Đại Chiến Hacker

Chương 14 - Chương 14

trước
tiếp

Xnet chẳng vui lắm vào giữa ngày học, khi mà tất cả những người sử dụng nó đều ở trường. Tôi nhét tờ giấy đã gấp lại vào túi sau quần bò, rồi ném nó lên bàn khi về đến nhà. Tôi ngồi trong phòng khách và bật ti vi lên. Tôi thì chẳng bao giờ xem ti vi, nhưng tôi biết bố mẹ có xem. Ti vi, radio và báo chí là nơi họ thu thập tất cả những ý niệm của mình về thế giới.

Các tin tức thật khủng khiếp. Có quá nhiều lý do để sợ hãi. Lính Mỹ đang hy sinh khắp nơi trên thế giới. Và không chỉ những người lính. Những người bảo vệ tổ quốc, từng nghĩ rằng mình đăng ký nhập ngũ là để giải cứu con người khỏi những cơn bão, giờ lại đóng quân ở nước ngoài ròng rã mấy năm trời trong một cuộc chiến dài không có hồi kết.

Tôi dò qua các kênh tin tức 24 giờ, hết kênh này đến kênh khác, một cuộc diễu hành của các quan chức đang cho chúng ta thấy tại sao chúng ta nên sợ hãi. Một cuộc diễu hành của những bức ảnh về bom rơi đạn nổ khắp nơi trên thế giới.

Tôi tiếp tục bật sang kênh khác và nhận ra mình đang nhìn một khuôn mặt quen thuộc. Đó là người đã lên xe tải và nói chuyện với người phụ nữ có mái-tóc- cắt-bằng khi tôi đang bị trói ở phía sau. Mặc quân phục. Dòng chú thích cho biết ông ta là Trung tướng Graeme Sutherland, Chỉ huy Khu vực, DHS.

“Tôi đã có trong tay tài liệu giấy trắng mực đen được đưa ra tại cái gọi là buổi hòa nhạc ở công viên Dolores cuối tuần trước.” Ông ta đưa lên một xấp các tờ gấp. Tôi nhớ là đã có rất nhiều người làm tờ gấp ở đó. Nơi đâu ở San Francisco có một nhóm người tụ tập thì nơi đó có các tờ gấp như thế này.

“Tôi muốn anh xem những thứ này một lúc. Để tôi đọc cho anh tiêu đề của chúng. KHI KHÔNG CÓ SỰ CHẤP THUẬN CỦA NGƯỜI BỊ TRỊ: HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN. Cái này nữa, NHỮNG VỤ NỔ BOM 11/9 CÓ THỰC SỰ XẢY RA? Một cái khác, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỐNG LẠI HỌ BẰNG CHÍNH AN NINH CỦA HỌ. Những tài liệu này cho chúng ta thấy mục đích thực sự của vụ tập trung trái phép vào đêm thứ Bảy. Đây không chỉ đơn thuần là sự tập trung không an toàn của hàng ngàn người mà không có sự thận trọng thích hợp, thậm chí không có cả nhà vệ sinh. Đó là cuộc mít tinh tuyển mộ của kẻ thù. Đó là một nỗ lực để làm hư trẻ em bằng việc khiến chúng mang trong đầu ý nghĩ rằng nước Mỹ không nên tự bảo vệ mình.

“Hãy xem câu khẩu hiệu này, ĐỪNG TIN AI TRÊN 25. Còn có cách nào để đảm bảo sao cho không một cuộc thảo luận người lớn, được xem xét chu đáo và cân nhắc mọi lẽ nào xâm nhập được vào thông điệp ủng hộ khủng bố tốt hơn là cách loại trừ người lớn, giới hạn nhóm của bạn để nó chỉ bao gồm những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng mà thôi?

“Khi cảnh sát đến hiện trường, họ thấy cuộc mít tinh tuyển mộ cho kẻ thù nước Mỹ đang được tiến hành. Việc tụ tập đã quấy rối buổi đêm của hàng trăm cư dân trong vùng, không ai trong số họ được hỏi ý kiến về việc lập kế hoạch cho bữa tiệc ồn ào kéo dài suốt đêm này.

“Họ ra lệnh những người này giải tán – đó là những gì thấy được trên cả đoạn phim – và khi những người tham gia bị những nhạc công trên sân khấu thúc giục quay ra tấn công cảnh sát, cảnh sát đã dẹp yên bằng những kỹ thuật kiểm soát đám đông không gây thương vong.

“Đối tượng bị bắt giữ là bọn đầu sỏ và những kẻ kích động đã dẫn đầu các thanh niên bị ảnh hưởng ở đó tấn công hàng rào cảnh sát. 827 người đã bị bắt giữ. Rất nhiều người trong số này có tiền án tiền sự. Trong đó có hơn 100 người chưa thi hành án. Chúng vẫn đang bị bắt giữ.

“Thưa quý vị, nước Mỹ đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng không có nơi nào mà đất nước này phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn là chính nhà mình. Chúng ta đang bị tấn công hoặc bởi những kẻ khủng bố hoặc bởi những kẻ ủng hộ chúng.”

