Cuộc gặp gỡ giữa Hạnh và sếp tổng đã làm cho mọi người bàn tán xôn xao, họ đưa ra nhiều giả thiết về hai người… nhưng có nghĩ thế nào cũng cảm thấy không hợp lý. Bởi lẽ, xét về trình độ, cấp bậc thì Dương và Hạnh hoàn toàn không khớp nhau, anh ở vị trí cao ngất trời… còn Hạnh, cô chẳng có gì, thậm chí chỉ là một cô bé dọn vệ sinh. Nếu nói giữa họ có tình cảm cá nhân thì thật không thể tin nổi, trong công ty có biết bao nhiêu mỹ nữ xinh đẹp lộng lẫy, Dương không để mắt đến ai mà chú ý đến con bé dọn vệ sinh thì chỉ còn nước trời sập. Nhưng tất cả chỉ là suy đoán, bởi ai có gan mà chất vấn chuyện này với sếp tổng được chứ?
Còn Hạnh, cô lủi thủi làm việc một mình, hầu như không giao lưu kết bạn với ai, bởi vậy, chuyện cô lên gặp sếp tổng dù có người tò mò nhưng không ai dám hỏi chuyện. Tuy vậy, mọi người vẫn không ngừng dùng ánh mắt dò xét đối với cô, thậm chí một vài thành phần quá khích còn buông những lời lẽ thiếu tôn trọng… mỗi lúc như vậy Hạnh thầm an ủi chính mình, cứ bình thản, bởi bản thân trong sạch, không trèo kéo thì họ có đồn đại thế nào cũng không lung lay được cô.
Nghĩ thì hay nhưng để làm được thì thật khó, những ánh mắt, những lời đàm tiếu khiến cô áp lực và mệt mỏi vô cùng. Dọn dẹp vệ sinh không hề nhàn hạ, phải dùng sức cả ngày, đã vậy tâm trạng lúc nào cũng nghĩ đến mấy chuyện không vui nên Hạnh thấy mình gần như kiệt sức.
Chuyện gì cũng vậy, mới đầu xảy ra thì ai cũng tò mò háo hức cố tìm hiểu vấn đề, nhưng dần dà, thấy khoảng cách giữa sếp tổng Dương và Hạnh – con bé dọn vệ sinh không hề có dấu hiệu gặp gỡ riêng hay tình cảm cá nhân gì thì những tin đồn lúc trước cũng lắng xuống. Ai có công việc của người nấy, chẳng ai bận tâm đến Hạnh và những chuyện không tên trước đó nữa.
Dương không tìm gặp Hạnh, thời gian đầu cô thấy hơi buồn, nhưng sau Hạnh lại tự an ủi chính mình, anh ấy quên mình, không gặp mình có khi lại là chuyện tốt. Những gì mà có dính líu đến Dương thì cả công ty này đều sẽ biết… thà làm người dưng còn dễ sống hơn. Anh ấy không tìm gặp cũng không đòi hỏi gì đến số tiền đã giúp đỡ Hạnh khi gặp nạn, nhưng Hạnh vẫn luôn ghi nhớ, hàng tháng cô cố gắng tích cóp một ít. Hy vọng sẽ làm được đến ngày trả đủ số tiền đó cho Dương… và, cô sẽ rời khỏi nơi này, Hạnh muốn rời đi từ lâu rồi, nhớ nhà và người thân, nhưng cảm giác mắc nợ và mang ơn anh ấy khiến cô không nỡ rời đi.
