Dòng sông Lạc Thổ là một nhánh của sông Lô chảy qua địa phận xã Xuân Canh mười mấy dặm đến cầu Yên Thường rồi ngoặt về phía nam qua các huyện Gia Lâm, Tiên Du và Siêu Loại. Nước sông lặng lờ chảy. Trăng thượng tuần vắt vẻo. Sương bốc mờ mờ trên mặt sông mênh mông. Con thuyền chầm chậm trôi theo nước. Trên thuyền một thanh niên bó gối ngồi ngửa mặt nhìn trăng.
– Trời đất mang mang người người vô kể, thế mà Đỗ Hậu ta không có một chỗ để dung thân, một bằng hữu để đàm đạo…
Nói xong thanh niên cất tiếng than dài. Từ trong vùng sương mờ mờ một con thuyền hiện ra cùng với giọng nói vang vang:
– Tại hạ họ Lê tên Hào quán ở Hoan Châu. Nếu muốn có một bằng hữu để đàm đạo xin mời Đỗ huynh qua thuyền uống vài chén rượu cho vui…
Nghe tiếng nói rất gần thanh niên họ Đỗ giật mình dáo dác nhìn. Lờ mờ trong màn sương khuya y thấy một con thuyền từ từ tiến lại gần thuyền của mình. Hai thuyền cập sát vào nhau. Một thanh niên còn trẻ tuổi vào khoảng hơn hai mươi đang ngồi tu rượu.
– Bên này có rượu ngon lại thêm bằng hữu đang chờ cớ gì Đỗ huynh lại không sang…
Thanh niên họ Đỗ lắc đầu khi nghe giong nói nhừa nhựa của Lê Hào. Y lẵng lặng bước qua thuyền Lê Hào. Đưa cho Đỗ Hậu vò rượu đầy Lê Hào cười sang sảng:
– Mời Đỗ huynh…
Dứt lời y đưa vò rượu lên tu ừng ực một hơi cạn sạch. Đỗ Hậu lắc đầu uống ngụm nhỏ xong trao lại vò rượu cho Lê Hào. Chiêu hơi dài Lê Hào tặc lưỡi:
– Chậc… Rượu ngon thật… Hồi nãy nghe Đỗ huynh than trời đất mang mang người người vô kể mà ta đây không có một chỗ để dung thân, một bằng hữu để đàm đạo là cớ gì vậy?
Dường như câu hỏi trên động tới mối thương tâm đang đè nặng trong lòng nên Đỗ Hậu lại cất tiếng thở dài cùng lúc ánh mắt long lanh như có lệ.
– Tôi xin Lê huynh vài ngụm rượu nữa…
Lê Hào bật cười vọng vang mặt sông rộng mênh mông.
– Tôi mời Đỗ huynh sang thuyền để say một trận cho thoả thích vậy huynh cứ tự nhiên…
Trao vò rượu đang cầm cho Đỗ Hậu, Lê Hào lấy vò rượu mới còn đóng khằn cẩn thận. Tay hữu nắm cổ vò rượu, tay tả của Lê Hào vỗ nhẹ vào đáy vò. Bụp… Dường như không chịu nổi sức ép phát ra từ kình lực âm nhu nắp vò rượu bay vọt lên không. Đỗ Hậu trố mắt nhìn đầy vẻ thán phục.
– Lê huynh chắc giỏi võ lắm?
Nghe câu hỏi của người bạn mới quen Lê Hào cười rè:
– Thứ công phu này chỉ để hù con nít thôi. Tôi xuất thân từ lò luyện võ nổi tiếng nhất phương nam. Chắc Đỗ huynh có nghe danh Tử Cước Lê Hùng?
Lê Hào lại tợp ngụm rượu. Đỗ Hậu lắc đầu thầm phục cho tửu lượng của người bạn mới quen. Mới đó mà Lê Hào đã uống gần cạn vò rượu.
– Tôi là kẻ tầm thường thô lậu lại không biết võ nên không nghe danh Tử Cước…
Lê Hào chép miệng nhấp ngụm rượu cười cười nói:
– Gia phụ nổi danh giang hồ về cú đá nên thiên hạ mới tặng cho danh hiệu Tử Cước. Lúc còn trẻ gia phụ lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng hiện diện trong đoàn do thám Hoa Lư phò tiên đế bình loạn mười hai sứ. Nhờ đó người được tiên đế ban cho đất đai tiền bạc về lập gia trang ở Hoan Châu. Tôi vì tư chất ngu muội lại ham chơi và nghịch ngợm nên chẳng học được bao nhiêu vũ thuật gia truyền. Tuy nhiên các bạn bè mến mộ tặng cho danh hiệu Nghịch Cước…
Nói tới đây dường như thích chí Lê Hào bật cười ha hả uống hơi rượu dài. Nhìn Đỗ Hậu chăm chú Lê Hào cười nói:
– Đỗ huynh chắc gặp điều chi thương tâm hay oan ức không thể thố lộ cùng ai. Dù mới quen nhau song nếu huynh cần sự giúp đỡ tôi sẵn sàng…
Đỗ Hậu gật đầu như cảm tạ cho tính tình hào hiệp của người bạn mới quen. Đưa vò rượu lên nhấp ngụm nhỏ y cất giọng trầm trầm và nghẹn ngào:
– Chắc Lê huynh có nghe người ta bàn tán về cái chết của tiên đế?
