Du Hữu Lượng thấy cỗ kiệu kia lướt qua bên mình tiến về phía trước chừng năm bước. Chàng động tâm, buột miệng quát :
– Dừng lại.
Hán tử khiêng liếc mắt nhìn chàng một cái rồi lại nhảy lên nhảy xuống nhịp nhàng như trước.
Du Hữu Lượng khoa chân ra thì hai mươi bốn thiếu nữ áo đỏ cầm đèn pha lê vây quanh lại khiến cho thị tuyến của chàng bị che lấp.
Một thiếu phụ nhìn Du Hữu Lượng chúc câu vạn phúc nói :
– Mời tướng công đốt cây pháo ống lệnh đầu tiên cho cuộc đua kiệu bữa nay.
Du Hữu Lượng còn đang ngơ ngác thì người đi với chàng cười nói :
– Lão huynh! Việc đốt pháo ống lệnh trước nay vẫn do một con em nhà đại gia trong bản thành ra tay. Lão huynh được giai nhân lọt vào mắt xanh…
Du Hữu Lượng xua tay ra hiệu cho gã đừng nói nữa.
Thiếu nữ vừa rồi lại nói tiếp :
– Xin mời tướng công.
Du Hữu Lượng thấy vụ này rất khả nghi, chàng không rảnh để đáp lời thiếu nữ, lạng người bước qua bên mình thị chạy tới cỗ kiệu đi đầu.
Bọn hán tử khiêng kiệu này thấy Du Hữu Lượng chạy tới bất giác dừng bước lại. Lập tức một hán tử khiêng kiệu buông đòn kiệu ra đứng chắn trước mặt chàng trầm giọng hỏi :
– Ông bạn có điều chi dạy bảo?
Du Hữu Lượng ngần ngừ một chút rồi đáp :
– Không có chi cả, tiểu đệ muốn hội kiến Phù Vân đại sư ở phái Côn Luân một chút.
Hán tử kia biến sắc hỏi :
– Ai là Phù Vân đại sư? Ông bạn…
Du Hữu Lượng không muốn giải thích, nhân lúc đối phương chưa dứt lời đã bước vòng quanh tới kiệu vén rèn lên…
Diễn biến bất ngờ, hán tử không kịp ngăn cản, rèm kiệu đã vén lên rồi.
Du Hữu Lượng thấy trước mặt sáng lòa. Người ngồi trong kiệu là một khuê nữ nhỏ tuổi, chẳng thấy bóng Phù Vân đại sư đâu.
Khuê nữ trong kiệu khiếp sợ kêu thét lên.
Du Hữu Lượng kinh ngạc không bút nào tả xiết. Chàng lẩm bẩm :
– Vừa rồi thiếu nữ cầm đèn hiển nhiên chịu mệnh lệnh của người sai khiến đã mượn có để che lấp thị tuyến của ta. Nhưng làm sao mới trong chớp mắt mà họ đã thay đổi được cỗ kiệu khác lên đi đầu?…
Chàng còn đang ngơ ngác thì những người bàng quang chẳng hiểu ra làm sao, tưởng Du Hữu Lượng là kẻ ngang ngược càn rỡ, đều lộ vẻ tức giận.
Hán tử vừa rồi quay lại hỏi :
– Này ông bạn! Phải chăng ông bạn cố ý phá đám?
Du Hữu Lượng hắng dặng một tiếng rồi đáp :
– Tại hạ không ngờ các vị chẳng những là đại hành gia về nghề thi kiệu mà còn là những tay che mắt người rất lợi hại.
Chàng vừa nói vừa đảo mắt nhìn ra thì mười mấy cỗ kiệu bày thành một hàng dài. Cách trang hoàng tương tự như nhau. Trong lúc nhất thời khó lòng phân biệt.
Hán tử kia nói :
– Nếu ông bạn không lui ra ngay thì không còn cơ hội nào nữa.
Du Hữu Lượng hỏi :
– Thế ư?
Hán tử kia chớp mắt một cái, đột nhiên lớn tiếng :
– Chà! Ông này giở thói khinh bạc. Trong kiệu toàn là hoàng hoa khuê nữ, khi nào để cho ông tự ý dòm ngó. Chẳng lẽ ông bạn ăn nhiều phân mèo rồi nổi máu điên khùng đến đây ngang tàng?
