anh, một em và bốn con, đều phong tước vương. Xét ra việc lớn chỉ có thể trao cho con thứ tên Lý Long-Bồ tước phong Khai-Quốc vương. Vậy chư vị hãy vì trẫm, mà giúp Long-Bồ.
Khâm thử.
Quần hào tung hô vạn tuế, rồi thỉnh Khai-Quốc vương lên ngôi vua. Vương cung kính chắp tay nói:
– Cô-gia xin thâm cảm lòng yêu mến của quý vị. Nhưng cô-gia xin quý vị nghe cô-gia nói ít lời đã.
Mọi người đều im lặng.
– Qua cuộc binh biến vừa rồi, cô-gia rút ra được một kinh nghiệm: Phàm khi làm vua, không thể rời xa kinh thành, lúc bị bệnh phải ủy thác cho tự-quân giữ việc nước. Đức như phụ-hoàng, thế mà chỉ vì khi người bị bệnh, cô-gia vắng nhà, thì lập tức bóng ma, bóng quỷ trong lòng chư vương nổi lên. Cũng may nhờ sư phụ của cô-gia, khéo léo xếp đặt cuộc dẹp loạn, để nguyên khí Đại-Việt không vì thế mà hao tổn.
Vương thở dài:
– Vừa rồi cô-gia đi sứ. Đối với Tống triều, ta giải được dã tâm xâm lăng Nam-thùy, hơn nữa kết thân được với Thiên-tử, thân vương, đại thần. Do đó Tống không dồn trọng binh ở Nam phương nữa. Ta giải được chi phí cho những đạo quân đông đảo ở Bắc-biên, mà dùng sức quân, tài vật nuôi quân làm cho nước giầu dân mạnh. Nhưng giữa những kết quả tốt đẹp đó, trong nước xẩy ra nội loạn, suýt nữa tinh lực quốc gia kiệt quệ.
Vương đưa mắt nhìn Trấn-Nam vương Đoàn Huy nước Đại-lý, Thái-tử An-Nan Tam-gia la-sun:
– Xong việc Tống, bây giờ phải thống nhất võ lâm Đại-lý, Xiêm-la, Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp. Việc này cần phải chính cô-gia đi. Nhưng nếu bây giờ cô-gia lên làm vua thì không thể xa Thăng-long, thành ra đại nghiã thống nhất không làm được.
Lão sư Rát-ta-Na nói:
– Theo lão phu khi vương-gia lên làm vua, rồi giao cho Thái-tử làm giám-quốc, khi vương-gia vắng nhà, thì không sợ nội loạn nữa.
Khai-Quốc vương lắc đầu:
– Căn bản của chúng ta là sao cho nước giầu dân mạnh. Muốn vậy phải có ông vua giỏi trị dân, chứ trao cho một thiếu niên thì không ổn. Bằng như cứ để thiếu niên giám-quốc, rồi mọi việc do tể tướng đảm nhiệm, e lại xẩy ra cái vụ dèm pha như vừa rồi đại tướng quân Dương Bình đã trải qua.
Vương chỉ Nhật-Tôn:
– Cô-gia chưa có con, nên đã tâu với phụ hoàng. Người thuận cho nghiã tử của cô-gia là Nhật-Tông ngồi vào ngôi trừ quân. Nếu như để cho Nhật-Tông làm giám quốc, trong khi đó quyền tể tướng trao vào tay Khai-Thiên vương, thì sao bằng để vương làm vua có hơn không?
Mọi người im lặng theo dõi lời Khai-Quốc vương. Vương suy nghĩ một lát rồi tiếp:
– Vua là gì? Vua là người ngồi trên, nhưng để lo cho dân. Ai biết lo cho dân thì làm vua được. Vậy thế này, cô-gia vẫn làm minh chủ tám vùng tộc Việt. Khi xưa, thời vua Trưng, sáu vùng có sáu vị vương. Trên cao có hoàng-đế. Sau này thống nhất tám vùng tộc Việt, anh hùng sẽ suy cử một vị hoàng-đế. Còn vùng Đại-Việt cũng nên có một vị vương, thì sao bằng nay ta cử một người ngồi vào, có phải tiện không?
