Chẳng ai cười nổi trước mối tình vụng trộm của gã hói họ Ngô vì lòng tràn đầy lo lắng. Tú Linh ngơ ngẩn hỏi bâng quơ :
– Tại sao Thuần Vu trang chủ lại đổi lập trường một cách bất ngờ, khó hiểu như vậy nhỉ?
Ngạo Thế Thần Ông cười nhạt :
– Theo ý của lão phu thì Thuần Vu trang chủ đã bị hại, còn kẻ hiện tại chỉ là giả mạo.
Thuần Vu Kỳ biến sắc, nghe lòng quặn thắt vì lo sợ cho sinh mạng của phụ thân.
Giờ đây chàng mới thức ngộ được giá trị thiêng liêng của tình phụ tử. Ông đã nhận chàng làm con và bị hại vì chính điều ấy Huyền Cơ thư sinh gật gù :
– Tiểu điệt cũng đoán như thế. Xảo Quá Thiên rất khao khát tài sản khổng lồ của họ Thuần Vu tất sẽ phải thi hành thủ đoạn liều lĩnh này sau khi thất bại trong việc đưa Thuần Vu Kỳ giả vào làm con Thuần Vu Hồng. Tuy nhiên, tiểu diệt vẫn thắc mắc là vì sao đối phương lại tung ra lệnh truy nã để dụ Kỳ nhi quay lại Khai Phong? Chẳng lẽ viên Tỵ Tà thần châu lại có tầm quan trọng lớn lao hơn chúng ta tưởng, và truyền thuyết về Hắc Thủy đàm trên đất Tứ Xuyên là có thực?
Ngạo Thế Thần Ông gật gù :
– Hấc Thủy đàm không thể có tuyệt học của Tổ sư phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, song lại có thể chứa đựng một bí mật nào đó mà chỉ mình Xáo Quá Thiên biết được.
Vệ Tích Cơ ngây thơ hỏi :
– Tần lão sư huynh. Vậy tại sao người ta không tát cạn đầm nước ấy đi mà tìm hiểu sự thực.
Thần ông phì cười :
– Hắc Thủy Đàm rộng đến mấy dặm, tiếp nước của mấy chục con suối, dẫu vạn người tát cũng không xong vì mưa hạ sẽ làm nó đầy như cũ.
Tú Linh lẩm bẩm :
– Đầm nước rộng lớn như vậy thì dẫu có Tỵ Tà thần châu cũng vô ích. Chẳng lẽ người ta phải lặn khắp đáy hồ để tìm kiếm?
Huyền Cơ thư sinh giải thính :
– Không phải thế. Giữa đầm có tám tảng đá lớn nổi lên, cao hơn mặt nước ba bốn trượng, người ta cho rằng bí mật nằm ở vùng trung tâm của tám trụ đá ấy. Có người giỏi thủy tính, thử lặn xuống thám hiểm. Song chẳng tìm được gì vì nước đen như mực. Tỵ Tà thần châu là vật duy nhất có thể giúp người ta nhìn thấy cảnh vật dưới đáy đầm.
Thuần Vu Kỳ xua tay chấm dứt cuộc tranh luận, yêu cầu Huyền Cơ thư sinh bày phương sách giải cứu Thuần Vu gia trang. Lư Thiếu Kỳ vuốt câu trầm ngâm rất lâu, thỉnh thoảng hỏi han mỗi người một câu, hoặc quay sang bàn với Thần ông. Sau nửa canh giờ lão mới tìm ra một kế hoạch lưỡng toàn, trình bày cho cả nhà nghe và phân công cụ thể từng người.
Cũng giống những kinh đô thời trước như Trường An, Lạc Dương, Khai Phong cũng có một đường trục chính Bắc Nam rộng rãi, trải dài từ cửa Ngọ Môn của Hoàng cung nhà Tống đến cửa Nam Thành. Nhưng quân Mông Cổ đã hủy hoại phần lớn công trình của hoàng thành. Sau này, giang sơn được độc lập, các đời vua nhà Minh cũng chẳng thèm sửa sang lại làm gì mà còn san phẳng và xây phủ đường của quan Tri phủ trên nền phế cung Thành trì có bốn cửa nên ngoài đường trục Nam Bắc thì phải có đường Đông Tây.
Những con đường khác nhỏ hơn, cắt hai trục chính tạo thành những khu dân cư vuông vức hình bàn cờ. Thuần Vu gia trang nằm trên đường trục Bắc Nam, quay mặt về hướng Đông, phía sau và tả hữu đều là đường phố. Vị trí này được các ngài “cò nhà” đời sau gọi là “bốn mặt tiền”. Nhưng thời xưa, hướng nhà rất quan trọng, chẳng thể mở cửa lung tung vì mục đích kinh doanh, mà phải phù hợp với bổn mạng của chủ nhân.
Do đó, Thuần Vu Ga Trang chỉ có một cửa duy nhất nằm ở góc Đông nam.
Sau trận thủy tai mười mấy năm trước, tường vây đã được xây lại rất lên cố, dầy và cao đến hai trượng đỉnh lợp ngói men xanh để trang trí. Trừ mặt trước, ba mặt tường còn lại là nơi nghỉ chân của đám ăn mày, tùy theo hướng nắng. Nghĩa là buổi chiều thì phía sau Thuần Vu gia trang rất vắng bởi vầng dương chói lọi đằng Tây.
