Hậu Hoàn Châu Cát Cát

Chương 8 - Chương 8

trước
tiếp

Ðêm đã khuya. Trong ngục tối Từ Ninh Cung, Tiểu Yến Tử quỳ đấy mà người cứ nghiêng ngả. Tử Vy thì nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.

Quỳ một lúc, Tiểu Yến Tử có vẻ thấm mệt, rên rỉ nói:

– Tôi đói quá rồi, ruột gan đang kêu gào đây… Tôi cũng mệt quá, mắt mở không lên. Vai đau, gối đau, lưng cũng đau, chắc không quỳ nổi nữa đâu.

Tử Vy cảnh giác kéo Tiểu Yến Tử dậy.

– Ðừng có lộn xộn, quỳ đi! Ðừng quên là bức tường nầy có con mắt đó nhé.

Tiểu Yến Tử nghe vậy giật mình, đưa mắt dáo dác nhìn quanh. Tử Vy thì cố lắng nghe, chẳng thấy tiếng động lạ gì cả, nghĩ là các bà ma kia cũng mệt quá nên đã đi ngủ, nên thừa cơ hội nói nhỏ với Tiểu Yến Tử.

– Tiểu Yến Tử nghe nầy, đợi đến sáng mai thế nào lão phật gia cũng sẽ bắt bọn mình lên thẩm vấn cho xem. Vì vậy nếu mai mà lão phật gia có hỏi miếng giấy mà ngươi nuốt đó viết những gì thì ngươi sẽ trả lời sao?

– Tôi nói tôi đã quên hết trơn rồi!

– Làm sao có thể nói là quên được? Ban nãy Nhĩ Khang cũng đã gợi ý là Vĩnh Ký viết cho tỉ một bài thơ tình. Vậy thì để bây giờ tôi đọc một bài thơ rồi cố mà ghi nhớ nhé?

Tiểu Yến Tử lại giật mình:

– Còn đọc thơ nữa? Tôi chúa ghét chuyện đọc thơ đó!

– Nhưng mà có cách nào khác đâu? Ðọc một bài dễ dễ hẳn cũng được mà.

Tử Vy nới rồi suy nghĩ đọc:

– “Em yêu, anh yêu,

Tình đôi ta như lửa đang nồng.

Lấy một cục đất,

Nặn anh, nặn em,

Dập tan tất cả.

Hòa lẫn vào nhau…”

Tử Vy chưa đọc xong thì Tiểu Yến Tử đã cắt ngang.

– Không được, không được, dài quá… lộn xộn quá. Ðất nè, lửa nè, rồi đập tan, không phải đã xong ư? Vậy mà cũng gọi là thơ tình. Bài thơ gì kỳ cục, tôi không đọc đâu.

Tử Vy nghĩ nếu Tiểu Yến Tử không chịu đọc thơ, ngày mai sẽ ra sao? Nên lại cố nặn ra một bài khác, nói::

– Thôi thì thế này nhé:

Chẳng viết thơ tình chẳng viết thơ,

Một vuông lụa nhỏ gởi người mơ,

Xin ai xem kỹ bao nhiêu sợi

Mỗi sợi là bao nỗi nhớ dài…”

Tiểu Yến Tử lắc đâu:

– Vậy cũng không được, người sao lập dị thế. Ðã bảo là chẳng viết thơ rồi lại viết một hơi như vậy, rồi còn cái gì sợi ngắn sợi dài nữa…

– Sợi đây là biểu lộ nỗi nhớ. Người đàn bà chỉ cần trao cho người đàn ông một cái khăn, không cần biết là gì, người đàn ông chỉ cần xem là biết ngay ý gì.

– Anh ấy biết, nhưng tôi thì không biết. Thôi mặc kệ, có thế nào thì chết là chết. Tôi không đọc gì cả! Mặc họ muốn làm gì thì làm. Ngay lúc đó, phía trên đầu cửa lại mở ra, có tiếng Quế ma ma:

– Quỳ xuống! Cấm không được nói chưyện!

Hai người vội vã quỳ yên, Tiểu Yến Tử nghiến răng, bực dọc.

o0o

Tối hôm ấy Nhĩ Khang không quay về Học Sĩ phủ mà ở miết trong cung canh chừng, trống vừa điểm canh tư là chàng đã có mặt ở trước Từ Ninh cung. Nhưng phải đợi đến lúc mặt trời lên cao mới thấy đám cung nữ của Tịnh Nhi ra lấy nước.

Nhĩ Khang đón đường Thúy Nga, trao đổi với cô nàng mấy câu. Chỉ thấy Thúy Nga gật đầu, rồi vội trở vào trong, một lát sau, cửa hông Từ Ninh cung hé mở, Tịnh Nhi bước ra. Nhĩ Khang vội vã bước tới, kéo Tịnh Nhi ra sau hòn giả sơn.

– Ðược rồi, được rồi! Ðừng có níu níu kéo kéo. Tôi đã nghe Thúy Nga nói nên mới ra đây, có chuyện gì thì anh cứ nói nhanh đi.

Nhĩ Khang quỳ xuống nói ngay.

– Có chuyện muốn nhờ cô giúp.

Tịnh Nhi né qua một bên nói:

– Chuyện gì mà quan trọng vậy, anh làm thế coi không được đâu.

Nhĩ Khang khẩn thiết:

– Tịnh Nhi, chẳng biết là cô có biết không, tối qua lão phật gia đã nhốt Tiểu Yến Tử và Tử Vy vào phòng tối của Từ Ninh cung rồi.