Gã cố ý thóa mạ bằng lời thô bỉ để mọi người nghe tiếng. Ai cũng cho là Du Hữu Lượng quả có lòng khinh bạc nên trợn mắt lên nhìn chàng ra chiều phẫn nộ.
Du Hữu Lượng không dè đối phương ăn nói như vậy, chàng toan tìm lời giải thích thì một lũ mấy chục tên đầu hươu mắt chuột lăm le muốn xông lại ẩu đả.
Hán tử đi đầu thái độ hung hăng quát lớn :
– Thằng lỏi kia! Sao không quỳ xuống năn nỉ đi?
Du Hữu Lượng không nói gì. Hán tử kia tức giận vung quyền đánh tới.
Du Hữu Lượng biết đây là lũ vô lại ở trong thành, liền quyết định cho chúng nếm mùi đau khổ. Chàng phất tay áo một cái, hán tử đầu hươu mắt chuột cảm thấy một luồng kình lực vô hình xô tới, bật tiếng la hoảng, ngã ngửa về phía sau.
Gã la lối om sòm, đứng phắt dậy lại phóng quyền đánh tới.
Du Hữu Lượng không né tránh để phát chưởng của hán tử đánh trúng ngực đến “Binh” một tiếng.
Chàng toan vận nội kình hất ngược lại thì đột nhiên một luồng chưởng lực âm nhu từ lòng bàn tay của đối phương đẩy ra.
Luồng chưởng lực âm nhu này thấu vào da thịt khiến Du Hữu Lượng kinh hãi.
Chàng không suy nghĩ gì nữa, lập tức hít một hơi chân khí vào huyệt Đan điền.
Luồng lực đạo âm nhu cổ quái kia liền bị tiêu tan.
Du Hữu Lượng ngơ ngác, buột miệng la :
– Phi Hồn chưởng! Ai đã truyền thụ cho ngươi món chưởng lực âm nhu này để đối phó với ta?
Chàng đã biết bọn đối phương bình nhật ỷ vào mấy chiêu quyền để lấn át người lương thiện. Nhưng hán tử thi triển Phi Hồn chưởng mà hỏa hầu còn kém, hiển nhiên đã học một cách vội vã nên mới hỏi câu này.
Hán tử thấy đánh một đòn chưa thu được hiệu quả cũng kinh hãi vô cùng. Gã liền vẫy tay một cái, mấy chục tên đồng bọn lập tức tan đi.
Du Hữu Lượng đầy lòng ngờ vực nhưng không thể rượt theo bọn này. Bọn vô lại vừa tan đi thì trong đám đông lại có một lão già thấp lùn mà nhanh nhẹn bước ra đứng trước Du Hữu Lượng hỏi :
– Xin hỏi tiểu ca có điều chi xích mích với Thừa Thiên cư?
Du Hữu Lượng ngạc nhiên hỏi lại :
– Sao lão trượng lại nói thế?
Lão già bé nhỏ thấp lùn đáp :
– Cuộc thi kiệu đêm nay do Thừa Thiên cư tổ chức mà tiểu ca tự nhiên vô cớ đứng ra ngăn cản, tựa hồ có điều gì bất mãn với Thừa Thiên cư.
Du Hữu Lượng nói :
– Sở dĩ tiểu tử hành động như vậy là vì tình thế bất đắc dĩ. Xin hỏi lão trượng có phải…
Lão thấp lùn ngắt lời :
– Lão hủ là Ngự Phong Đao Tôn Bảo Hiên vẫn có quen biết với Thừa Thiên tam tượng.
Du Hữu Lượng chấn động tâm thần. Chàng đã được nghe nói Tôn Bảo Hiên là một tay sử “Ngự Phong Đao pháp” tuyệt diệu và là một cao thủ bao trùm những nhân vật sử đao hiện nay. Chàng không ngờ mình lại chạm trán lão trong trường hợp này, liền chắp tay nghiêm nghị nói :
– Đao pháp của Tôn tiền bối thiên hạ vô song. Tiểu tử đã ngưỡng mộ từ lâu.
Tôn Bảo Hiên vẻ mặt tươi cười lên một chút hỏi :
– Tiểu ca không phải là người ở đây ư?
