Hậu Hoàn Châu Cát Cát

Chương 58 - Chương 58

trước
tiếp

T ừ Túy Tiên Cư quay về nhà họ Chúc, Tử Vy, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Yến Tử vẫn còn choáng váng trong cơn sóng tình cảm. Tiêu Kiếm, Kim Tỏa, Liễu Thanh, Liễu Hồng đứng vây quanh. Mọi người rất bất ngờ khi nghe tin đích thân vua Càn Long đến Nam Dương.

Tiêu Kiếm nghi ngờ.

– Hoàng thượng thân chinh đến đây để đón các người ư?

Rồi quay qua quan sát Tử Vy và Yến Tử.

– Nhưng tại sao mắt hai hai người đỏ hoe vậy, khóc dữ lắm à?

Yến Tử lắp liếm bằng cách mang hai hộp thức ăn ra.

– Ăn nào, ăn nào! Ðây là bánh làm tận trong cung dấy, bên ngoài không có mà ăn đâu.

Liễu Thanh, Liễu Hồng nhìn nhau rồi hỏi:

– Hoàng thượng mang tận Bắc Kinh đến cho các người à?

Kim Tỏa nhìn thức ăn reo lên:

– Ồ, tiểu thơ! Toàn là những món bọn mình thích ăn cả.

Vĩnh Kỳ bức rức:

– Vâng, Hoàng a ma còn nói phải bắt nhà bếp làm ngày đêm để kịp mang theo. Xem ra Hoàng a ma cư xử với mình như vậy mà mình vô tình quá cũng không phải, nó ích kỷ, tàn nhẫn làm sao đấy. Hoàng a ma gặp bọn này không hề trách một tiếng, lại còn nuông chiều, người xuống nước như vậy mà chúng mình vẫn cương quyết không về, thái độ quá cứng rắn chăng?

Nhĩ Khang nói:

– Thôi đừng có nói đến chuyện đó nữa, muốn thoát khỏi hoàng cung đâu phải là chuyện dễ dàng. Ðã đến được Nam Dương tức là đã đi được nửa đoạn đường nếu cứ phân vân bất định thì sau này sẽ ra sao? Quay về rủi gặp chuyện “Hương phi” thứ hai nữa thì mệt đấy, lần này hoàng thượng đại xá, nhưng lần sau thì chưa chắc thoát được, sự việc cứ lập đi lập lại càng chết.

Yến Tử nghe vậy tán đồng ngay.

– Vâng đúng đấy đúng đấy. Tôi cũng nghĩ vậy.

Tử Vy thì thở ra:

– Nhưng người đã đích thân đến Nam Dương, người còn nói muốn đến “rước bọn mình về”. Người bảo là không phải với tư cách của một ông vua mà chỉ là một người cha “bất nhẫn” buồn phiền… Nghe những lời đó, tôi thật không cầm lòng được, không có chuyện “truy sát” chúng ta tất cả chỉ là một sự “hiểu lầm”. Chuyện mẹ tôi cũng vậy, hình như người cũng đã rõ được sự thật. Chuyện chặt đầu cũng chỉ là một màn kịch, tôi phải làm sao đây?

Rồi quay sang Yến Tử, Tử Vy tiếp:

– Yến Tử, chị hãy nói đi! Chị hãy bươi móc ra những điều không tốt của Hoàng a ma để tôi thù người, tôi mạnh dạn lên, bằng không, nếu để tình trạng thế này, tôi sẽ phân vân, bước đi không đành đấy.

Liễu Thanh thấy mọi người như vậy, buộc miệng nói:

– Tôi thấy điệu này, các người nên thay đổi lộ trình quay về Bắc Kinh là hay nhất. Về đấy tôi Liễu Hồng và Kim Tỏa gầy dựng lại Hội Tân Quán, còn các người trở về với chức danh cát cát, a ca, và phò mã. Như vậy lúc nào gặp nhau cũng dễ, đám trẻ con ở trại tế bần cũng có người quan tâm, vậy chẳng tốt hơn sao? Thôi thì hãy quên cái xứ Ðại Lý đi, ai quay về vị trí nấy, khỏi phải chia cách Nam bắc một phương trời. Các vị biết không, Kim Tỏa từ tối qua cứ khóc mãi về chuyện phải chia tay với các người.

Kim Tỏa nghe vậy nắm tay Tử Vy nói:

– Vâng, đúng thế, đúng thế! Em biết điều mà tiểu thơ buồn nhất là chuyện hoàng thượng phải nhận sự trung trinh của Thái thái. Nhưng bây giờ người đã biết rõ rồi thì cái giận đó cũng nên xóa đi, có thế nào thì Hoàng thượng cũng là cha của tiểu thơ mà. Nếu mọi người không chịu khăng khăng đi đến Đại Lý thì đến bao giờ em mới gặp lại được tiểu thơ. Thôi đừng đi, hãy quay về hoàng cung đi!

o O o

Tiêu Kiếm nghe vậy lẳng lặng chụp lấy kiếm và tiêu đi thẳng ra cửa, Yến Tử chạy đuổi theo:

– Anh giận à?

Tiêu Kiếm lớn tiếng:

– Đương nhiên là anh phải giận rồi, không những giận mà còn cảm thấy thất vọng, vì anh đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức vạch ra biết bao nhiêu kế hoạch. Dự tính cả chuyện đưa các người đến Ðại Lý rồi, để các người sống bằng nghề gì. Vậy mà bây giờ tất cả coi như hỏng bét, có lẽ không thể quay đến Ðại Lý được nữa.

Yến Tử vội phân bua:

– Nhưng bọn em đâu có nói là sẽ quay về hoàng cung, cũng chưa có hứa điều gì với Hoàng a ma mà?

Tiêu Kiếm nhìn thẳng vào mắt Yến Tử nói:

– Yến Tử này, nếu em thật sự là em gái anh, thì phải theo anh mà đi, đừng có quay trở lại cái “Hồi Ức thành” đó làm gì, tuyệt đối không được quay đầu lại. Nếu em hứa được điều đó thì anh sẵn sàng làm tất cả những gì em muốn, anh sẽ bảo vệ em và Vĩnh Kỳ cho hai người hạnh phúc mãn đời.

Yến Tử mở to mắt nhìn Tiêu Kiếm, trong khi Tiêu Kiếm như đã quyết định nói:

– Yến Tử, nghe anh nói đây, anh muốn cho em biết một sự thật.

