Bốn năm phấn hồng, mặt trái của một hồi ức đẹp
Những nhân cách tha hoá, những tâm hồn mục ruỗng dưới áp lực của hư danh và tiền bạc. “Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó…
Di Phấn Hàn, Tô Tiêu, La Nghệ Lâm, Trịnh Thuấn Ngôn, Trương Hàm Yên, Trần Thuỷ, Diệp Ly, Lưu Sa Sa, mỗi cô gái một tính cách, một tâm tư, một lối sống, họ là những đại diện của thế hệ sinh viên mới.Khác nhau về quê hương, hoàn cảnh gia đình nhưng họ đã cùng nếm trải những áp lực của cuộc sống xa nhà trong bốn năm kí túc xá.
“Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó: hàng hoá gia sư, hàng hoá bạn trai, hàng hoá sắc đẹp, hàng hoá tình yêu,…ai trong số các thiếu nữ chưa từng bị lừa trong các cuộc mua bán trá hình này: Trần Thuỷ bị lừa mất sự trong trắng, Lưu Sa Sa sa lầy bán dâm và tự sát, Diệp Ly ăn cắp và bị đuổi học, Tô Tiêu cặp bồ có thai phải đi phá,…. Vấp ngã và đau đớn, và khóc nhưng vẫn phải sống. Bởi cái chết của Lưu Sa Sa lơ lửng trên đầu họ như một lời cảnh cáo cho những kẻ muốn bỏ dở cuộc chơi.
Cuốn sách giống như một sự lộn trái đời sống đại học. 439 trang giấy đầy rẫy những toan tính xảo quyệt hay khờ dại. Tô Tiêu hết xoay xở để trở thành tâm điểm thu hút sự tán tỉnh của các chàng trai đến tính toán bồ bịch với đại gia giầu có; La Nghệ Lâm dã tâm như Tư Mã Chiêu, lúc thường thì khinh người, bắt nạt mọi người trong phòng kí túc xá nhưng khi tranh cử lớp trưởng thi xả thân hầu hạ, xu nịnh người khác, sau này lại yêu gã bí thư đoàn trường vừa xấu người xấu tính để dễ thăng tiến chính trị; ngay cả một cô gái không tầm thường như Trịnh Thuấn Ngôn cũng từng đặt điều với người yêu để bôi nhọ Tô Tiêu,….Đồng thời, dường như không ở đâu những thói tật kinh niên của nữ sinh được miêu tả trần trụi và đầy ám ảnh như trong “Bốn năm phấn hồng”: từ thói “buôn dưa”, thói tỵ nạnh đến bệnh hình thức.
Sức mạnh sát phạt của miệng lưỡi con gái hiện lên qua cái lưỡi chua ngoa cay nghiệt của La Nghệ Lâm, qua cái lưỡi “nói ngọt lọt đến xương” lẳng lơ của Tô Tiêu đến cái mồm nói như máy khâu của Trần Thuỷ. La Nghệ Lâm từ bêu rếu Diệp Ly chuyện bữa ăn chỉ có củ cái trắng đến tàn tệ chửi mắng cô bạn chuyện vệ sinh hàng ngày, Trần Thuỷ và bạn bè lục trộm tủ quần áo của Tô Tiêu để thẩm định nhãn mác quần áo, Tô Tiêu lẳng lơ buôn điện thoại cả nửa giờ đồng hồ với người yêu bạn cùng phòng. Di Phấn Hàn đã gọi miệng lưỡi con gái là “biển nước bọt”, ngập ngụa những lời bịa đặt nhảm nhí. Độc giả sẽ cảm nhận một cách rõ ràng cái không khí nghẹt thở của môi trường “âm thịnh dương suy”- giống như của nhà giam tội phạm bị tình nghi, bởi mọi hành vi của con người sẽ bị săm soi, mọi sơ hở sẽ được khai thác triệt để để làm phong phú thêm nội dung những bài buôn dưa hùng hồn như những bản cáo trạng. Thông qua những ám ảnh triền miên và khủng khiếp của Di Phấn Hàn, chúng ta rùng mình trước sức băng hoại của cái chất độc ngay trong lòng cuộc sống và trong lòng những người thiếu nữ còn trong trắng như cánh bướm non. Họ không lo sợ thiếu tiền bằng việc bị nhìn như những kẻ không có tiền, họ thà bị kẻ mạnh ức hiếp còn hơn mạo hiểm chống đỡ, nhưng lại sẵn sàng ức hiếp kẻ yếu hơn mình một cách tàn nhẫn, …. Giới trẻ đã sống vô tâm và độc ác như thế. Vụ tự sát kinh hoàng của Lưu Sa Sa, việc Diệp Ly trở thành kẻ ăn cắp không phải do số phận mà là do bị đầu độc đến chết về thể xác và linh hồn.
