Hoàng Đình

Q.3 - Chương 42 - Một Nén Nhang Thơm Điểm Mùi Hương

trước
tiếp

Dịch giả: Hoangtruc

Đang mùa thu, ánh trời chiều cũng nhuốm sắc thu đìu hiu. Mặt trời chưa xuống núi đã có cái mát lạnh không tên len lỏi theo làn gió, tùy ý len qua kẽ tóc của người đi đường, men theo tà áo bị hất tung đầy nỗi gượng ngùng e ngại của các thiếu nữ, nhuốm thêm vẻ đỏ hồng trên mặt các nàng.

Trong làn gió phiêu đãng là tiếng rao của những gánh hàng rong, ập vào mặt là mùi hương của phấn son. Trong tiếng gió thổi còn có tiếng trai gái trêu đùa, có tiếng cười nói giả thật giả dối, cũng có chân tình chân ý, có cả nỗi niềm nôn nóng hoặc chết lặng mà đến chính chủ nhân của nó còn không rõ ràng. Đây là một con đường tiêu hồn.

Theo bước chân của Trần Cảnh, tiếng đàn không ngừng biến ảo. Đi vào đường phố với những khí tức bất đồng, tiếng đàn cũng trở nên bất đồng. Tiếng đàn của Thạch Nham còn có thể tương hợp với những tạp âm trên con đường đó. Thỉnh thoảng có tiếng người khóc lớn hoặc hô to, hoặc những âm thanh khác nữa từ trên lầu các truyền tới, đàn đá vẫn có thể tương dung tương hợp được. Người khác không nghe thấy, nhưng Trần Cảnh lại có thể cảm nhận chi tiết.

Giọng nói của Thạch Nham cũng theo tiếng đàn truyền đến bên tai Trần Cảnh:

– Nếu ngươi đã tính quá khứ, đoán tương lai, ta đây cũng tới cầu người tính một quẻ.

Tiếng nói từ miệng Thạch Nham, vang lên trong tai Trần Cảnh.

– Một nén nhang thơm, thành tâm thì linh nghiệm.

Nghe Thạch Nham nói lời này, Trần Cảnh không chút suy nghĩ phải trả lời làm sao. Hắn căn bản không để ý Thạch Nham sẽ cầu hắn tính toán điều gì. Lẽ ra với cảnh giới của Thạch Nham, nếu y có chuyện muốn cầu, Trần Cảnh cũng không trả lời được. Thế nhưng hắn lại đồng ý.

– Nhất định phải là một nén nhang thơm sao?

Thạch Nham thốt hỏi, tiếng đàn vang vọng mang đầy nghi vấn. Từng âm tiết như ngân dài mãi.

– Ngươi là tiên tiêu giao giữa thế gian, ta là thần trong lòng chúng sinh. Một nén nhang thơm nguyện, một luồng linh khí duyên, chúng ta không thể bỏ qua được.

Trần Cảnh bước đi giữa cảnh nhân thế hỗn loạn, giọng nói lại như xuyên qua hư vô, vang vọng trong Tụ Tiên lâu. Vốn hai cô gái đứng hai bên cạnh Thạch Nham lúc ban đầu còn chút bực bội với Trần Cảnh, nghe được câu nói này lửa giận cũng tan biến theo. Các nàng nghe ra được cho dù là thần hay tiên thì cũng đều có bi ai và bất đắc dĩ cả. Đồng thời các nàng cũng cảm nhận được cái bi ai và bất đắc dĩ phía sau sự bình thản này.

Tiếng đàn loáng thoáng mờ mịt, văng vẳng trong làn gió.

Đột nhiên Thạch Nham cười nói:

– Một nén nhang thơm thì một nén nhang thơm, có gì đáng ngại chứ.

Cô gái mặc bộ váy áo mỏng màu vàng nhạt trong hai người đứng bên y vội vàng nói khẽ:

– Chủ nhân, quy tắc thế gian này đã dần dần hiển lộ, hắn lại là thần đang tu quy tắc. Nén nhang này, không nên đốt.