Tuy nhiên mấy ngày nay, ở góc Tây bắc luôn có mặt một hoặc hai gã khất cái lem luốc, rách rưới, nằm vật vã, ho sù sụ. Nhưng ban đêm họ đi đâu mất chẳng ai hay Những toán quân binh, công sai tuần tra qua lối này chẳng thèm xét hỏi vì ban ngay thì làm gì có thằng ngu nào dám vượt tường vào Thuần Vu gia trang? Hơn nữa, bên trong tường rất náo nhiệt, đông đúc vì là khu nhà bếp Và đến chiều ngày sáu tháng chín, khi nghe bên trong tường vọng ra tiếng hát véo von của một cô gái thì hai gã ăn mày kia ngồi bật dậy, đảo mắt nhìn dáo dác. Thấy chung quanh hoàn toàn vắng vẻ, một gã lập tức tung mình bay vút lên tường rơi xuống bên trong. Giả như có ai vô tình liếc thấy thì cũng tưởng mình hoa mắt chứ làm gì có con chim nào lớn đến thế Cánh chim ấy chính là Thuần Vu Kỳ, kẻ đã mười mấy năm rèn luyện khinh công bằng cách chạy lên chạy xuống ngọn núi Hòa Sơn lưng đeo hàng trăm cân đá Thuần Vu Kỳ đáp xuống bãi cỏ đủ những loại cây như ớt, húng, nhãn, lê, táo, đào.
Bọn nhà bếp đã trồng cho vui, bón bằng phân ngựa nên tất cả đều xanh tốt, làm phong phú bữa ăn của họ. Đây cũng là nơi hò hẹn lý tưởng của bọn gia nhân, tỳ nữ. Cùng là thân phận nô bộc nên họ yêu thương, che chở cho nhau và khu nhà bếp chính là chỗ để chia ngọt sẻ bùi.
Vị trì này do một gã công sai giả hiệu canh giữ ca ban ngày. Song giờ đây gã đã bị lão đầu bếp già họ Vương lôi vào một góc kín đáo, cùng nhâm nhi bầu rượu thượng hạng với món sườn cừu nướng ngon tuyệt vời. Vì thế Tiểu Mai mới dám ra hiệu cho Thuần Vu Kỳ nhảy vào. Ả lúp xúp chạy đến, ứa nước mắt gọi :
– Đại công tử?
Thuần Vu Kỳ mỉm cười, gật đầu chào lại. Tiểu Mai hối hả nắm tay chàng lôi về phía kho củi, chỉ cho chàng chỗ ẩn nấp. Bọn gia nhân đã lén móc rỗng những hàng củi cao ngất thành một khoảng trống kín đáo. Dầu có ai vào kiểm tra cũng chẳng thể phát hiện ra Thuần Vu Kỳ đã từng làm việc ở nhà bếp nên được những người ở đây yêu mến.
Khi trở thành Đại công tử, chàng cũng vẫn la cà chốn này, chẳng hề ỷ thế khinh người.
Do vậy, mấy chục người trong bếp đều bất bình khi chàng bị xem là giả mạo. Và họ tin ngay khi Tiểu Mai bảo rằng Trang chủ hiện nay là do kẻ thù hóa thân. Những người này liền hăng hái giúp Thuần Vu Kỳ tiềm nhập gia trang, tìm cách diệt trừ tai họa.
Chiều đến, một ả phụ bếp lén vào đưa cơm canh cho Đại công tử. Đêm đến, mặc dầu Chân Võ giáo tuần phòng nghiêm mật song Thuần Vu Kỳ vẫn dễ dàng vượt qua vườn hoa lớn, tiếp cận khuê phòng của mẫu thân. Không có con chó nào sủa cả vì chàng là cậu chủ nhỏ của chúng, trước đây thường vuốt ve, đùa giỡn. Phòng của Trang chủ phu nhân có cửa sau thông ra hoa viên. Đêm nay, cánh cửa ấy hé mở chứ không đóng chặt và Thuần Vu Tiệp đã chờ sẵn. Nàng luôn ngủ chung với mẹ từ lúc Tiết Như Xuân lâm bệnh.
Hành lang phía sau khuê phòng này được tuần tra liên tục. Song không có ai đứng trấn giữ vì là nơi ở của nữ nhân. Thuần Vu Tiệp đã cấm bọn công sai đến gần. Yêu cầu này rất hợp lý và Thuần Vu Hồng giá không thể bác bỏ. Rốt cuộc, bọn gác đêm chỉ được đi gần đến đoạn hành lang phía sau khuê phòng là phải quay lại.
Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi chúng quay đi, Thuần Vu Kỳ từ sau bụi hoa chồm dậy, lướt đi trên mặt đất bằng đầu bàn chân bàn tay, lách qua cánh cửa đã mở sẵn.
Thận Vu Tiệp nhẹ nhàng khép cửa, cài then cẩn thận, quay lại ôm chầm lấy tình lang mà nức nở không thành tiếng. Thuần Vu Kỳ vỗ nhẹ lưng nàng, hôn lên má, rồi dìu nàng đi về hướng chỗ ngủ của mẫu thân. Ngọa thất nằm sâu bên trong, được vây quanh bởi vách tường lót gỗ quí để khi Đông về hơi nóng của lò than hồng không thất thoát ra ngoài.
Trong ngọa thất này còn có hầm bí mật, nơi lánh nạn và cất giấu tài sản khổng lồ của họ Thuần Vu. Trong thư phòng của Thuần Vu Hồng có một tủ gỗ lót đồng dầy chứa đựng vàng ngọc và sổ sách, dù số lượng lên đến hàng mấy tỷ nhưng chỉ là phần nổi của gia sản. Cộng với số vốn đầu tư cho các cửa hàng ở Bắc Kinh, LạcDương, Trường An, Tô Châu, Hàng Châu… thì cũng lên đến vài chục vạn lượng, phù hợp với bề thế của một nhà buôn ngọc có tiếng. Chính vì thế nên gã Thuần Vu Hồng giả kia không ngờ đến việc còn một kho báu vĩ đại nằm dưới giường của Tiết Như Xuân.