Cái giá lạnh của mùa đông tràn về, ngày giỗ mẹ cũng sắp đến, nỗi nhớ mẹ, nỗi hận bố năm nào lại canh cánh trong lòng. Từ ngày thoát khỏi sổ tử thần, Hạnh chưa một lần về nhà cũng như không thông tin gì về cho các anh chị. Nghĩ tới nghĩ lui, làm ở đây cũng hơn 4 tháng rồi, cô quyết định về nhà một chuyến, thứ nhất là ngày giỗ tự tay thắp cho mẹ nén nhang, sau nữa là muốn cho các anh chị yên tâm, đi biệt như thế quả thực Hạnh thấy mình có lỗi với mọi người lắm. Anh em như thể tay chân, lúc bản thân hoạn nạn thế này cô không nương nhờ anh chị mà tự mình bươn chải ngoài xã hội, chắc chắn mọi người sẽ thất vọng về cô…
Hạnh xin phép tổ trưởng cho nghỉ 3 ngày để về làm giỗ mẹ, ban đầu chị ấy không đồng ý, không còn cách nào khác, cô nói dối là có quen với sếp tổng, mong chị ấy nể mặt mà châm trước cho. Quả nhiên, nghe câu người quen của sếp tổng, cộng thêm lời đồn đại trước đây giữa Hạnh và anh ấy nên chị tổ trưởng đồng ý luôn còn hẹn lên làm đúng ngày kẻo bị trách phạt.
…
“Hạnh… Con Hạnh đâu?
Dạ, con đây mẹ!
Lấy cho mẹ cốc nước, nắng nóng khát khô cả cổ.
Nước đây, mẹ uống đi, ở ngoài ấy họ không có nước cho mọi người uống à mẹ?
Có, nước đá mát lắm, nhưng họ tranh nhau uống hết mẹ chả được ngụm nào”.
…
“Hạnh ơi, mẹ lạnh lắm… chân mẹ đau, hôm nay con quên không bôi thuốc cho mẹ à?
Mẹ, con đang giã lá thuốc đây, mẹ chịu khó một tí nữa nhé…
Làm nhanh tay lên, da mẹ căng rát đau lắm.
Vâng, thầy thuốc bảo phải giã nát đắp vào mới nhanh đỡ mẹ ạ.”…
“Hạnh,… Hạnh ơi… “…
– —–
Này, cô em ơi!
Dậy… dậy đi… cho anh xin tiền vé xe nào, ngủ say thế?
Nghe tiếng người nói Hạnh mở mắt ra nhìn. Hóa ra nãy giờ chỉ là mơ thôi, cô vừa mơ gặp mẹ, nhưng tại sao mơ lại giống thật đến thế, giọng mẹ còn ấm áp bên tai… Hạnh thần người ra vì còn lưu luyến hình ảnh của mẹ, đã bao lâu rồi nhỉ? Nước mắt chảy dài trên gò má, tay cho vào túi đồ lấy tiền trả vé xe, Hạnh sụt sịt nói:
Sắp đến nơi chưa anh ơi?
Sắp tới rồi, 10 phút nữa thôi, sao tự nhiên lại khóc thế?
Anh lơ xe tỏ vẻ quan tâm khi thấy Hạnh đang bình thường mà bỗng nhiên lại khóc. Hạnh không trả lời, anh ấy lại tiếp:
Đi xa lâu ngày quá không về hả?
Dạ, tiền vé đây anh ơi.
Anh xin.
Nhà em ở đoạn nào vậy?
Thấy Hạnh mặt mũi cũng trẻ, dễ nhìn nên anh lơ xe có ý tán tỉnh, bắt chuyện làm quen.
Anh có phải người làng này đâu mà biết được?
Nhà em ở xa lắm, tận cuối làng cơ.
Em nhầm rồi, làng này chỗ nào anh chả biết, đúng là nhà anh cách chỗ nhà em hơi xa, nhưng thanh niên mà, ngày trước còn đi học anh cùng đám bạn đi tán gái ở làng em suốt.
Thật á?
Hạnh bị cuốn vào câu chuyện của anh lơ xe nên quên đi cảm xúc khi nãy, cô ngờ nghệch hỏi lại.
Vậy anh bao nhiêu tuổi rồi?
Em đoán xem.
Anh 27 chưa?
Nhìn anh già thế kia à? Anh mới 23 thôi!
