“Cô con gái thứ ba trong nhà là Sở Vọng bị thói xấu phương Tây ảnh hưởng, dù đã có hôn ước nhưng vẫn không biết kiểm điểm tính nết hành động, tất cả là vì không được dạy bảo đến nơi đến chốn. Không có cách dạy con nên người, tự lấy làm xấu hổ, có thẹn với Tư tiên sinh, trước giải trừ hôn ước; nhưng vì còn cố chấp nghĩ mình không sai, nay đăng báo công khai đoạn tuyệt quan hệ cha con. Chấm hết.”
Vì tường trắng luôn có bụi rơi xuống nên bà Cát đã dùng dán giấy dán tường, đủ loại đủ kiểu, có loại chống thấm, in chìm hoa nhỏ, ánh sáng lấp lánh. Có điều thời tiết Hương Cảng quá ẩm ướt, mới dán giấy không bao lâu đã lại phồng lên. Thế là giấy dán tường chưa tới một quý đã có hoa văn mới.
Sở Vọng dựa vào tường đọc báo, không kìm được bật cười: “Không gả cũng không gạch tên? Nói như vậy, gả cho thầy Từ cũng không tệ.”
Bà Cát đứng cạnh nghe thế, hừ một tiếng, “Còn nói nữa à, cháu làm như có thật.” Rồi lại hỏi: “Người khác cô không quan tâm, cô chỉ muốn hỏi cháu: rốt cuộc chuyện này cháu nghĩ như thế nào?”
Sở Vọng biết bà Cát muốn lấy lại công bằng cho cô, nên mới hỏi cô có thật sự muốn giữ hôn ước với nhà họ Tư không, để bà áng xem nên làm thế nào. Cô cười nói, “Chuyện này theo lẽ cháu cũng không nói được, bởi đâu phải cháu làm chủ?”
Nghe cô nói thế, bà Cát không nhịn được nhìn cô: bộ sườn xám lụa xanh lá trên người vẫn chưa thay ra, phía sau là giấy dán tường in hoa hồng khảm vàng nạm xanh, đứng gần chỉ có thể nhìn thấy được những sợi tơ, không nhìn ra bóng dáng hoa; bên cạnh chỗ con bé đứng là máy điện thoại bằng đồng treo tường. Trời ngả bóng hoàng hôn, nắng chiều vàng ở bên ngoài hành lang xuyên qua cành lá chiếu vào, trong dải sáng hắt bóng lên tường, Sở Vọng mỉm cười tựa lưng vào tường.
Không biết vì sao, bà Cát lại chợt nhớ đến căn nhà cũ mờ nhạt của nhiều năm trước. Trong nhà cao cửa rộng, người chồng suốt ngày ở bên ngoài phòng ngoài, một năm không về nhà mấy lần, dù có về cũng không muốn gặp người ấy mà luôn đi thăm mẹ trước, sau đó mới lấy lý do gặp con trai, nhưng cũng chỉ ngồi trong phòng người ấy một khắc rồi đi ngay. Không lâu sau bà cụ ra đi, thậm chí vì không muốn gặp người ấy mà đến con trai ông ta cũng không gặp. Về sau nữa, ông ta dẫn phòng ngoài bụng đã lớn quỳ xuống cạnh người ấy, muốn người ấy nhận nuôi đứa con trong bụng.
Bà chỉ hỏi người ấy một câu: “Vì sao lại gả cho người này?” Lúc đó người ấy cũng nói: “Chuyện này, chị vốn không làm chủ được.” Lúc mỉm cười, trông người ấy hiền từ yếu ớt hơn bất cứ ai. Nhưng đến hôm sau, ngay tới bà cả của phó bí thư nghị viện Nam Kinh cũng biết chuyện. Mời người có tiếng tăm ở Giang Nam đến nhà làm chứng, khoét cục thịt trong lòng Lâm Du đi, làm xong những chuyện đó, người ấy ngồi trên giường mỉm cười đoan trang rạng rỡ —— người ấy có chỗ khôn khéo lợi hại của mình, có lẽ cũng vì thế nên mới khiến Lâm Du hận sâu như vậy.
Lâm Du là người của tiền triều, năm ấy thi đậu tiến sĩ, đúng lúc chiến tranh Thanh – Nhật vừa kết thúc nên chi tiền đến Nhật du học, năm thứ hai học hành trở về thì lại đúng lúc thời thế biến chuyển*. Nếu không phải như thế thì chắc chắn sẽ bị người ta mắng là kẻ phản bội. Rồi nhờ phúc của con bé trước mặt, cùng Tư Ưng cộng sự mười hai năm, sau trận thảm sát Nam Kinh lại kịp thời đi châu Âu lánh nạn. Tư Ưng không thoát được, nhưng ông ta thì có thể.
