Ngày hôm sau, vừa sáng sớm thầy chủ nhiệm đã đến khi kí túc xá tuyên bố dõng dạc: “Từ hôm qua đến bây giờ chỉ có tất cả hai sinh viên nói với tôi rằng họ xin ở lại kí túc xá. Nhưng tôi đã nói rồi, nhà trường chỉ cho lớp chúng ta chín mươi nhăm chỗ trong chung cư, do đó rất xin lỗi, tôi đành phải áp dụng biện pháp cưỡng chế vậy. Tôi đã nghiên cứu bản điều tra liên quan đến tình hình kinh tế gia đình mà các em viết khi nhập trường, và có bàn bạc với mấy cán bộ lớp, chúng tôi quyết định xếp năm người sau ở lại kí túc xá. Hi vọng mọi người phối hợp thực hiện. Bây giờ tôi sẽ công bố danh sách những bạn dưới đây”.
Đám nữ sinh ồn ào bỗng trở nên im phăng phắc trong nháy mắt. Xxx, xxx, ……………………. Từng cái tên quen thuộc vang vang bên tai Những nữ sinh bị đọc đến tên lần lượt nhanh chóng cúi đầu xuống, tim tôi cũng đập loạn lên thình thịch, thình thịch; có tôi, không có tôi, không có tôi, có tôi; tim tôi lúc thì như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực, lúc lại như muốn chết lặng cùng cái ý nghĩ đó. Hình như trong cái giây phút ấy ngoài hai ý nghĩ chọn lựa đó trong đầu tôi không còn ý nghĩ nào khác. Mà đã quên tất cả ý nghĩa thực tế là gì, chỉ chăm chăm trốn tránh những cái tên, tim tôi như đang bị treo lên cao và lắc lư ở đó. Có rất nhiều thứ giống như những đốm lửa nhỏ đang đâm hết chỗ này lại đụng phải chỗ kia trong đầu óc tôi mà vẫn không tìm được phương hướng. Tôi không có cách nào viện ra một lí do để thông cảm và thuyết phục chính mình. Chỉ cảm thấy có một đống hỗn độn trong đầu, “có tôi” và “không có tôi” đều là có thể, đúng vậy đáng ra nên có tôi. Cha mẹ đã vất vả như vậy, bây giờ mà nhà trường lại sắp xếp cho tôi ở lại kí túc xá thì tôi có thể tiết kiệm cho cha mẹ 700 tệ. Với 700 tệ cha mẹ có thể sống trong một tháng còn có thể mua được những thứ ngon lành, với 700 tệ mẹ có thể mua được một dụng cụ điều trị bệnh viêm khớp của bà, 700 tệ đã khiến cha phải vất vả trong hơn nửa tháng trời… Nhưng làm sao có thể có tôi được? Làm sao có thể nói ra sự nghèo khốn, bối rối, xấu hổ và mất thể diện của mình trước biết bao cái nhìn chăm chú của mọi người đây? Các bạn học sẽ nhìn tôi ra sao? Có thể họ sẽ coi thường tôi, có thể họ sẽ nói sau lưng tôi rằng hoá ra hoàn cảnh gia đình Dịch Phấn Hàn lại khó khăn như vậy, nhưng hình như bình thường cô ta ăn mặc cũng được lắm mà! Rồi ch Rồi chẳng bao lâu tất cả các bạn học trong lớp sẽ đều biết tôi là kẻ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh ở lớp này, mà cuộc cạnh tranh ấy dựa trên nguyên tắc hoàn cảnh kinh tế gia đình. Những ai quen tôi trong khu nhà này đều biết, từ nay về sau họ đều phải chuyển vào khu chung cư còn tôi sẽ không thể được như họ nữa.Những ai quen biết tôi đều sẽ coi thường tôi, sau này các phòng kí túc đều sẽ bàn tán xôn xao, họ sẽ nói về tôi, sẽ đoán già nói gì đó với thầy chủ nhiệm.