Tịnh Nhi có vẻ ngạc nhiên.

– Thì ra chỉ vì hai cô cát cát đó, mà suốt đêm qua anh đã ở lại trong cung, không ngủ?

– Vâng – Nhĩ Khang thành thật nói – Hai cô đó bị nhốt vào Từ Ninh Cung là tôi và Ngũ a ca đều thất thần luôn. Bở vì cô biết đó Tiểu Yến Tử và Tử Vy, chẳng hề có một kinh nghiệm sống gì cả, nên cách ứng xử thật là dại dột, nhất là đối với lão phật gia. Từ nào đến giờ họ đâu biết được tính khí của bà ấy, nên Tiểu Yến Tử nghĩ gì nói nấy, mà chẳng đắn đo. Cái gì nên cái gì không nên nói, tuy bạo mồm bạo miệng như vậy, nhưng cả hai đều hiền lành, lòng dạ ngay thẳng. Tối hôm qua, lão phật gia đến Thấu Phương Trai, trong lúc tôi và Ngũ a ca cũng có mặt ở đấy, thấy vậy người đã giận dữ rồi. Nhưng mọi việc chẳng qua tại hoàng hậu tác động thôi. Nói đúng ra, chuyện hôm qua, chẳng phải lỗi ở hai cô ấy mà là tôi và Ngũ a ca cơ. Nếu tôi và Ngũ a ca chẳng nên đến Thấu Phương Trai thì nào có chuyện?

– Thôi được rồi, anh dài dòng quá, có phải là anh muốn nhờ tôi giúp cứu hai cô cát cát đó phải không?

Nhĩ Khang nghe vậy, sụp xuống lạy. Tịnh Nhi trợn mắt nói lớn:

– Chuyện nầy có liên quan gì đến tôi, mà tôi phải can thiệp chứ?

– Tôi biết cô là người hảo tâm, nhiệt tình lại hiền lành, là một người có chính khí. Cô cũng như tôi thấy chuyện bất bình đều không tha, nhất là trong cung đình. Hoàng hậu là người thích tác oai tác quái, ăn hiếp kẻ yếu. Thấy ai được hoàng thượng yêu cũng đều coi như kẻ thù cả, trong khi cô là người chánh trực, hẳn không nỡ nào nhìn hai cô cát cát vô tội kia chịu oan ức, bị hiếp đáp đúng không?

Tịnh Nhi cười nhạt, nói:

– Hôm nay làm gì anh ca tôi nhiều quá vậy, từ trước đến giờ tôi chưa hề nghe.

Nhĩ Khang bối rối.

– Tịnh Nhi, thế cô có giúp tôi không?

Tịnh Nhi nghiêm mặt.

– Anh Nhĩ Khang, tôi hỏi thật, anh yêu cô Tử Vy lắm phải không?

Nhĩ Khang gật đầu:

– Vâng.

Tịnh Nhi nhìn thẳng Nhĩ Khang nói:

– Yêu đến mức độ nào?

Nhĩ Khang suy nghĩ, rồi thành thật đáp:

– Cô ấy khiến tôi nghĩ ra là cuộc đời nầy rất đẹp, thật đáng sống. Trước kia tôi không hề có được cảm giác đó nên có thể nói cuộc đời nầy chỉ đẹp khi có Vy. Nếu thiếu Vy là thiếu tất cả, tôi sẽ khôing còn gì hết.

Tịnh Nhi nghe vậy giật mình, nghĩ ngợi một lúc nói:

– Thôi tôi đã hiểu, vậy thì tôi nhận lời giúp anh. Anh hãy đi mời hoàng thượng đến đây. Có hoàng thượng, lão phật gia cứng rắn thế nào, cũng không cứng được, tôi sẽ đứng cạnh hổ trợ. Như vậy có lẽ sự việc rồi sẽ được giải quyết. Anh yên tâm đi, Tử Vy và Tiểu Yến Tử chẳng qua chỉ mới quỳ có một đêm, chưa bị ai đánh đập gì cả. Qua đến ngày hôm sau, cơn giận của lão phật gia đã nguội bớt, chắc là họ sẽ được thả thôi. Xong rồi nhé? Tôi đi đây!

Nhĩ Khang còn lúng túng chưa biết nói sao thì Tịnh Nhi đã quay đi.

Ngay lúc đó Kim Tỏa ở đâu chạy đến. Trước nhất Kim Tỏa trông thấy Tịnh Nhi, hình như cô ta đang khó chịu, sau đó lại thấy Nhĩ Khang đi ra sau. Kim Tỏa ngạc nhiên.

– Kim Tỏa! Cô đi đâu vậy?

Kim Tỏa liếc về phía bóng Tịnh Nhi hỏi:

– Phải đó là Tịnh Nhi cát cát không?

Nhĩ Khang như không nghe, lập lại:

– Mà cô đến đây làm gì?

Kim Tỏa đáp:

– Nhĩ Khang thiếu gia, tôi đến chỉ vì quá nôn nóng, không biết tiểu thơ tôi thế nào, nên ra đây trông tin tức…

– Yên tâm đi! Tối qua họ không bị đánh gì cả. Ngươi hãy về Thấu Phương Trai, chuẩn bị thức ăn thức uống, có lẽ họ sắp ra bây giờ. Ta đi tìm hoàng thượng đây!

