Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 3 - Chân Trượng Nghĩa

trước
tiếp

Thứ gì nổi danh trong giang hồ cũng đều có lý do

đặc biệt của nó, Tích Kiếm Trang cũng không ngoại lệ.

Trời vừa tảng sáng, đám gia nhân Tích Kiếm Trang đã lục tục thức dậy, kẻ nấu nước, người quét dọn, tất bật chuẩn bị cho ngày mới. Chẳng là hôm nay Tích Kiếm Trang chuẩn bị đón khách quý.

Ngay từ chiều hôm qua, trang chủ đã cho thám mã phi suốt đêm đến Thạch Phong Các mời Lữ Toàn Long – nhị sư đệ của mình cùng ba vị trang chủ của Tứ Đại Kiếm Trang về đây hội kiến. Lâu lắm Tích Kiếm Trang mới có một ngày tất bật thế này. Tiểu Đại – một gia nhân đang quét dọn ngoài sân, nói:

– Này, hôm nay nhà ta có vẻ bận rộn nhỉ?

Người đứng bên cạnh gã là Tiểu Tam, cũng đương quét dọn, đáp:

– Hôm qua trước khi lên đường, Lý đại ca có ghé qua chỗ ta, nghe nói lần này nhị lão gia sẽ về.

– Ta thấy hôm qua thần tình của lão gia không được ổn.

– Ngươi thì biết gì. Hôm qua tại Mãn Giang Lâu xảy ra náo nhiệt, có một người thanh niên trẻ tuổi đại náo thọ tiệc của Lục đại hiệp. Chỉ là không hiểu tại sao lão gia ta lại đứng ra bảo vệ cho tên tiểu tử không biết trời cao đất dày ấy.

Tiểu Đại nói:

– Hay là….

– Suỵt, đừng nói bậy, lão Tinh mà nghe được thì ta và ngươi coi chừng cuốn gói khỏi đây sớm.

Lão Tinh mà gã nói tên thật là Trịnh Phích Tinh, là quản gia tại Tích Kiếm Trang này. Đối với trang đinh, lão thi hành gia pháp rất nghiêm nên ai cũng sợ lão như sợ cọp. Tuy Trịnh Phích Tinh chỉ mới hơn bốn mươi nhưng ai cũng gọi là “Lão Tinh”, cũng có lẽ do y quá nghiêm khắc với mọi người.

Nhắc là đến, Trịnh Phích Tinh đang từ gian nhà phía tây tiến tới. Lão nhìn Tiểu Tam một cái, khiến cho gã muốn nổi hết cả gai ốc.

– Ngươi vào bên trong phụ bày biện bàn ghế. Ở đây một mình Tiểu Đại làm là được rồi.

Hai kẻ hạ nhân không dám nói lớn, chỉ dạ một tiếng rồi làm theo sự phân phó của lão.

Trịnh Phích Tinh bước nhanh về hướng bắc, nơi đó có một bóng người, chính là Lữ trang chủ.

– Lão gia, còn căn dặn gì không?

Lữ Toàn Trung:

– Trịnh huynh đệ, ngươi chọn mấy người đi tìm tung tích của người thanh niên ấy. Nhưng cố gắng đừng để lộ hành tung.

Trịnh Phích Tinh được Lữ trang chủ đối đãi như huynh đệ, tình nghĩa thâm sâu. Trịnh Phích Tinh vốn là một cao thủ có tiếng mười mấy năm về trước, nhưng bị hàm oan, kẻ thù đuổi giết. Trong lúc nguy cấp chính Lữ Toàn Trung đã ra tay cứu lấy, đem về ẩn dật tại Tích Kiếm Trang. Cũng chính vì thế Trịnh Phích Tinh mới cảm ân sâu nghĩa dày, một lòng trung thành, ẩn mình ở Tích Kiếm Trang suốt mười mấy năm qua. Cái tên Trịnh Phích Tinh là giả, khuôn mặt của lão cũng bị làm cho biến đổi nhằm tránh sự nhòm ngó của giang hồ.

Trịnh Phích Tinh trù trừ:

– Vì một tên tiểu tử ấy, có đáng không?

Lữ Toàn Trung không đáp, râu tóc nhẹ bay trong gió, một lát sau mới khẽ nói:

– Ngươi cũng từng bị hàm oan, giang hồ đuổi giết. Chắc ngươi cũng hiểu cảm giác ấy. Hơn nữa, năm xưa ta và Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn có mối liên hệ không tầm thường. Ngày hôm nay nếu không ra tay can thiệp, sau này xuống suối vàng sao dám nhìn mặt các vị tiền nhân Tích Kiếm Trang?

Trịnh Phích Tinh không đáp, lòng khẽ dấy lên những hồi ức. Gã lách người qua lão trang chủ rồi biến mất.

Trong một góc phòng tối, một bóng người mân mê thanh kiếm, người đó thở dài:

– Xem ra hôm nay phải dùng đến ngươi rồi!

Thanh kiếm ấy trông có vẻ bình thường, hơi cũ, có lẽ do quá lâu đã không dùng đến, được đặt bên dưới bàn thờ gia tiên. Trên chiếc bàn lớn bày mười mấy bài vị, nước gỗ đã lên đen bóng, khắc tên tiền nhân năm đời Tích Kiếm Trang. Lữ Toàn Trung đốt ba cây hương đứng trang nghiêm vái:

– Đệ tử đời thứ sáu Lữ Toàn Trung, tài hèn sức kém. Cúi mong chư vị tiền bối phù trợ toàn gia được bình an!

Ba cây hương vừa được cắm xong thì phía sau cũng có tiếng người nhè nhẹ:

– Lão gia!

– Ngươi đến đấy à?

Lữ Toàn Trung không quay lại cũng biết người đến là Trịnh Phích Tinh. Căn phòng này vốn là một mật thất được thiết kế sâu vào lòng đất, bình thường chỉ có lão cùng Trịnh Phích Tinh hay lui tới. Nơi đây bài trí giản dị, hai bên bàn thờ là hai giá gỗ dài, gác trên dưới mười mấy thanh cổ kiếm. Tất cả đều do các vị tiền nhân để lại. Có thanh do chính thợ kiếm luyện cho người bổn trang, có thanh do giết được kẻ thù mà lấy. Cũng có thanh do kiếm sĩ từ các nơi đến khiêu chiến để lại. Tất cả đều là danh kiếm, tất cả chủ nhân của chúng đều bại dưới tay các đời trang chủ Tích Kiếm Trang, do vậy chúng mới xuất hiện tại đây. Đến đời Lữ Toàn Trung, lão cảm thấy làm như vậy quá tàn nhẫn. Cho nên dù đối phương có bức ép, lão cũng kiếm hạ lưu nhân, chừa cho một đường lui. Do đó, bộ sưu tập kiếm tại Tích Kiếm Trang hai chục năm nay vẫn không có gì thay đổi. Có lẽ vì vậy mà giang hồ bạch đạo rất xem trọng Lữ Toàn Trung, nhưng cũng không ít những kẻ bại dưới tay y đều cho vậy là giả nhân giả nghĩa.

