Lục Chỉ Cầm Ma

Chương 16 - Lòng Tham Mờ Ám Lương Tri Phán Tiên Hành Động Kể Gì Bất Nhân

trước
tiếp

Bảy người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên, suốt hai ba mươi năm qua, đã đồng cam cộng khổ như anh em ruột thịt, mặc dù võ công của mỗi người, kẻ âm nhuyễn người dương cang khác hẳn nhau, nhưng vì đã kết giao sinh tử nên họ đã dùng sở trường của kẻ này để bổ túc cho sở đoản của kẻ khác, khiến ai ai cũng đều tiến bộ vượt bậc.

Đồng thời, một việc có lợi cho họ hơn hết, chính là trong nhiều năm gần đây, họ đã nhận thấy tuy võ công của mỗi người nếu tách rời ra, mặc dù cũng được kể như là hàng cao thủ đệ nhất trong võ lâm, nhưng nếu đem đối kháng thẳng với một vài nhân vật có tiếng tăm khác vẫn còn kém sút hơn nhiều. Do đó, họ thấy rằng, nếu liên kết sở trường của mỗi người lại, đồng tâm nhất trí đối phó với kẻ địch, võ công của bọn họ chẳng những được gia tăng uy lực, mà lại còn chặt chẽ, không hề có một tí sơ hở nào.

Bởi thế, sau khi họ nhận xét được sự cần thiết của liên kết giữa bảy người lại thành một khối duy nhất, thanh thế của bọn họ đã nổi bật trong giang hồ, và do đó bỗng tiếng tăm của Trúc Lâm Thất Tiên cũng vang lừng thiên hạ, không ai không biết đến.

Chính vì vậy, giờ đây khi họ đồng loạt tràn tới ngăn chặn Đàm Thăng, tuy mỗi người họ vung chưởng đánh ra xem rất rối loạn, như hoàn toàn không có tương quan với nhau, nhưng kỳ thực thì những luồng chưởng lực cả âm lẫn dương của họ, đã phối hợp và hòa thành một khối vô cùng chặt chẽ.

Đàm Thăng lúc bấy giờ đang bay lơ lửng giữa khoảng không, vốn có thể vận dụng thêm chân lực để vượt qua khỏi đầu họ, rồi tiếp tục lướt thẳng xuống mũi thuyền, nhưng chẳng ngờ ông ta bất thần cảm thấy có một luồng chưởng phong cuốn tới ào ạt, vô cùng mạnh mẽ, cơ hồ có thể bạt được cả núi đồi nên không khỏi kinh hãi.

Luồng chưởng lực đó thực chẳng khác chi một bức thành vô hình, đang chặn ngay trước mặt Đàm Thăng.

Vừa rồi Đàm Thăng đã ra tay đánh nhau với Thần Bút Sử Tụ qua một thế võ, và đã thấy được võ công của đối phương tuy có cao cường, nhưng chắc chắn không phải là địch thủ của mình, do đó giờ đây ông ta không khỏi lấy làm kinh dị, chẳng hiểu tại sao Trúc Lâm Thất Tiên lại có thể công ra một luồng chưởng phong mạnh mẽ đến mức khủng khiếp như vậy? Đàm Thăng nguyên là một nhân vật võ công cao cường tuyệt đỉnh trong võ lâm ngày nay, và nếu ông ta bằng lòng xưng danh hiệu mà mình đã dùng trước kia, chắc chắn Trúc Lâm Thất Tiên đều biết được, hơn nữa, họ sẽ dừng tay không đánh nhau với ông ta ngay.

Nhưng chẳng rõ Đàm Thăng đã vì một lý do nào, lại nhất quyết không hề thố lộ danh hiệu lừng lẫy xưa kia của mình, thêm vào đó vì suốt ngoài hai mươi năm qua, ông ta đã ẩn tích mai danh, nên Trúc Lâm Thất Tiên mặc dù đã đoán biết được ông ta là một nhân vật rất phi thường, nhưng không làm thế nào tưởng tượng được ông ta lại là nhân vật khét tiếng trước đây.

Khi trông thấy luồng chưởng lực mãnh liệt cuốn tới, Đàm Thăng cất tiếng nói to rằng:

– Tấn công lúc này thực là phải lúc.

Mỗi một tiếng nói của ông ta đều được gằn mạnh, và cứ mỗi lần gằn mạnh như thế, thân người ông ta lại vượt lên cao một bậc. Do đó, ông ta đã vượt thêm lên cao được đến năm sáu thước.

Trúc Lâm Thất Tiên đều là những nhân vật có mắt quan sát rất tinh tường, nên trông thấy đối phương sử dụng thuật khinh công ấy, đều không khỏi giật mình kinh hãi.

Vì bọn họ đều biết thuật khinh công đó có tên là Cấp Cấp Thăng Thiên, nếu người không có một nguồn chân lực dồi dào tuyệt thế, chắc chắn không thể nào tập luyện thành công môn khinh công này cả.

Trong các thuật khinh công, chỉ có ba thuật khinh công khó nhất trên đời, đó là Lăng Không Bộ Hư, tức một thuật khinh công đã thất truyền từ lâu, kế đó là Tùy Công Phiêu Hành, một thuật khinh công từ xưa đến nay chẳng có ai tập luyện được thành công, và cuối cùng chính là thuật Cấp Cấp Thăng Thiên này. Chỉ dựa vào đó cũng đủ biết võ công của Đàm Thăng cao cường đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi.

Nhưng tâm trạng của Trúc Lâm Thất Tiên lúc bấy giờ vẫn không hề tỏ ra khiếp sợ trước thuật khinh công xuất quỷ nhập thần ấy của Đàm Thăng, mà trái lại ai ai cũng có ý muốn tranh tài cao thấp với đối phương, nên bèn đồng thanh to tiếng khen rằng:

– Khinh công hay tuyệt.

Song, cùng một lúc đó tất cả mọi người đều rùn thấp thân hình xuống, rồi bất bất thần bay vọt thân người lên, vung chưởng quét thẳng về phía đối phương một thế võ thứ hai.

Lúc bấy giờ, Đàm Thăng hãy còn bay lơ lửng giữa khoảng không, và sau khi tiếp tục bay vọt lên cao, ông ta đã cách xa mặt đất non đến hai trượng. Do đó, ông ta đã tránh được thế võ đầu tiên của Trúc Lâm Thất Tiên đánh tới.

Tiếp đó ông ta định sử dụng thế Nhạn Lạc Bình Sa nhảy ngay mũi thuyền, tiếp tục lướt thẳng tới, bất thần lại trông thấy thế võ thứ hai của Trúc Lâm Thất Tiên cuốn tới nơi…

Thế võ thứ hai của Trúc Lâm Thất Tiên được đánh từ dưới thấp trở lên cao, cuốn đi ồ ạt như sóng to thét gào, tạo nên một luồng chưởng lực vô cùng mãnh liệt. Do đó, mặc dù võ công của Đàm Thăng rất cao cường, nhưng vì thân hình đang bay lơ lửng giữa khoảng không, chẳng có nơi lấy đà, nên cũng không khỏi cảm thấy luống cuống.

Chính vì thế, nên luồng chưởng lực của Trúc Lâm Thất Tiên cuốn tới, thân hình của Đàm Thăng liền bị hất bay lên cao độ non một trượng nữa. Do đó, Đàm Thăng đã vượt khỏi mặt đất ngoài ba trượng, dưới bóng trăng sáng trông thấy tà áo màu đen của ông ta không ngớt bay phất phơ theo chiều gió, thực chẳng khác gì bóng hình của yêu quỷ hay thần linh, chứ chẳng phải là một con người nữa.

Bởi thế Lữ Lân đứng yên dưới thuyền nhìn thấy, không khỏi trố mắt ngây người.

Từ trước đến nay cậu ta những tưởng võ công của cha mẹ mình là cao tuyệt khắp thiên hạ, không còn ai có thể so sánh được nữa. Đấy chẳng phải là vì cậu ta có tánh kiêu căng, tự cao tự đại, mà chính vì cậu ta ít có dịp bước ra khỏi cửa nên tầm mắt cũng trở thành hẹp hòi.

Chính vì thế, nên khi thấy tài khinh công tuyệt đỉnh của Đàm Thăng, cậu ta không khỏi kinh hoàng thất sắc, đồng thời cậu ta cũng mới hiểu được câu “biển học mênh mông” quả là chí lý.

