CHỒNG! ANH LÀ AI?
TG: Trái Tim Pha Lê
CHƯƠNG 19: DÌ NĂM
Sau khi kí xong tờ hôn thú, Khiêm đặt xuống bàn trà hộp gỗ chạm khắc tinh xảo, sau đó quay trở lại ghế làm việc ngồi.
– Đây là quà làm quen. Em cần sắm gì cho đám cưới cứ nói.
– Không cần, tôi chỉ cần có đủ ba mẹ trong ngày cưới của mình thôi. Anh làm được không?
– Được, đó là chuyện đương nhiên. Tôi đã nói tôi không muốn vợ mình bị thiệt thòi. Em mở ra xem thích không?
Nghi mở hộp gỗ ra, bên trong hộp lót lớp nhung màu đỏ, nổi trên đó là bộ trang sức thiết kế rất đặc biệt. Vòng cổ hình con rồng uốn lượn, thân rồng khảm đầy đá saphia màu đen óng ánh. Đầu rồng và đuôi lòng giao nhau tạo thành mặt. Mắt rồng cũng được khảm hai viên kim cương sáng lấp lánh. Chiếc vòng tay thiết kế tương tự nhưng nhỏ hơn. Kế đến là chiếc nhẫn, thiết kế hơi khác, đó là hình con rồng quấn ngón tay người, đầu rồng chạm khắc tinh xảo, nổi bật là 2 viên saphia đen làm mắt rồng lấp lánh, nếu nữ đeo có vẻ hơi thô. Cảm thấy lạ, thiết kế trang sức cho phụ nữ thường lấy hình tượng con vật mềm mại đủ màu sắc, tên này tặng Nghi một bộ nữ trang đen thui, còn làm hình con rồng chẳng có gì nữ tính hết. Không tâm lý gì hết trơn. Nhưng Nghi cũng đành miễn cưỡng chấp nhận.
– Những món kia em có thể không đeo, chỉ cần đeo khi dự tiệc với tôi. Riêng chiếc nhẫn thì lúc nào cũng phải đeo. Ngay cả lúc đi ngủ không được tháo ra.
Nghi quắc mắt ngước lên, chỉ thấy bóng người đang chằm chằm nhìn mình.
– Tại sao?
– Không tại sao hết, tôi muốn em đeo món quà đầu tiên tôi tặng, mỗi khi nhìn nó, em sẽ nhớ tôi.
– Suy nghĩ của anh thật lạ đời có phần biến thái gia trưởng. Nhưng nếu anh muốn tôi đeo món quà đầu tiên “chồng” tặng thì cũng không sao. Vợ đây sẽ không làm chồng buồn vì chuyện cỏn con này đâu.
Nghi nói xong, lấy ngay chiếc nhẫn rồng đeo vào tay, vừa y như được đo ni sẵn.
– Còn gì không, tôi muốn về nghỉ ngơi.
– Từ hôm nay em nên sửa lại cách xưng hô, xưng hô như vừa rồi…tôi thích.
Nghi đang quay mặt ra cửa, chuẩn bị nắm tay vặn nghe Khiêm nói phì cười.
– Vợ biết rồi chồng.
– Ừ, vợ về đi. Nhớ chăm sóc vết thương. Gai hoa hồng rất độc dễ nhiễm trùng.
Nghe những lời quan tâm thân mật, Nghi có chút dao động, cô đứng im một hai giây, Nghi rất muốn quay lại nhìn tận mặt người đàn ông, nhưng cuối cùng cô chỉ vặn cửa bước ra ngoài. Gai hoa hồng dẫu độc, cũng không độc bằng lòng dạ con người.
