Minh Thần đi dọc theo các be, giường, sập, dòm từng thân xác chết khô, trên khuôn mặt, dáng thân, vẻ điệu, còn nguyên vẹn nét đau đớn khủng khiếp. Kẻ reo ngược hai ngón chân cái lên xà nhà, kẻ đang đấm đá vào vách tường, người húc đầu vào vách, kẻ ôm bụng rên la, người trợn mắt há hốc mồm nằm dãy dụa, nhiều kẻ cầm chày vồ nện vào thân xác, tứ chi như các ông đạo tu khổ hạnh ép xác, có người thắt cổ treo lơ lửng, nhiều kẻ dùng hai tay bóp cổ, lưỡi thè lè, mắt trợn ngược, lắm kẻ phát cuồng xé rách bươm quần áo, cười khóc lung tung.
Những hình gầy xác ve nam nữ, già trẻ, sang hèn đủ loại, nhiều tín đồ chỉ còn bộ xương sau tháng năm phụng sự Thần Yên, cũng có kẻ mập bung người như sũng nước, đủ mọi hạng, đủ mọi sắc dân, đủ mọi thứ mặt biểu lộ sự đau đớn khủng khiếp vì “dám cả gan” chống lại Tổ Nương Thần Ma Giáo và đang bị Thần hành…
– Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng, kẻ nào đã nhập Ma Túy giáo, khó lòng ra nổi! Họ đã gục ngã trước hình phạt của Tổ Nương Thần. Còn một số thì đã đầu hàng Thần Tổ Nương, khi được Thần về gọi đệ tử quay về, trong giấc mơ, trong ảo giác hay trong thực cảnh.
Thánh Y Lãn Ông vừa nói vừa dẫn Minh Thần đi sâu vào nội tẩm. Chàng trai đưa mắt ngó, thấy những xác đệ tử Yêu Thần nằm thẳng cẳng, sau cơn vật vã vì thiếu chất “moóc phin” đã chợp mắt thiếp đi, hoặc mắt vẫn mở trừng trừng.
Thánh Y mơ màng nhìn quanh điện:
– Đó là một cách trừng phạt những tín đồ muốn thoát ly. Lời nguyền của
Tổ Nương Thần Phù Dung ngàn đời linh ứng.
Động trí tò mò, Võ Minh Thần khẽ hỏi:
– Chẳng hay lời nguyền đó, tiểu điệt đây có thể biết được chăng? Thánh Y gật đầu:
– Tướng công chẳng những sẽ được biết mà còn biết thêm điều “bí ẩn ngàn đời” của Phù Dung Thần Giáo, liên quan đến vận mạng đời đời của hàng trăm triệu con dân sống nhờ Thần Giáo! Cùng lời nguyền độc địa của Tổ Nương Thần, truyền tử lưu tôn trên các xứ Phù Dung, sáng nay, tướng công sẽ biết hết và cũng sẽ phải giữ kín lời nguyền bí mật ngàn đời đó! Mời tướng công vào đây!
Minh Thần theo lão nhẹ gót đi vào khu nội tẩm. Điện thật sâu thăm thẳm, bỗng tới cuối điện tường đá dựng cao vút hai bên, chân uốn như sóng lượn chừng vài thước rồi chạy vòng vào theo hình móng lừa, có một bức rèm vàng kim tuyến buông rũ từ nóc xuống nền đien.
Thần Nữ Phù Dung nương nương đi cạnh Minh Thần, đưa tay giật nhẹ một cái mấu chốt vàng khối trên tường.
Bing boong bing boong! Tiếng chuông kỳ ảo lại nổi lên, khoan thai rồi đổ dồn, âm thanh chìm nổi như gần như xa, vừa dứt, chợt bức rèm vàng kim tuyến cuộn soạt lên, mở ra một khu nội cung, bệ đá chập chùng vút cao.
Thánh Y, Thần Nữ đưa Minh Thần lên, đúng hai mươi bệ. Bỗng chàng tuổi trẻ dột lòng đứng sững trước cảnh kỳ dị đập vào nhan quang. Một cái bệ thờ khổng lồ vụt hiện ra, với một ngọn đèn dầu lạc vĩ đại hết sức, có lẽ từ sinh làm người tới nay chưa bao giờ được thấy ngọn đèn to lớn bằng một phần ngàn ngọn đèn quái dị này. Minh Thần được dan leo lên những hàng bệ bên hông, dòm còn thấy nhiều mâm đựng dụng cụ tiêu thụ nha phiến khác nữa, các loại đồ nghề hồi trung cổ trở lại, vẫn còn thô sơ, chưa tinh vi như các món dọc tẩu mới phát minh ra từ thời cận đại. Và sau bệ đồ thờ này có một chiếc giường thất bảo chạm trổ rất đẹp, sau giường có đặt một cái ngai vàng trang trọng như ngai vua chúa, chân ngai kê mép thành giường, trên ngai có một pho tượng nữ ngồi rất uy nghi, coi như người thực. Đến nỗi vừa thoáng thấy, Võ Minh Thần lại tưởng người bằng xương bằng thịt ngồi đó. Vì da mặt màu trắng ngà giống da người, tượng nữ mặc áo vàng kim tuyến lấp lánh, đầu chít khăn vàng, chân đi hài Thổ vàng cẩn kim cương, sa phia, áo cũng nhiều chỗ đính kim cương phản chiếu ánh sáng muôn màu rực rỡ. Ngoài ra, còn mấy cái tàn tía che trốc ngôi tượng, xế bên ngai, còn có một cái giá có nhiều mắc treo mấy cái áo thụng, mau tía hoa láng, màu đỏ, trắng, xanh, nâu… như để tượng mặc thay đổi vậy. Ánh đèn dầu lạc hắt soi lên mặt tượng đẹp long lanh, hai con mắt cẩn hai viên ngọc xanh biếc, sáng long lanh, cực kỳ linh hoạt trên khuôn mặt đẹp phi phàm.
