Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương, gươm báu trăng lồng còn lấp lánh
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán, cành hoa bến Ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây
Hai tướng Chu Tái-Kênh, Phùng Vĩnh-Hoa, cùng tất cả thương binh được đưa về Phiên-ngung điều trị. Phương pháp trị thương của Khất đại phu rất hiệu nghiệm. Trần Năng chỉ săn sóc trong ba ngày. Hai bà đã tỉnh dậy.
Chu Tái-Kênh mở mắt ra, thấy tể tướng Phương-Dung, Đại tư-mã Đào Kỳ, Bát-Nạn Công-chúa Vũ Trinh-Thục, Tây-vu Công-chúa Hồ Đề đứng cạnh. Bà thở dài:
– Ta chưa chết sao? Ta đang ở đâu đây?
Bà nhìn Phương-Dung hỏi:
– Con bé Phương-Dung! Ngươi đang làm tể tướng, sao lại bỏ việc lên đây? Tình hình Lĩnh-Nam đang gặp khó khăn, Vua Trưng bận rộn. Ngươi lại bỏ đi là thế nào?
– Thưa lão bá, chính vua Trưng ban chỉ cho cháu phải lên đây, chứ cháu đâu dám bỏ đi !
– Thế tình hình ra sao mà ta lại ở đây ?
Phương-Dung biết sau cơn mê, bà bị mất trí nhớ, nàng nhắc :
– Thưa lão bá. Lê Đạo-Sinh cùng các Lạc-hầu người Hán nổi dậy bất thần. Chỉ trong ba ngày chiếm trọn Tượng-quận. Thần-ưng từ Tượng-quận báo về Phiên-ngung mất hai ngày. Anh Kỳ vội viết biểu tấu về triều. Một mặt truyền lệnh tới các trang ấp dọc biên giới Quế-lâm, cùng cho Quế-lâm vương đem quân dàn ra đề phòng. Vua Trưng sai cháu cùng sư bá Chu Bá khẩn lên đường tiếp cứu. Chúng cháu tới nơi, đúng lúc thân mẫu anh Kỳ cùng các tướng tuẫn quốc. Chúng cháu đánh tan đạo quân của Vương Bá, Lê Đạo-Sinh. Sau đó thu nhặt tử thi chiến sĩ. Cháu tìm ra lão bá với sư tỷ Vĩnh-Hoa, bị thương nặng, đưa về đây điều trị.
Chu Tái-Kênh hỏi:
– Từ hồi đó đến giờ, bao nhiêu lâu rồi? Tình hình Tượng-quận ra sao?
– Mười ngày chẵn. Bát-Nạn Công-chúa Vũ Trinh-Thục đã sai người đến Tượng-quận dò thám tin tức. Ngày mai thánh giá Trưng hoàng-đế đến đây hội quân, bàn định cách đối phó với tình hình.
Chu Tái-Kênh hỏi:
– Hán đánh xuống Nam-hải à?
– Vâng! Ba đại tướng Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí đang chuẩn bị đánh xuống hồ Động-đình, Nam-hải. Tin tức Cu Bò ở Lạc-dương báo cho biết Mã thái-hậu hiện nắm khá nhiều quyền hành. Mụ vẫn muốn chiếm kho tàng Nam-hải. Mụ thúc Quang-Vũ đánh Nam-hải thực gấp. Trong khi Quang-Vũ muốn Tượng-quận yên đã, rồi dùng thầy trò Lê Đạo-Sinh diễn lại lần nữa vụ Tượng-quận trên đất Nam-hải.
Phùng Vĩnh-Hoa nước mắt dàn dụa:
– Trận đánh Tượng-quận, chúng ta mất Tượng-quận tam-anh, ba anh em Đào Chiêu-Hiển, Đào vương-phi, sư thúc Đặng Đường-Hoàn, nguyên quân đoàn sáu Tây-vu. Từ xưa đến giờ ta vẫn lo giặc trong hơn giặc ngoài. Ngô Hán dùng binh giỏi như vậy, với hai mươi vạn quân hùng tráng, nào Lưu Thương, nào Vương Bá nào Cáp Diên, nào Chu Á-Dũng, nào Vương Hữu-Bằng, nào Lý Thái-Hiên. Ta đều đánh bại. Giữa lúc chiến thắng huy hoàng, thì chỉ vì cái vạ Lê Đạo-Sinh, Công-tôn Thi làm ta bị bại.
Phương-Dung thở dài:
– Khổ như vậy đó! Vua Trưng đợi sư tỷ khỏe rồi, sẽ hội nhau bàn kế đối phó. Vấn đề trước mắt, có nên chiếm lại Tượng-quận hay không? Hãy chờ tin tức của Bát-Nạn đã.
Chu Tái-Kênh bật thành tiếng khóc:
– Tại sao đời ta vô dụng như vậy? Tại sao? Xưa kia ta khởi binh với anh cả bị thất bại. Ta khởi binh với con rể bị thất bại. Bây giờ ta lại thất bại ở Tượng-quận. Ta thực vô dụng.
Đào Kỳ đỡ bà ngồi dậy. Tay bưng thuốc kê vào miệng cho bà uống:
– Thưa lão bá, xưa nay anh hùng đâu có phải là người thành công? Triệu Đà đánh Âu-lạc, thành công, mà Hán lẫn Việt đều coi y như một tên gian. Cao-cảnh hầu Cao Nỗ bị chết vì Triệu Đà mà cả Hán lẫn Việt đều coi ngài là anh hùng. Lão bá là phận nhi nữ, dám cùng anh khởi binh, khí phách cho đến nay, hậu thế nghe danh mà kính, mà nể. Trận hồ Động-đình, lão bá làm giặc Hán kinh hồn. Kịp khi đến Lạc-dương, Lão-bá vào Thục, đánh Cửu-long, đại chiến Tượng-quận. Hỏi mấy ai được bằng lão bá? Cháu thân làm Đại tư-mã, mà không bằng lão báù.
Đến đó Đào Nhất-Gia Sún Lé bước vào cung kính:
– Thưa tam ca, thánh giá hoàng-đế giá lâm.
Đào Kỳ, Phương-Dung, Vũ Trinh-Thục lên ngựa ra ngoài thành Phiên-ngung đón rước. Cách đây ba ngày, chiếu từ Mê-linh đến báo cho biết. Trưng hoàng-đế cùng tam công, thượng thư, với các vị Lạc-vương sẽ đến Phiên-ngung họp, bàn định kế hoạch đối phó với năm mặt trận của Quang-Vũ. Chiếu chỉ nói rõ đễ tránh tai mắt của Hán, không nên báo cho dân chúng biết. Ta càng giữ bí mật càng tốt. Vì vậy, Đào Kỳ chỉ dẫn mấy chúa tướng, với đội khinh kị ra ngoài thành đón. Từ xa xa, một đội Thần-ưng bay lượn trên trời xuất hiện. Sún Lé cầm tù và rúc lên một hồi. Thần-ưng từ Phiên-ngung cùng cất cánh hướng về nam. Gặp đoàn Thần-ưng Long-biên. Cả hai hợp làm một. Chúng ca hót líu lo, lượn vòng tròn rất đẹp mắt. Trưng hoàng-đế, Giao-chỉ vương Trưng Nhị ngồi chung trên con voi trắng. Phía trước, một đoàn Thần-tượng xếp hàng năm. Phía sau ba đội thiết kị. Tổng số chưa quá ngàn người, mà khí thế như thiên binh vạn mã.
Phương-Dung hô lớn:
– Bọn thần cung nghinh thánh giá hoàng-đế.
Vua Trưng từ bành voi, vọt lên cao. Ngài mặc quần áo vàng. Dây lưng đỏ tà tà đáp xuống, trông như một thiên tiên. Ngài phất tay nói:
– Các sư bá, sư thúc, sư huynh, sư đệ, sư muội không nên đa lễ.
Các tướng thấy cánh tay trái ngài cùng các đại thần đều thắt vòng khăn đen. Họ ngơ ngác, định hỏi. Giao-chỉ vương Trưng Nhị giải thích:
– Hoàng thượng ban chỉ cho tất cả chúng ta đều để tang Tượng-quận.
Vua Trưng cùng đại thần và đoàn tướng sĩ của Đào Kỳ nhập làm một, vào thành Phiên-ngung. Dọc đường ngài hỏi thăm chi tiết về tình hình hai bên. Đào Kỳ nhất nhất tấu trình. Ngài phán:
– Lĩnh-Nam mất Tượng-quận, lòng ta đau thực. Song có một điều ta không sợ hãi. Vì thấy tình giữa sư bá, sư thúc, sư huynh, sư đệ của chúng ta vẫn thắm thiết, vẫn quyết tâm, vẫn một lòng một dạ sống chết với nhau. Ta không sợ Quang-Vũ. Dù chúng ta có thất bại, chúng ta vẫn là anh hùng muôn đời.
Trưng vương nói với Đào Kỳ:
– Nhớ ngày nào sư đệ, Phương-Dung bảo ta giả làm đệ tử chú Đào Thế-Hùng, đến phủ Lĩnh-nam công… Bấy giờ, trong tay chúng ta, một tên quân không có, một tấc đất cũng không. Bây giờ ta mới thua một trận Tượng-quận, mà vẫn còn năm quận với mấy chục vạn hùng binh. Hán dốc quân nghiêng nước đánh Lĩnh-Nam, nếu có chiếm được cũng phải mất trăm vạn quân.
Đào Kỳ thỉnh vua Trưng vào đại sảnh đường. Năm vị Lạc-vương, tam công, sáu vị thượng thư, cùng các tướng súy hiện diện đầy đủ. Hoàng-đế thân hỏi thăm từng người một. Ngài ban chỉ dụ:
– Trẫm mời các vị tới đây hội, hầu chúng ta bàn định kế hoạch đối phó với các đạo quân của Quang-Vũ. Vậy Đào hiền đệ cho ta biết tình hình chung, kể từ sau trận hồ Động-đình.
Đào Kỳ đứng dậy kính cẩn:
– Kể từ sau trận hồ Động-đình. Đúng như kế hoạch. Lĩnh-Nam gửi Chu lão bá, mẫu thân của thần cùng Lương Tùng đến Lạc-dương, giúp Chu Tường-Qui, cùng theo dõi tin tức. Phái đoàn bắt liên lạc được với cao nhân phái Cửu-chân là Chu Kim-Hựu, Trần Km-Hồ, hai vị hiện làm đại thần ở triều Hán. Phái đoàn đã làm cho Quang-Vũ truất phế Quách hậu cùng với thái tử, đưa Âm quí phi lên làm hoàng hậu. Con bà được phong thái tử. Phe Âm hậu chủ thân Lĩnh-Nam. Phái đoàn đã trình bày bản đồ kho tàng giả, khiến Mã thái-hậu muốn đánh Nam-hải. Giữa lúc sắp thành công, thì Quang-Vũ sai Vương Bá tổng trấn Thành-đô thay Ngô Hán, hầu Ngô Hán đánh chiếm bảy thành còn lại của Ích-châu. Nhờ Chu lão bá, thân mẫu thần, với Trần Năng giúp sức, Công-chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa đánh bại bốn đạo quân tổng cộng hai mươi vạn của Ngô Hán. Giữa lúc chiến thắng vẻ vang ở Thục, thì xảy ra vụ Lê Đạo-Sinh.