Vì sao?

Vì bản ngã!

Con người luôn xây dựng cho mình một thứ bản ngã. Để rồi khi nó mất đi, nhiều người chọn cách chết theo cái bản ngã ấy. Với một kiếm sĩ, bại trong tay kẻ thù còn nhục nhã hơn là mất mạng. Lữ Toàn Trung không ít lần ngán ngẩm “Con người quả thật quá hư danh!”.

Nhưng thế sự không do con người quyết định, dẫu người đó có nhiệt huyết đến mức nào. Lữ Toàn Trung là một trong những người có nhiệt huyết. Bốn đại kiếm trang lớn nhất Đại Nam này sở dĩ gắn kết được với nhau đều do công gầy dựng của lão. Thời thế loạn lạc tất cần hào kiệt, lão không cho mình là một hào kiệt nhưng nhìn cường hào ác bá hoành hoành thì lão không chịu được. Cũng có lẽ lão sinh ra trên cõi đời này là để trợ chánh áp tà. Đã có không ít người từng nuốt hận trước Huyết Vỹ Kiếm Pháp của lão.

Huyết Vỹ Kiếm một khi rút ra khỏi vỏ thì phải uống máu. Đó cũng chính là lý do Lữ Toàn Trung ít khi nào xuất kiếm. Nhưng hôm nay, cuối cùng lão cũng phải cầm nó lên, đeo ngang hông, trông uy lẫm như một vị hộ pháp thần.

Trịnh Phích Tinh nhìn lão trang chủ nói:

– Lão gia, khách đều đã đến đủ.

Lữ trang chủ:

– Đi thôi!

Lách cách, cánh cửa bằng đá xám xịch ra, hai nhân ảnh lập tức lướt khỏi.

Bên trong phòng khách của Tích Kiếm Trang có ba vị khách mời, hai người lớn tuổi, một người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi chẳng phải là Lý Lâm Nhân, thiếu chủ của Lý gia hay sao?

Bọn họ nhìn thấy Lữ Toàn Trung đến thì lập tức đứng dậy chào. Lữ Toàn Trung nói:

– Mời an tọa!

– Chẳng hay Lữ huynh gấp gáp mời chúng tôi đến đây có chuyện gì?

Người vừa nói là Đinh Công Chính – trang chủ Tuyết Lâm Trang. Lữ Toàn Trung phất tay, đám gia nhân lập tức thối lui, hai cánh cửa phòng khách cũng được đóng lại. Lữ Toàn Trung nhìn Lý Lâm Nhân hỏi:

– Chẳng hay Lý trang chủ vì sao không đến?

Lý Lâm Nhân nói:

– Gia phụ hai đêm trước đột nhiên bị thích khách ám toán, tạm thời cần điều dưỡng nên tiểu điệt đến thay.

– Ai là kẻ đã đả thương Lý huynh?

Phùng Phi Long – vị khách thứ ba, là trang chủ Phùng Gia Trang hỏi gấp.

Lý Lâm Nhân nói:

– Hai đêm trước, gia phụ đột nhiên bị hai người bịt mặt bất kỳ xuất ý ám toán, hai kẻ ấy cũng trọng thương dưới lưỡi kiếm của gia phụ. Nhưng gia phụ vẫn chưa điều tra được lai lịch của bọn chúng.

Phùng Phi Long trầm ngâm nói:

– Đả thương được Lý nhị ca, võ công bọn chúng chắc không tệ.

Lữ Toàn Trung chậm rãi:

– Giang hồ dạo này xuất hiện quá nhiều nhân vật kỳ bí.

Lão vừa dứt lời thì gia nhân bên ngoài đã mở cửa bước vào, thái độ gấp gáp.

– Có chuyện gì?

– Bẩm lão gia, có một người trẻ tuổi tự xưng là Nguyễn Đăng Bảo xông vào. Bọn thuộc hạ cản không được.

Lữ Toàn Trung nói:

– Không cần cản nữa, mời Đăng Bảo công tử vào.

Lát sau, Nguyễn Đăng Bảo đã có mặt trong phòng khách. Gã cúi đầu thi lễ với Lữ Toàn Trung:

– Đa tạ Lữ thúc thúc đã giúp đỡ. Sự việc hôm qua nếu thúc thúc không giúp thì tiểu điệt khó mà toàn mạng.

– Mời công tử ngồi!

Lúc này chàng mới gỡ chiếc nón rộng vành đặt bên cạnh, dáng vẻ cục mịch lúc mới vào cũng biến mất hoàn toàn, thay vào đó là một chàng thanh niên anh tuấn.

Lữ Toàn Trung giới thiệu với mọi người:

– Đây là Nguyễn Đăng Bảo, di cô của Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn.

– Ồ!

Nhất thời mọi người có mặt đều kinh ngạc. Ngoại trừ Lý Nhân Lâm thuộc thế hệ sau, còn lại không ai không nhớ đến Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn anh dũng nghĩa hiệp, mấy mươi năm về trước trừ gian diệt bạo, giang hồ hắc bạch lưỡng đạo đều kính nể. Nguyễn Thái Sơn có thể được xem là một trong những cột trụ của bạch đạo. Tứ Đại Kiếm Trang giao tình không ít với Võ Lâm Đệ Nhất Bảo, cái chết của Võ Thánh hai mươi ba năm về trước quả thực cũng khiến bốn vị trang chủ cảm thấy mình có lỗi.

Nguyễn Đăng Bảo nhìn ba người kia nói:

– Tiểu điệt bái kiến các vị thúc thúc!

Lý Lâm Nhân nói:

– Gia phụ cũng thường nhắc đến lệnh tiên tôn. Chúng ta cũng xem như huynh đệ.

Nguyễn Đăng Bảo gật đầu cảm kích rồi đột nhiên quỳ trước mọi người:

– Võ Lâm Đệ Nhất Bảo năm xưa bị kẻ ác diệt đến nổi toàn gia thảm tử, mong các vị thúc thúc chủ trì công đạo, lấy lại công bình. Ơn này, tiểu điệt nguyện khắc cốt ghi tâm!

Nói đến đây chàng dập đầu binh binh mấy cái.

Phùng Phi Long vội đỡ gã dậy:

– Điều này công tử không nói chúng tôi cũng sẽ làm. Năm xưa thâm tình giữa lệnh tiên tôn với chúng tôi như thế nào ai cũng hiểu rõ.

