Huyết Y Kỳ Thư

Chương 58 - Hào Kiệt Lạc Vào Thất Linh Tiên Cảnh

trước
tiếp

Dưới đống lá cây là năm xác chết, cứ theo hình dáng mà đoán thì rõ ràng là năm tên khất cái. Máu đã đen lại. Thi thể không còn toàn vẹn. Tử trạng cực kỳ thê thảm!

Ngô Cương hít một hơi khí lạnh. Chàng rất lấy làm kỳ không hiểu tại sao những tên ăn xin này lại bị thảm sát trong khu rừng rậm ở chốn thâm sơn?

Nhưng chàng tỉnh ngộ ngay đây là những đệ tử Cái bang…

Một xác chết bị vùi ở dưới cùng đột nhiên cử động rồi bật lên tiếng rên la rất thê thảm!

Ngô Cương lông tóc dựng đứng cả lên.

Chàng chẳng ngại gì máu dơ. Đẩy những thi thể ở phía bên trên ra thì quả nhiên có một người còn chưa tắt hơi. Té ra bọn họ vừa mới bị tàn sát. Nhưng người này cất tiếng rên nghe chừng cũng sắp chết tới nơi.

Ngô Cương hỏi:

– Phải chăng ngươi là đệ tử Cái Bang?

Ngô Cương hỏi luôn mấy câu.

Chàng chỉ thấy tên hóa tử này da mặt còn động đậy, môi còn hơi mấp máy nhưng đã thở vào thì ít mà thở ra thì nhiều. Gã không nói được.

Ngô Cương chau mày ngẫm nghĩ rồi điểm lẹ vào mấy chỗ huyệt đạo gã. Chàng giữ cho chút hơi tàn của gã chưa tắt rồi dùng ngón tay giữa đặt lên huyệt Mạch Căn trên cổ tay trái của gã, từ từ thúc đẩy chân nguyên vào.

Gã khất cái đã thấy trước ngực nhô lên dẹp xuống rồi thở mạnh một cái. Sinh cơ của gã đã được phục hồi lại một chút.

Ngô Cương vội hỏi ngay:

– Phải chăng ngươi là đệ tử Cái Bang?

Ngô Cương lại hỏi:

– Vụ này làm sao?

Tên khất cái chuyển động cặp mắt thất thần nói thều thào:

– Các… hạ… là ai?

Ngô Cương đáp ngay:

– Sách Huyết Nhất Kiếm.

Da mặt gã đã lạnh cứng, khẽ chuyển động rồi cố gắng hỏi:

– Sách Huyết…Nhất Kiếm ư?

Ngô Cương đáp:

– Phải rồi.

Tên khất cái lại lắp bắp:

– Tại hạ… vâng lệnh..

Ngô Cương hỏi:

– Vâng lệnh ai?

Gã đáp:

– Vâng lệnh…tiểu trưởng lão…

Ngô Cương chấn động tâm thần, vì tiểu trưởng lão đương nhiên là bái huynh của chàng tên gọi Tống Duy Bình. Chàng hỏi ngay:

– Tiểu trưởng lão sai các ngươi làm gì?

Gã đáp:

– Chờ…đại hiệp…

Rồi gã thở dốc lên một cái ngoẹo cổ ra mà chết.

Ngô Cương cảm thấy toàn thân lạnh ngắt. Bái huynh chàng sai mấy tên đệ tử chờ chàng rồi gặp nạn. Chàng tự hỏi:

– Ta đi chuyến này bái huynh đã biết rồi. Nhưng sao trên đường về mà y đoán được mà phái người chờ ở đây chứ? Ai đã sát hại năm đệ tử Cái bang này?

Chàng chợt nhớ tiếng hát vừa rồi và cho là tiếng hát đó có điều chi ngoắt nghéo.

Rồi chàng lầm bầm:

– Tiếng hát từ miệng người đàn bà cất lên, có thể không phải là công chúa Hồ Ma. Vậy thì là ai? U Linh công chúa chăng? Mục đích của nàng đến đây làm gì?

