Độc lập thương mang mỗi trướng nhiên, ân thù nhất lệ phó vân yên, đoạn hồng linh nhạn thặng tàn thiên.
Mạc đạo bình tung tùy thệ thủy, vĩnh tồn hiệp ảnh tại tâm điền, thử trung tâm sự thanh thùy truyền.
(Một mình lẻ bóng đơn côi, ân thù tựa áng mây bồng, cô hồng độc hạc còn riêng chút này.
Đừng tưởng dấu bèo trôi theo nước xiết, bóng hiệp còn mãi nơi nào, tâm sự biết tỏ cùng ai bây giờ).
Theo điệu “Cán khê sa”.
Bên ngoài Nhạn Môn quan, gió bấc thét gào trong trời chiều.
Lúc này là năm Chính Thống thứ nhất thời nhà Minh (tức niên hiệu của Minh Anh Tông), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã chết không đầy bốn mươi năm. Người của Mông Cổ lại trỗi dậy, dấy lên ở phía Tây bắc, trong đó bộ tộc Ngõa Thích là lớn mạnh hơn cả, năm nào cũng đánh vào Trung Nguyên, đến thời Chính Thống thì chỉ còn cách Nhạn Môn quan hơn trăm dặm, vùng đất không một bóng người này đã trở thành nơi hưu chiến giữa Minh triều và Ngõa Thích. Gió Tây hiu hắt, chỉ có cát vàng và lá khô xao xác rơi trong hoàng hôn, tiếng vó ngựa gõ lộc cộc trong tiếng xáo dìu dặt, một cỗ xe lừa phóng nhanh trên con đường núi.
Phía sau cỗ xe ngựa là một thớt tuấn mã, hán tử trung niên ngồi trên ngựa trông rắn chắc, lưng đeo túi tên, eo mang trường kiếm, chốc chốc quay đầu nhìn xung quanh. Gió bấc càng dữ dội hơn, trong gió văng vẳng tiếng ngựa hí và tiếng binh khí chạm nhau, một tiếng hú dài thê lương chợt vang lên, tiếng vó ngựa cũng dần im hẳn, một ông già đầu tóc bạc phơ vén rèm xe lên, run rẩy hỏi: “Phải chăng Đăng nhi gọi ta? Tạ hiệp sĩ, ông không cần lo cho tôi nữa, ông hãy đi tiếp ứng bọn họ, đến được nơi này tôi chết cũng đã nhắm mắt!”
Hán tử trung niên ấy vâng một tiếng, chỉ ra xa nói: “Lão bá hãy yên lòng, ông có nghe tiếng vó ngựa ấy không, có lẽ quân Hồ đã rút lui. Ồ, ông xem, họ đã đến!”, thế rồi giật đầu ngựa, thớt ngựa phóng tới như bay. Ông già trong xe thở dài rơi nước mắt. Một bé gái trong xe ngồi bật dậy, mặt cô bé ửng hồng tựa như trái táo chín đỏ vì lạnh, cô dụi mắt, hình như cô vừa mới thức dậy. Cô bé lên tiếng hỏi: “Gia gia, đây đã là đất Trung Hoa chưa?”
Ông già ấy ghìm dây cương, nhìn xuống mặt đất ở dưới xe, thì thầm: “Ồ, đây đã là Trung Hoa. A Lối, con xuống xe bốc một nắm đất cho gia gia!”
Bên ngoài cửa cốc, ba thớt ngựa bị thương đang chở trên lưng những kỵ sĩ quần áo tả tơi hí dài trở về, kỵ sĩ đi đầu là một nhà sư. Hán tử trung niên họ Tạ chạy tới hỏi: “Triều Âm sư huynh, Vân Đăng sư đệ thế nào rồi?”
Nhà sư ấy kìm cương ngựa, buồn bã nói: “Y đã chết! Không ngờ vượt muôn núi nghìn sông về đến đây, Nhạn Môn quan đã ở trước mặt, y vẫn không thoát khỏi tay người Hồ. Song, y không hổ là một thiết hán tử, sau khi trọng thương mà vẫn giết chết kẻ địch, một tên lãnh binh Thát tử đã chết dưới tay y, quân Mông Cổ hoảng hồn tháo chạy, không dám đuổi theo nữa. Con người ai cũng chết, nhưng chết như y rất có giá trị, đồ nhi của đệ cũng khá lắm, hắn cũng giết được nhiều kẻ địch, đã chết cùng Vân Đăng sư đệ”.
Hán tử trung niên ấy mở mắt trừng trừng nhìn lên trời cao, đột nhiên buông giọng cười lớn: “Nhạn Môn quan phía trước, chúng ta rốt cuộc không phụ lòng Vân Đăng sư đệ, đưa cha của y về đến nơi, Vân Đăng đã có thể nhắm mắt. Nhưng Vân đại nhân sẽ rất đau lòng, chúng ta hãy tạm thời giấu chuyện này”. Thế rồi vỗ ngựa chạy về phía chiếc xe lừa, chỉ thấy ông già trên càng xe, tay nắm một nắm đất, vẻ mặt rất kỳ lạ, bé gái ấy đứng ở dưới đất sững người nhìn gia gia.
Triều Âm hòa thượng kêu: “Vân đại nhân, chúng tôi đã trở về”.
Ông già ấy hỏi: “Đăng nhi đâu?”
Triều Âm hòa thượng nói: “Quân Thát tử đã bị chúng tôi đánh lui, y đã bị thương nhẹ, cùng với đồ đệ của Thiên Hoa sư đệ chặn hậu”.
Tuy ông ta cố gắng giữ bình tĩnh nhưng cũng không thể nào kìm chế được nỗi bi phẫn. Ông già ấy biến sắc, Triều Âm hòa thượng và Tạ Thiên Hoa đều là những hiệp khách khí phách hào hùng, nhưng trước ánh mắt của ông ta, cũng bất giác thối lui mấy bước, không dám nhìn thẳng, chỉ nghe ông ta buông giọng cười nói: “Cha là trung thần, con là hiếu tử, trung thần hiếu tử ở chung một nhà, Vân Tĩnh này còn tiếc gì nữa! Ha ha!”
Trong tiếng cười thê lương hàm chứa nỗi phẫn uất cực độ, kỵ sĩ bên cỗ xe lừa không dám lên tiếng. Đứa bé ấy ngẩng mặt lên hỏi: “Gia gia, người cười gì thế? Con sợ lắm, gia gia, người đừng cười như thế nữa. Tại sao cha con không quay về?”
Ông già ấy chợt ngừng cười, im lặng một hồi rồi chậm rãi hỏi: “Sáng sớm ngày mai có thể đến Nhạn Môn quan không?”
Tạ Thiên Hoa nói: “Được, đêm nay là ngày mười lăm tháng mười, trăng rất sáng, sáng mai sẽ tới nơi”.
Ông già ấy nâng niu nắm đất trong tay tựa như báu vật, ông đưa nắm đất lên mũi, hít sâu mấy hơi, nắm đất tỏa mùi lá mục, ông buồn bã mỉm cười: “Đã hai mươi năm, đến nay mới ngửi được mùi vị của nắm đất quê hương”.
Tạ Thiên Hoa nói: “Lão bá thân ở nước người mà vẫn giữ lòng trung, còn hơn cả Tô Vũ, tấm lòng này thật khiến cho người và trời đều kính ngưỡng!”
Ông già dang rộng vòng tay, ôm bé gái lên xe rồi chậm rãi nói: “A Lối, năm nay con đã bảy tuổi, đêm nay gia gia sẽ kể cho con nghe một câu chuyện, con phải nhớ cho kỹ”.
Bé gái ấy lặp lại: “Vâng, phải nhớ kỹ. Con biết, gia gia sẽ kể chuyện của người!” Ông già ngạc nhiên nhìn đứa bé gái rồi nói: “Con quả thật rất lanh lẹ, so với ta hồi còn nhỏ, thông minh hơn rất nhiều!” ông quên rằng bé gái này từ khi ra đời, tháng trước mới gặp gia gia của nó, lúc đó nó từng hỏi cha, tại sao đột nhiên lại có một gia gia, người cha bảo rằng: “Cha đã nhiều lần kể cho con nghe câu chuyện Tô Vũ chăn dê, câu chuyện của gia gia còn hay hơn cả câu chuyện Tô Vũ chăn dê, sau này gia gia sẽ kể cho con nghe, con phải nhớ cho kỹ”.
Cho nên đêm nay gia gia bảo sẽ kể chuyện, cô bé biết đó là câu chuyện của ông ta.
Mọi người đi quanh chiếc xe la, cũng say sưa lắng nghe như cô bé, chỉ thấy ông già ấy lấy ra một cây gậy tre, trên đầu cây gậy tre có mấy sợi cờ mao lơ thơ, ông già thở dài nói: “Cờ tiết này đã không còn nguyên vẹn. A Lối, con có biết sứ cờ là gì không? Ta nói cho con nghe. Hai mươi năm trước, gia gia của con là sứ thần của Thiên tử triều Minh, phụng lệnh đi sứ đến nước Ngõa Thích của Mông Cổ, Hoàng đế triều Minh đã ban cho ta cây gậy tre này, gọi là cờ tiết, cờ tiết đại diện cho thiên tử, tính mạng có thể mất nhưng cờ không thể hỏng. Lúc đó Mông Cổ chia làm hai phần, một phần là Ngõa Thích, một phần là Thát Đát, sức nước vẫn còn yếu ớt. Theo lý họ phải tôn trọng sứ thần của thiên tử triều Minh, trong ngày trình quốc thư, vua nước Ngõa Thích còn cung kính giữ lễ, nhưng không ngờ sau đó có một người Hán mặc Hồ phục, mang bội kiếm lên triều, kéo vua Ngõa Thích sang một bên, thì thầm to nhỏ mấy lời, vừa nói vừa nhìn ta. Người Hán ấy chỉ khoảng hai mươi tuổi, nhưng trong mắt đầy vẻ oán hận, tựa như ta có thù với y!”
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên nói: “Người ấy có quen lão bá không?”
Vân Tĩnh nói: “Không, ta không hề quen y. Ta tự thấy mình trong sạch, cả đời không có kẻ thù, càng chẳng thể kết thù với người Hồ, cũng không biết tại sao y lại oán hận ta như thế! Song lúc đó ta thấy y mặc Hồ phục, ta đã không thèm bắt chuyện với y. Y nói với vua Ngõa Thích một hồi, đột nhiên hạ lệnh bắt ta, lại còn cướp cờ tiết của ta. Ta nổi giận cự lại: “Tính mạng có thể mất, cờ tiết của Thiên tử đại Minh không thể hủy”. Đáng hận y là người Hán, nghe xong thì lại cười lớn nói rằng: “Thiên tử đại Minh, thiên tử đại Minh! Ha ha, ngươi định làm trung thần cho thiên tử đại Minh đấy ư? Được! Ta sẽ giúp ngươi toại nguyện, ngươi sẽ được làm Tô Vũ thứ hai, Tô Vũ chăn dê, vậy thì ngươi hãy chăn ngựa!” Từ lúc đó trở đi ta đã chăn ngựa hai mươi năm ở miền cực bắc lạnh lẽo! Lúc đầu ta còn mong triều Minh sai binh đến cứu, nhưng năm này qua năm nọ vẫn chẳng có tăm hơi gì. Sau đó nghe nói Hoàng đế của đại Minh tức Minh Thành Tổ Chu Lệ đã qua đời, Nhân Tông kế vị không đầy một năm thì chết yểu, ấu chúa nối ngôi, trong nước không có người, uy phong của đời trước đã không còn nữa, ta đã hết hy vọng, đoan chắc sẽ chết già ở nước người, khó lòng trở về đất Hán, nào ngờ cũng có hôm nay!”
Tạ Thiên Hoa và Triều Âm hòa thượng nhìn nhau, im lặng không nói, mặt lộ vẻ khác lạ, tựa như vừa khâm phục vừa cảm thấy đó là chuyện bình thường. Vân Tĩnh không để ý, giọng nói càng lúc càng trầm, ông ta bẻ khớp tay kêu lên rôm rốp rồi lại nói: “Đã hai mươi năm qua, ta chịu bao nhiêu đau khổ, trong sa mạc không có nước uống, có lúc phải uống nước tiểu ngựa, đến mùa đông thì phải uống băng ăn tuyết! Đó chưa phải là khổ cực nhất, điều đáng hận hơn, gã ấy lâu lâu lại sai người đến sỉ vả Thiên tử đại Minh trước mặt ta. Hai mươi năm qua lúc nào ta cũng chuẩn bị sẽ chịu chết, nhưng đáng hận là kẻ ấy không giết mà chỉ hành hạ ta”.
Vân Lối nghe xong rất phẫn nộ, hỏi: “Kẻ xấu ấy tên là gì? Gia gia hãy nói cho con nghe, sau này Lối Lối lớn lên chắc chắn sẽ báo thù cho gia gia”.
Vân Tĩnh tiếp tục nói: “Không lâu sau thì ta biết gã ấy họ Trương tên là Tôn Châu, tên là Tôn Châu nhưng thực sự không “tôn châu”, thử hỏi nhà Châu là chủ của thiên hạ, đã là “tôn châu” nhưng lại mắng nhiếc Thiên tử nhà Minh đó chẳng phải đã tự sỉ vả mình rồi ư?”
Bé gái ấy không hiểu nhà Châu, cũng chẳng hiểu là chủ của thiên hạ, định hỏi thì nghe gia gia tiếp tục nói: “Những chuyện trong lịch sử, lớn lên con đọc sách thì sẽ biết, gia gia không nói nhiều nữa”.
Vân Tĩnh thực ra không chỉ nói cho cháu gái mình nghe mà cũng nói cho hai hiệp sĩ kia. Lúc này ngập ngừng rồi mới cao giọng nói: “Hai vị hiệp sĩ, hai vị bảo gã này có đáng giết hay không?”
Triều Âm hòa thượng gõ cây thiền trượng xuống đất rồi nói: “Đáng giết!”
Vân Tĩnh mỉm cười, vuốt đầu cháu gái mình rồi tiếp tục nói: “Trương Tôn Châu vốn là con nhà gian tặc, cha của y đã làm quan ở Mông Cổ, đến đời y thì càng được trọng dụng hơn, hơn hai mươi tuổi thì đã làm hữu thừa tướng của nước Ngõa Thích, được Khả hãn của nước Ngõa Thích là Thoát Thoát Bất Hoa trọng dụng như hữu thừa tướng Thoát Hoan Bất Hoa, y rất khỏe mạnh, chắc là vẫn còn sống được hai ba mươi năm nữa. Ta luôn ngày đêm mong ngóng y đừng chết sớm!”