Tợp ngụm rượu nữa Lê Hào gật đầu chép miệng:
– Nghe chứ… Nghe nhiều đến đặc lỗ tai. Ngay khi nhận được tin tiên đế băng hà gia phụ tức tốc tới Hoa Lư. Tôi không biết người đã làm gì, đi đâu, gặp gỡ ai cũng như tìm ra bí ẩn nào trong cái chết của tiên đế; nhưng từ đó người trở nên lầm lì ít nói và tối ngày cứ đóng cửa ở trong phòng. Phải nói cái chết của tiên đế là một đại tang cho Lê gia trang. Thời gian sau có lẽ nguôi ngoai chút đỉnh nên gia phụ mới thố lộ vài bí ẩn về cái chết của tiên đế. Người bảo tiên đế say rượu nằm ngủ trong cung bị Đỗ Thích lẻn vào đâm chết. Người ta đồn Đỗ Thích làm tới chức gì đó, nửa đêm nằm ngủ thấy sao rơi vào miệng nên nghĩ mình sẽ được làm vua. Do đó hắn mới nảy sinh ý định giết tiên đế để lên làm vua. Chuyện này nghe vô lý. Một thằng cha làm lại mà tự nhiên nghĩ mình được làm vua… ha… ha… ha…
Lê Hào cười ha hả tợp thêm ngụm rượu.
– Tại sao Đỗ huynh lại hỏi tôi về cái chết của tiên đế?
Đỗ Hậu nuốt ực ngụm rượu:
– Đỗ Thích, người đã giết tiên đế chính là cha của tôi…
Nghịch Cước Lê Hào đứng bật dậy khiến cho con thuyền chòng chành muốn lật.
– Hả… Đỗ huynh là con của Đỗ Thích. Tôi có nghe lầm không?
Đỗ Hậu lặng lẽ gật đầu:
– Không… Tôi chính là con của Đỗ Thích, kẻ mà người ta bảo rằng đã giết chết tiên đế…
Đỗ Hậu ngước mắt nhìn trăng như cố ý không cho người bạn mới quen thấy nước mắt chảy ra trên má của mình.
Lê Hào buông người ngồi xuống.Không biết làm gì hơn y đưa vò rượu lên tu ừng ực một hơi cạn sạch. Quẳng vò rượu xuống sông y tặc lưỡi:
– Khó tin quá… Khó tin quá… Chuyện này khó tin quá…
Đỗ Hậu im lìm không nói. Lê Hào đưa tay lục lạo hồi lâu xong chép miệng nói:
– Hết rượu rồi… Chán chưa… Đỗ huynh chịu phiền để tôi ghé vào bến Đông Hồ mua thêm rượu…
Đỗ Hậu cười gượng góp lời:
– Huynh cứ tự nhiên. Tôi ngồi dưới thuyền chờ huynh…
Lê Hào bơi thuyền về chỗ có đèn sang sáng. Lát sau y cho thuyền cập vào bờ. Tung mình nhảy lên cầu Lê Hào rảo bước. Mua rượu và chút thức ăn xong y hối hả trở về thuyền. Không thấy Đỗ Hậu ngồi trong thuyền y lẩm bẩm:
– Y đi đâu vậy cà… Mình rán chờ y một chút…
Ngồi xuống khui vò rượu định uống Lê Hào chợt thấy một vật lấp ánh dưới ánh trăng. Cúi xuống sàn thuyền nhặt vật đó đưa lên quan sát Lê Hào nói nhỏ:
– Tín vật của phái Cổ Loa. Họ có chuyện gì thù oán mà bắt cóc Đỗ Hậu…
Nghịch Cước Lê Hào ngồi im. Dù mới quen song y lại có cảm tình với Đỗ Hậu. Vả lại y tội nghiệp cho hoàn cảnh đáng thương của người bạn tính tình hiền hậu. Biết Cổ Loa là một chính phái có hành vi quang minh chính đại nay lại lén lút bắt cóc Đỗ Hậu, Lê Hào động tính hiếu kỳ muốn biết phái Cổ Loa có liên hệ gì trong cái chết của tiên đế. Ngẫm nghĩ giây lát y đứng lên . Nốc cạn vò rượu y nhảy lên bờ đoạn triển thuật phi hành chạy dọc theo bờ sông.
Ngôi cổ miếu nằm trơ vơ giữa quãng đồng không mông quạnh. Côn trùng kêu rả rích. Gió rì rào cây đa ngoài sân. Ánh trăng theo chỗ trống dọi xuống nền đất ẩm ướt.
Đỗ Hậu ngồi đối diện với một ông lão mặc áo trắng, còn ông lão mặc áo đen ngồi sau lưng khuất trong bóng tối. Thật lâu ông lão áo trắng mới khàn khàn cất tiếng:
– Trước hết xin được giới thiệu cùng Đỗ thiếu hiệp hai chúng tôi là Hắc Bạch Hộ Pháp của phái Cổ Loa. Chắc thiếu hiệp biết lý do lão phu mời thiếu hiệp đến đây để đàm đạo…?
