Sáng hôm sau Lan bắt chuyến xe buýt sớm nhất trong ngày để qua chỗ tôi, tôi được một trận cười phát ngất khi nhìn thấy cô xuống xe cùng với đống đồ đạc lỉnh kỉnh đi kèm theo người.
“Chắc là cậu ít đi du lịch bụi nên không biết.” Tôi toe toét cười. “Đi trong ngày thế này chỉ cần mỗi người một cái ba lô thôi, mình mang theo đồ dùng thực sự cần thiết, còn thiếu cái gì thì có thể để đến nơi mua sau cũng được.”
“Tại tớ lo xa quá!” Lan cười ngượng ngùng với tôi. “Cứ sợ thiếu cái này thiếu cái kia.”
“Bởi vì thế này này.” Tôi giải thích. “Nếu đi ô tô thì mang bao nhiêu đồ cũng được, nhưng đi xe máy mà gài hai túi nilon to tướng kia vào hai bên thì tớ không thể tập trung lái xe được.”
“Ừ nhỉ, sao tớ không nghĩ ra chuyện ấy nhỉ?!” Lan cười tủm tỉm.
Sau đó tôi phải chở cô về qua quán, chúng tôi ngồi chọn lọc để giữ lại những thứ cần thiết, làm sao chỉ còn cho vừa vào hai ba lô, đống còn lại thì để tạm ở quán.
Đi từ Hà Nội đến Bát Tràng có đến bốn con đường, nhưng tôi chọn đi qua cầu Chương Dương vì đường này có khung cảnh đẹp nhất. Đến cuối cầu chúng tôi rẽ phải rồi đi dọc theo đường đê để về Bát Tràng.
Trên đường đê chúng tôi bắt gặp một vài cảnh tượng rất thú vị, như là cảnh bốn chú bò nằm trên bãi cỏ ven đường và xoay mặt vào nhau tạo thành hình chữ thập, nếu đặt một chiếc bàn nhỏ vào giữa là nhìn như mấy con bò trong phim hoạt hình đang tụ tập uống trà tâm sự với nhau vậy.
Lan tỏ ra rất thích thú với việc ấy. Chúng tôi dừng xe quan sát và bình luận rôm rả đến mười phút rồi mới đi tiếp.
Đi thêm một đoạn nữa chúng tôi gặp một bà già đang đẩy xe chở táo đi bán rong phía trước, Lan nói muốn mua ít trái cây ăn cho đỡ khát nên tôi dừng xe trước mặt bà ấy để mua hàng, tiện thể hỏi đường đi tiếp cho chắc chắn, mấy năm học tôi cũng đi du lịch bụi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên tìm đến với làng gốm mấy trăm năm lịch sử này.
Không biết có phải do bán được hàng hay không mà lúc nhận tiền bà lão khen tôi và Lan đẹp đôi, Lan nghe xong đỏ phừng mặt lên vì xấu hổ, tôi định nói vài câu thanh minh nhưng thấy giải thích cũng chẳng để làm gì nên lại thôi.
Chỉ có điều rất dở là từ lúc ấy trở đi Lan không nói lời nào với tôi nữa.
Khi chúng tôi vào đến đầu làng thì trời đổ mưa. Xin cám ơn trời, nhờ vậy Lan mới chịu mở miệng nói chuyện, cô hoảng hốt hét lên: Kiên ơi! Chết rồi! Tìm chỗ trú đi! Tớ không mang đồ để thay đâu!!”
Tôi nhìn quanh và phát hiện ra một ngôi nhà cũ kỹ bỏ hoang rất thích hợp để trú mưa. Tôi bèn phóng hẳn xe lên trên hiên nhà, Lan đề xuất dựng xe gần lan can bên trái để ngồi, tôi làm theo lời cô, loay hoay một lúc mới yên vị được.
