Phạm Trung Vân hấp tấp buột miệng nói:
– Tương Dương là một địa phương nhỏ bé…
Quái khách nói ngay:
– Thế thì chắc họ không đổi được số tiền lớn này? Phạm Trung Vân vội đổi giọng đáp:
– Không phải, không phải. Để Phạm mỗ ráng tìm cách là xong. Quái khách vẫy tay giục:
– Lẹ lên! Lẹ lên!
Phạm Trung Vân ra bên ngoài, đầy mình mồ hôi. Lão tự mắng thầm mình quá hồ
đồ. Đây là một cơ hội rất may cho lão né tránh. Giả tỷ quái khách tức giận đòi lão lấy rương vàng ra, thật khó cho lão hạ đài. Có vàng rồi sợ gì không có bạc?
Lão liền vào nội viện lấy tiền của mình kiểm lại mới được chừng hai vạn lạng. Lão liền chạy đến mấy tiệm lớn trong thành vay mượn mỗi nhà một ít. Không đầy nửa ngày lão thu được hơn ba vạn lạng bạc.
Quái khách thấy đủ bạc rồi liền bảo hắn khuân cả lên xe vì lão thay đổi chủ ý cần lên đường tới Lạc Dương ngay.
Dĩ nhiên Phạm Trung Vân mừng thầm muốn làm cho xong việc.
Phạm Trung Vân chỉnh lý đâu đó rồi cùng ba tên tiêu sư tiễn khách ra cửa.
Trước khi quái khách lên xe còn kéo Phạm Trung Vân ra một chỗ khẽ dặn:
– Lần sau cục chủ mà gặp việc này, chớ có mượn tay người khác…
Phạm Trung Vân vội nói:
– Tiền bối bảo…
Quái khách hạ thấp giọng xuống ngắt lời:
– Tiểu lão muốn nói sau khi đi rồi, cục chủ liệu mà dọn dẹp, quét tước gầm giường. Bọn tiểu tử đó không đáng tin cậy. Chúng ta đều là người lớn tuổi, hay hơn hết cái gì của mình tự tay mình làm lấy, bất đắc dĩ mới phải sai họ.
Lão nói rồi cười hì hì, làm bộ quỷ nhát, nhởn nhơ lên xe đi. Phạm Trung Vân đứng thộn mặt, trợn mắt líu lưỡi, tự hỏi: – Sao? Té ra những việc tày đình đêm qua lão đều biết cả rồi ư? Phạm Trung Vân nghĩ tới đây biết là bất diệu, hốt hoảng xoay mình chạy về tiêu
cục.
Ba tên tiêu sư ngơ ngác nhìn nhau không hiểu cục chủ tại sao tống tiễn chúa ôn đi rồi lại càng hoang mang hơn trước?
Phạm Trung Vân chạy thẳng một mạch vào phòng khách nằm, vừa thở vừa nhảy tới sau giường hai tay run bần bật. Lão phải khó nhọc mới mở được cái cửa hầm trên vách.
Lão thò tay vào hầm bí mật thì chẳng thấy những rương vàng đâu nữa?
Mắt tối sầm lại, khí huyết trồi ngược lên, Phạm Trung Vân té xỉu đương trường.
Bên ngoài quái khách lên xe rồi ung dung cho chạy ra cửa bắc. Khi xe ngựa chạy tới khu rừng đột nhiên một văn sĩ trung niên mình mặc áo xanh chạy vọt ra.
Văn sĩ này chẳng ai khác lạ mà chính là Kim Tiêu Nho Hiệp Tôn Trọng Hòa, tổng tiêu đầu tại Kim Ưng tiêu cục.
Quái khách khoát tay một cái, cỗ xe từ từ dừng lại.
Thật quái lạ. Kim Tiêu Nho Hiệp Tôn Trọng Hòa xuất hiện lúc này và ở nơi đây chẳng những không có ý gì gây hấn mà lại kính cẩn tiến đến trước xe ngựa thi lễ nói:
– Trọng Hòa khấu đầu thỉnh an sư thúc.
