Lòng chàng bỗng thấy nôn nóng, muốn trở về Trung Nguyên ngay.
Suốt đêm hôm ấy lúc nào chàng cũng bồn chồn, không sao nhắm mắt ngủ yên, mà cũng không sao rèn luyện võ công được nữa. Bởi thế, chàng bèn cất kỹ chiếc hộp ngọc đựng những lá cây ghi chép phương pháp rèn luyện Kim Cang Thần Chỉ vào áo, rồi bước ra khỏi gian phòng đá. Chàng tìm đến một mõm đá khá cao, đứng nhìn ra biển cả mênh mông bát ngát.
Mặt biển phẳng lặng, không gợn một sóng nhỏ, xem như một tấm bích ngọc khổng lồ.
Nhưng nếu muốn vượt qua mặt biển mênh mông này, đâu phải là một chuyện dễ dàng? Chiếc thuyền to lớn bị đắm trước đây hiện vẫn còn nằm yên tại bãi biển. Lữ Lân thấy chàng có thể lấy những mảnh ván còn chắc kết thành một chiếc bè. Hơn nữa, thanh đơn đao màu tía mà trước đây chàng đã nhặt được trên thuyền, hiện nay chắc là vẫn còn nằm yên trong chiếc thuyền ấy, nếu chàng lặn xuống nước mò nó, thì vẫn có thể dùng được trong nhiều việc.
Lữ Lân thấy rằng, nếu mình kết được một chiếc bè, thì chỉ cần trời mưa to hứng lấy một số nước ngọt mang theo, và lựa chiều gió thuận tiện, là có thể thả bè cho trôi trở về đất liền! Khi nghĩ đến trình độ võ công hiện nay của mình, nếu trở về được Trung Nguyên, chắc chắn chàng có thể làm được nhiều chuyện to tát, lòng chàng bỗng thấy hết sức phấn khởi, bất giác hú lên một tiếng dài, vang dội cả không trung! Tiếng hú ấy bay lâng lâng mãi giữa trời cao, chẳng khác nào tiếng cọp giữa rừng sâu thẳm. Ngay đến Lữ Lân cũng không khỏi kinh ngạc trước tiếng hú vang rền ấy của mình! Sau một thời gian độ dùng xong một chén trà, thì bỗng từ phía xa có một âm thanh rất lạ, nối tiếp với tiếng hú của chàng vọng đến! Lữ Lân đã sống trên Mặc Tiều Đảo suốt hai năm qua, ngoài tiếng gió gào sóng bổ, còn thì chàng không hề nghe thấy có tiếng chi khác lạ hơn. Thế mà giờ đây chàng nghe được âm thanh lạ lùng ấy, nên trong lòng không khỏi thầm giật mình.
Chàng vội vàng nghiêng tai lắng nghe, và cảm thấy âm thanh đó tựa hồ là tiếng ngâm nga rất chậm rãi của một người con gái, nghe vừa du dương, vừa vui tai vô cùng! Tiếng ngâm tuy không to lắm, thế nhưng tiếng hú vang rền của chàng vừa rồi vẫn không làm sao át nó được! Chàng vội vàng sử dụng thân pháp, nhắm một ngọn đá cao nhất ở cạnh đấy vượt lên như bay.
Nhờ đứng trên cao nên chàng đã nghe được âm thanh ấy càng rõ ràng hơn. Chàng đã nhận định được phương hướng của âm thanh đó chính là từ đầu bên kia chiếc cầu đá nối liền hai ngọn núi vọng đến! Trước khi Lữ Lân tìm được chiếc hộp ngọc đựng mười hai chiếc lá khô ghi chép phương pháp rèn luyện Kim Cang Thần Chỉ, thì chàng đã có ý định vượt qua chiếc cầu đá để sang bên kia ngọn núi. Nhưng vì ngay sau đó chàng bắt gặp được món bảo vật thứ hai nên liền bỏ hẳn ý định ấy.
Suốt hai năm qua, vì chàng lúc nào cũng cần mẫn lo rèn luyện võ công, nên không có thời giờ rảnh rỗi để sang bên kia núi để xem có thể tìm gặp món bảo vật thứ ba trong Mặc Tiều Tam Bảo không.
Lữ Lân gần như có một sự quả quyết là món bảo vật thứ ba được cất giấu ở bên kia núi. Bởi thế, tuy chàng có ý nghĩ kết bè rời khỏi hòn đảo, nhưng cũng có ý định sẽ vượt qua bên kia ngọn núi, hầu tìm xem hư thực thế nào.
Nhưng chẳng ngờ trước khi thực hiện ý định của mình chợt chàng nghe bên kia ngọn núi có tiếng lạ vọng đến! Giữa hai ngọn núi ấy cách xa nhau chừng hai mươi trượng, Lữ Lân đứng trên cao nhìn xuống, trông thấy phía đối diện rõ ràng. Chàng không còn nghe tiếng ngâm nga trong trẻo ấy vọng đến nữa, trái lại chàng thấy có một bóng người xuất hiện trên một mỏm đá cao. Bóng người ấy đang lướt tới trước nhanh như gió hốt, và chỉ trong nháy mắt là đã đứng yên trên một tảng đá cao nhất.
Lữ Lân thực không sao tưởng tượng được trên đảo này lại có người thứ hai! Trong khi còn đang kinh dị chàng giương to đôi mắt chú ý nhìn về phía đối phương.
Song vì khoảng cách khá xa, nên chàng không làm sao thấy rõ được diện mục của người ấy.
Chàng chỉ thấy người ấy tóc xõa chấm vai, rõ ràng là một cô gái, mình mặc y phục hoa ngũ sắc sặc sỡ, nhìn hoa cả mắt.