Du Hữu Lượng đáp :
– Tiểu tử ở xa vừa tới đây.
Tôn Bảo Hiên gật đầu hỏi :
– Lão hủ cũng vừa về tới bản thành. Sao tiểu ca lại ngăn cản đoàn kiệu?
Du Hữu Lượng hỏi lại :
– Tôn tiền bối có tin chuyện ma quỷ trên thế gian không?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Tiểu ca định lôi câu chuyện này đi tới đâu? Lão phu vừa thấy tiểu ca đánh đuổi bọn quê mùa một cách dễ dàng thì tất võ công không phải tầm thường. Chúng ta đã là người luyện võ khi nào còn tin chuyện quỷ thần?
Du Hữu Lượng nói :
– Vậy là phải lắm! Trước đây một khắc chính mắt tiểu tử đã nhìn thấy Phù Vân đại sư, Chưởng giáo phái Côn Luân ngồi trên kiệu, mà đại sư đã bị sát hại lâu rồi.
Tôn Bảo Hiên sửng sốt :
– Phù Vân đại sư ư?… Lão hủ đã được nghe chuyện Chưởng giáo năm phái bị hại rồi. Phải chăng tiểu ca muốn nói giỡn?
Du Hữu Lượng đáp :
– Tiểu tử không hề nói giỡn bao giờ.
Chàng tâm cơ thâm trầm mà lúc lộ lời phế phủ càng ra chiều thành khẩn. Tôn Bảo Hiên dương đôi mắt lên nhìn chằm chặp vào mặt chàng khẽ nói :
– Lão hủ tin lời tiểu ca, nhưng…
Du Hữu Lượng ngắt lời :
– Nói lui nói tới thì Tôn tiền bối vẫn còn nghi hoặc.
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Tiểu ca nên biết câu chuyện này thật chẳng thông tình đạt ý chút nào. Dù lão hủ có tin lời tiểu ca nhưng cũng phải xét cho ra sự thực.
Du Hữu Lượng nói :
– Tiền bối nhiệt tâm xem xét cho ra sự thực khiến tiểu tử thêm phần kính phục.
Tôn Bảo Hiên hỏi :
– Trên đường phố có tất cả mười tám cỗ kiệu, tiểu ca có thể trỏ Phù Vân đại sư ngồi trong cỗ kiệu nào không?
Du Hữu Lượng lắc đầu đáp :
– Mười tám cỗ kiệu tương tự như nhau, nên tiểu tử bất đắc dĩ phải vén rèm lên coi khiến mọi người nổi cơn tức giận.
Tôn Bảo Hiên ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi :
– Đã vậy xin mời tiểu ca theo lão hủ đến Thừa Thiên cư.
Du Hữu Lượng đáp :
– Tiểu tử rất vui lòng đi theo tiền bối.
Tôn Bảo Hiên vừa cất bước đi trước vừa nói :
– Thừa Thiên cư ở trong cổng tò vò trước mặt kia. Chúng ta chỉ cần gặp Tam tượng là hỏi rõ đầu đuôi được ngay.
Du Hữu Lượng theo sát Tôn Bảo Hiên. Chàng hỏi :
– Sao? Tiền bối đến kiếm Thừa Thiên tam tượng ở Thừa Thiên cư ư?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Chẳng kiếm Tam tượng thì kiếm ai?
Du Hữu Lượng nói :
– Tiểu tử chịu lời ủy thác của Tam tượng đưa một tín vật đến Thừa Thiên cư.
Tôn Bảo Hiên kinh ngạc, bất giác dừng bước lại hỏi :
– Theo lời tiểu ca thì Tam tượng không ở trong Thừa Thiên cư hay sao?
Du Hữu Lượng gật đầu đáp :
– Theo chỗ tại hạ biết đúng là thế đó.
Tôn Bảo Hiên trầm ngâm hỏi :
– Thế này thì thật là kỳ! Ngày trước lão hủ ở Tử Hồ tiếp được thư mời của Thừa Thiên tam tượng hẹn đêm nay ở Thừa Thiên cư hội diện…
Lão vừa dứt lời, đột nhiên đưa tay ngang ra chụp vào uyển mạch Du Hữu Lượng một cách đột ngột.
