Đạo Ma Nhị Đế

Chương 43 - Lại Vài Động Lạ

trước
tiếp

Vô Vi Tiên Tử và lo lắng cầm như đã qua một lần chết rồi.

Sau cửa ải tử vong đó, còn có ải nào khác nữa chăng, nếu có thì mức độ nguy hiểm sẽ như thế nào, và có bao nhiêu ải nữa?

Nghĩ suy là một việc, tiến hành là một việc, không vì nghĩ suy mà do dự, rồi chậm trễ tiến hành.

Vô Vi Tiên Tử với tư cách là địa chủ, luôn luôn dẫn đầu.

Nàng bước tới xô cánh cửa đá, bước qua bên kia.

Lý Linh theo sát bên sau.

Cũng như trong địa đạo trước, họ phải vượt qua ba chặng cửa. Qua ba chặng cửa rồi, trước mắt họ thấy một vũng nước rất trong, vũng nước trải thành chiều dài như khúc sông, chứ không lớn rộng lắm.

Vũng nước chiếm một diện tích bằng Hỏa Hải, hình thể cũng giống Hỏa Hải.

Tuy không có hơi nóng như Hỏa Hải, vũng nước cũng là một trở lực quan trọng, hai nàng cảm thấy vượt qua được đoạn đường này hẳn phải khó khăn vất vả không ít.

Nước không sâu, song rất lạnh, họ chưa xuống nước mà vẫn nghe hơi lạnh bốc lên rợn người.

Hai bên bờ, giữa vũng chẳng có trụ đá, chẳng có vật gì khả dĩ đặt chân.

Cách duy nhất vượt qua vũng nước là phải đi trong nước.

Lý Linh thử nhúng chân vào nàng, chân vừa chạm nước, nàng rút lên ngay, đồng thời kêu khẽ:

– Lạnh! Lạnh không chịu nổi!

Vô Vi Tiên Tử cau mày:

– Không lạnh làm sao được! Địa phủ Hàn tuyền mà!

Lý Linh cắn răng:

– Dù lạnh hơn nữa chúng ta cũng chịu đựng bằng mọi cách, chúng ta phải vượt qua.

Tiên Tử gật đầu:

– Đương nhiên rồi! Nếu không vượt qua hàn tuyền thì còn con đường nào khác đâu?

Cả hai nắm tay nhau, cùng nhảy xuống vũng nước. Họ đi được mấy bước, gương mặt tái xanh, máu trong người như đông đặc lại.

Họ đi tới độ một trượng đường, lại cảm thấy thân thể cứng đờ, lúc đó họ vận huyền công hộ thể, song chẳng làm sao chống lại cái lạnh nổi.

Toàn thân lạnh, chỉ còn mỗi một quả tim là chưa mất nhiệt khí thôi.

Nhiệt khí ở tim tiêu tan là họ phải ngâm xác vĩnh viễn nơi vũng nước này rồi!

Còn một hơi thở, họ chưa đến đổi tuyệt vọng, cố vận công chống trả cái lạnh.

Dần dần, họ cảm thấy nhiệt khí nơi tim lan dần ra, lan khắp thân thể họ.

Bây giờ, cùng vận khí hành công, họ lại chống nổi cái lạnh kinh khủng.

Thì ra họ thức ngộ cái tác dụng huyền diệu của pháp hành công vận khí.

Mà cũng nhờ hai trở lực lớn lao đó, bắt buộc họ phải cố gắng, họ cảm thấy vượt tiến một bước xa về phương diện luyện tập.

Đây cũng là một dụng ý của tiền nhân Vô Vi phái, an bày những trở lực đó cốt để đo lường mức thành tựu của môn đồ.

Không vượt qua trở lực là tài nghệ còn non kém, chưa đủ sức góp mặt với giang hồ võ lâm, chưa có thể xuất đầu lộ diện, giành một thế đứng trong võ lâm Trung Nguyên, và chưa có thể trở lại Trung Nguyên.