Chàng định thần chú ý nhìn, thì thấy đối phương cũng đang hướng mắt nhìn về phía mình, lúc bây giờ vì nội công của chàng đã hết sức cao cường, nên bèn dồn hơi xuống Đan Điền rồi gằn giọng hỏi to rằng:
– Cô là ai thế? Suốt hai năm qua, đây là lần thứ nhất lên tiếng nói chuyện với một người nên giọng nói của chàng không khỏi ngượng nghịu. Hơn nữa, vì chàng đã từ một cậu bé chuyển thành một chàng thiếu niên, giọng nói cũng thay đổi rất nhiều.
Sau khi nghe Lữ Lân lên tiếng hỏi, cô gái ấy dường như hết sức vui mừng. Cô ta liền to tiếng từ bên bên kia vọng lại:
– Anh đến hòn đảo này từ lúc nào thế? Tôi đã ở đây hơn hai năm qua rồi! Sau khi Lữ Lân nghe được giọng nói của cô gái, thì chàng không khỏi giật mình. Vì giọng nói ấy chàng hết sức quen thuộc! Lữ Lân cau mày nghĩ ngợi, và đã đoán biết được đối phương là ai! Cũng chính vì thế nên lửa giận liền bốc cháy trong lòng chàng. Chàng không thể làm sao có thể ngờ được là hai năm qua, kẻ thù bất cộng đái thiên của mình đã sống yên ổn bên kia ngọn núi mà mình hoàn toàn không hay biết chi cả.
Cô gái trông thấy Lữ Lân không lên tiếng đáp lại, hỏi to rằng:
– Anh là ai thế! Lữ Lân dồn hơi vào Đan Điền, rồi bất thần ngửa mặt cười dài, nói:
– Tôi là ai, chả lẽ cô không nhận ra hay sao? Cô gái dường như giật mình, và trong lời có vẻ tức giận, lên tiếng quát:
– Ai lại nhận ra anh chứ? Lữ Lân cất tiếng cười dài, đáp:
– Hàn cô nương, cô quả là quái nhân nên mới chóng quên như vậy! Thì ra khi cô gái vừa lên tiếng nói chuyện, và Lữ Lân sau giây phút kinh ngạc, đã đoán ra cô gái chính là Hàn Ngọc Hà, kẻ tử thù với mình từ bấy lâu nay.
Suốt hai năm qua chàng vẫn cứ tưởng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào Mặc Tiều Đảo vỡ tan, thì chàng bị sóng cuốn lên bãi biển và được sống sót, còn Hàn Ngọc Hà thì đã bị vùi thây dưới đáy biển sâu rồi. Song chẳng ngờ Hàn Ngọc Hà lại xuất hiện trên ngọn núi đối diện với ngọn núi của chàng như vậy. Suốt thời gian qua, hai ngươi chỉ cách nhau hơn một dặm! Bởi thế, sau khi nhận biết giọng nói của Hàn Ngọc Hà, Lữ Lân vừa tức giận, nhưng cũng vừa vui thích.
Chàng sở dĩ cảm thấy vui thích, là vì hai năm qua võ công của mình đã tiến bộ vượt bực, vậy chắc chắn rồi đây nếu có gây sự đánh nhau nữa, thì chàng cũng có thể thắng được kẻ thù.
Khi Lữ Lân nghe qua tiếng ngâm nga của Hàn Ngọc Hà, chàng cũng đoán biết được sau hai năm sống trên đảo, nàng cũng có được một kỳ ngộ gì đây, khiến võ công đã tiến bộ rất nhiều. Nhưng chàng cho rằng Kim Cang Thần Chỉ, một thứ võ học có uy lực vô cùng, thế nào cũng đủ thắng được nàng! Giữa lúc Lữ Lân đang nghĩ ngợi, thì Hàn Ngọc Hà bên kia núi cũng đứng sửng sờ.
Giọng nói của Lữ Lân hoàn toàn khác biệt với hai năm trước đây. Hơn nữa thân người chàng cũng đã to lớn hơn rất nhiều, lại mặc một bộ y phục bằng cỏ xem hết sức quái dị, dù có đứng bên gần bên nhau, cũng chưa chắc dễ nhận ra, huống hồ hai đàng lại đứng cách nhau xa, không làm sao trông thấy được diện mục? Nhưng qua giọng nói của Lữ Lân, Hàn Ngọc Hà cũng đã nhận ra được kẻ đang đứng bên kia ngọn núi đối diện với mình, chính là kẻ thù sống chết của mình trước đây! Bởi thế, Hàn Ngọc Hà vội phi thân lướt thẳng về phía trước mấy lượt là đã tiến đến một tảng đá sát vách núi.
Bên này ngọn núi, Lữ Lân cũng vọt người bay bổng lên, và chỉ sau ba lần vọt lên rơi xuống, là cũng đến sát vách núi như Hàn Ngọc Hà.