Đàm Thăng sau khi bị luồng chưởng lực mãnh liệt của Trúc Lâm Thất Tiên hất bay bổng lên cao, quát to lên rằng:

– Hay lắm! Tức thì, hai bàn tay của ông ta liền nhanh nhẹn đè mạnh trở xuống một lượt…

Thế là, sau một tiếng phình to, hai luồng chưởng lực của đôi bên va chạm thẳng vào nhau, và do đó Trúc Lâm Thất Tiên đều bị đẩy lùi ra sau nửa bước.

Đàm Thăng cũng liền nhanh nhẹn nhào lộn một vòng trên khoảng không, rồi đáp nhẹ nhàng đôi chân trở xuống đất, song vẫn không thể vượt đến mũi thuyền được.

Sau khi Đàm Thăng đứng yên được trên đất, liền cất giọng bực tức nói:

– Thằng bé ấy có tương quan rất to tát đến mọi việc sắp xảy ra tạ Tiên Nhân Phong trên núi Võ Di, vậy tại sao các ông không cho tôi gặp nó là có ý gì? Thiết Thư Tiêu Thông cất giọng lạnh lùng nói:

– Thằng bé ấy đang bị trọng thương và đã được chúng tôi cứu nguy cho, hơn nữa, hiện giờ chúng tôi đã có ý thu nó làm môn đồ. Vậy ông là một con người lai lịch không rõ ràng, tại sao vừa thấy nó lại lao thoắt đến, nên lẽ cố nhiên là chúng tôi không thể đứng yên nhìn được.

Đàm Thăng nghe qua như lộ vẻ sửng sốt nói:

– Bảy vị đều là người có tuyệt nghệ, vậy nếu bằng lòng thu nó làm môn đồ, thực là một đều may mắn vô cùng cho nó. Nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn phải theo tôi đến núi Võ Di một chuyến mới được, vì chỉ cần nó xuất hiện thì bao nhiêu sự hiềm khích, hiểu lầm giữa hai phái Nga My, Điểm Thương cùng Lục Chỉ Tiên Sinh, Bích Ngọc Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân sẽ đương nhiên được xóa bỏ ngay tức khắc.

Thiết Thư Tiêu Thông nói:

– Chỉ khéo nói chơi mà thôi. Môn đồ của chúng tôi vì lẽ nào lại phải đi theo ông đến núi Võ Di chứ? Câu nói vừa dứt, Đàm Thăng bất thần cất tiếng thét lên cao vút. Tiếng thét của ông ta khiến ai nghe lọt tai cũng phải kinh hoàng khiếp đảm.

Đồng thời, sau khi tiếng thét vừa dứt, xương cốt trên người Đàm Thăng đều chuyển động, kêu lên nghe răng rắc.

Tiếp đó ông ta lên tiếng nói:

– Bảy vị có phải rượu mời không chịu uống, đợi uống rượu phạt hay không? Đôi mày của Thần Bút Sử Tụ khẽ nhướng qua một lượt nói:

– Này, các huynh đệ trong số bảy anh em của chúng ta đây, ai cũng vừa uống mấy chung rượu cả rồi, nhưng chẳng rõ trong số anh em chúng ta có ai lại bị uống rượu phạt Chương nào? Người đàn ông to béo trong bọn cất tiếng cười ha hả nói:

– Lão tam ngươi chớ nên lắm lời, giờ đây chẳng phải Đàm bằng hữu định bắt chúng ta uống rượu phạt đó hay sao? Tuy bề ngoài hai người chỉ nói chuyện riêng với nhau, nhưng kỳ thực trong sự đối đáp của họ đã cố ý xiên xỏ đối phương, chứng tỏ họ không coi Đàm Thăng vào đâu cả.

Đàm Thăng cất tiếng cười nhạt nói:

– Vừa rồi, tại hạ đã có dịp lãnh giáo qua hai thế võ liên hoàn cùng một lúc bảy người của các vị, nhưng nếu giờ đây các vị bằng lòng chỉ giáo thêm vài thế võ nữa cũng là một điều hay. Có thế tại hạ mới có dịp mở rộng tầm mắt, hầu xem tài nghệ của Trúc Lâm Thất Tiên cao cường đến đâu.

Sự đối thoại giữa đôi bên xem ra mỗi lúc lại càng gay gắt hơn, chắc chắn không làm sao tránh khỏi một cuộc xô xát bằng võ lực. Do đó, Lữ Lân đang đứng bên cạnh, không khỏi cuống quýt hơn.

Lữ Lân tuổi còn rất nhỏ, hơn nữa trong võ lâm cậu ta hoàn toàn không có địa vị chi, vậy chắc chắn lời khuyên ngăn của cậu ta hoàn toàn vô hiệu, nhưng cậu ta thấy rằng hai đối phương vì mình mà tranh chấp, vậy mình cần phải khuyên can đôi lời dù có hiệu quả hay không cũng mặc. Bởi thế, Lữ Lân bèn to tiếng nói:

– Thưa bảy vị bá bá, vị Đàm bá bá này chẳng phải là người xấu đâu.

Người đàn ông to béo trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên bèn quay lại nạt rằng:

– Thằng bé kia, ngươi chớ có lắm lời, hãy khoanh tay đứng nhìn chúng ta đánh nhau đây.

Đàm Thăng cũng lên tiếng nói:

– Này thằng bé kia, Trúc Lâm Thất Tiên đều là số người có tuyệt nghệ cả, vậy khi họ ra tay đánh nhau, ngươi nên chú ý theo dõi để học.

Trúc Lâm Thất Tiên vừa nói dứt lời, đã đồng loạt tràn tới trước một bước. Hành động của họ xem ra vô cùng nhất trí, nhưng sau khi họ đồng loạt tràn tới, bất thần lại phân tán ra hai bên ngay…

Cùng một lúc đó, bỗng gió cuốn tới ầm ầm, bắt từ trên cao chụp thẳng xuống đầu của Đàm Thăng.

Lữ Lân đứng cạnh đấy, không khỏi hết sức kinh hãi hoang mang, không hiểu vì lẽ gì bất thần lại có một luồng chưởng phong mãnh liệt cuốn tới như vậy.

Thì ra, thế võ của Trúc Lâm Thất Tiên tuy bề ngoài xem như rất rời rạc, ai lo đánh theo thế võ nấy của mình, trông chẳng khác chi cả bọn đang tập dợt võ công vậy. Nhưng kỳ thực thì luồng nội lực do bảy người họ phát ra, được dung hòa một cách vô cùng tuyệt diệu, nên đã gây thành một luồng chưởng phong mãnh liệt, không thể tưởng tượng.

Bởi thế, một số cây nhỏ chung quanh Đàm Thăng liền bị luồng chưởng phong ấy cuốn gãy ngay tức khắc.

Nhưng Đàm Thăng thì vẫn đứng yên không nhúc nhích, đôi mắt chiếu ngời, y phục trên người ông ta bị cuồng phong cuốn bay, giũ nghe rèn rẹt.

Trúc Lâm Thất Tiên trông thấy Đàm Thăng vẫn điềm nhiên, không hề biến sắc, hơn nữa, mặc dù một luồng chưởng phong vô cùng mãnh liệt công thẳng vào ông ta, thế mà ông ta như chẳng hề hay biết, trong lòng ai nấy đều không khỏi kinh hoàng thất sắc.

Do đó, cả bọn đồng thanh quát to lên một lượt, rồi đưa chân tràn ngay về phía trước, vung tay quét thẳng ra hai chưởng về phía Đàm Thăng. Chưởng thế của họ trông vô cùng mãnh liệt và đáng sợ.

Nhưng liền đó, Đàm Thăng lại thét lên một tiếng dài, rồi nhanh nhẹn xoay người, vung đôi chưởng quét ra như bay, nên chỉ trong chớp mắt là đã công trả liên tiếp bảy chưởng.

Bảy chưởng của Đàm Thăng vừa đánh ra, chẳng những hết sức nhanh nhẹn, mà trong khi vung chưởng đánh tới, thân người của ông ta di động nhanh như chớp, nhẹ nhàng như gió thoảng, khiến mọi người chung quanh chỉ trông thấy một bóng đen chập chờn, chẳng khác chi có đến bảy người che mặt cùng một lúc tràn ra chống trả lại Trúc Lâm Thất Tiên vậy.