Lần này, Thạch Nham lại ngoài ý trả lời nàng, y đáp:

– Nếu như không đốt, chính là khuất phục cái trật tự còn chưa hình thành này. Hắn đã dám tham dự vào quá trình xây dựng trật tự kia, lẽ nào ta lại có tâm sợ hãi sao? Còn không nói việc trật tự kia chưa thành hình, nếu có thành hình rồi thì có làm sao chứ?

Cô gái mặc váy áo vàng muốn nói thêm nữa nhưng lại thôi. Khi nhìn thấy Trần Cảnh tiến hành trắc toán hay giải quyết những khúc mắc cho mọi người, không thu tiền vật thế gian mà chỉ nhận một nén nhang thành tâm thì nàng đã biết, Trần Cảnh là một thần linh. Hơn nữa hắn còn là một thần linh cực kỳ cường đại. Hắn không hiện danh, không cần người khác tụng niệm thần danh của hắn khi khẩn cầu, chỉ cần kẻ đó thành tâm đốt lên một nén nhang là đã biết khẩn cầu trong lòng người đó. Đó phải là thần linh rất rất cường đại, thậm chí nàng còn chưa từng gặp qua thần linh nào cường đại đến vậy. Cho nên nàng mới không muốn chủ nhân mình đốt nén nhang lên. Nếu đốt, sẽ giống như thờ phụng hắn. Chủ nhân nàng là mây trắng trên chín tầng trời, làm sao có thể khuất phục dưới người khác chỉ để khẩn cầu chứ? Nếu là mình, nàng sẽ tuyệt đối không đốt.

Mà Thạch Nham lại không phải là nàng, nên y đốt.

Ngón tay của y vẫn gảy trên những dây đàn. Tiếng đàn len tới trước mặt người trung niên trong cửa hàng nhang đèn gần đó, hóa thành một chàng thanh niên mặc quần áo trắng. Người này nhìn như một đám mây trắng thông thường, mắt sáng như sao.

Y tiến vào trong tiệm, không người chú ý tới. Chỉ khi y mở miệng nói chuyện mới nhận ra, mà người trong tiệm cũng chỉ ấn tượng vào đôi mắt sáng ngời kia.

Cửa hàng này không lớn, chỉ có một người chưởng quầy. Người thanh niên áo trắng muốn mua một nén nhang loại tốt nhất, tay móc ra một miếng ngọc đưa tới trước mặt chưởng quầy. Sau khi nhận lấy, người chưởng quầy này mới nhíu mày nói:

– Thứ này quá nhiều tiền.

Người thanh niên áo trắng cười nói:

– Vậy đổi thứ này lấy một nén nhang đi.

Dứt lời, người này đi ra cửa. Chưởng quầy kia vội vòng ra khỏi quầy hàng, đuổi theo ra ngoài cửa, lại chẳng nhìn thấy ai nữa. Chẳng qua ông ta mơ hồ nghe thấy vài tiếng đàn.

Ông ta nghi hoặc trở vào cửa hàng lại, tay lật lật nhìn miếng ngọc, càng nhìn càng cảm thấy ngọc này cực kỳ trân quý. Ông ta bèn tập tức quyết định, nếu người thanh niên kia quay lại sẽ trả lại cho y, còn nếu không trở lại thì ông ta sẽ để thứ này làm bảo vật gia truyền.

Người trung niên có vẻ hơi mập kia tên là Ngô Đại Dụng, là một thương nhân kinh doanh vài cửa hàng trên phố. Đang đi tới, đột nhiên Trần Cảnh ngừng lại. Ông ta cũng ngừng lại theo, rồi nghiêng người nhìn về phía trước nhưng chẳng thấy có gì cả. Ông ta còn đang nghi hoặc thì chợt bên cạnh mình có thêm một người thanh niên áo trắng. Chỉ thấy trong tay y đang cầm một nén nhang đã được đốt cháy, mùi hương thơm ngát. Y đến bái lạy Trần Cảnh, rồi cắm nhang vào bát nhang.

Ngô Đại Dụng vội nói:

– Ài, vị công tử này, ta đã thỉnh vị đạo trưởng đây trước rồi. Nếu ngươi có chuyện, phải chờ ba ngày sau mới được.

Nói xong, ông ta lại quay người nhìn qua Trần Cảnh. Chỉ thấy hắn cười cười, rồi lại bước đi tiếp.