Dĩ nhiên Đỗ Hậu đủ thông minh để biết hai vị Hắc Bạch Hộ Pháp phái Cổ Loa bắt cóc mình tới đây để làm gì. Tằng hắng tiếng nhỏ Hắc Hộ Pháp cất giọng khàn khàn:
– Nếu chúng tôi không lầm thời thiếu hiệp là đích tử của Đỗ Thích, người đã giết chết tiên đế…
Đỗ Hậu cúi đầu làm thinh không nói lời nào. Thật lâu giọng nói nghèn nghẹn của y vang trong bóng tối thâm u:
– Tôi với cha tuy mang tiếng là cha con mà tình thân không bằng láng giềng. Từ nhỏ cho tới lớn tôi sống với mẹ, thỉnh thoảng cha tôi mới tạt về nhà thăm năm ba bữa nửa tháng rồi đi biệt cả năm trời…
Hắc Bạch Hộ Pháp nhìn nhau. Đỗ Hậu thở dài tiếp:
– Tự biết mình là tội phạm của triều đình song tôi mù mờ chẳng biết mình phạm tội gì. Chuyện cha tôi hành thích tiên đế tôi hoàn toàn không biết cũng như không can dự vào…
Giọng nói của Hắc Hộ Pháp vang lên ngắt lời Đỗ Hậu:
– Đỗ thiếu hiệp có biết hoặc nghe tiên phụ nhắc tới tên Trần Gia Bạch?
Trong lúc Hắc Hộ Pháp hỏi câu trên Bạch Hộ Pháp chăm chú nhìn Đỗ Hậu dường như để nhận xét phản ứng. Tuy nhiên ông ta thấy Đỗ Hậu vẫn có thái độ bình thường dường như không biết tới người mang tên Trần Gia Bạch.
– Sở dĩ chúng tôi mời thiếu hiệp tới đây là để hỏi đôi điều có liên quan tới cái chết của tiên đế. Lão phu cũng biết rằng tội người nào làm người đó chịu nhưng…
Bỏ lững câu nói dường như cố ý để cho người đối thoại suy nghĩ, lát sau Bạch Hộ Pháp tiếp:
– Theo như lời thiếu hiệp kể thời tiên phụ vắng nhà luôn…
Đỗ Hậu gật đầu:
– Từ lúc ấu thơ cho tới tuổi trưởng thành tôi thường xuyên không thấy mặt cha. Người đi biền biệt cả năm mới về nhà một lần. Tôi có hỏi người đi đâu, làm gì thời cha tôi không trả lời. Ngay cả mẹ tôi cũng mù mờ về chuyện làm của người. Mãi cho tới khi bị bắt giam tôi cũng không biết mình đã phạm tội gì…
Hắc Hộ Pháp chép miệng thở dài:
-Chúng tôi muốn xác định về lai lịch và hành động của cha thiếu hiệp mà ngẫm ra thiếu hiệp còn biết ít hơn chúng tôi nhiều. Tiện đây chúng tôi sẽ nói cho thiếu hiệp biết rõ về cuộc đời của cha thiếu hiệp…
Hắc Hộ Pháp ngừng nói nhìn Đỗ Hậu rồi thong thả hắng giọng:
– Đỗ Thích là một nhân vật giang hồ bản lĩnh chỉ vào hàng nhị lưu. Theo sự dò hỏi và tìm tòi của bản phái thời thân phụ của thiếu hiệp có nhiều hành động bất lương như cướp của giết người trong lúc lưu lạc giang hồ. Bị hai phe bạch và hiệp đạo truy lùng Đỗ Thích mới tìm chỗ dung thân bằng cách trở thành nhân viên của đoàn do thám Hoa Lư…
Hắc Hộ Pháp ngừng lời. Đỗ Hậu lặng thinh. Những điều mà Hắc Hộ Pháp thố lộ vượt ngoài sức tưởng tượng của y.
– Với bản lĩnh tầm thường cho nên dù đầu nhập vào đoàn do thám Đỗ Thích chỉ được xung vào làm lại, một chức phận hèn mọn chuyên trông coi sổ sách giấy tờ… Ai …?
Hắc Hộ Pháp lên tiếng hỏi. Từ trong bóng tối một người khật khưỡng bước ra. Đỗ Hậu trợn mắt khi thấy người đó không ai khác hơn là Lê Hào.
Nhìn chăm chú thanh niên trẻ tuổi giây lát Hắc Hộ Pháp hỏi:
– Thoạt trông phong cách thiếu hiệp phải thuộc vào hàng danh gia thế phiệt trong cõi giang hồ; nhưng tại sao lại núp lén nghe chuyện của người khác. Trước khi ra tay dạy cho thiếu hiệp một bài học, lão phu muốn biết tính danh bậc bề trên của thiếu hiệp ?
Chiêu ngụm rượu Lê Hào tủm tĩm cười:
– Tại hạ cũng biết nghe lén chuyện của người là một việc xấu xa không nên làm nhưng…
Ngừng lại tợp ngụm rượu Lê Hào đột ngột buông một câu hỏi:
– ” Kiến nghĩa bất vi vô dũng giã “. Nhị vị tuổi cao đức trọng lại thêm lịch lãm giang hồ ắt biết điều đó?