Lúc đó Nhĩ Khang cũng đã ra tới, vội chận ngay:

– Tiêu Kiếm, cần gì phải quá kích như vậy chứ. Ở đây chẳng ai tuyên bố là sẽ không đến Ðại Lý cơ mà. Đại Lý ở đó là thiên đàng mà chúng ta khao khát đến, vùng đất hứa của chúng ta thì sao chúng ta có thể bỏ ý định đó một cách dễ dàng được. Nào, tôi với anh, chúng ta ra ngoài nói chuyện, ở ngoài không khí mát mẻ hơn, được chứ.

Tiêu Kiếm quay lại trừng trừng nhìn Nhĩ Khang, cảm thấy Nhĩ Khang như đã biết được ý đồ mình, nhưng Tiêu Kiếm vẫn không bỏ ý định cũ được. Ngay lúc đó Tử Vy cũng đã đi ra kéo Yến Tử trở lại phòng, kết quả là Tiêu Kiếm chẳng thể làm gì khác hơn, cũng Nhĩ Khang ra ngoài.

Nhĩ Khang đi trước, Tiêu Kiếm theo sau, cả hai ra khỏi nhà họ Chúc đến chân núi ở phía sau nhà, Tiêu Kiếm đứng lại hỏi:

– Anh đưa tôi ra đây để làm gì?

Nhĩ Khang đi thẳng vào vấn đề ngay.

– Tôi muốn nói chuyện với anh về “cái mối thù giết cha” của anh và Yến Tử, tôi biết ban nãy đứng trước mặt Yến Tử, Anh đã định nói chuyện đó ra, chẳng lẽ anh định công bố chuyện đó giữa đám đông cho mọi người cùng biết? Chẳng phải anh cũng cười. Vì vậy tôi nghĩ nếu anh nói năng không cẩn trọng thì có thể ảnh hưởng đến sự tươi vui của Yến Tử anh đành lòng làm chuyện đó ư?

Tiêu Kiếm nghe nói giật mình, quay qua nhìn Nhĩ Khang nói:

– Chẳng lẽ anh đã biết được bí mật của tôi anh làm sao biết được điều đó.

Tiêu Kiếm nói:

– Thật sự tôi chưa biết, nhưng tôi có thể đoán được. Bởi vì nếu phân tích những sự việc xảy ra trong suốt quá trình chúng ta quen nhau, thì sẽ thấy rõ, thân thế anh rất phức tạp chớ không đơn giản. Và nếu tôi đoán không lầm thì kẻ thù của anh chẳng đâu khác hơn là ở tại “Hồi Ức thành”, ông ta và bọn tôi có một sự liên hệ khá mật thiết nhau, đúng không?

– Làm sao anh đoán ra điều đó?

– Chính thái độ của anh để mọi người thấy điều đó. Anh là con người phóng khoáng tự đại, vậy mà đề cập đến kẻ thù giết cha mình trước mặt chúng tôi lại ấp úng, kín kín hở hở. Cái thái độ của anh trước “lão gia” chúng tôi càng căng thẳng hãy nói thật đi có phải người ấy là “lão gia” không?

Tiêu Kiếm suy nghĩ rồi gật đầu:

– Anh quả là con người lợi hại, không có gì có thể qua mắt được anh, vâng anh đoán đúng, ngưòi đã giết cha tôi đúng là ông ấy “con rồng ngủ gục” của các anh đấy!

Nhĩ Khang nghe nói không khỏi giật mình hỏi:

– Vậy thì cha ruột anh là ai?

– Cha của tôi trước kia đã từng làm đến chức tri phủ, chỉ vì phạm tội văn chương mà bị Càn Long chặt đầu, đó là ông Phương Chi Hàng!

Nhĩ Khang giật mình:

– Phương Chi Hàng ư? Sao lại phạm tội văn chương?

Tiêu Kiếm nghiến răng nói:

– Đúng là tội văn chương cha tôi làm một bài thơ bị người ta gán cho là có ý phản Thanh. Kết quả liên lụy đến cả nhà tôi. Cha tôi bị xử tử, các ông chú tôi thì bị vô ngục, vụ án đó gây hại cho mười chín người tất cả. Vâng! Con rồng ngủ gục đó chính là thủ phạm đã giết cha mẹ tôi.

Nhĩ Khang bàng hoàng nhìn Tiêu Kiếm.

– Vì vậy mà anh cố tình làm thân với chúng tôi, không phải chỉ để nhận lại đứa em gái mà còn có ý định thâm nhập hoàng cung nữa, phải không?

– Đúng vậy. Tôi cũng có ý định muốn thâm nhập vào hoàng cung, điều đó tôi cũng đã thành công. Trong cuộc đời này, tôi có một cơ hội độc nhất vô nhị để thâm nhập hoàng cung, đó là lần giả là Sa Mãn pháp sư, tiếp cận Càn Long. Tôi muốn nhìn rõ bộ mặt thật của hắn, lúc tiếp cận là lúc có thể hạ sát hắn dễ dàng, và lần đó tôi đã suýt làm được.

Nhĩ Khang nhớ lại buộc miệng:

– Thật nguy, nhưng rồi tại sao anh lại không hành động?

– Tất cả tại vì các người cả – Tiêu Kiếm bi phẫn nói – Thật tôi không ngờ khi đã giao du với các người, tôi lại bị tình cảm bạn bè cột chặt. Đó là yếu điểm của tôi, chỉ cần một ai đó hết lòng với tôi, coi tôi thân tình là tôi có thể móc hết ruột gan của mình ra để đền đáp. Cũng chính vì thế mà trên giang hồ tôi có rất nhiều bạn bè. Hôm ấy, tôi thấy các bạn chỉ vì tình yêu giữa Mông Đan và Hàm Hương mà sẵn sàng vào sinh ra tử. Rồi sau đó lại thấy các vị sùng bái và kính yêu con rồng ngủ gục kia như vậy, biết các bạn một mặt lừa dối ông ta mà vẫn yêu quí kính trọng ông ta. Thế là… thế là… tôi không nỡ xuống tay.

Nhĩ Khang càng nghe càng bàng hoàng, cảm kích.