Ngô Đại Dụng rất vui. Ông ta sợ rằng vị công tử thanh cao quý khí này chặn đường thỉnh Trần Cảnh đi mất. Nhìn thấy Trần Cảnh vẫn bước về phía trước, ông ta bèn quay người nhìn qua thanh niên áo trắng kia, lại chẳng nhìn thấy ai cả, chỉ thấy người đi đường vội vã. Ông ta hướng mắt nhìn ra xa, cũng không thấy bóng dáng vị công tử áo trắng nào cả. Ông ta đầy kinh nghi, lại thấy Trần Cảnh đã đi xa rồi đành vội vàng đuổi theo sau. Ông ta muốn hỏi vừa rồi có chuyện gì, lại cảm thấy có thể là ảo giác của bản thân nên tất cả chỉ đành chôn giấu trong lòng mà thôi.

Tiếng đàn vẫn theo sát Trần Cảnh, Thạch Nham vẫn còn ngồi trên Tụ Tiên lâu như vậy.

Không ai trong thành này biết lúc này đang có hai người vừa nói chuyện vừa luận đạo, cũng có đấu pháp.

Trần Cảnh không thu vàng bạc thế gian làm phí quẻ mà chỉ cần một nén nhang thơm, cùng một tâm thành tín trong lúc đó.

Đó chính là một quy tắc trật tự mà hắn lập ra cho bản thân. Đã qua nhiều năm như vậy, từ thời khắc trở thành thần linh thì hắn đã hành sự theo một quy tắc này rồi, có điều hắn chưa lập nên rõ ràng, vẫn còn tỉnh tỉnh mê mê. Tựa như từ bên này sông đi qua bờ bên kia sông có rất nhiều cách thức, nhưng hôm nay hắn đã kiến lập một cây cầu bắc ngang qua sông. Một cây cầu tín ngưỡng thông hành trong nhân thế.

Chỉ sau khi hắn tỉnh lại, mọi thứ mới trở nên rõ ràng.

Trần Cảnh thiết lập nên một trật tự và quy tắc là dù người nào đến cầu hắn, cũng phải đốt một nén nhang. Nếu Thạch Nham đốt nhang lên, như thế y đã nhập trong quy tắc trật tự của hắn. Thế nhưng Thạch Nham làm như vậy, Trần Cảnh lại không rõ trong lòng Thạch Nham muốn cầu đến điều gì. Thật sự không phải Thạch Nham chưa đủ thành tâm, trái lại Trần Cảnh cũng đã cảm nhận được thành ý trên người y, thế nhưng lại không thể từ đó biết được suy nghĩ của y như trên những người khác được.

Trong cảm ứng của hắn, suy nghĩ trong lòng Thạch Nham tựa như tiếng đàn mờ ảo kia của y, không rõ xuất hiện từ nơi nào, rồi lại chìm vào nơi nào rồi.

Mà Thạch Nham cũng không thoải mái và tùy ý như vậy. Ngay khoảnh khắc vừa đốt nén nhang kia xong, y đột nhiên cảm thấy có một ánh mắt xuất hiện trong lòng mình, nhìn thấy hết thảy bản thân mình. Con mắt kia như thể đã tồn tại từ xa xưa, y có trưởng thành, có lột xác thế nào cũng không trốn thoát được ánh mắt này. Y biết rõ đây chỉ là ảo giác, thế nhưng thời khắc này y cũng không chắc chắn Trần Cảnh có nhìn rõ được những suy nghĩ trong lòng mình hay không nữa.

Ngón tay Thạch Nham lướt nhanh trên phím dây đàn đá, như thể muốn khôi phục nội tâm đang không còn ổn định của mình. Đột nhiên y phát hiện, vừa rồi kinh tâm động phách hơn thi triển pháp thuật đấu phép nhiều lắm.

Rồi y đột ngột nói:

– Không biết vận mệnh tương lai của trời đất này thế nào?

Y không biết Trần Cảnh có nhìn thấy được suy nghĩ trong lòng mình hay không, mà Trần Cảnh cũng không biết câu hỏi này có thật là suy nghĩ trong lòng y hay không.

Tiếng đàn văng vẳng, như có như không.