Du Hữu Lượng bị vồ bất ngờ vội lạng người đi ra xa năm bước.
Tôn Bảo Hiên chụp sểnh không khỏi ngẩn người. Du Hữu Lượng đứng dậy hỏi :
– Sao tiền bối lại động võ với tiểu tử?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Lão hủ thấy tiểu ca khẩu khí lớn quá, muốn ra tay để thử coi bản lãnh sâu nông thế nào?
Du Hữu Lượng ngạc nhiên hỏi :
– Tiểu tử có khoác lác gì đâu?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Tam tượng là người cao ngạo mà tiểu ca nhỏ tuổi như vậy. Nếu không có chân tài thực học thì sao lại là chỗ tri giao của Tam tượng?
Du Hữu Lượng giải thích :
– Tiểu tử gặp Tam tượng trong trường hợp đặc biệt, lúc ba vị đó bị cầm cố trong Thạch Cốt động ở nơi hoang vắng…
Tôn Bảo Hiên giật mình la lên :
– Tam tượng bị cầm tù ư?… Tiểu ca nói mỗi lúc mỗi kỳ dị…
Du Hữu Lượng nghiêm nghị ngắt lời :
– Xin Tôn tiền bối hãy tin tiểu tử đi, tiểu tử nói toàn những câu tự đáy lòng phát ra.
Tôn Bảo Hiên ngẫm nghĩ một chút rồi gãi tay nói :
– Được rồi! Chúng ta đến Thừa Thiên cư coi rồi sẽ liệu.
Hai người liền gia tăng cước lực, tránh những chỗ đông người quanh ra đường vắng tiến vào ngõ hẻm.
Tôn Bảo Hiên đi đến trước tòa nhà lớn bỗng dừng bước lại.
Dưới bóng trăng lạnh lẽo, tòa nhà rộng lớn càng lộ vẻ âm u tịch mịch, trái với cảnh náo nhiệt ngoài đường phố.
Du Hữu Lượng không nhịn được khẽ hỏi :
– Thừa Thiên cư đã chủ trương việc thi kiệu đêm nay mà sao nơi đây lại vắng vẻ thế này?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Lão phu cũng cảm thấy có điều khác lạ.
Dứt lời lão đưa tay gõ vào vòng cổng lát sau một viện có người ra mở.
Tôn Bảo Hiên ngó người này ra vẻ một tên nam bộc liền hỏi :
– Tam tượng ở đâu?
Tên nam bộc ngắm nghía hai người một lượt rồi lạnh lùng đáp :
– Tệ chủ nhân không muốn bất cứ ai đến quấy nhiễu đêm nay.
Câu này hiển nhiên có ý đuổi khách. Tôn Bảo Hiên là người dày công hàm dưỡng cũng phải lộ vẻ tức giận.
Tên nam bộc nói xong muốn đóng cổng ngay. Du Hữu Lượng liền đưa chân ra cản lại hỏi :
– Lệnh chủ nhân chẳng khi nào lại để Ngự Phong Đao Tôn tiền bối đứng ngoài cổng.
Tên nam bộc sửng sốt, nét mặt tươi lên đáp :
– Té ra đây là Tôn tiên sinh. Mời tiên sinh vào đi.
Hắn đứng tránh sang bên để nhường đường cho hai người đi vào.
Trong cổng là tiền viện rất rộng lớn. Tên nam bộc đi trước dẫn đường. Bỗng hắn quay lại ngó Tôn Bảo Hiên và Du Hữu Lượng.
Du Hữu Lượng cố ý bước chậm lại khẽ hỏi :
– Tôn tiền bối đã là chỗ tri giao của Tam tượng thì tất đến đây nhiều lần mà sao tên nam bộc này lại không nhận ra?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Người này lạ mặt, lão hủ trước kia đã mấy lần đến đây mà chưa gặp hắn lần nào…
Lão chưa dứt lời, tên nam bộc đột nhiên quay lại lên tiếng :
– Hạ bộc vừa mới đến đây làm hôm qua.
Du Hữu Lượng và Tôn Bảo Hiên đưa mắt nhìn nhau, trong lòng ngấm ngầm hồi hộp.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm :
– “Tôn tiền bối nói chuyện với ta rất khẽ mà tên nam bộc này cách xa mấy bước vẫn nghe rõ thì tất hắn là một tay cao thủ”.