Trúc Lâm Thất Tiên vừa trông thấy đối phương sử dụng thế võ công thần diệu ấy, đều không khỏi giật mình đồng thời họ như chợt có một ý chi trong lòng.

Do đó người đàn ông to béo trong bọn liền vội vàng lên tiếng nói:

– Các vị huynh đệ hãy mau lui xa ra chờ tôi hỏi rõ lại ông ta đã.

Dứt lời bảy người liền nhanh nhẹn đồng loạt thối lui ra sau.

Đàm Thăng cũng nhẹ nhàng thu thế võ trở về rồi đứng sững không nhúc nhích.

Vừa rồi thân hình của ông ta di động nhanh như gió thế nhưng khi dừng chân đứng yên lại trông lại có vẻ vững vàng như núi Thái Sơn. Đấy quả mới đúng là khi tĩnh thì vững như bàn thạch, mà khi động thì lại nhanh như gió hốt tài nghệ đã tiến tới mức thu phát nội lực theo ý nghĩ chớp nhoáng trong đầu óc chứ chẳng cần phải vận dụng mệt nhọc như kẻ khác nữa.

Sau khi đôi bên vừa dang ra xa, người đàn ông to béo trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên bèn lên tiếng nói:

– Thế võ mà các hạ vừa sử dụng, chả lẽ lại là Thất Sát Thần Chưởng, tức là một thứ chưởng pháp đã làm rung chuyển khắp võ lâm xưa kia, được tập trung sở trường của hai môn Phật, Ma, và phát huy một cách tài tình các sở trường đó, trong khi trên đời không ai có thể phát huy được đấy chăng? Câu nói ấy tuy Lữ Lân nghe rõ mồn một, nhưng thật sự thì cậu ta không hiểu nghĩa lý ra sao cả.

Vì võ công của Phật môn và võ công của Ma đạo, căn bản không thể nào dung hòa lại được, vậy tại sao lại bảo là tập trung sở trường của hai thứ võ công Phật, Ma? Hơn nữa, tại sao lại bảo là phát huy một cách tài tình các sở trường đó, trong khi trong đời này không ai phát huy được? Nhưng vì lúc bấy giờ cậu ta không tiện lên tiếng hỏi ai cả, nên đành phải im lặng chú ý lắng nghe câu trả lời của Đàm Thăng mà thôi.

Lúc ấy, Đàm Thăng bỗng cất tiếng than dài một lượt, và trong khi ông ta định lên tiếng giãi bày ý kiến của mình, bất thần nghe có tiếng vó ngựa từ xa chạy rầm rập tới, và mỗi lúc một gần hơn! Đồng thời, chẳng mấy chốc sau, mọi người đã nghe có tiếng một cô gái kêu to lên rằng:

– Bảy vị bá bá trong Trúc Lâm Thất Tiên, chẳng hay có ở đấy không? Trúc Lâm Thất Tiên nghe thế, không khỏi giật mình, hạ giọng nói:

– Ủa! Con tiện tỳ trong Phi Yến Môn ấy, chẳng rõ tìm chúng ta có chuyện gì? Người đàn ông to béo cất giọng ôn tồn nói:

– Đúng thế! Bảy anh em chúng tôi đều có mặt ở nơi đây cả.

Câu nói của người đàn ông to béo ấy vừa dứt, ai nấy đã trông thấy một con ngựa chạy bay đến nơi, đồng thời trên lưng con ngựa ấy có một cô gái xinh đẹp duyên dáng, lên tiếng nói:

– Tôi vừa ra khỏi thành, liền trông thấy dấu hiệu đặc biệt của bảy vị lưu lại, nên đoán biết bảy vị đang ở gần đâu đây. Và quả nhiên tôi đã tìm gặp được rồi, thực là hết sức may mắn! Con ngựa ấy khi tiến tới còn cách bờ hồ ngoài mười trượng nữa liền dừng chân đứng yên lại. Song cô gái ngồi trên yên ngựa liền phi thân bay bổng lên cao trông chẳng khác chi một con chim yến, tiếp đó thân người của cô ta lại từ trên cao sa xuống, rồi lại tiếp tục lướt về phía trước mấy thước nữa mới buông chân đứng yên lại trước mặt Trúc Lâm Thất Tiên một cách gọn gàng. Thân pháp của cô ta vừa nhanh nhẹn vừa đẹp mắt không thể tả.

Người đàn ông to béo ấy vừa cười vừa mắng rằng:

– Con tiện tỳ đáng ghét kia, trên đời này ai lại không biết tài khinh công của Phi Yến Môn các ngươi hay tuyệt, vậy ngươi còn biểu diễn bản lãnh ấy trước mặt bảy anh em ta làm gì? Ngươi hãy xem chừng ta bắn cho một viên đá thì rớt đấy nhé.

Cô gái ấy cất tiếng cười giòn như tiếng hạt châu rơi tên mâm bạc nói:

– Sáu vị bá bá hãy nghe đấy, bá bá béo ấy chẳng cần phân biệt trắng đen phải trái chi cả, vừa mở miệng ra là đã mắng người ta rồi. Vậy nếu bá bá không muốn thấy mặt tôi thì tôi sẽ đi ngay bây giờ.

Thần Bút Sử Tụ nói:

– A Hồng, ngươi chớ có nũng nịu nữa, ngươi hối hả tìm gặp anh em chúng ta là có chuyện gì? Thì ra cô nương ấy không ai khác hơn là đứa môn đồ đắc ý nhất của vị Chưởng môn Phi Yến Môn tên gọi là Đoan Mộc Hồng.

Liền đó cô ta bèn liếc mắt nhìn sang hai bên tả hữu và do đó đã chạm thẳng vào đôi tia mắt của Đàm Thăng và Lữ Lân.

Lữ Lân trông thấy Đoan Mộc Hồng tuổi cũng suýt soát nhau với mình nhưng khuôn mặt tròn trịa như trăng rằm, đôi mắt sáng ngời như làn thu thủy, nói chuyện duyên dáng dễ cảm, đôi môi lúc nào cũng tươi cười thực là khả ái.

Lữ Lân tuy tuổi còn nhỏ nhưng tính yêu đẹp nguyên là tính chung của con người do đó cậu ta vừa nhìn Đoan Mộc Hồng trong lòng đã có thiện cảm ngay.

Đoan Mộc Hồng nghe câu hỏi của Thần Bút Sử Tụ liền lên tiếng đáp:

– Thưa bảy vị bá bá, tôi phụng mệnh của các bậc trưởng bối đến đây. Hiện nay Lục Chỉ Tiên Sinh cần mời bảy vị bá bá cấp tốc đến Tiên Nhân Phong tại núi Võ Di. Gia sư hiện cũng đã xuống khỏi Phi Yến Phong, hối hả đi đến Võ Di rồi.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe thế không khỏi giật mình vì vị Chưởng môn của Phi Yến Môn là một bậc nữ hiệp tiền bối mà ai cũng biết. Bà ta chính là Thanh Yến Khưu Quân Tố, nếu luận về vai vế trong võ lâm, Thanh Yến Khưu Quân Tố có thể lớn hơn các cao thủ trong võ lâm ngày nay một bậc, kể cả Trúc Lâm Thất Tiên.

Khưu Quân Tố đã từ chối không còn giữ địa vị Chưởng môn của Phi Yến Môn nữa, nhưng tám năm trước đây, trong Phi Yến Môn đã gặp phải một biến cố vô cùng to tát khiến vị Chưởng môn của phái này và toàn bộ đệ tử đời thứ nhất và thứ hai đều bị chết sạch. Do đó, bất đắc dĩ Khưu Quân Tố mới trở lại nắm cương vị Chưởng môn.

Với tuổi tác của bà ta nếu thu nhận đệ tử, số đệ tử ấy năm nay tất phải ngoài năm mươi tuổi cả. Song vì lớp đệ tử đời thứ nhất trong môn phái đều chết sạch qua biến cố ấy, nên ngày nay bà ta mới thu nhận Đoan Mộc Hồng để làm đệ tử kế nhiệm.

Đoan Mộc Hồng tuy tuổi còn nhỏ, nhưng trong thực tế cô ta có đến hai mươi vị sư tỷ, tuổi lớn gấp đôi cô ta cả. Đấy quả là một việc ít thấy trong võ lâm.