Hắc Bạch Hộ Pháp nhìn nhau dò hỏi. Dường như họ không đoán được người đối thoại muốn ám chỉ điều gì. Lát sau Bạch Hộ Pháp trả lời :
– Dĩ nhiên lão phu biết điều đó… Nó là một trong những điều tâm niệm của các vũ sĩ giang hồ nhất là của bản phái…
Cười cười tay cước trẻ tuổi của miền Nam cao giọng:
– Thưa nhị vị… Chuyện nghe lén của tại hạ phát sinh từ hành động kiến nghĩa bất vi vô dũng giả…
Đưa tay chỉ Đỗ Hậu đang ngồi ủ rũ Lê Hào trầm giọng nói của mình xuống thành nghiêm nghị:
– Tại hạ với Đỗ huynh đây tuy mới quen song coi nhau như là bằng hữu tâm giao. Giải cứu một bằng hữu bị bắt cóc thời nhị vị nghĩ xem đó là hành động hiệp nghĩa hay xấu xa tồi bại?
Hắc Hộ Pháp động dung còn Bạch Hộ Pháp lắc lắc mái tóc bạc phơ.
– Hai lão phu không có bắt cóc Đỗ thiếu hiệp mà chỉ nhân danh phái Cổ Loa mời y tới đây đàm đạo đôi câu…
Tợp ngụm rượu Lê Hào tủm tĩm cười dường như có điều gì thích chí. Hướng về nhị vị hộ pháp phái Cổ Loa y ôm quyền cung kính thi lễ:
– Cổ Loa là một danh môn chính phái tiếng tăm lừng lẫy ngàn năm qua huống chi nhị vị lại là hộ pháp thời một lời nói còn nặng hơn thiết thạch. Nhị vị đã nói tiếng ” mời ” thời tại hạ dám cả quyết điều đó không sai…
Lê Hào ngừng nói chiêu ngụm rượu. Dù không tỏ lộ thái độ khác lạ song hai vị hộ pháp đều đâm ra bán tín bán nghi. Họ lờ mờ hiểu câu nói của thanh niên còn hàm ý sâu xa mà trong nhất thời họ không đoán ra được. Tuy trông còn trẻ song thanh niên có vẻ thông minh, hoạt bát và giỏi biện luận. Nội cái chuyện y chạy tội nghe lén bằng hành động kiến nghĩa bất vi vô dũng giả cũng đủ chứng tỏ y có tài ăn nói và miệng lưỡi.
Giọng nói của Lê Hào vang vang trong ngôi cổ miếu lạnh lùng và thâm u:
– Nếu nhị vị đã nói mời thời Đỗ Hậu muốn đi hay ở là tuỳ ý của y phải không?
Hắc Bạch Hộ Pháp cứng họng làm thinh không đối đáp được. Họ đã nói mời tất nhiên Đỗ Hậu là khách của họ. Là khách thời y đi hay ở họ không có quyền lưu giữ. Lê Hào khôn ngoan và tinh ranh hơn người ở chỗ đó.
Chép miệng thở dài Hắc Hộ Pháp lên tiếng:
– Phục lắm… Thiếu hiệp quả nhiên khôn ngoan hơn bọn lão phu nhiều lắm. Chẳng hay thiếu hiệp danh tánh là chi?
Lê Hào cười rè. Y biết Hắc Hộ Pháp muốn biết tính danh của mình để mắng vốn song y không ngại chuyện này.
– Tại hạ họ Lê…
Bật cười sang sãng Bạch Hộ Pháp nói lớn:
– Lành thay… Quí hoá thay… Lão phu không ngờ Lê Hùng lại sinh được một quí tử thông minh và hoạt bát như thiếu hiệp. Hơn hai mươi năm trước đây lão phu từng chia cơm xẻ áo với Lê Hùng phù tiên đế bình loạn mười hai sứ. Hai mươi năm… Ôi thời gian như bóng câu qua cửa sổ…
Vị hộ pháp phái Cổ Loa chép miệng thở dài đoạn cất giọng trầm và khàn:
– Đã lâu không gặp chắc thân phụ của thiếu hiệp vẫn khang an?