– Hết sức cảm ở tấm lòng vì bạn bè mà nương tay, nếu không mọi chuyện hôm đó sẽ trở nên vô cùng bi thảm.

Nhĩ Khang nói rồi thở dài:

– Anh Tiêu Kiếm, tôi có cái đề nghị này, chuyện bí mật kia xin anh hãy giữ kín đừng để Yến Tử biết.

– Tại sao?

Nhĩ Khang giải thích.

– Anh suy nghĩ cặn kẽ xem, Yến Tử và Vĩnh Kỳ hiện đang ở trạng thái “thề non hẹn biển” rồi sớm muộn gì cô ấy cũng sẽ là dâu con của vua. Nếu cô ấy mà biết được sự thật, biết được thân thế và mối thù bất cộng đái thiên như vậy, liệu bọn họ có thể thành vợ chồng được không? Thời gian qua, anh và bọn họ đã gần gũi nhau như vậy, hẳn anh phải hiểu được tình cảm và phản ứng của bọn họ thế nào.

Tiêu Kiếm gật đầu lòng có vẻ bức rức.

– Đó cũng là nguyên nhân làm cho tôi thấy vô cùng khó xử, tôi nữa muốn giữ chặt cái bí mật kia trong đáy lòng nhưng cũng muốn cho Yến Tử biết được sự thật. Sự phân vân đó cứ dày vò tôi. Hãy nhớ là tôi đã có ý định đưa Yến Tử và các ngươi đến đây, rồi bỏ đi nhớ không? Nhưng rồi nghĩ đến chuyện Yến Tử đã vào cung, nhận kẻ cướp làm cha…

– Nhận kẻ cướp làm cha! Dùng chữ nặng nề quá, tôi nghĩ không nên quá kích động như vậy, Tiêu Kiếm! Anh hãy nhớ cho rằng “án văn chương” triều nào cũng có. Ðó là một cách thống trị của các vua chúa các triều. Nhưng mà, cho tôi thật này, cha anh có tư tưởng “bài Thanh” không?

Tiêu Kiếm nghe hỏi ngẩn ra, rồi hỏi ngược lại.

– Chẳng lẽ nếu ông ta có, là phải mang tội chết ư?

– Không phải là tội chết, mà là đã phạm phải đại úy! Có thể ở một thời điểm nào đó, tư tưởng con người phóng khoáng hơn, con người được tự do nhiều hơn. Nhưng còn ở thời buổi bây giờ, ý tôi muốn nói là những người bị hại trong các vụ án văn chương đa số chỉ vì một phút ngẫu hứng mà chết oan. Mặc dù có thể họ biết luật lệ không cho phép như vậy, nhưng bản tính phóng khoáng nghệ sĩ đã hại họ.

Tiêu Kiếm suy nghĩ.

– Lời của anh nói có cái lý của nó.

Nhĩ Khang tiếp.

– Còn nữa, con người nào phải là thánh nhân mà không lầm lỡ, sai sót. Ví dụ như trước đó người có lỡ hại chỉ giết chết cha anh đi, bây giờ người cũng đã thay đổi rồi. Mọi thứ đã đổi khác, bây giờ là một ông vua nhân hậu, hiền lành, không còn tàn nhẫn, động tí là lên án tử cho người khác.

Tiêu Kiếm không đồng tình.

– Rõ ràng là ông ấy vẫn còn ý hành hình người khác, bằng chứng là cái án tử dành cho hai cô cát cát, suýt tí nữa thì tôi đã mất thêm một cô em gái rồi?

Nhĩ Khang lắc đầu:

– Thật ra đó chỉ là một sự ngộ nhận thôi. Hiện giờ bọn này đã chứng thực được, hoàng thượng chỉ hù dọa chứ không hề có ý chặt đầu hai cô cát cát.

– Nói theo cậu… Điều này thì, người nào cũng đã bị ông ấy thuyết phục rồi.

– Không phải chỉ là một sự thuyết phục mà là sự thật. Anh hãy nhớ lại đi, lúc bọn này ra tay quyết định giải thoát cho Hàm Hương, đó chẳng phải là chính nghĩa ư? Cái nào tốt ta tán dương, xấu chê. Hoàng thượng cũng vậy, rõ ràng là người có nhiều ưu điểm, người rất anh minh!

Rồi Nhĩ Khang hạ thấp giọng nói:

– Thật ra thì hoàng thượng rất yêu quí Yến Tử dù biết cô ấy không phải là con đẻ của mình vẫn quý như con ruột. Yến Tử từ một đứa ở viện mồ côi, chợt nhiên có một lực lượng vô hình đưa cô ấy vào hoàng cung để làm con vua. Ðó phải chăng là một sự việc thần kỳ, một cách để trả báo lại những sơ suất mà người đã phạm phải. Tạo hóa có những cách mang lại công bằng cho mọi người mà ta không ngờ được.

Tiêu Kiếm nhìn thẳng Nhĩ Khang.

– Có phải ý anh muốn khuyến dụ tôi, hãy để Yến Tử tiếp tục vai trò Hoàn Châu cát cát không?

– Tôi thấy cái đó cũng nào có gì không phải? Nếu Yến Tử không biết được sự thật, cô ấy sẽ mãi mãi là một Hoàn Châu cát cát hạnh phúc. Hoàng thượng cũng vậy, không biết được sự thật sẽ vẫn yêu Yến Tử suốt đời. Có thể xem đây là một phương thức mà trời cao dùng để hóa giải “mối huyết hải thâm thù” cũ. Chính anh cũng đã từng tuyên bố là chuyện “báo thù” không phải chủ đích cuộc sống của anh. Anh cũng không muốn biến Yến Tử thành một người lúc nào cũng nhìn đời bằng con mắt thù hận. Những điều anh đã nói, nó cao quý biết là con dường nào!

Tiêu Kiếm nhìn Nhĩ Khang nỗi phân vân cực điểm, trong khi Nhĩ Khang lại tiếp:

– Vả lại cái mối thù của anh muốn báo thì cũng đâu phải dễ dàng. Nếu không may mà chẳng thành công có phải sẽ có biết bao cái đầu rơi theo không, kể cả đầu của Yến Tử. Còn nếu anh mà thành công, thì có nghĩa là anh đã giết một vị vua tốt, anh sẽ trở thành kẻ tội phạm của cả đất nước to lớn này. Ðấy anh hãy nghĩ lại đi, chuyện “nhà” và chuyện “nước” bên nào trọng hơn?