Chúng tôi ngồi trên yên xe và gác chân lên hàng lan can, Lan tỏ ra ủ rũ vì thấy trời mưa, tôi động viên là có tí sự cố cũng hay, bất ngờ thế này mới đúng chất du lịch bụi chứ. Nói thêm một lúc thì cô tươi tỉnh hơn, rồi cô lấy túi bánh bích quy và hai chai nước lọc trong ba lô ra, cộng thêm mấy trái táo ban nãy là vừa đủ một bữa ăn nhẹ, chúng tôi vừa ăn vừa nhìn mưa rơi và chuyện trò sôi nổi.
“Cậu cũng xuề xòa nhỉ. Tớ định góp ý từ sáng cơ, đi chơi mà mặc áo gì thế kia, đây là áo bộ đội mà đúng không?” Lan nhận xét về chiếc áo quân ngũ màu xanh lá tôi đang mặc. “Cậu mặc một chiếc áo phông đi chơi có phải phù hợp hơn không?”
“Ừ… Tại tớ lười giặt nên hết đồ, sáng tìm chẳng còn cái nào nên lấy bừa cái này ra mặc tạm.” Tôi xấu hổ nói.
Cô không nói gì nhưng lại nhìn tôi một cách đầy hoài nghi và suy luận.
Biết ý Lan tôi bèn tự giác trả lời: “Thật ra… đây là áo của bố tớ, cậu cũng biết bố tớ mất lúc tớ còn bé đúng không. Hồi ấy thỉnh thoảng nhớ tới bố tớ lại mở tủ lấy chiếc áo này của ông ra đắp thay chăn. Lúc ấy áo còn vương mùi thuốc lào cơ, vì bố tớ nghiện món ấy mà, sáng nào ngủ dậy ông cũng phải làm một điếu thuốc với một cốc chè rồi mới đi lao động. Bố tớ đã về với lòng đất lạnh lẽo rồi, tớ chẳng biết làm thế nào ngoài việc cố níu kéo một cách yếu ớt mùi hơi sự sống của ông…”
“Thế nên…” Tôi bẻ ngón tay răng rắc và cười gượng gạo. “…Thỉnh thoảng tớ lấy áo này ra mặc, một phần vì ít đồ, một phần vì muốn làm cho nó có lại hơi người.”
“Khổ thân cậu.” Lan buồn bã nói. “Vậy là trước đây bố cậu tham gia chiến tranh ở đâu?”
“Bố tớ từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trước đây ông có được điều vào chiến trường miền Nam, nhưng đúng lúc ấy thì chiến tranh kết thúc. Gia đình vui mừng chưa được bao lâu thì đến năm 1978 chiến tranh lại nổ ra, thế là bố tớ phải đi chiến trường Campuchia.”
“Ừ.” Lan chăm chú nghe tôi kể chuyện.
“Rồi ông bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối.” Tôi kể tiếp. “Bị đạp trúng mìn cậu ạ, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho, phải cưa sống cậu ạ, tớ nghe kể lại là đồng đội phải hát quốc ca, mà tiếng hát vẫn không át nổi tiếng gào thét vì đau đớn của ông.”
“Trời ơi, thế thì đau đớn lắm!” Lan nói với gương mặt nhăn nhó.
“Ừ. Nhưng dù sao…” Tôi nói mệt mỏi. “Ông còn may mắn hơn nhiều người, đó là được hưởng những năm tháng hòa bình bên cạnh gia đình.”
“Sau thì bác bị bệnh gì mà mất hả cậu?”
“Bố tớ bị ung thư phổi cậu ạ. Ông mất rất nhanh, từ lúc phát hiện đến lúc mất chỉ khoảng hai tháng.” Tôi rút điếu thuốc cuối cùng ra rồi bóp bẹp vỏ bao thuốc.