À… vâng. Em…
Chắc tại anh đi xe, lam lũ nên hơi già trước tuổi, nhà em ở cuối làng có gần nhà con bé Tuyển không?
Chị Tuyển ạ? Em có.
Mà sao anh biết chị ấy?
Thì anh học cùng nó mà, ngày trước thỉnh thoảng sang chơi… thế nhà em cách đó xa không?
Dạ ngay cạnh anh ạ!
Ô… hihi gần thế à?
Vậy tối anh qua chơi nhé, có đuổi anh không?
Anh rảnh mà ghé qua chị Tuyển thì sang em chơi cũng được, chỉ sợ…
Hạnh ngập ngừng.
Chỉ sợ làm sao hả em?
Dạ… không sao đâu… em định nói cái gì ấy nhưng quên mất rồi.
Anh có việc đi đâu mà qua chỗ làng em, tiện thì ghé qua nhà em chơi nhé!
Hạnh lịch sự mời xã giao vì cô nghĩ cũng chỉ là câu chuyện của người qua đường, chắc gì người ta đã rảnh mà qua…
Ok em. Lúc ấy nhớ đừng thả chó ra đấy!
Anh lơ xe đùa cợt.
Hihi… anh yên tâm đi, có con gì em thả hết ra luôn ấy…
Mà em tên gì nhỉ?
Em tên Hạnh ạ.
Hạnh à?
Vâng. Còn anh?
Anh tên Khánh. Em cho anh số điện thoại được không?
Dạ… em không dùng điện thoại anh ạ!
Thật hay đùa đấy, không muốn cho anh số chứ gì?
Em nói thật mà, em không dùng điện thoại nên ko có số…
Ừ… không có thì thôi, mà này, mai mua cái máy mà dùng cho tiện em ạ! Giờ đi đâu không có điện thoại cũng phức tạp đấy!
Vâng. Vậy em chuẩn bị xuống xe đây!
Ừ. Chào em nhé, mà này, khi nào anh xuống nhớ đừng thả chó đấy…
Hạnh xuống xe rồi anh Khánh còn nói đùa thêm mấy câu khiến cô buồn cười, kể ra có người trò chuyện cũng vui phết, nhưng nụ cười trên môi còn chưa tắt thì tâm trạng cô lại nặng trĩu khi nhìn thấy làng mình ở phía trước. Từng kỉ niệm thời thơ ấu chợt ùa về trong kí ức, những ngày nắng đạp xe đi học cùng lũ bạn, những ngày mưa được nghỉ học rủ nhau ra đồng bắt cá… Những tháng ngày cơ cực có mẹ ở bên, và cả bố nữa! Nghĩ đến bố, nỗi căm hận lại dâng trào trong lồng ngực, cuộc đời xô đẩy như ngày hôm nay chẳng phải là do người bố mất hết nhân tính đó sao?
Khoác cái túi trên vai, Hạnh lững thững đi về nhà mình, trên đường có gặp vài người quen, cô lễ phép chào hỏi, mọi người vẫn nghĩ lâu nay Hạnh sống cùng với anh cả- chị dâu nên bây giờ gặp không ai hỏi han thắc mắc gì. Nhà cửa lâu ngày không ở chắc bụi và bẩn lắm! Hạnh nghĩ thế rồi cô rảo bước đi nhanh hơn, về nhà dọn dẹp để buổi trưa có chỗ mà nghỉ ngơi. Từ ngày mẹ mất, bố ngồi tù, Hạnh lên sống chung với anh chị nên căn nhà của bố mẹ cô bỏ không, thỉnh thoảng ngày rằm mồng một có mấy người họ hàng đến thắp hương và quét dọn cho. Ngày giỗ mẹ thì mọi người mới tụ tập kéo nhau về đông đủ, ngày mai giỗ mẹ rồi chắc chắn chiều nay các anh chị sẽ tới để chuẩn bị.