(*Muốn nói đến việc Trung Quốc phong kiến chuyển sang Trung hoa Dân quốc.)
Đúng là quân tử phúc mỏng, tiểu nhân sống dai.
Cuộc sống của ông ta những năm qua vô cùng thoải mái. Trước đó còn nể mặt con bé Sở Vọng nên mà bà mới không làm bẩn danh tiếng của nhà họ Lâm bọn họ.
Nhưng hôm nay, cũng đã đến lúc để ông ta té ngã rồi.
Bà Cát nhíu mày.
Trước đó cũng có lời đồn về chuyện với vị họ Từ kia, bà cũng tìm người nghe ngóng: cơ thể cô Từ không sống nổi mấy năm, còn họ Từ kia lại rất tốt; hai năm qua đi, đàn ông hai mươi bảy tuổi góa vợ luôn có sự phong độ trưởng thành, còn thu hút cả những người chưa thành thân. Cũng vì thế nên bà Cát cũng như những người ngoài kia, tưởng cháu mình thật sự tình đầu ý hợp với anh ta, vì vậy mà mới nhắm một mắt mở một mắt không vạch trần. Không ngờ tính khí con bé lại rắn rỏi như thế, thế nên bà cũng yên tâm vui vẻ.
Còn cậu Tư kia thì sao? Nếu cậu ta thật lòng muốn cưới thì dù không có hôn ước cũng không sao; và cũng như thế, nếu con bé thật lòng thì chắc chắn sẽ cố gắng.
Chỉ là với tình hình hôm nay, bà Cát đã nhìn rõ rồi, nên cũng biết rõ điều đó là không thể.
Nghĩ ngợi một hồi, bà gọi chú Henry đến, dùng tiếng Anh dặn dò: “Gửi điện báo đến chỗ luật sư Thẩm ở Thượng Hải, nói với ông ta, tôi có một bản di chúc muốn mời ông ta đứng ra đại diện trao đổi.”
Bà Cát vừa dứt lời thì điện thoại đổ chuông, tiếng chuông ở bên tai cô như gọi hồn vậy. Cô nhấc máy, đầu dây rất ồn ào, Chân Chân nói bằng giọng mũi, sốt ruột hỏi: “Rốt cuộc là thế nào rồi?”
Sở Vọng biết cô ấy bị bà Kiều giám sát không được tự do, nên mới mượn điện thoại trong tiệm tạp hóa ở bên ngoài gọi điện. Cô cười nói: “Em sẽ đi Thượng Hải.”
“Hả? Cha em làm ra chuyện như vậy ở trên báo, nói không chừng mấy tháng nữa đến du học sinh châu Âu châu Mỹ cũng sẽ biết, em dù em có chạy đến Java cũng vô ích thôi.” Rồi cô nàng hạ thấp giọng, “Dì Cát không làm gì à?”
Sở Vọng bật cười, nói, “Em còn sợ ông ấy làm ồn chưa đủ đây này. Cô út ấy à… có lẽ cũng muốn như vậy.”
Một chuyến xe điện ở đối diện ầm ầm chạy qua, Chân Chân nghe không rõ, “Gì cơ?”
“Không có gì. Em có chuyện thật, phải đến Thượng Hải.”
“Bao giờ đi?”“Mấy hôm nữa thôi.”
“Thượng Hải cũng tốt. Cái đất Hương Cảng nhỏ bé này, vừa không có gì hay ho cũng chẳng có chuyện mới mẻ.” Dừng một lúc rồi cô ấy nói tiếp, “Ngày mai chị thi rồi. Đợi hai tuần nữa thi xong, chị nhất định sẽ về tìm em chơi.”
“Thi cho tốt vào, em đợi chị đến.”
Chân Chân bị cảm nên sụt sịt liên tục, ở đầu dây truyền đến tiếng cười kìm nén của Diệp Văn Dữ, ngay lập tức có hai tiếng *bùm bụp* truyền đến, có vẻ Chân Chân đánh anh ta mấy cái, người bên kia la oai oái. Chân Chân vừa đánh vừa nói: “Được rồi, hai bọn chị ra ngoài ăn đồ Quảng Đông, trên người chỉ còn lại ít đồng, thôi không nói chuyện với em nữa. Hẹn gặp lại ở Thượng Hải.”