Trần Cảnh đáp lời:

– Trời đất này từ hỗn độn mà diễn sinh ra, diễn biến thành vạn chúng sinh linh, tới hiện nay vẫn chưa từng ngừng nghỉ biến hóa. Không ai biết rõ được trời đất tương lai.

– Vậy tương lai chúng sinh sẽ thế nào?

Thạch Nham hỏi.

– Chúng sinh vẫn là chúng sinh, bất cứ lúc nào cũng không thay đổi. Hiện tại sống thế nào, tương lai vẫn sống thế đó.

Trần Cảnh lại đáp.

– Vậy tương lai của chúng thần trong trời đất sẽ ra sao?

Thạch Nham lại hỏi.

Trần Cảnh vẫn nhẹ bước trong dòng người trên đường phố, lặng yên một lúc mới đáp:

– Thế gian vốn vô thần, thần ứng với quy tắc trật tự mà sinh. Quy tắc trật tự loạn, chúng thần sẽ tự tiêu tán.

Đây là điều mà mấy ngày nay hắn cảm ngộ ra, tới bây giờ cũng chưa từng nói qua. Lúc này Thạch Nham hỏi, mới không kìm nén được nói ra. Lời này của hắn nhất định sẽ được trời đất khắc ghi, nếu có người nào cảnh giới cao thâm, dùng thần niệm câu thông với trời đất nhất định sẽ nghe được câu nói này của Trần Cảnh. Chỉ là bọn họ nghe xong, không thể biết được người nào nói ra lời này, cũng không biết là tiền nhân hay hậu nhân nói ra, mà cho rằng đó là một dự triệu mình thấy được trong trời đất này.

Loại ngôn ngữ dự triệu này, không phải là người lập ra quy tắc trật tự không thể lưu lại được, không phải phát ra từ tâm mình cũng không thể lưu lại được. Chính bản thân Trần Cảnh không biết điều này, mà Thạch Nham đang nói chuyện với hắn cũng không hay biết.

Mà người trong thành Lâm Giang này cũng không ai hay biết đang có hai người đàm luận về tương lai chúng sinh trong trời đất.

Thạch Nham trầm ngâm suy tư một lúc, như đang suy nghĩ tiêu hóa câu nói kia của Trần Cảnh. Qua một lúc y mới nói thêm:

– Nếu có một người đại thần thông muốn mượn thân thể ta tái sinh lại, nên làm thế nào?

– Một thân há có thể hai người cùng tồn tại. Không đồng ý.

Trần Cảnh nói.

– Nếu như cưỡng đoạt lấy?

– Tru hắn.

– Nếu là kiếp trước đó của ta ngươi, thì nên làm gì?

Thạch Nham hỏi rất nhanh, rất vội, mà Trần Cảnh trả lời cũng nhanh và vội không kém.

– Ta không có kiếp sau, cũng không có kiếp trước. Chỉ có một nén nhang thơm đốt trên bát nhang ngày hôm nay.

Đột nhiên Thạch Nham cảm giác giọng nói của Trần Cảnh như biến thành một luồng ánh kiếm chói mắt, tầng tầng cuồn cuộn, dựng thẳng lên trời cao.

Tiếng đàn dưới tay Thạch Nham cũng trở nên cao vút. Đột nhiên y lớn tiếng hỏi:

– Ta muốn lên chín tầng trời giết một người xưng đế trong một tòa điện, ngươi nguyện cùng đi với ta?

Lời nay vừa ra, khí tức sát phạt cũng tầng tầng lớp lớp dựng lên, xoay quanh trên khoảng không thành Lâm Giang.

Chẳng qua, Trần Cảnh còn chưa trả lời thì đã có một giọng nói khác từ trong thành Lâm Giang truyền ra.

– Ta nói cảm thấy thế nào cũng không đúng, hóa ra là có cao nhân đi tới thành Lâm Giang này. Nếu đã tới rồi, vì sao lại dấu đầu lòi đuôi chứ?

Lời nói từ trung tâm thành truyền tới. Lời vừa dứt, một người vạm vỡ từ xa đi bộ tới, mới vài bước đã tới ngay bên dưới tòa Tụ Tiên lâu.

Không ai trong thành Lâm Giang cảm nhận được chuyện gì, vẫn cứ bận rộn đi qua lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.