Khi Musashi còn ở Edo có kết giao với một người tri kỉ là Daidouji Gembanokami Naoshige, đây chính là người đứng ra làm trung gian lo liệu thu xếp mọi việc tìm quan chức cho Musashi khi đến Nagoya. Chẳng bao lâu sau khi Gembanokami liên lạc với các nhân vật quan trọng trong phiên thì Musashi đã vào thành Nagoya rồi và xảy ra chuyện như dưới đây được rất nhiều người biết đến.
Trong phiên Owari thuộc Nagoya này có nhân vật Yagyu Hyougo Nosuke Toshiyoshi đang giữ chức Kiếm thuật chỉ nam năm trăm hộc. Nhân vật này nhận được ấn chứng của kiếm phái Yagyu Shinkage Ryu chính thống của Yagyu Sekishusai và thiên hạ vẫn đồn rằng, Hyougo Nosuke còn lợi hại hơn cả thúc phụ Tajima Nokami Munenori ở Edo.
Một hôm Musashi tình cờ đi ngang qua Hyougo Nosuke trên con phố dưới thành. Trước đây cả hai đều chưa từng gặp nhau nhưng Musashi chỉ lướt mắt qua là biết ngay đó là Hyougo Nosuke. Mà Hyougo Nosuke cũng chợt nhận ra rằng, trên đời này lại có người kinh khủng đến thế sao. A, hay là Musashi…
Chuyện các binh pháp gia gặp nhau ngoài đường chỉ một lần như thế này cũng nhận ra nhau không phải là ít, chuyện này lan truyền đến nhà Owari rồi lọt vào tai chúa phiên Yoshinao.
– Vậy là Musashi muốn phụng sự cô sao?
Vị chúa trẻ Yoshinao rất đỗi vui mừng, truyền rằng muốn tận mắt chứng kiến tài năng của Musashi. Yoshinao là con thứ chín của Ieyasu và là tổ đầu tiên của họ Tokugawa ở Owari, đây là nhân vật thông minh lanh lợi, lại quan tâm lưu ý đến võ bị, yêu thích binh thuật. Bản thân Yoshinao sau này cũng nhận được ấn chứng từ Hyougo Nosuke. Nhưng chúa Yoshinao không hề thiên vị mà luôn tỏ thái độ công bằng với các phái kiếm trong phiên.
Hôm đó, chúa chọn ra hai, ba người trong số hầu cận thân tín của mình cho đấu với Musashi. Địa điểm là võ đường mà con em võ gia trong phiên vẫn luyện tập.
Musashi mượn thanh mộc kiếm bước vào trận. Dĩ nhiên đây chẳng phải là một trận đấu nặng tính thắng thua. Đối phương nhiều lần đánh dứ nhưng Musashi vẫn cứ đứng yên bất động, vào thế Seigan thủ kiếm trước mặt. Đối phương không chịu nổi nữa liền xông đến, bổ một nhát từ trên xuống nhưng lạ thay, thanh mộc kiếm không hề chạm đến thân thể Musashi mà Musashi cũng không hề di động.
Vậy là công phu tuyệt kĩ gì, chỉ thấy mũi kiếm luôn giữ thăng bằng trước mắt Musashi mà thôi. Lần này tên cận vệ thét lớn rồi đánh tới nhưng thanh kiếm gỗ chỉ trượt qua trước mắt Musashi. Khi vừa hoàn hồn thì đã thấy mộc kiếm của Musashi đã chạm nhẹ trên đầu rồi. Thật là một tuyệt kĩ thần tốc.
Tên cận vệ tiếp theo rút kinh nghiệm từ thất bại của kẻ trước, vào thế thủ Seigan đứng im bất động. Musashi cười gằn rồi hai tay cầm song đao vẽ thành đường tròn, lầm lũi tiến lên lấn áp đối phương. Tên cận vệ không đánh mà lui dần, rồi cuối cùng bị dồn vào chân tường, mặt trắng bệch, toàn thân đẫm mồ hôi, hơi thở dồn dập, vai bắt đầu run rẩy. Musashi thấy đã đến lúc thích hợp, lùi lại một bước chân rồi huơ mộc kiếm lên thế thượng đoạn, ánh mắt toát ra sát khí đáng sợ:
– Eitt!!!
Musashi vừa thét Kiai, đối phương đã thất thần đổ sụp xuống.