Riêng Khưu Quân Tố cũng tựa hồ ít muốn đề cập đến biến cố trong Phi Yến Môn, nên mãi cho đến ngày hôm nay người trong võ lâm cũng không được biết là xưa kia Phi Yến Môn đã gặp phải biến cố gì.

Khưu Quân Tố năm nay tuổi đã tám mươi, trình độ nội công cao cường tuyệt đỉnh và đấy là lẽ tự nhiên khỏi cần nói mọi người cũng đoán biết được. Riêng về thuật khinh công bà ta lại càng cao thâm đến mức xuất quỷ nhập thần. Bình nhật bất luận đối với việc nhỏ to chi bà ta thường sai phái lớp đệ tử thứ ba đi ra ngoài lo liệu giải quyết và khi gặp một việc chi trọng đại hơn bà ta bèn phái Đoan Mộc Hồng ra đi, chứ riêng mình thì tuyệt nhiên chẳng hề rời khỏi Tần Lãnh nửa bước.

Thế nhưng, hôm nay Thanh Yến Khưu Quân Tố lại xuống núi đi đến Võ Di Sơn, như vậy cũng thấy việc xảy ra nghiêm trọng đến mức nào.

Chính vì thế sau khi Trúc Lâm Thất Tiên sau khi thầm kinh hãi ai nấy đều nghĩ rằng: “Chả lẽ lời nói của Đàm Thăng vừa rồi là đúng sự thực cả sao?” Đối với lai lịch của Đàm Thăng, Trúc Lâm Thất Tiên cảm thấy có nhiều chỗ mù mờ khó hiểu thực đáng nghi ngờ, nhưng qua thế võ của ông ta sử dụng vừa rồi, rõ ràng là Thất Sát Thần Chưởng một môn võ đã từng làm rung chuyển cả võ lâm trước kia và cũng là một môn võ học cao thâm tuyệt vời trong đời ngày nay.

Môn Thất Sát Thần Chưởng ấy, khắp trong thiên hạ chẳng hề có kẻ nào biết sử dụng cả, nó là một thứ chưởng pháp do một dị nhân trước kia đã mang hết tinh lực của mình ra nghiên cứu suốt tháng năm dài đằng đẵng rồi mớ sáng tạo nên được. Thứ chưởng pháp ấy bao gồm sở trường của hai phe chính tà, chính là một thứ võ công hết sức phi thường. Thế mà giờ đây Đàm Thăng lại mang ra sử dụng như vậy cũng đủ thấy ông ta là kẻ chắc chắn có mối tương quan hoặc ít hoặc nhiều với bậc dị nhân đã ẩn tích nhiều năm ấy.

Trúc Lâm Thất Tiên im lặng một lúc thật lâu, người to béo trong bọn mới lên tiếng nói:

– A Hồng, sư phụ ngươi đến núi Võ Di làm chi thế? Đoan Mộc Hồng là một cô gái hãy còn nhỏ nên chẳng hề biết được mọi chuyện đang xảy ra có một mức độ nghiêm trọng vô cùng, trái lại cho đấy là những chuyện vui nhộn thích thú nên không ngớt cất tiếng cười nói:

– Thưa bảy vị bá bá, mãi đến bây giờ mà bảy vị cũng chưa được biết chuyện chi cả hay sao? Sư phụ tôi đến đấy để tham dự một trận đánh lộn to tát lắm.

Thần Bút Sử Tụ suỵt một tiếng nói:

– Này con bé kia, ngươi càng nói càng không ra thể thống chi cả. Trong võ lâm sắp xảy ra một cuộc chém giết đẫm máu và đấy chính là một điềm bất tường, vậy có chi lại đáng cười chứ? Đoan Mộc Hồng thè lưỡi ra một lượt nói:

– Tam bá bá bác chớ nên dọa tôi, nếu bác có tài thì hãy đi đến Tiên Nhân Phong ở núi Võ Di để cùng đánh nhau với các cao thủ hai phái Nga My, Điểm Thương một chuyến.

Đoan Mộc Hồng vừa dứt lời cất tiếng cười khanh khách rồi nhanh nhẹn thối lui ra sau tựa hồ nàng đoán biết trước Thần Bút Sử Tụ khi nào chịu buông tha cho nàng một cách dễ dàng.

Quả nhiên Sử Tụ quát to lên một lượt nhanh nhẹn vung ngọn Tử Hào Bút quét nhẹ về phía trước, nhưng vì Đoan Mộc Hồng đã có sự chuẩn bị từ trước rồi nên đã lẹ làng lách mình tránh ngang và đã tiến sát bên con ngựa.

Nàng vội vàng nhảy phốc lên yên cười nói:

– Bảy vị bá bá, lời mời ấy tôi đã mang đến rồi. Vậy xin hẹn sẽ gặp nhau trên Tiên Nhân Phong tại núi Võ Di. Hiện giờ tôi còn cần phải đi gặp Hỏa Phụng Tiên Cô nữa.

Câu nói vừa dứt ai nấy đã nghe tiếng vó ngựa nện trên mặt đường lốc cốc và thấy con ngựa của Đoan Mộc Hồng lao bốn vó lướt đi thật xa.

Chừng ấy Đàm Thăng mới lên tiếng nói:

– Hỏa Phụng Tiên Cô hiện đang dưỡng thương tại Mộc Độc Trấn, ngươi đi đến đó tìm sẽ gặp được bà ta ngay.

Giọng nói của ông ta không nhanh lắm, nhưng con ngựa của Đoan Mộc Hồng vì đang lướt tới lẹ làng không thể tưởng, do đó khi câu nói của Đàm Thăng vừa dứt con ngựa của Đoan Mộc Hồng cũng đã chạy ra xa ngoài một dặm đường rồi. Song những tiếng nói của ông ta vẫn truyền đến tai của Đoan Mộc Hồng rõ mồn một từng tiếng chẳng hề bị đường xa hoặc gió lùa làm sai lệch gọng nói trái lại nghe như đối bên đang đứng sát cạnh nhau.

Đoan Mộc Hồng là đệ tử kế nghiệp của Thanh Yến Khưu Quân Tố nên kiến thức rộng rãi do đó nàng vừa nghe qua gọng nói ấy không khỏi thầm kinh hãi. Vì giọng nói ấy hoàn toàn xa lạ chẳng phải là giọng nói trong số người của Trúc Lâm Thất Tiên.

Như vậy nàng có thể quả quyết giọng nói ấy chẳng phải là của người thiếu niên đứng trước mũi thuyền mà chắc chắn là giọng nói của người che mặt vừa rồi.

Khi Đoan Mộc Hồng đến gặp Trúc Lâm Thất Tiên cũng đã nhìn thấy người che mặt ấy, hơn nữa nàng cũng thấy đôi mắt người ấy chiếu sáng ngời chứng tỏ chẳng phải là một nhân vật tầm thường. Nhưng sự thực nàng thể ngờ đến được là võ công của người ấy lại cao cường đến vậy.

Đoan Mộc Hồng vừa nghĩ ngợi nhưng cũng vừa thúc ngựa chạy bay tới Mộc Độc Trấn, để tìm gặp Hỏa Phụng Tiên Cô.

Riêng Đàm Thăng sau khi thấy Đoan Mộc Hồng đã đi xa liền chắp tay ra sau đi tới đi lui một lúc mới lên tiếng nói:

– Bảy vị nếu muốn đi đến Tiên Nhân Phong, xin nhớ lấy lời nói của tại hạ vừa rồi.

Ngụ ý trong câu nói của Đàm Thăng rất rõ ràng, ông ta nhắc nhở khéo là khi bảy người đến đó nếu gặp trường hợp không cần thiết phải ra tay đánh nhau tuyệt đối chớ nên dùng vũ lực.

Người to béo trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên nói:

– Nếu chúng tôi không đi thì sao? Đàm Thăng cất tiếng cười đáp:

– Số người của Lục Chỉ Tiên Sinh đang bị người ta vây đánh, tưởng khi đó chắc chắn bảy vị chẳng phải là hạng người thấy bạn bè lâm nguy mà lại khoanh tay đứng nhìn bao giờ.

Vậy hà tất ông phải đặt ra câu hỏi đó? Thiết Thư Tiêu Thông to tiếng nói:

– Lời nói đúng lắm.