Tuy không nói song Lê Hào thầm phục kinh lịch của vị hộ pháp phái Cổ Loa. Y chỉ nói họ Lê mà ông ta đã đoán đúng căn cơ gốc gác của mình. Biết đụng phải người quen lớn với phụ thân y cung kính ôm quyền thi lễ:
– Đa tạ nhị vị… Nhờ trời thân phụ của tại hạ vẫn được khang an…
Dứt lời Lê Hào bước tới chỗ Đỗ Hậu ngồi. Đưa tay nâng người bạn mới quen y ân cần thốt:
– Đi Đỗ huynh…Tôi đưa huynh về tệ trang tạm trú đôi ngày rồi gia phụ sẽ có cách an bày cho huynh…
Đỗ Hậu đứng dậy. Hắc Hộ Pháp tằng hắng:
– Lão phu thật dạ quan hoài cho sự an nguy của Đỗ thiếu hiệp. Lê thiếu hiệp thừa hiểu Đỗ thiếu hiệp là một tội phạm của triều đình đang bị đoàn do thám gắt gao truy lùng. Trong vòng trăm dặm quanh đây đều có sự hiện diện của nhân viên ban truy tầm của đoàn do thám Hoa Lư. Lão phu dám cam đoan là đi chưa được trăm bước nhị vị sẽ bị bắt giữ ngay. Tuy thế lực không bằng đoàn do thám song phái Cổ Loa chính là nơi Đỗ thiếu hiệp có thể tạm nương náu thời gian…
Lê Hào khẽ giật mình khi nghe những lời nói trên. Tuy nhiên y lại cười sang sãng nói:
-Tệ trang tuy thế lực và tăm tiếng không bằng Cổ Loa song tôi có cách an bài cho Đỗ huynh…
Nghịch Cước Lê Hào cùng Đỗ Hậu song song bước đi. Tới cửa miếu cả hai khựng lại. Ngay cửa miếu có một người đứng chắn. Ánh trăng thượng tuần đổ xuống cho Lê Hào thấy người lạ mặc sắc phục của đoàn do thám Hoa Lư. Phần Đỗ Hậu có thái độ sợ hãi khi trông thấy người lạ. Giọng nói già nua của Hắc Hộ Pháp vang lên:
– Thiên Lý Bộ Lý Hằng, trưởng ban truy tầm đoàn do thám Hoa Lư. Thiếu hiệp khá tua cẩn thận…
Lê Hào giật mình còn Đỗ Hậu run người lên khi nghe tới ban truy tầm đoàn do thám. Dường như trong trí não của y đã in sâu những ấn tượng kinh khiếp và hãi hùng về đoàn do thám Hoa Lư.
Đứng sừng sững nơi cửa miếu ánh mắt sáng rực của vị trưởng ban truy tầm quét nhanh vào Lê Hào rồi sau đó hướng về hai vị hộ pháp phái Cổ Loa.
– Giang hồ đồn Hắc Bạch Hộ Pháp của Cổ Loa phái vũ thuật cao siêu và kiến thức quãng bác quả nhiên lời đồn không ngoa. Tại hạ hân hạnh gặp gỡ nhị vị…
Chỉ vào Đỗ Hậu Lý Hằng gằn giọng:
– Hắn là một tội phạm của triều đình mà tại hạ có nhiệm vụ bắt giải về Hoa Lư. Bất cứ ai giúp đỡ hoặc che chở cho hắn sẽ trở thành kẻ đối nghịch với đoàn do thám…
Có lẽ biết trước sau gì cũng phải choảng nhau một trận Lê Hào xì tiếng dài:
– Đoàn do thám là cái thá gì mà các hạ đem ra hù thiên hạ. Muốn bắt y các hạ hãy bắt ta trước…
Chữ cuối buông chưa trọn Lê Hào khẽ đẩy Đỗ Hậu về phía Hắc Hộ Pháp đang ngồi cùng lúc chân tả bung ra nhằm đá vào hạ bàn đối phương.
– Nhãi con lớn mật…
Lý Hằng nạt lớn cùng với bàn tay hữu mở ra khoằm khoằm bấu vào cổ chân của Lê Hào. Vị trưởng ban truy tầm xuất chiêu lanh, chuẫn và độc như muốn khống chế đối thủ trẻ tuổi bằng một chiêu mà thôi. Tuy nhiên hắn hoàn toàn không biết đối thủ trẻ tuổi xuất thân từ một gia trang lừng danh giang hồ về cước pháp.
Ngay lúc bàn tay của Lý Hằng chập chờn trong không khí Lê Hào biến chiêu liền. Đang đứng đối diện với Lý Hằng y tức tốc lật mình nằm ngửa, hai tay chỏi xuống đất lấy đà, hai chân co lại đoạn đá bung ra.
Ào… Kình lực hung hãn ập vào người khiến cho Lý Hằng không còn cách nào hơn là vung tay đỡ đòn. Bùng… Vị trưởng ban truy tầm hồi bộ ba bước. Da mặt xanh mét của hắn ửng đỏ vì giận dữ. Phần Lê Hào cũng bị phản kình của đối thủ đẩy ngược lại mấy bước dù hai tay cố bám chặt xuống đất.
Bạch Hộ Pháp vuốt râu cười nói lớn:
– Thoái mã cước… Hai mươi năm trước lão phu từng chứng kiến Lê Hùng thi triển thoái mã cước đá ngã cây cổ thụ tại Mã Yên Sơn. Nếu gặp phải tay Lê Hùng thi triển thời hôm nay chắc lão phu phải mất công đưa đám tang một người…
Nhìn đối thủ đăm đăm Lý Hằng gằn giọng:
– Ngươi là Nghịch Cước Lê Hào, đích tử của Tử Cước Lê Hùng ?
Lê Hào bật cười sang sãng :
– Đoàn do thám thính tai thính mũi thật. Cái danh mọn của ta mà các hạ cũng biết…
Vốn tính rắn mắt và ranh mãnh Lê Hào không bỏ lỡ dịp mỉa mai và xỏ xiên. Ánh mắt của vị trưởng ban truy tầm rực lên màu sát khí.
Hắc Hộ Pháp đột nhiên đứng dậy. Không một nhích động mà bóng ảnh chớp ngời rồi vị hộ pháp phái Cổ Loa đứng đối diện Lý Hằng.