Ngọa thất vuông vức mỗi bề trượng rưỡi, trần phòng cũng được lợp gỗ dày để cách nhiệt, chỉ chừa chỗ cho ống khói lò sưởi và ống thông gió vượt qua. Vì kín như vậy nên âm thanh cũng khó lọt ra ngoài. Mùa oi bức thì vợ chồng Thuần Vu Hồng ở phòng kế bên, sát vách hướng Nam có cửa sổ lớn nhìn ra sân giữa Trong căn phòng rất an toàn này, Thuần Vu Tiệp có thể lên tiếng trách móc nho nhỏ :
– Sao đại ca không sớm quay lại để cho mẫu thân và tiểu muội mỏi mòn trông ngóng, cơ hồ phát điên lên được.
Thuần Vu Kỳ không đáp, bước đến quì dưới giường bát bửu, ôm gối từ mẫu. Dưới ánh đèn tọa đăng vàng vọt, gương mặt hốc hác của Tiết Như Xuân đã khiến lòng chàng câm vô cùng đau đớn.
Tiết Như Xuân là người thông tuệ, khi thấy Thuần Vu Hồng thay đổi lập trường liền đoán ngay chồng mình đã bị hại. Bà liền giả cuồng giả bệnh để giữ gìn danh tiết.
Bà còn bắt Thuần Vu Tiệp túc trực ngày đêm, cùng nhau bàn bạc kế xách đối phó. Gã Thuần Vu Hồng giả kia chỉ chú tâm điều tra tài sản qua chồng sổ sách dầy cộm nên không để ý đến Tiết Như Xuân. Gã chỉ cho người canh gác cẩn thận, chờ Thuần Vu Kỳ quay lại.
Sau gần hai tháng thương chồng, nhớ con, Tiết Như Xuân đã lâm bệnh thực sự, cơ thể suy yếu đến mức đi lại phải có người đỡ đần. Nãy giờ bà đã nhìn thấy ái tử nhưng không sao mở miệng gọi hay bước lại ôm ấp. Bà ngồi thõng chân ở cạnh giường nhìn con trai mà lệ tuôn như suối, môi và vai run bần bật. Giờ đây, bà vuốt ve mái tóc Thuần Vu Kỳ, khẽ thì thào :
– Kỳ nhi. Con hãy mau cứu lấy phụ thân.
Thân Vu Kỳ gật đầu, đứng lên, rót nước rồi cho mẹ uống ba viên dược hoàn trắng như sữa và thơm ngát. Đây là loại linh lan quí giá của Tử Bất Y có tên Thái Âm hoàn, rất tốt cho nữ giới. Sau đó, chàng đặt bà nằm sấp, xoa bóp các huyệt đạo và truyền chân khí vào cơ thể giúp sức thuốc lan nhanh. Tiết Như Xuân nghe toàn thân sảng khoái, sức lực dồi dào như chưa hề bị bệnh, lòng rất hân hoan khi được đỡ ngồi dậy, bà ôm đứa con yêu dấu và khóc vùi.
Bàn bạc, tâm sự với mẹ và người yêu đến giữa canh tư, Thuần Vu Kỳ mới quay lại kho củi. Và trưa hôm sau chàng vượt tường góc Tây bắc ra ngoài, cùng Ngô Phương quay về Vệ gia trang. Tòa trang viện kia vẫn chưa trương bảng nhưng do Vệ Tích Cơ đứng tên nên chúng ta cứ gọi thế cho tiện.
Cả nhà mừng rỡ xúm lại hỏi han Thuần Vu Kỳ. Nghe chàng kể lại qua lời của Vệ Tích Cơ, mọi người yên tâm, biết rằng bước đầu của kế hoạch đã thành công.
Bước thứ hai chính là giải thoát cho Thuần Vu trang chủ. Ngạo Thế Thần Ông và Huyền Cơ thư sinh đã do thám phủ đường, phát hiện Thuần Vu Hồng bị giam trong một căn nhà kiên cố sau vườn. Điều này là bằng cớ rõ rệt chứng minh Quảng tri phủ tiếp tay với Chân Võ giáo. Vả lại, ngoài số quân sĩ có sẵn, trong phủ còn hiện diện mấy gã kiếm thủ mặc áo giai nhân, chắc là người của Chân Võ giáo. Việc giải cứu Thuần Vu trang chủ không khó nhưng sẽ đánh động đối phương đồng nghĩa với thất bại.
Do vậy, Huyền Cơ thư sinh đã phải bày ra một mưu chước vô cùng táo bạo.
Nhưng vì sao Thuần Vu Hồng không bị thủ tiêu ngay để phi tang? Lý do sống còn của ông chính là những điểm rắc rối, phức tạp trong quan hệ với triều đình. Khi kiểm tra sổ sách, phe đối phương đã phát hiện ra việc Thuần Vu Hồng là chủ nợ của rất nhiều vị quan lớn trong triều lẫn địa phương. Nếu Chân Võ giáo nắm được điều này rất có lợi cho việc bành trướng thế lực. Khổ thay, Thuần Vu Hồng đã không ghi rõ danh tính mà chỉ dùng ký hiệu để ghi tên con nợ. Ví dụ: Bạch Hải Đường đất Hàng Châu ba vạn lượng hoàng kim, Hắc Mẫu Đơn đất Hà Bắc một ngàn tám trăm lượng. Ngay cả số vốn mà Thuần Vu Hồng đầu tư cho các mỏ Ngọc, mỏ Thạch Anh, mỏ Mã Não ở phương Nam cũng được ghi chú với cùng một kiểu như thế.