Vì hai người đều tràn tới, nên khoảng cách giữa hai người cũng được rút ngắn đi. Hàn Ngọc Hà từ bên kia ngọn núi mắng qua rằng:
– Tiểu tử thối tha kia! Té ra lại chính là ngươi! Lữ Lân cười to ha hả, nói:
– Là ta thì thế nào? Con tiện tỳ kia, hôm nay ngươi chạy thoát khỏi tay ta mới là người có bản lãnh! Câu nói dứt, chàng đã vận chuyển chân khí trong người đưa ra ngón tay trỏ bên phải, bất thần điểm mạnh tới sử dụng thế Nhất Trụ Kình Thiên trong Kim Cang Thần Chỉ! Lúc bấy giờ tuy hai người đều đứng trên mỏm đá sát vách núi. Khoảng cách gần hơn khi nãy, nhưng vẫn cách xa nhau đến mười mấy hai mươi trượng. Với một khoảng cách như vậy, Lữ Lân biết Kim Cang Thần Chỉ của mình dù là thứ thần công cao tuyệt thế, song cũng không thể gây thiệt hại chi cho đối phương được. Do đó, khi chàng vung chỉ điểm tới, chàng không hề nhắm điểm thẳng vào người Hàn Ngọc Hà, mà trái lại nhắm điểm xuống mặt biển! Tức thì một tiếng vèo rít lên, liền thấy chỉ lực của chàng bay vút đi nhanh như điện xẹt khiến mặt nước vốn phẳng lì như gương ấy bất thần có một vòi nước to bằng ngón tay, từ dưới bay vọt lên cao gần một trượng kèm theo những bông nước trắng xóa, xem vô cùng ngoạn mục! Lữ Lân hết sức đắc ý, cất tiếng to cười ha hả, nói:
– Con tiện tỳ kia! Ngươi thấy rõ không nào? Hàn Ngọc Hà đứng bên kia núi, tựa hồ đang sửng sờ trước tuyệt nghệ của đối phương.
Nhưng cũng liền theo đó, nàng bất thần vung một bàn tay ra, để thẳng vào mặt nước, rồi lại hất tay lên. Thế là một cây nước từ dưới mặt biển liền bay vọt theo chưởng của nàng, đi đôi với tiếng ầm to, tựa hồ chính nàng đã thò tay vào mặt biển khoát lên vậy.
Hơn nữa cây nước ấy vừa bay vọt lên lại vừa uốn khúc uyển chuyển, trông chẳng khác cho con rồng thần đang từ mặt biển lướt lên vòm trời cao. Kế đó, cây nước lại tỏa rông ra và bắn tung lên rơi lả tả trở xuống, chẳng khác chi gió thổi hoa rơi.
Lữ Lân đứng bên này chân núi, trông thấy rất rõ ràng, nên không khỏi thầm kinh hãi.
Vì qua tài nghệ tuyệt vời ấy của Hàn Ngọc Hà, chứng tỏ về nội lực của nàng cũng đã tiến bộ đến mức cao cường tuyệt đỉnh.
Hàn Ngọc Hà gằn giọng nói:
– Tiểu tử hôi thối kia, ngươi có trông thấy rõ không nào? Lữ Lân không khỏi bừng bừng tức giận, vì vừa qua chàng không ngờ đối phương lại tiến bộ nhanh chóng về mặt võ công như thế, nên thế chỉ Nhất Trụ Kình Thiên của chàng vừa biểu diễn, chỉ mới vận dụng có bốn phần mười công lực, nên chỉ lực của chàng xem ra còn kém sút hơn Hàn Ngọc Hà.
Lữ Lân cất tiếng cười nhạt, nói:
– Con tiện tỳ kia, để rồi ta cho ngươi có dịp mở rộng tầm mắt đây! Nói đoạn, chàng bèn khom người nhặt một viên đá nhỏ, rồi thảy lên cao độ hai thước mộc, đoạn vung hai ngón trỏ và ngón giữa, nhanh như chớp kẹp lấy viên đá đang từ trên cao sa trở xuống qua thế Song Long Tráp Vân. Tức thì, sau một tiếng rắc, viên đá liền bị chỉ lực của chàng cắt đứt ra làm đôi, ngon lành như một lưỡi kéo thép! Tiếp đó Lữ Lân lại nhanh nhẹn thò tay ra, dùng ngón tay giữa búng hai lượt, gây thành tiếng kêu cạch, cạch, khiến hai viên đá ấy liền bay vèo về phía trước gần hai mươi trượng, lướt thẳng đến vách núi nơi Hàn Ngọc Hà đang đứng! Lữ Lân đã dùng chỉ lực búng hai viên đá nhỏ bay ra xa như vậy, thật sự đã là một chuyện mà ai nhìn đến cũng phải kinh tâm tán đởm! Nếu kẻ thù đứng cách của trong vòng năm sáu trượng, thì chắc chắn hai viên đá do chàng búng ra sẽ xuyên thủng qua thân người đối phương, hoặc sẽ gây trọng thương cho kẻ địch.
Lữ Lân sau khi búng hai viên đá nhỏ bay thẳng qua bên kia ngọn núi, liền cất tiếng to cười ha hả, rồi nói:
– Con tiện tỳ kia, võ học trong thiên hạ không có đâu là bờ bến, vậy có lẽ ngày hôm nay ngươi đã được biết rồi chứ? Ngụ ý qua lời nói ấy chính là chê cười Hàn Ngọc Hà có thái độ tự cao tự đại trước chưởng lực vừa rồi của nàng, và cho nàng chỉ là một con ếch ngồi đáy giếng! Trong lòng Hàn Ngọc Hà hết sức tức giận, nàng cười nhạt nói:
– Đấy chỉ là thứ trò chơi của trẻ con mà cũng dám mang ra khoe khoang với người! Lữ Lân nghe thấy thế lửa giận liền cháy bừng bừng, nói:
– Con tiện tỳ kia, nói thế thì ngươi còn có bản lãnh chi nữa? Hàn Ngọc Hà cất tiếng cười nhạt, nói:
– Bản lãnh của ta nếu nói cho một con người như ngươi nghe, thử hỏi làm sao hiểu được? Lữ Lân cất tiếng thét to, nói:
– Con tiện tỳ kia, ngươi có dám đánh nhau với ta không nào? Hàn Ngọc Hà đáp:
– Có chi lại không dám? Hai người vừa nói đến đây, thì bất ngờ đều ngửa mặt nhìn lên chót núi. Vì lúc ấy, ngay trước mặt họ, chính là một khoảng nước biển rộng gần hai mươi trượng, dù họ muốn đánh nhau cũng không làm sao đánh được.