Có tiếng nói từ xa vọng lại:
– Đúng thế. Bạn trẻ Long-Bồ bàn đúng. Nay Đại-Việt không giặc dã, ta cần một vị vua có tài cai trị. Vậy bạn trẻ hãy đề cử đi.
Đến đó hai người dắt tay nhau vào điện Càn-nguyên là Hồng-Sơn, với Đặng Đại-Khê. Hai vị đi một vòng hành lễ. Hồng-Sơn đại phu nói với Khai-Quốc vương:
– Trong di chiếu, Thuận-Thiên hoàng đế chỉ nói trao việc lớn cho Khai-Quốc vương, chứ không hề nói vương phải làm vua. Vậy vương hãy đề cử một người làm vua Đại-Việt đi.
Nguyên Khai-Quốc vương thấy anh mình là Khai-Thiên vương có tài cai trị dân, vương muốn đưa anh lên làm vua, còn mình thì nắm quyền quân sự, võ lâm, để thống nhất tám vùng tộc Việt. Nhưng vương chưa dám nói ra, vì trước đây Hồng-Sơn đại phu rút lại không tranh ngôi vua với triều Lý, với điều kiện sau này Thuận-Thiên hoàng-đế phải nhường ngôi cho Khai-Quốc vương. Bây giờ thấy Hồng-Sơn đại phu nói vậy, vương mừng vô cùng. Vương cung tay nói lớn:
– Khuất thân cầu hiền, thu phục nhân tâm thiên hạ, thì Bồ này hơn hẳn các anh em trong nhà. Nhưng gìn giữ phép nước, un ủi người già, vỗ về trăm họ, dạy dỗ trẻ nhỏ, cùng làm cho dân an, nước giầu, Bồ này muôn ngàn lần không bằng Khai-Thiên vương. Nếu như chư vị đây cùng đồng ý, thì chúng ta tôn Khai-Thiên vương lên làm vua Đại-Việt.
Quần hào reo mừng. Ba hoàng hậu, các công chúa, phò mã, hai tể tướng, lục vị thượng thư cùng hoan hô. Duy Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương thì cúi đầu im lặng. Chư vị võ lâm đều hoan hô.
Khai-Quốc vương nắm tay anh, dẫn lại, để ngồi trên ngai vàng. Bách quan cùng bái kiến. Quan Thái-phó Văn-minh điện đại học sĩ trình sổ vàng để tân Hoàng-đế chọn niên hiệu. Tân hoàng-đế lấy niên hiệu là Thiên-Thành. Quan thái-sư, tả-bộc-xạ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự nói với bách quan:
– Theo điển lệ, thì hôm nay là ngày ba, tháng ba, năm Mậu-thìn (31-03-1028), năm nay là năm Thuận-Thiên thứ mười chín, năm tới mới là năm Thiên-Thành thứ nhất. Xin các vị nhớ đừng quên.
Khai-Quốc vương lắc đầu:
– Đúng theo điển lệ Đại-Việt thì như thế. Nhưng phụ hoàng đã viết chiếu trao đại quyền cho Khai-Thiên vương từ ngày 23 tháng chạp năm Đinh-Mão. Như vậy kể từ ngày hôm ấy là ngày Khai-Thiên vương tiếp nhận ngôi vua, thời đại Thuận-Thiên đã hết. Vậy bắt đầu từ ngày mồng một tết năm nay là niên hiệu Thiên-Thành thứ nhất. ( Sau này được tôn miếu hiệu là Thái-Tông).
Quần hùng cùng bách quan đều đồng ý lý luận của Khai-Quốc vương. Nhưng Thiên-Thành hoàng-đế liếc nhìn ông em trí dũng đầy người, long tâm tự nhủ:
– Trí lự mình muôn ngàn lần không bằng chú hai. Sở dĩ chú hai nêu lên việc cho ta dùng niên hiệu Thiên-Thành ngay chẳng qua chú hai muốn làm sáng tỏ việc chư vương vu cáo ta đem quân bức tử phụ hoàng, việc chư vương khởi loạn một lần nữa bị đem ra kết tội.