Bởi vậy, tên Trang chủ giả hiệu thường phải lui tới dinh Tri phủ để hỏi cung.
Thuần Vu Huồng tuy không có võ công nhưng gan dạ có thừa, cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn chứ không khai. Cho đến khi đối phương hăm dọa rằng sẽ làm hại Tiết Như Xuân thì ông mới chịu hé răng nhưng chỉ tiết lộ từng chút một. Ông cố hoãn binh vì biết rằng nói ra càng nhanh thì càng mau chết Bọn Huyền Cơ thư sinh từng phục trên mái ngói nhà kho để nghe ngóng biết được việc này và tương kế tựu kế mà phản công.
* * * * *
Sẫm tối ngày mùng tám tháng chín, Thuần Vu trang chủ và hai gã gia đinh xách đèn lồng xuất hiện trước cửa phủ đường. Là chỗ quen thân nên bọn lính gác cổng mau mắn cúi chào và mời vào. Ba vi khách giao ngựa cho lính hầu rồi tất tả đi về phía khách phòng của Quảng tri phủ. Nghe báo, Quảng Phúc Hán vội ra cửa đón vào. Lão vui vẻ hỏi :
– Sao hiền đệ lại đến vào giờ này. Trời còn sớm mà?
Thuần Vu Hồng nghiêm giọng :
– Tại hạ phát hiện một chi tiết rất quan trọng cần phải đối chất ngay với tù nhân. Phiền đại nhân vậy?
Quảng Phúc Hán tươi cười :
– Có gì mà phiền. Đây là việc chung của bổn giáo, lão phu đâu dám nề hà.
Nói xong, lão lúp xúp dẫn khách đi ra vườn hoa nhỏ phía sau. Nhà giam tù ở cuối vườn, đươe hai gã Chân Võ giáo mặc áo gia nhân canh giữ. Phía trước mặt căn nhà nhỏ ấy là thư phòng của Quảng tri phủ. Vì vậy, trên danh nghĩa thì hai gã gia nhân kia phụ trách quét dọn và canh chừng khách quí cho quan lớn chứ chẳng phải canh tù.
Tuy nhiên, khi Quảng Phúc Hán đưa khách vào đến nơi thì hai gã đã có mặt trên hiện sau thư phòng, giám sát cửa tù. Hai gã khom lưng chào Thuần Vu Hồng :
– Chúng thuộc hạ bái kiến Tinh sứ?
Té ra kẻ đóng vai Thuần Vu Hồng là một Tinh sứ của Chân Võ giáo. Thuần Vu Hồng giả chỉ gật đầu đúng với cương vị thượng cấp. Quảng Phúc Hán lấy chìa khóa mở cửa mời vị Sứ và hai thủ hạ vào trong. Một tên gia đinh mang kiếm quay lại cài chặt then cửa. Và đột nhiên Thuần Vu Hồng vươn tay điểm huyệt trên người lão cẩu quan.
Lão ta lập tức bị mê man.
Dưới ánh sáng của hai chiếc đèn lồng và dĩa đèn dầu trên bàn, ba vị khách hành động cực kỳ mau lẹ. Trước hết một người lột y phục và cạo sạch bộ râu oai vệ của họ Quảng. Trong lúc ấy, Thuần Vu Hồng giả cùng người thứ hai bước đến bên chiếc giường gỗ ọp ẹp, lay gọi tù nhân :
– Thuần Vu trang chủ, ông đừng giả vờ ngủ nữa. Lão phu và con trai ông đến cứu ông đây.
Và gã gia đinh thứ hai cất tiếng ú ớ bi ai của người câm. Những âm thanh quen thuộc kia khiến Thuần Vu Hồng bàng hoàng, ngồi bật dậy. Nhận ra gương mặt hiền lành của đứa con trai tật nguyền, ông mừng đến sa lệ, ôm lấy ngay Thuần Vu Hồng giả hiện diện nơi dây chính là Ngạo Thế Thần Ông hóa trang thành. Ông kề tai tù nhân thì thầm giải thích kế hoạch của mình. Mắt Thuần Vu Hồng sáng rực lên gật gù lia lịa. Chỉ gần khắc sau, Quảng tri phủ bị biến thành tù nhân, nằm mê man trên giường và sẽ suốt đời mất trí. Còn Huyền Cơ thư sinh, tức gã gia đinh đã cài then cửa, thì hóa trang thành Quảng tri phủ. Quảng Phúc Hán đã cho gia quyến về thăm quê nên Lư Thiếu Kỳ rất an toàn thế chỗ.
Cửa nhà giam được mở ra và Quảng tri phủ giả vui vẻ đưa vị Tinh sứ giả cùng hai gia đinh đi ra.
Vài khắc sau, Thuần Vu Hồng được ái tử và Ngạo Thế Thần Ông hộ tống về đến Vệ gia trang. Trước tiên, hai ả Tố Nga là Sầm Tú Linh và Vệ Tích Cơ quì xuống ra mắt cha chồng. Thuần Vu Hồng ngạc nhiên song vô cùng khoan khoái vỗ vai con trai :
– Kỳ nhi quả là giỏi giang hơn ta, lấy một lúc ba vợ toàn những giai nhân.
Hai cô con dâu thẹn thùng trước lời khen ngợi, rút xuống bếp.