Đinh Công Chính cũng nói:

– Thực ra hai mươi mấy năm nay, bốn người chúng tôi vẫn âm thầm điều tra vụ huyết án năm xưa, nhưng cứ đến nửa chừng rồi mất tung tích. Tất cả đầu mối đều chết một cách bất minh.

Thật ra kẻ nào đứng đằng sau vụ việc? Tổ chức nào có thế lực lớn đến nỗi có thể che được tai mắt Tứ Đại Kiếm Trang?

Nguyễn Đăng Bảo đột ngột nói:

– Lục Nhất Phong chính là Hắc Phiêu, thủ lĩnh cuộc tàn sát năm xưa.

Chàng nói câu này cơ hồ làm mọi người bật ngửa. Hắc Phiêu chẳng phải là đường chủ Nhất Phẩm Đường của Y Tâm Giáo sao?

Y Tâm Giáo là một giáo phái thần bí, nhân sĩ đều là những cao thủ nhất lưu trên giang hồ, nổi danh khoảng hơn hai mươi năm trước. Giáo phái này không chính không tà, đã hạ sát không ít cao thủ hắc bạch hai đạo.

Giáo chủ của giáo phái này cũng chưa từng xuất hiện công khai, nhưng chỉ riêng võ công những đường chủ Y Tâm Giáo cũng đủ khiến giang hồ kinh tâm động phách.

Hai mươi ba năm về trước, Y Tâm giáo lại đột ngột thất tung, khiến cho việc điều tra đi vào bế tắc.

Tiếng tăm của Hắc Phiêu ai cũng biết,

Người bị gã giết ai cũng biết,

Chỉ có lai lịch của gã thì không ai biết!

Y Tâm Giáo cũng thế, không ai biết gì về tổ chức đó, người ta chỉ biết thông qua những lời đồn trên giang hồ, mà lời đồn thì thật giả lẫn lộn. Tất cả những người bị họ giết đều là những cao thủ, danh tiếng không nhỏ trên giang hồ.

Hai mươi ba năm trước xảy ra một vụ huyết án tại Võ Lâm Đệ Nhất Bảo, Gia Định thành khiến toàn thể giang hồ chấn động, năm trăm mạng người từ già đến trẻ bị giết sạch. Ngay cả vị bảo chủ được xưng là Võ Thánh danh tiếng giang hồ cũng thảm tử. Ai cũng nghi Y Tâm Giáo có liên quan đến việc này, nhưng không điều tra được manh mối gì. Vì tất cả các đầu mối khả dĩ có thể điều tra được đều bị chết một cách bí ẩn. Cho đến bây giờ khi Nguyễn Đăng Bảo khẳng định Lục Nhất Phong chính là thủ lãnh nhóm sát thủ năm xưa thì mọi người mới rõ ràng.

Lữ Toàn Trung nói :

– Tiểu điệt, làm sao ngươi dám chắc Lục Nhất Phong chính là Hắc Phiêu ?

Nguyễn Đăng Bảo nói :

– Thúc còn nhớ người áo đen hôm qua không ?

Lữ Toàn Trung nói :

– Khinh công người ấy rất cao.

Nguyễn Đăng Bảo nói :

– Dọc đường người ấy cũng cứu tiểu điệt một lần nữa. Chính người ấy nói cho tiểu điệt rõ ngọn ngành.

Lữ Toàn Trung trầm ngâm nói :

– Con có biết người áo đen đó là ai không?

Nguyễn Đăng Bảo nói :

– Tiểu điệt không tiện hỏi.

Lý Lâm Nhân đột nhiên cắt ngang:

– Huynh đã bị thương?

Trên vai phải Nguyễn Đăng Bảo máu thấm đẫm áo, một đường đao dài còn lưu lại, tuy nhiên vừa rồi mải lo nói chuyện nên không ai để ý. Lúc này máu đã loang ra chung quanh khá nhiều.

Nguyễn Đăng Bảo nhìn Lý Lâm Nhân gật đầu, điểm liền mấy huyệt cầm máu rồi xé một mảnh vải áo buột chặt.

Nguyễn Đăng Bảo không đợi mọi người hỏi, nói luôn:

– Lúc tìm đến trang viện của thúc thúc, không may bị người của Lục phủ phát hiện, tiểu điệt đã đánh với chúng một trận mới đến được đây.

Lữ Toàn Trung:

– Vậy tung tích của con?

Nguyễn Đăng Bảo nói:

– Tiểu điệt đã hạ sát hết bọn họ.

Lữ Toàn Trung trầm ngâm:

– Thanh thế Lục phủ tại Gia Định thành này không nhỏ, tung tích của con sớm muộn gì cũng bị phát hiện.

Lão vừa nói xong thì bên ngoài có tiếng cười hắc hắc vọng vào.

Lữ Toàn Trung quát lớn:

– Kẻ nào?

Thanh âm kia lúc đông lúc tây, rồi dừng lại trên nóc khách sảnh. Liền đó một bóng đen lao ra, là Trịnh Phích Tinh, những người còn lại cũng lập tức phóng theo. Trịnh Phích Tinh đứng trên ngọn một cội bồ đề, nhìn toàn cảnh đương trường. Ngoài cửa trang viện có mấy xác người, trong đó có cả Tiểu Đại và Tiểu Tam, hiển nhiên chúng đã bị giết. Thích khách là bốn người bịt mặt đứng trên nóc nhà cùng một đám thủ hạ gần năm mươi người dưới đất, mặt mũi bặm trợn. Trịnh Phích Tinh nhìn một gã bịt mặt:

– Ngươi biết đây là nơi nào chứ?

– Tích Kiếm Trang.

– Ngươi tự tiện xông vào còn dẫn nhiều người như vậy, e chẳng có hảo ý gì với chúng ta.

Một người áo đen khác cười hắc hắc:

– Cái gì mà Tứ Đại Kiếm Trang chứ. Hôm nay bổn nhân đến để xem Tứ Đại Kiếm Trang biểu diễn mấy ngón mãi võ xem sao.

Đám trang đinh Tích Kiếm Trang lúc này cũng đã tập hợp được mấy chục người tuốt kiếm chặn trước đám thủ hạ của bốn người bịt mặt.

Bên dưới, Phùng Phi Long giận tím mặt, phóng vụt lên trên. Bốn người bịt mặt đứng trên nóc nhà, cách nhau khoảng mấy trượng. Phùng Phi Long nhằm người vừa nói ở góc trái lướt tới. Người chưa đến, kiếm trong tay đã tuốt, thanh âm ong ong như rồng ngâm, bóng kiếm loang loáng nhằm cổ của người kia đâm tới, thân kiếm hắt lên từng vạt nắng chói mắt.