Vua Trưng phán:
– Có một điều, ta thắc mắc mãi không nghĩ ra. Kế hoạch chúng ta dẫn dụ Mã thái-hậu áp lực với triều đình, đem quân đánh xuống Nam-hải, chúng ta nhân đó tiêu diệt lực lượng thủy quân Hán. Thế mà Quang-Vũ quyết định ngược lại, không cho đánh xuống Nam-hải, mà đánh Tượng-quận. Ta có cảm tưởng Quang-Vũ biết kế hoạch của ta. Không lẽ trong chúng ta, có gian tế của Hán?
Triệu Anh-Vũ lắc đầu:
– Tâu bệ hạ! Cứ lý suy ra, không thể có gian tế Hán. Nếu trong chúng ta có người làm gian tế Hán, bất quá để mưu cầu công danh. Thế mà trong chúng ta, ai cũng đều có công danh rồi. Không lẽ lại có người đần độn đến độ bán bò tậu ễnh ương? Có lẽ khi triều thần tâu với Quang-Vũ đánh xuống Nam-hải. Quang-Vũ biết rõ kế hoạch của Mã thái-hậu chỉ với mục đích đoạt kho tàng, vì vậy y làm trái lại mà thôi.
Giao-chỉ vương Trưng Nhị xua tay:
– Thôi được! Chúng ta bỏ qua truyện đó. Nào bây giờ Công-chúa Bát-Nạn hãy cho chúng ta biết tình hình Tượng-quận từ khi lọt vào tay Hán đã.
Công-chúa Bát-Nạn Vũ Trinh-Thục đứng lên tường trình:
– Lê Đạo-Sinh dùng chiếu chỉ của Quang-Vũ, phong chức tước cho các Lạc-hầu người Hán. Dẫn dụ họ Bình man qui Hán. Ai nghe theo, y để nguyên, cho giữ chức vụ cũ. Ai không nghe, y giết cả nhà rồi cử người khác lên thay.
Bà nói đến đó, các tướng soái cùng nghiến răng căm hận Lê Đạo-Sinh. Trưng hoàng-đế thở dài:
– Cứ mỗi lần nghĩ đến thái sư thúc Lê Đạo-Sinh trẫm lại tưởng nhớ đến Đào Vương-gia. Ngày nào, trẫm đang công thành Luy-lâu. Vương-gia khẳng khái thay trẫm, với ý định dùng Đào Kỳ, Phương-Dung giết thầy trò Lê thái sư thúc, hầu trừ hoạn cho Lĩnh-Nam. Trẫm nghĩ tình đồng môn, xin tha cho người, mong người hối lỗi. Nào ngờ, chứng nào, tật ấy. Than ôi! Trẫm không minh mẫn bằng Đào vương.
Bát-Nạn tiếp:
– Suốt mấy năm nay Đại tư-mã Bắc-bình vương Đào Kỳ có chương trình huấn luyện tráng đinh khắp Lĩnh-Nam. Khiến họ trở thành chiến binh thiện chiến. Vì vậy khi Lạc-hầu đem tráng đinh làm phản. Lê Đạo-Sinh có một quân số lớn. Trong vòng nửa tháng, y tập họp quân các trang đồng nổi dậy. Tuy nhiên trong trận đánh với quân đoàn sáu Tây-vu. Số thiệt hại lên đến bảy vạn người. Lê Đạo-Sinh chiếm được Tượng-quận, mà các Lạc-hầu ấm ức bất phục, vì con em trang ấp của họ chết nhiều quá. Khắp Tượng-quận trắng khăn tang. Người Hán thù hận Quang-Vũ thấu xương tủy, họ biết rằng Quang-Vũ đánh Tượng-quận không do lòng thương họ, mà dùng tính mệnh con em họ vào tham vọng bảo vệ triều Hán. Kết quả, họ sống với Lĩnh-Nam thì hạnh phúc, nay vì họ nghe lời Quang-Vũ vơí Lê Đạo-Sinh mà con em họ chết, nhà tan cửa nát.
Ngưng lại một lát cho thính giả theo kịp. Bà tiếp:
– Đen cho chúng ta! Giữa lúc đó, lại xảy ra cuộc tranh chấp giữa Vương Nguyên với Công-tôn Thi. Hai bên đánh lẫn nhau. Ngô Hán thừa cơ đem đại binh diệt cả hai phe. Quang-Vũ cho Ngô rút về Lạc-dương rồi cử Vương Bá đem quân Thục xuống Tượng-quận trấn đóng.
Vua Trưng ngắt:
– Qua vụ này ta thấy Quang-Vũ rất thâm. Mấy năm trước y dụ Công-tôn Thi phản Thục. Thi tiến đến đâu. Y cho Ngô Hán tiếp thu đến đó. Đã vậy y còn giả nhân, giả nghĩa rằng Ngô dẫn quân tiếp ứng, trấn thủ các thành dùm. Bây giờ đối với Lê Đạo-Sinh cũng thế. Y phong cho Lê làm Thứ-sử Giao-châu. Thế mà vừa chiếm xong Tượng-quận, y cho Vương Bá đem quân trấn đóng các thành, rồi y thúc Lê đem quân đánh Quế-lâm. Y dùng người Việt đánh người Việt.
Bát-Nạn tiếp:
– Trước đây Lê thuyết các Lạc-hầu Hán rằng: Hán đem đại quân xuống. Lĩnh-Nam dùng quân gốc người Hán giết người Hán. Sao bằng trở về Hán, con em không bị đi chiến trận. Nay Tượng-quận về Hán. Tráng đinh bị bắt trọn, xung vào các đạo quân của Lê. Đám Lạc-hầu tối mắt, vì được làm quan lớn, còn dân chúng bất mãn muốn nổi lên, thì không còn người lãnh đạo. Hiện dân chúng oán than các Lạc-hầu Hán, nhưng Hán bỏ ngoài tai lời than van. Họ thu thuế nặng gấp ba lần chúng ta.
Công-chúa Thánh-Thiên hỏi:
– Còn người Việt ở Tượng-quận, số phận họ ra sao?
Công-chúa Bát-Nạn đáp:
– Khi Tượng-quận thuộc Lĩnh-Nam, Tượng-quận vương cho người Việt hợp thành trang ấp riêng. Lê Đạo-Sinh đến dụ họ theo. Họ chống lại. Lê đem quân đến đánh. Một số trang ấp chiến đấu đến cùng. Một số khác, bỏ chạy xuống Giao-chỉ, Quế-lâm.
Vua Trưng ban chỉ dụ:
– Chúng ta không cần chiếm Tượng-quận. Chiếm lại ít nhất hao tốn năm vạn người. Trong khi số tráng đinh Tượng-quận bị Lê Đạo-Sinh bắt xung quân bị tiêu diệt hết. Cuối cùng ta được một Tượng-quận điêu tàn, vườn không, nhà trống, toàn trẻ thơ, người Hán già, thì ích gì? Bây giờ Lê Đạo-Sinh có mang đám tráng đinh Hán ở Tượng-quận đánh vào Quế-lâm, đạo binh đó không có tinh thần, lại ô hợp. Chúng ta chỉ cần đánh một trận là tan. Cứ để Tượng-quận trong tay Hán. Dân chúng khổ sở, sẽ trốn sang Quế-lâm, Giao-chỉ. Khiến dân chúng hai nơi này lấy đó làm gương.
Công-chúa Bát-Nạn tiếp:
– Sau khi Ngô Hán thắng Thục, được thăng lên làm Đại tư-mã. Trong khi Mã Viện chiếm được Kinh-châu, đáng lý ra Quang-Vũ phải thăng chức tước cho Viện. Nhưng y nghi ngờ Mã, thành ra lấy cớ Mã bại trận hồ Động-đình, coi như không có công trạng. Mã có ý đợi Ngô Hán đánh Thục. Vương Bá đánh Tượng-quận, Đoàn Chí đánh Nam-hải… Lĩnh-Nam phải chống đỡ với ba mặt trận, tinh lực hao mòn, bấy giờ y mới đánh xuống, hầu chiếm đất. Hiện y án binh bất động, thao luyện sĩ tốt. Chỉ có Đoàn Chí bị đốc thúc tiến quân.
Vua Trưng nói với Bắc-bình vương Đào Kỳ:
– Mặt Tượng-quận coi như yên. Mặt trận hồ Động-đình cũng không đáng sợ. Bây giờ chính Quang-Vũ chỉ dụ Lưu Long, Đoàn Chí đánh xuống Nam-hải, lại thêm Mã thái-hậu đốc thúc nữa, thì mặt trận này sẽ khủng khiếp lắm. Hiện Đoàn Chí mới được cải phong làm Lâu-thuyền tướng quân nhỏ bé. Tất y cố đánh thắng một trận, để được phong chức Đô-đốc. Y sẽ dùng thủy quân vùng Mân, Triết đánh chiếm đảo Hải-nam. Mặt khác y cho một đạo đánh vào phía nam Cửu-chân. Hai đạo này đều thuộc hư cả. Chỉ có đạo đánh vào của Hổ-môn, hầu cắt Nam-hải làm hai là thực. Trong khi Lưu Long đánh thẳng xuống bằng đường bộ. Vậy Đào hiền đệ điều quân thế nào?
Bắc-bình vương Đào Kỳ đứng lên, ban lệnh:
– Đạo Quế-lâm phải rút về biên giới Quế-lâm, Tượng-quận phòng Lê Đạo-Sinh. Nếu Lê đánh sang, bằng mọi giá phải tiêu diệt đạo quân ô hợp của y trong chớp nhoáng, khiến Vương Bá không tiếp cứu kịp. Lê bị bại, ắt Vương Bá cố thủ Tượng-quận, chứ không dám xua quân đánh sang. Các vị sư bá Lươn Hhồng-Châu, Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ và sư thúc Phan Đông-Bảng có thừa tài năng mang quân địa phương tiếp ứng. Mặt Quế-lâm không lo nữa.