Trừ bốn ngươi canh gác, sư đệ của Hách Nham, kỳ dư đều tề tựu đến bái kiến Thuần Vu trang chủ. Gặp Ngô Phương, Thuần Vu Hồng hoan hỉ :
– Ta nghe lỏm được rằng Ngô túc hạ chưa bị bắt, lòng đầy hy vọng.
Ngô Phương hổ thẹn, buồn rầu đáp :
– Thuộc hạ bất tài không bảo vệ được Trang chủ thật chẳng xứng với chén cơm của họ Thuần Vu.
Ngạo Thế Thần Ông phì cười :
– Thôi đủ rồi. Ngươi còn khối dịp trá nợ áo cơm, để Trang chủ đi tắm gội cái đã. Y hôi quá.
Thuần Vu Hồng chợt nhớ ra thân phận tù nhân, vội theo Thuần Vu Kỳ xuống nhà sau. Hai nàng dâu đã chuẩn bị xong bồn tắm, nước nóng bốc hơi nghi ngút. Thuần Vu Kỳ lặng lẽ cởi y phục từ phụ, đặt ông vào bồn và ra sức kỳ cọ. Chàng không nói được nhưng môi luôn điểm nụ cười hạnh phúc và ánh mắt tràn ngập yêu thương. Thuần Vu Huồng ứa lệ, vuốt ve gương rặt đôn hậu của con trai, miệng thì thầm :
– Kỳ nhi. Cha gượng sống đến giờ này cũng chỉ vì tin rằng con sẽ quay lại. Hãy tha lỗi cho ta.
Thuần Vu Kỳ vui vẻ lắc đầu, dùng ngón trỏ viết trên ngực ông ba chữ :
– Con yêu cha.
* * * * *
Trưa hôm sau là Tiết Trùng Cửu mùng chín tháng chín. Nhà bếp Thuần Vu gia trang càng bội phần ồn ào tấp nập. Lúc này, ở góc tường Tây bắc có đến ba gã ăn mày nằm ngủ, nón lá rách te tua che kín mặt.
Nhân Tiết Trùng Cửu nên nhà nhà cúng kiếng, ăn nhậu, đường phố cắng tanh. Vì vậy, khi vừa nghe tiếng hát líu lo ở bên trong, ba gã khất cái đứng lên. Hai gã bên ngoài nắm chặt tay và hông của gã đứng giữa rồi cả ba bay vút lên đỉnh tường và rơi xuống đất.
Ba người này chính là Ngạo Thế Thần Ông và cha con Thuần Vu Hồng. Họ lại ẩn nấp trong vựa củi và tối hôm ấy thay áo gia nhân đột nhập khê phòng Trang chủ phu nhân. Mọi năm, Thuần Vu gia trang ăn mừng Tiết Trùng Cửu vào buổi trưa nhưng năm nay Nhị tiểu thư Thuần Vu Tiệp lại cao hứng xuống bếp nấu hàng lô thức ăn. Có lẽ do nàng nấu quá dở nên ế dài, dư thưa hàng đống. Thuần Vu Tiệp bực bội ra lệnh chiêu đãi tiếp vào buổi chiều, bắt bọn nô bộc phải ăn cho hết. Có ăn thì phải có uống nên bọn gia đinh say bí tỉ, loạng choạng đi khắp hoa viên. Chính nhờ thế mà chẳng ai để ý đến ba gã đang lần đến cửa sau khuê phòng phu nhân Gặp mặt trượng phu, Tiết Như Xuân mừng đến nỗi xém ngất đi, may mà Thuần Vu Kỳ đã kịp dỡ đần, trấn an.
Tiểu Hồng dược lệnh đi dò xét, về báo rằng Trang chủ giả và Tề Khôi Nguyên đang ngồi với nhau xem sổ sách ở thư phòng.
Bước thứ ba của kế hoạch được phát động. Thuần Vu Tiệp làm ra vẻ hốt hoảng, đau thương, chạy đến thư phòng khóc lóc :
– Phụ thân, Kỳ ca. Mẫu thân đột nhiên trở bệnh nặng, người nóng như lửa, miệng cứ lảm nhảm nói về một kho báu nào đó ở ngoài vườn. Phụ thân và Kỳ ca mau đến ngay kẻo không kịp gặp mặt.
Gã Tinh sứ của Chân Võ giáo đã manh nha ngờ vực rằng tài sản nhà họ Thuần Vu không chỉ có thế. Nay nghe được tin này, mừng rỡ kéo Thuần Vu Kỳ giả đi ngay đến khuê phòng của Trang chủ phu nhân.
Trong ngọa thất đèn thắp sáng rực, không có gì đáng nghi, lại thêm Tiểu Mai, Tiểu Hồng ngồi ở trên giường giữ chặt Tiết Như Xuân, miệng khóc mếu máo. Do vậy, gả Tinh sứ và đồng đảng yên tâm bước đến sát giường để xem xét, nghe ngóng. Quả thực là phụ nhân bệnh hoạn điên cuồng kia đang lảm nhảm nho nhỏ :
– Tướng công? Kho báu ngoài vườn bi ngập nước?
Hai kẻ kia phải khom lưng mới nghe rõ được. Và bất ngờ, từ dưới gầm giường hai thân người nhoài ra, vươn tay điểm vào các huyệt Bế Quan, Phục Thố trên đùi họ. Sau đó là những huyệt ở bụng, ngực và hàm.
Người thứ ba chui ra, lột lấy bộ y phục trên người Thuần Vu Hồng giả mà mặc vào. Gã Tinh sứ vẫn còn tỉnh táo, sững người nhận ra kẻ đáng lẽ đang bị giam ở Phủ đường. Gã biết cơ sự đã lỡ nhưng không thể tự sát vì quai hàm đã bị khóa cứng.