Một phóng viên giơ tay lên hỏi, “Tướng Sutherland, chắc ông không cho rằng những đứa trẻ này là những người đi theo khủng bố chỉ bởi vì chúng tham gia một bữa tiệc trong công viên chứ?”

“Tất nhiên là không. Nhưng khi những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng bởi kẻ thù của đất nước chúng ta, họ rất dễ bị đưa vào tròng. Bọn khủng bố muốn tuyển mộ gián điệp phản quốc để chiến đấu trên chính mặt trận bên kia cho chúng. Nếu những người này là con cái của tôi, tôi sẽ thực sự lo ngại.”

Một phóng viên khác chen vào. “Chắc chắn đây chỉ là một buổi hòa nhạc ngoài trời, thưa Trung tướng? Khó có khả năng họ đang luyện tập với súng trường.”

Vị Trung tướng đưa ra một tập ảnh và giơ lên. “Đây là những bức ảnh mà các sĩ quan đã chụp bằng máy ảnh hồng ngoại trước khi họ xông vào.” Ông giơ những bức ảnh bên cạnh mặt mình và lần lượt giở từng cái. Chúng cho thấy mọi người đang nhảy múa điên cuồng, vài người bị xô đẩy hoặc giẫm đạp. Sau đó chúng chuyển sang cảnh làm tình gần đám cây, một cô gái với ba tên con trai, hai gã đang âu yếm nhau. “Có cả những em bé mới chỉ mười tuổi trong buổi diễn này. Một ly cocktail chết người pha ma túy, tuyên truyền kích động và âm nhạc đã dẫn đến hàng tá thương vong. Cũng thật lạ khi không có ai thiệt mạng.”

Tôi tắt ti vi. Họ làm cho nó giống như một cuộc nổi loạn. Nếu bố mẹ tôi nghĩ tôi đã ở đó, chắc họ sẽ trói tôi vào giường trong một tháng và chỉ cho tôi ra ngoài sau khi bắt tôi đeo vòng cổ dò tìm.

Nhân tiện, chắc họ sẽ phát điên khi biết tôi bị đình chỉ.

Họ không chịu nổi tin này. Bố muốn phạt tôi, nhưng mẹ và tôi đã thuyết phục ông không làm thế.

“Anh biết là thầy hiệu phó đã có vấn đề với Marcus hàng năm nay,” mẹ nói. “Lần trước chúng ta gặp thầy, anh đã nguyền rủa ông ấy suốt một tiếng đồng hồ sau đó. Em nghĩ từ ‘tên khốn’ đã được anh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.”

Bố tôi lắc đầu. “Phá hỏng một giờ học để tranh cãi chống lại Cục An ninh Nội địa…”

“Đó là một giờ học Nghiên cứu Xã hội bố ạ,” tôi nói. Tôi không còn quan tâm đến điều gì nữa, nhưng tôi cảm thấy nếu mẹ cứ tiếp tục dính vào chuyện này vì tôi thì tôi nên giúp bà thoát ra. “Bọn con đang nói về DHS. Không phải tranh luận được cho là lành mạnh sao?”

“Nghe này, con trai,” bố tôi nói. Ông đã gọi tôi là “con trai” rất nhiều. Nó làm tôi cảm thấy như ông đã không còn coi tôi là một con người mà chuyển sang coi tôi là một con ấu trùng đang hình thành và cần được hướng dẫn để vượt qua giai đoạn lột xác. Tôi ghét như thế. “Con sẽ phải học cách sống với một sự thật rằng ngày nay chúng ta sống trong một thế giới khác. Tất nhiên con có mọi quyền để nói lên suy nghĩ của mình, nhưng con phải chuẩn bị đương đầu với hậu quả của việc này. Con phải đối mặt với một sự thật rằng có những người đang bị tổn thương, họ không muốn tranh cãi về những điểm tốt đẹp hơn của Hiến pháp khi mà cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Giờ đây chúng ta đang ở trên con thuyền cuộc sống, và một khi con ở trên con thuyền này, không ai muốn nghe về việc thuyền trưởng kém cỏi thế nào.”

Tôi không thể ngăn mình đừng đảo mắt vòng vòng.

“Con đã được giao hai tuần tự học, viết một bài luận cho mỗi môn học, lấy thành phố làm bối cảnh – một bài luận lịch sử, một bài luận nghiên cứu xã hội, một bài luận tiếng Anh, một bài luận vật lý. Thật không thể chịu nổi nếu chỉ ngồi nhà xem ti vi.”

Bố nhìn tôi chằm chằm, như thể ông ấy nghi ngờ tôi sắp sửa làm gì, rồi gật đầu. Tôi chúc bố mẹ ngủ ngon rồi đi lên phòng. Tôi bật Xbox và mở một ứng dụng soạn thảo văn bản ra rồi bắt đầu suy nghĩ tìm ý tưởng cho bài luận. Tại sao không? Điều đó thực sự tốt hơn là chỉ ngồi không ở nhà. Tối hôm đó, tôi chỉ tán gẫu qua mạng với Ange một lúc. Cô thông cảm với tôi về tất cả và bảo sẽ giúp tôi viết bài luận nếu tôi muốn gặp cô tối hôm sau, sau giờ học ở trường. Tôi biết trường cô ở đâu – cô học cùng trường với Van – và nó ở tít Vịnh Đông, nơi tôi chưa bao giờ đến từ sau vụ nổ bom.