Vừa châm thuốc hút tôi vừa kể qua về bố mình cho Lan nghe, thật ra bố tôi mất khi tôi còn bé quá nên tôi không có nhiều kỷ niệm như với mẹ. Đến lúc này điều ấn tượng nhất về ông là tuy trải qua nhiều đau thương như vậy, nhưng ông vẫn sống lạc quan và hài hước, chưa bao giờ ông than vãn về thương tật chiến tranh, hình như ông cắn răng cam chịu vì không muốn hai đứa con buồn. Tôi nhớ có một đợt thay đổi thời tiết làm vết thương của ông tái phát, cứ vào sáng sớm tôi bị tỉnh giấc vì những âm thanh rên rỉ đau đớn trong vô thức của ông vì mảnh đạn trong người, những lúc ấy tôi thấy xót xa lắm, sau khi nghe mẹ tôi nói lại, vì không muốn chúng tôi phải lo lắng nên ông chạy lên nhà trên ngủ một mình, để hai chị em tôi được yên giấc.
Nghe xong câu chuyện Lan nhìn tôi với đôi mắt ái ngại. Phải mất đến mười phút cô mới có thể ấp úng hỏi tiếp: “Vậy… còn… còn mẹ cậu… Bác cũng mất vì bệnh à cậu?”
“Mẹ tớ thì mới mất mấy năm trước, bà bị trúng gió độc, sau này bác sĩ giải thích là bị tai biến mạch máu não.” Tôi chậm rãi kể. “Chị tớ là người phát hiện ra đầu tiên, đợt đấy ra Tết chị vẫn ở nhà chơi chưa lên Hà Nội, tớ thì vừa lên học tiếp học kỳ hai năm thứ nhất. Tối hôm ấy mẹ tớ đi xuống nhà tắm, chắc lúc đi lên bị trúng gió nên đột quỵ luôn. Nhà ở quê công trình phụ không liên thông như nhà thành phố, từ nhà tắm lên bếp trống nên có gió lùa mà. Chị tớ thì sang nhà hàng xóm chơi, lúc về không để ý cứ ngồi trên nhà xem tivi, khi xuống tìm thì thấy mẹ tớ đã tím tái toàn thân nằm quỵ trước cửa nhà tắm từ bao giờ rồi.”
“Cái khoảnh khắc chị ấy gọi cho tớ mới đáng sợ làm sao.” Tôi kể chậm rãi từng câu một, chuyện này mỗi lần nhắc lại đều làm tôi đau đớn. “Chị nói vài câu rất nhanh, giọng gào lên hoảng loạn: Mọi người đang đưa mẹ vào viện, mày về ngay đi!! Rồi cúp máy. Tớ lao ra đường lúc sẩm tối gọi xe ôm chở ra bến xe. Đến giữa đêm thì về đến nhà. Vừa đi đến cổng nhà thì nghe tiếng chị tớ gào thét như xé rách màn đêm: Mẹ ơi, sao mẹ lỡ bỏ chúng con đi mẹ ơi!?”
“Ôi trời!”
“Thế là người tớ như hóa đá luôn, chân tay mềm nhũn như cọng bún, tớ quỵ xuống đất, hai đầu gối đập cốp một tiếng xuống đất, đầu óc hoang mang, miệng lắp bắp: Mẹ ơi… Không, không… Tại sao? Sao lại thế này? Lúc ấy giống như là bị chấn động thần kinh vậy. Cứ quỳ trước cổng, lắc đầu quầy quậy, mắt mở trừng trừng, mồm thì lặp đi lặp lại: Không, không…không… Quỳ ở đấy với đầu óc trống rỗng bao nhiêu lâu tớ cũng không rõ, đến lúc bác tớ từ trong nhà đi ra mới thấy, bác hoảng hốt gào to lên, họ hàng đến từ tối ở trong nhà vội chạy ra và xốc hai bên nách tớ lên dìu vào nhà.” Tôi nói, mắt nhắm nghiền và thở ra thật mạnh bằng miệng, sao tự dưng tôi thấy ngột ngạt khó thở quá.
“Trời ơi. Sao cuộc sống bất công với cậu vậy chứ?” Lan than vãn.
Tôi không nói được gì nữa, vì mỗi lần nhớ đến những ký ức ấy là có một cảm giác mệt mỏi chán nản từ đâu đó cứ ào ra xâm chiếm toàn thân tôi, tôi vứt đầu lọc điếu thuốc đi và lấy hai tay vỗ đầu để bớt căng thẳng.