Lang thang chạy ngoài đường, Nghi tự hỏi không biết Minh về chưa? Bỗng Nghi sợ về nhà, sợ phải đối diện với cuộc chia ly. Đằng sau có tiếng xe máy gầm rú. Tiếng lên ga lẫn trong tiếng la của một phụ nữ “Cướp! Cướp”
Nghi quay lại thấy có hai thanh niên ngồi chung trên chiếc Exciter đang rú ga chạy. Theo sau là bóng dáng người phụ nữ hớt hải chạy bộ đuổi theo. Nhanh như chớp, Nghi quay ngược con Wave đỏ của mình, tay gỡ giỏ xách từ ba ga quấn trên tay chạy ngược lại theo hướng đối đầu hai tên cướp. Trong khoảnh khắc hai xe ngang bằng, lập tức Nghi vung ngay giỏ xách vào mặt tên cầm lái. Cú vung tay thêm trợ lực của vận tốc xe ngược chiều làm tên lái xe choáng váng té ngã. Nghi thắng xe cái két, dựng chống xuống xe, chạy lại nện thêm hai tên kia một trận nên thân. “Thân làm đàn ông đàn nam khỏe mạnh lại đi cướp của bà già, mà bà già ăn mặc sờn cũ thế kia là biết không có tiền còn bị cướp. Thiệt là nhục như cá nục.” Bao nhiêu uất ức tức giận, Nghi dồn hết lên hai tên thanh niên giờ như cái mền luôn. Bọn chúng liếc thấy mấy món trang sức rơi ra từ hộp gỗ trong giỏ xách cũng đã điếng hồn, chỉ cắn răng cho chị xả giận. Một phụ nữ trung niên chạy tới can ngăn
– Thôi cho tôi ngăn. Đánh nữa xảy ra án mạng đó.
Nghi nghe tiếng nói giật thót nhìn xuống “quoa! Như nùi giẻ luôn chứ cái mền còn đỡ”. Biết mình ra tay hơi bị nặng, cô dừng lại trừng mắt cho hai tên kia lết đi, bỏ cả xe luôn vì có ngồi nổi đâu lấy gì chạy.
Người phụ nữ trung niên nhặt lại trang sức cất vô hộp đưa cho Nghi.
– Trang sức quý giá thế này, con nên cất kĩ.
Nghi cười hề hà cảm ơn, cô cũng nhặt bao xốp đen của tên cướp bỏ lại, đưa cho người phụ nữ. Bà có gương mặt thật đẹp, đẹp theo kiểu cao sang quí phái, và nụ cười rất ấm áp dễ gần. Đồ bà mặc bình dân thậm chí sờn cũ, nhưng ở bà không toát lên nét gì của người nhà quê chân lấm tay bùn.
– Cháu tên gì?
– Cháu tên Nghi? Cháu có thể gọi bác là gì ạ?
– Gọi ta là dì Năm. Dì thân với mẹ, bác nghe xa cách quá.
– Dạ dì Năm! Nhà dì ở đâu, cháu đưa dì về.
– Gọi dì xưng con nghe cho thân thiết.
– Dạ, vậy con đưa dì Năm về nhé.
Dì Năm gật đầu, nở nụ cười thật hiền hậu. Nghi cố gắng chạy xe thật chậm vì sợ dì Năm té. Chạy hơn cả chục vòng mà dì Năm vẫn chưa nhớ ra địa chỉ nhà con cháu. Chỉ nói nó ở trong nhà cao và to lắm, bên cạnh bờ sông. Xung quanh còn hoang sơ, vẫn chưa xây nhà nhiều.
Nói vậy Nghi cũng chịu, quận hai nói lớn không lớn, nhỏ không nhỏ, chạy qua cả chục cái chung cư mà cái nào dì Năm cũng kêu không phải. Trời tối bắt đầu chuyển mưa, Nghi đành chở Dì Năm về nhà mình nghỉ tạm.
Khi Dì Năm đã yên vị trên ghế sofa quan sát ngôi nhà. Nghi rót nước mời dì.
– Dì uống nước đi, dì muốn ăn gì không con đi mua.
– Dì già cả rồi, răng cũng yếu nên chỉ ăn được cháo thôi.
Nghi nhìn Dì Năm, chợt nhớ tới mẹ mình. Mẹ cũng cỡ dì Năm, không biết nếu mẹ không hôn mê, răng mẹ có yếu đòi ăn cháo không. Nghi nắm đôi bàn tay mềm mại của dì Năm áp lên má mình, tìm một chút ủi an của người mẹ. Rồi Nghi xoa xoa mu bàn tay của dì, nở nụ cười gượng gạo.