Nhưng trên đầu họ, tức trên chót núi cao, lại có một cầu thiên nhiên bằng đá nối liền nhau.
Hai vừa đưa mắt nhìn lên, thì thoáng có ý nghĩ là chiếc cầu đá nối liền hai đỉnh núi ấy, chính là một địa điểm thực tốt để cho họ thi thố võ công đã trui luyện suốt hai năm qua.
Hàn Ngọc Hà lên tiếng trước tiên, nói:
– Tiểu tử thối kia, chúng ta sẽ gặp nhau trên chiêc cầu đá kia, vậy ngươi có dám không? Lữ Lân thầm nghĩ: “Võ công của Hàn Ngọc Hà tuy có tiến bộ vượt bực, song chắc chắn đây chỉ là một thứ võ công độc đáo chi khác mà Thiên Tôn Thượng Nhân đã để lại, nhưng võ công đó không làm sao sánh kịp với Kim Cang Thần Chỉ cả. Vậy nếu ta lên đấy gặp nàng, thì tất có thể đánh rơi nàng xuống biển, hầu kết liễu đi một giai đoạn cừu hận này!” Vì trong cơn nóng nảy nên Lữ Lân không hề chú ý đến bộ y phục sặc sỡ đủ màu sắc mà Hàn Ngọc Hà đang mặc trên người. Chắc chắn đấy không phải là bộ y phục mà trước đây Thiên Tôn Thượng Nhân đã mặc, trái lại nó phải là một bộ y phục có lai lịch khác hơn.
Chàng cất tiếng thét dài một lượt, nói:
– Được lắm, ngày chết của con tiện tỳ ngươi đã đến rồi! Dứt lời chàng liền quay lưng lại, và chỉ trong nháy mắt sau, đã vượt lên đến chân núi.
Tiếp đó, lại vận dụng chân khí trong người, nhắm ngay đỉnh núi lướt nhanh lên.
Bên kia ngọn núi, Hàn Ngọc Hà cũng đang sử dụng thân pháp lướt đi như bay. Chỉ trong nháy mắt, cả hai đã cùng một lúc vượt lên đến đỉnh núi! Suốt hai năm qua đây là lần đầu tiên Lữ Lân lên đến đỉnh núi cao này, và khi chàng đưa mắt nhìn chiếc cầu đá nối liền giữa hai ngọn núi, trong lòng không khỏi ớn lạnh! Thì ra chiếc cầy đá thiên nhiên ấy, đứng từ dưới nhìn lên, thấy nó rộng hơn một thước mộc, nhưng khi đến gần nhìn kỹ, vì nó hình ống, nên thực tế mặt của nó chỉ rộng trên nửa thước mộc mà thôi! Đứng từ trên cao nhìn xuống, tuy mặt biển phẳng lặng như gương, nhưng dù ai bạo dạn đến đâu, cũng không cảm thấy khiếp sợ trong lòng. Lữ Lân định thần nhìn về phía bên kia đầu cầu, trông thấy Hàn Ngọc Hà cũng đang đứng sững tại đấy.
Hai người đưa mắt nhìn nhau một lượt, và không ai chịu tỏ ra sợ hãi trước mặt đối phương, nên đưa chân bước thẳng về chiếc cầu ấy từng bước một.
Chẳng mấy chốc sau khoảng cách giữa hai người chỉ cỏn lại chừng một trượng nữa mà thôi. Hai người lại đưa mắt nhìn kỹ từ đầu đến chân đối phương và đều không khỏi giật mình, sửng sốt! Sau hai năm xa cách, từ dáng vóc đến diện mạo của hai người đều có sự thay đổi hết sức lớn lao. Lữ Lân vừa nhìn qua Hàn Ngọc Hà, thấy sắc mặt nàng tuy đang có vẻ tức giận, nhưng với đôi mày liễu thực cao, đôi mắt phượng sáng lóng lánh, da mặt trắng như ngọc, đôi cánh môi anh đào đỏ thắm, vẫn không làm thế nào che giấu được nét diễm kiều xinh đẹp của nàng! Hai năm qua, thân người của Hàn Ngọc Hà càng nảy nở đầy đặn, nên nét mặt xinh đẹp của cô gái càng rực rỡ hơn. Đồng thời, Lữ Lân cũng từ một cậu bé, đã trở thành một chàng thiếu niên, nên nhìn qua dung nhan của Hàn Ngọc Hà, trong lòng chàng không khỏi cảm thấy xao xuyến! Tâm trạng của Hàn Ngọc Hà lúc ấy thật ra cũng không khác chi Lữ Lân! Hàn Ngọc Hà làm sao có thể tưởng tượng được là sau hai năm, kẻ thù bất cộng đái thiên với mình lại trở thành một chàng thiếu niên khôi ngô, tuấn tú, đầy vẻ hào hoa như thế này! Chính vì lẽ ấy, nên nhất thời hai người đứng sừng sững trên chiếc cầu đá, đưa mắt nhìn chăm chú vào nhau, không ai lên tiếng gây sự hoặc ra tay xô xát trước cả.
Qua một lúc khá lâu, Hàn Ngọc Hà thầm mắng mình rằng: “Thế nào rồi? Không ra tay đánh nhau còn đứng đây làm chi nữa?” Nghĩ đến đây thì đôi má nàng bừng đỏ, vội vàng bước lui ra sau một bước, cất tiếng trong trẻo nạt to rằng:
– Tiểu tử thối kia, ngươi nhìn gì mà dữ thế! Sắc mặt của Lữ Lân cũng không khỏi bừng đỏ, hỏi vặn lại nàng:
– Nếu ngươi không nhìn ta, thì tại sao biết ta nhìn ngươi được? Hàn Ngọc Hà nghe Lữ Lân hỏi vặn như vậy, thì càng thẹn thuồng không tả xiết. Sau cùng, nàng mới to tiếng quát rằng:
– Hãy xem thế võ đây! Dứt lời nàng bên vung cánh tay mặt lên, công thẳng về phía Lữ Lân một chưởng.
