Nói về Trang vương nước Sở, đương buổi lâm triều, có quan Huỳnh môn vào tâu rằng:
– Vô Diệm lòng hằng ở bạc, bị ác sang hồn xuối suối vàn, vợ chồng Điền Côn lại phản vua Tề lên ở núi Thương Sơn, nay ai chiếu rải cùng hầu bang, nên các nước thảy đều ai phó (điếu tang), vậy ngu thần phải vào tâu phân tỏ với cửu trùng, muốn cho hai nước khỏi sự mất lòng, xin phải cứ theo trong thường lệ.
Trang vương nghe nói Chung hậu chết rồi thì có ý mừng thầm, nhưng hãy còn lưỡng lự, chưa biết phân xử lẽ nào, xảy thấy Ngũ Tân bước ra tâu rằng:
– Năm trước Kỳ Bàn đại hội, ngu thần với Vô Diệm thề chẳng đội trời chung, lòng quyết một lòng toan báo oán, như nay trời chẳng còn dung nó, thì ngu thần xin đem binh tới đó đào mả mà phân thây, trước là trả đặng thù này, sau nữa lại tóm thâu Tề quốc.
Trang vương nói:
– Vương huynh đừng lật đật, để thủng thẳng sẽ hay, Vô Diệm chết chưa đặng mấy ngày, nếu vương huynh đốc chí ra tay, thì các nước cười trẫm vô nhân vô nghĩa.
Ngũ Tân nghe nói giương mắt lên ngó Trang vương mà tâu rằng:
– Nếu bệ hạ chẳng cho trả oán thì ngu thần cũng liều thác phen này.
Nói rồi thò tay rút cây báu kiếm ra, muốn đâm cổ tự vận, Trang vương vội phán rằng:
– Vương huynh tuổi đã bán bách (năm mươi), đi ra đường chinh chiến thì trẫm chẳng an tâm. Thôi thôi! Trẫm cũng chiều lòng, bây giờ vương huynh muốn dùng bao nhiêu nhân mã?
Ngũ Tân cả mừng tâu rằng:
– Lời tục ngữ có nói: Sánh đấng làm trai nào sợ chết, có thù không trả, chẳng lầm người. Ngu thần tuy tuổi đã năm mươi nhưng mà còn đủ sức cầm thương lên ngựa, trước đền ơn thánh chúa, sau trả đặng thù nhà, binh mã xin dùng một muôn ba, ngày mai sẽ đăng trình thượng lộ.
Trang vương liền truyền nội thị dọn tiệc tiễn hành, ba chung ngự tửu khuyến mời chúc bốn chữ kỳ khai đắc thắng. Mãn tiệc Ngũ Tân tạ ơn lui ra, khiến năm vị vương hầu tới giáo trường kiểm điểm nhân mã. Lúc đó Ngũ Tân trở về vương phủ thì phu nhân là Ngọc Nga đã dọn rượu ngồi chờ, Ngọc Nga mới hỏi:
– Nay triều đình có việc gì mà vương gia về chậm như vậy?
Ngũ Tân mới thuật các việc cho phu nhân nghe, Ngọc Nga nghe chồng nói thì đã biết mạng trời đã định, chết sống chẳng lầm, vợ chồng như muốn gặp mặt nhau chỉ có giác chiêm bao mới thấy, nhưng vậy cũng ráng lấy hết nghề tướng thuật mà khuyên cản Ngũ Tân rằng:
– Thiếp xem mặt vương phu, nơi ấn đường có như hắc hãm, vả lại hôm trước thiếp nằm chiêm bao thấy trong hồ nước cạn, cặp oan ương phân lạc đôi nơi, tuy là mưu sự tại người, mà điểm bất tường cũng bởi nơi thiên định. Lời hiền xưa có nói: Cây vì cao lớn nên bị gió gãy, người vì danh vọng nên mới hư mình, vương gia như muốn đông chinh, rủi có việc chi sai chạy, thì vợ con biết phương nào toan liệu?
Ngụ Tân nói:
– cuộc thế sự có cơn bỉ thái, đấng trượng phu nào nại tử sanh, thù năm xưa còn nhớ rành rành, quyết tới đó đào mả phanh thây Vô Diệm.
Ngọc Nga thấy chồng quyết ý, đôi hàng lụy chứa chan lai láng thưa rằng:
– Hôm nay vợ chồng sum vầy một tiệc, ngày mai bắc nam phânrẽ đôi phương, việc đời đoạn thảm tình thương, chi cho bằng sanh ly tử biệt, tuy vương phủ là người oanh liệt, nhưng Vô Diệm hay dùng chước quỷ mưu thần, vậy chớ vương phủ không nhớ hay sao? Hồi năm xưa hỏa hóa lãnh cung, nó tả hỏa độn về nhà ẩn tích, tôi tưởng nó bây giờ cũng làm cách trá tử mà gạt phỉnh người ta, xin vương phủ trước phải đề phòng, kẻo mà lầm mưu độc.