Trước kia tiếng hát trên Hồ Ma chàng chỉ cảm thấy nó thần bí nhưng bây giờ lại khác hẳn. Tiếng hát này vì tẩu tẩu nhớ tới ca ca mà hát lên đã đành. Nơi đây Tống Duy Bình đã sai bọn đệ tử thủ hạ chờ sẵn, ngẫu nhiên ngộ hại. Hiển nhiên tiếng hát này có liên quan tới vụ sát nhân, bất kể từ miệng người nào thốt ra.

Ngô Cương nghĩ lại rồi cầm kiếm chạy về phía phát ra tiếng hát.

“Ly bịệt rồi sinh tử bâng khuâng.

Tình chưa hết ý chưa quên.

……………………………”

Tiếng hát lại cất lên và dường như xa hơn trước.

Ngô Cương tăng gia cước lực vọt đi như một dây khói lạt xuyên qua khu rừng. Chàng chạy một lúc rồi, cây cối dần dần thưa thớt. Trước mắt chàng hiện ra một cửa hang sâu thẳm.

Tiếng hát đã im bặt mà dư âm dường như phát ra từ trong hang này!

Ngô Cương dừng chân trước cửa hang. Chàng ngó chừng hình thế thì cốc đạo sâu thẳm. Vách núi dựng đứng. Hiển nhiên là một ngọn núi cao dường như bị lưỡi búa thần của Tạo hóa chém ra làm hai nửa. Hai bên vách núi cách nhau không đầy năm trượng. Từ lưng chừng núi trở lên, những cây gỗ tùng và gỗ tạp xòa ra hai bên như một bức màn dây leo chằng chịt khiến cho mặt trời không chiếu xuống được nên đường cốc đạo âm u, quỉ khí kinh người.

Ngô Cương tự hỏi:

“Trong hang núi này có nhân vật nào ở? Tại sao lại ca bài hát trên Hồ Ma? Ngoài tiếng hát tại sao lại có những xác chết của đệ tử Cái bang mà một tên lúc lâm tử đã thổ lộ mấy tiếng, hiển nhiên vụ này không phải tầm thường. Vậy ta cần đề cao cảnh giác.”

Chàng ngẫm nghĩ một lúc rồi cất bước tiến vào hang núi.

Dưới đáy hang quái thạch lởm chởm phủ đầy rêu xanh. Nhưng chính giữa hiển nhiên có một lối đi tức là có người thường qua lại

Gió núi phần phật rét lạnh thấu xương.

Cốc đạo tuy tối mò, nhưng cặp mắt của Ngô Cương vẫn nhìn rõ mọi vật. Chàng đi chừng nữa dặm thì thấy một bia đá. Chàng động tâm ngừng bước ngẩng đầu lên nhìn thì tấm bia đá này được khắc liền vào núi đá đã bị rêu phong quá nửa. Chính giữa tấm bia có khắc bốn chữ và chàng nhận ra được là “Thất Linh Tiên Cảnh”.

Ngô Cương nhẩm đi nhẩm lại hai chữ Thất Linh nghe thấy quen tai, chàng chợt nhớ Thất Linh giáo rồi tự hỏi:

– Phải chăng Thất Tinh tiên cảnh này là nơi phát tích Thất Linh giáo đã thành danh mười năm trước đây?

Hơn mười năm trước, Thất Linh giáo đã khai sơn lập phái ở Ngọa Long cốc núi Long Trung và hiện nay do bọn Võ minh đóng giữ.

Thất Linh giáo đầu độc Võ lâm gây nên công phẫn trên chốn giang hồ. Sau Võ thánh Ngô Vĩnh Thái cầm đầu những tay cao thủ các môn phái tiến vào Ngọa Long cốc chinh phạt giáo phái này.

Khi Ngô Vĩnh Thái dẫn đầu quần hùng đến nơi địa đầu Ngọa Long cốc thì một việc xảy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người: Thất Linh giáo đã bị một quái khách tự xưng là Nam Hoang kỳ nhân dẫn thủ hạ đến tiêu diệt Thất Linh giáo. Rồi Nam Hoang kỳ nhân được suy tôn làm Võ lâm minh chủ.