Chiếc cầu đá ấy vốn rất hẹp, ngoại trừ nhảy lui ra sau để tránh là không bị nguy hiểm, bằng trái lại, nếu lách sang bên tả hay hũu thì đều có thể bị rơi xuống biển đầy đá ngầm mà chết mất mạng ngay.
Lữ Lân trông thấy Hàn Ngọc Hà ra tay tấn công mình trước, vội vàng nhảy lùi ra sau hai bước, rồi nhanh nhẹn vung một cánh tay lên, định dùng Kim Cang Thần Chỉ để nghênh địch, Nhưng trong giây phút ngắn ngủi ấy, chàng bỗng nhìn thấy trên mặt cầu đá, về phía trước mình độ năm sáu thước mộc có trên dưới mười cái dấu chân in sâu vào mặt đá! Bao nhiêu ý nghĩ dồn dập trong đầu óc của Lữ Lân. Chàng nhớ đến những dòng chữ lưu lại trên vách đá, viết bằng Kim Cang Thần Chỉ của Thiên Tôn Thượng Nhân, chứng tỏ sau khi ông trui luyện thành công thứ chỉ lực đó, thì đã đi tìm ngay một người để giao tranh, hầu định rõ tài cao thấp.
Nhưng người đó là ai, thật sự Lữ Lân không làm sao hiểu được. Tuy nhiên, qua những dấu chân còn lưu lại trên mặt cầu giờ đây Lữ Lân đoán biết chắc chắn trước đây Thiên Tôn Thượng Nhân và người ấy cũng đã giao tranh trên chiếc cầu đá thiên nhiên này.
Khi chàng nghĩ đến đó, thì chân lực vốn đã dồn tại đôi tay cũng liền được giữ lại, chưa vội đánh ra, quát to rằng:
– Hãy chậm đã! Thế chưởng của Hàn Ngọc Hà hết sức nhanh nhẹn và mãnh liệt. Khi cánh của tay nàng vừa quét ra thì một luồng kình lực âm nhu cũng theo đó cuốn tới, nhắm thẳng vào người Lữ Lân.
Lữ Lân vì bất ngờ nhìn thấy những dấu chân in trên mặt đá, nên đang kinh ngạc đứng yên, chưa vội vung chỉ phản công.
Giữa các cao thủ đánh nhau, thử hỏi đâu cho phép cớ sự chậm trễ, dù sự chậm trễ ấy chỉ là một thoáng chốc? Bởi thế, ba tiếng “hãy chậm đã” của chàng vừa thốt ra khỏi miệng, thì luồng chưởng lực của Hàn Ngọc Hà đã quét tới nơi! Lữ Lân không khỏi kinh hoàng và trong lòng hết sức tức giận, nhanh nhẹn dồn chân khí xuống nửa chân dưới để giữ vững đôi chân, trong khi hai cánh tay đã nhanh nhẹn vung ra dùng thế Nhất Trụ Kình Thiên và Tam Hoàn Sắc Nguyệt đánh ra tới tấp, khiến hai luồng chỉ phong mạnh mẽ, rít nghe vèo vèo, bắn thẳng về phía chưởng lực của Hàn Ngọc Hà! Hai luồng kình lực va chạm vào nhau giữa khoảng không gây nên một tiếng nổ vang rền, khiến thân người của Hàn Ngọc Hà và Lữ Lân đều không ngớt dao động. Nhưng cũng may là họ đều dồn chân lực giữ vững đôi chân trước, nên sau những lần chao động dữ dội, liền đứng yên lại ngay, không hề bị hất rơi xuống biển.
Lữ Lân hừ lên một tiếng và đưa chân bước thẳng về phía trước một bước.
Hai người tuy mới đánh nhau qua một thế võ, nhưng họ đều đoán biết được rất rõ là sau hai năm xa cách, đối phương đã khắc khổ trui rèn võ học, nên đã tiến bộ vượt bực và chắc chắn tài nghệ giữa đôi bên ngang ngửa suýt soát nhau như xưa mà thôi.