Không khí đi chơi đang vui vẻ bỗng dưng lại chùng xuống, tôi và Lan cùng im lặng ngồi nhìn mưa rơi, gương mặt hai đứa đều trở nên thẫn thờ, chúng tôi đang chạy theo những nẻo đường mờ mịt không đích đến nào đó trong tâm trí.
Một lúc sau, thấy mình phải có trách nhiệm xua đi sự trống vắng, tôi bèn huýt sáo bài hát Let it be của ban nhạc The Beatles, nghe nói Paul Mccartney sáng tác bài này sau một lần mơ thấy người mẹ quá cố của ông, tôi cũng mất cha mẹ vì bệnh tật nên lần nào nghe bài này cũng thấy tâm sự của mình trong đó.
Đúng gu âm nhạc của Lan nên cô thích thú hát khe khẽ theo tôi, thành thật mà nói, giọng hát của cô chỉ ở mức trung bình khá, nhưng tôi vẫn thấy được an ủi rất nhiều:
“And when the broken hearted people/ Living in the world agree/ There will be an answer, let it be. For though they may be parted/ There is still a chance that they will see/ There will be an answer, let it be/ Yeah, there will be an answer, let it be…”
Tôi mơ màng nhìn thật kỹ căn nhà hoang tàn rêu phong sau lưng, rồi nhìn màn mưa đang liên tục đổi chiều theo hướng gió phía trước, rồi lại quay sang nhìn Lan và hoang mang tự hỏi, cô gái với khuôn mặt trắng xinh như thiên sứ bên cạnh tôi đây, tiếng hạt mưa rơi rào rào như đệm đàn bên tai đây, và màn mưa đang liên tục đổi chiều như một vũ công uốn lượn kia, tất cả những điều này có thật hay không vậy, sao lại đẹp đẽ tráng lệ nửa thực nửa mơ thế này.
“Này.” Lan gọi, làm tôi sực tỉnh. “Cậu thấy tớ với Ngọc ai hát hay hơn?”
“À, ừm… Khách quan thì…” Tôi ấp úng. “Giọng cậu trầm ấm đấy, nhưng mà Ngọc hát hay hơn, cái này thì cậu không so được đâu, ở cấp độ hát phong trào thì giọng Ngọc có thể đem đi thi đấu được cơ mà.”
“Thế tớ chẳng hơn Ngọc ở điểm gì à?” Cô phụng phịu, hình như cô vẫn ấm ức chuyện so sánh ngoại hình hôm trước.
“Có chứ.” Tôi nói. “Ngọc hay chửi bậy, còn cậu tớ chưa thấy văng tục bao giờ.”
“Ừ, kể cả lúc bực tức tớ cũng không chửi bậy đâu. Tớ thấy văng tục là hành vi bất lịch sự. Tất nhiên cũng tùy tính người nữa, họ bức xúc quá thì cũng phải để họ xả stress chứ.” Lan nói. “Mà Ngọc đã về nhà cậu bao giờ chưa?”
“Chưa, có dịp nào đâu mà về.” Tôi đáp. “Hồi mẹ tớ mất bọn tớ vẫn chưa yêu nhau. Lúc ấy tớ vẫn còn do dự mà.”
“Kể ra có dịp nào đấy về quê cậu chơi thì hay nhỉ.” Lan nói. “Tớ chưa được đến Thái Bình bao giờ, chỉ mới nghe bài hát gì mà Thái Bình quê lúa hát chèo ấy…”
“Ừ, đúng là có bài ấy, Thái Bình là vựa lúa lớn của miền Bắc mà.” Tôi nói. “Từ Hà Nội về Thái Bình thì hơi xa, mà đi thế chắc chắn phải ngủ qua đêm rồi, nói chung là khó cho cậu.”