Cúp máy, Sở Vọng nhớ đến hai người đáng yêu kia thì lại vui vẻ. Cô mỉm cười, không hề phát hiện bà Cát đã dặn dò xong quay về, đứng trong bóng tối nhìn cô chăm chú: “Định đi Thượng Hải à?”
“Vâng. Cháu đang định nói thì cô đi ra ngoài mất tiêu.”
“Cháu trách cô hả?” Bà Cát trừng mắt nhìn cô. Hai cô cháu đứng song song dựa vào tường, mỗi người một tư thế một khí thế, chẳng biết từ lúc nào mà dần giống nhau đến ba phần.
Chỉ có điều, cả hai đều không nhận ra.
Trầm ngâm một hồi, cuối cùng bà Cát cũng thỏa hiệp, “Ừ. Thượng Hải đất lớn, quen biết nhiều người cũng tốt.”
Ngày hôm sau, vé thuyền và thư mời được gửi đến cùng nhau. Theo lý thì hạng mục của bọn họ vẫn thiếu tiền, tuyệt đối không thể cho cô ưu đãi được. Nhưng tấm vé trong tay đây vẫn là khoang hạng nhất.
Bà Cát chẳng nói gì nhiều, chỉ chủ động thu dọn đồ đạc cho cô.
Di Nhã cũng giống Chân Chân sắp thi, vốn định đến một chuyến nhưng bị ngài Tưởng ngăn cản, đích thân ông đến biệt thự viếng thăm thay. Nhưng nói chuyện chưa được mấy câu thì lại có điện thoại gọi đến tìm Sở Vọng.
Là Từ Văn Quân.
“Em gọi điện thoại đến chào tạm biệt chị. Chú ấy định gửi em cho một người bạn ở Anh để học trung học… Cho nên bảo thím đừng vọng tưởng muốn nhận em làm con thừa tự.” Cậu thấp giọng nói, “Mấy hôm trước chú tức giận trở về, hai hôm nay định đưa em đi, thím đòi tuyệt thực nhưng chú vẫn làm như không thấy. Còn nói với thím, ‘nếu muốn chết thì không bằng chết sạch sẽ vào, xuống hoàng tuyền làm cô hồn dã quỷ không ràng buộc, không phải còn vui vẻ hơn sao?’, thật sự dọa bọn em sợ hết hồn.”
Cô không đọc Tôn Tử, nhưng vẫn có nghe một câu thế này:
“Tham sống sợ chết có thể bị bắt.”
Cô cười đáp.
***
Sở Vọng đứng bên này nghe điện thoại, còn ở bên kia bà Cát và ngài Tưởng trò chuyện chờ cô.
Tuệ Tế và Mật Thu chỉ huy người hầu dọn dẹp hành lý cho cô, chạy tới chạy lui rầm rầm ở ngoài hành lang, bận tới nỗi quay mòng mòng. Cuối cùng thu dọn được bốn năm chiếc vali đặt ở trên tầng hai, ngài Tưởng đứng ở cửa thấy thế, hỏi: “Chị Cát không đi cùng à?”
“Con bé đi để trải nghiệm những điều mới, trưởng bối như tôi đi theo thì gò bó nó lắm.”
“Chị yên tâm sao?”
Bà Cát suy nghĩ, cau mày không nói.
“Đã chuẩn bị ổn thỏa cho con bé ở Thượng Hải chưa?” Ngài Tưởng thấy thế thì cười bảo, “Đợi Tiểu Ngũ thi xong, tôi và cô ấy sẽ về Macao một chuyến, mấy tháng sau mới đến Thượng Hải được. Nếu chị Cát bằng lòng, tôi có thể nhờ người chăm sóc cô ba. Hay chị đã có sắp xếp khác rồi?”
Ngài Tưởng nhắc như vậy, bà rất lo mấy năm nay cháu mình được chiều quen rồi, ăn mặc chi tiêu không tiết kiệm, nên gần như muốn điều toàn bộ người hầu đầu bếp cấp cao trong nhà đến Thượng Hải; rồi lại gọi điện đến mấy người bạn làm cảnh sát ở tô giới Pháp, nhờ người để mắt giùm. Thế nhưng vẫn chưa yên tâm. Mấy lần bà gọi Mật Thu đến, nha đầu này được một tay bà dạy dỗ, biết lễ biết điều lại hiểu quy củ, bà rất muốn bảo Mật Thu đi theo Sở Vọng đến Thượng Hải.