Ông nói với Phật-Nguyệt:
– Mặt trận Trường-sa. Công-chúa Phật-Nguyệt mới thắng Mã Viện, Lưu Long. Chỉ cần đạo Hán-trung với các đạo thủy quân hồ Động-đình cũng đủ phòng Mã Viện. Không biết Công-chúa có cần thêm quân nữa không?
Phật-Nguyệt đứng dậy:
– Đủ rồi! Nhược bằng Mã đem đại quân xuống. Tôi đủ sức cố thủ trong một năm. Bấy giờ Vương-gia đem quân tiếp ứng cũng còn kịp.
Các tướng soái cùng đưa mắt nhìn Phật-Nguyệt. Nếu họ cứ nghe danh bà, chỉ với mười vạn quân, đánh tan ba mươi vạn hùng binh Mã Viện, chắc ai cũng tưởng bà là người uy vũ, tướng mạo đanh thép. Nay bên Kinh-châu, Mã Viện có hai mươi vạn quân. Mà bà thản nhiên coi như không đáng kể. Nhìn Phật-Nguyệt, họ chỉ thấy một thiếu nữ xinh tươi, da trắng, dáng người thanh nhã, ẻo lả, nói năng chậm chạp. Có ai ngờ đâu bà là một đại tướng có tài nghiêng trời lệch đất.
Bắc-bình vương Đào Kỳ tiếp:
– Mặt trận Nam-hải, chúng ta có ba đạo binh: Đạo Giao-chỉ do xá muội Đào Phương-Dung thống lĩnh. Đạo Nam-hải do Đông-Triều Công-chúa Lê Chân. Đạo Nhật-nam do Nghi-hòa Công-chúa Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa. Thêm đạo hải quân của Trấn-nam vương Vương Phúc với Công-chúa Gia-hưng Trần Quốc. Về tướng soái, còn Khúc-giang ngũ hùng. Như vậy không biết Công-chúa Thánh-Thiên có cần tiếp viện không?
Công-chúa Thánh-Thiên lắc đầu:
– Không cần! Hiện bên Hán không có tướng nào giỏi thủy chiến bằng Công-chúa Gia-hưng. Mục đích của chúng ta là tiêu diệt thủy quân Hán. Với tài dùng binh của Trấn-nam vương, với tài thủy chiến của Công-chúa Gia-hưng. Ta không sợ Hán.
Trấn-nam vương Vương Phúc đứng lên nói:
– Tâu bệ hạ! Binh thư nói: Tướng ngoài trận tiền, không nhất thiết nghe lệnh vua. Thần chỉ xin một điều: Trong khi đánh nhau với Đoàn Chí, nếu thần bị bại thì xin bệ hạ, hoặc Đào sư huynh hoặc Công-chúa Thánh-Thiên sẽ can thiệp, giúp đỡ thần. Còn trường hợp thần thắng, thần chỉ xin được toàn quyền đuổi theo giặc. Có như vậy, mới diệt được tiềm lực thủy quân Hán.
Vua Trưng gật đầu:
– Trẫm chuẩn tấu cho Vương đệ.
Sau cái gật đầu của ngài, ngài chợt thấy Vương Phúc, Trần Quốc đưa mắt nhìn nhau, trên mặt đều hiện ra vẻ vui mừng. Ngài ngẫm nghĩ:
– Cái gì đây? Cặp vợ chồng này ăn ý với nhau hơn cặp Kỳ, Dung nhiều. Chắc họ mưu một việc gì to tát chứ không sai. Nhưng họ không phản ta là được rồi.
Cửu-chân vương Đô Dương tâu:
– Thục tuy mất. Mà số dũng sĩ Thiên-sơn chạy sang Giao-chỉ tới hơn nghìn. Thần xin bệ hạ chuẩn tấu, để lão bá Chu Tái-Kênh, cùng Yên-Lãng Công-chúa, dẫn đám dũng sĩ Thiên-sơn đột nhập Kinh-châu, ám sát quan lại, đốt lương thảo, làm rối loạn hậu phương, khiến Mã Viện không thể đem quân đánh xuống hồ Động-đình.
Chu Tái-Kênh đứng dậy vỗ bao kiếm:
– Cháu Đô Dương tâu thực đúng ý mụ già. Trần Năng! Con với sư mẫu làm việc này thú vị đấy.
Trường-sa vương Công-tôn Thiệu đứng lên khóc:
– Trong Thiên-sơn thất hùng! Nay chỉ còn một mình thần. Thêm sư đệ Vũ Chu. Thần dám xin bệ hạ thương tình, cho bọn thần được theo Chu lão bá hành sự.
Trưng hoàng-đế đưa mắt nhìn Tể-tướng Phương-Dung hỏi ý kiến. Phương-Dung lắc đầu:
– Công-tôn sư huynh! Mặt trận Nam-hải rất quan trọng. Sư huynh với Vũ Chu sư huynh có vũ dũng, lại thêm tài dùng binh. Xin hai vị theo giúp Công-chúa Thánh-Thiên thì hơn.
Trưng hoàng-đế nói với Phùng Vĩnh-Hoa:
– Công-chúa Nguyệt-Đức! Trước đây tể tướng Phương-Dung trấn tại triều. Để Công-chúa trấn Tượng-quận. Nay tể tướng Phương-Dung phải ở cạnh Bắc-bình vương hầu tiếp ứng các mặt. Vậy Công-chúa về Giao-chỉ lo việc triều chính với trẫm.
Bắc-bình vương tiếp:
– Đoàn Chí cho đạo thủy quân đánh vào Cửu-chân. Cửu-chân vương Đô Dương thừa sức đối phó. Tuy vậy phải đề phòng. Biết đâu đạo này không đổ bộ Giao-chỉ. Không biết Giao-chỉ có đủ sức phòng vệ không?
Giao-chỉ vương Trưng Nhị gật đầu:
– Hiền đệ an tâm. Đánh giặc thì khó, chứ thủ thì dễ. Chỉ cần ba tháng giặc hết lương, ắt phải rút. Trong khi ta có khả năng cố thủ một năm.
Đô-đốc thủy quân Giao-chỉ Tử-Vân đứng dậy:
– Đại ca đừng lo. Đội Giao-long binh Giao-chỉ của em tới hai ngàn người với đội chiến thuyền nhỏ, nhẹ. Em có đủ sức dụ chiến thuyền lớn của Hán vào các sông. Trong sông nhỏ, mình quen địa thế, chúng lạ. Em sẽ tiêu diệt chúng.
Trưng đế hài lòng. Ngài mỉm cười.
Bắc-bình vương Đào Kỳ quen lệ hỏi:
– Có ai thắc mắc gì không?
Đào Nhất-Gia Sún Lé đứng dậy:
– Sư huynh! Mặt trận Nam-hải có tới ba quân đoàn Tây-vu. Quân đoàn một của Sún Rỗ, Sa-Giang, quân đoàn ba của Sún Lùn, quân đoàn bốn của Sún Đen. Với bốn quân đoàn, mà bọn chúng em thì cá mè một lứa, không đứa nào chỉ huy được đứa nào. Em đề nghị sư huynh cử sư tỷ Hồ Đề tổng chỉ huy mới được.
Đào Kỳ lắc đầu:
– Không được. Hồ sư tỷ phải ở cạnh ta để tổng chỉ huy toàn quốc. Vậy ta đề cử sư đệ theo cạnh Công-chúa Thánh-Thiên, thống lĩnh lực lượng Tây-vu.
Bát-Nạn Công-chúa cũng nói:
– Vì tầm mức quan trọng của mặt trận Nam-hải. Tôi cử phó tướng Phùng Thị-Chính của tôi, trợ giúp Thánh-Thiên.
….
Công-chúa Thánh-Thiên dẫn Đào Nhất-Gia, Phùng Thị-Chính, Công-tôn Thiệu, Vũ Chu trở về Nam-hải. Bà truyền Đào Nhất-Gia cho Thần ưng mang thư mời tất cả các tướng soái về nhận lệnh. Ba hôm sau các tướng tề tựu động đủ. Bà mượn soái thuyền của Công-chúa Gia-hưng Trần Quốc làm nơi hội. Hầu tránh tai mắt tế-tác Hán.
Bà thăng trướng:
– Chúng ta lĩnh nhiệm vụ rất nặng: Chống lại mười vạn thủy quân, hai mươi vạn bộ kị Hán. Còn thêm trách vụ tiêu diệt thủy quân của Đoàn Chí. Như vậy mặt trận sẽ chia làm hai: Phần trên bờ và phần trên biển. Phần trên bờ đích thân tôi đảm trách. Phần trên biển do Công-chúa Gia-hưng với Trấn-nam vương đảm trách.
Bà hỏi Phùng Thị-Chính:
– Em hiện phó thống lĩnh tế tác Lĩnh-Nam. Em cho biết tình hình Hán.
Phùng Thị-Chính thưa:
– Hán hiện có hai lực lượng chính. Lực lượng thủy do Đoàn Chí thống lĩnh trước đây có bốn trăm chiến thuyền. Y mới đóng thêm hai trăm chiếc nữa. Thành sáu trăm, với mười vạn quân. Còn bộ binh do Lưu Long thống lĩnh với quân số hai mươi vạn, gồm mười bốn vạn bộ, sáu vạn kị. Các tướng có Liêu-đông tứ-ma, thêm Sầm Anh, Phùng Đức là sư thúc Sầm Bành, Phùng Dị. Võ công chúng cao ngang vơí Khất đại phu và Đại tư-mã Đào. Tin mới nhất, dường như Mã thái-hậu cũng có mặt ở bản dinh Lưu Long.
Thánh-Thiên suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Vậy quyết tâm của Quang-Vũ là dùng thủy binh đánh xuống đảo Hải-nam rồi tiến vào vịnh Giao-chỉ. Còn quyết tâm của Mã thái-hậu là đánh xuống Nam-hải chiếm kho tàng giả. Tôi ước tính, Lưu Long sẽ xuất bốn đạo binh khác nhau. Một đạo đánh Khúc-giang, một đạo đánh Phụng-hoàng, một đạo đánh Thường-sơn và một đạo đánh Đông-sơn. Nỗ lực chính của y lúc đầu là chiếm Đông-sơn, Thường-sơn cho vừa lòng Mã thái-hậu. Còn hai đạo Khúc-giang, Phụng-hoàng chỉ là hư. Sau khi chiếm Đông-sơn, Thường-sơn, hai đạo Khúc-giang, Phụng-hoàng từ hư trở thành thực. Vì vậy mặt trận Đông-sơn, Thường-sơn sẽ nổ ra lớn vô cùng. Ta cần hai tướng thực can đảm, thực tài trí trấn thủ Đông-sơn, Thường-sơn.
Công-tôn Thiệu nói:
– Nếu Công-chúa không chê tôi tài hèn, sức mọn. Xin cho tôi trấn thủ Thường-sơn.