Vô Vi Tiên Tử nghiệm qua hai lần vượt hiểm, hiểu ngay là ở phía trước, nếu còn trở lực nữa, bất quá chỉ là những trở lực hãi hùng, chứ không đến đổi làm nguy tánh mạng.

Đúng như nàng suy đoán, cả hai lại trải qua ba đoạn đường khó khăn nữa, họ được bình an vô sự.

Ở ba đoạn đường đó, họ gặp đá nhọn, cát độc lót đường, đoạn thứ ba thì tối tăm vô tưởng, xòe bàn tay không thấy ngón.

Điều lạ lùng là ở đoạn đường này, dạ quang châu lại mất cái công dụng chiếu sáng của nó. Đoạn đường lại đầy những chông đá, những hố nhỏ, những mô con, nếu không kềm vững chân là phải bị vấp ngã, ngã là va chạm vào đá nhọn, là phải bị thọ thương khắp mình.

Cả hai phải vận khí hành công, tăng cường nhãn lực mới trông thấy được những chướng ngại vật mà tránh né.

Qua khỏi một đoạn đường tối tăm đó, họ đã đến một tòa thạch thất.

Trong thạch có treo la liệt y phục, mũ mão, các vật dụng cần thiết về trang sức, cho cả nam lẫn nữ.

Sự phát hiện đó làm cho cả hai cao hứng hơn là cái kết quả thu thập qua những chặng đường khó khăn.

Có y phục rồi, là hai nàng có thể chường mặt trước bất cứ nam nhân nào.

Là một chưởng môn nhân, Vô Vi Tiên Tử chọn một bộ y phục cân xứng với thân phận.

Nàng lấy một bộ y phục lông thiên nga, màu vàng, còn Lý Linh lại chọn màu thanh liên, hợp với ngoại hiệu.

Mặc y phục vào rồi, họ rời thạch thất tiến tới.

Họ phải vượt qua ba chặng cửa, trong một đoạn đường dài độ mười trượng.

Cạnh cửa có nút cơ quan mở đóng, ấn nút là cánh cửa rút lên, ăn sâu vào đó, chứ không mở qua một bên như các vọng cửa kia.

Họ vào bên trong rồi cửa hạ xuống liền. Bên trong không có cơ quan mở đóng như bên ngoài.

Điều đó chứng tỏ nơi đây chỉ có vào chứ không có thể trở ra.

Qua khỏi ba vọng cửa đá, họ đến một tòa đại sảnh bằng đá trắng sáng chói như ban ngày.

Vì họ ở phía hậu của đại sảnh nên không thấy rõ ràng những gì bên trong.

Họ lắng tai nghe, có tiếng người thở ở trong đại sảnh. Chừng như có nhiều người chứ chẳng phải một người.

Vô Vi Tiên Tử và Lý Linh kinh ngạc vô cùng.

Chợt họ nghe tiếng hét vang lên, qua âm thanh, họ nhận ngay là Nhất Mục Song Nhân phát lên tiếng hét:

– Các ngươi có bằng lòng cho lão phu đi ra hay không?

Trước mắt của Vô Vi Tiên Tử và Lý Linh có một thần tọa. Thần tọa che khuất thành ra họ không thấy những gì bên trong đại sảnh.

Không do dự, cả hai vòng theo thần tọa lần ra phía trưóc.

Đại sảnh là phần tiền điện, có lẽ nơi đây là một điện thờ, chứ không phải là một kiến trúc dùng làm trụ sở.

Đối với thần tọa, có một vọng cửa.

Nơi cửa có bốn lão nhân thuộc phái Vô Vi, chính bốn lão nhân này ngăn chận Đơn Minh.

Tiên Tử đằng hắng một tiếng.

Bốn lão nhân lập tức chuyển ánh mắt về hướng nàng.

Đồng thời gian, Đơn Minh cũng nhìn theo các lão nhân.