– Phù Dung Thần.
Võ bật kêu khẽ, đã thấy Thần Nữ ra hiệu theo Thánh Y bước tới chỗ kê giường thất bảo. Thần Nữ, Thánh Y ra hiệu cho Minh Thần cùng chắp tay vái lễ một tràng, và Thánh Y lập tức dẫn hai người tiến sang vách hữu, xế bên ngai vàng tượng Thần Phù Dung. Thánh Y kéo soạt bức rèm che vách, vách đá nhô ra nhẵn thín. Ngay đấy có một cái bình thủy tinh loe miệng đựng đầy một thứ bột đỏ như hồng hoàng. Bốc một nắm giơ cao, vị Thánh Y vụt nghiem sắc mặt, dõng dạc:
– Trong nội điện Phù Dung Thần giáo, trước Tổ Nương Thần, giờ đã tới lúc tướng công biết tường tận về Thần tục nước Yên này, sao lại có buổi lễ vô cùng nghiêm trọng sáng nay, sau mối duyên kỳ ngo. Tổ Nương Thần linh thiêng run rủi cho dị thú mang người bị nạn tới xứ cháu con ngài, giờ phút này xin hiển linh chứng kiến giây phút thiêng liêng thần ngôn cáo tri duyên tác hợp.
Dứt lời, lão cầm nắm phấn bụi đỏ hồng hoàng ném vụt vào vách đá. Như trò ảo thuật, từng hàng chữ hiện lên, móc ngược vòng ngang, coi rất lạ mắt. Võ Minh Thần nhờ xưa được theo tôn sư chu du thiên hạ học được khá nhiều thứ tiếng nên vừa trông thấy, đã biet ngay đó là loại chữ của dân Thái Thổ Lào thường dùng nhưng có nhiều thứ hơi khác một chút. Cứ mười chữ lại thấy lẫn vào một hai chữ Bạch thoại Hán tự, có lẽ vì tiếng Thái Lào còn thiếu nên phải mượn tiếng Tàu xưa, vì văn hóa Trung Nguyên đương thời đã tràn lan khắp Á Đông. Ngọn đèn dầu lạc trên bệ thờ tỏa sáng rực, Võ Minh Thần đọc tiếng được tiếng không, vị Thánh Y Lãn Ông dịu dàng bảo:
– Những chữ hơi khác này chính là tiếng riêng của xứ Phù Dung, lấy tiếng Nhắng, tiếng Kha, Dao chế biến ra. Những dòng truyền ngôn di bút này đã viết trên sáu thế kỷ, để lão phu đọc giải giúp tướng công cho tiện.
Lãnh Chúa Phù Dung Quốc Giáo Chủ Phù Dung Than Giáo truyền ngôn lại cho con cháu thần dân bản quốc:
Ta lập đền thờ này vào thời lập quốc. Đền này là đền thờ Phù Dung Thần Nữ Tổ Nương bậc linh thần đã cứu dòng giống hợp tộc này thoát nạn tiêu vong và đã ban cho tổ tiên ta một kho tàng chi bảo để lập quốc. Kho tàng này không bao giờ cạn, nếu các ngươi dốc lòng thờ phụng Tổ Nương Thần cho trọn đạo tôi con đệ tử. Đó là cây Thẩu, nữ hoàng thảo mộc, trái cây mỗi mùa chảy ra “vang đen”, hóa thân máu lệ xương của Tổ Nương Thần Phù Dung.
Ngài đã ban máu lệ xương thịt ngài cho tổ tiên ta dựng lên nước Phù Dung. Xứ Phù Dung thờ phụng người, lập nên Phù Dung Thần Giáo.
Thần Giáo còn, xứ Phù Dung còn, dòng giống Phù Dung hợp tộc này còn. Thần Giáo tàn, vàng đen hết, Phù Dung quốc diệt, người xứ Phù Dung chết.
Ta dựng đền này, ghi lại lập ngôn của tổ tiên, chép lại gốc nguồn phả hệ, khắc lại lời nguyền trên đá, truyen lại điều bí mật cho con cháu thần dân truyền tử lưu tôn ghi nhớ đời đời.
Lập ngôn của tổ tiên là phong tục, luật lệ, lời lãnh chúa làm thành ước pháp, lời nguyền theo mộng triệu là lời nguyền độc địa đời đời ứng nghiệm trên xứ Phù Dung. Con cháu thần dân tuân theo lời lãnh chúa giáo chủ, nước Phù Dung còn, dòng giống Phù Dung phạm lời nguyền của Tổ Nương Thần, dòng giống sẽ bị tiêu diệt.
PHÙ DUNG QUỐC NĂM THỨ NHẤT – LÃNH CHÚA GIÁO CHỦ KHAN LA.
Nghe dứt lời vị Thánh Y đọc giải, Võ Minh Thần vụt có cảm giác mình đang đi sâu vào chuyện bí ẩn dị thường của nền “huyền giáo nâu” kỳ lạ, một thứ Ma túy giáo thần bí đang lan tràn thế giới với một sức lôi cuốn như bóng quỷ nhập tràng mang lốt mỹ nhân tuyệt thế. Bất giác chàng đưa mắt nhìn nàng giáo chủ nữ chúa xứ Yên và Thánh Y Lãn Ông, lòng càng thắc mắc chẳng hiểu sao hai người lại cho chàng đi sâu vào bức màn bí mật kỳ lạ đó. Dưới đền thờ lúc này khuôn mặt nữ chúa Phù Dung Thần Giáo coi càng thần bí, đẹp phi phàm, còn mặt Thánh Y thì càng nghiêm chỉnh, chừng như ông già hiểu rất rõ là ông đang làm một việc hết sức linh thiêng.