Người bịt mặt kia khen một câu “Kiếm tốt”.

Chiêu thức không biến hóa nhiều nhưng nhanh mạnh, mũi kiếm chưa tới mục tiêu, lãnh khí đã bức ép đối thủ. Đây chỉ là một chiêu bình thường trong Phùng Gia Kiếm Pháp nhưng dưới thủ pháp của Phùng Phi Long lại rất nhanh lẹ. Chỉ thấy người kia cong người một cái đã bật về phía sau, trông như một cánh cung lớn. Phùng Phi Long lại không hổ danh là Phùng Phi Long, kinh nghiệm lâm trận quả không tệ. Kiếm chiêu trong tay vừa điểm tới liền dừng, xoay cổ tay một cái, thân kiếm nhanh chóng được lật ngang chém mạnh vào nửa thân trên của đối thủ. Người áo đen lúc này biết không tránh kịp, choang một tiếng, kiếm đã xuất khỏi vỏ nghênh đón Văn Tu kiếm.

Hai chân họ Phùng vừa chạm mái nhà, Văn Tu kiếm cũng vừa chém vào kiếm của đối phương, hổ khẩu tê rần. Người học võ chỉ cần dựa vào phản lực của kiếm chiêu cũng đủ biết thực lực đối phương.

Thân hình Phùng Phi Long tung lên trong gió, trông như Thái Bạch đằng vân, sử liền hai kiếm chiêu hoa mỹ, kiếm phong xé gió nhắm tới yết hầu đối thủ.

Choang choang mấy tiếng lớn, lưỡi kiếm lại chạm nhau. Phùng Phi Long ra một chiêu Long Đằng Tứ Hải gồm bảy thức biến hóa. Cứ một thức hư lại một thức thực bổ trợ cho nhau dồn ép đối thủ.

Người bịt mặt liên tục thối lui đỡ gạt. Gã thấy kiếm pháp của Phùng Phi Long vừa hoa mỹ lại vừa chặt chẽ thì biết mình đã đánh giá thấp đối thủ. Gã hú lên một tiếng dài rồi phóng người lên không đánh ra một chiêu Hắc Xà Xuất Động gồm bảy thức, thức nào cũng nhằm vào những tử huyệt trên người Phùng Phi Long. Mũi kiếm như đầu hắc xà liên tục mổ tới, vừa hiểm vừa độc, xem ra chỉ muốn lấy mạng đối phương.

Thức thứ bảy của Hắc Xà Xuất Động đâm vào mi tâm Phùng Phi Long, mũi kiếm chưa tới kiếm phong đã rít lên âm độc ghê người. Phùng Phi Long biết công lực của người này không dở.

Tuy nhiên bộ pháp của Phùng Phi Long lại không chậm, vừa thấy đối phương xuất chiêu đã đoán được vị trí tấn công, liền đảo người. Trong một khe hở như đường tơ, mũi kiếm người bịt mặt đã sượt qua. Phùng Phi Long chỉ chờ có thế, liền đánh trả một kiếm rất nhanh. Sự nhanh lẹ vốn là sở trường của Văn Tu Kiếm Pháp. Người áo đen “ối chao” một tiếng, cổ tay đã bị mũi kiếm đâm phải, máu phun ra đỏ hết cả bàn tay.

Phùng trang chủ đánh tiếp ba kiếm chiêu nữa, hùng dũng như rồng cuộn trên không, Văn Tu Kiếm ong ong ngâm lên từng tràng dài bổ nhào về đối thủ. Người áo đen nhờ nội lực có căn cơ nên tạm đỡ được vài chiêu nhưng kiếm pháp không có gì đặc sắc, thoáng chốc đã thấy luống cuống, gã liền lùi về phía sau vung mấy kiếm chiêu nặng nề phòng thủ phần trên. Phùng Phi Long điểm hai chân lên mái ngói, tà áo phần phật trong gió, kiếm tới người tới, chớp mắt đã vượt qua kiếm ảnh của người áo đen. Đây chính là chiêu Trảm Long Thủ lừng danh trong Văn Tu Kiếm Pháp.

Người áo đen thầm kêu hoảng, nội lực vội vàng ào ạt tống ra như ba đào bổ sung vào màng kiếm quang hòng chặn đường kiếm của đối thủ. Nhưng gã đã chậm mất, đường kiếm của Phùng Phi Long vừa mạnh vừa nhanh, đã kịp xé màng kiếm quang.

Phập, trên vai người áo đen máu đã chảy ra. Kiếm vừa rút, máu lập tức phun thành vòi. Phùng Phi Long nhìn người áo đen bịt mặt cười:

– Trò mãi võ của tại hạ đã làm vấy máu các hạ rồi, thật đắc tội!

Người áo đen nghiến răng, điểm liền hai huyệt trên vai, hừ nhẹ:

– Chớ đắc ý!

Nói xong, gã vứt thanh kiếm đánh choang xuống mái ngói, rồi lôi một vật gì đó trong người ra.

Rõ ràng người này không quen sử dụng kiếm, vũ khí sở trường chắc được giấu bên trong người.

Người áo đen lôi ra một thanh nhuyễn thương. Đó là thứ vũ khí biến hóa từ trường thương, gồm hai thanh đoản thương, được nối với nhau bằng một sợi xích sắt. Nhuyễn thương trên giang hồ ít thấy, mỗi người lại sử dụng một cách khác nhau, thiết kế cũng không tương đồng, chưa được xem là vũ khí trấn môn của phái nào. Phùng Phi Long cau mày, nhất thời vẫn chưa đoán được lai lịch của đối phương.

Người bịt mặt điểm chân một cái, cơ thể đã tung lên trong gió. Nhuyễn thương trong tay cùng lúc được phát chiêu, bóng thương loang loáng, uốn éo trong nắng chiều, như một con bạch xà lẹ làng mổ tới. Thương điểm bên trái, mũi thương xé gió, thanh âm nghe veo véo, lãnh khí phóng về phía trước dày đặc, không gian cơ hồ rách toạc. Phùng Phi Long vốn đã đề phòng sẵn, hai chân liền điểm lên mái ngói như chim ưng vỗ cánh, hữu thủ cùng lúc tung ra một chiêu Nghênh Tiên Khách, kiếm chiêu cũng chỉ một chữ nhanh. Người bịt mặt vừa mới phát hiện ra thì kiếm đã tới sát nút, chỉ chớp mắt hai thứ vũ khí đã bổ vào nhau.

Keng một tiếng lớn, lưỡi kiếm được lật nhanh chém xuống thân thương. Người áo đen tái mặt, xích sắt được phổ nội lực căng cứng. Phùng Phi Long đẩy nội lực sang Tu Văn Kiếm, hai luồng nội lực chạm nhau chấn động mạnh, rồi tách rời ra. Phùng Phi Long đánh một chiêu vào hạ bàn đối thủ, ngói trượt lên ngói đổ ào ào xuống đất.