Ngài Tưởng vừa nói như vậy, bà lại có ý định đó. Lại gọi Mật Thu tới, ngài Tưởng và Mật Thu cùng mỉm cười.
“Bà Cát đúng là hao tâm tổn phí.”
Mật Thu nói: “Bà cứ để em đi theo cô ba đi. Cô ba xưa nay tự do quen rồi, nếu không đồng ý cho những người rảnh rỗi như bọn em tới lui xung quanh thì em sẽ làm nhiều ít nói.”
Bà Cát cúi đầu nghĩ ngợi, bất chợt nghĩ đến điều gì đấy. Bà nghiêng đầu, nhìn ngài Tưởng bằng ánh mắt trách móc.
Ngài Tưởng cũng đã nghĩ đến điều đó, chỉ là chuyện này không liên quan tới ông nên khó mà nói được. Vì Bà Cát quá lo lắng nên suy nghĩ rối loạn, ông cũng chỉ chỉ điểm một hai mà thôi.
Bà Cát nhìn ngài Tưởng mỉm cười, chỉ chốc lát đã sáng tỏ.
Mật Thu xoay người toan đi chuẩn bị, thì bà Cát đã vội gọi cô lại:
“Đợi đã… Mật Thu, em không cần đến Thượng Hải nữa.”
Mật Thu do dự, nhưng rồi vẫn đáp: “Vâng, thưa bà.”
Bà Cát còn nói, “Em bảo Henry gửi điện báo đến cục cảnh sát ở hội đồng thành phố tô giới công cộng, tìm cậu Tạ.”
Mật Thu thưa vâng, im lặng chờ tiếp.
“Trên điện báo viết: thứ Sáu tuần sau cô ba sẽ đến Thượng Hải, bảo cậu ta chăm sóc tốt cho tôi, nếu thiếu một cọng tóc thì cứ liệu đợi tôi hỏi tội.”
Ngài Tưởng ngồi cạnh nghe thế, cười nịnh nọt, “Cậu Tạ chuyên ăn nhậu chơi bời, giờ lại có chức vụ tuần tra. Yêu ma quỷ quái ở Thượng Hải, bất luận là Trung hay Tây thì nhất định cũng không dám làm gì cô ba. Đến Thượng Hải tìm cậu ấy, dù có chuyện cũng hóa thành không. Vẫn là chị Cát thông thái.”
***
Ngày tháng Hai lạnh lẽo ở Thượng Hải, một cuộc điện thoại đã đưa Tạ Trạch Ích từ sân huấn luyện về cục cảnh sát ấm áp. Anh hứng gió cả ngày trời, nay vừa được ấm áp là cả người run lên. Cúi chào nhận điện báo từ cảnh sát trưởng, còn chưa kịp đọc thì một đám thanh tra chỉ huy giám sát trong cục đã nhìn anh chằm chằm.
Anh bật cười: “Điện báo gì quan trọng lắm à?”
Lại cúi đầu đọc, bên trên viết: bé ba thứ Sáu đi thuyền đến Thượng Hải, mời cậu để mắt đến. Nếu gặp chuyện gì thì cứ cẩn thận da cậu.
Tạ Trạch Ích kiểm tra điện báo, mấy cái đầu to đầu nhỏ trong phòng vẫn nhìn anh chăm chú. Điện báo đến cục không phân biệt công hay tư, mà ở đây lại có không ít người biết tiếng Trung, thế là tờ điện báo này đã truyền khắp tay mọi người.
Anh ho khan, “Trong nhà sai đi làm chuyện không đâu ấy mà.”
“Sai làm chuyện gì?” Trưởng trinh thám cười tới mức râu quai nón run lên, vỗ vào vai anh, “Có phải việc gì vất vả không?”
“Này…” Tạ Trạch Ích nghĩ ngợi. Có lẽ vì gió rét bên ngoài đã khiến đầu óc đóng băng, nhất thời không tìm được từ để định nghĩa chuyện không đâu này.
Anh lắc đầu đi ra ngoài, không biết là ai trắng trợn đã dán giấy quảng cáo xà phòng ở cửa, bên trên vẽ một chiếc lồng chim nhốt một cô gái thục nữ phương Đông.
Tạ Trạch Ích không nhịn được bật cười, thầm nghĩ: … Hoàng yến sổ lồng ư?