Lát sau, hai tù binh kia được đưa xuống hầm bằng một lối đi ngầm trong đáy tủ áo.
Ngạo Thế Thần Ông đặt hai nạn nhân vào giữa những hòm châu báu, rồi bắt đâu tra hỏi. Hai ngọn đèn tọa đăng lớn bằng đồng đã đốt sẵn nên mật thất rất sáng sủa.
Trước tiên, Thần ông thọc tay vào hai cái miệng đang há hóc kia để tìm độc dược.
Quả nhiên, cả hai gã đều thiếu mất một răng hàm và nơi ấy được gắn một chiếc răng giả bằng bạc rất tinh xảo. Tần lảo mỉm cười thử bóp bẹp chiếc răng thì thấy bên trong chảy ra một dung dịch màu trắng sữa rất hôi hám.
Rồi ông gằn giọng hăm dọa :
– Lão phu sẽ cho hai ngươi nếm thử thủ pháp tra tấn tàn nhẫn vô song của Bạch Liên giáo. Kẻ nào chịu nổi thì cứ việc chết đau đớn, kẻ nào muốn khai thì hãy gật đầu ra hiệu.
Nói xong, ông nắm lấy tứ chi của gã Tinh sứ, bẻ trật từng khớp xương từ bàn chân đến vai. Nạn nhân chỉ còn quần ngắn nên các đầu xương lồi hẳn ra đội da thịt trông rất kỳ dị. Tứ chi bị bẻ quặt sang một bên như kẻ dị tật bẩm sinh, và thân hình đáng sợ ấy run rẩy lăn lộn, miệng phát ra những âm thanh thê lương, rợn gáy.
Tuy chưa bị tra tấn mà gã Tề Khôi Nguyên kia đã sợ khiếp vía, gật đầu lia lịa tỏ ý xin khai. Thần ông cười khà khà, điểm cho gã Tinh sứ mê man hoàn toàn rồi hỏi cung gã nhát gan. Trước tiên ông mở hàm để tù nhân có thể nói được. Sau khi nghe hết những điếu cần biết, Thần ông giải huyệt cho gã Tinh sứ, trả các khớp xương về vị trí cũ. Theo lời khai của Tề Khôi Nguyên thì Thuần Vu Hồng giả kia chính là đệ tử của Huyền Vũ chân nhân, Giáo chủ Chân Võ giáo. Gã ta đứng hàng thứ tư, danh hiệu là Hư Tinh sứ?
Theo kinh sách Đạo giáo thì Huyền Vũ ở phương Bắc gồm bầy chòm sao là Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy,Thất, Bích. Huyền Vũ chân nhân dựa vào đấy mà đặt tên cho bảy đệ tử giỏi nhất. Tương tự như thế, vị thần phương Đông là Thanh Long chân nhân sẽ có bảy đệ tử là Tinh sứ, mang tên các sao Giác, Càng, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Bạch Hổ chân nhân ở phương Tây thì có các Tinh sứ là: Khuê, Âu, Vị, Mao, Tất, Tuy, Sâm và cuối cùng là Chu Tước chân nhân vị thần phương Nam thống lĩnh bảy Tinh sứ là: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Tổng cộng là hai mươi tám Tinh sứ, tức Nhị Thập Bát Tú.
Hư Tinh sứ tỉnh lại, nghe Thần ông gọi đích danh thì biết ngay Tề Khôi Nguyên đã khai hết. Gã bèn bắt Thần ông thề độc là tha chết rồi mới nói ra những bí mật trọng đại của Chân Võ giáo. Khi không còn gì để hỏi, Ngạo Thế Thần Ông thản nhiên điểm vào tử huyệt, giết chết cả hai tù nhân. Thấy Thuần Vu Kỳ nhăn mặt, Tần lão thở dài :
– Chốn giang hồ không có chỗ cho lòng nhân và tín nghĩa. Năm xưa lão phu đã mất hết vợ con vì tin vào lời hứa phục thiện của một gã cẩu tặc.
Ánh mắt lão rất thê thiết khiến Thuần Vu Kỳ rúng động ra dấu tạ lỗi.
* * * * *
Trong thành Khai Phong cũng có một Chân Võ Vạn Phúc mao xá trực thuộc Huyền Vũ cung, nằm ngay trên đường trục lớn Đông Tây. Hai bên con đường chính này là dinh thự, trang viện đồ sộ nên chỗ đâu mà cất nhà tranh. Thế cho nên Chân Võ giáo đã mua đứt một cơ ngơi rộng rãi, lợp cỏ trên cổng rồi trưng chiêu bài Mao xá. Do phải tiến hành kế hoạch chiếm đoạt tài sản họ Thuần Vu nên số lượng đệ tử Chân Võ giáo ở Khai Phong đông đến ba trăm. Ban ngày, bọn đạo sĩ mặc thường phục tỏa ra khắp nơi, cùng đám công sai nhận diện Thuần Vu Kỳ và Lang Nha mỹ nhân, ban đêm chúng trở về Mao xá nghỉ ngơi.
Theo lời khai của Hư Tinh sứ thì Đạo sĩ trụ trì Mao xá Khai Phong là Nhị đệ tử của Giáo chủ. Ngưu Tinh sứ võ nghệ rất cao cường, tục danh là Tào Dương, năm mươi sáu tuổi. Muốn tiêu diệt cơ sở này của Chân Võ giáo thì lực lượng mười mấy người của Thuần Vu Kỳ không thể làm được. Do đó, sau khi bàn bạc chu đáo với Thuần Vu Hồng, Huyền Cơ thư sinh quyết định dùng kế “Tá đao sát nhân” mượn quân triều đình ra tay.