Triều Âm hòa thượng là người bộc trực, nghe thế thì ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”
Vân Tĩnh đã kìm nén nỗi phẫn nộ mấy mươi năm nay, nói đến đây thì ông ta cười lạnh. Vân Lối rùng mình, chỉ thấy gia gia rút ra một tấm da dê, trên miếng da dê có viết mấy dòng chữ đỏ, thoang thoảng mùi máu.
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên nói: “Vân lão bá, đây là huyết thư của ông?”
Vân Tĩnh điềm nhiên nói: “Đây là mảnh thứ hai. Lúc đầu ta mong triều đình dấy binh hỏi tội, bắt tên gian tặc ấy, sau đó chẳng còn hy vọng, bản thân ta muốn chính tay giết chết tên gian tặc, nhưng lại là một thư sinh trói gà không chặt, suy đi nghĩ lại chỉ còn mong bầy con cháu bỏ văn học võ, có thể báo mối thù cho ta. Quả nhiên trời không phụ lòng người, ta chăn ngựa mười năm thì Đăng nhi đã đến biên giới Ngõa Thích, mai danh ẩn tích tìm ta. Trước khi ta đi sứ, hắn vừa mới thi đậu tú tài, chỉ là một thư sinh yếu ớt, nhưng khi gặp lại, hắn đã là một võ phu mạnh mẽ. Té ra hắn biết triều đình không muốn dấy binh vì một mình ta, cho nên bỏ văn học võ, một mình đến Ngõa Thích cứu cha. Nghe nói hắn đã theo đệ nhất kiếm khách Huyền Cơ Dật Sĩ học bảy năm, võ công tuy chưa đại thành nhưng có thể đối phó với năm ba người, Đăng nhi nôn nóng cứu cha nên chưa học xong thì đã bỏ đi”.
Vân Lối say sưa lắng nghe, cô bé cứ nhìn qua liếc lại, trong lòng đầy nỗi nghi hoặc, hỏi rằng: “Cha đã có bản lĩnh như thế, tại sao con không hề biết? Con chỉ thấy hàng ngày cha cùng mẹ đi chăn dê, ngày nọ quân Thát tử đến bắt nạt người, cướp dê của người mà người chẳng dám làm gì”.
Vân Tĩnh thở dài nói: “A Lối, con còn nhỏ, có rất nhiều chuyện ta nói con cũng không hiểu. Song sau này dù ta có chết đi, không kịp nhìn thấy con lớn lên, hai vị bá bá cũng sẽ cho con biết”.
Tạ Thiên Hoa biết đêm nay Vân Tĩnh tiết lộ thân thế, thực sự là muốn nói cho họ nghe, trong đó chắc có hàm ý khác. Chỉ thấy Vân Tĩnh run rẩy, hơi thở hơi mệt nhọc, thế rồi đỡ ông ta nói: “Lão bá, ông hãy nghỉ một lát, thời gian vẫn còn nhiều, đợi sau khi vào Nhạn Môn quan hẵn kể tiếp, lão bá sau này có gì căn dặn, vãn bối nhất định sẽ nghe theo”.
Vân Tĩnh ho một tiếng rồi thở dốc nói: “Không, ta nhất định phải kể tiếp. Chuyện này đã dồn nén trong lòng quá lâu, không nói ra sẽ khó chịu”. Ông ta ngừng một lát rồi nói tiếp: “Đăng nhi đã xem chuyện này quá dễ dàng, tưởng rằng nhờ vào võ công của hắn thì có thể cứu ta trở về. Nào ngờ ngoài trời có trời, trên người có người, ở đất Mông Cổ cũng có rất nhiều cao thủ, ngay cả trong số các thủ hạ của Trương Tôn Châu cũng có vài nhân vật bản lĩnh phi phàm. Ta chăn ngựa ở nơi phủ tuyết, bị bọn chúng âm thầm theo dõi. Đăng nhi khó khăn lắm mới tìm được ta, chưa kịp bàn cách trốn chạy thì đã bị người ta phát hiện, nếu ta không bảo hắn chạy trước, e rằng cả hắn cũng bị bắt giữ. Sau đó Đăng nhi lại âm thầm thương lượng với thủ hạ của Trương Tôn Châu vài lần, vì chẳng được ích gì cho nên mới bỏ ý định một mình cứu cha. Vì thế theo lời dặn của ta, hắn sống mai danh ẩn tích ở Mông Cổ, giả vờ chẳng biết võ công, âm thầm tìm cơ hội lén liên lạc với ta, lại còn cưới thiếu nữ Mông Cổ làm vợ, mục đích là giúp ta sinh con đẻ cái, sau này báo mối đại hận thâm thù. Ta nhớ lại câu chuyện Ngu Công dời núi, nếu con trai ta không thể báo được thù này, còn có cháu của ta, cháu ta không thể báo thì còn có chắt, chỉ cần nhà họ Vân còn có hậu nhân thì chắc chắn phải báo được thù. Còn Trương gia, dù cho Trương Tôn Châu chết đi, hắn cũng có hậu nhân, hậu nhân của hắn phải chịu báo ứng thay cho hắn! Bảy năm trước ta nghe hắn sinh được một đứa con trai, ta đã viết một bức huyết thư dặn dò cháu trai của ta, ngày sau lớn lên gặp được kẻ hậu nhân của Trương Tôn Châu thì bất luận là nam nữ già trẻ đều phải giết!”
Tạ Thiên Hoa cảm thấy lạnh lẽo trong lòng, môi mấp máy nhưng nén được, nghĩ bụng: “Mối thù này thật ghê gớm! Cứ báo thù như thế há chẳng phải tàn khốc hơn cả chuyện thù sát trên giang hồ hay sao? Chắc là ông ta chăn ngựa ở nơi tuyết phủ hai mươi năm, bị hành hạ đủ điều cho nên mất đi lý tính. Chờ sau khi ông ta về Trung thổ, tinh thần đã hồi phục thì từ từ khuyên nhủ”.
Vân Tĩnh chỉ bức huyết thư, hơi thở dốc, nói tiếp: “Đăng nhi nghe lời ta dạy đã may bức huyết thư này vào trong áo của đứa trẻ, gởi đến cho một sư huynh dạy dỗ. Sau đó vì đã đổi chỗ chăn ngựa, lại mất liên lạc, cho đến ba tháng trước, hắn mới lén lút gặp ta một lần, ta mới biết rằng, hắn đã hẹn đồng môn đến đây cứu ta. Lúc đó, ta nghĩ thời gian dài dằng dặc, cũng không muốn bỏ chạy, ta cũng không để ý lời nó, chỉ hỏi trong bảy năm sau này có sinh con nữa không? Nó bảo lại sinh được một đứa bé gái, đó chính là con. Ta lập tức viết thêm một bức huyết thư, có nghĩa là cháu gái cũng phải báo thù cho ta. Lối Lối, sau này con hãy nhớ rằn, hễ gặp hậu nhân của Trương Tôn Châu bất luận nam nữ già trẻ đều phải giết chết, rồi giã xương thành tro!”
Vân Lối nghe thế thì trên mặt lộ vẻ hoảng sợ, cô bé đột nhiên khóc òa lên: “Gia gia, phải giết bao nhiêu người? Lối Lối sợ lắm, mẹ đã dạy không được giết chóc bừa bãi. Ôi, mẹ đâu rồi? Cha nói mẹ sẽ quay về, sao không thấy mẹ quay về, còn cha con đâu rồi?”
Cô bé nào biết, người cha của mình mai danh ẩn tích ở Mông Cổ, cho nên chẳng hề nói cho mẹ biết thân thế lai lịch, một tháng trước đã giấu vợ bỏ nhà trốn đi.
Vân Tĩnh đột nhiên nổi giận: “Lối Lối, con không nghe lời ta ư? Ta cho con biết, cha của con, cha của con, hắn đã…” Vân Lối hoảng sợ đến nỗi im bặt, Vân Tĩnh lại thở dài, ông ta không nỡ cho cô bé biết cha mình đã chết.
Tạ Thiên Hoa thầm thở dài, lắc đầu, chỉ thấy Vân Lối hạ giọng nói nhỏ: “Con nghe lời gia gia!”
Vân Tĩnh nhét tấm huyết thư vào trong áo cô bé, ngửa đầu cười rằng: “Không ngờ Vân Tĩnh này cũng có lúc thoát khỏi đất khách, trở về quê cũ. Tạ hiệp sĩ, mong ông nể tình Đăng nhi, nhận con gái của nó làm học trò!”
Tạ Thiên Hoa sau một hồi do sự thì chậm rãi nói: “Chuyện này hãy thương lượng sau… Lão bá đừng hiểu lầm, không phải là tôi không hứa với ông, mà tôi sẽ tìm cho nó một sư phụ giỏi hơn”.
Tạ Thiên Hoa và Triều Âm hòa thượng đều là đồng môn của Vân Đăng. Huyền Cơ Dật Sĩ, sư phụ của họ được người ta gọi là Thiên hạ đệ nhất kiếm khách, không chỉ kiếm thuật tinh thâm mà cả võ công cũng rất cao cường. Nhưng Huyền Cơ Dật Sĩ tính nết kỳ quặc, ông ta nhận cả thảy năm học trò, mỗi học trò chỉ truyền một môn võ công. Ví dụ như Tạ Thiên Hoa chỉ học được một nửa kiếm thuật. Còn một nửa thì sao? Té ra Huyền Cơ Dật Sĩ có hai bộ kiếm pháp tương phản tương thành với nhau. Ông ta lại rèn được một đôi song kiếm thư hùng, thư kiếm tên gọi Thanh Minh, hùng kiếm tên gọi Bạch Vân.
Bạch Vân hùng kiếm thì truyền cho Tạ Thiên Hoa.
Thanh Minh thư kiếm thì truyền cho một nữ đệ tử khác, mỗi người đều học một bộ kiếm thuật của ông ta.
Hai bộ kiếm thuật này là tâm sức cả đời của Huyền Cơ Dật Sĩ, nếu song kiếm hợp bích, thiên hạ không ai địch nổi. Cho nên trong năm học trò của ông ta, võ công của Tạ Thiên Hoa và nữ đệ tử ấy là cao nhất, hai người cũng khó phân cao thấp. Còn Vân Đăng vì vào sư môn muộn hơn, võ công kém nhất. Triều Âm là đệ tử hàng thứ hai, được truyền cho Phục Ma trượng pháp, công phu ngoại gia đã đến bước đăng phong tạo cực.
Tạ Thiên Hoa và Triều Âm hòa thượng đều được sư đệ Vân Đăng nhờ cậy, mỗi người dắt theo một học trò, từ Trung thổ đến Mông Cổ cứu cha của y. Vừa lúc đó Khả hãn của nước Ngõa Thích vừa lập thái tử, trong nước có chuyện vui, việc canh phòng lơi lỏng, ba người hợp lực giết vài tên lính, sau đó dễ dàng thoát ra ngoài, nhưng lại không ngờ gần về đến Nhạn Môn quan thì truy binh đã đuổi tới, Vân Đăng đã đổ máu nơi biên tái, còn đồ đệ duy nhất của Tạ Thiên Hoa cũng chết cùng ông ta.
Vân Tĩnh nói xong thì mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Vân Lối ngẩn người ra nhìn gia gia, không nói cũng chẳng cười. Tạ Thiên Hoa thở dài, phất tay, cỗ xe lừa lại lăn bánh qua con đường núi. Lúc này vầng trăng đã qua khỏi đường chân trời, sơn cốc hoang vắng chìm dưới ánh trăng, tựa như được bao phủ bởi một lớp sương mỏng, càng lạnh lẽo rùng rợn hơn. Tạ Thiên Hoa cho Vân Lối ăn xong mấy miếng thịt, uống một ngụm nước, vỗ nhẹ vào lưng của cô bé rồi không lâu sau cũng ngủ thiếp đi.
Cỗ xe lừa đang chạy, chợt nghe Vân Tĩnh kêu lên trong mơ: “Kìa, kìa… sói… sói đến”.
Triều Âm hòa thượng cười nói: “Ông già còn tưởng mình đang chăn ngựa ở đất Mông Cổ”.
Lại nghe Vân Lối kêu lên trong mơ: “Mẹ, Lối Lối không giết người, Lối Lối sợ lắm”.
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên lắc đầu, chợt nghe tiếng tên bay lướt qua sơn cốc, Vân Tĩnh bật dậy kêu lên: “Sói đến!”
Mở mắt ra nhìn, thì thấy một ánh lửa màu lam từ trên không sa xuống, Triều Âm hòa thượng đã lướt ra mấy trượng, chạy lên nghênh địch, Tạ Thiên Hoa nói: “Lão bá đừng sợ, kẻ địch rất ít”.
Vân Tĩnh đã thức dậy, run rẩy nói: “Không xong, đó là đệ nhất dũng sĩ dưới trướng Trương Tôn Châu, họ Đàm Đài, tên gọi Diệt Minh, tên họ của y tựa như người Hồ, nhưng thực ra là người Hán. Đăng nhi đã từng bị y đánh bại, gã này rất ghê gớm”.
Tạ Thiên Hoa cười nói: “Đôi song chưởng và cây trượng của sư huynh tôi uy chấn Trung Nguyên, đệ nhất dũng sĩ ở Mông Cổ có đáng là gì. Chỉ cần bọn chúng không nhiều người, dù y có ghê gớm đến mức nào cũng bị chúng tôi thu phục, trao cho lão bá đem về kinh đô lập công, xem thử gã này có dám xưng là diệt Minh nữa không!”
Tạ Thiên Hoa hành hiệp trượng nghĩa, ghét nhất là hạng bán nước, nghe nói người ấy có ngoại hiệu là diệt Minh, thế là rút trường kiếm phóng ra cửa cốc trợ chiến.
Chỉ thấy có một viên tướng Hồ, mình mặc giáp vàng, sử dụng song long hộ thủ câu đang đánh rất hăng với Triều Âm hòa thượng. Trượng pháp của Triều Âm hòa thượng như thần long xuất hải, quét ngang bổ dọc kêu lên vù vù, viên tướng Hồ ấy cũng chẳng chịu kém, múa tít đôi câu, gạt cây thiền trượng to bằng miệng bát của Triều Âm hòa thượng ra. Tạ Thiên Hoa thất kinh nhủ thầm: “Bản lĩnh của kẻ này thật ghê gớm, chả trách nào Vân Đăng sư đệ đã bại dưới tay y, xem ra sư huynh cũng không phải là đối thủ của y”. Thế rồi lập tức rút kiếm ra khỏi bao, vung mạnh tay phóng vút lên rồi từ trên không hạ xuống, vung thanh trường kiếm lên đánh ra một chiêu Phất Liễu Xuyên Hoa đâm thẳng vào trung tâm, chiêu kiếm lợi hại do Huyền Cơ Dật Sĩ khổ công nghĩ ra chuyên dùng để đối phó với những binh khí như câu, đoạt.