Đi qua tiền viện tới trước một tòa sảnh đường cao lớn. Du Hữu Lượng ngửng đầu lên nhìn thấy trên cửa lớn treo tấm biển điêu khắc rất tinh xảo đề ba chữ lớn “Thừa Thiên Cư”.
Bước qua thềm tiến vào sảnh đường, Du Hữu Lượng cảm thấy bầu không khí lạnh lẽo ảm đạm, khiến chàng không khỏi run lên.
Tên nam bộc nói :
– Xin hai vị hãy ngồi chờ trong sảnh đường một lát, để hạ bộc vào thông báo.
Hắn không chờ hai người đáp lại đã đi vào nội đường.
Tôn Bảo Hiên nhìn bóng sau lưng tên nam bộc mất hút rồi chợt tỉnh ngộ nói :
– Lão hủ bỗng nhớ ra trước đây một khắc dễ gặp mặt tên nam bộc này ở chỗ nào rồi.
Du Hữu Lượng nghi ngờ hỏi :
– Tiền bối gặp hắn ở đâu?
Tôn Bảo Hiên đáp :
– Lúc đang thi kiệu, lão hủ đứng ở góc phố thấy hắn đang thì thầm với một tên vô lại quê mùa. Thỉnh thoảng lại khoa tay bước chân dường như đang truyền thụ chưởng lực nội gia cho tên kia…
Du Hữu Lượng chấn động tâm thần buộc miệng :
– Phải rồi! Tên nam bộc này đúng là người truyền thụ Phi Hoa chưởng ở đây. Vừa rồi tiểu tử sơ ý, xuýt nữa bị chưởng lực âm độc đả thương.
Tôn Bảo Hiên nói :
– Giữa Thừa Thiên cư và tiểu ca đã không có chuyện gì xích mích mà sao họ lại định ám toán tiểu ca?
Du Hữu Lượng đáp :
– Vụ này chỉ có một cách giải thích…
Tôn Bảo Hiên ngắt lời :
– Phải chẳng tên nam bộc này không phải…
Lão chưa dứt lời, đột nhiên phía sau vang lên thanh âm lạnh lẽo :
– Nếu hai vị muốn được nghe lời giải thích thì xin vào nội viện.
Hai người kinh hãi quay đầu nhìn lại thì thấy tên nam bộc kia không biết đã trở ra từ lúc nào, đang đứng ở sau lưng.
Du Hữu Lượng kinh hãi nghĩ thầm :
– “Tên nam bộc này đã đến gần mà không phát hiện ra một tiếng động. Khinh công hắn thật là ghê gớm. Không hiểu lai lịch hắn thế nào?”.
Chàng ngần ngừ một chút, đưa mắt ra hiệu cho Tôn Bảo Hiên rồi cất bước tiến vào nội viện.
Tên nam bộc vượt lên đi trước dẫn đường. Hai người xuyên qua một dãy hành lang rồi dừng chân lại trước gian phòng mé tả.
Tên nam bộc mở hé cửa phòng ra nói :
– Mời hai vị vào đi!
Du Hữu Lượng thấy trong phòng tối đen. Chàng khoa chân bước đồng thời xoay mình lại vươn tay ra vung vào trước ngực tên nam bộc.
Diễn biến đột ngột này khiến tên nam bộc ngẩn người. Hắn xoay tay đưa lên cản lại, chẳng ngờ Du Hữu Lượng không thẳng thắn chống cự, đưa tay chênh chếch đánh liền năm chiêu khiến đối phương phải lùi lại.
Tôn Bảo Hiên thấy tình trạng này liền hỏi :
– Tại sao tiểu ca lại đánh lén y?
Du Hữu Lượng không trả lời. Chàng nhân lúc tên nam bộc lùi lại, vung tay đẩy về phía sau đánh “binh” một tiếng. Cửa phòng mở toang ra.
Chàng ngó thấy mấy xác chết vừa nam vừa nữ nằm lăn ra đó, Xác nào cũng không có thịt mà chỉ còn một lần da mỏng bọc xương mùi hôi thối xông lên khiến người ta phải buồn nôn. Hiển nhiên những người này chết đã lâu rồi.