Sau khi tôn Khai-Thiên vương lên làm vua Đại-Việt. Triều đình đãi tiệc chư vị anh hùng. Thiên-Thành hoàng đế cùng chư thân vương, công chúa, phò mã đến làm lễ cử ai trước tẩm quan của Đại-Hành hoàng-đế. Lễ vừa tất, thì Lê Phụng-Hiểu mặt hớt hải chạy vào cung tay trước Khai-Quốc vương:
– Khải vương gia, không biết vương phi đâu, thần sai cung nữ , thị vệ tìm khắp nơi mà vẫn biệt tăm.
Khai-Quốc vương kinh hãi, vội tung người về vương phủ. Thị vệ, cung nữ cùng vú Hậu dang nhớn nhác, nước mắt đầm đìa. Vú Hậu nói:
– Tiểu tỳ thấy vương phi tỉnh dậy, nên xuống bếp nấu cháo dâng vương phi. Khi tiểu tỳ lên thì không thấy vương phi đâu. Tiểu tỳ cho rằng vương phi đi tiểu tiện, nên chạy tìm quanh, cũng không thấy. Tiểu tỳ sai cung nữ tìm khắp vương phủ cũng vô tăm tích, vì vậy tiểu tỳ phải báo cho Lê tướng quân.
Khai-Quốc vương hỏi Lê Văn:
– Văn đệ thử đoán xem, sự thể ra sao? Thanh-Mai biến mất giống hệt trường hợp anh Thông-Mai. Có thể nào Tự-Mai làm việc này không?
Lê Văn lắc đầu:
– Tự-Mai tuy đa sát, nhưng hành động bao giờ cũng quang minh chính đại. Giả tỷ Tự-Mai đem Thanh sư tỷ đi, thì đem đi đâu, đem làm gì, trong khi thân thể sư tỷ chưa khỏi, mỗi di chuyển có thể làm cho sư tỷ đau đớn?
Thình lình Mỹ-Linh chỉ vào mảnh giấy để trên bàn:
– Dường như ai viết gì kìa?
Khai-Quốc vương cầm tờ giấy đưa lên: Rõ ràng nét chữ vương phi. Trên tờ giấy chỉ có mấy giòng xiêu vẹo:
Nhất thiết chư nghiệp quả,
Do ư vạn kiếp lai.
Thống khổ giai tiền định,
Khấp, khốc tận bi ai,
Bất nghi giải chư ách,
Kim khứ tâm đại khai.
Thập lục niên chi hậu,
Tái ngộ tại Chương-đài.
Suốt thời gian đi sứ, cũng như thời gian ở Trường-yên; Thanh-Mai, Kim-An thân thiết với nhau như bóng với hình. Nàng quên cả lễ nghi, tay tiếp tờ giấy, nước mắt đầm đìa:
– Hừ! Sư muội bỏ đi thực rồi.
Vương hỏi Khấu Kim-An:
– Sư tỷ! Sư tỷ thử đoán xem ý nghĩa trong tờ thư này ra sao? Như vậy rõ ràng Thanh-Mai bỏ đi. Tại sao Thanh-Mai lại bỏ đi?
Khấu Kim-An đọc xong, nàng nói:
– Dễ hiểu. Nếu tôi là Thanh muội tôi cũng bỏ đi.
– Tại sao?
– Vương gia ơi, xin vương gia tự đặt mình vào địa vị Thanh sư muội thì vương gia mới hiểu thấu lòng sư muội được. Thanh muội học y khoa, chắc tự biết tính mệnh mình khó qua khỏi, nên bỏ đi, tìm chỗ nào vắng vẻ hầu chết trong yên lặng. Nhưng có điều… tôi ngồi đây mà lo cho tính mệnh của mấy nghìn người trong phủ Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương.
– Ái chà! Nguy thực. Vậy người giết cả nhà Vũ-Đức vương chỉ với mục đích trả thù cho Thanh muội. Nguy quá. Nhưng ai đã làm việc đó? Không lẽ là Tự-Mai?
– Chưa hết đâu.