Nhĩ Khang nói xong chẳng chậm trễ đi tìm vua Càn Long ngay. Quả nhiên vua Càn Long vừa được tin của Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang là vội vã cùng hai người đến ngay Từ Ninh cung.

o0o

Vừa trông thấy thái hậu, mọi người vội hành lễ thỉnh an. Thái hậu thấy mới sáng sớm mà vua, Vĩnh Kỳ, và Nhĩ Khang đến là biết chuyện gì hỏi ngay:

– Có phải là hoàng đế vì chuyện của hai cô cát cát dân dã mà đến đây phải không?

Vua Càn Long cười nói:

– Bẩm Hoàng ngạc nương, mãi đến sáng nay trẫm mới nhận được tin hai con a đầu đó lại gây chuyện nữa rồi. Thật đáng xấu hổ, hai con a đầu ầy dạy mãi mà chẳng nên người, khiến lão phật gia phải bực bội. Trẫm cũng không biết là bọn họ đã phạm tội gì, có nặng lắm không? Nếu không nặng thì xin lão phật gia tha cho họ đi!

Thái hậu hất hàm nói:

– Nặng hay không thì để cho hoàng đế phán xét đấy!

Rồi quay qua, ra lệnh:

– Quế ma ma đâu, hãy mang hai cô cát cát kia ra đây.

– Dạ!

Rồi Quế ma ma vội vã bỏ đi. Thái hậu quay lại nhìn vua Càn Long rồi Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ có vẻ không hài lòng, hỏi:

– Hoàng đế này, ngươi nghĩ lại xem có dành cho Thấu Phương Trai quá nhiều đặc ân không? Sao mà nửa đêm nửa hôm, tiếng cười nói ở đấy vẫn rộn rã. Trai gái lại không ly thân, thế là thế nào? Có phải chuyện đó cũng được hoàng đế cho phép?

Vua Càn Long thở ra.

– Chưyện giữa Vĩnh Kỳ và Tiểu Yến Tử, Nhĩ Khang và Tử Vy. Chúng nó đều được chỉ hôn sớm muộn gì rồi cũng thành thân. Chúng ta đều là trưởng bối, câu nệ chi chuyện phép tắc ở đấy chứ?

Thái hậu nghe nói vô cùng giận dữ, rõ ràng là hoàng đế chẳng hề lưu ý đến đề nghị “chỉ hôn lại” của bà.

– Hừ! Chỉ hôn thì chỉ… là chỉ hôn thôi. Ðâu phải chỉ hôn rồi là được thành hôn đâu?

Vua Càn Long nghe nói giật mình. Biết là thái hậu định thay đổi chuyện đó, nên rất bức rức. Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ thì đứng yên chẳng dám hó hé.

Lúc đó Tiểu Yến Tử và Tử Vy được giải ra. Sau một đêm bị nhốt trong phòng tối cả hai đều có vẻ sơ xác, nhất là Tiểu Yến Tử, vì quỳ không quen nên đi vẫn còn loạng choạng.

Hai người bước ra vừa trông thấy Vua Càn Long, vội vã quỳ xuống. Nhưng suốt tối đã quỳ, nên giờ vừa quỳ xuống là mất thăng bằng ngã lăn ngay.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ vội vã bước tới định đỡ lên nhưng không dám. Vua Càn Long ngạc nhiên:

– Hai con a đầu nầy làm sao vậy?

Mấy cô cung nữ đã hiểu ý bước tới. Tử Vy quỳ vững xong, cúi đầu:

– Kính chúc lão phật gia kiết tường! Hoàng a ma kiết tường!

Tiểu Yến Tử làm theo nhưng làu bàu điều gì trong miệng nghe không rõ. Vua Càn Long thấy hành lễ xong ra lệnh:

– Thôi đừng có quỳ nữa, bây đâu hãy lấy ghế cho hai cô cát cát ngồi. Làm gì cả hai đứa có vẻ tiều tụy thế?

Tử Vy và Tiểu Yến Tử được nhắc ghế cho ngồi. Thái hậu phân bua.

– Hai cô cát cát này coi bộ yếu quá hử. Mới bắt quỳ xám hối trước mặt Quan Âm Bồ tát có một đêm, là coi như đã phờ phạc.

Tiểu Yến Tử không nhịn được kêu lên:

– Hoàng a ma biết không! Bọn nầy bị đối xử tàn nhẫn lắm! Con đã nói rồi mà, hãy để cho con sử dụng cái miếng đệm “quỳ dễ dàng” đi, vậy mà lại cấm không cho. Bây giờ hai đầu gối con sưng cả đây nầy. Ðứng cũng không muốn vững, cái chân như cong lại! Mà trong phòng tối kia rõ là khiếp đảm, gió lạnh thổi ù ù suốt đêm làm dựng cả tóc lên. Cái dư vị đó, ngoại trừ trường hợp Hoàng a ma đích thân đến thử một đêm mới cảm nhận được nỗi khổ của bọn con.

Vua Càn Long thấy Tiểu Yến Tử nói chuyện không đầu không đuôi, sợ thái hậu lại giận, nên cắt ngang:

– Ngươi còn dám nói lời tắc trách đó ư? Nếu không gây chuyện làm sao lão phật gia giận ngươi được! Không bị đánh đòn đã là nhân từ lắm rồi, còn chờ gì mà chẳng đến xin lỗi lão phật gia đi!

Thái hậu đưa mắt nhìn quanh, rồi nói:

– Chuyện xin lỗi thì cũng không cần thiết lắm. Nhưng mà Tiểu Yến Tử nầy, tại sao tối hôm qua ngươi nuốt mất lá thư của Nhĩ Thái gởi về chứ? Bây giờ phải nhả ra đi!