Vợ chồng trò chuyện với nhau mãn tiệc thì trời đã tối, Ngũ Tân bèn truyền quân dọn dẹp nghĩ ngơi, đợi sáng ngày đại hưng binh mã.
Rạng ngày đầu canh năm, Ngũ Tân thức dậy sửa soạn nai nịt, từ biệt phu nhân , cầm thương lên ngựa, thẳng tới giáo trường, chúng tướng đều tới bái yết, sắp đặt đội ngũ, đâu đó chỉnh tề, phát ba tiếng pháo, kéo binh đi ra khỏi thành Hoài Nam, ba quân reo ó vang trời, muôn đội trống chiêng dậy đất. Ngày đi đêm nghỉ, chẳng bao lâu tới Trân Châu sơn, quân thám tử trở lại báo rằng:
– Đây đã tới điạ phận nước Tề, trước mặt đó là chỗ lăng phần của Chung hậu.
Ngũ Tân cả mừng, bèn truyền chúng tướng chia ra mỗi một toán là ba ngàn người, vây núi Trân Châu đủ hướng đông, tây, nam, bắc, phát pháo hạ trại an dinh. Quân Tề nghe tiếng súng nổ hoảng kinh, lật đật về phi báo.
Nói về Tuyên vương từ khi an táng Chung hậu xong, về trào lo việc chánh nước, cứ thường bữa thương nhớ nội trợ chánh cung, lại thường lên thăm viếng mộ phần, coi công bộ trùng tu lăng tẩm. Đang lúc Tuyên vương ngồi buồn rầu suy nghĩ, bỗng thấy quân sĩ báo rằng:
– Chẳng biết nước nào đại hưng binh mã bao vây lương lăng bốn phía đông đầy, lời thật tôi xin tấu bày, xin thánh hoàng định đoạt.
Tuyên vương nghe nói cả kinh, bèn kêu Yến Anh, Điền Năng và mấy vị ngự điệt tới bảo rằng:
– Phân binh bốn phía và đặt những đồ hỏa lôi hỏa pháo, đặng gìn giữ cổng thành.
Sắp đặt xong, vua tôi đêm đó năm không an giấc. Qua ngày sau Ngũ Tân sai Long hổ vương Tiêu Khôi tới dưới chân núi khiêu chiến, quân vào tâu cho Tuyên vương hay, Tuyên vương hỏi:
– Trong các tướng có ai dám ra cự với tướng giặc không?
Hỏi dứt lời có một tiếng người bước ra tâu rằng:
– Mạt tướng bất tài, xin đi lập đầu công.
Tuyên vương coi lại người ấy tên là Lưu Phụng, làm chức tổng binh, vua bèn truyền lịnh cho đi. Lưu Phụng liền cầm thương lên ngựa dẫn theo năm trăm binh ròng mạnh mẽ, kéo xuống đối địch với binh Ngũ Tân. Lúc ấy Tiêu Khôi đương mắng nhiếc om sòm, xảy thấy 1 tướng Tề xông ra mình mặt ngân giáp, đầu đội ngân khôi, tay cầm ngân thương, cưỡi con ngựa bạch, bèn hỏi:
– Tướng Tề kia, tên họ là gì? Mau nói ra rồi chịu chết.
Lưu Phụng thấy tướng Sở sát khí đằng đằng, oai phong lẫm lẫm, mình mặt thiết giáp đầu đội kim khôi, cỡi con ngựa thanh tòng, tay cầm thiết côn mình cao hai trượng mặt tợ hung thần, bèn đáp rằng:
– Ta tên là Lưu Phụng, làm chức đô 1y tổng binh, vậy chớ mày tên họ là gì, nói đi rồi sẽ đánh?
Long Hổ vương đáp:
– Vương gia là Tiêu Khôi, bốn bể đều nghe tiếng, ở Lưỡng Quảng giao binh trăm trận, anh hùng đều phải khiếp oai, đất Hoài Nam có một không hai, thảy đều biết ta lợi hại, mày hãy trở về tâu lại, nói với Tuyên vương mau đem thây Chung Vô Diệm ra đây, nếu như mày chẳng nghe lời, thời ta đập một cây thiết côn này bể óc.