Hộ thủ câu và vạn tự đoạt vốn là những loại binh khí ngoại môn có thể khống chế đao kiếm, nhưng bộ kiếm pháp này rất nhẹ nhàng phiêu dật, biến hóa muôn hình, có thể nương theo thế của câu và đoạt, kìm chế lại kẻ địch. Nếu kẻ địch vẫn dùng câu đoạt có thể khóa đao kiếm để đánh ra, nhẹ thì ngón tay bị chặt đứt, nặng thì yết hầu bị đâm thủng, mà khi Tạ Thiên Hoa dùng chiêu sát thủ này đâm thẳng vào trung tâm, ông lại xoáy thêm hai vòng trái và phải, có nghĩa là đánh vào thẳng ở giữa là hai bên cánh của kẻ địch, cho nên kẻ địch khó tránh nổi.
Không ngờ tướng Hồ ấy hạ câu trái xuống, câu phải thì kéo ngược lên, thanh trường kiếm của Tạ Thiên Hoa suýt nữa bị y giật tới, nói thì chậm, nhưng sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ thấy câu quang lấp lánh, thu duỗi bất định, cũng không biết từ đâu đánh tới, nhân lúc Tạ Thiên Hoa hơi chậm lại, lập tức phản khách làm chủ.
Tạ Thiên Hoa thầm thất kinh, nhưng bất ngờ gặp kình địch, tinh thần đã phấn chấn, vung thanh trường kiếm lên, kiếm chiêu đổi thành Lâu Tất Ảo Bộ, kiếm quang vẽ thành một hình vòng cung dài, người xoay nửa vòng theo kiếm thế.
Chỉ nghe soạt một tiếng, mũi kiếm đâm nhanh ra ngoài. Đó là chiêu số độc đáo công thủ đều có, câu quang của tướng Hồ ấy loang loáng, nhưng không đánh ra chiêu nữa, cả hai cây câu đều bị gạt ra ngoài, y rê ngang một bước. Tạ Thiên Hoa lập tức xốc tới, múa tít thanh kiếm, viên tướng Hồ ấy kêu lên: “Kiếm pháp hay!”
Y đánh liên tục ba chiêu đột nhiên la lên: “Ngừng tay!”
Tạ Thiên Hoa nào chịu nghe, kiếm quang tỏa ra không ngớt, viên tướng Hồ ấy chợt nổi giận quát: “Ngươi tưởng ta sợ đấy hử!” Rồi đôi câu mở rộng, nào đón, đẩy, cắt, đâm, rút, gạt, toàn là những chiêu số như sấm vang chớp giật, hai cây câu tựa như hai con ngân xà theo sát kiếm quang của Tạ Thiên Hoa, kiếm pháp của Tạ Thiên Hoa tuy thần diệu nhưng cũng chẳng làm gì được y.
Triều Âm hòa thượng gầm lớn một tiếng, múa tít cây thiền trượng phóng lên trợ chiến, tướng Hồ ấy cười lớn nói: “Nhìn võ công của ngươi chắc chắn là kiếm khách nổi tiếng ở Trung thổ, nghe nói các nhân vật nổi tiếng ở võ lâm Trung thổ rất coi trọng quy củ đơn đả độc đấu, thế nhưng các ngươi lại muốn lấy nhiều thắng ít!”
Triều Âm hòa thượng quát hỏi: “Ngươi có phải là Đàm Đài Diệt Minh hay không?”
Tướng Hồ ấy né tránh nhát kiếm của Tạ Thiên Hoa, trả lại hai chiêu, cười rằng: “Té ra hòa thượng nhà ngươi cũng biết tên ta”.
Triều Âm hòa thượng quát rằng: “Ngươi là người Hán mà lại làm tướng Hồ, có nhục nhã hay không? Đối phó với hạng gian tặc phản quốc như ngươi, đâu cần phải giữ quy củ võ lâm Trung Nguyên! Hãy nếm của Phật gia một trượng!”
Đàm Đài Diệt Minh sầm mặt, đột nhiên buông giọng cười lớn: “Một mình ngang dọc nơi Mạc Bắc, lòng này chẳng có gì thẹn với ai! Ai là gian tặc phản quốc? Ta phản nước của ai? Chu Nguyên Chương khéo đoạt thiên hạ, chỉ có bọn người chẳng có chí khí như các người mới cúi đầu xưng thần trước con cháu của y”. Rồi lách người qua một bên, tránh được cây thiền trượng, lại múa tròn đôi câu bảo vệ trước thân người, trong kiếm quang câu ảnh y lớn giọng nói: “Nói ra tên hòa thượng lỗ mãng nhà ngươi cũng không hiểu, thôi được ngươi đã đòi cùng đấu, ta sẽ gọi hai tên tiểu bối tiếp chiêu của ngươi”. Thế là xỉa đôi câu ra, gạt cây thiền trượng của Triều Âm sang một bên, hai viên tiểu tướng ở phía sau y múa tít đao thương, lập tức phóng lên, đón lấy trượng thế của Triều Âm hòa thượng. Hai viên tiểu tướng này tuy kém Triều Âm một bậc, nhưng cũng chẳng phải tay vừa, suốt nửa đêm qua Triều Âm hòa thượng đã trải qua hai trận kịch đấu, khí lực hao tổn, cho nên chẳng thắng được bọn chúng.
Tạ Thiên Hoa nghe Đàm Đài Diệt Minh nói như thế, lòng nhủ thầm: “Gã này chẳng phải hạng tầm thường, nhưng giúp Hồ diệt Hán, dù thế nào đi nữa cũng không nên. Thế là khí giận bốc lên, vung kiếm tấn công mạnh mẽ, Đàm Đài Diệt Minh đánh vài chiêu nữa thì chợt hỏi: “Ngươi có phải là môn hạ của Huyền Cơ Dật Sĩ hay không?”
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên, chỉ nghe Đàm Đài Diệt Minh lại cười lớn: “Sư phụ của ngươi năm xưa dốc hết tâm sức cũng chẳng thắng nổi sư phụ ta, ngươi muốn thắng ta thì đâu có dễ! Nếu ngươi không biết tiến thoái, đêm nay mỗi người sẽ vì chủ của mình, đấu thêm vài trăm chiêu nữa!”
Tạ Thiên Hoa chợt thất kinh, nhớ rằng sư phụ đã kể một câu chuyện xưa. Hai mươi năm trước, sư phụ đã tranh nhau chức Minh chủ võ lâm với một ác ma, đấu với y ba ngày ba đêm trên đỉnh Nga Mi, không phân thắng bại. Ma đầu ấy tên là Thượng Quan Thiên Dã, vốn là một đạo tặc ở chốn lục lâm, sau trận chiến ấy y đột nhiên mất tích, không biết đã trốn ở nơi nào. Nghe Đàm Đài Diệt Minh nói như thế, Thượng Quan Thiên Dã chắc chắn đã trốn ở Mông Cổ, còn Đàm Đài Diệt Minh là đồ đệ của y.
Tạ Thiên Hoa vốn định ngừng lại quát hỏi, nhưng nghe y nói mỗi người đều vì chủ của mình, lửa giận lại bốc lên, lập tức thi triển kiếm pháp nhanh đến nỗi gió mưa không lọt, tựa như sấm vang chớp giật, trong công có thủ, trong thủ có công. Đàm Đài Diệt Minh ấy cũng rất lợi hại, chém xéo đôi câu về phía trước tựa như hai luồng cầu vồng, chặn kín môn hộ, thế câu của y trong công cũng có thủ, hư thực thay đổi, cương nhu đều có, trong chớp mắt đã đánh hàng trăm chiêu mà vẫn không phân thắng bại. Tạ Thiên Hoa thầm nhủ: “Đáng tiếc tứ sư muội không có ở đây, nếu song kiếm hợp bích thì người tên Đàm Đài Diệt Minh cũng chết dưới kiếm này”.
Đàm Đài Diệt Minh múa câu đánh liền ra ba chiêu, Tạ Thiên Hoa cũng không vừa, trả lại bốn chiêu. Đàm Đài Diệt Minh đột nhiên cười ha hả, nhảy ra khỏi vòng chiến nói: “Thế nào? Chúng ta đều đã dốc hết toàn lực mà không ai thắng được, chi bằng hãy ngừng tay”.
Tạ Thiên Hoa giận dữ nói: “Ta không đội trời chung với Hán tặc, chuyện đêm nay phải giải quyết cho xong!”
Đàm Đài Diệt Minh vung đôi câu, chặn thanh trường kiếm của Tạ Thiên Hoa lại cao giọng quát: “Đúng là chó cắn Lữ Động Tân, ngươi không biết ta đã có lòng tốt cứu ngươi ra”. Tạ Thiên Hoa không dám lơi lỏng, gạt đôi câu ra ngoài, quát: “Bọn ta vượt trăm sông nghìn núi mới đến được đây, còn có nguy hiểm gì nữa, đâu cần ngươi cứu? Nếu ngươi thực sự cải tà theo chính, bỏ tối theo sáng, mau mau buông đôi câu xuống theo ta quay về!”
Đàm Đài Diệt Minh cười lạnh, lớn giọng nói: “Ngươi quả thật không biết tốt xấu, ta phụng lệnh Trương thừa tướng khuyên ngươi đừng trở về Trung Nguyên, e rằng chưa tới Nhạn Môn quan thì đã gặp họa!”
Tạ Thiên Hoa giận dữ, đâm thanh trường kiếm tới, miệng mắng rằng: “Tên cẩu tặc nhà ngươi dám bỡn cợt ta!” Đàm Đài Diệt Minh cũng nổi giận, mắng lại rằng: “Ngươi đã tự tìm đường chết, đừng trách ta vô tình”.
Tạ Thiên Hoa nghiến răng chẳng nói lời nào, đánh ra như mưa gió, Đàm Đài Diệt Minh cũng không dám phân tâm, múa tít đôi câu, thấy chiêu đỡ chiêu, thấy thức phá thức, lại đánh mấy trăm chiêu nữa mà vẫn không phân thắng bại.
Hai bên đang đánh nhau rất hăng, Đàm Đài Diệt Minh thình lình nghe tiếng tiêu vang lên, nhân lúc sơ hở thì quay người bỏ chạy, hai tên tiểu tướng cũng nhảy ra khỏi vòng chiến đuổi gấp theo sau. Tạ Thiên Hoa và Triều Âm hòa thượng đã nổi sát cơ, nào chịu bỏ qua, thế là cả hai nhảy vọt đuổi theo, trong chốc lát đã đến chân núi. Tạ Thiên Hoa rất cẩn thận, đột nhiên nhủ thầm: “Gã này chẳng hề nao núng, tại sao lại bỏ chạy? Chả lẽ có qủy kế? Vân đại nhân ở phía sau, không ai bảo vệ, có lẽ ông ta gặp nguy hiểm!”
Đang định gọi sư huynh quay đầu lại, chợt thấy Đàm Đài Diệt Minh đột nhiên tung mình nhảy vào trong cốc, Tạ Thiên Hoa thất kinh, nơi y đứng cách đáy cốc đến mười mấy trượng, dưới đáy cốc lại có quái thạch lô nhô, nếu nhảy xuống thì chẳng khác nào tự tìm đường chết!
Tạ Thiên Hoa chưa kịp nghĩ xong, chỉ thấy Đàm Đài Diệt Minh từ trên không trung phóng vút ra một sợi dây dài, ở một đầu dây có một cái móc sắt, cái móc sắt cắm phập vào cành tùng ở phía đối diện, rồi y đu người qua. Địa thế của sơn cốc này rất hiểm trở, hai bờ sơn cốc cách nhau đến hơn mười trượng, dù khinh công giỏi cũng khó vượt qua, không ngờ Đàm Đài Diệt Minh lại nhảy qua bằng cách này, y vừa nhảy qua, chạy thêm một ngã rẽ nữa thì đến chỗ cỗ xe lừa của Vân Tĩnh.
Tạ Thiên Hoa kinh hoảng, nghĩ bụng nếu quay trở về bằng đường cũ, khi đến nơi Vân Tĩnh đã bị giết hại. Nhưng cũng không thể vượt qua sơn cốc này, làm thế nào đây? Vì nếu đến nước này chỉ đành nén lòng quay trở lại theo đường cũ, liều mạng báo thù cho Vân Tĩnh.
Tạ Thiên Hoa đổ mồ hôi lạnh, khó khăn lắm mới chạy trở về, chỉ thấy Đàm Đài Diệt Minh đã đứng trước cỗ xe ngựa, Vân Tĩnh thì ngồi trên càng xe, hai người đối diện nhau. Đàm Đài Diệt Minh móc đôi câu vào eo, trong tay không có binh khí, mặt lộ nụ cười, tựa như đang hạ giọng cầu khẩn, còn Vân Tĩnh thì đang nghiêm mặt, Tạ Thiên Hoa chạy đến nơi chỉ nghe Vân Tĩnh mắng rằng: “Nói bậy! Ta và Trương Tôn Châu có thù không đội trời chung, ngươi muốn giết cứ giết, ta nào chịu quay về đầu hàng y?”
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên lắm, chỉ thấy Đàm Đài Diệt Minh quay đầu, mỉm cười với mình rồi cao giọng nói: “Ngươi đã thấy chưa? Nếu ta muốn lấy mạng lão già họ Vân thì dễ như trở bàn tay, cần gì đợi ngươi quay trở lại? Lão già họ Vân kia, ta đã cố công khuyên nhủ, chuyện sống chết họa phúc đều tùy nơi ông”.
Vân Tĩnh giận dữ, nhưng vẫn cười lạnh nói: “Ngươi muốn ta trở về chăn ngựa thêm hai mươi năm nữa cho Trương đại nhân đấy ư?”
Đàm Đài Diệt Minh buông giọng cười lớn, sau đó nghiệm mặt nói: “Vì ông chăn ngựa hai mươi năm ở nơi băng thiên tuyết địa mà vẫn không hề cúi đầu cho nên Trương đại nhân mới kính trọng ông, mời ông trở về”.
Vân Tĩnh mắng rằng: “Trương Tôn Châu là kẻ gian tặc phản quốc, tiểu nhân đê tiện, Vân mỗ này trung thành cẩn cẩn, đâu cần y kính trọng!”