Té ra hai người này là thúc điệt đồng môn.
Quái khách hắng dặng nói:
– May quá. Xuýt nữa thì toi mạng.
Tôn Trọng Hòa dường như đã hiểu rõ tính nết sư thúc, nghe lão nói mỉm cười mà không đáp.
Quái khách ngửng đầu hất hàm hỏi:
– Hoàng kim đâu rồi?
Kim Tiêu Nho Hiệp nghiêng mình đáp:
– Đã đem đến cả, chỉ còn đợi sư thúc phát lạc xử trí cách nào.
Quái khách hỏi:
– Lãng Đãng công tử có nhìn thấy chúng ta không?
Tôn Trọng Hòa đáp:
– Không.
Quái khách trầm ngâm nói:
– Hãy đem món hoàng kim đó ra đây.
Tôn Trọng Hòa dạ một tiếng xoay mình vào rừng lấy ra một cái bao tải.
Quái khách gật đầu nói:
– Đem bỏ lên xe.
Tiếp theo lão chú ý nhìn Tôn Trọng Hòa hỏi:
– Ngươi còn thích làm việc ở Kim Ưng tiêu cục không?
Tôn Trọng Hòa lắc đầu đáp:
– Tiểu điệt thật không ngờ vị đại cục chủ đó lại là một kẻ tiểu nhân đê tiện đến thế. Tiểu điệt tưởng đi thu mấy tên đồ đệ dạy võ còn hay hơn.
Quái khách gật đầu từ trên xe nhảy xuống dặn:
– Chạy thẳng một mạch tới Tấn Nam rồi hãy quay về.
Tôn Trọng Hòa hơi ngạc nhiên hỏi:
– Sư thúc bảo…
Quái khách trợn mắt ngắt lời:
– Một dải Tấn Nam bị lụt về nước sông Hoàng Hà dâng lên cao quá. Mỗi ngày chết đến ngàn người. Việc lớn như vậy mà ngươi không nghe thấy ư?
Tôn Trọng Hòa thõng tay cung kính đáp:
– Hôm kia tiểu điệt mới nghe người ta nói tới.
Quái khách sa sầm nét mặt hỏi:
– Ngươi đã biết rồi còn hỏi làm chi?
Tôn Trọng Hòa không dám nói gì nữa nhẹ nhàng nhảy lên xe.
Quái khách còn dặn tiếp:
– Sau khi tới nơi, ngươi phải nhớ đừng mượn tay người khác, nhất là chớ giao cho địa phương quan. Nếu cần người giúp đỡ thì tìm đến phân đà Cái bang. Bọn này đều là thiện nhân, họ không chấm mút vào đó.
Tôn Trọng Hòa gật đầu đáp:
– Tiểu điệt hiểu rồi.
Quái khách nhìn lại xa phu hỏi:
– Xa lão đại. Lão đại đã nghe rõ chưa. Bây giờ đến Tấn Nam, cỗ xe của lão đại chạy bao nhiêu đường đất ta trả đủ không thiếu một đồng. Dọc đường đừng có chần chờ, ta còn cho lão đại ăn uống nữa. Việc này không thể chậm trễ được, càng lẹ càng
tốt. Chúng ta thượng lộ thôi.
Người đánh xe là một hán tử trung niên, nghe quái khách bảo vậy liền quay lại nhìn Tôn Trọng Hòa hỏi:
– Đại gia có thể ruổi xe được không?
Tôn Trọng Hòa gật đầu đáp:
– Lão đại cứ yên lòng. Đường xa như vậy một người đánh xe làm sao nổi? Mỗi ngày ta dong xe thay ông bạn một đoạn là được.
Hán tử đứng lên nhường chỗ ngồi, xòe tay ra nói:
– Mời đại gia.
Tôn Trọng Hòa ngạc nhiên hỏi:
– Làm gì vậy?
Quái khách cười hì hì nói:
– Trọng Hòa, ngươi ngồi xuống ra tay cho gã coi một chút.