– Lê thiếu hiệp không phải là đối thủ của Lý trưởng ban đâu. Mọi việc ở đây cứ để lão phu định liệu…
Dù chỉ mới một chiêu thử thách Lê Hào cũng biết mình không phải là đối thủ với vị trưởng ban truy tầm nên y lui về ngồi cạnh Đỗ Hậu để thưởng thức cuộc so tài của hai cao thủ giang hồ. Nhìn Lý Hằng giây lát Hắc Hộ Pháp từ từ thốt:
– Lý trưởng ban muốn bắt người còn lão phu muốn giữ người, chắc chúng ta phải có đụng chạm rồi…
Thiên Lý Bộ Lý Hằng gật đầu:
– Các hạ nói đúng…
Hắc Hộ Pháp nhếch môi cười:
– Lão phu già nua gân chùng cốt mõi nên chẳng muốn giao đấu dằng dai. Nếu trong vòng mười hiệp mà lão phu may mắn đánh trúng được thời Lý trưởng ban nghĩ sao?
Lý Hằng chớp mắt. Dĩ nhiên hắn nghe danh biết tiếng Hắc Bạch Hộ Pháp của phái Cổ Loa nhưng không tin đối thủ sẽ đánh trúng được mình trong vòng mười chiêu. Thân danh trưởng ban truy tầm mà bại trong vòng mười chiêu thời hắn nên qui ẩn để khỏi bị giang hồ chê cười. Lý Hằng nói qua kẻ răng cắn chặt:
– Trong vòng mười chiêu mà các hạ đánh trúng thời nhân danh trưởng ban truy tầm tại hạ sẽ rút lui đồng thời Đỗ Hậu là khách của phái Cổ Loa…
Hắc Hộ Pháp gật đầu:
– Lý trưởng ban sẵn sàng…
Thiên Lý Bộ Lý Hằng triển công phu trầm tịnh.
– Tại hạ hân hạnh được thưởng lãm Thục gia đao kiếm pháp…
Hắc Hộ Pháp đạp bộ nửa bước cùng với hai ống tay áo rộng vung lên. Bàn tay tả khép cong cong mường tượng như lưỡi đao tà tà chém vào hông trong lúc bàn tay hữu với ba ngón tay trỏ, giữa và áp út khép lại thẳng băng đâm vút vào ngực đối thủ.
Thục gia đao kiếm pháp phát xuất từ An Dương Vương Thục Phán song trải qua hơn ngàn năm nó đã biến đổi rất nhiều. Các vị chưởng môn cũng như các cao thủ lỗi lạc của phái này đã khổ công tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra những chiêu thức mới mẻ, đặc sắc để bù đắp vào các chỗ sơ hở và thiếu sót cả Thục gia đao kiếm pháp.Họ thừa biết không thể nào dựa vào công phu thô thiển của Thục Phán để tranh tài cùng thiên hạ.
– Tuyệt…
Lý Hằng buông gọn một chữ đồng thời hai cánh tay máy động. Bàn tay tả bung ra được nửa đường bỗng mở khoằm khoằm bấu vào khuỹu tay mặt còn bàn tay hữu trong thế triệt thủ chém một đòn vào ngực đối phương. Triệt thủ là thứ tuyệt kỹ lừng danh giang hồ về tính chất trầm trọng, cương mãnh thừa khả năng làm vỡ đá nát cây. Chát… Bùng… Hai đối thủ đều phải hồi bộ một bước mới lấy lại thăng bằng. Hồi lâu Hắc Hộ Pháp từ từ thốt:
– Hoá ra Lý trưởng ban là người của Bạch Long Vỉ đảo…
Sắc mặt của Thiên Lý Bộ Lý Hằng hơi thay đổi. Hắn thầm thán phục cho nhãn lực sắc bén cùng kiến thức quãng bác của vị hộ pháp phái Cổ Loa. Chỉ cần so bì với nhau một chiêu thôi mà ông ta đã nhận ra lai lịch của đối thủ.