Từ xưa đến nay, thế sự luôn luôn là “kẻ khóc người cười”. Tôi thẫn thờ đứng đó, nhớ lại mới thấy trong hàng ngàn ý nghĩ vừa rồi, tôi đã không hề xét đến vấn đề điều kiện sống ở chung cư mới tốt hơn nhiều so với khu kí túc xá đổ nát. Dường như với lòng tự tôn thì sự tồi tệ của hoàn cảnh cũng không đáng gì so với những tổn thương mà ta phải chịu. Tôi cảm thấy tính hư vinh của mình thật đáng sợ. Trong đám người đi lại ồn ào đột nhiên van lên tiếng khóc không biết là của ai, vừa khóc vừa nói: “Thưa thầy, em cảm thấy như thế là không công bằng! Tại sao cứ nhất định phải là mấy người chúng em ở kí túc xá, thầy có từng nghĩ tới cảm giác của chúng em không? Thầy đã hỏi xem có phải chúng em có thực sự muốn ở lại kí túc xá hay có phải không thể ở nổi khu chung cư chưa?”. Trong chốc lát đám đông huyên náo bỗng trở nên im phăng phắc. Tiếng khóc của bạn nữ sinh ấy càng lúc càng lớn, bỗng nhiên tôi cảm thấy rất khó chịu và vô cùng buồn bã, những cảm nhận phức tạp bị kìm nén trong lòng như đang bấn loạn trong cơ thể để tìm lối thoát. Tôi cũng bắt đầu rưng rưng nước mắt.
Những nữ sinh bị đọc tên vừa rồi lần lượt khóc lên thành tiếng. Những nữ sinh ban nãy còn hò hét nhảy múa vui mừng cũng không cười đùa nữa mà chỉ đứng đó nhỏ tiếng bàn luận, cũng không biết là họ đang nói gì. Tôi tìm kiếm bóng dáng của Diệp Ly qua đôi mắt đẫm lệ, nhưng phát hiện ra rằng đã không thấy cô ấy đâu cả. Thầy chủ nhiệm thấy ý kiến của mình bị nhiều người phản đối và gây ầm ĩ tới mức một đám con gái đã khóc trước mặt mình như vậy thì rất bối rối, nhưng cũng không có cách gì mà chỉ đứng đó kể khổ: “Vậy các em bảo tôi phải làm sao, không thể nào một trăm người lại ở trên chín mươi nhăm cái giường được!” Chắc chắn ông ấy không hiểu được trẻ con bây giờ ra sao, một việc đơn giản như vậy mà cũng khóc và còn gây ra phiền phức lớn đến thế. Có người đề nghị bốc thăm.
Lại khiến “Kẻ khóc người cười” rồi đây. Vai diễn bắt đầu đảo ngược. Những nữ sinh vừa rồi còn khóc lóc bây giờ giống như vớ được cơ hội sống lại vậy, nước mắt trên mặt dần khô hết, tâm trạng cũng trở lại bình thường. Còn những nữ sinh vừa rồi cười cười nói nói bàn bạc đủ thứ xem sẽ sống ở khu chung cư ra sao thì bây giờ lại lộ ra vẻ lo lắng sầu muộn. Đối với chuyện này thầy chủ nhiệm già nhất định cảm thấy rất buồn phiền. Nên xem đây là một chuyện vô cùng đơn giản, có tiền thì ở chung cư, không có tiền thì ở kí túc xá. Nhưng lòng người so với vật chất thì phức tạp hơn nhiều, phân chia cao thấp, nghèo hèn đâu có thể dễ dàng như vậy? Việc bốc thăm được tổ chức ngay tại chỗ. Một trăm mẩu giấy thì có chín mươi nhăm mẩu viết “chung cư”, năm mẩu viết “kí túc xá”. Bốc thăm lần lượt theo số thứ tự của phòng kí túc. Mỗi khi có người bốc thăm, tất cả mọi người không ai bảo ai đều giữ trật tự, tạo ra một bầu không khí yên lặng và nghiêm túc. Rồi sau khi người đó mở mẩu giấy ra, bất luận bốc được hai chữ “chung cư” hay là “kí túc xá” thì cũng chỉ cùng thở dài một lượt.
Bốn cái thăm “kí túc xá” đều đã có người bốc phải. Đúng lúc đó không biết Diệp Ly đã xuất hiện ở hành lang từ lúc nào, cô ấy nói: “Không cần bốc thăm tiếp nữa, cái thăm “kí túc xá” còn lại để cho tôi đi”. Tất cả mọi ánh mắt đều dồn vào cô ấy. Cô ấy vô cùng bình tĩnh. Dưới ánh đèn tù mù của hành lang, bóng dáng cô ấy trông không được rõ nhưng tôi vẫn nhận thấy sự bình tĩnh trong mắt cô. Một thứ ánh sáng lãnh đạm. Ánh đèn tối như vậy còn bóng dáng cô ấy trông thật gầy yếu nhưng cái thần sắc lại được ánh đèn ảm đạm ấy tô vẽ trở nên đoan trang hơn. Hoá ra cô gái này thật dũng cảm. Định nghĩa của cái gọi là “dũng cảm” vào thời điểm đó chính là có thể chiến thắng tính hư vinh và sự nhút nhát của bản thân. Điều kì lạ là những người bốc thăm trúng “kí túc xá” dường như cũng không có phản ứng bất mãn quá lớn. Mặc dù trong đó có cô nữ sinh vừa rồi đã khóc rất to khi bị chỉ định buộc phải ở lại kí túc xá.