Đàm Đài Diệt Minh lạnh lùng cười: “Trương đại nhân quả nhiên nói không sai, ông chỉ có một lòng ngu trung, không biết đến chuyện lớn. Ngài cũng đoán được rằng ông sẽ không trở về, nhưng thấy ông là một trang hán tử, không nỡ thấy chết mà không cứu cho nên ra lệnh cho ta từ vạn dặm đuổi đến đây, đáng tiếc ông đã phụ lòng ngài”.
Vân Tĩnh vịn càng xe, giận đến cùng cực, mắng với giọng run run: “Hừ, y muốn cứu ta? Vân mỗ này đã chăn ngựa hai mươi năm, may mà thân này có thể được chôn nơi cố thổ, chết cũng nhắm mắt. Ngươi đuổi theo đến đây muốn giết thì cứ giết, đây đã là đất Trung thổ, máu nhuộm quê cũ có gì đáng tiếc nữa?”
Đàm Đài Diệt Minh giận dữ nói: “Ai bảo bọn ta giết ông? Kẻ giết ông chẳng phải bọn ta!”
Vân Tĩnh nghiến răng nói: “Ngươi đã giết Đăng nhi của ta, lại còn đến đây chọc giận ta?” ông ta run run suýt nữa thì đổ xuống. Đàm Đài Diệt Minh đỡ ông ta dậy nói: “Bọn ta không giết con trai ông. Dù có nói cho ông nghe, ông cũng không hiểu, hãy theo ta đi về gặp Trương đại nhân thì sẽ biết ngay”.
Vân Tĩnh há mồm phun một bãi nước bọt, Đàm Đài Diệt Minh nhẹ nhàng lách qua một bên, chỉ nghe Vân Tĩnh mắng rằng: “Không phải các ngươi giết? Chẳng lẽ những kẻ ấy là quân Minh đấy hử?”
Đàm Đài Diệt Minh cười khổ sở nói: “Đó là thuộc hạ của tả thừa tướng bọn ta”.
Vân Tĩnh nói: “Cái gì mà tả thừa tướng với hữu thừa tướng, đều là bọn Thát Tử ác ôn. Ta đang ở trong tay của ngươi, ngươi hãy mau giết chết ta, đừng nhiều lời”.
Tạ Thiên Hoa cũng cảm thấy Đàm Đài Diệt Minh quả thực thâm độc, y là đại tướng của nước Ngõa Thích, quan binh Ngõa Thích đã giết người, y còn đến chọc giận cha của kẻ bị giết, huống chi cha của kẻ bị giết đã bị hành hạ hai mươi năm, làm sao có thể chịu đựng nổi trò đùa cợt tàn ác này?
Hai người càng nói càng hăng, nhưng chỉ thấy Đàm Đài Diệt Minh ôm quyền, lớn giọng nói: “Vân đại nhân, tôi đã hết lời, nghe hay không là tùy ông”.
Vân Tĩnh giận đến nỗi râu tóc dựng ngược, răng nghiến kèn kẹt, chẳng nói được chữ nào. Tạ Thiên Hoa quát rằng: “Bức hại một ông già tay trói gà không chặt, đâu có phải là hành vi của kẻ trượng phu, có ngon chúng ta hãy đánh thêm ba trăm chiêu nữa”.
Đàm Đài Diệt Minh chẳng thèm để ý đến ông ta, cố gắng hạ giọng tiếp tục nói: “Đã như thế, tôi chỉ đành quay về. Trương thừa tướng nói, hại ông chăn ngựa hai mươi năm quả thật cũng rất áy náy trong lòng. Ngài cũng đoán được ông sẽ không chịu quay lại, bảo tôi đưa cho ông ba túi gấm, cứ theo diệu kế của ba túi gấm này thì sẽ thoát nạn. Trương thừa tướng nói ba túi gấm này coi như đã chuộc lại công hai mươi năm chăn ngựa của ông”. Nói xong thì xoay người bỏ đi. Tạ Thiên Hoa ngẩn người ra, Đàm Đài Diệt Minh đã lướt qua người ông ta, Vân Tĩnh ngả người xuống trong xe. Tạ Thiên Hoa vội vàng vung tay đánh ra năm mảnh Tý Ngọ Đoạt Hồn đinh, chia nhau đánh vào năm huyệt đạo, Đàm Đài Diệt Minh cũng không thèm quay lại, múa đôi câu một vòng tròn, chỉ nghe mấy tiếng leng keng vang lên, năm mảnh đinh rơi xuống, Đàm Đài Diệt Minh cười lạnh, khuất dạng sau đống quái thạch.
Nắm phi đinh ấy của Tạ Thiên Hoa vốn là có thể đánh ngã kẻ địch, không ngờ y dễ dàng đánh rơi năm mảnh phi đinh, ông ta cũng cảm thấy thất kinh, vội vàng phóng về phía cỗ xe lừa. Chỉ thấy Vân Tĩnh thở phì phò, cổ đỏ ửng, Tạ Thiên Hoa sờ tay vào trước ngực ông ta, Vân Tĩnh phun ra một đống đàm, kêu lớn: “Tức chết đi được!” Rồi gắng gượng ngồi dậy.
Tạ Thiên Hoa biết ông ta tức giận, đàm chặn ở cổ họng, trên người chẳng có vết thương nào, thế rồi mới yên tâm. Đang định khuyên lơn thì chợt nghe bước chân của Triều Âm hòa thượng chạy tới.
Tạ Thiên Hoa lại thất kinh, vội vàng hỏi: “Sư huynh, huynh sao thế?”
Triều Âm hòa thượng tức giận nói: “Tam đệ, ta đã làm mất mặt sư môn! Nếu suốt đời này ta không đánh được Đàm Đài Diệt Minh ba trăm thiền trượng, khó giải mối hận này!”
Tạ Thiên Hoa biết sư huynh là một người nóng nảy, nên kéo ông ta ngồi xuống, đưa nước cho ông ta uống rồi nói: “Nhị sư huynh đã xảy ra chuyện gì thế?”
Triều Âm hòa thượng uống nước ừng ực, tức giận nói tiếp: “Ta tưởng gã ấy âm thầm hạ độc thủ Vân đại nhân, vội vàng quay về, nhưng hai tên tiểu tặc cứ bám riết mãi, nếu bình thường thì ta chẳng thèm để ý đến bọn chúng. Ta chỉ đành liên tiếp đánh hai trận, khí lực không đủ, bọn chúng lại vừa chạy vừa đấu, tiến tiến lui lui, một hồi mà chẳng quay về được, đến hai trăm chiêu, ta vừa liều mạng mới chiếm được thượng phong, nào ngờ Đàm Đài Diệt Minh đã trở lại. Ta tưởng y đã hại Vân đại nhân, thế là há mồm mắng to. Đàm Đài Diệt Minh gạt đôi câu, kéo cây trượng của ta qua một bên, đột nhiên nhả kình lực ra, khiến cho ta té nhào. Đến đó vẫn chưa tính, y còn tát cho ta một cái, mắng ta là đồ hòa thượng thô lỗ, tát một cái là để trừng trị”… mắng xong thì dắt hai tên tiểu tặc ấy bỏ đi. Chúng ta đi lại trên giang hồ đã mấy mươi năm, chưa từng bị sỉ nhục như thế này, đệ bảo có tức hay không?” ông ta ngừng lại một lát rồi nhìn xuống đất, đột nhiên lại kêu lên: “Chuyện gì thế này? Y có giao thủ với đệ không? Vân đại nhân vẫn chẳng có chuyện gì, sao dưới đất lại có ba túi gấm đẹp như thế này?”
Triều Âm hòa thượng vừa nói vừa nhặt ba túi gấm lên, miệng lẩm bẩm khen: “Trên túi gấm có thêu con lạc đà. Ồ, đây chẳng phải là túi thêu của người Mông Cổ ư? Túi gấm này của ai thế?”
Vân Tĩnh nổi giận nói: “Đồ thối tha của tên Thát Tử thối tha, hãy xé vụn cho xong!”
Triều Âm hòa thượng ngạc nhiên, toan vận lực xé túi gấm, đột nhiên Tạ Thiên Hoa giật mất, Triều Âm hòa thượng ngạc nhiên nói: “Sư đệ, đệ làm gì thế…”.
Tạ Thiên Hoa nói: “Vân đại nhân, xem một chút cũng chẳng sao, ông hãy xem thử y viết cái gì. Nếu toàn là những lời càn rỡ thì có xé cũng không muộn!”
Tạ Thiên Hoa rất thắc mắc: “Đàm Đài Diệt Minh võ công cao cường như thế, y đã không hại Vân Tĩnh, vậy tại sao phải đến đây? Chả lẽ y thực sự muốn “cứu người”? Nhưng tại sao y lại làm quan ở Mông Cổ, hai mươi năm qua đã giúp Trương Tôn Châu hành hạ Vân Tĩnh? Lại thêm Nhạn Môn quan đã ở phía trước mặt, bước vào địa phận của Trung thổ, còn có ai dám hãm hại Vân Tĩnh? Chẳng phải y đã nói dối ư? Nhưng nếu bảo y từ ngàn dặm đến đây, mục đích là chỉ nói những câu này thì thật vô lý. Huống chi y ngạo mạn như thế, nhưng hình như đã nương tay, nếu không sư huynh làm sao có thể thoát được, điều này thật khó hiểu!”
Tạ Thiên Hoa đang trầm ngâm, Vân Tĩnh nhận túi gấm, thấy trên túi gấm có đề hai chữ “mở ngay”.
Vừa nhìn thấy hai chữ ấy, Vân Tĩnh đã tức giận lập tức xé toạc túi gấm, rút ra một tấm giấy, trên có đề rằng: “Lúc này hãy mau trở lại Mông Cổ, có thể chẳng có chuyện gì xảy ra, Đàm Đài tướng quân sẽ tiếp ứng”.
Vân Tĩnh xem xong, tiện tay xé toạc tờ giấy ném xuống bùn.
Tạ Thiên Hoa thấy ông ta râu tóc dựng ngược, sắc mặt vàng ệch, chẳng dám hỏi nhiều, Vân Tĩnh nhìn tờ giấy rơi xuống bùn, tức giận nói: “Diệu kế trong túi gấm cái gì, toàn là những lời nhăng nhít!” Rồi nhặt túi gấm thứ hai, chỉ thấy có đề rằng: “Cách Nhạn Môn quan bảy dặm mới mở ra”.
Vân Tĩnh nói: “Ta không thèm nghe lời ngươi”. Thế rồi xé ra, trong đó có một mảnh giấy ghi rằng: “Thời cơ hết, lúc này Nhạn Môn quan có người đón ông, kẻ đi đầu chẳng phải Tổng binh Châu Kiện, ông hãy lập tức lên khoái mã bỏ chạy, để Tạ Thiên Hoa và Triều Âm đoạn hậu, có lẽ sẽ giữ được tánh mạng”.
Tổng binh Nhạn Môn quan Châu Kiện là đồng hương của Vân Tĩnh, một người học văn, một người tập võ đều là tiến sĩ văn võ cùng khoa. Vân Đăng lần này cứu cha, được ông ta âm thầm giúp đỡ rất nhiều, trước khi thực hiện kế hoạch cứu cha, đã sai người phi báo cho Châu tổng binh, bảo ông ta mau báo về triều, trên đường đều để lại dấu hiệu liên lạc với ông ta. Vân Tĩnh nghĩ: “Châu Kiện thấy ta đến, sao lại không tiếp ứng? Ta đi sứ như Tô Vũ, từ nước Thát trở về, Thiên tử đại Minh dù cho không lập tượng ghi công cũng phải trọng dụng. Bọn người Hồ muốn li gián, đâu có cái lý này!”
Thế rồi tiện tay xé vụn tờ giấy ra.
Tạ Thiên Hoa ngồi một bên nhìn, thấy có tên mình trong miếng giấy, ngạc nhiên hỏi: “Tờ giấy ghi gì?”
Vân Tĩnh khinh bỉ đáp: “Toàn là những lời nhăng nhít. Song tên gian tặc này cũng rất lợi hại, bọn chúng hình như đã biết các người vào Mông Cổ cứu ta. Không hiểu tại sao lại không đề phòng?”
Tạ Thiên Hoa nhíu mày trầm ngâm, trong lòng rất thắc mắc. Vân Tĩnh cầm túi gấm thứ ba lên định mở ra, chợt đặt xuống, Tạ Thiên Hoa liếc nhìn thì không khỏi kêu lên ngạc nhiên. Chỉ thấy ở túi gấm thứ ba có ghi: “Thư này trao cho Tạ Thiên Hoa”.
Vân Tĩnh lạnh lùng nhìn Tạ Thiên Hoa, trong lòng rất nghi ngờ. Tạ Thiên Hoa đi lại trên giang hồ đã lâu, rất tinh tế, vừa thấy như thế thì mỉm cười nói: “Gian tặc qủy kế đa đoan, Vân đại nhân cứ mở ra xem y nói gì?”
Vân Tĩnh hơi chần chừ, rồi từ từ mở túi gấm ra, rút bức thư chậm rãi đọc: “Lúc này Vân đại nhân đã bị bắt, trong túi gấm có một viên sáp, ông hãy giấu viên sáp này đừng mở ra, mau chóng vào kinh gặp Vu Khiêm, đàn hặc Vương Chấn, tính mạng của Vân đại nhân có thể giữ được hay không toàn nhờ vào chuyến đi này”.
Vân Tĩnh hừ một tiếng, lại xé vụn tờ giấy ra, mắng rằng: “Toàn là những lời nhảm nhí! Vân mỗ này là một trung thần, có lý nào bị bắt?” Thế rồi ném túi gấm xuống đất. Tạ Thiên Hoa tung mình chụp lấy túi gấm, quả nhiên trong túi gấm có một viên sáp, ông ta cất vào áo. Vân Tĩnh biến sắc, Tạ Thiên Hoa nói: “Cứ giữ lấy vật này, có lẽ cũng chẳng hề gì”.
Vân Tĩnh hừ một tiếng rồi bực bội nói: “Ôâng cứ giữ lấy. Vân Tĩnh này chẳng đội trời chung với tên gian tặc, dù cho bị phanh thây thành ngàn mảnh cũng không cần y đến cứu”.
Nhân lúc trăng sáng, mọi người tiếp tục lên đường, lúc này đã có thể nghe văng vẳng tiếng tù và canh đêm của quân Minh, Vân Tĩnh phấn chấn tinh thần, tuy đi đường khổ nhọc nhưng không hề chợp mắt, cũng chẳng thấy mệt mỏi. Thế rồi ông ngửa đầu lên nhìn trời cao, ngâm rằng: “Mừng còn sống quay về cố thổ, hùng quan chia cách Hoa Di. Vân mỗ ngày mai sẽ sửa sang áo mũ, tay cầm cờ tiết đến bái kiến minh quân”.