Khi đi qua nhà chị Tuyển, Hạnh chợt nhớ tới anh lơ xe, anh ấy tên gì nhỉ? À anh Khánh, mới đây mà đã quên ngay được, anh Khánh nói ngày trước học cùng chị Tuyển, thỉnh thoảng có sang chơi… nhưng ngày ấy Hạnh còn nhỏ, hơn nữa, chị Tuyến lớn tuổi hơn, là hàng xóm nhưng chị em cũng ít chơi với nhau. Chị Tuyến đi học cao đẳng sư phạm rồi lấy chồng trên thành phố luôn, Hạnh thì ở bên nhà anh cả, thành ra mấy năm rồi cô chưa gặp chị ấy. Nếu hôm nay không trò chuyện với anh lơ xe có lẽ Hạnh cũng không nhớ đến chị hàng xóm kế bên nhà.
Đầu óc đang e ngại về căn nhà để hoang lâu ngày, bây giờ về ở cũng thấy hơi sợ sợ vì ở một mình, nhưng khi đi vào đến ngõ Hạnh đã thấy trong nhà có tiếng trẻ con khóc và quát tháo nhau ầm ĩ.
Anh Kiên, anh đi nấu cơm đi kẻo trưa bố về bố mắng đấy!
Tiếng con Dâu đang nhắc nhở thằng anh nó.
Anh xem tivi một tí rồi anh nấu, mày không trông em đi à? Nó đang nghịch đất bẩn kia kìa…
Em chơi với nó từ sáng đến giờ chán lắm rồi, anh chơi với nó đi!
Vậy tí mày nấu cơm nhé..
Nấu cơm là việc bố giao cho anh mà?
Anh không biết, anh chơi tí rồi anh đi nấu cơm, mày trông em đi, con Hoa nó bé tí, lại là con gái, nó không thích anh đâu!
Anh lười vừa thôi, tí về em mách bố.
Mày mách bố tao đánh cho giờ… cứ động tí đòi mách bố…
Thằng Kiên năm nay mới học cấp 2, đang vào độ dậy thì nên nhìn cao lớn phết, thấy nó định giơ tay lên đánh con Dâu, Hạnh chạy nhanh vào quát to:
Kiên, sao cháu lại đánh em?
Nghe tiếng quát cả ba đứa chúng nó quay ra nhìn rồi ngạc nhiên:
A, cô Hạnh, cô đi đâu về thế cô Hạnh ơi?
Con bé Hoa chạy ra ngoài đón cô, bố mẹ ít chăm sóc nên nhìn nó bé tí, còi còi nhưng được cái nhanh nhẹn:
Cô Hạnh… cô Hạnh…
Nghe tiếng cháu gọi mà tim Hạnh thắt lại, dù không đẻ ra nó nhưng Hạnh sống chung nhà anh cả mấy năm trời, cô cháu suốt ngày quấn quýt bên nhau, thậm chí Hạnh còn bế bồng chăm bẵm nó còn hơn chị dâu- mẹ đẻ nó nên tình cảm gắn bó lắm. Trước đây Hạnh không nỡ rời đi cũng là vì thương các cháu…
Cô đây! Hoa lại đây cô bế nào!
Con bé ngả vào lòng cô, lâu ngày không gặp nên nó òa khóc, nước mắt giàn giụa làm cho mặt mũi lem luốc. Thằng Kiên, con Dâu thấy thế cũng lặng im không nói gì, khóe mắt chúng đỏ hoe như chực khóc.
Sáng nay đã rửa mặt cho em chưa mà sao mặt nó đen nhẻm thế này?
Hạnh sụt sịt ngửng đầu lên hỏi hai đứa lớn.
Dạ chưa!
Cái Dâu nói lí nhí.
Cô Hạnh ơi, cô đi đâu mà mấy tháng qua bố cháu tìm cô không thấy vậy?
Thằng Kiên lại hỏi câu lúc nãy mà Hạnh chưa trả lời.
Cô đi làm!
Mà mấy đứa sao lại ở đây? Bố cho về để giỗ bà nội à?