Trông thấy Tiên Tử, bất giác Đơn Minh hân hoan ra mặt, reo lên:

– A! Bây giờ các ngươi mới đến! Lão phu sốt ruột chết được đấy.

Có thêm người cái khí thế phải tăng, Đơn Minh hướng qua bốn lão nhân, hừ lạnh một tiếng:

– Chưởng môn nhân các ngươi đã đến đó, lão phu nhường phần cho nàng ứng phó với các ngươi.

Lão lùi vào một góc sảnh, đoạn gọi Vô Vi Tiên Tử:

– Triệu Sĩ Nguyên đã bị chúng đưa ra ngoài rồi, Tiên Tử hãy tỏ rõ cái thân phận của mình để buộc chúng phải trao trả hắn lại cho bọn ta.

Vô Vi Tiên Tử quắc mắt nhìn bốn lão nhân đó, nhận ra trong bốn người có một gương mặt quen quen.

Nàng suy nghĩ một chút, chợt nhớ lại người đó là đệ tử phái Vô Vi được sai phái vào địa huyệt năm năm về trước.

Lão ấy vốn là sư huynh của Tiên Tử, họ Khưu tên Vĩnh Huy.

Lúc lão vào địa huyệt thì Tiên Tử còn nhỏ quá, bất quá chỉ là một cô bé còn tóc bím, ngày nay thì nàng trưởng thành, dung mạo phải khác.

Cho nên Khưu Vĩnh Huy không thể nhận ra.

Vô Vi Tiên Tử bước đến trước mặt Khưu Vĩnh Huy cười nhẹ hỏi:

– Chắc Khưu sư huynh còn nhớ tiểu muội Âu Dương Ngọc Kỳ chứ?

Khưu Vĩnh Huy sững sờ.

Một lúc lâu lão ạ lên một tiếng, thốt:

– Thì ra ngươi là Ngọc Kỳ?

Bỗng lão nghiêm thần sắc, thay đổi thái độ liền:

– Qua khẩu khí của Đơn đại hiệp, lão phu tưởng là ngày nay Ngọc Kỳ đã tiếp nhận quyền chưởng môn của bổn phái?

Âu Dương Ngọc Kỳ nghiêm sắc mặt:

– Bổn tòa chấp chưởng Vô Vi phái được một năm rồi.

Khưu Vĩnh Huy và ba lão nhân kia vội làm lễ, rồi cùng xưng tên:

– Đệ tử Dương Thế Thành, Ngô Minh Triệt, và Lâm Thiên Trì, đồng ra mắt chưởng môn nhân.

Riêng Khưu Vĩnh Huy thì khỏi báo danh.

Nghe xưng tên, Vô Vi Tiên Tử nhớ ra, Ngô Minh Triệt thuộc hàng đồng môn, là một sư huynh của nàng, còn Dương Thế Thành và Lâm Thiên Trì thuộc về vai trên, là sư thúc của nàng.

Tất cả đều được bổn phái chọn, sai vào địa huyệt tìm di vật của tiền nhân.

Nếu họ chết đi thì chẳng nói làm chi.

Họ còn sống đó, song họ lại chẳng trở về, điều ấy đáng cho Vô Vi Tiên Tử lấy làm lạ.

Họ không trở về là họ cãi lệnh rõ rệt.

Chẳng những Vô Vi Tiên Tử lấy làm lạ, mà nàng lại còn phẫn nộ.

Nàng cau đôi mày liễu, hừ một tiếng, gằn giọng:

– Các vị an nhàn quá! Không ai còn nhớ đến sứ mạng của mình?

Trong bốn người, Khưu Vĩnh Huy nhỏ tuổi nhất, nên nhường phần đối thoại cho Dương Thế Thành.

Dương Thế Thành thốt:

– Sự tình vô cùng phức tạp, kể ra lại rất dài dòng, bọn đệ tử lại không rành lắm, xin chưởng môn hãy chờ Lữ sư thúc tổ trở lại đây, lão nhân gia sẽ giải thích cho chưởng môn hiểu.