Những kẻ quan sát trận đấu như bị cuốn hút vào tuyệt kĩ diệu thuật này. Nhưng có một người không say. Đó chính là Yoshinao. Hôm sau chúa cho gọi Daidouji Gembanokami đến:
– Cô đã thấy tài nghệ của hắn rồi. Quả thật là khắp Nhật Bản khó có kẻ bì kịp. Nhưng ngoài kĩ năng ra thì còn có chỗ để sử dụng thiên tính, khí lực. Binh pháp vốn là gì, đó là nếu học cái đạo lý đó thì cho dù là kẻ phàm phu tầm thường đi nữa, thì cũng sẽ đạt đến một mức độ nào đó của nó. Nhưng sức mạnh của Musashi quả là không nằm trong cái đạo lý thông thường.
Yoshinao đã thừa nhận tố chất thiên tài bất xuất thế của Musashi. Nhưng liệu thiên tài này có giúp ích được gì cho thế gian hay không thì lại là chuyện khác. Yoshinao đã hình dung được giá trị của Musashi nếu như được đưa vào tổ chức, bộ máy nhà nước, xã hội của thế gian.
Thứ nhất là, Musashi không thích hợp với một chức quan dạy “kĩ”, “nghệ” như có nói trước đây. Thứ hai là tướng mạo dị thường của Musashi. Yoshinao đã nhìn thấy:
– Đối với kẻ dung mạo dị thường thì trong nhân cách hắn có chỗ cực đoan. Chắc là Musashi không thể trở thành đại tướng thống lãnh ba quân được.
Vấn đề thứ ba chính là nguyện vọng về bổng lộc, thân phận của Musashi. Như trước đây, đã từng thông qua Gembanokami mà rằng:
– Thời trẻ mỗ từng xông pha nơi trận mạc, lại học qua quân sự, điều binh khiển tướng.
Tức là nhấn mạnh rằng mình muốn tham gia vào mặt quân sự, trở thành tham tá, quân sư về mặt chính trị trong phiên chứ không muốn kết thúc bằng một chức Chỉ nam tầm thường. Nhưng về điểm này thì Yoshinao chẳng cần đến, vì lai lịch thực lực như thế nào không ai rõ.
– Nhưng này Gembanokami, cô cũng không bảo là sẽ không sử dụng Musashi. Nhưng không biết hắn muốn lương bổng thế nào.
– Dạ…
Gembanokami lau mồ hôi, dường như có điều khó nói:
– Bẩm, là trên ngàn hộc.
– Như vậy là không trùng với những gì cô nghĩ. Đối với nhà ta, thì cái chức Chỉ nam võ nghệ thì khi mới bắt đầu cũng chỉ dưới năm trăm hộc mà thôi. Hyougo Nosuke cũng vậy không khác. Cô không thể vì một mình Musashi mà làm trái lệ được.
Đối với Yoshinao thì chức Chỉ nam chẳng qua chỉ là một kiểu giáo viên dạy kĩ thuật chiến đấu cho từng người từng người mà thôi. Còn bổng lộc vạn hộc chẳng phải là bậc đại tướng thời chiến thống lãnh ba quân, thời bình thì biết cách thi hành chính trị mà vỗ về an dân hay sao. Nhưng giới võ nghệ như Musashi lại là một đẳng cấp khác.
Daidouji Gembanokami rời thành liền đem chuyện này kể lại với Musashi.
– Vậy sao.
Musashi nín thinh. Chính vì trông đợi nhiều vào một chức quan của nhà Owari, nên trên mặt Musashi hiện lên một nỗi thất vọng mà Gembanokami cũng không dám nhìn. Thế gian quả là không ngọt ngào đơn giản như Musashi nghĩ. Một lát sau mới nói:
– Chẳng còn cách nào khác. Vậy là mỗ không có duyên với nhà ta nên đành chịu vậy.
– Các hạ đừng nói vậy. Nếu các hạ chịu nhận mức năm trăm hộc ban đầu thì thế nào. Đây chỉ là bổng lộc ban đầu khi mới nhậm chức, hình như là có gia tăng về sau này…
Musashi ngước mắt lên nhìn:
– Như thế thì còn mặt mũi nào.
Rồi chẳng bao lâu sau, Musashi dẫn theo mấy người đệ tử cùng dưỡng tử Miyamoto Iori mới hơn mười tuổi rời thành Nagoya đi về phía Tây.