Hán tử trên xe nhảy xuống nói:
– Không cần. Tổng tiêu đầu ở Kim Ưng tiêu cục khi nào lại không biết ruổi xe? Hai vị đã thuộc đường lại đầy phong độ nghĩa hiệp, tiểu nhân rất kính trọng, xin phụng tặng cỗ xe này không lấy chi hết.
Tôn Trọng Hòa sửng sốt hỏi:
– Như thế sao tiện?
Hán tử mỉm cười đáp:
– Không tiện thì cũng phải tiện.
Dứt lời gã đưa tay lên vuốt mặt, quay lại nhìn quái khách trỏ tay hỏi:
– Chúng ta vào trong rừng kia nói chuyện được chăng?
Tôn Trọng Hòa khẽ la thất thanh:
– Lệnh Hồ công tử.
Đúng rồi. Xa lão đại xoa dược vật trên mặt để lộ bản tướng. Chính là Nhị thiếu bảo chúa ở Kỳ Sĩ Bảo tên gọi Lãng Đãng công tử Lệnh Hồ Bình.
Quái khách lộ vẻ miễn cưỡng, buông tiếng thở dài, nhìn Tôn Trọng Hòa đang ngồi thộn mặt trên xe, bảo hắn:
– Ngươi đi trước đi.
Tôn Trọng Hòa muốn nói lại thôi. Hắn giật cương cho ngựa chạy trên đường quan đạo dần dần mất hút.
Bên này quái khách gật đầu đi trước chuồn vào khu rừng bên đường.
Đến một khu đất trống, quái khách quay lại hỏi:
– Công tử có điều chi dạy bảo?
Lệnh Hồ Bình chăm chú nhìn lão bình tĩnh hỏi lại:
– Giản dị lắm. Tại hạ chỉ muốn biết các hạ là ai?
Quái khách đáp:
– Tiểu lão là Trương Lão Thực.
Lệnh Hồ Bình nói:
– Bản công tử hy vọng các hạ thành thực hơn một chút, không muốn nghe cái tên bịa đặt.
Quái khách ung dung hỏi:
– Tiểu lão là ai thì có quan hệ gì đến công tử?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Tác phong của bản công tử đã quen rồi. Nhân vật nào giao thủ với bản công tử giữ được thế quân bình là bản công tử phải tìm cho biết rõ thân thế cùng lai lịch…
Quái khách hỏi:
– Nhưng người khác không nguyện ý thì sao?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Việc sau hãy để về sau sẽ nói tới.
Quái khách hỏi:
– Bữa nay không được ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Bản công tử tạm thời chưa nghĩ tới.
Quái khách hỏi:
– Đệ đài làm thế há chẳng miễn cưỡng người ta vào chỗ nan giải ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Đối với Lãng Đãng công tử chuyện này rất tầm thường.
Quái khách nhấp nháy cặp mắt hỏi:
– Đệ đài muốn hiểu rõ lai lịch của tiểu lão chỉ vì một điểm đó thôi ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Đúng thế.
Quái khách hỏi:
– Không còn nguyên nhân nào khác chứ?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Nếu quả còn nguyên nhân khác thì chỉ là cái danh hiệu của một người mà các hạ đã vô tình nhắc tới.
Quái khách hỏi:
– Tiểu Cao phải chăng?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Các hạ quả là người mau lẹ.
Quái khách hỏi:
– Hai chữ đó không nhắc tới được hay sao?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Hai chữ này các hạ nhắc tới một ngàn lần cũng được, nhưng còn mấy chữ ở dưới Tiểu Cao, các hạ nói nốt ra, bản công tử mới thỏa mãn.
Quái khách hỏi:
– Mấy chữ dưới là những chữ gì?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Biết được Đinh Mão kỳ sĩ ở Kỳ Sĩ Bảo họ Cao, cùng Thất Tuyệt kiếm pháp của y chẳng có gì đáng kể, nhưng bản công tử nghĩ không ra trong võ lâm hiện nay ai có đủ tư cách kêu y bằng “Thằng cha”.