Thất Linh giáo quật khởi một cách đột ngột, cũng bị tiêu tan một cách đột ngột. Hiện nay vẫn không ai hay gốc tích của giáo phái này ở đâu mà ra?

Thất Linh giáo đã để lại những ấn tượng đặc bịệt cho các phái Võ lâm Trung Nguyên là võ công kì dị và thủ đoạn tàn độc.

Giả sử Thất Linh tiên cảnh này là nơi phát tích của Thất Linh giáo thì nó vẫn chưa mất vẻ bí mật của một thời trước kia.

Ngô Cương tự hỏi:

“Chẳng lẽ dư đảng của Thất Tinh giáo chưa bị tiêu diệt mà đống tro tàn kia nhen nhóm trở lại. Họ còn có người hạ sát đệ tử Cái bang và phỏng theo tiếng hát của Hồ Ma?”

Giả sử tiếng hát là do chính miệng công chúa Hồ Ma phát ra thì nàng chính là dư đảng của Thất Linh giáo hay sao?

Chàng nghĩ tới đây không khỏi giật mình. Ngày trước đại ca chàng là Vô địch Mỹ kiếm khách Ngô Hùng kết hợp với công chúa Hồ Ma dường như cũng là một vụ bí mật, đến Thái quản gia còn không rõ, nên chẳng bao giờ lão nhắc tới chuyện này. Hiển nhiên nơi đây có thật nhiều bí ẩn.

Đoạn chàng nghĩ tiếp:

“Đại tẩu mà đúng là dư đảng của Thất Linh giáo thì lúc giáo phái này bị tiêu diệt thì đại ca ta phải giết người như điên. Rất có thể là như vậy, vì chẳng lẽ vô cớ đại ca ta lại gây nên những cuộc tàn sát khủng khiếp?”

Ngô Cương rùng mình ghê sợ. Toàn thân chàng toát mồ hôi lạnh ngắt. Nhung chàng hi vọng bữa nay may có thể khám phá ra vụ bí ẩn này.

Chàng gắn gượng trấn tĩnh tâm thần. Chàng bước lên đầu tấm bia đá đảo mắt nhìn quanh. Đột nhiên chàng lùi lại ba bước vì ngó thấy tấm bia đá khác đề bốn chữ: “Tiến vào là chết” coi mà phát khiếp.

Bất giác chàng nỗi lên mấy tiếng cười lạnh lẽo ghê người. Thật là những tiếng cười chứa đầy sát khí.

Ngô Cương nhớ tới Hồ Ma và những lời đồn đãi kì quái về Hồ này. Nào là những người tới thám thính Hồ Ma đều mất tích. Chính mắt chàng nhìn thấy một tay kiếm thủ sau khi vào dạ thám trái đảo nhỏ giữa hồ, lúc trở ra gã không nói nửa lời, hoảng hốt chạy mất. Vụ này cũng là một vụ bí mật khủng khiếp.

Theo lời đồn thì Thất Linh tiên cảnh, Hồ Ma và Ngọa Long cốc là ba căn cứ của Thất Linh giáo. Mới có một căn cứ bị phá hủy tức là hai căn cứ kia vẫn còn.

Ngô Cương nghiến răng, tay nắm chuôi kiếm. Chàng băng mình nhảy vào trong phía tấm bia.

Phong cảnh trong này khác hẳn bên ngoài. Nó không tối tăm âm u mà hang núi sáng sủa. Trời xanh mây trắng trông hấy rõ ràng. Ánh dương quang chiếu vào trong hang khiến cho người ta có cảm giác ấm áp như buổi đương xuân.

Chàng đi chưa được bao xa thì thấy hoa cỏ xinh tươi muôn hồng ngàn tía tựa như một bức màn gấm. Giữa những bụi hoa là một lối đi rải đá quanh co uốn khúc. Ai ngờ chỉ cách tấm bia lớn mà lối đi bên trong bên ngoài khác hẳn nhau như hai thế giới riêng bịệt.

Chữ Thất Linh tiên cảnh kể ra không hề quá đáng. Vì nơi đây toàn là kì hoa dị thảo ít thấy ở nhân gian. Thậm chí Ngô Cương còn không biết tên một thứ nào.