Lưu Phụng nổi giận, hươi thương đâm tới, Tiêu Khôi cũng đưa côn ra đỡ, đánh được ba chục hiệp, Lưu Phụng liệu kế đánh không nổi, bèn quất ngựa tháo lui, bị Tiêu Khôi lẹ tay đánh trúng một côn bên hông tức thì nhào lăn xuống ngựa, quân Tề ào ra cướp xác, thì Lưu Phụng hồn đã về trời. Tiêu Khôi thừa thế rượt nà, quân Tề lật đật chạy về phi báo rằng:
– Nay tổng binh thất trận, Tiêu Khôi còn đánh đuổi rượt theo, nên chúng tôi phải về tâu lại.
Tuyên vương nghe báo đau lòng rơi lệ, thương Lưu Phụng là tôi trung thần, Tuyên vương còn đang thơ thẩn chưa quyết định sai ai, xảy thấy Điền Văn bước ra lãnh mạng đi báo cừu. Tuyên vương dặn rằng:
– Ngự điệt có đi phải đề phòng cho cẩn thận, nếu có điều chi thất thố, thời quả nhân ngồi chẳng an lòng.
Điền Văn cúi đầu vâng mạng lui ra, sửa sang nai nịt, cầm thương lên ngựa, phát ba tiếng pháo dẫn theo tám viên thiên tướng và một ngàn dũng sĩ lướt xông ra trận, chẳng thèm xưng hỏi, cứ lầm lũi hươ thương đâm đùa, Tiêu Khôi cũng đưa côn rước đánh, một rồng một cọp, kẻ lại người qua, đánh hơn một trăm hiệp dư, sức cũng cầm đồng, Tiêu Khôi bèn sanh ra một kế dùng thế cử hỏa thiêu thiên, quày ngựa giang ra ít bước, Điền Văn vừa muốn giục ngựa đuổi theo thì đã bị Tiêu Khôi ngoái lại lại trúng một côn bể đầu chết tốt. Tám viên thiên tướng và một ngàn quân sĩ ào ra cướp thây đặng đem về, Tuyên vương thấy vậy khóc ngất một hồi, mới hỏi rằng:
– Có ai dám ra trận mà báo thù cho cháu của trẫm chăng?
Hỏi dứt lời thì có một viên đại tướng tên là Quản Hổ xin đi. Quản Hổ ra trận, đánh chưa đặng mười hiệp, đã tuông nhằm một côn của Tiêu Khôi, nhào lăn xuống ngựa. Kế đó ra luôn bốn tướng nữa cũng bị bỏ mình, tính lại trận thứ nhất là: Lưu Phụng, trận thứ hai là Điền Văn, trận thứ ba là Quản Hổ, trận thứ tư là Trần Tổng Nhung, trận thứ năm là Bào Cao, trận thứ sáu là Vương Hiển, trận thứ bảy là Hồ Đô Năng, hết thảy là bảy người đều bị một tay Tiêu Khôi sát tử.
Tuyên vương thấy vậy bèn thẳng tới trước mả Chung hậu khóc mà nói rằng:
– Năm trước Hoài Nam phó hội, thiên binh vạn tướng bên Sở, ngự thê chẳng có sợ chút nào, bây giờ có một mình thằng quỷ sứ Tiêu Khôi giết hết bên Tề bảy tướng, nay ngự thê mới chết, thằng Điền Côn cũng phản rồi, trẫm biết tính làm sao mà lui đặng Ngũ Tân cho sớm? Nó lại đòi phá mộ phần của ngự thê biểu đem dâng thi hài cho nó nữa.
Tuyên vương vừa khóc vừa nói. Yến Anh thấy vậy cũng động lòng, bá quan thảy đều thương cảm. Còn Tiêu Khôi thắng luôn bảy trận, thì trời đã tối, liền thâu binh trở lại dinh, Ngũ Tân bày tiệc rượu hạ công, uống tới canh hai mới mãn. Rạng ngày sau, Ngũ Tân thăng trướng, nhóm chúng tướng lại hỏi rằng:
– Nay tướng nào đem binh ra trận đặng biểu vua Tề phải đem thây Chung Vô Diệm ra cho mau?
Nguyên soái là Huỳnh Kỳ lãnh mạng, Ngũ Tân cho đi, Huỳnh Kỳ cầm đao lên ngựa, thẳng tới dưới triều núi Trân châu biểu quân Tề vào tâu với Tuyên vương, đem thây Chung Vô Diệm ra thì sẽ rút binh về nước. Quan chánh ty vào tâu lại, Tuyên vương cả kinh chết giấc một hồi, Yến Anh kêu cứu khuyên rằng:
– Chúa thượng chớ lo, hãy viết miễn chiến bài nói: Xin hẹn một tháng sẽ đem thấy quốc mẫu ra, đặng gạt cho binh Sở lui về dinh, chừng đó sẽ có người tới cứu.