Quái khách hỏi:
– Bạn hữu y cũng không đủ tư cách ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Bạn hữu y không nên cự tuyệt dùng chân tướng để gặp bản công tử.
Quái khách hỏi:
– Vậy tiểu lão thỉnh giáo công tử một câu: “Người ta có dùng chân tướng để truyền thụ môn kiếm pháp này cho công tử không?”
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Chỉ biến cải một chút thôi.
Quái khách nói:
– Nhiều hay ít thì biến cải vẫn là biến cải.
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Cũng có thể bảo là không biến cải.
Quái khách hỏi:
– Công tử có thể điều chỉnh lại hai câu nói này không?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Cái đó không cần.
Quái khách hỏi:
– Tại sao vậy?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Lãng Đãng công tử bảo không cần là không cần.
Quái khách nhẹ buông tiếng thở dài, đột nhiên hỏi:
– Hiện giờ lão đệ định đi đâu?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Không nhất định.
Quái khách nói:
– Xin lỗi nhé. Tiểu lão đói rồi.
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Bản công tử rất đồng tình, có điều các hạ đói không đúng lúc.
Quái khách ủa một tiếng hỏi:
– Ý lão đệ muốn…
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Bản công tử muốn bảo các hạ hãy cho công tử biết trước. Vị bằng hữu lúc nãy kêu gọi đó là ai?
Quái khách đáp:
– Nhưng tính khí vị bằng hữu đó rất cổ quái. Cương ngạnh là lão không nói.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
– Nếu vậy bản công tử muốn coi Thất Tuyệt kiếm pháp của vị bằng hữu đó có hóa giải được không?
Quái khách đáp:
– Tai nghe không bằng mắt thấy. Quả nhiên danh bất hư truyền.
Lão nói rồi vẫy tay giục:
– Lấy binh khí ra.
Lệnh Hồ Bình không khách khí nữa, vén áo rút Hàng Long bảo kiếm ra, lùi lại mấy bước, ôm kiếm trước ngực, nín thở chờ đợi.
Quái khách cũng lùi lại mấy bước, cài dọc tẩu bằng ngọc vào dây lưng rồi ngửng đầu lên nói:
– Lão đệ ra chiêu đi.
Lệnh Hồ Bình mắt trông ngang, trường kiếm rụt về phía sau. Tay trái giữ kiếm quyết. Đột nhiên chàng nghiêng mình xông lại, phóng hai ngón tay nhằm điểm vào huyệt Mi Tâm đối phương.
Quái khách thân hình thấp thoáng nhảy lùi lại hơn trượng ra chiều kinh ngạc hỏi:
– Sao lão đệ không dùng kiếm?
Lệnh Hồ Bình khóe miệng lộ ra nụ cười, không đáp. Chàng điểm chân xuống vọt mình đuổi theo, vẫn dùng ngón tay giữa bên trái nhằm điểm vào bộ vị đối phương như trước.
Quái khách hết đất lùi phải lạng mình sang một bên né tránh. Lệnh Hồ Bình tấn công hai chiêu chưa dùng đến kiếm. Đáng lý quái khách chụp lấy cơ hội để phản kích mới phải nhưng chẳng hiểu vì duyên cớ gì lão lại tỏ ra hoan nghênh phép đánh này, dường như uy lực hai ngón tay của đối phương điểm tới tương đối khó ứng phó hơn là sử kiếm.
Quái khách liên tiếp né tránh hai chiêu, thấy Lệnh Hồ Bình thủy chung không chịu dùng kiếm. Lão đi từ chỗ kinh ngạc đến chỗ tức giận lớn tiếng quát:
– Nếu tưởng lão phu không có lòng dạ tàn nhẫn là ngươi lầm rồi.
Lệnh Hồ Bình lại để nguyên tư thức tấn công lần thứ ba. Miệng chàng cười đáp:
– Theo nhận xét của bản công tử thì người nào miệng nói dữ là tỏ ra chột dạ. Các hạ có tuyệt chiêu gì cứ việc trổ ra đi.
Quái khách đột nhiên nổi lôi đình quát nói:
– Thằng lỏi con muốn chết rồi.