Tôi thật sự háo hức trước viễn cảnh sẽ gặp lại cô. Kể từ sau bữa tiệc, mỗi đêm tôi đều đi ngủ với hai ý nghĩ trong đầu: cảnh tượng đám đông tấn công hàng rào cảnh sát và cảm giác được chạm vào bầu ngực bên dưới áo cô khi chúng tôi dựa vào cột. Cô thật tuyệt vời. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp một cô gái… mạnh bạo như cô. Tôi luôn là người chủ động và họ luôn là người từ chối. Tôi có cảm giác rằng Ange cũng đầy hứng tình như tôi. Thật là một ý nghĩ đầy khiêu khích.

Đêm đó, tôi ngủ rất ngon, với những giấc mơ thú vị về tôi và Ange và những gì chúng tôi có thể làm với nhau nếu tìm thấy một chỗ kín đáo ở đâu đó.

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm các bài luận. San Francisco là một chủ đề hay ho để viết. Lịch sử ư? Chắc chắn rồi, từ Cơn sốt Vàng cho đến những xưởng đóng tàu của Thế chiến thứ hai, trại giam giữ của Nhật, việc phát minh ra máy tính cá nhân. Vật lý à? Exploratorium là bảo tàng có những mẫu vật tuyệt nhất trong những bảo tàng mà tôi từng đến. Tôi đã không thể hài lòng hơn được nữa trong những buổi triển lãm về sự hóa lỏng của đất trong các trận động đất lớn. Về môn Ngữ văn ư? Jack London, các nhà thơ theo trào lưu Beat, những tác giả viết tiểu thuyết khoa học như Pat Murphy và Rudy Rucker. Còn Nghiên cứu Xã hội? Phong trào tự do phát biểu, Cesar Chavez, quyền cho người đồng tính nam, nữ quyền, phong trào phản chiến…

Tôi luôn thích học mọi thứ chỉ vì lợi ích của chính việc học. Chỉ để am hiểu hơn về thế giới xung quanh. Tôi có thể làm thế chỉ bằng việc đi dạo quanh thành phố. Tôi quyết định sẽ làm bài luận Ngữ văn về Beat đầu tiên. Hiệu sách Ánh Sáng Đô Thị có một thư viện tuyệt vời trong một phòng trên tầng, nơi Alan Ginsberg và các bạn của ông đã viết ra những bài thơ cấp tiến làm say lòng người. Bài thơ mà chúng tôi đã đọc trong giờ Ngữ văn là bài Howl 1 và tôi sẽ không bao giờ quên những dòng thơ mở đầu, chúng khiến tôi lạnh sống lưng:

Tôi thấy những trí tuệ tuyệt vời nhất

của thế hệ tôi bị hủy hoại bởi sự điên cuồng,

chết đói cuồng loạn trần truồng

kéo lê chúng qua những con phố của người da

đen vào bình minh, tìm kiếm một phương thuốc giận dữ,

những gã hippie có đầu óc thiên thần đang cháy

vì sự kết nối cổ xưa siêu phàm với những động cơ đầy sao

trong cỗ máy màn đêm…

Tôi thích cái cách ông ấy sắp những từ đó gần nhau, “chết đói cuồng loạn trần truồng.” Tôi biết cái cảm giác đó. Và “những trí tuệ tuyệt vời nhất của thế hệ tôi” cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nó làm tôi nhớ đến công viên đó, cảnh sát và khí gas đang phun xuống. Họ hạ thấp Ginsberg bởi nhục dục toát lên trong bài Howl – tất cả chỉ do một dòng về tình dục đồng tính mà ngày nay khó có thể khiến chúng ta chớp mắt. Bằng cách này hay cách khác, nó khiến tôi vui, khi biết rằng chúng ta đã tiến bộ. Rằng trước đây mọi thứ thậm chí đã từng khắt khe hơn thế này.

Tôi đắm chìm trong thư viện, đọc những cuốn sách cũ tuyệt đẹp. Tôi say sưa với tác phẩm Trên đường của Jack Kerouac, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã định đọc trong một thời gian dài, rồi một nhân viên đến kiểm tra đã đồng ý và tìm cho tôi một bản in giá rẻ, anh lấy sáu đô la.

Tôi đi bộ đến phố Tàu ăn bánh bao và mì với nước xốt cay mà trước đây tôi nghĩ là khá cay, nhưng có lẽ sau khi đã ăn món đặc biệt cay của Ange thì trên đời này không còn thứ gì quá cay được nữa.

Đến gần trưa, tôi lên tàu điện ngầm rồi chuyển sang một chiếc xe buýt ở cầu San Mateo để đi đến Vịnh Đông. Tôi đọc cuốn Trên đường của mình và ngắm nhìn cảnh vật đang lướt qua. Trên đường là một tiểu thuyết bán tự truyện về Jack Kerouac, một nhà văn nghiện ngập, nát rượu, người đã đi nhờ xe vòng quanh nước Mỹ, làm những công việc rẻ rúng, gào thét trên phố vào ban đêm, gặp gỡ và chia tay với mọi người. Dân hippie, những kẻ lang thang rầu rĩ, những kẻ lừa lọc, những kẻ ngu đần, những kẻ vô học và những thiên thần. Không có cốt truyện thực sự – Kerouac định viết nó trong ba tuần trên một cuộn giấy dài, rải ra từ tâm trí ông – chỉ là một đống những chuyện khiến người ta kinh ngạc, chuyện này nối tiếp chuyện kia. Ông kết bạn với những nguời tự hủy hoại bản thân như Dean Moriaty, người đã kéo ông vào những âm mưu quái đản không bao giờ thành công thực sự, nhưng chúng vẫn thành công, nếu bạn hiểu ý tôi là gì.