Thế là chiều ngày mười một tháng chín, quan Đô chỉ huy sứ tỉnh Hà Nam, có doanh trại đóng ở cửa Đông thành Khai Phong nhận được thư của Tri phủ Quảng Phúc Hán mời hội kiến ở phủ đường Khai Phong vì việc đại sự có liên quan đến Thuần Vu Hồng Đơi nhà Minh, lãnh thổ Trung Hoa được chia thành mười ba tỉnh. Mỗi tỉnh gồm nhiều phủ mỗi phủ gồm nhiều huyện. Ví dụ như tỉnh Hà Nam có tất cả tám phủ, chín mươi sáu huyện. Đứng đầu tỉnh là ba cơ quan quyền lực: Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty, Đề Hình An Sát Sứ Ty và Đô chỉ huy sứ Ty, hợp lại gọi là Tam Ty. Ba Ty này chia nhau quản lý ba lĩnh vực Dân Chính, Tư Pháp và Quân Sự. Tam Ty tồn tại theo thế chân vạc, không phụ thuộc lẫn nhau, mà chịu sự chỉ huy ngành dọc của các bộ là: Bộ Lại, Bộ Hình, Bộ Binh. Riêng tại Hà Nam thì Tam Ty lại đóng đô ngay ở Khai Phong, khiến Tri phủ Quảng Phúc Hán khó có mòi tham nhũng và cắn răng nhận tiếng thanh liêm. Thanh liêm thì nghèo mạt nên họ Quảng đã nhắm mắt nghe theo lời đường mật của Chân Võ giáo mong kiếm vài ngàn lượng vàng dưỡng già Thuần Vu Hồng tâm kế sâu xa, tính tình rộng rãi nên khi lập nghiệp ở Khai Phong đã sớm có quan hệ tốt đối với Tam Ty. Ông thường xuyên biếu xén họ rất trọng hậu. Do vậy, vừa nhận được thư là quan Đô chỉ huy sứ Sử Thanh Xuyên lập tức đến ngay, chỉ thắc mắc vì sao địa điểm lại là phủ đường Khai Phong. Trong thư, Quảng tri phủ lại yêu cầu họ Sử phải đi một mình và mặc thường phục. Nhận ra nét chữ quen thuộc nên vị quan võ già quen vào sinh ra tử chẳng hề sợ hãi, cứ thế mà làm Đến nơi, ngài Đô chỉ huy sứ ngạc nhiên thấy có cả Quan Bố Chính Sứ Mạc Thành Thư và Quan Án Sát Sứ Trần Huy Ẩn. Nghĩa là ba người đứng đầu Tam Ty đều được mời. Phẩm hàm của Tri phủ chỉ là Chánh Tứ Phẩm và chỉ là quan cấp dưới của Tam Ty, nên ba vị đại nhân ấy rất bực bội khi phải thân chinh đến đây. Đúng ra, Quảng tri phủ phải đến Tam Ty xin trình tấu mới đúng triều qui. Tuy nhiên, do trong thư nhắc đến vị đại tài thần Thuần Vu Hồng, kẻ luôn bốc mùi vàng nên tam vị đại quan mới chịu khó hạ mình Giờ đây, chờ mãi chẳng thấy lão họ Quảng láo xược kia đâu, ngài Tả Bố Chánh Sứ động nộ, quát hỏi gã lính hầu đang rót trà :
– Sao Quảng tri phủ mời bọn ta đến mà không chịu ra nghênh tiếp?
Gã lính hầu run rẩy ấp úng đáp :
– Dạ bẩm đai nhân. Sau khi cử ba người mang thư đi thì Tri phủ đại nhân đóng chặt cửa ngọa phòng. Lúc nãy, tiểu nhân vào báo thì không nghe ngài lên tiếng.
Quan Án Sát Sứ Trần Huy Ẩn vốn là người cơ cảnh, đa nghi. Ông cau mày nói :
– Lạ thực. Họ Quảng tuyệt đối chẳng dám thất lễ với thượng cấp. Hay là chúng ta vào trong xem thử.
Sử Thanh Xuyên nóng nảy đứng phắt lên bắt gã lính hầu dẫn đường. Họ Sử đập cửa phòng ngủ của Quảng Phúc Hán, miệng quát ầm ĩ. Thế mà chẳng nghe ai phúc đáp. Ba vị quan lớn nhìn nhau nghi ngại, đoán rằng đã xảy ra quái sự. Quan Tả Bố Chánh Sứ dẫu sao cũng là người đứng đầu Tam Ty, liền kết luận :
– Nguy rồi? Phải phá cửa thôi?
Thế là ngài võ quan họ Sử vung cước đạp bung cánh cửa phòng và sửng sốt kêu lên khi thấy Tri phủ Khai Phong nằm chết thẳng cẳng trên giường, miệng ứa máu đen trông rất ghê sợ.
Tuy nhiên, họ Quảng lại mặc quan phục hẳn hoi, chỉnh tề. Hai bàn tay đặt trên ngực, ôm ấy túi ấn tín và một phong thư. Cảnh tượng này biểu hiện rằng Quảng Phúc Hán đã tự sát bằng độc dược và có điều muốn trình tấu.