Tuyên vương túng thế phải nghe lời, truyền quân chánh ty làm ngay như vậy, rồi đem treo ở dưới chân núi, Huỳnh Kỳ xem thấy bèn lui binh về trại thuật lại cho Ngũ Tân nghe, Ngũ Tân cũng y hạn cho vua Tề và dốc binh đêm ngày canh tuần nghiêm nhạt. Từ đó binh Sở không tới khiêu chiến nữa,, vừa được một tuần, Tuyên vương cứ thường đem đốt hương vái van cùng Chung hậu, xin cho thần thông quảng đại mà cứu vua tôi cho đặng khỏi chết phen này. Oán khí ấy thấu tới từng mây, nên động giết các vì tinh tú.
Nói về Chung hậu từ khi về nhà đến nay đã được ba tháng, thường ngày chị em tập luyện đao mã, đang khi ngồi chơi hoa viên, xảy có một trận gió thổi tới trong bụng cảm thấy xống xang, liền đánh tay toán quẻ biết rõ sự việc, bèn vào nhà từ biệt cha mẹ, và thuật hết sự thiên tử đi coi tu bổ vương lăng mà bị Ngụ Tân phủ vây khổn hãm. Vợ chồng Chung viên ngoại nói liền hối Chung hậu mau mau đi cứu giá kẻo phạm tội với triều đình. Chung hậu vâng mạng liền sửa sang khôi giáp, lên ngựa cầm đao, đi cả đêm cả ngày, cho mau đến Trân Châu sơn cứu giá.
Đây nói về Điền Côn, từ khi ra ở núi Thường Sơn vợ chồng đốc sức quân sĩ lo làm rẫy bái mà chi độ tháng nggày, còn giữa dinh thời để linh vị Chung nương nương, thường bữa hôm mai cúng tế, lòng thê thảm não theo nước mắt, lúc đứng ngồi như thể ở cạnh tường, biết bao nhiêu đoạn thảm tình thương, hay đâu nỗi mưa gió bất thường, nên Điền Côn sanh ra căn bệnh. Liêm thị lật đật rước thầy về thang thuốc, một ngày một thêm hôn mê chữa không lại. Than ôi! Thời mạng bất tề, nên khiến những người trung mắc nạn, nhưng sách có chữ: Hoàng thiên bất phụ hảo….ngày kia cá cũng hóa rồng, mới phỉ chí anh hùng cái thế.
Còn Chung hậu lúc này cũng vừa tới núi Thường Sơn, bèn dừng ngựa lại xem một hồi, thấy người qua lại dinh trại lăng xăng, thì đã biết Điền Côn nghe theo lời mình ra ở đó, bèn kêu sắp quân tuần dinh bảo rằng:
– Mau vào báo với trại chủ bay, nói có Chung quốc mẫu tới đây, mau ra nghênh tiếp.
Quân tuần dinh nghe nói thấy làm lạ, nhưng phải vào bẩm lại cho vợ chồng Điền côn hay. Lúc đó Điền Côn đương cơn bịnh trượng nghe những lời bán tín bán nghi, hay là quốc mẫu hóa thân trá tử? Nghĩ rồi vợ chồng dắt tay nhau xuống núi, đặng coi chân giả thế nào, vừa đi một đỗi xa. Thoại Hoa thấy Chung hậu mười phần tỏ rõ, bèn la lớn lên rằng:
– Ôi mẹ ôi! Mẹ có anh linh hiển hách, xin đừng tới nhát dâu con làm chi tội nghiệp.
Nói vừa dứt lời thì té ra chết giấc, tám vị tổng binh xúm lại cứu tỉnh đem về dinh, còn Điền Côn là một đấng anh hùng chẳng có sợ gì ma quỉ, vả lại bấy lâu cứ đem lòng hoài vọng, trông sao cho mẹ con đặng gặp mặt nhau, dầu sống chết thế nào cũng chẳng quản. Thấy vậy bèn giục ngựa tới hoài, gặp tận mắt. Điền Côn xuống ngựa quì lạy và mừng rỡ vô hồi, rước thẳng về thảo dinh mà phân trần sau trước. Khi tới nơi quân vào báo lại cho Liêm thị hay, Thoại Hoa lật đật bước ra, rõ ràng đủ mặt một nhà, nhưng còn ngờ giấc chiêm bao đâu đó, mới buông lời thưa rằng:
– Muôn tâu vương mẫu, xin tha tội cho con, bấy lâu nay chưa rõ sự mất còn, nên con thất lê viễn nghênh quốc mẫu.