Câu nói của Đàm Thăng vừa dứt thì ông ta đã lắc mình lướt ra xa ngoài năm sáu trượng, do đó Trúc Lâm Thất Tiên vội vàng đồng thanh nói:

– Đàm bằng hữu chớ nên vội đi, chúng tôi còn có việc hỏi đây.

Nhưng thân hình của Đàm Thăng lại lắc mạnh mấy lượt tiếp tục lướt về phía trước, tuy nhiên ai nấy đều nghe được tiếng ông ta từ xa xa nói lại rằng:

– Bảy vị chẳng cần hỏi chi thêm nữa, giờ đây bảy vị đi đến Tiên Nhân Phong chắc chắn Lữ Lân cũng phải đi theo và chỉ cần nó xuất hiện mọi chuyện rắc rối sẽ được thu xếp gọn ngay. Vậy chúng ta sẽ gặp nhau lại trên Tiên Nhân Phong được rồi.

Khi Đàm Thăng vừa nói dứt lời, thân hình ông ta đã lẩn khuất giữa màn đêm không còn trông thấy gì nữa.

Trúc Lâm Thất Tiên đưa mắt nhìn nhau một lượt im lặng cẳng nói chi cả, sau đó họ lần lượt bước trở lên thuyền và qua một lúc khá lâu sau, người đàn ông to béo mới lên tiếng hỏi:

– Nghe đâu trước đây khi Thất Sát Thần Chưởng vừa mới được sáng tạo ra chẳng có một người thứ hai nào rèn luyện được thứ chưởng pháp đó cả. Bởi thế khắp thiên hạ chỉ có một mình ông ấy am hiểu mà thôi. Hơn nữa ông ta tuyệt đối cũng không truyền dạy cho ai bao giờ, như vậy vừa rồi người che mặt ấy sử dụng thứ chưởng pháp ấy chả lẽ…

Bao nhiêu người hiện diện đều đoán biết được nếu ông ta tiếp tục nói tiếp nữa tất sẽ bảo `chả lẽ Đàm Thăng chính là bậc dị nhân khét tiếng một thời trong võ lâm, tức là người đã sáng tạo ra được Thất Sát Thần Chưởng, môn võ công bao gồm sở trường của hai phe chính tà trước kia hay sao?.

Nhưng sáu người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên ai ai cũng không muốn để ông ta nói hết lời vì nếu sự thực đúng như vậy quả thật là một việc đáng hãi hùng.

Do đó Thiết Thư Tiêu Thông vội vàng nói:

– Giờ đây chúng ta chẳng cần mệt trí xét đoán ông ta là ai, mà nên bàn bạc gấp về việc làm cấp bách của chúng ta thì hơn.

Thần Bút Sử Tụ nói:

– Lẽ tất nhiên là hiện giờ chúng ta phải đi đến Tiên Nhân Phong ở núi Võ Di, vì giữa lúc bằng hữu gặp cơn hoạn nạn nguy cấp, chả lẽ chúng ta có thể an nhàn ở tại vùng Thái Hồ này thưởng trăng uống rượu hay sao? Người đàn ông to béo ấy chính là người anh cả cầm đầu nhóm Trúc Lâm Thất Tiên, ông ta trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát, nói:

– Lẽ tất nhiên chúng ta cần phải đi, hơn nữa nếu chúng ta đi đến đó những sự hiểu lầm giữa đôi bên tất sẽ được xóa bỏ ngay tức khắc.

Nói đến đây ông ta dừng lại trong giây lát rồi quay mặt nhìn lại Lữ Lân, tiếp rằng:

– Thằng bé kia chẳng hay ngươi có bằng lòng theo anh em chúng ta đi đến núi Võ Di hay không? Lữ Lân nhanh nhẩu đáp:

– Lẽ tất nhiên tôi rất bằng lòng, hiện giờ má tôi đã chết rồi và kẻ thù sẽ đến vùng núi Võ Di, vậy tại sao tôi lại không đi đến đó được? Khi Lữ Lân nói đến mấy tiếng “má tôi đã chết rồi” cậu ta đã ưỡn ngực đứng thẳng sắc mặt đầy vẻ đau đớn và cũng tràn ngập nét căm hận, đôi mắt sáng ngời như nảy lửa.

Thái độ ấy của Lữ Lân Trúc Lâm Thất Tiên đều trông thấy được rõ ràng nên ai ai cũng không khỏi thầm than dài biết mọi việc rắc rối này đang có người tìm đủ cách ly gián để gây sự chém giết trong võ lâm và chắc chắn khó bề thu xếp được. Tuy nhiên Trúc Lâm Thất Tiên đều lấy làm lại không hiểu kẻ dụng tâm ly gián gây cuộc xô xát đẫm máu trong võ lâm ấy là ai chả lẽ đó lại chính là người bạn thâm giao của mình Lục Chỉ Tiên Sinh? Tất cả mọi người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên đều biết rất rõ cá tánh của Lục Chỉ Tiên Sinh. Ông ấy là người có tánh tình giản dị và trang nhã không bao giờ có ý nghĩ tranh chấp chi với đời. Vậy tuyệt đối ông ta chẳng bao giờ làm việc đó, nhưng qua lời nói quả quyết vừa rồi của Đàm Thăng, ông này qua quyết là Lục Chỉ Tiên Sinh có dụng tâm ly gián các môn phái trong võ lâm.

Bởi thế tất cả bảy người không khỏi lấy làm lạ, băn khoăn nghĩ mãi nhưng vẫn không làm sao tìm ra lời giải đáp.

Qua một lát Thiết Thư Tiêu Thông mới lên tiếng đáp:

– Các vị huynh đệ vừa rồi chúng ta có nói là sẽ thu thằng bé này làm môn đồ, vậy chúng ta có thể nuốt mất lời nói của mình không? Gã đàn ông to béo nghe qua khẽ gật đầu nhìn phía Lữ Lân hỏi:

– Thằng bé kia ngươi có bằng lòng không? Lữ Lân nghe thế không hỏi thẩn thờ cau mày suy nghĩ…

Trong lòng Lữ Lân thật sự rất bằng lòng lạy Trúc Lâm Thất Tiên làm sư phụ vì bảy người họ ai nấy đều có tuyệt nghệ, nếu mình bằng lòng làm môn đệ của họ chắc chắn sẽ học được sở trường của họ, vậy dịp may hiếm có ấy đâu dễ dàng gặp? Song hiện nay Lữ Lân lại thấy rằng hiện nay phụ thân mình có mố thâm thù với Lục Chỉ Tiên Sinh trong khi đó Trúc Lâm Thất Tiên lại là bạn cố giao của ông này. Vậy trước khi mọi sự hiểu lầm được thanh toán cho minh bạch, cậu làm thế nào có thể lạy Trúc Lâm Thất Tiên làm sư phụ được? Chính vì lẽ ấy nên cậu ta đứng thẩn thờ không biết trả lời làm sao.

Thiết Thư Tiêu Thông sốt ruột hỏi:

– Thằng bé kia chả lẽ ngươi không bằng lòng hay sao? Lữ Lân vội vàng đáp:

– Vãn bối đâu lại không bằng lòng, nhưng hiện giờ vãn bối chưa hỏi qua ý kiến của cha già nên chẳng dám nhận lời liền đó thôi.

Thiết Thư Tiêu Thông cất tiếng cười nói:

– Ta hiểu ý ngươi rồi, phải chăng vì hiện giờ giữa cha ngươi và Lục Chỉ Tiên Sinh đang có sự hiểu lầm, trong khi đó anh em chúng ta đây lại là bạn thâm giao với Lục Chỉ Tiên Sinh nên ngươi thấy không tiện bằng lòng chăng? Đấy là lần thứ nhất mà Lữ Lân cảm thấy sự tranh chấp chém giết trong võ lâm và sự ân oán thù hằn nhau giữa các nhân vật giang hồ thật sự là một điều đáng khiếp sợ nên bất giác cất tiếng than dài đáp:

– Tiền bối nói chẳng sai chút nào cả, vãn bối hiện đang băn khoăn về điều đó.