Ngôn từ có vần điệu, thật khơi gợi cảm xúc, tôi có thể nghe thấy nó được đọc to trong đầu. Nó khiến tôi muốn nằm xuống giường của một chiếc xe du lịch và thức dậy ở một thị trấn nhỏ bụi bặm, nằm đâu đó trong thung lũng trung tâm trên đường đến Los Angeles, một nơi có cây xăng và bữa tối, rồi bước ra cánh đồng, gặp gỡ mọi người, ngắm nhìn mọi thứ và tha thẩn.

Đó là một chặng đường dài và tôi chắc hẳn đã ngủ lơ mơ một lúc – thức khuya tán gẫu trên mạng với Ange thật không tốt cho giờ ngủ của tôi, vì mẹ tôi vẫn mong tôi xuống nhà ăn sáng. Tôi thức dậy chuyển xe buýt và không lâu sau, tôi đã đến trường của Ange.

Cô bước ra cổng trong bộ đồng phục – trước giờ tôi chưa từng thấy cô mặc đồng phục, trông thật dễ thương theo một cách kỳ quặc, và nó làm tôi nhớ đến Van trong bộ đồng phục của cô ấy. Ange ôm tôi thật lâu rồi hôn tôi thật mạnh vào má.

“Chào cậu!” cô nói. “Chào chào!”

“Cậu đang đọc gì thế?”

Tôi đang chờ câu hỏi này. Tôi đã đánh dấu đoạn văn bằng một ngón tay. “Nghe này: Họ ngật ngưỡng trên phố như mấy thằng điên và tôi cứ lằng nhẵng theo đuôi như tôi suốt đời vẫn luôn chạy theo những người mình ưa thích. Bởi vì với tôi chỉ những kẻ điên khùng mới tồn tại, sống điên khùng, nói chuyện điên khùng, điên khùng muốn được cứu rỗi, muốn hưởng thụ tất cả trong một khoảnh khắc duy nhất, những kẻ không bao giờ há miệng ngáp hay nói mấy thứ nhạt nhẽo, mà bùng cháy, bùng cháy, bùng cháy như những bông pháo vàng rực thần kỳ nở ra như những con nhện ngang qua các vì sao, và giữa bông pháo ấy bạn thấy một đốm sáng xanh bừng lên rồi mọi người đều thốt lên ‘Ồồồ!!!’ ngưỡng mộ. “

Ange lấy quyển sách và tự mình đọc lại đoạn văn đó. “Wow! Những kẻ điên khùng! Tớ thích nó! Có phải cả quyển sách đều như thế này không?”

Tôi kể cho cô về những phần tôi đã đọc, chầm chậm rảo bước trên lề đường quay lại trạm xe buýt. Khi chúng tôi rẽ ở góc đường, cô quàng tay ôm lấy thắt lưng tôi còn tôi khoác vai cô. Đi bộ dọc con phố với một cô gái – bạn gái tôi chăng? Chắc chắn rồi, sao lại không chứ? – nói chuyện về một quyển sách thú vị. Thiên đường là đây. Nó giúp tôi quên đi những phiền muộn của mình trong chốc lát.

“Marcus?”

Tôi quay lại. Đó là Van. Trong tiềm thức của mình, tôi đã mong chờ điều này. Tôi biết vì phần ý thức trong tâm trí tôi không hề ngạc nhiên. Trường này không lớn, và học sinh tan học vào cùng một giờ. Tôi đã không nói chuyện với Van hàng tuần nay, và tôi cảm giác như đã hàng tháng trời vậy. Đã có thời gian chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi ngày.

“Chào Van,” tôi nói. Tôi cố nén cảm giác bị thôi thúc phải bỏ tay ra khỏi vai Ange. Van có vẻ ngạc nhiên, nhưng không giận dữ, mà mặt cô tái đi, run run. Cô ấy nhìn kỹ hai chúng tôi.

“Angela phải không?”

“Chào Vanessa,” Ange nói.

“Cậu làm gì ở đây?”

“Tớ đến gặp Ange,” tôi nói, cố giữ giọng bình thường. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ khi bị nhìn thấy đi với một cô gái khác.

“Ồ,” Van nói. “Ờ, rất vui được gặp cậu.”

“Tớ cũng thế, Vanessa.” Ange nói, xoay người tôi lại và kéo tôi về phía trạm xe buýt.

“Cậu biết cô ấy à?” Ange hỏi.

“Ừ, từ rất lâu rồi.”

“Trước đây cô ấy là bạn gái của cậu à?”

“Gì cơ? Không! Không đời nào! Bọn tớ từng là bạn bè thôi.”