Tạ Thiên Hoa nói: “Đại nhân trung thành như thế, trăm đời hiếm thấy, Thiên tử phong quan ban tước cũng chẳng đủ”.
Vân Tĩnh nói: “Đó là bổn phận của kẻ làm tôi thần, nào mong triều đình báo đáp”. Rồi ông ta ngừng một lát, đột nhiên hỏi: “Khi ta đi sứ, đó là năm Vĩnh Lạc thứ mười, đến nay đã hai mươi năm, thay đổi ba triều, ta chẳng biết gì chuyện triều đình, không biết hiện nay ai đương chính?”
Tạ Thiên Hoa nói: “Là Vương Chấn đang nắm quyền”.
Vân Tĩnh nhớ lại lời trong túi gấm thứ ba, buột miệng nói: “Vậy thì trời đã phù hộ cho triều ta, Vương Chấn ấy chắc chắn là một trung thần, chỉ có tên Vu Khiêm kia mới là gian thần”.
Triều Âm hòa thượng đang phóng ngựa chạy về phía trước, lúc này đi bên cạnh chiếc xe lừa, nghe Vân Tĩnh nói như thế, đột nhiên chống cây thiền trượng xuống đất, lớn giọng nói: “Địa nhân đã sai rồi, Vương Chấn ấy là một tên gian thần, nếu y gặp phải tay Phật gia, tôi sẽ cho y nếm một trận thiền trượng!”
Vân Tĩnh ngạc nhiên nói: “Cái gì, y là gian thần? Không thể, không thể! Nếu y là gian thần, vậy bọn Mông Cổ tại sai xúi giục tên Vu Khiêm ấy ra đàn hặc y”.
Tạ Thiên Hoa nói: “Đại nhân có điều không biết, Vương Chấn ấy đúng là một gian thần”.
Vân Tĩnh ngạc nhiên nói: “Cái gì, y là một thái giám kia mà?”
Tạ Thiên Hoa nói: “Đúng thế. Nghe nói kẻ này vốn quê ở Quý Châu, đã từng học hành, cũng đã đi thi, làm đến chức quan huyện, sau đó phạm tội nên bị sung quân, gặp lúc Hoàng đế hạ chiếu “Những người đã có con thì cũng được tịnh thân để vào trong nội cung”, Vương Chấn liền chui vào trong hoàng cung. Sau đó vì hầu hạ thái tử học hành, tức là đương kim Hoàng thượng, Vương Chấn được phong làm Tư lễ thái giám, quản lý tấu chương trong ngoài, vì thế cấu kết với triều thần, ra oai làm phước, tuy không quá ba năm nhưng trăm họ đã căm giận y đến tận xương cốt. Đại nhân lần này trở về cũng phải cẩn thận”.
Vân Tĩnh nghe xong thì bất giác ngạc nhiên, trong lòng đầy nỗi nghi ngờ.
Tạ Thiên Hoa lại tiếp tục nói: “Còn người tên Vu Khiêm ấy là Tổng binh thị lang, nghe nói là một vị quan ngay thẳng”.
Vân Tĩnh nghe xong thì im lặng không nói, lòng nhủ thầm: “Hai người này đều là hạng mãng phu trong giang hồ, lời nói không đáng tin, đợi sau khi ta vào triều thì sẽ hỏi cho rõ ràng”. Rồi lại nhủ rằng: “Binh pháp có câu, hư chính là thực, thực là hư, dù cho hai người này nói là thực, đó cũng có thể là cạm bẫy Trương Tôn Châu bày ra, cố ý khiến cho mình tin lời y, trong đó chắc chắn có âm mưu”.
Vân Lối đang ngủ rất say, Vân Tĩnh nhìn khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé, trông hồn nhiên đáng yêu vô cùng. Nghĩ đến sau khi Vân Lối lớn lên cũng phải đến Mông Cổ, đội sương dầm tuyết thay mình báo thù, không khỏi thở dài. Nhưng trong khoảnh khắc, nỗi khổ ăn tuyết uống băng, nhịn đói chịu rét trong hai mươi năm qua lại dâng lên trong lòng, lửa hận bốc cao, thiêu cháy cả tinh thần, ông ta ngẩng đầu lên trời cao, sóng lòng dâng trào, một hồi sau thì chìm vào giấc ngủ.
Đến như tỉnh dậy thì trời vừa hửng sáng, mọi người có thể nhìn thấy rõ ràng ngọn cờ trên Nhạn Môn quan. Triều Âm hòa thượng nói: “Nơi đây là Thất Lý Bổ, cách Nhạn Môn quan còn bảy dặm nữa. Phía trước chính là trạm kiểm soát bên ngoài Nhạn Môn quan”.
Vân Tĩnh ngồi bật dậy, vạch rèm xe hỏi: “Châu tổng binh có đến không?”
Triều Âm hòa thượng nói: “Tạ sư đệ đã vào báo cáo. Bảo chốc nữa Châu tổng binh sẽ ra”.
Vân Tĩnh ngẩn người ra, đột nhiên mỉm cười, lẩm bẩm: “Ta suýt nữa bị túi gấm kia lừa. Châu tổng binh làm sao biết hôm nay ta trở về, sau khi thông báo ông ta đương nhiên sẽ ra đón ta”.
Thế rồi bảo dừng ngựa lại, đứng trước trạm kiểm soát chờ đợi. Bọn sĩ tốt trong trạm kiểm soát đứng nhìn, không hề có động tĩnh gì.
Lại nói Tạ Thiên Hoa là người chu đáo, vào trong Nhạn Môn quan thông báo trước là chủ ý của ông ta. Tạ Thiên Hoa đã gặp Châu Kiện vài lần, biết ông ta không những là đồng hương với Vân Tĩnh mà còn là một người ngay thẳng, chẳng khác gì bậc hào kiệt trong giang hồ. Lúc này, Nhạn Môn quan vẫn chẳng có điều gì khác lạ, Tạ Thiên Hoa yên tâm, thầm cười rằng: “Đàm Đài Diệt Minh cố ý bày binh bố trận, cả mình cũng suýt bị y lừa. Chỉ cần Châu tổng binh vẫn còn giữ ở Nhạn Môn quan, có ai dám động đến Vân Tĩnh?”
Vừa ngồi xuống, đã có tên lính bưng trà lên nói: “Tổng binh đại nhân sắp ra, Tạ hiệp sĩ hãy nghỉ ngơi một lát”.
Tạ Thiên Hoa uống ngụm trà, cởi áo giáp trên người xuống, đang chờ đợi chợt cảm thấy đầu óc choáng váng, thầm kêu lên: “Không xong!” Thế rồi vội vàng rút thanh kiếm ra, tên lính ấy đã bước tới giật thanh kiếm, bên ngoài có hai tiếng tu tu kêu lên, rồi hai sợi dây thừng phóng vút vào giật ngã ông ta xuống.
Tạ Thiên Hoa nội công tinh thâm, tuy đã bị ám toán, nhưng vẫn chưa hôn mê, định vùng vẫy nhưng toàn thân mất sức, vả lại đầu nặng trĩu, mở mắt không ra. Tạ Thiên Hoa âm thầm vận huyền công, chống cự với cơn buồn ngủ, trong mơ hồ hình như đã bị người ta khiêng lên, không lâu sau thì nghe có tiếng khóa cửa, hình như đã bị nhốt vào trong một căn phòng tối đen.
Trong tách trà có thuốc mê cực kỳ lợi hại, người bình thường nếm vào thì ngã ngay, Tạ Thiên Hoa đã luyện công phu Dịch cân tẩy cốt, vận khí chống lại mới có thể giữ được tỉnh táo. Không biết trải qua bao lâu, cửa phòng mở ra, một người thò đầu vào, Tạ Thiên Hoa định thần nhìn lại, đó chính là Tổng binh Nhạn Môn quan Châu Kiện.
Tạ Thiên Hoa nhảy bật dậy, quét ngang ra một chưởng chém vào sau ót của ông ta. Châu Kiện vội vàng đưa tay lên đỡ, kêu lên: “Là tôi!”
Tạ Thiên Hoa vẫn chưa hồi phục chân khí, bị ông ta gạt một cái thì lảo đảo thối lui ra sau, đầu va phải bức tường, tức giận kêu lên: “Hay lắm, biết người biết mặt mà không biết lòng, Tổng binh đại nhân, ông đã dùng thủ đoạn hạ lưu để ám toán tôi, thật là giỏi!”
Châu Kiện bước tới, đỡ lấy cánh tay ông ta hạ giọng nói: “Sự việc đã rất nguy cấp, hãy mau uống thuốc giải, tôi và ông sẽ đi cứu Vân đại nhân. Tôi đã lấy kiếm cho ông, mau lên!”
Tạ Thiên Hoa ngạc nhiên hỏi: “Cái gì? Ông, ông có ý gì?”
Trong bóng tối, chỉ thấy Châu Kiện quắc mắt, dáng vẻ rất uy nghiêm, thì thầm: “Châu Kiện này là người thế nào, ông lại không biết ư? Lúc này sự việc đã rất gấp gáp, có chuyện gì sau này hẵng nói, ông hãy mau theo tôi ra ngoài”.
Tạ Thiên Hoa nuốt viên thuốc.
Tạ Thiên Hoa vốn đã tỉnh, giờ đây nuốt được viên thuốc thì không cảm thấy buồn ngủ nữa, thế là cần lấy thanh kiếm, nhảy vọt ra ngoài cửa.
Bên ngoài Nhạn Môn quan tiếng tù và hú dài, chỉ thấy tên quân đã đánh thuốc mê Tạ Thiên Hoa bước tới, cao giọng kêu: “Châu đại nhân, ông phải suy nghĩ cho kỹ, đừng phá hỏng tương lai!”
Châu Kiện chẳng nói một lời nào, đột nhiên nhảy vọt lên, vung đao chém một nhát, tên quân ấy bị chặt làm hai khúc, thế rồi đoạt ngay hai thớt khoái mã, cùng Tạ Thiên Hoa phóng ra ngoài, quan quân bên ngoài Nhạn Môn quan không ai dám cản.
Châu Kiện uy phong lẫm lẫm, sát khí đằng đằng, vừa vung roi vỗ vào mông ngựa vừa kêu lớn: “Bọn chúng đang truy sát ở Thất Lý Bồ, chúng ta hãy đi đường tắt!”
Thế rồi giật đầu ngựa, đi vòng qua một con đường nhỏ, phía sau quân quan đang đuổi theo, nhiều người gọi to, nhưng Châu Kiện vẫn cứ mặc kệ.
Lại nói Vân Tĩnh đợi ở ngoài Thất Lý Bồ rất lâu, đang tức giận thì chợt thấy cát bụi tung bay, mười mấy thớt khoái mã phóng tới, trong chốc lát trạm kiểm soát mở ra, quan quân trong trạm gọi Vân Tĩnh bước vào. Vân Tĩnh nhìn kỹ lại, thấy chẳng có Châu Kiện, trong lòng rất không vui, nhưng vẫn điềm nhiên cầm cờ tiết bước vào bên trong.
Trong trạm đã bày sẵn chỗ ngồi, chỉ thấy mười sáu tên Ngự lâm quân chia thành hai nhóm, đứng từ bậc thang trở xuống, trong sảnh đường có hai viên khâm sai, áo mũ cân đai rất chỉnh tề, bước ra nghênh đón. Vân Tĩnh vui mừng thầm nhủ: “Té ra Thiên tử còn nhớ mình hai mươi năm qua giữ lòng trung, đã sai khâm sai ra Nhạn Môn quan đón”.
Đang định nói một lời khách sáo, viên khâm sai ở trong sảnh đường đã cao giọng quát: “Phản thần Vân Tĩnh, quỳ xuống nghe thánh chỉ!”
Vân Tĩnh kinh hoảng, tay cầm cờ tiết, run run biện bạch: “Vân mỗ đi sứ nước người, hai mươi năm qua chăn ngựa ở Mông Cổ, vẫn giữ lòng trung, tự thấy không có tội, không dám nhận chiếu thư này!”
Nói chưa dứt lời, đã bị hai tên Ngự lâm quân đến đè nghiến xuống đất. Chỉ nghe một viên khâm sai mở tờ chiếu thư ra, cao giọng đọc: “Tội thần Vân Tĩnh, trước đây được tiên đế coi là tâm phúc, sai đi sứ đến Ngõa Thích nhưng vẫn không biết báo ơn, ngược lại còn đổi mặt thành thù, quên đi đất nước. Hôm nay tự tiện trở về, mưu đồ làm nội ứng, tội không thể tha. Vốn sẽ xử theo hình điển, nhưng niệm tình y trước kia là cựu thần, nay được ban cho uống thuốc, được chết toàn thây. Khâm thử”.
Vân Tĩnh hồn siêu phách tán, chỉ thấy một tên Ngự lâm quân bưng một cái bình màu bạc, trong bình có chứa nước màu đỏ, cao giọng nói: “Tội thần Vân Tĩnh sao còn chưa tạ ơn lãnh chỉ?”
Vân Tĩnh nghe như sấm nổ bên tai, vừa kinh hoảng vừa giận dữ, đột nhiên giật lấy bình bạc ấy, quát lên: “Đem chiếu thư cho ta xem, ta không tin đó là thật!”
Viên khâm sai cười lạnh quát: “Ngươi thật lớn gan, ngươi xứng xem chiếu thư sao?”
Nói chưa dứt lời, chỉ nghe một tiếng bình vang lên, hai cánh cửa đã bị đá bật ra, một nhà sư cầm cây thiền trượng to như miệng bát, lướt vào nhanh như cơn gió cao giọng nói: “Mặc là giả hay thật, cứ đánh chết hết rồi tính tiếp!”
Mười sáu tên Ngự lâm quân xông đến cản lại, nào có thể chặn được ông ta, chỉ thấy ông ta đánh đông gạt tây, quét nam bổ bắc, trượng thế mạnh mẽ như khai sơn phá thạch, chỉ cần trúng một trượng thì không chết cũng bị thương.
Hai viên khâm sai ấy hoảng sợ đến nỗi mặt tái mét, chân run lẩy bẩy. Nhà sư ấy xông vào đến sảnh đường, tay trái vươn ra tóm lấy một viên khâm sai, nói rằng: “Vân đại nhân liều mạng trở về, các người lại xử tử ông ta, đó là lý gì?”