Watanabe Kouan ngồi ở thành Sunpu nghe được tin này, dường như cảm thấy được nỗi bất hạnh của Musashi. Chính vì Musashi quá mạnh. Musashi đã có danh tiếng và trở nên cao kỳ tự đại. Lòng tự tôn tự đại và thân hình to lớn dị thường đó chẳng thể nào hợp với thể chế, tổ chức của thế gian.
Sau đó Musashi đến thành Kuroda ở Chikuzen Fukuoka lưu lại một thời gian dài.
Nhà Kuroda là một Daimyou cỡ lớn bổng lộc trên năm mươi vạn hộc. Đây là một phiên hùng mạnh chỉ sau nhà Shimazu ở Kyushu mà thôi. Sau khi chí nguyện thứ nhất, thứ hai đổ vỡ thì Musashi chỉ có thể gửi hi vọng vào đây mà thôi. Cũng là vì lúc bấy giờ Musashi cảm thấy tinh thần sảng khoái lạ thường.
Khai tổ nhà Kuroda là Kanbei Yoshitaka, hiệu là Josui, vốn là người vùng Banshu, trong phiên có nhiều tổng quản cũng là người Banshu như nhà Kuriyama, Suga và Mori.
Phía mẹ của Musashi thuộc dòng Bessho là một danh gia vọng tộc ở Banshu, nên Musashi cũng tự xưng là “con cháu họ Akamatsu vùng Banshu”. Akamatsu là tổ họ Bessho. Vì vậy mà trong phiên Kuroda này có nhiều họ thân thích với Musashi, nên dĩ nhiên là cảm thấy thân thuộc như quê hương hơn là đất Edo hay Nagoya.
Musashi đến cư ngụ tại nhà một người bà con của tổng quản Suga là Funabiki Gyoubu và dạy võ nghệ kiếm pháp cho bọn võ sĩ trẻ trong phiên mà sống qua ngày. Họ Funabiki này vốn cũng phát tích từ làng Funabiki vùng Banshu. Tổ phụ của Gyoubu là Mokuzaemon theo thờ họ Shinmen, vì vậy về quan hệ thì là đồng liêu với ông Munisai. Vả lại Mokuzaemon cũng đã từng theo Munisai học binh pháp nên Musashi nương vào duyên này mà đến cư ngụ nhà Funabiki.
Gyoubu là người thân thiện, đồ chừng là Musashi đến Fukuoka này ắt có ý muốn tiến thân chi đây, nên một ngày nọ thử thăm dò ý tứ Musashi, thì quả nhiên là Musashi có bóng gió về việc đó.
– Thế tiên sinh mong muốn bổng lộc như thế nào thì vừa?
– Xin ngài hãy suy xét cho.
Musashi tủm tỉm cười, ánh mắt khôn ngoan khó lường đến nỗi Gyoubu phải giật mình.
– Chẳng là tại hạ có điều này muốn nói cho ngài biết. Trước đây tại hạ cũng từng đến cầu cạnh một chức vụ nho nhỏ ở phủ Tướng Quân.
– Ồ, vậy sao.
– Nhưng rồi có nhiều chuyện xảy ra nên mộng lớn không thành.
Gyoubu đồ rằng vào ban đầu thì Musashi sẽ đưa ra cái giá năm sáu trăm hộc gì đấy, nhưng sau lại kinh ngạc vì cốt cách võ sĩ cao kỳ, tự đại hơn mình nghĩ.
– Sau lại đến cầu cạnh ngài Dainagon ở Owari nhưng không hợp lúc nên cũng không theo.
– Hóa ra là vậy.
Từ chuyện này có thể thấy địa vị nhà Kuroda không phải là cao lắm. Họ Kuroda này vốn là Daimyou theo chính quyền Tokugawa sau trận phân tranh ở Sekiga Hara nên không được Ieyasu trọng dụng lắm. Gyoubu nghĩ rằng nếu không đưa ra cái giá thật cao thì khó lòng mà giữ chân Musashi được.
– Thế ba ngàn hộc thì tiên sinh thấy thế nào?
Musashi không trả lời đồng ý hay không, chỉ tủm tỉm cười. Gyoubu thấy đối phương không nói thẳng chuyện bổng lộc ra miệng nên rất lấy làm cảm kích. Thế thì vận động giúp hắn một phen vậy.