Khai-Quốc vương lắc đầu tỏ ý không hiểu. Kim-An nói:
– Ở đây không phải mình tôi hiểu rõ lòng Thanh-Muội, mà tôi e Cẩm-Thi cũng hiểu nữa. Chỉ có vương gia là không hiểu mà thôi. Được, tôi vì vương gia mà nói rõ lòng Thanh muội ra. Trước hết Cẩm-Thi giải mấy câu kệ của Thanh muội để lại đã.
Ngô Cẩm-Thi vừa khóc vừa giảng:
Nhất thiết chư nghiệp quả
Do ư vạn kiếp lai
Nghĩa là tất cả nghiệp quả, nào là bị Đoàn Huy dồn độc tố vào người, nào là bị Vũ-Đức vương hại, đều bắt nguồn từ vạn kiếp trước. Với hai câu này, Thanh sư tỷ gần như đắc pháp, thành chính quả rồi.
Thống khổ giai tiền định,
Khấp, khốc tận bi ai,
Bất nghi giải chư ách,
Kim khứ tâm đại khai.
Cái đau khổ của chúng ta vì việc sư tỷ bị nạn, đều do tiền định. Ta có khóc lóc buồn khổ đến đâu cũng không giải được cái ách cho sư tỷ. Nay sư tỷ ra đi, lòng mở rộng, vì nghiệp quả như vậy rồi.
Thập lục niên chi hậu,
Tái ngộ tại Chương-đài.
Cẩm-Thi định giải thực ra rằng:
Nay Thanh sư tỷ chết rồi, sẽ đầu thai làm kiếp khác, thì mười sáu năm sau, vẫn có thể tái ngộ với Khai-Quốc vương. Nhưng bỗng có tiếng đại sư Huệ-Sinh dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Cẩm-Thi:
– Ngô tiểu thư. Đừng nói sự thực, nói sự thực e Khai-Quốc vương thương tâm đến chết mất. Hãy nói theo bần tăng.
Ngô Cẩm-Thi vội nói theo lời Huệ-Sinh:
– Vì những nghiệp quả quá nặng, cho nên nay Thanh sư tỷ phải ra đi, tìm lấy nơi nào yên tĩnh để thanh tu hầu giải nghiệp. Sư tỷ hẹn với vương gia mười sáu năm sau, khi tu hành giải nghiệp xong, người sẽ trở về tương hội với vương gia.
Thuận-Tông hỏi:
– Thế Chương-đài ở đâu?
Biết cậu em ít đọc sách Trung-quốc, Kim-An giải:
– Làm gì có Chương-đài? Chương đài là điển cố dùng trong văn chương. Nguyên thi sĩ Liễu Tông-Nguyên có người tình. Vì phải xa nhau, ông để nàng ở Chương-đài, nhớ nàng, ông viết thư như sau: Cành liễu ở Chương-đài có còn xanh xanh như xưa hay đã bị người ta hái đi rồi. Vì vậy chữ Chương-đài để chỉ nam nữ hẹn hò nhau.
Thấy lời giải của Cẩm-Thi tuy có hơi gượng gạo, song Khai-Quốc vương vẫn bán tín, bán nghi:
– Tại sao Thanh muội không chờ… chờ mọi người, nói mấy lời dã biệt đã.
Kim-An thở dài:
– Vương gia là chồng của sư muội mà không hiểu sư muội chút nào cả, vì vậy sư muội bỏ đi là phải.
Lời kết tội của Kim-An làm Khai-Quốc vương như bị gáo nước lạnh dội vào đầu. Vương lặng đi, rồi hỏi:
– Sư tỷ giải rõ hơn chút nữa được chăng.
– Giản dị thôi! Vương gia biết rằng sư muội mồ côi mẹ từ nhỏ, được cha thương yêu rất mực, các em kính trọng. Trong khi phái Đông-a thù hận với triều Lý. Thế nhưng vào ngày sơ giao, sư muội yêu thương vương gia, tức là phản lại môn hộ, phản lại cha. Từ đấy trong lòng sư muội đã có chỗ ân hận. Trên đời này, không có gì đau đớn bằng ân hận. Vương gia nghĩ xem có đúng không?
– Quả không sai.