Chung hậu nói:
– Số là vương nhi và vương tức chưa rõ để mẹ phân lại cho nghe: Ấy gọi là kế điệu hổ ly sơn, mà gạt vua tôi nước Sở, nếu trừ được Ngũ Tân rồi thì mới yên mối họa lớn, vì vậy nên mẹ giả chết mà dụ nó hưng binh, trong cẩm nang mẹ dặn đã rành rành, ngày nay mau phải toan mưu cứu giá. Bây giờ đây thìn tử ở núi Trân châu đương bị khốn, còn tường Tề đã chết hết bảy người, vua tôi đều cam chịu bó tay lúc này mẹ phải đi suốt đêm ngày tới trước, còn vợ chồng con hãy tóm thâu binh mã theo sau mà thâu phục Sở thần.
Nói rồi cầm đao lên ngựa thoăn thoắt như tên bay. Vợ chồng Điền Côn sau khi đưa Chung hậu ra khỏi dinh truyền cho tám vị tổng binh thâu góp lương thảo, sắp đặt quân sĩ, kế phát pháo đốt dinh, đồng thẳng tới núi TrânChâu tiếp ứng.
Nói về Chung hậu nóng việc cứu giá, đi chẳng kể đêm ngày, không mấy bữa đã gần tới Trân Châu sơn, bèn đứng ngựa lại xem cuộc thế, ngó thấy dinh Sở lập ra trận Nhĩ long quy hải, bốn phương tám hướng đều kín bít như bưng, không thế nào mà xông đục vòng vây cho đặng, liền trở mặt qua hướng tây bắc, đòi thần làm gió tới mà phân bảo vân vi. Thần phong bá nổi trận gió tức thì đầy núi những đã bay cây ngã, binh Sở đều sơ vơ xửng vửng, dinh trại cũng sập nằm sấp lớp một bề. Chung hậu khi ấy giục ngựa lướt vào nói rằng:
– Ta là Chung Vô Diệm, tới cứu giá vua Tề, phải nhượng lộ cho ta đi, nếu không thì chẳng toàn tánh mạng.
Quân Sở nghe nói ngửa mặt lên ngó, thấy một người như quỉ sứ, ngỡ là thần thiên lôi, kẻ té ngửa, người té ngồi, kẻ bỏ thương người rớt mão, lật đật kéo nhau chạy đi phi báo, ngó lại sau thì cũng thấy quỉ sứ đuổi theo, chẳng khác như cọp đuổi bầy cheo, chim đại bàng lùa se sẻ, Tiêu Khôi khi ấy nghe quân báo cặn kẽ, liền nổi giận xách côn bước ra. Chung hậu thấy tướng Sở hình thủ như Phật Kim Cang, đầy mình mặc giáp sắt, bèn cầm đao chỉ mặt mà hỏi rằng:
– Tướng Sở tên họ là? Ai gia chẳng giết đứa vô danh, hãy vào biểu Ngũ Tân ra đây đối địch.
Tiêu Khôi thấy Chung hậu hình dung cổ quái như quỷ như yêu thì cũng nghi, bèn hỏi rằng:
– Mầy là Chung Vô Diệm phải chăng?
Chung hậu đáp:
– Phải.
Tiêu Khôi nói:
– Năm trước Kỳ ban hội chưa từng giao phong, ấy là bởi ý thiên công, cho mầy sống thêm ít năm nữa. Nay ta hỏi sao mày dám giả tới Túy Bình sơn cải giá chiêu phu mà gạt vua nước Lỗ, nước Lương. Mới đây ta lại nghe nói rằng: Mày bị phát mụn tâm đinh mà từ thế, làm sao mày ở đâu mà sống lại tới đây cứu giá? Còn như mày bây giờ muốn biết tên mỗ thời ngoáy lỗ tai cho rộng mà nghe: Sở bang Long Hổ vương Tiêu Khôi là ta đây, hãy mau cúi đầu mà chịu côn này, nếu không thời vương gia giết chết.
Chung hậu đáp:
– Vua tôi bây trúng kế, hãy chịu trói đi cho rồi.