– Mời tướng công lại qua đây một chút! Như cái máy, Minh Thần theo hai người tiến sâu vào hai bộ, Thánh Y lại bốc một nắm phấn bụi màu hồng hoàng ném vãi lên tường hai, ba cái. Dưới đèn, từng hàng chữ khác lại hiện lên, nhỏ hơn hàng chữ vừa rồi, Võ đoán chắc mặt tường được viết chữ bằng một thứ mực đặc biệt chi đó, và chữ nổi lên khi phấn hồng hoàng chạm vào, cũng như viết bằng nhựa dính bắt bụi vậy.
Từng hàng chữ lại hiện lên:
“Lời nguyền của Phù Dung Thần: Ta đã ban cho các ngươi hóa thân máu lệ của ta, nó sẽ là nguồn sống của các sắc dân trồng nó. Chim chóc sẽ mang đi, gieo rắc trên trái đất. Nó sẽ cho các người sự sống phồn thịnh. Nó sẽ trị nhiều bệnh tật, ban nhiều an ủi, nhưng mắc vào, như mắc dây xiềng, vì không cách nào trị nổi! Ta cho các ngươi cây Phù Dung, xứ Phù Dung các ngươi sẽ mở ra một nền Thần Giáo. Với kẻ phụng thờ, ta cho biết điều bí ẩn vô cùng về hóa thân ta. Hãy lập nguyền cho con cháu nối đời gìn giữ. Xứ Phù Dung và dòng giống Phù Dung sẽ bị tiêu diệt nếu Thần Giáo suy tàn…”.
Minh Thần trầm ngâm:
– Thật huyền bí! Cũng như sắc Nùng, nguồn gốc tận bên Nga thượng cổ.
Nhưng còn điều bí mật trên xứ Phù Dung?
Thánh Y vụt nghiêm sắc mặt:
– Lão phu người ngoài cuộc, không được quyền biết đến điều bí ẩn sinh tửđó! Thần Nữ xứ Yên sẽ đưa tướng công vào. Minh Thần ngơ ngác chẳng hiểu tại sao mình cũng là người ngoài cuộc mà lại khác Thánh Y, nhưng chưa kịp hỏi thì Thần Nữ đã đưa tay ra hiệu.
Thánh Y đứng lại, chỉ có Minh Thần theo nàng đi vào phía trong, trèo lên bệ tượng phía sau. Nơi đây lại có một khung cửa đóng, nàng mở cửa, đưa Võ vào, trong này có một gian nhỏ, vách đá nhẵn, cũng có một ngọn đèn dầu.
Không nói chi, Thần Nữ cầm phấn hồng hoàng ném vãi lên tường. Chữ hiện lên, như nhảy nhót trước mắt chàng tuổi trẻ:
“Bí mật truyền đời – Lời nguyền độc địa trên xứ Phù Dung: Đệ tử Phù Dung mang xiềng xích vô hình suốt đời khó cởi. Vì chất Phù Dung bám vào xương tủy, không thuốc nào trừ nổi. Lang y có tài cải tử hoàn sinh cũng bó tay. Vì trên cõi thế gian, không có vị thuốc nào khắc kỵ. Vị thuốc khắc kỵ này chính là một loài thảo dã, chỉ sinh ra tại các xứ Phù Dung. Đó chính là loài “Tam sắc nhật kỳ ký sinh thảo dã”, cây cỏ này từ cây Phù Dung hóa sinh ra, mọc ngay dưới gốc Phù Dung. “Tam sắc nhật kỳ thảo” này mỗi ngày đổi đúng ba màu theo ánh thái dương, sáng sớm là màu xanh, đến trưa lá chuyển sang màu bạc, đến chiều hoàng hôn, lá lại đổi màu vàng. Bứt nắm lá cây này dùng cả rễ đem về nấu nước, uống một thang là dứt. Nếu thiên hạ biết, dân Phù Dung sẽ tiêu vong, vậy cứ thấy mọc lên phải làm cỏ đốt liền. Biết giữ thì còn, không biết giữ thì mất, con cháu hãy nhớ lời nguyền trên xứ Phù Dung”.
Võ đứng im như pho tượng, mắt ngó đăm đăm những hàng chữ lạ ghi chép điều bí ẩn dị thường về chất ma túy Phù Dung và lời nguyền độc địa của sắc dân trồng cây Thẩu. Chàng đã hiểu được điều bí mật về chất nhựa cây đã làm đảo điên thiên hạ, từng gây nên một cuộc chiến tranh nha phiến và làm sụp đổ triều đình Mãn Thanh. Khi theo tôn sư chu du thiên hạ, chàng cũng từng được biết sức mạnh ma quái của nha phiến lan tràn rất mau, bà Tay Thái Hậu khét tiếng cũng là đệ tử Phù Dung, phàm đã rơi vào hầu hết đều không bỏ nổi.
Từ Đông sang Tây, đã có nhiều tay danh y có tài gần như cải tử hoàn sinh không thua Hoa Đà Biển Thước đã dùng hết tài nghệ chế ra lắm môn cai nha phiến, đều trị không nổi. Chính chàng đã từng lấy làm lạ, không hiểu tại sao loài người hiện nay đã khôn ngoan xảo trí tới độ chế ra các thứ “thăng thiên nhập địa, thiên lý thần thông”… lại chưa phát minh ra được món trị bệnh ghien ma túy. Để đến nỗi hàng vạn, triệu đệ tử Phù Dung bị ma túy theo ám suốt đời như một thứ oan hồn. Trong khi đó, chính chàng cũng từng được thấy mấy dân uống “thẩu” lại bỏ dễ như chơi. Vào mùa hái “thẩu” đàn bà con nít có nơi cũng hút thuốc liên miên, nhưng xong mùa gặt, bọn này bỏ dễ hơn bỏ thuốc lào, trong gia đình chỉ còn một, hai người hút. Giờ chàng mới chợt hiểu. Thì ra, phàm vật gì cũng có khắc vật khắc tinh.