Lão phất tay áo đẩy ra một luồng kình phong.
Lệnh Hồ Bình cười lớn, tay trái đổi chỉ thành chưởng đón tiếp luồng kình phong. Đơn chưởng của chàng vừa lách xuyên qua làn kình phong như con cá lội dòng sông ngược.
Sau toàn thân chàng xuyên vào giữa đám kình phong, lại dùng hai ngón tay điểm vào huyệt Mi Tâm quái khách lần thứ tư.
Quái khách xoay cổ tay mặt, năm ngón tay như móng chân gà đột nhiên lướt qua trước mặt Lệnh Hồ Bình nắm lấy cánh tay trái chàng.
Lệnh Hồ Bình vẫn thản nhiên không để ý, lại tựa hồ phản phúc dùng một chiêu này, để nguyên cánh tay trái cho đối phương nắm giữ. Chàng còn buông năm ngón tay
cho thanh trường kiếm rớt xuống đất. Bàn tay chàng bằng bặng đập vào huyệt Tiếu Yêu quái khách.
Quái khách lớn tiếng quát hỏi:
– Tiểu tử. Ngươi không muốn giữ cánh tay này nữa ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Không cần.
Tay mặt chàng giữ nguyên tư thế, nhưng tốc độ phóng tới chậm lại tựa hồ chờ đối phương phải buông tay trái ra để đánh đổi.
Quả đúng như lời tiên liệu của chàng, quái khách sợ quá đột nhiên buông năm ngón tay, cong lưng lạng mình tránh khỏi.
Lệnh Hồ Bình tiến lên một bước cúi xuống cười nói:
– A Bình lớn mật, xin Đinh lão tha tội.
Quái khách gục gặc cái đầu thở dài sườn sượt nói:
– Xong rồi. Xong rồi. Đây là bốn người chúng ta làm nên tội nghiệt, còn trách ai được nữa?
Dứt lời lão há miệng nhổ hàm răng giả xuống đất. Tiếp theo lão giơ tay trút bỏ cái mũ giả và tấm mặt nạ. Sau cùng lão nắm tay thành quyền vung lên. Xương cốt trong mình vang lên những tiếng rắc rắc. Tấm thân không đầy bốn thước đột nhiên cao gần gấp đôi.
Chỉ trong chớp mắt, con người xấu xa lùn tịt biến thành một đại trượng phu hiên ngang. Nguyên quái khách này chẳng phải ai khác lạ mà chính là nhân vật đứng đầu trong bốn kỳ sĩ, tức Giáp Tý kỳ sĩ Tư Đồ Đinh.
Giáp Tý kỳ sĩ Tư Đồ Đinh chuyên về thuật xúc cốt. Ngay từ lúc Lam y tổng quản Phùng Giai Vận bị bại trận, Lệnh Hồ Bình đã nẩy dạ hoài nghi, nhưng trong thiên hạ tinh thông nghề này chưa chắc đã phải chỉ có một người, nên lúc đó chàng chưa dám xác định.
Hồi chàng còn ở trong bảo đã được Giáp Tý kỳ sĩ dạy thuật cầm nã nên lúc khai diễn chàng thử đưa tay trái cho đối phương. Nếu đối phương thừa cơ động thủ thì hiển nhiên là người ngoài. Còn trường hợp đối phương đã biết chỗ dụng ý của chàng, quyết chẳng chịu mắc bẫy một cách khinh xuất.
Kết quả chàng đã đoán đúng. Đối phương thủy chung không chịu hạ thủ, đủ chứng minh đối phương là ai rồi.
Giáp Tý kỳ sĩ dứt lời lấy tấm áo mỏng khoác vào, xoay mình toan đi.
Lệnh Hồ Bình trong lòng có chỗ khó nói. Chàng cười gượng lạng người ra cản
đường hỏi:
– Đinh lão không thể lưu lại một lúc ư?