Không phải nữ sinh không cảm thấy sự “vỡ vụn”, “ tàn tạ” của tâm hồn. Di Phấn Hàn, Tô Tiêu, Trần Thuỷ, Diệp Ly, Trịnh Thuấn Ngôn,… đã khóc, đã để tang cho mỗi vết thương không lành đó. Cuốn sách tràn ngập những lời sám hối tuyệt vọng và cay đắng, những sự nức nở của lương tâm:“Chúng tôi đều không phải là người xấu, chúng tôi cũng không có mâu thuẫn gì to tát, chúng tôi không muốn dồn ai đó vào chỗ chết. Nhưng chúng tôi cũng lại là những kẻ ích kỉ và ngu xuẩn. Đó là những mâu thuẫn không thể cứu chữa, không thể điều chỉnh”.
Tuy nhiên, thế giới của cuốn sách không chỉ toàn một màu u ám lạnh lẽo. Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn mà địa ngục là nơi quỷ sa tăng cất giữ nhứng báu vật của sự sống, cuộc sống đại học càng khan hiếm tình người càng khát khao tình yêu, càng nghèo nàn tiền bạc càng dạt dào mơ ước. Ngay từ đầu cuốn tiểu thuyêt đã quay cuồng trong những cuộc săn đón điện thoại của bạn trai trong phòng kí túc xá.
Những hồi chuông diết dóng đó là sự báo trước những cuộc săn lùng tình yêu sẽ nổ ra không ngớt suốt “Bốn năm phấn hồng”. Bạn sẽ tìm thấy trong hàng chục cuộc tinh chớp nhoáng của cô nữ sinh xinh đẹp Tô Tiêu một sự thực lớn hơn sự sa xút về phẩm hạnh, đó là sự đáng thương của nỗi cô đơn tuyệt vọng của con người. Tình yêu với thiếu nữ không chỉ là sự tất yếu của dục vọng mà chính là sự khát khao tìm hồn đồng điệu, tìm sự chở che.
Đẹp hơn nữa, cuốn tiểu thuyết viết về tuổi xuân thiếu nữ là độ hoa tình yêu sẽ nở mê đắm. Bởi còn gì mê đắm hơn là khi quyện hoà sự trong trắng và bồng bột, là những con tim lần đầu đập loạn nhịp luôn vội vàng muồn cắn trái tình yêu. Trần Thuỷ say đắm một chàng không quen biết trên mạng, Trịnh Thuấn Ngôn bác học lại yêu khờ dại một tay chơi “Võ lâm truyền kì” đến độ quyên ăn quên ngủ, còn Di Phấn Hàn đã yêu tuyệt vọng một người có vợ,…Đó là những thứ tình yêu dại dột mà khiến người ta mê mẩn vì sự trong trắng tuyệt mỹ của chúng ngay giữa cuộc đời đã bị đồng tiền làm cho nhem nhuốc. “Bốn năm phấn hồng” giống như cuốn nhật kí của một sinh viên đại học. Lối viết dung dị mà tinh tế, sắc sảo mà hài hước của Dịch Phấn Hàn thật dễ đi vào lòng người. Bạn đọc sẽ cảm thấy như đang được nghe lại câu chuyện vê chính cuộc đời mình một cách cực kì hấp dẫn, bất ngờ và thậm chí gây sốc. Dù bạn đã, đang hay chưa từng trải qua cuộc sống đại học như vậy, bạn sẽ không ít lần cảm thấy giật mình về chính mình.
Năm 2000, mang theo sự nuối tiếc của kỳ thi đại học, tôi bước vào đại học ở Vũ Hán, một trường đại học trọng điểm. Trong cái thành phố hội tụ rất nhiều trường đại học này, trường của tôi tuy là trường điểm nhưng lại có tiếng tăm chẳng ra sao. Điều này cũng có thể liên quan đến việc trường có quá nhiều nữ sinh. Nơi nào có nhiều con gái, nơi đó có nhiều chuyện thị phi, cho dù họ là những phụ nữ lớn tuổi đã kết hôn hay là những thiếu nữ mới đôi mươi.