– Tróc Ngư thủ pháp là một tuyệt kỹ bí truyền của Bạch Long Vỉ đảo. Lý trưởng ban phải là người thân cận lắm mới được chúa đảo truyền thụ…
Thiên Lý Bộ Lý Hằng chầm chậm gật đầu song không nói gì hơn. Giọng nói của Bạch Hộ Pháp đột ngột vang lên trong đêm tối mông lung:
-Hai mươi năm trước lúc tiên đế bình loạn mười hai sứ, Bạch Long Vỉ đảo chúa với hai con trai và mười tám đệ tử trung thành có mặt trong đoàn do thám Hoa Lư. Qua những lần đàm đạo lão phu được biết đảo chúa có ba người con trai. Vị trưởng nam đã anh dũng hi sinh để cứu mạng tiên đế còn thứ nam cũng bị mất một tay. Như vậy Lý trưởng ban phải là người con út của đảo chúa…
Lý Hằng ngần ngừ chưa kịp trả lời Bạch Hộ Pháp nói tiếp:
– Theo chỗ lão phu được biết Bạch Long Vỉ phái lừng danh giang hồ qua hai tuyệt kỹ Kình ngư kiếm pháp và Tróc Ngư thủ pháp. Tróc Ngư thủ pháp là một tuyệt kỹ bí truyền chỉ có chúa đảo và con cái mới biết mà thôi…
Thở hơi dài Thiên Lý Bộ Lý Hằng trầm trầm lên tiếng:
– Nhị vị quả nhiên lịch duyệt giang hồ. Tại hạ là người con út của Bạch Long Vỉ đảo chúa…
Bạch Hộ Pháp lắc đầu dường như không tin được chuyện con ruột của Bạch Long Vỉ đảo chúa lại trở thành trưởng ban truy tầm đoàn do thám Hoa Lư. Nhìn đăm đăm Lý Hằng ông ta nghiêm nghị thốt:
– Bạch Long Vỉ đảo cùng Cổ Loa phái có tình thân thiết rất đậm đà nên lão phu khuyên Lý trưởng ban hãy nhượng bộ một lần để khỏi mất hoà khí hai bên. Cái chết của tiên đế và cố chưởng môn là một việc mà tệ phái không thể bỏ qua được dù phải hi sinh ngàn đệ tử…
Thiên Lý Bộ Lý Hằng chớp mắt song lấy lại tư thái nghiêm nghị cùng với giọng nói trầm lạnh vang lên:
– Tại hạ cũng biết Cổ Loa và bản phái có mối liên hệ mật thiết tuy nhiên tại hạ phải thi hành nhiệm vụ của mình…
Hắc Hộ Pháp ngắt lời:
– Như vậy chắc chúng ta phải đánh nhau rồi…
Xoạc chân đứng tấn vị trưởng ban truy tầm nhếch môi:
– Xin mời…Nếu bại tại hạ sẽ trở về Bạch Long Vỉ đảo ngay…
Hắc Hộ Pháp xuất thủ liền. Chiêu thức của lão thần tốc, quái đản và biến ảo cực cùng. Vị hộ pháp phái Cổ Loa triển công phu vô vật lừng danh của Lý Ông Trọng với chủ ý đánh trúng đối thủ trong vòng mười chiêu.
Tuy nhiên Tróc Ngư thủ pháp là một tuyệt kỹ chuyên về cầm nã thủ lẫy lừng nhất đương thời của giới giang hồ Đại Việt. Ngay lúc thân thủ đối phương vừa nhích động Lý Hằng đạp bộ bước dài. Đạp bộ bước dài chẳng khác nào y nhảy xổ vào sát đối phương cùng với hai bàn tay khi mở thành chưởng, lúc cong lại thành trảo, khi khép lại thành triệt thủ, lúc nắm lại thành quyền vờn khắp các trọng huyệt trên người đối phương.
Không ai biết hai đối thủ đã xuất bao nhiêu chiêu, đổi bao nhiêu thế và biến bao nhiêu thức. Đang ngồi thưởng thức cuộc so tài Bạch Hộ Pháp chợt la nho nhỏ:
– Trúng… Trúng rồi…
Rốp… Rốp… Âm thanh vang chát chúa. Song phương đình thủ. Cánh tay tả của Lý Hằng xuôi xuống bất động. Hồi lâu y mới chầm chậm cất tiếng:
– Tại hạ xin được phép giã từ. Nhị vị khá tua cẩn thận…
Vị trưởng ban truy tầm lạng mình ra cửa. Hắc Hộ Pháp lặng thinh nhìn bóng người mới vừa xuất hiện. Sắc mặt của vị hộ pháp Cổ Loa phái thay đổi dường như ông ta sớm nhận ra lai lịch của người này.
Người lạ đứng im không nói lời nào. Bạch Hộ Pháp bước nhanh tới đứng song song với Hắc Hộ Pháp. Giọng nói của Bạch Hộ Pháp trầm xuống thật thấp:
– Bách Diện Thư Sinh… Thật là tam sinh hữu hạnh…
Nghịch Cước Lê Hào lẩm bẩm:
– Số của mình xui thật…
Vành môi của Bách Diện Thư Sinh hơi nhếch thành nụ cười:
– Lão phu tới đây để áp tải tù nhân về Hoa Lư. Cho dù nhị vị liên thủ cũng không chống
cự được…
Dù không có thái độ khác lạ song Hắc Bạch Hộ Pháp đều nghĩ lời nói của đối phương chẳng sai sự thực lắm. Bách Diện Thư Sinh là thủ lĩnh phe hắc đạo, nổi danh giang hồ qua công phu Bách Biến bao gồm ba tuyệt kỹ Bách Biến Quyền, Bách Biến Ảo Bộ và thuật hoá trang thần diệu. Giang hồ đồn là chưa có ai biết được mặt thật của người thư sinh trăm mặt.
Vị phó thủ lĩnh đoàn do thám nhìn Hắc hộ pháp:
– Các hạ đánh trúng Lý Hằng ở chiêu thứ tám. Phần ta sẽ đánh bại nhị vị trong vòng năm chiêu…
– Nếu quá năm chiêu thời sao…?