“Ừm, cũng khó thật đấy.” Lan đăm chiêu. “…À, tớ chưa kể cậu nghe chuyện này nhỉ, tối qua ăn cơm xong, con em họ tớ đòi đi ăn sữa chua nếp cẩm, nó nghiện món ấy mà, thế là tớ phải chở nó ra quán ăn vặt gần nhà. Vừa đến nơi thì thấy mấy thằng thanh niên đang gây gổ với một ông bác, hình như là va quẹt xe máy gì đó, cậu biết không, một thằng gào lên gọi bác ấy là thằng già, mấy thằng còn lại nhao nhao lên như chó đàn đòi xông vào đánh, cuối cùng mấy bà lớn tuổi đứng ra can bọn nó mới hậm hực bỏ qua.”
“Cậu chứng kiến từ đầu đến cuối cơ à?” Tôi nói. “Sao không đi sang quán khác, đứng ở đấy làm gì, tai bay vạ gió vào người thì sao?”
“Kiểu là tớ bị bất ngờ ấy.”
“Đánh lộn thì có gì mà bất ngờ.”
“Cậu nhớ thời bọn mình không?” Lan trầm ngâm. “Ngày xưa thế hệ bọn mình, kể cả giận người lớn cũng làm gì có đứa nào dám có thái độ như thế. Tớ nhớ ngày trước ở trường tớ, có thằng học sinh thuộc dạng cá biệt lắm rồi, cứ đêm là nó gọi điện cho cô chủ nhiệm rồi chửi bới cô ấy, xong cô ấy nhờ công an tìm ra, nhưng đến mức đòi đánh đòi đập người lớn như tối qua thì kinh khủng quá.”
“Ừ, nhiều giá trị đạo đức đang xuống cấp mà.” Tôi nói. “Tớ với cậu chỉ là những cá nhân bé nhỏ, biết vậy thôi chứ làm gì được đây?!”
“Nghĩ mà sợ thật cậu nhỉ, tối qua mà không có người can là có khi đổ máu ấy chứ, có khi bọn nó điên lên rút dao ra gây án mạng ấy chứ.” Lan nói. “Liệu rồi Hà Nội có còn được bình yên không, hay sẽ đến cái ngày mà ra đường là thấy người ta đâm chém như cơm bữa như trong phim ảnh nước ngoài.”
“Trời ạ!?” Tôi bật cười, cô nhạy cảm quá. “Cậu lo xa quá đi mất! Hà Nội là thủ đô của cả nước, ở đấy không an toàn thì chẳng ở đâu an toàn cả.”
“Ừm. Cậu nói đúng.”
Rồi tôi lái sang chuyện khác để cô bớt ưu tư, tôi hỏi thăm tình hình học hành ôn thi của cô, cô nói cũng tạm ổn, kết quả thi thử vừa rồi cũng tốt, bây giờ cô cũng muốn thi xong sớm để đỡ phải lo lắng nhiều. Sau khi thi xong bố cô sẽ đưa cả nhà vào Nha Trang du lịch chừng mười ngày, cô nói hôm nào đi chơi về sẽ tìm tôi ngay.
Nói thêm được vài chuyện linh tinh nữa thì trời bắt đầu ngớt mưa, mất cả tiếng ngồi đây ngắm mưa thì xác định là không thể về trước giờ trưa theo kế hoạch được nữa. Nhưng thế vẫn còn may mắn chán, nếu mưa cứ kéo dài không biết bao giờ tạnh thì chuyến đi chơi sẽ kết thúc trong ê chề và tôi sẽ phải gửi Lan về Hà Nội trước bằng taxi mất.
Khi trời tạnh ráo hoàn toàn, chúng tôi dọn dẹp một chút để tiếp tục chuyến tham quan, điều tôi ấn tượng nhất là suốt cả tiếng đồng hồ ngồi một chỗ nhìn mưa Lan không hề tỏ ra sốt ruột hay vội vã. Khi tôi dắt xe ra khỏi thềm nhà thì cô bốc hết những vỏ bánh, vỏ chai nước vào túi nilon treo vào móc xe để tìm bãi rác vứt, lối hành xử văn minh ấy làm chuyến đi của chúng tôi trở nên trọn vẹn hơn.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là chợ cổ làng gốm Bát Tràng, một khu chợ rộng rãi bày bán khá nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ về gốm sứ từ bình dân tới cao cấp. Chúng tôi lập tức bị thu hút vào một sân chơi gốm, chỉ trả mười nghìn đồng là được ngồi vào một bàn gốm và thử làm nghệ nhân, một cậu thanh niên trẻ khoảng 16 tuổi, chắc là thợ gốm, đến hỏi thăm và hướng dẫn chúng tôi cách nặn gốm.