Tiêu Kiếm yên lặng rất lâu nói:

– Nhĩ Khang, ta không thể không công nhận một điều, đó là anh rất thông minh. Có tài trí suy diễn và biết cách thuyết phục, khiến người đối diện khó cưỡng lại. Vua Càn Long có một thần tử như anh quả là hữu phúc, tiếc là ông ấy chẳng biết trân trọng anh.

Rồi ngẩn lên nhìn trời, Tiêu Kiếm thở dài:

– Ta đã nói rồi mà… không nên kết bạn với các ngươi. Cứ đi theo các người mãi là có lúc không còn biết nhận ra mình là ai nữa.

Nhĩ Khang nói:

– Vâng, tôi còn nhớ có một lần một người đã nói với tôi cái bản tính tốt nhất của con người đó là lòng khoan dung.

– Hai chữ đó, mới nghe thì rất nhẹ nhàng, nhưng mà được không phải là dễ. Tôi e là mình không có được cái đức tính đó.

– Vậy thì anh thử đi! Hãy vì Yến Tử mà chấp nhận chớ tôi thấy câu chuyện của anh, thì quả là quá thương tâm đối với Yến Tử.

– Tôi biết điều đó, vì vậy mà có lần tôi đã nói với Yến Tử kẻ thù của chúng tôi đã chết. Ngay cả tên thật của cha tôi, tôi cũng không để cho nó biết. Tôi sớm ý thức được là sự thật này mà nói ra có thể sẽ là một bất hạnh lớn cho Yến Tử, Vĩnh Kỳ! Con trai của kẻ thù tôi, nhưng lại là người Yến Tử yêu. Chuyện này đối với tôi là một cú đấm, một chấn thương, nhưng nghĩ đến em gái, đến tình yêu của nó, tôi đã bỏ hết mọi thứ qua một bên nhẫn nhục chịu đựng. Tôi thấy Vĩnh Kỳ quả là rất yêu Yến Tử nhịn nhục mọi thứ mà cảm dộng khôn cùng. Tôi không muốn Yến Tử vì ông anh mới nhận được mà mất đi mối tình chân thật kia. Nếu cả hai đồng ý theo tôi đến Ðại Lý lập nghiệp, thì tôi sẽ sung sướng vô cùng, nhưng nếu Yến Tử lại nghe lời Càn Long mà quay về cung, tôi sẽ vô cùng đau khổ!

– Tôi hiểu, tôi hiểu chuyện đó! Nhưng tất cả chưa đi đến kết luận mà. Bọn này thì vẫn chủ trương đi đến Ðại Lý chứ đâu có quay về cung. Anh cần phải bình tĩnh một chút được chứ?

Tiêu Kiếm suy nghĩ rồi gật đầu, Nhĩ Khang thấy vậy thở ra nhẹ hẳn nói:

– Anh Tiêu Kiếm này! Sau khi nghe chuyện anh kể, tôi mới hiểu rõ được thế nào là “anh hùng” anh quả là không hổ danh.

Tiêu Kiếm cười nhẹ:

– Nhĩ Khang anh thật cao tay ấn, định dùng hai chữ “anh hùng” để đấm mỏm tôi lại ư? Nếu tôi mà không giữ kín bí mật vừa kể cho anh nghe mà kể cho người khác biết, chắc là anh sẽ bị coi là “hèn hạ”!

Tiêu Kiếm nói xong ngẩn lên nhìn trời nghĩ ngợi.

– Nhĩ Khang, cậu có nhớ một lần tôi đã nói không? Cuộc đời nó đầy rẫy câu chuyện và những câu chuyện đó, có người đã phải sử dụng mạng sống của mình để viết ra, còn có người chỉ đứng bên lề để xem chuyện. Xem ra tôi và anh, cả hai ta đều là nhân vật trong chuyện, chứ không thể chạy thoát được đâu.

Nhĩ Khang gật đầu ngẫm nghĩ. Vì sự an vui của Yến Tử, chẳng ai có quyền tiết lộ câu chuyện này ra ngoài được.

Nhưng trước mặt Tử Vy, Nhĩ Khang lại chẳng có gì giấu diếm cả, Tử Vy vừa mới nghe qua xong đã đứng chết lặng thật lâu.

– Thì ra sự việc là như vậy, thật không ngờ được. Bây giờ ngẫm lại sự việc đã qua, có nhiều thứ em mới hiểu, nhưng sự việc này phải giấu kín, nếu Yến Tử biết được e là trời đất sẽ nổ tung!

Nhĩ Khang gật đầu.

– Anh biết! Vì vậy anh đã nói với Tiêu Kiếm phân tích rõ cái lợi cái hại của vấn đề. Sự thật thì Tiêu Kiếm là người rất thông minh, vì vậy không cần nói anh ta cũng biết là muốn bảo vệ Yến Tử thì không được nói gì cả. Có điều sự việc này lại có liên quan đến thù cha phải trả, là sự việc không thể đơn giản đâu.

Tử Vy nói:

– Theo anh thấy thì thế nào? Liệu anh ấy có giữ kín chuyện được không?

– Anh cũng không biết, có điều đến giờ này anh mới rõ, cuộc đời của Tiêu Kiếm lại viết bằng máu và nước mắt như vậy. Vì vậy anh mới cảm thấy tội, đến giờ này Tiêu Kiếm vẫn hét sức khổ tâm, phân vân lựa chọn. Sống trong trạng thái mâu thuẫn là rất căng thẳng. Chỉ đến khi nào Tiêu Kiếm ngộ ra được thù hận là phù du, bằng không e là anh ấy sẽ đau khổ đến suốt đời.

– Anh nhắm anh ấy có thể quên thù được không?

– Có thể, nhưng hơi khó khăn.

– Nếu người biết suy nghĩ, trí tuệ thì có thể quên này chỉ có thần, chớ người không có.

Tử Vy nghĩ đến lai lịch Yến Tử chợt rùng mình nói với Nhĩ Khang.

– Vậy thì chúng ta không nên do dự gì cả, hãy chuẩn bị đến Ðại Lý đi. Chỉ có đến đó thì mọi chuyện ân oán trên đời sẽ biến mất. Càng xa Hồi Ức thành chừng nào thì chuyện đó càng không được nhắc đến, chúng ta mới thấy bình an, yên ổn.