Hàn Ngọc Hà sau khi thu thế chưởng trở về, cũng nhanh nhẹn tràn về phía trước một bước, quát rằng:
– Tiểu tử kia, có phải là ngươi đã sợ hãi rồi chăng? Ngươi bằng lòng chịu thua chưa? Lữ Lân cất tiếng cười ha hả, nói:
– Con tiện tỳ không biết sĩ diện kia! Hiện nay ta đã luyện được Kim Cang Thần Chỉ, một thứ võ công khoáng cổ tuyệt kim, vậy chả lẽ còn sợ nữa sao? Hàn Ngọc Hà nghe thế, thì dường như hơi giật mình, nhưng liền giữ bình tĩnh, nói:
– Kim Cang Thần Chỉ mà có chi gọi là lợi hại? Chả lẽ nó sánh kịp với Thái Âm Chưởng của ta sao? Lữ Lân nghe qua cũng không khỏi sửng sốt. Chàng thầm nghĩ: “Thảo nào chưởng pháp của cô ta hết sức kỳ tuyệt, chưởng lực lợi hại vô cùng, vừa kín đáo lại vừa mềm dẻo. Thì ra trong vòng hai năm qua cô ta đã rèn luyện thành công Thái Âm Chưởng Pháp, một thứ chưởng pháp rất khó rèn luyện, và chỉ có nữ phái rèn luyện được mà thôi. Nghe đâu Thái Âm Chưởng Pháp khi đánh ra thì gây thành một luồng chưởng thuần âm rất mạnh mẽ, không kém sút hơn Ban Nhược Thần Chưởng của Phật môn. Như vậy với Kim Cang Thần Chỉ của mình có lẽ chỉ đánh nhau tương đương với đối phương mà thôi, và do đó, ta muốn thủ thắng được nàng, thực là khó khăn. Hơn nữa đôi bên chọn địa điểm như đầy nguy hiểm như thế này để giao tranh, vậy chắc chắn kết quả sẽ đưa đến đôi bên cùng chết mất mạng như nhau mà thôi!” Vì nghĩ thế nên sau giây phút sửng sờ, Lữ Lân định lên tiếng giãi bày hơn thiệt cùng đối phương, thì Hàn Ngọc Hà đã lên tiếng nói trước rằng:
– Nếu ngươi đã sợ hãi, thì ngươi hãy quỳ xuống chiếc cầu đá này lạy ta ba lạy, thì ta sẽ tha cho ngươi! Lữ Lân nghe thế, bèn hứ một tiếng, nói:
– Nếu ngươi bằng lòng lạy ta ba lạy, thì ta cũng sẽ tha cho ngươi vậy! Hai người đều ăn miếng trả miếng với nhau, không ai chịu nhân nhượng ai cả! Đôi mày liễu của Hàn Ngọc Hà khẽ nhướng cao, đôi chân cũng liền nhanh nhẹn tràn về phía trước. Trong khi đó, Lữ Lân cũng không chịu thua, lướt thẳng về phía nàng! Thân pháp của hai người đều hết sức nhanh nhẹn, nên chỉ trong chớp mắt là đôi bên chỉ còn cách nhau không hơn năm thước mộc nữa.
Hàn Ngọc Hà bèn vung tay lên thành một cái vòng bán nguyệt, rồi xô mạnh đơn chưởng về phía trước nghe một tiếng vút! Lữ Lân biết Hàn Ngọc Hà đã luyện được Thái Âm Chưởng Pháp, nên muốn thủ thắng được đối phương tất không thể dùng lối đánh thông thường mà phải đánh mạo hiểm bất ngờ, mới có thể thủ thắng được.
Do đó khi trông thấy Hàn Ngọc Hà vung chưởng đánh ra, chẳng những chàng không nhảy lui để tránh mà cũng không vung tay đánh trả, trái lại còn giả vờ như hành động chậm hơn đối phương một bước.
Thái Âm Chưởng là một thứ chưởng lực lợi hại bậc nhất, dùng luồng sức mạnh âm nhu làm căn bản. Trong khi Lữ Lân giả vờ hành động chậm chạp hơn đối phương, thì chàng đã có sự chuẩn bị đối phó rất độc đáo, dồn chân lực kềm cứng đôi chân trên chiếc cầu đá, khiến thân người vững vàng như Thái Sơn. Nhưng khi luồng chưởng phong từ bàn tay của Hàn Ngọc Hà cuốn tới, chàng cảm thấy khắp châu thân mình như bị một thứ sức mạnh vô hình kéo về bốn phương tám hướng. Như vậu nếu tâm thần của chàng bị phân tâm để sơ hở một tí, tất chàng sẽ bị sức mạnh ấy kéo mạnh sang một bên, và chắc chắn hậu quả sẽ tai hại chẳng biết đâu mà lường! Bởi thế, Lữ Lân thầm kêu lên rằng: “Chưởng pháp quả hết sức lợi hại!” Trong khi đó, nửa thân trên của chàng không ngớt chao động, nhưng đôi chân thì vẫn bám cứng trên mặt cầu.
Hàn Ngọc Hà trông thấy Lữ Lân không ra tay phản công, thì hoang mang không biết đối phương định giở trò gì, nhanh nhẹn đưa chân tràn tới, vung chưởng công thêm một thế võ vào người Lữ Lân. Thế chưởng ấy vừa nhẹ nhàng, vừa nhanh nhẹn, nhưng kình lực đã cuốn tới như vũ bão.
Lữ Lân chờ cho cánh tay của Hàn Ngọc Hà vừa xô tới, và khi đà xô đã mãn, bất thần vung tay ra, dùng thế Tam Hoàn Sắc Nguyệt đánh ra, khiến ba đạo chỉ phong liền rít nhắm vào ba huyệt đạo Dương Khê, Dương Kỷ và Dương Cốc trên cổ tay của Hàn Ngọc Hà điểm tới.
Lữ Lân đã rèn luyện thành công Kim Cang Thần Chỉ, nên chỉ lực của chàng đánh ra hết sức mãnh liệt, dù cho là cách không điểm huyệt, nhưng nếu đối phương võ công kém sút vẫn bị hại ngay.
Hàn Ngọc Hà lúc ấy mặc dù công lực cũng suýt soát nhau với Lữ Lân, song vì Lữ Lân vung chỉ điểm ra, đầu ngón tay của chàng chỉ còn cách cổ tay nàng không hơn nửa thước mộc, nên lúc ba đạo chỉ phong cuốn tới, Hàn Ngọc Hà liền cảm thấy cổ tay mình đã bị tê buốt ngay! Hàn Ngọc Hà vốn cho rằng Thái Âm Chưởng Pháp mà mình đã luyện được chính là một môn võ công cái thế vô song, khi tập trung hết chân lực trong người vung chưỏng đánh ra, thì luồng chưởng phong chẳng khác chi một vật hữu hình, chận đứng được cả chưởng phong hoặc binh khí của đối phương đang công tới.
Nhưng nàng nào có biết Thái Âm Chưởng Pháp và Kim Cang Thần Chỉ chính là hai thứ võ công mà luồng sức mạnh trái ngược nhau. Một bên hoàn toàn sử dụng luồng sức mạnh Dương Cang, còn một bên lại dùng luồng sức mạnh Âm Nhu. Hai luồng sức mạnh ấy tương sinh tương khắc, và biến hóa vô cùng tận.