Tiểu Yến Tử nghe vậy trợn mắt.

– Nhả ra ư? Không được đâu, tôi mà ói ra là coi không được đâu, hôi lắm. Chẳng lẽ lão phật gia muốn tôi ói trước mặt người?

Vua Càn Long nghe vậy ngạc nhiên.

– Cái gì? Nuốt cái lá thư à?

Thái hậu nói:

– Còn gì phải nói? Tối hôm qua, ta đòi xem lá thư đó, nó vội vàng đem đốt phi tang, phần còn lại bỏ vào mồm mà nuốt!

Vĩnh Kỳ sợ hãi, vội bước tới nói:

– Bẩm Hoàng a ma! Tất cả lỗi tại con cả. Tấm giấy đó chẳng phải là bức thư gì của Nhĩ Thái, mà chỉ là một bài thơ của con trong một phút xúc cảm, cầm lòng không đậu…

Thái hậu nghe vậy, cất cao giọng bảo:

– Vậy thì Tiểu Yến Tử, ngươi hãy đọc nội dung lá thư đó ra cho mọi người nghe nào?

Tiểu Yến Tử nghe vậy giật mình, lại bắt đọc thơ! Nếu sớm biết vậy ban tối đã nghe lời Tử Vy học thuộc. Bây giờ trong bụng trống rỗng, đâu có nhớ gì? Nên nói:

– Thôi, con không đọc đâu!

Thái hậu trừng mắt:

– Ngươi nói gì? Không đọc ư? Chuyện nầy đâu phải ngươi muốn hay không muốn nữa? Nếu không đọc thì trở về phòng tối quỳ thêm ba ngày ba đêm!

Tiểu Yến Tử quá sợ cái phòng tối đó rồi, rụt cổ lại nhưng vẫn cãi:

– Tôi đã đem tờ giấy đó vừa đốt vừa nuốt, là vì không muốn ai nhìn thấy, bây giờ chẳng lẽ lại đọc ra?

Thái hậu “hừ” nhẹ, rồi nói:

– Ta thì nghĩ đó không phải là bài thơ tình, mà hẳn là của Nhĩ Thái định âm mưu điều gì đây.

Tiểu Yến Tử nghe vậy giật mình.

– Không phải, không phải đâu! Ðó chỉ là một bài thơ tình.

Tử Vy cũng nói:

– Bẩm lão phật gia, đúng vậy, đó chỉ là một bài thơ tình!

Vua Càn Long muốn giải quyết sự việc cho xong nên ra lệnh:

– Vậy thì Tiểu Yến Tử này, sự việc đã đến nước nầy thì đừng có mắc cở gì nữa. Thơ viết thế nào cứ đọc ra ta nghe xem!

Tiểu Yến Tử lúng túng nhìn Tử Vy:

– Cái nầy… Cái nầy…

Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang đều thấy căng thẳng, Tịnh Nhi đứng cạnh thái hậu cũng chăm chú nhìn Tiểu Yến Tử biết là không có đường rút lui rồi nên nói đại:

– Ðược rồi, mấy người muốn tôi đọc thì tôi đọc cho nghe.

Rồi tằng hắng một tiếng, cố moi trong đầu ra những gì Tử Vy ban tối đọc:

– Anh à… Tôi à… Như nước như lửa… như miếng đất sét đập vỡ ra… rồi trộn với nước… Ðem đốt tên lửa… Ðã bảo chẳng viết thơ tình chẳng viết thơ… Thế nào có chết cũng chế… Hừ hừ… thế này… thế kia… Thế kia thế nầy…

Tiểu Yến Tử càng đọc càng rối lên. Vua Càn Long nghe đọc mà trợn trắng, thơ gì mà kỳ cục vậy? Từ nào tới giờ ông chưa hề nghe qua. Trong khi Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang nhìn nhau, Tử Vy thì ngồi như pho tượng. Tịnh Nhi bất ngờ, còn thái hậu thì ngơ ngác.

– Ồ… nó đọc cái gì mà ta chẳng biết vậy.

Nhĩ Khang đã lấy lại bình tĩnh, vội bước tới:

– Dạ bẩm lão phật gia! Bẩm hoàng thượng, Hoàn Châu cát cát lúc nào cũng vậy, đọc thơ không bao giờ đọc hết một bài, đang đọc chợt nghĩ gì là chêm câu ấy vô, thành thử bài thơ nó mới vậy. Chứ thật ra thì nó là “anh yêu, em yêu, tình đôi ta đậm… ”

Vua Càn Long chợt hiểu ra.

– Thì ra là bài “anh yêu, em yêu, tình đôi ta đậm… ” Vậy thì “thế nào chết cũng sẽ chết” là sao?

Vua hỏi câu đó thì Nhĩ Khang cũng bí, Tử Vy vội đỡ lời:

– Dạ đó là “xin ai xem kỹ bao nhiêu sợi, mỗi sợi là bao nỗi nhớ dài” ạ.

Mọi người bây giờ mới vỡ lẽ ra. Thái hậu tức quá, vỗ bàn:

– Toàn là đặt chuyện bậy bạ, mà nếu là thơ tình thì như vậy cũng không được, vì “tư tương thụ thụ” Viết mấy câu ướt át lãng mạn “dâm từ diễm khúc” như vậy cũng là phạm quy đình rồi.