– Thế rồi sư muội phải hết sức lôi kéo, thuyết phục sư phụ, mọi người theo giúp triều Lý. Khi ở trong Long-hoa đường, sư muội hy sinh cả mạng sống để giải cái nguy Đoàn Huy cho triều Lý, mà phải chịu cái đau đớn cùng cực, đến chết đi sống lại. Tiếp theo, trong đại hội Lộc-hà, sư muội lại phản cả sư phụ là Hồng-Sơn đại phu, lôi kéo, thiết kế, để giữ vững ngôi vua cho Thuận-Thiên hoàng-đế.
– Thanh muội đã hy sinh quá nhiều cho bản triều.
– Rồi sư muội thuyết phục, lôi kéo sư đệ Thông-Mai, Tự-Mai giúp triều Lý trên đường đi sứ, trải biết bao gian nan. Đã hết đâu, sư muội kéo luôn ba sư huynh Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo giúp cho triều Lý. Đến khi chư vương tạo phản, chính sư muội cùng sư huynh Bảo-Dân với tôi lặn lội gian nan, trấn thủ Trường-yên. Trong việc dẹp loạn, các sư thúc cùng chư đệ tử Đông-a xung tên đụt pháo nhiều nhất. Ngũ sư đệ An-Ngữ chết thảm, sư đệ Thông-Mai chết sống ra sao chưa rõ. Cuối cùng Thanh muội vẫn kiên nhẫn hoà giải trong hoàng tộc nhà Lý, để rồi lĩnh lấy hậu quả thân thể trọng thương, e khó qua khỏi. Nhưng vương gia không biết đến chỗ đó…
– ???
– Đáng lẽ ngay trong trận đánh vương gia phải nhận biết ngay mới phải chứ? Khi sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt cùng chư đệ tử phái Đông-a diệt xong cánh quân cửa Tây, phải về hội với vương gia chứ có đâu lại bỏ đi? Bỏ đi tức là phẫn chí rồi vậy. Đấy là mở đầu cho việc Thông-Mai bỏ đi về sau. Đến đây thì trong lòng Thanh muội bị ân hận cấu xé vô cùng đau đớn. Nhưng Thanh muội vẫn cố gắng, hàn gắn lại trong hoàng tộc, cứu Dực-Thánh vương, Vũ-Đức vương, Đông-Chinh vương, mà mua lấy cái đau đớn cùng cực này.
– ???
Ngô Cẩm-Thi biết Khai-Quốc vương bị những biến cố xẩy ra dồn dập, làm mất linh mẫn, nàng giải thêm:
– Nếu em là Thanh sư tỷ em đã bỏ đi từ lâu rồi, chứ không đợi đến ngày hôm nay. Này nhé, mình hy sinh tình yêu thương của bố, của anh em, của sư phụ, của sư thúc, của hai đại môn phái Sài-sơn, Đông-a cho triều Lý, để rồi chính những người trong họ Lý lại không biết tự giữ vững những gì mình xây dựng cho. Triều Lý có khác gì triều Lê trước đây không? Em nghĩ có khác hơn là khi vua Lê vừa băng hà, thì các vương chém giết nhau chí mạng. Cuối cùng chỉ còn một người sống sót lên làm vua. Nay triều Lý khác đôi chút là Thuận-Thiên hoàng-đế còn đó, mà chư vương đã chém giết nhau rồi. Khác nhau nữa là chư vương đời Lê giết nhau vì tham vọng của mình. Còn chư vương đời Lý giết nhau vì nghe lời bọn dơ bẩn Hồng-thiết giáo. Mình hy sinh tất cả cho họ trong chủ đạo tộc Việt, mà họ lại không lý gì đến. Hỡi ôi, thực là bán bò tậu ễnh ương, thực là gánh vàng đi đổ sông Ngô. Vậy mình có nên ở lại trong họ Lý, tiếp tục hy sinh để họ phá phách không ? Nhưng Thanh sư tỷ tâm mở lớn, không trách ai, mà tự trách cái nghiệp quả của mình mà thôi. Chính tiên cô Bảo-Hòa là giọt máu của vua bà Bắc-biên mà cũng bỏ đi nữa là Thanh sư tỷ.
Khai-Quốc vương như người đi trong đêm, chợt có ánh đuốc đốt lên, mà hiểu hết. Vương thở dài:
– Mình ngu quá! Mình ngu quá.