Tiêu Khôi nổi giận, hươi thiết côn đánh tới, Chung hậu cũng đưa đao ra đỡ gạt, một đằng có Huỳnh công tam lược một đằng có đủ Lữ Vọng lục thao, Chung hậu thì thông pháp lực đã cao, Tiêu Khôi lại võ nghệ siêu quần hảo hớn. Hai bên đánh ba trăm hiệp, Tiêu Khôi thất ý đề phòng, bị Chung hậu chém trúng một đao, phân thây ra làm hai đoạn, quân Sở có bốn viên tướng, ào ra cướp lấy thi hài, bèn mau vào trung dinh báo với Ngũ Tân hay rằng:
– Long Hổ vương bị tay Vô Diệm, hồn đã xuống thấy Diêm vương, khi không mang họa phi thường, vương gia phải lo phương cự địch.
Ngũ Tân nghe nói cả kinh, khóc ngất một hồi mới tỉnh, bèn nói với chúng tướng rằng:
– Chung hậu đã bị tâm đinh sang tận số, Chung hậu nào còn sống trên đời? Bởi cớ ấy ta mới sang đây quyết bới thây người nên người mới hiện ra mặt phò Tề chúa đó. Thôi truyền chúng tướng sắp bày một lễ, đặng cho ta tế vong hồn Chung hậu.
Chúng tướng vâng lệnh, bày lễ vật rượu trà ra. Ngũ Tân cúng tế xong, cầm thương lên ngựa dẫn theo tám viên thiên tướng, vừa ra khỏi cửa dinh. Chung hậu thấy mặt Ngũ Tân thì cười rằng:
– Ta chào Trung Hiếu vương mạnh giỏi, có ai gia tới đây.
Ngũ Tân xem thấy Chung hậu mười phần mạnh mẽ hơn xưa thì châu mặt châu mày mà mắng rằng:
– Đồ xủ phụ, thiệt là vô liêm sỉ, mưu tâm cứu đi gạt gẫm người ta hoài, nay linh hồn đà hiển hiện về đây, thôi để vương gia làm chay cho chín bữa.
Chung hậu cười rằng:
– Ai gia có chết chóc gì đâu mà toan hòng cúng tế. Ấy là vua tôi bây quả đà trúng kế, chước ấy gọi là điệu hổ ly sơn.
Ngũ Tân nghe nói trúng kế tức thì tức giận hươi thương đâm nhầu, Chung hậu cũng đưa đưa rước đánh hơn hai trăm hiệp sức cũng cầm đồn. Chung hậu mới nghĩ rằng:
– Trong thiên hạ thì có bốn người vô địch: Ngũ Tân, Tôn Tháo, Điền Côn và ta đây thôi. Nếu ta dùng sức đánh với nó hoài thì khó bề hơn đặng, chi bằng dùng kế giết nó đi cho rồi. Nghĩ rồi bèn dừng tay lại nói với Ngũ Tân rằng:
– Chẳng cần ngồi trên ngựa hươi đao múa thương làm chi, hãy xuống ngựa đánh quyền với ta mới rõ tài cao thấp.
Ngũ Tân gật đầu, hai người bèn xuống ngựa bỏ thương, liệng đao sửa soạn đánh quyền. Chung hậu lại nói:
– Mày chịu cho tao đánh một thoi này thì mới gọi là người hảo hớn.
Ngũ Tân nói:
– Mày chịu một quyền nay ta mới gọi mày lợi hại.
Hai bên bằng lòng. Chung hậu hường cho Ngũ Tân đánh trước. Ngũ Tân nói:
– Ta đường đường là một nam tử, có lẽ đâu đi đánh trước đàn bà. Thôi đừng nói nhiều lời nữa, tao cho mày đánh trước đó.
Nguyên Chung hậu có phép ngũ lôi thần chưởng mà Ngũ Tân không hay, ấy cũng bởi số trời, Ngũ Tân chết nơi tay Chung hậu. Chung hậu bèn co tay lại, miệng niệm ít tiếng chơn ngôn, đánh chạt đại vào mặt Ngũ Tân, tức thì bể đầu té xuống chết tốt. Than ôi! Một vị Sở triều lương đống, thọ ngươn có bốn mươi chín tuổi mà bị về trời.
Khi ấy binh Sở áp lại, tư vi, Hoài Nam hầu là Bá Trình thấy Ngũ Tân chết rồi cũng múa đao định chém tới đánh Chung hậu chua đặng mười hồi đã bị một đao đứt là hai khúc. Thạch Phụng bèn nổi giận hươi thương đâm tới, bị Chung hậu lẹ tay gạt ra quá mạnh, rồi chém tới một đao trùng lên đầu, tức thì mãn đĩa huyết lưu, giây lát hồn về chín suối.