Tiểu Yến Tử cũng biết mình đọc bậy bạ nên lo lắng. Không ngờ thấy thái hậu vỗ bàn một cái, quýnh lên lại chẳng hiểu thái hậu nòi gì, nên ngơ ngác hỏi:

– Lão phật gia nói cái gì ma “sụ sụ? ” “đứt khúc” lão phật gia cứ bức bách thế này, thì sớm muộn gì con cũng ho “sụ sụ” rồi “đứt hơi” luôn thôi!

Thái hậu nghe vậy, càng giận dữ:

– Ngươi cố ý trêu chọc ta phải không?

Vĩnh Kỳ không dằn được, bước tới giải thích:

– Dạ bẩm lão phật gia. Tiểu Yến Tử bản chất như vậy chứ không cố tình trêu chọc đâu ạ. Cô ấy không rành thành ngữ nên dễ nghe gà hóa cuốc, mà càng lầm lẫn thì càng nói bậy, cái tật này Hoàng a ma biết rõ cơ mà!

Vua Càn Long thở ra nói với thái hậu:

– Xin Hoàng ngạc nương đừng giận. Tiểu Yến Tứ ít học nên dễ nói lộn xộn lắm. Rõ ràng là nó không cố ý trêu chọc lão phật gia đâu, xin thông cảm cho.

Thái hậu vẫn không tin, nhìn Tiểu Yến Tử. Lúc đó Tịnh Nhi thấy cần can thiệp nên bước ra với nụ cười thật tươi, nói:

– Bẩm lão phật gia, để Tịnh Nhi nầy làm một bài thơ cho người nghe giải buồn nhé?

Thái hậu có vẻ ngạc nhiên:

– Ngươi muốn làm thơ à?

– Vâng, một bài thơ vui, thấy mấy người này nói đến thơ con dằn lòng không được!

– Ðược rồi, vậy làm nghe xem!

Tịnh Nhi nhìn Vĩnh Kỳ rồi nhì Tiểu Yến Tử cười đọc:

Hôm qua đưa thơ, lại gây họa lớn,

Em yêu anh yêu, tình thôi ướt át,

Dâm từ diễm khúc, thái hậu bực mình,

Cát cát đâm lo, a ca phát ốm,

Làm gì cũng chết, thôi hãy cứ cười,

Để khỏi đứt hơi…?

Tịnh Nhi đọc xong, thái hậu không dằn được, cười lớn. Vua Càn Long thấy thái hậu cười cũng cười theo ca ngợi:

– Tịnh Nhi, ngươi quả là một tài nữ?

Tịnh Nhi cúi đầu:

– Tạ ơn hoàng thượng đã khen ngợi!

Vua Càn Long bèn quay qua Tử Vy và Tiểu Yến Tử:

– Các ngươi còn chờ gì mà không tạ ơn rồi quay về Thấu Phương Trai đi! Mới sáng sớm mà đã quấy rầy trẫm.

Tử Vy vội kéo Tiểu Yến Tử quỳ xuống.

– Tử Vy xin tạ ơn lão phật gia đã tha tội, Tử Vy xin tạ ơn Hoàng a ma!

Tiểu Yến Tử cũng vội làm theo, nhưng thái hậu khoát khoát tay nói:

– Thôi được rồi, được rồi! Có muốn tạ ơn thì tạ ơn Tịnh Nhi kia kìa!

Tử Vy quay sang Tịnh Nhi, lòng bối rối. Quả thật Tịnh Nhi quá thông minh, nhạy bén. Biết biến sự khôi hài của Tiểu Yến Tử thành một bài thơ hóa giải tuyệt vời. Con người tài giỏi, đẹp mà đoan trang như vậy, trách gì… Tử Vy chợt có một chút mặc cảm, một chút buồn tủi. Nàng chợt nhớ đến lời của Nhĩ Khang. Mấy năm trước, Hoàng a ma đã định chỉ hôn Tịnh Nhi cho chàng… Tử Vy vội cúi đầu, ấp úng nói:

– Tử Vy nầy xin cảm ơn Tịnh Nhi cát cát!

Tịnh Nhi chỉ cười nhìn Tử Vy rồi nhìn Nhĩ Khang. Lúc đi ra, Nhĩ Khang đi phía sau mọi người, còn khoát tay chào Tịnh Nhi.

Trở về Thấu Phương Trai, Tiểu Yến Tử và Tử Vy đều đã kiệt sức, Kim Tỏa, Minh Nguyệt, Thể Hà vội vã mang trà nước ra phục vụ.

Tiểu Yến Tử ngã người lên ghế dựa thở, còn Tử Vy thì cũng tìm một cái ghế dựa khác nằm, mắt thiêm thiếp mà đầu cứ nghĩ lung tung.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ đứng bên cạnh người yêu lòng đầy lo lắng.

– Hai người cần nghỉ ngơi một chút rồi muốn làm gì thì làm!

Rồi quay qua Kim Tỏa dặn:

– Kim Tỏa! Cô hãy đi nấu một miếng trà gừng đi, nghe nói trong phòng tối, gió lạnh dữ lắm.

– Vâng!

Vĩnh Kỳ thì lắc đầu nói:

– Hú hồn! Thật tình tôi muốn toát mồ hôi lạnh! Tiểu Yến Tử này, cô quả là hết mức. Ðọc thơ gì mà đầu một đàng, đuôi một nẻo, chẳng ai nghe hiểu được gì cả. May mà có Tịnh Nhi lanh lợi, bằng không chẳng biết rồi kết quả sẽ thế nào!