Sau cả tiếng hì hục hai đứa cũng cho ra sản phẩm, đó là hai cái bình đựng nước nhưng nhìn nó hơi xấu và méo mó, cậu thợ gốm hỏi chúng tôi có muốn cho vào lò nung để ra sản phẩm đem về không nhưng cả hai cười khì khì từ chối, chúng tôi chơi để giải trí thôi chứ biết rõ bản thân không có tí năng khiếu nào cả.
Cả tiếng làm việc tập trung và tỉ mẩn khiến hai đứa đói lả cả người, được chủ quán giới thiệu chỗ bán bún cá ngon, chúng tôi tìm đến ngay và đánh chén ngon lành mỗi người hai suất.
Du lịch bụi có cái hay là cứ đi đến đâu lại khám phá ra đến đó, trước khi đi tôi chỉ biết là Bát Tràng có một khung cảnh rêu phong cổ kính và có chợ gốm để tham quan, nhưng đến nơi la cà hỏi thăm người dân địa phương lại được chỉ đi hết chỗ này đến chỗ kia, ở quán bún chúng tôi được chỉ đường đến đình làng gốm Bát Tràng và nhà Vạn Vân – một căn nhà nằm ở cuối làng có trưng bày hơn 400 món đồ sứ từ thế kỷ 15 đến 19.
Ông trời cũng rất biết chiều lòng người, sau trận mưa buổi sáng trời bắt đầu hửng nắng rất thuận cho việc chụp ảnh, ở mỗi địa điểm chúng tôi đều chụp cả chục tấm ảnh, khung cảnh chỗ này rêu phong cổ kính nên khi lên hình nhìn khá độc đáo và gợi cho người ta cảm giác hoài cổ.
Có đoạn chúng tôi còn hứng lên chui xe vào một ngõ sâu hun hút, đến đứng cạnh một cánh cổng gỗ nhỏ của một gia đình làm gốm để chụp ảnh cho thêm phần nghệ thuật. Đến lúc đi ra gặp một ông bác đang dắt xe đạp ngược chiều mà cũng thành tắc đường, không hiểu sao người dân ở đây có thể đi lại sinh hoạt trong những ngõ ngách chật hẹp như thế.
Đến tầm ba rưỡi chiều, khi đã mệt rã rời và ăn uống hết sạch thực phẩm mang theo thì tôi và Lan quyết định đi về.
“Lâu lắm rồi tớ mới được đi chơi vui vẻ như ngày hôm nay. Lại còn chụp được nhiều ảnh đẹp nữa chứ, tớ sẽ rửa ra vài tấm đẹp nhất để cho vào album ở nhà.” Lan nói, không rõ là cô vui vẻ nhờ tôi hay nhờ Bát Tràng.
Chúng tôi đi ngược lại con đường đã đi buổi sáng để trở về thành phố, trên đường đi tôi hỏi thăm tình hình cô bạn người miền Trung mà hôm trước Lan kể.
“À… bạn ấy hả?” Lan nói. “Cũng may mắn là nhà bạn ấy chỉ bị tốc mái thôi. Tớ thương bạn ấy quá mà chẳng dám đưa tiền, sợ bạn ấy tự ái.”
“Hay không giúp riêng được thì giúp chung.” Tôi nói. “Hôm trước tớ đọc báo thấy có quỹ gì hỗ trợ miền Trung đấy, ở phố Thợ Nhuộm hay sao ấy.”
“Ừ, sao tớ không nghĩ ra nhỉ. Vậy trên đường về cậu chở tớ qua đấy tí nhé!”