Thánh-Thiên gật đầu:
– Tôi cũng nghĩ thế. Trong các tướng hiện diện, ngoài sư huynh, không ai đảm nhận nổi. Có điều trấn thủ Thường-sơn lành ít, dữ nhiều. Tôi không đang tâm để sư huynh ở đó.
Đào Nhất-Gia đứng dậy nói:
– Tráng sĩ xuất trận, không chết cũng bị thương. Nếu sợ chết, thì đừng xuất trận. Công-tôn đại ca. Chúng mình đánh nhau vỡ đầu rồi kết bạn. Em xin trấn thủ Thường-sơn với đại ca. Có một điều tiểu đệ xin thưa trước với sư tỷ. Trận đánh Thường-sơn nguy hiểm như vậy, đệ sẽ mang quận chúa Lý Lan-Anh theo. Lỡ có chết, vợ chồng cùng chết cho sướng.
Thánh-Thiên hài lòng:
– Thêm Sún Lé nữa, tôi mới an tâm. Vậy Vương-gia lĩnh hai vạn binh, đến Thường-sơn lập đồn chống giặc. Xin Vương-gia để tâm, Mã thái-hậu tưởng có kho tàng tại đây. Ắt mụ đốc xuất Lưu Long đánh bằng được, dù hao tổn binh mã. Tôi muốn mượn Thường-sơn, Đông-sơn làm mồ chôn quân Hán.
Bà hỏi Sún Lé:
– Em định mang lực lượng nào đến Thường-sơn?
– Thường-sơn là mồ chôn quân Hán. Vậy cần một quân đoàn Tây-vu. Em đề nghị để quân đoàn bốn của Đào Lục-Gia Sún Đen. Thêm năm dàn Thần-nỏ.
Thánh-Thiên chấp thuận. Bà hỏi:
– Ai sẽ trấn thủ đảo Đông-sơn?
Vũ Chu đứng dậy khảng khái nói:
– Tiểu tướng xin tình nguyện.
Nam-hải vương Trần Nhất-Gia xen vào:
– Tôi đề nghị thế này. Tổng trấn Thường-sơn vẫn là Công-tôn vương huynh. Xin để tứ đệ phó tổng trấn. Tổng trấn Đông-sơn vẫn là Vũ tướng quân. Xin để ngũ đệ làm phó tổng trấn.
Thánh-Thiên quyết định:
– Vũ sư huynh lĩnh hai vạn quân, cùng Trần ngũ sư bá, trấn ngự đảo Đông-sơn. Tôi xin cử thêm năm dàn Thần-nỏ.
Bà đứng dậy kính cẩn nói với Nam-hải vương:
– Sư bá cùng các vị Trần nhị, tam trấn thủ đảo Hải-nam, dọc bờ biển cho tới Tĩnh-hải. Nếu Đoàn Chí mạo hiểm vượt biển đánh xuống. Xin sư bá rút lui vào đất liền. Đợi thủy quân Hán đổ bộ rồi. Sư bá tung kỳ binh đánh úp. Tất chúng bại. Phía sau chúng, Tử-Vân sẽ chặn đường về.
Bà nói với Trần Quốc:
– Kinh nghiệm trận hồ Động-đình, đánh trên biển cần Thần-phong, Thần–-ưng vậy ta cho sư muội hai sư Thần-phong, hai sư Thần-ưng, hai mươi dàn Thần-nỏ do Thần-nỏ Âu-Lạc tứ hùng điều khiển. Ta tăng viện cho em đội Giao-long binh nghìn người, đích thân Mai-Động ngũ hùng thống lĩnh.
Tướng Thục là Ngụy Đảng đứng lên nói:
– Trước đây tiểu tướng cùng sư đệ Cao Cảnh-Kiệt giữa trận kết bạn. Nay Thục mất, tiểu tướng theo về Lĩnh-Nam. Xin cho tiểu tướng theo Thần-nỏ Âu-Lạc tứ hùng.
Thánh-Thiên chấp thuận. Bà tiếp:
– Đạo quân Nhật-nam được chiến thuyền chuyên chở, đổ bộ lên Phúc-môn, với nhiệm vụ đốt lương thảo địch, cùng thiêu hủy các xưởng đóng chiến thuyền của Đoàn Chí.
Công-chúa Nghi-hòa Quế-Hoa hỏi:
– Sau khi đốt lương thảo địch. Tôi sẽ rút về, hay tiếp tục đánh chiếm các thành địch.
Thánh-Thiên suy nghĩ một lát đáp:
– Công-chúa Gia-hưng, thống lĩnh thủy chiến sẽ quyết định. Chúng ta chỉ quyết định những gì trên lãnh thổ Lĩnh-Nam. Còn trên lãnh thổ Trung-nguyên để Trấn-nam vương.
Bà gọi Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh:
– Bây giờ đến phần chúng ta. Lưu Long cho xuất hai đạo binh đánh thẳng xuống Nam-hải. Hai đạo này hư. Mục đích cầm chân ta, để chúng đánh Thường-sơn, Đông-sơn. Ta cần dụ cho chúng đuổi vào sâu trong đất Lĩnh-Nam, rồi chặn đường về, tiêu diệt.
Bà trao binh phù cho Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga:
– Hai vị thống lĩnh đạo binh Nam-hải cho một bộ phận đóng Khúc-giang. Một bộ phận kéo lên đóng ở Long-nam. Thấy quân Hán đến thì đánh cầm chừng rồi rút về Khúc-giang. Mặc cho giặc vây phủ. Đợi khi có lệnh, sẽ đổ quân đuổi giặc.
Bà gọi Đào Phương-Dung:
– Sư muội thống lĩnh đạo binh Giao-chỉ. Chia một phần trấn đóng Phụng-hoàng. Một phần đem lên đóng ở Đại-phố. Thấy quân Hán đến, đánh cầm chừng, rút lui về giữ Phụng-hoàng. Đợi có lệnh, sẽ đổ ra đánh.
Các tướng lục tục lên đường.
Công-tôn Thiệu cùng Trần Tứ-Gia, Đào Nhất-Gia, Đào Lục-Gia lên đường đi Thường-sơn.
Núi Thường-sơn nằm sát bờ biển, trông ra khơi, mờ mờ thấy đảo Đông-sơn. Công-tôn Thiệu dẫn Sún Lé cùng đi nghiên cứu địa thế quanh núi rồi trở về họp chư tướng, hường dẫn họ đào hầm hố, làm hàng rào phòng giặc.
Ông bàn với Sún Lé, Sún Đen:
– Ý Công-chúa Thánh-Thiên muốn dùng Thường-sơn, Đông-sơn làm nơi tiêu diệt tiềm lực quân Hán. Bởi Mã thái-hậu theo trong quân Lưu Long thì bằng mọi giá bà ép Lưu Long phải chiếm được hai núi. Chúng ta phải chấp nhận nguy hiểm, khi chúng ta giết quân Hán hết đợt này, Lưu cũng sẽ tung đợt khác vào. Công-chúa Thánh-Thiên ước lượng với hai vạn người, một quân đoàn Tây-vu, chúng ta tiêu diệt khoảng năm vạn binh Hán. Trong khi Lưu Long tung toàn bộ quân đánh chúng ta, y bỏ trống vùng sau lưng là Mân, Triết. Như vậy Công-chúa Trần Quốc, bất thần đổ lên đốt hết lương thảo, chiến thuyền của chúng mới dễ thành công.
Đào Nhất-Gia đồng ý:
– Chúng ta hãy dùng hết khả năng quân đoàn Tây-vu. Còn binh sĩ, ta cần tiết kiệm xương máu. Trường hợp bất khả kháng, mới phải hy sinh binh tướng. Điều thứ nhì, chúng ta có hai vạn người, với hàng vạn thú rừng, lương thực đầy đủ, đóng trên núi, cần bảo vệ ngọn thác chảy ra phía đông. Nếu không e quân chết khát hết.
Trần Tứ-Gia bàn:
– Theo Công-chúa Bát-Nạn cho biết, Lưu Long sai Phùng Đức dẫn ba vạn bộ, hai vạn kị tiến đánh Thường-sơn. Phùng Đức võ công cực cao. Tôi không phải đối thủ của y. Tuy nhiên tuổi y đã gần sáu mươi, lại không quen điều binh khiển tướng. Chúng ta cần chọc cho y nổi giận, mới dễ thắng thế.
Đào Nhất-Gia cười:
– Gì chứ trêu chọc cho địch giận là võ công của bọn đệ tử Tây-vu. Sư bá yên tâm. Cháu sẽ chọc cho y tức đến điên người lên.
Chàng ghé tai Trần Tứ-Gia, Công-tôn Thiệu nói nhỏ một lúc. Hai người ôm bụng cười, cười đến chảy nước mắt ra. Trần Tứ-Gia gật đầu:
– Tuy vậy, cháu phải cẩn thận. Chớ để Phùng Đức tới gần. Võ công y rất cao. Có lẽ Lưu Long đi theo Phùng Đức.
Đào Nhất-Gia hỏi Đào Lục-Gia:
– Này Đen, các tướng soái quân đoàn ra sao?
– Còn ra sao nữa? Đệ tử Tây-vu đứa nào chẳng giống đứa nào. Mày định dàn trận ra sao? Tao để mày định liệu. Mày khôn hơn tao. Chị Thánh-Thiên phong mày làm chúa tướng, thì tao phải tuân lệnh mày.
Đào Nhất-Gia thăng trướng:
– Từ Bình-hòa đến Thường-sơn chỉ có một đường duy nhất. Con đường phải qua ngã ba sông Chương-giang, Đông-khê. Lưu Long tất cho tiến quân đến Bình-hòa rồi chia làm hai cánh. Một cánh vượt sông Chương-giang dùng con đường Đông-vu, đánh vào tây Thường-sơn. Một cánh đổ bộ qua sông Đông-khê, dùng con đường Quan-ba đánh vào nam Thường-sơn. Đạo làm tướng sợ nhất đánh đến địa phương nào trùng với tên mình. Như hồi Sầm Bành đánh đến Bành-vong bị Đào tam sư huynh giết chết. Con đường Quan-ba phải qua đèo Tuyệt-long. Con đường Đông-vu qua đèo An-phùng. Lưu Long sợ cái tên Tuyệt-long, có nghĩa là con rồng bị giết. Y sẽ đi đường An-phùng, để Phùng Đức theo đường Tuyệt-long. Lưu Long muốn lập công với Mã hậu, ắt y đem kị binh đi trước. Để Phùng Đức đem bộ binh đi sau. Chúng ta cần tiêu diệt đạo binh của Lưu Long. Còn đạo bộ binh của Phùng Đức, thì dễ đối phó.