Chỉ nghe bốp một tiếng, cây thiền trượng đã bổ xuống đầu y, nhà sư ấy vung mạnh tay, xác viên khâm sai bay vút ra bậc thềm chết ngay tại chỗ. Viên khâm sai còn lại thì đã hốt hoảng, vội vàng kêu lên: “Phản rồi, phản rồi! Dám mạo phạm khâm sai, đáng tội gì?”
Hòa thượng ấy buông giọng cười lớn, lại vươn tay tóm lấy y, mắng rằng: “Tên khâm sai nhà ngươi đáng được mấy đồng tiền?”
Cây thiền trượng cắm xuống đất, xé toạc y ra thành hai mảnh. Bọn Ngự lâm quân tháo chạy ra ngoài, tiếng tù và rúc lên, trong trạm kiểm soát thây người phơi đầy dưới đất.
Vân Tĩnh mở to mắt, tựa như vừa trải qua một cơn ác mộng, không biết chuyện ở trước mắt là thực hay giả, đến khi định thần lại, thấy Triều Âm hòa thượng bước về phía ông ta, vội vàng kêu lên: “Đưa chiếu thư cho ta”.
Triều Âm hòa thượng cười lạnh nói: “Còn chiếu thư cái quái gì nữa, mau chạy theo tôi!”
Vân Tĩnh ngồi xếp bằng xuống đất, chậm rãi nói từng chữ như chém đi chặt sắt: “Đưa chiếu thư cho ta!”
Triều Âm hòa thượng liếc ông ta, thế rồi nhặt mảnh chiếu thư trên bàn, ném cho ông ta nói: “Được, xem mau! Xem mau!”
Triều Âm hòa thượng cũng không hiểu tại sao ông ta lại cố chấp như thế.
Vân Tĩnh mở chiếu thư, vừa nhìn thì mặt xám ngoét như xác chết, dấu ngọc tỷ và loại giấy làm chiếu thư đều là thật. Vân Tĩnh còn nhớ khi Minh Thành Tổ đoạt ngôi, đã từng giật ngọc tỷ trong tay nội giám, nội giám ấy ném ngọc tỷ ấy xuống dưới bậc cấp, mẻ mất một góc, sau đó bảo thợ khéo đắp lại, vẫn còn đường vân, nay nhìn kỹ dấu ấn đóng trên chiếu thư này cũng như thế, quyết không thể giả mạo được.
Triều Âm hòa thượng kêu lên: “Xem xong chưa?”
Vân Tĩnh nhìn trừng trừng, nghe mà cũng không cảm nhận được gì. Trong khoảnh khắc, nỗi tủi nhục hai mươi năm ở đất Hồ hiện ra trong đầu nhanh như điện chớp. Thế nhưng tất cả những nỗi khổ ải đó chẳng là gì so với nỗi đau đớn của hôm nay. Vân Tĩnh có thể chịu đựng hai mươi năm toàn là nhờ tấm lòng trung, tưởng rằng sau khi trốn thoát trở về, triều đình chắc chắn sẽ thăng quan phong tước, ca ngợi công tích, nào ngờ Hoàng đế lại đích thân hạ chiếu thư xử tử mình. Cũng như sùng bái tin tưởng một người đến cực điểm, niềm kỳ vọng rất sâu, đột nhiên phát hiện người ấy là kẻ hại chết mình, tâm trạng đau khổ tuyệt vọng ấy trên đời còn có gì đau đớn hơn?
Triều Âm hòa thượng gọi hai tiếng mà vẫn không thấy ông ta trả lời, trong lòng ngạc nhiên. Chợt thấy Vân Tĩnh chậm rãi đứng dậy, cầm cây cờ tiết đã theo ông ta hai mươi năm, dùng lực bẻ mạnh. Chỉ nghe bốp một tiếng, cây cờ tiết gãy thành hai đoạn.
Thế rồi mười năm trôi qua, lúc này là năm Chính Thống thứ mười thời nhà Minh.
Trong mười năm chuyện đời chuyện người đã thay đổi mấy phen. Dải đất một trăm dặm ngoài Nhạn Môn quan tuy vẫn có tiếng ngựa Hồ hí vang, Tổng binh Châu Kiện giữ Nhạn Môn quan ở mười năm trước đã dần dần phai nhạt trong ký ức của người ta, càng không ai biết đến câu chuyện về cái chết oan khuất của sứ thần Vân Tĩnh.
Nhưng mấy năm gần đây, bên ngoài Nhạn Môn quan lại có một toán lục lâm làm loạn. Toán lục lâm này rất đặc biệt, địa bàn của bọn chúng là dãi đất rộng một trăm dặm vắng bóng người, chúng vừa chống lại giặc Hồ, vừa chống lại nhà Minh, nhân số tuy không nhiều nhưng dần dần trở thành lực lượng đáng gờm của Minh triều và Ngõa Thích, Minh triều và Ngõa Thích đều không dám tấn công truy quét. Tác phong của bọn chúng cũng rất đặc biệt, không hề kiếm sống bằng cách cướp đoạt khách lữ hành, mà là khai khẩn trồng trọt ở vùng đất này. Có lúc bọn chúng cũng xuống núi cướp giật, nhưng chỉ cướp toàn của cải bất nghĩa của bọn tham quan ô lại. Bọn lục lâm này lấy Nhật Nguyệt song kỳ làm ký hiệu, kẻ đầu lĩnh của đảng cướp nghe nói là một ông già đầu báo mắt hổ, nhưng người bên ngoài không biết đến tên ông ta. Khi ông ta chống cự quan quân, mỗi lần đều đeo mặt nạ, chỉ vì ông ta sử dụng một cây kim đao, cho nên trong sổ sách của quân quan đều gọi ông ta là “Kim Đao lão tặc”. Kim Đao lão tặc còn có một điểm rất kỳ lạ, ông ta tuy coi quân quan là kẻ địch nhưng chưa bao giờ cướp đoạt quân hưởng của Nhạn Môn quan, mỗi lần đánh nhau với quan quân, dù thắng cũng không truy sát.
Mùa xuân năm nay, binh bộ lại phái quan quân áp tải một số quân hưởng, quân quan áp tải tên là Phương Khánh, xuất thân là một võ cử, học nghề cung nỏ gia truyền, võ nghệ tinh thông, là kẻ rất tự phụ tự xưng là Thần Tiễn Phương Khánh. Quân hưởng lần này là bốn mươi vạn lượng bạc, bỏ vào các ngân tiêu, mỗi ngân tiêu chứa năm trăm lượng bạc, tất cả được chất đầy lên lưng của một trăm thớt lạc đà khỏe. Ngoài ra còn có mười thớt la khỏe chở hàng riêng cho Tổng binh hiện nay của Nhạn Môn quan là Đinh Đại Khả. Quân đinh áp tải chỉ có một trăm người, đó cũng chính là nguyên nhân bao nhiêu năm qua chưa từng lỡ việc.
Tháng ba mùa xuân, cỏ non mơn mởn, chim hót líu lo, bên ngoài Nhạn Môn quan tuyết vẫn chưa tan, gió xuân lạnh cắt da, nhưng tuy như thế, quan quân vẫn lặn lội bước đi. Lúc này đã đến sau giờ ngọ, mặt trời vẫn còn ở trên cao, Phương Khánh ngồi trên lưng ngựa vung roi nói: “Trưa ngày mai có thể đến Nhạn Môn quan. Lần này chúng ta chỉ có một trăm tinh kị, áp tải lương hưởng, băng sông vượt núi, may mà không xảy ra chuyện gì, quả thật đáng mừng!”
Hai viên phó quan đi cùng tranh nhau nịnh bợ: “Phương đại nhân thần tiễn thần oai, trong thiên hạ ai mà không biết? Trên đường dù gặp vài tên mao tặc, nghe nói có đại nhân áp tải cũng không dám mở mắt nhìn thẳng!”
Phương Khánh cười ha hả nói: “Quá khen, quá khen!”
Bọn lính nghe xong thì đều cười thầm. Bên vệ đường có một quán rượu, đó là nơi khách thương và khách lữ hành nghỉ ngơi uống rượu. Phương Khánh vui mừng nói: “Lần này bình yên vô sự, cũng chẳng phải nhờ một mình ta, mọi người đều có công lao. Đã sắp tới Nhạn Môn quan, không cần gấp gáp lên đường nữa, mọi người cứ nghỉ ngơi ở bên đường. Ta mời hai phó quan uống chén rượu”. Thế rồi nhảy xuống ngựa, bước vào trong quán, hai phó quan cũng bước theo. Phương Khánh uống xong mấy chén rượu, càng hứng khởi hơn, cứ thao thao bất tuyệt nói về võ công của mình, kể rằng ngày trước y làm bộ đầu ở phủ Đông Bình, đã nhờ vào một cây thần cung thì đã thu phục được một đám đạo tặc. Phương Khánh hứng chí khoe khoang võ nghệ của mình, hai phó quan cũng thừa dịp nịnh bợ, một người nói: “Đáng tiếc đại nhân đang có việc, nếu đại nhân tham dự buổi tỉ võ khai khoa năm nay chắc chắn ngài sẽ giành được chức Võ trạng nguyên”.
Một tên lại nói: “Hôm nay trời quang mây tạnh, bỉ chức xin đại nhân biểu diễn thần kỹ bắn tên để cho chúng tôi mở rộng tầm mắt”.
Phương Khánh uống xong một chén rượu, cười ha hả rồi lấy cây thiết đài cung trên lưng xuống, nói rằng: “Tất cả đi theo ta!” Thế rồi bước ra khỏi quán rượu, lắp hai cây tên vào nói: “Nhìn cho rõ đây!”
Vút một tiếng, mũi tên đầu tiên đã bay lên, khi chưa rơi xuống thì mũi tên thứ hai đã phóng theo, hai mũi tên chạm vào nhau trên không trung, bật ra hai bên cùng rơi xuống đất. Hai tên phó quan đương nhiên lớn giọng hoan hô, bọn lính nghe thế thì cũng thầm nói: “Quả nhiên là có thực tài, không phải huênh hoang khoác lác”.
Trong tiếng hoan hô, chợt nghe có tiếng vó ngựa lọc cọc, thì ra trên đường có một thớt ngựa chạy đến, người trên ngựa cũng cao giọng khen rằng: “Tên hay, tên hay!”
Phương Khánh vừa nhìn thì thấy có một người ra dáng tú tài, đầu đội khăn xanh, tướng mạo rất nho nhã, nhưng trên lưng lại đeo một cây hăc cung, có điều thớt ngựa rất ốm yếu, cây cung cũng nhỏ hơn cây thiết đài cung bình thường rất nhiều, trông kém rất xa cây cung lớn của mình. Phương Khánh thầm cười rằng: “Gã học trò này có lẽ sợ trên đường gặp chuyện cho nên mang theo cây cung này cho yên dạ. Thật ra ngươi mang theo cây cung nhỏ bé như thế này cũng vô ích. Nếu gặp phải bọn cường đạo, vừa nhìn thì đã biết ngươi là một tên học trò yếu ớt”.
Người ra dáng tú tài ấy buộc ngựa vào gốc cây bên đường, cũng bước vào trong quán rượu. Phương Khánh đoán y cũng là người có chút công danh, thế rồi mới cung tay làm lễ, hỏi rằng: “Huynh đài quý tính là gì, tại sao đi một mình như thế này, không sợ đạo tặc hay sao?”
Tú tài ấy nói: “Tiểu đệ họ Mạnh, đơn danh là Cơ, ở quê nhà dạy học kiếm cơm, ra quan ngoại tìm người bà con là Đinh tổng binh, kiếm công việc nhỏ bé độ nhật”.
Phương Khánh nghĩ bụng: “Té ra là một tú tài nghèo đi tìm việc”. Thế nhưng miệng thì nói: “Hay lắm, quý thân Đinh tổng binh chính là thân gia của Binh bộ thượng thư chúng tôi, lần này tôi áp tải quân hưởng, cũng mang theo một ít đồ cho Đinh tổng binh”.
Mạnh Cơ nói: “Lần này quả thật tôi đã qua đường gặp quý nhân. Tôi nghe nói ở vùng này có một đám cướp, đang lo sợ trong lòng, tôi, tôi…” Phương Khánh đã hiểu ý, có lẽ cũng đã có mấy phần tửu ý, thế rồi vỗ ngực lớn giọng nói: “Huynh đài đã gặp tôi thì không cần sợ nữa. Tôi nhờ vào cây thần cung này, từ xa đến đây, bọn mao tặc nghe tiếng đều tránh xa, huynh đài đến thăm người thân ở Nhạn Môn quan, vậy hãy nhập bọn với chúng tôi!”
Tú tài ấy nghe xong lộ vẻ vui mừng, miệng không ngớt cảm tạ, mắt cứ mở to nhìn cây thiết cung của Phương Khánh. Phương Khánh cười ha hả nói: “Cây cung này được chế tạo rất đặc biệt, nếu hai tay không có khí lực năm trăm cân thì đừng hòng kéo dây cung!”
Mạnh Cơ khen không ngớt: “Bội phục! Bội phục!”
Phương Khánh nổi hứng, lại kéo Mạnh Cơ uống vài chén rượu lớn, bước ra khỏi quán, rồi lại cùng nhau lên đường, gió lạnh thổi tới, men rượu càng nồng hơn. Đi được một đoạn, mọi người đã đến một nơi gọi là cửa núi Tây Lưu rất hiểm trở, đứng bên dưới có thể nghe tiếng vượn hú chim kêu trên núi, Mạnh Cơ nói: “Nơi này địa thế hiểm trở, chỉ e cường địch xuất hiện”.
Phương Khánh cười rằng: “Bọn cường đạo mà xuất hiện thì coi như đã tự tìm đường chết!”
Mạnh Cơ chợt lấy cung xuống, mặt có sắc lạ.
Phương Khánh cười rằng: “Huynh đài e sợ ư?”
Mạnh Cơ cười rằng: “Tại hạ quả thực cũng lo lắng, bất giác đã lấy ra cung, chuẩn bị phòng thân. Hành động này khiến đại nhân đã cười”.
Phương Khánh quả nhiên cười ha hả, nói: “Huynh đài đã quên rằng đi cùng bọn tôi. Ha ha, nếu quả thật có cường đạo, cây cung này của huynh đài có thể làm được gì?” Thế rồi mới chìa tay ra nói: “Cho tôi xem món đồ chơi này!”
Mạnh Cơ mỉm cười nói: “Khiến đại nhân đã chê cười”. Thế rồi không từ chối, trao cây cung cho Phương Khánh.