– Nếu thế có chi đáng ngại? Giữa cha ngươi và Lục Chỉ Tiên Sinh chẳng qua là có sự hiểu lầm với nhau mà thôi. Và sự hiểu lầm đó do chính ngươi mà ra, vậy khi ngươi đi đến đó cho họ được gặp và họ thấy ngươi vẫn bình an vô sự tự nhiên mọi sự hiểu lầm đó sẽ được phá tan đi, thử hỏi ngươi còn lo lắng làm chi cho mệt? Lữ Lân nghe được sự giải thích ấy trong lòng hết sức vui mừng nói:

– Nếu thế xin bảy vị sư phụ nhận lấy một lạy ra mắt này của con.

Nói dứt lời, Lữ Lân bèn sụp xuống ván thuyền lạy sát đất để làm lễ ra mắt sư phụ.

Trúc Lâm Thất Tiên khi vừa mới gặp được Lữ Lân đã nhận thấy cậu ta có đủ điều kiện để đào tạo nên một con người kỳ tài, nên giờ đây trong lòng hết sức vui vẻ, ai ai cũng lên tiếng khích lệ cậu ta vài lời, rồi tiếp rằng:

– Chúng ta nên cấp tốc đi bất kể ngày đêm đến Tiên Nhân Phong càng sớm càng hay.

Lúc ấy Lữ Lân cũng đang sốt ruột muốn gặp phụ thân mình ngay tức khắc nên rất tán đồng ý kiến của Trúc Lâm Thất Tiên.

Riêng Trúc Lâm Thất Tiên là những nhân vật quen bôn ba khắp chốn giang hồ trong lòng lúc nào cũng thảnh thơi không có chút cơ hội bận rộn nên đã nói đi thì lên đường đi ngay. Do đó cả bọn tám người liền rời thuyền nhắm hướng đông nam lướt đi như gió.

Đêm hôm đó họ đã vượt qua một con đường dài đến bảy tám mươi dặm và đến sớm tinh sương đã đến đường cái quan, rồi cùng kéo vào một cái quán trà dựng bên đường để cùng điểm tâm. Sau khi tám người đã ngồi yên vào bàn bất thần trông thấy một gã đàn ông hết sức to béo trên vai gánh một gánh đá xanh nặng đến ba bốn trăm cân rảo bước hối hả ngang qua đường, mớ thịt phì nộn trên người y không ngớt nhảy múa theo nhịp bước chân.

Trúc Lâm Thất Tiên vừa nhìn thấy người ấy đồng thanh cất tiếng cười to, do đó gã đàn ông to béo ấy bèn nhanh nhẹn quay đầu ngó lại và khi thấy được Trúc Lâm Thất Tiên, y lộ sắc hết sức vui mừng to tiếng nói:

– Bảy người các ông sao lại cũng có mặt nơi này? Thiết Thư Tiêu Thông nói:

– Gã béo họ Từ kia, ông chớ nên bỏ đi vì bảy anh em chúng tôi ngày hôm nay không bao giờ chịu buông tha cho ông đâu.

Thì ra người đàn ông to béo ấy chính là vị Chưởng môn Thái Cực Môn tức Phán Tiên Từ Lưu Bản, ông ta cười tuếch toác rồi đưa chân bước thẳng vào quán nói:

– Tại sao các ông không thể buông tha cho tôi? Thiết Thư Tiêu Thông đáp:

– Tất cả mọi người đều biết được là người anh cả trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên của chúng tôi rất to béo, thế nhưng ông lại càng to béo hơn anh cả chúng tôi nữa, chỉ với điểm ấy ông cũng đáng chết rồi.

Từ Lưu Bản cười ngặt nghẽo khiến thớ thịt trên người ông ta không ngớt rung rinh, nhưng cũng ngay lúc ấy bỗng ông ta nhìn thấy Lữ Lân, nên đôi mắt vốn ẩn sâu vào giữa khuôn mặt đầy thịt của ông ta liền chiếu lên sáng ngời. Đồng thời ông ta đưa chân tràn ngay tới trước nhanh nhẹn thò tay chụp lấy một cánh tay của Lữ Lân.

Chớ xem thường Từ Lưu Bản có một thân hình phì nộn mà lầm, vì ông ta hành động hết sức lanh lợi, do đó Lữ Lân dù muốn tránh cũng không còn lách tránh kịp nữa nên bàn tay to lớn và cứng rắn của ông ta chỉ trong chớp mắt là đã siết chặt được cánh tay của Lữ Lân rồi.

Lúc ấy Lữ Lân như cảm thâý bàn tay của mình như bị một chiếc kềm sắt kẹp cứng cậu ta cố sức giãy giụa mấy lượt nhưng vẫn không làm sao thoát ra được.

Sử Tụ ngồi bên cạnh đấy trông thấy thế có vẻ như đang tức giận, nhưng cũng có vẻ như đang gượng cười, nạt rằng:

– Gã béo kia hãy buông nó ra ngay.

Từ Lưu Bản trợn to đôi mắt nhìn thẳng về phía Sử tụ một lượt, nhưng ông ta cũng liền chồm người tới nhấc bổng Lữ Lân ngang qua mặt bàn kéo thẳng về phía mình. Đồng thời bàn tay trái của ông ta cũng đã nhanh nhẹn đè thẳng lên đỉnh đầu của Lữ Lân.

Trúc Lâm Thất Tiên trông thấy thế ban đầu vẫn tưởng là Từ Lưu Bản đang đùa vì từ trước đến nay đôi bên giao du khá thân mật, tuy không thể bảo là đôi bên có tình thâm giao, nhưng do đôi bên đều là nhân vật chính phái nên chẳng hề có một sự xung đột này xảy ra giữa nhau.

Thế nhưng, giờ đây bỗng bọn họ trông thấy Từ Lưu Bản đưa tay trái đè thẳng lên đỉnh đầu của Lữ Lân, không ai bảo ai đều lộ sắc kinh hoàng sửng sốt.

Vì họ đều biết Từ Lưu Bản bấy lâu nay rèn luyện Thái Cực chân khí vô cùng lợi hại. Do đó chớ nói chi là Lữ Lân mà dù cho một người nào trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên họ nếu bị ông ta ra tay chế ngự những huyệt đạo trọng yếu vẫn phải chịu thiệt thòi dưới tay của ông ta như thường. Bởi thế Thiết Thư Tiêu Thông cất tiếng quát to rằng:

– Gã béo họ Từ kia ông định giở trò chi thế? Từ Lưu Bản không trả lời thẳng với Thiết Thư Tiêu Thông trái lại quay về Lữ Lân hỏi:

– Thằng bé kia ngươi có phải là người họ Lữ không? Lúc ấy Lữ Lân vì bị Từ Lưu Bản đè một bàn tay lên đỉnh đầu nên cảm thấy khắp thân người đều mềm nhũn cơ hồ không còn đủ sức để nói chuyện nữa nên đã đoán biết người đàn ông to béo này là kẻ không có ý tốt chi đối với mình trong lòng hết sức bực tức và chán ghét.

Do đó cậu ta bèn trợn to đôi mắt nói:

– Đúng thế tôi là người họ Lữ nhưng ông hãy mau buông tay tôi ra. Tại sao ông lại có hành động như thế này? Phán Tiên Từ Lưu Bản to tiếng cười ha hả, mớ thịt phì nộn trên người ông ta lại rung rinh không ngừng, nói:

– Tốt lắm, quả ta đã đi nát gót giày mà tìm không gặp, thế mà khi gặp lại quá dễ dàng.

Thần Bút Sử Tụ cất giọng lạnh lùng nói:

– Gã béo họ Từ kia, lời nói của ông là có ý gì? Từ Lưu Bản cười đáp:

– Bảy người các ông chớ nên giả vờ điên dại nữa, giữa chúng ta tuy không phải là người thuộc nhân vật hắc đạo, nhưng cái lệ kẻ nào trông thấy được kẻ đó phải được chia phần vẫn được áp dụng trong trường hợp này.

Số người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên đều lộ vẻ tức giận nhưng vì vừa rồi bọn họ đã sơ ý nên giờ đây Lữ Lân đang bị lọt vào tay của đối phương, dù muốn ném chuột vẫn sợ bị bể đồ bất đắc dĩ phải đè nén cơn tức giận xuống. Thiết Thư Tiêu Thông tức giận nói to rằng:

– Gã béo kia ông nói bá láp chi mãi thế? Sắc mặt của Từ Lưu Bản tràn đầy vẻ đắc ý, lắc lư chiếc đầu đáp rằng:

– Bá láp thì chớ nghe, bá láp thì chớ nghe.