Công-tôn Thiệu thấy Sún Lé ước tính địa hình, địa vật, lý luận đâu ra đấy. Ông gật đầu tỏ vẻ tán thưởng cậu nghĩa đệ, tuổi mới hai mươi hai mà đã có tài đại tướng.
Đào Nhất-Gia ghé tai Đào Lục-Gia thì thầm một lúc, rồi ra lệnh:
– Ta thống lĩnh đạo binh ngăn giặc ở Đông-vu, Chương-giang với các sư Hổ, Báo, Hầu, Long, Tượng. Còn Ưng, Ngao, Phong giao cho Đen trấn thủ Thường-sơn. Ta đóng bộ chỉ huy ở đèo An-phùng.
Suốt đêm các sư Hổ, Báo, Hầu, Long, Tượng lên đường. Đào Nhất-Gia dặn dò các chúa tướng chi tiết kế hoạch, rồi chàng leo lên ngọn cây cao quan sát. Rừng núi Đông-vu trông im lìm hiền hòa. Có ai ngờ dưới các bụi cây, đội thú rừng của quân đoàn bốn Tây-vu phục sẵn chờ địch.
Mặt vừa trời lên cao, xa xa bụi bay mù mịt. Đào Nhất-Gia nói vọng xuống:
– Thằng Lưu Long tiến quân trước. Chưa thấy quân của thằng Phùng Đức. Thằng Lưu Long khôn bỏ mẹ. Nó đem toàn bộ thiết kị theo. Còn bộ binh chắc giao cho tên họ Phùng.
Chàng xuống đất, ẩn vào lùm cây rậm rạp.
Từ bên kia sông Chương-giang. Lưu Long cùng đoàn thiết kị đã tới. Y dừng quân quan sát. Ngay bến Đông-vu, một lá cờ ngũ sắc bay phất phới. Lưu Long ngần ngại chưa muốn cho quân vượt sông. Tham tướng Mã Huống bàn:
– Chúng ta dồn quân, ắt giặc biết trước. Giặc biết trước, thì chúng có hai đường lối hành động. Một là chúng bỏ chạy. Hai là chúng phục binh chặn đánh. Xin Quân-hầu cẩn thận.
Lưu Long quan sát một lúc, thấy cây cối um tùm, không có vết tích gì. Y lắc đầu:
– Nếu chúng phục binh, đời nào chúng kéo cờ để cho ta biết trước ? Chắc chúng sợ hãi, bỏ chạy rồi, nên chúng kéo cờ hù ta đấy. Thôi cứ qua sông. Ngươi ở bên này đốc xuất. Ta qua trước.
Mã Huống là anh Mã Viện. Y có tài văn võ như em. Song từ lâu rồi, y không hiển đạt. Lần này được cử làm tham quân cho Lưu Long, đi theo Mã thái-hậu, y hy vọng lập công, kiếm tước hầu. Y nói:
– Quân-hầu ở bên này điều động, để tôi qua trước.
Mã Huống ra lệnh cho đoàn thiết kị vượt sông. Nước sông Chương-giang không sâu cho lắm. Ngựa lội qua được. Vừa qua đến nơi, Mã Huống dàn quân đề phòng. Y quan sát nghe ngóng. Không thấy động tĩnh gì, y cầm cờ phất. Bên kia, Lưu Long cho đoàn thứ nhì qua. Phút chốc hơn hai nghìn thiết kị vươt sông. Mã Huống dẫn quân lên đường. Vừa đi được nửa dậm, quân ùn lại. Tiền quân báo:
– Phía trước có một cái đài bằng gỗ ngăn mất lối đi. Trên đài có đôi trai gái ngồi tấu nhạc. Xung quanh hơn chục đười ươi đứng hầu.
Mã Huống vội phi ngựa lên quan sát. Dù cách nhau mấy năm, y cũng nhận ra người con trai là Sún Lé, người con gái là quận chúa Lý Lan-Anh. Lý Lan-Anh đánh đàn. Sún Lé thổi tiêu. Bên cạnh hơn mười con đười ươi hầu hạ. Con dâng nước, con dâng trái cây.
Đào Nhất-Gia cười lớn:
– Mã tướng quân! Từ Bạch-Đế cách biệt, thấm thoát đã năm năm. Tướng quân vẫn mạnh giỏi a? Tướng quân đi đâu đây? Nào mời Mã tướng quân đến đây uống rượu với ta. Ta với quận chúa Lý thành hôn, Trung-nguyên, Lĩnh-Nam cách trở, không mời tướng quân đi dự tiệc cưới. Thực có lỗi.
Mã Huống tự nghĩ:
– Dù có phục binh. Ta cũng cứ tiến tới bắt tên Sún Lé cái đã.
Y hô một tiếng, đoàn thiết kị vọt tới.
Nhanh như chớp, Sún Lé, quận chúa Lý Lan-Anh leo lên cây, truyền vào rừng mất. Một hồi tù và rúc như tiếng gọi của cô hồn vang vang bất tuyệt. Tiếp theo trống thúc nhịp nhàng, mười đội quân tiến ra. Mỗi đội đẩy một xe. Hai bên xe có ba mươi con hổ hộ tống.
Mã Huống hô binh sĩ chuẩn bị nghênh chiến. Thình lình các xe mở nắp ra. Trên mỗi xe có một dàn Thần-nỏ. Nỏ-thần bắn loạt đầu. Gần ngàn thiết kị ngã xuống. Ngựa hí, người kêu rung động trời đất. Nỏ-thần tác xạ loạt thứ nhì, đàn thần hổ gầm lên xung vào trận. Khoảng nhai dập miếng trầu, hơn hai ngàn thiết kị bị bắn ngã hết. Mã Huống dùng kiếm gạt tên, nhưng y vẫn bị thương ở vai. Y cùng trên trăm thiết kị sống sót lui trở lại.
Đào Nhất-Gia cầm tù và thổi một hồi. Các xe chở nỏ, đoàn Thần-hổ biến mất trong rừng.
Lưu Long cùng đại quân đã qua sông. Y vừa lên bờ, thấy Mã Huống cùng đám tàn quân người đầy thương tích chạy trở về. Lưu Long hỏi:
– Cái gì đã xảy ra?
Mã Huống đáp:
– Thần-nỏ, Thần-hổ.
Lưu Long cho dàn quân tiến lên. Chỉ thấy xác quân Hán, xác ngựa chồng chất nhau ở ven rừng, máu còn tươi, chưa đông đặc. Lưu cho Tế-tác dò thám, nhưng không một bóng người, một bóng thù.
Lưu chia quân làm hai cánh. Y lĩnh một cánh đi trước. Mã Huống lĩnh một cánh đi sau. Đến đèo An-phùng, y cho quân xuống ngựa, vào rừng nghỉ ngơi nấu cơm ăn, chờ Mã Huống tới.
Bỗng có tiếng sáo tỉ tê, nỉ non từ đâu vọng lại. Lưu Long đã từng nhe tiếng sáo này do Hồ Đề tấu một lần. Trong lòng y sinh hồi hộp. Thình lình ngựa hí lên inh ỏi. Quân sĩ náo loạn la ôi ối:
– Rắn! Rắn nhiều quá! Rắn từ đâu đổ ra cắn ngựa.
Lưu Long rút gươm quát:
– Mau lấy lửa đốt lên đuổi rắn.
Bây giờ Lưu Long mới biết tiếng sáo tỉ tê, nỉ non, là hiệu lệnh cho Thần-long tấn công. Đào Nhất-Gia ngồi trên ngọn cây cao. Chàng nhìn rất rõ tình hình quân Lưu Long. Chàng bảo Lê Diệu-Tiên sư trưởng Thần-long:
– Em cho thu quân mau.
Diệu-Tiên cầm sáo thổi một hồi. Thần-long biến vào rừng mất. Trong khi đó nào người, nào ngựa của Lưu Long hơn nghìn bị rắn cắn. Chúng xúm vào cứu chữa lẫn nhau.
Lưu Long cho tế tác vào rừng dò thám, rừng vẫn im lìm, không một bóng người. Y tức đến điên người, lên được:
– Con mẹ nó thằng Sún Lé! Ông mà bắt được mày, thì ông băm ra thành từng miếng một.
Y cho lệnh tiến quân lên đèo An-phùng. Đứng trên đỉnh đồi, y chỉ cho các tướng nhìn về phía Đông:
– Kìa, núi Thường-sơn kia. Chúng ta phải chiếm núi bằng mọi giá. Từ đây đến đó không xa bao nhiêu. Tế tác cho biết trên núi có hai vạn quân trấn đóng, ta có mười vạn, ta nuốt chúng như không.
Y cho lệnh đổ đồi. Quân xuống đến lưng chừng đèo, lại dồn cục. Kị mã trở lại báo:
– Thưa Quân-hầu, giữa đường có ba ngôi mộ mới chôn. Không biết địch có mưu kế gì. Xin Quân-hầu định liệu.
Lưu Long phi ngựa lên trước: Giữa đường, năm ngôi mộ mới đắp. Y cùng các tướng lại coi. Bất giác y nổi giận càn hông. Ngôi thứ nhất đề:
Nơi đây an giấc ngàn thu của Lưu Tú.
Mộ thứ nhì đề:
Nơi đây an giấc ngàn thu của con điếm già Mã Xuân-Hoa.
Còn ngôi thứ ba đề:
Nơi an nghỉ ngàn thu của đại công thần lòn trôn nhà Hán là Lưu Long
Giữa ngôi mộ có lá cờ Lĩnh-Nam phất phới. Lưu Long phóng chưởng đánh vào cột cờ đến rắc một tiếng. Cột cờ từ từ đổ xuống.
Lập tức nhiều tiếng hú rung động rừng núi. Đá từ trên cao lăn xuống ầm ầm. Lưu Long tỉnh ngộ chửi thầm:
– Ta bị trúng kế bọn Lĩnh-Nam. Thì ra chúng dùng cột cờ trêu tức ta. Ta đánh gẫy cột cờ, tức hiệu lệnh cho đoàn Thần-hầu lăn đá.
Y truyền lệnh cho quân đổ đèo gấp. Thế là đoàn quân của y với Mã Huống bị cắt làm đôi. Xuống đến chân đèo. Y nhìn lại, trên chót vót đỉnh núi Đào Nhất-Gia với quận chúa Lý Lan-Anh đang ngồi tấu nhạc, uống trà. Đào Nhất-Gia nói lớn:
– Lưu tướng quân! Tương-dương cửu hùng trước sau Sầm Bành, Tế Tuân bị sư huynh ta giết. Cảnh Yểm rơi đầu ở điện Vị-ương. Tang Cung, Lưu Hân bị chúng ta cho Thần ưng ăn thịt. Nay chỉ còn Mã Vũ, Phùng Tuấn, Đoàn Chí, với ngươi. Hôm nay ngươi phải chết.