“Bọn cậu từng là bạn bè ư?”

Tôi có cảm giác như Van đang đi ngay sau chúng tôi và nghe ngóng, dù với tốc độ chúng tôi đang đi thì cô ấy chắc phải chạy chầm chậm mới bắt kịp. Tôi gắng chống cự cái cám dỗ muốn quay lại nhìn càng lâu càng tốt nhưng không thể. Có rất nhiều cô gái từ trường học đi ra sau chúng tôi, nhưng không có Van.

“Cô ấy đã bị bắt cùng với tớ, Jose-Luis và Darryl. Bọn tớ đã từng chơi ARG cùng nhau. Bốn đứa bọn tớ đã là bạn thân nhất của nhau.”

“Rồi chuyện gì xảy ra?”

Tôi hạ giọng. “Cô ấy không thích Xnet. Cô ấy nghĩ bọn tớ có thể gặp rắc rối. Rằng bọn tớ sẽ khiến người khác gặp rắc rối.”

“Rồi tại sao các cậu lại không làm bạn với nhau nữa?”

“Chỉ là chúng tớ cứ dần xa nhau ra.”

Chúng tôi bước thêm vài bước. “Hai cậu không phải, cậu biết đấy, không phải là người yêu của nhau đấy chứ?”

“Không!” tôi trả lời. Mặt tôi nóng bừng. Tôi thấy giống như mình đang nói dối, mặc dù tôi đang nói sự thật.

Bất thình lình Ange dừng cả hai đứa lại rồi nhìn chăm chăm vào mặt tôi.

“Có phải không?”

“Không mà! Thật đấy! Chỉ là bạn thôi. Darryl và cô ấy… ờ, cũng không hẳn, nhưng Darryl rất thích cô ấy. Không đời nào…”

“Nhưng nếu Darryl không thích cô ấy, cậu sẽ thích, hả?”

“Không, Ange, không mà. Làm ơn hãy tin tớ và cho qua chuyện này đi. Vanessa là một người bạn tốt và bọn tớ không có gì hơn cả, và điều đó làm tớ khó chịu, nhưng tớ chưa bao giờ yêu cậu ấy theo cách đó cả, được chưa?”

Cô bình tĩnh lại một chút: “OK, OK. Tớ xin lỗi. Tớ thực sự không hợp với cô ấy. Bọn tớ chưa bao giờ hòa hợp được với nhau trong suốt mấy năm biết nhau.”

Ô hô, tôi nghĩ. Chắc đây là lý do tại sao Jolu biết cô từ rất lâu mà tôi chưa bao giờ gặp cô; cô có vài vấn đề với Van và thằng bạn tôi không muốn đưa cô theo.

Cô ôm tôi thật lâu và chúng tôi hôn nhau, một đám con gái đi ngang qua xuýt xoa Wooo và chúng tôi quay ra, đi về trạm xe buýt. Phía trước chúng tôi là Van, chắc hẳn cô ấy đã đi qua khi chúng tôi đang hôn nhau. Tôi thấy mình thực sự là một thằng ngốc.

Tất nhiên, cô đứng ở trạm xe buýt rồi lên xe và chúng tôi không nói với nhau một lời nào, tôi cố nói chuyện với Ange trong suốt quãng đường, nhưng thật lúng túng.

Theo kế hoạch thì chúng tôi dừng lại ở nơi nào đó mua cà phê rồi đến nhà Ange đi dạo và “học bài”, tức là bật Xbox của cô lên để vào Xnet. Thứ ba hàng tuần, mẹ Ange về muộn vì bận đi học yoga và ăn tối với bạn bè, còn chị gái của Ange đi chơi với bạn trai, vì thế chúng tôi sẽ có không gian riêng. Tôi đã có những ý nghĩ không được lành mạnh về chuyện này từ khi chúng tôi lên kế hoạch.

Chúng tôi đến nhà Ange và vào thẳng phòng cô, đóng cửa lại. Phòng cô đúng là một thảm họa, sàn nhà mất hút dưới hàng đống quần áo, sách vở và linh kiện máy tính có thể xuyên qua tất bạn như chông nhọn. Bàn học của cô còn tệ hơn cả sàn nhà, sách và truyện chất cao như núi, vì thế chúng tôi quyết định ngồi trên giường.

Theo cách nào đó, sự lúng túng vì gặp Van đã biến mất, chúng tôi mở Xbox của Ange và khởi động. Nó ở giữa một lưới dây điện, vài cái gắn với ăng ten không dây mà cô đã chọc vào rồi đính nó lên cửa sổ để bắt WiFi của nhà hàng xóm. Vài dây là của mấy màn hình máy tính xách tay cũ mà cô đã sửa thành màn hình rời, được đặt trên giá và đang phóng điện lẹt xẹt. Chúng được đặt ở cả hai bên bàn, một sự sắp đặt thông minh để ngồi trên giường xem ti vi hoặc tán gẫu qua mạng – cô có thể quay màn hình sang hai bên và chỉ nằm nguyên một chỗ cũng có thể xem được như thường, bất kể cô nằm ở phía nào.