Bốn năm nay, tôi chưa hề hoà nhập vào cuộc sống ở trường học, chưa hề hoà nhập vào đám nữ sinh trong trường, mặc dù tôi rất gần họ, gần tới mức như không có tí ti khoảng cách nào, gần tới mức mỗi ngày đều cùng ăn, cùng ở, cùng uống, cùng ngủ. Tôi cảm thấy mình giống như một kẻ nhìn bờ đối diện, quan sát cái gọi là cuộc sống sinh viên bình yên đẹp đẽ. Tôi là kẻ ngông cuồng tới mức cảm thấy từ trước tới nay trong trường này, tôi chưa hề có đối thủ.
Tôi cho rằng mình luôn đúng, cho đến khi sắp tốt nghiệp mới phát hiện ra rằng mình đã sai.
Tôi cho rằng mình là người trong sáng, cho tới khi nhìn lại mới phát hiện ra rằng thời gian bốn năm đã biến tôi thành một người giống như hầu hết những người ở đây, cuối cùng cũng rơi vào vũng bùn nhơ.
Tôi cho rằng mình là người thuần khiết, cho tới khi viết ra những dòng này mới biết, mình không khác gì so với những nữ sinh khác, chẳng qua là tự cảm thấy mình tài giỏi hơn một chút.
Bốn năm trước, chúng tôi đều từng là gái trinh, hoặc đều thuần khiết thánh thiện như gái trinh, chúng tôi bước vào tháp ngà với tấm thân trong sáng. Chúng tôi là những thiên thần không có đôi cánh.
Bốn năm sau, chúng tôi rời nơi này, mang theo một vài thứ, để lại một vài thứ, có được vài thứ, thứ mất đi là nhiều hơn cả. Bốn năm qua đi, nhan sắc tuổi diễm lệ của tuổi xuân cũng đi qua, nhiều lắm cũng chỉ có thể giữ lại được con tim thục nữ. Đây là một cuốn tiểu thuyết về nữ sinh đại học. Nữ sinh viết tiểu thuyết của nữ sinh. Tôi là một nữ sinh thông minh. Tôi tự tin rằng khả năng “nhìn trộm” và khả năng cảm nhận của mình có thể khiến tất cả những nam sinh hay nữ sinh, đàn ông hay phụ nữ có hứng thú với nữ sinh đại học đều cảm thấy hài lòng. Cũng có thể, tôi tự cho rằng mình viết rất thấu đáo, nhưng chẳng qua chỉ là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.
Tất cả các nhân vật chính đều là nữ sinh, tất cả những nhân vật có danh tính đều là nữ sinh. Những câu chuyện giữa nữ sinh với nữ sinh, giữa nữ sinh và đàn ông là những câu chuyện không bao giờ nói hết.
NĂM THƯ NHẤT : NGÂY THƠ
Khi đọc cần biết một điều, bất luận các bạn trách cứ tôi, công kích tôi như thế nào chăng nữa nhưng xin đừng chê bai ngôi trường của tôi. Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, không nên đem nó so sánh, liên hệ với thực tế.
Đối với trường đại học, chúng tôi đã từng có những khát vọng mãnh liệt biết bao, những ước mơ tươi đẹp biết bao. Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên bước vào đại học tôi có thể dùng bốn chữ để miêu tả cảm nhận của mình: cũng chỉ thế thôi.
Bốn năm qua đi, khi ra khỏi khuôn viên trường, tôi lại một lần nữa có cảm giác bị lừa dối. Chúng tôi đã đùa cợt với cuộc sống đại học. Nhưng cuộc sống đại học cũng lừa dối chúng tôi. Sự lừa dối từ đầu đến cuối.
Khi tôi học trung học, từng có một vở kịch truyền hình có ảnh hưởng rất lớn tới những mơ tưởng tốt đẹp của tôi về cuộc sống đại học. Đó chính là vở Yêu đến cùng. Nói hơi khoa trương một chút, vở kịch này từng là một trong những động lực cho một số người vào đại học.
Cuộc sống đại học đẹp đẽ, lãng mạn xiết bao! Tất cả mọi điều tốt đẹp đều có thể tìm thấy trong trường đại học! Tuổi xuân, lý tưởng, tình yêu.
Rất hiển nhiên. Sau khi vào đại học, tôi biết mình đã phạm một sai lầm chết người là không phân biệt được sự khác biệt và mối liên hệ giữa yếu tố văn học lãng mạn với yếu tố văn học hiện thực.