Nhưng Gyoubu nghĩ rằng nếu đem chuyện này ra bàn bạc với bọn trọng thần trong phiên, thì dễ gì họ đồng ý cho một võ sĩ giang hồ từ đâu đến nhận mức bổng lộc ban đầu là ba ngàn hộc. Thành ra mới trực tiếp bẩm với chúa phiên là Tadayuki. Chúa Tadayuki này không phải là người minh mẫn sáng suốt như chúa Yoshinao của phiên Owari, hay nói cách khác, thì đây là nhân vật nhẹ dạ cả tin dễ bị gạt. Ở điểm nào đó thì Gyoubu đã lợi dụng sự cả tin của chúa.
– Musashi?
Quả là Tadayuki không hề hay biết gì về tên tuổi nổi cồn này. Gyoubu ra sức thuyết giảng rằng, nào là Musashi là kiếm sĩ số một Nhật Bản, nào là nếu như mời được người này phụng sự cho mình thì còn gì vinh dự bằng. Gyoubu lại còn thêm:
– Nếu như người này nắm chức Chỉ nam dạy võ nghệ cho thế tử Tsuchiman thì chúa công thấy thế nào?
Tadayuki là người hết sức chiều chuộng con cái, nhấp nháy đôi mắt. Ồ, quả nhiên là đúng như Gyoubu dự đoán.
– Chuyện này thật lạ.
Tadayuki vỗ đùi đắc ý rồi nhanh chóng cho vời triều thần lại bàn bạc. Nhưng bọn trọng thần ai nấy đều nín thinh không nói nửa lời. Ba ngàn hộc chẳng phải là bổng lộc của trọng thần đời đời theo gia tổ Josui vào sinh ra tử gây dựng nên nhà Kuroda đó sao. Mà số trọng thần được hưởng mức bổng lộc đó quyết chẳng phải nhiều.
Cả bọn ai nấy đều nghĩ rằng, dù Musashi có là nhân vật tiếng tăm đến đâu chăng nữa nhưng chỉ là một binh pháp giả, đối với nhà Kuroda thì chẳng có công trạng gì, nên nếu nhận bổng lộc đó mà lấn át triều thần thì lắm kẻ không phục. Nhưng cũng chẳng ai dám dị nghị nửa lời là vì cả bọn đều biết tính khí dễ kích động của Tadayuki.
Bọn triều thần cáo lui rồi họp nhau lại bàn bạc, cử ra một người lại xin vào yết kiến Tadayuki.
– Chúa công cử dụng Musashi thì thật là điều đáng mừng.
– Ngươi cũng nghĩ thế sao?
– Nhưng chúa công đã từng giáp mặt người này bao giờ chưa?
– Chưa. Hắn là người như thế nào?
Tadayuki sinh tâm hiếu kỳ. Viên triều thần kia thừa thế tấn tới:
– Xét về hình tướng, hai hốc mắt của hắn lõm sâu như hai nắm tay, cặp mắt tam giác phát ra nhãn quan sắc bén khủng khiếp vô cùng, gò má nhô cao, hắn không hề cạo râu mà để nó mọc dài rồi xoắn thành cuộn. Cả đời Musashi cũng không hề tắm rửa nên toàn thân bốc xú khí, móng tay cũng không gọt giũa mà tóc tai cũng không hề chải chuốt gọn gàng. Đầu hắn cũng to lớn dị thường, thân thể cao gần sáu thước. Thật là dị hình dị tướng.
– …
Nét mặt Tadayuki biến đổi như đang nín thở, chắc là đang tưởng tượng ra loài yêu ma quỷ quái nào đấy.
– Vì là người tướng mạo dị thường nên đàn bà con nít không ai dám đến gần.
– Vậy chắc là Tsuchiman trông thấy không chừng lại sợ hãi.
– Thưa, thần nghĩ rằng không chỉ mình thế tử mới sợ dung mạo dị thường của người này. Cho dù có thế nào đi nữa thì thế tử cũng khó lòng mà thân thiện được. Thần trộm nghĩ cho dù Musashi có là bậc danh nhân thiên hạ vô song đi chăng nữa nhưng xét về điểm này thì chẳng có ý nghĩa gì cả.
– Lời ngươi nói chí phải.
Thế là chúa Tadayuki hoàn toàn đổi ý. Lúc này Musashi đã nhận được tin tốt rằng mình sẽ được trọng dụng, đang ở nhà Gyoubu nhận lời chúc mừng của chúng đệ tử. Chẳng bao lâu sau hay tin xấu, mọi dự định hoàn toàn sụp đổ. Ồ, quả nhiên là ta đã bị đem ra làm trò bỡn cợt rồi, Musashi nghĩ thầm.