Tiểu Yến Tử trề môi, nhún vai:

– Lần sau các người có định mưu mẹo gì thì nhớ đừng có để tôi đọc thơ. Rõ ràng là biết tôi không có duyên với thơ thẩn. Tôi và nó là hai kẻ xa lạ, vậy mà cứ đem thơ ra bắt tôi đọc, làm tôi mới toát mồ hôi lạnh đó chứ?

Kim Tỏa nói:

– Nhưng mà sự việc cũng đã giải quyết xong, vượt qua ải rồi còn gì?

Nhĩ Khang nói:

– Tạm thời coi như đã qua được ải.

Rồi quay qua Tử Vy nói:

– Hôm nay em gắng mà nghỉ ngơi cho lại sức, vì e là ngày ma em còn phải sang Bảo Nguyệt lầu lần nữa đấy. Bức thư kia đã bị Tiểu Yến Tử nuốt mất rồi, thì phải viết bức khác chứ? Em nói đúng đấy, phương thuốc hay nhất cho Mông Đan hiện nay là tin tức của Hương phi, vì vậy nhờ hai người một lần nữa vậy.

Tử Vy nhìn Nhĩ Khang gật đầu, nhưng chỉ yên lặng:

Nhĩ Khang thấy thái độ của Vy có cái gì lạ nên hỏi:

– Tử Vy! Em làm sao vậy? Không khỏe à! Có cần nhờ đến thái y không?

Tử Vy lắc đầu, nhưng rồi như nhớ ra, xua tay:

– Không sao đâu, nhưng mà hai người phải rời khỏi nơi nầy ngay!

Nhĩ Khang vẫn chưa yên tâm nên nấn ná lại:

– Anh thấy vẻ mặt của em làm sao đấy! Hay là có chuyện gì không vui?

Tử Vy thở dài:

– Em chỉ có cảm giác như phạm tội. Bởi vì Hoàng a ma đã cư xử tốt với chúng ta như vậy. Biết mình bị kẹt ở Từ Ninh Cung là vội vã đến cứu ngay, thế mà chúng ta lại làm việc có vẻ không phải với người. Ðó là chuyện của Hàm Hương, em có cảm giác như mình là kẻ phản bội.

Nhĩ Khang nghe nói giật mình.

– Hai sự việc khác hẳn nhau chứ? Chuyện của Hương phi, em phải bức ra khỏi tình cảm cha con mà nhận định, như vậy mới khách quan. Cái vấn đề là “đúng” hay “sai” nếu chúng ta nhận thấy chuyện giúp Hương phi là “đúng” thì ta cứ làm. Chứ đừng để tình cảm chen vào, mà sự việc đã thành thiên vị. Có đúng như vậy không?

Tử Vy vẫn phân vân, Vĩnh Kỳ nói:

– Nhĩ Khang nói đúng đấy, Tử Vy ạ, bởi vì Hoàng a ma nào có thiếu tinh yêu, ông ấy đã có hàng tá vợ mà?

Tiểu Yến Tử cũng chen vào:

– Ðúng vậy! Ðúng vậy! ông ấy đâu có thiếu gì đâu? Phải nói là thừa vợ nữa là khác, nhiều như là kiến vậy đó. Hoàng a ma đã xài không hết còn bày đặt kiếm thêm, sao không nghĩ lại nỗi lòng của các cung phi trong cung xem thế nào?

Tử Vy gật đầu, không nói gì nữa. Vĩnh Kỳ kéo tay Nhĩ Khang:

– Thôi Nhĩ Khang, bọn mình về đi, suốt một đêm không chợp mắt rồi phải về nghỉ ngơi một chứt, chiều còn phải đi gặp Mông Đan nữa.

Nhĩ Khang nhìn Tử Vy bịn rịn, nhưng lý trí đã bảo với chàng, không được, phải về thôi vì còn nhiều chuyện phải làm.

o0o

Một buổi tối mấy ngày sau.

Tiểu Yến Tử và Tử Vy phấn khởi kéo đến Bảo Nguyệt Cung. đến nơi chẳng thấy vua, cả hai thích chí khép cửa lại. Tử Vy lấy trong mép áo ra một phong thư dúi vào tay Hàm Hương.

– Ðố biết cái này là cái gì nào?

Hàm Hương nhận được thơ, mừng rỡ mở ra đọc ngay. Càng đọc đôi má càng ửng đỏ, đọc xong Hương phi áp thơ lên ngực.

– Thư của anh ấy gởi tôi! Thư của anh ấy!

Những giọt nước mắt vừa mừng vừa lo lăn dài trên má. Tử Vy dặn:

– Ðọc xong phải đốt ngay đi, để nguy hiểm lắm. Lần trước, bức thơ của chị suýt đã làm bọn nầy rơi mạng rồi!

Nhưng Hàm Hương đâu muốn hủy bó nó đi, đọc qua rồi đọc lại, cứ đọc mãi.

Tiểu Yến Tử hỏi:

– Anh ấy viết gì thế?

Hàm Hương vì quá vui, muốn chia xẻ nỗi vui của mình với mọi người, nên nói:

– Ðể tôi dịch sang tiếng Hán cho các người nghe nhé! “Hàm Hương. Lòng thành của chúng ta có lẽ đã làm cho Thánh A la cảm động., Nên bây giờ chúng ta có rất nhiều bạn, đó là Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Liễu Thanh, Liễu Hồng, rồi còn hai vị cát cát ở trong cung nữa, họ là những sứ giả của Thánh A la. Người đã mang tin em về cho anh, Biết được tin tức em, anh đã mừng như bay bổng lên trời. Anh là gió, anh đang có mặt bên cạnh em, em có cảm thấy như vậy không? Hãy nghĩ là lúc nào anh cũng ở bên cạnh em, bây giờ anh không mong gì hơn là em được bình an. Còn mọi chuyện khác không quan trọng nữa, hãy quý trọng mạng sống của mình, để chờ ngày trùng phùng em nhé!”