“Cậu định đóng góp bao nhiêu?” Tôi hỏi. “Tớ rất muốn đóng góp nhưng lực bất tong tâm.”
“Tớ cũng không có nhiều tiền, còn cậu thì chắc thuộc diện cần cứu trợ nữa ấy chứ.” Cô nói. “Nhưng mỗi người góp một ít thì tích tiểu thành đại thôi, hơn nữa, bỗng dưng tớ muốn làm một điều gì đó, cứ coi như là mình làm một việc tốt đẹp để mà bù đắp cho cái việc đánh nhau tệ hại vừa xảy ra tối qua đi.”
Tôi sửng sốt nhìn Lan qua gương chiếu hậu, trong bốn năm qua tôi đã đọc danh ngôn của rất nhiều danh nhân, nhưng chưa có câu nào độc đáo và ý nghĩa như câu Lan vừa nói, cách nghĩ ấy rất hay và nhân văn, cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn lên biết bao nhiêu nếu có thêm nhiều người như cô.
Sau khi qua phố Thợ Nhuộm làm việc thiện nguyện xong tôi quay đầu xe và chở Lan về phố Hàng Đào cho kịp giờ cơm tối.
Khi hai đứa chia tay, thấy cô vẫn đang tủm tỉm cười tôi bèn hỏi: “Này, nhìn cậu hạnh phúc ra mặt đấy, làm việc từ thiện khiến cậu vui thế à Lan?”
“Cậu biết không?” Cô nhìn thẳng vào mắt tôi và nói. “Ngày xưa, hồi còn bé ấy, mỗi khi tớ làm được một việc gì đó tốt, kể cả là một việc nhỏ bé đi chăng nữa, là cả ngày hôm đấy tớ cảm thấy vui sướng nhẹ nhõm trong lòng lắm nhé!”
“Thế còn bây giờ thì sao?”
“Bây giờ con người ta phải nghi ngờ nhau nhiều quá, cậu biết không, nếu cậu ra sân bay mà có ai nhờ cầm hộ chai nước lọc thì đừng vội tin. Có thể họ đang lợi dụng cậu để vận chuyển ma túy đấy.”
“Ừ, xã hội càng ngày càng phức tạp mà.”
“Tình hình thế đã cậu nhé.” Cô nói rồi nhìn đồng hồ trên tay. “Chuyện ấy khi nào nói tiếp nhé, cũng muộn rồi đấy, tớ về nhà đã. Cậu về đi, nhớ ăn cơm tối đừng bỏ bữa đấy!”
“Ừm. Mà Lan này.” Tôi nhìn cô trìu mến và nói: “Cậu cứ mãi như vậy nhé!”
“Mãi như thế nào cơ?” Lan tròn mắt nhìn tôi. “Nghĩa là sao? Ý cậu là gì?”
“Ý tớ là…” Tôi giải thích. “Cậu cứ mãi giản dị như vậy, cứ mãi tốt bụng như vậy nhé!”
Cả khuôn mặt Lan đỏ ửng lên như gấc vì mắc cỡ.
“À… ừm.” Cô đằng hắng một tiếng để che đi sự xấu hổ và nói: “Nhưng cậu nói thiếu rồi, phải nói là tớ cứ mãi xinh đẹp như thế này nữa chứ!?”
“Thôi, tớ về ăn cơm đây, tớ đói rồi.” Nói xong Lan vội vã chạy đi, để lại tôi đứng đó ngẩn ngơ một mình.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi biết rằng thế giới người lớn mà chúng tôi sắp bước vào đây có rất nhiều thứ có thể làm người ta thay đổi chóng mặt, năm năm nữa, rồi mười năm nữa, khi trở nên quá quen thuộc với cuộc sống giàu sang và những tiện nghi xa hoa, chẳng biết người bạn tốt của tôi còn giữ được những phẩm chất tuyệt vời của ngày hôm nay nữa hay không.
“Cứ mãi giản dị và tốt bụng như vậy nhé, cô gái Hà Nội của tôi!” Tôi lẩm bẩm một mình rồi quay xe ra về.