Cả hai đều biết thực chất thì mình về nhà cô để làm gì, ngồi cạnh nhau, dựa vào chiếc bàn bên cạnh. Tôi hơi run một chút và cảm nhận rất rõ hơi ấm từ chân và vai cô đang dựa vào tôi, nhưng tôi cần phải chờ đến khi đăng nhập được vào Xnet, kiểm tra e-mail nhận được và vài việc khác.

Có một e-mail từ một cậu nhóc thích gửi những đoạn video hài hước quay bằng điện thoại về sự điên rồ của DHS – cái mới nhất cho thấy cảnh bọn họ tháo tung một chiếc xe nôi sau khi một con chó đánh hơi chất nổ tỏ ra thích nó, bọn họ dùng tua vít tháo chiếc xe đẩy ra ngay trên con phố ở Marina, trong khi đó, tất cả những người giàu có đi ngang qua, nhìn chằm chằm vào họ và lấy làm lạ trước hành động kỳ quặc đó.

Tôi đã để đường dẫn đến đoạn video này và rồi nó được tải xuống điên cuồng. Cậu ấy đã lưu trữ nó trên kho lưu dữ liệu của thư viện Internet Archive 2 bản sao tại Alexandria, Ai Cập, nơi họ cho lưu trữ bất cứ thứ gì miễn phí, miễn là bạn phải xin giấy phép của tổ chức Creative Commons cho phép mọi người chế biến lại và chia sẻ nó. Kho lưu trữ chính ở Mỹ – bị đóng lại ở Presidio chỉ sau đó vài phút – đã bị buộc phải gỡ bỏ tất cả những đoạn video có tiêu đề liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng kho lưu trữ Alexandria hoàn toàn độc lập và chấp nhận bất cứ thứ gì làm nước Mỹ khó xử.

Cậu bé này – biệt danh là Kameraspie – đã gửi cho tôi một đoạn video mới hơn và hay hơn. Đoạn này được quay ở lối vào Tòa thị chính ở Civic Center, tòa nhà được trang trí như một cái bánh cưới khổng lồ với các bức tượng đặt ở những lối đi hẹp có mái vòm và lá kim mạ vàng. DHS thiết lập một hàng rào an ninh xung quanh tòa nhà, và đoạn video của Kameraspie có một cảnh rất hay về trạm kiểm soát, khi một người mặc quân phục tiến đến, trình thẻ nhận dạng rồi đặt cặp táp của mình lên đai X-quang.

Mọi thứ đều ổn cho đến khi một người của DHS nhìn thấy cái gì đó mà anh ta không thích trên ảnh chụp X-quang. Anh ta hỏi vị tướng, ông này trợn mắt rồi nói gì đó không nghe rõ (đoạn video được ghi hình từ phía bên kia đường, có vẻ như với một ống kính phóng to tự chế, vì thế hầu hết là âm thanh từ người đi qua lại và tiếng ồn của giao thông).

Vị tướng và người của DHS tranh cãi với nhau, càng tranh cãi lâu thì càng có nhiều nhân viên của DHS bu lại quanh họ. Cuối cùng, vị tướng lắc đầu giận dữ và chỉ chỉ ngón tay lên ngực một anh lính rồi cầm cặp lên bước đi. Những người khác quát ông ta, nhưng ông ta không đi chậm lại. Ngôn ngữ cơ thể của ông ta như đang nói: “Tôi đang cực kỳ giận dữ đây.”

Rồi sau đó nó xảy ra. Người của DHS chạy sau vị tướng. Kameraspie cho đoạn video chạy chậm lại ở đoạn này nên chúng ta có thể thấy rõ từng milimét là vị tướng quay ngang lại, mặt ông ấy như muốn nói “Không đời nào các ngươi có thể qua mặt ta.” Sau đó mặt ông ấy trở nên kinh sợ khi ba trong số những tay bảo vệ khổng lồ của DHS lao đến xô mạnh ông sang một bên, như một chiêu cản bóng để kết thúc sự nghiệp. Vị tướng – ở độ tuổi trung niên, tóc màu xám như thép, khuôn mặt có đường nét trang nghiêm – ngã xuống như một túi khoai tây và bật lên hai lần, mặt ông ta đập xuống vỉa hè và máu mũi bắt đầu chảy ra.

Mấy người ở đó gô vị tướng lại, trói ở mắt cá chân và cổ tay của ông. Lúc này vị tướng đã la hét, kêu gào khản cả cổ, mặt ông ấy tím tái lại dưới dòng máu chảy ra từ mũi. Người ta thấy rõ hai chân ông lê trên mặt đất. Người qua đường nhìn người đàn ông trong bộ quân phục, bị trói chặt, và từ nét mặt của vị tướng, bạn có thể hiểu rằng đây là thời khắc tồi tệ nhất đời ông, đây là hành động làm nhục bằng nghi thức, là danh dự bị tước bỏ. Đoạn video kết thúc.

“Ôi Đức Phật ơi,” tôi vừa thốt lên vừa nhìn chăm chăm vào cái màn hình đang tối dần, rồi xem lại đoạn phim. Tôi thúc khuỷu tay vào Ange và cho cô xem đoạn phim. Cô xem mà không nói được lời nào, miệng dường như không mở ra được.

“Hãy đăng nó lên,” cô nói. “Đăng nó lên đăng nó lên đăng nó lên đăng nó lên!”