Là chưởng môn nhân, Vô Vi Tiên Tử Âu Dương Ngọc Kỳ có sẵn nơi tay danh sách của những người được ủy thác sứ mạng vào địa huyệt.

Nàng biết vị sư thúc tổ họ Lữ đó là Lữ Trường Lâm, một đệ tử cách nàng đến ba đời, người vào địa huyệt từ hơn bảy mươi năm về trước.

Tính cho đến ngày nay, tuổi người phải trên một trăm ba mươi.

Có thể nào người còn sống đến từng tuổi đó?

Dù là sự thật cũng không ai tin nổi.

Tuy nhiên Ngọc Kỳ không lưu ý lắm đến điều đó, mà chỉ hỏi:

– Người của bổn phái vào đây, còn sống được bao nhiêu?

Dương Thế Thành đáp:

– Mười hai cả thảy!

Ngọc Kỳ lại hỏi:

– Mười hai người? Là những ai? Ngoài các vị?

Dương Thế Thành toan đáp, nhưng Nhất Mục Song Nhân bỗng nhiên hét lên:

– Việc nhà của các người hãy để lúc khác mà nói với nhau, bây giờ phải trao trả Sĩ Nguyên cho lão phu gấp.

Lý Linh còn nóng nảy hơn lão, kêu lên:

– Ngọc Kỳ thơ thơ!…

Âu Dương Ngọc Kỳ gật đầu:

– Phải, chúng ta nên tìm Triệu thiếu lệnh chủ trước.

Nàng phân phố Dương Thế Thành:

– Dương sư thúc dẫn đường, bổn tòa muốn gặp Triệu thiếu lệnh chủ ngay.

Dương Thế Thành lộ vẻ khó khăn:

– Có nghiêm lệnh của Lữ sư thúc tổ, trong lúc này chẳng một ai gây phiền nhiễu…

Đơn Minh căm hận:

– Bọn ta muốn gặp người họ Triệu của bọn ta, có can hệ gì đến họ Lữ của các ngươi?

Âu Dương Ngọc Kỳ trầm giọng hỏi:

– Nơi địa phủ này, các vị đã lập một chưởng môn nhân riêng biệt?

Dương Thế Thành giật mình, thoáng đỏ mặt, ấp úng:

– Đệ tử nào dám tự nguyện.

Âu Dương Ngọc Kỳ hừ một tiếng:

– Thế thì yêu cầu Dương sư thúc báo cáo với Lữ sư tằng thúc tổ biết, có bổn tòa đến đây, xin lão nhân gia đưa Triệu thiếu lệnh chủ đến gặp mặt bổn tòa.

Giọng nàng từ tốn, song không kém oai. Sở dĩ nàng khiêm nhượng là vì các vị kia đều là những người trên trước, không sư huynh thì cũng sư thúc, thúc tổ, tằng thúc tổ, nếu nàng dùng ngay cái quyền chưởng môn mà bức bách họ phải vâng lời thì dù sao cũng mất đi phần nào lễ độ.

Hơn nữa, nếu bức bách người làm việc khó, rất có thể người phản kháng, liệu nàng chế ngự nổi họ chăng?

Thà nhường nhịn càng được việc hơn, những người kia có muốn trở mặt cũng không có lý do làm điểm tựa.

Lý Linh thừa hiểu thâm ý của Vô Vi Tiên Tử, phải thán phục Tiên Tử rất khéo xử sự.

Dương Thế Thành thấy chưởng môn còn nhỏ tuổi mà đã có phong cách đại phương như vậy, cũng không dám xem thường, bỗng nhiên sanh lòng khâm phục, rồi từ khâm phục đến kính mến không xa, lão ta khẳng khái đáp ứng liền.

Lão nghiêng mình chào rồi đi ngay.

Dương Thế Thành đi rồi, còn lại ba người trong bọn có Lâm Thiên Trì cao tuổi hơn hết.