Như hỏa kị thủy, chuot kỹ mèo, thuốc phiện chỉ có một khắc thảo khắc tinh là loài cây “mỗi ngày thay ba sắc lá” kia, thứ cây mọc dưới gốc “thẩu”, một giống ký sinh thảo không phải cây tầm gửi từ đâu theo gió bay tới bám vào. Ngoài giống “thảo khắc tinh” này, mọi dược tính khác đều vô hiệu.
Dân trồng “thẩu” xứ nào cũng gửi vận mạng vào nhựa “thẩu”, họ thừa hiểu điều bí mật này nếu tiết lộ ra sẽ không còn khách tiêu thụ nữa, dân xứ “thẩu” sẽ lâm nguy, vì lẽ giản dị là đệ tử Phù Dung nào chẳng muốn cởi xiềng nô lệ, nên tất cả đều nhất quyết giữ lời nguyền độc truyền tử lưu tôn, coi đó là điều sống còn của bộ tộc.
Minh Thần vẩn vơ nghĩ tới hàng bao nhiêu triệu dân trồng “thẩu” và tiêu thụ Ma túy, lòng bỗng thấy băn khoăn khó tả khi nhìn thấy rõ sự thịnh vượng của xứ Phù Dung được tạo dựng trên sự suy tàn của đám đông đệ tử Phù Dung.
Nhưng bỗng chàng trai chột dạ hỏi Thần Nữ:
– À… điều bí mật sinh tử này sao lại để người ngoài như ngu mỗ biết?
Thần Nữ nhìn chàng khách ngoại xứ, vành môi cánh cung đỏ thắm nhẹ mỉm cười tươi mát như hoa nguồn vừa hái:
– Vì chàng cũng sẽ giữ kín lời nguyền cùng thiếp. Tướng công hãy coi tiếp đây!
Dứt lời, nàng lại bốc phấn hồng hoàng ném vắt lên vách bên. Tự nhiên chữ vừa hiện rõ, tim Minh Thần bỗng đập mạnh như linh cảm sẽ có chuyện liên quan:
“Lời nguyền của Ali Khan lập ngôn của tổ tiên sắc dân hợp tộc truyền lại cho con cháu đời đời:
Tổ tiên các người kể như đã vùi xác tại sa mạc Gobi, nếu không được Phù Dung Thần Nương cứu vớt. Tổ tiên các người đem sức tàn vỡ đất dung thân cho con cháu, để sau này lập quốc.
Các ngươi hãy giữ kín gốc nguồn, khi kỵ binh Mông Cổ còn dọc ngang thiên hạ. Các ngươi sẽ lập nên một nước nơi ba biên giới này, đặt tên là Phù Dung Quốc để ghi nhớ công ơn Phù Dung Thần Nương, các ngươi sẽ dựng đền đài thơ Thần Nương. Các ngươi sẽ lập nên Phù Dung Thần Giáo ứng mộng Gobi Phù Dung Thần Nương sẽ là Tổ Nương Thần. Người xứ Phù Dung sẽ là con cháu thần dân người, đời đời hương khói, suy thịnh theo Thần Giáo.
Để đền đáp công ơn, dòng Chúa Phù Dung sẽ mang họ Khan làm giáo chủ Thần Giáo. Đàn ông không làm chúa, hãy chọn một trinh nữ thật thanh khiết làm nữ chúa, mang tên Thần Nữ Phù Dung Nương.
Hầu Nữ chúa Giáo chủ không được lấy chồng trong suốt cuộc đời, kẻ nào phạm tội sẽ phải chết. Ngoại trừ năm đúng hai mươi tuổi, năm Tổ Nương mang hận xuống tuyền đài hóa thân làm cây thuốc! Nữ giáo chủ năm đó sẽ được lấy chồng, nếu có một khách lạ tình cờ lạc tơi xứ Phù Dung, khách đó sẽ làm chồng nữ chúa Giáo chủ với đầy đủ nghi lễ.
Bất luận già trẻ xấu xí, mù què câm điếc, đó là phò mã Phù Dung, vì Alah, Tổ Nương run rủi! Nếu khách lạ không chịu, nữ chúa sẽ lấy xác khách ướp thờ hậu điện, và suốt đời không còn được lấy ai! Phò mã Phù Dung sẽ cùng Thần Nữ làm chủ nước chủ giáo, thần dân hưởng phúc, xứ sở yên vui. Bằng trái lời sẽ bị tiêu diệt!
Ali Khan”.
Võ Minh Thần vụt hiểu rõ. Cả ngôi đền thờ kỳ dị như chuyển rung, đảo lộn, ánh đèn vàng chờn vờn mấy hàng chữ nguyền nhảy múa trước mắt chàng trai. Lòng đầy kinh hoàng. Võ mở to mắt dòm trừng những hàng chữ lưu truyền đời kiếp, đã thành luật lệ xứ Phù Dung. Lảo đảo chàng trai phải tựa vào vách đá, kêu lên:
– Sao lại thế này? Sao kỳ lạ thế? Bàn tay búp măng trắng nõn giơ lên, cách vách đá hơn thước, nữ chúa Giáo chủ Phù Dung Thần Nữ xoa nhẹ xoa nhẹ. Từ bàn tay nàng như tiết ra một thứ sương hàn, chữ nguyền từ từ bị xóa mờ, thoắt chỉ còn vách đá không.
Nàng quay lại nhìn Võ Minh Thần và mỉm cười trước vẻ kinh sửng của chàng trai, tiếng nàng thánh thót như tiếng suối đàn:
– Chàng lạ lắm sao? Lời nguyền xứ Phù Dung, lẽ sinh tồn của miền đất này giờ chắc chàng đã hiểu theo tục lệ bản xứ ngày nào, Phù Dung Quốc mới truyền các điều bí mật cho bậc giai tế… chuyện đột ngột này xin chàng mien trách!