Tôi tải đoạn phim lên. Tôi gần như không thể gõ phím khi miêu tả những gì tôi đã thấy, thêm một đoạn chú thích để xem có ai có thể nhận ra vị tướng trong đoạn phim, hay có ai biết gì thêm về chuyện này không.

Tôi nhấp chuột vào nút Đăng tải.

Chúng tôi xem đoạn phim. Rồi xem lại một lần nữa.

Hòm thư điện tử của tôi tràn ngập thư đến.

> Tôi nhận ra người đàn ông này… bạn có thể tìm lý lịch của ông ấy trên wikipedia. Ông ấy là Tướng Claude Geist. Ông ấy chỉ huy nhiệm vụ giữ gìn hòa bình chung của Liên Hợp Quốc ở Haiti.

Tôi kiểm tra lý lịch của ông ấy. Có một bức ảnh của vị tướng tại một cuộc họp báo, cả những bài viết về vai trò của ông trong nhiệm vụ khó khăn ở Haiti. Rõ ràng đây là cùng một người.

Tôi cập nhật thông tin.

Trên lý thuyết, đây là cơ hội để tôi và Ange làm tình với nhau, nhưng đó không phải là điều chúng tôi đã làm. Chúng tôi mò tìm trên các trang blog của Xnet, tìm thêm tài khoản mà DHS đang dùng để tìm kiếm, bắt giữ và xâm phạm mọi người. Đây là một nhiệm vụ quen thuộc, giống như tôi đã làm với tất cả những đoạn phim và tài khoản từ cuộc nổi loạn ở công viên. Tôi lập một mục mới trên blog của tôi, đặt tên là Lạmdụngchứcquyền, và sắp xếp chúng. Ange tiếp tục nghĩ ra những từ khóa tìm kiếm mới để tôi thử và trước khi mẹ cô về nhà, mục mới của tôi đã có bảy mươi bài, có đầu đề là “Tướng Geist bị hạ nhục ở Tòa thị chính.”

Cả ngày hôm sau, tôi ở nhà làm bài luận về Beat, đọc Kerouac và lướt Xnet. Tôi định gặp Ange ở trường, nhưng tôi xóa sổ ngay ý tưởng đó khi nghĩ đến việc gặp Van một lần nữa, vì thế tôi nhắn tin cho cô, lấy cớ là phải làm bài luận.

Có rất nhiều gợi ý hay cho Lạmdụngchứcquyền, hàng trăm đề xuất lớn nhỏ, từ hình ảnh đến audio. Chủ đề này đang lan rộng.

Nó lan đi như vi rút. Sáng hôm sau, tình hình còn tiến triển xa hơn nữa. Trang blog mới có tên Lamdungchucquyen của ai đó cũng đã thu thập được hàng trăm ý kiến phản hồi. Chuyện mỗi lúc một lớn. Chúng tôi tranh nhau để tìm ra những câu chuyện lý thú nhất, những bức ảnh điên khùng nhất.

Tôi thỏa thuận với bố mẹ là sẽ ăn bữa sáng với họ mỗi ngày và nói về những dự án mà tôi đang làm. Họ thích việc tôi đang đọc Kerouac. Nó đã từng là quyển sách yêu thích của cả hai và hóa ra trên giá sách trong phòng bố mẹ cũng có một cuốn. Bố tôi lấy nó xuống và tôi lật xem qua. Có những đoạn văn được đánh dấu bằng bút, những trang giấy bị quăn góc, những chú thích bên lề. Bố tôi thực sự yêu quý quyển sách này.

Nó khiến tôi nhớ đến một thời gian tốt đẹp hơn, khi bố và tôi có thể nói chuyện trong năm phút mà không quát vào mặt nhau về khủng bố, và chúng tôi đã có một bữa sáng vui vẻ, đàm đạo về cách xây dựng cốt truyện của cuốn tiểu thuyết, về tất cả những cuộc phiêu lưu điên rồ trong đó.

Nhưng bữa sáng hôm sau, bố mẹ tôi lại dán chặt vào cái radio.

“Lạm dụng chức quyền – đó là trào lưu mới nhất trên mạng Xnet tai tiếng của San Francisco, nó đã thu hút được sự quan tâm của thế giới. Được gọi là A-oh- A, phong trào này bao gồm ‘Những người anh em’ đã tìm cách đi ngược lại những biện pháp chống khủng bố của Cục An ninh Nội địa Hoa Kỳ, ghi lại những thất bại và sự vượt quá giới hạn. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận hiện nay là một đoạn phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt về Tướng Claude Geist, một vị chỉ huy ba sao đã nghỉ hưu, bị sĩ quan của DHS đánh đập trên vỉa hè trước Tòa thị chính. Hiện Tướng Geist chưa đưa ra lời phát biểu nào về vụ việc, song những bình luận từ giới thanh thiếu niên vốn đang giận dữ với cách giải quyết này thì đang lan đi nhanh chóng và mạnh mẽ.