Khắp trong thiên hạ chỉ có hai thứ võ công là Ban Nhược Thần Chưởng của Phật môn và Kim Cang Thần Chỉ mới có thể chống trả nổi với Thái Âm Thần Chưởng mà thôi. Ngược lại, đối với Ban Nhược Thần Chưởng và Kim Cang Thần Chỉ, thì cũng chỉ có Thái Âm Chưởng mới đủ sức đương đầu.
Hàn Ngọc Hà khi vung chưởng công về phía đối phương, thực không làm sao ngờ được Lữ Lân lại dùng một lối đánh hết sức mạo hiểm, nên mãi đến lúc luồng chỉ phong của Lữ Lân quét tới, khi nàng hay được thì cổ tay mình bị tê buốt rồi! Hàn Ngọc Hà liền buông thõng cánh tay xuống, không còn tự chủ được nữa! Hàn Ngọc Hà là một cô gái tính tình nóng nảy, mặc dù trong hai năm ở một mình trên hoang đảo, nhưng nàng vẫn không hề thay đổi được cá tính đó. Bởi thế, khi thấy vừa ra tay đánh nhau thì đã bị lầm mưu đối phương ngay, nên trong lòng hết sức tức giận.
Vì thế nàng nhanh nhẹn vung cánh tay trái lên quét thẳng về phía vai của Lữ Lân một chưởng. Thế chưởng ấy chính là thế Ngọc Thố Đảo Dược trong Thái Âm Chưởng Pháp. Thái Âm Chưởng gồm có tất cả chín thế, và trong chín thế đó, chỉ có Ngọc Thố Đảo Dược là dùng tay trái mà thôi.
Hơn nữa vì Thái Âm Chưởng Pháp lấy luồng âm lực làm căn bản, nên rất thuận tay trái.
Do đó, thế Ngọc Thố Đảo Dược thật ra là một thế tuyệt kỹ trong Thái Âm Chưởng Pháp.
Lúc bấy giờ hai người đứng rất gần nhau, nên Hàn Ngọc Hà vừa vung chưởng quét tới thì luồng chưởng lực âm nhu cũng giáng trúng thẳng vào bả vai của Lữ Lân ngay! Tuy Lữ Lân đã đề phòng trước, lúc nào cũng dồn chân lực xuống đôi chân, đứng vững trên chiếc cầu đá, song vì luồng chưởng lực ấy quá mãnh liệt, nên vừa bị đánh trúng vai là chàng bị đẩy ra sau một bước! Trong giây phút ngắn ngủi đó, Lữ Lân đã dùng thế võ thứ ba vung chỉ điểm tới. Thế võ ấy chính là thế Thập Diện Mai Phục, nên luồng chỉ phong liền bay tới điểm trúng thẳng vào Âm Cốc huyệt, chỗ nhượng của Hàn Ngọc Hà ngay.
Tuy giữa hai người không ai chiếm được ưu thế hơn ai cả, song vì địa điểm của họ đang giao tranh không phải đất bằng, mà trái lại, chính là trên một chiếc cầu đá vắt ngang hai ngọn núi bề rộng không quá nửa thước. Như vậy là Hàn Ngọc Hà đã bị thiệt thòi hơn đối phương rồi.
Lữ Lân mặc dù bị luồng chưởng phong âm nhu của nàng hất bay ra sau, song dù bị đẩy lui, thân người của Lữ Lân vẫn còn đứng vững được trên chiếc cầu đá. Trái lại khi Âm Cốc huyệt nơi nhượng của Hàn Ngọc Hà bị trúng luồng Kim Cang Thần Chỉ, thì nguyên bên chân trái của nàng liền tê dại. Âm Cốc huyệt là một huyệt đạo lệ thuộc vào Thủ Túc Âm Kinh nên cả thân người nàng cũng liền nghiêng hẳn về phía phải, loạng choạng như sắp rơi thẳng xuống biển đầy đá ngầm! Trong khi sự việc diễn biến cho Hàn Ngọc Hà như thế thì Lữ Lân cũng bị hất lui ra sau.
Do đó khi Lữ Lân vừa nhìn thấy thân người của Hàn Ngọc Hà nghiêng về một phía, trong lòng không khỏi kinh hoàng! Nếu Hàn Ngọc Hà trật chân rơi thẳng xuống biển, thì chắc chắn không thể sống sót được. Như vậy đáng lý ra Lữ Lân phải lấy đó làm chuyện toại nguyện mới phải. Nhưng không hiểu sao trong giây phút tối nguy hiểm đó, Lữ Lân đã nhanh nhẹn lao thoắt về phía Hàn Ngọc Hà, thò tay chụp chân trái giữ nàng lại. Nhờ thế Hàn Ngọc Hà đã gượng giữ thăng bằng được, không bị rơi thẳng xuống mặt biển. Sở dĩ Lữ Lân hành động như vậy là có ý muốn cứu nguy cho Hàn Ngọc Hà, nhưng chính chàng cũng không hiểu vì đâu mình lại làm như thế.
Giữa hai người vốn có một mối thù sâu sắc, gần như không đội trời chung. Hành động ấy của Lữ Lân đường khiến cho Hàn Ngọc Hà không sao ngờ đến được.
Lúc ấy vì Hàn Ngọc Hà đang lâm vào cảnh tối nguy hiểm, hơn nữa vì nàng bị bại dưới tay đối phương, nên lửa giận đang cháy bừng bừng, chẳng còn có sự xét đoán sáng suốt nữa.