Nhĩ Khang gật đầu.

– Vâng, chúng ta đến Đại Lý thôi!

Ý định đó có thực hiện đựợc không?

o O o

Hôm ấy vua Càn Long cùng ông Phước Luân đến nhà họ chúc vừa bước vào cửa, ông Phước Luân đã gọi lớn:

– Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Tử Vy, Yến Tử lão gia đến thăm các người đây.

Tử Vy, Yến Tử Nhĩ Khang Vĩnh Kỳ vội vã chạy ra. Vừa thấy vua Càn Long là giật mình, trong khi Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa, Tiêu Kiếm lại đứng phía sau đám Yến Tử dò xét.

Vua Càn Long chẳng biết là trong đám người trẻ tuổi kia đã có một người nhân thân vô cùng đặc biệt. Ông chỉ biết qua lời của Phước Luân là Yến Tử đã nhìn được ông anh ruột nhưng Phước Luân chỉ nói một cách sơ sài khiến Vua chỉ nhận một điều, đấy là Yến Tử gặp được một người anh. Người này trên đường đi đã hổ trợ Yến Tử rất nhiều, lại giúp đỡ cứu giúp mấy lần đám vương tôn cát cát trên đường lưu lạc. Những người hảo hán hiệp vậy thì có thế nào cũng là người tốt. “tứ hải chi nội giai huynh đệ” cơ mà? Dù gì Yến Tử lai lịch bất minh, đến đâu cũng có thể nhận chị, nhận anh là chuyện thường tình. Ngay vua nó cũng nhận là cha thì nhận thêm một người anh nào nghĩa lý gì? Vì vậy vua đã mặc nhiên chấp nhận chuyện đó. Nhìn thấy đám đông đứng đầy nhà, ông sảng khoái nói:

– Yến Tử, Tử Vy, ta đến đây để xem mặt các bằng hữu đã giúp đỡ các ngươi. Cũng để nhận biết anh ruột Yến Tử, còn chuyện các ngươi không cùng ta về cung thì thôi, ta cũng phải về đây.

Yến Tử bối rối:

– Hoàng… lão gia… người đến đây thật quá bất ngờ.

Vua Càn Long cười:

– A… lại còn sửa cả họ ta nữa ư? Cái gì mà Hoàng lão gia, ta là Ai lão gia cơ mà?

– Vâng, Ai lão gia.

Vua Càn Long nghiêm giọng nói:

– Nghĩ đến chuyện “tuần du” lần trước, ta tưởng chừng chỉ mới hôm qua. Tiếc là các người đã quyết định đến Ðại Lý, bằng không ta sẽ tổ chức một cuộc tuần du thứ hai, lần này chúng ta có thể ngao du Giang Nam. Yến Tử này, nghe nói con là người gốc gác ở Hàng Châu, mà con biết không, phong cảnh ở Hàng Châu quả đẹp tuyệt vời.

Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa nghe vua nói tới bọn mình lúc đó mới vội vàng quỳ xuống:

– Hoàng thượng kiết tường!

Vua Càn Long vội khoát tay:

– Đừng có quỳ! Chỉ cần gọi “lão gia” là được rồi.

Kim Tỏa vội giới thiệu Liễu Thanh, Liễu Hồng với nhà vua. Vua Càn Long cười chỉ Liễu Thanh.

– Là chủ quán Hội Tân lầu đây ư?

– Vâng.

– Cái quán Hội Tân lầu đó, ngài Phước Luân đã nói với ta là bao giờ trở về kinh sẽ cho gỡ bỏ niêm phong. Các ngươi có thể mở quán trở lại, ta cũng hứa là từ đây về sau sẽ không cho ai khó khăn hay niêm phong quán đó lại lần nữa.

Liễu Thanh, Liễu Hồng nghe vậy mừng rỡ.

– Xin tạ ơn Lão gia.

Vua Càn Long lại đưa mắt nhìn quanh hỏi:

– Yến Tử, còn ông anh của ngươi đâu?

Tiêu Kiếm lúc đó vẫn đứng yên nhìn Vua chưa biết phản ứng thế nào, thì Yến Tử đã bước tới kéo tay Tiêu Kiếm.

– Dạ bẩm lão gia, con xin mạn phép giới thiệu đây là Tiêu Kiếm, anh trai con.

Tiêu Kiếm vẫn đứng yên chăm chú nhìn vua. Vua Càn Long bước tới, cái ánh mắt sáng kia rõ là quen thuộc, vua nói:

– Hình như chúng ta đã gặp qua ở đâu rồi thì phải?

Nhĩ Khang, và Tử Vy căng thẳng nhìn Tiêu Kiếm.

Tử Vy thấy tay Kiếm hơi lay động vội bước tới kéo vua về phía chiếc ghế đẩu nói:

– Lão gia, xin người hãy bình thân, đến ngồi nơi này này.

Ðồng thời quay mặt ra sau giục.

– Kim Tỏa sao không đi rót nuớc mời lão gia đi?

– Lão gia uống nước nhé? Pha thứ trà mà lão gia thích đấy.

Kim Tỏa vội ứng.

– Vâng, vâng, nhưng mà tiểu thơ nào có mang loại trà lão gia thích uống ra đâu.

Vĩnh Kỳ nói:

– Thôi bày vẽ, rót ly trà ngon cho lão gia uống là được rồi.

– Vâng.

Kim Tỏa vội vã vào trong rót trà, Nhĩ Khang thừa cơ hội, bước tới đứng cạnh Tiêu Kiếm. Tiêu Kiếm thấy vậy liếc nhanh về phía Nhĩ Khang và Tử Vy.

Chỉ có Yến Tử là vô tri, kéo tay Tiêu Kiếm đến cạnh vua làm Nhĩ Khang phải đi theo.

Yến Tử giới thiệu.

– Lão gia có biết không? Anh của con là người tốt nhất trên đời. Ông trời rất quý con mới ban cho con một người anh như vậy.

Vua Càn Long quay qua quan sát kỹ Tiêu Kiếm.

– Ông Phước Luân nói, ngươi và Yến Tử là anh em ruột. Cha mẹ ngươi trước lúc lâm chung đã đưa các ngươi mỗi người một phương nhờ người nuôi dưỡng, vì vậy anh em mới bị phân tán, đúng không?