Lưu Long giận cành hông. Y truyền lệnh cho quân vây đồi bắt Đào Nhất-Gia. Quân sĩ vừa đến sát chân đồi. Từ trong các bụi cây, mười dàn Thần-nỏ bắn ra tua tủa. Thiết-kị bị trúng tên. Người ngựa chồng chất lên nhau. Từ hai phía hông, đoàn Thần-hổ, Thần-báo gầm lên rung động trời đất, đổ ra chọc sâu vào trận Hán. Thiết-kị lui trở lại.
Từ lúc qua sông đến giờ. Lưu Long chỉ thấy có một Sún Lé với quận chúa Lý Lan-Anh. Đoàn thiết kị hùng tráng của y chết hơn ba ngàn, mà y chưa được bắn một mũi tên, đánh một chiêu võ. Y cho rút lui ra xa. Chờ hậu quân của Mã Huống.
Thám mã báo: Sau khi Đào Nhất-Gia cho Thần-hầu lăn đá cắt mặt đường lên núi của hậu quân. Nó ra lệnh cho Đào Khang, sư trưởng Thần-tượng, từ trong rừng xông ra tấn công. Giao chiến được hơn giờ, Mã Huống phải cho quân rút lui về bên kia sông Chương-giang.
Bây giờ Lưu Long mới cảm thấy lo sợ. Tiến lên, không biết sẽ ra sao. Lui lại, đường không có. Y hối hận, chỉ vì nghe lời Mã thái-hậu đốc thúc, muốn lập công đầu, hăm hở đi trước. Bây giờ không biết có sống mà về được không?
Mãi tới lúc mặt trời lên. Y mới được tin cho biết Phùng Đức đem quân vượt sông Đông-khê, đã tới Thường-sơn. Y vội vã cho quân tiến lên, giao hội được với Phùng Đức.
– Tình hình thế nào?
Phùng Đức đáp:
– Tôi cho quân vượt sông. Đi giữa đường gặp Mã Huống bị vây. Tôi giải vây, cho y đi đoạn hậu.
Lưu Long cầm binh phù trao cho Mã Huống:
– Ngươi trở về, dẫn thêm hai vạn kị, ba vạn bộ nữa đến đây tiếp ứng với ta.
Y nói với Phùng Đức:
– Xin lão sư cẩn thận. Có thể đêm nay giặc đốt cướp trại.
Lưu Long, Phùng Đức không cởi giáp trụ, đốt đèn ngồi đọc sách. Song đến nửa đêm vẫn không thấy động tĩnh gì. Y vừa thiu thiu ngủ, thì có tiếng ngựa hí inh ỏi. Tiếng quân reo. Quân sĩ báo:
– Một đoàn khỉ đột nhập chuồng ngựa, cắt giây cột ngựa. Ngựa chạy náo loạn doanh trại, chứ không có gì khác lạ.
Lưu Long truyền quân sĩ canh phòng cẩn thận, rồi đi ngủ. Y vừa thiu thiu ngủ. Quân sĩ lại la hoảng. Không biết rắn, trăn ở đâu nhiều vô kể, đột nhập trại. Quân sĩ hầu hết bị rắn cắn.
Phùng Đức nói với Lưu Long:
– Bọn Lĩnh-Nam dùng rắn tấn công, binh sĩ bị rắn cắn có hơn vạn. Thuốc chữa rắn không có, cứ tình hình này, chỉ đến sáng, đám thương binh sẽ chết hết.
Lưu Long bó tay. Y truyền binh sĩ đi ngủ. Từ đâu đó tiếng loa vọng về rõ mồn một:
Hỡi các tướng sĩ Hán. Các ngươi bị rắn của ta cắn. Chỉ nửa ngày nữa các ngươi sẽ chết hết. Vậy các ngươi hãy bỏ hàng ngũ chạy vào rừng đầu hàng. Ta hứa cho thuốc giải, tha các ngươi về với vợ con. Ta Công-chúa Thánh-Thiên, thống lĩnh binh mã Nam-hải, hứa với các người. Các người biết tướng Lĩnh-Nam chúng ta không nói hai lời.
Lưu Long giận cành hông. Y sai gom đám thương binh bị rắn cắn vào một chỗ. Đám binh tướng này đứng trước cái chết, bản năng tự vệ nổi dậy. Chúng bỏ chạy vào rừng. Lưu Long sai quân đuổi theo giết chết. Thế là quân Hán đánh lẫn nhau. Cho đến trời sáng, đám thương binh bị giết sạch, trong khi đám binh sĩ khỏe cũng bị giết, xác chết nằm ngổn ngang.
Phùng Đức điểm lại : Hơn hai vạn người chết vì nội chiến.
Lưu Long, Phùng Đức cho quân tiến về Thường-sơn,. Vừa lúc đó, Mã Huống dẫn binh tiếp viện tới. Huống cho biết, dọc đường không gặp một trở ngại gì.
Lưu Long tiến đến Thường-sơn. Tới gần, y giật mình, vì dinh trại kiên cố, tất cả có mười lớp rào, chông gai tua tủa. Trên trời Thần ưng tuần phòng cẩn mật. Đồn vắng, im lìm, không một bóng người, một tiếng ngựa.
Phùng Đức nói:
– Không biết tướng nào trấn thủ Thường-sơn?
Lưu Long lắc đầu không rõ. Hai người thương lượng một lúc, cho quân đánh lên núi. Thình lình có tiếng rú lên như cú gào đêm khuya, rồi những mũi Thần-tiễn to bằng cổ tay rơi xuống đầu đội hình quân Hán. Một mũi trúng vào viên sư trưởng. Tên xuyên qua cả người lẫn ngựa. Viên sư trưởng chết tại chỗ. Binh sĩ kinh hoàng nhìn nhau.
Lưu Long, Phùng Đức đốc xuất tấn công. Núi đã dốc, lại thêm hàng rào kiên cố. Thần nỏ thỉnh thoảng rớt xuống những mũi tên khổng lồ. Đá rơi mặc đá rơi. Tên bắn mặc tên bắn. Lưu Long, Phùng Đức đốc quân tiến lên. Đến chiều, quân Hán đã phá được bốn lớp rào bên ngoài. Chỉ còn ba lớp nữa thì lên tới chỗ đóng quân. Quân Hán reo hò lớp lớp leo núi.
Đứng trên cao nhìn xuống. Công-tôn Thiệu bảo sSư trưởng Thần ưng Hùng Bàn:
– Em cho Thần-ưng tham chiến đi.
Hùng Bàn đứng trên ngọn cây cao. Nó cầm tù và rúc lên một hồi. Lập tức có hơn ba mươi tiếng tù và đáp lại. Thần-ưng từ trên các ngọn cây bay lên cao, chia thành toán một lao xuống tấn công.
Lưu Long hô:
– Chia lực lượng làm hai. Một nửa chống chim ưng. Một nửa phá rào tiến lên. Chúng ta sắp thành công rồi.
Công-tôn Thiệu bảo sư trưởng Thần-phong Vũ Hải-Diệu:
– Em cho Thần-phong đánh xuống.
Hải-Diệu cầm ống tiêu thổi lên. Hơn ba mươi thiếu nữ cùng thổi theo. Ong từ các cổ xe đậu trên núi, bay ra nườm nượp, tấn công vào đội hình quân Hán. Quân Hán bị ong đốt, ôm đầu chạy tán loạn xuống núi. Quân trên núi bây giờ mới cho lăn đá xuống. Đá rơi, gỗ lăn, ong đốt, ưng tấn công, xác người phơi khắp đồi.
Lưu Long đành cho quân lui lại. Y kiểm điểm : Tấn công từ sáng đến giờ hơn vạn người chết, mà vẫn chẳng nên cơm cháo gì.
Phùng Đức than:
– Sau hai ngày xuất quân, bị thằng Sún Lé tiêu hao năm ngàn kị binh. Hơn vạn bị rắn cắn, rồi xảy ra nội bộ đánh nhau, hơn vạn người nữa chết. Từ sáng đến giờ một vạn nữa. Chúng ta mất hết gần bốn vạn. Hiện còn sáu vạn. Có nên đánh nữa hay không?
Lưu Long bàn:
– Chúng ta còn sáu vạn người. Lão sư với tôi phải chiếm bằng được Thường-sơn. Nếu không, coi như chôn cuộc đời. Bây giờ, tôi với lão sư, mỗi người dẫn một toán cảm tử. Đêm nay vượt hàng rào đánh lên núi. Như vậy hy vọng chiếm được đồn.
Phùng Đức đồng ý. Mỗi người tuyển lấy hơn trăm dũng sĩ. Đợi qua canh ba. Cả hai cùng đám võ lâm cao thủ âm thầm vượt qua các hàng rào lên núi. Hai đoàn người vừa tới hàng rào trong cùng, thì Thần-ưng tuần tiễu khám phá ra. Chúng réo lên trên không. Sư trưởng Thần-ưng Hùng Bàn thức giấc đầu tiên. Nó cầm tù và rúc lên. Thần-ưng từ các cây bay xuống bao vây Lưu Long, Phùng Đức với các võ sĩ.
Công-tôn Thiệu, Trần Tứ-Gia đã thức giấc. Đuốc đốt sáng rực. Sư trưởng Thần-ngao là Lã Văn-Ất chỉ huy đoàn Ngao-thần bao vây hai toán người của Lưu Long, Phùng Đức như thành đồng vách sắt.
Song dù Ngao, dù Ưng cũng không phạm vào người Lưu Long, Phùng Đức được. Hai người múa kiếm như hai quả cầu bạc. Thoáng cái đã có hơn mười Ngao-thần với hơn hai chục Thần-ưng chết.
Quân dưới núi đã tiến lên phá được hai lớp rào cuối cùng. Chỉ còn một lớp nữa là vào được trại. Trần Tứ-Gia cho các dàn Thần-nỏ bắn xuống. Chỉ hai loạt đầu. Hàn nghìn quân Hán trúng tên, lăn xuống núi.
Lưu Long, Phùng Đức nhấp nhô mấy cái, vọt qua đoàn Thần-ngao. Hai người đáp trên hai dàn Thần-nỏ. Chỉ một chưởng. Các xạ thủ Thần-nỏ tan thây, nát thịt. Quân Hán reo hò, tràn vào trại.
Vừa lúc đó có tiếng reo rung chuyển trời đất dưới chân núi. Quân sĩ báo cho Phùng Đức.
– Thưa lão sư, trại của mình đã bị đoàn voi, khỉ, hổ, báo chiếm mất rồi.