Phương Khánh nhận lấy cây cung đen kịt ấy chỉ cảm thấy rất nặng nề, bất đồ thất kinh lẩm bẩm: “Làm bằng cái gì thế này?” Rồi dùng lực kéo mạnh mà dây cung vẫn không nhúc nhích. Phương Khánh đã quen kéo cây cung, hai tay có thể nâng được cả năm trăm cân, nhưng lần này chẳng kéo được dây cung thì đỏ mặt, vừa kinh ngạc vừa hổ thẹn, tửu ý đã giảm mấy phần, lẩm bẩm nói: “Huynh đài, huynh đài…”.
Mạnh Cơ thuận tay lấy cây hắc cung lại cười rằng: “Đại nhân đã uống nhiều rượu cho nên không đủ sức kéo ra. Tiểu đệ lớn gan cũng mong đại nhân cho mượn xem cây cung quý?”
Phương Khánh rất kinh ngạc, đưa cây thiết cung cho tú tài nghèo ấy. Tú tài nghèo tay trái đỡ cây cung, tay phải ôm cây cung vào lòng, chỉ kéo một cái thì dây cung đã căng ra, miệng khen rằng: “Quả nhiên cung tốt!” Thế rồi cổ tay trầm xuống, chỉ nghe phực một tiếng, dây cung đã đứt.
Phương Khánh lúc này đã tỉnh hẳn, quát lớn: “Ngươi là ai?”
Thư sinh ấy ném cây cung xuống đất, ngửa mặt cười lớn, đột nhiên buông cương, thớt ngựa ốm yếu ấy phóng rất nhanh, bụi bốc mù ở sau lưng. Phương Khánh kêu lớn: “Bắn tên!”
Nhưng nào kịp nữa, đột nhiên chỉ nghe tiếng tiêu vang lên, bọn cường đạo đã xuất hiện trên trảng cỏ nơi sườn núi. Mạnh Cơ quay đầu ngựa lại, cười lớn rằng: “Thần cung diệu kỹ chẳng qua chỉ có thế! Bọn ta là kẻ cường đạo sẽ cướp ngân lượng của ngươi, ngươi có muốn đối chọi với ta không?”
Phương Khánh tuy đã lấy cây thiết cung lên, nhưng dây cung đã đứt, làm sao có thể chống địch được nữa, chỉ nghe trong tiếng cười có tiếng dây cung bật lên, Mạnh Cơ kêu lớn: “Cho các ngươi biết lợi hại!”
Cung căng như trăng rằm, tên bay tựa sao xẹt, sau một tiếng vút, một phó tướng đi đầu kêu thảm, đã bị mũi tên xuyên qua cổ họng ngã xuống ngựa chết ngay tại chỗ. Mạnh Cơ lại hú dài một tiếng, dây cung lại bật ra, viên phó tướng thứ hai cũng bị mũi tên xuyên từ trước ngực ra đến sau lưng, bọn lính đều hoảng hồn, gọi nhau quay đầu ngựa bỏ chạy. Chỉ nghe Phương Khánh lại nói: “Ngươi cũng nếm một mũi!”
Phương Khánh giơ cây cung đã đứt dây gạt mạnh qua, chỉ nghe xẹt một tiếng, cây cung và mũi tên chạm nhau phát ra tia lửa, nói thì chậm nhưng sự việc diễn ra rất nhanh, mũi tên thứ hai lại phóng ra nhanh như điện xẹt, Phương Khánh lộn người từ trên ngựa nhảy xuống, mũi tên lướt qua đỉnh đầu y chỉ cách ba tấc, chỉ thấy đầu mát rười rượi, Phương Khánh kêu lớn: “Lần này chắc chết!”
Chẳng thấy mũi tên thứ ba bắn tới, chỉ nghe Mạnh Cơ cười lớn rằng: “Ngươi có thể tránh được hai mũi tên cũng coi như là hảo hán, tha cho ngươi một mạng!” Thế rồi ở phía trước có đá lăn xuống chặn lại, một đám người xông ra. Phương Khánh lăn người xuống sườn núi, chỉ nghe tên bắn vun vút, nhưng không có mũi nào cắm vào người y.
Phương Khánh lăn xuống sơn cốc, nằm phục trong đống cỏ bên bờ suối, bên trên ngựa hí người la khoảng nửa canh giờ thì mới nghe tiếng vó ngựa lọc cọc rời khỏi con đường ấy.
Phương Khánh thò đầu ngó lên, chỉ thấy trăng đã mọc, xung quanh chẳng có bóng người, tiếng côn trùng kêu rả rích, đêm lạnh ghê người. Phương Khánh bò lên trên, dưới ánh trăng lạnh lẽo, chỉ thấy thi thể của hai viên phó quan nằm vắt ngang bên đường, những người khác đều bỏ trốn cả. Phương Khánh kinh hoảng nghĩ bụng: “Binh lính mình dắt theo có lẽ bị bọn chúng bắt cả!” Đưa mắt nhìn ra xa, bọn cường đạo đã bỏ đi mất, chẳng nhìn thấy gì cả.
Phương Khánh hơi định thần lại, nỗi lo lắng lại dâng lên, mất bốn mươi vạn lượng quân hưởng, đây không phải chuyện nhỏ, ít nhất cũng chịu tội lăng trì. Phương Khánh đang vò đầu bứt tai, muốn khóc nhưng nước mắt không chảy ra, lòng nhủ thầm: “Biết thế cứ để cho bọn cường đạo bắn chết cho rồi!”
Rồi y ngồi thừ bên vệ đường, nhìn vầng trăng dần dần lên cao, suy đi nghĩ lại quả thật khó thoát khỏi cái chết, thế rồi thở dài lấy ra một sợi dây thừng, thắt một cái thòng lọng lên cổ, treo lên gốc cây toan tự tận.
Y vừa đu lên, sợi dây siết chặt lại, Phương Khánh đã thấy ngạt thở, đầu đau nhói, lòng nhủ rằng: “Nếu biết tự thắt cổ khổ sở thế này, chi bằng nhảy xuống sông thì tốt hơn”. Thật ra lúc này phía bắc trời rét, nhảy xuống nước tự sát cũng khổ sở y như thế.
Phương Khánh vốn buộc phải tự sát chứ trong lòng thì chẳng muốn thế. Dây thừng lại thắt chặt hơn, máu chảy gấp nên càng khổ sở hơn, lúc này muốn kêu cũng không ra tiếng, xem ra đã sắp đứt hơi. Đột nhiên thấy người nhẹ hẫng, tựa như có người ôm mình chậm rãi đặt xuống. Phương Khánh thở nhẹ, một hồi thì mở mắt thấy một thiếu niên mặc áo vải đứng bên cạnh, chỉ nhìn mình mỉm cười. Phương Khánh thở dài nói: “Tại sao ngươi cứu ta?”
Thiếu niên ấy bảo: “Có lý nào thấy chết mà không cứu?”
Phương Khánh đã được cứu sống, đột nhiên lại nghĩ đến tội bị lăn trì, lại có ý muốn chết, thế rồi mới nói: “Ta đã muốn chết, ngươi có muốn cứu cũng chẳng được”.
Thiếu niên ấy nói: “Cớ gì ông lại tự sát? Nói ta nghe thử”. Thế rồi hai tay giữ chặt, Phương Khánh chẳng thể vùng vẫy được chỉ kêu lên: “Ngươi đừng hỏi nữa, có nói cũng vô dụng”.
Thiếu niên ấy đột nhiên buông tay nói: “Xem bộ dạng của ông tựa như là một quân quan của triều đình. Ồ, tôi biết rồi, ông chắc chắn đã áp giải lương tưởng, bị đạo tặc cướp mất cho nên mới tìm đường chết!”
Phương Khánh nhảy bật lên nói: “Sao ngươi biết?”
Thiếu niên ấy bảo: “Mỗi năm các người đều áp tải quân hưởng qua đây hai lần, lần nào cũng rầm rộ, ai mà không biết!”
Phương Khánh cười khổ sở nói: “Ngươi đã biết thì không nên cản ta”.
Thiếu niên ấy không thèm để ý đến y, chỉ tự nói với mình rằng: “Các người tuy làm cho gà bay chó chạy, nhưng rốt cuộc là áp tải quân hưởng cho binh giữ biên quan, nếu không có binh giữ, bọn Thát Tử có lẽ đã xâm nhập vào cho nên chi bằng đừng tìm cái chết thì tốt hơn!”
Phương Khánh ngạc nhiên, lật tay chụp lại nhưng lại hụt, thiếu niên ấy nói: “Ông làm gì thế?”
Phương Khánh quát: “Ngươi là ai? Tại sao biết quân hưởng bị cướp?”
Thiếu niên ấy nói: “Tôi là dân ở vùng này, đêm qua thấy có một nhóm cường đạo dắt theo rất nhiều lừa, lại còn có một đám quan binh bị trói đi ngang qua trước nhà tôi, tôi chẳng phải là kẻ ngốc, thấy thế mà vẫn không đoán được ư?”
Phương Khánh nói: “Ngươi có biết sào huyệt của bọn chúng ở đâu không?”
Thiếu niên ấy nói: “Tôi chẳng phải cường đạo, làm sao biết?”
Phương Khánh khựng lại, nhủ thầm: “Dù mình có biết sào huyệt của bọn chúng cũng vô ích”. Thế rồi lại nghĩ đến cái chết, thiếu niên ấy nhìn Phương Khánh rồi đột nhiên nói: “Nếu có thể tìm được ngân lượng, ông sẽ không chết nữa đúng không? Tìm ngân lượng dễ hơn tìm cái chết, sao ông không đi tìm ngân lượng?”
Phương Khánh giật mình, chợt tỉnh ra, lòng nhủ rằng: “Mình có sức mạnh hơn người, thế mà lúc nãy y chỉ nắm nhẹ mà đã không động đậy được, thiếu niên này chắc chắn chẳng phải người thường!”
Sau sự cố đêm qua, Phương Khánh chẳng còn nghênh ngang nữa, biết ngoài trời có trời, thế rồi mới nói: “Phương Khánh này tự thẹn nghề không bằng người, thực sự chẳng đấu lại kẻ cường đạo, mong hiệp sĩ giúp một tay”.
Thiếu niên ấy cười lớn nói: “Tôi đâu có phải hiệp sĩ gì, tôi chỉ là một sơn dân bình thường. Nếu hàng xóm nghe những lời này, e rằng họ sẽ cười đến vỡ bụng mất!”
Phương Khánh lại thất vọng, đang định nài nỉ, chỉ nghe thiếu niên ấy lại nói: “Trông bộ dạng ông đáng thương như thế, thôi được, tôi sẽ chỉ cho ông một con đường sáng”.
Phương Khánh cả mừng nói: “Mong huynh đài chỉ giáo”.
Thiếu niên ấy nói: “Tôi tuy không thể cứu ông, nhưng cách nơi này không xa có một vị kỳ nhân, nếu ông cầu xin được người đó, chắc chắn có thể lấy được quân hưởng”.
Phương Khánh nói: “Vị kỳ nhân ấy là ai? Ở nơi nào? Mong huynh đài chỉ điểm”.
Thiếu niên bảo: “Vị kỳ nhân này tính tình rất kỳ quặc, nếu huynh đài muốn hỏi họ tên ông ta, mạng sẽ khó giữ”.
Phương Khánh giật thót mình, nói: “Đã như thế, tôi sẽ không dò hỏi nữa. Phiền huynh đài dẫn đường”.
Thiếu niên tiếp tục nói: “Đâu có dễ dàng như thế!”
Phương Khánh nói: “Vậy phải làm thế nào?”
Thiếu niên ấy mỉm cười, đột nhiên cầm sợi dây thừng lúc nãy nói: “Ông phải tự sát một lần nữa!”
Phương Khánh thất kinh nói: “Cái gì?”
Thiếu niên ấy bảo: “Sáng sớm ngày mai, ông từ đây đi thẳng về hướng Tây nam khoảng bảy tám dặm thì sẽ thấy một vùng rừng đào, nơi này gọi là Hồ Điệp cốc. Phía sau rừng đào có một căn nhà nhỏ, vị kỳ nhân ấy sống ở trong căn nhà này. Ông không được vào, ở nơi cách rừng đào khoảng một trăm bước có một tảng đá lớn, tảng đá có màu đỏ ửng. Trước khi mặt trời lên, ông phải ẩn mình trong vết nứt giữa tảng đá. Nếu thấy người thì không được bước ra, đến khi mặt trời vừa chiếu vào khe nứt ấy ông mới bước ra, rồi chọn một cây đào, treo cổ lên giống như lúc nãy, vị kỳ nhân ấy sẽ ra cứu ông. Khi treo cổ, ông không được giả vờ phải thắt nút chết cho thòng lọng, nói tóm lại là giống y như lúc nãy, hãy nhớ kỹ lấy! Khi vị kỳ nhân hỏi ông, ông ngàn vạn lần đừng bảo có người chỉ điểm.
Phương Khánh nghe xong thì lòng đầy hoài nghi, thiếu niên ấy cười rằng: “Ông có thể nhặt được mạng về hay không là xem sự may mắn của ông. Ông hãy ngủ một lát, tôi phải đi đây”.
Phương Khánh kêu lên: “Huynh đài chậm bước!” nhưng nào kéo được y, chỉ trong chớp mắt thiếu niên ấy đã biến mất.
Phương Khánh nghĩ bụng: “Dù sao cũng chết, dẫu cho lời nói của thiếu niên ấy có kỳ quái đến đâu cũng phải thử một lần”.
Trong lòng lo lắng ngổn ngang, Phương Khánh nào dám ngủ, chỉ chợp mắt một lát thì trăng đã xuống núi, y lại lật đật lên đường. Mò mẫm đi vào sơn cốc, dưới ánh sao le lói khoảng một hai dặm nữa, ở đằng chân trời đã xuất hiện màu trắng, mùi thơm xộc vào mũi, tinh thần sảng khoái, phía trước mặt quả nhiên có một mảnh rừng đào, trong đó có rất nhiều cây hoa lạ, nào trắng nào đỏ tựa như ráng mây. Ở trước rừng đào quả nhiên có một tảng đá, tảng đá màu đỏ như sắc máu, cao khoảng ba người chồng lên nhau. Ở giữa tảng đá có một vết nứt rất lớn, vừa vặn có thể nép người vào, Phương Khánh liền nấp vào bên trong, trong lòng lo lắng, căng mắt nhìn ra chờ đợi.
Chờ một hồi chẳng thấy động tĩnh gì. Lại một lúc nữa, Phương Khánh nhìn ra, thấy có tia nắng mặt trời, trong chốc lát ở đằng đông sắc trời dần chuyển sang màu đỏ, vầng mặt trời đỏ như máu nhô ra khỏi sương mù, ánh nắng dịu dàng rải xuống muôn nơi, trông đẹp đẽ vô cùng! Nhưng không biết từ đâu có rất nhiều bươm bướm đủ các màu sắc vờn quanh trên những khóm hoa, Phương Khánh tuy là một võ phu nhưng cũng ngây người trước cảnh đẹp ấy.