Không ạ.
Bố con cháu về đây lâu rồi.
Chuyện là thế nào? Nói cho cô nghe xem nào, tại sao lại về đây ở? Thế nhà cháu đâu?
Cả mẹ nữa?
Hạnh lúc này mới nhớ ra chị dâu, đúng thế, bọn trẻ về đây tại sao không thấy chị dâu đâu nhỉ? Nghe Hạnh nói, con Dâu lúc này mới tu lên khóc mếu máo rồi nói:
Cô ơi… cô Hạnh ơi.. hu hu..
Mẹ cháu đi lấy chồng khác rồi… mẹ không ở với ba anh em cháu nữa… huhu…
Thằng Kiên nghe con Dâu nói thế nước mắt cũng chảy dài, nó là con trai nên không bộc lộ cảm xúc dữ dội như con Dâu. Hạnh thần người ra, thật không ngờ cũng có ngày này, chỉ là… chuyện này lại xảy ra sớm như vậy. Hạnh đã hiểu ra vấn đề, còn quá nhiều về mẹ của ba đứa trẻ này còn chưa nói ra nhưng chúng vẫn còn là trẻ con, hơn nữa, người đàn bà đó lại là người sinh thành ra chúng nên tình mẫu tử không thể thay thế được.
Thế bố cháu đâu?
Bố cháu đi xây ở làng bên, đến trưa bố cháu về cô ạ!
Thằng Kiên đáp.
Ừ. Thế ba đứa ở nhà trông nhau à?
Mà sao hôm nay không đi học?
Cô Hạnh ơi, Anh Kiên anh ấy bỏ học rồi..
Còn cháu hôm nay là thứ 7, tiểu học có phải học thứ 7 và chủ nhật đâu cô?
Cái gì?
Kiên?
Tại sao cháu lại bỏ học vậy hả? Mới học cấp 2 đã nghỉ là sao?
Hạnh ngỡ ngàng.
Bố mẹ cháu bỏ nhau, mẹ đi lấy chồng mới để ba anh em cháu ở với bố…
Bố cháu làm không đủ nuôi ba anh em ăn học nên cháu nghỉ ở nhà trông em cho bố cháu đi làm…
Còn cái Dâu… vẫn đi học cô ạ.
Thằng Kiên thật thà kể lể.
Nghe cháu nói Hạnh đau đớn vô cùng, đây cũng chính là điều mà trước đây cô đã lo lắng xem có nên nói chuyện về chị dâu cho anh cả biết hay không. Bởi cô sợ vợ chồng anh chị tan vỡ, tội nhất là mấy đứa trẻ… Không ngờ hiện thực nó lại tàn khốc thế này, Hạnh nuốt nước mắt vào trong, cô thương các cháu quá.
Con Hoa gần 4 tuổi rồi, gửi đi trẻ được mà, cho em nó học hát học múa, cứ để em ở nhà vậy sao được?
Hạnh hỏi tiếp.
Bố cháu bảo… đỡ được đồng nào hay đồng ấy!
Cháu nghĩ, sang năm con Hoa lớn hơn, cháu nói với bố gửi em đi trẻ, cháu theo bố đi phụ hồ… giúp bố kiếm tiền nuôi em cô ạ…
Hạnh lúc này không nhịn được nữa, cô ôm cả cái Dâu vào lòng rồi bật khóc, thì ra mấy tháng qua cô không về lại xảy ra nhiều chuyện đến như vậy. Ba đứa trẻ lâu ngày thiếu vắng tình thương, sự quan tâm của bố mẹ nên bây giờ thấy cô về, chúng có điểm tựa.. Căn nhà có thêm người lớn bỗng nhiên ấm áp lạ thường, Hạnh miên man suy nghĩ xem có nên quay lại công ty và tiếp tục làm nhân viên dọn vệ sinh nữa hay không, để các cháu bơ vơ thế này thật tội nghiệp quá?