Dìu dặt gió đưa một mùi hương thoang thoảng khiến người nắm cảnh không khỏi ngây ngất.

Ngô Cương đứng giữa những bông hoa hít mạnh mấy hơi chân khí.

Bỗng nhiên một bóng người yểu điệu từ bụi hoa đi tới. Ngô Cương ngó thấy bất giác đứng thộn mặt ra.

Người đàn bà tóc mây quấn lại thành một búi cao trên đỉnh đầu. Mày xinh như vẽ, mắt sáng như sao, tay cầm một giỏ hoa. Nữ lang mình mặt áo gấm theo kiểu cung trang, vào trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu tuồi. Người nàng đẹp lại đang độ xuân anh hơ hớ.

Nư lang khoan thai bước tới, mỗi bước một gần.

Ngô Cương trấn tĩnh tâm thần tiến lại đón.

Hai người còn cách nhau chừng một trượng thì dừng lại.

Nữ lang nở một nụ cười làm lộ một hàm răng trắng như ngọc và cặp mắt nàng đưa đi đưa lại rất quyến rũ.

Ngô Cương cảm thấy lòng dạ bâng khuâng một lúc. Chàng gắng gượng trấn tĩnh tâm thần toan cất tiếng thì nữ lang hỏi trước:

– Tướng công tới đây có việc gì?

Ngô Cương rất lấy làm ngờ vực vì đối phương chẳng có chi là tà ác. Thế sao ngoài kia lại có tấm bia khắc bốn chữ “Tiến vào là chết”.

Chàng tự hỏi:

– Phải chăng đối phương đã biết rồi mà còn hỏi vậy? Nhưng chuyện kì quặc trên chôn giang hồ thật khó khiến cho người ta đề phòng cho xiết được.

Ý niệm hãi hùng chưa hết, chàng lạnh lùng đáp:

– Tại hạ nghe tiếng hát mà tới đây.

Nữ lang nghiêng đầu ra chiều không hiểu hỏi:

– Tiếng hát ư? Tiếng hát làm sao?

Ngô Cương hỏi lại:

– Phải chăng cô nương biết rồi mà còn giả vờ?

Nữ lang ngập ngừng:

– Thế này thì thật là kì…

Ngô Cương ngắt lời:

– Rõ ràng tiếng hát phát ra từ trong hang này.

Nữ lang hỏi:

– Tiếng hát làm sao?

Ngô Cương đáp:

– Tiếng hát trên Hồ Ma.

Nữ lang ồ lên một tiếng rồi tựa hồ nhịn không được bật lên tiếng cười.

Hồi lâu nàng mới nói:

– Phải rồi! Không hiểu cô đại nha đầu của nô gia học đâu ra được bài hát thê lương ảo não. Thỉnh thoảng lại nghêu ngao hát chơi. Hẳn y chắc không sai nữa

Ngô Cương tưởng chùng trái tim chùng xuống. Chàng tự nhủ:

“Chẳng lẽ mình hoàn toàn đoán sai trật. Nhưng còn mấy xác chết của đệ tử Cái bang? Còn bia đá…? Những chuyện trùng hợp này chẳng thể không có nguyên nhân…”

Trong bụng chàng nghĩ vậy cười lạt hỏi:

– Tại hạ chẳng phải hạng người ai muốn khinh khi lừa gạt thế nào cũng được.

Nữ lang sa sầm nét mặt:

– Ô hay! Tướng công đã tự tiện tiến vào cấm địa lại còn kiêu ngạo vô lễ đến thế…

Ngô Cương ngắt lời:

– Đây là cấm địa ư?

Nữ lang hỏi lại:

– Chẳng lẽ tướng công không thấy tấm biển chỉ thị ngoài kia?

Ngô Cương đáp:

– Tại hạ nhìn thấy rồi.

Nữ lang hỏi:

– Vậy tướng công hỏi làm chi?

Ngô Cương lảng sang chuyện khác:

– Phải chăng đây là Thất Linh tiên cảnh.

Nữ lang đáp:

– Nô gia thấy câu hỏi này là thừa.