Đông Bình vương là Liêu Cái và An Phụng, Giáng Khôi lại vùa binh áp tới vây phủ. Chung hậu một mình tả xông hữu đột, ra khỏi trùng vi thẳng tuốt lên Tran Châu sơn kêu quân báo rằng:
– Hãy tâu với vua Tề có Chung Vô Diệm tới cứu giá.
Quân chánh ty lật đật vào tâu rằng:
– Quốc mãu thật là chưa chết, chúa công quả có cứu tinh, xin bệ hạ phát chỉ khai dinh, sai quan ra nghinh tiếp.
Tuyên vương nghe tâu cả mừng khấp khởi như cây khô gặp được trời mưa, liền nói với Yến Anh rằng:
– Quân sư toán que thiệt chẳng sai.
Nói rồi truyền văn võ bá quan hộ giá xuống núi nghênh tiếp.
Khi xuống tới chân núi, Chung hậu xuống ngựa quì tâu rằng:
– Thần hậu cứu giá tới chậm trễ, tội dư muộn thác.
Tuyên vương bước tới đỡ dậy, khóc mà nói rằng:
– Nếu chẳng có ngự thê cứu mạng thì trẫm đã hồn xuống suối vàng, vì quả nhân lên đâu tu tróc Vương Lăng nên mới bị Ngũ Tân vây hẫm. Tiêu Khôi giết luôn bảy tướng, trẫm đà thất phách kinh hồn. Quân sư lại nói: Ngự thê còn ở Pháp Mã thôn sẽ có ngày tới đây cứu giá.
Chung hậu lại tâu:
– Xin bệ hạ đừng lo sợ mà hao tổn mình rồng. Tiêu Khôi đã bị thần hậu giết rồi, còn Ngũ Tân cũng bị chưởng lôi đánh chết, quân Sở đã thấy tha la hết, chắc nay mai rồi cũng phải rút hết về.
Tuyên vương nghe nói cả cười, rồi vợ chồng dắt tay thẳng lên sơn trướng, vào ngồi nơi long ỷ. Bá quan triều bái xong, Tuyên vương mới thuật lại khi Chung hậu chết, Điền Côn lại phản nữa, không ai lui binh Sở, nên phải khốn thủ Sơn Lăng. Chung hậu tâu rằng:
– Vương nhi thiệ vô tâm tạo phản, bởi có lời cẩm nang của thần hậu để lại, biểu nó theo đó mà làm sẽ tới Trân Châu sơn cứu giá, như vậy mới bảo toàn được triều Tề thiên hạ, bằng không thời chết cả hai. Nay thần hậu đã gặp rồi, nó hãy còn sát lại xông trận.
Vua tôi Tề nghe nói rất mừng, liền lạy tạ ơn trời đất và khen Chung hậu mưu kế vô song. Kế đó liền truyền bày tiệc rượu hạ công, bá quan thảy đều vui mừng hớn hở.
Nói về vợ chồng Điền Côn sát nhập trùng vi, tìm chẳng thấy Chung hậu đâu cả, trong lòng nóng này một bề cứu giá, lại không biết mẹ đi ngã nào, khắp đông tây chẳng thấy âm hao, qua nam bắc chém người như chém chuối. Tướng Sở chẳng ai địch nổi, rủ nhau đều vỡ chạy như ong, ba quân hăm hở một lòng, tám tướng anh hùng hiệp lực, đuổi binh Sở chạ ba mươi dặm, khí giới bỏ chất đống như non. Liêm Thoại Hoa bèn minh kiến thâu quân đặng lên Sơn Lăng ra mắt thiên tử.
Khi lên đến núi bèn thông báo cho quan chánh ty hay rằng:
– Vợ chồng Điền Côn đến đây lui binh Sở giải vây cứu giá.
Quân chánh ty liền vào tâu lại, Tuyên vương truyền chỉ cho nhập dinh, vợ chồng tới trước kim trướng lạy dài chịu tội tôi con tạp phản. Thiên tử nói:
– Ấy là tại ngự thê diệu toán chớ trẫm nào có trách chi vương nhi.
Vợ chồng Điền Côn rất mừng, kế thiên tử truyền nội thị mở tiệc yến diên, bá quan thảy đều khánh hạ.
Yến Anh khi ấy bước ra tâu rằng:
– Nay ba tháng dư túc trúc Vương Lăng lắm cũng khó, bây giờ quốc mẫu đã tới đây hiệp hội rồi, xin khai phá mộ phần mà khám nghiệm hình thảo còn tươi như trước chăng?