Tôn Bảo Hiên giật mình kinh hãi. Lão đảo mắt nhìn những xác chết không còn ra hình người buột miệng la :
– Ai?… Ai đã đem những xác chết của gia quyến Tam tượng để cả vào đây?…
Du Hữu Lượng trầm giọng đáp :
– Không phải họ bị người đánh chết mà là bị lừa gạt đưa vào trong phòng kín mít này rồi bị chết đói.
Tôn Bảo Hiên hỏi :
– Sao tiểu ca lại biết rõ thế?
Du Hữu Lượng đáp :
– Tiểu tử thấy cánh cửa và bốn bức tường dày đặc và kiên cố phi thường, hơn nữa có lý nào chủ nhân lại tiếp khách trong nội thất, nên tiểu tử sinh lòng nghi hoặc…
Tôn Bảo Hiên hỏi :
– Vụ này còn chứng minh điều gì?
Du Hữu Lượng đáp :
– Lúc cửa phòng hé mở, chẳng lẽ tiền bối không ngửi thấy khí vị hôi hám ngưng tụ lâu ngày chưa tan đi. Cái đó chứng tỏ trong phòng không một kẽ hở cho hả hơi. Ai đã vào là không ra được nữa.
Tôn Bảo Hiên ồ một tiếng rồi nói :
– Thế ra những cửa sổ trong phòng đều bít kín hết. Nếu tiểu ca không tâm tư thận trọng thì chúng ta khó lòng thoát chết ở đây…
Tên nam bộc đứng ngoài xa liền xen vào :
– Còn nếu không gì nữa? Đêm nay các vị đừng hòng sống sót ra khỏi tòa nhà này.
Tôn Bảo Hiên trỏ tay vào mặt hắn quát hỏi :
– Những người này đều bị chết về tay ngươi cả ư?
Tên nam bộc cười khẩy đáp :
– Không hẳn như vậy. Ta chỉ biết vâng lệnh người khác mà làm việc.
Tôn Bảo Hiên sửng sốt hỏi :
– Ngươi vâng lệnh ai?
Tên nam bộc đáp :
– Lão muốn biết ai ư? Tệ chủ nhân đã tới đó…
Tôn Bảo Hiên cùng Du Hữu Lượng đưa mắt nhìn ra quả thấy một người đang từ từ cất bước trên hành lang trước mặt đi tới. Người này mặc áo bào đen, vẻ mặt nhơn nhơn, lối hai chục tuổi.
Thiếu niên áo đen chưa tới nơi đã lên tiếng :
– Bạch Thạch không được khinh mạn tân khách!
Tên nam bộc đầy vẻ cung kính đáp :
– Hạ bộc đã dẫn khách tới đây nhưng các vị bướng bỉnh không chịu tiến vào.
Thiếu niên áo đen dừng chân lại nói :
– Tục ngữ có câu: “Khách phải tùy chủ”. Khách mà ngang ngạnh như vậy thật khiến cho người ta khó chịu…
Du Hữu Lượng ngắt lời :
– Bất luận khách phải tùy chủ hay chủ phải tùy khách hãy để đó. Trước hết xin hỏi chủ nhân Thừa Thiên cư là ai?
Thiếu niên áo đen hững hờ đáp :
– Chủ nhà này chết sạch cả rồi. Nhà đã vô chủ thì ai đến ở tức là chủ nhà. Các hạ hỏi câu đó là thừa.
Gã nói một câu ngang ngạnh như vậy mà không thay đổi sắc mặt.
Tôn Bảo Hiên râu tóc dựng đứng cả lên, lớn tiếng quát :
– Tên cuồng đồ kia! Hãy câm miệng đi!
Thiếu niên áo đen cười lạt hỏi :
– Ông khách này có điều chi dạy bảo?
Tôn Bảo Hiên mặt giận xám xanh hỏi lại :
– Cả nam nữ lớn bé mười mấy người ở Thừa Thiên cư có thù oán gì với ngươi mà ngươi hạ thủ giết hết?
Thiếu niên áo đen cười rộ đáp :
– Câu hỏi này càng tỏ ra bất trí. Việc giết người trong võ lâm xảy ra nếu không vì cừu hận thì vì lợi hại chứ còn gì nữa?…