Trần án sát thận trọng gỡ phong thư ra trao cho quan Tả Bố Chánh Sứ. Họ Mục mở ra xem, ông sang sảng đọc cho hai đồng liêu nghe. Thư rất dài song nội dung đại khái gồm những điểm sau :
Tố cáo âm mưu của Chân Võ giáo là phóng tài hóa thu phục nhân tâm. Khi thế lực đã mạnh thì mượn chiêu bài của Huệ Đế mà lật đổ vua Vĩnh Lạc tức đương kim Thiên tử. Họ Quảng thú nhận mình đã bị Chân Võ giáo hối lộ vàng bạc đồng thời khống chế bằng độc dược. Do vây, lão đã tiếp tay với kế hoạch thay mận đổi đào để chiếm đoạt tài sản của họ Thuần Vu. Quảng tri phủ tố cáo đích danh Hư Tinh sứ, kẻ đang giả làm Thuần Vu Hồng, cũng như Ngưu Tinh sứ ở Chân Võ mao xá Khai Phong.
Quảng Phúc Hán cũng chỉ rõ nơi giam cầm Thuần Vu Hồng thật trong phủ đường.
Còn lý do tự sát là vì hối hận, muốn đem cái chết tạ tội với Thiên tử và triều đình. Lão bảo rằng mình đã không uống thuốc giải của Chân Võ giáo đúng định kỳ nên chất độc phát tác.
Đọc thư xong, ba vị quan lớn toát mồ hôi như tắm, vội chạy ra phía sau thư phòng ở vườn hoa. Quả nhiên, khi phá cửa, họ tìm thấy Thuần Vu Hồng.
Dĩ nhên là người bạn giàu có kia đã khóc lóc kể lể nỗi niềm oan ức của mình.
Thế là chứng cớ đã rành rành, quan Đô chỉ huy sứ lập tức rời phủ đường Khai Phong huy động ba ngàn quân thiện chiến, chia làm hai cánh.
Cánh thứ nhất do người Phó tướng của Sử Thanh Xuyên gọi là quan Đô chỉ huy Đồng Tri, thống lãnh việc vây hãm Thuần Vu gia trang. Cánh thứ hai do Sử đô chỉ huy sứ thân chinh dẫn đầu, tiến về Chân Võ Vạn Phúc mao xá trên đường trục Đông Tây.
Thuần Vu Hồng đã cảnh cáo rằng Chân Võ giáo giỏi tà thuật và nghề phóng độc nên quân triều đình phải tấn công mạnh ngay từ đầu để tránh thương vong. Do vậy, Sử Thanh Xuyên ra lệnh đánh ngay, chẳng hề lên tiếng gọi hàng.
Lúc ấy đã là cuối canh một, toàn bộ lực lượng đệ tử Chân Võ giáo đều có mặt ở Mao xá. Kể cả trăm gã giả là công sai ở Thuần Vu gia trang cũng đã về đây từ xế chiều, theo lệnh của Hư Tinh sứ Mao Tiến Kim. Họ mang đến Mao xá một hòm gỗ lớn, được khóa và niêm phong cẩn thận. Hư Tinh sứ bảo rằng trong đấy chứa năm vạn lượng vàng và ngọc ngà châu báu. Sáng mai, Ngưu Tinh sứ sẽ phải cùng trăm gã đệ tử kia đưa về Linh Sơn cho Giáo chủ sử dụng. Hai ngàn quân tinh nhuệ như sói dữ tràn vào Mao xá, tiếng reo hò đủ làm khiếp vía kẻ địch. Bị tập kích, bọn đạo sĩ giả hiệu xuất thân cường đạo kia hốt hoảng vơ lấy vũ khí chống trả dù chẳng hiểu ất giáp gì cả. Quan quân triều đình sợ tà thuật và chất độc nên thẳng tay tàn sát không cho phép đầu hàng.
Cho nên cuối cùng chỉ những kẻ bị thương, giả chết là được sống sót. Cả Ngưu Tinh sứ cũng bỏ mạng giữa vòng vây đen kịt những giáo và đao.
Khi cuộc chiến đã tàn, quan Đô chỉ huy sứ họ Sử hăng hái lục soát khắp nơi, phát hiện chiếc rương gỗ nặng nề, niêm phong cẩn thận. Ông sai lính phá ra và xém té ngửa khi nhìn thấy một lá đại kỳ thêu hai chữ lớn “Cần Vương” và bốn chữ nhỏ “sát Đệ phục Văn”. Đệ là tên tộc của vua Vĩnh Lạc còn Văn là tên tộc của Huệ Đế Chu Đoan Văn, người đã bị vua Vĩnh Lạc soán ngôi năm Nhăm Ngọ.
Phía dưới lá cờ là mấy chồng cáo thị in bằng bản khắc gỗ nội dung vạch tội đương kim Thánh Thượng cướp ngôi cháu, đồng thời hô hào bách tính trong cả nước gia nhập đội quân khởi nghĩa của Chân Võ giáo, khôi phục ngôi vua cho Huệ Đế.
Sử Thanh Xuyên vội cho lính rước quan Tả Bố Chánh Sứ và quan Án Sát Sử đến để chứng kiến. Hai lão quan văn kia thất kinh hồn vía nhưng mừng vì đã sớm phát hiện được đại họa. Nếu để những tờ cáo thị này phân phát ra ngoài thì Tam Ty phủ Hà Nam mất đầu là cái chắc. Có tật giật mình nên vua Vĩnh Lạc rất tàn nhẫn với những ai để cho vụ soán ngôi được nhắc lại.
Cánh quân của vị Đô Chỉ Huy Đồng Tri cũng đã kéo đến vì chẳng có gì để làm ở Thuần Vu gia trang. Thuần Vu Hồng giả, tức Hư Tinh sứ và Tề Khôi Nguyên đã biến mất tăm. Đệ tử Chân Võ giáo thì ở cả Mao xá.