Đúng là “phục trời không phục người”. Nếu là ông trời an bài thì người ta chấp nhận, nếu là con người sắp đặt thì người ta chống đối. Trong giây phút đó dường như tôi không có bất kì một ý nghĩ nào, hàng ngàn tâm tư trước đó đã bị quét sạch. Danh sách những người ở kí túc xá đã được ấn định nhưng việc chuyển nhà cũng đủ để khiến tất cả các nữ sinh đau đầu. Khi vào đại học mọi người đều mang theo kha khá “gia sản”, đó là một ít quần áo, sách vở và cả mấy thứ đồ dùng lặt vặt của con gái. Một năm qua đi, sự khác biệt đã trở nên rõ ràng hơn. Có cô gái với đống quần áo dùng đến hai vali to cũng không chứa hết. Có cô gái lại chỉ toàn sách, phải đến một mét khối sách. Nhưng có cô gái với tất cả đống tài sản chỉ dùng hai va li có thể thu dọn gọn gàng. Buổi tối đầu tiên chuyển nhà, tất cả các phòng kí túc đều giống như vừa bị cướp vậy, một đống bừa bộn. Trên mặt đất toàn là sách, từng bó sách, từng đống quần áo, hỗn tạp đủ thứ lung tung lộn xộn. Giấy má và xiêm áo đủ màu cùng bay lên, rác rưởi và những thứ linh tinh cùng một loại. Con búp bê nhỏ này đã cùng mình đi ngủ một năm trời mình không nỡ vứt nó đi, cái cốc nước này có thể dùng làm ống cắm bút nên cũng không nhẫn tâm ném bỏ. Những thứ vụn vặt của con gái biểu hiện ra thật tinh tế sâu sắc. Tôi thì thanh lí một cách không thương tiếc, tôi đã vứt đi một nửa “tài sản”, hễ là thứ chưa từng đụng tới trong vòng nửa năm tôi đều vứt hết. Dứt khoát.
Thanh lí “tài sản” là một việc khó nhưng chuyển “tài sản” từ khu phía đông trường sang khu phía tây còn phiền phức hơn nhiều. Thực ra cũng đơn giản nếu bạn tìm được một nam sinh giúp đỡ, nhưng cũng không đơn giản ở chỗ, nếu hôm chuyển nhà bạn có thể tìm được bao nhiêu nam sinh đến lao động không công cho bạn thì cũng có nghĩa là sẽ có từng ấy nam sinh có ý định theo đuổi bạn và có quan hệ “mờ ám” với bạn. Số lượng nam sinh tìm được có quan hệ trực tiếp với chỉ số hấp dẫn của nữ sinh. Những tâm tư nhỏ nhặt này của con gái nếu con trai không thấy thì cũng phải đoán ra. Hôm chuyển nhà, tôi nhìn thấy vô số các nam sinh đang chạy ra chạy vào trong khu kí túc xá, vác các túi lớn túi bé trông dũng mãnh khác thường. Những nữ sinh bình thường đối xử với họ chẳng ra sao bây giờ cũng dịu dàng ân cần hỏi han vài câu “vô thưởng vô phạt”, đại loại như: “Có mệt không?” – Rõ ràng là câu hỏi vô duyên, nếu không mệt thì tại sao các nữ sinh không tự mình mang vác đi. Nam sinh cũng vui, nữ sinh cũng mừng, thật đúng là nam nữ phối hợp thì làm gì cũng không mệt.
Với tình hình này thì việc chuyển nhà sẽ hoàn tất rất nhanh. Ngày hôm đó, khắp mọi nơi trong trường học đều thấy những người vác túi to túi nhỏ chạy như bay, giống như là đang đi sơ tán vậy, các vị lãnh đạo và giáo viên thì ngồi dưới bóng cây hóng mát đôn đốc, “chỉ huy tác chiến”, khích lệ học sinh. Giáo viên và học sinh, một bên tĩnh, một bên động nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo, sinh động thú vị, sống động vô cùng.