Quan hệ giữa tôi và Tô Tiêu đã dần dần mờ nhạt đi như thế. Xưa nay, mối quan hệ giữa người với người đều có khoảng cách, cũng giống như từ hai đỉnh núi dốc đứng, chúng tôi nhìn nhau từ xa và cho rằng hai bên chỉ cần chìa tay ra là có thể với tới khoảng cách đó, kì thực cần phải đi cùng nhau, kề sát bên nhau bởi dưới chân còn có trăm ngàn núi đồi sông suối. Bất luận là ai với ai. Sau khi nữ sinh lên đại học, cái mà họ học nhanh nhất, giỏi nhất thường không phải là kiến thức chuyên ngành, không phải là tiếng Anh cấp bốn, cấp sáu, không phải là TOEFL, IELTS, GRE mà là quần áo, trang điểm.
Một nữ sinh từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, có thể về mặt kiến thức chuyên ngành và tiếng Anh đều không có tiến triển gì mang tính thực chất, nhưng về trang điểm, ăn mặc nhất định cô ấy sẽ có những thay đổi to lớn. Không biết khi đi trong trường các bạn có cảm giác này không, nhưng bạn có thể phán đoán một nữ sinh học năm thứ mấy thông qua cách cô ấy trang điểm. Tất nhiên,những nữ sinh mà vừa bước vào năm thứ nhất đã sành điệu thì không liệt vào đây. Khi mới bước vào năm thứ nhất tôi nhìn thấy rất nhiều nữ sinh vẫn buộc tóc đuôi ngựa, những bím tóc vắt vẻo đằng sau gáy được buộc rất xấu, họ cũng không biết đường mua những đồ trang trí cho mái tóc đẹp, và đặc biệt một chút, ăn mặc những bộ quần áo rất đơn điệu nhàm chán, không làm nổi bật được nữ tính của phái nữ, có cảm giác một màu xám xịt.
Đến năm thứ hai, bỗng nhiên có rất nhiều nữ sinh ép tóc thẳng, ngồi phía cuối lớp có thể nhìn thấy phía trước những mái tóc thẳng tăm tắp như làm quảng cáo dầu gội đầu vậy, thẳng từ gốc đến ngọn. Sau đó, màu sắc quần áo bắt đầu tươi sáng hơn, cứ cho là trong túi không có tiền thì mỗi một nữ sinh cũng phải có hai chiếc quần hoặc áo mua từ những cửa hàng chuyên buôn bán. Phải nói thêm rằng, tôi không có loại quần áo như vậy. Từ khi bắt đầu có những cửa hàng chuyên bán những loại quần áo như Baleno, Jeanswest đến bây giờ, có thể nói là tôi ghét cay ghét đắng. Bạn tốn 200 tệ để mua quần áo, nếu bạn đi trong trường thì ít nhất có thể nhìn thấy cả htảy có đến hai nghìn chiếc có cùng kiểu dáng, và một nghìn chiếc y chang chiếc của bạn! Đống quần áo đó tưởng như có thể trở thành kiểu đồng phục khác lạ, không có một chút cá tính và phong cách riêng nào. Đến năm thứ hai, những nữ sinh hơi hơi xinh đẹp một chút đã bắt đầu trang điểm, nhưng trang điểm rất nhạt, hơn nữa cũng rất ít khi, chỉ khi hẹn hò mới trang điểm một chút mà thôi, nếu lên lớp mà trang điểm thì sẽ có rất nhiều người hỏi bạn, ái chà, hôm nay sao bạn lại trang điểm thế. Thực ra, nếu cho họ đủ can đảm và thời gian thì tất cả họ đều sẽ trang điểm. Tôi cảm thấy trong một lớp học đông nghịt, họ có thể rất nhanh chóng chú ý đến một nữ sinh khác trang điểm, đồng thời câu hỏi thăm trước đó lại thấp thoáng vẻ muốn hướng đến và có vẻ hâm mộ. Họ cũng muốn trang điểm, nhưng không có can đảm. Suy cho cùng khi lên năm thứ hai, kiểu ăn mặc quá đẹp và trang điểm cầu kỳ khi lên lớp vẫn luôn là quá gai mắt.
Năm thứ ba đại học, nữ sinh đại học đã được “giải phóng” thực sự. Giống như là sau một đêm trong một thập kỉ nào đó, phụ nữ đã bắt đầu mặc những chiếc áo ngắn tay, những chiếc váy ngắn, hay những chiếc áo chiết eo; ở đây cũng vậy, dường như sau một đêm các nữ sinh đại học năm thứ ba đã trở thành “quân chủ lực” làm đẹp cho trường. Về cơ bản, những nữ sinh có dung mạo xinh đẹp đi trong trường chủ yếu đều là sinh viên năm thứ ba. Tất nhiên, cấp bậc người đẹp như Tô Tiêu của phòng chúng tôi chính là một cố gắng không mệt mỏi để làm đẹp cho trường ngay từ năm thứ nhất. Những nữ sinh năm thứ ba mặc những bộ quần áo bình thường mua tại các cửa hàng bán buôn đã ít đi nhiều, cho dù có mặc cũng mặc với vẻ rất thoải mái tự nhiên. Bỗng nhiên, tôi phát hiện ra quần áo của các nữ sinh bên cạnh mình đẹp hơn với những màu sắc sặc sỡ. Có cô đã bắt đầu mặc váy suốt bốn mùa trong năm. Dường như mọi người luôn luôn dồn hết tâm tư để làm nổi bật đặc trưng nữ tính của chính bản thân mình. Vóc dáng tựa như cũng thay đổi, trở nên thướt tha hơn. Những nữ sinh đại học năm thứ tư, có cảm giác họ giống như những phụ nữ đã trưởng thành.