– Con nấu cháo cho dì. Ăn ở ngoài không an toàn.
– Ừ, vậy còn gì bằng.
Nghi lấy ít gạo ra vo rồi nấu cháo. Để lửa riu riu cho cháo nhừ từ từ. Khi cháo đã nhừ, nghi đập vô nồi hai trứng gà để luộc. Nghi nấu cháo trứng luộc không vỏ tương tự như nấu mì, nhưng cháo có phần đặc hơn và nhiệt phân tán không đều như trong nước. Nghi đứng múc nước cháo rưới lên cho trứng chín đều, lòng đỏ ra lòng đào rất mềm dẻo, người già ăn được. Nêm nếm thấy vừa ăn, cô múc ra tô nhỏ, vớt luôn hai trứng gà để vào tô, xắt hành ngò thật nhuyễn rắc lên. Màu trắng của cháo nổi bật ở giữ màu hồng cam của trứng bao xung quanh màu xanh của hành ngò thật đẹp mắt và rất thơm.
Dì Năm nhìn tô cháo gật gù hài lòng, hành xắt nhuyễn chắc sợ mình đau răng ăn hành bị dai, không bỏ tiêu sợ bị nóng nhiệt bù lại bỏ nhiều hành giải cảm. Trứng luộc không vỏ, lòng trắng tan vào cháo, lòng đỏ mềm dẻo. Quả thật nấu ăn cũng rất có tâm. Dì Năm nếm thử rồi gật gù ra điều vui vẻ lắm. Nghi nhìn dì, chỉ ăn có chén cháo mà dì vui vậy, chắc bình thường dì không có nhiều tiền để ăn rồi.
– Nếu dì chưa no nói con luộc trứng thêm ạ, cháo còn nhiều lắm. Con sợ bỏ trứng vô nhiều quậy hồi cháo bị vữa.
– Dì ăn nhiêu đây đủ no rồi.
– Con nấu nhiều lắm, dì yên tâm.
Nghi nghĩ dì Năm ngại, trông dì mảnh mai quá, chắc thiếu ăn lâu ngày. Khi nãy trông dì ăn vui vẻ thế kia mà. Nghi cảm thấy thương cảm cho người phụ nữ này.
– Bây giờ cũng tối rồi, dì nghỉ tạm ở nhà con, mai đi tìm nhà con trai tiếp, được không ạ?
– Cũng được, đi cả ngày dì cũng mệt rồi. Sao con không hỏi trong bọc đen đó có gì mà bị cướp?
– Cướp mà dì, chắc thấy dì thân cô thế cô vã quá nên cướp cạn đấy. Với lại đồ của dì con cũng không nên thắc mắc.
Dì Năm gật gù nở nụ cười thật hiền từ. Dì mở bao ni lông màu đen ra, bên trong là nhiều xấp tiền giấy năm trăm mới cứng. Dễ có hơn mười xấp. Nghi tròn mắt ngạc nhiên.
– Đây là tiền dì mang lên cho con dâu, con trai dì sắp lấy vợ.
– Chúc mừng dì, sao dì không kêu con dì đón? Một mình dì lên đây, lại cầm theo số tiền lớn rất nguy hiểm.
– Dì muốn tạo bất ngờ cho nó, ai ngờ bà già lẩm cẩm làm mất địa chỉ nhà và số điện thoại, cũng may gặp con chứ không là bây giờ dì ngủ gầm cầu rồi.
Mắt Nghi bất giác chùng xuống, chắc dì Năm bán đất dưới quê nên mới có nhiều tiền như vậy. Nghi nhớ mẹ mình đã làm đủ mọi việc để nuôi cô khôn lớn. Mẹ nhịn ăn sáng chỉ để mua cho Nghi chiếc áo mới mặc tết. Thậm chí hi sinh mạng sống bảo vệ cô. Giờ mẹ nằm đó, Nghi chẳng giúp gì được cho mẹ. Mắt Nghi chợt cay xè, Nghi nhìn người đàn bà phúc hậu đang kể chuyện về con trai bà, mắt bà ánh lên niềm tự hào hạnh phúc. Cả cuộc đời mẹ vì con, thế mà cuộc đời con, mẹ chỉ là một phần trong đó. Nghi nắm bàn tay gầy guộc của Dì Năm, xin chút ấm áp từ bàn tay mẹ. Nghi khịt mũi.