Người áo đen thuận thế như chim yến lên cao rồi đột ngột bổ một đòn xuống. Đoản thương từ tay trái phóng ra, xoáy nhiều vòng trong không khí, ngân quang chói mắt, uy lực kinh hãi. Ngân thương chạm lưỡi kiếm keng keng mấy tiếng chát chúa, hổ khẩu Phùng Phi Long đau muốn nứt toác. Thương đang đà trên cao đánh xuống, gặp kiếm liền mềm ngoặt, đây cũng chính là điểm đặc biệt của loại vũ khí này. Loại vũ khí này nếu nằm trong tay người thường thì thật khó sử dụng, vì nó không cương, cũng không nhu, đánh như thương bình thường thì không ổn, sử theo lối tiên pháp càng không xong. Nhưng với một cao thủ thì biến hóa này được điều khiển ở nội lực. Nội lực đến thì cương, dừng nội lực thì nhu, lấy nhu trợ cương, lấy cương khắc địch, quả thực hiệu dụng.

Phùng Phi Long thấy Văn Tu Kiếm sắp chạm nhuyễn thương thì vận đến mười thành công lực, những tưởng so nội lực với đối thủ lần nữa. Nhưng thanh nhuyễn thương lập tức mềm ngoặt khiến lão chưng hửng, nội lực không kịp thu hồi, đã đánh vào khoảng không. Nhưng chưa hết, người áo đen bịt mặt lập tức biến chiêu, sử dụng theo lối tiên pháp, sợi xích sắt lập tức cong lại, quấn lấy Văn Tu Kiếm. Hai thứ vũ khí quấn lấy nhau khiến người xem hoa cả mắt. Phùng Phi Long giận căng mặt, cố sức rút thanh kiếm nhưng không được, liền tay trái áp đốc kiếm, nội lực ào ào truyền sang. Tuy sợi xích sắt linh hoạt nhưng chịu không được nội lực hùng hậu ấy, cơ hồ sắp đứt.

Người áo đen thấy thế thì cười nhạt. Tuy nhiên, gã không dám vận nội lực nhiều, vì nếu đấu nội lực gã biết chắc mình khó thắng được Phùng Phi Long.

Đột nhiên, người áo đen cười ha hả. Nội lực đang đấu với Phùng Phi Long đột ngột thu về, lập tức tạo thành chỗ hổng, bao nhiêu kình lực của Phùng Phi Long ào ào tràn sang. Chỉ thấy người áo đen xoáy người trong không trung, tà áo phất phới, nhuyễn thương càng quấn chặt thanh kiếm.

“Đi”, người áo đen hô lớn, rồi giật một cái thật mạnh. Văn Tu Kiếm liền tuột khỏi tay Phùng Phi Long. Nhưng gã cũng đồng thời bị luồng nội lực của Phùng Phi Long chấn vào nội thể, đoạt được kiếm nhưng cũng bị đả thương, liền hự một tiếng lớn.

Người áo đen đoạt được kiếm thì thân người vẫn còn ở trên không, liền vung tay về mé tả, thanh kiếm lập tức bay về phía xa.

Phùng gia nổi tiếng về kiếm pháp, kiếm đâu dễ tuột khỏi tay, chẳng qua hôm nay gặp phải thứ vũ khí lạ, lại bất minh lai lịch người áo đen nên thiếu đề phòng, khó tránh sơ sót. Phùng Phi Long lúc này tức đến cành hông, liền phi thân đến, đương lúc người áo đen sơ hở, vận nội lực lên hữu chưởng, ra một đòn rất nặng. Chưởng phong ẩn chứa bao cuồng nộ ào ào rít tới, nghe rợn người. Người áo đen đã bị thương, lại nhận thêm một cú trời giáng thì chịu sao thấu, ngực thóp vào, phun ra một ngụm máu lớn, nhuốm đầy người Phùng Phi Long. Phùng trang chủ đánh tiếp một chưởng, đẩy người kia qua một bên, rồi tung người đoạt lại thanh kiếm. Nhưng đồng thời lúc đó, Phùng Phi Long cũng nhận một chưởng tàn lực của người áo đen. Kiếm nằm trong tay, chân chạm mái nhà cũng là lúc Phùng Phi Long thổ ra một ngụm máu lớn, người lảo đảo rớt xuống đất.

Nguyễn Đăng Bảo lướt tới đỡ lấy Phùng trang chủ. Lão lập tức ngồi xuống điều tức. Người áo đen kia thì tệ hơn, xương cốt trong lồng ngực đã nát vụn, chỉ còn chút lực tàn, y nằm trong tay của đồng bọn, chỉ gắng sức nói được mấy tiếng “Đại ca, trả thù….”.

Vị đại ca sắc mặt trầm tĩnh, gỡ khăn đen che mặt người đã khuất, vuốt mắt gã rồi ngửa mặt lên trời than lớn:

– Tứ đệ, hôm nay Tích Kiếm Trang cũng không còn!

Trên ngọn cây bồ đề, Trịnh Phích Tinh đáp lại:

– Chính các ngươi tự gây họa thôi!

Rồi Trịnh Phích Tinh đột nhiên thay đổi sắc mặt, nhìn kỹ vào mặt người áo đen đã khuất, giọng run run:

– Là Trương Đại Tứ…!

Từng tiếng từng tiếng một thốt ra, dáng điệu lẩy bẩy, hai mắt hừng hực nhìn thẳng người kia:

– Các người có phải là Trương Gia Tứ Tướng?

Giọng Trịnh Phích Tinh chậm lại, hơi thở chậm chạp, song quyền nắm chặt, đến cả thân bồ đề to lớn chừng như cũng run rẩy dưới ý niệm của gã.

– Phải, ta là Trương Đại Nhất đây!

Người áo đen gỡ khăn che mặt, nhìn chằm chằm Trịnh Phích Tinh. Tứ đệ của gã đã bị phát giác thì gã cũng chẳng cần phải che giấu thân phận làm chi nữa. Trương Gia Tứ Tướng mười mấy năm trước cũng là những hảo hán có tiếng ở mười một trấn Bắc Thành. Bốn người đều là anh em ruột thịt: Trương Đại Nhất, Trương Đại Nhị, Trương Đại Tam, Trương Đại Tứ. Mỗi người theo học một danh sư, nhưng hành sự chung, nhất nhất kết hợp, sở trường sở đoản bổ khuyết cho nhau thành ra sức mạnh tăng thêm đáng kể. Tuy nhiên tám năm trước đột nhiên thất tung bí hiểm, tên tuổi cũng không còn được giang hồ nhắc nhiều nữa.