Võ Minh Thần ngó Thần Nữ, cô gái đẹp uy nghi lộng lẫy như hiện thân của Phù Dung trong điềm mộng của dòng hoàng tộc Ba Tư mất nước. Chàng trai bỗng thấy bối rối lạ thường, kêu lên:
– Vâng! Vâng… thật là đột ngột! Không ngờ! Không ngờ nổi! Nhưng chuyện bí mật sinh tử của Yên Quốc, sao lại cho kẻ này biết làm chi?
Thần Nữ mỉm cười:
– Chàng phải biết hết, vì từ khi lời nguyền của tổ tiên xứ Phù Dung truyền phán lại, chàng là người thứ nhất đã tình cờ lạc tới nước Yên, đến ngay khu đền này, năm giáo chủ vừa đúng hai mươi tuổi. Ngay từ buổi dị thú mang chàng tới, chàng đã thành phò mã xứ Phù Dung này! Nhưng vì chàng đang bệnh nên thiếp chưa dám cho hay, phải đợi khỏi bệnh đã! Bưa nay là buổi xứ Phù Dung chính thức rước chàng tới đền thờ, làm lễ tôn phò mã trước bệ thờ Tổ Nương Thần!
Vẫn còn đầy kinh ngạc, hoang mang, Minh Thần lẩm bẩm:
– Sao lạ thế này? Kẻ này bị thương mê man nào có biết gì đâu? Dị thú mang kẻ này đi đâu, tới đó, kẻ này đâu có định tâm…
Thần Nữ nhoẻn cười tươi như đóa phù dung:
– Điều quan hệ là thế đó! Chuyện này không ai định trước, mới thực là trời định nên duyên! Duyên thiên lý… không ai dám ngờ!
Rồi như say sưa với mối duyên kỳ ngộ, nàng nhìn Võ thật nồng nàn, giọng oanh thỏ thẻ đượm nhiều say sưa kỳ thú:
– Thực tình thiếp không dám ngờ có chuyện hôm nay! Tổ tiên thiếp muốn nữ chúa giáo chủ xư Phù Dung phải làm trinh nữ, thờ Tổ Nương nối đời, nên đã định lời nguyền lập ngôn thật khắt khe, chỉ cho một đường khó ứng lập hôn nhân. Khi thiếp lên làm Nữ Chúa, giáo chủ đọc lời nguyền của tổ tiên thiếp đã đinh ninh suốt đời cô đơn hy sinh trọn kiếp. Vì chỉ có một năm được quyền lập hôn với người tình cờ lạc tới, nhưng xứ Yên này khuất tịch giữa thâm sơn ba biên giới, bốn bề vách núi ngất cao như trường thành bao bọc, chỉ có một thủy đạo thông ngầm không ai biết nổi! Làm sao còn có người lạc tới? Nên khi được thế nữ về báo có dị thú cõng người đàn bà trên lưng thiếp mới chạy ra coi, lúc săn sóc mới hay đàn ông, lòng thiếp và dân Phù Dung mừng khôn xiết, vì đấy là điềm thịnh vượng nhất từ ngày lập quốc! Giờ xin chàng ra ngoại điện, thiếp còn báo hiệu cho thần dân vào làm lễ tôn phò mã! Duyên trời đã sai khiến cho chàng cùng thiếp trị vì xứ Yên!
Lúc này Võ đã hiểu tại sao ai nấy đều gọi mình là tướng công, nghe Thần Nữ giục, Võ thốt nhiên nghĩ đến chuyện riêng, lòng thêm hoảng hốt, rối loạn, nhất thời chẳng biết tính sao cho tròn.
Từ lớn lên, xuống núi, chàng chỉ nghĩ đến chuyện báo cừu, ngay khi kỳ ngộ Bạc Lan Khao, Đào Nguyệt Kiều, Giao Long Nữ, chàng rất có cảm tình, mà lòng vẫn chẳng nghĩ yêu đương. Lấy vợ lại càng không tưởng! Nay bỗng lại bị gài vào lời nguyền Yên Quốc, thành giai tế, dẫu sánh duyên cùng Thần Nữ đep như tiên, chàng cũng không lấy làm vui, còn coi như mình đắc tội với người đã khuất. Nhưng từ chối cũng phiền vì lời nguyền đã định, không thuận sẽ chết theo điều bí mật. Điều này chàng chưa thấy khó xử bằng chuyện Than Nữ đã hết dạ cứu chàng, nếu không, giờ này chắc đã gửi nắm xương tàn dưới lòng đất lạnh, còn đâu để báo thù?
Hoang mang cực độ, Võ Minh Thần chẳng biết xử trí sao cho ổn thỏa, chỉ đứng ngơ ngác, mở to mắt nhìn Thần Nữ, người đàn bà lạ đã hết dạ cứu chàng thoát chết thảm, và đang đứng trước mặt chàng, đẹp huyền bí như kết tinh của loài hoa ma túy Phù Dung. Chỉ ngó qua sắc diện cũng đã biết nàng rất hài lòng về mối duyên kỳ ngộ có lẽ từ khi khôn lớn nàng chưa khi nào dám tưởng có ngày xảy ra trong Phù Dung điện.
Bỗng Thần Nữ chợt để ý thấy vẻ mặt ngơ ngác bất định của chàng trai, nàng vùng im bặt mấy khắc thoáng ngơ ngác hỏi:
– Kìa… sao chàng không nói? Hay chàng không vui trước mối duyên kỳ ngộ cùng thiếp?