Ngô Cương hỏi:

– Chữ Thất Linh nghĩa là làm sao?

Nữ lang đáp:

– Đó là danh hiệu của bảy chị em nô gia.

Ngô Cương ngẩn người ra hỏi:

– Cách xưng hô các vị lệnh huynh lệnh tỷ như thế nào?

Nư lan ngạc nhiên:

– Ô kìa! Sao tướng công căn vặn nô gia nhiều thế? Nô gia không chất vấn tướng công thì thôi chứ, tướng công hiện có biết hiện ở vào tình trạng nào hay không?

Ngô Cương hững hờ đáp:

– Tại hạ chưa hiểu rõ.

Nữ lang hỏi lại:

– Trên tấm bia khắc những chữ gì?

Ngô Cương đáp:

– Tiến vào là chết.

Nữ lang nói:

– Đúng thế đấy.

Ngô Cương ngơ ngác hỏi:

– Vậy tại hạ phải chết à?

Nữ lang đáp:

– Đúng thế!

Ngô Cương cười lạt nói:

– Tại hạ chẳng để tâm gì đến chuyện chết hay sống.

Nàng lại nhe răng cười hỏi:

– Hay lắm đó là bản sắc của võ sĩ. Xin hỏi cách xưng hô của tướng công thế nào?

Ngô Cương đáp:

– Sách Huyết Nhất Kiếm.

Nữ lang sửng sốt:

– Sao?

Ngô Cương lạnh lùng nhắc lại:

– Sách Huyết Nhất Kiếm.

Nữ lang ngần ngừ:

– Nghe có vẻ không giống…

Ngô Cương hỏi:

– Sao lại không giống?

Nữ lang đáp:

– Tướng công diện mạo phi phàm mà sao ngoại hiệu khó nghe thế?

Ngô Cương hững hờ đáp:

– Tin hay không là quyền ở cô. Xin cô cho biết chủ nhân nơi này là ai?

Nữ lang đáp:

– Nô gia cũng là một người trong bọn chủ nhân.

Ngô Cương hỏi:

– Cách xưng hô cô nương thế nào?

Nữ lang đáp:

– Nô gia là Hoa Linh.

Ngô Cương chấn động tâm thần. Bất giác chàng đưa mắt nhìn những kì hoa dị thảo tranh tươi đua thắm, rồi chàng nhìn tới nữ lang chẳng khác chi một bông hoa tươi đẹp. Chữ Hoa Linh quả xứng với người nàng. Chàng tự hỏi:

“Nàng tên Hoa Linh, vậy sáu người kia tên gì? Không đúng rồi! Thất Linh giáo nổi lên từ mười năm trước mà coi ả này tuổi mới đương xuân. Chẳng lẽ hồi nàng chưa đầy mười tuổi đã nổi tiếng? Việc này không thể thế được…”

Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, chàng buộc miệng hỏi:

– Phải chăng cô nương là người cuối cùng trong Thất Linh?

Nữ lang hỏi lại:

– Sao tướng công biết thế?

Ngô Cương ngập ngừng:

– Tại hạ coi tuổi cô nương…

Hoa Linh nở một nụ cười quyến rũ đáp:

– Hãy coi như vậy là đúng đi.

Ngô Cương xoắn lấy hỏi:

– Cô nương ra đời hồi mấy tuổi?

Hoa Linh cười khanh khách đáp:

– Này tướng công? Hỏi tuổi đàn bà con gái là vô lễ đấy nhé!

Ngô Cương mặt nóng bừng bừng, đổi giọng nói:

– Hoa cô nương…

Nữ lang ngắt lời:

– Nô gia không phải họ Hoa đâu. Hoa Linh là tên ngoại hiệu mà thôi.

Ngô Cương hổ thẹn vô cùng may mà có mặt nạ che đi không thì đã bị đối phương ngó thấy mặt đỏ bừng. Chàng liền ấp úng đáp:

– Tại hạ cam bề thất lễ.

Nữ lang nói:

– Tướng công dạy quá lời.

Ngô Cương lại hỏi:

– Tại hạ muốn thỉnh giáo hai việc được chăng?