Trịnh Phích Tinh đưa tay trái lên, vuốt mặt, bàn tay chà sát, năm ngón tay móc sâu vào da thịt. Mọi người có mặt tại đương trường rốt cục chẳng biết gã định làm gì, chỉ có Lữ Toàn Trung là trầm tĩnh. Năm ngón tay Trịnh Phích Tinh lướt tới đâu, từng mảng da trên mặt gã liền bong ra. Dưới ánh nắng, biểu bì rơi lóng lánh như những đợt tuyết nhỏ, thật khiến người chứng kiến lạnh cả người. Cho đến khi gã dừng tay, khuôn mặt đã hoàn toàn đổi khác. Một khuôn mặt đầy sẹo, từng vết dài, chằng chịt kéo ngang kéo dọc, khiến nhân diện bị biến đổi đến nỗi không còn là mặt người. Nếu khuôn mặt này không được đặt trên một thân người hẳn sẽ giống một khối thịt bị bằm nát hơn.

Trịnh Phích Tinh lột lớp da giả xong, nhìn vào Trương Đại Nhất nói lớn:

– Ngươi còn nhận ra ta không?

Trương Đại Nhất cẩn thận nhìn, trong lòng vẫn không khỏi rùng mình về khuôn mặt của người đối diện, y khẽ lắc đầu.

Trịnh Phích Tinh xé toạc vai áo, nói lớn:

– Ngươi còn nhận ra vết đao này không?

Gã ngửa mặt lên trời cười lớn, tiếng cười to lớn nhưng ai oán não nề, ẩn trong đó mấy phần than trời trách đất. Vết chém trên vai Trịnh Phích Tinh vừa sâu vừa rộng, kéo từ vai phải vào giữa ngực. Nơi đầu vai bị chém rất mạnh, rõ ràng là vết của đại đao, lực dùng rất lớn, hẳn là một sát chiêu.

Trương Đại Nhất nhìn vết chém kia thì ngẩn người, lập tức biến sắc, giọng nói đứt quãng:

– Ngươi…chưa chết?

Cả Trương Đại Nhị và Trương Đại Tam cũng đồng thời phát hoảng.

Trịnh Phích Tinh nói:

– Khi xưa ta đối xử với ngươi không bạc, cớ sao bội tình bạc nghĩa, dồn ta vào tử lộ?

Trương Đại Nhất định thần, hồi lâu mới nói nên lời:

– Cưỡng gian sư muội, giết người bịt miệng, phản lại sư môn, giang hồ ai cũng giết được.

Giọng gã oang oang, dáng điệu đường đường chính chính, dường như để át đi sự lúng túng vừa rồi.

Trịnh Phích Tinh ngửa mặt nhìn trời:

– Ta có lỗi với tiểu sư muội, nhưng mấy tiếng “cưỡng gian sư muội, giết người bịt miệng, phản lại sư môn” đều do bọn tiểu nhân các ngươi hãm hại. Tề mỗ quyết không làm những việc ấy.

– Hừ, ai mà tin những lời ngươi nói, chứng cứ đã rành rành. Chỉ tiếc năm xưa bổn môn hành sự thiếu cẩn thận, đã để sót một tên phản đồ.

Thì ra quản gia Tích Kiếm Trang mang họ Tề, điều này bọn Phùng Phi Long, Đinh Công Chính, Lý Lâm Nhân đến lúc này mới biết. Năm xưa, người của Tích Lịch Môn ở Bắc Thành từng đuổi giết một phản đồ. Kẻ ấy cưỡng dâm sư muội của mình, lại hạ độc thủ những sư huynh đệ phát giác vụ việc, khiến toàn thể môn phái nổi giận, truy lùng từ nam chí bắc. Cuối cùng người này chống cự không nổi, nhảy xuống vực sâu tự vẫn, tiếng nhơ để muôn đời. Kẻ ấy chính là Tề Thiên Lang – người đang đứng tại đây.

Tề Thiên Lang chỉ mặt Trương Đại Nhất:

– Ngươi thầm yêu sư muội nhưng không được đáp lại nên sinh oán hận với ta, lại cùng đám tiểu nhân trong môn phái ngậm máu phun người. Thanh danh ta chẳng có gì đáng kể, chỉ tội tiểu sư muội mang tiếng nhơ, đến cả sư phụ cũng bị các ngươi bịt mắt.

Trương Đại Nhất nghe đến đó thì cười rít lên:

– Chỉ tiếc tiểu sư muội đã là người của ta, lão sư phụ lại sớm quy tiên. Ha ha… việc năm xưa sớm đã chìm trong bóng tối. Nếu ngươi muốn giải oan thì mau xuống gặp Diêm Vương lão gia mà kiện cáo… Để ta tiễn ngươi một đoạn nhé!

Gã nói xong câu đó thì thân hình tà tà bay xuống, áp về phía Tề Thiên Lang, đại đao cầm tay rít gió bổ tới.

Đó là một thanh đao lớn, lưỡi rộng và dài hơn những thanh đao bình thường, toàn thân một màu đen sì, cán dài bằng một cánh tay, chính là thanh Tích Lịch Đại Đao nổi tiếng của Tích Lịch Môn. Tích Lịch Môn là một môn phái có thực lực ở mười một trấn Bắc Thành, truyền được ba đời, Trần Minh Công thuộc đời thứ ba, Trương Đại Nhất chính là đời thứ tư.

Lẽ ra chức chưởng môn này phải thuộc về đại đệ tử Tề Thiên Lang. Nhưng sau vụ án “cưỡng dâm sư muội”, gã bị đuổi giết, chết không thấy xác. Nên khi lão môn chủ qua đời, liền được truyền lại cho nhị đệ tử Trương Đại Nhất.

Trương Đại Nhất dưới mắt người giang hồ là một người đàng hoàng, hết lòng vì Tích Lịch Môn, là kẻ tố cáo vụ án Tề Thiên Lang ra ngoài, cũng là kẻ nhiệt tâm nhất trong chuyện tra án năm xưa. Gã lại không tị hiềm tiếng sư muội mà cưới làm vợ. Có ai ngờ lại là một kẻ lừa thầy phản bạn, mưu sâu giá họa đồng môn.

Tề Thiên Lang hét lớn:

– Hôm nay ta phải phanh thây ngươi thành trăm mảnh, mang đầu về tạ tội cùng tiểu sư muội, làm rõ cái oan năm xưa.