Đang bối rối sực nghe nàng hỏi đúng vào tâm sự mình, chàng tuổi trẻ phong trần luân lạc vội nén xúc động, nhìn Thần Nữ sâu hút, khẽ thở dài bảo:
– Thưa bà… Nương nương Giáo chủ, chẳng phải đâu! Được Nương Nương Nữ chúa Giáo chủ cứu mạng, lại được cả xứ Phù Dung cho làm… giai tế, sánh duyên cùng Nữ Chúa, thật còn gì vinh hạnh sung sướng cho bằng. Nhưng kẻ này hiện đang có mối lo tâm phúc… cũng mắc lời nguyền trước oan hồn phụ mẫu, thân mắc đại tang, nên chuyện hôn nhân chẳng bao giờ dám nghĩ tới đó thôi! Chỉ xin Nương Nương hiểu cho cảnh tang chế… mà tha thứ cho kẻ bạc phúc này thoi…
Vừa nghe dứt lời Võ, Thần Nữ vùng tái hẳn mặt hoa, lảo đảo lùi dựa vách, mở to mắt phượng nhìn chàng khách trẻ, vẻ kinh hoàng hết sức, nàng lẩm bẩm trong hơi thở dồn:
– Chàng từ chối cuộc hôn nhân do trời đất quỷ thần đã định? Chàng không muốn làm phò mã xứ Yên? Làm chồng Thần Nữ? Chàng không bằng lòng thiếp?
Minh Thần thấy thế càng bối rối, khó nói, vội lắc đầu:
– Không không! Nương nương đừng ngộ nhận! Chẳng phải kẻ này nghĩ thế đâu! Trên đời này, nếu được dịp sánh duyên tơ tóc, không còn phúc nào bằng được sánh với nương nương… là kẻ này hiện mắc đại tang theo tục lệ dưới Kinh, kẻ mắc tang không thể lập cuộc hôn nhân.
Run giọng, Thần Nữ hỏi:
– Mắc tang tục lệ không lấy vợ được? Lệnh đường mới mất? Sao thiếp không nghe Thánh Y nói?
– Vâng vâng! Quả bậc sinh thành đã mất hơn mười tám năm trời rồi, nhưng mối đại tang hiện vẫn giữ trong lòng, ngày nào chưa rửa thù báo oán nổi, ngày ấy van còn đại tang! Xin Nương nương hiểu cho!
Thần Nữ chợt tươi sắc mặt, thỏ thẻ:
– Tưởng chi, chuyện đó hề chi! Tục lệ dưới Kinh con để tang song thân ba năm, nay đã mười tám năm rồi đâu còn nữa. Về mối thù nhà, sau ngày hôn lễ chính thiếp có phận lo chung với chàng! Nào… xin thỉnh chàng ra!
Dứt lời, nàng giục Võ bước ra. Như cái máy, Minh Thần theo gót nàng trở ra ngoài nội điện, vừa bước vừa từ tốn kiếm lời thoái thác:
– Nương nương hiểu cho… kẻ này không thể lập gia đình trước khi báo phục.
Thần Nữ đóng cửa “điện nguyền”, vụt quay nhìn Võ, giọng nói chàng tuy dịu nhưng lần này từ chối rõ ràng. Như bị roi quất vào tâm hồn, Thần Nữ choáng váng lùi lại, vịn vào cột điện, dưới ánh đèn thờ Phù Dung Thần mặt nàng tái xanh hẳn đi như không còn sức chịu đựng nữa.
Bối rối, bấn loạn, Võ Minh Thần tiến lại giơ tay như định đỡ lấy dáng thân mềm liễu rủ đang thổn thức đau đớn.
– Nương nương…
Thần Nữ xua tay, cố trấn tĩnh, nàng lắp bắp như nói để mình nghe:
– Không ngờ… không ngờ… ngày đại lễ lại là ngày đại họa nhục nhã… Tổ Nương Thần đã trừng phạt họ Khan, trừng phạt xứ Phù Dung…, cho máu chảy điện thờ…
Minh Thần chưa biết kiếm lời chi an ủi, bỗng Thần Nữ vụt nghiêm sắc mặt nhìn Minh Thần, ánh mắt não nùng sâu thẳm như đáy vực:
– Thiếp sẽ về hầu Tổ Nương Thần! Theo luật, nếu chàng từ chối sẽ bị xứ Phù Dung chôn ngay trong cung điện, chôn theo điều bí ẩn về Ma túy! Nhưng thiếp không để chàng vùi thân trên xứ Yên này! Thiếp sẽ giúp chàng trốn về lo báo thù nhà cho trọn, để thiếp thay chàng tạ tội Thần Linh, Tổ Tiên! Chàng hãy bước quá ra ngoài này!
Ngơ ngác Võ đi chếch lại xế bên Thần Nữ. Vừa được bốn thước bỗng nghe kịch một tiếng nặng chịch, nền đá trắng dưới chỗ chàng đứng trước tụt ngay xuống thành một lỗ hầm sâu thẳm tối mò.
Thần Nữ quơ tay len bệ thờ cầm một cây nến trắng rõ trốc ngọn lửa cháy vật vờ. Nàng ra hiệu cho Minh Thần bước lại miệng hầm giơ cao cây nến thả nhẹ xuống.
Võ dòm xuống, không khỏi phát ớn xương sống khi thấy dao thương từng dãy cắm chổng ngược mũi lên trời, sáng lòa, loang loáng lại có những vệt sáng lia soẹt trên ngọn thương, vọng đưa lên những tiếng vút gió như xé lụa! Chừng đó là những lưỡi đại đao, móc câu dính vào các guồng ngầm trong vách ham.
Cà Uôm! Có tiếng thù gầm vọng lên, dưới ánh nến hiện ra những mõm ác thú há hốc, nanh lởm chởm, mắt đỏ tía dòm lên như đợi con thịt rơi xuống.
Thần Nữ phất tay tắt nến, mở chốt đóng cửa hầm lại. Bỗng thấy vị Thánh Y từ gian ngoài tiến vào. Thoáng thấy nắp hầm đậy kịch, ông già sửng sốt đưa mắt nhìn Minh Thần, như đoán có chuyện bất thường. Thần Nữ ngó lão, giọng đìu hiu đượm nhiều cay đắng.
– Lời nguyền không thể thực hiện được… Sửng sốt, Thánh Y ngó chàng trai, khá lâu mới khẽ lên tiếng:
– Có chuyện chi ngăn trở? Cuộc hôn nhân di truyền ngôn Yên quốc luật Phù Dung Thần Giáo, nhưng mối duyên hài tưởng đã xứng đôi? Sao công tử lại từ chối?