“Đáng chú ý hơn cả là sự quan tâm của cả thế giới dành cho phong trào này. Những bức ảnh chụp từ đoạn phim về Tướng Geist đã xuất hiện trên trang nhất các báo ở Hàn Quốc, Anh, Đức, Ai Cập và Nhật Bản, đài truyền hình trên khắp thế giới đã cho phát lại đoạn phim vào bản tin giờ vàng. Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào tối qua, khi chương trình thời sự trong nước buổi tối của Thông tấn xã Quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (BBC) phát một phóng sự đặc biệt về việc không một đài truyền hình hay cơ quan báo chí nào của Mỹ đề cập đến câu chuyện này. Giới bình luận trên trang web của BBC chỉ ra rằng phiên bản chương trình thời sự BBC của Mỹ đã không phát phóng sự này.”

Họ đưa lên một vài cuộc phỏng vấn: Các cơ quan giám sát truyền thông của Anh, một thằng nhóc thuộc Pirate Party của Thụy Điển đã có những nhận xét chế giễu về giới truyền thông tắc trách của Mỹ, một phát thanh viên người Mỹ đã nghỉ hưu đang sống ở Tokyo; tiếp theo, họ phát sóng một đoạn băng ngắn từ đài Al- Jazeera, so sánh giới truyền thông Mỹ với truyền thông quốc gia của Syria.

Tôi có cảm giác bố mẹ đang nhìn tôi chằm chằm, rằng họ biết những gì tôi đang làm. Nhưng khi ăn sạch đĩa của mình, tôi lại thấy họ lại đang nhìn nhau.

Bố tôi đang giữ chặt cốc cà phê, đến nỗi tay ông run lên. Mẹ tôi thì đang nhìn ông.

“Họ đang cố làm chúng ta mất thể diện,” cuối cùng thì ông cũng nói. “Họ đang ngầm phá hoại những nỗ lực để đảm bảo an toàn cho chúng ta.”

Tôi mở miệng, nhưng mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và lắc đầu. Vì vậy tôi lên phòng mình làm tiếp bài luận về Kerouac. Sau khi nghe thấy tiếng cửa đập hai lần, tôi khởi động Xbox và lên mạng.

> Chào M1k3y. Tôi là Colin Brown. Tôi là nhà sản xuất chương trình thời sự The National của Thông tấn xã quốc gia Canada. Chúng tôi đang làm một chương trình về Xnet và đã cử phóng viên đến San Francisco để thu thập tin tức từ đó. Bạn có vui lòng dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn để nói về nhóm của bạn và những hành động của nhóm không?

Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình. Chúa ơi. Họ muốn phỏng vấn tôi về “nhóm của tôi”?

> Ừm cảm ơn nhưng không thể được. Tôi muốn đảm bảo giữ sự riêng tư. Và đó không phải là “nhóm của tôi”. Nhưng cảm ơn vì đã nói về chuyện này!

Một phút sau, một e-mail khác tới.

> Chúng tôi có thể che mặt cho bạn và đảm bảo giữ kín danh tính cho bạn. Bạn cũng biết là Cục An ninh Nội địa sẽ rất vui lòng được giới thiệu người phát ngôn của họ với chúng tôi. Tôi thì lại muốn đứng về phía bạn.

Tôi lưu thư này lại. Anh ta nói đúng, nhưng tôi có điên mới làm thế. Theo tôi biết thì anh ta là người của DHS.

Tôi tìm thêm thông tin về Kerouac. Một thư khác đến. Cùng một yêu cầu, nhưng từ một cơ quan thông tấn khác: KQED muốn gặp tôi và ghi âm một cuộc phỏng vấn cho đài phát thanh. Một đài ở Brazil. Thông tấn xã Úc. Đài phát thanh và truyền hình quốc tế Deutsche Welle của Đức. Những yêu cầu từ giới truyền thông ào đến suốt cả ngày. Tôi lịch sự từ chối suốt cả ngày.

Ngày hôm đó, tôi không đọc được nhiều về Kerouac.

“Hãy tổ chức một buổi họp báo” là những gì Ange nói khi chúng tôi đang ngồi trong một tiệm cà phê gần nhà cô vào buổi tối. Tôi không hứng thú với việc đến trường đón cô nữa, không muốn phải đi cùng xe buýt với Van.

“Gì? Cậu điên à?”

“Tổ chức ở Cướp bóc Hẹn giờ. Chỉ cần chọn một đăng tải giao dịch, nơi các PvP không được vào, và định rõ thời gian. Cậu có thể đăng nhập từ đây.”

PvP là viết tắt của player-versus-player, trò đấu tay đôi. Một vài phần của trò Cướp bóc Hẹn giờ là nền trung tính, có nghĩa là về lý thuyết chúng ta có thể mang vào hàng trăm phóng viên mà không sợ các game thủ tiêu diệt họ khi đang tiến hành họp báo.

“Tớ không biết gì về họp báo cả.”

“Chỉ cần google thôi mà. Tớ chắc chắn phải có ai đó đã viết về cách tổ chức một cuộc họp báo thành công. Ý tớ là, nếu Tổng thống làm được thì tớ chắc cậu cũng sẽ làm được. Có vẻ như ông ấy không thể tự mình buộc dây giày mà không có ai giúp đỡ.”

Chúng tôi gọi thêm cà phê.

“Cậu đúng là một cô gái thông minh,” tôi nói.

“Và tớ xinh đẹp nữa,” cô trả lời.

“Ừ xinh đẹp nữa.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.