Đối với sự thay đổi trong cách ăn mặc trang điểm của nữ sinh, tôi đã “nhìn trộm” thấy nhiều điều như vậy ư? Đã linh tinh cả buổi trời, thật ngại quá.
Nào, tiếp tục câu chuyện của chúng ta nhé. Hôm ấy, Tô Tiêu trở về từ cuộc hẹn với tên con trai ấy. Mặc dù Tô Tiêu không mặc chiếc váy trắng ấy nhưng người đẹp vẫn cứ là người đẹp, chỉ cần lộ diện là có thể “giải quyết” của một nam sinh bình thường. Cậu nam sinh ấy ban đầu cũng nhắn tin gọi điện cho Tô Tiêu chăm chỉ, nỗ lực như trong một cuộc thi đại học thông thường. Thái độ của Tô Tiêu là cự tuyệt, một thái độ rất khác thường. Nhất quyết không tiếp nhận. Thật là tốt vì trường học đã lắp đặt điện thoại hiển thị số gọi đến, ngành điện tín và các vị lãnh đạo của trường thật là thấu hiểu lòng người, thương xót dân tình. Tôi khuyên cô ấy, hà tất phải vậy. Bây giờ là thời kì quá độ, cậu nên quên đi tất cả những gì đau thương, không chỉ cần có thời gian mà còn cần có một người khác nữa. Cô ấy lắc đầu nói không có hứng thú với vẻ mặt thờ ơ. Cô ấy thực sự đã thay đổi rất nhiều.
Trước đây người đẹp Tô Tiêu thường hay nói thế này: “Trời, cậu nói xem tớ phải làm thế nào bây giờ, tớ thực sự ghét cậu ta nhưng nếu nói không thích thì lại sợ làm tổn thương cậu ta”. Đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trước đây tôi rất khó chịu với cô ấy, quá giả tạo, cô ấy coi tất cả đàn ông con trai là kẻ ngốc, là trò chơi trong tay mình.
Nếu có một nữ sinh nói với bạn rằng, thực ra tôi không thích cậu, tôi không nói cho cậu biết sớm hơn vì tôi sợ làm tổn thương cậu, thì bạn có thể cho cô nữ sinh ấy một bạt tai. Đó là cái cớ đáng ghê tởm nhất, là điển hình nhất cho kiểu “kĩ nữ và tấm biển trinh tiết”. Ai ai cũng biết nếu bạn thực sự sợ làm tổn thương người khác thì bạn phải nói với người ta càng sớm càng tốt, việc gì phải khổ sở để người ta càng ngày càng lún sâu. Nói thẳng rằng bạn cô đơn, nói thằng rằng bạn còn đang cân nhắc, thậm chí nói thẳng rằng bạn chỉ thích được người khác theo đuổi, đều chấp nhận được, miễn là đừng nói bạn cự tuyệt một ai đó vì sợ làm tổn thương anh ta. Một nữ sinh như thế, thật không có quan niệm đạo đức tối thiểu trong tình yêu. Lần này cô ấy cự tuyệt hoàn toàn như vậy, cho thấy cô đã trưởng thành lên rất nhiều. Cô ấy đã kể với tôi về buổi hẹn hò hôm ấy. Cô ấy nói hai người đã đi hết vòng này đến vòng khác trong vườn trường, đi đến nỗi hai chân tê dại hai người mới đến ngồi ở một quán bán đồ nướng, ăn một chút thịt xiên và sườn. Nói đến đây cô ấy bỗng dừng lại. “Sau đó thì sao?” Tôi hỏi. Cô ấy nghĩ một lát rồi nói: “Không có sau đó, sau đó tớ cảm thấy cực kì vô vị và có cảm giác tủi thân”. Cô ấy cúi gằm mặt xuống, mái tóc màu hạt dẻ xoà xuống che lấp nửa khuôn mặt. Cô ấy giấu đi cảm xúc của mình. Nhưng nỗi lòng của cô ấy vẫn bị tôi nhìn thấu. Cô ấy không cam tâm. Dù gì thì cũng không thể cam tâm. Nói cho cùng, nghĩa là cô ấy hiểu rõ giá trị cao quý của bản thân, vậy tại sao lại phải bán rẻ mình như vậy chứ. Thực ra, nữ sinh đại học là một nhóm người lúng túng hơn so với những người đồng trang lứa. Điểm giống nhau là khi còn trẻ trung nhất, xinh đẹp nhất, cóc gái nào mà không có tham vọng hưởng gấm vóc lụa là? Tuy nhiên lại không có khả năng độc lập về kinh tế, nên đều không thể thoả mãn lòng mong muốn đối với những thứ đẹp đẽ như vậy. Điểm giống nhau là trong những năm tháng tình cảm đầy biến động, có cô gái nào lại không hi vọng được cùng người yêu nồng thắm trong cái dịu dàng và lặng lẽ của ánh nến lung linh? Có cô gái nào lại hi vọng khi mình yêu chỉ có thể đi loanh quanh nơi vườn trường quen thuộc và ăn những đồ nướng giá rẻ bên đường? Đúng là tình yêu không thể so đo như vậy, nhưng một tình yêu “phong hoa tuyết nguyệt” đẹp đẽ không gì sánh được là mơ ước của mỗi một người con gái. Đặc biệt là đối với những cô gái đẹp. Tôi đều hiểu hết. Tôi không hỏi người đẹp thêm gì nữa, mà chỉ nói, không thích thì đừng nên miễn cưỡng.
Nhưng tôi dự cảm thấy một điều, thế giới của cô ấy đang lặng lẽ thay một tấm áo khác.