Tiểu Yến Tử nghe đọc xong, cảm động nói:

– Ờ bức thơ viết hay quá. Anh ấy là gió, bay bên cạnh cô.

Rồi đi vòng quanh Hàm Hương, Tiểu Yến Tử hỏi:

– Thế nào, cô có cảm thấy không? Có thật là anh ấy đang ở cạnh.

Hàm Hương gật đầu:

– Có! Tôi cảm nhận điều đó anh ấy đang ở quanh đây với chúng ta. Việc gì tôi làm anh ấy đều thấy cả. Tôi vui, tôi buồn… anh ấy đều biết!

Rồi không biết nghĩ sao. Hàm Hương vừa cầm thơ trong tay vừa nhảy múa, mặt mày hớn hở. Duy Na và Kiết Na thấy vậy không dằn được cũng mang nhạc khí đạo Hồi ra, vừa vỗ trống vừa múa theo.

Tử Vy thấy xúc động, nói với Tiếu Yến Tử:

– Tiểu Yến Tử này, thấy họ nhảy tôi cũng muốn nhảy, rất tiếc là mình không biết điệu nhảy của họ. Người Hồi họ hay quá hử, khi nào vui là họ múa!

Tiểu Yến Tử mình lắc lư theo tiếng trống. Lúc đó Hàm Hương vừa múa vừa tiến đến hai người, đưa tay cho Tử Vy nói:

– Nào hãy nhảy với chúng tôi đi. Dân tộc Duy Ngô Nhĩ của chúng tôi khi nào vui là múa hát không cần phải biết điệu múa, cứ đi theo nhịp là được!

Tiểu Yến Tử nghe vậy khoái quá:

– Vậy thì để tôi thử xem! Thử múa xem sao!

Tiểu Yến Tử vào cuộc kéo Tử Vy vào theo, ba cô gái tuổi đang lứa nhau như quên cả thế giới chung quanh, buông hồn theo tiếng nhạc. Duy Na và Kiết Na thích thú đệm đàn trống càng nhanh.

Chỉ một lúc sau là Tử Vy bắt được điệu của Hàm Hương. Trong khi Tiểu Yến Tử thì lại thích chế bộ, nên càng nhảy càng rối. Lúc đầu còn mang hài, sau lại nhảy chân trần, mọi người càng nhảy càng vui.

Cũng bấy giờ vua Càn Long bất chợt đến Bảo Nguyệt lầu. Vua chỉ mang theo vài thái giám, lúc gần đến chợt nghe tiếng đàn trống inh ỏi từ trong vọng ra rất ngạc nhiên. Bọn thái giám định thông báo, nhưng vua lại khoát tay ra lệnh ngưng, rồi lặng lẽ bước vào.

Lúc đó trong nhà ba cô gái càng múa càng say, tiếng trống lúc đầu buông lơi, sau càng lúc càng dồn dập. Hàm Hương cầm lá thơ trên tay, lúc đưa cao lúc áp trước ngực chẳng chút đề phòng.

Ðột nhiên cánh cửa bật mở. Duy Na và Kiết Na phát hiện vua trước tiên, hoảng hốt ngưng nhịp trống ngay. Tiểu Yến Tử thấy lạ, quay lại thấy vua Càn Long đi vào, giật mình kêu lớn:

– Hoàng a ma!

Tử Vy và Hàm Hương nghe tiếng kêu cũng giật mình. Lá thơ trên tay của Hàm Hương rơi ngay xuống đất. Hàm Hương, Tử Vy, Tiểu Yến Tử sợ tái mặt:

May là vua đang ngạc nhiên vì sao mà Hàm Hương nhảy múa, không chú ý đến lá thơ, chỉ nhìn ba người cười.

– Các ngươi làm gì mà vui vậy?

Tiểu Yến Tử lúng túng.

– Dạ… dạ nhảy múa… nhảy múa ạ!

Vua hỏi:

– Tại sao lại nhảy múa.

– Tại vì… tại vì…

Tử Vy cũng không biết trả lời sao. Lúc đó vua nhìn Hàm Hương, thấy cô nàng mặt đỏ hồng, mắt long lanh nên nói:

– Nếu các ngươi thích nhảy thì cứ nhảy, đừng ngại ngùng gì cả, trẫm sẽ không phá mất cuộc vui các ngươi đâu.

Tiểu Yến Tử ứng ngay.

– Vâng.

Rồi vừa múa vừa nhích người đến gần lá thư. Lá thư lại nằm khá gần chỗ vua đứng, nên Tiểu Yến Tử vừa múa vừa lắc, lắc dần đến phía vua, làm vua phải lui lại mấy bước, sau đó Tiểu Yến Tử thừa cơ ngồi phịch lên lá thư.

Vua Càn Long ngạc nhiên nhìn Tiểu Yến Tử.

– Ðiệu múa của ngươi sao kỳ cục vậy? Chẳng giống ai cả.

Tiểu Yến Tử ngồi yên, thơ ra.

– Con mới học nhảy kiểu Hồi, chưa quen nên khó nhảy quá, làm chân con tê nhức, đứng không vững nữa.

Vua Càn Long đưa tay:

– Thôi đứng dậy đi!