Khi trông thấy Lữ Lân vừa lao về phía nàng, sợ Lữ Lân có ác ý, định xô bồi nàng xuống mặt biển nhanh hơn. Bởi thế nàng không cần nghĩ ngợi nhiều, vung chưởng dùng thế Bích Hải Thanh Thiên quét ngang ra nhanh như gió thổi! Thế chưởng ấy của Hàn Ngọc Hà vừa đánh ra thì nàng mới kịp thấy Lữ Lân thò tay chụp chân trái của mình giữ lại, với ý định giúp mình lấy lại thăng bằng, nên trong lòng kinh hãi. Nhưng vì thế chưởng ấy là một thế chưởng được dốc hết toản lực quét ra, dù muốn thu trở về cũng không còn kịp được nữa.
Bởi thế liền nghe Lữ Lân cất tiếng thở dài buông lỏng năm ngón tay đang chụp cổ chân trái của nàng ra, và thân người bị hất ra xa ngay tức khắc.
Hàn Ngọc Hà nhờ Lữ Lân kéo mạnh chân trái, nên đã được thăng bằng đứng vững vàng trở lại trên chiếc cầu đá. Trong lúc ấy lòng nàng cảm thấy hết sức hối hận trước thế chưởng vừa rồi.
Nàng vội vàng cúi đầu nhìn về phía mặt biển, nhưng vẫn không thấy hình bóng của Lữ Lân đâu cả. Bởi thế nàng hết sức kinh dị. Vì chả lẽ chỉ trong chớp mắt mà Lữ Lân đã bị vùi thây vào giữa dòng nước xanh biếc rồi hay sao? Khi nàng nghĩ đến việc đó, lòng rộn lên niềm đau xót. Tất cả những điều tị hiềm, oán hận đối với Lữ Lân từ trước đến giờ tự nhiên tiêu tán ngay.
Giữa lúc Hàn Ngọc Hà đang bàng hoàng chua xót, thì bất ngờ nàng nhìn thấy có hai cánh tay đang ôm choàng chiếc cầu đá.
Hàn Ngọc Hà hết sức vui mừng, vội vàng khom người nhìn xuống, thấy rõ ràng đấy là hai cánh tay của Lữ Lân đang giữ chặt chiếc cầu, trong khi thân người đang treo lơ lửng ở phía dưới. Trước mặt và sau lưng của Lữ Lân là một khoảng không rộng đến gần mười trượng, và ở dưới chân là một vùng biển lởm chởm đầy đá ngầm.
Thì ra vừa rồi Lữ Lân bị chưởng lực Hàn Ngọc Hà quét trúng vào người đã bị hất bay ra khỏi chiếc cầu đá ngay. Nhưng cũng may Lữ Lân là người có một trình độ nội công cao cường, kịp thời vận dụng chân khí bay vọt trở lên cao hai thước. Tuy nhiên lúc ấy chàng không thể vượt lên chiếc cầu đá, mà chàng đã kịp thời thò tay chụp trúng thân cầu rồi treo lủng lẳng giữa khoảng không.
Trong lòng chàng thật ra hết sức căm tức, về chỗ tại sao mình lại đi cứu nguy cho Hàn Ngọc Hà. Kịp khi chàng nghe tiếng kêu kinh hoàng của Hàn Ngọc Hà ở bên trên và một lúc sau vẫn thấy Hàn Ngọc Hà không có hành động chi nhằm sát hại mình, thì chàng mới nhận biết thế chưởng ấy của Hàn Ngọc Hà chính là vì nàng hiểu lầm dụng ý của mình khi tràn tới nên mới ra tay phản công như vậy.
Khi Lữ Lân nghĩ đến đó, trong lòng chàng tự nhiên thấy sẵn sàng tha thứ cho Hàn Ngọc Hà.
Chàng lại thấy Hàn Ngọc Hà khom người nhìn xuống rồi bốn mắt gặp nhau, tâm trạng của hai người lúc này thực rối rắm, không làm thế nào hiểu được họ đang suy nghĩ gì. Bởi thế đôi bên cứ đưa mắt nhìn chăm chú vào đối phương. Qua một lúc lâu, Hàn Ngọc Hà mới lên tiếng nói:
– Tiểu tử kia, tại sao ngươi lại cứu ta! Lữ Lân liền đáp:
– Con tiện tỳ kia, tại sao ngươi không đánh tiếp cho ta rơi xuống biển? Lúc ấy nếu Hàn Ngọc Hà muốn đánh bồi thêm để chàng rơi xuống biển thì thực dễ dàng như trở bàn tay. Nhưng Hàn Ngọc Hà vừa nghe qua lời nói ấy, đôi mắt liền đỏ hoe, hỏi:
– Tại sao ta phải đánh ngươi rơi xuống biển? Vừa rồi… ta tưởng ngươi đã rơi vào dòng nước sâu chết rồi, nên trong lòng ta hết sức đau khổ! Lữ Lân nghe thế liền cười, nói:
– Con tiện tỳ kia, tại sao ngươi lại lạ thế? Hàn Ngọc Hà cất giọng giận dỗi trách rằng:
– Tiểu tử kia, ngươi.. ngươi còn gọi ta như vậy hay sao? Vì đâu chưa chịu nhảy lên, bộ đeo lủng lẳng như thế mát lắm sao? Lữ Lân nói:
– Ngươi không tránh ra xa, thì ta làm thế nào lên được? Trong khi hai người đối đáp với nhau, tuy không ai nhân nhượng ai, nhưng thái độ không còn đối nghịch nhau như trước đây nữa.
Hàn Ngọc Hà đang cúi người nhìn xuống Lữ Lân, nên khuôn mặt hai người kề gần nhau, do đó đôi bên ngửi thấy được hơi thở của nhau, song họ vẫn tự nhiên, không cảm thấy khó chịu gì cả.
-oOo-
Hết chương 45