Tiêu Kiếm chỉ yên lặng, vua Càn Long lại tiếp:

– Nghe nói ngươi đã bỏ ra nhiều công phu mới tìm được Yến Tử, vì vậy mà định đưa nó về Vân Nam định cư?

Tiêu Kiếm chỉ gật đầu.

– Nghe nói, ngươi là người văn võ song toàn tinh thông thi thơ nữa?

Vua lại nói đến đây thì Tiêu Kiếm không còn yên lặng nữa nói:

– Trên đời này làm gì có người “văn võ song toàn” tinh thông hết thi thơ được. Cuộc đời quá ngắn ngủi mà cái học thì vô biên. Làm sao có thời gian mà am hiểu cả thi thơ trên trời đất, dùng chữ như vậy e là khá phô trương đấy.

Vua Càn Long nghe Tiêu Kiếm nói cảm thấy lạ lùng.

– Tiêu Kiếm này, ngươi nếu thật sự là anh ruột của Yến Tử thì coi như cũng là con của ta. Ta thấy ngươi là người có tài ăn nói lưu loát, vậy thì có đồng ý theo ta về Bắc Kinh để thi thố tài năng. Kiếm một chút công danh gọi là để nở mày nở mặt cho cha mẹ dưới suối vàng không?

Tiêu Kiếm nhìn thẳng vua, đáp:

– Cảm ơn hảo ý của ông, nhưng tôi không thích!

Vua Càn Long ngạc nhiên.

– Tại sao không? Ngươi giải thích cho ta nghe nào?

Tiêu Kiếm thủng thỉnh đáp:

– Mỗi người có một ý chí, tôi quen cuộc sống biển rộng trời cao rồi, chỉ muốn tứ hải làm nhà, không ưa cầu danh lợi.

Vua Càn Long nhìn Tiêu Kiếm ngẫm nghĩ rồi nói:

– Thôi được ta tôn trọng ý kiến của ngươi.

Rồi vua quay sang Tử Vy, và Yến Tử bảo:

– Tử Vy, Yến Tử, các con lại đây.

Tử Vy và Yến Tử vội chạy tới đứng sắp hàng trước mặt vua. Vua Càn Long nhìn Tiêu Kiếm, Liễu Thanh, Liễu Hồng rồi trịnh trọng tuyên bố.

– Hai con a đầu nghe đây vừa qua chỉ vì lệnh ta muốn “chặt đầu làm gương” mà đã bức mấy đứa con yêu nhất của mình. Cũng vì vậy mà suốt thời gian qua ta đã phải hối hận khôn nguôi. Bây giờ trước mặt các người bạn của hai đứa, ta ban cho các con hai vật. Từ đây về sau, bất luận tụi con ở đâu, vật này sẽ giúp bọn con rất nhiều. Chẳng hạn như nếu ta lại đột ngột nổi giận muốn lấy thủ cấp của hai ngươi, chỉ cần đưa nó ra là các con vẫn sống nhăn!

Vua nói rồi lấy trong người ra hai miếng kim bài tiếp.

– Miếng kim bài này có tên là Kim Bài lệnh tiễn. Ở trong triều chỉ có những đại thần lập được chiến công to tác mới có nó hiện nay chỉ có mấy người có như Bác Lục Thúc, Triệu Huệ tướng quân, cả Phước Luân còn không có. Vậy mà bây giờ ta phá lệ lấy hai chiếc kim bài này một cho Yến Tử, một cho Tử Vy. Có kim bài này, hai đứa có thể thay lệnh ta miễn tội chết, nhưng phải nhớ cho kỹ, mỗi lệnh bài chỉ giá trị trong ba lần. Nếu các ngươi phạm tội nặng đến lần thứ tư thì coi như mất giá trị, rõ chưa? Bây giờ các ngươi đã có kim bài thế còn sợ bị ta chặt đầu nữa không chớ?

Tử Vy, và Yến Tử không dám tin những gì mình vừa nghe thấy, Tử Vy lắc đầu nói:

– Bẩm lão gia con không dám nhận chiếc kim bài này đâu ạ.

Vua Càn Long cười:

– Sao lại không nhận? Coi đó như là một sự ban thưởng của ta, các ngươi chỉ có quyền nhận rồi cảm ơn, chứ không được khước từ.

Tử Vy nhìn vua Càn Long mắt rơm rớm lệ. Nhĩ Khang Vĩnh Kỳ đứng đó cũng không tránh được xúc động trong khi Yến Tử lại tự nhiên cầm chiếc kim bài lên ngắm nghía nói:

– Ồ, Kim Bài lệnh tiễn, ta có chiếc Kim Bài lệnh tiễn sướng quá!

Nhưng rồi lại thắc mắc, Yến Tử lại quay sang vua.

– Lão gia, nhưng mà nếu lão gia muốn chặt đầu một ai khác, con có thể dùng cái kim bài này để cứu họ được không ạ?

– Ðược, được chứ! Nhưng chỉ có thể sử dụng nó trong vòng ba lần thôi, nên con không thể khinh xuất mà sử dụng. Vì như vậy đến lúc cuối cùng, nếu con vướng họa lại không được cứu.

Yến Tử nghe vậy thích chí reo lên.

– Vậy thì món quà này của lão gia thật là tuyệt vời. Hoàng… a… lão gia vậy mà sao người xấu thế, không cho con sớm một chút. Nếu có nó lần trước con đã không phải gây ra biết bao nhiêu chuyện long trời lở đất vậy.

Rồi cầm lệnh bài đưa cho Tiêu Kiếm, Yến Tử nói:

– Anh Tiêu Kiếm, anh xem cái lệnh bài của em nè. Từ đây về sau có lệnh bài trong người em không sợ bị chặt đầu nữa rồi.

Tiêu Kiếm nhìn Yến Tử đang vui như sáo, rồi nhìn vua Càn Long, có một ông vua nhân hậu như vậy ư? Yêu thương Yến Tử hơn cả con đẻ, kẻ thù của ta có thể như vậy được à. Những câu hỏi của Tiêu Kiếm phân vân, bất giác lùi ra sau mấy bước. Nhĩ Khang thấy vậy, cảm thấy cơn lo vơi đi mấy phần trong khi Yến Tử lại đưa lệnh bài khoe với Vĩnh Kỳ.