Xem thái độ của Từ Lưu Bản thì như nửa đùa nửa thật, nên Trúc Lâm Thất Tiên nhất thời đều hoang mang không hiểu ông ta định giở trò gì. Nếu đối phương là một nhân vật trong tà phái, có lẽ họ sẽ đối phó dễ dàng hơn. Nhưng đàng này đối phương lại là vị Chưởng môn Thái Cực Môn, tức là một bậc tôn sư trong võ lâm, do đó họ hoang mang không làm sao nhận được đối phương đang muốn gì.

Thần Bút Sử Tụ đưa mắt nhìn sáu người trong bọn, rồi nghiêm sắc mặt nói:

– Gã béo họ Từ, chúng tôi không có thời giờ rãnh để nói bá láp dài dòng với ông. Vậy ông có ý định gì hãy mau nói ra đi nào? Từ Lưu Bản đáp:

– Kể ra Sử lão tam là người biết điều nhất. Tôi thấy rằng thằng bé này linh lợi, lại vừa là con tra của Lữ Đằng Không, diện mục giống y hệt cha nó nên muốn mang nó đi khắp nơi để nó có dịp mở rộng kiến thức.

Sử Tụ không làm sao đè nén được cơn tức giận to tiếng nói:

– Nếu thế, không được. Nó vừa rồi đã lạy bảy anh em ta làm sư phụ, vậy đâu thể để cho ông tự tiện mang nó đi đâu thì đi.

Sắc mặt của Từ Lưu Bản khẽ biến, nhưng rồi lại tươi cười như cũ, nói:

– Từ trước đến nay nghe mọi người đồn đãi, bảo là bảy người thường tự ví mình là Trúc Lâm Thất Hiền thuở xưa. Song ngày nay xem ra cái tên tuổi ấy của các ông chỉ là rỗng tuếch mà thôi.

Sử Tụ nói:

– Gã béo họ Từ kia ông lại nói bá láp chi thế? Từ Lưu Bản cất tiếng cười to nói:

– Việc bảy người các ông xem hợp nhãn thằng bé này, quả là một việc quý hóa lắm.

Trúc Lâm Thất Tiên không biết lời nói của Từ Lưu Bản là có ngụ ý làm sao, nên đều im lặng không nói chi cả. Song cả bọn không ai bảo ai đưa chân bước đến gần Từ Lưu Bản hơn nữa.

Từ Lưu Bản cất đầu bàn chân đè lên gánh đá xanh của mình, rồi cất tiếng cười khanh khách nói:

– Bảy vị chớ nên hành động liều lĩnh.

Tiếp đó Từ Lưu Bản lại cất giọng lạnh lùng cười dài nói:

– Theo ý tôi thì có lẽ các vị chẳng phải thật sự ưa thích chi xương cốt của thằng bé này, mà sở dĩ các vị thu nhận nó làm môn đồ chính là ở mục đích muốn tìm cái lợi nơi Lữ Đằng Không đó thôi.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe qua lời nói ấy thì trong lòng đã bừng bừng nổi giận, sắc mặt bảy người đều sa sầm ngay.

Lúc bấy giờ số người của Trúc Lâm Thất Tiên đều biết võ công của Từ Lưu Bản, nếu đánh một xuất một với bất luận một người trong nhóm người họ thì cũng chưa chắc có thể thủ thắng được dễ dàng. Phương chi giờ đây bọn họ có đến bảy người thì Từ Lưu Bản không làm sao cướp Lữ Lân mang đi đâu được nên cũng tạm yên lòng.

Bởi thế bảy người bọn họ đồng thanh cất giọng cười cho thấy chẳng xem Từ Lưu Bản vào đâu cả.

Sử Tụ sau khi cất tiếng cười bèn nạt to rằng:

– Gã béo kia ông là tông sư của một phái thế tại sao lại ăn nói bừa bãi chẳng kể chi sĩ diện thế? Từ Lưu Bản cười to nói:

– Như nhau cả! Như nhau cả! Sử Tụ tức giận vỗ tay xuống mặt bàn nghe một tiếng bốp, nói:

– Gã béo họ Từ kia, ông hãy thả thằng bé đó ra, chúng tôi không có thời giờ để nói dài dòng với một con người hèn mạt như ông.

Từ Lưu Bản nghiêng đầu như lắng tai nghe tiếng động chi và chẳng mấy chốc sau mọi người cũng đều nghe được tiếng vó ngựa đang chạy rầm rập từ xa tiến tới gần.

Từ Lưu Bản liền mĩm một nụ cười gian manh tỏ vẻ đang đắc ý lắm.

Số người trong Trúc Lâm Thất Tiên tuy có nghe tiếng vó ngựa chạy tới, nhưng vì nơi đây là quan lộ xe ngựa thường hay qua lại luôn, do đó dù trời mới sáng tinh sương nhưng tiếng vó ngựa ấy cũng không làm cho mọi người chú ý đến nhiều.

Từ Lưu Bản bỗng gằn giọng nhấn mạnh từng tiếng một rằng:

– Nếu… tôi… không… bằng lòng buông thì sao? Câu nói ấy của ông ta kéo rất dài thời gian và khi vừa nói xong thì lại bất thần cất tiếng hú to một lượt.

Từ Lưu Bản là người bấy lâu nay luyện Thái Cực Chân Khí nên chân lực của ông ta chính là thứ chân lực chí dương chí cương rất mãnh liệt, khiến tiếng hú bay lâng lâng thấu tận chín tầng mây và lan truyền ra khắp cả núi đồi.

Đồng thời khi tiếng hú của ông ta vừa dứt, thì ai nấy đều thấy có bốn năm con tuấn mã từ xa nhanh nhẹn phi đến nơi…

Thiết Thư Tiêu Thông trông thấy Từ Lưu Bản mà lại có hành động ngang tàng vô lại trong lòng hết sức tức giận nhanh nhẹn đứng phắt dậy nói:

– Gã béo kia, ông đã tỏ ra không kể chi đến thể diện của mình, vậy nếu để cho ông sống trên đời này thêm nữa thực chẳng có ích lợi chi cho ai cả.

Nhưng Từ Lưu Bản vẫn một mực tươi cười, nói:

– Thế à? Tiếng “à” vừa thốt ra khỏi miệng, đầu bàn chân phải của ông ta đã hất mạnh ra một lượt khiến gánh đá xanh nặng nề liền bị hất bay thẳng về phía Trúc Lâm Thất Tiên.

Gánh đá xanh ấy của ông ta nặng có ngoài bốn trăm cân và khi được đầu bàn chân của ông ta hất bay đi, nó lại mang theo một luồng kình phong mãnh liệt nhắm đối phương lướt tới ồ ạt chẳng khác nào núi đồi đang sụp đổ…

Cùng một lúc đó, Từ Lưu Bản lại to tiếng quát lên rằng:

– Hãy chụp lấy! Cấp tốc đi ngay! Tiếng quát vừa dứt, ông ta đã vung cánh tay lên, ném thẳng Lữ Lân ra ngoài cửa.

Lúc bấy giờ, chính là lúc mấy con tuấn mã vừa từ xa chạy bay tới, nên khi Lữ Lân bị Từ Lưu Bản ném thẳng ra ngoài, liền rơi về phía những người đang ngồi trên lưng ngựa ấy.

Liền đó một người đàn ông to lớn trong số người cưỡi ngựa kia đã kêu lớn lên rằng:

– Sư phụ…

Nhưng một người khác đã vội vàng nạt to:

– Kêu làm chi thế? Sư phụ đã kêu mình chụp lấy rồi bỏ chạy ngay, chả lẽ ngươi không nghe hay sao? Lúc ấy Trúc Lâm Thất Tiên đã hiểu được là Từ Lưu Bản biết có mấy môn hạ mình sắp đến trước ngôi quán nhỏ nên mới bình tĩnh tìm cách kéo dài thời gian để chờ cho bọn người ấy tới nơi, hầu ném Lữ Lân cho chúng cướp mang đi.

Vì nhất thời số người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên không để ý quan sát kỹ mưu toan của đối phương, nên đã lầm kế gian của Từ Lưu Bản.