Lê Hào vọt miệng hỏi liền. Bách Diện Thư Sinh cười lạnh:
– Nếu quá năm chiêu thời ta sẽ đích thân can thiệp để Đỗ Hậu mặc tình muốn đi đâu thời đi…
Hắc Bạch Hộ Pháp chuyển bộ; một đứng sau lưng còn một đứng trước mặt đối phương. Tay tả gấp thành hình thước thợ đưa lên ngang mặt còn tay hữu gấp lại cong cong án tại đan điền; Bạch Hộ Pháp triển khai Đao Kiếm Quyền, một tuyệt kỹ tân kỳ và độc đáo nhất của phái Cổ Loa trong vòng năm chục năm nay. Người ta đồn cách đây non trăm năm, một vị chưởng môn của phái Cổ Loa đã dương danh trong giang hồ bằng tuyệt kỹ tên là Đao Kiếm Quyền, thứ quyền thuật lấy từ cái ý của Thục gia đao kiếm pháp.
Bạch Hộ Pháp triển Đao Kiếm quyền còn Hắc Hộ Pháp trổ ngón đòn vô vật lừng danh để đối đầu với Bách Diện Thư Sinh. Chỉ cần chi trì được năm chiêu họ sẽ qua cơn nguy hiểm. Vỏn vẹn năm chiêu thôi xong làm được không phải dễ dàng bởi vì Bách Diện Thư Sinh thành danh giang hồ không phải là lời nói ngoa.
Thỏng tay nhìn đối phương phòng thủ một cách kín đáo, Bách Diện Thư Sinh vuốt râu cười:
– Đao Kiếm quyền và ngón đòn vô vật hay thật nhưng nhị vị cũng chẳng chi trì được lâu. Điều này không phải tại công phu dở mà chỉ tại người thi triển kém tài…
Chữ ” tài ” vừa buông thân ảnh Bách Diện Thư Sinh loáng động tợ điện chớp. Đứng ngoài nhìn vào Lê Hào thấy đấu trường xuất hiện trăm nghìn bóng ảnh chập chờn bay lượn nhảy múa nhanh tới độ biến thành một dãy hình bóng trùng trùng điệp điệp chồng chất lên nhau. Lê Hào hoa cả mắt không tài nào phân biệt được đâu là bóng, đâu là hình, đâu là ảnh và đâu là người thực.
Hắc Bạch Hộ Pháp cũng nằm trong tình trạng trên. Dù với nhãn lực tinh tường họ chỉ thấy đấu trường biến thành trăm ngàn bóng ảnh dày đặc và khít khao. Hình pha bóng, bóng trộn ảnh rồi ảnh lẫn với người thực khiến họ khó lòng nhận ra đâu là thực hư chân giả.
Biết không còn cách nào hơn hai vị hộ pháp xuất chiêu phòng thủ một cách thận trọng. Họ chỉ cần thủ để qua năm chiêu.
– Chiêu thứ tư…ha…ha…ha…
Bách Diện Thư Sinh nói lớn lồng trong tiếng cười lồng lộng đồng lúc thân ảnh nổi trùng trùng điệp điệp. Lão thi triển Bách Biến Ảo Bộ nhanh tới độ thân ảnh biến thành dãy tinh quang kéo dài liên tiếp.
Bịch… Bịch… Chỉ cần nghe âm thanh này Lê Hào cũng biết Hắc Bạch Hộ Pháp đã bị đối thủ đánh trúng rồi. Song phương đình thủ.
Nét mặt xanh dờn, khoé miệng rỉ máu tươi, Bạch Hộ Pháp đứng im không nói gì hết. Điều này chứng tỏ thương thế của ông ta khá nặng.
Phần Hắc Hộ Pháp trông còn thảm hại hơn. Cánh tay hữu xụi lơ, thân áo trước rách tả tơi phô cả áo lót, ông ta đứng im an thần định khí đoạn khạc ra bụm máu tươi.
Lê Hào nhẹ lắc đầu thầm khiếp đảm trước bản lĩnh cao siêu của Bách Diện Thư Sinh. Y nghĩ bản lĩnh của lão già họ Bách còn cao hơn thân phụ y mấy bậc.
Đánh bại được Hắc Bạch Hộ Pháp phái Cổ Loa thời cũng có người, song chỉ trong vòng năm chiêu thời Lê Hào nghĩ trong giới giang hồ hiếm người làm được. Từ lâu y có chút tự hào về vũ thuật gia truyền của dòng họ nhưng nay chứng kiến Bách Diện Thư Sinh trổ tài y mới biết mình tài cao thời sẽ có người cao tài hơn mình.
Hướng về chỗ Lê Hào và Đỗ Hậu đứng Bách Diện Thư Sinh nghiêm giọng:
– Ngươi là con của Lê Hùng?
Lê Hào nở nụ cười cầu tài:
– Thưa chính tại hạ. Bách phó thủ lĩnh cũng quen biết với gia phụ?
Lão già họ Bách hừ tiếng nhỏ:
– Không phải ta sợ danh Tử Cước mà vì ta phục tính hào hiệp của Lê Hùng nên mới lưu mạng sống của ngươi. Bây giờ ngươi đi với ta về Hoa Lư hay muốn ta xách cổ ngươi…
Lê Hào nhún vai cười nhẹ:
– Lão tiền bối đã nói thế chắc tôi không còn chọn lựa nào khác hơn…
Bách Diện Thư Sinh vẩy tay. Thủ hạ của lão bước tới điệu tù nhân ra khỏi miếu.