– Anh Vĩnh Kỳ, anh xem em có ngon không?

Vĩnh Kỳ cảm động nói:

– Ngon chứ, Yến Tử em phải biết dó là một vinh dự đặc biệt mà lão gia đã dành cho em đấy.

Ðến lúc đó vua Càn Long mới nói:

– Thôi, hãy cất kỹ chiếc kim bài kia vào người đi kẻo để rơi mất bây giờ. Cái kim bài đó coi như là một phiên bản khi vắng mặt cha. Bất cứ một kẻ nào nhìn thấy nó như thấy ta vậy, ngay cả văn võ bá quan mà trông thấy nó cũng phải quỳ xuống tung hô. Vì vậy không thể tùy tiện mà đưa nó ra nhé.

Yến Tử nghe vậy vội cất kim bài vào túi, Tử Vy quỳ xuống nói:

– Vậy thì con xin tuân lệnh vậy “cung kính bất như tùng mệnh”

Yến Tử rất vui cũng bắt chước quỳ theo.

– Con cũng vậy “ cung kính bất như trùng tử mệnh”.

Vua Càn Long nghe vậy cười hỏi:

– Trùng tử là gì vậy, chẳng lẽ con là “sâu bọ” à?

Yến Tử nhìn mọi người nghiêm chỉnh nói:

– Vâng bọn con đều là “nhện” cả.

Mọi người nghe vậy không hiểu, vua càng ngạc nhiên hơn.

– Tại sao bọn con lại là “nhện” mà không phải là người!

Yến Tử nói:

– Vì anh Vĩnh Kỳ nói, mọi người đều là “tri thù tử liễu hoán hội hoạt” (con nhện chết xong lại sống lại).

Vua Càn Long nghe càng không hiểu.

– Làm gì có “tri thù tử liễu, hoán hội hoạt?”

Nhĩ Khang giải thích.

– Bẩm lão gia, câu đó thế này “trí chi tử địa chi hậu sinh” (đưa đến chỗ chết thì sống lại) Yến Tử nghe không rõ nên đã hiểu sai ạ.

Vua Càn Long hiểu ra cười lớn:

– Ha ha! Yến Tử đúng là Yến Tử, những ngày xa bọn con ta gần như quên mất những tiếng cười loại này. Hay lắm, lâu quá rồi chẳng được cười hả hê.

Vừa nói vua vừa cười ngất cười thật lâu.

Tiêu Kiếm đứng một bên ngẩn ra nhìn. Vua Càn Long nhìn Tử Vy rồi nhìn Yến Tử thở ra, đứng dậy nói:

– Tử Vy, Yến Tử, Nhĩ Khang, và Vĩnh Kỳ các con cần phải thận trọng nhé. Từ dây đến Ðại Lý còn cả một con đường dài, Tử Vy thì yếu đuối, gió thổi cũng bay, là đứa cần phải kỹ lưỡng sức khỏe một chút. Yến Tử thì hay xía vào chuyện người khác, hữu dõng mà vô mưu. Các người cần phải giúp nó ngăn chặn lại. Ta lại nghe nói tiền bạc mang theo mấy đứa đã xài vạn rồi, để ta bảo Phước Luân chuẩn bị cho một ít. Ta còn cho chuẩn bị cả áo quần, thuốc men, đồ đạc cho các ngươi mang theo. Ðủ cả, thôi nhé, các ngươi gắng mà tự bảo trọng, ta đi đây!

Vua Càn Long nói rồi bỏ ra ngoài, ông Phước Luân đi theo. Cả phòng nhìn theo, quên cả chuyện tiễn chân. Khi vua Càn Long đã bước ra đến cửa Tử Vy lúc đó không dằn được nữa, chạy theo nắm lấy tay vua nói:

– Hoàng a ma, con xin cùng Hoàng a ma hồi cung!

Nhĩ Khang thấy vậy ngạc nhiên.

– Tử Vy, chẳng phải là em đã quyết định?

Tử Vy quay qua nhìn Nhĩ Khang rơm rớm nước mắt:

– Anh Nhĩ Khang, em biết ở Đại Lý cảnh rất đẹp đó là nơi lý tưởng cho cuộc sống chúng ta, là thiên đàng, hạ giới… nhưng mà đã hai mươi năm qua em mới tìm được cha. Tình cha con là một cái gì đáng trân trọng. Xứ Đại Lý nó không có chân, nó sẽ còn mãi đấy, rồi em sẽ đến đó, mấy năm sau cũng không muộn…

Nhĩ Khang nhìn Tử Vy, biết là người yêu đã quyết định nên không biết phải xử lý thế nào.

Yến Tử thấy Tử Vy đã quyết định như vậy, cũng không ngăn được lòng, bước tới khóc òa.

– Hoàng a ma, Tử Vy đã quyết định theo người về nhà thì con cũng vậy, con không đi Đại Lý nữa đâu.

Vĩnh Kỳ nghe Yến Tử nói vậy rất cảm động. Trong khi Tiêu Kiếm bực dọc bỏ đi ngay ra cửa. Nhĩ Khang thấy vậy đuổi theo, ra đến sân vườn, khang đuổi kịp nắm Tiêu Kiếm lại:

– Tiêu Kiếm này, trên đời này nào có thù hận mãi không giải quyết được? Chuyện cũ dù gì cũng đã mấy mươi năm qua, sự thật thế nào chưa rõ ai đúng ai sai. Thôi thì hãy để nó qua luôn đi hay hơn không.

Tiêu Kiếm đứng lại trừng mắt nhìn Nhĩ Khang.

– Lạ lùng chưa, ban nãy ta thấy người đứng án trước mặt, e là ta sẽ động thủ với lão gia ngươi. Tại sao phải vậy? Ta đâu có ngu đâu mà hành động khinh xuất thế, nhưng mà lúc ban nãy ta ra tay thì người sẽ thế nào? Hẳn là sẽ quyết đấu với ta chứ gì?

Nhĩ Khang xác nhận.