Gyoubu vã mồ hôi, ra sức trần tình tạ tội. Musashi nhanh chóng lấy lại nụ cười rồi lễ tạ công lao khó nhọc của Gyoubu, nhưng hẳn là trong lòng chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chẳng bao lâu sau thì dẫn bọn đệ tử rời thành Kuroda. Về sau, đã thành thói quen, mỗi khi đến Chikuzen thì Musashi đều không vào thành Kuroda mà dừng chân ở Hakata, cách đấy một con sông.
Không lâu sau, Musashi cùng chúng đệ tử đến dưới thành Akashi mười vạn hộc ở xứ Banshu. Thành chủ là Ogasawara Tadazane vô cùng cảm mến Musashi, khẩn khoản giữ lại thành phụng sự mình nhưng Musashi kiên quyết từ chối. Cũng là vì đây chỉ là một phiên nhỏ mà thôi.
Lúc này Musashi chọn một thiếu niên tên là Hachigorou làm dưỡng tử. Cả đời Musashi không gần đàn bà nên chẳng có con cái gì mà chỉ nuôi hai, ba dưỡng tử. Hachigorou là một trong số đó. Nhân vật Hachigorou này là con thứ của hào nông Okamoto Kanbei, một người bà con của Musashi ở làng Kumeda, quận Innan thuộc xứ Banshu. Musashi yêu mến tài khí của thiếu niên mà nhận làm dưỡng tử.
Hachigorou khi trưởng thành thì lộ rõ tài năng chính trị, hành chính, quan liêu nên được nhà Ogasawara thu nhận. Sau khi họ Ogasawara này được chuyển đến cai trị phiên Kokura ở xứ Buzen mười bảy vạn hộc thì đổi tên Hachigorou thành Iori, đường thăng quan tiến chức thuận lợi và làm đến chức tổng quản. Mức bổng lộc cuối cùng lên đến bốn ngàn hộc.
Cuối cùng thì Iori cũng đạt đến bổng lộc mà dưỡng phụ Musashi không với tới được, nhưng trớ trêu thay là Iori đạt được không phải nhờ vào tài năng kiếm thuật võ nghệ xuất chúng, mà là nhờ vào tài quản lý hành chánh của mình.
Sau này, Musashi cũng nhiều lần ghé đến dinh thự Iori ở Kokura. Lúc này đã quá năm mươi. Trong khoảng thời gian này Musashi bắt đầu trút những nỗi u uất của mình vì không được thế gian trọng dụng vào hội họa, điêu khắc gỗ, kim loại. Lại còn chế tạo cả binh giáp và những thứ liên quan nữa.
Tất cả những tác phẩm này đều nổi bật xuất chúng, không giống những thứ mà một người thợ lơ mơ làm ra, nhưng phong cách thể hiện luôn có vẻ khắc khổ, không mềm mại đẫy đà và luôn gây ra những ấn tượng mạnh mẽ, tinh tấn dũng mãnh trong lòng người xem. Mà dung mạo của Musashi thì càng lúc càng ghê gớm hơn, chẳng khác nào những pho tượng Dạ Xoa, Hộ Pháp, Tu La cả.
Ở trung ương không đạt được chí nguyện, Musashi lại đến đảo Kyushu và lúc này thì tên tuổi bắt đầu lan truyền trong giới chư hầu các phiên ở vùng này. Bắt đầu là Ogasawara Tadazane ở Kokura xứ Buzen, sau đó là các vị chư hầu ưa chuộng binh pháp võ nghệ như Hosokawa Churi, thành chủ Kumamoto xứ Higo, Arima Naozumi ở Nobeoka xứ Hyuga, thảy đều tranh nhau mời Musashi ghé chơi phiên mình. Musashi cũng khảng khái mà đến thăm. Vậy là Musashi trở thành một danh sĩ ở địa phương.
Lúc này người kể chuyện trong tập đối thoại “Watanabe Kouan Taiwa” đã trở thành kẻ lang bạt giang hồ, không còn giữ vị trí tổng quản cho họ Tokugawa ở Suruga nữa. Chủ nhân của Kouan là Thái Thú Suruga Dainagon Tadanaga vốn là con thứ của Tướng Quân Tokugawa đời thứ hai là Hidetada, tên cúng cơm là Kunichiyo.