Tuyên vương nghe nói lấy làm lạ, nhưng cũng nhận lời, bèn truyền ngự lâm quân đào lên coi quả như lời chẳng sai. Bá quan thảy đều khâm phục, vua Tề cũng khen ngợi vô cùng, thưởng tài quân sư mười lượng vàng ròng để đền ơn mưu cao toán giỏi. Tiệc mãn thì trời đã tối, ai về dinh nấy nghỉ ngơi.
Nói về Trang vương từ khi Ngũ Tân phụng mạng đi phạt Tề, thường ngày có thiệp văn dâng về, đã rõ tin vua Tề treo miễn chiến bài, hạn một tháng thì đem thi hài Chung hậu ra nộp. Trang vương thấy vậy lấy làm đắc ý, vua tôi đều hoan hỉ vô hồi. Ngày kia vừa mới lâm triều, thấy quan huỳnh môn vào báo rằng:
– Đông Bình hầu thất trận trở về còn ở trước Ngọ môn đợi lịnh.
Trang vương nghe tâu ngẩn ngơ, liền truyền chỉ cho vào, Liễu Cái tới trước Kim Loan điện khóc rống lên một hồi, nội trào chưa ai hiểu sự kiết hung, Trang vương cũng chưa thường chung thỉ, bèn hỏi:
– Có việc gì thì nói, Hầu gia khóc lóc làm chi.
Liễu Cái bèn tâu rằng:
– Từ khi giáp trận, Trung Hiếu vương vây khổn đặng Bồn Long lãnh, kế đó Long Hổ vương lại giết được bảy viên tướng Tề , Tuyên vương sợ hãi xiết chi nên viết miễn chiến bài đem ra kỳ hạn một tháng. Dè đâu Vô Diệm trá tử man thiên, vợ chồng Điền Côn lại đem binh cứu giá. Thứ nhất Tiêu Khôi xuất mã, bị Vô Diệm một đao về trời. Ngũ vương gia nổi giận mới ra binh, lại bị Ngũ lôi của Vô Diệm đấu quyền đánh chết. Còn Bá Trinh và Thạch Phụng thảy đều hồn xuống suối vàng, nay còn có một mình tôi nên tôi phải phải thâu góp binh tàn trở về trào phục tội.
Trang vương nghe nói thương tiếc khóc lóc và nói rằng:
– Than ôi! Mấy vị Sở thần như núi bị có một con xủ phụ mà hết thảy mạng vong.
Trang vương khóc lóc một hồi rồi té nhào xuống dất chết giấc. Văn võ triều thần xúm lại cứu, rờ nơi tam tiêu đà hết thở, tứ chi lạnh ngắt như đồng, sao tướng tinh Kim tý thần long đã bay về Thiên tào chầu chực. Bá quan thấy thiên tử đã băng hà liền khóc rống lên với nhau một hồi rồi sai nội thần à cung rước đông cung thái tử là Hỉ Dương ra. Khi thái tử nghe tin ai báo, lật đật tới Kim Loan điện, khóc ngất một hồi, bá quan xúm lại khuyên rằng:
– Nay tiên hoàng đã yên giấc về trời, xin điện hạ phải âu lo việc lớn.
Thái tử nguôi đoạn thảm, bá quan rước thẳng vào nơi thiên cung, thay y quan, tắm gội xong rồi, phò lên ngai rồng ngồi giữa. Bá quan tung hô triều hạ chúc tân vương phúc thọ thiên niên, việc lên ngôi sắp đặt đã yên, lo tẩn liệm tiên hoàng nghi vệ. Lúc đó tân vương sắc sai Bộ lễ, làm chiếu văn tỏ rõ khắp thần dân, ai nấy đều quải hiếu cư tang bốn mươi chín ngày thích phục. Lại rước linh dư (quan tài) vào để nơi Bạch Hổ điện, chờ coi ngày kiết tán hoàng lăng (sách có chữ: Hàm quyết phún nhan ô tử khẩu). Bởi trước vua tôi Sở quyết đi đào thây Chung hậu, hay đâu bị bỏ mình, đạo trời ứng báo đành rành, dục hại tha nhân tiên hại kỷ là vậy.
Đây nhắc lại Tuyên vương và Chung hậu nghỉ binh ba ngày rồi truyền lệnh ban sư trở về Lâm Tri. Nhiếp chánh vương và bá quan đều ra tiếp giá. Khi vợ chồng về tới triều, thẳng vào Kim Loan điện, bá quan triều báo xong, thiên tử truyền Đông Lộ vương tra xét kho tàng, khao thưởng cho quân sĩ. Lại sai nội thần dọn yến, vua tôi đồng sĩ lạc thăng bình. Tiệc rượu tới thâm canh mới mãn, văn võ triều thần các tán, ai lui về phủ nấy nghỉ ngơi.