Nữ lang đáp:

– Tướng công thử nói nghe.

Ngô Cương hỏi:

– Điều thứ nhất: trong rừng ngoài hang núi có năm tên đệ tử Cái bang bị tàn sát, vi nào đã hạ thủ?

Hoa Linh khẽ chau mày rồi thản nhiên đáp:

– Chính nô gia hạ thủ.

Ngô Cương mặt lộ sát khí lạnh lùng hỏi:

– Cô nương hạ thủ ư?

Hoa Linh đáp:

– Đúng thế!

Ngô Cương hỏi:

– Tại sao cô nương lại giết họ?

Hoa Linh đáp:

– Dĩ nhiên chúng có tội đáng chết.

Ngô Cương nói:

– Tại hạ muốn biết rõ cứu cánh về vụ này.

Hoa Linh nói:

– Tướng công giữa đường thấy chuyện bất bình hay có mối liên hệ gì với những người đã chết?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

– Cả hai trường hợp.

Hoa Linh hỏi:

– Tướng công định báo thù cho họ chăng?

Ngô Cương đáp:

– Có thể như vậy.

Hoa linh nói:

– Nếu tướng công không biết tự lượng…

Ngô Cương ngắt lời:

– Sao cô nương biết thế?

Hoa Linh đáp:

– Kẻ nào tự tiện sấn vào tiên cảnh là bỏ mạng. Tướng công sống hay chết là ở tay người rồi.

Ngô Cương cười lạt nói:

– Cái đầu của tại hạ chắc lắm , muốn cắt nó ra không phải dễ đâu.

Hoa Linh cười khanh khách hỏi:

– Đã muốn tướng công phải chết thì quyết không sống được. Vụ này hãy tạm gác. Tướng công hãy cho nghe điều thứ hai là gì?

Ngô Cương đáp:

– Tại hạ muốn gặp người đã ca khúc hát vừa rồi.

Hoa Linh hỏi lại:

– Vì tính hiếu kì hay là…

Ngô Cương ngắt lời:

– Hãy kể là tính hiếu kì cũng được.

Hoa Linh nói:

– Không được đâu.

Ngô Cương nắm chặt tay kiếm hỏi:

– Sao lại không được?

Hoa Linh xoay mình ngắt một bông hoa đưa lên mũi ngửi rồi bỏ vào giỏ. Nàng lạnh lùng đáp:

– Đừng hùng hổ nữa! Chẳng dọa được ai đâu! Tiên cảnh không phải là chỗ động võ máu rơi.

Ngô Cương hắng giọng một tiếng rồi nói:

– Trước nay tại hạ muốn cho đổ máu là cho chẳng cần biết giờ nào ngày nào hay ở đâu.

Hoa Linh cặp mắt long lanh nhìn vào mắt Ngô Cương hỏi:

– Thảo nào nô gia thấy nhiều chỗ không đúng thì ra tướng công đã cải trang. Tướng công thử lộ chân tướng cho coi được chăng?

Ngô Cương không khỏi kinh hãi. Chàng tự hỏi:

– Sao thị biết mình cải trang! Xem chừng mục quang của thị còn sắc bén hơn cả Yêu Vương.

Chàng thản nhiên lột mặt nạ ra đáp:

– Có chi mà không được.

Hoa Linh mỉm cười rất tươi nói:

– Bảnh quá ! Thật xứng đáng là một chàng nam tử.

Câu này có vẻ khinh bạc, nhất là nó thốt ra từ miệng một cô gái đang tuổi hoa xuân, nghe chẳng lọt tai chút nào.

Ngô Cương cất giọng cực kỳ lạnh lẽo nói:

– Tại hạ nhắc lại một lần nữa: Xin đưa hung thủ và người hát ra đây.

Hoa Linh cũng không ngần ngừ đáp ngay:

– Nô gia cũng nhắc lại là không được đâu…

Ngô Cương xẵng giọng:

– Nếu vậy đừng trách tại hạ vô lễ…

Hoa Linh ngắt lời:

– Định ra tay độc ác “bẻ hoa” chăng?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.