Năm đó, ảnh hưởng trực tiếp của vợ kịch ấy với tôi chính là: Tôi đã lấy vẻ ngoài, cách ăn mặc, trang điểm của Văn Hụê làm hình mẫu cho chính mình. Nguyên nhân rất đơn giản, xung quanh tôi không có một nam sinh nào là không thích vai diễn này, sự thuần khiết trong sáng luôn có sức hạ gục tất cả các nam sinh. Tuy nhiên, về bản chất tôi không thật thuần khiết trong sáng, cũng không tin tưởng rằng trong thực tế cucọ sống thật sự có những nữ sinh hoàn toàn trong trắng. Những nữ sinh trong trắng theo kiểu không màng đến nhu cầu phàm tục, không có chút ham muốn vật chất, không có bất kỳ sự tự lợi cá nhân nào và không có tình dục đã gần như không còn nữa. Cứ cho là có thì cũng vì mục đích riêng, ví dụ, muốn mê hoặc một người đàn ông nào đó mới tạm thời tỏ ra như vậy. Trong trắng tạm thời không khó, trong trắng cả đời mới khó.
Tất nhiên, tôi không có vẻ đẹp của Văn Huệ. Hi hi…! Đó là sự thực không thể chối cãi. Dưới đây, tôi phải viết thật chi tiết về cuộc sống đại học vô cùng tồi tệ của mình như ghi nợ.
Ở trường đại học, tôi không phải là một sinh viên tốt, cũng chẳng xấu. Cũng giống như đa số các sinh viên đại học khác, cuộc sống đại học chẳng có gì hay ho đáng nói – một cuộc sống khá là khó chịu. Khi học trung học, không thể chịu nổi những kỳ thi và xếp thứ vô cùng vô tận, mong ước vào đại học để có thể có một trời tự do. Vào đại học rồi, tự do nhiều đến nỗi có những lúc nhàn rỗi không thể chịu được cái hư không: không tiền, không người yêu, không việc làm, muốn làm cũng không có nghị lực. Thế là lại mơ ước rằng tốt nghiệp thì có thể kiếm tiền, nổi dang và sống cuộc sống như mọi người.
Không nhẫn nhịn, cũng không cam tâm. Tôi đã có tâm lý này từ ngày đầu tiên bước vào đại học. Vì một chút hồ đồ, thế nào tôi lại chui vào trong ngôi trường này? Thế nào tôi lại không thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh? Thật đen đủi, làm sao tôi lại bị cảm nắng đúng lúc thi đại học cơ chứ? Tôi không cam chịu. Bứt rứt không yên. Tự cao tự đại. Tôi nghĩ, có lẽ mình sẽ không tìm thấy đối thủ ở ngôi trường này. Cảm thấy không gian của trường học khiến tôi phiền muộn, khiến tôi ngột ngạt không chịu được.
Xin nói rõ một chút về trường chúng tôi. Trường chúng tôi cũng không phải là ghê gớm lắm, vì ít ra thì ở tỉnh Hồ Bắc, nó cũng không được coi là một trường đại học trọng điểm phải kể đến đầu tiên. Tôi hoàn toàn không có ý chê bai ngôi trường của mình. Một chút cũng không! Đối với ngôi trường đại học của mình, tôi cũng chỉ giới thiệu như thế thôi. Cứ cho là tôi có thể trách cứ trường học của mình, nhưng các bạn thì không, bởi vì đó là trường của tôi.
Không nên đoán xem tôi học trường nào, không nên, bởi vì khi tôi viết về một số mặt tối trong trường đại học thì đã là chê bai chính ngôi trường của tôi. Cho dù nó có tồi tệ đến thế nào đi nữa thì nó cũng là trường của tôi, những ngày tháng tươi đẹp nhất tuổi thanh xuân của tôi đã trôi qua ở đó; cứ cho là những ngày tháng đó không đẹp lắm thì cũng không thể trách cứ ngôi trường, mà chỉ nên trách chính bản thân tôi.
Ở bất cứ một trường học nào, những sinh viên bình thường thì đều giống nhau, còn những sinh viên nổi trội thì mỗi người một vẻ rực rỡ huy hoàng. Tôi chỉ là một sinh viên bình thường; chính ngôi trường của tôi đã cưu mang và khuôn đúc ra tôi như thế. Không có gì đáng nói.