Tề Thiên Lang nói xong thì bóng đại đao cũng ào ào quét tới. Hai tay Trương Đại Nhất nắm chặt cán đao, huy lộng đao quang, lưỡi đao to lớn phạt tới, khí thế trùng trùng. Tề Thiên Lang dịch chân, người vút lên cao, dưới chân cành cây đã đứt lìa, tàng lá đổ xuống dưới đánh rầm một tiếng. Một đao chém hụt, Trương Đại Nhất hét lớn, đạp chân vào một cành cây khác phạt lưỡi đao vào trung thân đối thủ. Tề Thiên Lang liền rút kiếm chém mạnh vào lưỡi đao.

Trương Đại Nhất biến chiêu, đánh ra một chiêu Ô Long Hí Nguyệt chém vào hạ bàn đối phương. Đao phong như sấm động, vù vù bức tới. Chỉ thấy Tề Thiên Lang hơi trầm người xuống, đánh ra một chiêu Lôi Vũ Phong Vân trong Tích Lịch Đao Pháp, lưỡi kiếm đã chém vào sống đao nghe “choang” một tiếng. Trương Đại Nhất hổ khẩu tê rần, lòng thầm kinh hãi.

Tề Thiên Lang lại đánh ra một chiêu Tấn Đả Trung Lang, lưỡi kiếm lạnh lẽo lập tức bổ xuống đầu Trương Đại Nhất. Tuy Tề Thiên Lang dùng kiếm, nhưng Tích Lịch Đao Pháp vẫn không kém phần uy lực. Choang choang, đao kiếm lại chạm nhau tóe lửa. Chấn lực khiến Trương Đại Nhất giật nảy mình. Gã không ngờ đại sư huynh của mình vẫn còn sống, hơn nữa võ công lại còn tăng tiến hơn xưa.

Kiếm trong tay Tề Thiên Lang được ghì sát lưỡi đao đẩy tới, xoẹt xoẹt từng dải tia lửa bắn ra không trung, chớp mắt đã chạm đốc đao. Đây chính là chiêu Di Hoa Tiếp Mộc trong Tích Lịch Đao Pháp. Trương Đại Nhất biết đối phương định áp sát đốc đao, giở nội lực hòng đoạt lấy, liền xoay mạnh cổ tay vặn đao. Leng keng mấy tiếng lớn, đao kiếm liền tách rời, hai người đã hạ thân xuống đất.

Lúc này, Trương Đại Nhị, Trương Đại Tam cũng đã tham chiến. Trương Đại Tam nhằm Đinh Công Chính xuất song đao, Trương Đại Nhị nhằm Lữ Toàn Trung xuất đại thiết phủ. Bọn thuộc hạ năm mươi tên thì nhằm Lý Lâm Nhân, Nguyễn Đăng Bảo, cùng đám trang đinh Tích Kiếm Trang đánh tới.

Nguyễn Đăng Bảo tay xuất luôn hai quyền nặng tống một đại hán ra xa, chỉ nghe rắc một tiếng, xương sống kẻ ấy đã gãy lìa. Nguyễn Đăng Bảo lại lách người tránh khỏi lưỡi đao lạnh toát từ phía sau. Đao của người đó chưa kịp biến chiêu thì cánh tay đã gãy nát, người sử đao rú lên kinh hãi. Đám trang đinh Tích Kiếm Trang khoảng ba mươi người hiện đang đánh nhau kịch liệt ở mé Tây, che chở cho Phùng Phi Long, chốc chốc lại có người ngã xuống.

Lý Lâm Nhân và Nguyễn Đăng Bảo mỗi người bị hơn mười đao thủ bao vây, quần nhau quyết liệt. Nếu đơn đả độc đấu thì hai người bọn họ không sợ gì, nhưng bọn này tiến thủ đều theo quy củ, kẻ tấn công người bọc hậu rất ưng ý, dường như đã không ít lần luyện tập, khiến hai chàng tốn không ít thời gian.

Lại thêm một tiếng rú đau đớn nữa, cổ tay cầm đao của một đại hán đã nhuốm đầy máu. Lý Lâm Nhân thừa cơ đâm luôn một kiếm ghim cứng vào thân cây, bảy tên đứng bên cạnh nhất loạt sững sờ. Nhưng dường như có một mãnh lực tác động, chúng lại lao lên như một bầy sài lang hung dữ, lăn xả không chút sợ hãi. Thêm ba kẻ gục ngã nữa thì bên hông Lý Lâm Nhân đã bị một vết chém lớn, mất máu khá nhiều, chiêu thức có phần chậm lại.

Nguyễn Đăng Bảo bị năm tên vây quanh, đao phong rát rạt, liền phóng lên cao, sử dụng Uyên ương liên hoàn cước đá bay hai gã đại hán ra xa. Một bóng đao vừa chém tới, người chàng đã kịp cong như cánh cung, hai tay quắp thành thế ưng trảo, đoạt liền loan đao, đao đã kề cổ người kia, chết tuốt. Nguyễn Đăng Bảo cố dịch về phía Lý Lâm Nhân nhưng bọn đại hán biết ý, cố tình ngăn hai người, hòng tiêu diệt từng kẻ một. Nguyễn Đăng Bảo hét lớn, rút ra thanh cửu tiết tiên, người còn trên cao, đã múa xoay tròn, hộ khắp cơ thể. Cửu tiết tiên vũ lộng, gió xoáy vù vù, khí thế như triều dâng, nhằm vào năm đại hán chung quanh cuốn tới. Từng tràng thanh âm “leng keng” chấn áp tinh thần bọn đại hán, bóng tiên trập trùng như muôn nghìn đá núi bắn tới. Năm tên đại hán liều thân múa đao lăn vào, “keng keng” cả năm thanh đao đều bị bật ra, mặt mũi tên nào tên nấy cũng đầy máu. Người Nguyễn Đăng Bảo xoay tròn, bóng tiên mịt mù như một cột lốc lớn, cuốn thẳng về phía Lý Lâm Nhân. Đám đại hán, tên nào tên nấy đều óc vỡ đầu văng, thật kinh hồn táng đởm!

Trương Đại Tam song đao đã mất một, lại bị một đường kiếm ngang ngực, tay bịt lấy vết thương lảo đảo. Hai người chỉ mới đánh có bốn chiêu nhưng đã rõ được thua.

Về sức vóc thì Trương Đại Nhị là to lớn nhất trong bốn anh em. Thân gã không khác nào một vị hộ pháp sống. Từ nhỏ gã đã tầm sư luyện búa, sử dụng đến thuần thục. Chính cây đại thiết phủ to nặng đã theo gã tung hoành một dải Bắc Thành, cùng mấy anh em xưng bá một phương. Trương Đại Nhị vốn tự đắc về phủ pháp và sức vóc của mình, vung đại thiết phủ nặng đến hai trăm cân vù vù bổ tới. Thế phủ vừa nhanh vừa độc, chỉ hòng hạ sát Lữ Toàn Trung.