Quân Hán náo loạn.
Lưu Long rút gươm quát:
– Ai lui ta giết liền. Bề gì cũng phải chiếm được núi Thường-sơn đã.
Quân Hán, Lĩnh-Nam lẫn lộn vào nhau.
Công-tôn Thiệu thấy Lưu Long trúng kế mình, ông ra lệnh cho quân Lĩnh-Nam bỏ đồn, vừa đánh vừa rút xuống chân núi. Đến khi trời vừa sáng, thì Lưu Long, Phùng Đức chiếm được núi. Trong khi quân Lĩnh-Nam đã rút hết.
Công-tôn Thiệu không thấy Đào Nhất-Gia đâu. Y hỏi Đào Lục-Gia:
– Sún Lé đâu?
Sún Lé cười ha hả:
– Đa tạ Công-tôn đại ca. Em đây.
Công-tôn Thiệu nói:
– Lưu Long đánh cảm tử, y thí quân quá đáng. Trong hai ngày, y nướng trên hai vạn người. Bây giờ y chiếm được núi. Thế là mười vạn người. Y chỉ còn bốn vạn. Chúng ta yên tâm vây núi Thường-sơn, chỉ cần hai ngày, chúng hết lương, hết nước uống, chúng phải đánh xuống. Bấy giờ tất sẽ có trận đánh kinh thiên động địa. Các em chuẩn bị sẵn để ứng chiến.
Đào Lục-Gia cho Thần ưng báo tin về bản dinh Thánh-Thiên.
…
Thánh-Thiên đóng bản dinh trên núi Thạch-sơn. Bà nhìn rõ đạo quân Vương Hùng giao chiến với đạo quân Đào Phương-Dung. Đào Phương-Dung giao chiến cầm chừng, rồi rút về thành Phụng-hoàng. Trong khi đó đạo quân của Ngô Anh tiến đánh Khúc-giang. Lê Chân vừa đánh vừa rút vào thành cố thủ.
Thánh-Thiên nói với Phùng Thị-Chính:
– Chúng ta đợi tin tức của Công-tôn Thiệu nữa.
Có Thần-ưng từ phía Thường-sơn đem thư đến. Phùng Thị-Chính mở ra đọc. Nét mặt bà tươi lên. Hai tay trịnh trọng trình thư lên Thánh-Thiên:
– Thưa Công-chúa, có tin tức của Đào Lục-Gia báo tin thắng trận.
Thánh-Thiên đọc qua phúc trình. Bà dậm chân than:
– Hỏng rồi! Công-tôn Thiệu giỏi dùng binh quá! Sún Lé, Sún Đen thông quá. Cả ba cái quá đã làm hỏng mất kế hoạch của ta rồi.
Phùng Thị-Chính hỏi:
– Em nghĩ, ba người rút khỏi Thường-sơn, bao vây Lưu Long trên núi. Chỉ nội một ngày, y lương hết, hết nước uống tất quân tan. Tại sao lại hỏng?
Thánh-Thiên lắc đầu:
– Đối với binh pháp thì Công-tôn Thiệu làm đúng. Thiệu quên mất rằng đạo quân Lưu Long tới hai mươi vạn người. Chia cho Ngô Anh, Vương Hùng mất mười vạn. Y có mười vạn. Nay y bị tổn mất sáu vạn. Song phía sau y còn Mã thái-hậu. Sau khi Lưu Long bị Sún Lé đánh trên đồi An-phùng, Mã thái-hậu tất truyền Mã Viện gửi quân tiếp ứng. Giờ này không chừng đạo quân Kinh-châu hơn mười vạn đã lên đương. Mà Thiệu chỉ có hai vạn quân, đóng dưới chân núi làm sao đương nổi đạo quân tiếp viện vơí đạo quân Lưu Long! Thôi rồi.
Bỗng một Thần-ưng từ xabay tới. Thánh-Thiên gỡ thư ở chân Thần-ưng, mở ra đọc. Bà nói:
– Thư của Chu Kim-Hựu (Mã Vũ), Chu Tường-Qui, Lương Tùng (Cu Bò) báo về.
Thánh-Thiên mở ra đọc:
Phải tối cẩn thận. Mã thái-hậu giả làm một Tham tướng theo đạo quân Lưu Long. Mã Viện đã chuyển mười vạn quân tinh nhuệ tới Nam-xương.
Thánh-Thiên ngửa mặt lên trời than:
– Trời hỡi trời! Tại sao trời nở hại Lĩnh-Nam thế này.
Phùng Thị-Chính ngơ ngác không hiểu. Thánh-Thiên giải thích:
– Trưng Đế muốn chúng ta âm thầm dàn quân, diệt tiềm lực thủy binh Hán. Vì vậy không dự trù trường hợp nếu Mã Viện đem quân cứu Lưu Long, mình sẽ đánh lên Kinh-châu. Bây giờ Công-tôn Thiệu, Sún Lé, Sún Đen vây Mã hậu ở trên núi Thường-sơn, thì bằng mọi giá, Mã Viện sẽ đem quân cứu Mã thái-hậu. Nếu ta không cứu Công-tôn Thiệu, thì mất nguyên hai vạn quân với quân đoàn bốn Tây-vu. Mà cứu thì hao binh tổn tướng. Sau trận này, lấy đâu ra quân bổ xung?
Phùng Thị-Chính bàn:
– Hay chúng ta gửi thư cho Công-chúa Phật-Nguyệt, xin Phật-Nguyệt vượt sông đánh lên Kinh-châu? Thánh-Thiên lắc đầu:
– Có ba điều không ổn. Một Phật-Nguyệt chỉ có đạo Hán-trung. Không đủ sức vượt sông đánh Kinh-châu. Hai là đạo Hán-trung sau trận vừa rồi, hao hụt phân nửa, mới bổ xung. Không đủ sức viễn chinh. Ba là dù quân Phật-Nguyệt có nhiều, có mạnh, Phật-Nguyệt cũng không chuẩn bị kịp để ra quân.
Bà ngửa mặt lên trời, nhìn các vì sao lấp lánh:
– Thôi đành vậy. Ta phải cứu Công-tôn Thiệu.
Bà cầm bút viết lệnh:
Mã Viện đem mười vạn quân đánh phía sau. Mã thái-hậu hiện bị vây trên núi cùng với Lưu Long. Phải rút về Tuyệt-long đợi lệnh.
Bà giảng cho Phùng Thị-Chính và các tướng:
– Đúng ra ta dùng Thường-sơn, Đông-sơn làm mồ chôn quân Hán. Bây giờ ta chỉ còn mặt Đông-sơn.
Phùng Thị-Chính hỏi:
– Theo kế hoạch. Canh ba đêm nay, Đào Phương-Dung, Lê Chân sẽ xuất thành cướp trại. Ngô Anh, Vương Hùng bị đánh bất ngờ, ắt rút quân bỏ chạy trở về. Trên đương lui quân, chúng bị Lê Ngọc-Trinh, Đàm Ngọc-Nga phục binh chặn đánh. Sau đó ta tập hợp các đạo quân lại, tiến lên công hãm Phúc-châu. Vậy bây giờ kế hoạch có đổi gì không ?
– Không! Ta chỉnh bị sẵn rồi. Đợi đúng canh ba. Ta cho đốt lửa làm hiệu lệnh.
Thánh-Thiên đã chuẩn bị sẵn hai phong hỏa đài. Đợi đúng canh ba sẽ đốt lên, làm hiệu lệnh tiến quân.
Phùng Thị-Chính hỏi:
– Không biết đạo binh của Công-chúa Gia-hưng giờ đã tiến đến đâu rồi? Sư tỷ có biết kế hoạch của đạo thủy quân không?
– Gia-hưng định rằng: Đoàn Chí đem hạm đội đánh đảo Hải-nam. Còn Sầm Anh đánh đảo Đông-sơn. Đợi cho Sầm Anh chôn một nửa quân số. Nàng mới đem quân đánh Phúc-châu, đốt sạch các xưởng đóng chiến thuyền.
Đúng canh ba. Thánh-Thiên đánh lửa, đích thân đốt Phong hỏa đài. Lửa bốc ngút trời. Bà leo lên ngọn cây, nhìn về phía Phụng-hoàng, Khúc-giang. Phút chốc hai nơi này, lửa bốc đỏ rực. Phùng Thị-Chính reo lên:
– Đào Phương-Dung, Lê Chân đã cho quân xuất thành, cướp trại của Ngô Anh, Vương Hùng. Chúng bỏ chạy, sẽ gặp phục binh của Đàm Ngọc-Nga với Lê Ngọc-Trinh. Kìa lửa cháy rực trời!
Thánh-Thiên đi chuyển bản dinh xuống núi, tiến về Đại-phố, vừa gặp đạo quân của Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh. Hai người trải qua cuộc xung sát, người, ngựa nhuộm máu. Thấy Thánh-Thiên, cả hai xuống ngựa chắp tay hành lễ. Đào Phương-Dung nói:
– Vương Hùng vây hãm bọn em hơn tháng. Y không đề phòng. Khi thấy Phong hỏa đài nổi lửa. Em cho mở cửa thành. Đào-Nương dùng sư Thần-phong đánh cửa Bắc. Phía sau Lê Hoàng-Nghị xua Thần-tượng tấn công. Quân Hán rối loạn. Trong khi đó cửa Tây, Phạm Thi-Hồng dùng Thần-long tràn vào trại. Quân Hán bị rắn cắn, hoảng sợ, người nọ dẫm lên người kia chạy. Trên trời Trâu Xanh cho Thần-ưng đánh xuống. Vương Hùng không giữ nổi hàng quân. Quân sĩ bỏ chạy. Y cố gắng tập trung được gần bốn vạn người, rút trở về.
Lê Ngọc-Trinh tiếp:
– Em cho sư Thần-ngao của Trầ Thiêm-Bình phục bên phải. Trương Quán dẫn sư Thần hổ phục bên trái. Phan Tương-Liệt dẫn sư Thần-báo chặn đầu. Vương Hùng vừa rút quân về tới. Em cho đổ ra đánh. Y bỏ đường chính, rút theo đường ven núi trở về. Quân số còn ước độ hơn vạn.
Đến chiều, đạo quân Nam-hải của Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga về tới. Lê Chân nói:
– Khi thấy Phong-hỏa đài đốt lên. Bọn em xuất thành cướp trại. Thì tên Ngô Anh đã rút về hết. Chỉ còn lại một đội kị binh chưa kịp rút. Bọn em tiêu diệt đạo này dễ dàng.
Thánh-Thiên nói:
– Chúng ta hãy cho quân sĩ tiến lên đồi Tuyệt-long, đóng chung với Công-tôn Thiệu. Ta cần chỉnh bị lực lượng, chờ mười vạn quân Mã Viện tới.