Thuở nhỏ Kunichiyo được phụ thân Hidetada cưng chiều hơn cả huynh trưởng, Tướng Quân hiện nay, là Iemitsu và cũng có lúc tin đồn phao rằng, Hidetada sẽ lập con thứ làm thế tử thay vì con trưởng. Khi trưởng thành, giữ chức Thái Thú năm mươi lăm vạn hộc của hai miền nhưng hành vi, ngôn động đều bạo ngược lộng hành. Sau có tin đồn mưu phản Iemitsu nên bị quản thúc ở xứ Kai.
Có lẽ tin đồn này là do phe Iemitsu ganh ghét mà dựng lên. Nhưng với tính cách của Tadanaga thì cũng khó nói rằng nhân vật này sẽ không tập hợp bọn kiếm khách giang hồ và các gia thần bất mãn với Mạc Phủ để nổi loạn, đoạt lấy vị trí Tướng Quân từ tay Iemitsu. Watanabe Kouan này được chọn ra từ trong số hàng trăm gia thần của Mạc Phủ đến thành Sunpu nhận chức tổng quản, cũng là để giám sát mọi cử động của Tadanaga. Vì vậy vị trí của Kouan là không hề đơn giản chút nào.
Tadanaga sau này bị gửi đến thành Takazaki ở Kouzuke, chẳng bao lâu sau thì bị ép phải tự vẫn ở chùa Daishinji. Lúc bấy giờ được hai mươi chín tuổi. Sau khi lãnh địa Suruga bị thu hồi thì Kouan lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa Mạc Phủ ở Edo và Tadanaga, giữa một bên là nghĩa vụ và một bên là tình chủ cũ. Lúc bấy giờ mới nếm rõ mùi đau khổ của con đường quan liêu.
Sau khi Suruga diệt vong thì nhận được mật báo từ Tướng Quân rằng hãy trở về. Kouan chỉ cười mà không theo. Hẳn là nhân vật đã từng vào sinh ra tử thời Chiến Quốc này đã bắt đầu ngán ngẩm thể chế quan liêu của thế gian. Kouan bảo sứ giả Edo rằng:
– Xin hãy bẩm lại với Tướng Quân rằng ta sẽ sống quãng đời còn lại hết lòng phụng dưỡng chủ cũ.
Lúc bấy giờ đã được năm mươi hai tuổi. Từ thuở thiếu niên đã hầu cận bên cạnh Ieyasu rồi leo đến đỉnh vinh hoa vạn hộc. Nửa đời võ sĩ như thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi, chẳng còn gì phải hối tiếc.
Thế rồi Kouan trở thành tăng lữ. Nhưng chẳng phải là thọ giới chính quy, được cấp tăng vị mà chỉ là cạo đầu rồi trở thành sa di mà thôi. Rồi Kouan phiêu bạt giang hồ, đi khắp nơi trong nước Nhật. Kouan một đời không hề túng thiếu cái ăn, chắc cũng là do Mạc Phủ ngấm ngầm phụ trợ.
Khi Kouan đến Kyushu là vào tiết cuối thu, năm KanEi thứ mười bốn. Lúc bấy giờ ở Shimabara xứ Hizen đang có nổi loạn mà tục vẫn gọi là loạn Shimabara. Cuộc nổi loạn này là sự kiện tín đồ Thiên Chúa giáo nổi dậy chống sự đàn áp của lãnh chúa Matsukura Shigeji. Tổ chức phản loạn này do tàn đảng của Konishi Yukinaga bị đánh tan tác trong trận Sekiga Hara cầm đầu, họ huy động hơn hai vạn quân là tín đồ Thiên Chúa rút vào thành chống lại chính quyền Mạc Phủ[1].
[1] Do tình hình những nhà truyền giáo Phương Tây lúc bấy giờ lợi dụng tôn giáo để can thiệp vào chính trị nên họ Tokugawa đã ra lệnh cấm Thiên Chúa giáo.
Lúc đầu, Mạc Phủ gửi thượng sứ[2] là thành chủ Nukata phiên Mikawa, Itakura Naizennoshou Shigemasa đến đàn áp cuộc nổi loạn này.
[2] Chức sứ giả đặc biệt do Mạc Phủ Edo phái đi các miền để truyền lệnh, thi hành nhiệm vụ.