Minh Thần rất đỗi bàng hoàng. Chàng trai rất cảm động tấm lòng rộng rãi cao cả của Thần Nữ, nhưng lòng trai hiếu vẫn còn rỉ máu tháng năm vì mối cừu phụ mẫu. Nghẹn ngào, Võ thở dài:
– Đến thân này còn chẳng tiếc, đâu còn tiếc thân với ân nương, ân công! Nhưng đời trai mồ côi không nguồn gốc, di hài mẹ thành cái túi da người đeo sau lưng, thù sâu mười tám năm chưa trả, lời thề báo oán còn nguyên, còn tính sao được chuyện đời mình?
Thánh Y Lãn Ông đưa mắt nhìn Thần Nữ. Khuôn mặt đẹp thần bí oai nghiêm lúc này hiện rõ vẻ não nùng chập chờn tử khí, chỉ nhác qua cũng đủ thấy bóng thần chết đang chiếm trọn linh hồn người đàn bà chúa tể xứ Phù Dung. Lão hiểu luật nguyền không buộc kẻ bị từ chối phải chết nhưng một cô gái xinh đẹp quyền uy như nàng không thể nào chịu đựng nổi chuyện bị từ hôn. Còn Võ Minh Thần, chàng hiếu tử bình sinh chỉ biết nuôi chí rửa hờn cho cha mẹ cũng chẳng dễ gì mà làm trái lơi thề quên thân báo oán! Lần tới Pi A Ya động thất cứu bệnh Minh Thần, lão cũng hiểu qua mối tình thầm lặng của nàng hiền nữ chúa Bạc Khao Lan đối với Minh Thần, nhưng trước ý chí tìm thù báo oán của chàng, Khao Lan đã phải âm thầm tiễn biệt chàng đi.
Nay phải đứng làm ông tơ bà nguyệt tác hợp Thần Nữ với Minh Thần, lão ái ngại cho nàng Bạc không ít, song vì lời nguyền, vì mối thâm tình với xứ Yên, lão chẳng thể làm khác hơn. Cũng bởi tục lệ cổ truyền của xứ này đã định rõ: kẻ nào đặt chân tới xứ Phù Dung ngay sau người trước, kẻ đó sẽ trở thành “nguyệt lão” trong cuộc hôn lễ thiêng liêng này.
Nên trước cảnh nan giải sắp gây đổ vỡ thê thảm nhat thời ông già này chẳng biết làm sao cho toàn vẹn, đành nghiêm sắc mặt điềm đạm bảo Minh Thần:
– Cuộc đính hôn này vô cùng thiêng liêng quan hệ đến vận mạng danh dự của nhiều người. Nếu công tử từ chối Thần Nữ Giáo chủ sẽ phải làm trái cả lời nguyền cổ luật Phù Dung giải cứu công tử và đem xác thân Thần Nữ tạ tội trước bàn thờ Tổ Nương. Chẳng lẽ công tử đành lòng để kẻ cứu mình chịu chết, sau cái nhục từ hôn? Lão phu thiết nghĩ, tâm tang để cả đời chưa hết, tang theo gia lễ, lệ chỉ ba năm, nay lệnh gia đường mất đã mười tám năm rồi, đại cừu cứ báo nhưng việc hôn nhân nào có phạm chi? Tưởng công tử chẳng cần phải… khắt khe với mình quá the, để điện này lạnh lẽo mai đây!
Minh Thần càng bối rối, chẳng thể đành lòng để kẻ đã cứu mình phải khổ lụy thác oan, nhưng khốn nỗi chàng đã thề nguyền chỉ biết đem thân báo thù, thù kia còn đó, lẽ đâu bội nguyền? Đang hoang mang khó xử bỗng từ dưới chân đồi nổi lên một hồi cồng rền rĩ âm u, tiếp theo là tiếng chiêng trống, đàn sáo, sênh tiêu, “khèn” kèn,… dìu dặt, đúng ba hồi âm thanh rừng rú, bình nguyên pha trộn dâng lên đại điện im lìm xao động không gian. Âm thanh “đi” dần lên đồi, dứt ba hồi. đã kề ngoài cửa điện.
Rồi có tiếng thần dân Yên quốc nhất loạt tung hô như sấm rền:
– Thần Nữ Nương Nương đẹp duyên tiền định. Thần Giáo trường tồn, Phù Dung hưng thịnh, thần dân hưởng phúc đời đời!
Tiếng dân hò vang động cả khu nội điện, Thần Nữ vụt nhíu mày nhìn ra thở dài:
– Giờ hành lễ đã tới! Dân chúng sắp kéo vào ngoại điện, nếu không thấy “nguyệt lão” thì một đội lực sĩ sẽ vào nội điện… theo đúng lời nguyền khi lập giáo. Mau! Chàng mau thoát ra lối cửa hậu! Để mặc thiếp đối phó!
Vốn người điềm tĩnh, vậy mà lúc này Võ chợt thấy bấn loạn hết sức, nghe Thần Nữ giục chàng vẫn đứng im, tai nghe tiếng động bên ngoài, mắt ngó nàng đăm đăm. Cảnh tượng chết chóc oan uổng của nàng hiện lên trong trí. Vốn người khẳng khái, Võ buột miệng:
– Không, không! Không thể được! Nữ giáo chủ không việc gì phải hy sinh vô lý vậy! Đời nữ giáo chủ còn tươi đẹp, phải ở lại cai trị thần dân! Kẻ lưu lạc bạc phước này mới chính là kẻ phải hy sinh đền đáp ân nhân.
Dứt lời chàng lùi phắt lại, nhưng Thần Nữ chỉ lắc mình một cái đã xẹt đứng bên, nắm vụt lấy cổ tay chàng nhanh như điện chớp. Đúng lúc phía ngoài bỗng bật lên một hồi cồng kỳ dị theo nhịp năm tiếng ngũ liên. Coong coong coong coong coong.