Đào Phương-Dung tự hào:
– Hai đạo của chúng ta với đạo Công-tôn Thiệu cũng tới tám vạn người. Thêm quân đoàn ba, bốn Tây-vu. Thừa sức đối phó với Mã Viện.
Thánh-Thiên cười chua chát:
– Em quên mất đạo quân của Vương Hùng, Ngô Anh, Lưu Long sao ? Cộng chung, chúng có mười bốn vạn, với mười vạn của Mã Viện, thành hai mươi bốn vạn. Trong khi chúng ta có tám vạn. Chúng ta phải đối phó cách nào đây?
Hôm sau, quân tới núi Tuyệt-long. Công-tôn Thiệu, Đào Nhất-Gia, Đào Lục-Gia cùng yết kiến Thánh-Thiên. Ba người tạ tội, vì không nghĩ xa. Thánh-Thiên thở dài:
– Các vị không có tội gì cả. Chẳng qua các vị dùng binh giỏi quá, mà không biết nghĩ sâu xa mà thôi.
Đào Nhất-Gia khẳng khái nói:
– Bây giờ em xin chiếm lại Thường-sơn để chuộc tội.
Thánh-Thiên lắc đầu:
– Dù em chiếm lại được Thường-sơn, cũng không đuổi nổi mười vạn quân của Mã Viện. Chúng ta lợi dụng Mã thái-hậu đang ở Thường-sơn, lấy Thường-sơn làm bẫy nhử Mã Viện. Ta chia quân làm ba mặt trận. Bây giờ Ta cần một người cẩn thận, mẫn cán, tiếp tục vây Thường-sơn. Thường-sơn bị bức, tất bọn Mã Viện, Vương Hùng, Ngô Anh bằng mọi giá phải cứu viện. Chúng cứu bằng ngã nào? Tất nhiên phải qua An-phùng với Tuyệt-long. Trước ta muốn dùng Thường-sơn làm chỗ tiêu diệt giặc. Bây giờ dùng Tuyệt-long, An-phùng làm mồ chôn chúng.
Bà nói với Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga:
– Ta cần hai tướng mẫn cán, tiếp tục vây Thường-sơn. Việc này phi Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga không ai làm nổi. Quân trên Thường-sơn hết nước, hết lương. Chỉ nội chiều nay chúng phải liều mạng đánh xuống. Ta tăng viện cho sư muội Đào Lục-Gia với sư Phong, Xà, Ngao, Hầu. Ta nhắc lại: Bất cứ giá nào cũng không được để chúng vượt vòng vây. Nếu chúng vượt vòng vây, thì ta bị đánh phía sau.
Lê Chân vỗ tay vào bao kiếm:
– Đầu Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga có thể rơi, chứ trận tuyến Thường-sơn không thể vỡ. Xin sư tỷ an tâm.
Thánh-Thiên nói với Công-tôn Thiệu, Sún Lé:
– Công-tôn sư huynh với Đào Nhất-Gia giỏi dùng binh. Vậy hãy lĩnh bản bộ quân mã với sư Thần-tượng, báo, hổ, ưng trấn thủ đồi An-phùng. Dùng đồi An-phùng tiêu diệt đạo quân Mã Viện giải vây Thường-sơn. Ta nhắc lại, nếu để đèo An-phùng thất thủ, Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga sẽ lâm nguy.
Bà gọi Đào Phương-Dung:
– Đèo Tuyệt-long nằm trên đường tiếp viện Thường-sơn. Mặt trận Tuyệt-long phải chịu hai mũi dùi tấn công. Đó là đạo quân Ngô Anh, Vương Hùng. Ta muốn dùng Tuyệt-long làm nấm mồ thứ nhì chôn quân Hán. Sư muội có đạo binh Giao-chỉ với quân đoàn ba Tây-vu, trấn thủ Tuyệt-long tiêu diệt hai đạo quân của Ngô, Vương.
Công-tôn Thiệu hỏi:
– Ý Công-chúa muốn vây Thường-sơn, bắt buộc Mã Viện, Ngô Anh, Vương Hùng, phải tiếp cứu. Lại dùng An-phùng, Tuyệt-long để làm mồ chôn viện quân. Tôi có hai vạn quân, Công-chúa Đăng-châu có đạo Giao-chỉ năm vạn quân. Tướng của ta không hèn. Quân của ta không yếu. Nhưng với bảy vạn quân, mà đối phó với mười tám vạn quân giặc, tôi sợ không đương nổi.
Thánh-Thiên cười:
– Công-tôn sư huynh đừng lo. Mã Viện sẽ tiến quân theo ngả An-phùng, rồi đánh cầm chừng. Y đợi cho Ngô Anh, Vương-Phùng đánh Tuyệt-long thất bại. Bấy giờ y mới mang quân trở lại theo đường Tuyệt-long cứu Mã thái-hậu, hầu khoe công trạng. Chúng không tiến một lúc đâu!
Thánh-Thiên chờ cho các tướng lên đường. Bà gọi Phùng Thị-Chính cùng lên đường tới Thường-sơn quan sát trận tuyến. Từ xa xa, đã nghe tiếng quân sĩ reo hò. Tiếng ngựa hí. Lê Chân cỡi trên bành voi ra đón. Thánh-Thiên hỏi:
– Tình hình thế nào?
– Chúng đổ đồi lần thứ nhất. Bị tôi đánh bật lên. Hiện quân sĩ hai bên đều đang nghỉ ngơi.
Lê Chân dẫn Thánh-Thiên tiến về phía Đông, bà chỉ lên trườn núi:
– Kìa là ngọn thác chạy xuống. Lê Diệu-Tiên, sư trưởng Thần-long tung cả năm nghìn rắn rải rác trên các cành, sẵn sàng tấn công nếu quân Hán xuống lấy nước. Chúng đã liều mạng đánh xuống năm sáu lần rồi, đều bỏ chạy lên núi cả. Mà dù chúng có đánh được, lấy nước uống vào, cũng không khác gì tự tử. Vì nước suối bị Thần-long nhả nọc độc. Kìa sư tỷ coi, Lê Diệu-Tiên kìa.
Thánh-Thiên nhìn theo tay Lê Chân.
Một thiếu nữ ẻo lã, nước da ngăm đen ngồi bên tảng đá. Trên người nàng đầy rắn lớn, rắn nhỏ quấn xung quanh. Chúng trườn qua, trườn lại, thè lưỡi. Thánh-Thiên ớn da gà. Thiếu nữ thấy Thánh-Thiên đến, nàng huýt sáo. Đàn rắn trườn xuống đất. Nàng tiến đến hành lễ. Thánh-Thiên hỏi:
– Em có bao nhiêu Xà-tướng?
Lê Diệu-Tiên đáp:
– Tất cả có ba mươi đứa, toàn con gái. Kể em là ba mươi mốt. Em lớn tuổi nhất, mười chín. Còn lại đều từ mười lăm đến mười tám tuổi cả.
Thánh-Thiên tiến tới phía tây núi Thường-sơn. Một thiếu niên to lớn kềnh càng, tiến ra hành lễ:
– Sư trưởng Thần-ngao xin tham kiến Công-chúa.
Thánh-Thiên hỏi:
– Nhiệm vụ của em ra sao?
– Em chia sư Thần-ngao thành ba Lượng. Mỗi Lượng một trăm, trấn tại các góc núi, bảo vệ các dàn Thần-nỏ. Trường hợp địch đổ đồi, Thần-nỏ lâm nguy, em xua Ngao-thần cản đường cho Thần-nỏ rút lui.
Lê Chân chỉ lên sườn núi:
– Sư tỷ trông kìa: Sư trưởng Thần-hầu Lại Quan đang cùng tướng sĩ khỉ trấn ở sườn đồi.
Thánh-Thiên hỏi:
– Công-tôn sư huynh định nghênh địch thế nào đây?
Công-tôn Thiệu mỉm cười:
– Từ dưới chân đồi lên tới đây, trước sau dài trên ba trăm trượng. Khi quân Hán tới, chúng leo lên đồi. Tôi cho sư Thần-ưng đánh cầm chừng. Quân sĩ vừa chống với Thần-ưng, vừa leo lên núi mệt đứt hơi. Đến nửa chừng tôi mới cho Thần-hổ, Thần-báo chặn đánh. Còn sư Thần-tượng, Sún Lé dùng để bảo vệ Thần-nỏ mai phục đánh Mã Viện.
Thánh-Thiên búng tai Sún Lé:
– Em tôi giỏi! Mã Viện tuy có tài dùng binh. Song ta e y cũng không thoát khỏi tay em. Giỏi!
Phùng Thị-Chính ngạc nhiên:
– Trước đây Đào Nhất-Gia cắm cờ bên sông. Lưu Long cho rằng cắm cớ tức không có phục binh, mới cho Mã Huống vượt sông, rồi y trúng phục binh. Bây giờ Mã Viện đã biết mưu ấy ! Tôi e dùng không hiệu nghiệm.
Đào Nhất-Gia vỗ tay cười:
– Nếu Mã không học binh pháp, thì không bị trúng kế của em. Đây y lầu thông binh thư. Lần thứ nhất kéo cờ, có phục binh. Y cho rằng em khôn, lần này hễ kéo cờ, tất không phục binh. Y cứ tiến quân sẽ bị trúng kế.
Sún Lé chỉ Chu Quảng-Khánh sư trưởng Thần-báo. Hoàng Pháp-Hải sư trưởng Thần-hổ nói:
– Hai thằng này lì lắm. Chúng cho làm hai mươi cái nhà bằng gỗ, dấu các xe chở nỏ ở trong, rồi đem đất đổ lên trên, giả làm mộ quân Hán chết hôm trước. Đợi quân Hán đi qua, bất thần chúng mở tung hầm đất, đẩy Thần-nỏ ra bắn.
Thánh-Thiên hỏi:
– Thế Hổ, Báo dấu ở đâu?
– Bọn em đào hầm trong rừng, phủ cây lên trên. Em đã kiểm lại rồi, có trời cũng không tìm ra.
Vừa lúc đó Thần-ưng reo trên không. Đào Nhất-Gia nói:
– Quân Mã Viện sắp tới rồi. Bọn em đi nghênh chiến.
Đào Nhất-Gia, Chu Quảng-Khánh, Hoàng Pháp-Hải cùng hú lên một, rồi tiếng lấy ngựa xuống đồi. Ba người ra lệnh cho các Hổ-tướng, Báo-tướng, trưởng Thần-nỏ. Phút chốc mọi truyện xong xuôi. Đào Nhất-Gia nói:
– Hai em ở đây chờ nghênh địch.