Lại thêm một lúc nữa, mặt trời đã rọi xuống rừng đào, chợt trong biển hoa trước mặt lại có một thiếu nữ mặc đồ màu trắng, trông nhẹ nhàng như thiên tiên, thiếu nữ ấy hướng về mặt trời, gập eo duỗi tay làm vài động tác, đột nhiên chạy vòng qua rừng đào. Thiếu nữ càng chạy càng nhanh, Phương Khánh nhìn một lát thì hoa cả mắt, y đang đứng trong kẽ đá nhưng người cũng tựa như xoay chuyển theo nàng. Phương Khánh đang cảm thấy đầu váng mắt hoa, thiếu nữ ấy đột nhiên dừng lại, rồi nàng phóng vút người lên một cành cây, chuyền từ cành này sang cành khác như chim bay. Thiếu nữ luồn qua lách lại trên những cành cây nhưng không hề có đóa hoa nào rơi xuống! Phương Khánh nhìn thế thì thầm nhủ: “Chả lẽ kỳ nhân mà thiếu niên kia nói là thiếu nữ này?”
Khi nhìn lại thì thiếu nữ lại từ trên cây nhảy xuống, rồi nàng vung tay áo quét nhẹ, một lúc sau chỉ thấy cành cây lung lay, tựa như có gió xuân thổi tới, hoa đào rơi xuống lả tả. Thiếu nữ ấy cất tiếng cười, hai tay áo phất lên, hoa đào rơi xuống dưới đất cuộn vào trong tay áo. Rồi nàng dựa vào cành đào, miệng nhoẻn cười trông rất xinh xắn!
Phương Khánh nhìn thấy thế thì ngẩn người ra thầm nhủ: “Trên đời sao lại có một thiếu nữ xinh đẹp đến thế, hoa đào cũng chẳng bằng nàng”.
Một hồi sau, một bầy bươm bướm lại bay tới, lượn lờ tung tăng giữa rừng hoa. Thiếu nữ đột nhiên vung hai ống tay áo lên, vô số hoa đào từ trong tay áo bay ra, bầy bươm bướm rơi lả tả xuống. Phương Khánh kinh ngạc, dùng hoa đào làm ám khí, đó quả là chuyện chưa bao giờ nghe! Nhưng y lại tiếc thương cho bầy bươm bướm dễ thương ấy, lòng thầm nhủ: “Lẽ ra phải bắt bướm giữa hoa, ai ngờ lại giết bướm!”
Trong chớp mắt, bầy bươm bướm rơi xuống đất lại cất cánh bay lên, chỉ nghe thiếu nữ ấy cười rằng: “Bướm ơi, đã làm bọn ngươi sợ, ta không trêu bọn ngươi nữa!” Thế rồi nàng chậm rãi bước vào căn nhà ở phía sau rừng đào.
Phương Khánh thở phào, đột nhiên thấy trước mặt chói chang, thì ra ánh nắng đã len vào khe đá. Phương Khánh bất giác thầm nhủ: “Thiếu niên ấy quả thực tính toán rất chính xác, thiếu nữ vừa vào thì ánh nắng đã len vào khe đá!”
Lúc này Phương Khánh đều mong tìm sự sống nhưng trong lòng cũng có mấy phần hiếu kỳ, y vội vàng bước ra khỏi khe đá, lấy sợi dây thừng tròng vào trong cổ mình rồi treo người lên cành cây. Sợi dây dần dần thắt chặt, hơi thở đã khó khăn, hai mắt trợn ngược lên nhưng lại không thấy thiếu nữ ấy ra cứu. Phương Khánh toan kêu cứu nhưng kêu không ra tiếng, sợi dây càng thắt chặt hơn, chỉ cảm thấy mắt nổi đom đóm, trời xoay đất chuyển, trong rừng đào tựa như không hề có bóng người. Phương Khánh hối hận thầm nhủ: “Chả lẽ thiếu niên ấy cố ý bỡn cợt mình, làm cho mình chịu thêm một lần khổ!”
Đang lúc khổ sợ, hai chân đạp bừa khiến cho hoa trên cây rơi xuống lả tả.
Hễ y càng vùng vẫy, sợi dây thắt càng chặt, Phương Khánh chỉ thấy trước mắt tối sầm, thần trí đã dần dần mơ hồ. Đột nhiên y chợt cảm thấy người mình nhẹ hẫng, hình như có người đã dùng kéo cắt dây thừng cho mình, hơi thở lập tức thông suốt, Phương Khánh há miệng nhưng nói không ra lời. Té ra là đã bị sợi dây thắt quá chặt.
Một lúc sau, y dần dần hồi sức, mở mắt ra chỉ thấy trước mặt là thiếu nữ lúc nãy. Phương Khánh định lên tiếng, thiếu nữ ấy đã lạnh lùng nhìn y hỏi: “Vì sao ngươi lại tìm cái chết?”
Phương Khánh quỳ xuống đất, bảo rằng đã bị cướp mất bốn mươi vạn lượng quân hưởng, nếu bị xử theo quân pháp thì chắc chắn sẽ chịu tội lăn trì. Thiếu nữ ấy nhíu mày, đột nhiên phất tay áo nói: “Ta mặc kệ!”
Phương Khánh hoảng lên, vội kéo góc váy nàng, nhưng nào được, Phương Khánh bật khóc rằng: “Tôi trên còn có mẹ già, dưới còn có côi nhi. Nếu cô nương không thèm ngó tới thì trên đời này lại có thêm ba oan hồn!”
Thiếu nữ ấy chậm rãi quay đầu hỏi: “Có thật không?”
Phương Khánh nói: “Nếu có nửa câu là giả dối, tôi sẽ chịu treo cổ lần nữa!”
Thiếu nữ ấy lẩm bẩm: “Dù sao ta cũng phải tìm bọn chúng, cũng được, ta sẽ giúp ông lần này”.
Phương Khánh cả mừng lạy tạ, thiếu nữ ấy bực bội nói: “Ta chẳng phải người chết, ông bái ta làm gì, có muốn chịu cái khổ treo cổ lần nữa không? Hừ, ai đã chỉ ông đến đây tìm tôi?”
Phương Khánh nói: “Không có, không có!”
Thiếu nữ ấy nói: “Ông đã treo cổ mấy lần?”
Phương Khánh bảo: “Chỉ một lần này”.
Thiếu nữ ấy trầm ngâm một hồi rồi đột nhiên cười: “Thực ra ông đã treo cổ mấy lần ta mặc kệ. Ta đã bảo cứu ông thì dù có người đến chỉ ta cũng cứu ông đến cùng! Treo cổ chẳng phải trò vui, lần sau đứng thử nữa”. Thế rồi mỉm cười, Phương Khánh nhìn thiếu nữ ấy, chẳng qua chỉ khoảng mười sáu mười bảy tuổi, khi nói chuyện còn lộ vẻ trẻ con, bất giác thầm lo lắng, chỉ e một mình nàng ta chẳng đấu lại bọn cường đạo.
Thiếu nữ lại bảo: “Được, ông hãy theo tôi!”
Phương Khánh theo nàng bước vào trong căn nhà nhỏ, thiếu nữ lại nói: “Chắc ông đã đói, hãy nướng một ít thịt hổ ăn trước!”
Phương Khánh đưa mắt nhìn, chỉ thấy ở góc nhà có một con hổ đang nằm phục dưới đất. Phương Khánh thất kinh, thiếu nữ cười rằng: “Đây chỉ là hổ chết, ông sợ cái gì? Ông có biết lột da hổ không?”
Phương Khánh nói: “Đã từng thấy thợ săn làm qua”.
Thiếu nữ ấy bảo: “Tốt, ông hãy lột cho ta. Lúc nãy ta đã thấy lực đạp cành đào của ông, con hổ này nặng hơn ba trăm cân, ông có thể lột da nó được”.
Phương Khánh lại thất kinh, thiếu nữ đánh hổ đã là chuyện kỳ lạ, nhưng lại vừa nhìn có thể thấy được khí lực của mình, nàng là một đại hành gia tinh thông võ công.
Ăn xong thịt hổ nướng thì đã đến trưa, thiếu nữ lấy ra một thanh kiếm trên vách tường: “Ông hãy theo ta, chúng ta đi tìm bọn cường đạo lấy lại bốn mươi vạn lượng bạc ấy”.
Từ trong sơn cốc bò lên, bước vào trong rừng sâu, đi được một canh giờ chỉ thấy có hai ngọn núi nhô cao, vách núi dựng đứng, bên dưới vách núi có một thạch động, trước thạch động là một bãi đất bằng, thiếu nữ nói: “Đây chính là nơi bọn chúng cất giữ của báu”.
Toan bước tới thỉ chợt nghe có tiếng quát: “Đứng lại!”
Từ trong bụi cỏ có hai hán tử phóng ra, hai người cầm hai cây côn giáng từ trên đầu xuống nhanh như chớp!”
Thiếu nữ xoay người, tránh được hai cây côn rồi nàng phất ống tay áo, hai đại hán ấy lao tới quá mạnh, không kịp thu đà, đã ngả xuống đất chổng vó lên trời. Thiếu nữ cười lạnh rồi chạy về phía trước.
Trước thạch động, vô số loạn thạch lô nhô trông rất kỳ quái, thiếu nữ không ngừng bước, xông vào trong thạch trận ấy, chợt nghe có tiếng quát: “Chặn lại!”
Từ trong đám loạn thạch đao thương cùng phóng ra, đao thì đâm vào trước ngực, thương thì quét vào chân, thiếu nữ phóng vọt người lên, phất ống tay áo xuống, cười lạnh một tiếng nói: “Làm sao chặn lại được!”
Hai hán tử múa đao lộng thương nhảy ra, tuy không đánh trúng đối thủ nhưng lập tức thu đà lại, không ngã sóng soài như hai người lúc nãy. Phương Khánh khiếp đảm không dám tiến tới, chỉ thấy thiếu nữ ấy vẫy tay: “Đến đây! Ông là chủ của ngân lượng, ông không tới bọn chúng trả cho ai?”
Phương Khánh lấy lại dũng khí, bước vào trong thạch trận, chỉ thấy thiếu nữ ấy đang quần nhau với bốn hán tử, bốn hán tử này mỗi người đứng ở một phương, vây thiếu nữ ở giữa, hai người cầm côn, một người cầm đao một người cầm thươn tấn công rất mạnh mẽ. Thiếu nữ vẫn chưa rút kiếm ứng chiến, chỉ thấy nàng luồn qua lách lại giữa đao thương và côn bạt, tựa như bươm bướm xuyên hoa, chuồn chuồn giỡn nước, áo quần phất phới trông rất đẹp mắt! Phương Khánh tinh thông võ công, nhưng nhìn một hồi cũng cảm thấy quay cuồng, vội vàng đưa mắt đi nơi khác mới dám nhìn lại.
Thân pháp của thiếu nữ ấy nhanh nhẹn lạ thường, đao thương côn bản đánh xuống như mưa, nhưng chẳng chạm vào được góc váy nàng! Đánh một hồi, thiếu nữ ấy quát lớn một tiếng, đột nhiên vỗ một chưởng về phía đại hán tay cầm côn bảng. Ở phía bên trái, đại hán bên phải cầm đao chém tới, đại hán bên cạnh cầm thương cũng đâm tới một thương, đại hán cầm côn bảng chỉ cảm thấy gió nhẹ lướt qua, chưởng của nàng đã vỗ đến đỉnh đầu, trong lúc kinh hoảng chỉ đành lăn xuống đất, trong khoảnh khắc đao thương lại đâm tới, thiếu nữ ấy phất chưởng tâm ra ngoài, trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc, nàng bay lướt qua kẽ hở giữa đao và thương. Đại hán sử dụng côn tuy tránh nhanh nhưng cũng bị trúng một chưởng ở vai, lăn ra cách đó mấy trượng mới ngừng lại được, y vừa kinh vừa giận, đứng bật dậy may mà vẫn chưa bị thương.
Lúc này bốn hán tử đều đã nản lòng, thiếu nữ chỉ đông đánh tây, chỉ nam đánh bắc, nhẹ nhàng tự nhiên như nước chảy. Phương Khánh đầu óc quay mòng mòng, lại vội vàng nhìn sang nơi khác, chốc chốc lại liếc mắt sang, chỉ thấy ở trước cửa động có một người giơ cung toan phóng tên ra, người ấy chẳng ai khác chính là Mạnh Cơ, kẻ đã giả mạo tú tài đêm qua. Phương Khánh thất kinh, vội vàng kêu lên: “Có người ám toán, hãy cẩn thận!”
Có tiếng dây cung bật lên, Mạnh Cơ đã bắn ra một mũi tên!
Thiếu nữ áo trắng tựa nư không hề để ý, nàng chỉ đoán nhẹ thì mũi tên ấy đã nằm trong tay. Tiếng dây cung lại bật lên, mũi tên thứ hai của Mạnh Cơ đã phóng vút tới như điện chớp, Phương Khánh là một tay bắn tên giỏi, thấy kiểu bắn liên châu tiễn lợi hại như thế thì bất giác hồn bay phách tán. Thiếu nữ ấy đang bị vây đánh, không thể nào né tránh được, chỉ thấy nàng búng nhẹ hai ngón tay, mũi tên trong tay nàng phóng vút ra, hai mũi tên chạm nhau trên không trung, trong chớp mắt đã rơi xuống hai bên. Chỉ lực của thiếu nữ ấy chẳng kém gì lực bật cung của Mạnh Cơ, quả thực kinh người. Mạnh Cơ kêu lên một tiếng: “Hay!”
Nói thì chậm nhưng sự việc diễn ra rất nhanh, mũi tên thứ ba lại phóng ra, bay thẳng về phía cổ họng nàng. Phương Khánh kêu hoảng, chợt thấy thiếu nữ ấy há miệng ngậm mũi tên ấy lại. Té ra nàng đã luyện một thủ pháp khó nhất, mạo hiểm nhất trong Án tiễn pháp là Xĩ tộc pháp!
Thiếu nữ bị Mạnh Cơ bắn liên tục ba mũi tên, mặt đã giận dữ, đột nhiên kêu lên: “Đến mà không đi, chẳng phải lễ!” Thế rồi nàng vung tay, chỉ thấy năm sáu món ám khí hình hoa mơ phóng vút ra.
Đó chính là:
Phóng hoa đón đại địch, ra tay thấy thần kỳ.
Muốn biết chuyện sau đó thế nào? Mời xem tiếp hồi sau.