Đại thiết phủ bổ xuống một chiêu Khai Sơn Phủ, bóng búa trập trùng trên đầu đối phương. Chỉ thấy Lữ Toàn Trung đi xéo qua trái mấy bước, nhân ảnh đã mất dạng. Trương Đại Nhị cảm thấy hoa mắt, liền biến chiêu, một chiêu búa truy kích quét vào trung thân đối phương. Lữ Toàn Trung tính toán thật chuẩn xác, vừa đi xéo qua trái năm bước thì đã uốn người như cây liễu trước gió. Chính lúc ấy, lưỡi phủ của Trương Đại Nhị quét qua, liền bị trượt mất. Trương Đại Nhị vốn tự phụ vào phủ pháp của mình, thấy vậy thì giận lắm nhưng thế phủ đã đi quá đà, không cách nào biến chiêu kịp.

Lữ Toàn Trung lúc này đương cong người liền bật dậy, kiếm trong tay còn cả vỏ đập vào thân phủ “ong ong” mấy tiếng lớn. Lữ Toàn Trung chính là dùng nội lực thông qua thanh kiếm đánh vào thân phủ bằng thép. Trương Đại Nhị cảm thấy như bị cuốn vào một cơn lốc xoáy, hai tay cầm phủ cảm thấy tê dại. Cây đại thiết phủ đang đà đi tới nay lại được Lữ Toàn Trung bồi thêm lực thì gã làm sao chịu nổi, liền bị kéo bổ nhào tới trước. Trương Đại Nhị phải vận dụng đại lực và thiên cân trụy mới níu giữ được cây búa nhưng gã vẫn bị kéo lê đến mấy trượng. Dưới nền đất cứng đã hiện rõ hai đường đất bị cày xới lên.

Trương Đại Nhị tức đến nổ đom đóm mắt, quát lớn một tiếng, lại vũ lộng đại thiết phủ, nhằm Lữ Toàn Trung bổ tới. Lữ Toàn Trung vẫn không xuất kiếm, chỉ tránh né cây phủ. Nhưng lão càng không xuất kiếm, Trương Đại Nhị càng hăng máu, thế phủ lại thêm phần hiểm độc. Trương Đại Nhị liền dồn hết sức bình sinh vào một sát chiêu, chiêu sát thủ này gã đã luyện thuần thục, nhưng chưa từng sử dụng đến. Lữ Toàn Trung là người có danh tiếng, nên cũng có thể gọi là ưu ái. Họ Lữ chỉ một mực tránh né, nhưng Trương Đại Nhị đâu phải như bọn giang hồ tầm thường, làm sao né mãi được. Cuối cùng, lão đành đứng im chờ đợi.

Đại thiết phủ đang bổ tới, sức mạnh tan bia nát đá, lưỡi búa trập trùng, kình phong dữ dội. Lữ Toàn Trung vẫn đứng im tại chỗ, chỉ còn cách một đà búa, bóng búa tràn ngập trên đầu. Lữ Toàn Trung lúc này lại hoàn toàn bất động, hoàn toàn thư thái. Trương Đại Nhị thấy thế thì cười thầm “Hôm nay ngươi chết chắc”.

Nhưng búa vừa tới sát đầu Lữ Toàn Trung thì gã biết mình đã lầm, người liền khựng lại, cổ họng không biết từ lúc nào đã bị một thanh kiếm lạnh lẽo xuyên qua. Một dòng máu nhỏ xuống nền đất, miệng gã há ra kinh ngạc nhìn đại thiết phủ đổ ngập trong nền đất cứng, lún đến tận cán. Không ai biết Lữ Toàn Trung xuất thủ như thế nào, chỉ thấy thanh cổ kiếm có chút lay động rồi được tra vào vỏ. Trong không gian vẫn còn nghe những tiếng “ong ong” chưa dứt của Huyết Vỹ Kiếm.

Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Một tích tắc là một mạng người!

Cũng đã lâu lắm rồi, Huyết Vỹ Kiếm mới xuất khỏi vỏ. Người bắt Huyết Vỹ Kiếm xuất khỏi vỏ kể cũng có thực lực, nhưng dù thực lực đến đâu vẫn chết trong một chiêu. Kỳ thực, Lữ Toàn Trung chỉ một mực tránh né, nhưng Trương Đại Nhị vừa lâm trận đã sử liên tiếp những sát chiêu, ào ào đánh tới bất kể cả tính mạng, thật giống một kẻ điên. Để lại một kẻ điên như thế chỉ gây họa cho võ lâm. Vì thế gã phải chết !

Chiến tranh chỉ kết thúc với người chết!

Cái chết của gã lập tức khiến cục diện thay đổi. Trương Đại Nhất đang một trận sinh tử với Tề Thiên Lang liền chậm chiêu, phi thân đến ôm lấy xác em trai. Trong một trận chiến ngắn ngủi, hai thủ lĩnh đã ra đi, đám thủ hạ chỉ còn một phần ba, quả là hao tổn nặng nề.

Lúc này, đám môn hạ Tích Kiếm Trang đã chết mất mười mấy người, số còn lại đều đã trọng thương. Bên Trương Gia Tứ Tướng thì còn hơn hai mươi người, nhưng thắng thua thì ai cũng rõ. Trương Đại Nhất cùng lúc mất hai đệ đệ thì căm phẫn lắm, chỉ muốn phanh Lữ Toàn Trung làm trăm mảnh. Nhưng lão cũng là một người biết thời thế, liền ra lệnh cho đám thủ hạ rút lui, cắp lấy xác hai đệ đệ vượt qua khỏi tường.

– Thù này lần sau sẽ tính một lượt!

Tề Thiên Lang hét lớn “Chớ chạy”, liền phi thân đuổi theo. Nguyễn Đăng Bảo cùng Lý Lâm Nhân lướt theo sau. Nhưng ba người chưa kịp đáp chân xuống bờ tường đã bị một đám mưa tên rào rào ập tới, đều là thứ tên dài và nhọn hoắt. Ba người huy lộng vũ khí đẩy bật đám tên qua một bên, ghim cứng vào tường, hết lượt tên này đến lượt tên khác. Thì ra bên ngoài xuất hiện thêm một đám bịt mặt chừng mười người, đều sử loại cung lớn, tên dài, mỗi lần giương lắp liền ba mũi, liên tục bắn tới. Nhưng đám người này chỉ cốt ngăn cản sự truy đuổi của bọn Tề Thiên Lang chứ không có ý tham chiến, chốc lát đã đi xa.

Ấy chính là:

Việc nghĩa không từ mới là chân trượng nghĩa

Ân đền oán trả, giang hồ dậy sóng từ đây.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.