Giáp Tý kỳ sĩ chau mày đáp:
– Ngươi cũng biết ta cùng bọn Tiểu Cao ở trước mặt bảo chúa đã đề cập nhiều lần, và nói rách đầu lưỡi mà lão đệ ở ngoài vẫn giữ thói cũ…
Lệnh Hồ Bình cười gượng lắc đầu ngắt lời:
– Không nói chuyện đó nữa.
Giáp Tý kỳ sĩ ngạc nhiên hỏi:
– Vậy ngươi muốn nói chuyện gì?
Lệnh Hồ Bình ngửa mặt lên trời cười đáp:
– A Bình có một câu nhưng không mong các vị tin tưởng mà chỉ hy vọng các vị nhớ cho chuyện này đã có người nhắc tới.
Giáp Tý kỳ sĩ hỏi:
– Chuyện gì?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Xin trong bảo để ý một người.
Giáp Tý kỳ sĩ hỏi:
– Ai?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Lão họ Thư ở Đồng Quan.
Giáp Tý kỳ sĩ ngạc nhiên hỏi:
– Phải chăng ngươi trỏ vào Phong Vân Kiếm Thư Thiên Khiếu?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Đinh lão bất tất phải kinh ngạc. A Bình cũng biết lão này miệng nói rất tử tế, mà sự thực đùng như lời Đinh lão: Con người tướng mạo từ thiện chưa chắc đã có lòng dạ Bồ Tát.
Giáp Tý kỳ sĩ nhìn chằm chặp vào mặt Lệnh Hồ Bình hỏi:
– Ngươi đã điều tra ra thành tích tệ hại gì của lão?
Lệnh Hồ Bình lắc đầu đáp:
– Chưa.
Giáp Tý kỳ sĩ hỏi:
– Vậy ngươi căn cứ vào đâu mà nói thế?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Cho đến bây giờ A Bình mới biết được sự thực: Lần này Đinh lão có cơ hội lấy được một ngàn sáu trăm lạng hoàng kim, nên cảm tạ trên chốn giang hồ đã nẩy ra một tên Lãng Đãng công tử.
Giáp Tý kỳ sĩ ngạc nhiên hỏi:
– Theo nhận xét của ngươi thì Dương phủ đã vì ngươi mà dựng lên tòa lôi đài này
ư?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Đúng thế. Họ Dương chỉ có tiếng, còn họ Thư bỏ tiền. Nếu Đinh lão chưa tin thì cứ thám thính sẽ biết ngay. Họ Dương ở ngoài thành có phải là người dám bỏ tiền ra làm vụ này không?
Giáp Tý kỳ sĩ trầm ngâm hỏi:
– Dù vụ này lão họ Thư là người chủ chốt, nhưng ngươi có biết hành động của lão ta vì mục đích gì không?
Lệnh Hồ Bình đáp:
– Trước khi chưa điều tra rõ chân tướng. A Bình không muốn đoán càn. Nhưng có điều Đinh lão muốn tìm ra đáp án chẳng khó khăn gì là ba tên tổng quản chủ tọa ở ba tòa lôi đài đều không phải là người của Dương phủ.
Giáp Tý kỳ sĩ chau mày nói:
– Hiện nay Tấn Nam bị thủy tai, ngoại trừ bản bảo, lão là người đáng kể tốn hơi sức nhiều nhất, dù lão có lập lôi đài ở Tương Dương cũng không thể bảo là lão mưu đồ chuyện bất lương được.
Lệnh Hồ Bình thở dài sườn sượt đáp:
– Chẳng phải A Bình không biết, vụ này nói ra bây giờ là quá sớm nhưng… nhưng…
Giáp Tý kỳ sĩ hỏi:
– Nhưng làm sao?
Lệnh Hồ Bình lắc đầu nói:
– Nói nhiều vô ích. Câu chuyện bữa nay chỉ xin Đinh lão coi như A Bình không nói gì.
Dứt lời, Lệnh Hồ Bình cúi xuống lượm thanh Hàng Long kiếm lên nhìn Giáp Tý kỳ sĩ kính cẩn thi lễ rồi xoay mình rảo bước ra khỏi khu rừng.