– Khoan! Chàng còn thù nhà, phải lưu thân báo phục! Thoát mau! Thiep sẽ cho gái hầu dẫn đường!
Bốn mắt nhìn nhau sâu hút, Võ lấy làm lạ về sức thần tốc của thân pháp nàng gái chúa xứ Yên, buột miệng:
– Sức nhanh này không thua Tây Sắc Đông Âm, tiếc thay kẻ này đức bạc, mắc lời thề, phụ bậc tài cao. Thánh Y bỗng lóe tia sáng trong đầu, vùng tiến lại giọng đượm buồn:
– Thế ra công tử chưa biết Thần Nữ đây là nhân vật nào ư? Công tử chắc từng nghe danh “Tứ hung tứ trụ võ lâm” trong thiên hạ? Xứ Yên này về phương Bắc xế…
Minh Thần sực vỡ lẽ, ngó Thần Nữ bật nhanh:
– Yên phương Bắc…? Phải chăng Bắc Yên đây? Đông Tửu, Tây Sắc, Bắc
Yên, Nam Đổ… đây là Bắc Yên Thần?
Thánh Y gật đầu:
– Nên duyên giai ngẫu với Bắc Yên Thần Nữ, tưởng nếu lệnh nghiêm đường cũng hài lòng nơi chín suối, có con dâu kỳ tài sẽ giúp trượng phu báo cừu! Cùng dòng thượng võ, sao không thuận theo cảnh ngộ, cử hành hôn lễ cho vui lòng thần dân, con chuyện… vợ chồng, trong phòng riêng, biến duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ, có chi cản trở? Hôn nhân Nữ Chúa đã nên, lời thề hiếu tử vẫn còn nguyên đó?
Cả Thần Nữ, Minh Thần cùng nhìn nhau, nghe có lý, dẫu sao còn hơn đổ vỡ tan hoang chết chóc! Thần Nữ buông tay Võ, mặt thoáng đỏ khẽ nói:
– Nhưng có điều chưa tiện nói vì sau hôn lễ chính còn có lễ hợp cẩn… Thánh Y vừa kịp đáp tiếng “chân giả tùy tâm” bỗng nghe tiếng thần dân tung hô vang dậy, rồi một đoàn lực sĩ tay mang đủ món khí giới lạ mắt dàn hàng năm ào ạt tiến vào nội điện.
Qua các bệ thờ tượng khắc, ánh đèn dầu lạc chiếu tỏ đám đông thảy đều lực lưỡng, mặc áo quần ngũ sắc đeo đủ mọi loại mặt nạ đầu trâu mặt ngựa, thú điểu côn trùng, vẻ sặc sỡ coi hết sức quái gở, thoạt trông chẳng khác một bầy quỷ sứ dưới âm ty lên bắt người hành tội.
Nhanh như chớp vị Thánh Y chụp vội lấy cổ tay Thần Nữ, Minh Thần, lao đứng giữa, giơ cao đường hoàng tiến thẳng ra ngoài. Như cái máy, Võ đành bước theo chẳng còn biết nói sao.
Đang khi đó đoàn lực sĩ đeo mặt nạ vừa tiến xồng xộc vào giữa nội điện. Tất cả vụt đứng lại, cúi rạp đầu, xe ngoài đám đông vùng tung hô như sấm rền muốn vỡ điện, và trước cặp mắt ngạc nhiên của chàng họ Võ, đám lực sĩ giơ cao tay lên trời, bên ngoài âm thanh hợp tấu bật dậy, kích thích cực độ, đám lực sĩ vùng vẫy giẫy giua như đỉa phải vôi múa theo nhịp âm kích thích, nhảy nhót, vờn lượn quanh ba người. Thánh Y dắt cặp trai gái ra trước bệ thờ, lão từ từ hạ hai tay họ xuống, để áp vào nhau, xoay nửa vòng, hướng về phía bệ thờ. Tất cả vụt dừng bặt, Thánh Y nói lớn:
– Theo ý trời, thừa lệnh Tổ Nương Thần theo luật Phù Dung, Nguyệt lão se duyên cho đôi trai gái này. Thần Nữ Phù Dung với Minh Thần họ Võ nên nghĩa phu thê, Thần Nam ứng ngôi phò mã cùng Thần Nữ làm chúa tể Phù Dung Thần Giáo, dẫn dắt thần dân đệ tử!
Dứt lời, lão lấy một sợi chỉ hồng trói chặt hai cổ tay vào nhau, rồi lùi sang bên. Tiếng reo hò nổi dậy muốn vỡ điện. Âm thanh dật dật, đám lực sĩ, đám đồng nam đồng nữ, bô lão, thần dân lũ lượt kéo ùa vào múa may, nhảy nhót, phủ phục, làm lễ tôn Thần. Qua một vài nghi thức đặc biệt, tất cả bỗng nhất loạt phủ phục khắp trong ngoài, im phăng phắc trán dập sát nền đá, coi như dân Hồi Giáo lễ.
Thánh Y vùng hô dõng dạc trầm trầm:
– Hỡi anh linh Tổ Nương Thần! Xin người về chứng giám cho con cháu người, giáo chủ Phù Dung dâng thân trinh bạch, trước giờ hợp cẩn!
Tiếng đàn cồng nổi lên, rồi tiếng khèn lau, hai thứ âm rừng rú chờn vờn nhịp điệu nguyên thủy hoang vu, Thần Nữ vẫn buộc tay vào Minh Thần, nàng chợt nắm tay chàng, làm hiệu và nhảy vọt lên bệ thờ, rồi cứ thế vừa dắt chàng trai vừa nhảy múa, chơn vờn theo âm thanh, dẻo như mây rừng, lần lượt chuyển hết các bệ, vào tận chỗ đặt tượng Phù Dung Thần.