Bổn phận của lão là phục thị chưởng môn nhân, thay mặt hai người kia, nên lão bước tới cạnh Ngọc Kỳ thốt:

– Thỉnh chưởng môn lên tòa ngồi nghỉ.

Lão phân phó Khưu Vĩnh Huy và Ngô Minh Triệt:

– Chuẩn bị tòa vị cho chưởng môn.

Khưu Vĩnh Huy và Ngô Minh Triệt vâng lời, bước đến góc điện, kéo ra một chiếc ghế ngọc, đặt trước thần tòa, lệch về bên hữu.

Thần tòa chẳng phải thờ vị thần linh nào, mà chính nơi thờ vị tổ sư sáng lập ra môn phái.

Nơi đây đương nhiên là phải lạ đối với Vô Vi Tiên Tử Âu Dương Ngọc Kỳ, bởi dù là chưởng môn vẫn không cai quản đến một địa điểm hầu như thuộc về âm cảnh.

Quyền hạn của nàng không lan rộng đến đây, thì làm gì nàng biết được những bố trí nơi đây?

Nàng đảo mắt quan sát một vòng, nhận ra bục thờ bằng ngọc thạch có mấy chữ do tiền nhân dùng chỉ lực khắc vào:

– Thần Công Tế Thế Nhật Nguyệt Trường Minh!

Đó là câu giáo huấn do tiền nhân lưu lại, Âu Dương Ngọc Kỳ cũng như tất cả đệ tử mà các đời đều biết.

Trên bục thờ có ba chiếc hộp bằng đá màu tím, có đánh số từ một đến ba.

Cạnh mấy chiếc hộp cũng có bốn chữ, khắc bằng chỉ lực, ngay trên bục:

– Lùi bước mở xem!

Tiên Tử đâm nghi ngờ.

Nàng lùi lại, cúi xuống, lạy đủ số tham kiến thần tòa, mặc niệm tổ sư.

Vừa lúc đó có tiếng chân vang lên bên ngoài. Nhiều người đến, chứ chẳng phải một người.

Dẫn đầu là một lão nhân ốm nhỏ, râu tóc bạc trắng, nhưng dung mạo còn trẻ.

Đi sau lão nhân là Triệu Sĩ Nguyên và bảy lão nhân nữa.

Dĩ nhiên người đi đầu là Lữ Trường Lâm.

Vô Vi Tiên Tử nghiêng mình chào:

– Đệ tử Âu Dương Ngọc Kỳ, xin được bái kiến lão tổ sư.

Lữ Trường Lâm là một lão tiền bối, cách Tiên Tử đến mấy đời, vì lễ độ, nàng lấy tư cách là một đệ tử tham kiến, chứ chưa vội dùng cái quyền do quy củ định đoạt mà tự xem mình là một chưởng môn.

Cái thân phận đó, nàng chờ khi nào Lữ Trường Lâm thừa nhận mới dám tựa vào.

Sở dĩ nàng làm thế, một phần do lễ độ, phần khác do nàng tìm hiểu thái độ của Lữ Trường Lâm.

Nếu lão còn trọng quy củ, thừa nhận nàng là chưởng môn, điều đó lão không có ý ngoại.

Nếu lão cứ xem mình là trưởng thượng, bất chấp quy củ phủ nhận thân phận nàng, tự nhiên là lão chống đối.

Do thái độ của lão, nàng quyết định thái độ của nàng.

Lữ Trường Lâm nhận cái lễ của nàng, nhưng không dám đương diện mà nhận, lão nghiêng mình qua một bên, rồi nghiêm giọng thốt:

– Xin chưởng môn cứ giữ đúng quy củ cho đệ tử được tham kiến.

Lão xưng là đệ tử, như vậy lão không có ý ngoại!

Vô Vi Tiên Tử càng khiêm nhượng hơn:

– Bổn tòa đâu dám nhận trọng lễ của các vị! Xin các vị cứ tự nhiên cho!

Lữ Trường Lâm chính sắc mắt:

– Pháp chế do tổ sư đặt ra, không thể vì một lý do nào mà phế bỏ. Tham kiến lần đầu, đương nhiên phải trịnh trọng.