– Dì Năm à, tuy con và Dì mới gặp, nhưng sao con cứ có cảm giác thân thuộc như mẹ con vậy. Dì cho phép con gọi dì là mẹ được không?
Mắt dì Năm rưng rưng, vuốt mái tóc suông mượt của Nghi gật đầu.
– Được, được con gái của mẹ.
“Con gái của mẹ”, bốn từ gần gũi thiêng liêng, đã hơn năm năm qua Nghi thèm được nghe lại. Nghi ôm chầm dì Năm khóc nức nở như đứa trẻ. Dì Năm vỗ vỗ vai Nghi, mắt đậm ý cười chứa chan giọt lệ thương cảm.
Khóc đã rồi cũng mệt, Nghi nhường cho dì Năm nằm giường của mình, còn cô trải tấm chăn nằm dưới sàn. Hôm nay Nghi ngủ thật ngon, Nghi thấy mẹ đang đắp mền cho mình còn trách yêu “con bé này lớn rồi mà ngủ cũng không yên, bỏ mền ra bị cảm rồi ai lo nữa” Nghi làm nũng dụi dụi đầu vào lòng mẹ mỉm cười ngủ tiếp. Lòng mẹ lúc nào cũng ấm áp và mềm mại.
Giật mình thức giấc bởi ánh sáng len qua tấm màn cửa. Nghi nhìn trên giường thấy trống trơn. Nghi vội bật dậy đi kiếm khắp nhà cũng không thấy bóng dáng dì Năm đâu. Hay là dì sợ phiền mình nên tự đi tìm nhà con trai theo trí nhớ rồi. Nghi vò tóc tự trách mình sao ngủ say thế, dì Năm đi ngoài đường lỡ gặp cướp hay bị tai nạn chắc cả đời cô sống không yên.
Vội vàng làm vệ sinh cá nhân, Nghi chạy ra cửa thấy bọc đen của dì vẫn nằm trên bàn. Xem bên trong tiền vẫn còn nguyên. Kì lạ, dì Năm không mang theo tiền, vậy dì đi đâu được. Nghi nhét vội bao tiền xuống ngăn bàn rồi chạy ào ra ngoài. Nghi quay lại khu vực hôm qua gặp dì, thấy ai cũng hỏi thăm nhưng không ai biết Dì. Cô cũng chạy vô mấy bệnh viện xem có người già nào đưa vô không cũng vô vọng. Nghi lo lắng đến bơ phờ, dựng xe ngồi bệt bên vệ đường nghỉ ngơi. Dì để cả tài sản ở nhà con thì con trai dì làm sao? Dì Năm ơi, dì ở đâu rồi?
Xa xa, trong chiếc BMW màu đen, kính chống đạn cũng màu đen không thấy người ngồi trong. Một phụ nữ trung niên sang trọng âm thầm theo sau quan sát cô gái từ lúc cô rời khỏi Sunrise, thấy cô lăng xăng hỏi từng người qua đường, rồi chạy vô các bệnh viện hỏi thăm đến phờ phạc. Thấy thương quá, bà xuống xe tiến lại gần chỗ cô gái.
– Con gái, con tìm ta?
Nghi ngước lên, đứng trước mắt cô là dì Năm, mà không chắc. Là một quí bà cao sang tôn quí. Mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên chưa biết nói gì thì người phụ nữ tiếp tục lên tiếng
– Trời trưa rồi, theo ta về từ từ nói chuyện.
Bà ngồi xuống, lấy khăn giấy lau mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt Nghi nở nụ cười hiền từ. Nghi chỉ nhìn bà kinh ngạc, nhưng rồi cũng làm theo vì Nghi muốn trả bà bọc tiền.
– Dạ, vậy dì Năm về nhà con. Sẵn lấy đồ dì để quên luôn nha.