Bởi thế khi mọi người đã nhìn ra ý định ấy của Từ Lưu Bản bị gánh đá xanh nặng nề của ông ta quét tới nên cũng không thể nào hành động cơ hội khác hơn. Họ bất đắc dĩ phải nhảy lùi ra sau tránh.

Giữa lúc bảy người trong nhóm Trúc Lâm Thất Tiên vừa nhảy lui ra, Từ Lưu Bản đã kịp thời ném thẳng Lữ Lân về phía cửa rồi nhanh nhẹn đưa chân tràn tới thò tay chụp lấy gánh đá xanh dùng ngay Mãn Thiên Tinh Đẩu quét bồi thêm một thế võ nữa.

Từ việc Từ Lưu Bản hất mạnh gánh đá xanh về phía Trúc Lâm Thất Tiên cho đến việc ông ta ném Lữ Lân về phía môn đồ của mình, rồi lại tràn tới chụp gánh đá xanh quét bồi thêm một thế Mãn Thiên Tinh Đẩu có thể nói đã nối tiếp nhau nhanh nhẹn như gió hốt nhẹ nhàng như lưu thủy hành vân, quả xứng đáng là một cao thủ số một trong giang hồ.

Thế võ Mãn Thiên Tinh Đẩu của ông ta vừa đánh ra quả hết sức mãnh liệt nên kình phong cuốn tới ào ào khiến mái quán nhỏ lợp bằng tranh liền bị hất bay bổng lên khoảng không.

Song Trúc Lâm Thất Tiên cũng chẳng phải là nhân vật tầm thường, nên mặc dù mọi biến cố xảy đến đột ngột, Phán Tiên Từ Lưu Bản đã giành được thế chủ động, song họ vẫn một mực bình tĩnh nhanh nhẹn phân tán ra rồi mỗi người vung tay đánh ra một thế võ gây thành một luồng chưởng lực không kém ồ ạt đỡ thẳng vào luồng kình phong từ gánh đá xanh của Từ Lưu Bản cuốn tới.

Bởi thế qua một tiếng nổ ầm to, Từ Lưu Bản bị hất lui ra xa đến ba thước dài.

Từ Lưu Bản tự biết chỉ mình ông ta không làm sao đối địch nổi với Trúc Lâm Thất Tiên.

Hơn nữa mục đích của ông ta chỉ là cướp Lữ Lân mang đi thôi, nên hoàn toàn không có ý kéo sự giao tranh.

Sở dĩ Từ Lưu Bản lại hành động như thế, là vì vừa rồi ông ta đã nhận được hai tấm ngọc xanh báo cho biết Lữ Đằng Không đang lãnh áp tải một món đồ vật vô cùng quý báu.

Và món vật ấy chính là một món vật mà khắp võ lâm ai ai cũng mơ ước, mong đoạt được về cho mình.

Do đó, ông ta không kể chi đến danh dự của một bậc Chưởng môn quyết ra tay tranh đoạt món vật ấy, nhưng mãi đến nay ông ta vẫn chưa hề thu được kết quả. Bởi thế khi vừa nhìn thấy Lữ Lân trong lòng ông ta liền nảy sinh một ý nghĩ, ông ta muốn bắt lấy Lữ Lân làm điều kiện uy hiếp Lữ Đằng Không phải trao món vật quý báu ấy về cho mình.

Thì ra Phán Tiên Từ Lưu Bản nguyên chẳng phải là một kẻ tiểu nhân có những ý nghĩ hèn mạt đến thế, song vì trong thâm tâm mỗi người ít nhiều vẫn có những ý nghĩ xấu xa và những ý nghĩ xấu ấy trong bình nhật chắc chắn chẳng ai nhận ra nó được. Vì bình nhật nó hoặc bị câu thúc bởi lễ giáo hay bị sự đè nén của hoàn cảnh nên nó tiềm tàng không hề bộc lộ.

Trái lại khi dục vọng của cá nhân bị hấp dẫn bởi một chuyện gì ý nghĩ xấu xa ấy bèn trỗi dậy ngay, ấy là lòng tham làm mờ lương tri con người.

Hiện giờ có thể nói Từ Lưu Bản đang ở vào một trường hợp như thế, vì đã nhiều năm qua uy danh của Thái Cực Môn ngày một suy sụp, ngay đến vùng đất đặt căn cứ của họ là Thiên Mục Sơn, hiện đang bị Kim Cô Lâu chiếm đi một nửa, thế mà họ vẫn không thể đuổi được đối phương ra khỏi nơi ấy. Do đó Từ Lưu Bản lúc nào cũng tha thiết muốn khôi phục lại uy danh thuở xưa cho Thái Cực Môn, nên cho rằng đây là một cơ hội tốt cần phải chụp lấy tuyệt đối không thể bỏ qua.

Khi Từ Lưu Bản trông thấy số thủ hạ của mình đã mang Lữ Lân chạy đi xa rồi, thì cũng có ý nghĩ thoát đi do đó ông ta nhân đà bị hất lui ra sau, nhanh nhẹn điểm mạnh đôi bàn chân tiếp tục vọt thẳng về phía trước ba trượng nữa và đã đứng vững đôi chân trên mặt đường…

Trúc Lâm Thất Tiên trông thấy Từ Lưu Bản định bỏ chạy thì thử hỏi nào chịu buông tha? Do đó bảy người không ai bảo ai nhanh nhẹn tràn thẳng về phía trước nhanh như gió cuốn với ý định truy đuổi theo Từ Lưu Bản…

Nhưng ngay lúc đó thì một biến cố lại đột ngột xảy ra.

Vì vừa rồi khi Từ Lưu Bản vung tay ném Lữ Lân ra ngoài cửa thì cũng đã điểm thẳng vào Kiên Tĩnh huyệt của cậu ta khiến Lữ Lân chỉ còn nằm yên không làm sao nhúc nhích hay phản kháng được chi nữa. Chính vì vậy cậu ta mới đành chịu cho hai tên đệ tử của Thái Cực Môn chụp lấy rồi phi ngựa bỏ chạy đi.

Số đệ tử của Thái Cực Môn sau khi mang Lữ Lân vượt đi xa ngoài một dặm thì lại nghe tiếng hú báo động của Từ Lưu Bản. Hơn nữa vì vừa rồi họ cũng nghe lời dặn dò của vị Chưởng môn bảo phải cấp tốc bỏ chạy đi ngay nên cả bọn chẳng hề dám nấn ná giật cương cho những con tuấn mã lướt đi nhanh như điện xẹt.

Bởi thế khi Từ Lưu Bản và Trúc Lâm Thất Tiên lướt ra đến đường cái quan thì chỉ còn thấy cát bụi mịt mờ và những con tuấn mã ấy đã tiến đi xa rồi.

Nhưng cũng ngay lúc ấy, bỗng từ phía đầu đường kia có một bóng người đang nhắm đoàn ngựa chay bay tới nhanh như gió và thân pháp nhẹ nhàng như một luồng khói mỏng, chỉ trong nháy mắt sau thì đã lướt đến nơi.

Những con tuấn mã ấy đang chạy nhanh nên xem ra chắc chắn chúng nó sẽ giẫm lên người của đối phương và người ấy nếu không bị mất mạng tất cũng sẽ bị trọng thương ngay.

Song, chẳng ngờ khi hắn ta lướt thẳng vào giữa bầy ngựa thì liền nghe có mấy tiếng ối chao nổi lên lên tiếp vô cùng rùng rợn và lại thấy có hai người từ trên lưng ngựa té lăn quay trên đất.

Biến cố ấy xảy ra quá đột ngột lại quá nhanh nhẹn, nên đã làm cho Từ Lưu Bản hết sức kinh hãi.

Ông ta vội vàng co chân chạy bay về phía trước không kể chi đến việc đối phó Trúc Lâm Thất Tiên nữa.

Từ Lưu Bản vừa chạy nhưng cũng vừa to tiếng kêu lên rằng:

– Nhân vật nào đã bất thần xuất hiện đó? Vậy chớ nên bỏ chạy hãy nán lại gặp mặt gã béo tôi đã.

Trúc Lâm Thất Tiên trông thấy thế không ai bảo ai đều đưa mắt nhìn nhau một lượt rồi cũng vội vàng phi thân lướt thẳng về phía trước…

-oOo-

Hết chương 16


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.