Lão không hề tỏ vẻ cao ngạo, lời nói của lão phát xuất từ lòng thành.

Tiên Tử trầm ngâm một chút:

– Nếu vậy bổn tòa phải vâng theo pháp chế của tiền nhân, song chỉ một lần này thôi, về sau các vị không nên quá thủ lễ.

Rồi đó, Lữ Trường Lâm trước, bảy lão nhân kia sau lần lượt làm trọn lễ tham kiến.

Lữ Trường Lâm giới thiệu bảy người:

– Đây là Thôi Phúc, Lưu Bính Văn, Trần Kế Chí, Trầm Hồng, Liêu Quang Thủy, Lý Hiểu Đàng, và Quách Lăng Nguyệt.

Trong khi môn đồ Vô Vi phái tham kiến chưởng môn, Triệu Sĩ Nguyên bước đến cạnh Đơn Minh và Lý Linh, cùng nhau mừng mừng tủi tủi.

Khi tất cả đều hành lễ xong, Triệu Sĩ Nguyên bước tới nghiêng mình trước Vô Vi Tiên Tử thốt:

– Tại hạ không làm tròn sứ mạng ủy thác, thật đáng thẹn vô cùng.

Âu Dương Ngọc Kỳ mỉm cười, không đáp vội, hướng mắt sang các vị lão nhân hỏi:

– Các vị nhận ra Thiếu lệnh chủ chứ?

Lữ Trường Lâm đáp:

– Bọn lão phu đã gặp Triệu thiếu lệnh chủ trước khi chưởng môn xuống đến đây.

Ngọc Kỳ lại hỏi:

– Các vị đã biết mục đích của Triệu thiếu lệnh chủ?

Lữ Trường Lâm đáp:

– Vì chưa tin được Thiếu lệnh chủ, nên lão phu không đàm thoại sâu rộng, do đó chẳng rõ mục đích vào đây của Thiếu lệnh chủ.

Đơn Minh chen vào:

– Lão phu vào đây lâu, chẳng những các vị không cho gặp mặt Sĩ Nguyên, trái lại còn quản thúc lão trong ngôi nhà này, tại sao các vị làm thế?

Lão day qua Triệu Sĩ Nguyên cao giọng hỏi:

– Ngươi có bị họ nhốt kín nơi nào chăng?

Triệu Sĩ Nguyên lắc đầu:

– Không có việc đó đâu, Đơn bá bá. Tiểu điệt chỉ thảo luận một vấn đề với các vị ấy thôi.

Lữ Trường Lâm mỉm cười:

– Lúc Đơn đại hiệp vào đây thì bọn lão phu bận hành công, do đó không tiện ra mặt đón chào. Rồi kế đó, Triệu thiếu lệnh chủ đến, bọn lão phu đã hết giờ hành công, mừng đón Triệu thiếu lệnh chủ, thành ra quên mất Đơn đại hiệp. Mong đại hiệp thứ cho tội vô lễ của bọn lão phu.

Đơn Minh giật mình:

– Rõ ràng là Sĩ Nguyên vào địa huyệt trước, sao lại nói rằng lão phu đến đây trước hắn?

Vô Vi Tiên Tử cũng cau mày tiếp:

– Đơn đại hiệp và bổn tòa cùng đi chung một lượt, còn Triệu thiếu lệnh chủ thì vào địa huyệt trước đúng bảy hôm rồi, làm gì có kẻ đến trước vào sau, kẻ sau mà đến trước, đảo ngược như thế?

Lữ Trường Lâm bật cười ha hả:

– Trước hết chưởng môn hãy mời các quý khách ngồi, rồi lão phu sẽ giải thích sau.

Vô Vi Tiên Tử ạ lên một tiếng:

– Lỗi quá! Quên mất điều đó thành ra quá đắc tội với các vị.

Mọi người cùng cười, cùng ngồi xuống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.