Tiểu Yến Tử vội lắc đầu:

– Không được, không được!

Tử Vy và Hàm Hương đưa mắt nhìn nhau. Rồi Tử Vy bước tới nắm lấy tay vua, cố ý lái vua xa bức thơ một chút nói:

– Bẩm Hoàng a ma, tại con biết Hương phi nương nương xa quê nhớ nhà, nên hôm nay rảnh rỗi bèn đến ngay đây kiếm cớ chuyện vãn pha trò để nương nương quên đi nỗi nhớ. Ðang nói chuyện, nương nương chợt cao hứng lên mới dạy bọn con múa điệu dân tộc Duy Ngô Nhĩ đấy.

Vua nghe vậy có vẻ vui.

– Vậy ư? Mà các ngươi đã nói chuyện gì để Hương phi nương nương thích thú như vậy? Có thể kể lại trẫm nghe không?

Tử Vy cố moi trong đầu ra một chuyện cười, kể:

– Ðó là chuyện “ngày xưa có người phát tướng làm quan, nên rất thích được người tâng bốc. Nhưng một hôm lại gặp một lão thầy bói, lão thấy bói này sau một hồi xem tướng quan lại nói: “tướng của ông rõ là đặc biệt, đầu nhỏ lỗ tai to, mắt có chỉ đỏ, miệng lại rộng, trông giống như là…” Ông quan kia nôn nóng hỏi “giống cái gì” lão bói toán nói “dạ giống như con thỏ ạ”. Vĩ quan kia nghe vậy giận quá, sai lính bắt nhốt thầy bói vào ngục. Lính gác thấy tội nghiệp lão thầy bói nói thẳng, nên cho lão biết là quan chỉ thích nghe lời ca ngọi thôi. Muốn khỏi tội phải bốc thơm quan, thế là lão thầy bói xin quan cho ra xem quẻ lại. Lão quan kia nghĩ, hẳn là ban nãy hắn đã đoán sai, nên đồng ý. Tay thầy bói được dời ra lần nữa, sau một lúc thật lâu ngắm nghía quan, gã lại lắc đầu nói: “Thôi quan hãy nhốt tôi vào ngục lại đi, vì nhìn mãi mà tôi vẫn thấy quan giống như một con thỏ chứ không khác.”

Trong lúc Tử Vy kể chuyện, thì Tiểu Yến Tử đã thò tay xuống đít tìm lá thư. Tìm được rồi đưa mắt nhìn quanh, cố tìm một chỗ cất cho an toàn, nhưng tìm mãi vẫn không thấy, trong khi Tử Vy đã kể xong chuyện.

Vua Càn Long nghe chuyện xong cười lớn:

– Hay lắm! Hay lắm! Ngươi kể nghe rất hay, nhưng liệu nương nương nghe có hiểu không?

Hương phi nghe vua hỏi đến mình, vội đáp:

– Dạ thiếp nghe được, hiểu rất rõ ạ.

Vua Càn Long thấy Hương phi vui vẻ cũng vui vẻ theo, quay qua Tiểu Yến Tử. Lúc đó Tiểu Yến Tử vừa cầm bức thơ lên, thấy vua quay qua sợ quá, vội bỏ thư ngay vào mồm, nhai ngấu nghiến.

Vua ngạc nhiên, không biết Tiểu Yến Tử ăn gì hỏi:

– Tiểu Yến Tử, ngươi lại ăn gì đấy?

Tiểu Yến Tử cố nuốt lá thư vào bụng, nên mặt đỏ gấc nuốt xong nhìn vua nói:

– Bẩm Hoàng thượng, không hiểu sao cái số con lúc nầy nó đen đủi quá. Bắt buộc phải ăn toàn thứ gì kỳ cục không à. Không chừng rồi đây sớm muộn gì con cũng sẽ phải biến thành thỏ thôi, vì con thỏ thì cái gì nói cũng ngốn được cả.

Vua Càn Long tưởng Yến Tử lại nói đùa, bèn cười ha hả. Tử Vy thì thấy chuyện đã giải quyết xong cười theo.

Hàm Hương cũng vậy, gánh nặng đã trút, nên cũng cười. Thế là gian phòng tràn ngập tiếng cười, chỉ có Yến Tử là than khổ.

Ngay lúc đó chợt có mấy thái giám vội vã bước vào rồi quỳ trước mặt vua, đồng hô lớn:

– Xin chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vừa được đại hỷ, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Vua Càn Long kinh ngạc.

– Chuyện đại hỷ gì chứ?

Thái giám bẩm tấu:

– Lệnh phi nương nương vừa hạ sinh được một hoàng nam.

Vua Càn Long mừng rỡ:

– Vừa hạ sinh được một a ca ư?

– Dạ bẩm hoàng thượng, thật đấy. Lão phật gia đã đi ngay đến Diên Hỷ cung rồi!

Vua Càn Long thích chí cười lớn:

– Ha ha! Trẫm lại có thêm một thằng con trai!

Tiểu Yến Tử và Tử Vy nhìn nhau mừng rỡ.

Trước nhất là lá thư đã thủ tiêu được. Thứ hai là Lệnh phi nương nương sinh được một a ca như vậy địa vị đã được củng cố. Thứ ba là lệnh phi nương nương sẽ được cưng chiều và biết đâu nhờ vậy Hàm Hương sẽ được buông tha. Nghĩ vậy, hai người vội vã sụp xuống, cùng tâu.

– Cung hỷ Hoàng a ma!

– Chúc mừng Hoàng a ma!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.