– Vâng, trong trường hợp đó thì bất khả kháng. Sẵn đây tôi xin kể cho anh nghe chuyện này, lúc Tử Vy còn chưa được phong làm cát cát. Chúng tôi đã cùng hoàng thượng cải trang đi tuần du, có một lần khi đến một lễ hội cúng đình. Mọi người đang bận xem bát tiên biểu diễn, bên cạnh hoàng thượng chỉ có một người lại không biết võ công đấy là Tử Vy. Cũng chẳng ai ngờ đám bát tiên kia lại là thích khách của Bạch Liên giáo thế là họ thừa lúc mọi người không quan tâm đã ra tay thích khách hoàng thượng, Tử Vy đã nhảy ra cản đao. Ðó là lý do tại sao hiện nay Tử Vy cứ dễ đau yếu luôn.

Tiêu Kiếm lần đầu tiên nghe chuyện vô cùng ngạc nhiên Nhĩ Khang tiếp:

– Vì vậy ban nãy anh mà rút kiếm ra là chắc chắn Tử Vy sẽ áng trước mặt vua ngay, lúc đó kiếm anh sẽ chỉ đâm vào lồng ngực Tử Vy, hoặc tôi, hoặc Vĩnh Kỳ, mà có thể là cả Yến Tử nữa.

Tiêu Kiếm giật mình, biết là Nhĩ Khang nói thật.

– Có nghĩa là tất cả các người, có thể liều mạng vì ông ta cả ư?

– Vâng, vì vậy tốt hơn anh đừng nên mạo hiểm. Anh với bọn này gắn bó trong những cuộc vào sinh ra tử, tình cảm vô cùng sâu đậm, anh lại là anh ruột của Yến Tử. Vì vậy địa vị anh trong trái tim chúng tôi đương nhiên là có một vị trí khá quan trọng đừng để bất cứ một chuyện gì làm sức mẻ cái tình cảm cao quý đó, biến đổi “tình bạn” thành “hận thù” thì không hay lắm đâu.

Tiêu Kiếm yên lặng nhìn Nhĩ Khang.

– Tôi chỉ có bấy nhiêu lời, mong rằng anh suy nghĩ để chấp nhận sự thật. Nói thẳng ra tôi rất quý yêu một Tiêu Kiếm uống rượu như uống nước, một Tiêu Kiếm rổn rảng đọc thơ.

Nhĩ Khang nói, rồi sẵn miệng đọc mấy câu Tiêu Kiếm thường đọc.

Một tiêu một kiếm khắp giang hồ

Thiên cổ tình sầu rượu một bầu

Chân cao chân thấp đi cùng khắp

Trời rộng là nhà, đất là chăn…

– Ðấy “bài thơ khí khái biết chững nào, hai chữ tình sầu, kia với chúng tôi nên đổi là tình thù đúng không?”

Tiêu Kiếm chỉ đứng yên, nhưng thái độ có vẻ đã chịu khuất phục, Nhĩ Khang vỗ nhẹ lên vai anh ta nói:

– Thôi chúng ta hãy quay về phòng đi, chúng ta tự nhiên bỏ đi thế này có thể khiến mọi nghi ngờ đấy!

Thế là hai người quay lại, sự vắng mặt của họ hình như chẳng bị mọi người lưu ý lắm.

Khi quay lại, cả hai thấy vua Càn Long đang ôm lấy Yến Tử và Tử Vy thân tình như cha và con.

– Các con đã quyết định theo ta trở về Bắc Kinh thật không?

Tử Vy và Yến Tử đồng thanh đáp:

– Vâng, chúng con đã quyết định.

Vua Càn Long gật đầu, quay qua Vĩnh Kỳ.

– Thế còn Vĩnh Kỳ.

Vĩnh Kỳ vội nói:

– Bẩm lão gia, Yến Tử đã quyết định về Bắc Kinh thì con một mình đến Đại Lý làm gì?

Vua Càn Long lại gật đầu, quay qua tìm kiếm Nhĩ Khang.

– Thế còn Nhĩ Khang?

Lúc đó Nhĩ Khang vừa bước vào, vội đáp:

– Dạ bẩm lão gia, mọi người đã quyết định như vậy, con cũng theo lão gia về nhà thôi.

Bấy giờ vua Càn Long nói:

– Vậy thì ta tuyên bố cho các con biết “cuộc chiến trong gia đình” đến đây là chấm dứt. Tất cả những gì không vui, đau buồn cũ đều phải xóa hết từ đây, không nên nhắc đến nữa. Càc con phải biết là răng và môi gần gũi như vậy, cần nhau như vậy. Chẳng lẽ mỗi lần giận là nhổ hết răng thì lấy gì mà ăn, phải không?

Tử Vy, Yến Tử gật đầu, rưng rưng nước mắt. Mọi người thấy sự việc đã giải quyết tốt đẹp, đều thở phào nhẹ nhõm. Bấy giờ Tiêu Kiếm có vẻ như cũng hiểu ra, liếc nhanh về phía Nhĩ Khang một cái, rồi bước tới trước mặt vua nói:

– Bẩm lão gia, tôi vừa nhận được em gái, rất muốn đưa nó về Đại Lý một phen. Nhưng trong tình hình này, tôi biết là không thể làm chuyện đó được, thôi thì đành thuận theo số mạng vậy. Với Yến Tử tôi thấy “người cha” hình như quan trọng hơn “ông anh” nếu Yến Tử được “lão gia” yêu quý như vậy còn tưởng thưởng cho lệnh bài “miễn chết” thì tôi thấy đã hết sức yên tâm rồi, tình cảm của Yến Tử dành cho lão gia là sâu đậm. suốt thời gian qua tôi cứ thắc mắc, tại sao bị truy sát như vậy mà cả bọn lại vẫn rất kính lão gia. Bây giờ thì tôi đã biết rõ cái “kính” đó. Vì vậy thôi tôi đành buông tay.

Vua Càn Long nghe Tiêu Kiếm nói không rõ lắm, chỉ có Tử Vy và Nhĩ Khang là rõ ngụ ý câu nói trên, họ nhìn Tiêu Kiếm với ánh mắt cảm ơn.

Tinh thần vua lúc này có vẻ rất phấn chấn, ông nói:

– Tôi hiểu, tôi hiểu! Các người đều muốn đến Đại Lý đó là ước nguyện thì ta nào có ý cản ngăn. Ðừng lo hãy quay về Bắc Kinh lo chuyện chung thân đại sự xong rồi đến đó cũng không muộn mà.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ nghe vậy hết sức mừng rỡ. Hai người vội vã nghiêm chỉnh vòng tay lại bái, rồi đồng nói:

– Xin cảm ơn lão gia!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.